28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Về niềm đam mê và con đường phát triển cá nhân

Featured Image: Elizabeth

 

Hơn 70.000 cử nhân kỹ sư ra trường thất nghiệp hằng năm và một ẩn số còn lớn hơn nữa là số lượng những người trẻ ra trường đang làm việc không đúng với chuyên ngành được đào tạo là những con số thật sự gây sốc với những người đang quan tâm tới sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Trong khi hằng ngày, chúng ta phải đọc những bài báo ra rả nói về chuyện cải cách chất lượng giáo dục, trong thi cử, áp lực giảm tải và rất nhiều những lời chửi bới tới những nhà làm giáo dục ở Việt Nam.

Có một câu nói của người xưa rằng: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.” Nếu được đặt ra một câu hỏi với 70.000 con người kia thì tôi muốn được hỏi liệu các bạn có đam mê với ngành nghề các bạn đã chọn chưa?

Có một sự thật đáng buồn là từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi biết nhiều bạn bè của mình đã sai lầm trong việc định hướng nghề nghiệp của riêng mình. Họ không hề xác định được việc họ đam mê cái gì, muốn làm cái gì, và họ, những người sinh viên học Quản trị kinh doanh không thể định nghĩa được Quản trị kinh doanh là gì, học ra để làm gì, họ chỉ biết học và ra trường rồi xin việc, giống như những bộ não được lập trình sẵn bởi các lập trình viên là gia đình, bạn bè và xã hội. Chưa một lần họ dừng lại và tự ngẫm xem mình có đam mê thứ mình đang học không hay mình muốn trở thành cái gì sau khi ra trường.

Có một câu chuyện như thế này:

Người bạn của tôi thời phổ thông là một học sinh với kết quả rất xuất sắc, đến nỗi trong giấc mơ thì tôi cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện điểm tổng kết Toán Lý Hóa của tôi sẽ bằng cậu ấy. Cậu ta là người hoàn hảo trong mắt thầy cô, gia đình, bạn bè, vì học tốt khối A nên cậu ấy quyết định sẽ thi một trường đại học hàng đầu Việt Nam trong một khoa chuyên ngành về kinh tế có điểm sàn cao nhất trường vì đơn giản bạn ý nghĩ đó là khoa tốt nhất của một trường tốt nhất, nó xứng đáng với học lực của cậu ấy và giúp cậu ấy cùng gia đình tự hào với tất cả mọi người mà chưa một lần tự hỏi xem bản thân mình muốn trở thành gì trong tương lai, mình đam mê cái gì và muốn theo đuổi công việc gì. Kết thúc kỳ thi, cậu bạn tôi đã đỗ trong niềm hân hoan của gia đình và bạn bè và bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình. Hai năm sau trong một lần gặp lại người bạn cũ, cậu ấy chia sẻ với tôi rằng học đại học thật sự nhàm chán và khó khăn, không còn những con số toán học, công thức vật lý, phải làm quen với những khái niệm về kinh tế học mà còn chẳng biết nó là cái gì trong một chương trình đào tạo lạc hậu và những thầy cô nhàm chán. Điều mong muốn duy nhất của cậu ấy là ra được trường với tấm bằng và xin được một công việc sau này.

Câu chuyện trên chắc hẳn là không xa lạ với nhiều bạn trẻ hiện nay, rất nhiều câu hỏi ngô nghê từ các bạn trẻ hiện này là học nghề hay học đại học, chọn trường dựa trên danh tiếng hay học lực, thi khối này dễ xin việc hay khối kia … Với tôi đó là những câu hỏi hết sức sai lầm từ trong bản chất nhận thức của người học trong việc định hướng bản thân trên con đường phát triển sau này.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi đổ lỗi các nhà hoạch định giáo dục, hãy dành lại một khoảnh khắc để nhìn lại bản thân xem bản thân mình đã thật sự cố gắng với những gì mình đang theo đuổi chưa hay vẫn là những suy nghĩ đơn giản trong việc định hướng nghề nghiệp.

Với quan điểm cá nhân, việc đầu tiên với mọi bạn trẻ là các bạn cần phải chủ động tìm hiểu xem mình mạnh điểm gì, muốn làm cái gì trong tương lai, bạn muốn trở thành một người trong lĩnh vực nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin hay đơn giản chỉ là một anh thợ cơ khí. Bạn cần phải đứng lên chính kiến của mình rằng đó làm đam mê của tôi, tôi không thể hạnh phúc nếu không được khám phá nó và dù cả thế giới có quay mặt đi thì tôi vẫn kiên cường nghiên cứu thứ mà tôi đam mê vì tôi hạnh phúc với nó, đó là cuộc sống của tôi.

Thời còn phổ thông, tôi là một cậu học trò cá biệt với học lực trung bình khá, khả năng của tôi khó có thể học những trường danh tiếng tại Việt Nam nên tôi luôn xác định chỉ cần học ở một nơi, bất kể công lập hay tư thục, danh tiếng hay bình thường, miễn là tôi có thể theo đuổi niềm đam mê về kinh tế học của mình. Tôi đã lặn lội viết thư tay tới trưởng khoa từng trường đại học để xin danh sách các môn học, họ đều gửi thư lại cho tôi kèm theo nhiều tài liệu đào tạo bổ ích mà giúp tôi biết được tôi sẽ phải chuẩn bị những gì trong tương lai khi tôi bắt đầu làm sinh viên. Tất cả những điều đó đã giúp tôi có được sự chuẩn bị vững chắc nhất cho con đường đi đầy khó khăn của mình sau này. Tôi là vậy, tôi không mong sẽ được học ở những giảng đường danh giá, tôi chỉ quan tâm và hứng thú với những gì mình thích mà thôi.

Biết được điểm mạnh và ngành mình đam mê, các bạn cần lên danh sách tất cả những cơ sở giáo dục có đào tạo ngành nghề đó, rồi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những trường đại học bạn đủ khả năng học lực để thi vào đó và chuẩn bị các kiến thức để đi thi thôi. Một khi bạn đã xác định được đâu là niềm hạnh phúc của mình, bạn sẽ không còn bị thụ động bởi những yếu tố như giáo trình, môi trường giáo dục hay thầy cô bởi xung quanh còn internet, còn hàng tá các câu lạc bộ trong từng lĩnh vực, báo chí, truyền thông là một thư viện cực lớn để bạn thỏa chí đam mê của mình. Không quan trọng bạn học ở đâu, chỉ cần học đúng ngành bạn thích và trở thành người giỏi nhất, thành công trong sự nghiệp sẽ đến với bạn. Còn đến đây tôi nghĩ rằng bạn cũng chẳng cần quan tâm thành công lắm đâu, vì bạn đang rất hạnh phúc, hạnh phúc với thứ mình đam mê theo đuổi.

Chúc cho trái tim của những con người trẻ sẽ luôn nhiệt huyết với đam mê của mình để không còn những con số buồn cho cộng đồng giới trẻ Việt.

 

Patrick

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

32 BÌNH LUẬN

  1. Một điều nữa là, cha mẹ cũng là một phần quan trọng trong việc định hướng, giáo dục con cái.
    Còn mình nhận thức được hay không thì cũng tùy thuộc vào môi trường sống xung quanh nó thế nào.

  2. Mình đã đi làm 3 năm và may mắn đã tự tìm thấy đam mê trong công việc (dù không phải 100% ở công việc hiện tại). Mình đã và đang dần hoàn thiện những kỹ năng mình cho rằng phù hợp với công việc yêu thích để thỏa sức đam mê và hạnh phúc như Patrick đã nói.

    Nói về đam mê mình xin chia sẻ một câu chuyện bản thân và liên quan đến việc học tập và
    khơi dậy niềm đam mê với các em học sinh Phổ thông.

    Trước mình có một thời gian dạy gia sư cho 1 số nhóm lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp 3 (mình học Kinh tế Xây dựng – không theo ngành sư phạm) nhưng với mình năm đầu tiên làm gia sư thật tuyệt vời, mình thực sự yêu thích công việc đó, nó giúp mình kiếm được tiền trang trải nhiều thứ, nhưng cái mình muốn nói là mình sẵn sàng bỏ thời gian, công sức cùng suy nghĩ, tìm ra cách xử lý bài tập (toán lý hóa) một cách nhanh nhất, hoặc dễ hiểu nhất cho các em học sinh. Mình cảm thấy thực sự rất vui khi “Việt hóa” được các định lý hoặc công thức máy móc của các môn tự nhiên này. Ở lớp học sinh khá nhất các em đã nắm bắt và hiểu khá nhanh và hào hứng với phương pháp làm mới các định lý của mình (Mình nghĩ đó là tiền đề khá tốt để mình phát triển trong mảng nghiên cứu và biết đâu có thể cải cách giáo dục – có lẽ hơi quá nhưng mình đã nghĩ và mong muốn làm như vậy. Hoặc chí ít nó như vũ khí bí mất của mình để duy trì niềm đam mê công việc làm thêm thời Sinh viên này.
    Thế nhưng khi mình mang sang áp dụng cho một lớp các em yếu hơn, thực sự các em lại có suy nghĩ thôi học sách giáo khoa còn chưa xong, hơi đâu mà học thêm những cái ngoài sách hoặc lại sợ không áp dụng được với bài tập trên lớp. Đến lúc này mình thấy có lẽ mình đã tiếp cận sai mục tiêu, đồng thời cũng triệt tiêu niềm “đam mê” nhất thời của mình. Từ đó thực sự mình mất hết động lực, đi dạy được thêm gần 1 năm nữa và mục đích chính chỉ còn là để có thêm thu nhập. Sau này có 1 vài lớp người quen nhờ dạy nhưng mình không còn hứng thú để nhận lời. Và có khi chính các em học sinh cũng không thích học Gia sư mà không còn nhiệt huyết nữa. Đây là thời điểm mình đã thực sự ném đi tất cả “niềm yêu thích” cũng không phải nhỏ này.
    Kết lại đây chỉ là câu chuyện mình chợt khơi dậy niềm đam mê trong bản thân, nhưng chưa phải say mê nó nên cũng không khó bị vuột mất. Hiện nay mình đang hướng đến một đam mê thiết thực cho công việc hơn, hy vọng ngày mình thực hiện được nó và sẽ quay trở lại đây để chia sẻ thêm với các bạn. Gửi lời chúc cho tất cả các bạn tự mình khám phá được những “chỉ số say mê” PQ cao nhất của mỗi người và chấp nhận rủi ro để hướng đến cái “hạnh phúc” về mặt công việc trước khi nghĩ đến thành công về mặt danh vọng.
    Thân ái !!!

  3. thiết nghĩ thế này. Cũng không hẳn là xã hội thiếu việc làm mà là trình độ của các cử nhân chưa đạt tiêu chuẩn của các nhà tuyển dụng . Không ai muốn trả chi phí chết cho những người trình độ kém. Mà tại sao lại kém nhỉ? đúng ý tác giả rồi 😀

  4. Cũng một phần do việc hướng nghiệp của gia đình và nhà trường chưa được chú trọng lắm, trẻ em chỉ biết lao đầu vào học tập mà không có mấy mục tiêu và ước mơ trong cuộc sống.
    Cảm ơn bài viết của bạn rất hay !

  5. Theo quan điểm của tôi, có một tỷ lệ phần trăm rất lớn trong tổng số tất cả các bạn đang học cấp 3 bây giờ không hề biết đam mê của mình là gì, điều đó dẫn đến việc họ không có khả năng định hướng nghề nghiệp. Tác giả bài viết nói rất đúng: “họ sai lầm trong việc định hướng nghề nghiệp”; nhưng vì sao “NHIỀU” thế hệ học sinh Việt Nam chúng ta lại “SAI LẦM” ? Thiết nghĩ, nếu tác giả có thể viết thêm một bài viết về vấn đề này thì thật là tuyệt vời. Liệu cái “SAI LẦM” đó là do bản thân họ, hay còn “yếu tố” khác ? Bởi vì bài viết của tác giả có đề cập đến việc “CHỦ ĐỘNG”, nhưng tại sao học sinh lại “THỤ ĐỘNG”, cái “THỤ ĐỘNG” này tại sao lại trở thành một yếu tố mang tính hệ thống cho nhiều thế hệ học sinh chứ ?

    • Học sinh bây giờ vẫn nghĩ lên học đại học là để tiếp nối những năm tháng chiến đấu dành thành tích như 18 năm vẫn học, chứ chưa nghĩ là bước đệm để đi làm. Những ai may mắn chọn vào trường đúng sở thích hoặc có tính thích nghi tốt với thay đổi thì sẽ sẽ học được, không thì đâm ra chán nản.

  6. “Tôi đã lặn lội viết thư tay tới trưởng khoa từng trường đại học để xin danh sách các môn học, họ đều gửi thư lại cho tôi kèm theo nhiều tài liệu đào tạo bổ ích mà giúp tôi biết được tôi sẽ phải chuẩn bị những gì trong tương lai khi tôi bắt đầu làm sinh viên” Dám nghĩ khác và làm khác. Rất ấn tượng!

  7. ” Tôi đã lặn lội viết thư tay tới trưởng khoa từng trường đại học để xin danh sách các môn học, họ đều gửi thư lại cho tôi kèm theo nhiều tài liệu đào tạo bổ ích mà giúp tôi biết được tôi sẽ phải chuẩn bị những gì trong tương lai khi tôi bắt đầu làm sinh viên. ”
    Bạn là một người đầy cam đảm và nhiệt huyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI