27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chuyện về những bộ phim cuộc đời

Featured Image: Vivienne Gucwa

 

“Bi kịch cuộc đời chính là ta sống chỉ để cho người khác xem và rồi ngồi xem người khác sống” – Khuyết danh

Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những hoàn cảnh, ngoại hình, điều kiện và các mối quan hệ đặc biệt mà không ai có thể thay thế được mà họ có quyền điều khiển. Tôi gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim, những bộ phim cuộc đời, của mỗi người, của bạn và của tôi. Theo đó thì bất cứ ai trên đời này cũng đều có bộ phim của riêng mình. Trong bộ phim đó, chúng ta vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí cũng là khán giả nữa. Nhưng có một sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình, dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của những người khác, từ người thân quen, người xã giao và đôi khi là những người hoàn toàn xa lạ.

Việc làm khán giả tình nguyện cho những người khác là một thói quen nguy hiểm, nó không chỉ làm bạn hao phí nhiều sức khỏe, thời gian, tinh lực, hơn nữa, nó còn khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi người khác và rồi bị động luôn cả với chính cuộc đời mình. Mỗi ngày nhờ internet bạn biết được bao nhiêu chuyện “hay ho” trên toàn thế giới, từ cô nàng minh tinh màn bạc Hollywood lộ hàng khi dạo phố cho đến anh nhà quê tung clip âm nhạc mới, từ cô hot-girl khoe đường cong cho tới anh chàng trẻ tuổi công khai làm lành với vợ. Thừa nhận đi, một ngày bạn đọc bao nhiêu tin tức kiểu này? Kiểu làm khán giả tình nguyện vô hình cho những trò lố lăng vô bổ ngập tràn các kênh tin tức. Cứ thế, bạn định sẽ đóng vai quần chúng trong cuộc đời người khác đến bao giờ? Cứ vậy, cuộc đời bạn ai sẽ đóng thay đây?

Nếu nói mỗi cuộc đời là một bộ phim, thì mỗi giai đoạn chúng ta đang sống sẽ là một tập phim riêng lẻ. Tập phim thời thơ ấu, tập phim thời học sinh trung học, tập phim cuộc đời sinh viên, tập gầy dựng sự nghiệp, tập phim tình yêu, gia đình và tuổi già… Bạn đang ở tập nào của bộ phim cuộc đời mình? Những tập trước có gì thú vị và đáng xem không? Hay tất cả đều trôi qua nhàn nhạt, kiểu một cô sinh viên ngủ tới trưa chiều đi học tối về đi chơi, kiểu một anh nhân viên văn phòng sáng cơ quan chiều quán nhậu, một ông chồng yêu tivi hơn vợ, yêu công việc hơn gia đình, yêu trái banh tròn hơn con cái?

May mắn làm sao, nếu như những tập trước trong bộ phim của bạn nhàm chán và dở ẹt, thì bạn vẫn có cơ hội làm cho nó hay ho và thú vị hơn với tập mà bạn đang sống, và cả những tập sau này. Phim của bạn, cho dù dở, cũng sẽ không bị ngừng chiếu ngay như các bộ phim truyền hình trên tivi. Và bạn vẫn còn cơ hội. Còn nếu như bạn muốn cả cuộc đời mình trôi qua nhàm chán không có gì hay ho thì… ok không sao cả. Vì như tôi đã nói, bạn có toàn quyền điều khiến cuộc đời mình mà. Chẳng mấy ai có bộ phim mà tập nào cũng thú vị, chúng ta cũng không nhất thiết phải làm cho cả cuộc đời của mình giai đoạn nào cũng cam go hứng thú, nhưng ít nhất, hãy có trách nhiệm ở tập phim bạn đang sống, đừng tẻ nhạt mãi, có khó quá không?

Chuyện gì sẽ xảy ra cho một thế giới không hề biết “diễn”?

Hẳn sẽ có người nói: “Không, tôi sống là sống, cuộc đời tôi không phải phim và tôi không phải diễn viên.” Rồi thì: “Đời không trả catse nên hãy cứ sống mà không cần phải diễn.” Hãy bỏ ngay câu nói nhảm nhí ấy đi, người nói câu nói đó ra chỉ là trong phút giây tức giận hoặc mỉa mai ai đó về cách sống không thực, nếu nghĩ kỹ càng, đó là một câu nói vô cùng ấu trĩ. Chẳng ai trên đời này có thể sống mà không ít nhất một lần diễn: Đôi khi là một lần giả tạo, một lời nói dối, ngụy biện, một hành động che dấu đi cảm xúc thật trong lòng. Bởi lẽ một thế giới mà chúng ta hoàn toàn sống thật với nhau thì hẳn sẽ vô cùng lố bịch: Tưởng tượng cảnh bạn đến tiệc cưới của một người bạn, chúc họ hạnh phúc không quên câu giải thích: “Tao chúc vậy thôi chứ thật ra chả quan tâm gì hạnh phúc của tụi mày, coi chừng mấy bữa lại chia tay giờ. Dạo này cưới xin nhiều tốn kém chết đi được, cơ mà sao cô dâu xấu quá thế? Mỏ vàng à? À quên, món hôm nay hơi bị dở nhé, rút kinh nghiệm lần sau đi.”

Hoặc là: “Mẹ hả, không con không về thăm nhà được đâu, tại công việc bận rộn một phần thôi nhưng quan trọng là tại con lười đi xa lắm, còn phải đi nhậu với đám bạn và đi chơi với bạn gái nữa mẹ ạ.” Xong rồi thì bác sĩ sẽ thành thật thế này: “Chào bệnh nhân, tôi có tin buồn, bệnh của anh vô phương rồi, anh sắp chết, chỉ sống được một tháng nữa thôi, hãy về nhà mà lo hậu sự đi.” Lại còn đứa bạn thân: “Mày mới bị đá à? Đáng đời chưa con, cái thằng đấy có ra gì đâu mà cứ đu bám mãi, bị đá cho sáng mắt ra nhá. Ngu cho chừa đi, khóc lóc gì.”

Đấy, thử hình dung một thế giới mà mọi người đều “thẳng thắn, thật thà, dũng cảm” với nhau như thế thì sẽ ra sao? Cơ mà đôi khi cũng hay, lối sống này có thể dạy cho chúng ta cách kiên cường đối diện sự thật, nhưng tin tôi đi, một thế giới “phẳng lì” như thế sẽ không tồn tại, ít ra vài trăm năm nữa. Thế nên còn sống trên đời này, thiên niên kỉ này, muốn yên ổn, bạn phải diễn. Và diễn không có nghĩa là hoàn toàn giả tạo, chỉ đơn giản là che dấu một chút cảm xúc và suy nghĩ thật sự sâu trong lòng riêng mình ta biết mà thôi. Có thể bạn không biết, có thể bạn lờ đi và đôi khi bạn cố chấp không muốn thừa nhận, nhưng sự thực thì chúng ta đang “diễn” rất nhiều điều, nhiều hơn ta có thể hình dung nữa. Không hề gì đâu. Ta có quyền làm điều đó, vì không chỉ là diễn viên, ta còn là đạo diễn cho cảm xúc của mình nữa cơ mà.

Catse cuộc đời

Rồi thì, ai nói đời không trả catse? Catse của cuộc đời khác lắm, nó không chỉ đơn giản là tiền, nó còn là trăm ngàn thứ khác được ngụy trang bằng những lời cảm ơn, những mối quan hệ, cảm giác thanh thản. vân vân… sẽ được trả cho bạn trực tiếp hay gián tiếp, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Với điều kiện là hãy diễn trong bộ phim của bạn, làm cho nó hấp dẫn và có ý nghĩa với người khác, rồi thì bạn sẽ được trả công, chứ đừng chăm chăm nhảy vào bộ phim của người ta mà quậy nhé, không ai trả công đâu! Nếu bạn diễn vai đạt đến mức mọi người đều yêu mến, thì bạn thành công rồi, đời sẽ trả công cho bạn. Còn nếu bạn diễn vai xấu đạt đến mức ai cũng căm ghét, thì bạn cũng thành công luôn, khi đạt được mục tiêu của mình. Chắc chắn một người phải có mục tiêu ghê gớm mới có khả năng diễn vai phản diện đạt đến thế, đúng không?

Vai chính – vai phụ

Còn chuyện này nữa, bạn biết đấy, theo nguyên tắc của bộ phim cuộc đời. Vì bạn là đạo diễn bộ phim của bạn, nên hãy luôn nhớ rằng, bạn có quyền cho ai đó làm diễn viên chính trong phim của bạn, hoặc chỉ cho phép họ làm diễn viên phụ mà thôi, cá biệt có những người đáng ghét vô cùng, hãy chỉ đơn giản xem họ như một vai quần chúng bé nhỏ. Nếu như chỉ vì một câu nói châm chọc của ai đó mà khiến cho bạn bận tâm phiền não, thì bạn đang để họ đạo diễn bộ phim của mình mất rồi. Tất cả những ai bước qua đời bạn, sẽ đều là diễn viên phụ và bạn có quyền quyết định sẽ cho họ ở bên mình, hoặc tiễn họ vào dĩ vãng mãi mãi, bạn có quyền quyết định cho ai đó bước tiếp bên đời bạn, và quyết định ai đó phải tránh sang một bên. Tất cả đều là quyền của bạn. Hãy nhớ tuyệt đối đừng để ai điều khiển cuộc đời của mình. Bạn bị cô lập, bạn bị tổn thương, bạn bị xúc phạm, bị phản bội… những cảm xúc tiêu cực đó không dễ chịu chút nào, nhưng bạn được quyền quyết định mình sẽ làm gì với nó, vượt qua nó hay bị nó quật ngã. Hãy nhớ lấy một câu nói kinh điển này: “Không ai có quyền làm cho bạn tổn thương, trừ khi chính bạn cho phép họ làm điều đó.” Nhớ nhé!

Còn nếu như ai đó gạt bạn ra cuộc đời của họ, hãy chấp nhận trong vui vẻ, vì bạn có quyền quyết định cuộc đời bạn, thì họ cũng có quyền quyết định cuộc đời họ thôi. Họ không muốn bạn làm vai chính trong cuộc đời họ, thì đừng cố chấp làm gì. Hãy tìm một người khác, một người muốn bạn cùng nhau tạo nên một bộ phim tuyệt vời. Đừng bắt ép ai đó phải cho bạn làm vai chính trong bộ phim của họ vì bạn không có quyền đâu. Thế giới còn cả ngàn cả tỉ bộ phim khác để bạn cùng tham gia cơ mà. Hãy chấp nhận!

“Nếu cuộc đời là một bộ phim, hãy làm cho nó đáng xem”

Sau này khi bạn già cả và về hưu, không còn đủ sức khỏe để làm mọi việc, không còn đủ nhanh nhạy để quan tâm từng hành động của con cháu. Lúc đó, bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian để ngồi suy ngẫm, về cuộc đời, để hồi tưởng lại từng thước phim bạn đã đóng trong suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tưởng tượng đến lúc đó, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ hài lòng về cuộc đời của mình, hay chỉ là chuỗi dài những tiếc nuối, sao mình không sống khác đi, sao mình không làm thế này, ước gì mình đã làm thế kia… Có câu nói rằng: “Nếu cuộc đời là một bộ phim, hãy làm cho nó đáng xem.” Vậy bạn đã làm cho cuộc đi bạn đáng xem chưa? Hoặc bạn có kế hoạch gì cho nó đáng xem hơn chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc tự viết kịch bản cho cuộc đời của mình đi. Và sau này nhìn lại bạn sẽ đánh giá được cuộc đời mình có như mình mong đợi không. Mình đã làm tốt những phần nào? Bạn biết đấy, một câu chuyện về nhân vật bình thường nhỏ nhoi nhưng hấp dẫn cũng có thể trở thành phim bom tấn, nhưng một bộ phim nhàm chán không để lại bất cứ ấn tượng gì thì sẽ là thảm họa. Và rồi nếu như một ngày tình cờ trong tương lai, bạn được ông đạo diễn nào đó mua bản quyền cuộc đời bạn để dựng thành phim. Bạn có sẵn sàng?

 

Phi Tuyết

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. He, theo tôi thì, nếu khi ta bị xúc phạm hay gì gì đó, ta có nhiều lựa chọn lắm!
    Hãy hiểu rằng, khi sống thẳng với nhau, thì là đang bỏ qua cảm xúc, còn sống mà giữ lấy những chuyện buồn, là vẫn có cảm xúc, đơn giản vậy thôi!
    Khi không có cảm xúc thì anh trở nên quyết đoán và nhanh nhậy hơn, thậm chí là chẳng có gì để mà phải hối hận!
    Còn khi mà anh đã có cảm xúc dù theo bất kỳ kiểu gì, thì anh còn hối hận!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI