Photo: Brien Aho
Cả nhân loại này đều biết tri thức là sức mạnh, là kho tàng, là châu báu, vậy nên đừng có ai cố chứng minh nó là thật nữa, bởi vì nó đã thật lắm rồi. Tôi cũng như bao người khác, hiểu chứ, rằng phải học mới có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình, dù là ở phương diện nào đi nữa. Nhưng tôi sẽ bác bỏ, thậm chí phê phán cái thói nhân danh chính nghĩa để trục lợi một cách không thương tiếc là “ép” con người ta đi học.
Chưa bao giờ tôi nghĩ con người sinh ra “phải học” cả, cũng như phải là thứ gì đó trên đời. Đúng là chuyện học rất quan trọng, quan trọng vô cùng thật đấy, nhưng nếu người ta bị “ép” để phải học, đó là tội ác. Và đừng cố phân biệt giữa tội ác ghê tởm và tội ác nào bớt ghê tởm hơn. Tội ác nào cũng là tội ác cả.
Con người! Nói cho cùng tận, sinh ra để làm gì? Đã lỡ sinh ra trên cái cõi đời này, biết còn để làm gì hơn là để sống cho tốt, để tận hưởng cái cuộc đời này? Và có nhiều người lôi từ đâu ra cái tư tưởng lệch lạc rằng “tận hưởng” là xấu xa, là lười biếng, là hưởng thụ, là đáng chê trách? Có phải vì cái lẽ đó, người ta đã tự tạo thêm một số thứ khác để cảm thấy rằng mình “thần thánh” hơn, rằng mình “người” hơn, rằng mình “đẹp” hơn? Đó là khi người ta bị bắt phải đi học cũng như biết bao thứ khác từ cả thảy các nền truyền thống, văn hóa trên thế giới?
Cả đất nước đang bước vào giai đoạn của chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách giáo dục, của những tiếng than từ các em học sinh, của những góp ý từ các bậc trí thức để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Bởi vì sao thế? Bởi vì nền giáo dục của đất nước đã quá cổ lỗ sĩ, coi trọng hình thức, từ nhà tuyển dụng cho đến các bậc phụ huynh.
Không biết kết quả cải cách sẽ ra sao, nhưng tôi tự hỏi, các em sinh ra để làm vật thí nghiệm hay sao? Để rồi nếu thí nghiệm có không may chẳng thành, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các em ư? Cải cách, ngày một nhiều bất cập hơn chứ không hề ít đi. Và tôi thấy các em học sinh tiểu học phải mang những chiếc cặp nặng đến vài ký lô trên cái thân hình bé nhỏ của trẻ em Việt Nam. Một số chịu không nổi, phải mua cặp có 2 bánh xe kéo đi. Tôi không nghĩ chuyện học lại trở nên nặng nề đến vậy, và các bậc phụ huynh phải đưa rước con em đến say xẩm. Không những đưa rước, còn phải lo cho con em vào cấp 1 trường đẳng cấp quốc gia, cấp 2 trường chuyên, cấp 3 trường tuyển, đại học quốc gia.
Chúng ta là những cổ máy, hãy thành thật nhận thức điều đó một cách dũng cảm. Tôi có thể lên lịch cho TV sau 5 phút sẽ tắt, và các bạn sẽ lên lịch cho các em, những đứa trẻ kia, phải học thêm này, phải học ngoại ngữ nọ, phải điểm cao môn kia, phải biết về tin học, phải đậu vào trường chuyên. Rằng bao nhiêu tuổi đậu đại học, tốt nghiệp đại học, làm gì. Tôi đang cố ý nói đến số đông, xin đừng bảo quơ đũa cả nắm. Càng tệ hại hơn nếu bạn nói đó chỉ là số ít.
Chúng ta, những người lớn thật là vô tư và ngày càng thiếu trách nhiệm. Không những thế, chúng ta còn hèn nhát trong việc thừa nhận lỗi lầm của mình khi đem các em ra làm vật thí nghiệm cho cái hệ thống giáo dục ngày càng nhiều bất cập hơn này. Chúng ta thích gửi các em vào nhà trẻ, vào các trường học, thậm chí là trường nội trú, để chúng ta rảnh tay, để chúng ta khỏe, để chúng ta có nhiều thời gian hơn để làm việc, để kiếm tiền, để lo cho cuộc sống của con sau này. Cao cả quá đi, cha mẹ kiếm tiền cho con đi học, con đi học trong sự chán ngán mỗi ngày, trở thành một cỗ máy, một con vẹt, tiền bạc bị phí phạm, công sức lao động để có tiền rốt cuộc bị ngốn hết bởi hệ thống giáo dục ép buộc vô ích này.
Trẻ em bị ép học, đó là một thực tế, và dù bạn có chấp nhận thực tế hay không, nó vẫn là thực tế. Có bao nhiêu trẻ em cảm thấy hạnh phúc khi được đi học, có bao nhiêu trẻ em thấy muốn được chơi thêm, bắn bi, thả diều, vẽ, hát thêm? Đã có ai làm khảo sát chưa? Và đừng cố chống chế với tôi là chúng ta không đủ cơ sở vất chất, bởi vì trẻ em không cần cơ sở vật chất. Vẽ, hát, bắn bi, chơi đùa, không cần phải xây dựng thêm cơ sở vật chất.
Và vì trẻ em bị lập trình bởi những người lớn, chúng trở thành những cổ máy. Chưa bao giờ được tiếp xúc với tâm hồn đích thực hay thiên nhiên vĩ đại. Chưa bao giờ có đủ thời gian để đọc một cuộc phiêu lưu, thay vào đó là những quyển sách giáo khoa đầy tính hàn lâm, giáo điều. Chưa bao giờ gặp những trường hợp đáng để khóc, nước mắt chưa bao giờ được chảy vì cảm động, có chăng là vì đau khi bị té ngã. Và khi những đứa trẻ được nuôi dưỡng như thế, tâm hồn chúng rỗng tuếch, nhưng với cái tâm trí đầy chất chứa, đến mấy giờ là học bài, mấy giờ xem TV, mấy giờ đi ngủ, mấy giờ đến trường. Con người cho đó là kỷ luật, tôi cho đó là những cỗ máy, không thể nào con người lại trở thành cỗ máy được.
Và do đó, ép học làm tâm hồn con người xơ cứng, vì đã mất đi cái bản chất của nó: TÒ MÒ. Bạn không thể bắt tất cả mọi người đều tò mò giống nhau được, hay tò mò cùng một lúc trong ngày được. Càng tồi tệ hơn khi trong những quyển sách giáo khoa không đủ thông tin để giải thích cho tính tò mò đó thay vì những kiến thức trên trời chả bao giờ được ứng dụng.
Rốt cuộc, chúng ta bị ép học, là bởi vì học để dễ sống hơn, kiếm được tiền nuôi miệng, và quanh đi quẩn lại chỉ có nhiêu đó. Tôi cũng bác bỏ luôn cái ý kiến phải lo được miệng ăn của bản thân rồi mới nên học cao lên, bởi vì như thế quá trễ, trẻ em phải được học như những gì chúng thích, nếu không, xem chúng ta có gì, rất nhiều những người lớn đi làm trong sự vô thức, chờ đèn đỏ trong mệt mỏi, chẳng còn tò mò gì về cuộc sống. Điều mà những người mất đi tính ham học không phải chỉ là mất đi kiến thức mà còn là cả sự phớt lờ với thực tại. Bởi vì họ quá mệt, họ không có thời gian nào ngoài làm việc và ngủ.
Con người được giáo dục: Đi học để cống hiến cho thế giới. Và với cái tư tưởng đó, người ta quần quật làm từ sáng tới tối, nhiều người chẳng thích thú gì với việc họ đang làm, giống y như ngày bé họ bị học những gì họ không thích học. Tôi cho rằng sống như thế là vô nghĩa. Nhắc lại quan điểm chính, con người sinh ra không phải để cống hiến cho xã hội, không phải để buộc phải học hành, và tôi luôn trung thành với quan điểm này. Xã hội bị thiếu thốn, mất cân bằng do những thế hệ trước làm nên, và bắt các học sinh phải bù vào, phải cống hiến để cái thế giới đẹp hơn, bởi vì ngay từ đầu nó đã sai rồi.
Người ta sinh ra chả cần phải có thêm tư chất này, phẩm chất nọ, tài năng kia, bởi vì họ đã vốn có sẵn trong người rồi, và đáng buồn là nó đã bị thui chột, bị chôn vùi. Người ta sinh ra chỉ cần được tự do. Với cái tâm luôn tò mò của trẻ em, với những khả năng vô hạn của trẻ em có, hãy để chúng được làm những gì chúng thấy yêu thích. Và thế giới sẽ không cần đến cái khái niệm “cống hiến thế giới”, “trách nhiệm quốc gia” gì cả. Khi trẻ em được tự do, được khuyến khích phát triển, được làm những gì chúng yêu thích, thế giới sẽ tự khắc được xoa dịu, và từ đó không cần phải cố gắng để sửa chữa những lỗi lầm vớ vấn mà trước giờ con người vẫn sinh ra.
Chả có chuẩn mực nào cho việc phải đến trường, phải có bằng cấp hay phải học để cống hiến gì ở đây cả. Thế nên, đừng sống theo cách bắt ép để rồi tước đi tự do của trẻ em.
Ép học là tội ác, tội ác với trẻ em, và đó là lý do gây nên sự rối loạn của thế giới…
Xin đừng tiếp tục như thế nữa!
-Lục Phong-
Xem thêm:
1/ Heal the world – Michael Jackson (Bài diễn lớn nhất ở sân vận động 1993)
tóm ý bài viết lại là : học tập phải được xây dựng trên cái tâm, nền tảng cho sự phát triển tự do và sáng tạo của mỗi cá thể chứ không phải một bộ máy đào tạo nên những cỗ máy rập khuôn….không ép học, mà hãy dạy chúng cách để yêu việc học.
Bản thân mình là người đã học , đang học và sẽ tiếp tục học .. Tác giả dùng ” Ép học là tội ác ” là hoàn toàn sai . Cái gì cũng có hai mặt của nó , ba mẹ ÉP chúng ta học không thể nói là tội ác vì trong số chúng ta hẳn ai cũng biết cái ÉP đó mục đích là gì ?Quan trọng là liệu chúng ta có dám bày tỏ quan niệm cũng như suy nghĩ của mình cho ba mẹ biết hay không mà thôi ? ^_^ – Còn riêng bản thân mình thì việc học là do mình tự muốn học … Vì tương lai mà ^_^
Tác giả phán chuẩn , bản thân mình này đã bị ép 2 lần mình đều trải nghiệm hết này. Lần 1 là khi học võ mới đầu thấy thích tập theo ý mình nên cơ thể phá triển khỏe mạnh , về sau thằng cha thầy ép quá nên cơ thể mình bị suy nhược cmn luôn ==”, h mình bỏ . Lần 2 là khi vào lớp 10 mình còn ham học tự giác nên điểm số khá cao thuộc top 5 , nhưng lên lớp 11 bị nhồi nhét học thêm này nọ bản thân mình chả muốn học tý nào chỉ học để cố gắng giữ thành tích ==> kết quả là năm 11 , 12 đứng kế thằng chót lớp -_-. Đấy cái gì mình tự làm vì muốn làm , thích làm thì làm tốt . Còn 1 khi đã làm vì bị ép buộc hay vì mọi lý do khác ngoài sở thích ==>thất bại khá thảm.
Hay. Hôm nào café nhỉ? 🙂
Trẻ em giống như những cây còn non, việc học(giáo dục) là để chúng vươn lên một cách “tốt đẹp” chứ không phải vươn lên một cách vô tội vạ. Khi mà trẻ em được tự do quá đà như trong bài viết nói(được học những gì chúng thích…) thì đó lại là một sự nguy hiểm cực kỳ, trẻ em ít nhất đến tuổi 14-15 chúng cũng chưa nhận thức được thế nào là đạo đức, luân lý, hay nhiều thứ khác, giống như những cái cây nếu để chúng mọc lên tự do, chúng sẽ chèn ép, phá hoại, thậm chí giết chết những cây nhỏ khác mà chúng vô thức không hề biết việc mình làm. Còn nếu được uốn nắn, chắc chắn chúng sẽ phải bị “cắt, tỉa” một số cành chìa ra quá mức, nhưng điều đó có lợi cho chúng hơn sau này, vì nếu một cây nào mà có tư chất, có sức sống mãnh liệt và được uốn nắn(giáo dục) tốt, chúng sẽ vươn lên rất cao, cao hơn hẳn những cây khác, và che bóng mát cho những cây nhỏ mà cũng không hề lấy đi ánh sáng của chúng.
Mình rất thích hai chữ tự do, nhưng trong cuộc sống này, chữ tự do thường đi quá đà, quá lố bịch, và tự do đã bị biến tướng thành tùy tiện.
Tác giả là người có tâm huyết, nhưng như thế là chưa đủ. Nếu bạn tự ái và có tức giận, đó là quyền của bạn, nhưng mình nói thế này: bạn nên bị ép học hơn nữa.
Không đúng. Học là để bộc lộ, không phải học là để đưa vào! Hôm nào bạn rảnh, hãy tự hỏi lại “đạo đức”, “luân lý”, … là cái thứ gì? Ai tạo ra? Tạo ra để làm gì? Không có nó thì sao? Bạn đã biết nó khi nào? Nếu làm theo cách “cắt, tỉa” chúng ta sẽ có ồ, một rừng kiểng thiệt là đẹp nhỉ! Không phải con người! 🙂
Mình nghĩ chúng ta chỉ sống có một lần, sống sao cho đừng phí! 🙂
Con người có phần tốt-phần xấu(phần Người-phần Con). “Đạo đức”,”luân lý” là dùng phần Người để lấn át phần Con,là để đảm bảo sự bình đẳng giữa con người với nhau_quyền bình đẳng về tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nói như bạn Lê Quôc Bảo thì được bao nhiêu đứa trẻ có niềm đam mê với vũ trụ-tâm linh-sinh học-triết học… để mà h
iểu rằng “chúng ta chỉ sống có 1 lần” ???
🙂 Mình hoàn toàn không phủ nhận việc học. Bản thân mình cũng học mỗi ngày. Cái mình muốn nói ở đây, việc học phải được tự do, không phải bố thích làm bác sĩ thì hướng con thành bác sĩ, mẹ thấy buôn bán có tiền thì hướng con làm nghề buôn bán. Mọi thứ phải bắt đầu từ đứa con. Phải luôn quan tâm thiên hướng, mối quan tâm của đứa trẻ, không phải của bản thân lớn (bao gồm ông thầy ở trường, bố, mẹ …)
Mình rất hay dùng từ: “học tập hạnh phúc” 🙂
🙂 Mình hoàn toàn không phủ nhận việc học. Bản thân mình cũng học từng giờ đấy thôi. Nhưng. Vấn đề ở chỗ, việc học phải xuất phát từ bên trong, không phải từ bên ngoài. Động lực học tập phải là động lực bên trong đứa trẻ, giống như chẳng ai phải thúc đẩy đứa bé vài tháng tuổi học lật, rồi trườn, bò rồi đi hết, mình chưa thấy đứa trẻ bình thường nào phải được nhắc nhở những chuyện đó. Nhưng khi lớn lên, những động lực quý giá nhất dần mất đi do những người thông thái hơn nó, tự cho mình hiểu biết tự cho mình kinh nghiệm tài giỏi. Haiz.
Mình hay dùng từ này: “Học tập hạnh phúc”- đó mới là học tập thực sự. 🙂
A nói hay đó ^_^ Like cho “học tập hạnh phúc” của bạn. E có 1 đứa bạn, suốt 4 năm cấp 2 toàn bị mẹ nó chỉ học thêm cái này cái kia, 4 năm liền nhất lớp nhất trường nhưng đổi lại là gì, chẳng là gì cả. E và đám bạn cố hết sức kéo nó ra khỏi cái trò học tập vô bổ đó, nói nó giảm học chơi nhiều hơn và chỉ học cái gì nó thích và nó thấy cần. Kết quả là nó giảm dc nửa thời gian học nhưng thành tích thì đi lên.
Túm lại là, ý kiến chủ quan của mình thì ko đủ, vẫn cần sự trợ giúp từ người ngoài, nhưng cuối cùng phải làm sao để cả 2 phía cùng thấy vui vẻ với quyết định đó 😀
vớ vẩn………
Cái gì quá cũng không tốt
Tác giả viết trong 1 tâm thế không mấy vui vẻ và thành kiến với việc học. Tác giả đặt nặng cái tôi bản thân nên không thấy được trách nhiệm của mình. Tác giả viết 10 câu thì đến 8 câu tác giả nói “ép”. Chẳng ai ép ai, tác giả có thể ngay lập tức bỏ dở việc học của mình để kiếm 1 công việc lao động nuôi sống bản thân. Nếu gia đình ép, khi viết bài này có lẽ tác giả cũng đủ 18 tuổi rồi, tác giả có thể dứt khoát,mạnh mẽ thoát li gia đình.
Tác giả yếu đuối nên đẩy tội lỗi cho việc học.
Mình thấy bạn hoàn toàn hiểu nhầm ý của tác giả … ở đấy tác giả muốn đề cập đến việc như tuổi thơ của trẻ em bị đánh mất, ước mơ của giới trẻ bị phá tan, ….
Ví dụ : bạn muốn làm 1 họa sĩ …. bạn tin bạn đủ khả năng ….. thì khi đó bạn bị ép phải thành 1 bác sĩ …….. đại loại thế :v
~baka~
Bạn này thì nói đại cho xong. Vậy bạn thử hỏi: “trẻ con có được tự do học gì mình thích hay không?” Sau đó đến khi lớn lên thì bảo giờ đủ tuổi rồi, muốn làm gì thì làm! Nói như không, phí bao nhiêu năm tháng của cuộc đời để sống cuộc đời của người khác rồi nói giờ thì con có thể sống cuộc sống của mình! Bằng cái gì? Bằng tất cả những thứ đưa từ bên ngoài vào và ngọn lửa độc nhất, riêng nhất của bản thân, sức mạnh lớn nhất của bản thân thì bị đè nén, vứt bỏ ở đâu mất?
khả năng lĩnh hội bài viết kém thật
Vậy những đứa trẻ ỷ lại vào gia đình chỉ biết ngồi chơi thì tương lai sẽ đi về đâu ? tác giả chỉ nói việc ép học là tội ác thế việc không học là “việc tốt” là “khác biệt” à?
Biết là không ai có quyền ép buộc người khác phải cống hiến cho xã hội,cho đất nước nhưng ít nhất phải dạy cho 1 đứa trẻ biết cách tự lập,phải học để hiểu được sau này làm cach nào có thể sống được trong cái xã hội đầy cám dỗ của sự lười biếng,sự hưởng thụ…và ở một khía cạnh nào đó ép học cũng là 1 hình thức rèn luyện trẻ em nên người.
Đây chỉ là vài dòng suy nghĩ cá nhân về bài viết của tác giả.
Bạn nêu ra vấn đề và tự bạn giải quyết vấn đề đó :3 mình thấy là cách giải quyết chả liên quan gì đến đi học cã :3 Mình ủng hộ ý của tác giả vì bãn thân mình cũng là 1 người bị ”ép” :3
~baka~
Khái niệm ỷ lại và tự do từ 1 đứa trẻ là 2 tính từ hoàn toàn khác nhau về trạng thái .Lười biếng, hưởng thụ chỉ là góc nhìn của bạn – tiêu cực hay tích cực là do bạn cảm nhận.Ko phải cái lười nào giống cái lười nào và hưởng thụ nào cũng như cái hưởng thụ nào . Tự hỏi nếu hưởng thụ ko tồn tại trong xã hội thì giá trị xã hội đó ở đâu- hay tất cả chúng ta chỉ là những chú rô bốt vô hồn suốt 24h mỗi ngày..?? Lục phong có nói là khuyến khích trẻ được làm điều mình thích – theo cách đúng đắn, phù hợp
We cannot teach people anything; we can only help them discover it within themselves- Galileo Galilei
if you’re unwilling to learn , no one can help you
if you’re determined to learn , no one can stop you .
The first step to get learning effort is curiousity of something . No curiousity – no exploration . you wanna teach kids how to be independent in life . they have to be “independent” in your life of purpose , freedom in your mind and get happiness in what they do to get a REAL TASTE of life , including money , car ..etc
Insteading a definition of “Ép học” is crime like the writer , it’s a inability of humans education nowadays in my opinion.
Mình nghĩ không có đứa trẻ mà bạn nói đâu. Mỗi đứa trẻ sinh ra đã là tò mò đến tận móng chân rồi. Đứa trẻ ỷ lại là đứa trẻ được đào tạo thôi. Nếu để trẻ học theo sở thích của bản thân sẽ không sinh ra đứa trẻ nào như vậy đâu. Bạn chỉ cần nhìn đứa trẻ 1 tuổi ở đâu đó gần bạn thì biết đó mà. 🙂