27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thandie Newton và Bài Học về Sự Đồng Cảm trong Sự Khác Biệt

Cảm hứng có thể đến từ thiên nhiên, từ đường đời hay cả từ con người, bất kể ở gần bên hay ở đâu xa tít tắp. Cảm hứng truyền cho ta ước muốn phấn đấu, ước muốn yêu thương và ước muốn được sẻ chia. Tóm lại là ước muốn được sống hơn cả sự trọn vẹn.

Với người này thế giới quá ồn ào, với người kia thế giới lại quá lặng im. Nên, đôi khi, chúng ta không nhất thiết phải giữ im lặng, vì biết đâu, có ai đó muốn nghe tiếng của ta và cần lời ta nói. Với bài viết này, tôi muốn cám ơn Thandie Newton, một nữ diễn viên xinh đẹp và tài năng. Cám ơn Thandie đã nói và truyền cảm hứng cho tôi. Còn tôi, tôi không có nhiều điều hay để nói, chủ chốt có câu này: “Đề phòng đọc mà quên, bạn hãy kéo ngay xuống cuối bài để lắng nghe Thandie trước!”

Tôi có may mắn được làm quen lại với Thandie, trong một bài phát biểu ngắn. (vì trước đây, tôi đã từng gặp cô trong bộ phim Pursuit of happiness) Cô nói về quá trình đi tìm kiếm bản ngã của bản thân, về sự thay đổi quay cuồng của cuộc sống và bùng nổ từ trong chính con người mình, về sự đổ vỡ của bản ngã và cuối cùng là sự trở lại với mình thuở mới ra đời.  Thandie nói đúng, đi tìm kiếm một sự khác biệt là một điều cần thiết mà cũng là điều vô cùng tai hại.

Thường khi, chủ nghĩa cá nhân lại dễ dẫn đến sự tự ti, bản ngã cực đoan, sự gây hấn thù hằn. Chủ nghĩa cá nhân bùng phát nơi mỗi con người có thể dẫn đến chủ nghĩa độc tôn và tư tưởng độc tài. Sự cô đơn, nhiều khi đáng sợ là bởi, những lúc ấy, thiên hướng xoay trục suy nghĩ quanh chính bản thân mình dễ tạo nên trạng thái đơn cực. Người ta chỉ nhìn thấy mình, chỉ suy nghĩ về mình, chỉ lo lắng cho mình. Cả nỗi sợ đối với thế giới cũng dễ thành nguy cơ, nếu lỡ như nỗi sợ biến thành sự chống đối cùng cực với tất cả mọi thứ xung quanh?

Con đường sáng tạo, gây dựng cá tính và phong cách riêng. Hóa chừng, mọi sự sáng tạo đều chỉ là thừa kế. Chúng ta được sinh ra trong một thế giới đã có sẵn rất nhiều thứ, chúng ta không tạo ra từ hư vô bất kì điều gì. Không điều gì cả, thuyết trọng lực của Newton, hay đến những món đồ không tưởng như máy bay tàng hình, robot… Ngay cả với một người làm nghệ thuật, có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến con người đó, bằng cách này hay cách khác, có thể trực tiếp như một người thầy, một tác gia vĩ đại hay gián tiếp như thời niên thiếu, đời sống gia đình, môi trường, hoàn cảnh sống. Ngay chính trong thế giới sáng tạo thì chúng ta cũng đã không thể nào tìm ra được một sự độc nhất tuyệt đối!

Thandie kể về một kinh nghiệm của mình với môn Nhân chủng học. Rốt cuộc thì dòng giống loài người lại phát xuất từ Châu Phi, từ một gốc da đen mà ra. Chủng tộc giữa Kenya và Uganda so với Na Uy và Nam Phi thì cũng không khác nhau là mấy. Thandie đã giúp tôi thay đổi quan điểm khi đọc những bài báo về dân Trung Quốc, dân Việt Nam, về những cung cách phân biệt nhau. Thực ra càng phân biệt, chúng ta càng thấy không thể nào có sự phân biệt tuyệt đối, tất cả chỉ dừng lại ở một ngưỡng tương đối rất mịt mờ. Người châu Âu, họ vẫn thế, nhầm lẫn giữa dân Việt và dân Tàu. Nguyên hệ thống ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn, Việt, chúng ta thấy đều có sự ảnh hưởng và tương thích với nhau, nếu đi sâu về ngữ nghĩa. Cũng như khi chúng ta nhìn ra văn hóa châu Âu vậy.

Châu Âu không phải ai cũng mắt xanh tóc vàng, việc nhìn một người để đoán biết họ là Anh hay Pháp, Pháp hay Ý, Ý hay Tây Ban Nha ngay từ lần gặp đầu tiên, chỉ qua ngoại hình, không qua ngôn ngữ, quả cũng không dễ! Sự phân tán dân cư khắp các châu lục khác nhau dường như đã diễn ra cách đây quá lâu, khiến cho người ta lầm tưởng và độc tôn khác biệt của chính mình. Nguyên sơ, chẳng có gì là khác biệt cả. Nhìn từ chuyện gần hơn như gốc gác quê quán, nếu cũng là dân xứ ấy như người ra Bắc, người vào Nam, người sang Mỹ… thì rõ là sẽ có đổi khác. Vì nắng nhiều mà đen, vì lạnh quanh năm mà da trắng trẻo, vì ở với người Mỹ thì phải nói tiếng cho giống Mỹ, còn ở Nam ở Bắc thì dần sẽ có sự sai khác…

Điều này dẫn đến một thực tế mới, đó là, chúng ta có sức ảnh hưởng lên nhau, chúng ta không chỉ thích nghi với môi trường, chúng ta còn cần một sự hòa hợp tương tự nhau để chung sống. Lại theo một cách nào đó, chúng ta lại dần dần trở nên giống nhau vậy!

Một kinh nghiệm rất đơn giản hơn: Chuyện làm quen, kết bạn. Nhất là khi ta ở quê ra tỉnh, từ tỉnh lẻ xuống thành phố, từ nước này sang nước nọ. Nếu chúng ta ôm lấy nguồn gốc cũ, ôm lấy những lề thói cũ, khư khư sống với suy nghĩ cũ, thì chúng ta không bao giờ có thể thích nghi tốt được. Nhuộm mình cho giống thiên hạ và cởi mở con người để đón nhận sự khác biệt là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một bên là bắt chước, còn một bên là hòa hợp. Sự ôm khư khư khi đang ở xứ người có nghĩa là luôn cho mình là một thành phần khác biệt: “Tôi là người lạ ở xứ này, tôi không thuộc về nơi này, nơi này quá xa lạ với tôi!”

Thế rồi bắt đầu với những so sánh vị kỷ, chút hào hứng ban đầu chẳng còn mấy, chúng ta dần tách biệt ra ngoài lề, rồi thậm chí là tự thấy xa lạ với chính mình. Thực ra mà nói, nếu cả khu xóm cũ, bạn bè cũ cùng di cư như ta, sự hoán đổi địa điểm của ta được thay bằng chính sách đổi dân giữa thành phố A và thành phố B, thì mọi sự vẫn đâu vào đó. Nghịch ngược là, chỉ có ta ra đi, chỉ có ta thấy mình xa lạ giữa một nơi… nơi mà người khác lại thân thuộc, vì là quê hương họ.

Chỉ có cách là quên đi sự khác biệt đó, chúng ta hòa vào đời sống mới như thể đó là gia đình mới, quê hương mới của ta. Không cần như Hemingway, chỉ có Paris và gia đình là quê hương (tôi chỉ mượn ý, không nói được nguyên văn của ông ở đây), quê hương là một khái niệm tại tâm, không phải tại địa điểm.

Cách dễ nhất để kết bạn, làm quen, hay thậm chí để yêu một người là bớt phân biệt đi. Hãy xem nhau như người quen ngay từ lần đầu bắt chuyện, như thể ta đang gặp một người tri kỉ mà thất lạc tin tức từ lâu. Ta hỏi thăm nhau để cập nhật tình hình của nhau chứ không phải để tìm hiểu về nhau, vì chúng ta đã biết nhau rồi. Bớt phân biệt, bớt tìm sự sai khác thì chúng ta dễ dàng chấp nhận nhau hơn, dễ cảm thông nhau hơn. Và đương nhiên, nếu như thế thì sẽ không có chuyện kết thúc với một câu nói: “Chúng ta không hợp! Chúng ta quá khác nhau!” Sự khác nhau, phải chăng chỉ do sự so sánh chủ quan của ta mà ra, đâu có tiêu chuẩn đo lường cụ thể nào.

Nên mới hiểu, vì sao mà những thiền sư, những người thích đi khắp cùng trời cuối đất, lòng họ bình yên đến thế. Bởi, ngay cả sự phân biệt đâu là người, đâu là vật, họ cũng chẳng còn để ý, nữa là phân biệt giữa người và người.

Sự phân biệt ác độc lắm, nó vừa làm chúng ta xa cách lẫn nhau, vừa khiến tim chúng ta đau buồn thất vọng vì mặc cảm về chính mình.

Có lẽ chúng ta sẽ thoải mái hơn, khi không nhìn thấy đẹp xấu nơi nhau, để không u uất về khác biệt và bất công nữa. Đôi tai cũng có thể cần bịt lại, nếu ta cố tìm phân biệt nơi giọng nói, mũi cũng nghẹt đi cho khỏi mùi thơm mùi ôi, tay cũng mất cảm giác đi nếu còn so sánh gầy ráp, thô nhám hay búp măng hoàn hảo…

Hãy cứ tự nhiên, hãy cứ hòa làm một như kinh nghiệm của Thandie. Tôi cũng sẽ không đi tìm cá tính cho mình nữa. Trời sinh thế nào, thì ta là thế ấy.

“Bạn sinh ra đã là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.” Vừa có nghĩa là không sao chép, và cũng là đừng cố gắng tạo nên một cái tôi nào nữa. Là chính bạn lúc sinh ra thôi!

Broon

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

9 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI