Bài viết này nhằm để bạn đọc tiết kiệm thời gian đọc toàn văn bản dự luật. Phần đầu bài viết là 20 fact rút tỉa từ bộ dự luật rất dài này. Bạn có thể đọc lướt qua để đi tới phần trọng tâm là các nghi vấn mà người viết nêu ra sau khi đọc bộ dự luật. Chúng ta không thảo luận về chủ nghĩa ái quốc cuồng tín hay bài Tàu cực đoan, mà từ bản văn và tình hình thực tế, có cái nhìn tổng thể về vấn đề đang dậy sóng xã hội này và tự có thái độ cho riêng mình.
20 chi tiết trong dự thảo “Luật Đơn vị hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc”
1. Đặc khu là đơn vị cấp tỉnh, nhưng do Quốc hội lập, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu. (Điều 3)
2. Trong Đặc khu thì dự luật này có giá trị cao hơn các Luật hiện hành. Khi điều ước quốc tế và luật Đặc khu khác biệt, điều ước quốc tế được ưu tiên. Tất nhiên, lợi ích của nhà đầu tư cao hơn cả luật và điều ước. (Điều 5)
3. Bản án của tòa án nước ngoài cũng có hiệu lực tại Đặc khu, nếu đó là thỏa thuận của hai bên. (Điều 6,7)
4. Thời hạn thuê đất trong Đặc khu cơ bản là 70 năm, có thể gia hạn đến 99 năm và do Thủ tướng quyết định. (Điều 32)
5. Tùy loại dự án, có thể được miễn thuế, miễn phí tiền thuê đất và mặt nước từ 3 – 30 năm. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về Chủ tịch Đặc khu. (Điều 43 – 45)
6. Người nước ngoài không có giấy phép lao động, vẫn có thể làm việc bán liên tục tại đặc khu, thời hạn từ 1 – 6 tháng trong một năm, tùy trường hợp. Trường hợp khác, do Chủ tịch Đặc khu quyết định. (Điều 46)
7. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thường trú trong đặc khu, do Chủ tịch Đặc khu quyết định. (Điều 48)
8. Tiền nước ngoài được lưu thông tại khu thương mại tự do trong Đặc khu. (Điều 49)
9. Người nước ngoài vào thẳng Đặc khu được miễn visa 2 tháng. Luật không giới hạn nước nào. (Điều 51)
10. Người Việt Nam được phép và Đặc khu chơi trong casino. (Điều 53)
11. Người China có thể chỉ vào Vân Đồn với một mẩu giấy thông hành. (Điều 54)
12. Hàng hóa nước ngoài có thể vào thẳng Bắc Vân Phong rồi đi ra lãnh thổ Việt Nam thoải mái. (Điều 55)
13. Đầu tư 110 tỷ trở lên ở Phú Quốc thì có thể được visa 10 năm hoặc thành thường trú nhân. (Điều 56)
14. Hệ thống chính quyền đặc khu có Hội đồng và Ủy ban. Hội đồng tối đa 15 người, bầu ra Ủy ban 3 người. Chủ tịch Ủy ban Đặc khu do Bội Nội vụ giới thiệu để Hội đồng Đặc khu bầu. (Điều 57-69)
15. Đặc khu có Tòa án riêng, bao gồm các loại: Dân sự, Hình sự, Gia đình, Vị thành niên, Kinh tế, Lao động, Hành chính, Xử lý Hành chính. Tòa án Đặc khu được xem ngang với cấp huyện. (Điều 70-74 )
16. Đặc khu có tổ chức quân đội và biên phòng, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định thành lập, cơ cấu cụ thể tùy theo từng đặc khu. (Điều 77)
17. Đặc khu có tổ chức công an, do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định thành lập, cơ cấu tùy theo từng đặc khu. (Điều 78)
18. Đặc khu có casino, đương nhiên. (Phụ lục II, III)
19. Ở Đặc khu có thể bán vũ khí quân dụng và thiết bị quân dụng, sản xuất vũ khí và thiết bị quân dụng, chất nổ, chất phóng xạ, công nghệ nguyên tử, sản phẩm GMO. (Phục lục IV, mục: 1, 2, 4, 30, 95, 108, 109)
20. Ở Đặc khu có thể bán ra nước ngoài bảo vật quốc gia. (Phụ lục IV, mục: 115-116)
9 nghi vấn đặt ra
1. Dự luật không quy định Chủ tịch Đặc khu là người Việt Nam, như vậy người nước ngoài hay người nước ngoài quốc tịch Việt Nam thì sẽ đủ tư cách ứng cử?
2. Dự luật không nói rõ tương tác của dân ngoài đặc khu và đặc khu. Liệu người dân ở ngoài Đặc khu có được ra vào tự do, ngoài mục đích vào casino đánh bạc?
3. Trong đặc khu có dạy nghề cho người thường trú, không giới hạn đối tượng. Vậy nhà đầu tư đem công nhân lao động phổ thông vào và tổ chức đào tạo thì lách luật giới hạn lao động trình độ thấp dễ dàng?
4. Trong khu thương mại tự do, tiền nước ngoài được tự do lưu hành. Vậy đồng nghĩa trong đặc khu có một khu chợ đen công khai thu đổi ngoại tệ, nguy cơ mất an ninh tiền tệ là hoàn toàn có cơ sở. Dù ở một số điều luật có nói về việc lập chi nhánh ngân hàng nhà nước nhưng việc lưu thông tự do ngoại tệ thì ngân hàng chỉ là cái bình hoa trang trí?
5. Do vấn đề miễn thuế, miễn tiền thuê đất lâu dài, cơ chế cho người lao động nước ngoài vào dễ dãi… Liệu người dân có được hưởng lợi trực tiếp từ đặc khu, ví dụ cơ hội việc làm? Liệu lợi tức (nếu có) từ Đặc khu sẽ làm cho người dân giàu hơn, phúc lợi xã hội sẽ tăng lên?
6. Về mặt cơ cấu chính quyền, rườm rà và nhiều ban bệ y như hệ thống hiện nay. Cũng không có hình thức bầu cử tự do Đặc khu trưởng mà là bầu người của Bộ Nội vụ giới thiệu, nếu Bộ giới thiệu một người thì bầu một người, giới thiệu hai người thì bầu hai người hay sao? Vấn đề là không có sự cách tân về thể chế, thì dẫu tên gọi có khác thì vẫn là bình mới rượu cũ, cho rằng Đặc khu là thí điểm về thể chế mới thì chỉ là cách nói mị dân không hơn không kém.
7. Dự luật không quy định nhà đầu tư nước nào được đặc cách, nhưng trẻ con ba tuổi cũng biết hiện nay ở ba vùng đặc khu trong dự luật thì người China hầu như dày đặc. Liệu các nhà đầu tư từ những nước khác có truyền thống liêm khiết (ví dụ Nhật Bản) có cạnh tranh với những thủ đoạn gầm bàn nổi tiếng của giới kinh tài China và hệ thống chính trị tham nhũng dày đặc như hiện nay. Có phải dự luật này gần như đo ni đóng giày cho người China?
8. Không cần chính thức lập ra nhưng hiện nay vẫn có nhiều khu mà người China ở Việt Nam như một lãnh thổ riêng, ví dụ: Formosa, Sơn Trà – Điện Ngọc, Lee & Man Sông Hậu… đến mức họ có bao nhiêu người trong đó chính quyền địa phương cũng không biết và cũng không vào được. Liệu cơ chế dễ dãi của Đặc khu có tạo điều kiện để nhà đầu tư biến nơi đó thành lãnh thổ riêng với khí tài quân sự hùng hậu?
9. Một vấn đề nho nhỏ kèm theo dịch vụ casino của China, chính là sự nhập cảng các bang hội đen, các dịch vụ kinh doanh con người và thế giới ngầm. Mời quỷ thì dễ, trục quỷ thì khó.
Thuyết Âm mưu về cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Sau khi từ giã sân khấu chính trị một cách bất ngờ, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn xuất hiện đều đặn trong các hoạt động công khai cùng nhiều yếu nhân chính trị khác hiện nay, cho thấy bộ sậu của ông vẫn khá hùng hậu. Và người ta vẫn không thôi đồn đoán thậm chí mong mỏi một sự trở lại chính trường ngoạn mục của ông – một người được cho là thuộc phe thân phương Tây.
Cách nay vài tháng, khi bắt đầu có sự râm ran của dư luận về việc thành lập đặc khu ở Phú Quốc, trước khi dự luật này được đưa ra mổ xẻ, thì sự nghi ngờ về chuyện trở lại của ông Dũng càng được củng cố hơn nữa, khi con cả của ông – Nguyễn Thanh Nghị – là bí thư Kiên Giang, cũng phát biểu ủng hộ chuyện thành lập đặc khu một cách khéo léo qua việc tán dương thu nhập khủng ở Phú Quốc hiện nay. Động thái này khá trái khoáy khi mà cha ông từng có những phát ngôn mang đậm tính chống China xoay quanh vấn đề biển đảo, còn dự luật đặc khu lại gần như là đặt ra để chào đón nhà đầu tư China, vốn đang đông như quân Nguyên tại các nơi nói trên.
Ngoài ra, khi dư luận đang dấy lên một làn sóng cuồng nộ về chuyện dự luật đặc khu, thì lại có người bỏ tiền ra để một đoàn nhà báo có ảnh hưởng trên facebook hiện nay đi “tham quan học tập” tại đặc khu Thâm Quyến của China, rồi trở về tán dương chuyện thành lập đặc khu như một bước tiến kinh thiên động địa mà ai nói ngược lại đều là phản động, đẩy làn sóng phản đối lên một cao trào mới.
Rõ ràng, dù có đưa ra quốc hội hay không, thì những “đặc khu” đã tồn tại một cách bán chính thức. Nhưng lần này dư luận được huy động rầm rộ từ facebooker đến cả đám diễn viên người mẫu ngày thường được coi như đám đầu đất chẳng biết gì ngoài tự sướng và sống ảo. Rõ ràng dư luận được chia thành hai phe rõ rệt. Một cuộc đấu đá mới đang được mở màn?
Link tham khảo:
https://www.facebook.com/tinkhongle/posts/1024915340992797
Tác giả: Hai Le