26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

16 điều cần loại bỏ nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc

Hạnh phúc là một trong những mục đích, mong muốn thông thường nhất của tất cả mọi người. John Lennon đã từng tâm sự với chúng ta:

“Hồi tôi còn 5 tuổi, mẹ tôi luôn nói với tôi rằng hạnh phúc chính là chìa khóa của cuộc đời. Khi tôi đi học họ hỏi tôi muốn gì khi lớn lên. Tôi nói tôi muốn được hạnh phúc. Họ bảo tôi không hiểu câu hỏi. Tôi thì bảo họ không hiểu cuộc đời.”

Đa số tìm kiếm hạnh phúc của họ qua những thứ bên ngoài; Carl Jung một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất thế giới đã có câu rằng:

“Ai nhìn ra ngoài, mơ. Ai nhìn vào trong, thức tỉnh.”

Những thứ bên ngoài này thường chỉ mang lại những niềm vui nhất thời, không bền vững, không phải là hạnh phúc đích thực, cộng thêm sự lệ thuộc của bạn vào nó để có được hạnh phúc. Nơi nào có lệ thuộc nơi đó không có hạnh phúc.

Một trong những nhân tố lớn nhất, nếu không muốn nói là lớn nhất, ngăn cản hạnh phúc, ngăn cản sự phấn đấu của chúng ta đạt đến ước mơ đó chính là… bản thân chúng ta. Vâng, câu trả lời có vẻ đơn giản hơn nhiều người tưởng, đơn giản và đáng buồn. Hình như Đức Phật đã từng có câu:

“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.”

Hằng ngày, chúng ta tự giới hạn bản thân mình, dù là có ý thức hay trong vô thức. Bài viết này sẽ đưa ra một số gợi ý giúp chúng ta nhận ra và tháo gỡ những giới hạn, vướng bận đó. Hãy cùng xem qua những điều dưới đây, những điều một người cần phải buông bỏ (chứ không phải thêm vào) nếu muốn có được hạnh phúc.

1. Mong muốn (một cách nói nhẹ nhàng thay vì ham muốn)

Có tác giả nào không mong muốn bài viết của mình được nhiều người đọc? Có sinh viên mới ra trường nào không mong muốn mình được nhận vào làm việc một công ty ngon lành? Có bố mẹ nào không mong muốn con cái mình ngoan ngoãn nghe lời, học giỏi… Có một công ty nào không mong muốn sản phẩm/dịch vụ mình bán ra được thành công? Có ai không mong muốn người khác đối xử tốt với mình giống như mình đối xử tốt với họ? Có những người khốn khó nào không mong muốn chuyện cơm gạo áo tiền mưu sinh? Nói chung là có vô số ví dụ, nhưng bạn hiểu những gì tôi đang muốn nói mà.

Tuy nhiên nhiều khi chúng ta cứ quên rằng không phải chuyện gì chúng ta mong muốn đều xảy ra, mà nhiều khi là ngược lại. Không mong muốn không có nghĩa là không hành động, một người hoàn toàn có thể hành động mà không trông mong vào kết quả. Khi bạn đã làm hết khả năng của mình rồi, thì hãy biết rằng bạn đã làm hết khả năng của bạn, nếu sự việc không xảy ra như mong muốn thì đó không phải lỗi của bạn, mà nhiều khi là thần may mắn đang ngủ quên ở nhà đó thôi.

Thất vọng là cái sẽ xuất hiện khi một ham muốn không trở thành hiện thực. Người hạnh phúc là người không thất vọng, vậy thì muốn hạnh phúc thì phải hạn chế mong muốn, hạn chế thất vọng. Hạn chế thất vọng cũng đồng nghĩa với hạn chế hy vọng. Có lẽ sẽ có người không đồng ý với tôi ở điểm này, nhưng tôi muốn diễn giải cho rõ hơn.

Tôi chia hy vọng ra làm hai loại, hy vọng lớn và hy vọng nhỏ. Hy vọng lớn kiểu như hy vọng vào những điều vĩ đại, to tát, chẳng hạn như hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, hy vọng vào thiện tính trong con người… Những hy vọng lớn kiểu này không phải là kiểu hy vọng mà tôi nói cần hạn chế như ở trên. Vì là hy vọng lớn nên nhiều khi nó có không xảy ra chúng ta cũng không thấy gì là thất vọng lắm, ngược lại nó còn mang lại ảnh hưởng tích cực nhiều hơn tiêu cực, một người có niềm tin có hy vọng vào cuộc sống là một người vẫn chưa chết, chết theo nghĩa bóng.

Hy vọng nhỏ là những hy vọng nhỏ nhặt, chẳng hạn như hy vọng rằng ngày mai trời không mưa, hy vọng rằng tấm ảnh tự sướng của mình đăng lên Facebook sẽ có nhiều người Like, hy vọng rằng nhỏ kia hay thằng kia sẽ thích mình, sẽ rủ mình đi chơi ngày Valentine, sẽ tặng quà cho mình… Hy vọng rằng bài mình viết đăng lên THĐP sẽ được hơn 500 Likes! Tôi không cần 500 Likes, tôi chỉ cần MỘT người đọc bài viết của mình và nhận ra được một cái gì đó và có thay đổi theo chiều hướng tích cực (nhiều khi cái “cần” này của tôi cũng chỉ là một hy vọng nhỏ nhặt, đáng lý là tôi cũng không nên có nó.)

Nếu vậy thì tôi có thể nói câu I don’t care, tôi viết chỉ vì niềm vui của việc viết, còn kết quả của nó ra sao thì tôi cũng don’t care!

2. Kiểm soát

Chúng ta không thể kiểm soát được hết tất cả mọi thứ. Vì thế chúng ta cũng không nên quá lo lắng với những chuyện ngoài tầm kiểm soát của mình. Mấu chốt là ở chỗ nhận ra được chuyện nào mình có thể kiểm soát được, chuyện nào thì không. Nếu bạn không thể kiểm soát được chuyện đó thì hãy để những quy luật trong cuộc sống kiểm soát nó, đừng tranh giành với cuộc sống, bạn không tranh giành lại đâu. Hãy tin vào cuộc sống, (nói theo Đạo giáo là) hãy thuận theo tự nhiên, đừng chống cự lại tự nhiên.

“Điều bạn chống cự, cầm cự.” – Carl Jung

Hãy thư thái, hãy buông bỏ, buông lơi… Đừng sợ những gì chưa biết, hãy đặt câu hỏi, hãy tò mò, khám phá thay vì phán xét, vì khi bạn biết rồi bạn sẽ không còn sợ sệt nữa.

3. Quá khứ

Tại sao bạn cứ mãi sống trong quá khứ trong khi bạn không bao giờ có thể quay trở về được quá khứ? Quá khứ chỉ là những bài học. Chấm hết. Quá khứ chỉ là những kinh nghiệm. Một người không thoát ra khỏi được quá khứ của họ cũng giống như một kẻ đang mộng du giữa ban ngày; họ không sống trong thực tại, họ là những kẻ theo sau thời đại, họ là những con chim tự do bị nhốt trong cái lồng quá khứ, họ là những người không bao giờ hạnh phúc.

Đời là một cuốn sách vô hạn trang, bạn sẽ không thể biết được phần còn lại của cuốn sách đang chứa đựng những gì hay ho nếu cứ nhai đi nhai lại một vài trang bạn không thích. Đúng, nhai đi nhai lại một vài trang bạn không thích. Tại sao?

4. Trông chờ người khác mang hạnh phúc đến cho bạn

Nếu bạn không thể tự mình hạnh phúc được thì cũng sẽ không ai có thể mang lại cho bạn hạnh phúc. Hạnh phúc mà phải lệ thuộc không phải là hạnh phúc đích thực mà là hạnh phúc nô lệ. Hãy làm điều ngược lại, hãy mang hạnh phúc, niềm vui đến cho người khác, bảo đảm bạn sẽ có hạnh phúc. Có ai đó đã nói rằng, hạnh phúc cũng giống như nước hoa, bạn xịt lên người khác thì chính mình cũng được thơm lây. Lần gần đây nhất bạn mang lại niềm vui cho người khác là khi nào? Khi đó bạn có vui không? Một cách khác nữa đó là: Làm những gì mình thích, làm những gì mình đam mê. Thế giới này mang ơn những người biết theo đuổi đam mê.

5. Tự ti

Không có ai không có khuyết điểm, cũng không có ai không có ưu điểm. Những người tự ti là những người chỉ nghĩ về khuyết điểm của mình mà quên đi ưu điểm. Một tâm hồn đẹp đẽ còn cao quý hơn ngàn lần một thân xác xinh đẹp, bởi vì tâm hồn là thứ không một ai có thể photoshop hay giải phẩu thẩm mỹ được. Tôi không tin không có ai không có ưu điểm. Thế giới này đã có quá nhiều điều tiêu cực rồi, đừng thêm vào nữa, nếu bạn đang là một người tiêu cực, hãy tự giác biến mình trở thành một người tích cực đi, và đừng bao giờ lo rằng lỡ có quá nhiều người tích cực, quá ít người tiêu cực thì sao, thì thế giới này là thiên đàng chứ sao mà lo vớ vẩn.

6. Ganh tị

Đừng bao giờ ganh tị với những gì người khác có mà mình không có vì càng ganh tị bạn càng tiêu cực, càng tiêu cực thì cuộc đời bạn sẽ càng đi xuống. Thay vào đó hãy biết rằng bạn cũng có những cái độc nhất vô nhị hiếm quý không ai có. Bí quyết để có được nhiều hơn đó là biết ơn những gì mình đang có trong hiện tại. Ông bà ta có câu: “Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời.”

7. Đánh giá người khác

Nhiều người “có sở thích” đánh giá người khác như thể con người ta là một món hàng để có thể được định giá. Bạn không thể đánh giá được người khác, vì con người là vô giá, và vì bạn có đánh giá cũng không chính xác. Đánh giá người khác cũng chẳng khác gì việc đoán mò, kiểu mò kim đáy biển ấy, ngàn năm mới mò trúng được một lần. Cái bạn thấy ở người khác chỉ là bề nổi 1/10 của tảng băng.

Vậy thì thay vì đánh giá người khác, hãy đánh giá chính mình! Chỉ có bạn mới là người biết bạn nhất, mới là người có thể đánh giá chính xác nhất, hãy nghiêm khắc với bản thân hơn nếu bạn còn đang quá dễ dãi. Hãy luôn trau đồi kiến thức, trí tuệ để sự đánh giá chính mình của bạn càng ngày càng chính xác hơn.

8. Tiêu cực

Một đầu óc tiêu cực làm sao có thể có được một cuộc sống tích cực, hạnh phúc? Bạn thử nghĩ xem đúng không? Cuộc đời rất công bằng, nếu bạn biết nhìn đủ xa. Cuộc đời chỉ bất công khi bạn chỉ biết nhìn quá gần. Quy luật nhân quả trong vũ trụ nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy. Vậy thì gieo nhân tiêu cực hay tích cực hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn, không ai khác.

9. Trì hoãn

Trì hoãn tỉ lệ thuận với mất thời gian. Việc gì làm xong hôm nay thì hãy dứt điểm làm cho xong. Nếu bạn có quá nhiều công việc thì hãy giải quyết những việc nhỏ trước, đó là cách tôi thường làm. Lập ra một thời khóa biểu và làm theo nó là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để trị căn bệnh lười biếng, và để cải tiến cuộc sống của mỗi người, trẻ em thì có bố mẹ thúc ép chúng, lớn rồi thì chúng ta phải tự thúc ép chính bản thân. Kỷ luật là nền tảng của thành công; và thành công nhiều khi là nền tảng của hạnh phúc.

10. Cố chấp

Nhiều khi không bao giờ có ai tự nhận mình là cố chấp, ít ai tự nhận là mình sai, mặc dù trong thâm tâm ta biết rõ rằng mình sai, tâm phục chứ khẩu vẫn không chịu phục. Một người càng ít cố chấp thì càng mở rộng được nhận thức của mình. Càng biết được nhiều thì càng biết rằng mình chẳng biết gì cả. Đó chính là cái zen của Socrates, của những người khiêm hạ, của những bậc đại nhân, đại trí. Càng biết được ít thì càng gân cổ lên cãi; càng biết được nhiều thì càng không muốn cãi.

11. Lý do, biện hộ

Nếu bạn không muốn, bạn sẽ đưa ra rất nhiều lý do. Nếu bạn thật sự muốn, không lý do nào có thể ngăn cản bạn. Người mạnh mẽ sẽ không cần dùng tới lý do.

12. Lười biếng

Cuộc đời là một chuyến xe. Một là bạn tự lái chiếc xe của mình, hai là sẽ có một người khác lái xe đưa bạn tới những nơi họ muốn tới, ba là bạn và tài xế cùng làm bạn đồng hành. Vậy thì bạn sẽ là loại người nào? Mỗi người có một cuộc sống, chẳng lẽ bạn lại không nên tự lái chiếc xe đời mình hay sao? Hãy chủ động làm chủ đời mình. Hãy giành lại số phận từ lâu bạn đã phó mặc cho vô định.

13. Ý tưởng cho rằng tiền là TẤT CẢ

Tiền không bao giờ là TẤT CẢ. Hạnh phúc mới là TẤT CẢ. Có những thứ hạnh phúc, có những thứ tình yêu không thể mua được bằng tiền. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình có tiền mình sẽ có hạnh phúc, và thế là họ chạy theo đồng tiền, để rồi cuối cùng nhận ra là mình chưa bao giờ có được hạnh phúc. Đừng chạy theo đồng tiền, bạn phải làm sao để đồng tiền chạy theo bạn! Lúc đó bạn vừa có tiền, vừa có hạnh phúc! Đó mới là cái đáng làm, đó mới là cái nghệ thuật. Tất cả mọi người đều có khả năng trở thành nghệ sĩ, nếu họ muốn. Tất cả mọi người đều có khả năng có được hạnh phúc, nếu họ muốn.

14. Ý tưởng về một người yêu hoàn hảo

Tôi còn không hoàn hảo nói gì bạn. Nói giỡn thôi. Không có ai tuyệt đối hoàn hảo. Vì thế hãy ném cái danh sách tiêu chí tuyển chọn người yêu của bạn vào sọt rác đi. Ném càng nhanh chừng nào tốt cho bạn chừng đó. Đó là lý do tại sao bạn vẫn mãi FA bấy lâu nay, vì bạn chưa ném cái danh sách đó vào sọt rác. Đời là đời chứ không phải đời là phim hay là sách. Phim và sách thường là nơi cho các tác giả mặc sức thỏa mãn những gì họ mong ước mà không có trong đời thường, là một nơi cho chúng ta những phút giây thoát khỏi thực tại nặng nề, bộn bề của trần thế.

Ai cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt, quan trọng là tỉ lệ nó như thế nào thôi. Đừng tìm một cô công chúa hay một anh chàng hoàng tử như trong phim, tìm một người bạn biết rõ về mặt trái của họ nhưng vẫn không bận tâm vì đã có những mặt phải bù lại hoặc áp đảo. Thay vì đi tìm một người yêu hoàn hảo, hãy tự trở thành một người yêu hoàn hảo.

15. Tức giận

“Cuộc đời trở nên dễ dàng hơn khi bạn học được cách chấp nhận một lời xin lỗi bạn chưa bao giờ được nghe.” – Robert Brault

Tức giận không những ảnh hưởng tới hạnh phúc của bạn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nữa. Một số bệnh có thể kể đến: Tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, cơ tim thiếu oxi, tổn thương tuyến giáp trạng, gây hại cho gan, hại phổi… Nói chung một người càng tức giận nhiều sẽ càng chết sớm, chết vì bệnh.

16. Sự chấp nhận của người khác

Nếu bạn còn quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về mình bạn sẽ vẫn còn chưa hạnh phúc. Chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng TẤT CẢ mọi người, và chúng ta cũng không bao giờ nên cố gắng làm chuyện đó. Đừng bao giờ làm những gì trái với lương tâm đó là tất cả những gì chúng ta cần biết. Nếu bạn không làm gì trái với lương tâm thì mặc kệ miệng đời phán xét đi. Haters gonna hate. Haters cũng sẽ không bao giờ hạnh phúc! Đừng quan tâm tới haters mà hãy quan tâm tới những người ủng hộ, hỗ trợ bạn. Hạnh phúc của bạn “lệ thuộc” vào sự không quan tâm đó.

Thời gian chúng ta không có nhiều. Thoáng một cái mà giờ đây tôi đã hai mươi mấy tuổi, tôi tin vào một tương lai sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn hiện tại. Chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi cũng đủ làm động lực cho tôi phấn đấu mỗi ngày cho hạnh phúc của mình và của mọi người. Để kết thúc tôi muốn mượn lời một câu trích dẫn tôi thấy rất hay được đăng trên THĐP cách đây vài ngày (mà không hiểu sao không có nhiều người Like, có lẽ là không hợp gu với đa số). Thú thật tôi là một thành viên lâu năm của THĐP rồi, lâu hơn nhiều người có thể tưởng.

“Tôi chúc bạn có nhiều niềm vui. Đó mới đúng là thứ cần được trao đi và nhận lại. Đó mới đúng là phép lịch sự đích thực khiến tất cả mọi người đều phong lưu, trước tiên là cho chính người tặng. Đó mới đúng là kho báu mà càng được trao đổi bao nhiêu thì càng được nhân lên bấy nhiêu. Bạn có thể rải nó khắp phố phường, trên toa xe điện, hay trong các quầy báo, nó sẽ không vì thế mà suy suyển đến một nguyên tử. Bạn vứt nó ở đâu, nó sẽ mọc lên và trổ hoa ở đấy.”

— Émile Chartlier, Cánh cửa mở rộng — Alain nói về hạnh phúc

Tác giả: Ka Ka

*Featured Image: Free-Photos
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của anh rất hay. Đọc từ trên xuống dưới theo thứ tự từ 1 đến 16, ko có cái nào là bản thân em ko mắc phải nhiều ít thôi (mức độ nhiều ít này cũng tương ứng với thứ tự từ 1 đến 16). Trước khi đọc bài viết của anh, em ý thức được mình mắc phải 1 vài cái nhưng tình hình là mỗi khi mình mắc phải bản thân lại ko có cơ chế nhận biết nào phất cờ để cho mình tự dừng lại, bởi thế tới khi mình cảm thấy ko hạnh phúc nhòm lại thì 16 nguyên nhân lý do anh nêu ở trên nó nắm tay nhau tung tăng 1 lượt. Tự dưng lại thấy muốn kiểm soát hạnh phúc giống như 1 mong muốn, 1 hy vọng lớn 😀

  2. Sai! khong chi co 16 dieu ma cho du co den 24 dieu thi cung the ! neu hanh phuc cha bao gio den voi ban thi cho du co loai bo tat ca nhung tro ngai can thiet thi cung la vo vong! la vi so phan da an bai cho moi nguoi chung ta roi va neu so phan cua ban khong he co hanh phuc thi cung chi la vo ich trong co gang de tim kiem,nen nho rang khong phai ban kiem hanh phuc ma hanh phuc no kiem ban moi dung! va no den som thi ban duoc som nhung neu no tre thi ban cung phai cho cho den luc ay va neu cha bao gio den thi vinh vien cha bao gio ban co duoc , cuoc doi la the va no duoc dieu hanh boi so phan ma trong chung ta ai ai cung chang the cuong lai duoc hoac la chay tron khoi so phan, khi no den la no den va ta muon tranh thi cung cha tranh duoc va hay chap nhan no cho du co hanh phuc hay dau thuong thi do la so phan ma thoi va khong phai la bo di 16 dieu thi hanh phuc se de voi ban dau ? dung mo dung mong va dung noi lung tung vi cha ai thay no bao gio, ma cung cha ai biet no o dau.

  3. Chuẩn đến từng câu chữ gần như tất cả các tật xấu bên trên mình đều mắc phải, có lẽ phải thay đổi à không chắc chắn là phải thay đổi thank tác giả.

      • Không cần nhiều người đâu. “Chỉ cần MỘT người đọc bài viết của mình và nhận ra được một cái gì đó và có thay đổi theo chiều hướng tích cực” là tốt rồi. Và tác giả đã làm được (còn hơn cả được ấy chứ). Chúc tác giả hạnh phúc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI