(1723 chữ, 7 phút đọc)
Trong mỗi căn nhà có từng dấu vết của một con người, những đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Một thành phố cũng vậy, bao giờ cũng ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Vậy nên hôm nay, lật lại từng trang kí ức đang dần bị bào mòn bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên họ thêm một lần, thêm một trăm lần, vạn lần… Lịch sử đời đời nhớ đến họ không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim của mỗi chúng ta, của mỗi con người yêu quý Đà Lạt. Người tôi đang muốn nhắc đến ở đây là Alexandre Yersin. Người được biết đến trong công sức đóng góp ghi tên Đà Lạt vào bản đồ Việt Nam.
Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết rằng Alexandre Yersin là ai?
Một đứa trẻ tội nghiệp, từ lúc trong bụng mẹ còn chưa biết đến ánh sáng mặt trời đã phải bịt khăn trắng chịu tang cha. Ba tuần nữa thôi, cha con họ lần đầu tiên được gọi tên nhau trong từng ánh mắt thân thương. Nhưng căn bệnh xuất huyết não đã lạnh lùng tàn nhẫn gieo rắc vào gia đình Yersin muôn vàn đớn đau. Yersin ra đời mà chưa từng biết đến khuôn mặt của cha trong cuộc sống.
Nhưng bi kịch lớn lên không có cha không làm thuyên giảm đi nhiệt huyết say mê nghiên cứu khoa học của Yersin. Được thừa hưởng sự say mê của một người cha là nhà khoa học. Yersin đã nhận lấy sứ mệnh dang dở của cha và tiếp tục viết tên mình trên con đường nghiên cứu. Yersin trở thành một bác sĩ y khoa, một nhà vi khuẩn học và còn là một nhà thám hiểm.
Từ nhỏ đã phải rời khỏi nước Pháp sang Thụy Sĩ để tránh sự bức hại tôn giáo. Đến khi trở lại Paris hành nghề y thì mới nhập lại quốc tịch Pháp vì nước Pháp thời điểm đó chỉ cho phép công dân cộng hòa Pháp mới đủ điều kiện hành nghề. Đó là một con người lý tưởng và nhiều hoài bão. Là một con người không chịu hài lòng với đỉnh cao học thuật ở Paris mà vứt bỏ tất cả để sang Đông Dương sống cuộc đời trải nghiệm và khám phá, sẵn sàng từ bỏ tương lai xán lạn ở Paris.
“Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời.”
Yersin đặt chân lên Đông Dương, nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các thủy thủ trên một đoàn tàu. Trong những ngày tháng lênh đênh trên biển, bị mê hoặc và sững sờ trước vùng biển tuyệt diệu Nha Trang, Yersin cương quyết khăn gói lên đường đi theo tiếng gọi trái tim.
Lịch sử y khoa thế giới còn mãi nhắc đến ông là người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Người Việt Nam vẫn luôn gọi tên ông với lòng thành kính và tôn trọng nhất. Bởi lẽ Yersin là một bác sĩ chỉ khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Coi lương y như từ mẫu. Trong một lá thư viết cho mẹ, ông đã nói:
“Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.”
Một huyền thoại sống đang đứng trên đỉnh vinh quang, quyết vứt bỏ tất cả để quay về sống cuộc đời ẩn dật, lập trang trại bắt đầu đời sống nông nghiệp chăn nuôi, sống rất gần gũi và giúp đỡ người dân nghèo tận tụy. Rồi gắn bó cuộc đời mình, vĩnh viễn nằm lại trên những bờ cát trắng mịn dài trải rộng. Tiếng sóng biển Nha Trang đã vỗ về ôm ấp, ru ông vào trong giấc ngủ vĩnh hằng trọn đời.
Đó là một đám tang có đến cả đoàn người đưa tang dài mấy cây số. Không chỉ người dân Nha Trang mà khắp cả nước Việt Nam, cả thế giới mãi yêu quý và biết ơn ông. Không chỉ Đà Lạt, Sài Gòn mà cả Nha Trang cũng đều quá yêu quý ích kỉ mượn tên ông đặt cho nhiều con đường. Đó chắc hẳn sẽ là người nước ngoài duy nhất được vinh danh nhiều đến thế ở Việt Nam.
Bác sĩ Yersin không phải chỉ dừng chân ở Việt Nam trong vai trò một bác sĩ nhân hậu. Ông còn là một nhà thám hiểm có công vào sự hình thành nên thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, bác sĩ Yersin không phải là người đầu tiên khám phá ra vùng đất cao nguyên lạnh này. Nếu không có những thông tin chính xác, tôi e sợ sẽ có một vài chi tiết nhầm lẫn.
25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến vùng đất cao nguyên lạnh thì Dinh Điền Sứ Nguyễn Thông của triều đình nhà Nguyễn đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên. Chính ông đã từng báo cáo cuộc khai hoang này lên triều đình nhà Nguyễn, nhưng vì việc thực hiện cuộc di dân lên vùng đất này để khai phá là điều không thể được vì nó đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Thậm chí là ngay cả khi quan Nguyễn Thông tìm ra vùng đất này thì bác sĩ Yersin cũng không phải là người tiếp theo. Trước ông từng có bác sĩ Paul Nesis và Albert Septans cũng đã từng đến cao nguyên Lâm Viên trước Yersin 12 năm, nhưng chuyến đi của họ chỉ được biết trong giới thám hiểm mà không được giới thiệu đến công chúng vì thời kỳ đó nước Pháp vẫn còn bận tâm vào việc chinh phục toàn bộ Đông Dương nên cuộc thám hiểm của họ cũng sớm rơi vào quên lãng.
Cho đến 12 năm sau, bác sĩ Yersin cùng đoàn thám hiểm của mình chui ra từ một khu rừng rậm, đã ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú mà họ chưa bao giờ được trông thấy.
“Một cao nguyên rộng lớn, không cây cối, đó đây thấp thoáng những trái đồi thấp, phủ một lớp cỏ xanh mịn màng.”
Bác sĩ Yersin không phải là người thám hiểm ra Đà Lạt, nhưng ông ấy là người có công khai sinh ra khu đô thị này. Người Pháp với âm mưu thu tóm Đông Dương vẫn luôn gặp phải vấn đề oi bức khí hậu của một vùng nhiệt đới. Họ đang cần một nơi để nghỉ hè mà không cần phải quay trở về chính quốc. Chính trị gia người Pháp Paul Doumer, là người toàn quyền Đông Dương lúc đó quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng một nơi có thể thỏa lấp những khó khăn của họ và khi đọc được báo cáo của bác sĩ Yersin về vùng cao nguyên lâm viên, ông đã tỏ ra rất thích thú.
Chính Paul Doumer cũng đã đích thân du hành đến cao nguyên lạnh và rất thích thú trước một đia thế lý tưởng, khung cảnh mát mẻ. Ông rất hài lòng nên đã ngay lập tức ký sắc lệnh thành lập đô thị nghỉ mát Đà Lạt sau khi về Hà Nội. Nhưng dự định đó bị gián đoạn đến tận 10 năm sau khi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trở về Pháp. Cho đến khi chiến tranh thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp không thể quay trở về Châu Âu trong kỳ nghỉ thì ý tưởng về một thành phố nghỉ mát trên cao nguyên đó mới được nhớ lại. Công cuộc kiến thiết thành phố lúc đó mới thực sự bắt đầu.
Sống ở một nơi khiến tôi không còn có ý muốn giám sát hay đong đếm thời gian. Tôi có cảm giác nếu dùng thời gian để lãng phí vào những điều vô ích đó thì tôi sẽ lỡ mất rất nhiều điều tốt đẹp. Tất cả mọi thứ thuộc về nơi này đều tác động lên giác quan và lọt vào nhận thức của tôi. Một cảm nhận sâu sắc khác thường khiến tôi luôn thấy thích thú tò mò và muốn khám phá tường tận hơn về nó, rồi muốn kể. Tôi không biết bài viết này viết ra cho ai đọc. Có ai đó sẽ quan tâm về nó khi mà tất cả bạn trẻ đến Đà Lạt chỉ để check in, chụp vài ba bức ảnh, ghé vào những khu du lịch nổi tiếng… Nhưng có một sự bức bách nào đó đã nắm lấy tay tôi, đưa đường dẫn lối tôi trên từng con chữ.
Tôi quá yêu Đà Lạt, nơi tôi đã tham lam gọi tên bằng quê hương thứ hai. Đó là nhà, là mái ấm, là tất cả những ngày thơ mộng nhất tôi sống. Vậy nên tôi đành phải vay mượn nó vào trong những dòng tâm tư của mình. Bởi tôi muốn chia sẻ điều ấy, với những con người cùng có chung tình yêu với tôi, cho những người chưa kịp biết đến để yêu nhưng rồi sẽ vẫn yêu, tôi hy vọng họ sẽ đọc được bài viết này. Và tôi biết, sẽ còn nhiều hơn những bài viết tôi muốn nói về Đà Lạt, trong những ngày sắp đến.
Bài viết sử dụng một số tư liệu tôi đã tham khảo trên Wikipedia, trong khi tôi đang lật mở từng trang trong cuốn sách Yersin – một quyển sách kể về cuộc đời của vị bác sĩ tài hoa nhân đức vẹn toàn này.
Tác giả: Ni Chi
*Featured Image: anle20
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
“Nhưng có một sự bức bách nào đó đã nắm lấy tay tôi, đưa đường dẫn lối tôi trên từng con chữ.”
It’s God. Bài viết hay, xán lạn! 🤣
God gì đây, khùng :)))))))))))
Quên mất em là một kẻ vô thần, mà một kẻ vô thần thì sẽ không bao giờ thoát ra được khỏi ma trận :)))
Em sẽ block cả anh và god của anh ra khỏi trí nhớ, cho ma trận nó bớt rắc rối :)))))
Block anh thì được nhưng ko thể block được God, vì God đã nằm sâu trong trái tim em rồi, hehe.