Cô giáo Nguyễn Kim Tuyến đang làm cộng đồng mạng sôi sục sau khi một clip được chia sẻ cho thấy cảnh cô mắng một học viên của mình là “mặt người óc lợn” và phát ngôn chợ búa giữa lớp học.
Có lẽ vấn đề khiến cho người ta khó chấp nhận ở đây chỉ là vấn đề bề mặt: cách cư xử. Nhưng thực tế cuộc sống cho thấy rằng người ta thường bị cộng đồng đánh giá chính là từ những thứ bề mặt ấy và không nhiều thì ít nó cũng phản ánh một phần nhân cách của ai đó. Lời nói và hành động sẽ khẳng định bạn giữa đời thường chứ không phải là suy nghĩ, cho nên thật khó mà thuyết phục được một đám đông đang phẫn nộ thông cảm cho mình khi những gì mà chúng ta phô bày ra bên ngoài làm cho người khác phải nhăn mặt nhíu mày, phải bặm môi nghiến răng vì tức giận.
Vâng, phần đông người ta đang phớt lờ những lời lẽ hỗn xược của cậu học viên trong clip và mắng mỏ cô Tuyến vì cô đang ở một vị thế cao hơn, đang mang hình ảnh một nhà giáo. Người ta đòi hỏi nhiều ở cô hơn là ở cậu học viên kia sự nhận thức và làm chủ bản thân.
Tại sao chúng ta lại nổi giận khi xem cái clip ấy? Có phải vì cô Tuyến đã thể hiện quá chân thật cái sục sôi trong lòng mình trước một học viên ương bướng không chịu tuân thủ quy luật của trung tâm? Tuy nhiên, với vai trò là người đang đứng trên bục giảng của cô thì chúng ta khó chấp nhận được cái chân thật một cách trần trụi như thế. Và nếu nhiều người đang quan tâm vụ việc này đặt mình vào hoàn cảnh đó, có thể cũng sẽ không cư xử như cách mà cô đã cư xử. Không phải vì đạo đức gì cả, đơn giản là vì xã hội này không cho phép một người thầy cư xử như vậy.
Một trong những bản chất của con người vốn là sự man rợ và vô phép tắc, một đứa trẻ sẽ sẵn sàng đánh lại khi bị đánh. Vì thế mà chúng ta mới phải cần đến giáo dục. Nhưng điều gì xảy ra nếu một con người cũng bình thường như bao nhiêu người khác, chỉ là họ đang làm một công việc liên quan đến giáo dục cũng cư xử vô phép tắc như vậy. Chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng ngay sau tiếng chửi thề đầu tiên mà cô Tuyến thốt ra, cô đã hạ mình xuống bằng với cậu học viên xấc xược kia và lúc ấy người ta chẳng còn lý do gì để coi trọng cô cả.
Cô đã thất bại vì không làm chủ được bản thân. Cô đã đi từ thất bại đến thảm bại khi đâu đó trong căn phòng ấy, một chiếc điện thoại đang lấp ló dưới gầm bàn. Giá như cô chịu giả tạo một chút thì mọi chuyện đã khác. Ở ngoài kia, đâu có thiếu gì những người vẫn buộc mình phải nhã nhặn dù người đối diện có là loại hạ đẳng thế nào đi chăng nữa. Và người ta không có gì phải hổ thẹn khi sống giả tạo như vậy cả. Sự giả tạo sẽ làm cho chúng ta quên dần đi cái gốc tích man rợ của mình và đến một lúc nào đó, nó sẽ không còn là giả tạo nữa. Lúc ấy chúng ta hoàn toàn tự do, cái tự do của một con người được khai phóng, không phải là cái tự do mang hình hài thú vật. Tên gọi thì giống nhau nhưng đẳng cấp thì hoàn toàn khác biệt.
Tôi có nhớ một cảnh phim về bữa ăn của một tên trùm mafia với vợ và con trai. Trong bữa ăn ấy, hắn nói chuyện với con về việc nó đã đánh bạn ở trường. Hắn nói với con trai mình: “Quan trọng không phải là con đã làm gì mà là con để cho người ta nhìn thấy con đã làm gì.” Đó là quan điểm của một gã côn đồ, người luôn sẵn sàng hạ thấp bản thân (không phải là cái hạ thấp của người khiêm tốn) và bị xã hội coi rẻ. Còn những ai hướng thiện sẽ nói rằng: “Muốn người ta không biết, tốt nhất đừng làm.” Biết đâu có những thứ gông cùm mà nếu chúng ta chấp nhận đeo vào mình, nó trở thành đôi cánh để đưa chúng ta đến với một chân trời tự do khác?
Và điều cuối cùng mà chúng ta rút ra được cho bản thân mình trong thời đại thông tin này đó là hãy thận trọng. Không phải là thận trọng với những con mắt, những chiếc smartphone xung quanh mình, hãy thận trọng với chính mình.
Tác giả: Nguyễn Tài