28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Việc học không cần sự cạnh tranh để phát triển. Nó cần tình yêu

Mấy hôm nay viết rồi chia sẻ lên Facebook, mình không nghĩ được mọi người quan tâm và lan truyền nhiều đến vậy. Nhìn thấy các phản hồi tích cực, mình vui. Nhìn thấy các phản hồi tiêu cực, mình cũng vui. Ít ra điều này đánh động được suy nghĩ và khiến họ nói ra suy nghĩ, đỡ hơn chẳng suy nghĩ gì. Đúng sai thì còn phải đợi.

Có một điều tui hơi lạ khi các bạn tranh luận, các bạn hay nhầm lẫn giữa chân lý và ý kiến cá nhân. Một chân lý thì luôn đúng trong mọi môi trường. Nó không phụ thuộc vào cảm nhận của tui hay của anh, nó nằm ngoài suy nghĩ của mọi người.

Tui lấy ví dụ, Mặt trời thực ra không mọc hướng Đông. Hướng Đông là ý kiến cá nhân của vài trăm triệu người trên Trái đất này. Mặt trời không mọc. Nó đứng im và Trái đất chúng ta chạy lòng vòng quanh nó. Đó mới là chân lý, hướng Đông không phải chân lý, vì còn có hướng East, còn có itä, còn có 東, bạn thấy đó, họ không viết Đông. Tui đứng trên sao Hoả, sao Thuỷ, hay ngoài Thái dương hệ, nó sẽ mọc hướng khác, hoàn toàn khác. Ví dụ có người ngoài hành tinh khác, họ sẽ nói là hướng #@+%& gì đó.

Khi tui nói và chia sẻ, đó là ý kiến cá nhân, bạn có quyền vui vẻ với nó hoặc tức giận với nó. Hãy chia sẻ ý kiến hay cảm xúc của bạn về nó. Đừng bảo tui nói đúng hay sai. Tui không cố chứng minh một chân lý, một định luật. Chưa bao giờ. 

Quay trở lại chuyện giáo dục, tui xin chia sẻ tiếp, vì đây là chủ đề tui khá hứng thú.

Tui từng đạt thứ hạng cao trong học tập, được nhiều giải thưởng, nhưng tui cũng từng ăn điểm 0, từng đội sổ và cũng đã từng bỏ học. Tui từng làm những việc vô cùng cao quý, cho tới vô cùng bỉ lậu để tồn tại. Tui từng tiếp xúc và trò chuyện với cả những bậc văn nghệ sĩ có tên tuổi, cho tới ngồi khề khà với đầu trộm đuôi cướp tận đáy xã hội. Tui từng ở trong những căn nhà vô cùng tồi tàn, mùa mưa không dám ngồi trong nhà vì sợ sập, cho tới bước chân tới những nơi trải đầy thảm đỏ, nơi có thức ăn và rượu được để thừa mứa, và khách khứa VIP đầy ra, đếm không hết. Tui từng lọ mọ đi lụm từng lon bia, bọc nilong để bán ve chai, mua vài lon gạo giúp mẹ, nhưng cũng từng ngồi trong văn phòng máy lạnh, bàn chuyện làm ăn với những vị quan chức trong thành phố.

Với những kinh nghiệm đã và đang trải nghiệm, tui muốn chia sẻ những may mắn mà tui nhìn thấy được, cho những ai kém may mắn hơn, không hoặc chưa có cơ hội nhìn thấy. Đó là mục đích chính của tui. Tui muốn đánh vào suy nghĩ của họ, khiến họ trăn trở, và đặt câu hỏi cho chính họ. Đó mới là mục đích của tui. Vậy nên đừng bảo tui là “làm đi rồi hãy nói”. Tui biết việc tui đang làm.

Trường học, luôn nói rằng họ là nơi trang bị những kiến thức, kỹ năng để học sinh dễ dàng thích nghi và tồn tại khi bước ra đời. Nhưng thực tế là các lớp kỹ năng mềm, các lớp hội nhập, kỹ năng sống v…v… mọc lên như nấm sau mưa. Các công ty, tập đoàn luôn than vãn phải đào tạo lại nhân viên do họ xa rời thực tế. Trong công ty ngày nay, các buổi team building, rèn luyện kỹ năng mềm lại trở thành thời thượng và gần như bắt buộc. Tui có cảm giác trường học đang cố sức biến nó thành một nơi nào đó xa lạ với loài người, đến độ khi học sinh bước ra ngoài, họ phải vất vả hoà nhập trở lại.

Đoạn trên tui nói quá, sử dụng biện pháp thậm xưng. Nhắc trước để mấy bạn lại đem số liệu ra chứng minh thì tốn thời gian tội nghiệp.

Có một ý kiến được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các phản hồi, đó là sự cạnh tranh. Có thể cách nói khác nhau, nhưng tóm lại vẫn muốn giữ chuyện thứ hạng vì họ muốn có sự cạnh tranh.

Đi học, hoặc trong phim ảnh, họ luôn nói về điều đó. Đúng, bởi họ muốn bạn nghĩ như thế mà. Họ muốn bạn nghĩ rằng những gì họ dạy là đúng, và đó là cách hoàn hảo nhất, không còn cách nào khác.

Theo tui á, cạnh tranh không phải là cách mà tự nhiên diễn ra. Thích nghi mới là cách để tiến hoá và tồn tại. Tui nhớ hình như ông gì cha đẻ của thuyết tiến hoá cũng từng nói một câu đại loại không quan trọng bạn to lớn hay mạnh mẽ nhất để tồn tại, chỉ cần bạn thích nghi tốt nhất.

Vậy cho nên khi ta đem lý thuyết về cạnh tranh nhét vào môi trường giáo dục, về cơ bản nó đã trái tự nhiên. Mà trái tự nhiên thì sớm hay muộn, cũng sẽ bị đào thải. Điều đó đã và đang được chứng minh bằng các nền giáo dục tiên tiến, và tình trạng chảy máu chất xám khi lượng người du học tăng cao vùn vụt. Đừng tự lừa dối, chấp nhận đi.

Các nền giáo dục tiên tiến nhanh chóng thích nghi với xu thế và nhu cầu của thời đại, và họ cũng đang dần dạy học sinh cách thích nghi tốt với môi trường.

Tui nhớ hồi mới ra làm, tui cũng từng lo lắng chuyện bị cạnh tranh. Nhưng sau một thời gian thất bại, tui chợt nhận ra rằng, tui không hề có đối thủ cạnh tranh. Ai giỏi hơn ta, là thầy ta. Ai dở hơn ta, cũng có thể là thầy ta. Ai bằng ta, có thể là bạn, cũng có thể chẳng là ai cả. Tui chẳng có đối thủ.

Bạn sẽ lấy Google làm đối thủ ư? Điều điên khùng và tốn thời gian nhất tui từng nghe. Tui sử dụng dịch vụ của nó để làm tốt công việc khác của tui nghe có lý hơn. Hay sẽ lấy một thằng nhóc thất nghiệp nào đó làm đối thủ? Không, tui giúp nó xây dựng kế hoạch kinh doanh, và chúng tui thành bạn.

Tui mở một design studio ở Helsinki, bạn sẽ nói những studio khác là đối thủ ư? Không, tui có khách hàng của tui, họ có của họ. Tui có phân khúc khách hàng của tui, họ có của họ. Khu phố của họ rất xa nơi đây. Và nếu họ có ở gần, tui sẽ bắt tay và chúng tui cũng sẽ thành bạn. Tui cũng có hàng tỷ khách hàng đang chờ trên internet. Tui không có đối thủ.

Còn nếu bạn bước ra mở một dịch vụ hay bán một món hàng đang có người bán sẵn rồi, và bạn không muốn thay đổi hay sáng tạo gì để khác biệt? Ngu thì ráng chịu chớ đừng đổ thừa cho đối thủ.

Thời gian gần đây tui đang tìm co-founder để làm những startup mà tui yêu thích. Tui tham khảo và học hỏi những startup thành công, tui tham dự những buổi chia sẻ kinh nghiệm của họ, tui nhìn cách họ làm và hỏi những điều tui thắc mắc. Tui không thấy họ nói về đối thủ. Họ nói về tình bạn, về sự hợp tác, về sự bù đắp lẫn nhau những khiếm khuyết mà mỗi người đang gặp. Họ nói về ý tưởng của họ nhiều hơn là của đối thủ. Tui không thấy họ cạnh tranh nhau. Nhưng tại sao họ phát triển đến thế, tại sao họ giỏi đến thế? Do họ hợp tác trong tình bạn, họ làm tốt việc của họ và họ thích nghi tốt trong môi trường phát triển nhanh và khốc liệt.

Quay lại chuyện thứ hạng. Như tui đã nói ở trên, trường học bày ra những thứ xa rời thực tế. Bạn thử tưởng tượng nhé, bạn sẽ học đàn, để được cao hạng hơn thằng hàng xóm à? Cạnh tranh như thế nào? Nó đang đàn hay như Sungha Jung, còn bạn thì lọp bọp từng nốt. Cạnh tranh như thế nào? Hay là kết bạn rồi bái nó làm thầy để việc học vui vẻ hơn. Hay bạn học đàn, và cạnh tranh với con nhỏ đang học múa nhà bên cạnh. Cạnh tranh bằng cách nào? Hay là kết bạn rồi bạn đàn, nó múa, đẹp biết bao nhiêu. Hay bạn học đàn, rồi cạnh tranh với một đám con nít cũng đang học giống bạn? Cạnh tranh để làm gì? Khi bạn có thể làm thành một lớp nho nhỏ, và cùng nhau hướng dẫn và giúp nhau tiến bộ.

Bạn đang có kế hoạch kinh doanh gốm sứ, bạn cần học thêm về gốm. Bạn cạnh tranh với ai? Với nghệ nhân gốm à? Bullshit! Vác đít qua học đi, rồi về làm kinh doanh gốm cho tốt. Bạn kinh doanh tốt thì ông kia cũng chả phiền hà gì đâu. Bạn đang muốn làm design studio, bạn cần học thêm về design. Bạn cạnh tranh với ai? Bạn cần hạng mấy trong thế giới design này?

Việc học không cần sự cạnh tranh để phát triển. Nó cần tình yêu.

 

Xem thêm:

 

Sang Đặng

*Featured image: Sean MacEntee

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI