Photo: Wikipedia
Tuần vừa rồi mình đọc được vài mẩu chuyện thú vị, rồi từ đấy nghĩ về việc học thêm dạy thêm va thi cử ở Việt Nam.
Những câu chuyện về thành công
Xin được bắt đầu câu chuyện từ Bill Gates. Ông đã đạt được những thành tựu hiếm có trong thời đại chúng ta. Điều này khỏi phải bàn. Nhưng tại sao lại là Bill Gates mà không phải người khác? Vì ông đã làm một khối lượng công việc khủng khiếp. Vì ông rất thông minh. Chắc chắn rồi. Nhưng nhiều người khác cũng làm việc rất chăm chỉ, đâu phải chỉ một mình Gates. Và ai có thể khẳng định rằng Bill Gates ở tuổi thiếu niên thông minh hơn một học sinh khác? Tại sao lại là Gates? Trong Outliers – Câu chuyện về thành công Malcolm Gladwell đã viết về Bill Gates thế này:
Bill Gates sinh trưởng trong một gia đình sung túc ở Seattle, bang Washington. Cha của ông là một luật sư giàu có còn mẹ ông là con gái của một chủ ngân hàng. Từ nhỏ Bill Gates đã không mấy hứng thú với việc học ở trường, vì thế, năm Gates học lớp bảy, cha mẹ ông đã gửi ông đến Lakeside, một trường tư dành cho những gia đình danh giá. Trong thời gian đó, lần đầu tiên nhà trường khai trương một phòng máy tính. “Đó là một điều ngoài sức tưởng tượng”, Bill Gates nhớ lại. Tất nhiên là “ngoài sức tưởng tượng”, bởi vì đó là vào năm 1968, thưở bình minh của máy tính. Đa số các trường đại học ở Mỹ chưa có phòng máy. Không chỉ có vậy, máy tính của Lakeside là loại máy tân tiến vào thời điểm đó, máy ASR-33. Ý tưởng chế tạo những chiếc máy kiểu này mới xuất hiện vào năm 1965, tức là ba năm trước đó. Và thế là, ngay từ năm lớp tám, Bill Gates đã có cơ hội lập trình trên những chiếc máy tính hiện đại nhất vào lúc đó. Tất nhiên, thời gian sử dụng máy tính bị giới hạn. Cùng lúc ấy, ở trường đại học Washington (University of Washington-UW), một trường đại học trong vùng, mở một trung tâm tin học và cho thuê máy tính. Monique Rona, một trong những người sáng lập ra trung tâm này có con học ở Lakeside. Bà muốn một số người tình nguyện test phần mềm cho hệ thống máy tính của UW, đổi lại, người test sẽ được dùng máy tính ở UW miễn phí. Đúng là một cơ hội trời cho với một học sinh cấp hai như Bill Gates, một cơ hội mà rất ít người trên thế giới vào thời điểm ấy có được. Từ đó trở đi, Gates sống cùng với những chiếc máy tính (1).
Câu chuyện thứ hai
Ở Canada, khúc côn cầu là môn thể thao vua. Hàng năm, các chuyên gia tìm kiếm tài năng thường đi săn lùng những cầu thủ tiềm năng trong độ tuổi mười một, mười hai để làm hạt giống cho giải vô địch quốc gia. Khi nhìn vào danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất, người ta nhận ra là đa số họ sinh vào đầu năm, khoảng từ tháng một đến tháng ba. Lời giải thích cho hiện tượng này chẳng liên quan gì đến các cung hoàng đạo. Đơn giản là vì mỗi lứa tuyển sinh đều có giới hạn về ngày sinh là ngày ba mươi mốt tháng mười hai của một năm. Vì vậy, các cháu sinh đầu năm phải chờ đến mùa tuyển sinh năm sau. Có thể nhận thấy là, với cách tuyển sinh này, các cháu sinh đầu năm luôn già nhất, phát triển nhất cả về thể chất lẫn tâm lý với các bạn cùng khoá, và đương nhiên, tiếp thu tốt hơn các bạn sinh vào cuối năm. Vậy là, cách tuyển sinh như thế vô tình trao cơ hội cho các cháu sinh đầu năm để trở thành những cầu thủ lớn sau này (2).
Từ hai câu chuyện trên, mình thấy được là những người thành công phần lớn là do có môi trường tốt, được trao cơ hội để chứng minh bản thân mình. Ngô Bảo Châu là một nhà toán học lớn, nhưng ai dám khẳng định ông sẽ làm được những việc mà ông đã làm nếu như không được đi Pháp, Mỹ, được làm việc với những giáo sư giỏi, có môi trường làm việc khuyến khích phát triển. Hoặc như một người nông dân ở Tây Ninh, bác Trần Quốc Hải, có thể chế tạo được xe bọc thép nếu như vẫn đang chờ giấy phép ở nước mình? Có khi lúc đó bác vẫn chỉ ngày ngày cặm cụi rồi dần dần chìm vào quên lãng thôi.
Việc dạy và học thêm
Quay trở lại Bronx, một khu nghèo ở thành phố New York. Marita, một cô bé mười hai tuổi, đang sống cùng với người mẹ đơn thân và chưa bao giờ vao đại học của em trong một căn hộ ở đó. Với một hoàn cảnh như vậy, ít người kỳ vọng Marita sẽ vào đại học. Tuy nhiên có một điều đặc biệt nho nhỏ. Em đang theo học chương trình KIPP – Knowledge Is Power Program, một chương trình khuyến khích người học có ở khắp nước Mỹ. Hãy nghe em kể về lịch làm việc một ngày của mình:
Em dậy lúc sáu giờ kém mười lăm, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi bus đi học. Lớp học bắt đầu lúc bảy giờ hai lăm. Thật ra bạn bè em ai cũng dậy vào giờ đó, có người còn dậy vào bốn giờ sáng để học bài trước khi đi học. Em học liên tục từ sáng đến chiều và rời trường lúc năm giờ chiều. Về đến nhà, em bắt đầu làm bài tập, nghỉ giải lao ba mươi phút để ăn tối và lại tiếp tục làm bài. Mọi việc kết thúc lúc mười rưỡi; em và mẹ em trao đổi với nhau một chút rồi em đi ngủ. Ngày hôm sau mọi việc diễn ra y như vậy. Nhờ được tạo điều kiện học tập, Marita hơn hẳn các bạn trong cùng một khu phố, những người không tham gia chương trình. Mô hình này đang được nhân rộng ra ở nước Mỹ như là một giải pháp vực dậy cho chất lượng học tập của trẻ em ở những khu nghèo. Lưu ý là triết lý giáo dục phổ thông ở Mỹ là chơi nhiều hơn học và trẻ con thường không phải làm bài tập về nhà (3).
Đọc đến đây bạn có thấy thời gian biểu của Marita giống với một học sinh cấp hai ở Việt Nam không? Các em cũng phải dậy sớm ăn sáng, học chính, học thêm cả ngày và tối về nhà làm bài tập. Có điều, ở nước ta đang ra sức lên án còn ở Mỹ đang khuyến khích đưa vào áp dụng. Học sinh Việt Nam trước đến giờ ra nước ngoài luôn có một lợi thế không nhỏ ở các môn khoa học tự nhiên chính là nhờ chính sách học thúc ép như vậy. Mình nghĩ rằng, tự bản thân việc dạy thêm học thêm không có tội. Trái lại, học thêm là cơ hội để phát triển. Tội chẳng qua là ở thái độ quan trọng hoá của người ta đối với nó thôi. Không có luyện tập căng thẳng, không có “cày” thì làm sao cho ra lò những học sinh có năng lực?
Lại có ý kiến cho rằng nên cấm học thêm, vì như thế là không công bằng. Thế nào mới là công bằng? Chẳng nhẽ bắt tất cả mọi người học cùng một giáo trình, luyện tập cùng một thời lượng ròi đi thi cùng một bài mới là công bằng? Không, đấy là cao bằng chứ không phải công bằng. Thay vì khuyến khích người nào học được cứ học, làm được cứ làm thì ta lại cấm không cho ai làm nữa. Thay vì để cho mọi người có cơ hội để phát triển tự do thì ta lại kéo tất cả xuống thấp để mọi người bằng nhau. Như vậy có đúng không? Mà nữa, việc cấm chẳng qua là giải pháp cuối cùng, vì không thể kiểm soát, điều tiết nổi nên cực chẳng đã mới phải cấm.
Những kỳ thi học sinh giỏi
Ở Việt Nam có nhiều người đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của những kỳ thi học sinh giỏi, từ cấp quận đến quốc tế. Nhiều người cho rằng thi học sinh giỏi là vô bổ. Các tập đoàn về công nghệ thông tin lớn trên thế giới hằng năm vẫn tổ chức những cuộc thi lập trình cho mọi lứa tuối, để rồi từ đấy tuyển được nhũng những nhân viên có năng lực. Những cuộc thi này hình thức như thế nào? Thật ra, nó chẳng khác mấy những kỳ thi học sinh giỏi Tin học ở Việt Nam, đó là giải một số bài toán trong một khoảng thời gian qui định. Suy rộng ra, nó cũng giống hệt với mọi kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam. Lại một lần nữa, việc loại bỏ các kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam, chỉ giữ lại ở lớp chín và mười hai lại cho thấy chúng ta làm ngược lại với Mỹ. Các kỳ thi học sinh giỏi là những cơ hội tuyệt vời để những người có năng lực được học sâu hơn, được tiếp cận với những kiến thức cao hơn, được nghe từ những thày giỏi. Trong những người đạt được giải cao trong những kỳ thi ấy, nhiều người vươn lên đỉnh cao của tri thức, như giáo sư Ngô Bảo Châu. Mình muốn nói là, các kỳ thi không hề có tội mà chẳng qua là tâm lý đặt nặng thành tích của người tổ chức cũng như người thi mà thôi. Nếu bây giờ cứ tổ chức thi học sinh giỏi, đồng thời coi nó là những việc bình thường, gạt bỏ đi tâm lý thích thành tích thì tốt hơn nhiều so với lên án và cấm thi.
Kết
Thành công xuất phát từ cơ hội. Chuyện về Bill Gates, chuyện về giải khúc côn cầu ở Canada, về giáo sư Châu hay bác nông dân Trần Quốc Hải là những minh chứng. Ở Việt Nam mình, người tài không thiếu, chỉ thiếu cơ hội. Nếu những người làm giáo dục có thể cởi mở hơn để người học có nhiều cơ hội được học thêm, tạo ra sân chơi để người có năng lực thể hiện mình, đồng thời làm cho mọi người hiểu rằng, những kỳ thi ấy, cuối cùng cũng chỉ là những kỳ thi thôi, và cuộc sống này còn nhiều màu sắc hơn như thế, thì hay biết mấy.
*********
Vấn đề là dạy thêm ở nước ta, ở góc độ GV thì đa phần là kiếm thêm thu nhập, còn hoc sinh thì chạy theo điểm số, ko mang tính nâng cao kiến thức nhiều nên lợi ít hơn hại (mất thời gian, công sức, mệt mỏi, ko còn khả năng sáng tạo) đó bạn.
Cũng tùy thôi, khi nào con người ta coi học là 1 thú vui, học để hiểu biết chứ ko phải điểm số thì việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng.
về vấn đề học thêm thì tôi có quan điểm là nên cấm, tuy nhiên nếu trong thực tế mà cấm thì nhiều nhà giáo sẽ gặp khó khăn rất nhiều về kinh tế.
bài viết có một số điểm sai lầm khi mang quá trình phát triển của những người nổi tiếng ở nước ngoài để nói về VN trong khi 2 nền giáo dục là hoàn toàn khác nhau. Một điểm thứ 2 là nhiều người thích mang những người thành công ra phân tích rồi cảm giác như khám phá ra một bí quyết nào đó để thành công như họ. Tôi thì thích dùng phương pháp thống kê hơn là những xét đoán mang tính cá nhân.
Không phủ nhận rằng ta sẽ trở nên giỏi hơn khi dành nhiều thời gian và công sức để tập trung vào một thứ gì đó. nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ cái mà ta tập trung vào đó sẽ mang lại cho ta bao nhiêu % cho sự thành công. Nhìn vào giáo trình và phương pháp giảng dạy ở VN thì tôi không cho rằng nó là đáng giá để ta tập trung sức lực vào đấy. Chương trình vốn đã nặng mà còn bắt trẻ phải học thêm thì chẳng khác gì ta đã đánh cắp đi tuổi thơ của chúng. Huống hồ phải định nghĩa lại từ “thành công” nữa, thế nào là thành công? theo quan điểm của tôi thành công là một người có thể phát triển toàn diện bao gồm nhân cách, đạo đức, kinh tế, cảm xúc, thể chất, tầm nhìn, nghệ thuật…chứ không chỉ riêng vấn đề kinh tế. Nền giáo dục nước ta cực kỳ hạn chế, trình độ hiểu biết của phụ huynh cũng vậy. Nếu có thể thống kê những người thành công ở VN bằng chính tài năng họ thì tôi nghĩ yếu tố lớn nhất để quyết định đó chính là gia đình, còn trường học hay học thêm này nọ không mang nhiều ý nghĩa. Tôi có vài người bạn có cha mẹ là trí thức, nhìn cách nó học rất nhẹ nhàn, có rất nhiều thời gian để tham gia những câu lạc bộ cờ hoặc bóng đá và trong những môn đó nó vẫn rất giỏi, nói chung là toàn diện.
Vì sao nên cấm dạy/học thêm? vì lợi ích từ học thêm là không cao, khi đời sống của đứa trẻ không có sự cân bằng thì có nhồi nhét nhiều cũng không có tác dụng hay tác dụng ngược, nó sẽ phát triển không bình thường. vì sẽ có những giáo viên bán điểm bằng hình thức giải trước bài tập kiểm tra trong lớp (bản thân tôi từng trải qua), mà điều này là nguyên nhân chính khiến trẻ mất căn bản, khi đã mất căn bản thì hết thuốc chữa.
vậy muốn con cái ở VN thành công thì làm cách nào? Trông chờ vào nhà trường là không khả thi. tôi thấy thực tế nhất là cho con đi học các trường quốc tế nếu có khả năng, nếu eo hẹp về tiền bạc thì nên tham gia các diễn đàn để học hỏi phương pháp dạy con từ nhiều người có kinh nghiệm, việc này vô cùng cần thiết đấy nhé. Khi tầm nhìn cha mẹ được nâng cao thì con sẽ dễ dàng thành công hơn.
Mình đọc khá nhiều bài của bạn Mắt Đời, và mình cũng khá đồng quan điểm với bạn trong những bài trước, như việc phải rạch ròi về các vấn đề đạo đức, hoặc vấn đề tiếp thu văn hóa tinh hoa các nước,…Nhưng lần này mình dislike, bạn thể hiện cái tôi quá lớn, nhiều khi nó sẽ che mất những điều tốt đẹp. Nếu bạn có cái nhìn khách quan hơn, bớt gay gắt hơn, nhìn về hướng giải pháp chứ không phải là hiện trạng thì mình nghĩ rằng bài viết này rất có giá trị ấy nhỉ. Mình không giỏi phân tích, viết lách, phản biện như bạn vì thế không dám nói quan điểm của bạn đúng sai chỗ nào, mình chỉ giới thiệu một lăng kính mới cho bạn thôi.
Bạn biết không? thật ra việc like hay dislike với mình không quan trọng lắm, lời này không phải mang hàm ý khinh thường đâu mà ý muốn nói là mình vẫn đang học hỏi, mà một người đang học thì còn nhiều thiếu sót, mà còn thiếu sót thì không tránh được sẽ có người dislike, mà đôi khi một quan niệm sai của mình vẫn nhận được like. Thành ra mình khá thích tranh luận với nhiều người là vì thế, nó sẽ làm một vấn đề trở nên rõ ràng hơn.
trở lại bình luận của bạn, hay bài viết này. những gì nêu ra cũng có tính đúng đắn như bạn nói. Nhưng nếu dùng nó vào thực tế thì…hại nhiều hơn lợi. Đúng là học thêm thường giúp học sinh có nhiều hơn hiểu nhiều hơn về bài học, nhưng thường thì cái lợi ích đó đứng trên quan điểm của các bậc phụ huynh hơn là lợi ích thực sự cho chính đứa trẻ đó – con họ. Vấn đề đặt ra chính xác phải là “làm thế nào để một đứa trẻ phát triển một cách tốt nhất?” chứ không phải là làm sao để nó được như Bill Gates rồi bắt nó đi theo con đường ông ta đã đi. Mục đích có trước, giải pháp có sau. Xét vì lẽ đó mình không đồng tình với bài viết ở 3 điểm: quan niệm về thành công cho đứa trẻ chưa đúng trọng tâm, tình hình thực tế giáo dục VN chưa đáp ứng được yêu cầu phải có, và cuối cùng là giới hạn về trình độ của phụ huynh. Từ những điều đó mà nếu đồng ý bài viết rồi bắt đứa trẻ học thêm càng nhiều thì khác gì hại nó.
tính mình rất dễ, trái quan niệm thì cứ thảo luận để hiểu nhau là được, cứ nói những gì bạn nghĩ thôi. còn các bình luận của mình chỉ mang tính tham khảo và đừng nghĩ mình lý luận có vẻ hay hoặc viết được vài bài thì cái gì cũng đúng, có khi chính mình đang bẻ cong chân lý mà mình không biết. Tuy nhiên những gì mình nói luôn là những gì mình nghĩ.
Mình là người ít nói, và viết văn cũng rất tệ, nên mình chỉ giỏi nắm đại ý, cảm xúc. Như đã nói trên, mình cũng rất đồng quan điểm với bạn trong nhiều vấn đề nên cũng khá hiểu về nhau ấy nhỉ. Việc dislike không thể hiện đúng sai, mà mình chỉ muốn nói rằng bạn quá quan trọng đúng sai (cái tôi đôi khi che mời đi tri thức), tại sao bạn không thể nhìn nhận những cái hay, cái đẹp từ bài viết ý kiến cá nhân của tác giả!
Có vẻ bạn thích socrates ấy nhỉ. Nếu bạn đã có ý muốn tranh luận để học hỏi mình cũng có vài quan điểm muốn đưa ra:
1.Bạn nói quan điểm thành công không đúng trọng tâm. Theo bạn có con đường thành công nào giống nhau không? tại sao chúng ta phải học tiểu sử các nhà văn, các vĩ nhân hoặc các học thuyết kinh tế cổ xưa lỗi thời? tại sao các chương trình MBA đều chú trọng dạy theo các case study, mặc dù nếu áp dụng những cái ấy vào tình hình thực tế doanh nghiệp thì hên xui rồi. Qua bài viết, mình biết thêm về thành công của Bill, và cũng ồ lên rằng, ông bà ta cũng đã có câu “thiên thời, địa lợi nhân hòa” mà.
2.Tình hình giáo dục chưa đáp ứng đúng yêu cầu phải có. Vậy thì yêu cầu phái có theo bạn là gì? giống như các nước Anh, Mỹ à? bạn có bao giờ tìm hiểu xem Hàn Quốc, Trung Quốc đang giáo dục như thế nào chưa? Không phải ai cũng thông minh (chỉ xét IQ), cũng có kiến thức nền tảng tốt, ai cũng có điều kiện học tập đâu. Mình kể cho bạn nghe một câu chuyên, mẹ mình là giáo viên, ngoài việc ở trường, mẹ mình còn phải quán xuyến hết công việc nhà cửa, cơm nước cho 6 người. vì thế bà không có thời gian dạy thêm, và bà cũng không thích dạy thêm. Nhưng trong ký ức mình, bà vẫn có 2 năm dạy thêm, vì học trò năng nỉ quá, và sự ham học của các em nên bà không thể từ chối được. Xin nói thêm, bà dạy ở một trường nổi tiếng quậy và học dốt nhất thị xã, nhưng đó chỉ là một số thôi, còn một số học sinh vẫn rất muốn học nhưng trong môi trường như vậy thì không thể nào tập trung học tốt được, vì vậy lỗ hỏng kiến thức, nền tảng càng ngày càng lớn, mà giáo viên thì phải lo chạy giáo án, mà cho dù không chạy giáo án cũng không thể trong vài tháng bù hết được số nền tảng đã mất. Vậy nếu cấm dạy thêm thì sao? Việc so sánh với các nước có nền giáo dục phát triển là rất tốt, và hướng theo điều đó càng tốt, nhưng trước hết phải nhìn lại thực trạng của mình, liệu cơm gắp mắn ấy (đương nhiên, quan trọng nhất là Người cầm đũa rồi, không bàn cãi)
3.Trình độ phụ huynh. Điều này đúng với lứa tuổi của chúng ta, khi mà ba mẹ phải chạy cơm từng bữa, lo cho con no đủ, có tiền đóng học phí để đến trường đã mừng lắm rồi, làm sao mà có thời gian phải dạy con thế nào, quan tâm đến tâm sinh lý của trẻ, dạy các kỹ năng sống… Nhưng hiện tại thì khác, trẻ con sinh ra ít hơn, vật chất đầy đủ hơn, ba mẹ quan tâm con nhiều hơn, và các diễn đàn nuôi dạy con ngày càng đông thì mình chỉ lo sợ trình độ phu huynh cao thâm sinh ra con trẻ thừa mứa thôi. Cái gì cũng phải có quá trình, như leo cầu thang vậy, có người leo từng bước, có người nhảy cóc 2,3 bậc, nhưng chẳng có ai có thể nhảy 1 cái là leo lên đỉnh được.
Đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình thôi. Mình thì không thích tranh luận, vì đúng sai là tương đối trong các cuộc tranh luận không có hồi kết như thế này. Mình thích lời kêu gọi hành động của bạn Phi Tuyết hơn, và đang cố gắng. Tuy ở Việt Nam thì việc đó rất khó nhưng không phải là không thể, đúng không nào “các bạn ếch đang bị giam trong cái ao tù”
🙂 không thể phủ nhận những điều bạn nói về tôi là khá chính xác, tôi quan trọng chuyện đúng sai và cái tôi thể hiện là khá nhiều, có vẻ nó mang tính cực đoan theo lý thuyết nhiều. Nếu cần một lời giải thích thì đó là vì…ranh giới của sự đúng sai hiện nay quá mờ nhạt. Tôi nghĩ mỗi người trước khi phán đoán hay phán xét thì luôn cần có một chuẩn mực nào đó làm điểm tựa. Còn tại sao không thừa nhận cái đẹp cái hay từ bài viết, tôi thừa nhận thì sao? thì một ít người sẽ “ừ! học thêm cũng tốt! giúp con mình học hành tiến tới hơn.” nhưng đặt việc việc học thêm vào thực tế ở nước ta thì có lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn? theo tôi thì hại nhiều hơn (có thể bạn cho đó là cảm tính của mình thôi). Tôi hay thích đặt tất cả lên bàn cân để cân, nghĩ xem một bài viết tạo ra hiệu quả gì với người đọc và tìm cách điều chỉnh (theo ý tôi) mà tôi nghĩ là cần thiết. Huống hồ những ý mang tính chung chung lại quá nhiều rồi, nên hoặc tôi sẽ không nói gì, còn nếu nói thì phê phán không thương tiếc. Cũng chính vì sự cực đoan đó mà tôi dự định tương lai không làm người cmt đầu tiên, khi đó cái cực đoan không sẽ được điều hòa phần nào.
1. Cái trọng tâm tôi nói là những khái niệm về thành công. Với một con người hay đứa trẻ thì thế nào mới là thành công mới là quan trọng nhất. Còn hình ảnh về sự thành công của một vài người vĩ đại chỉ mô tả một phương diện nào đó mà thường thì chúng chỉ mang ý nghĩa về kinh tế. Dùng con đường thành công một mặt để áp dụng cho tất cả các mặt của một đứa trẻ liệu có hợp lý? huống hồ biện pháp đó đã xét qua thực tế hay chưa? để thành công thì tôi nghĩ cần 2 thứ, đó là quan niệm đúng về thành công và tình hình thực tế, 2 cái đó sẽ cho ra giải pháp phù hợp. Huống hồ quang điểm người viết thì nên học thêm, mình thì nghĩ là không nên. Người viết dùng lý luận chứng mình điều đó và mình cũng vậy.
2. phần này thì có một số quan điểm của bạn tôi đồng ý, ví như cần bồi đắp những lỗ hỏng của kiến thức khi chương trình đi quá nhanh, nhưng nếu giáo trình càng ngày càng nặng thì sẽ không bao giờ đắp nổi hết, đắp chỉ là giải pháp chữa cháy thôi. Tôi chưa nghiêng cứu các nền giáo dục nước ngoài thành ra vẫn chưa có bài nào viết về nó cả, nhưng tương lai sẽ tìm hiểu về nó và so sánh với thực tế VN. Thật ra những ngày gần đây tôi cũng ưu tư rất nhiều về vấn đề làm sao để một đứa trẻ phát triển tốt trong cái thực trạng này, đòi cả nền GD cải cách như nước ngoài là không thể. Nhưng cái việc này có vẻ vượt quá khả năng của tôi trong hiện tại, quan niệm về lý thuyết thì tôi nói được nhưng giải pháp thì phải thực tế và áp dụng được thì tôi mới viết bài. Còn những giáo viên như mẹ bạn thì ngày nay không nhiều đâu, hơn chục năm trước khi tôi còn học PT thì cũng chỉ có duy nhất một cô giáo là giống như mẹ bạn.
3. có một thực tế đáng buồn là ngày xưa đông con, nghèo khó, ngày nay dư thừa vật chất và ít con…nhưng đạo đức xh càng ngày càng đi xuống. Tại sao? vì có rất nhiều chuẩn mực đã biến mất. khi những chuẩn mực biến mất thì người ta rất dễ tin vào những gì có vẻ hợp lý hay hợp lý nhưng không phù hợp. tất nhiên không thể một lúc nhảy lên đỉnh nhưng khi nhảy cũng phải cẩn thận chút, có lẽ tôi không giỏi dang gì nhưng nhiều khi cũng cần một rào cản nào đó chứ.
Bạn có rất nhiều suy nghĩ hay, sao bạn không dùng đến nó nhỉ? hãy nói ra những gì là đúng theo ý bạn, hoặc thử viết bài đi. Vì bạn có thể là một rào cản để người khác (trong đó có thể có mình) không trở thành cực đoan. Còn bài của Phi Tuyết thì tôi không đồng ý một số quan điểm, tuy nhiên bài đó quả thật rất tích cực, mà tôi cũng cần nhìn lại mình, cần làm nhiều hơn nói. Vì thế nên không bình luận trong bài đó. Tất cả chúng ta đều là những con ếch trong nồi nước nóng dần.
Mình hiểu những trăn trở và những tính cách, phản ứng của bạn và nhiều người đều do thực tại xã hội gây ra, và mình cũng thế. Bạn chọn cách kêu inh ỏi, gay gắt, và mình mình thì vô cảm, co rút trong nội tâm. Khi bắt đầu đọc bài của THĐP, khi nghe những tiếng kêu từ những bạn ếch thì mình cảm thấy không cô độc, ngưỡng mộ những bạn ếch nói hộ tiếng lòng và có những thay đổi nho nhỏ. Mình có rất nhiều ý tưởng, vì mình chỉ thích suy nghĩ, nhưng ăn nói, viết lách không được nên đang cố gắng đây, hy vọng sắp tới sẽ có một số bài viết truyền cảm hứng cho các bạn, và mình đang thực hiện một số kế hoạch để cải thiện thực tại này, dù biết khó khăn, nhưng trong đời nên làm một việc gì đó mà để tự hào là mình đang sống.
Bạn này nói khá chuẩn, mình rất nhất trí với quan điểm của bạn! Vote!