27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tiếc nuối…

Featured Image: Vitaly & Julia Zaporozhenko

 

Cuộc đời con người là một chuỗi những điều tiếc nuối. Có những tiếc nuối mà qua thời gian có thể sửa sai được, tuy nhiên điều.. tiếc nuối nhất lại là có những sự việc, vấn đề đã qua đi mà khi nhìn lại dù có thời gian ta cũng không thể sửa chữa được. Với tôi, điều tiếc nuối nhất là đã… đi học đại học!

Nếu thời gian quay trở lại, nếu ngày xưa có nhiều thông tin như bây giờ? Nếu như trước kia có được những thông tin quý giá như… sự bỏ học giữa chừng của những thiên tài sáng tạo như Bill Gates, Steve Jobs… Nếu như ta biết được rằng, trước kia phải mất nhiều năm để đào tạo những tiến sĩ làm việc cho các công ty chứng khoán Mỹ giúp giải quyết những bài toán tích phân thì bây giờ để giải những bài toán như thế, những người trình độ bình thường chỉ cần tham gia một khóa học kỹ năng giải Toán cao cấp vài tháng là giải được (ý một bài viết trên báo TG & VN)!

Nếu như hiểu được sâu sắc câu nói của Albert Eistein: “Sự sáng tạo quan trọng hơn tri thức.” Nếu như được nghe sớm câu nói của Bố Già Vito Corleone với con trai Maicon: “Bốn năm học ở đại học của mày không bằng một đêm đi nhà thổ.“ (Bố già – Mario Puzzo). Nếu như ý thức được rằng “tự học, tự học mọi lúc mọi nơi, tự học suốt đời” mới là hình thức giáo dục cao nhất và đúng đắn nhất. Nếu như biết sớm rằng trong tình hình giáo dục khủng hoảng thì “tự giáo dục” là quan trọng nhất.

Dù biết “Tất cả những gì tôi có được là nhờ sự học tập” (Barack Obama); “Vấn đề giáo dục được coi là tuyệt đối trong mỗi gia đình Việt Nam” (trích bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu tại lễ chúc mừng nhân GS đoạt giải Field); “Tri thức là sức mạnh” (Francis Bacon) nhưng cũng chỉ nên đi học đại học khi nào nền giáo dục nước ta thực sự trung thực, thực sự phát triển. Còn nền giáo dục như hiện nay của chúng ta thì… không nên đi học đại học làm gì mà nên… tự học, tự nghiên cứu chắc sẽ tốt hơn là đi học đại học!

Không nên phí hoài thời tuổi trẻ sung sức nhất cả về sức khỏe lẫn open-minded (tâm hồn rộng mở), tiền bạc trong bốn năm đại học của mình trên giảng đường với những bài học vô bổ; những buổi học thụ động: thầy đọc, trò chép; những buổi học không có chút sáng tạo nào… Nhưng thời gian trôi qua mất rồi, biết làm sao được bởi tôi… đã đi học và đã học xong… đại học. Thật tiếc nuối nhưng… “C’est la vie” – Đời là thế!

Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ… bỏ học ngay trong buổi đầu tiên bước chân đến giảng đường! “Trả lại cho em khung trời đại học, con đường đi học đầy hoa điệp vàng, đầy lá me bay, đầy hoa phượng đỏ…” để lao vào cuộc sống. Lao vào cuộc sống ở đây không phải là rồi sẽ đem tiền mua bất động sản để đầu cơ; khai thác tài nguyên rồi bán rẻ cho nước ngoài… – những cách làm ăn ít có tác dụng tích cực thậm chí chỉ làm hại trong việc thúc đẩy sự phát triển đất nước mà thôi.

Đó là những cách làm ăn ở tầm thấp: manh mún, tủn mủn mang tính chộp giật và nhất thời; là tư duy và suy nghĩ của nhân loại trăm năm về trước; là những lối mòn mà người ta đã đi mòn gót. “Việt Nam đang cố gắng học những gì chúng tôi đã bỏ đi” (Sao quê hương mình già nua đến vậy? – TS Alan Phan)… “Sao chúng ta không cạnh tranh sản xuất những sản phẩm kiểu như iPad, máy Photocopy… mà chúng ta lại chỉ đi cạnh tranh ở việc sản xuất những sản phẩm kiểu như thùng đựng rác…” (ý một bài viết trên Vietnamnet).

Tôi sẽ lao vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức, nhiều khát khao cống hiến, open – minded… với hướng đi chắc chắn sẽ là tập trung vào nghiên cứu sáng tạo rồi thương mại hóa sản phẩm trí tuệ của mình (giống như các công ty sáng tạo). Nếu như đi theo hướng này thì sẽ gặp vô vàn khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, và quan trọng nữa là có nhiều thời gian thì chắc chắn là sẽ có nhiều cơ hội để thành công, sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Mà thành công hay không thành công thì mình đã có thể phát triển tới giới hạn của mình (một ý trong tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn), được là mình. Và đây mới là điều quan trọng nhất của cuộc đời!

Một phần khác của tâm trạng tiếc nuối là khi nghĩ đến nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên những thế hệ sau. Các bạn vẫn đi vào lối mòn mà nhiều thế thế hệ trước đã đi mòn gót, vẫn “cố gắng sáng tạo cái bánh xe”… Rất nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn đang từng ngày từng giờ phí hoài điều quý giá nhất của mình là tuổi trẻ. Bây giờ mà gặp một bạn trẻ say sưa đọc sách thì hiếm lắm. Hỏi các bạn trẻ có biết những tác phẩm kinh điển như Bố Già, Cuốn Theo Chiều Gió, Suối Nguồn, Số Phận Con Người, Bà Bôravy…hay không thì phần lớn câu trả lời là: không!

Bởi họ còn đang mải chạy theo các giá trị ảo với minh chứng là số hồ sơ vào các trường Kinh tế, Tài chính (những yếu tố liên quan đến phần ngọn của sự phát triển của quốc gia) tăng cao; trong khi số hồ sơ vào các trường KHKT, nghiên cứu cơ bản (những yếu tố liên quan đến phần gốc của sự phát triển của quốc gia) giảm. “Nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn bởi dân số trẻ trung của người Việt Nam nhưng sau khi họ đến họ đã thất vọng. ‘Những người trẻ suốt ngày coffee, nhậu nhẹt, bài bạc, thụ động sẽ không đồng nghĩa với sự sáng tạo. Những người này sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước đây? Sao quê hương mình già nua đến vậy ?” (TS Alan Phan).

Nếu may mắn được đi học thì hãy học, hãy cháy hết mình. Ngược lại, nếu lười học, không đam mê ngành học… thì hãy dừng học ngay lập tức để cho không phí hoài tuổi trẻ bạn nhé. Người ta nói “những gì khi mất mới thấy tiếc” không sai. Hãy đừng để mất rồi mới hối hận, đừng lãng phí tuổi trẻ của mình nữa, tỉnh lại đi các bạn trẻ ơi, tỉnh lại đi trước khi quá muộn!

Là người đã có chút trải nghiệm trong cuộc sống nhưng nhiều lúc tôi vẫn chảy nước mắt vì tiếc nuối đã đi học đại học. Những lúc như thế tôi lại tự nhủ lòng mình: “Thôi mà, thời gian đã qua rồi, không thể lấy lại được.“ Để tự an ủi. Vả lại những suy nghĩ như trên cũng là do những sự trải nghiệm từ những năm học đại học, từ những… va đập (chữ của Nguyễn Trần Bạt) trong cuộc sống mới có được. Những suy nghĩ đó nhất định là sự định hướng cho mình những bước đi tích cực tiến tới tương lai! “Ta không đoán định được tương lai nhưng cuộc đời là kết quả của sự kết nối những gì ta nghĩ, ta làm…” (Steve Jobs).

Giờ đây, tôi sẽ bước vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức và open-minded… “Nếu một khi Scalett này đã muốn là sẽ thực hiện được! Và ngày mai sẽ là một ngày mới.” (câu kết của tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió). Vâng đúng vậy, mà không phải ngày mai, hôm nay sẽ là một ngày mới…

 

Phạm AQ
(HN, 08-2014)

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

60 BÌNH LUẬN

  1. Nếu cảm thấy mình học đã đủ và tự tin thì cứ nghỉ học, nếu không thì đừng dại dột mà làm theo Bill Gates hay Steve Jobs. Họ nghỉ học vì đại học không đủ tầm để dạy họ nên họ muốn nghỉ học để có thời gian nghiên cứu ở tầm cao, khả năng tự học của họ rất cao. Còn nếu chúng ta cảm thấy mình không được như họ thì nên cân nhắc. Biết người biết ta mà lượng sức!

  2. Tôi nghĩ bạn nên nhìn bằng con mắt tích cực hơn, đừng nhìn vào mặt trái của nó rồi chỉ trích. Tôi đoán chắc là bạn đã chọn nhầm nghành học, bạn không có đủ can đảm để bỏ nó và bắt đầu lại từ đầu, bạn sợ thất bại, và hơn hết là bạn chưa hiểu được bản thân mình muốn gì! Khi bạn hiểu được thù bạn sẽ thấy theo cách khác, mọi chuyện đều có ý nghĩa. Tôi có nhớ một câu nói rất hay nhưng không nhớ là của ai : Nếu bạn mong chờ một ngày ai đó sẽ giúp bạn thay đổi thì hãy nhìn vào gương(không nhớ chính xác). Đừng đổ lỗi cho người khác.
    Nếu không thích nó thì hãy làm những gì bạn thích, học những gì bạn cảm thấy hứng thú. Bắt đầu lại mọi chuyện không bao giờ là muộn chỉ có người không giám làm mà thôi.

  3. Mình nói thật chứ, ĐH ko phải con đường tốt nhất, và bạn nói học ĐH là điều hối tiếc nhất thì bạn nên hối tiếc vì cách bạn sử dụng quãng thời gian sinh viên của mình. ĐH là mô hình xã hội thu nhỏ, là chất nền cho bạn học cách kiểm soát cuộc sống của mình trước khi bước vào cuộc sống, va chạm thực sự. Hãy vui vì đã học ĐH chứ đừng bao giờ hối tiếc. Hối tiếc là lỗi của chính bạn! Mình đang là sinh viên, năm đầu nên có thể nhiệt huyết vẫn còn rất cao, nhưng nghĩ mà xem, còn đâu những khoảnh khắc bên bạn bè nữa khi bạn ra trường? Phải tất bật mưu sinh, toan tính đủ đường.

    Khi là sinh viên, bạn vừa có quyền quyết định, nhưng vừa phải theo khuôn khổ, nhưng ngoài xã hội kia thì bạn không có quyền “làm luật”. Khi là sinh viên, bạn có thể vui, buồn, giận, thương…. nhưng khi đã ra ngoài xã hội, bạn sẽ nhìn, nghe, nói bằng 2 chữ “giả tạo”. Quan điểm của mình là vậy. Đời sinh viên của mình rất đẹp vì mình không ngừng phấn đấu, mình tham lam và muốn giành được tất cả! Thời gian của mình rất ít, nên mình chẳng hối tiếc vì những gì đã làm, và sẽ làm tốt hơn, vươn tới cái tốt nhất. Dù ngoài kia, áp lực thật, thậm chí khốn nạn thật, nhưng như vậy mới là cuộc sống. Muốn quan tâm và cải tổ đất nước, hay Đảng, hay bất cứ điều gì bạn bất mãn, hãy làm tốt việc của mình đã. Vì như sư phụ tôi đã nói: lo việc của mình thật tốt, sau này giàu có hùng mạnh, mình mới đủ lực mà xoay chuyển cuộc sống của người khác (xã hội) !

  4. nghe lời tự sự này thì cũng biết tác giả cũng tương đối là nhiều tuổi rồi. Không thì cũng đủ trưởng thành để hiểu rằng : hối tiếc là một phần của cuộc sống. Có ai sống trong đời mà không phải hối tiếc bất cứ điều gì? Hối tiếc là tiêu cực nhưng đôi khi ta phải trải qua những điều tiêu cực đó để biết được rằng ta cần gì và muốn gì. Thử hỏi nếu tác giả không trải nghiệm thì có đúc kết được kết luận trên không? Hay giờ vẫn đang băn khoăn? Và không phải cứ học đại học là ra đầu chỉ toàn lý thuyết. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn học trên trường nữa, hoặc thậm chí cách bạn làm quen với loại bạn bè nào trong đại học, hay chọn thầy cô nào để nghe theo… Sau những giờ học trên trường thì về nhà bạn đã làm những gì?… Bản thân ng trẻ VN nhiều ng có nhược điểm là họ rất bị động, nếu không phải thúc vào mông chắc chẳng chịu làm. Vậy ra đời sớm có phải là điều tốt? Có phải ai ra đời sớm cũng là chủ động học hỏi, cống hiến, open – minded… điều gì không hay chỉ quan tâm kiếm đc bao nhiêu tiền rồi …thôi (?!) Đó là mặt trái của việc ra đời sớm. Không có cách sống nào là hoàn hảo hay tốt hơn cách sống nào, chỉ có con đường nào là phù hợp với bạn hơn con đường nào thôi. Kiểu đề cao “chuẩn mực” này thật quá vô nghĩa!

  5. Nếu đây là 1 bài nhật ký, mình không có ý kiến gì, bạn viết gì tùy, chửi cả thằng admin THDP cũng được 😀 nhưng viết cho mọi người đọc thì người đọc là quan trọng. Bài viết của bạn.. đọc chán quá. Trước khi đọc mình nghĩ bạn là 1 người trẻ học hết đại học rồi thấy phí phạm, mình cũng là 1 người trẻ đã dừng học đại học sau 1 năm, mình định đọc hết bài xem có đóng góp ý kiến gì giúp bạn được từ góc nhìn của 1 người đã làm điều bạn muốn. Nhưng mà đọc xong chẳng biết bạn muốn gì?

    Mình muốn góp ý về bài viết trước. Bạn ghép quá nhiều lời của người nổi tiếng vào bài 1 cách lộn xộn, rất khó đọc và khó hiểu. Bạn cũng không làm rõ được việc bài viết là 1 sự nuối tiếc hay 1 lời khuyên cho người khác. Nói chung đọc không hiểu gì.

    Quan trọng hơn là về tư tưởng:
    4 năm đó mà bạn có quay lại được, bạn có thêm 4 năm trong cuộc đời mình để làm điều bạn muốn, bắt đầu từ đại học cũng được, bắt đầu từ bây giờ cũng được. Không phải ai cũng hiểu ra vào đúng lúc họ muốn, bạn cũng vậy, chi bằng bắt đầu với 4 năm tiếp theo đi, có chắc gì lúc bắt đầu học bạn bỏ học, đã đi đến được ngày hôm nay? Câu cuối cùng bạn trích: “Nếu một khi Scalett này đã muốn là sẽ thực hiện được! Và ngày mai sẽ là một ngày mới.” không phải chính là ý đó sao?

    Cũng không phải ai bỏ học đều tốt hơn, bạn làm sao dám đảm bảo bỏ học thì sẽ tốt với mọi người? Không phải ai cũng là Einstein, không phải ai cũng sáng tạo, thế giới đa dạng và có nhiều người khác nhau, có người sáng tạo, có người thì lười biếng, có người chăm chỉ, có người làm tốt những công việc lặp lại hơn người khác… có sao đâu, mình nghĩ quan trọng là mọi người tìm được điều họ muốn làm, chứ không phải bỏ hay không bỏ đại học. Bạn thử nói xem, chẳng nhẽ việc học hết 4 năm đại học sẽ khiến Bill Gates hay Steve Jobs trở nên tầm thường hơn?

    • Bài viết đúng đó mà. Bạn cứ thử vào các xóm trọ SV thì thấy đúng 100% luôn. Xóm tôi có bạn học kế toán của trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp hệ cao đẳng mà 3 năm bạn ấy có số ngày đi học khoảng…1 tuần. Lạ là bạn ấy…vưỡn tốt nghiệp. Cái trường chết tiệt – mồ chôn tuổi trẻ hàng vạn người.
      Không Tiếc nuối mới là lạ.Hic…

  6. Nhãm nhí, đọc bài viết giống như vừa đi đa cấp hay những lớp học kỹ năng về và tình trạng đang bị nhồi não :)). Thời gian học đại học uổng phí hay không là do bạn, cá nhân mình mình chẳng tiếc nuối gì. Mình kể bạn nghe thời gian đại học của mình:
    – những mùa hè xanh với đội hình môi trường, lội xuống mấy cái rãnh mà vớt lục bình, về bỏ luôn cái quần, thế mới biết cái gì “vàng vàng, lềnh bềnh” là nguy hiểm.
    – những buổi cùng anh em trong CLB đi đến những ngôi trường thiếu thốn vật chất để tặng các e những bữa ăn do mình nấu.
    – Những lần cãi nhau nãy lửa trong buổi học nhóm để bảo vệ ý kiến của mình.
    – Những đêm ở lại trường cùng a,e chuẩn bị sân khấu cho sự kiện của khoa, của trường. Nhờ đó mà 1 thằng SV kế toán như mình lại biết cầm cây hàn
    – Những đêm thức trắng cày bài vì mai là ngày thi
    – Những buổi nhậu nhẹt anh anh, em em tình thương mến thương sau khi thi xong hay xong bài tập nhóm hay xong sự kiện
    – Những buổi dã ngoại với anh em bên lửa trại chia sẽ nhau về cuộc sống
    – Những buổi học kỹ năng teambuilding, nói trước công chúng….
    Bạn có những điều đó không?…Những điều đó có đáng để tiếc nuối ko?

  7. Tôi đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, đi làm (đúng ngành) cũng ở Việt Nam một vài năm, và giờ đang học tiếp cao học ở nước ngoài… Tình cờ, trước đây tôi làm giáo viên, hiện nay thì chuyên ngành của tôi là nghiên cứu giáo dục. Tôi rất hiểu tâm trạng của bạn. Tôi cũng từng chán chường và cảm thấy có lỗi khi làm người dạy học trong một guồng máy mà những điều vô bổ được dạy nhiều hơn những điều có ích. Tuy nhiên, khi đã bơi ra biển (chắc cũng chưa phải là biển lớn lắm đâu) và học tập, trao đổi cùng bè bạn năm châu, tôi rút ra được một số điều mong muốn chia sẻ cùng bạn, và các bạn trẻ đang có cùng tâm trạng nói chung:
    1) Khủng hoảng giáo dục đang diễn ra trên toàn cầu. Dù không thể phủ nhận rằng nền giáo dục của chúng ta lạc hậu và có nhiều vấn đề, trên thực tế, chúng ta ít biết rằng nhiều nước khác trên thế giới, cả các nước phát triển và đang phát triển, cũng đang đối mặt những vấn đề tương tự. Khác chăng là vấn đề của họ ít nghiêm trọng hơn (còn tùy ta định nghĩa thế nào là ít nghiêm trọng hơn), hoặc xảy ra trên ít phương diện hơn, hoặc họ bình tĩnh hơn khi tìm giải pháp cho vấn đề.
    2) Bằng cấp của một số nước được công nhận rộng rãi trên toàn cầu hơn bằng cấp của một số nước khác. Điều này là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài, liên quan cả đến kinh tế và chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia của từng nước. Kể cả những bảng xếp hạng quốc tế, những công cụ thống kê, các chỉ số, v.v… đều chỉ nên mang tính tham khảo. Những thông tin này có nói lên một vài sự thật, nhưng không phải toàn bộ sự thật. Cũng vậy, cách chúng ta đánh giá nền giáo dục của chính mình phản ánh một vài sự thật, nhưng chưa hẳn đã là toàn bộ sự thật.
    3) Giáo dục nói chung, việc đi học nói riêng, thực chất là một quá trình. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng không có quãng thời gian đi học nào là hoàn toàn vô bổ, hay hoàn toàn có hại cho cuộc đời một người (dù tôi không phủ nhận rằng một số môi trường học tập rõ ràng gây ra những tác hại nhất định). Sách vở, bài tập, kiến thức… luôn định hình, thay đổi tư duy của bạn theo một cách nào đó, giúp bạn phát triển theo một cách nào đó. Ông thầy tồi kích thích bạn suy nghĩ thế nào là một ông thầy tốt. Chương trình học kém hiệu quả tạo cho bạn nhu cầu thách thức những điều được dạy, học sâu hơn, hiểu rộng hơn. Và vân vân. Chúng ta luôn học được điều gì đó từ trường lớp, từ cuộc đời, một khi đã mở lòng muốn học.
    4) Cho dù bằng cấp của chúng ta không được thế giới công nhận, nó vẫn có thể là một nấc thang quan trọng để bạn tiến đến hai điều: a/ Kinh nghiệm thực tế trên thị trường lao động và trong môi trường làm việc; b/ Cơ hội tiếp tục học tập ở một nền giáo dục phát triển hơn. Nói cách khác, tấm bằng dù mỏng manh vẫn mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường lao động, ngoài việc kiếm sống thì còn tìm kiếm những con đường khác cho cuộc đời mình. Cũng tấm bằng mỏng manh đó cho bạn cơ hội bước ra thế giới tiếp tục học tập, nghiên cứu ở những nền giáo dục tiên tiến hơn. Tôi không nói rằng tấm bằng là điều kiện cần vả đủ. Tôi đang cố gắng chỉ ra rằng nó không hoàn toàn vô ích.

    Học đại học hay không học đại học, theo tôi, không phải là vấn đề mấu chốt. Nhưng có những điều cuộc đời đưa đẩy buộc ta phải làm. Vậy, một khi đã làm, tôi cho rằng ta nên làm đến nơi đến chốn và cố gắng gặt hái ít nhất đôi điều từ đó.

    Mong các bạn vui.

    • kết câu cuối! cơ mà tiền bối bỏ qua e bắt lỗi 1 số câu diễn đạt khó hiểu ạ, vd : “Ông thầy tồi kích thích bạn suy nghĩ thế nào là một ông thầy tốt” ,Dù kiến thức có hạn nhưng đọc những câu đó e cảm thấy khó chịu @@

      • Nghĩa là: Khi bạn học với 1 ông thầy tồi tệ thì bạn sẽ có thể bắt đầu hình dung được 1 ông thầy tốt là phải như thế nào, tức là ông thầy tốt sẽ có những đặc điểm trái ngược với ông thầy tồi.

  8. Không phải ai vào đại học cũng là sai lầm với cuộc đời của riêng họ.
    Với những người mà đó là 1 lựa chọn không chính xác. Nhưng nếu không vào trại nghiệp những năm tháng đại học thì sao biết được đại học là sai lầm. Sai lầm khi vào đại học không phải cũng là một sai lầm rất đáng để sai sao?

  9. yêu cầu triết học đương phố gỡ ngay những bài như thé này xuống không cho đăng lên. là bạn sai vì đã chọn nhầm nghanh học nên mới tiếc nuối, bh cho bạn quay lại thơi gian mà xem,bạn dc chọn đúng ngành mình yêu thích,nghề mình yêu thích thì bạn có học đại học không,hay bạn muốn đi học nghề,roi tạp trung ngien cuu,phát triển. có trình độ thì hãy đi học đại học ở nước ngoài,du học sinh.rôi về nc minh cũng dc mà,dh không nhung giup bạn truong thanh vì giao lưu văn hóa giữa các vùng miền,mà nó còn giup bạn có nhung trai ngiem mà học sinh cấp 3 không thể nào có dc. tôi nghi bạn là 1 người bất đăc chí vì chọn sai con đường mình đi, rồi khi học đại học bạn cũng học chơm chơ,không tới nơi tới chốn theo kiếu muốn đến đâu thì đến nên mới nói vậy. nếu bạn có nhận thức đầy đủ thì ngay năm thuws2 bạn đã xác định dc rồi,có nên tiếp tục theo học hay không theo học là quyền của bạn mà và cũng đừng đổ lỗi cho chế độ, kệ mẹ nó đi mặc dù nó thối nát lắm rồi. bạn cũng dung đọc mấy cuốn sách mà cho người khác không đọc nhé, đối với tôi bạn chỉ là loại tri thức hạng 3, chuyên nuốt lại đống nôn của người khác ra vẻ có học thôi. bạn viết trên những trang cộng đồng cho hàng vạn người đọc thì nên khuyên các bạn trẻ đừng chọn nhâm nghề. chỉ giỏi nói luyên thuyên mà chả có nhận định sâu sắc gì về xã hội cả, bạn xem alan phan viết sắc sảo thế cơ mà, 42 năm làm vc và cống hiến mới dám viết sách khuyên người đấy bạn ạ.tôi muốn viết rất nhiều nhưng mỏi tay quá.

    • Ý kiến thôi mà anh, có phải cậu ấy viết Thánh kinh đâu. Mục tiêu của bài viết là bày tỏ suy nghĩ và khiến người khác có thêm 1 góc nhìn mới. Em nghĩ trên này ko nhất thiết phải đúng và sai, bày tỏ ý kiến mới quan trọng.

  10. Học đại học không phải con đường duy nhất để ta tiến tới thành công, tuy nhiên đại học chính là cái định hướng, hay chính là điểm tựa mà ta dễ thấy và có thể nói là khá yên tâm đối với mọi người khi nhìn vào. Hay nói cách khác là không có con đường nào gọi là con đường sai chỉ có những con đường vạch ra theo ý mình thôi dù đó là tốt hay xấu thì cũng là do mình.(chỉ là những suy nghĩ nông cạn của thằng sinh viên 20 tuổi) 🙂

  11. ĐH như cái WC, người ngoài thì muốn vào mà người trong thì muốn ra. Nhưng mà vẫn rất cần, vì ít nhất học ĐH, bạn sẽ được định hướng, là cách mà đại đa số sẽ thành công. Để trường đời dạy cho thì số thành công chỉ là con số lẻ.

  12. WOW ~ bạn đã nhận ra rằng mình đã sống chưa thỏa cái đam mê thì hãy cố gắng sống tốt hơn, có ích hơn từ giờ trở đi.
    Tôi cũng từng có những suy nghĩ như bạn (tất nhiên không phải hối hận vì đã học đại học), cũng tự hứa sẽ sống tốt hơn nữa. Và thực sự thời điểm này tôi đang nỗ lực hết mình cho những dự định trong tương lai. Nhìn lại không phải để hối tiếc (bắt đầu với cụm từ sáo rỗng “giá mà” hay “nếu như” làm chi), nhìn lại không phải để thấy mình đã sai lầm đến cỡ nào rồi ngồi gục khóc hu hu đợi người khác cứu vớt. Nhìn lại với tôi, đơn giản là để thấy mình trưởng thành (hơn) như thế nào! Do nền giáo dục Tây – Ta khác nhau nên cách nhìn, quan điểm đối với cuộc sống cũng khác nhau (mời bạn đọc vài bài báo chê trách nền giáo dục này là biết thôi). Giả sử nếu bạn được quay lại ngày đó để thực hiện cái ý định bỏ học thì liệu rằng bạn có thành công được không với KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG MÀ BẠN CÓ ĐƯỢC SAU KHI HOÀN TẤT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM? (cả 2 ta đều không biết). Hoàn cảnh tác động tạo nên con người.
    Nói dễ hơn làm, ông bà ta vẫn bảo vậy đúng không?! Mọi thứ chỉ mới là bắt đầu. Bạn hãy xây dựng cuộc đời, tương lai ngay từ bây giờ. Tôi tin bạn sẽ thành công và đóng góp nhiều cho đất nước vì phần nào bạn đã nhận ra được điều cần phải làm (từ những trải nghiệm trong quá khứ). Đừng than vãn nhé.
    Khi những nỗi lo làm em mụ mẫm
    Nghỉ ngơi đi – đừng từ bỏ em ơi!
    (When care is pressing you down a bit
    Rest, if you must, but do not quit)
    – Don’t quit – Rudyard Kipling

  13. ý của tác giả là nếu có đi học đại học thì nên đi học ở các nước tư bản giãy chết , còn không thì khỏi đi học đại học ở thiên đường cộng sản vì có đi học đại học ở thiên đường thì không có quan hệ thì cũng chỉ làm công nhân mà thôi ! Vì ở thiên đường việc đi học đại học xong rồi đi làm công nhân thì cũng là chuyện bình thường ở thiên đường !

    • nhiều lúc tôi cũng có suy nghĩ là bỏ học như bạn, nhưng đã suy nghĩ đến chuyện ước mơ của mình từ khi bước chân vào lớp 6 và bây giờ đã trở thành hiện thực, đã đặt chân vào ngôi trường đh mà mình hằng mơ ước, vậy thì tại sao lại từ bỏ nó chỉ vì những khó khăn tâm thường trước mắt.

  14. Theo ý kiếng riêng của mình, mỗi điều chúng ta trải qua đều đáng giá và đáng quý trọng nên đừng hối tiếc gì cả. Tác giả từng đi học đại học, được trải nghiệm thì mới nhận ra được cái tốt và cái xấu của nó nên chúng ta không nên hối tiếc với bất cứ quyết định nào của mình. 🙂

    • Mình cũng nghĩ như bạn. Mỗi quyết định trong cuộc đời chúng ta đều phụ thuộc vào tư tưởng, suy nghĩ và hoàn cảnh thời điểm lúc đưa ra quyết định đó. Nếu như tác giả không học đại học thì cũng không thể thấm thía được quãng thời gian mà mình đã học có thực sự có ích hay không? Tất nhiên nếu may mắn có người đi trước hướng chúng ta con đường tốt hơn, nhưng nếu không có thì cũng không nên hối tiếc vì những quyết định của mình. Suy cho cùng, tất cả những gì chúng ta trải qua đều làm nên con người chúng ta hiện tại.

  15. ý của tác giả là cái bằng đại học dưới nền văn hiến thú vật cs là vô ích , như có chiếc xe hơi đậu ở car park mà từ sáng đến bây giờ ( tối thui ) vẫn chưa tìm ra xe đậu chổ nào , đậu chổ nào vậy ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI