[Bài viết thân tặng bạn Vũ Thư]
Văn hiến nước Việt – trong quá trình dài chịu sự tàn sát của giặc Tàu, cùng với sự đào thải khắc nghiệt của xã hội đang Tây hoá từng ngày – đã tự mình mã hoá để tồn tại ở dạng tiềm sinh. Ngày nay, chúng ta phải lần giở lại từng dấu vết mong manh, dò dẫm từng bước một để làm nghĩa vụ truy tầm và giải mã những bí ẩn mà người xưa đã cài lại chờ hậu sinh khám phá. Bài viết này dành cho những người có ít nhiều lưu tâm tới Tinh thần Dân tộc và Chủ nghĩa Quốc gia trong nền minh triết Việt.
[Vài lưu ý trước khi vào bài cho những người chưa quen với các yếu tố triết Đông Á, quý vị thức giả xin bỏ qua phần này!]
Kinh Dịch: một quyển sách cổ đại, nói về mối tương quan của con người với trời đất với xã hội và với nhau. Quyển sách đặt trên nền tảng của Âm và Dương, biểu diễn bằng vạch đứt _ _ và vạch liền __ , mỗi vạch đó gọi là “hào”, hễ ba hào chồng lên nhau thì gọi là một quẻ, tượng trưng cho một thành tố cấu tạo của vũ trụ – theo vũ trụ quan của người Á Đông xưa. Ví dụ: ba hào Dương, là ba vạch liền, chồng lên nhau thì gọi là quẻ Càn, tượng trưng cho Trời. Có tám quẻ-ba-hào như vậy, tượng trưng cho: Trời, Đất, Nước, Lửa, Sấm, Đầm, Núi, Gió; tương ứng với tám quẻ lần lượt là: Càn, Khôn, Khảm, Ly, Chấn, Đoài, Cấn, Tốn (tám quẻ này quen gọi là Bát Quái, tuỳ theo cách sắp xếp thứ tự của chúng mà ta có bát quái Tiên thiên hoặc bát quái Hậu thiên). Ta gọi tám quẻ này là những quẻ đơn.
Cùng là các hào Âm và Dương nói trên, nhưng chồng lên thành sáu hào, thì ta được quẻ kép, nghĩa là hai trong tám quẻ sẵn có ở trên ghép lại với nhau. Ví dụ: hai quẻ Càn chồng lên, thì gọi là quẻ Thuần Càn; hoặc quẻ Cấn chồng lên quẻ Càn thì gọi là quẻ Sơn Thiên Đại Súc. Những quẻ kép này chính là nội dung kinh Dịch. Có tất cả sáu mươi bốn quẻ kinh Dịch cả thảy.
*64 quẻ Dịch
“Quẻ” là một thuật ngữ, là cách gọi triết học của một thành tố vũ trụ, không đánh đồng với “quẻ bói” theo cách nói thông tục, mặc dù chữ “quẻ” trong “quẻ bói” chính là xuất phát từ kinh Dịch, nhưng với người Việt đại trà hiện nay chữ “quẻ” đã mang một sắc thái ý nghĩa khác hoàn toàn và có phần hơi mỉa mai, khác với nghĩa gốc của nó. Nếu ai đó chưa quen và còn kỳ thị chữ “quẻ” thì khó mà thông suốt được tinh thần của Kinh Dịch.
Về bản thân cuốn Kinh Dịch, cả ba nước Korea, China và Việt Nam đều có các học giả lên tiếng khẳng định rằng chính dân tộc của mình là tác giả, với những bằng chứng hết sức hùng hồn và không thể chối cãi. Lập trường của tôi: Cả ba dân tộc đều có đóng góp cho cuốn Kinh Dịch, và Kinh Dịch đã từng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, là một môn học chính khoá của Nho sinh tận đầu thế kỷ XX.
1) Trò chơi Cò Chẹp
[Đây là cách chơi của con nít ở vùng thôn quê các địa phương: Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang… và hầu hết các tỉnh Tây Nam bộ. Những vùng khác như ở Bắc bộ có thể lạ lẫm với cách chơi này!]
Trước hết, vẽ một hình cột có sáu hàng ngang bằng nhau dưới đất. Hàng ngang thứ tư và thứ sáu lại vẽ thêm một đường dọc ngay chính giữa, chia hai hàng này ra làm hai phần bằng nhau. Những ô trống gọi là ô Cò, tới ô này thì phải nhảy một chân; những ô có gạch giữa gọi là ô Chẹp, tới ô này thì được đứng xuống bằng hai chân ở hai bên. Tiếp nối của ô thứ sáu, lại vẽ một hình bán nguyệt có chiều ngang bằng chiều ngang các hàng, chỗ này gọi là Cung Trăng. Số lượng người chơi trò này từ hai đến sáu là vừa.
Khi chơi, cầm một miếng ngói nhỏ cỡ bốn năm phân, hình dạng tuỳ ý, gọi là “đồng tiền”, thảy lên ô Cung Trăng, gọi là “thi”. Nếu ai thi gần mức trên cùng của ô thứ sáu nhất thì được “đi” trước nhất, ai lỡ tay thảy xa nhất thì phải đợi đi sau cùng.
Người đi đầu tiên, thảy đồng tiền vô ô thứ nhất, phải thảy cho đồng tiền rời khỏi tay chứ không được đặt xuống, nếu đồng tiền nảy lên và cán lên các đường vạch thì gọi là “bị” và mất lượt chơi, tới phiên người khác chơi, mình ngồi chầu rìa cho tới khi tất cả các người chơi đều “bị” và trở lại phiên mình. Hoặc giả, người chơi lỡ đà giẫm lên các đường vạch cũng gọi là “bị”, và đương nhiên là mất lượt. Một cái “bị” nữa, là lỡ quên đứng hai chân ở ô Cò hoặc đứng một chân ở ô Chẹp.
Khi đứng bên ngoài thảy đồng tiền lọt vào ô Cò số một đạt yêu cầu, thì người chơi phải nhảy lên ô Cò số hai, nếu quên nhảy vào ô mà đang có đồng tiền của mình thì cũng coi là “bị”. Tiếp tục nhảy lò cò một chân lên ô Cò số ba, rồi đứng hai chân ở ô Chẹp số bốn, một chân ở ô Cò số năm, hai chân ở ô Chẹp số 6. Sau khi tới ô số sáu, phải nhảy lên kết hợp xoay người 180 độ để quay trở lại. Rồi tiếp tục cò-chẹp trở về đến tới ô số hai, thì vẫn đứng một chân, nhưng phải khom người xuống lượm đồng tiền, rồi nhảy ra. Lưu ý lượm đồng tiền mà để “trái chanh” (bắp cơ nhỏ dưới gốc ngón tay cái đến cổ tay) bị dính đất cát thì coi như “bị”.
Hoàn thành quá trình trên thì được lên mức hai, cũng phải đứng ngoài mà thảy, càng lên mức cao thì việc thảy đồng tiền càng khó. Khi thảy vào mức hai rồi thì tiếp tục nhảy cò chẹp ở các hàng như mức một, nhưng khi về tới mức ba thì lượm đồng xu rồi nhảy xuống mức một, nếu quên nhảy vào mức hai thì “bị”. Nếu bị mất lượt khi đang chơi mức nào thì đồng tiền vẫn nằm ngay mức đó chứ không bị chơi lại từ đầu.
Chơi lần lượt như vậy cho tới mức số bốn, thì phải thảy đồng tiền ở cả hai ô Chẹp trái phải. Nghĩa là, mức bốn và mức sáu, mỗi mức phải chơi hai lần. Đến khi chơi lên hết mức sáu trở về, thì về thảy đồng tiền lên Cung Trăng, rồi tiếp tục nhảy cò chẹp lên tới mức sáu, nhảy xoay người lại rồi ngồi xuống, lòn tay qua háng để lượm đồng tiền của mình, không được quay đầu lại nhìn. Nếu lỡ thảy xa quá không lượm được hoặc cố sức lượm mà “trái chanh” dính đất cát thì cũng “bị”, phải chịu mất lượt và chờ để thảy lại. Sau khi lượm được đồng tiền và nhảy trở về ra khỏi các mức. Thì người chơi có quyền “bói” để “cất nhà”. “Bói” là đứng xoay lưng lại rồi thảy bổng hoặc thảy lòn qua háng đồng tiền của mình vào trong các mức, đồng tiền rớt vào mức nào thì nguyên cái ô đó là “nhà” của người vừa bói, và người này có quyền chẹp ở ô đó. Ví dụ bói đồng tiền rớt vào ô Cò số ba, thì khi chơi tới đó, người chủ nhà sẽ chẹp vào ô đó, nếu rớt vào ô Chẹp số bốn, thì khi tới ô số bốn phải chẹp hai cái cả bên phải lẫn bên trái, chứ không được chẹp chàng hãng hai bên. Nếu đã có nhà và lỡ “bói” vào nhà của mình rồi thì coi như “cháy nhà”, ô đó không còn là nhà mình nữa và mình bị mất lượt. Nếu bói vào nhà người khác khì gọi là “ăn vụng”, không có nhà và mất lượt, đợi đến lượt mình sẽ được bói lại.
Sau khi có “nhà” thì tiếp tục thảy để chơi lại từ đầu để kiếm thêm “nhà” khác, tất cả người chơi được quyền bỏ qua không phải thảy vào những mức đã bị chiếm thành “nhà”, cũng không được phép nhảy vô “nhà” của người khác. Nếu lỡ nhảy vào “nhà” của người khác, hoặc không chẹp vào “nhà” mình, hoặc giẫm lên đồng tiền thì cũng là “bị” và mất lượt.
Trò chơi kết thúc khi tất cả các mức đều là nhà riêng của người chơi. Ai có nhiều nhà nhất là thắng. Trò này tuy kể phức tạp và nhiều quy định, nhưng khi chơi thì cực dễ và cực vui. Nhất là khi những ô ở gần liên tiếp bị chiếm hết, thì người nhà xa phải có những bước nhảy đến mức “tét háng” để không bị phạm qui là nhảy vô nhà người khác, hoặc có những trận cười bò lăn khi kẻ lòn háng lượm tiền lỡ thảy xa quá tầm tay, phải dạng chân hết mức, cắm mặt xuống đất, cố giãn tay ra hết cỡ để lượm đồng tiền của mình. Trò chơi còn bắt con nít phải vận động hết sức, chân cẳng linh hoạt, trí phán đoán tốt và đôi tay khéo léo.
Ngoài ra, trò này kích thích tinh thần phấn đấu để đạt được tư hữu, và còn dạy con nít sự ý thức không xâm phạm tài sản kẻ khác. Sự nghiêm ngặt của luật lệ trò chơi, hễ phạm qui thì mất lượt, làm liên tưởng tới một xã hội pháp trị, dù bạn to xác hay nhỏ bé thì bạn đều bình đẳng trước pháp luật, những thành quả bạn đạt được chính là do kỹ năng của bạn cộng với quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi và một chút yếu tố may mắn.
Trên thực tế, luật chơi Cò Chẹp giúp mọi người chơi có cùng một xuất phát điểm, không thể kéo bè cánh hoặc lạm dụng thành quả của ai khác, cũng không thể lợi dụng cơ bắp hay thế mạnh khác về dáng vóc. Tất cả yếu tố quyết định là ở cá nhân người chơi. Nếu một người không thượng tôn pháp luật, muốn ăn gian hoặc phạm luật chơi, thì sẽ không có bất cứ sự xí xoá nào, cả đám sẽ “nghỉ chơi” đứa đó, gạt nó ra khỏi cộng đồng. Nếu nó dùng sức mạnh vũ lực, cả đám sẽ mạnh ai nấy về, bỏ nó một mình. Mạnh yếu lớn nhỏ đều bình đẳng trước luật chơi, không bao giờ có đứa nào ưu tiên hơn.
Trò Cò Chẹp và trò chơi dân gian Việt nói chung, đều có những giá trị huấn giáo và giá trị nhân bản nhất định như vừa kể. Trẻ con ở mức độ nào đó, trong các trò chơi này được rèn giũa nhiều phẩm chất tốt đẹp. Nhưng ngoài những điều này, liệu có còn điều gì khác ẩn giấu đằng sau trò chơi dân gian, mà ở đây là trò Cò Chẹp?
2) Tính minh triết Đông Á hàm chứa trong trò chơi Cò Chẹp
Thử phân tích về Cò và Chẹp. Ta thấy “Cò” là trạng thái động, số lẻ (đứng một chân); “Cò” còn là một từ tượng hình chỉ một hình ảnh của cái gì đó chìa ra, mà ngày nay từ nguyên của nó còn thấy trong chữ: cò súng, cò kè, lò cò… Còn về “Chẹp”, là trạng thái tĩnh, số chẵn; “Chẹp” cũng là một từ tượng hình mô tả một cái gì đó không dày và mềm hoặc hai vật mỏng kết hợp và sóng đôi, mà dấu vết của nó còn thấy trong các từ gần âm như: bẹp, kẹp, xẹp, lép, tép, dẹp, dép, ghép, chem chép (một loài hai vỏ như con trai nước ngọt), chèm chẹp (tiếng chép của môi)…
Ta thấy rõ tính Dương của Cò và tính Âm của Chẹp.
Lại nữa, đồ hình để chơi Cò Chẹp chia ra hai phần, một bên là các mức đi nằm trong một hình chữ nhật, một bên là Cung Trăng. Cung Trăng chính là Thái Âm. Còn phần các mức đi, có bốn ô Cò, bốn ô Chẹp, một ô hình chữ nhật lớn bao bên ngoài, cộng tất cả lại ta có chín ô, kết quả bằng chín này là một huyền số, tượng trưng cho Thái Dương. Như vậy, đủ cơ sở để xác định, cái mà con nít miền Tây vẫn vẽ để chơi Cò Chẹp chính là một đồ hình thái cực với đủ lưỡng nghi: Thái Âm và Thái Dương. Ta biết rằng, số chín trong minh triết còn tượng trưng cho Trời – Tạo Hoá, Trời sinh nên vạn vật (Thiên giả vạn vật chi tổ!), nên phần Thái Dương trong trò Cò Chẹp chắc chắn hàm chứa nhiều ý nghĩa vi diệu khác.
Để khai thác nghi Thái Dương, ta trở về phân tích sáu mức Cò Chẹp trong trò chơi. Tại sao là sáu mà không phải là năm hay bảy? Thật khó để trả lời câu hỏi cắc cớ này, nhưng nếu ta nhìn nhận tính minh triết của trò Cò Chẹp, thì ta phải thấy ngay câu trả lời: sáu mức Cò Chẹp này chính là sáu hào Âm Dương chồng lên nhau để tạo thành một quẻ kép trong Kinh Dịch! Ba mức Cò đầu tiên, chính là ba vạch liền nét, hay ba hào Dương, tạo thành quẻ Càn ở dưới, tượng trương cho Trời (Thiên). Ba mức kế, một Cò giữa hai Chẹp, một vạch liền giữa hai vạch đứt, là một Dương bị kẹp giữa hai Âm, tương ứng với quẻ Khảm ở trên, tượng trưng cho Nước (Thuỷ). Càn dưới Khảm trên, chính là quẻ Thuỷ Thiên Nhu, quẻ thứ năm trong Kinh Dịch!
Tổ tiên chúng ta muốn nhắn nhủ gì cho hậu thế, hay ký thác tâm tình gì không thể nói ra, mà lại cài một quẻ Kinh Dịch vào trò chơi Cò Chẹp quê mùa dân dã này? Muốn biết, không thể không đi vào phân tích ý nghĩa của quẻ Nhu.
3) Quẻ Thuỷ Thiên Nhu
Người xưa, khi nan giải trước một vấn đề xử thế, thường lựa một quẻ trong Kinh Dịch có ý nghĩa tương tự để xem lời dạy của cổ nhân về tình huống đó. Cũng có thể chọn quẻ một cách ngẫu nhiên bằng cách thảy ba đồng tiền hoặc rút cỏ Thi. Đôi khi có sự trùng hợp lạ kỳ giữa việc trong lòng đang băn khoăn và ý nghĩa của quẻ ngẫu nhiên đó, nên rất nhiều người tin rằng quẻ Dịch có tính tâm linh và hiệu nghiệm để tiên tri việc gì đó. Ở đây chúng ta không lạm bàn về khía cạnh này. Nhưng hãy xem Kinh Dịch là “Đạo của người quân tử” như cách nghĩ của quốc phụ Phan Bội Châu ngày trước.
Quẻ Nhu là hình tượng mây đen (chứa nước) đã giăng kín trên trời, chắc chắn sẽ mưa, cho nên ý của quẻ nói về việc kiên tâm mà chờ đợi.
Lời quẻ cũng nói: Chỉ cần có lòng thành thực tin cậy, giữ lòng ngay thẳng, mọi việc rồi sẽ sáng sủa hanh thông cả.
Từng hào trong quẻ, có ý nghĩa mô tả một sự chờ đợi tịnh tiến và tích cực, có lời khuyên tương ứng cho từng hoàn cảnh.
Ở hào đầu, như chờ đợi một việc vẫn còn xa vời, lời khuyên là ta trong lúc chờ đợi phải tính toán đường đi nào cho chắc, đừng hấp tấp mà mắc lỗi; trong trò Cò Chẹp khi vừa thảy đồng tiền vô ô đầu tiên thì không thể nhanh nhẩu đoảng nhảy cò vào đó, sẽ bị phạm qui và mất lượt.
Đến hào số hai, như người chờ đợi trên bãi cát, nghĩa nói là đã gần với đích đến hơn một chút, bắt đầu có va chạm thị phi, ta cần phải giữ sự ung dung bình tĩnh, không nên tranh cãi hơn thua mất thời gian. Tương tự như khi chơi Chò Chẹp thảy đồng tiền lên được mức hai, thường người chơi rất dễ quen chân mà nhảy vào ô này và phạm qui, cần phải chú ý tỉnh táo, không làm theo bản năng mà mắc lỗi.
Đến hào số ba, lời hào nói: Đang đứng đợi trong chỗ lầy lội, mà giặc thì sát một bên, không thể vì tức khí mà nóng nảy làm càn cự nự với giặc, chỉ có thiệt thân mình, bởi ta đang ở chỗ thua sút thất thế.
Hào số bốn, đã qua quẻ Càn mà vào quẻ Khảm, bắt đầu vào sự nguy hiểm, có thể đổ máu, nhưng nhờ mềm mỏng nhu thuận, chắc chắn thoát ra được. Cũng như chơi Cò Chẹp tới mức bốn, mức chia ra làm đôi, vùng để thảy đồng tiền chỉ còn một nửa, rất dễ “bị” nếu đồng tiền lăn ra ngoài, cho nên cần khéo léo nhẹ nhàng, nếu không là mất lượt.
Hào năm nói: Chờ đợi ở chỗ ăn uống vui vẻ, giữ được sự công chính thì tốt. Qua được hào bốn, tức là qua được giai đoạn khốn khó hiểm nguy. Bĩ cực thái lai, hết hiểm nguy thì sẽ được yên vui, lời quẻ căn dặn phải biết giữ tiết tháo trong lúc yên ổn. Trong trò Cò Chẹp, mức năm là mức Cò, bị kẹp giữa hai mức Chẹp phía trên và phía dưới, nhắc cho ta nhớ giữa sự thoải mái cũng phải giữ được tỉnh táo tinh thần. Nếu vì quen thuộc sự yên hàn sung sướng, thì chí lớn sẽ thui chột, không còn biết mục đích chính của sự chờ đợi nữa.
Hào cuối cùng: Chờ đợi tới lúc cực điểm rồi, thì sẽ có nhiều người đủng đỉnh tới giúp. Chờ đợi có kết quả, chính là ở mình biết giữ bổn phận và khí tiết từ lúc khởi đầu, không phải tự nhiên mà được. Cũng như việc thảy đồng tiền lên Cung Trăng trong trò Cò Chẹp, khi lòn tay qua dưới trôn mà lấy lại đồng tiền, mặc dù có nhiều người đứng ngoài hướng dẫn, nhưng tự thân mình cũng phải tính toán việc thảy từ đầu để đồng tiền không ra ngoài tầm với, và trong quá trình chơi, phải giữ bàn chân ở giữa các ô để khỏi phạm qui mà mất lượt, chính là giữ đức trung dung giữa dòng đời vạn biến vậy.
Vừa vững tâm kiên nhẫn, mà vừa phải tỉnh táo phán đoán, vừa phải giữ được sự trung chính, ý thức tự lực tự cường, thì việc trông đợi chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp. Cả quẻ Nhu và trò Cò Chẹp đều có chung ý nghĩa này. Ta không biết được hoàn cảnh ra đời của trò Cò Chẹp là khi nào, nên không thể xâu chuỗi nội dung quẻ với hoàn cảnh khi đó. Nhưng ta có thể phỏng đoán tình hình xã hội lúc bấy giờ không êm đềm hạnh phúc, mà ngược lại là một thực tại bi đát, người dân chờ đợi một cuộc cách mạng để thay đổi mọi thứ, nhưng không ai dám nói ra, vì nói ra có thể chuốc lấy tai hoạ, nhẹ thì tù rạc, nặng thì diệt vong. Vì thế cho nên, người ta dùng quẻ Nhu, cài vào trò chơi, để khi người lớn nhìn vào đó, thì có một sự động viên nhau cùng chờ đợi, kiểu ‘sau cơn mưa trời lại sáng’, và mọi chuyện đã sắp diễn ra rồi.
Nếu có bị nhà cầm quyền bắt bẻ, người ta có thể chối bay, vì ngoài ý nghĩa chờ đợi, thì quẻ Nhu còn có ý nghĩa là “cho trẻ con ăn uống vui vẻ”, bởi trước quẻ Nhu là quẻ Mông, đại diện cho sự thơ ấu. Một hình quẻ nói về sự vui chơi ăn uống của trẻ nít trong một trò chơi dân gian cũng của trẻ nít, tưởng không có gì hợp lý hơn?!
Người Do Thái khi bị mất nước và cả dân tộc bị lưu đày sang Babylon, cũng dùng văn thơ chứa những hình ảnh bóng bảy và trừu tượng, để động viên nhau cùng tin tưởng, tín thành, vững tâm sống công chính và chờ đợi ơn cứu độ của Đức YHWH, ta quen gọi đó là lối văn Khải Huyền.
Thì đây, trò chơi Cò Chẹp chính là một lối Khải Huyền của người Việt. Và trò chơi này, đang cần được phổ biến trở lại và quan tâm hơn lúc nào hết. Con nít cần phải biết chơi cho đúng luật, người lớn cần phải hiểu giá trị nhân bản và minh triết của trò chơi này và nói với nhau về ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong đó!
Tác giả: HaiLe
*Featured Image: Cò Chẹp