26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thôi đừng nói nữa, thế giới này bị ngập trong lời nói đủ rồi

Featured Image: Live Life Happy

 

Nếu trên đời này có thứ gì rẻ tiền nhất nhưng cũng đắt giá nhất, thì đó chính là lời nói. Chắc chắn là như thế, sẽ không có câu trả lời nào chuẩn xác hơn. Tại sao? Tại vì lời nói là thứ ai cũng có nhưng không phải ai cũng biết cách dùng. Là thứ thường thì vô dụng nhưng đôi lúc lại là thứ vũ khí sát thương mạnh mẽ và là phương thuốc thần kỳ diệu chữa lành những tổn thương.

Lời nói là thứ có sẵn ta nghe mỗi ngày, đọc mỗi ngày, thấy mỗi ngày nhiều đến mức sau một ngày ta chẳng nhớ được mấy câu cả. Có những người nhìn thì thấy thật thú vị nhưng chỉ cần qua vài lần nói chuyện ta sẽ không muốn gặp họ nữa. Đúng thế, lời nói chính là vũ khí, chính là một tác nhân làm nên con người, tiếc rằng không mấy ai trong chúng ta có đủ nội lực để sử dụng thứ vũ khí đó cho hiệu quả và ý nghĩa. Nên hôm nay, thay vì kêu gọi mọi người hãy sử dụng lời nói như thế nào tôi xin được khuyên mọi người: thôi đừng nói nữa.

Tại sao? Tại vì lời nói là thứ dễ dàng quá, người ta có thể nói mà chả cần suy nghĩ, người ta có thể nói mà chả biết đang nói gì, chả cần quan tâm nói để làm gì có tác dụng gì. Người ta thường chỉ nói cho sướng cái miệng thôi, nói cho thiên hạ biết mình không bị câm (?). Một công ty mà nhân viên chỉ nói mà không làm là một công ty sẽ sớm lụn bại, một xã hội ai cũng nói nói nói mà chẳng mấy ai làm được gì cụ thể là một xã hội bỏ đi. Xã hội này đang cần rất nhiều thứ, nhưng không cần những lời nói vô nghĩa nữa. Không cần những lời phê phán, hứa hẹn hay những lời vẽ vời mơ mộng. Không cần những lời chê bai, đánh giá, cam kết, chào hàng hay thề non hẹn biển. Xã hội này cần một thứ cao cấp hơn, đáng giá hơn mà mọi người nên tập trung vào: đó là HÀNH ĐỘNG.

Hành động, hành động và hành động. Đó mới là thứ giá trị, đó mới là thứ tạo nên những thay đổi, đó mới là thứ làm nên giá trị một con người, đó mới là thứ người ta cần phải chú tâm, dốc sức, lan truyền và dành mọi nguồn năng lượng cho nó.

Thế giới này được tạo ra từ những ý tưởng và hành động, không phải là lời nói suông. Người ta hơn nhau không phải ở ước mơ và kế hoạch, mà là ở hành động. Khi đến cuối đời nhìn lại, đa phần người ta tiếc vì mình đã không hành động đủ nhiều, hơn là ao ước mình hành động ít đi (hành động ở nghĩa này không mang nghĩa làm việc mà mang những nghĩa khác: trải nghiệm, yêu thương, quan tâm, chia sẻ…) Nếu bạn đánh giá người khác, muốn chính xác, phải dựa vào hành động của anh ta, chứ không phải những lời nói anh ta nói ra mỗi ngày.

Một doanh nghiệp, một doanh nhân muốn đóng góp xây dựng xã hội, hãy chứng minh bằng hành động, chứ không phải những kế hoạch, dự án treo đầy trên giấy, trong văn phòng, trong hộc tủ. Một chính quyền muốn được người dân yêu mến và tin tưởng thì buộc phải hành động, chứng mình đường lối của mình, chính sách của mình bằng những bước đi cụ thể, hành động cụ thể chứ không phải những lời hứa hẹn, những buổi đại hội lê thê, những bài diễn văn gây mê hay những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lãng nhách. Không, mọi người cần phải hành động, đừng chờ đợi nữa, đừng trì hoãn nữa, đừng biện minh hay lý do nữa.

  • Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống nhàm chán hiện tại ư? Hãy hành động, hãy viết cho nó một kịch bản và làm ngay, thay đổi một công việc, một chỗ ở, thay đổi những người bạn, người yêu, xây dựng những thói quen… Gì cũng được, nhưng đừng ngồi đó tưởng tượng nữa, hãy bắt tay vào hành động ngay đi.
  • Nếu bạn muốn trở thành người hiểu biết, thông tuệ và khôn ngoan, hãy bắt đầu học hỏi, hãy bắt đầu đọc sách, làm quen những người bạn giỏi giang và học hỏi từ họ đồng thời không ngừng học hỏi từ mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm trong cuộc đời. Đừng ngồi một chỗ ôm mớ tin tức giật gân mông ngực mà mong mình là người hiểu biết.
  • Nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ hiện tại với người yêu hay vợ chồng mình. Hãy hành động ngay đi. Thể hiện bằng những hành động, những cử chỉ yêu thương đã biến mất từ lâu, bắt đầu giao tiếp với nhau bằng cuộc nói chuyện và cùng nhau đề ra những giải pháp để hiện thực hóa chúng. Có nghĩa lý gì khi mỗi người đều ôm những tâm sự và kì vọng trong lòng về đối phương mà không chịu thể hiện ra để rồi chết đi với chúng. Thật vô nghĩa. Nên đừng chờ đợi từ ai đó một lời xin lỗi hay lời cảm ơn, hãy hành động trước đi, trước cả khi lý trí và cái sĩ diện kịp ngăn mình lại.
  • Nếu bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh, hãy mau hành động, để dành tiền, nung nấu một ý tưởng, kiếm bạn đồng hành, lập kế hoạch, đi học những điều cần thiết để có thể thực hiện ý tưởng đó. Đừng ngồi đó năm dài tháng rộng nhìn người khác khởi nghiệp rồi ao ước, rồi giá như, rồi thở dài. Cuộc đời dài bao lâu cho những cái thở dài?
  • Nếu bạn muốn đi du lịch, hãy nghĩ đến nó ngay từ lúc này và bắt đầu hành động, để dành tiền, rủ bạn bè, làm sẵn giấy tờ, lập danh sách những nơi muốn đi, học ngoại ngữ, săn vé giá rẻ… Có cả ngàn công việc để bạn chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì bạn muốn làm, hãy làm đi, đừng ngồi like những chuyến đi của người khác rồi ao ước được như họ.
  • Nếu bạn muốn có một thân hình đẹp, muốn mặc đồ bikini dạo bước trên cát trắng biển xanh nắng vàng, hãy hành động đi, bớt nhậu nhẹt bia bọt lại ngay, đăng ký những buổi tập thể dục, tham gia một môn thể thao, in hình mẫu thần tượng treo đầy trong nhà làm động lực… Có rất nhiều cách để bạn đạt được mong muốn đó nhưng không bao giờ có cách nào đơn giản kiểu ngủ đến trưa, nhậu thả ga, nằm ườn xem tivi, chat chit lại khiến bạn có được thân hình bạn muốn.

Mọi người, bất cứ ai cũng đều có thể đạt được điều họ muốn, nếu họ chịu trả giá cho điều đó. Bạn cũng vậy mà tôi cũng vậy. Và cái giá không phải khi nào cũng bằng tiền, nhưng bằng những hành động cụ thể. Phải hành động, hành động, hành động không ngừng thì bạn mới tạo nên được giá trị, cho bản thân, cho xã hội, cho thế giới.

Đến một ổ bánh mì người ta muốn ăn cũng phải trả giá. Vậy mà nhiều người muốn thành công lại chẳng muốn trả bất cứ giá gì. Giá cho một ổ bánh mì là tiền, điều đó thật đơn giản. Nhưng cái giá cho thành công chỉ có thể là hành động. Hành động càng nhiều tức trả giá càng nhiều, càng xứng đáng thì thành công bạn có thể đạt được lại càng lớn.

Để trở thành người hiểu biết bạn phải trả giá bằng những giờ vô nghĩa chát chít ngày đêm tán phét với bạn bè, những giờ nằm dài trên sopha xem bộ phim ướt át, những chương trình truyền hình thực tế sắp đặt, những cuộc nhậu nhẹt vô bổ và thay vào đó bằng những hành động “khó khăn vất vả” như đọc sách, như tham gia các khóa học, như tự mình tìm hiểu về những thứ bạn quan tâm, như làm việc không công cho người khác để học hỏi từ họ.

Bạn hoàn toàn có thể có một thân hình tuyệt đẹp và một cơ thể khỏe mạnh nếu bạn chịu trả giá cho những giờ tập luyện vất vả, những món ăn thanh đạm và một lối sống khoa học thay vì việc ăn uống bù khú, ngủ vùi tới trưa hay cảm giác đê mê những điếu thuốc, ly rượu mang lại.

Bạn cũng hoàn toàn có thể có một gia đình hạnh phúc nếu bạn biết hi sinh thời gian đang dành cho những mối quan hệ bên ngoài, thời gian cho công việc để chú tâm hơn đến tâm tư tình cảm của những người trong gia đình.

Xin dám khẳng định, để đạt được thành công, bất kể trong lĩnh vực gì: công việc, gia đình, đời sống tình cảm, đời sống xã hội, sức khỏe hay đam mê… mọi thứ, bạn cần phải trả cho nó một cái giá xứng đáng, bằng những hành động cụ thể. Phải hành động và hành động. Không thể không mua vé số mà mong ngày trúng số. Không thể mong có được những thứ không ai có mà không chịu làm gì cả.

“Hãy học khi người khác ngủ
Lao động khi người khác lười nhác
Chuẩn bị khi người khác chơi bời
Và bạn sẽ có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước.” – William Arthur Ward

Ngủ, lười nhác hay chơi bời là những việc rất dễ dàng, ai trong chúng ta không đã từng hay đang sống một cuộc sống như thế. Cuộc sống “để mai tính”. Thậm chí đến mơ ước là một việc dễ dàng mà nhiều người còn không làm được, không có ước mơ gì, không có mộng tưởng gì, thì lấy gì mà hành động đây. Vậy nên có một ước mơ cũng có thể xem như bước hành động cần thiết đầu tiên bạn có thể làm. Khi tôi nói tôi có một ước mơ, nhiều người cho rằng tôi may mắn, họ nói rằng tôi thật may mắn khi biết mình muốn gì (?) Đúng thế, nhiều người hơn nhau chỉ vì họ biết mình muốn gì. Nhưng nó không có nghĩa là may mắn. May mắn phải là những cơ hội khách quan mình có được mà người khác không thể có. Còn mơ ước là thứ hoàn toàn chủ quan cơ mà.

Tại sao tôi lại được cho là may mắn chỉ vì tôi đã chịu bỏ thời gian nghĩ về cuộc sống của mình, nghĩ về mục tiêu của cuộc đời mình, nghĩ về những gì mình yêu thích. Tại sao khi người khác lười biếng nghĩ về cuộc đời họ thì lại được cho rằng họ kém may mắn hơn? Tại sao lại đổ lỗi cho thần may mắn một thứ trong tầm tay mình có thể làm được? May mắn không làm nên nhiều sự thay đổi tích cực. Người trúng số thường làm tan biến số tiền họ trúng được rất nhanh. Một chàng trai xấu xí lấy được cô vợ đẹp không phải do may mắn, nhưng là do họ đã cố gắng để có được điều đó.

Đôi khi là cố gắng bộc lộ bản chất tốt đẹp của bản thân, bộc lộ tâm hồn, đôi khi là cố gắng làm việc gầy dựng một tài sản vững chắc đủ để cô gái chấp nhận lấy anh ta làm vợ… Bất cứ sự thành công nào trên đời, đều không hoàn toàn nhờ may mắn, nhưng không sự thành công nào lại không đến từ những hành động cụ thể.

Còn bạn thì sao? Bạn có muốn thành công không? Bạn có đang nói nhiều hơn hành động? Nếu có, hãy dừng lại ngay, thời gian để nói, hãy dùng để hành động. Suy nghĩ là một dạng của hành động, quan sát, chiêm nghiệm là một dạng của hành động. Ghi chép là một hành động đơn giản nhưng hiệu quả tuyệt vời. Đọc sách là một hành động không thể thiếu của mọi nền văn minh. Thậm chí, thay đổi những lời nói, lời viết mình nói viết ra mỗi ngày, cũng là một dạng hành động. Biến lời nói trở thành hành động, đừng để lời nói chỉ là lời nói, nói xong là tan biến vào hư vô.

Có bao nhiêu người trong chúng ta viết status chia sẻ tâm trạng của mình với mọi người mỗi ngày? Chắc chắn là rất nhiều. Vậy, có bao nhiêu người thường xuyên hay thỉnh thoảng đọc lại những điều mình đã viết, nghĩ lại những điều mình đã nói? Tôi không dám chắc có nhiều người làm điều đó. Tại sao? Tại vì những gì chúng ta viết, hay chúng ta nói ra mỗi ngày, nó không mang nhiều giá trị, không mang nhiều ý nghĩa, nó nhàm chán và quá đỗi bình thường. Và vì chính chúng ta xem thường những gì chúng ta đã nói, sẽ nói, chúng ta thấy nó chẳng có gì hay ho hay hấp dẫn đến mức đáng được xem lại, thì cho hỏi liệu người khác có thèm để ý đến những lời nói, những lời viết của chúng ta không? Ta còn thấy chúng nhàm chán thì ai mà thấy chúng hấp dẫn cho được?

Một trong những cái hay của nút like, đó là nó khiến cho mỗi người chúng ta cảm thấy mình thu hút, cảm thấy mình quan trọng. Ai cũng thích những gì mình viết được nhiều like, được nhiều người đồng tình và yêu thích. Nhưng những gì chúng ta nói ra, lại hoàn toàn ngược lại khi ta viết những điều vô giá trị chính bản thân mình cũng không thèm đọc đến lần hai nữa. Cũng là lời viết, tại sao có những người lời viết của họ mang lại rất nhiều giá trị, động lực cho nhiều người, khiến người khác phải suy nghĩ rồi hành động (như Tony Buổi Sáng), còn những người khác thì lời nói hoàn toàn vô giá trị, không những không mang lại giá trị đôi khi còn mang lại những cảm giác tiêu cực tồi tệ nữa.

Người ta thường dùng status để kể lể về bản thân, để nói xấu, để chửi đổng, để than van, oán trách về người và về cuộc đời. Mỗi tài khoản trên mạng xã hội đều có vài trăm thậm chí vài ngàn friends, thử nói nếu ai cũng đăng những thứ vô nghĩa, những lời oán than, những câu tiêu cực, những lời chửi bới, xúc xiểm, ganh ghét, khoe khoang thì một người khi tiếp nhận từng đó tin một ngày sẽ cảm thấy thế nào? Họ có yêu đời nổi không? Có thể cảm thấy tươi vui rộn ràng, có thể muốn cống hiến hay hành động tích cực không?

Không, chúng ta là những con người, bé nhỏ và yếu đuối, chúng ta sống trong đám đông, bị tác động bởi đám đông mà hiếm khi dám tách mình ra khỏi nó. Chúng ta cho phép bản thân sống trong môi trường nào, không sớm thì muộn ta cũng sẽ thành một phần của môi trường đó, dù biết nó thật tệ hại. Giờ hãy thử tưởng tượng, nếu một sáng online, bạn lướt new-feeds của mình và đọc được rất nhiều những câu nói châm ngôn hay, những ý tưởng kế hoạch, những trải nghiệm thú vị của người khác, những câu chuyện kinh doanh, du lịch, những chia sẻ việc làm, những kỉ niệm và những lời khen, lời nhận xét tích cực về cuộc đời thì ngày mới của bạn có tốt hơn không? Nó có thôi thúc bạn phải hành động như những người hạnh phúc kia, thôi thúc bạn phải không ngừng phấn đấu và cố gắng, nó có giúp bạn muốn trở thành một phần của cái xã hội đó không?

Xã hội của những điều tươi vui, lạc quan và tích cực. Có thể ngày đó bạn sẽ nảy ra một ý tưởng giúp thay đổi thế giới không biết chừng. Vậy nên, để làm cho bản thân mình trở nên giá trị, cuộc đời mình trở nên giá trị, xin hãy bắt đầu bằng những hành động tạo ra giá trị, hay ít nhất, hãy khiến cho lời nói của mình trở nên giá trị với bản thân mình, và người khác.

Đừng chê bai, đừng phán xét, đừng dối trá, đừng tâng bốc, đừng hứa hẹn, đừng nói xấu gì nữa cả. Hãy tập nói những điều tốt đẹp, đó có lẽ là bước khởi đầu không quá khó khăn cho mọi người. Hãy viết những status có ý nghĩa và đủ hấp dẫn để bản thân mình sẵn sàng đọc lại lần hai, lần ba lần n. Đôi khi ngày mai ta đọc lại những lời ta nói hôm nay và không còn đồng tình nữa, nhưng cũng có những lời nói dù nhiều năm trôi qua vẫn còn giá trị, hãy sử dụng facebook như một kênh nhật kí lưu giữ sự biến chuyển trong cuộc sống và tâm hồn, đừng biến nó thành cái kho rác nữa. Đó là điều ai cũng có thể làm được đúng không?

Đừng kết bạn với người hay nói, nhưng hãy tìm mọi cách ở bên người hay làm. Trên đời có ba loại người: Người hay nói nhưng không làm: hãy tránh xa họ ra, người hay nói nhưng cũng hay làm: hãy duy trì việc ở bên họ cũng không mất gì và quan trọng nhất là những người không nói nhiều nhưng làm rất nhiều, hãy tìm mọi cách được ở bên những người đó, học hỏi từ họ và trở thành một người giống họ. Thế giới này được như hôm nay là nhờ những người như thế và thế giới này cũng luôn rất cần những người như thế.

Ít nói lại thì lời nói sẽ có giá trị hơn, cũng như ít có thời gian rảnh thì sẽ biết trân quý cuộc đời hơn, ít đồ dùng thì sẽ thấy đồ dùng có giá trị nhiều hơn. Cái gì ít, thì cũng quý, nhưng hành động, càng nhiều lại càng quý. Hãy mau hành động thôi.

Nếu như bạn nghe ai đó nói thật nhiều, về những kế hoạch lớn lao, về những ước mơ hoài bão, hãy hỏi họ đã chuẩn bị, đã làm được những gì rồi và đang làm gì cho điều đó chưa? Nếu họ chưa, thôi khỏi nói nữa.

Nếu như bạn nghe ai đó mở miệng là chê bai về mọi thứ, bất mãn mọi thứ, ấm ức mọi điều, hãy hỏi họ đã thực sự có ý tưởng gì hay đã làm gì để thay đổi những điều đó chưa? Nếu họ chưa, thôi khỏi nghe họ nữa. Họ đang làm mất thời gian của bạn. Và nếu như có điều gì bạn muốn chia sẻ với ai, hãy chuẩn bị kế hoạch hành động bên cạnh những lời bạn sẽ nói, lời nói của bạn sẽ giá trị vô cùng. Ai mà không muốn mình là người giá trị đúng không?

Hãy chỉ cho tôi dù chỉ một người có thể thành công mà không cần hành động. Tôi sẽ chỉ lại cho bạn hàng trăm ngàn người chẳng muốn hành động gì nhưng lại cực kỳ muốn được thành công.

ÔI, tôi lại nói nhiều quá rồi. Stop đi hành động đây…

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

54 BÌNH LUẬN

  1. Mình nghỉ bạn viết rất hay. bài nào cũng có ý nghĩa bạn có thể in thành sách đc không, như dượng tony đó. chắc chắn mình sẽ mua và giới thiệu bạn mình mua. ( có thấy bài của bạn in lên truyện tranh đời sinh viên đó, nhưng có 1 bài a :(, ) thích đọc sách hơn là đọc trên lap 🙂

    • xin cảm ơn bạn, cảm ơn sự quan tâm và lời đề nghị quá xá dễ thương của bạn nữa ^^
      thật ra đấy cũng là ý định lâu dài của mình nhưng hiện tại mình chưa đủ tầm, chưa đủ trải nghiệm để có thể viết hay đủ in thành sách
      nên trước mắt kế hoạch là mình sẽ cứ viết hoài, cứ k ngừng trải nghiệm để nhìn cs bằng những góc nhìn mới, thú vị hơn, tích cực hơn và ý nghĩa hơn
      sau đó sẽ gom lại những bài ảnh hưởng tích cực đến nhiều người nhất rồi in thành sách
      bạn thấy vậy đc k ạ?

  2. hay…bài viết cho mình biết cách nói sao cho lời nói mình có giá trị…nói ít làm nhiều và chỉ nói khi cần thiết…đừng bao giờ nói lan man mà lại dài dòng khó hiểu…hành động đi thôi…..

  3. Đọc các bài viết của bạn có mình có chung một cảm giác là bạn rất có tài thuyết phục người khác tin, nghe theo và hành động. Sẽ rất hữu ích nếu bạn là một nhà giáo hoặc một diễn giả.

  4. Đọc xong bài, tự dưng thấy nhột nhột. Chắc mình đã nói quá nhiều. Chưa cần biết mình nói gì, nhưng quả thật mình làm được quá ít. Có lẽ vì tâm lý chờ đợi, chây ỳ, hoặc ngại khó.
    Có khi nào người ta rơi vào kiểu tâm lý “cái gì làm được, không nói. Cái gì nói được, không thể làm” không nhỉ?

  5. Mình thích bài này nhất trong các bài của bạn !
    À,mình bổ sung thêm,nếu hành động thì phải hành động cho tới cùng,nếu hành động nửa vời cũng nguy hại ko kém việc ko hành động.
    Bạn của mình làm phóng viên,bị đuổi việc vì hành động nửa vời.
    Hôm show Chế Linh qua VN,sếp sai đi chụp hình,đưa tin viết bài và phỏng vấn,ai dè nửa chừng bị hủy show nên nó ko viết nữa,ung dung về nhà ngủ.Nửa đêm sếp gọi điện hỏi bài đâu,nó ấp úng báo cáo tình hình ko có gì để viết.Sếp mắng ” Xem các báo mạng đang viết gì kìa,báo nào cũng có bài viết về sự cố hủy show,đấy ! “

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI