28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 21 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thời đại triết lý “tầm phào” và trích dẫn kiểu mỳ ăn liền?

Photo: SethAllen623

 

Ở thời đại mới này, người ta đòi hỏi tự do nhiều quá đỗi. Mà tôi thì thấy, tự do được trao cho những người kém hiểu biết, thì chẳng được gì cả ngoài việc bị lạm dụng nhiều hơn, nghĩa là bị sử dụng không đúng chỗ, hoặc không hiệu quả.

Quan sát đã lâu thì tôi thấy hiện nay trên mạng xuất hiện một trào lưu của giới trẻ là tự mình viết ra những câu trích dẫn tầm phào. Vấn đề nếu nó chỉ là tầm phào cho người viết ra nó, thì đó không phải là nghiêm trọng, nhưng nếu nó tầm phào được phổ quát cho đại chúng thì điều đó dần trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Tôi đã thảo luận với những người bạn của mình rằng, điều như trên là tự nhiên hay trái tự nhiên, việc mà những câu chữ tầm thường dẫn dắt một thế hệ trẻ không đi đến đâu cả. Một số bạn nói với tôi rằng: Nó tự nhiên, rằng giới trẻ xuống cấp thì chỉ thưởng thức được những điều như thế thôi. Một số bạn nói với tôi là: Nó trái tự nhiên; điều mà văn học, nghệ thuật, triết lý được phổ quát cho đại chúng không có giá trị gì đặc biệt súc tích là đang đầu độc không thương tiếc tâm hồn của giới trẻ. Và tôi thì không chấp nhận luận điểm một, vì dù gì, người sản xuất ra những thứ như thế cũng có trách nhiệm của họ khi gửi thông điệp tới các bạn trẻ. Tôi cũng cho rằng, điều đáng sợ này là trái tự nhiên.

Khi chạm vào đề tài này, là tôi biết mình đang tuyên chiến với các thanh niên, thanh nữ sẵn sàng trở thành “anh hùng”, sẵn sàng ném đá và chửi rủa tôi một cách thậm tệ không hề thương tiếc một chút xíu xìu xiu xiu xiu nào. Bởi vì tôi đã chạm vào quyền tự do của các bạn, quyền tự do được nói những gì mình nghĩ, quyền tự do được thể hiện bản thân, quyền được tôn trọng – 3 điều quan trọng nhất của tháp nhu cầu Maslow. Nhưng hơn thế nữa, điều mà được coi là hệ trọng hơn cả, không phải chỉ có thế, mà là vì tôi đã chạm vào thứ gọi là “lòng tự ái” của các bạn. Với cái tuổi trẻ sôi hùng hục, và yêu đến 40 độ thì các thanh niên, thanh nữ mà tôi có không đủ thời gian rảnh để nghe ai góp ý về mình, điều mà các bạn thường vội vã cho là cố tình kiểm soát, gò ép hay ngăn cản các bạn.

Như các bạn đã thấy, một loạt các ngòi bút trẻ đã nổi lên, và sách ngôn tình của các ngòi bút ấy nhanh chóng bán hết như tôm tươi, là best seller của hội sách 2014 (mà tất cả nhà văn kỳ cựu đều cho là nó không có giá trị gì đặc biệt để trở thành best seller). Chắc tôi cũng không cần phải nhắc lại là những tác giả nào, tựa sách tên là gì nữa, vì thời gian qua cũng đã có những lời qua tiếng lại về việc này.

Tại sao tôi lại nhắc đến sách ngôn tình?

Bởi vì các bạn thanh niên, thanh nữ của tôi đang hừng hực yêu, và độ cuồng nhiệt là không ai có thể ngăn cản. Vâng, dĩ nhiên là tôi không đủ thẩm quyền để cản được thứ mà thuộc về tự nhiên như thế. Song, tôi có vài điều cần nói với bạn đây.

Thời trẻ ấy, tôi cũng đã từng thích nhiều người và yêu một người. Tôi lúc đó cũng không hiểu sao bản thân mình lại nghĩ đến các bạn nữ nhiều đến vậy. Có thể là hơn chuyện học hành, chiếm một lượng lớn, hầu như hết cả ngày của tôi là nghĩ về cô gái mà tôi thích. Ngay cả quyết tâm để học thật giỏi cũng vì cô gái ấy.

Tua lại xa xưa hơn nữa, nhanh một chút, tôi đã từng là một đứa trẻ trâu oai gái, làm gì cũng để chứng tỏ với con gái hay thu hút con gái về phía mình. Một cách rất khác với những người khác, trong sự im lặng của mình, tôi nuôi trong tâm tưởng một ý đồ thu hút các bạn nữ. Vì thời đó, mốt con trai ít nói làm con gái thích lắm. Thậm chí, những lần oánh nhau, những lần nhảy nhót, những lần nhậu nhẹt, đều để chứng tỏ mình lớn rồi. Nhưng bạn biết đấy, đâu phải lúc nào cũng có người nhìn mình. Thế là tôi uống rượu, uống bia với chúng bạn, nói về “em” này, “em” kia. Chúng tôi, lúc đó, tưởng rằng mình “đã lớn lắm” rồi.

Thời đó, bọn học sinh yêu nhau thật sung mãn. Nhưng chẳng may, chúng tôi rơi vào đúng cái giai đoạn đô thị hóa ở quê tôi. Mọi thứ nhanh chóng thay đổi từ đường phố đến xe cộ và quần áo. Tôi bị tuột lại phía sau, vì tôi không có xe đẹp, không có quần áo thời trang, có một dáng người đẹp, hay một cái miệng lanh lẻo. Thế là ở chỗ tôi, xuất hiện một kiểu thanh niên mới, là thanh niên oai gái. Bọn này lúc nào cũng chứng tỏ ta đây bản lĩnh, sẵn sàng nhậu nhẹt say mèm, đi bay ở quán karaoke, chạy xe thật nhanh, đánh nhau nếu thằng nào dám nhìn chúng. Có đôi khi, chúng cầm hàn xẻng gì đó, bem nhau, máu me tùm lum rồi nổi tiếng toàn trường…

Cái loại thanh niên oai gái thì tôi biết rồi, thời nào cũng có chứ không riêng gì thời tôi. Nhưng cái thế hệ tôi nó biến tướng đến đáng sợ quá, sao mà bọn thanh niên oai gái nhiều quá, đến nỗi mà đáng báo động.

Tôi biết con gái cũng thế, cũng như bọn con trai, vào cái tuổi đó, lúc nào cũng để ý xem có ai dòm mình không, mình có đủ thu hút chưa. Rốt cuộc, để đáp ứng lượng “cung” quá lớn về các thanh niên oai gái kia, xuất hiện 1 tầng lớp chị em chuyên ăn mặc sexy hở bụng hở rún, mặc áo 2 dây, tóc 2 phai các kiểu đèo nhau đến nào là những quán những xá, bắt đầu một hành trình trượt dài trên con đường hư hỏng.

Nhưng ngoài nhóm con gái đó ra, còn có nhóm con gái hiền hòa hơn mà tôi thấy cũng nguy hiểm không kém là dạng con gái hiền lành đến nỗi phụ thuộc vào lũ con trai. Đến nỗi mà hễ con trai bỏ ra một tí là cô đơn, hễ lỡ làm gì đó là buồn, là giận, là khóc. Bản thân mình, tôi không nghĩ, con gái chỉ có vậy. Nhưng trong cái thời kỳ đầy lãng mạn của tuổi học trò, thậm chí là sinh viên đó, bọn con gái cứ tưởng như mình đã trải qua những gì kinh khủng lắm khi thấy anh ghệ của mình chở một ai đó đi hay đột nhiên một ngày “đá” mình bay thẳng vào sọt rác… Chưa đâu, những điều đó bình thường lắm, và đừng vội buồn, khóc thút thít, bởi vì, nói thật nhé, chả ai quan tâm đâu!

Hầu hết những vấn đề rắc rối trên đời nẩy sinh xuất phát từ “tính dục”. Đó là ý kiến của nhà phân tâm học Sigmund Freud mà tôi nghĩ là có thể tạm giải thích cho những cảm xúc trên. Sự thu hút lẫn nhau giữa nam và nữ, thậm chí là nam-nam hay nữ-nữ. Điều mà gần hết loài người đều trong cái vòng xoáy đó.

Tôi không biết tại sao tôi lại nói ra tất cả những điều này, không vì lợi ích bản thân. Nhưng có lẽ là, nhìn từ xa, bao quát toàn bộ các bạn, tôi thấy có những mối nguy hiểm rình rập đến đáng sợ. Đáng sợ hơn cả những thứ mà bạn đã trải qua trong tình cảm, đó là những thứ văn học ngôn tình, những câu trích dẫn- triết lý đầy sáo rỗng tác động từ bên ngoài vào, cứ như ai đó đang chỏ mỏ vào chuyện riêng của bạn vậy. Một hình thức của cưỡng chế tinh thần và hiếp dâm tư tưởng. Chúng sẽ phá hủy bạn, đục nát tâm hồn bạn. Chúng làm bạn trầm ngâm vào những điều không cần thiết, thậm chí là quan trọng hóa khi mọi chuyện đã qua lâu rồi. Bạn phải biết, tuổi trẻ rất thích chứng tỏ, và những câu chữ đó viết ra, đáp ứng cho điều này, rằng tôi đã từng đau buồn quá. Rồi từ khi nào bạn bị dắt mũi bởi những câu chữ của ai ai ở đâu đâu chẳng biết?

Tôi thực sự đáng lo ngại cho giới trẻ, ở cách mà các bạn truyền tay những quyển sách ngôn tình quá tầm thường, share những câu trích dẫn tầm phào của ai đó trên facebook, những tấm hình sướt mướt, những cảm xúc bị khuếch đại kếch xù hóa, vân vân. Thoạt nhìn thì có vẻ như những câu triết lý, những câu chữ đó đang đồng cảm với bạn, nhưng đó chỉ là bề mặt. Nó bắt bạn hồi tưởng lại quá khứ dù mọi chuyện đã xảy ra rất lâu rồi, thậm chí nó làm bạn nghĩ nhiều hơn và thấy tồi tệ hơn mặc dù chuyện không đến nỗi như vậy. Điều duy nhất mà các bạn mê mẩn tít thò lò là ở chỗ, bạn tưởng ai đó đang đồng cảm với mình, ai đó hiểu cảm xúc của mình, và cảm xúc của mình nay đã được gọi thành tên.

Không cố ý đụng chạm, nhưng tôi phải đưa ra vài ví dụ những tựa sách như: Buồn làm sao buông, người yêu cũ có người yêu mới… vân vân của các tác giả trẻ gần đây là không có giá trị. Những điều đó rất bình thường (nếu không muốn nói là tầm thường), không có gì đặc biệt, thậm chí cũng không mang một triết lý thâm thúy nào cho người ta trở nên sâu sắc hơn ngoài việc cuốn vào những chuỗi cảm xúc tiêu cực đầy vô định. Dĩ nhiên là tôi đã cố gắng đọc thử những quyển sách đó cho biết, nhưng không làm sao nuốt cho kỳ nỗi. Lời văn không có gì thấm đượm, cảm xúc thì ai cũng biết là tác giả nói gì, tả cảnh cũng chẳng có gì đẹp, ngôn từ cũng không có gì đặc sắc.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ biết, đẳng cấp cao nhất của văn học, cũng như nghệ thuật nằm ở những thứ không lời. Những sự cảm thông trong cay đắng mà không biết làm sao hơn, những nụ cười mạnh mẽ mà ẩn chứa một con người đã qua nhiều thương tổn. Nếu bạn không tin, những ai có cha mẹ già thế hệ 5x 6x, về mà hỏi chuyện tình của họ xem có cay đắng, ngọt bùi sẻ chia và đầy nước mắt thế nào, hơn là phần nhiều giới trẻ bây giờ chỉ suốt ngày buồn bã, yếm thế, yếu đuối không làm sao hơn?

Điều quan trọng nhất khi bạn đọc một câu trích dẫn hay triết lý từ bất kỳ cái fanpage nào, là bạn phải biết suy xét xem câu đó có gì hay ở nhiều tầng nghĩa khác nhau không, ai viết ra câu đó, người này đã nghiên cứu tâm lý học và triết học chưa, người này đã trải nghiệm nhiều chưa, hay chỉ là một đứa vừa thất tình xong, mới bị đá vào sọt rác đang cay cú hận đời đến lộn ruột? Bởi vì fanpage trên facebook hay những blog trên mạng là những thứ mà ai cũng có thể viết hết. Có nhiều khi, họ chẳng biết họ đang viết gì, hoặc thậm chí họ vừa mới bị gấu đá cũng nên. Và rồi tự nhiên ta thả mình trôi vào đó, biến những thứ bên cạnh mình đang bình thường trở nên nghiêm trọng. Ta tự nhiên thành trò hề, mua vui cho ai đó, những đứa mà tống khứ cảm xúc của chúng ra bằng những câu “triết lý” tầm phảo chỉ trong tíc tắc, bằng những lượt like, lượt share, lượt comment rằng: Ừ, nhớ anh ý quá / Tớ cũng thế / Nói đúng ghê!! Bờ la, bờ le, bờ lu…

Ở một mặt khác, tích cực hơn, ta nhìn những tấm ảnh chơi đùa của những cặp tình nhân hạnh phúc, đầy lãng mạn, và ta chợt nhiên so sánh với chính mình và thấy mình không được như họ. Tin tôi đi, người ta thường thấy mình tệ hơn sau khi so sánh (hội chứng Missing Tile). Và bỗng dưng, ta tưởng mình đang xem những bức ảnh tích cực, hóa ra lại là tiêu cực và đang làm ảnh hưởng xấu đến mình, cũng như mối quan hệ của mình.

Tôi kể chuyện bí mật của mình, nói về Freud, nói về những thứ ngôn tình tầm phào không có gì hơn là mong muốn các bạn hiểu, rất nhiều người đã từng trải qua như thế, rất thường, không có gì quá khó khăn, quá buồn hay quá kinh hãi. Tôi mong nhìn thấy một giởi trẻ bừng tỉnh. Bởi vì tôi thấy giới trẻ bây giờ ủ rũ vì chuyện “tính dục” quá nhiều (tính dục rộng hơn tình dục). Trong tình yêu của con người còn nhiều loại tình yêu khác, không chỉ có tình yêu lứa đôi, chắc bạn biết rõ.

Một cái kết, chốt lại, hãy vẫn cứ yêu, nhưng yêu trong sự bừng tỉnh. Yêu mà không vội tin một ai chỏ mỏ vào chuyện của mình, dù nó có là bạn, là một cái fanpage của hot girl, hot bot hay Thích Ăn Phở gì gì đi nữa. Bởi vì, chúng rất tầm phào. Và nghe theo một thứ tầm phào nghĩa là đang bị dắt mũi. Những kẻ bị dắt mũi không biết gì về yêu, bọn chúng chỉ nghe theo những gì người khác nói. Người ta khen và động viên thì vui, người ta chê và tung hỏa mù thì buồn. Giới trẻ mà mọi người trông đợi ở đâu vậy?

Rốt cuộc, tại sao bạn lại tin vào điều mà một đứa trải nghiệm khác bạn, thậm chí là ít hơn bạn dạy cho bạn về những triết lý đầy sáo rỗng?

 

– Lục Phong –

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

63 BÌNH LUẬN

  1. Mình không có ý kiến gì về nội dung. Mình chỉ cảm nhận thấy một sự gay gắt của tác giả khi viết, giống như kiểu bạn rất tởm nó vậy. Theo mình nó làm giảm bớt sự khách quan của bài viết, mà những bài viết như vậy thì cần khách quan.

  2. đọc bài viết thì thấy có nhiều điểm tác giả nói đúng với thực tế giới trẻ hiện nay, nhưng nếu nhìn 1 cách bao quát hơn, mọi thứ lại không tiêu cực như tác giả nói, bản thân tôi cũng là một người trẻ, những gì tôi đã trải nghiệm từ trước đến nay trên khía cạnh cảm xúc, tôi nghĩ là ai cũng sẽ 1 lần trải qua, ít nhất một lần, từ thời học trò thích vu vơ 1 bạn cùng lớp, chỉ đơn giản là cách bạn ấy cười, hay bạn ấy đẹp, hay bạn ấy học giỏi… 1 điểm nào đó làm chúng ta cảm thấy người đó đặc biệt, và rồi cũng sẽ trải qua những lần hụt hẫng buồn bã khi thấy bạn ấy giúp đỡ quan tâm một bạn khác chứ ko phải là mình,rồi ngày ra trường, quyến luyến nhau, tự hỏi rồi hằng ngày ko được nhìn thấy bạn ấy nữa, sẽ ntn đây??? những xúc cảm trong sáng thời học sinh, nó luôn ngọt ngào nhẹ nhàng như thế, rồi sang một môi trường mới, những mqh mới, thì bỗng chốc quên lãng những thứ trước đây đã từng mất ngủ vì nó…
    Ai cũng vậy, cũng từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong những trường hợp cụ thể khác nhau, thất tình, bị phản bội, nhớ thương, đau đớn, xót xa… rồi cũng là tuổi trẻ bồng bột, thích thể hiện mình từ lời nói đến hành động….
    Tôi đã từng đi qua một chuỗi những cung bậc cảm xúc như thế, giống bao người, và giờ đây nhìn lại, ở một độ tuổi nhất định đủ để bắt đầu trưởng thành thật sự, thấy quãng thời gian trước đây, nghĩ mình sao lại làm như thế, nghĩ như thế, rồi tự bật cười với những ngô nghê khờ dại của chính mình, quãng thời gian tuổi trẻ ai cũng có, chệch choạc là điều không thể tránh khỏi, chỉ là ở những mức độ khác nhau, còn nếu theo tác giả, giới trẻ ngày nay lệch lạc trong suy nghĩ nhận thức, cường điệu hóa những thứ tầm phào , tôi cho rằng, đó cũng chỉ 1 trong số những ” kiểu” thời trẻ bồng bột mà mỗi người cần có, mỗi thế hệ có một ” kiểu” bồng bột trẻ trai khác nhau, còn mức độ gây hại nó ntn , cũng chỉ có 1 bộ phận nhỏ thể hiện rõ ràng, còn lại cũng chỉ mang tính chất tương đối, có một quãng thời gian “trẻ” với nhiều điều nông nổi như thế, giúp con người nhìn nhận mình một cách rõ ràng hơn ở giai đoạn sau, biết rút kinh nghiệm cho bản thân, và đó là giai đoạn ko thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi con người, chỉ cần nó đừng chệch xa quá khỏi quỹ đạo để đường đến tương lai quá mờ mịt, tôi nghĩ thế là đủ.
    Bài viết cần có cái nhìn bao quát hơn chứ không nên đi quá sâu vào những vấn đề tiêu cực nhưng xét 1 cách tổng thể nó lại là một mặt không thể thiếu của cuộc sống, cuộc đời mỗi người!

  3. mới vào THĐP, đọc khoản chục bài thì tôi thấy bài viết này là tốt nhất, còn những bài khác luôn có một vài quan điểm sai lầm nào đó. tôi rất ủng hộ bài này, và cũng rất nhiều lần tôi phải bỏ kết bạn vì những câu châm ngôn nghe thì lạ lạ nhưng lại vô nghĩa. chỉ là có vài suy nghĩ góp vào cho bài viết và cac cmt thêm phong phú.

    có một điều buồn cười là suy nghĩ “ừ tôi là tuổi mới lớn nên tôi có quyền nông nỗi, có quyền thích các chuyện tầm phào, ngày xưa bạn cũng như tôi, khi tôi nhiều tuổi hơn thì tôi sẽ như bạn…” những câu thế này quả thật là ngây thơ hết sức. vâng! đúng là tuổi trẻ thì nông nỗi nhưng lấy cái lý do vì tuổi đó là nông nỗi nên tui có quyền nông nỗi là hết sức ngây thơ. thế một đứa con nít 2, 3 tuổi không biết gì hay chạy lung tung ra đường thì khi nắm tay nó lại thì nó bảo “vì con chỉ 3 tuổi thôi nên con không biết gì và có quyền chạy lung tung ra đường, khg được cản con!” thì bạn để cho nó chạy lung tung được à? cái gì cũng vậy, không tốt thì những người từng trãi sẽ chỉ ra nó không tốt thế nào để mà tránh, đó là điều nên được trân trọng nếu là một người có suy nghĩ, còn nếu người ta đã chỉ cái hố rồi mà cứ ngoan cố nhảy vô thì chỉ thiệt cho mình chứ chẳng phải cho ai cả. cái suy nghĩ đến một tuổi nào đó con người ta tự động trưởng thành cũng ngây thơ nốt. cái gì cũng có quá trình của nó, để trưởng thành người ta phải tiếp thu những bài học cần thiết, được uốn nắn từ từ chứ không phải đến tuổi đó tự nó đến như con nít rụng răng sữa thì thay răng mới. nếu ở giai đoạn thiếu niên học thiếu những bài học cần thiết thì khi nhảy vào đời, những sự tàn nhẫn của đời đễ khiến suy nghĩ con người lạc lối, mà đã lạc rồi thì càng đi càng xa, bước qua tuổi 25-30 mà vẫn chưa trưởng thành thì sau đó khi có vợ con với những gánh nặng thì càng đi xa hơn nữa, xa tới đâu thì tôi không biết nhưng tôi nghĩ đứa con của người đó lại sẽ tiếp tục đi trên con đường lạc lối của cha mình, vì anh ta có đi đúng đường đâu mà biết dạy cho con mình đi đúng đường. đó là hậu quả của việc ngoan cố không nghe lời khuyên của những người từng trãi. trong cuộc sống không có gì là tự nhiên mà đến cả. con cái những người ít học thường ít học, con những người trộm cắp thường là trộm cắp…ở đây khg phải vấn đề là thành kiến mà là họ được dạy bảo như thế nào sẽ thành ra thế ấy, nghe những lời khuyên tốt thì sẽ thành người tốt, khg nghe vẫn đi theo cái xấu thì thành người xấu, đạo lý rất đơn giản. vẫn biết tuổi mới lớn thì bồng bột nhưng tự bản thân ta phải biết đâu là tốt đâu là xấu cho mình. cuối cùng thì trở thành cái gì đều do ta cả và chính ta là người nhận lãnh hậu quả mà thôi.

  4. Mỗi người có một cách sống và cách nhìn nhận vấn đề của riêng mình, không chắc bạn đúng hay tôi sai vì nếu thế phải đặt chúng ta vào cùng một thế giới quan để xem xét. Nhưng ở trường, ở lớp hay kể cả ở nhà tôi cũng được người lớn khuyên rằng: Còn trẻ thì con có quyền mắc sai lầm, 1 lần, 2 lần nhưng đừng bao h lặp lại nữa, mà phải biết rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình. Có sai lầm thì mới có trưởng thành được, và con người thì ai cũng phải đi qua từng thời kì, từng giai đoạn của cuộc sống chứ, nếu đến 25t, 30t, hay hơn thế nữa mà những bạn trẻ của chúng ta không nhận ra sai lầm mà rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn thì đó mới thật sự là điều đáng buồn… Còn bây h chỉ trích chúng, nói chúng sai rồi mà không chỉ ra được cái sai ở tuổi chúng là gì thì..thôi rồi bạn ạ, có khi chúng còn nghĩ ta nhảm nhí, không liên quan, chẳng cần nghe nữa cơ…

  5. Đồng ý với phần lớn ý kiến và quan điểm của tác giả, tuy nhiên, có một số nhận định tác giả đưa ra có vẻ hơi phiến diện:

    – “Không cố ý đụng chạm, nhưng tôi phải đưa ra vài ví dụ những tựa sách như: Buồn làm sao buông, người yêu cũ có người yêu mới… vân vân của các tác giả trẻ gần đây là không có giá trị.” – Có thể tác giả cảm thấy không rút được gì từ những tác phẩm đó, nhưng không có nghĩa nó vô giá trị với tất cả mọi người để bị vùi dập hoàn toàn như vậy.

    – “Điều duy nhất mà các bạn mê mẩn tít thò lò là ở chỗ, bạn tưởng ai đó đang đồng cảm với mình, ai đó hiểu cảm xúc của mình, và cảm xúc của mình nay đã được gọi thành tên.” – Tôi nghĩ không dễ một tác giả có thể viết ra những điều mà người khác có thể đồng cảm. Và việc con người ta tìm thấy cái gì đó đồng cảm trong cuộc sống là sai?

  6. Bài viết quá lan man, dài dòng, còn đi lan man ngoài rìa quá nhiều và đang đánh đồng lên quá nhiều thứ. Mình không tìm được mối liên hệ nào giữa sách ngôn tình với chuyện con trai oai gái hay những người trẻ đang dần tụt dốc về đạo đức. Và nói luôn, những cuốn sách như Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới,… ấy đấy, không phải là sách ngôn tình.
    Đối với mình ấy, mỗi người đều có một gu thẩm mỹ riêng, đều có 1 sở thích riêng, nên đừng bao giờ chê bai sở thích của người khác. Vì muốn tâm hồn mình được mở rộng hơn, sâu sắc hơn, có được những cảm xúc lắng hơn trong tâm hồn giữa guồng quay cuộc sống hối hả đang tiến lên tiến lên phía trước nên người trẻ mới tìm đến những thứ như thế. T
    Bạn cho nó là vô bổ? Bạn cho đó là mục rỗng? Tôn trọng người khác một chút đi. Những cuốn sách ấy đó, đâu chỉ viết về tình yêu? Còn viết về cả gia đình, chiêm nghiệm cuộc sống, về mối tình học trò,…. nên đừng đánh đồng lên như vậy. Không ai cấm bạn nói lên suy nghĩ của mình, nhưng cũng đừng chê bai cái sở thích của người khác lên như thế

  7. Mình thường theo dõi bài viết của Lục Phong, nhưng với bài viết này, mình chưa cảm thấy được thuyết phục. Cảm nhận chung của mình là mạch viết liên tục nhưng nội dung chưa thống nhất nên đọc xong không hiểu tác giả đang truyền tải điều gì, tác giả cứ nói mông lung chuyện tình yêu của mình, của giới trẻ trong quá khứ; phê phán dòng sách tiểu thuyết ngôn tình, sách truyện do người trẻ viết, v…v… rời rạc, mông lung.
    Bản thân mình đồng ý với tác giả một số quan điểm về sách “bán chạy” hiện nay, sách ngôn tình và hội chứng so sánh. Cảm ơn tác giả

  8. LucPhongt thân mến,
    Đọc bài viết của bạn nhân một tối đẹp trời tuy có hơi nóng, và mình có những suy nghĩ sau:
    1. Hay: bởi bạn nói đúng cái thực trạng fb hiện tại (và mình đã khóa biến nó đi để đỡ phát sinh thêm cái sự sầu). Cái gì mà “em nhớ anh, là em nói thật”, “tình yêu không có lỗi, lỗi là người yêu”.bla bla, rồi những trang viết sướt mướt dài dặc trong Guu… ôi nó đang loang như vết mực trong ca nước khiến ai nấy ủ ê tím lịm. Rồi đôi khi những “triết ngôn tình yêu” chỉ dẫn các bạn trẻ (ơ hình như có cả các bác già như mình biết) đắm đuối điên cuồng theo đuổi. Loạn, loạn thật. Suy cho cùng sống trên đời có phải chỉ có tình yêu đôi lứa đâu. Nên mình cảm thấy đồng tình với bạn về điểm này.
    2. Không hay: bởi cái cách bạn mô tả tình yêu với từ như “ghệ”, “không ai quan tâm đâu”. Nhỡ lại hồi học sinh, 1 điểm kém khiến mình buồn lo mấy ngày không dám khoe với bố mẹ. Rồi khi phải viết bản kiểm điểm đầu tiên, những sầu những khóc sợ ăn đòn. Bị bọn bạn tẩy chay, bị nóixấu,… tất cả những việc ấy giờ nghĩ lại thấy thật buồn cười vì mình đã lo lăng quá mức. Bố mẹ có.mắng không phải rồi cũng qua sao? Nhưng hồi ấy dù biết mọi việc cũng sẽ qua học sinh cũng không khỏi lo lắng khi mang một phiếu điểm thấp về nhà. Ấy là mình lấy ví dụ như vậy, để nổi bật lên rằng mỗi giai đoạn của cuộc đời có những quan tâm nhất định. Vậy nên chẳng có gì đáng cười khi lo lắng vì phải mời phụ huynh can tội đi học muộn, tương tự cũng chẳng có gì đáng xấu hổ khi buồn khóc về mối tình đầu tan vỡ. Vậy nên mình chẳng thể tiêu hóa được cách bạn coi.thường tình yêu và nỗi buồn của người ta như vậy.
    Kết luận là dù quan điểm bài.viết nhìn chung là hay, nhưng khía cạnh và cảm xúc viết bài thì hơi bị khô khan theo cách nghĩ của mình. Mong bạn sớm có người để trân trọng, cực kì trân trọng.

  9. Tác giả cũng nói giới trẻ ngày nay hay rơi vào tình trạng tiêu cực hoá cuộc sống vì ba cái triết lý não tình thì thực ra tác giả cũng đang tiêu cực hoá xã hội vì một hiện tượng rất hiển nhiên luôn xảy ra trong quá trình trưởng thành của một con người. Những con người trẻ đó

    rồi cuối cùng cũng sẽ bỏ lại phía sau những tập truyện ngôn tình cũng như những bồng bột tuổi trẻ để lập gia đình, sinh con đẻ cái. Cuộc sống rồi vẫn sẽ tiếp diễn để rồi mấy chục năm sau họ lại tiếp tục giống như tác giả chỉ trích thế giới quan của thế hệ trẻ hơn. Còn nữa, tác giả cũng đang lý tưởng hoá tình yêu thời chiến của cha mẹ chúng ta, không phải ai cũng “cay đắng, ngọt bùi sẻ chia và đầy nước mắt” như tg nói đâu, có khi chỉ là lớn tuổi quá rồi thôi thấy ai hiền hiền dễ gần thì góp gạo thổi cơm chung cũng để cho sớm tối có người chăm sóc. Cái đó có gọi là tình yêu hay không thì cũng phải tùy vào định nghĩa của mỗi người.

  10. Một bài viết mang nặng tính chất tầm phào. Thứ nhất tác giả đi rất lan man về chuyện đời tư của mình cũng như những yếu tố triết học cao siêu mà quên một điều đơn giản là ai cũng phải trải qua một độ tuổi “ẩm ương”, tại sao lại gọi nó là “ẩm ương”, đó là vì ở độ tuổi này người ta còn non kinh nghiệm sống, từng trải chưa nhiều, nên dễ bị rung động bởi những câu chữ hoa mỹ, những câu chuyện tình siêu thực kiểu lọ lem gặp hoàng tử, cũng như những nhận định tô hồng, lý tưởng một cách thái hoá về tình yêu. Vấn đề này ở bất cứ thời đại nào cũng có, kể cả thời bố mẹ chúng ta (Quỳnh Dao, anyone?), nhưng chỉ cần lớn thêm một chút, rời ghế nhà trường, đối mặt cơm áo gạo tiền thì người ta sẽ tự động có một cái nhìn trưởng thành hơn về tình yêu thôi, có gì mà phải quan trọng hoá vấn đề như sắp tận thế như vậy? Nếu tác giả thực sự đã trải qua cái gọi là tình yêu, chắc cũng hiểu tình yêu thực sự là không có gì ngăn cách được. Nếu một người vì đọc ba cái chuyện tình vớ vẩn mà phá hỏng mối quan hệ của mình, thì người đó không thực sự yêu, và một thứ tình yêu lỏng lẻo như thế sớm hay muộn cũng tan vỡ không nhất thiết có đọc ngôn tình hay không.

    Nếu tác giả có thời gian để lo chuyện giới trẻ ủ rũ về chuyện tính dục quá nhiều, thôi thì lo chuyện giới già đang ngày càng thực dụng hoá tình yêu thì hơn. Mà cũng chẳng cần già, khoảng trên dưới 25,26 người ta đã chẳng còn yêu bằng rung động con tim nữa, mà chuyển qua những toan tính thiệt hơn về địa vị, gia thế, môn đệ, tài chính… Tôi không biết tôi và tác giả có đang sống trong cùng một thế giới không, nhưng đối với tôi những quyển sách ngôn tình đó tuy không phải là tuyệt tác văn chương gì, nhưng ít ra nó cũng tưới mát một chút những trái tim ngày càng khô cằn của con người thời nay. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao thế hệ tg trẻ ngày nay không có lấy một ai viết được một câu chuyện tình tươi sáng, phải chăng là vì xã hội làm cho con người ta càng ngày càng tiêu cực, kể cả trong tình yêu?

    • Người ta có viết những câu chuyện tình tươi sáng bạn ơi, nhưng chẳng ai đọc, vì họ không tin vào những câu chuyện như vậy, họ sợ tổn thương khi trót tin vào đó. Một xã hội của những trái tim nhút nhát 🙂

    • mình thì cho rằng, chính mấy cuốn sách ngôn tình ba xu đó đang phá hoại giới trẻ đấy. Những câu chữ trong đó, nó không thật. Nó có thể hấp dẫn 1 số người, nhưng chính vì nó hấp dẫn người ta bằng những thứ không thật ấy, mới tạo cho người ta sự ảo tưởng, và cám dỗ. Nó tác động vào chính cái tuổi mà bạn gọi là “tuổi ẩm ương” đấy! 1 khi đã bị ảo tưởng vào những điều phi thực tế như thế, họ sẽ nhạn được hàng tá cái tát đau điếng từ thực tại. 1 khi bị tát như vậy, họ sẽ co lại thành 1 nhúm, và lại trở thành cái thứ “thực dụng” như bạn nói vậy!
      Tươi mát kiểu gì thì kiểu, nhưng cái kiểu truyện ngôn tình thì thôi, xin kiếu. Tươi mát trong cuộc sống, thiếu gì! Nếu bạn cho rằng cuộc sống không có những điều đẹp đẽ, mà chỉ nhìn thấy toàn điều bi quan, thế là bạn mới nhìn thấy nửa sự thực.
      Bạn đang phàn nàn về việc con người ta bay giờ sống thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền tài địa vị… Đâu phải ai cũng thế! Tuy rằng bây giờ việc có 1 câu chuyện tình lãng mạn giữa đời thường thật hiếm, nhưng không phải là không có. Người ta cũng quan tâm đến tiền bạc, nhưng căn bản để có 1 cuộc sống hạnh phúc vẫn là sự no đủ mà bạn. Ăn no mặc ấm rồi mới nghĩ đến vun vén hạnh phúc chứ? Và những người “yêu” người khác qua đánh giá tiền bạc cũng chỉ là số con con thôi
      Thiếu gì những truyện tình đẹp? Nhưng định nghĩa thế nào là “chuyện tình đẹp” mới chuẩn đây? Theo mình, “chuyện tình đẹp” là 1 câu chuyện không cần quá lãng mạn, thậm chí có thể chẳng cần lấy 1 yếu tố lãng mạn nào trong đó. chỉ cần nó THẬT. Vậy thôi. Đừng ủng hộ việc nuôi dưỡng “những tâm hồn ẩm ương” bằng những câu chuyện mềm oặt và đầy ảo tưởng, để rồi để cúng vỡ mộng và chai sạn với thực tại chứ

      • “Thật”?? Thế nào là thật? Xin định nghĩa giúp mình chữ thật. Một viễn cảnh nó có vẻ không thật với bạn nhưng lại rất thật với ngừơi khác, bởi vì chúng ta đều có xuất phát điểm khác nhau. Bạn cũng biết nói trong cuộc sống đâu đó sẽ có một câu chuyện tình đẹp, nhưng đó là ở “đâu đó”, còn đối với rất nhiều người những mối quan hệ xung quanh họ đều là những mối quan hệ tính toán dù ít dù nhiều. Và một mối quan hệ mà phải đặt sự no đủ làm nền tảng để xây dựng tình yêu tuy về lý là đúng, và ngay cả tôi cũng sẽ đi theo con đường này, NHƯNG sẵn sàng bỏ hết tất cả để đến với người mình yêu dù biết sẽ có một cuộc sống vất vả phía trước, đối với tôi đó mới đúng nghĩa là tình yêu, tình yêu đủ lớn để bạn đặt người bạn yêu và mong muốn được sống và san sẻ khó khăn với người đó lên trước tất cả những yếu tố khác. Một tình yêu mà lý trí lớn hơn con tim không thể gọi là yêu nữa, đó là chọn sự an toàn. Và một khi đã yêu, thực sự yêu, thì con người ta sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân để đem lại điều tốt nhất cho nhau, và với sự cố gắng đó vật chất sớm muộn sẽ tự đến.

        Truyện ngôn tình phi thực tế? Một số, nhưng xu thế hiện nay là ngôn tình càng sát thực tế thì càng đông người đọc. Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu là một ví dụ, nó thật đến mức trần trụi, thật như những câu chuyện hằng ngày xung quanh ta, thật như vụ án mẹ ẵm con nhảy sông tự tử mới đây, và đọc xong ảo tưởng đâu không thấy chỉ thấy mất lòng tin trầm trọng vào hôn nhân. Và trong rất nhiều câu chuyện khác, nhân vật nếu kết cuộc có hậu thì cũng phải trải qua rất nhiều thử thách mới đến được với nhau, cái ảo duy nhất có lẽ là tình yêu sắt đá họ dành cho nhau không gì lay chuyển được, quá ảo đối với những con người thực tế “không tiền cạp đất mà ăn”. Thế mới thấy xã hội này thực dụng đến mức nào. Truyện ngôn tình Trung Quốc, hay văn học lãng mạn phương Tây rốt cuộc cũng chỉ xoay quanh hai chữ “true love”, không hề cao siêu gì, nhưng nó lại bị gán cho bốn chữ “xa vời thực tại” là vì lý do gì? Là bởi vì xã hội không tồn tại tình yêu như thế? Nếu vậy thì vấn đề không phải ở người đọc, mà là ở xã hội, bởi vì tin vào tình yêu thì không có gì là sai. Thay vì kêu gọi con người thực tế hơn, sao không cố gắng làm cho cuộc sống bớt tàn nhẫn hơn? Hay là vì công kích cá nhân thì dễ hơn công kích xã hội?

        Và nếu những câu chuyện như thế này chưa xứng đáng với chữ “thật”? Ok có thể cấm, vậy thì sau đó nên xuất bản những câu chuyện tình như thế nào mới được cho là thật? Như Romeo and Juliet có được xem là thật không? Hay truyện của Jane Austin? Hay Jane Eyre của Charlotte Bronte? Văn phong có thể không bằng nhưng tình yêu trong đó thì vẫn ảo tung chảo như nhau, ấy thế mà vẫn là classic.

        • nếu như những câu chuyện mà bạn ủng hộ mà có khả năng làm cho cuộc sống bớt tàn nhẫn hơn, thì nó đã làm được rồi. Chẳng cần phải quảng cáo hay PR cho nó làm gì cả.
          Mình thì thấy thế này.Đại khái, muốn lết từ tầng 1 lên tầng 2, ít nhất cũng phải nhấc cái mông dậy, sau đó là đi lên cầu thang. 1 người đang ốm nặng thì dĩ nhiên không thể ăn thức ăn quá bổ, mà nên ăn cháo. 1 đứa trẻ chưa ngoan (ở đây không dám gọi là hư bởi trẻ con làm gì cũng có lý của chúng) thì nên nhẹ nhàng mà khuyên bảo chứ không dùng đòn roi. 1 xã hội “tàn nhẫn” thì nên bắt đầu bằng thứ gì đó gần gũi, chân thực ngay trong cuộc sống. Chẳng hạn bạn đang lết mình trong cái nắng như đổ lửa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thì bạn không thể về nhà và bật quạt vù vù chĩa thẳng vào người, hay bay vào phòng tắm mà xối nước lạnh ngay được!

          • Ngôn tình thì cũng hợp lý cho sự mộng mơ đứng cửa sổ,theo kiểu xem phim Hàn rồi khóc sướt mướt đó mà,chính vì vậy phụ nữ hay đọc ngôn tình để tìm cái sự lãng mạn mà họ ko sao tìm thấy ở ngoài đời.
            Nhưng xem nhiều ko tốt.Thân

  11. Hơi bị nhột xíu, mình cũng hay tự viết triết lý mình cảm nhận về cuộc sống lên facebook của mình. Thường các bạn hay bảo sến súa và triết lý. Nhưng mình đủ tin tưởng sự trưởng thành của bản thân. Thiết nghĩ điều đó chả sao cả, sao cứ phải gò ép cảm xúc bản thân, thích viết thì viết thích share thì share. Cái cần khuyên là khuyên họ đọc sách, học hỏi từ những người lớn tuổi chứ không phải là bày tỏ sự tiêu cực việc con người bộc lộ cảm xúc.

  12. Thời đại thông tin càng mạnh, giới trẻ càng ảo tưởng rằng mình có thể hiểu biết hết mọi thứ chỉ bằng vài cái click chuột và thông tin báo mạng luôn đc cập nhật 24/7 hàng ngày. Nhưng ít ai biết như vậy có nghĩa họ càng dễ bị dắt mũi bởi truyền thông, bởi đám đông nhiều hơn bao giờ hết.
    Họ có thể tâm đắc vì một câu triết lý nửa mùa từ một tiểu thuyết ngôn tình, một stt của một người nổi tiếng nào đó, không màng đến việc người viết ra nó có khi chỉ là những tay rảnh rỗi, non trẻ + có khả năng viết lách tốt.
    Họ cho rằng sao này sao nọ nổi xung lên, tố cáo người yêu phản bội này nọ trên fb là cá tính, mạnh mẽ ( tôi cho đó là sự thiếu kiềm chế và kém cỏi trong ứng xử); cho rằng những phụ nữ hiền lành cam chịu là nhu nhược, ngu dốt…mà không hề nghĩ đến việc đó đơn giản là sự đa dạng hóa tính cách.
    Họ đề cao cái Tôi, sự khác biệt… nhưng vẫn dè bỉu sự khác biệt thực sự. Đúng hơn cái khái niệm “Tôi khác biệt” mà họ sử dụng như chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ của họ.
    Họ ra rả cái câu ” không ai là hoàn hảo” nhưng lại soi trên từng milimet người khác, và nếu ai đang trong tầm ngắm của họ “trót” lỡ dại vì một câu nói, một hành động “không phải” là đám đông ấy sẵn sàng rung lên hồi chuông báo động, phân tích, lên án…mạnh mẽ hơn cả một chuyên gia phân tích tâm lý thực thụ.
    Tuổi trẻ là sự nồng nhiệt,khám phá, nhưng đa phần giới trẻ giờ đc đào tạo hoặc tự bản thân họ chỉ muốn giới hạn trong cái ao bé tí của mình. Quanh quẩn trong ba cái mớ tình cảm của mình lẫn của thiên hạ. Họ muốn có nhiều tiền, thích làm việc trong môi trường năng động, lương cao nhưng ít chịu đầu tư, cống hiến…Cứ trông chờ vào sự thay đổi của các đấng bề trên dù ngày đó chả biết đến khi nào mới đến. Tóm lại nếu để bàn về giới trẻ ngày nay thì còn nhiều điều cần phải nói tới lắm chứ không chỉ riêng về văn hóa đọc của họ. Nhưng cảm ơn tác giả đã viết nên bài viết này. Nó thực sự phần nào đã nói lên tâm can tôi !

  13. Mình không có ý kiến về nội dung nhưng văn phong làm mình có ấn tượng vì nó khá giống với tính cách của mình. Mình có theo dõi một số bài viết của bạn và nhận ra phong cách nó luôn như vậy, đầy nhiệt huyết, sục sôi, muốn bùng cháy trong từng câu chữ nên dẫn đến đôi khi hơi gấp gáp. Cái khát vọng sống mạnh mẽ và muốn đóng góp cho xã hội trong các bài viết của bạn làm mình nhớ tới câu thơ:
    “Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất;
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi.”

    Đọc bài viết của bạn mình cảm thấy sảng khoái!
    Chúc bạn viết được nhiều bài hay hơn!

  14. Đọc xong bài viết của tác giả, mình cũng khá bất ngờ, ko hiểu vì sao những chuyện này xảy ra hằng ngày như cơm bữa, tần suất thì ngày một tăng cao, nhưng mình lại hoàn toàn ko nhận ra đó lại đang trở thành một vấn nạn đối với các bạn trẻ ngày nay. Thành thực mà nói thì, mình cũng từng là một trong số những bạn trẻ như thế, hằng ngày lượn lờ các trang báo lá cải trên mạng, đọc những bài viết đơn giản gọi là để “tìm cái nói thay cho những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân”. Mải chạy theo những cái “triết lý tầm phào” đó mà mình cũng chẳng mảy may biết rằng điều đó có tác hại xấu đến chừng nào. Mình ko nói về vấn nạn này nữa bởi ở trên, tác giả đã phân tích quá kĩ càng, sắc bén rồi. Về ngôn tình, mình thực sự là một fan bự. (Khi đọc bài viết này, như kiểu từ a->z đều là để nói về thói hư tật xấu của bản thân mình vậy :(( ) Dù mình từng là một bạn trẻ thích chạy theo những trích dẫn mì ăn liền kia, đã và đang là fan của truyện ngôn tình trung quốc, tuy nhiên, mình thực sự hài lòng vì những điều đó đã xảy đến với mình. Qua thời gọi là “trẻ trâu” thì thay vào những bài viết tản văn sáo rỗng về tình yêu kia, mình đã tìm được những trang đem đến ý nghĩa thực sự, tiêu biểu là THĐP; Nếu mình chưa từng là một con nghiện truyện ngôn tình thì chưa chắc bây giờ mình đã ý thức đc nhiều hơn về thể loại này, đã biết đâu là điều mình nên tin vào và đâu là điều sáo rỗng nên gạt ngay ra khỏi đầu. Cũng chính nhờ thời đại này mà mình đã có thể trở thành “mình” như ngày hôm nay. Mình tin, với một tư tưởng rất mới mà tác giả đã mang đến với chúng ta, thì mọi ng, cũng như bản thân mình sẽ tránh xa đc những thứ “tầm phào” trong đời sống hằng ngày, và dù là ngôn tình hay mảnh tình thoáng qua đi chăng nữa, cta sẽ luôn bước những bước đúng trên con đường mà bản thân đã tin tưởng và lựa chọn nhé! ^^

  15. Mình không đề cập gì đến những cái triết lý tầm phào bạn nói nhưng có điều này khiến mình suy nghĩ là mình cảm thấy(tất nhiên là theo quan điểm cá nhân) phải chăng cuộc sống bây giờ thiếu vắng quá nhiều tình cảm để những bạn trẻ ở lứa tuổi “bùng nổ cảm xúc” phải vớ lấy những cuốn tiểu thuyết ngôn tình để xoa dịu phần nào cái nhu cầu tình cảm của mình. Phải chăng chính thực trạng vô cảm của xã hội đẩy một thế hệ trẻ đến chỗ ảo tưởng vào những tình cảm tốt đẹp, có hậu thường thấy của ngôn tình?(mình đã từng đọc qua ngôn tình, tản văn các loại và không mê muội)

  16. Xu hướng sống theo cảm xúc. Thật may là FB mình ko bị tràn ngập bởi mấy thứ rác rưởi này.
    Xu hướng thị trường hóa văn học. Thị hiếu độc giả ngày càng xuống cấp, dẫn đến lớp nhà văn viết sách ăn bám cảm xúc độc giả cũng tăng. “Tác phẩm” thay vì trưởng thành qua năm tháng bởi các lớp độc giả thì nay lại bị bòn rút ra “làm tiền”.
    Còn lại một ít các nhà văn và tác phẩm hay có giá trị nhưng chẳng biết tương lai, nghệ thuật khi không có cơm ăn có thành ăn xin thiên hạ không nữa. Rồi lại mất đi vài người, trở thành “tầm gửi” độc giả.

  17. Rất thích bài viết của tác giả, cùng quan điểm với mình. Mình cực kỳ ko thích ( nói đúng hơn là ghét ) những người hay share những câu chuyện tình nhảm nhí trên mạng, những triết lí sáo rỗng về tình yêu, về cuộc đời mà tuyệt đại đa số là những nội dung tiêu cực như buồn , đau , thất vọng , buông tay buông chân bla bla…Mà đáng sợ hơn, trong số đó có cả các em các cháu cấp 3, thậm chí cấp 2. Còn về ngôn tình thì khỏi phải bàn, ko phải gu của mình nên ko bao giờ đọc. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI