27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Làm thế nào để đưa ra một quyết định lớn

thdp translation 3

📌 Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 7 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha đang giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

Đừng sợ hãi. Sự xuất hiện của một ngành khoa học mới sẽ giúp bạn lựa chọn.

Tháng 7 năm 1838, Charles Darwin, 29 tuổi, đã có một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Điều khiến ông vò đầu bứt tóc không liên quan gì đến những câu hỏi về những nguồn gốc của các loài, mà đó là một câu hỏi hiện sinh mang tính cá nhân nhiều hơn: Ông có nên kết hôn?

Darwin áp dụng một phương pháp rất quen thuộc với chúng ta ngày nay: Ông ghi ra một danh sách ưu-khuyết điểm về hôn nhân. Ở lựa chọn “không kết hôn” sẽ là các lợi ích của sự độc thân, bao gồm “cuộc nói chuyện của những người đàn ông tinh tế tại các quán rượu.” Đối với phương án “kết hôn”, “con cái (nếu nó hợp ý Chúa)” và “sự hấp dẫn của âm nhạc và tán gẫu với phụ nữ.”

Ngay cả khi một số giá trị trên có vẻ lỗi thời, thì việc ghi chép này vẫn đáng chú vì sự quen thuộc của nó. Gần hai thế kỉ sau, mặc cho mọi thứ trên thế giới đã thay đổi, danh sách này vẫn còn là cách duy nhất thường được sử dụng mỗi khi xem xét một quyết định phức tạp. Tại sao kỹ thuật đưa ra những lựa chọn khó khăn vẫn chưa tiến hóa?

Thật ra vẫn có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng những phát hiện của nó đã bị đánh giá thấp. Trong vài thập kỉ qua, những nghiên cứu đa ngành ngày càng tăng, dàn trải khắp các lĩnh vực như khoa học nhận thức, lý thuyết quản trị và các nghiên cứu về khả năng đọc – viết, đã mang đến những công cụ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tốt hơn. Khi phải đối mặt với một quyết định phức tạp và cần nhiều thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng, với những hệ quả có thể kéo dài hàng năm, hay thậm chí hàng thập kỉ, bạn đã không còn bị giới hạn với danh sách của Darwin.

Dĩ nhiên, không có bất kỳ công cụ mới nào đem đến giải pháp cho những quyết định bạn gặp phải. Đó chỉ là những câu hỏi, mẹo vặt hay khích lệ, nhằm giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác, tưởng tượng ra những khả năng mới, để cân đo những lựa chọn của bạn với độ tinh tế cao hơn. Không có một thuật toán hoàn hảo nào cho những quyết định khó khăn của cuộc sống. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng bạn có thể đưa ra những quyết định tốt hơn.


Một khám phá quan trọng trong một nghiên cứu là tầm quan trọng của việc tạo ra phương án thay thế cho bất kỳ hành động nào bạn đang cân nhắc. Vào đầu thập niên 80, Pual Nutt, một giáo sư đại học kinh tế, đã tiến hành ghi chú những quyết định thực tế từ nhiều cơ quan công ty khác nhau, tương tự như cách những nhà thực vật học ghi chú về các loài thực vật đang phát triển trong rừng mưa nhiệt đới. Trong khảo sát đầu tiên được xuất bản của ông vào năm 1984, ông phân tích 78 quyết định quản lý cấp cao từ các tổ chức thuộc nhà nước và tư nhân tại Mỹ và Canada: các công ty bảo hiểm, cơ quan chính phủ, bệnh viện và công ty tư vấn.

Khi đó, giáo sư Nutt đã phát hiện ra được một kết quả đáng kinh ngạc: Chỉ 15% các quyết định có giai đoạn mà những người đưa ra quyết định chủ động tìm một phương án mới, ngoài những lựa chọn ban đầu. Bên cạnh đó, ông tiếp tục nhận thấy chỉ 29% những người đưa ra quyết định cho tổ chức xem xét nhiều hơn một phương án.

Hóa ra, đây là một chiến lược tệ. Trong nhiều năm qua, giáo sư Nutt và các cộng sự của mình đã chứng minh được mối quan hệ chặt chẽ giữa số phương án thay thế được cân nhắc và sự thành công sau cùng của quyết định đó. Một trong những nghiên cứu này chỉ ra rằng những người chỉ xem xét một phương án có tỷ lệ đưa ra quyết định sai lầm là hơn 50%, trong khi đó những quyết định được đưa ra khi xem xét ít nhất hai phương án có được 2/3 tỷ lệ thành công.

Kết quả là rõ ràng: Khi rơi vào tình huống tương tự, thay vì giới hạn bản thân bằng hai câu trả lời “có” hoặc “không”, hãy luôn tìm thêm nhiều phương án để lựa chọn.

Vậy cách tốt nhất để mở rộng các phương án là gì?

Những nhà nghiên cứu gợi ý rằng chúng ta cần đa dạng hóa (nếu có thể) các nhóm người có tác động đến việc đưa ra quyết định. Khoảng một thập kỷ trước, nhà tâm lý xã hội học Samuel Sommers tiến hành một chuỗi các phiên tòa giả lập để những bồi thẩm viên tranh luận và đánh giá chứng cứ từ một vụ tấn công tình dục. Một số bồi thẩm đoàn chỉ bao gồm những người da trắng, số còn lại đều có sự đa dạng về mặt chủng tộc. Trước hầu hết mỗi tiêu chuẩn đánh giá quan trọng, nhóm đa dạng chủng tộc đã thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Họ xem xét nhiều cách giải thích bằng chứng, nhớ thông tin vụ án chính xác hơn và thể hiện sự nghiêm ngặt và kiên định khi tham gia vào quá trình.

Nhóm người thuần nhất (có thể về mặt dân tộc, giới tính hay những sự tương đồng khác như về chính trị,v.v…) thường đưa ra kết luận quá vội vàng. Họ dễ dàng nghĩ đến trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất mà không đặt câu hỏi về những giả định của họ, bởi vì những người ngồi trên bàn đều giống nhau, họ đồng ý với cách giải thích tổng quát sơ lược.


Năm 2008, bằng cấu trúc điều tra tương tự, một nghiên cứu của giáo sư ngành quản lý Katherine Phillips đã tiết lộ một kết quả hoàn toàn bất ngờ: Mặc dù những người đa dạng về chủng tộc có khả năng phân tích và đánh giá tốt hơn, nhưng lại kém tự tin hơn về kết luận của mình. Họ có thể đưa ra một quyết định đúng, nhưng cũng đồng thời dễ dàng chấp nhận ý kiến phản bác rằng kết luận của họ là sai.

Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: Khi đã có được các phương án thì chúng ta nên đánh giá như thế nào là đúng? Có một cách tiếp cận, thường được gọi là phương pháp hoạch định theo kịch bản, được phát triển bởi một nhóm các nhà tư vấn quản lý vào thập niên 70. Phương pháp này được áp dụng bằng cách vẽ ra 3 kịch bản tương lai khác nhau cho mỗi phương án thay thế: một kịch bản khả quan, một kịch bản bi quan và một kịch bản ngoài dự đoán.

Tưởng tượng một viễn cảnh trong đầu là điều chúng ta làm theo bản năng mỗi khi cân nhắc một quyết định lớn. Chẳng hạn, khi quyết định rời thành phố để sinh sống ở vùng ngoại ô, bạn sẽ nghĩ về hình ảnh những buổi đi bộ gia đình trên những con đường mòn phía sau nhà, trường học tốt hơn cho con cái, và một khu vườn trồng trọt ở sân sau. Sự khác biệt giữa cách làm này với phương pháp nêu trên nằm ở hai điểm: Thứ nhất, chúng ta hiếm khi dành nhiều thời gian để phân tích sâu hơn về các yếu tố tác động; và thứ hai, chúng ta cũng chẳng mấy bận tâm về việc nghĩ đến các kịch bản khác. Làm thế nào để có được một viễn cảnh như mong muốn khi con bạn không hòa hợp được với bạn học mới, hay một số thành viên trong gia đình cảm thấy nhớ nơi ở cũ, nơi có những người bạn cũ và cả nhịp sống tấp nập của đô thị?

Nhà tâm lý học Gary Klein đã phát triển ra một dạng khác của phương pháp trên, với tên gọi “Khám nghiệm trước khi chết” (“Premortem”). Theo thuật ngữ y khoa, có một quá trình gọi là “Khám nghiệm sau khi chết” (Postmortem) nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết. Ở đây, trật tự này sẽ được đảo ngược lại.

“Bài thực hành của chúng ta,” tiến sĩ Klein giải thích, “là bảo những người hoạch định nghĩ đến tương lai nhiều tháng sau khi kế hoạch của họ được triển khai. Và nó bị thất bại. Họ chỉ biết như thế; và họ phải giải thích tại sao theo họ nó thất bại.”

Theo kinh nghiệm của tiến sĩ Klein, phương pháp premortem đã cho thấy được sự hiệu quả trong việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến một quyết định thiếu chính xác. Hàng loạt các thói quen xấu trong suy nghĩ từ lối tư duy tập thể cho đến thiên kiến xác nhận – khuynh hướng tập trung đến những thông tin xác nhận quan điểm của mình – thường khiến chúng ta không nhận thức được các nguy cơ thất bại khi đưa ra quyết định. Nó vẫn chưa đủ nếu bạn chỉ đơn giản tự hỏi bản thân, “Liệu có những rủi ro nào trong kế hoạch mà mình chưa tính đến?” Bằng cách buộc bản thân phải nghĩ đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, bạn sẽ tìm ra được giải pháp cho những nguy cơ tiềm ẩn và tự tin hơn với quyết định của mình.


Mô hình giá trị

Một khi hoàn thành xong tất cả các bước trên, cũng tới lúc phải đưa ra quyết định. Trong một số trường hợp, bạn sẽ có được một quyết định chính xác. Tuy nhiên, nếu quyết định vẫn còn khó khăn, mô hình giá trị – một phiên bản nhiều sắc thái và hữu hiệu hơn danh sách ưu-khuyết điểm – có thể sẽ hỗ trợ bạn.

Đầu tiên, ghi lại danh sách các giá trị quan trọng nhất đối với bạn. Như cách Darwin đã làm khi đưa ra quyết định về hôn nhân, những giá trị mà ông mong muốn là sự tự do, tình bạn, những cuộc trò chuyện tinh tế của những người đang ông tại quán rượu và có con cái. Sau đó, gán cho mỗi giá trị đó một “trọng lượng.” Trong cách tiếp cận toán học nhất, thang đo sẽ là từ 0 đến 1. Nếu những cuộc trò chuyện không quá quan trọng, hệ số giá trị có thể ở mức 0.25. Trong khi đó, nếu việc có con cái là rất quan trọng với bạn, điểm số có thể là 0.90.

Kế đến, bạn sẽ chấm điểm cho các trường hợp mà bạn đã nghĩ đến cho mỗi phương án. Cách chấm điểm sẽ dựa theo tiêu chí thỏa mãn các giá trị cốt lõi trên thang đo 100. Ví dụ, trường hợp độc thân sẽ được chấm điểm rất thấp trên giá trị “có con cái”, nhưng ít nhất với Darwin, điều này có được số điểm cao hơn trên giá trị “những cuộc nói chuyện tinh tế.”

Sau đó, bạn sẽ làm một vài phép toán cơ bản như sau: Lấy điểm của một trường hợp trên mỗi giá trị nhân với hệ số giá trị tương ứng, kế đến cộng tất cả các điểm của trường hợp ở từng giá trị lại thì ta sẽ có được điểm tổng cho một trường hợp. Trường hợp nào có điểm tổng cao nhất sẽ là quyết định chính xác nhất.

Giới hạn lớn nhất của danh sách này là chúng ta chỉ đơn thuần quy đổi ra điểm số những gì nhận thức được về quyết định tại thời điểm đó và vẫn bị bó buộc trong những suy nghĩ của chính mình. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Thomas Schelling đã từng nói:

“Một người, cho dù phân tích kỹ lưỡng hay tưởng tượng cao siêu đến mấy, vẫn không thể nào vẽ ra được một danh sách những gì chưa bao giờ nghĩ đến.”

Vậy mà những lựa chọn khó khăn đòi hỏi phải có sự nhảy vọt trong tưởng tượng để tìm ra những giải pháp và kết quả mới, điều mà chúng ta chưa từng hình dung được kể từ khi sự đắn đo bắt đầu xuất hiện. Bản chất của các quyết định phức tạp cũng giống như những chòm sao độc nhất trên trời, với những vì sao tạo thành là các biến số. Những công cụ mới này chỉ đơn giản là giúp chúng ta nhìn thấy các chòm sao đó từ những góc nhìn mới mẻ và rõ ràng hơn.

Tác giả: Steven Johnson – The New York Times
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana


📌 Thông báo cuộc thi viết 2019

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI