28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chí Tôn Ca – Tinh túy cốt lõi và Ảnh hưởng sâu rộng của nó

4

Sơ lược về Chí Tôn Ca

Chí Tôn Ca (tên tiếng Anh là Bhagavad Gita) là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu trong đại sử thi Ấn Độ Mahabharata. Những câu này, sử dụng dạng thơ mỗi câu có năm âm tiết Sanskrit với nhiều so sánh và ẩn dụ, mang nhiều tính thơ ca; và do đó tựa đề, dịch ra là “Bài hát của Đấng Tối cao” dưới hình dạng của Krishna. Nhiều lần được đánh giá cao không chỉ bởi người Ấn Độ mà cả những nhà tư tưởng nổi tiếng như Aldous Huxley, Henry David Thoreau, J. Robert Oppenheimer, Ralph Waldo Emerson, Carl Jung, Bulent Ecevit, Hermann Hesse, Heinrich Himmler và những người khác [1][2][3].

Nguồn gốc chính của học thuyết Karma Yoga (Yoga Hành động) rõ ràng là từ Chí Tôn Ca. Albert Schweitzer (14 tháng 1 năm 1875 – 4 tháng 9 năm 1965) là một tiến sĩ, thầy thuốc, nhà triết học, thần học người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đoạt Giải Goethe năm 1928 và giải Nobel Hoà bình năm 1952 vì đã có công lớn trong giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật.

Ông đã có khoảng 50 năm chữa bệnh cho người dân Gabon, một đất nước nằm ở miền Tây Trung Phi. Khi mất, ông cũng được chôn tại đây. [wiki]) nhận thấy ở Chí Tôn Ca “Một ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần của nhân loại thông qua lòng tôn kính đối với Thượng Đế được thể hiện bằng các hành động khác nhau.” [4][5]

Chí Tôn Ca

💎 [THĐP Translation] 40 thông điệp trí tuệ từ Carl Jung

Tinh túy cốt lõi của Chí Tôn Ca

Về Chân Ngã (The Self), Bất Nhị

“Người trí huệ sẽ không xót thương người sống hay kẻ chết. Chưa bao giờ có chuyện Ta, ngươi và tất cả các bậc đế vương tề tựu tại đây lại không tồn tại và cũng sẽ không có một thời điểm mà chúng ta ngừng tồn tại. Linh hồn trong thân xác tồn tại mãi mãi, không thể phá hủy và vô hạn, chỉ có thân xác mới thực sự dễ bị tàn lụi. Do đó, hãy chiến đấu, ôi Arjuna.”

“Giống như con người tồn tại trong thân xác này đều phải trải qua các giai đoạn từ thơ ấu, tuổi trẻ tới tuổi già, nên khi chết, anh ta chỉ đơn thuần là chuyển sang một dạng thân xác khác. Người trí huệ không bị lừa dối bởi điều đó. Cái chết chẳng có gì đáng đau thương hơn so với việc cởi bỏ một chiếc áo khoác đã cũ.”

“Những người si mê, về biểu hiện, sống trong sự đối lập giữa sự ô nhục và danh dự, khổ sở và hạnh phúc, đàn bà và đàn ông, tốt và xấu, vui sướng và đau khổ… nghĩ rằng: ‘Đây là vợ tôi, đây là nhà của tôi, tôi là chủ của ngôi nhà này, tôi là chồng của người vợ này.’ Đây là tính hai mặt (nhị nguyên) của ảo tưởng. Những người bị u mê bởi nhị nguyên là những kẻ hết sức ngu ngốc và do đó, không thể hiểu được God.”

“Mục tiêu đích thực của hành động là sự hiểu biết về Chân ngã trong mỗi con người. Những ai an vui trong Chân ngã, mục đích cuộc đời họ là nhận ra được Chân ngã, và chỉ hài lòng trong Chân ngã, hoàn toàn thỏa mãn, thì người đó không còn nghĩa vụ gì.”

Tat tvam asi — Ngươi chính là Nó (Thou art That). Atman (Ātman là một từ tiếng Phạn có nghĩa là nội tâm, tinh thần hoặc linh hồn. Trong triết học Ấn Độ giáo, đặc biệt là trong trường phái Vedanta của Ấn Độ giáo, Ātman là nguyên tắc đầu tiên, con người thật của một cá nhân vượt ra ngoài sự đồng nhất với các hiện tượng, bản chất của một cá nhân) cũng chính là Brahman (Brahman hay Đại ngã là một khái niệm về thực tại tuyệt đối tối thượng của Ấn Độ giáo.

Brahman là hiện thực siêu việt không thay đổi, vô hạn, có ở khắp mọi nơi và là nền tảng linh thiêng cho tất cả vật chất, năng lượng, thời gian, không gian, các thể sống, và tất cả những gì vượt khỏi vũ trụ này.) Chân ngã trong mỗi người cũng không khác gì God.”

“Người trí huệ nhận thấy mình trong tất cả và tất cả trong mình, họ là những người đã từ bỏ mọi ham muốn vị kỷ và cảm giác thèm muốn đang hành hạ trái tim.”

“Chúng ta thấy những gì mình là, và chúng ta là những gì mình thấy.”

“Người nhìn thấy Ta trong mọi thứ và mọi thứ trong Ta sẽ không bao giờ lạc mất Ta, và Ta cũng sẽ không bao giờ lạc mất hắn. Người mang trong mình sự đồng nhất này nhận ra rằng Ta ở trong mọi sinh mệnh; dù hắn đi bất cứ nơi nào, hắn vẫn ở trong Ta. Khi hắn nhận thấy tất cả đều bình đẳng về nỗi đau khổ hay niềm vui sướng bởi vì họ cũng giống như hắn, người đó đã đạt đến mức hoàn hảo của yoga.”

Về hành động

“Hãy hành động một cách cẩn thận, xuất phát từ lòng trắc ẩn.”

“Sống cuộc sống của chính mình dù không hoàn hảo vẫn tốt hơn việc bắt chước cuộc sống của người khác một cách hoàn hảo.”

“Ngươi có quyền làm việc, nhưng hưởng thụ thành quả thì không. Ngươi không bao giờ nên làm việc để được phần thưởng, cũng không nên mong ngóng chuyện ngưng làm việc. Hãy thực hiện công việc trong thế giới này, Arjuna, như một đàn ông tự gầy dựng chính mình – không có những bám chấp ích kỷ, thành công và thất bại cũng như nhau. Bởi yoga chính là sự cân bằng tuyệt đối của tâm trí.”

“Hãy trú ngụ trong thái độ không níu bám và ngươi sẽ tích lũy được sự giàu có trong nhận thức tâm linh. Những người luôn mong ngóng đến thành quả của hành động thì thật khốn khổ, vì họ luôn lo lắng không ngừng về kết quả của những việc họ làm. Tuy vậy, khi nhận thức đã được thông suốt, tất cả mọi lo lắng vô ích sẽ bị bỏ lại phía sau. Sẽ chẳng có lý do gì để lo lắng, dù cho mọi việc diễn ra thuận lợi hay bất trắc.”

“Ngươi có quyền kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng không có quyền kiểm soát hay sở hữu kết quả. Sợ thất bại, bắt nguồn từ sự gắn kết cảm xúc với kết quả của hành động, là trở ngại lớn nhất cho thành công vì nó đánh mất đi hiệu quả công việc bằng cách liên tục làm xáo trộn sự bình thản của tâm trí.”

“Hành động vị kỷ giam cầm thế giới. Hãy hành động một cách vị tha, và đừng bao giờ suy nghĩ vụ lợi cho bản thân.”

“Chủ nghĩa khổ hạnh là khước từ những hành động ích kỷ, như các nhà thơ, và những bậc trí huệ tuyên bố rằng sự từ bỏ có nghĩa là không màng đến thành quả hành động.”

“Nếu thực hiện nghĩa vụ theo đúng bản chất của họ, con người sẽ không mắc bất kỳ tội lỗi nào cả.”

“Trên đời này, không một ai làm việc tốt mà phải nhận kết cục tồi tệ, dẫu cho ở đời nay hay cả đời sau.”

“Hãy hành động với tâm trí hướng về Đấng Thánh, gạt bỏ níu bám, nhìn nhận thành công và thất bại một cách công bằng. Tâm linh nằm trong sự thanh thản.”

“Người thiếu trưởng thành cho rằng kiến thức và hành động là khác nhau, nhưng người trí huệ thì xem chúng là một.”

Về tâm trí, thân xác, thiền định, phát triển tâm linh

“Bởi các giác quan thì đi lang thang, và khi một người để tâm trí của mình bị cuốn theo những giác quan đó, họ sẽ đánh mất đi sự khôn ngoan của mình và mãi lênh đênh giống như một con tàu bị gió thổi trôi dạt vô định trên mặt nước.”

“Bất cứ ai có ý chí kiên định ngay cả trong giai đoạn về sau của nhận thức tâm linh và vẫn vững vàng sau những tột cùng đau khổ cũng như hạnh phúc chắc chắn sẽ đủ khả năng cho sự giải thoát.”

“Hạnh phúc đến từ quá trình thực hành lâu dài, dẫn tới sự kết thúc của mọi khổ đau, ban đầu giống như thuốc độc, nhưng sau cùng lại ngọt ngào như mật hoa – thứ hạnh phúc này nảy nở từ sự thanh thản trong tâm trí một người.”

“Khi một người thấu hiểu và cảm thông với niềm vui và nỗi buồn của người khác, như của chính bản thân mình, thì người đó đã đạt được tới cảnh giới cao nhất của sự hiệp thông tâm linh.”

“Một số người cảm nhận được Thượng Đế trong trái tim bằng trí tuệ thông qua thiền định; một số khác thông qua yoga kiến thức; và một số khác lại thông qua yoga hành động. Mặc dù vậy, một số khác lại không hiểu về Brahman, nhưng đã từng nghe người khác kể lại, rồi hình thành thói quen tôn kính. Họ cũng vượt qua được cái chết bởi đức tin vững chắc vào những gì họ đã được nghe.”

“Khi sự thiền định trở nên rất sâu, hơi thở trở nên chậm, đều và thậm chí, mọi cửa sổ giác quan đóng lại với tất cả các cảm nhận từ bên ngoài cơ thể. Tiếp theo, tâm trí dần rơi vào trạng thái tĩnh lặng, tách biệt khỏi những hoạt động điên cuồng thường nhật; ngay cả những cảm xúc cơ bản về ham muốn, sợ hãi và giận dữ đều lắng xuống. Khi tất cả các cung bậc cảm giác và cảm xúc này đều ngừng lại, thì khi đó, tâm thức ta được tự do, ít nhất là tại thời điểm đó. Nó đã đi vào trạng thái được gọi là Samadhi.”

Về Thượng Đế

“Ta chính là Atma ngự trị trong tim của mọi chúng sinh. Ta là khởi đầu, là khoảng giữa và cũng là kết thúc của mọi chúng sinh.”

“Nguyên nhân dẫn tới sự đau khổ của một người là sự lãng quên mối quan hệ giữa anh ta với Thượng Đế.”

“Thượng Đế là nguồn ánh sáng trong tất cả các vật thể phát sáng. Người vượt ra khỏi bóng tối của vật chất và không thị hiện. Người là tri thức, Người là đối tượng của tri thức, và Người là mục tiêu của tri thức. Người ngự trị trong trái tim tất cả.”

“Ta là Sama Veda ((Ca vịnh thần chú, gồm 585 khổ thơ, tương ứng với các giai điệu được dùng trong những tụng ca hiến tế (hymmes des sacrifices).)) trong số các kinh Vệ-đà; Ta là Indra ((Thần Indra hay còn gọi là Đế Thích Thiên vị thần của sấm sét. Là một trong những vị thần tối cao của đạo Hindu (Ấn Độ).)) trong số các Chư thiên; Ta là tâm trí trong số các giác quan; Ta là ý thức (consciousness) trong mọi sinh linh.”

“Ta chính là người ngự trị trong trái tim của tất cả chúng sinh với tư cách là người điều khiển tất cả; và ta cũng chính là nguồn gốc của trí nhớ, kiến thức và khả năng tư duy. Một lần nữa, Ta là đối tượng duy nhất đáng tìm hiểu thông qua các kinh Vệ-đà; Ta là nguồn gốc duy nhất của Vedānta ((Một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thế giới hiện thực.)) và cũng là người am tường bộ kinh Vệ-đà.”

“Trong số hàng ngàn người, có thể có một người nỗ lực để đạt tới sự hoàn hảo và trong số những người đã đạt được sự hoàn hảo đó, hiếm có một người thực sự hiểu về Ta.”

“Ngay cả kẻ mang trong mình nhiều tội lỗi nhất nhưng tôn kính ta bằng tất cả linh hồn của hắn, thì người đó vẫn được coi là người công chính vì ý muốn công chính của hắn. Và hắn sẽ sớm trở nên thuần khiết và chạm tới sự an bình vĩnh cửu. Vì đây là lời hứa của ta, rằng những ai mến yêu ta sẽ không bao giờ bị diệt vong.”

“Cuộn vào trong chính mình, Ta sáng tạo lần nữa và lần nữa.”

“Sự bình an của God sẽ đồng hành với những người có sự hoà hợp giữa tâm trí và linh hồn, những người tự do khỏi ham muốn và phẫn nộ, những người hiểu rõ về linh hồn của chính họ.”

“Thượng Đế chỉ nhận lấy tình yêu trong những hiến lễ được dâng lên Người.”

Về thực tại, thế giới

“Chúng ta không bao giờ thực sự chạm vào thế giới này; tất cả những gì chúng ta trải nghiệm được đều thông qua hệ thống thần kinh của chính mình. Tất cả chúng ta là kết quả của những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta được tạo ra từ những suy nghĩ của bản thân; chúng ta được nhào nặn bởi chính những suy nghĩ của mình.”

“Sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ cho rằng thế giới vật chất này là thực tại tối thượng, giống như kẻ mơ mộng cho rằng không có gì là thật ngoại trừ giấc mơ của mình.”

“Sự xuất hiện vô thường của hạnh phúc hay đau khổ, và sự biến mất của chúng vào đúng thời điểm, cũng giống như sự xuất hiện và biến mất của mùa đông và mùa hè. Chúng phát sinh từ nhận thức của giác quan, và một người phải học cách sống bình thản mà không chúng bị làm phiền.”

“Họ nói rằng cuộc sống là một sự tình cờ, và chịu sự chi phối của dục vọng, rằng vũ trụ này không có bất kỳ chuẩn mực đạo đức nào, không có sự thật, cũng không hề có Thượng Đế.

Bị những ham muốn vô độ điều khiển, và mãi đắm chìm trong sự kiêu ngạo về quyền lực, đạo đức giả, sự lừa dối, hành động của kẻ đó phạm lỗi cùng với sự tư lợi, bị dằn vặt bởi một nỗi lo lắng lớn kéo dài cho đến khi họ chết, tin rằng thỏa mãn dục vọng là mục tiêu duy nhất của cuộc sống, bị ràng buộc bởi hàng trăm xiềng xích của dục vọng, bị nô lệ bởi lòng tham của chính họ, họ phung phí thời gian vào những việc làm bất lương để đổi lấy núi của cải cho bản thân.”

“Để các giác quan được thỏa mãn, kẻ sống trong dục tính* (mode of passion) sẽ luôn mong muốn có được danh dự trong xã hội, hoặc trong quốc gia, rồi kẻ đó muốn có một gia đình hạnh phúc, có vợ đẹp, con khôn và có một ngôi nhà đẹp. Đây là sản phẩm của dục tính.

Khi một người còn thèm muốn những dục vọng này, kẻ đó phải làm việc rất vất vả. Do đó, rõ ràng ở đây kẻ đó bị dính mắc với kết quả của hành động. Để làm hài lòng vợ, con, xã hội và để giữ gìn danh dự của mình, kẻ đó sẽ phải làm việc. Do đó, toàn bộ thế giới vật chất ít nhiều đều nằm trong dục tính.”

*Một trong 3 tính chất của thế giới. 2 tính chất còn lại là: Hiền tính (mode of goodness) và si tính (mode of ignorance). Tham khảo Chí Tôn Ca, Chương 7

Về đức hạnh

“Người đã buông bỏ hận thù, người đối xử với tất cả chúng sinh bằng sự tử tế và lòng trắc ẩn, người luôn thanh thản, không bị lay chuyển bởi đau khổ hay hạnh phúc, tự do khỏi “cái tôi” và “của tôi”, tự chủ, kiên định và kiên nhẫn, toàn bộ tâm trí của người đó tập trung vào Ta – đó là người Ta yêu nhất.”

“Địa ngục có ba cổng vào: dâm dục, giận dữ và tham lam. Người khôn phải biết trừ bỏ ba thói xấu hủy hoại linh hồn này.”

“Những thú vui đến từ thế giới của các giác quan đều có khởi đầu và kết thúc và sinh ra đau khổ, Arjuna.”

“Những người đã vững chãi trong sự nhận biết Chân ngã kiểm soát những cảm xúc của họ thay vì để chúng điều khiển họ.”

“Các nhà hiền triết đã giác ngộ coi một người là khôn ngoan khi người đó không bận tâm đến kết quả từ mọi hành động của mình; tất cả những dục vọng ích kỷ của con người đó đều bị thiêu rụi trong ngọn lửa của tri thức. Người khôn ngoan, luôn cảm thấy thỏa mãn, đã từ bỏ tất cả các chỗ dựa từ bên ngoài. Sự yên ổn của họ không bị ảnh hưởng bởi kết quả từ hành động của họ; ngay cả khi hành động, họ thực sự không làm gì cả.

Không có sự kỳ vọng hay ý muốn sở hữu, tâm trí và thể xác được kiểm soát chặt chẽ bởi Chân Ngã, họ không mắc bất kỳ tội lỗi nào khi thực hiện hành động của mình. Họ sống một cách ung dung tự tại, là những người đã vượt ra khỏi nhị nguyên của cuộc sống.

Họ không cạnh tranh với bất kỳ ai, thành công và thất bại không có sự khác biệt và họ bằng lòng với bất cứ điều gì xảy đến với họ. Họ tự do, không có những níu bám ích kỷ; tâm trí của họ được cố định trong tri thức. Họ thực hiện mọi công việc trên tinh thần phục vụ, và nghiệp của họ đã tan biến.

“Một Yogi vĩ đại hơn một người theo chủ nghĩa khổ hạnh, vĩ đại hơn một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm và vĩ đại hơn một người làm việc vì thành quả. Do đó, ôi Arjuna, trong mọi hoàn cảnh, hãy là một Yogi.”


Bình luận của những người nổi tiếng về Chí Tôn Ca

Gandhi nói về Chí Tôn Ca

Việc Chí Tôn Ca tập trung nhấn mạnh vào sự phục vụ không vụ lợi là nguồn cảm hứng chính cho Mohandas Karamchand Gandhi (Gandhi là vị anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến bất bạo lực chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân.) Gandhi từng nói,

“Khi những nghi ngờ ám ảnh tôi, khi tôi trực tiếp đối mặt với những nỗi thất vọng và tôi không thấy một tia hy vọng nào ở phía cuối chân trời, tôi mở Chí Tôn Ca ra và tìm một câu để an ủi bản thân, và tôi bắt đầu mỉm cười ngay lập tức giữa vô vàn những nỗi sầu muộn. Những người suy ngẫm về Chí Tôn Ca sẽ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa mới mẻ trong nó mỗi ngày.” [6]

Sri Aurobindo nói về Chí Tôn Ca

Theo Sri Aurobindo ((Sri Aurobindo (15 tháng 8 năm 1872 – 5 tháng 12 năm 1950) là một học giả, nhà thơ, triết gia, yogi người Ấn Độ, là một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của triết lý Vệ Đà. [wiki])),

Chí Tôn Ca là một kinh sách chân chính của loài người, một sự sáng tạo sống chứ không phải là một cuốn sách, với một thông điệp mới cho mỗi thời đại và ý nghĩa mới cho từng nền văn minh.”

Swami Vivekananda nói về Chí Tôn Ca

Swami Vivekananda ((Swami Vivekananda (12 tháng 1 năm 1863 – 4 tháng 7 năm 1902) là một tu sĩ Ấn Độ giáo Ấn Độ, một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của trường phái Vedānta. Ông là đại đệ tử của Ramakrishna Paramahamsa và là người sáng lập ra Ramakrishna Math và Ramakrishna Mission.

Nhiều người xem ông là thần tượng cho lòng nhiệt tình, ảnh hưởng tích cực lên lớp trẻ, tầm nhìn thoáng về các vấn đề xã hội, và vô số bài giảng và bài thuyết pháp về Vedanta.)) tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Chí Tôn Ca. Người ta nói, Chí Tôn Ca là một trong hai cuốn sách yêu thích nhất của ông. Từ năm 1888 – 1893 khi Vivekananda đi hành hương khắp Ấn Độ với tư cách là một tu sĩ lang thang, ông chỉ mang theo hai cuốn sách bên mình: Chí Tôn CaImitation of Christ (TD: Noi gương Đức Ki-tô) [7].

>>> [THĐP Translation™] Cuộc đời và sứ mệnh của Vivekananda, Đạo sư nổi tiếng người Ấn Độ

Aldous Huxley nói về Chí Tôn Ca

Aldous Huxley ((Aldous Leonard Huxley (26 tháng 7 năm 1894 – 22 tháng 11 năm 1963) là một nhà văn người Anh di cư đến Mỹ và sống ở Los Angeles cho đến khi chết năm 1963. Ông là một thành viên của gia tộc Huxley nổi tiếng. Rất nổi danh với những quyển tiểu thuyết và những bài viết đa dạng của mình, ông cũng đã xuất bản những truyện ngắn, thơ, bài viết về lữ hành, truyện cho phim và kịch bản.

Qua những quyển tiểu thuyết và bài viết của mình, Huxley đóng vai trò như một người kiểm tra và đôi khi phê phán những quan niệm đạo đức truyền thống, những hành vi và lý tưởng của xã hội. Huxley là một nhà nhân văn nhưng cũng quan tâm đến kết cục cuộc sống của mình trong những chủ đề như tâm lý học tâm linh và thuyết thần bí theo triết học mà ông cũng có viết về chúng.

Vào cuối cuộc đời, Huxley được nhiều giới học thuật xem như một “người đi đầu trong tư tưởng hiện đại” và một nhà trí thức cấp cao. [wiki])), nhà văn người Anh cho rằng Chí Tôn Ca

“[l]ời tuyên bố có tính hệ thống nhất về sự tiến hóa tâm linh có giá trị to lớn cho nhân loại.” Ông cũng cảm thấy, Chí Tôn Ca là “một trong những bản tóm lược rõ ràng và toàn diện nhất về triết học vĩnh hằng (perennial philosophy) từng được tiết lộ; không chỉ đối với Ấn Độ mà còn đối với toàn nhân loại.” [6]

>>> [THĐP Vietsub] Aldous Huxley, Những Cánh Cửa Nhận Thức – “Drugs” (“Thuốc”) có tốt cho bạn không?
>>> [Review] (Aldous Huxley) Brave New World – Cuốn sách đã từng bị chính phủ nhiều nước cấm xuất bản

Jawaharlal Nehru nói về Chí Tôn Ca

Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ nhận thấy

“Chí Tôn Ca liên quan chủ yếu đến nền tảng tâm linh đối với sự tồn tại của con người. Đó là một lời kêu gọi hành động để đáp ứng các bổn phận và nghĩa vụ của cuộc sống, nhưng vẫn giữ được quan điểm về bản chất tâm linh và mục đích to lớn hơn của vũ trụ.” [8]

J. Robert Oppenheimer

20180705091106!Trinity_Detonation_T&B
Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân Trinity của Dự án Manhattan là vụ nổ vũ khí hạt nhân đầu tiên, khiến Oppenheimer nhớ lại những vần thơ từ Chí Tôn Ca, đáng chú ý là: “Ta đã trở thành Thần chết, đấng hủy diệt mọi cõi thế.” (Bản dịch của THĐP: “Ta là thời gian, đấng hủy diệt vĩ đại mọi cõi thế.”)

J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý người Mỹ đồng thời là giám đốc Dự án Manhattan, đã học tiếng Phạn vào năm 1933 và từng đọc bản gốc của Chí Tôn Ca, về sau đã trích dẫn tác phẩm này như một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất góp phần định hình triết lý sống của ông. Oppenheimer sau đó nhớ lại rằng, khi chứng kiến vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân Trinity, ông đã liên tưởng đến những vần thơ từ Chí Tôn Ca (11:12).

दिवि सूर्यसहस्रस्य भवेद्युगपदुत्थिता। यदि भाः सदृशी सा स्याद्भासस्तस्य महात्मनः।।११-१२।। [9]

“Nếu ánh sáng rực rỡ của một ngàn mặt trời bừng cháy cùng một lúc trên bầu trời, thì đó sẽ giống như sự huy hoàng của Đấng Tối Cao.” [10][11]

Nhiều năm sau ông đã lý giải rằng một khổ thơ khác đã ăn sâu vào tâm trí ông ở thời điểm đó:

“Chúng tôi biết thế giới này sẽ không như trước nữa. Có người cười, có người khóc. Đa số thì im lặng. Tôi nhớ đến một dòng từ kinh sách Hindu, Chí Tôn Ca;

Vishnu ((Là vị Thần bảo hộ trong Ấn giáo, một trong 3 Đại Thần (2 vị còn lại là Brahma và Shiva) )) đang cố gắng thuyết phục Hoàng tử rằng chàng nên làm tròn bổn phận của mình và để gây ấn tượng với Hoàng tử, Người hiện ra bộ dạng Thần Thánh với nhiều cánh tay và nói, “Giờ đây ta đã trở thành Thần chết, đấng hủy diệt mọi cõi thế.” Tôi cho rằng tất cả chúng tôi đều nghĩ như thế, bằng cách này hay cách khác.” [12]

Oppenheimer đã trích dẫn những lời này trong một bộ phim tài liệu The Decision to Drop the Bomb (1965) [12]. Oppenheimer đã đọc từ bản gốc tiếng Phạn, “kālo’smi lokakṣayakṛtpravṛddho lokānsamāhartumiha pravṛttaḥ” (11:32) [13]. Bản dịch tiếng Anh của ông lần đầu tiên được in ra trong tạp chí Time, ngày 8/1/1948 [14]. Sau đó nó được xuất hiện trong sách của Robert Jungk (Brighter than a Thousand Suns: A Personal History of the Atomic Scientists (1958)) [10], nó được dựa trên một cuộc phỏng vấn với Oppenheimer. Xem thêm The Gita of Robert Oppenheimer của James A. Hijiya. [15]

Henry David Thoreau

Henry David Thoreau từng viết:

“Khi bình minh lên, tâm trí tôi chìm đắm trong triết lý mang tính vũ trụ tuyệt vời của Chí Tôn Ca. Đó là tác phẩm kỳ diệu so với thế giới hiện đại và nền văn học yếu đuối và tầm thường của chúng ta.” [16]

>>> [THĐP Translation] 26 bài học đỉnh cao từ đại thi hào Mỹ Henry Thoreau

Hermann Graf Keyserling

Hermann Graf Keyserling, nhà triết học người Đức từng nhận xét về Chí Tôn Ca rằng: “Đây có lẽ tác phẩm tuyệt vời nhất của nền văn học thế giới.” [17]

Hermann Hesse

Hermann Hesse cảm thấy rằng “Sự kỳ diệu của Chí Tôn Ca là ở sự khai sáng thực sự đẹp đẽ của nó về trí tuệ của cuộc sống, điều này cho phép triết học phát triển lên một bậc cao hơn là tôn giáo.” [6]

>>> [Review] Siddhartha, Hermann Hesse – Một tiếng “Om” toàn thiện
>>> [Review] Nhà khổ hạnh và gã lang thang, Hermann Hesse – Những bài học từ cuộc đời của hai số phận đối lập

Ralph Waldo Emerson

Ralph Waldo Emerson đã nhận xét như thế này về Chí Tôn Ca:

“Tôi nợ Chí Tôn Ca một ngày tuyệt diệu. Tác phẩm này giống như lời nói của một bậc đế vương, chứ không phải từ một con người nhỏ bé hay tầm thường, nó là giọng nói hùng trang, dõng dạc và kiên định, của một bậc tài trí thông minh giàu kinh nghiệm sống ở một thời đại và bối cảnh khác đã suy ngẫm và đúc kết lại, từ đó làm dẹp bỏ những câu hỏi tương tự đặt ra cho chúng ta.” [18]

>>> [THĐP Translation] 65 thông điệp hay nhất từ Ralph Waldo Emerson

Wilhelm von Humboldt

Wilhelm von Humboldt xem Chí Tôn Ca

“Một bản hùng ca tuyệt vời nhất, có lẽ là bài ca triết học đúng đắn duy nhất tồn tại ở bất kỳ loại ngôn ngữ nào trên đời… có thể là điều sâu sắc nhất và cao cả nhất mà thế giới có được.” [19]

Bulent Ecevit

Bulent Ecevit, Cựu thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ, khi được hỏi điều gì đã khiến ông đủ can đảm để đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến Cyprus. Câu trả lời của ông là

“Ông tìm thấy động lực từ Chí Tôn Ca, tác phẩm đã dạy rằng nếu một người có tư cách đạo đức đúng đắn, người đó sẽ không ngần ngại đứng lên chống lại mọi sự bất công.” [5]

Lord Warren Hastings

Lord Warren Hastings, tổng thống đầu tiên của British India đã viết:

“Tôi ngần ngại không dám thừa nhận rằng Chí Tôn Ca là một tác phẩm sáng tạo vĩ đại, về sự thăng hoa của quan niệm, lý luận và ngôn từ gần như vô song; tác phẩm này là một ngoại lệ duy nhất, trong số tất cả các tôn giáo mà nhân loại biết đến.” [20]

Sunita Williams

Sunita Williams, một phi hành gia người Mỹ, người nắm giữ kỷ lục chuyến bay vào không gian dài nhất được thực hiện bởi một người phụ nữ, đã mang theo một cuốn Chí Tôn CaÁo Nghĩa Thư ((Nguyên văn Upanishads, “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải, nghĩa là được “bề trên khai mở cho thấy” trong Ấn Độ giáo. Chúng kết thúc hoặc hoàn tất các loại thánh kinh được xếp vào Vệ-đà của Ấn Độ giáo. )) cùng bà bay vào không gian, đã chia sẻ:

“Đó là những trí tuệ tâm linh để bạn tự phản ánh chính mình, cuộc sống, thế giới xung quanh bạn và nhìn nhận mọi thứ theo một cách khác, tôi nghĩ nội dung của tác phẩm rất phù hợp vào thời điểm đó.” [21]

Annie Besant

“Người theo con đường tâm linh không nhất thiết phải là người sống ẩn dật, sự kết nối với Sự sống thiêng liêng có thể đạt được và duy trì giữa những bộn bề của công việc trần tục, những trở ngại đối với sự kết nối đó không tồn tại bên ngoài chúng ta mà ở bên trong chúng ta, đó chính là nội dung trọng tâm của Chí Tôn Ca.” [22]

Rudolf Steiner

“Nếu chúng ta muốn tiếp cận một tạo phẩm siêu phàm như Chí Tôn Ca bằng những hiểu biết đúng đắn và đầy đủ thì chúng ta cần phải hòa nhập linh hồn của mình vào nó.” [23]

E. Sreedharan

“Bạn thấy đấy, tâm linh không mang hàm ý tôn giáo. Bản chất của tâm linh là làm cho tâm trí và suy nghĩ của một người trở nên thuần khiết. Khi tôi bắt đầu đọc những cuốn kinh sách cổ, giống như Chí Tôn Ca, tôi nhận thấy nó có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống hàng ngày, vì vậy tôi bắt đầu thực hành nó. Tôi coi đó là một thánh thư mang tính quản lý, nó sẽ giúp bạn thực hiện những việc như điều hành một tổ chức.” [24]

Shri Narendra D Modi

Thủ tướng Ấn Độ, Shri Narendra Modi đã hùng hồn tuyên bố Chí Tôn Ca là “Món quà lớn nhất của Ấn Độ cho thế giới.”[25] Shri Modi đã tặng quyển Chí Tôn Ca – Theo góc nhìn của Gandhi cho Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama vào năm 2014 trong chuyến viếng thăm của mình tới nước Mỹ [26]. Khi Shri Modi giới thiệu Chí Tôn Ca tới các nhà lãnh đạo trên thế giới, hơn một tỷ người tìm thấy hòa bình và mục đích sống trong những lời này của Krishna9 thông qua Gandhi. [27]

💎 [THĐP Review] 5 bài học tôi rút ra từ Chí Tôn Ca sau một năm thực hành tâm linh

💎 [THĐP Translation™] Tinh túy cốt lõi của Chí Tôn Ca

Tham khảo

  1. Archived copy” (PDF). Archived from the original (PDF) on 2013-05-15. Retrieved 2013-12-16. The Gita of J. Robert Oppenheimer by JAMES A. HIJIYA, Professor of History, University of Massachusetts Dartmouth (PDF file)
  2. Pandit, Bansi, Explore Hinduism, p. 27
  3. Hume, Robert Ernest (1959), The world’s living religions, p. 29
  4. A Book Referred to by the Greatest Minds
  5. The Telegraph – Calcutta: Opinion
  6. Famous Reflections on the Bhagavad Gita
  7. Self-Control, the Key to Self-Realisation
  8. Sushama Londhe. A Tribute to Hinduism: Thoughts and Wisdom Spanning Continents and Time about India and Her Culture. Pragun Publications. p. 191.
  9. श्रीमद् भगवद्गीता अध्याय ११ श्लोक १२
  10. Jungk (1958). Brighter than a Thousand Suns: A Personal History of the Atomic Scientists. p. 201.
  11. Bhagavad Gita As It Is, 11: The Universal Form, Text 12“. A.C. Bhaktivedanta Swami Prabhupada. Retrieved July 19, 2013.
  12. J. Robert Oppenheimer on the Trinity test (1965)“. Atomic Archive
  13. Chapter 11. The Universal Form, text 32“. Bhagavad As It Is
  14. The Eternal Apprentice“. Time. November 8, 1948
  15. Hijiya, James A. (2000). “The “Gita” of J. Robert Oppenheimer” (PDF). Proceedings of the American Philosophical Society. 144 (2): 123–167. JSTOR 1515629. pp. 123–124.
  16. The Bhagavad Gita and the West: The Esoteric Significance of the Bhagavad Gita and Its Relation to the Epistles of Paul, by Rudolf Steiner, p. 43
  17. The Huston Smith Reader, p. 122
  18. Vijay Mishra (1994). The Gothic Sublime. SUNY Press. p. 249.
  19. George Anastaplo (2002). But Not Philosophy: Seven Introductions to Non-Western Thought. Lexington. p. 85.
  20. as cited in Keay, John (1988). India discovered. Collins. p. 25. ISBN 978-0-00-217859-4.
  21. I had samosas in space with me, says astronaut Sunita Williams
  22. The Bhagavad Gita: The Lord’s Song, The Theosophical Publishing House, Adyar, Preface
  23. From his Lectures: Steiner, Rudolf (September 2009). The Bhagavad Gita and the West: The Esoteric Significance of the Bhagavad Gita and Its Relation to the Epistles of Paul. SteinerBooks. pp. 317–. ISBN 978-0-88010-961-1.
  24. TIMMONS, HEATHER; RAINA, PAMPOSH. “A Conversation With: E. Sreedharan“. The New York Times.
  25. Gita is India’s biggest gift to the world: Modi
  26. Bhagavad Gita According to Gandhi
  27. Narendra Modi gifts Bhagavad Gita to Obama

Biên soạn: Prana
Biên dịch: Hue Truong
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana

3 bài viết đạt điểm cao nhất cuộc thi viết 2019 của THĐP về Chí Tôn Ca

🥇Giải Nhất: Nguyễn Bá Tiến – Hơi thở từ Trời – Bài ca giác ngộ >>> https://bit.ly/2wuLKJP
🥈Giải Nhì: Trần Tùng – Bài ca bất diệt >>> https://bit.ly/3bfN563
🥉Giải Ba: Phạm Văn Thiên – Bản hùng ca về con đường trở thành một chân nhân >>> https://bit.ly/2Uq3Apw

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI