27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thiền định chân chính là gì — Adyashanti

Thiền định chân chính là gì?

Thiền định chân chính là gì? Là không có đường lối hay mục tiêu. Nó chỉ đơn thuần là sự quy phục vô ngôn, lời cầu nguyện trong sáng thinh lặng. Tất cả mọi phương pháp nhằm đạt được một trạng thái tâm trí nào đó đều bị giới hạn, vô thường, và có điều kiện. Sự say mê các trạng thái chỉ dẫn đến tình trạng bị ràng buộc và lệ thuộc. Thiền định chân chính là gì? Thiền định chân chính là sự an trú như ý thức nguyên thủy.

Thiền định chân chính xuất hiện trong tâm thức một cách tự nhiên khi ý thức không bị điều khiển hoặc kiểm soát. Khi bạn lần đầu tập thiền, bạn nhận thấy sự chú tâm thường bị hạn chế bởi việc tập trung vào một đối tượng nào đó: những suy nghĩ, cảm giác trên cơ thể, cảm xúc, ký ức, âm thanh, v.v. Điều này là do tâm trí bị đặt điều kiện phải tập trung và co rút vào các đối tượng. Khi đó tâm trí buộc phải diễn giải và cố gắng kiểm soát những gì nó nhận biết (tức đối tượng) theo một cách máy móc và lệch lạc. Nó bắt đầu đưa ra những kết luận và đặt ra các giả định dựa theo quá khứ.

Trong thiền định chân chính, tất cả mọi đối tượng (suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, ký ức, v.v.) được phép hoạt động theo chức năng tự nhiên của chúng. Điều này có nghĩa là không cần phải cố gắng tập trung, điều khiển, kiểm soát hay đè nén bất kỳ đối tượng nhận thức nào. Điều cốt yếu trong thiền định chân chính đó là ý thức; không phải ý thức về các đối tượng, mà là khả năng an trú như chính ý thức nguyên thủy. Ý thức nguyên thủy là ngọn nguồn, trong đó mọi đối tượng xuất hiện và biến mất.

Khi bạn từ tốn thư thả vào ý thức, vào sự lặng nghe, xu hướng co rút quanh các đối tượng của tâm trí sẽ không còn nữa. Sự tĩnh lặng của bản thể sẽ trở nên rõ ràng hơn bên trong tâm thức như một lời chào mừng đến sự nghỉ ngơi và an trú. Một thái độ đón nhận đầy cởi mở, không có bất kỳ mục đích hay dự định nào, sẽ khơi dậy sự hiện hữu của tĩnh lặng và an yên, và nó được hé lộ như điều kiện tự nhiên của bạn.

Khi bạn bắt đầu an trú trong sự tĩnh lặng một cách sâu sắc hơn, ý thức trở nên tự do khỏi những xu thói kiểm soát, co rút và đồng hóa của tâm trí. Một cách tự nhiên, ý thức sẽ quay về với vô thái của tiềm năng phi thị hiện tuyệt đối của nó, một hố thẳm tĩnh lặng vượt ngoài mọi cái biết.

MỘT SỐ CÂU HỎI PHỔ BIẾN VỀ THIỀN

Hỏi: Có vẻ như hướng dẫn trọng tâm trong Thiền Định Chân Chính chỉ đơn giản là an trú như ý thức an yên và tĩnh lặng. Tuy nhiên, tôi thường xuyên nhận thấy rằng tôi bị kẹt tronng trong tâm trí của mình. Liệu tôi có thể sử dụng một phương pháp thiền định trực tiếp hơn như quán sát hơi thở để tôi tập trung vào một thứ gì đó nhằm giúp tôi không bị lạc lối trong tâm trí của mình không?

Adyashanti: Bạn hoàn toàn có thể sử dụng một kỹ thuật trực tiếp hơn như là: quán sát hơi thở, hoặc sử dụng một câu mantra đơn giản hay cầu nguyện tĩnh tâm, nếu như bạn nhận thấy rằng nó giúp cho bạn không bị lạc lối trong suy nghĩ. Nhưng hãy luôn thiên về việc giảm bớt kỹ thuật. Dành ra thời gian trong mỗi thời thiền chỉ để an trú như ý thức an yên, thanh tịnh. Thiền Định Chân Chính là sự buông bỏ dần dần người thiền mà không bị lạc lối trong suy nghĩ.

Hỏi: Tôi nên làm gì nếu như một ký ức đau buồn trong quá khứ khởi lên trong suốt quá trình thiền?

Adyashanti: Đơn giản là cho phép nó khởi lên mà không chống đối hoặc chìm đắm trong việc phân tích, đánh giá, hay phủ nhận nó.

Hỏi: Khi hành thiền, thi thoảng tôi cảm thấy rất nhiều nỗi sợ. Đôi khi nó làm tôi choáng ngợp và tôi không biết phải làm gì.

Adyashanti: Trải nghiệm sợ hãi trong lúc hành thiền sẽ giúp ích cho việc neo đậu sự chú tâm của bạn vào một thứ hết sức căn bản nào đó, như là hơi thở hay thậm chí là lòng bàn chân của bạn. Nhưng đừng chống lại nỗi sợ bởi điều này sẽ chỉ làm cho nó thêm nghiêm trọng. Hãy tưởng tượng rằng bạn là Đức Phật dưới cây Bồ Đề, hay Đức Kitô trong sa mạc, vẫn hoàn toàn an định và không thể bị lay chuyển bởi cơn ác mộng của thân-tâm. Nó có vẻ như rất thật nhưng thực sự thì nó không hơn gì một ảo tưởng thuyết phục.

Hỏi: Tôi nên làm gì khi tôi nhận ra một điều gì đó hay đột ngột thấu hiểu về một tình huống nào đó trong quá trình thiền định?

Adyashanti: Đơn giản là hãy đón nhận những gì được trao với tấm lòng biết ơn mà không níu bám bất cứ điều gì. Hãy tin rằng nó vẫn sẽ ở đó khi nào bạn cần.

Hỏi: Tôi thấy rằng tâm trí tôi đang tự động tạo ra những hình ảnh, gần giống như một giấc mơ khi đang còn thức. Có một vài hình ảnh tôi thích, trong khi số khác chỉ là sự ngẫu nhiên và gây phiền nhiễu. Tôi nên làm gì?

Adyashanti: Chú tâm vào hơi thở đang đi xuống vùng bụng của bạn. Việc này sẽ giúp cho bạn không bị lạc trong những hình ảnh do tâm tạo. Hãy giữ vững một ý định đơn giản đó là an trú trong cội nguồn tĩnh lặng, không hình ảnh có trước mọi hình ảnh, suy nghĩ và ý niệm.

Tác giả: Adyashanti
Biên dịch: Quang Lý
Hiệu đính: Prana
Photo: Cameron Gray


12 trích dẫn hiếm gặp về thiền định có thể cho bạn cảm hứng và động lực

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Điều bí ẩn

    Không thường quan sát mình
    Là gốc rễ của khổ
    Nhiều thứ tâm dính mắc
    Đương nhiên là ưu phiền
    Đừng hỏi sao hay khổ
    Khi hay quên mất mình
    Mất điềm tĩnh an nhiên
    Khổ chất chồng thêm khổ
    Trong cái vòng lẩn quẩn
    Chợt nhớ về biết mình
    Ngay đó hết buồn phiền
    Đó là điều bí ẩn
    Tối thượng trong vũ trụ
    Thường quan sát chính mình
    Quan sát chính là thiền
    Thiền trong từng khoảnh khắc
    Ngay đời sống hàng ngày
    Thiền này mới tự nhiên
    Tâm rỗng rang trong sáng
    Sống tự tại an nhiên
    Nhớ thường quan sát mình
    Không có ai trong đó
    Để trói buộc khổ đau

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI