29 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation] 10 điều bí mật của nhóm tính cách INFJ

INFJ là nhóm hiếm gặp nhất trong 16 nhóm tính cách theo phân loại của Myers-Briggs, chỉ chiếm khoảng 1-2% dân số thế giới. Người thuộc nhóm INFJ là những cá thể hết sức phức tạp và nhạy cảm. Họ đặt ra những câu hỏi mà những người khác không hề thắc mắc, ví dụ như “Tại sao chúng ta hiện hữu nơi đây?” và “Ý nghĩa của cuộc đời mà chúng ta đang sống đây là gì?”

Trong các mối quan hệ, INFJ có thể là những người nồng ấm và thân thiện. Nhìn chung, những ai may mắn được quen biết các INFJ đều yêu mến họ. Nhưng cũng có những lúc họ lại trở nên xa cách, rạch ròi, thu mình khép kín. INFJ thường lớn lên với cách cảm nhận hết sức khác biệt với những người khác. Họ quan tâm sâu sắc đến người khác và họ cũng thích được là một phần của cộng đồng. Tuy nhiên vì cách nhìn nhận mang tính “đại cục” của họ về cuộc sống, INFJ có thể luôn cảm thấy mình giống như một người quan sát ngoài cuộc.

Như một bông hồng nhiều cánh, INFJ cũng có nhiều lớp tính cách. Họ có thể sẽ không hé lộ những lớp tính cách ấy với bạn ngay lập tức đâu. Tuy vậy, nếu bạn hiện diện trong đời INFJ đủ lâu – và nếu INFJ tin tưởng bạn – bạn sẽ khám phá được thêm nhiều cánh hoa bên trong, cũng như được tiến lại gần thêm với con người thực sự của INFJ. Đôi khi, INFJ cũng không hoàn toàn hiểu được bản thân họ. Vậy nên chúng ta cùng tìm hiểu một số “bí mật” của những người thuộc nhóm INFJ.

INFJ_Tattoo
Ảnh: Wiki Commons

1. INFJ cảm thấy mình bị hiểu lầm sâu sắc

Các bạn INFJ, các bạn có cảm thấy hiếm khi nào người khác hiểu được các bạn không? Khi bạn nói về một điều gì đó được bạn quan tâm, bạn có để ý rằng những người khác không thể hiểu nổi vì sao vấn đề ấy lại quan trọng không? Nếu là có, thì bạn không hề đơn độc đâu. Còn nhiều INFJ khác cũng cảm thấy bị hiểu lầm sâu sắc.

Lý do nhiều người không có cùng tần số với INFJ là vì chức năng chi phối INFJ là Trực giác Hướng Nội (Ni) (“Chức năng chi phối” là cách thức chủ đạo mà theo đó một người thuộc nhóm tính cách ấy tiếp nhận và xử lý thông tin. Đó là cách thức chủ yếu của mỗi người khi tương tác với thế giới.) Từ tiềm thức, Ni chú ý đến các dạng thức; cụ thể là INFJ chú ý đến các dạng thức liên quan đến bản chất con người, bởi vì chức năng thứ cấp của họ là Cảm xúc Hướng ngoại (Fe) hướng họ đến với những người xung quanh. Ni hoạt động một cách bí ẩn và vô thức. Chức năng này giúp INFJ tiếp nhận những thông tin mà không cần biết vì sao hay làm thế nào họ biết được chúng.

Người phân loại tính cách Antonia Dodge, đồng sở hữu trang Personality Hacker, cho biết rất khó để giải thích với người khác về “giác quan thứ sáu” này của INFJ. Thường thì INFJ từ bỏ những cố gắng để giải thích về khả năng của họ. Hoặc họ cũng chẳng hề cố gắng chút nào cả, vì họ biết chuyện đó nghe rất dị thường. Điều này khiến họ cảm thấy bị cô lập và bị hiểu lầm.

Xem thêm:

2. INFJ hấp thụ cảm xúc của những người xung quanh

Các bạn INFJ, những chuyện này đã bao giờ diễn ra với các bạn chưa? Bạn vẫn đang yên ổn với cuộc sống của mình, thế rồi một người bạn thân gọi điện cho bạn. Cô ấy đang chật vật với một vấn đề nào đó, như chia tay bạn trai, hay bị sếp xúc phạm chẳng hạn. Càng trò chuyện nhiều, bạn càng cảm thấy cảm xúc của mình chùng xuống. Khi cuộc gọi kết thúc, bạn cảm thấy bất an và vướng bận trong những suy nghĩ áy náy.

Theo Dodge, tình huống này xảy ra thường xuyên với INFJ, vì họ có xu hướng hấp thụ những cảm xúc của người khác. Không nhóm tính cách nào khác có khả năng độc nhất này. Một số INFJ cho biết họ thậm chí còn hấp thụ cảm xúc của những người lạ. INFJ có thể bất chợt cảm thấy cáu kỉnh, chỉ vì họ nhìn quanh căn phòng và thấy một người có vẻ cáu kỉnh vừa bước vào. Một người càng gần gũi với INFJ, ví dụ như vợ/chồng hay bạn thân, càng dễ có khả năng INFJ sẽ hấp thụ tâm trạng của người đấy.

Phải cảm nhận không chỉ những cảm xúc mạnh mẽ của chính mình mà còn của cả những người khác có thể là một điều thật choáng ngợp. Nhưng khả năng này của INFJ cũng có thể dùng để hàn gắn cảm xúc và xoa dịu người khác. Cũng theo Dodge, “Một khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác một cách vô thức với rất ít thông tin ban đầu – đó chẳng phải là siêu năng lực sao? INFJ có khả năng thấu hiểu những nỗi dằn vặt của người khác và nói với họ rằng mọi sự rồi sẽ ổn thỏa.”

3.  INFJ có khả năng tuyệt vời trong những dự đoán về lâu dài

Đôi khi INFJ có thể cảm thấy mình giống như những tiên tri hay thầy bói vậy. Đó là bởi Ni giúp họ thấy được bức tranh toàn cảnh, nhận ra những dạng thức, và đưa ra những dự đoán dựa trên những dạng thức mà họ quan sát được. Chúng ta thử ví dụ về một INFJ vừa chớm có tình ý với ai đó nhé. Ngay lập tức – có thể chỉ trong phút chốc – họ bắt đầu dự đoán mối quan hệ giữa hai người sẽ tiến triển như thế nào. Liệu họ sẽ kết hôn với người ấy hay đó chỉ là chuyện qua đường? Nếu INFJ không nghĩ mối quan hệ đó sẽ đem lại kết quả như mong muốn, “họ sẽ lập tức cắt đứt mối quan hệ”, Joel Mark Witt giải thích. Dù vậy, INFJ cũng không thật sự là các nhà ngoại cảm. Họ thấy được điều gì có thể xảy ra, không nhất định là điều gì sẽ xảy ra một cách chắc chắn tuyệt đối. Nhưng những INFJ đạt độ chín chắn đều đã rèn giũa khả năng dự đoán của họ rất tốt.

8339820839_4f17222f16_b
Photo: Richard Stephenson

4. Dù là những người của Cảm xúc, INFJ có thể dễ dàng kết nối với khả năng Lý trí trong họ

INFJ thường bị phân loại nhầm với INTJ – nhóm tính cách có đặc điểm Lý trí trội hơn Cảm xúc. Mặc dù INFJ quả thật có tính cách hướng đến con người, nhưng do chức năng thứ ba của họ là Lý trí Hướng nội (Ti), họ cũng có khả năng về phân tích và khoa học. Họ có thể yêu thích những ngành nghề liên quan đến công nghệ, khoa học và nghiên cứu. Bởi vì Cảm xúc Hướng ngoại (Fe) đứng thứ hai trong những chức năng của họ, còn Ti đứng thứ ba, nên hai chức năng này khá cân bằng ở INFJ. Quả thật, ở bề ngoài INFJ không thể hiện rõ cảm xúc như ENFJ hay ESFJ, những nhóm có Trực giác là chức năng chủ đạo. Có thể INFJ than thở rằng họ “quá cảm tính nên chẳng thể là người Lý trí, nhưng cũng lại quá lý trí để là một người Cảm tính.” Nhưng đặc điểm vừa có tình vừa có lý này cũng khiến INFJ trở thành những người khá cân bằng và toàn diện.

5. Một trong những sức mạnh to lớn nhất của INFJ là khả năng tạo sự gần gũi

Tiếp xúc với những người không quá thân cận, INFJ có vẻ trầm tính và dè dặt. Hãy nhớ rằng INFJ thường không cởi mở với người khác ngay lập tức. Nhưng thật ra INFJ lại rất có khả năng kết nối. Do có thể cảm nhận được nỗi buồn và niềm vui của người khác, họ có được khả năng đặt mình vào địa vị người khác hơn bất kì mọi nhóm tính cách còn lại. Khả năng đồng cảm này tạo nên những gắn kết hết sức mật thiết.

6. INFJ là những người hướng nội thực thụ

INFJ đôi khi được gọi là “người hướng nội có tính cách hướng ngoại.” INFJ có được biệt danh này bởi họ có thể giàu đam mê, nhiệt tình và nói nhiều khi họ ở cạnh những người khiến họ cảm thấy thoải mái. Tương tự, khi INFJ đấu tranh vì điều mà họ tin  tưởng – ví dụ như kêu gọi mọi người kí tên vào bản kiến nghị để chấm dứt ngược đãi động vật – họ có vẻ như những người hướng ngoại. Tuy nhiên, INFJ là những người hướng nội thực thụ, họ chỉ thích có một số ít bạn bè. Cũng như những người hướng nội khác, họ cần khá nhiều thời gian tĩnh lặng một mình để nạp lại năng lượng cho bản thân.

10533372843_5ca2e7fc41_b

7. INFJ nhạy cảm với sự xung đột

Đặc tính Fe khiến INFJ tìm kiếm sự hòa hợp trong các mối quan hệ. Họ cố gắng tạo nên những cảm giác tích cực mỗi khi tiếp xúc với ai đó. Vì vậy khi xung đột xảy ra – nhất là trong những mối quan hệ gần gũi – INFJ có thể trở nên cực kì buồn nản. Họ có thể bị khó ngủ hoặc mất tập trung ở trường học hoặc nơi làm việc. Thậm chí mức độ căng thẳng của sự xung đột họ cảm nhận có thể được biểu hiện trên chính cơ thể họ, như đau đầu, đau cơ, quặn bụng, v.v… Điều này không có nghĩa là INFJ nên tránh né xung đột bằng cách trở thành người dễ bị dụ dỗ hay lúc nào cũng tìm cách làm hài lòng người khác. INFJ nên đặt ra những lằn ranh và kiên định với các nhu cầu của bản thân. Họ có thể làm được điều này theo một cách thức rất “ngoại giao”, nhờ vào sự nồng ấm và thấu hiểu tuôn chảy tự nhiên từ đặc tính Fe trong họ.

8. INFJ hiểu nhiều về con người

Hai đặc tính Ni và Fe hoạt động cùng nhau trong INFJ để thu thập thông tin về con người. Nhưng không phải là INFJ chỉ nhớ ngày sinh hoặc khẩu vị cà phê của người khác, họ còn nhờ vào đặc tính Ni để thâm nhập những điều ẩn dưới bề mặt. Họ đi sâu vào tâm trí người khác và tìm ra động cơ gì khiến người ấy hành xử như vậy. Ví dụ, họ hiểu nỗi đau mà một người bạn của họ đang trải qua không chỉ bắt nguồn từ những lời bất nhã gần đây từ người yêu cũ, mà còn từ nỗi sợ thẳm sâu trong người ấy rằng mình không được trân trọng. Họ thường biết được ai đang nói dối, thậm chí cả khi người đó đang tự dối gạt chính mình. Tự thân INFJ cũng không nhận thức được về việc họ hiểu rõ người khác, và họ cũng hiếm khi hé lộ những hiểu biết sâu sắc của mình.

9. Với INFJ, nhiều mối quan hệ chỉ là đơn phương

INFJ thường là những người rất biết lắng nghe vì họ thực sự quan tâm đến người khác. Tương tự, họ thích giúp người khác hiểu rõ cảm xúc của bản thân và trở nên trưởng thành hơn. Dễ hiểu vì sao INFJ có biệt danh là “nhà tư vấn.” Rủi thay, điều này có thể dẫn đến những mối quan hệ của INFJ thành ra đơn phương một chiều. Người khác tìm đến INFJ khi họ cần trút bầu tâm sự. Hoặc có thể là họ lợi dụng mong muốn giúp đỡ người khác của INFJ. Một ngày nào đó, INFJ thức dậy và tự hỏi vì sao các mối quan hệ đang khiến họ cảm thấy như bị vắt kiệt. Những người hiện diện trong cuộc đời của INFJ nhận được quá nhiều từ mối quan hệ, còn INFJ gần như chẳng nhận lại được gì. Điều INFJ cần đến là những mối quan hệ qua lại song phương để đáp ứng, hỗ trợ và thấu hiểu lẫn nhau.

10. INFJ đang tìm kiếm một người bạn tri kỷ

INFJ mong mỏi được kết nối một cách sâu sắc với người khác. Với họ, những mối quan hệ hời hợt, một chiều là không đủ. Cũng bởi vì INFJ là những người hướng nội, họ không mấy hào hứng với những chuyện xã giao. Do đó, INFJ tìm kiếm những người có thể trở thành “bạn tri kỷ” của họ. Những người ấy phải thật sự tâm đầu ý hợp với INFJ và có thể truyền cảm hứng cho những nhu cầu chính đáng của INFJ – đó là sự tương tác chân thành, sự thân tình và những cuộc trò chuyện ý nghĩa. Tuy nhiên, INFJ thường gặp khó khăn trong việc tạo dựng những mối quan hệ theo cách họ mong muốn. Khi INFJ tìm được người mà họ thực sự kết nối, cảm giác ấy giống như một phép nhiệm màu vậy.

Tác giả: Jenn Granneman

Người dịch: Hà Huy Dương
Review: Dương Tùng
Featured image: Sadie Pices

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI