30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phở – Tôi “nếm” cả tâm hồn Hà Nội

Là người Việt Nam có lẽ không ai không biết đến món ăn “huyền thoại” này. Nó có thể được dùng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày – sáng trưa chiều tối, vào bất kỳ mùa nào trong năm – xuân hạ thu đông, thích hợp với bất kỳ ai trong đa dạng tầng lớp xã hội – nông dân, công dân, bác sĩ, giáo sư, thợ thuyền, dù họ đang khỏe mạnh sung sức hay đang mệt mỏi ốm đau. Nó ở trong những nhà hàng sang trọng, nó ở nơi lề phố đơn sơ. Nó rải từ Bắc xuống Nam, từ (phương) Đông sang Tây. Nó ngọt ngào mà đậm đà, thanh tú mà dung dị. Thứ tôi đang đề cập đến ở đây là PHỞ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đủ xúc động mà chắp tay bút viết về một món ăn truyền thống Việt Nam (dù rằng ẩm thực của đất nước hình chữ S vô cùng đa dạng và phong phú.) Nhưng việc “yêu” da diết một món ăn nào đó, tôi chưa từng được trải qua, cho tới khi gặp phở Hà Nội. (Trước kia tôi có cuồng ăn bánh mì, nhưng chưa phải là yêu.)

Người ta vẫn còn tranh cãi nhau rằng nguồn gốc của phở là từ đâu: Việt Nam, Trung Quốc hay Pháp? Và nếu ở Việt Nam thì phở là đứa con của vùng miền nào: Nam Định hay Hà Nội? Tôi có xuất thân từ quê hương Nam Định và có thể khẳng định rằng món phở nơi này khó lòng mà chê được. Đây không phải sự tự sướng vì phở bò Nam Định lừng danh cả nước không chỉ bởi nước lèo gia truyền, mà còn bởi thịt bò được chế biến khác hẳn với những nơi khác – thui rơm. Nên hương vị của một tô phở được nâng lên một tầm mức mới, khuất phục khứu giác và vị giác của những người sành ăn khó tính. Thưởng thức được một bát phở bò khi về chợ Viềng Nam Định vào dịp đầu xuân năm mới luôn được coi là một việc làm mang lại may mắn.

Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi, trong cái xúc động khôn nguôi của trực giác, tôi thấy phở ngon nhất là khi được ăn ở Hà Nội. Vì không khí trầm tư, sâu lắng của thủ đô, vì sự lịch lãm, thanh tú của người Hà Nội hoàn toàn trùng khớp với những sắc thái của phở. Trải nghiệm món ăn này sẽ được cộng hưởng lên gấp đôi gấp ba khiến cho tình yêu với ẩm thực và tình yêu với xứ kinh đô dễ dàng được nảy nở.

Khi hương vị của phở chạm vào các giác quan, tôi biết rằng mình đang được giao tiếp với tâm hồn của Hà Nội. Không phải cốm, bún chả, bánh mì hay nộm bò khô làm tôi xúc động, mà là phở. Nó là món ăn duy nhất khiến trái tim tôi nhún nhảy khi biết rằng mình đang trên đường đến tiệm, dù trước đó tôi đang cảm thấy chán chường hay mỏi mệt chuyện gì đó. Là món duy nhất khiến tôi cảm thấy đủ đầy, mãn nguyện khi dùng xong đến tận những thìa nước lèo cuối cùng. Là món duy nhất khiến toàn bộ vị giác của tôi kích thích mà không hề kích động, sướng vui mà không hề mê đắm. Phở mơn trớn tôi như một người tình dịu dàng, lịch lãm bậc nhất.

Tình yêu của tôi với phở lớn đến mức sáng ăn phở, trưa ăn phở, tối ăn phở. Nếu giữa đêm bị ai đó gọi dậy hỏi rằng em đang mơ gì đấy thì tôi không ngần ngại mà đáp ngay rằng “ăn phở”, dù chẳng biết người kia là ai và vừa xong mình có đang nằm mộng thật không.

Có thể tôi và bạn sống ở Việt Nam và được tiếp xúc với phở một cách dễ dàng nên không cảm thấy nó như một thứ gì đó đặc sắc, quý giá. Nhưng ở trên thế giới, người ta đánh giá phở rất cao. Món ẩm thực truyền thống Việt Nam này đã lọt vào top 20 món ăn “đỉnh” nhất hành tinh.

Xuất thân từ tỉnh lẻ, lên Hà Nội lao động, làm việc, cá nhân tôi không thích nhiều đặc điểm của thủ đô: ô nhiễm môi trường, ồn ào ách tắc, xô bồ bon chen, v.v… Đã từng có lúc tôi thấy ghét Hà Nội và ức chế cao độ khi sống ở nơi này. Nếu có một thứ gì đó vớt vát lại thiện cảm của tôi với mảnh đất ngàn năm văn hiến thì chỉ có thể là phở. Tình yêu của tôi với món ăn này đã đủ lớn để trung hòa hết tất cả những nhức nhối khó chịu với thành phố lớn. (Thậm chí bây giờ khi nhắc đến chuyện tắc đường hay bụi bặm hay hôi hám, tôi vẫn có thể dịu dàng đón nhận, và hiểu ra rằng Hà Nội không hề xấu, chỉ là nó đang bị tổn thương.)

Sau này, nếu có đi đâu xa khỏi Hà Nội hay lãnh thổ Việt Nam, món ăn đầu tiên tôi nhung nhớ sẽ là phở. Miến, mỳ, bún, hủ tiếu, bánh canh, v.v… đều là những người anh em của phở, xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Và tôi yêu thích tất cả. Nhưng chỉ có duy nhất phở là kẻ chinh phục được trái tim này. Cái đậm đà, thanh thoát của nước lèo kết hợp với sự mềm mại yêu kiều của những sợi phở và những sôi động hân hoan của gia vị tự nhiên: hành, tiêu, chanh, ớt, giấm tỏi đã tạo nên một vũ điệu ẩm thực đầy mê hoặc. (Ngoài các gia vị, ta có thể ăn kèm thêm giá đỗ, rau sống và quẩy.) Tôi không chỉ yêu phở, mà đã nghiện nó luôn rồi. (Riêng trong chuyện này, tôi không có nhu cầu cai nghiện.)

Nhà thơ Tú Mỡ (1900 – 1976) đã từng viết bài thơ “Phở đức tụng” như thế này. Thử hỏi rằng ta không chú ý, mê say sao nổi.

“Trong các món ăn “quân tử vị”,
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.

Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ,
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên.
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm,
Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi.

Như xúc động tới ruột gan bàn phổi,
Như giục khơi cái đói của con tì.
Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì,
Xới một bát nhiều khi chưa thích miệng.

Kẻ phú quý cho chí người bần tiện,
Hỏi ai là đã nếm không ưa,

Cùng các cao lương vạn quốc phô trương,
Ngon lại rẻ, thường hay quán giải.
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại,
Lúc buông tay ắt phải cúng kem.
Ai ơi, nếm thử kẻo thèm.”

Vậy là nhờ phở mà tôi biết yêu thương, biết tận hưởng hơn khi thưởng thức những món ăn ở những vùng đất mình đi qua. Tôi thấy trân trọng và đồng cảm với tinh thần của con người bản địa. Tình yêu có thể chạm tới ta bởi kiến trúc, ngôn ngữ, trang phục, thì nó cũng có thể chạm đến ta bởi ẩm thực. Nếu gần nhà bạn có tiệm phở nào, hãy tới đó ngay hôm nay và bắt đầu “yêu” nhé.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: grouptour.club

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 7

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI