28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Joker – Tố giác lối sống thất bại của con người

thđp review

Có rất nhiều điều sau khi xem Joker khiến mình phải trăn trở, cả về mặt tích cực và tiêu cực của tác phẩm. 

Điều đầu tiên mình ấn tượng là cách xây dựng diễn biến tâm lý của nhân vật rất sắc nét và hợp lý. Sự hợp lý ấy khiến cho mình xem phim mà không có cảm giác bị gợn, bộ phim cứ từng bước từng bước mở ra cá tính của nhân vật. Giằng co không? Có. Quyết liệt không? Có. Bất ngờ không? Hiển nhiên. Nhưng cuối cùng thì cái gì chiến thắng? Không phải công lý hay đạo đức xã hội, mà là sự sống thật (thể hiện đúng những gì bản thân đang có) – thứ bị thiếu hụt trầm trọng trong xã hội loài người.

Cái thật của Joker là công lý của anh ta, là đạo đức của anh ta. Và sự tồn tại của Joker là một cái tát vào văn hóa xã hội rằng cách mà hầu hết những người “bình thường” đang sống có phải là công lý và đạo đức? Khi bản thân họ còn chưa sống đúng là chính mình thì mọi thứ khác chỉ là giả tạo. 

Cách họ lắng nghe một người nói chuyện nhưng chỉ dùng quan điểm của chính mình áp đặt, cách họ làm tổn thương nhau bằng sự bông đùa, cách họ từ chối giá trị của người khác nếu vẻ ngoài của kẻ đó chẳng có gì đáng chú ý. Tất cả chỉ đang thể hiện sự bệnh hoạn của chính mình.

Xem Joker mình có liên tưởng đến bộ phim Bay trên tổ chim cúc cu cũng nói về đời sống của những người rối loạn tâm lý. Họ chưa từng một lần được thoải mái với khác biệt trong tinh thần của mình, được đón nhận và chấp nhận một cách thương yêu như bao người khác. Những người ở trong bệnh viện tâm thần phải đi vào “chương trình luyện tập” để được như “bình thường”, mọi sự khác thường của họ đều là nguy hại và đáng loại bỏ. Ngay trong cách tiếp cận này đã thể hiện một sự yếu kém và bệnh hoạn của con người. Chúng ta không có sự cảm thông, không có sự dịu dàng lắng nghe. Tất cả thể hiện ra chỉ là lồng tù của sự áp đặt, của sự phán xét mà chưa từng trực tiếp trải nghiệm. Những cách “chữa chạy” đó chỉ là những liều thuốc độc, dùng một sự bệnh hoạn để cứu chữa một sự (cho là) bệnh hoạn khác.

Cái tên Joker đã là một sự mỉa mai về lối sống của con người – như một trò hề. Nó chỉ là sự tô vẽ bên ngoài, một sự phù phiếm về vật chất, về hình tượng hào nhoáng vui vẻ, còn bên trong người đó như thế nào hay là ai thì hoàn toàn trống rỗng. Không có tình yêu, không có sự trân trọng, không có hài lòng.

Có một câu nói rất hay của Joker trong phim:

“I just hope my death make more cents than my life.” 

Ở đây Joker đã chơi chữ make cents (kiếm được nhiều tiền) và make sense (có ý nghĩa) ám chỉ rằng đời sống của con người chỉ xoay quanh vật chất mà không phải những giá trị tinh thần, nó khiến người ta muốn chết hơn là sống.

Có những người phê phán bộ phim, bảo Joker là một thằng điên bạo lực và nội dung của tác phẩm cổ vũ cho những điều tiêu cực. Đúng là Joker điên, đạo diễn đâu cố vẽ nên một người bình thường. Cái hay của tác phẩm là đào sâu vào nguyên nhân của sự điên rồ ấy, thứ nằm đằng sau những mặt tối của con người. Đây cũng là một giá trị nhân văn của tác phẩm, thầm nhắc người xem hãy ngưng đánh giá phán xét người khác mà bước tới tìm hiểu câu chuyện của nhau. Nói về cuộc đời Joker không có nghĩa là cổ vũ lối sống Joker. Bộ phim hoàn toàn trung tính trong việc kể chuyện, nhận định có hướng là của khán giả.

Sự điên khùng của Joker được xuất phát từ một hệ thống xã hội điên khùng. Nó máy móc, bệnh hoạn và không tập trung vào phẩm hạnh của con người. Tiền, tiền, tiền, đó là tất cả những gì xã hội đua đòi. Trong khi việc chữa lành những tổn thương tâm lý cho con người là điều cần thiết thì không được chú trọng. Joker là một nạn nhân của xã hội, của hệ thống văn hóa suy đồi. Cuộc đời anh ta là tiếng kêu cứu to lớn trước sự thoái trào đạo đức và nhân phẩm.

Sự nguy hại ở đây đó là Joker biết mình như thế nào và lựa chọn điều đó. Việc này vô tình cổ xúy cho lối sống cực đoan, tội lỗi của con người. Rằng chỉ cần mình sống thật là có nghĩa mình nên sống ác. Joker là nạn nhân của sự tha hóa xã hội không có nghĩa là anh ta không có trách nhiệm tự vượt qua những tổn thương của chính mình. Xã hội gia đình gây nên đau khổ là một chuyện, nhưng việc lựa chọn sống như thế nào là của mỗi người và mới quyết định họ là ai. Tất nhiên, có những người không còn khả năng vượt qua những điều tiêu cực nữa, thì đó cũng là một sự xứng đáng.

Càng ngày trong đời sống hiện đại càng xuất hiện nhiều hơn những người mang biểu hiện của sự rối loạn tâm lý. Họ sống trong một ngưỡng năng lượng rất thấp và dễ dàng cảm thấy tồi tệ về chính mình và cuộc đời. Vì sao? Vì họ được dạy trong suốt nhiều tháng năm rằng giá trị của họ nằm ở khối tài sản của họ, ngoại hình của họ, ở công việc họ đang làm, ở những mối quan hệ họ sở hữu, giá trị ấy được quyết định bởi sự bình phẩm của người khác. Chẳng có ai dạy họ rằng giá trị của họ nằm ở định hướng của họ trở thành người như thế nào, ở những lần vượt qua yếu kém của chính mình, ở khả năng kết nối và chia sẻ, v.v…

Joker muốn làm chính mình lương thiện, nhưng việc đó gặp sự phản kháng và quay lưng của xã hội. Và anh ta đã thất bại khi quyết định trở nên là một phiên bản nổi loạn gây thêm xung đột với chính xã hội ấy thay vì tự thuần hóa chính mình. Ở điểm này thì Joker cũng không khá hơn anh Chí Phèo tự rạch mặt mình, cầu xin lương thiện từ xã hội.

Việc một người xem phim và nhận ra trong mỗi chúng ta đều có bóng hình của Joker không có nghĩa là chúng ta nên sống như Joker. Đây là một hình tượng nghệ thuật tố giác sự thất bại của xã hội và của mỗi con người. Nhìn vào Joker, ta thấy có sự lựa chọn trong việc chuyển hóa cái “điên” của chính mình thành một nguồn sức mạnh, một cá tính khác biệt mang lại giá trị cho đại đồng.

Có thể cách tư duy của Joker khác với người bình thường nên anh ta hiểu về thực tại theo một cách khác. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là anh ta nhất thiết phải đồng hóa với suy nghĩ của chính mình. Con người còn vĩ đại hơn những suy nghĩ. 

Khi xem Joker mình có thấy có nét gợi nhắc đến phim V for Vendetta với những cuộc nổi loạn đằng sau một chiếc mặt nạ. 

“Dưới lớp mặt nạ này không chỉ là da thịt. Dưới lớp mặt nạ này là một ý tưởng, Ông Creedy, và ý tưởng thì đạn bắn không thủng.” – V

Joker cũng chỉ là một ý tưởng và chúng ta có thể lựa chọn sống ý tưởng ấy hay không phụ thuộc vào sự tỉnh trí của mỗi con người.

“Khả năng tự hủy diệt bản thân là hình ảnh phản chiếu lại trong gương khả năng tự cứu lấy bản thân, điều đang thiếu là một tầm nhìn sáng suốt về việc nên làm gì.” – Terence McKenna 

Mình rất thán phục diễn xuất của Joaquin Phoenix trong vai Joker. Sự điên và tỉnh lẫn lộn xảy ra trong nội tâm của một người. Dường như ta phải để ý từng cử chỉ nhỏ để biết được rằng anh ta có đang tỉnh táo. Việc diễn một vai thuần điên dại không còn nhận thức thì sẽ nhẹ nhàng hơn là diễn một vai tranh sáng tranh tối. Có lúc ta thấy sự mất tự chủ của Joker, có lúc ta thấy một ý chí sắc bén khủng khiếp, có lúc ta không thể đoán biết được nhân vật đang thật sự như thế nào (cánh cửa tâm hồn ấy đã khép lại khi nhân vật lựa chọn chỉ còn chính mình.)

Trước kia, mình có biết tới tài tử điện ảnh Phoenix trong vai Theodore (phim Her). Ở đó Theodore cũng phải trải qua những màn đấu tranh nội tâm rất dữ dội về việc làm trái với những thói thường của con người – yêu một người máy. Lần này nhập thân vào một vai phản diện có tâm lý phức tạp, Phoenix càng khẳng định được tài năng diễn xuất của mình. Tượng đài Joker do Phoenix thủ vai khó có thể bị phá vỡ.

Phim xoay quanh nhân vật Joker với những góc máy giàu hàm ý, khi anh ta vật vã đi lên hay vui mừng bước xuống cầu thang với những thay đổi trong cuộc đấu tranh tâm lý, anh ta hay nằm gục giữa đống rác hoang vắng thể hiện thân phận hay hoàn cảnh xã hội diễn ra xung quanh, anh ta nghe những chương trình TV với những thông tin chuột bọ, rác rưởi thể hiện con người bị thao túng đầu độc bởi truyền thông. Nếu có thể xem kỹ hơn Joker thì mình cá rằng sẽ còn nhiều chi tiết ẩn dụ khác nữa.

Tóm lại, Joker là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc đáng để thưởng thức và chiêm nghiệm. Bộ phim là kiểu “người khôn ăn nói nửa chừng” để khán giả tự dậy sóng và tự rút ra bài học cho riêng mình. 9/10 là điểm dành cho phim Joker.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: consequenceofsound


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha đã giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI