Cách đây 23 năm, gia đình tôi khăn gói quả mướp từ Nghệ An vào Ninh Thuận để lập nghiệp. 3 năm sau đó, gia đình tôi lại khăn gói quay về Nghệ An. Lúc đó tôi còn là một đứa bé, rất bé. Dẫu vậy nhưng những mẩu ký ức vụn về mảnh đất ấy, về những đau thương vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi.
Hơn trăm lần, khi nhắc đến những khổ cực, nỗi vất vả của mẹ, lòng tôi ngẹn ứ lại và trào lên nỗi oán giận đối với người khiến mẹ ra nông nỗi vậy. Đó là bà nội.
Tôi chưa bao giờ yêu bà nội. Hẳn mọi người cho rằng tôi là một đứa hỗn xược, không biết điều và là một thứ gì đáng để phỉ nhổ khi không học cách tôn trọng người đã có công sinh dưỡng ra bố mình.
Tôi không hỗn láo, vẫn cư xử đúng mực nhưng hàng vạn lần dù đã cố gắng nhưng lý trí của tôi không thành công khi thuyết phục trái tim tôi yêu bà, kính trọng bà một cách thành tâm được.
Ngày đó, cách đây 20 năm, nhà bà và nhà tôi ở cạnh nhau, chung hàng rào. Mỗi tối, bà thường cùng chị gái hoặc anh trai tôi qua nhà hàng xóm cách đó chừng 1 km để xem phim. Tối đó, cũng giống như mọi lần. Bà cùng anh trai tôi đi xem phim và lúc về, bà phát hiện mấy chỉ vàng của bà cất giữ không cánh mà bay. Và người bà nghi ngờ không ai khác ngoài mẹ tôi. Bà cho rằng mẹ lấy vàng của bà để gửi về cho ông bà ngoại. Rồi các chú lời ra tiếng vào, bóng gió với anh trai tôi rằng: Về bảo mẹ mày, lấy tiền của nhà tao thì trả cho tao.
Mẹ là một người hiền lành, thật thà và cam chịu. Tôi chưa thấy ai như mẹ. Mẹ rất sợ ma, kể cả ngày xưa hay đến bây giờ khi đã có cháu ngoại. Hồi đó, mới vào Ninh Thuận, mẹ phải làm đủ nghề để kiếm sống và lo cho gia đình. Ban ngày mẹ đi làm thuê, cắt cỏ để bán cho người ta. Tối về tranh thủ nấu rượu, nuôi lợn. Vì nhát ma nên buổi tối nấu rượu, mẹ thường rủ tôi ngồi trông với mẹ. Mẹ không dám ở một mình. Tối hôm bà đi xem phim và mất vàng, tôi đã ở bên mẹ tôi. Tôi biết rằng mẹ hoàn toàn vô tội. Vì biết thế mà mẹ vẫn bị oan, nên tôi càng thương, càng xót mẹ và càng giận bao nhiêu người đã khiến mẹ điêu đứng.
Tôi vẫn nhớ, bố vì tin tưởng mẹ, đã sang nhà bà để lên tiếng bênh vực mẹ rồi sau đó bố đã dỡ cánh cửa sổ nhà bà và vứt xuống đất. Sau chuyện đó, vì sợ mẹ con ở gần mà bất hòa và mẹ tôi không chịu được nên bố quyết định dắt díu cả nhà về nơi mà chúng tôi vừa mới ra đi. Đó là năm 1993. Do về gấp nên gia đình tôi chưa thể bán nhà trong Ninh Thuận ngay được. Bố nhờ người rao bán rồi rốt cuộc nhà đó cũng bị lừa gạt. Chúng tôi bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh tại quê nhà. Bố tôi sau vụ mẹ chồng – nàng dâu bất hòa cũng trở nên trái tính rồi sinh ra nhiều tật xấu.
Mẹ lúc đấy một nách năm con phải lăn xả đủ nghề để nuôi con. Những trưa hè, gió Lào bỏng rát mẹ đi khắp làng trên xóm dưới để thu mua nông sản. Những đêm khuya khoắt cùng tôi lên nhà chú ruột của bố tôi để thuyết phục người ta để lại miếng đất mà trước đây gia đình ông hứa sẽ để lại khi chúng tôi muốn quay về. Lời nói gió bay. Con đường đến nhà ông có lẽ cũng mòn đi bởi tần suất mẹ con tôi ghé thăm nhà ông. Chúng tôi phải ở đợ nhà ông bà ngoài, rồi xây nhà trên mảnh đất của một người họ hàng bên họ ngoại và cuối cùng bị người ta đuổi đi khi không ưa mình. Nhưng ông chú của bố vẫn khước từ lời thỉnh cầu của mẹ và tỏ ý khinh khi. Cuộc đời tôi, không bao giờ quên những giọt nước mắt mặn chát của mẹ. Và thứ khiến tôi cảm thấy sợ nhất đó cũng chính là nước mắt của mẹ. Tôi hận người đã làm mẹ tôi ra nông nỗi này.
Bà nội, sau chuyện đó cũng vài lần về quê. Ngày bé, trẻ em thường háo hức và sung sướng khi có người thân đi xa về. Như vậy, sẽ có kẹo, có những thứ mới lạ. Bà về thường ở nhà cô tôi. Tôi không giống những đứa bình thường. Tôi chưa bao giờ háo hức hay thích thú những thứ bà cho. Tôi không vồ vập chạy lên nhà cô khi biết bà về như những đứa em tôi. Sau vài ngày bà về, tôi lên chào bà và hỏi han bà có mệt không?. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm và nghĩ rằng đúng đạo của một đứa làm cháu. Bà xuống nhà, có gì ngon tôi vẫn mời bà ăn. Có điều không ai có thể bắt tôi yêu một người đã từng làm tổn thương đến người mẹ đáng kính của tôi.
Tôi nói với bố: Con không thể yêu bà nội. Con sẽ sống đúng đạo làm con cháu vì bà đã sinh ra bố. Còn tình yêu thương thực sự thì con hoàn toàn không có.
Bố không nói gì nhưng bố chưa bao giờ trách mắng tôi về cách đối nhân của tôi.
Mãi sau này, người ta bắt được vụ trộm có sự tham gia của chú hàng xóm cũ, nhà có tivi mà bà tôi thường đến xem. Họ điều tra về quá khứ của chú và chú thừa nhận đã từng ăn trộm vàng của nhà bà.
Lúc đó mẹ tôi thực sự được giải oan. Không biết bà nghĩ gì, bà có ân hận, có xin lỗi mẹ tôi về những chuyện đã xảy ra hay không?. Nhưng vết xước và những khổ đau trong đời mẹ, bà có hiểu? Tôi nghĩ bà mãi mãi không bao giờ hiểu.
Tôi đã mang nỗi oán hận bà trong hơn hai mươi năm. Từ khi tôi là một đứa trẻ 6 tuổi cho đến đợt Tết vừa rồi. Đợt Tết vừa rồi, tôi đã quay lại mảnh đất mà tôi từng gắn bó với một tâm thế hoàn toàn tự nguyện. Bà năm nay đã 82 tuổi. Tôi nghĩ bà không còn sống được bao lâu, vậy nên tôi cần làm một điều gì đó trước khi quá muộn. Tôi không muốn mình phải dằn vặt, hối hận về những gì mà mình đã không làm. 20 năm sau, tôi đã quay lại mảnh đất nắng cát đấy. Tôi không nói với bà rằng con đã tha thứ cho bà. Nhưng tôi biết bà sẽ hiểu rằng lòng tôi không còn nghĩ về những ngày cũ.
Đôi khi, có nhiều người làm tổn thương, xúc phạm danh dự và làm hại cuộc đời bạn, người thân của bạn. Thật khó để thứ tha và cởi bỏ sự oán hận. Tôi không khuyên các bạn phải tha thứ khi trong lòng bạn không thực sự muốn. Sự tha thứ gượng ép sẽ dằn vặt bạn và sẽ trỗi dậy bất cứ khi nào trong bạn. Tha thứ chỉ có nghĩa khi bạn cho rằng bạn xứng đáng được cởi bỏ gánh nặng đó. Tôi đã ngủ ngon hơn, sâu hơn và yêu đời hơn khi cởi bỏ sự oán giận đối với bà.
Hãy cho mình và cho người khác cơ hội khi còn có thể, bạn nhé.
*Featured image: Luke
Mình thích bài viết này kinh khủng, cảm ơn tác giả nhiều lắm. Vì "xét cho cùng, chúng ta tha thứ không phải vì họ đáng được như vậy, mà vì chúng ta đáng được hưởng bình an ở trong tâm" 🙂
Trường hợp của mình cũng khá giống bạn nhưng tiếc rằng mình chưa kịp tha thứ thì bà đã đi rồi 🙁
Tha thứ cho người khác ,thật ra là tha thứ cho bản thân 🙂