Khi còn nhỏ, như mọi đứa trẻ khác, tôi cũng hay đặt ra cho người lớn rất nhiều câu hỏi “tại sao” gây nhức óc. Tại sao bầu trời lại có những ngôi sao? Tại sao những ngôi sao lại sáng? Tại sao ánh sáng lại màu trắng? Tại sao màu trắng đó không phủ hết bầu trời đêm mà chỉ chiếu sáng li ti những chấm rất nhỏ, như ánh đèn từ một thị trấn xa xăm? Tại sao và tại sao…
Bạn cũng biết rồi đấy, đặc điểm của những câu hỏi theo kiểu như vậy là tính chất “nối đuôi nhau”: Hễ một câu được trả lời là lập tức một câu hỏi khác, có liên quan, ra đời.
Người lớn thường phát mệt bởi những câu hỏi đó. Đôi khi họ thành thật nói rằng họ không biết. Đôi khi họ bịa bừa ra một hai đáp án. Rõ ràng, bịa không phải là giải pháp khôn ngoan, vì chỉ cần đáp án xuất hiện – thì bất kể nó đúng hay sai – sẽ có ngay một nghi vấn khác được đứa trẻ đặt nối tiếp vào sau cái đáp án đó. Rốt cuộc người cáu lên: “Hỏi gì mà lắm thế!?” và nén bực bội bảo: “Sau này lớn lên sẽ hiểu!”
Thế giới này là vậy. Không có câu trả lời rốt ráo. Không có đáp số trọn vẹn, và không có chân lý sau cùng. Chúng ta bước đi giữa lằn ranh tương đối của những điều ta biết và những điều ta không biết. Nếu có người nào đó cho rằng mình đã khám phá ra bí mật sau cùng của cuộc đời, thì có lẽ người đó chỉ đang tưởng tượng. Người bình thường hơn thì an nhiên trong cái không biết của chính mình: Họ vẫn học hỏi, thay đổi để thích nghi, nhưng không kiếm tìm đáp án hoàn hảo.
Nếu bạn để ý, những em bé không đau khổ khi đặt câu hỏi “Tại sao” về thế giới. Nhưng với cùng kiểu câu hỏi đó, người lớn lại đau khổ.
“Tại sao lại là tôi?” là một trong những câu hỏi khủng khiếp nhất. Nếu sống đủ lâu, ít nhất sẽ một lần chúng ta co rúm lại bởi một cơn ‘bão tố nhân sinh’ dữ dội. Chẳng hạn, một căn trọng bệnh làm thể xác đau đớn. Tuy nhiên vấn đề sẽ chỉ dừng lại ở đó thôi nếu bạn không nghĩ: “Thôi xong rồi, mình chết đến nơi rồi, đời mình còn đâu nữa, người thân của mình ở lại biết nương tựa vào ai?…” Lúc đó, sự thống khổ nội tâm xuất hiện. Vậy là bên cạnh cái đau thể xác, bạn tạo thêm cái khổ tâm trí.
Nỗi khổ không chừng sẽ chỉ dừng lại ở đấy, nếu bạn không thêm một câu hỏi nữa: “Tại sao lại là tôi?”
Tại sao người bị bệnh là bạn? Tại sao người có bố mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ, bị phản bội, bị đánh rớt, thi trượt, gặp xui xẻo triền miên… lại chính là bạn? Bạn truy vấn số phận. Câu hỏi đó vô tình nhân nỗi đau của bạn lên gấp bội.
Ta có thể tìm được một phần đáp án từ gen di truyền hoặc chế độ sinh hoạt bất hợp lý (bệnh tật), từ tính cách trái ngược nhau của bố mẹ (dẫn tới ly hôn), thông qua bản chất thiếu chung thủy của người bạn yêu, hay sự kém siêng năng của bạn (thi trượt)… Thậm chí, bạn có thể tin vào các giả thuyết như “nghiệp báo” từ tiền kiếp, hoặc là coi đấy là nỗi đau cần mang trên vai để được bước qua cửa thiên đàng sau khi chết.
Tuy nhiên, khi khổ tâm quá lớn thì tất cả những đáp án này đều không hoàn toàn thỏa mãn ta. Chúng chỉ mang tính an ủi. Ta vẫn tiếp tục chìm trong tuyệt vọng.
Người truy vấn “Tại sao lại là tôi” là người đang tự đào hố chôn mình. Mỗi lần nghĩ tới câu hỏi ấy là một lần anh ta ấn xẻng xuống, xúc đất lên. Đáng buồn là dù trên đầu anh ta, trời vẫn xanh, gió vẫn thổi, xung quanh cỏ vẫn tươi, mọi người vẫn sống và lũ trẻ vẫn cười… thì mắt người đào chỉ dán chặt vào cái hố mang tên Tuyệt Vọng kia mà thôi. Khi cái hố sâu quá đầu, anh ta mất hút trong đó. Anh ấy trầm cảm nghiêm trọng!
Sự thật: Ta đang có một nghịch cảnh. Vậy thôi. Không còn gì hơn nữa. Đáp án cho câu hỏi: “Sao lại là tôi?” đơn thuần chỉ là “Đó chính là hiện tại của tôi!” Đó chính là tôi! Chấm hết.
Biết chấp nhận mang cho bạn một sức mạnh lớn. Khi biết chấp nhận, bạn không còn bị kiệt sức bởi những câu hỏi. “Ừ, đó là tôi thôi”, bạn bảo, và với sự nhẫn nại, bạn làm những điều thật sự thiết thực cho tình trạng của mình.
Chấp Nhận khác hẳn Từ Bỏ. Khi từ bỏ, bạn buông xuôi hoàn toàn, phó mặc cho số phận. Bạn ngồi luôn trong cái hố đã đào và không chui ra nữa. Ngồi dưới đó chờ ngày tàn của bạn. Ngược lại, chấp nhận là xác định với mình rằng, chính nỗi đau này là nền tảng của ta, từ nền tảng đó ta sẽ bắt đầu một cuộc sống thực sự.
(Nếu ta nhìn cách người Nhật đương đầu với những thảm họa thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, ta sẽ thấy Sức mạnh của sự chấp nhận trên bình diện một quốc gia).
Khi ta ngừng cật vấn bản thân, cuộc chiến nội tâm cũng kết thúc. Lúc ấy ta có cơ hội sử dụng năng lượng tinh thần cho những điều thiết thực và tươi sáng hơn, thay vì hì hục đào hố chôn mình.
Một vài người chết rất nhanh sau khi phát hiện căn bệnh nghiêm trọng nào đó, bởi họ không chấp nhận nổi tình trạng của họ. Họ ra đi khi trong đầu quanh quẩn thắc mắc: Cớ gì ông trời gọi tên tôi chứ không phải tên người nào khác?
Câu hỏi “Tại sao” rất có rất có ích trong nhiều hoàn cảnh, ví dụ như nghiên cứu khoa học, hoặc đôi khi trong việc điều chỉnh hành vi để sống đúng đắn và thông minh hơn. Nhưng nó không dành để giải đáp vấn đề số phận.
Bạn có biết lý do vì đâu cũng với việc thường xuyên đặt câu hỏi “Tại sao?”, nhưng người lớn thì hỏi ít hơn mà khổ nhiều hơn, còn trẻ thơ thì hỏi rất nhiều mà chẳng khổ tí nào?
Câu hỏi “Tại sao” của người lớn thường hướng tới việc giải quyết vấn đề. Trong đời, có rất nhiều vấn đề không thể hiểu được trọn vẹn, nhiều tình huống phải chấp nhận, nhiều thời điểm chúng ta giật mình tỉnh ra rằng mình cần một thái độ buông xả. Giống như liên tục húc đầu vào tường, càng cố tìm đáp án cho số phận, chúng ta càng tự làm mình đau.
Người lớn thường sử dụng câu hỏi “Tại sao?” để tìm ra phương cách sau cùng hòng đạt được những thứ mà anh ta cho rằng sẽ đem lại hạnh phúc. Buồn cười thay, đó chính là cội nguồn đau khổ. Chẳng bao giờ có đáp án hoàn chỉnh cho hạnh phúc.
Trẻ con, ngược lại, không hỏi để giải quyết vấn đề. Chúng hỏi để khám phá thế giới. Để đi sâu vào bí ẩn khôn cùng của thiên nhiên: Những vì sao, bầu trời, hoa lá, sự sinh sản, sự tàn phai, các mối quan hệ con người… và tất cả những gì chúng thấy là bí ẩn. Trong câu hỏi “Tại sao” của trẻ con không có tham cầu, không tư lợi, cũng không có ý tìm kiếm tri thức để “nhét đầy túi khôn”. Đó là hồn nhiên. Đó là sự khác biệt.
Tất nhiên nói vậy cũng không hoàn toàn đúng. Trẻ con cũng có những câu hỏi “phi hồn nhiên” với tâm tư tham đắm. Nếu không, lũ trẻ đã chẳng trở thành người lớn chúng ta.
Điều quan trọng không phải những câu hỏi, mà là cái tâm hồn nhiên trong sáng. Tâm ấy thấy bí ẩn mà không phá hủy hiện tại để truy cầu lời giải cho bí ẩn. Chỉ thấy trọn vẹn mà thôi.
Tác giả: thieuletuanh
*Featured Image: cdd20
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2