28 C
Nha Trang
Thứ ba, 8 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ta có cần cảnh giác với sự mơ mộng?

(1155 chữ, 4.5 phút đọc)

Cảnh sắc có vẻ ảm đạm và như đặc lại sau cơn mưa giữa những ngày nắng gắt. Cây cỏ không vì thế mà xanh tươi hơn, và lũ chim cũng chẳng hát ca hạnh phúc. Trong làn cảm xúc như bây giờ, nếu dùng cô đơn như một thứ “vật chất” để hình dung thì nó cần được trang điểm thêm nữa. Với suy nghĩ của một kẻ lười biếng, thật khó có thể huy động 60% khả năng cơ bắp để đốt cháy lượng ca-lo cần thiết cho quá trình vận động kéo dài, vừa đủ để lôi bản thân ra khỏi vòng tay êm ái của nữ hoàng mơ mộng.

“Ừ, ai mà chẳng mơ mộng.” Hành động của chúng ta đều mang đa phần hơi thở thô thiển của giấc mơ.

“Tôi thấy cái này hợp với cảm giác khác giấc mơ đã kể lại cho tôi.” Thế là, quyết định đã được đưa ra và lập luận logic thật ra không gì khác hơn là một cách thức điều chỉnh các lựa chọn của cảm xúc. Như một cuốn phim khó xác định âm thanh nhưng vẫn mang đầy đủ sự giao tiếp. Mơ được xem như một lối tư duy kì lạ thuộc sở hữu riêng tư của bản thân nhưng không bao giờ được kiểm soát.

Chúng ta đều biết rằng kể từ hơn trăm năm trước, khi Sigmund Freud đưa ra lý thuyết về thuyết Phân tâm học, nó đã làm thay đổi tư duy nhận thức của chúng ta nhiều như thế nào. Lý thuyết của Freud mang tầm ảnh hưởng bao trùm lên hầu hết mọi khía cạnh đời sống của con người, dù rằng ta có chấp nhận chúng hay không. Mọi hành vi cố ý hay vô ý của chúng ta, dưới con mắt của nhà Tâm lý gia cõi vô thức ấy, đều mang những ý nghĩa rõ ràng. Một trong những hành vi vô thức phô bày rõ bản chất của con người nhất, chính là giấc mơ.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giấc mơ, một sản phẩm trí não không mang lại chút ý nghĩa thực tiễn cũng như giá trị kể cả vật chất lẫn tâm hồn nào, lại được Freud phô bày trần trụi ra ngoài ánh mặt trời, dưới cặp mắt người đời đến mức như vậy. Ở đó, giấc mơ thể hiện niềm khát dục bị dồn nén của bản thân. Tuy đã bị cơ chế kiểm duyệt thay đổi ít nhiều hoặc cắt xén bớt những ham muốn quá mức cực đoan của vô thức, để khi chuyển giao đến cái tôi (ego), nó không bị đào thải. Cái tôi là phần chính giữa, làm nhiệm vụ trung hòa sự ham muốn vô hạn của bản năng và những tiêu chuẩn nhân cách mà xã hội ngoài kia đòi hỏi. Một khi sự đòi hỏi của bản năng quá lớn, át đi những định kiến mà xã hội cho phép, lúc này người sỡ hữu cái tôi mềm yếu ấy sẽ bị xã hội khinh rẻ và loại bỏ.

Nhưng, giữa mơ trong vô thức của giấc mơ và mơ mộng trong ý thức của chúng ta lại là hai khía cạnh khác nhau. Khác với giấc mơ, ta có thể mơ mộng bất cứ lúc nào ta muốn, bất cứ cái gì ta muốn.

Những người “thành đạt” thường nhắc nhở chúng ta cảnh giác với sự mơ mộng: “Nó không tốt đâu, 9/10 sự mơ mộng mang lại cho ta một điều gì đó gây hại chính mình.”

Họ la rầy về tính trừu tượng đến mức phi hiện thực của nó. Họ muốn những người quanh họ thôi nghĩ về nó, đề chỉ còn lại lời nó của họ vọng lên trong đầu chúng ta: “Hãy thôi mơ mộng đi, làm việc cật lực và kiếm thật nhiều tiền. Khoảnh khắc các bạn đoạt giải quán quân từ sự cố gắng, thành công sẽ là cánh cửa an ninh mà bạn hoàn toàn sở hữu mật khẩu.”

Những ngôn từ hoa mỹ theo chủ nghĩa tự thân ấy đang dẫn chúng ta về đâu? Không phải lại là cảm giác chán chường về sự hoàn hảo đã có quá nhiều xung quanh hay sao? Không phải là lòng kiêu ngạo khi “nhạy bén” nhận ra một chút chiến thắng từ kẻ khác hay sao?

Để tránh lạm phát, người ta hạn chế sự gia tăng số lượng tiền hoặc cung tiền tổng thể trong xã hội. Như vậy, sẽ rất khó sinh ra đồng thứ 101 nếu như tất cả 100 đồng chia đều cho 100 người. Và đây là thời điểm cho quý ngài “thành công” lên tiếng. Trong mười tay đang chuẩn bị tinh thần để được chia phần, sẽ có ít nhất là chín người mang cùng một suy nghĩ. Là gì thì bạn biết rồi đấy.

Vậy tình huống sẽ diễn biến ra sao nếu chỉ có 5% số người ấy, lại đang nắm giữ 90% tổng giá trị vật chất? Nhận ra được điều này, người ta liền cho rằng, cứ kiếm được nhiều tiền thì cũng đồng nghĩa với sự thành công.

Có lẽ, mọi thứ bắt đầu từ khi khái niệm kinh tế thị trường được đưa ra áp dụng. Những nhà lãnh đạo sáng suốt ấy đã quá đỗi vui mừng khi kinh tế thị trường đã thay đổi bộ mặt nhân loại nhiều như thế nào. Trong vòng chưa đầy 50 năm, nền công nghiệp sản xuất hàng hóa đã đưa nhân loại tiến hẳn một bước dài, qua đó khẳng định vị thế bá chủ triệt trên toàn cõi địa cầu. Khoa học và kỹ thuật phát triển chóng mặt, chất lượng cuộc sống tăng mạnh, qua đó đảm bảo cho những cá thể đang tồn tại bên trong xã hội hoàn toàn tự do vùng vẫy cho đến hết hạn sử dụng của cơ thể.

Và bên cạnh đó, những giá trị nhân văn cốt lõi của con người được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử cũng theo đó bị xói mòn chỉ còn trơ ra bộ khung xấu xí. Cũng chưa đầy 50 năm đó, con người ta càng ngày càng ích kỷ, lọc lõi và tầm thường hơn. Họ coi trọng sĩ diện hơn danh dự. Họ quan trọng bộ da bên ngoài hơn tinh thần cốt lõi bên trong. Họ đề cao sự rủng rỉnh tiền bạc hơn sự rộng lượng của tâm hồn. Chúng ta đang sống trong một xã hội với đầy rẫy những điều mâu thuẫn sâu sắc, nhưng vẫn có thể tiếp tục tồn tại như thế.

Ở đó, tôi phải tự mình tìm kiếm những sự lạc quan giả tạo, những lời hay ý đẹp đã được đúc kết sẵn trong sách báo, những câu chuyện cười ngây ngô và những bài học bổ ích có sẵn.

Tác giả: Châu Thành

Edit: THĐP

Ảnh minh họa: Free-Photos

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️  http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,840Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI