27 C
Nha Trang
Thứ năm, 12 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự kì diệu của những con số nhỏ

Xin hãy nhìn dòng bên dưới và tự hỏi bạn có thể ghi nhớ được bao nhiêu số trong chuỗi số này.

1234567890987766554321245678909765432245678907547890665544326789077643345678990888

Đây là chuỗi 82 số ngẫu nhiên mà một sinh viên đã ghi nhớ được trong đầu và đọc ra chính xác vào những năm 1970. Nhưng ban đầu anh chàng tài năng này đã thét lên “Em không thể!” và gần như bỏ cuộc khi chỉ ghi nhớ 11 số bất kì. Vậy anh chàng đã làm thế nào để có thể ghi nhớ từ 11 lên 82 số ngẫu nhiên như vậy trong khi chỉ là một sinh viên bình thường theo đúng nghĩa đen?

Anh ta dành ra mỗi tuần 1 buổi học ghi nhớ trong 4 năm. Khoảng 200 buổi tập luyện, 1 tuần 1 buổi với phương pháp nghe đơn giản đến khó tin: cộng/trừ 2.

Cộng/trừ 2 nghĩa là trong mỗi buổi học, sinh viên này ghi nhớ, đọc chính xác chuỗi số bất kì (Ví dụ là 20) thì sau một lúc sẽ cộng thêm 2 số mới lên thành 22. Còn nếu anh ta quên sẽ bắt đầu lại từ chuỗi 18 số để ghi nhớ lại chuỗi 20 số cho thật chắc, rồi mới tiếp tục là 22, 24,…

Cộng/trừ 2 cứ liên tục lặp lại trong mỗi buổi học kéo dài 2-3 giờ đồng hồ và chỉ dừng lại khi nào người sinh viên cảm thấy đó là giới hạn của mình. Thực tế việc ghi nhớ theo phương pháp này hiện tại không có giới hạn nào cả. Hiện nay đã có nhiều người có thể ghi nhớ những chuỗi số dài gấp nhiều lần so với 82 so với thập kỉ 1970.

Và bạn cũng có thể đọc 50 cuốn sách một năm, hoặc hơn thế nữa chỉ với việc bắt đầu từ những con số nhỏ mà không phải cố gắng gì cả. Tất nhiên ý mình ở đây không phải 2 trang sách đâu nhé. Hãy bắt đầu từ 15-20 trang và kết thúc 1 ngày với 50-60 trang, chứ không phải là 1 cuốn sách trong 1 ngày.

Cùng với cách này mình đã áp dụng cho cả việc tập luyện, chạy bộ, học tiếng Anh và lập trình, thiền định và cả viết lách mỗi ngày nữa. Mình có thể nói rằng, việc bắt đầu từ những con số nhỏ sẽ giúp bất kì ai cũng có thể học và đọc nhiều hơn so với chính giới hạn của mình. Trên hết, việc này không ảnh hưởng đến 8 tiếng đi làm hay đi học của các bạn.

Vậy hãy bắt đầu bằng lý do tại sao con số nhỏ lại bị coi thường đến như thế.

1. Thực tế bạn có thể làm được tất cả nhưng không phải bắt đầu bằng cách nhanh nhất

Chúng ta hãy thành thật là đa số đều muốn học và đọc nhanh, nhiều nhất có thể. Đó cũng là cách mà truyền thông, mạng xã hội, các trang tin tức, những khoá học và không ít cuốn sách đầu độc chúng ta khi luôn nhấn mạnh: Luôn có đường tắt để đến đích nhanh hơn tất cả. Luôn có thang máy để bạn không phải lết từng bước cầu thang một.

Đó chính là điểm yếu của chúng ta. Chúng ta khao khát tri thức, vật chất, vóc dáng theo cách nhanh nhất, ít sức lực và không mất thời gian nhất có thể. Việc tiêu thụ những thông tin đầy cảm hứng và động lực như vậy để dụ dỗ bạn chi tiền ra để có được thành quả (rất tiếc là con số này quá ít) và xa rời, trốn tránh việc bắt đầu từ những bước nhỏ. Vì quá trình đi từ bước nhỏ đến thành quả thường tính theo hàng năm, không có cách nào khác. Mình cũng phải thừa nhận như vậy.

Điều này giống như việc bạn nghĩ đút lợn mỗi ngày với con số 20-30 nghìn đồng (tương đương một bữa ăn), thì 1 tháng hay 3 tháng thì số tiền bạn tiết kiệm được cũng chỉ bằng 2 ngày cuối tuần ăn chơi. Nghe có nản chí không? Nhưng nếu 30 nghìn đó liên tục được đút vào lợn đất trong 3-5 năm thì sao?

Nếu bạn không đút lợn thì cũng chẳng có được số tiền nhỏ bé đó đâu, và chắc chắn bạn sẽ tiêu gấp đôi con số 30 nghìn vào một món ăn vặt với suy nghĩ “cũng có khác biệt gì đâu vì cũng chỉ là thêm 30 nghìn lẻ thôi.” Sự khác biệt ở đây là một cái nhỏ nhưng có, còn một cái thì không.

Đọc sách cũng như vậy, thay vì cố gắng đọc nhanh 1 trang chưa tới 1 phút, hãy bắt đầu bằng 20 trang mỗi ngày. Thay vì nóng vội đi học Tiếng Anh cấp tốc, hãy bắt đầu bằng việc học viết, nghe, đọc 5 từ mới mỗi ngày. Thay vì lên kế hoạch học một kĩ năng mới càng nhanh càng tốt, thì hãy chuẩn bị thần cho một quá trình kéo dài tính bằng tháng, bằng năm. Sự tinh thông của bất cứ việc gì, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất, hay nói cách khác là bạn làm điều đó hằng ngày. Không phải vài ngày, vài tuần mà là mỗi ngày trong cuộc đời bạn. Đó là cách duy nhất để bạn trở thành một người giỏi một cách kì diệu.

2. Sức mạnh của những con số nhỏ trong thực tế

Có thể ở đây có những bạn đọc sách và nghe đến cuốn “Đắc nhân tâm”, được Nguyễn Hiến Lê dịch. Ông là nhà viết sách kĩ năng, dịch giả, nhà sử học, ngôn ngữ học với 118 cuốn sách đã viết và dịch được xuất bản.

Nguyễn Hiến Lê trong 33 năm viết lách luôn duy trì thói quen viết hoặc dịch ít nhất 1 trang sách mỗi ngày. Dù ông bị bệnh quanh năm nhưng luôn duy trì thói quen làm việc cả thứ 7 và Chủ Nhật. Trong hồi ký của mình, ông đã viết và dịch 30,000 trang sách trong hơn 30 năm, mỗi năm 900 trang, mỗi ngày nhiều nhất là 3 trang. Có ngày chỉ 1 trang.

Một câu chuyện có thật liên quan đến tỉ phú top 5 thế giới, Warrent Buffett, đó là ông bị ám ảnh bởi những con số nhỏ. Khi tài sản của buffett mới ngấp nghé 1 triệu đôla, thì vợ ông muốn sửa sang ngôi nhà đang ở một chút khi tự ý chi ra 15 nghìn đô để trùng tu. 15 nghìn là con số lớn nhưng vẫn là số lẻ so với 1 triệu trong tình huống này. Và vợ ông hoàn toàn nghĩ như vậy.

Tất nhiên hoá đơn do Buffett thanh toán. Ông đã bị sốc và bật khóc gọi điện cho bạn than thở rằng “cô ấy đã ném đi của tôi hàng triệu đô la, nếu để tôi mang 15 nghìn đô đó đầu tư vào cổ phiếu.”

Một lần khác sau đó khá lâu, lúc này Buffet đã là tỉ phú nhưng ông vẫn tôn thờ các con số nhỏ. Dù đã trễ giờ một buổi hẹn quan trọng, nhưng Buffett vẫn đứng lại đợi tài xế trả lại ông 20 xu! Bà bạn đi cùng ngạc nhiên hỏi tại sao Buffett đã là 1 tỉ phú rồi mà vẫn cần đến 20 xu đó.

“Vì tôi thấy nó là hàng chục nghìn đô sau 20 năm nữa.” Ông bình thản đáp.

Nếu ai đó đầu tư 1000 đô vào Berkshire Hathaway của Buffett vào năm 1965 thì bây giờ sẽ có thu về hơn 200 nghìn đô. Lời than thở của Buffett đã ứng nhiệm, vợ ông quả thật đã ném đi 2.5 triệu đô khi tiêu tốn 15 nghìn vào việc sửa nhà.

Còn câu chuyện về Phật Thích Ca cũng vậy. Trước khi giác ngộ sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã mất 5-6 năm tu khổ hạnh, chỉ còn da bọc xương “Ta sờ vào bụng, thì nắm được cả xương.” Ngài vẫn đi khắp học hỏi và áp dụng mọi cách từ nhiều người nhưng vẫn không thoả mãn để tìm ra sự giải thoát hoàn toàn. Cho đến khi chính bản thân Phật cùng ý chí và lời thề nguyện sẽ chẳng đứng dậy nếu không thành chánh giác.

Năm 2014, bên công ty công nghệ mình làm việc có mở thêm một chuỗi cửa hàng bán bikini và có thời điểm lợi nhuận mảng chính là công nghệ. Con số được tính bằng tiền tỉ và có gọi vốn thành công để mở rộng. Nhưng chuỗi cửa hàng đó bắt đầu từ việc bạn gái của sếp nhập từ 10-20 bộ trong những lần đầu và cứ thế cho đến khi sếp mình nhận ra tiềm năng đã mạnh tay đầu tư và thế là bùng nổ.

Bạn thân của mình cách đây 4 năm rủ mình đi nhặt từng cái case điện thoại một để ăn lãi 5-10 nghìn. Lúc đó hai đứa còn chở nhau đi khắp khu vực Láng – Cầu Giấy, bây giờ bạn ấy đã mua 2 cái nhà và có xe ô tô từ hơn chục triệu tiền ban đầu.

Tất cả đều bắt đầu từ những con số nhỏ.

3. Những gì mình làm được từ các con số nhỏ

Mình xin chia sẻ bản thân mình là một người xuất phát dưới điểm trung bình. Không hề có sự khiêm nhường hay một cách câu khách ở đây. Nhưng chính những con số nhỏ đó mình đã áp dụng cho viết lách, đã tự học, đọc và khởi nghiệp công nghệ với tổng số tiền gần 300 triệu. Và nhất là trong khoảng thời gian gần đây, mình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn thông qua những gì mình viết. Mình cảm thấy rất choáng váng sau hơn 1 ngày nhận được cả nghìn thông báo kết bạn và mấy chục tin nhắn hỏi han.

Để đọc được 293 cuốn sách đủ mọi thể loại trong năm 2019, 176 cuốn năm 2018 mình đã đi từ bước nhỏ và tính bằng hàng năm. Có năm chỉ đọc hơn 10 cuốn, có năm 30-40 cuốn rồi 100 và bây giờ là xấp xỉ 1 cuốn 1-2 ngày trong 3-4 năm trở lại đây.

Không hề có bí quyết đọc nhanh nào cả, dù mình có đọc 6-7 cuốn hướng dẫn đọc nhanh và tham khảo qua các bloger, website, forum nước ngoài nhưng vẫn không đem tới hiệu quả. Việc đọc những cuốn sách khó và dài ban đầu chính là cách duy nhất để mình tăng tốc độ đọc của bây giờ. Cách của mình đọc từ cấp 1 cho đến bây giờ giống với cộng/trừ 2: Không đặt ra giới hạn nào, luôn mong muốn đọc nhiều hơn có thể. Và cụ thể hoá việc không có giới hạn nào thì hãy chia cái “không giới hạn” đó ra thành từng bước nhỏ, rồi thực hiện nó. Như thế thì vừa làm vừa chơi và chẳng có một áp lực nào cả.

Mình chỉ có thể mô tả là trước khi đọc, mình luôn muốn đọc nhiều hơn ngày hôm qua dù 1 trang cũng được. Nó tạo cảm giác mình đã chiến thắng chính bản thân. Và khi tâm trí đã biết “xong việc hôm nay rồi” thì tinh thần và bản năng lại “Hãy tiếp tục.” Đó là sự thật. Khi bạn làm được, chính bạn sẽ muốn tiếp tục mà chẳng cần ai thúc ép.

Khi đọc trôi chảy hơn và nhanh hơn, mình lại ghi chép vào sổ hoặc trên điện thoại những gì có giá trị nhất trong cuốn sách vừa đọc. Làm thế này có 2 lợi ích: ghi nhớ tốt hơn và có thể chuyển hoá thành ý tưởng ứng dụng vào thực tế. Cụ thể ở đây là viết bài từ mọi thứ mình đọc. Rồi từ việc viết đã cho mình vốn để bắt đầu startup – khởi nghiệp công nghệ.

Cách mình kiếm tiền cũng đi từng bước nhỏ. Viết 1 bài được duyệt nhưng 2-3 bài trước đó thì không. Mình nhận các bài dịch 300-400 chữ với giá trên dưới 100k, viết báo và truyện, dự thi các cuộc thi viết. Có những lần thắng giải hay nhận việc viết lách hơn 20 triệu. Mình cũng đã xuất bản sách đầu tay và đang hoàn chỉnh sửa tiểu thuyết thứ 2.

Nhờ viết song song với công việc chính, trong 1 năm rưỡi mình đã kiếm đủ 2/3 số tiền để khởi nghiệp mà vẫn đi du lịch, đi chơi cuối tuần với bạn bè được.

Ngoài ra việc bắt đầu tập luyện bằng 30 cái chống đẩy từ mấy năm trước thì bây giờ mình đã chống đẩy được 200-250 cái trong buổi tập. Hiện tại sau 1 năm chạy bộ, bắt đầu từ 5 phút chạy 10 phút đi bộ trong 30 phút với tổng quãng đường chỉ 3km thì hiện tại 5 ngày gần đây mỗi ngày mình chạy từ 10-13km trong 60-90 phút mà chỉ có không tới 5 phút đi bộ.

Mình kể ra ba điều mình làm tốt nhất trong những năm gần đây để chứng minh rằng những con số nhỏ ban đầu sẽ được tích thành luỹ kép trong tương lai. Quan trọng hơn, để có sự tinh thông và kĩ năng tốt nhất sẽ đi theo cả đời với mình, thì thời gian đã bỏ ra để đi những bước chậm, từ những con số nhỏ này không hề vô ích.

4. Cần những gì để bắt đầu

Sự kiên nhẫn và ham muốn không dừng lại là hai điều sẽ đưa bạn đi rất xa bằng những bước nhỏ, những con số nhỏ. Kiên nhẫn sẽ giúp bạn không nôn nóng bởi sự chậm trễ của mình và không bị thiêu đốt bởi thành công của người khác. Ham muốn không dừng lại để trong 1 ngày bạn liên tục lập đi lập lại những bước nhỏ, những bước cộng/trừ 2.

1 cuốn sổ tay hoặc phần mềm ghi chú trên điện thoại để ghi chép lại quá trình học hỏi, đọc sách, ghi chú của mình. Tin mình đi, chỉ cần 1 tháng ghi chép bạn sẽ nhận thấy sự tiến bộ của bản thân và những gì cần cải thiện thêm.

Luôn linh động trong thời gian học, đọc và tập luyện của mình. Bạn có thể chia 60 trang thành 3 lần trong ngày. Mỗi buổi đọc 20 trang thì sẽ rất dễ hoàn thành. Một cuốn sách dày 350 trang hoặc hơn, bạn sẽ đọc trong 1 tuần. 1 năm là 50 cuốn rất đơn giản. Đó là con số thực tế dễ đạt được nhất và chắc chắn bạn đã đọc nhiều hơn 95% người Việt.

Các bạn có thể bình luận, chia sẻ ý kiến bên dưới các cách mình học hỏi, cách mình đọc hiệu quả nhất để cùng nhau tiến bộ nhanh hơn. Cảm ơn các bạn.

Tác giả: Đức Nhân
Edit: THĐP

Ảnh: Joseph Akbrud

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI