Hôm nay nghe mấy bài nhạc không lời và đọc những bài viết của một ai đó, lòng cảm thấy xao động và trầm tư. Ta muốn viết, muốn dùng ngôn ngữ diễn tả mọi điều ta đã từng trải qua, những suy nghĩ và cảm xúc một cách giản dị, chân thật để khơi gợi trong ta những nỗi niềm, những tình cảm cho con người, cho cuộc sống…
Anh bảo ta viết những bài về xã hội, nhưng ta thực đâu có biết gì nhiều, nhìn lại ta đâu biết gì đâu, mọi thứ ta đã từng viết chỉ như lời chia sẻ một cách chân thật để là tấm gương cho ai đó nhìn vào chính họ, hay hy vọng khơi gợi, gieo mầm trong họ điều gì đó, vậy thôi. Nhưng sao ta cứ phải đao to búa lớn làm gì, phải tạo thêm vấn đề cho cuộc đời làm gì, giờ mọi thứ đã thừa mứa, đầy nghẹt rồi, chẳng phải là ta cần phải buông bỏ bớt đi hay sao chứ mang vác thêm những kiến thức, tạo tác thêm vấn đề cho mình, cho người làm gì nữa.
Hôm nay ta muốn chia sẻ về sự giản dị, vì với ta sự giản dị cả bên ngoài lẫn nội tâm là đức hạnh cao nhất của một con người.
Nói về giản dị bên ngoài, ta nghĩ thật khó để có thể giản dị trước một cuộc sống tràn ngập sự phức tạp, thừa thãi như hiện tại. Một người không chỉ cần cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà anh ta còn muốn ăn ngon, mặc đẹp và nơi ở lộng lẫy, bằng người này người kia. Khi một người khát nước anh ta không chỉ muốn nước, anh ta muốn nước lạnh, muốn nước có đường, có gas, khi một người đói, một miếng bánh mì là không đủ, một bát cơm với rau xanh là không đủ, anh ấy muốn thịt nướng, muốn khoai tây chiên, muốn gà rán, muốn nhiều món được chế biến cầu kỳ và phức tạp, để kích thích giác quan của anh ta… Và ta nghĩ nó cũng là vấn nạn cho những đứa trẻ, khi chúng không biết cái gì chúng thực sự cần và những gì chúng nghĩ chúng cần, một gói bimbim khi chúng đói, sữa và nước ngọt khi chúng khát… Người lớn đầu độc trẻ em và chính họ bởi những xa hoa và phức tạp không cần thiết. Nhưng trách sao được khi cuộc sống bị bao quanh bởi tất cả những điều ấy, con người cũng chỉ là nạn nhân, sản phẩm của môi trường mà anh ta sống, một số ít có sự tỉnh táo thì sống cân bằng và giản dị, còn lại thì phó mặc cho mọi thứ cuốn phăng con người đến đâu thì đến, miễn là mọi thứ ấy còn làm thỏa mãn thân thể và tâm trí con người ta… Dù có những người sống đời khổ hạnh, giản dị nhưng trong tâm trí họ vẫn còn đầy nghẹt đủ mọi tham lam, ham muốn, lý tưởng, kiến thức, sự ích kỷ… mà không bao giờ có thể giản dị cho được.
Ảnh: scottwebb
Vậy thì nếu muốn có một cuộc sống giản dị bên ngoài, và không để mình là sản phẩm của xã hội thì chắc chắn cần phải có một nội tâm giản dị, không phải chỉ cho cuộc sống bên ngoài mà còn để ta có đủ sáng suốt và trí tuệ nhìn thấu mọi thứ phức tạp, mâu thuẫn bên trong tâm trí. Với ta một nội tâm giản dị là một nội tâm chân thật và vô tư, nó tự ý thức điều gì là cái cần và điều gì là cái muốn, cái tham của bản ngã, từ đó mà nó tự do khỏi lòng tham, sự theo đuổi không ngừng của tâm trí với những ham muốn. Sự giản dị ấy khiến tâm trí ranh mãnh kia bất lực, nó không thể lý tưởng hóa, hay thêu dệt nên những điều đẹp đẽ xung quanh lòng tham, sự ham muốn, sự kiêu căng, ích kỷ… Bởi nội tâm giản dị, vô tư ấy nhìn thấu mọi thứ, bất cứ khi nào một suy nghĩ khởi lên, nó biết suy nghĩ ấy là gì, không phán xét cũng không chạy theo, chỉ nhìn cái trần trụi của suy nghĩ và cảm xúc ấy và để tự chúng trôi đi.
Không biết ta có đang nói khó hiểu không, nào hãy tiếp tục. Tâm trí ta là vậy, ngay từ khi còn nhỏ ta đã học được cách phân tích, so sánh, đo lường, phán xét, đặt tên, lên kế hoạch, đặt mục tiêu,… Tâm trí đã trở nên lão luyện bởi những điều ấy, nhưng nó cũng khiến cho nội tâm ta trở nên phức tạp, rối loạn và mâu thuẫn bởi chính những điều ấy vì khi đó tâm trí tiếp tục trong phạm vi tinh thần, khi một cảm xúc khởi lên hoặc là ta bị cuốn theo cảm xúc đó, hoặc là ta kìm nén, hoặc là ta đặt tên cho nó, phán xét nó mà không chỉ đơn giản NHÌN nó khởi lên và trôi đi, ta không đủ giản dị để thấy cái cảm xúc ấy như nó là: Nó không phải là Buồn, Giận, Đau Khổ, Yêu Thương… hay bất cứ thứ gì ta gán cho nó. Nó chỉ là một cảm xúc, hãy ngắm nó, nhìn nó và ta sẽ thấy vẻ đẹp của nó bởi khi ấy ta nhìn nó như lần đầu tiên được nhìn, nó đẹp lắm, có thể ta sẽ khóc khi NHÌN được như thế vì sự tinh khôi, trong trẻo, đẹp đẽ lạ thường mà bao tháng ngày ta không thể thấy. Nhớ đến một câu nói của Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” Tại sao ta cứ luôn đặt tên và phán xét nó là xấu là tốt, là nên hay không nên khi một cảm xúc trong ta khởi lên, tại sao ta không ngắm nhìn nó như ngắm một bông hoa, ta sẽ thấy nó giản dị vô cùng, một sự giản dị của cái-đang-là mà không phải giản dị do tâm trí ta phán xét. Trong sự giản dị ấy là sự tỉnh thức trọn vẹn trong hiện tại khi ta để mọi thứ hiện diện như chúng là mà không có bất cứ một phản ứng nào thuộc tâm trí.
Tiếp đến là tại sao ta không thể chân thật và vô tư nhìn nhận rằng mình đang tham lam, mình đang tự lừa dối bản thân bởi những lý tưởng cao đẹp, rằng mình ngu ngốc, mình không biết gì cả … Tại sao ta cứ luôn né tránh bản thân mình, luôn hợp lý hóa mọi thứ ta làm, ta nghĩ, và luôn tự lừa dối rằng ta biết, ta giỏi… Có khi nào ta chân thật nhìn lại chính mình một cách vô tư và giản dị con người mà ta đang là hay không? Nếu ta biết ta biết là ta biết, nếu ta không biết ta cũng biết là ta không biết chứ không ngụy biện hay tự lừa dối chính mình. Khi ta Thấy rõ cái đang là này như thấy rõ “sự tuyệt vọng” ở trên, ở đó có một sự giải thoát cho chính ta, một sự chấm dứt của tâm trí, của bản ngã để cái-đang-là hiện diện dù đó có là xấu xa, đẹp đẽ hay là gì đi chăng nữa, và ở đó ta sẽ thấy cái trống không hiện diện, hãy làm đi và Thấy nó, nó không cao siêu gì cả mà nó giản dị vô cùng, giản dị như một chiếc lá rụng hay hòn sỏi nằm bên lề đường kia thôi… Nó đáng để sống lắm, rất bình thường và đơn giản thôi, chỉ tâm trí lúc nào cũng biến mọi thứ trở nên phức tạp và rối rắm.
Ảnh: an_photos
Vậy giờ ta muốn giản dị thì làm thế nào? Tâm trí sẽ rất ranh mãnh, nó sẽ tìm mọi cách để thể hiện sự giản dị, để nó nghĩ rằng nó giản dị, nó cao đẹp. Sự giản dị không phải là thứ có thể trau dồi, vì mọi sự trau dồi đều chỉ là giả tạo. Chỉ có một cách duy nhất là mỗi người chúng ta tự ý thức chính bản thân mình, chân thật với chính mình để thấy sáng suốt mọi thứ bên trong tâm trí ta và bên ngoài cuộc sống. Ngày ta Nhìn – tự ý thức chính tâm trí đang tự thể hiện, đang kiêu căng, đang tự mãn mà nở một nụ cười cho điều trẻ con ấy thì ngày ấy sự giản dị đã ở trong ta rồi. Và từ sự giản dị ấy, từ sự thấu suốt chính bản thân mình, ta có xu hướng buông bỏ nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn, cả cuộc sống vật chất bên ngoài lẫn mọi thứ phức tạp bên trong mà ta đã từng bám chấp như danh vọng, kinh nghiệm, kiến thức, thành tựu… Và đến lúc ta cảm thấy ta chẳng là ai cả, chẳng cần nhiều thứ như ta đã từng nghĩ ta cần, khi ấy ta nhẹ nhàng, đơn giản và thanh thản, tự tại. Ta tự do!
Tác giả: Phạm Đức Hậu