Không dự tưởng được cuộc sống của mình, chỉ thức giấc, ăn, đến trường, lướt web, ngủ, đại loại công việc kiểu ấy diễn ra đều đặn mỗi ngày. Kết thúc năm năm cấp 1, bốn năm cấp 2, ba năm cấp 3 và đã nộp đơn thi vào trường đại học để tiếp tục chặng đường học hành nghiêm túc theo như ý muốn của cha mẹ. Không có gì khác biệt giữa họ cùng bạn bè đôi lứa.
Không lên được đại học thì không có tương lai. Họ chỉ tiếp nhận tư tưởng này từ xã hội mà thậm chí không xác định được tương lai được nhắc đến ở đây là gì? Không có tiền mua gạo và thức ăn, không có tiền mua áo quần mặc, sống không được vui vẻ, sống kém hạnh phúc. Tương lai mà mọi người muốn phác thảo ra là gì mà chẳng khác nào cảm giác bị cưỡng bách uy hiếp trước cuộc sống. Tuy nhiên, đến khi vào được đại học, hình như họ vẫn chưa hiểu tương lai là như thế nào?
Họ được rao giảng trên truyền hình, báo chí, sách vở về ý nghĩa cuộc đời. Nhưng với một cuộc sống dựa dẫm cha mẹ thì phải chăng ý nghĩa cuộc đời chỉ cần được vui vẻ mỗi ngày, ăn món mình thích, mặc một bộ áo quần xinh, được cha mẹ chu cấp đầy đủ tiền tiêu vặt. Có sự khác biệt nào giữa ý nghĩa cuộc đời ẩn ý đó với ý nghĩa cuộc đời hồn nhiên vô tư lự của họ bấy giờ không? Có nghĩa là họ không hiểu. Họ không hiểu ý nghĩa cuộc đời mà mọi người vẫn đang nhắc đến.
Khi còn là một sinh viên, đôi khi tôi nghĩ tất cả mọi người đều giống tôi? Đều ăn uống no nê, khi đi trên đường cũng nhìn ngắm cây hoa lá cành, tối ngủ họ có mơ gì đó đặc biệt. Họ có cần đủ tiền tiêu vặt để ăn mấy món bên lề đường yêu thích như tôi, hay họ muốn nhiều hơn? Nếu như thế, tôi chẳng thể biết được con người khao khát chạm đến những tinh cầu nào ngoài trái đất. Càng suy nghĩ tôi càng thấy bất an, sao người khác lại có nhiều điều cần làm đến thế, còn tôi thì hoàn toàn chẳng biết bản thân muốn gì và thích gì. Như thế liệu có phải tôi sống mà thậm chí còn không biết mình sống để làm gì?
Đối với tất cả mọi người xung quanh, tôi lúc nào cũng run rẩy sợ hãi. Có người sinh ra làm thiên tài, tầm hiểu biết vượt ra khỏi mặt trăng, có kẻ ngồi lệch bệch dưới đáy giếng, chỉ đợi ngày đi gặp diêm vương để giải trình sự ngu muội ở trần gian, còn có kẻ khác như tôi, thiên tài không thấy mà đứa ngốc cũng chẳng ra gì, cứ đờ đẫn sống qua ngày như xác không hồn, không biết mình muốn gì, thích làm gì. Thành ra tôi luôn tự chôn giấu nỗi lòng này tận đáy sâu trong tim, dưới vẻ mặt ngây thơ hồn nhiên, tôi tỏ ra là một đứa vui vẻ, một sinh vật tràn ngập hạnh phúc nhất hành tinh. Mặc dù tôi rất đau khổ về căn bệnh nan y của mình, nhưng tôi không bao giờ để kẻ khác nhìn thấu tâm can tôi, cần ly tán cái nhìn của họ, không được làm vướng mắt họ. Tôi biến mình thành cơn gió lướt nhẹ qua tất cả.
Việc học hành ở trường của tôi phải nói là bê bét. Tôi nghĩ tôi phải là đứa đứng đội sổ cuối lớp nếu như tôi không may mắn gặp được những kẻ lười biếng hơn cả tôi. Sự nhàm chán của các môn học khiến tôi như rơi xuống mười tám tầng địa ngục, những bài giảng đó không thuộc về hành tinh nơi tôi sống. Xem nào, ở trường học, họ dạy tôi những cái thuyết sáo rỗng, triết học, toán học chỉ là một đống lý thuyết không thể vận hành trong đời sống. Mặc dù nó cũng giúp tôi rèn luyện tư duy nhưng có lẽ nó chỉ dành cho mấy đứa có chỉ số IQ cao. Họ dạy tôi thể thao rèn luyện thân thể, họ bảo rằng điều đó tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi lại không thể tự chọn cái nào phù hợp cho bản thân. Làm gì có cái nào tốt cho tôi khi tôi hoàn toàn không hề thích thú nó. Có thể tôi ngây thơ khi cho rằng cái tôi thích mới là cái tốt cho tôi. Trường học sẽ thật tốt cho bất kỳ ai yêu quý nó, yêu những gì họ được học trong đó, còn đối với những người không thuộc về, liệu có cần phải tốn thêm thời gian để đi vào con đường mà chắc chắn sẽ là ngõ cụt.
Không riêng gì tôi, tất cả đám còn lại trong lớp đều luôn tự nhận đang nghe những điệu nhạc dở tệ nhất mỗi ngày, nhưng tất cả bọn chúng đều không muốn phản kháng, chúng nghĩ chỉ cần cúi mặt rồi bơ đi, chỉ cần nghe tai này lọt qua tai kia, cuộc đời sinh viên đến thế là xong. Chúng tôi, một đám người sống cúi đầu cam chịu an phận trong phần đời đã được xã hội sắp đặt sẵn.
Không vào đại học thì không có tương lai, thế khi vào được? Tôi dám chắc tương lai sinh viên đang có chắc phải là chiếc vé đưa tiễn họ đến miền cực lạc cuối cùng. Vậy mà họ vẫn xem như mọi thứ diễn ra là bình thường. Mặc kệ thôi. Tuy không hứng thú với việc mọi người lừa dối sự đau khổ trong nhau nhưng bản thân tôi cũng sáng qua chiều đang sống cuộc đời đau khổ như tất cả .
Tôi không mong chờ gì sự đồng cảm từ cha mẹ hay mọi người về sự học chán chường của tôi. Họ sẽ không hiểu vì lời nói của tôi không đi qua được lỗ tai họ. Dù có kể với cha mẹ, hàng xóm, hay thưa trình lên cơ quan chính phủ nhà nước thì hình như cũng không thể thưa hết sự tình. Có một sự thực mà càng lớn tôi càng nhận ra rõ rệt là việc giải bày với thế gian luôn là trò mèo vô ích. Nếu không có một phương án nào khả thi để thay đổi tình thế thì tốt nhất là tôi nên im lặng.
Thời sinh viên, tôi rất thích lái xe qua các con đường ngoằn ngoèo trong thành phố. Nhìn đám lục bình trôi dạt trên sông, tôi dựng xe trên vỉa hè rồi ngồi nhìn chúng. Thỉnh thoảng tôi ngước lên bầu trời, những đàn chim bay lượn trong không trung, tôi thấy những đám mây đang trôi, mọi người di chuyển qua lại trên đường phố. Mọi cuộc sống quanh tôi đều đang chuyển động, chỉ tôi đứng yên. Tôi vẫn thức giấc với một vài công việc mỗi ngày, nhưng không có một mối liên kết nào với cuộc sống, tôi luôn nhận thấy chiếc kim phút ngưng đọng, chiếc kim giờ ngưng dịch chuyển, còn chiếc kim giây thì như muốn rơi ra khỏi trục quỹ đạo của nó. Thời gian của tôi đã dừng lại, có phải cuộc sống của tôi đã kết thúc, cái chết của tôi đã bắt đầu khởi động. Tôi lại nhìn vào khoảng không mênh mông sâu thẳm kia, phía đường xa chân trời, có ai đó hãy trả lời: “Tôi sống có ý nghĩa gì?’’
Nhưng hầu hết sinh viên lại luôn ngại ngùng khi nhìn thấy mấy anh chị lao công quét rác trên vỉa hè. Mặc cho đó cũng là một công việc ý nghĩa, làm sạch đẹp cho môi trường thiên nhiên. Họ nghĩ đến cảnh mình đang vật lộn ngoài đường bên cạnh một xe bánh mì. Họ rất sợ phơi mình giữa nắng nóng trong tâm thế một anh thợ hồ… Họ cũng tưởng tượng đến bộ dạng mình trong tất cả nghề nghiệp và biết rằng họ không sẵn sàng để đưa ra quyết định thay đổi. Phải rồi, đối với sinh viên thì việc học mới là điều quan trọng nhất, không có bất kỳ một mối bận tậm nào quan trọng hơn là việc kết thúc những năm học, hãy khép lại tất cả mọi thứ cho đến khi tốt nghiệp.
Tôi thì nghĩ đúng hơn là không có bất kỳ một mối bận tâm nào quan trọng hơn việc học đại học đối với cha mẹ họ, đối với hàng xóm láng giềng, với người xung quanh họ. Có thể người khác sẽ bảo đừng nói về những thứ vớ vẩn ấy khi chưa bước chân vào đời. Làm điều mình thích là việc quá dễ dàng, nó rồi sẽ được ưu tiên cho những thứ khó khăn hơn. Khi bước chân ra đời, va chạm rồi vấp ngã, sẽ thấy mỗi ngày trôi qua đều có người rời bỏ cuộc chơi của mình để sống dung hòa với xã hội như bao người khác.
Tôi chỉ thực sự không hiểu tại sao người ta cứ nói làm theo những gì chúng ta muốn là điều không quan trọng. Mọi người cần phải kiềm chế mình trước những mong muốn đó của bản thân. Người ta tưởng rằng nói lời cay nghiệt để dập tắt đi những khát khao đam mê của người khác là một lời khuyên, là một sự chân thành cần thiết, người ta tỏ ra thật có đạo đức với hành động ấy mà không nghĩ thật tàn nhẫn khi bắt một người khác phải dừng lại điều mình yêu thích còn ác độc gấp trăm lần.
Cuộc sống này, nhiều người đánh lừa bản thân bằng những giá trị ảo tưởng, không ai biết sống thật. Họ đứng trên sân khấu cuộc đời mình, mặc những bộ xiêm y lộng lẫy, nói những lời hoa mỹ ngọt ngào êm tai trước tất cả những người đang dõi theo họ, che đậy cảm xúc hiện trên khuôn mặt mình bằng những lớp dày son phấn. Hầu như không ai biết thành thật ngay cả chính mình. Tôi thấy chán ngắt những vẻ bên ngoài ấy, lừa dối giả tạo.
Sống trong một đời sống mà con người mất hẳn đam mê với đời sống, tất cả mọi người bị cuốn vào đó và rồi chẳng còn mấy ai là còn thiết tha với điều mà bản thân yêu thích. Ai cũng chạy theo ảo vọng rồi quên đi mục đích mà mình đến trái đất là để làm gì, mấy ai còn đang đi theo đúng sứ mệnh của chính mình, còn mấy ai đâu.
Bạn phải đi thật xa ra khỏi những cạm bẫy, phải sống một cuộc sống đáng giá hơn. Nhưng đam mê của bạn là gì? Bạn cần đi tìm kiếm nó. Và trước khi chưa tìm thấy, tốt nhất là hãy cứ ngồi yên trên chiếc ghế mà bạn phải tốn rất nhiều tiền để mua nó vì đó không phải là tiền của bạn. Đó là mồ hôi sương máu của cha mẹ bạn.
Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố