29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 26 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 48

Tiêu hóa thực tại – Nuốt vào một liều thuốc đắng

0

Ở kế nhà mình có một gia đình kia, gồm vợ chồng và hai đứa con nhỏ, một đứa mới bập bẹ biết nói, một đứa mới lọt lòng được vài tháng. Mấy ngày gần đây, mình nghe thấy đứa lớn kêu la đau đớn và gào khóc mỗi buổi sáng và chập choạng tối. Những lúc đó, mình biết là nó đang đến giờ uống thuốc. Người mẹ thì dùng đủ lời ngon ngọt dỗ dành cho đến quát tháo hăm dọa, thậm chí đánh đòn để cho đứa bé chịu chữa bệnh. Còn đứa bé thì sao? Nó bất hợp tác với người mẹ, tìm đủ mọi cách chống cự, la hét, khóc lóc đầy khổ sở. Mỗi lần nghe cảnh mẹ con vật lộn nhau chuyện uống thuốc bên nhà đó là mình cảm thấy như đang được xem một vở bi kịch.

Dù chỉ là một chuyện cỏn con thường thấy trong gia đình, nhưng mình nhận ra nó cũng không khác gì những chuyện đau khổ của con người chúng ta, ở mọi cấp độ. Tại sao lại như vậy? Vì đa phần chúng ta cũng thường xuyên chống cự lại những gì tốt nhất dành cho mình, vì tưởng rằng chúng là những thứ tồi tệ xấu xa.

Muốn người khác chú ý yêu thương nhưng không được, ta kêu than rằng mình bất hạnh và trách cứ người kia vô tâm. Trong khi người đó đang trao cho ta viên thuốc đắng để chữa bệnh cô đơn dựa dẫm, đó là tự dành thời gian và sự chú ý cho chính bản thân mình. Làm việc ở cơ quan, hay bị đồng nghiệp chỉ trích, nói xấu xung quanh, ta bực bội và đổ lỗi cho họ làm ảnh hưởng đến tần số “tích cực” của mình. Trong khi đó, những đồng nghiệp này đang trao cho ta viên thuốc đắng để chữa thói hay quan tâm đến ý kiến của người khác, thói phóng dật thích hướng ra ngoài, đó là hãy tin tưởng vào chính mình và kiên định đứng giữa dư luận đầy náo động. Kế hoạch của công việc bỗng nhiên đổ bể, ta thấy bất mãn với năng lực của chính mình và cố gắng kiểm soát mọi thứ vụn vỡ sao cho đúng khớp với tưởng tượng về sự thành công. Nhưng càng gồng lên bao nhiêu, ta càng kiệt quệ và tuyệt vọng bấy nhiêu, rồi than thân trách phận. Trong khi đó, sự thay đổi đột ngột trong công việc chính là liều thuốc đắng mà cuộc đời trao ban để ta chữa bệnh cứng đầu cứng cổ, cao ngạo và bảo thủ, bằng cách tập khơi dậy đức tin vào những điều kỳ diệu của cuộc đời ẩn sau những sự bất ngờ và mờ mịt.

Có thể nói, sau khi chứng kiến đủ nhiều những nỗi khổ đau và bất hạnh của con người, đồng thời trải nghiệm những góc tối của bản thân, mình đã nhận ra một quy luật chung đó là: những tai ương không nằm trong nghịch cảnh hay các vấn đề đến từ bên ngoài, mà nó nằm trong thái độ của chúng ta trước hoàn cảnh đó. Và một thái độ lỗi thời điển hình của con người đó là chống cự thực tại, phản ứng tiêu cực với những gì đang diễn ra. Chính phản ứng cứng nhắc và hợm hĩnh đó là nguyên nhân gây nên bệnh tật và đau đớn. Trong khi đó, dòng chảy cuộc sống đang tuôn trào sinh động lại như một cái máy quét tinh vi. Dù thể hiện qua một lần thất nghiệp, một lần chia tay người yêu, một lần mất mát của cải, v.v…, nó đều có tác dụng “scan” căn bệnh cứng đầu của một con người. Khi nếm trải những nghịch cảnh, người đó có thể thấy mình còn mang những biểu hiện buồn khổ, bất mãn, bực bội, thất vọng, chống cự, níu kéo, tranh cãi, than vãn, đổ lỗi, suy nghĩ không thể ngưng nghỉ, và cuối cùng là cạn kiệt sinh lực, nằm bẹp một chỗ như một con gián hấp hối.

Khi may mắn được dòng đời “quét” ra bệnh chống cự, bạn có biết “thuốc giải” cho khối u tinh thần đó nằm ở đâu không? Nó ở ngay chính tinh thần của bạn, được gọi dưới cái tên “quy phục” hay “chấp nhận hoàn toàn.” Vì thái độ này mang bản chất trái ngược với những xung động chống đối, nên nó sẽ hòa tan những tiêu cực và dữ dội kia để đưa bạn vào trạng thái thanh thản, an bình.

Mình tạm ví von sự quy phục như việc tiêu hóa thực tại. Bạn hãy tưởng tượng mọi thứ đang diễn ra, dù khó chịu và khó chấp nhận đến thế nào, cũng như một cái bánh. Bạn tập há chiếc hàm cứng nhắc của mình thật to sao cho bỏ vừa miếng bánh và nuốt nó từ từ từng chút một, như một con trăn kiên nhẫn nuốt cả một con trâu rừng và sẽ tiêu hóa con trâu ấy trong vòng một tháng tới. Bạn bị sếp la mắng ư? Chuyện nhỏ, hãy tập nuốt từng lời của sếp nào. Cứ chầm chậm thôi rồi bạn sẽ cảm thấy sự tuyệt diệu của thứ âm thanh mà sếp phát ra từ cửa miệng. Bạn sẽ nghe thấy một nốt nào đó như tiếng chim hót, một nốt nào đó như tiếng nước reo, và một nốt nào đó như tiếng nói thân thương của ông nội yêu quý có mái tóc bạc phơ của bạn. Bực bội với người yêu vì anh ta không nói lời ngọt ngào như bạn hằng khao khát ư? Không vấn đề gì, hãy bắt đầu nuốt sự bực bội và bất hạnh của chính bạn nào. Cứ hít thở nhẹ nhàng rồi bạn sẽ lách được những cái ngạnh nóng bỏng của cơn giận vào trong chiếc miệng của ý thức, rồi sẽ lách tiếp được những làn sóng dữ dội của cảm xúc tủi thân dâng trào. Bao nhiêu năng lượng đáng lẽ sẽ dồn vào để sản xuất hàng chum nước mắt, nhưng bây giờ, bạn từ tốn mở lòng và nuốt chúng trở lại vào bên trong, để sản xuất ra hàng thùng đức vị tha và kiên nhẫn.

Cứ như vậy, khi gặp bất kỳ ai đó hay hoàn cảnh nào đó khó chịu, bạn cứ tập nuốt chúng dần dần. Thực hành nhiều lần rồi bạn sẽ trở nên điêu luyện, trở thành một bậc thầy “tiêu hóa” những thứ khó nhằn. Và ở một cấp độ sâu sắc hơn, bạn nhai nuốt chính những chống cự và căng thẳng của bản thân. Lúc này, bạn đang tiêu hóa thực tại và chuyển hóa nó thành trí tuệ nội tâm, thay vì tỏ thái độ khó chịu, nôn mửa tùm lum vào mọi thứ và khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn cả lúc ban đầu.

Không biết các bạn ở đây có biết đến một phương pháp nhịn ăn để thanh lọc cơ thể không. Khi bạn nhịn đói đói đủ lâu và thiếu hụt chất dinh dưỡng, cơ thể kích hoạt chế độ autophagy (tự thực). Lúc này, cơ thể bắt đầu tiêu hóa những tế bào già yếu và bệnh tật. Nó tự ăn chính nó. Đồng thời, cơ thể cũng rơi vào trạng thái tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tương tự như autophagy, chuyện tiêu hóa thực tại mình mô tả ở trên cũng là cách linh hồn tự ăn những tế bào tiêu cực, yếu kém của nó, chính là phần tâm trí chống cự và bất kham. Khi thực hành quy phục càng mãnh liệt, tâm hồn bạn càng bình thản và thanh sạch tự nhiên. Và điều này thật sự rất tuyệt vời.

Nếu bạn vẫn cảm thấy chuyện nuốt trôi thực tại là khó khăn và cần thêm động lực hay các lý do khác để thuyết phục, thì mình chỉ chia sẻ thêm điều này. Nếu bạn thật sự mạnh hơn những gì đang diễn ra, bạn không cần phải gồng lên với nó. Còn nếu bạn yếu hơn những gì đang xảy đến, bạn cố gồng cũng không ích gì. Nên tốt hơn hết, ngay từ ban đầu, hãy bình thản đón nhận tất cả.

Nói tóm lại, chỉ những ai còn mang nhận thức “em bé” (chưa trưởng thành), là còn chưa hiểu rằng viên thuốc của người mẹ là thứ tốt lành, cũng như mọi chuyện đang xảy đến trong cuộc sống có vẻ đắng cay bề ngoài, nhưng thực chất lại là một ân sủng. Vì chưa có ý thức đầy đủ, nên góc nhìn của một người là non nớt và thiếu chính xác, kéo theo những phản ứng và hành động sai lầm. Dù bạn có chống cự thế nào, thì với cuộc sống này, bạn cũng chỉ như đứa con nhỏ ngây dại còn chưa biết điều phải quấy. Vũ trụ sẽ ngọt ngào với bạn lúc đầu, như một người mẹ đầy thương yêu tìm cách dỗ dành đứa con yếu ớt để nó uống thuốc. Và nếu đứa nhỏ vẫn còn cứng cổ, bà mẹ hẳn sẽ phải dùng đến sự cứng rắn để điều trị. Và hiển nhiên, bàn tay của người mẹ quất vào mông đít bạn thì nhẹ hơn rất nhiều bàn tay của Trời Đất quất vào cả cuộc đời bạn, không chừa một góc độ nào, chỉ để bạn uống liều thuốc quy phục. Vậy nên, nếu bạn là người khôn ngoan, hãy hợp tác với người Mẹ Cuộc Đời.

“Hầu hết, mọi người đều yêu thương cái bi kịch cuộc đời của riêng họ. Diễn biến trong quá khứ của họ được xem là chính bản thân họ, hình thành cái tự ngã hư ngụy điều động cuộc sống của họ. Toàn bộ cảm nhận về cái tôi của họ đều được đầu tư vào cái bi kịch đó. Ngay cả nỗ lực – thường không thành công – tìm kiếm một lời đáp, một giải pháp, hay tìm cách chữa lành mọi đau khổ cũng trở thành một phần của bi kịch đó. Điều mà họ sợ hãi và phản kháng nhiều nhất chính là hồi kết thúc tấn bi kịch của họ. Bao lâu họ vẫn còn là tâm trí của họ, thì điều mà họ sợ hãi và phản kháng nhiều nhất chính là sự tỉnh thức của riêng họ.” — Eckhart Tolle, Sức mạnh của hiện tại

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: Nik Ramzi Nik Hassan | Unplash


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

3 góc nhìn sai lầm về sự quy phục

Cách đây không lâu, mình có xem một video rất tuyệt vời và giàu ý nghĩa về cuộc đời của một đạo sư giác ngộ nổi tiếng Ấn Độ, là Ramana Maharshi. Vị đạo sư này đã nói về 2 cách chính giúp một người thức tỉnh tâm linh: truy xét Chân Ngã (Self-inquiry), hoặc quy phục Chân Ngã (Self-surrender). Trong quá trình tu tập, mình vượt qua được những chướng ngại tinh thần chủ yếu bằng việc thực hành theo cách thứ hai. Và trong các bài viết của mình cũng thường xuyên đề cập đến cách thức và tầm quan trọng của việc quy phục đối với sự khai sáng của một cá nhân.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với khái niệm “quy phục”, một người có thể hiểu lầm đây là một trạng thái yếu đuối, nhu nhược, gió chiều nào xoay chiều nấy mà không có sức mạnh hay sự tự chủ, từ đó dẫn đến những phản ứng và hành động cứng nhắc cực đoan. Nên hôm nay, trong bài viết này, mình sẽ tập trung làm sáng rõ thêm về việc quy phục bằng cách chỉ ra 3 góc nhìn sai lầm của bạn đọc về khái niệm này.

quy phục

1. “Quy phục là yếu đuối.”

Quy phục là hành động thể hiện sự chấp nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại một cách hoàn toàn, không có gì khác ngoài sự mở lòng đón nhận. Trạng thái mở lòng toàn bộ chính là biểu hiện của tình yêu. Nó là năng lực của người mạnh, người có nhận thức cao. Ở đó không hề có một bức tường phòng thủ nào, không có ý kiến cá nhân chen ngang, không có phân tích về sự kiện, không có tranh đua hơn thua được mất.

Tất cả chỉ là chấp nhận mà không cần lý do, bất kể hoàn cảnh đó khác lạ, khó chịu, hay dữ dội đến nhường nào. Người này giống như bầu trời bao la, không hề bị thay đổi bởi bão tố, thậm chí còn đủ sức dung chứa bão tố bên trong lòng. Còn một người yếu đuối, thì chỉ như một ngôi nhà bé nhỏ, cố gắng cầm cự, bảo tồn những của nả tích chứa bên trong khi gặp thời tiết xấu. Khi sự bảo vệ này gặp thất bại thì sinh ra buồn khổ, bất mãn.

Ví dụ mất tiền thì kêu than xui xẻo, người yêu rời bỏ thì vật vã không yên, người khác bình phẩm thì xao động phiền não, thành công chưa tới thì bồn chồn mất kiên nhẫn, gặp xung đột quan điểm thì gân họng cãi cọ cho bằng được, v.v… Những sự chống cự này chính là dấu hiệu của một người yếu đuối, không phải của một người mạnh biết quy phục. Cũng về ý tưởng này, trong Baki manga, Yuichiro Hanma, sinh vật mạnh nhất hành tinh đã nói với võ sư Kaioh Kaku rằng:

“Ông yếu là vì ông chứa đầy khát vọng và tham lam!!!”

2. “Quy phục là thờ ơ với mọi thứ.”

quy phục
Photo by Slava B on Unsplash

Có một bạn đã từng hỏi mình rằng khi bạn ấy bị ngứa chân thì cứ ngồi im không nhúc nhích và chịu đựng cơn ngứa thì gọi là quy phục phải không? Đây là một trường hợp hiểu sai khái niệm. Trong tình huống này, quy phục là biết rằng việc chân bị ngứa là chuyện hiển nhiên xảy ra trong hiện tại. Ta không thể ngăn nó không xảy ra, mà chỉ có thể phản ứng thích hợp và cần thiết với nó.

Đó là gãi, bôi thuốc, hoặc ngồi im nếu vệt ngứa không quá nghiêm trọng. Và hiển nhiên, ta không bực bội gì vì cái ngứa, không đè nén nó một cách cực đoan, và cũng không giả vờ là nó không hề tồn tại. Quy phục là thuận theo dòng chảy mà sống, thuận theo những điều kiện hiện có trong hiện tại để vận động một cách cân bằng.

“Không phải chỉ cần tránh hoạt động là thoát được nghiệp báo, và cũng không phải sống thoát tục là đắc quả toàn thiện. Ai cũng buộc phải miễn cưỡng hành động theo các phẩm chất mà thuộc tính thiên nhiên phú cho anh ta, vậy nên không ai có thể ngưng hành động dù là một khoảnh khắc.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (3:4-5)

Download Chí Tôn Ca Free >>> bit.ly/CTC_THDP_EBOOK

Chuyện này cũng giống như khi thấy bụi bẩn ở nền nhà thì ta quét dồn lại và đổ chúng vào sọt rác. Đây là tư duy rất hiển nhiên của một người có trí óc hoạt động bình thường, sáng suốt. Ta không đứng im đó gương mắt lên nhìn đống bụi tự nó chạy vào thùng rác, hoặc chửi rủa đống bụi là lũ bẩn thỉu xấu xa trong hàng tiếng đồng hồ rồi mới đi quét dọn, hay giả vờ rằng đống bụi đó không hề xuất hiện trước mắt.

Chống cự, đè nén, hay thờ ơ đều là các bức tường phòng thủ ngăn cản một người có thể tiếp xúc trực tiếp và trong sáng với hoàn cảnh hiện tại. Các phản ứng đó đều không phải sự mở lòng đón nhận, không phải sự quy phục.

3. “Quy phục là đi theo bất kỳ điều gì.”

quy phục

Một ví dụ khác về sự bối rối trước việc quy phục, đó là có một bạn hỏi rằng: “Khi bên trong mình có những suy nghĩ bất thiện thì quy phục thế nào? Mình cứ để những suy nghĩ đó lôi kéo dẫn dắt mình làm chuyện bậy bạ ư?”

Ở đây, sự quy phục trong các tình huống này không phải bạn cúi mình trước những điều hèn kém, mà là cúi mình trước Thần Lực vĩ đại đang làm lộ ra những sự hèn kém bên trong chính bạn, hay Thần Lực đang được ngụy trang trong những hiện tượng khó chịu. Hay nói cách khác, bạn quy phục Đạo lý và những điều chân thiện mỹ, chứ không phải những điều vô minh, bất thiện.

Mọi thứ đang diễn ra, dâng lên rồi hạ xuống, hội tụ rồi tan rã, dễ chịu hay khó chịu đều là biểu hiện của các quy luật tự nhiên. Khi nhìn thấy chúng và biết hướng lòng nhớ đến các nguyên lý tối cao, một người sẽ tiếp nhận những sự khó chịu ấy một cách trung tính.

Còn nếu quên đi các Quy Luật vận hành phía sau hiện tượng mà chỉ mải quan tâm đến sự hưởng thụ dễ chịu của riêng mình, người ấy hoặc sẽ nảy sinh xung đột với các hiện tượng tiêu cực và hứng chịu sự mỏi mệt, hoặc sẽ bị xúi bẩy làm những chuyện tiêu cực từ những gợi ý của chúng.

Vậy nên, quy phục không phải là nhún mình trước bất kỳ điều gì, mà là trước điều vĩ đại nhất, thứ đang được biểu lộ trong muôn loại hoàn cảnh. Hay nói theo cách của Ram Dass, thì:

“Hãy đối xử với mọi người bạn gặp như đó chính là Thượng Đế đang ngụy trang.”

Bạn không chống cự, phân bua hay xuôi theo những vẻ ngoài của Thần Lực, mà khiêm nhường từ tốn trước các biểu hiện của nó, dù đó có thể là một suy nghĩ đen tối, một làn sóng giận dữ, hay một hoàn cảnh nằm ngoài dự tính, v.v… Khi quy phục, bạn không tương tác với cái vỏ hiện tượng, mà tương tác với phần lõi năng lượng của hiện tượng. Lúc ấy, cái vỏ không thể tác động gì đến bạn, vì bạn đã nằm ở một chiều kích khác, một cấu trúc khác, với sự chú ý đặt vào một hướng hoàn toàn khác.

Kết luận lại, quy phục là sự đón nhận hoàn cảnh một cách tự nhiên vô tư, từ đó một người có các phản hồi cần thiết và hợp lý. Ngoài ra, nó cũng là một sự nhún mình trước năng lực vĩ đại của tự nhiên, được biểu hiện trong mọi hiện tượng đời sống.

Những thái độ chống đối, phán xét, suy diễn, trốn tránh, thờ ơ, hay đè nén mọi chuyện đang diễn ra trong hiện tại đều là dấu hiệu của sự không biết quy phục, là các bức tường phòng thủ tâm lý của một người. Chúng cần được dỡ bỏ càng sớm càng tốt để người đó có thể trải nghiệm một thực tại tươi mát và sáng trong, thứ đã, đang và sẽ luôn là như vậy.

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: Aiony Haust | Unplash

💎 Xem thêm: Mọi thứ đều bế tắc cho tới khi tôi quy phục God

Những món quà của cuộc đời

1

Có bao giờ các bạn nhìn lại cuộc sống của chính mình và để ý thấy rằng: khi dòng đời hiện ra một chuỗi bất định không báo trước, bạn đã từng cảm thấy sợ hãi lo lắng không? Khi đau đớn bệnh tật ập đến, bạn đã từng khổ sở ưu phiền không? Khi công việc đổ bể, không được tựu thành như ý, bạn bực bội, bất mãn và nghĩ rằng mình thật kém cỏi không? Khi chán nản uể oải trước công việc, bạn lại tìm cách trốn chạy và đổ lỗi cho những khiếm khuyết của ngành nghề ấy không? Và khi sống cạnh những người không hợp tính hợp nết, bạn thấy khó chịu và muốn sửa đổi họ theo ý mình không?… Cứ như vậy, khi cuộc sống xảy ra biến động gì khó ưa hay nghịch đường kỳ vọng, bạn lại coi đó là một sự kiện bất hạnh? Nếu câu trả lời là “đúng vậy” thì bạn đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá được tăng trưởng kinh nghiệm và trí tuệ trong đời. Hay theo cách nói của Joseph Campbell thì:

“Cái hang bạn sợ bước vào đang nắm giữ kho báu mà bạn tìm kiếm.”

Có thể các bạn đã đọc sách vở về các suy nghĩ tích cực hay nghe ai đó khuyên nhủ một lối sống hữu ích bình an. Nhưng cuối cùng, những điều đó từ đâu xuất hiện nếu không phải từ chính con người bạn khi được va đập với đời? Đọc một cuốn sách Thánh không làm bạn trở nên Thánh nhân, mà bằng cách sống hiên ngang và bình tâm giữa những chướng ngại và khó nhọc. Nếu không có sóng gió ấy thì bạn sẽ không bao giờ nhận ra được những đức hạnh còn ẩn giấu của chính mình. Vì sóng gió chính là những tấm màn tương phản với những điều quý giá ở bên trong bạn, như màu đen làm nổi bật màu trắng vậy. Và để thấy những đức hạnh nảy nở, bạn chớ nên run rẩy trước những mảnh đất khó khăn của đời.

Có một người bạn đã từng nhắn tin cho mình và bảo rằng khi đọc những bài viết của mình về quy phục, bạn ấy không biết quy phục như thế nào. Nhưng vào một buổi tối, khi gặp chuyện căng thẳng và áp lực, bạn lại thấy an yên ngay giữa cơn bão táp và hiểu ra được quy phục là gì. Nếu người bạn này không dũng cảm kiên tâm đứng giữa những chao đảo thì sẽ không thể thấy được món quà bí ẩn mà cuộc đời đang để ngỏ, là bình an nội tại.

Nói đến đây mình nhớ một câu chuyện đã đọc từ rất lâu. Rằng có một nhà vua nọ ra đề bài cho một cuộc thi vẽ tranh: “Hãy vẽ sự bình an” và treo giải thưởng rất cao. Rất nhiều người đã hào hứng tham gia. Người thì vẽ mặt biển lặng thinh vào một ngày nắng chói chang, người thì vẽ chiếc lông vũ đậu trước sân nhà, người thì vẽ em bé nằm say ngủ trên võng, v.v… Nhưng duy nhất chỉ có một người đoạt giải thưởng của nhà vua, đó là một anh chàng kia vẽ những chú chim non đang ngủ dưới đôi cánh của chim mẹ trong một chiếc tổ bằng rơm, và bên ngoài đang là đêm đen mưa gió bão bùng.

Nếu có thời giờ ngồi lại với chính mình, bạn hãy thử nghĩ mà xem. Ốm đau bệnh tật chẳng phải là cơ hội để rèn luyện ý chí và nghị lực sống hay sao? Dư luận ồn ào chẳng phải là động lực để vun đắp sự kiên tâm vào chính mình hay sao? Các cám dỗ tiêu cực chẳng phải là lời nhắc nhở về sự quyết tâm xây dựng lối sống thiện lành hay sao? Và những kế hoạch cá nhân đổ bể chẳng phải là tiếng chuông đánh thức đức tin vào kế hoạch vĩ đại của cuộc đời sao? Nếu bạn còn cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, căng thẳng hay bất mãn vĩ bất kỳ điều gì, đó là do bạn vẫn chưa đặt mục tiêu tìm kiếm đức hạnh của bản thân ở trong các trải nghiệm, chưa nhìn thấy những món quà bí ẩn của cuộc đời. Thứ bạn đang chạy theo là vật chất hào nhoáng và phù du ở bên ngoài, nào là sự dễ chịu của các giác quan, nào là sự chú ý và chấp nhận của đám đông, nào là sự kích thích hưng phấn, rồi thì sự tự mãn với trí thông minh của chính mình, sự an toàn bao bọc, sự hưởng thụ các công lao làm việc, các hình ảnh con người tài giỏi xinh đẹp, sự giàu có, quyền lực và khả năng kiểm soát thế giới, v.v…

Mình để ý thấy rằng thời buổi ngày nay, không có mấy người biết tìm kiếm đức hạnh khi gặp nghịch cảnh, nên ít ai có được bình an và hạnh phúc viên mãn trong đời. 10 người tìm đến mình mong được gỡ giải các vướng mắc thì 9 người có góc nhìn tiêu cực với cuộc đời và đã từng sống với những mục đích sai lầm. Sự sai lầm và tiêu cực ấy thể hiện ở việc người đó không dám từ bỏ những mục đích theo đuổi vật chất bên ngoài, để đảo hướng nhìn vào gói quà tinh thần mà cuộc đời đang muốn trao tặng. Vì thế, những người bạn này luôn nhìn thấy những sự đe dọa và áp lực không dừng từ thế giới, thấy cuộc sống là tàn nhẫn, khó nhọc, bất hạnh, và thấy bao nhiêu nỗ lực của bản thân cũng là không đủ cho một sự thành tựu.

Tuy nhiên, có một quy luật sống hạnh phúc mà đa phần chúng ta không được truyền dạy chính thức ở trường lớp, đó là thay vì tìm kiếm những thú vui hay vật chất bề ngoài, hãy tìm kiếm “kho tàng trên Trời” là những giá trị đạo đức, thái độ bình thản, hay các góc nhìn cao thượng. Vì chỉ như vậy, một người mới nhận ra rằng cuộc sống này là một “món hời” thật sự, là một lục địa bao la chôn đầy những thứ quý giá. Một người khi đã nắm bắt được quy luật này thì sẽ không sợ hãi hay chống cự dòng chảy cuộc sống, mà hân hoan đón nhận lòng hào hiệp của thế gian khi nó đang trao cho họ rất nhiều những cơ hội để tiến hóa. Vậy chẳng phải mỗi người chúng ta, với khát khao trưởng thành, càng nên mở rộng vòng tay để chào đón cuộc đời thay vì đóng cửa thu mình hay sao?

Với tri thức đúng đắn về việc kiếm tìm “kho báu”, khi nhìn thấy sự sợ hãi bên trong lòng, một người sẽ thấy sung sướng vì biết rằng nếu tiếp tục tiến tới trải nghiệm làm anh ta run rẩy, thì viên ngọc quý dũng cảm sẽ lộ ra. Khi chứng kiến sự giận dữ đâm chồi, anh ta cười thầm vì biết rằng nếu không chùn gối trước sức nóng hỏa ngục này, thì rương vàng yêu thương sẽ đổ đầy trong tâm khảm. Và khi đối diện với những nỗi nghi ngờ vây bủa, anh ta rục rịch mở những khúc ca khải hoàn vì biết rằng đây là thời khắc đức tin tâm linh được hé nở. Về khía cạnh này, Terence McKenna đã từng nói rằng:

“Trời đất yêu quý lòng can đảm. Nếu bạn đặt ra quyết tâm thì trời đất sẽ đáp ứng lại quyết tâm đó bằng cách loại bỏ hết mọi vướng bận tưởng chừng không thể. Mơ giấc mơ không tưởng và thế giới sẽ không nghiền nát bạn; nó sẽ nâng bạn lên. Đây chính là cái mẹo. Đây là những gì mà các đạo sư và các triết gia, những người thật sự đáng kể, những người thật sự đã chạm vào được hòn đá hóa kim, đây là những gì họ hiểu. Đây là điệu nhảy của pháp sư trong thác nước. Đây là cách phép thuật được thực hiện: Bằng cách quăng bản thân mình vào vực thẳm và khám phá ra được rằng nó là một chiếc giường tơ êm ái.” (Huy Nguyen dịch)

Nên tóm lại, bạn hãy dũng cảm bước vào các trải nghiệm cuộc sống và hướng đến các giá trị tâm hồn, bất kể các trải nghiệm ấy có vẻ ngoài khó chịu ra sao. Vì cuộc đời này được thiết kế là để bạn chạm tới những kho báu tinh thần tuyệt vời nhất. Và sau hôm nay, nếu có gặp nghịch cảnh hay khó chịu chuyện gì, thì bạn hãy khơi lại với bản thân một thông điệp rằng, “mọi thứ đều là món quà từ Trời, đôi khi những điều rạng rỡ bạn sẽ được đón nhận lại đang được gói trong một lớp vỏ sần sùi.”

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: Daiga Ellaby | Unplash


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Bộ não của Phật – Hiểu về sự nhạy cảm của não bộ với khổ đau

3

(Trích) Một điều lưu ý rằng đây không phải là “Bộ não của Phật” theo đúng nghĩa đen hay là những lời truyền đạt của Phật về não bộ từ hàng nghìn năm trước. Bộ não của Phật được nhìn dưới góc độ khoa học tại sao lại có đau khổ, tại sao chúng ta và cần thực hành thiền tập để điều khiển tâm của mình dựa trên khoa học thần kinh.

• • •

  • Review khá dài nhưng để tóm lược phần nào của 350 trang sách Bộ não của Phật về hai chủ đề không đơn giản, thì mình đã cố gắng hết sức có thể.
  • Bìa sách bị gãy do vận chuyển.

1.  Nói về bộ não của Phật nhưng không phải là bộ não của Phật

Đối với mình, đây là một trong những cuốn sách thú vị nhưng không dễ đọc khi kết hợp giữa những tuệ giác cổ xưa từ thực hành thiền quán, điều khiển tâm mà Phật Thích Ca truyền lại với những khám phá và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh liên quan đến việc não bộ hình thành nên “Tâm” và “Tâm” tạo ra đau khổ như thế nào.

💎 Sau khi Đức Phật giác ngộ, ngài có vẫn tiếp tục phát triển?

Nhưng bạn cũng không cần phải là một chuyên gia, nhà nghiên cứu hay Phật tử thì mới cần đến những giá trị có ích trong cuốn sách Bộ não của Phật. Dù nó khó đọc, nhưng với độ dài phù hợp và có nhiều giá trị nên bạn có thể đọc lại nhiều lần để khám phá sẽ sức mạnh của sự bình thản, của thiền có liên quan ra sao trong việc hạn chế khổ đau.

Một điều lưu ý rằng đây không phải là “Bộ não của Phật” theo đúng nghĩa đen hay là những lời truyền đạt của Phật về não bộ từ hàng nghìn năm trước. Bộ não của Phật được nhìn dưới góc độ khoa học tại sao lại có đau khổ, tại sao chúng ta và cần thực hành thiền tập để điều khiển tâm của mình dựa trên khoa học thần kinh.

2. Chúng ta được sinh ra với bộ não nhạy cảm và thích thú với khổ đau

Mỗi người chúng ta đều sở hữu một bộ não nhạy cảm với hơn 100 tỷ tế bào thần kinh dù chỉ nặng 1,3-1,4kg. Mỗi tế bào lại tiếp nối ít nhất 5000 tế bào khác gọi là các khớp nối thần kinh. Rồi từng tế bào thần kinh một lại truyền tín hiệu 5-50 lần mỗi giây. Cụ thể nếu bạn đọc xong một trang sách thì đã có hàng triệu tỷ tín hiệu được truyền tải trong đầu bạn.

Số lượng kết hợp có thể có của 100 tỷ tế bào thần kinh xấp xỉ 10 mũ 1 triệu – số 1 với 1 triệu số 0 phía sau. Trong khi đó số lượng các nguyên tử trong vũ trụ được ước tính vào năm 2009 là 10 mũ 80.

Theo quan niệm của Phật giáo thì mọi khổ đau bắt nguồn từ sự phân biệt. Bộ não là một công cụ mà ở đó có 100 tỷ tế bào thần kinh. Sự kết hợp giữa các tế bào não tạo ra ảo tưởng về những mối hiểm hoạ, mà số lượng nhiều hơn cả nguyên tử trong vũ trụ này. Khiến cho bạn luôn trong trạng thái cảnh giác các mối nguy rình rập, bất an và khổ đau làm sao để bảo vệ bản thân.

  • Tạo ra sự ngăn cách để hình thành các ranh giới giữa bản thân và thế giới. Giữa tâm này và tâm khác, giữa ta và nó. Điều này trái với vô ngã.
  • Duy trì sự ổn định để giữ cho các hệ thống thân và tâm được cân bằng. Điều này trái với vô thường.
  • Theo đuổi các niềm vui (củ cà rốt) và né tránh tối đa mọi thông tin tiêu cực (cây gậy). Điều này trái với nỗi khổ.

Và một sự thật nữa là bộ não có đặc thù là ghi nhận thông tin tiêu cực nhanh và nhớ lâu hơn sự tích cực. Khi có sự tiêu cực xuất hiện, một bộ phận trong não bộ là hồi hải mã lưu giữ nó cẩn thận để tham chiếu trong tương lai. Vì thế những ấn tượng tiêu cực rất khó phai mờ và những gì tích cực được coi như là điều không đáng lưu tâm.

Sự hoạt động của não bộ như vậy sẽ dẫn tới việc con người sẽ cố gắng tránh nè sự tổn thất hơn là đạt được lợi ích có giá trị tương đương. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho não bộ liên tục phát ra những tín hiệu lẩn quẩn như “Làm thế này có đúng không, nhỡ đâu, sẽ thế nào nếu mình làm khác đi thì sao…” Điều này sẽ dẫn tới đau khổ.

3. Bộ não tạo ra tam độc, mũi tên thứ hai nhưng cũng sản sinh ra giới, định, tuệ

Tam độc – tham sân si trong ý nghĩ (ý). Sẽ tạo thành hành động (thân) và lời nói (khẩu) và ngược lại. Như một vòng tròn luẩn quẩn. Những hành động từ thân và khẩu cải tạo suy nghĩ của bạn.

Bạn suy nghĩ tự ti thì bạn đi đứng nói năng cũng tự ti. Nhưng vẫn có thể cải thiện bằng cách tập, đi, nói dõng dạc. Dần dần sẽ quay ngược lại cải tạo được suy nghĩ. Đây là một vòng tròn không gián đoạn.

Dưới cái nhìn của khoa học thần kinh đồng ý Tam độc là:

  • Tham là sự bám chấp lấy những củ cà rốt, tức là những lợi ích và phần thưởng.
  • Sân là sự căm ghét và né tránh những cây gậy – khó khăn, nguy hiểm… dẫn tới việc não bộ và tâm sẽ tiêm vào đầu lòng ham muốn hạnh phúc và gặp ít đau khổ hơn.
  • Si là bám víu vào sự thiếu hiểu biết về bản chất của các sự vật và hiện tượng như chúng thực sự là.

Một điều mỉa mai là khả năng phi thường của bộ não đã phóng đại sự đau khổ của Tam độc cả bên ngoài cuộc sống lẫn bên trong một con người. Những gì bạn thấy ở “ngoài kia” thực chất được tạo ra “bên trong bạn” nhờ khả năng tạo ra các thực tại ảo đáng kinh ngạc của não bộ.

Nhờ những mô phỏng này mà con người đã gia tăng cơ hội sống sót trong tự nhiên, bằng cách lặp đi lặp lại các sự kiện để tăng cường sự ghi nhớ của tế bào thần kinh. Não bộ từ lúc con người xuất hiện đến thời của Phật Thích Ca và bây giờ đã tăng kích thước gấp 3 lần. Nhờ vậy khả năng não bộ tạo ra các mô phỏng được cải thiện gấp bội. Và đồng nghĩa khi các mô phỏng trở nên tốt hơn, nó cũng tạo ra nhiều đau khổ hơn.

Sự mô phỏng kéo khỏi bạn ra thực tại, cường điệu thực tại bằng những mô phỏng tuyệt vời hay đau khổ mà vốn chẳng có thật. Dù bằng cách nào thì sự nhạy cảm khiến ta trốn chạy thực tế và làm ta tự bắn vào mình những mũi tên của khổ đau.

Hãy hình dung sự khó chịu khi cãi nhau với bạn gái là mũi tên thứ nhất. Nhưng cách bạn phản ứng lại như “Lỗi tại em”, “Chuyện này không phải anh”… sẽ tạo ra “những mũi tên thứ hai”. Hầu hết mọi khổ đau đều đến từ những mũi tên này. Và não bộ chính là kẻ đã tạo ra nó nhờ sự mô phỏng các sự kiện và khuếch đại các thông tin tiêu cực. Nghiêm trọng ở chỗ những mũi tên thứ hai sẽ tạo ra các mũi tên thứ hai khác nhờ cơ chế liên kết của từng tế bào thần kinh qua mạng lưới thần kinh với nhau khiến cho 1 nguyên nhân, 1 lý do thường trở nên nghiêm trọng hơn bản chất của nó.

Chúng ta cũng sẽ thấy ở đây có sự luân hồi và vòng luẩn quẩn khi những phản ứng mũi tên thứ hai của bạn sẽ kích hoạt các phản ứng mũi tên thứ hai của người khác, điều này sẽ lại gia tăng tiếp tục các mũi tên thứ hai của chính bạn và người kia và cứ tiếp tục như vậy thì khổ đau lại càng hiện hữu rõ hơn. Và chính chúng ta đã thêm vào khổ đau trong những mũi tên thứ hai. Thậm chí chúng ta tạo ra nó mà không cần mũi tên thứ nhất. Hậu quả là chúng ta cảm nhận nỗi đau từ những mũi tên thứ hai một cách sâu sắc cả thể xác lẫn tinh thần.

Nhưng cũng chính với tâm và não bộ cũng sản sinh ra Giới, Định, Tuệ tương ứng với đức hạnh, chánh niệm, trí tuệ.

  • Đức hạnh liên quan tới việc điều chỉnh các hành động – thân, ngôn từ – khẩu và suy nghĩ – ý của mỗi người để tạo ra nhiều lợi ích hơn là gây hại cho chính bạn và những người khác.
  • Chánh niệm liên quan tới việc chú ý, quán sát đối với cả thế giới bên trong và thế giới bên ngoài của mỗi người.
  • Trí tuệ giúp bạn hiểu đau khổ là gì, chấm dứt đau khổ như thế nào và khi nhận biết rõ về đau khổ bạn sẽ có cái nhìn, kết nối và sự bình thản trước các sự việc diễn ra như sinh khởi, hoạt diệt và loại bỏ cái tôi, cái ngã của mình.

Đức hạnh, chánh niệm và trí tuệ là những cốt lõi của hạnh phúc, sự phát triển cá nhân và thực hành tâm linh. Chúng cũng thu hút ba chức năng nền tảng của bộ não là điều chỉnh, nhận thức và lựa chọn.

Ba chức năng này vận hành ở tất cả mọi cấp độ của hệ thần kinh, từ từng khớp nối của 1/ 100 tỷ tế bào thần kinh cho tớ sự thống nhất trọn vẹn về sự kiểm soát, năng lực và nhận thức của não bộ. Và điều chỉnh, nhận thức và lựa chọn cũng liên quan tới từng hoạt động tinh tế nhất của tâm.

Vì thế con đường giác ngộ, thức tỉnh theo khoa học liên quan tới cả việc chuyển hoá tâm – não bộ bằng những hành động tích cực nhỏ bé hàng ngày sẽ tích luỹ thành những thay đổi lớn theo thời gian. Để làm được điều này, sự từ bi, yêu thương chính bản thân là cốt lõi cho những thay đổi trong chính bộ não của bạn. Và bắt đầu từ việc từ bỏ cái tôi, bản ngã rồi hướng đến sự bình thản.

4. Bản ngã dưới cái nhìn của khoa học thần kinh, sự bất thường của bình thản và thiền tập dẫn đến chánh niệm

Thực tế bản ngã, cái tôi được tạo ra bởi tâm trí gồm nhận thức về việc xác lập giá trị, chủ thể, áp đặt sự nhận biết về thế giới quan của cá nhân lẫn toàn thể… nói đơn giản như bạn mình cắt nghĩa Bản ngã là “muốn lo mình và luôn muốn hơn người”. Bản ngã lớn lên thông qua sự đồng hoá, chiếm hữu, tự phụ và tách biệt khỏi các sự liên kết với vạn vật.

Bản ngã có nhiều diện mạo được dựa trên vô số mạng lưới thần kinh. Bản ngã chỉ là một phần của mỗi người vì hầu hết suy nghĩ và hành động không cần tới bản ngã. Bản ngã luôn thay đổi và phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau như cảm xúc, hoàn cảnh, các mối quan hệ. Bản ngã được hình thành thông qua những cơ hội thể hiện mình hay nhạy cảm trước các mối đe doạ.

Nhưng nghịch lý ở đây là cái ngã của một người càng ít thì người đó sẽ càng cảm thấy hạnh phúc. Con người ta cũng giống như củ hành. Bản ngã là phần thô vỏ ngoài xấu xí và lấm đầy bùn đất thế gian, nhưng càng lột vào trong thì càng lộ ra tâm trắng ngần sạch sẽ. Điều này chỉ có thể thấy khi ta bình thản đối diện với sự thật mà không phản ứng, che đậy hay cố gắng chạy chốn nó.

(Chỉ có thể thấy, khi ta ngồi lại, tự vấn bản thân rằng “Tôi làm điều này là vì ai? Vì tôi hay vì người”. Hãy thành thực với chính mình!)

Và trạng thái đó chúng ta gọi là sự bình thản.

Đối với khoa học thần kinh, sự bình thản “không phản ứng lại hành động, sự việc, cảm giác” là hành vi rất không bình thường đối với não bộ. Nhưng chính vì vậy mà sự bình thản đã lược bỏ những căng thẳng mà hệ thống thần kinh thiết lập để báo động ngay cả những phản ứng nhỏ bé nhất của nó.

Với sự bình thản, bạn có thể xử lý các tình huống trong cuộc sống hằng ngày bằng sự điềm tĩnh và lý trí mà vẫn giữ vững niềm hạnh phúc nội tại.

Bản chất của bình thản giúp bạn hiểu về vạn vật đang vận hành nhưng không bị lệ thuộc vào nó. Vì bình thản không phản ứng lại với mọi tác động của cả tâm lẫn vật, nên tạo ra một không gian rộng lớn để cho sự trắc ẩn (Bi), tình yêu thương(Từ), niềm vui vì thấy người khác hạnh phúc (Hỷ) và duy trì trạng thái bình thản trước mọi chuyện có thể xảy ra (Xả) được gọi chung là Tứ vô lượng tâm.

Và để duy trì được sự bình thản lâu dài thì phải gia tăng chánh niệm, tức sự quán sát về mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài. Chánh niệm dẫn tới trí tuệ và một trong những cách tốt nhất để gia tăng chánh niềm là thiền tập.

Thiền tập cần sự chú tâm cao độ để đem tới sự yên tĩnh. Nếu không có sự yên tĩnh, sẽ không có sự im lặng. Nếu không có sự im lặng, sẽ không có tuệ giác. Nếu không có tuệ giác sẽ không nảy sinh sự sáng suốt để thấu suốt những nguyên nhân của đau khổ.

Thông qua thiền tập, bạn sẽ kiểm soát được tâm trí của mình và cuối cùng hướng bản thân bạn an trú trong khoảnh khắc hiện tại. Gác lại quá khứ và buông bỏ tương lai. Không đuổi theo một suy nghĩ nào, nhận biết chúng đến và đi trong mỗi hơi thở. Không có gì sở hữu, tìm kiếm hay trở thành. Ngay khoảnh khắc này là bất diệt, ngay phút giây này là tối thượng.

5. Một vài cách gia tăng chánh niệm ngoài thiền tập được đề cập trong sách Bộ não của Phật

  • Hành động chậm lại.
  • Nói ít nhất có thể.
  • Làm đúng một việc tại một thời điểm
  • Tập trung vào hơi thở trong khi tham gia các hoạt động thường ngày.
  • Cố gắng cảm nhận sự yên bình khi ở cạnh người khác.
  • Luôn ý thức về sự tập trung.
  • Cảm nhận niềm vui từ những điều nhỏ nhất.

6. Các hoá chất thần kinh chính được đề cập trong sách Bộ não của Phật

Một trong các hoá chất này sẽ được sản sinh nhiều hơn khi thiền tập.

  • Glutamate : kích thích các tế bào thần kinh tiếp nhận
  • GABA: ức chế các tế bào thần kinh.
  • Serotonin : điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và tiêu hoá
  • Dopamine : liên quan đến sự chú ý và tìm kiếm phần thưởng trong từng hành vi.
  • Norepinephrine : liên quan đến sự tỉnh táo và kích thích
  • Acetycholine: thúc đẩy cảm giác thư thái, minh mẫn và sự hiểu biết.
  • Opioids : giảm căng thẳng, giảm đau và gia tăng sự dễ chịu bao gồm cả endorphins.

Cùng nhiều các hoá chất thần kinh khác có đề cập trong sách Bộ não của Phật.

Tác giả: Đức Nhân

Ý nghĩa thực sự của du lịch

0

Tôi nhận thấy rằng hoạt động du lịch ngày nay trở lên phổ biến hơn bao giờ hết khi mức sống của người dân ngày một nâng cao. Nhớ lại những năm trước khi phương tiện đi lại và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, dân mình chủ yếu đi du lịch tại những địa danh gần nơi mình sinh sống. Thời đó đúng hơn nên gọi là đi tham quan danh thắng vì người dân chưa hề biết tới khái niệm nghỉ dưỡng. Mỗi năm cả gia đình gồm ông bà, bố mẹ, con cháu đi một vài chuyến xa nhà đã là thích thú lắm. Hiện nay, có gia đình đi nghỉ dưỡng hàng tuần tại các địa điểm cách xa nơi họ ở vài trăm thậm chí đến cả nghìn km.

Ngày nay, các phương tiện quảng bá cho ngành du lịch hết sức phát triển như truyền thông báo chí và mạng xã hội. Nhờ đó, du khách có thể check in mọi lúc, mọi nơi và gần như truyền tải thông tin ngay lập tức. Điều đó giúp du lịch cất cánh như chiếc máy bay phản lực loại tối tân nhất.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy ý nghĩa của du lịch ngày càng đi xa với chính định nghĩa của nó. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi du lịch tôi luôn tò mò, háo hức đến địa điểm nơi mình sắp đến. Đêm nằm thao thức không ngủ bởi trong đầu hiện ra biết bao câu hỏi: Không biết chỗ đó có gì thú vị, người dân địa phương ra sao, đặc sản nơi đó có gì hấp dẫn… Còn bây giờ đi du lịch dường như là cơ hội để người ta phô diễn cuộc sống “sang chảnh” của mình cho người khác biết. À tất nhiên mỗi người một niềm vui, anh thích đi du lịch để thưởng lãm phong cảnh, văn hóa nhưng có người thích đi để chụp ảnh, check-in đâu có ảnh hưởng gì đến ai, không nên áp đặt. Điều đó không sai nhưng tôi xin kể một câu chuyện có thật như sau.

Tháng 10 năm ngoái vợ chồng tôi di chuyển một lộ trình khoảng hơn 1000 km bay từ Hà Nội vào Thành phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó tiếp tục thuê xe máy đi gần 100 km để đến được với danh thắng cấp quốc gia Gành Đá Đĩa tại Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dưới cái nắng miền trung gay gắt, chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức vui vẻ. Trên đường đi, biển trời Phú Yên hiện ra thật đúng với câu nói “xứ hoa vàng trên cỏ xanh.” Từ khu gửi xe xuống đến Gành Đá Đĩa còn phải đi bộ một quãng, khi chúng tôi chuẩn bị xuống đến nơi gặp một gia đình từ dưới Gành đi lên. Người phụ nữ tay cầm ô, mồ hôi nhễ nhại bực bội nói với người chồng: “Xuống dưới đó nắng nôi có cái đếch gì đâu! Chả chụp được ảnh nào ra hồn! Phí cả tiền!” Bỗng nhiên, tôi thấy chạnh lòng cho chính bản thân và những du khách khác đang háo hức được chiêm ngưỡng một kì quan của tạo hóa. Tại sao một danh thắng cấp quốc gia được thiên nhiên tôn tạo nên hình thù hết sức kì lạ nằm chênh vênh giữa biển xanh thăm thẳm lại phải có cái gì nữa để cho du khách chụp ảnh sống ảo. Tôi cho rằng, người phụ nữ đó dù có đi đến chốn bồng lai tiên cảnh thì trong lòng cũng rỗng tuếch, không có chút cảm xúc nào hết.

Câu chuyện nhỏ cho thấy những gì được phô diễn cho thiên hạ lại hóa ra quan trọng hơn nhiều những cảm xúc thật sự của mình trước thiên nhiên. Thật vậy! giờ đây mục tiêu hàng đầu của những người đi du lịch chẳng phải phục vụ cho cái bản ngã của mình mà trong đầu lúc nào cũng lo lắng xem những bức ảnh mình chụp để đăng lên mạng xã hội liệu nhận được bao nhiêu lượt thích, bình luận và đã đủ “ảo” cho thiên hạ lác mắt chưa.

Đối với tôi, mỗi lần được đặt chân đến một miền đất mới, tôi luôn cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi quên đi mình là ai, và có một câu hỏi bỗng dưng hiện ra trong đầu: “Tôi là gì giữa cuộc đời này?”

Nếu bỏ qua hết danh tính, trách nhiệm, nghĩa vụ mà cuộc sống hàng ngày ban cho ta và đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Nơi đó không ai biết mình là ai, mình có địa vị gì trong xã hội mà người dân địa phương chỉ coi mình đơn thuần như mọi du khách khác thì mình sẽ được đối xử thế nào? Tôi cho rằng đó là một trải nghiệm đáng quý trong cuộc đời mỗi người.

Mọi người có thể trách tôi coi du lịch như một trải nghiệm ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình như vậy thì còn đâu cái gọi là quảng bá du lịch nước nhà, rằng ai cũng như tôi thì làm sao du lịch có thể phát triển. Tuy vậy, tôi nhận thấy đa số lứa thanh niên trẻ chúng tôi đi du lịch rồi về viết bài đánh giá chi tiết đăng lên các hội nhóm du lịch chỉ tập trung vào việc mình đi những đâu, ăn những gì, tối đa thời gian hay tiết kiệm chi phí nhất… Còn những cảm nhận về giá trị văn hóa, cái hay, cái đẹp của phong cảnh thiên nhiên hay con người địa phương lại chẳng bao giờ thấy đề cập đến. Nhưng tôi nghĩ chính những gì bị bỏ quên đó sẽ chạm đến trái tim không chỉ du khách Việt Nam mà còn cả những khách du lịch trên khắp thế giới. Những người vượt hàng ngàn dặm đường đến Việt Nam để tìm kiếm một cuộc hành trình mang lại nhiều cảm xúc.

Mảnh đất hình chữ S trải dài từ Bắc vào Nam với biết bao cảnh thiên nhiên đẹp đến mê hồn mà ta chưa khám phá hết. Bởi vậy, khi đi xa ta nên coi thiên nhiên cũng như con người. Mỗi điểm đến đều có tâm hồn riêng và chúng cứ đợi ta tới khám phá. Để mỗi lần chạm bước tới địa danh nào, ta bỗng thấy cuộc đời mình thật đáng sống!

Tác giả: thanhqt1009

Ảnh: Simon Rae

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

 

 

Trải nghiệm đọc sách và viết 5 ghi chép mỗi ngày

0

Năm 2013 mình bắt đầu ghi chép lại những đoạn chữ, trích dẫn về kiến thức, văn học, thơ ca, kinh doanh,… mà mình đã rút gọn, tổng hợp lại từ những nhiều đoạn viết gốc. Nên từ rất nhiều các ghi chép ban đầu, sao y lại nguyên gốc dần dần trở thành “Ghi chép tổng hợp” sao cho phù hợp với riêng cá nhân mình.

Khi ghi chép tổng hợp, mình có thể kết nối nhiều điểm tương đồng từ các chương sách khác nhau cho đến các cuốn sách khác nhau, cùng thể loại hoặc khác thể loại. Sau đó mình sẽ cắt gọn, rút tỉa các thông tin gốc ban đầu trở thành loại kiến thức phù hợp với bản thân mình. Kết quả là thông qua việc ghi chép, mình đã học hỏi từ kiến thức trong sách ban đầu và qua thời gian, mỗi ngày viết lại 5 ghi chép mình đã có nhiều kiến thức mới, ý tưởng mới cho bản thân.

Lý Tiểu Long cũng đã bỏ ra hàng năm trời nghiên cứu, học hỏi rất nhiều môn võ công trước khi sáng lập Triệt Quyền đạo của riêng mình thông qua 4 bước:

  • Nghiên cứu từ kinh nghiệm (Đối với mình là qua sách và kĩ năng viết tăng theo thời gian.)
  • Tiếp thu điều hữu ích
  • Loại bỏ điều vô ích
  • Thêm vào chất riêng của bạn

Mình cảm thấy việc ghi chép tổng hợp mỗi ngày từ 7 năm trước đã giúp có ích trong công việc và lối sống của mình. Ghi chép tổng hợp chính là vũ khí tối thượng để tạo ra rất nhiều ý tưởng trong công việc nói chung, chứ không chỉ riêng viết lách.

Có những ghi chép tổng hợp đã cho mình cảm hứng viết lách kiếm tiền, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Bên cạnh đó có những ghi chép tổng hợp rất tối nghĩa trong thời gian trước, và sau đó mình mới hiểu ra được giá trị của nó.

Việc đọc và viết lại các ghi chép mỗi ngày không chỉ là thói quen, mà là một niềm vui, một sổ tiết kiệm chắt lọc lại những thông tin, kiến thức, các ý tưởng mà bộ nhớ ngắn hạn trong não không thể ghi nhớ hay thấu hiểu ngay được.

Sau hàng năm xây dựng thói quen này, mình nhận ra việc ghi chép và đọc lại hoá ra là cách đơn giản để đưa kiến thức từ bộ nhớ ngắn hạn chuyển sang bộ nhớ dài hạn trong não. Cuối cùng việc cá nhân ai đó ghi nhớ kiến thức được nhiều hơn là một cách quan trọng dẫn tới một cuộc sống thành công và có ý nghĩa.

Điều thú vị nhất là việc xây dựng thói quen này rất dễ dàng và không đòi hỏi việc cần phải có bút và giấy. Bạn có thể viết ngay trong ứng dụng Notes trên smartphone luôn cài đặt sẵn. Mình đang áp dụng ghi chép cả trên điện thoại và sổ, nhưng mình khuyên là các bạn hãy viết xuống giấy vì có một sức mạnh kì lạ truyền tải đến não bộ khi bạn viết hơn là sử dụng laptop, smartphone. Sau cùng, mình vẫn sẽ viết lại từ smartphone ra giấy thì mới an tâm rằng mình đã thực sự ghi nhớ được một chút kiến thức mới.

Việc chuyển ghi chép ban đầu thành ghi chép tổng hợp phù hợp với mỗi cá nhân cần thời gian, và lâu hay nhanh tuỳ thuộc ở mỗi người. Nhưng mình cam đoan điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Cá nhân mình chỉ là một đứa xuất phát điểm kém hơn so với mặt bằng chung, mà còn nhận được nhiều lợi ích từ việc ghi chép. Mình tin rằng, các bạn những người rất thông minh và tràn đầy năng lượng cho sự học hỏi sẽ sớm hình thành thói quen này nhanh hơn mình rất nhiều.

Dưới đây là 5 chi chép đầu tiên của mình vào năm 8/1/2013. Thú vị nhất là ghi chép thứ 5 là ý tưởng nảy sinh về một truyện ngắn mới trong khi mình mình ghi chép.

  1. Nếu không có sự sáng tạo của các cá nhân thì xã hội sẽ không thể tiến hoá và phát triển như hiện tại. Nhưng vẫn có nhiều xã hội và thể chế vẫn luôn kìm hãm các cá nhân… Hãy tôn trọng và đặt niềm tin vào sự sáng tạo của các nhân vì lợi ích của chính xã hội.

  2. Thái độ của bạn trước những điều bên ngoài phụ thuộc vào cách suy nghĩ bên trong bạn. — Park Cousin.

  3. Hãy chăm sóc tâm trí bạn thật tốt. Chú ý đến nó và bạn sẽ trở thành người bạn của chính mình. Cho dù sống ở đâu, sử dụng ngôn ngữ nào thì mỗi chúng ta đều sẽ bạn hoặc kẻ căm ghét chính bản thân mình. Bạn có quyền lựa chọn : “Trở thành người bạn tốt hay kẻ thù xấu xa nhất của chính mình.” — B.K Đanijanki.

  4. Hãy nhìn vào ly nước và vui vẻ suy nghĩ “Nửa ly nước còn hơn nửa ly không có nước.”

  5. Viết một truyện ngắn có tên “Vai diễn” mà các nhân vật trong truyện thường “diễn xuất” trong ngày. Càng ở trong vai diễn đó càng lâu thì họ càng đồng nhất với vai diễn đó. Những “diễn viên” này nhập vai vì xã hội muốn họ như thế, còn bản thân họ không vui vẻ gì.

Tác giả: Đức Nhân


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[Review] The Game Changers – Một góc nhìn về lợi ích của việc ăn chay

0

1000 giờ đi tìm bí mật của võ sĩ giác đấu

Bộ phim bắt đầu bằng việc cựu võ sĩ UFC James Brett Wilks “Lightning” gặp chấn thương đứt 2 dây chằng và mong muốn tìm được cách hồi phục nhanh nhất có thể mà bỏ qua của y học và bác sĩ. James Wilks đã bỏ ra gần 1000 giờ tìm hiểu, đọc sách, tra cứu thông tin về việc làm thế nào để hồi phục sau chấn thương với thời gian ngắn nhất và một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Cuối cùng, khi tìm hiểu về các võ sĩ giác đầu thời La Mã, những người được rèn luyện kĩ lưỡng ở mật độ kinh khủng và nổi tiếng với chế độ ăn lý tưởng thì James Wilks đã bị sốc: Các võ sĩ giác đấu là người ăn chay. Họ có một chế độ ăn rất nhiều đậu và lúa mạch để tăng cường cơ bắp và sự chắc khoẻ cho khung xương gọi là Hordearii nghĩa là “Đậu và máy nghiền lúa mạch.”

James Wilks tìm đến những nhà khảo cổ và cơ thể học để tìm bằng chứng cụ thể. Địa điểm ở đây là một phế tích ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đấu trường Thời La Mã có hơn 5000 bộ xương của các võ sĩ giác đấu đã chết. Họ lựa chọn 68 bộ xương bất kì, lấy một lượng xương nhỏ nghiền ra để thí nghiệm hoá học và tất cả đều có lượng stronti cao chỉ thấy ở người ăn chay.  Stronti là một khoáng chất quan trọng trong việc phát triển tế bào xương, tăng mật độ xương và làm giảm tỉ lễ gãy xương cột sống.

Sau đó James Wilks lại lao vào tìm kiếm thông tin liệu có nhiều vận động viên, võ thuật, chuyên gia dinh dưỡng có áp dụng việc ăn chay trong cuộc sống của mình không và ảnh hưởng của nó thế nào. Và anh đã nhận được rất nhiều thông tin từ các vận động viên Olympic, đấu sĩ UFC, bóng rổ, bóng bầu dục… rằng họ đang áp dụng chế độ ăn chay, ăn thực vật và cảm thấy nhiều năng lượng hơn, cơ thể hồi phục nhanh hơn đồng thời dẻo dai hơn.

Đặc biệt James Wilks còn nhận được sự xác nhận về lợi ích về việc ăn chay trong tập thể hình của “Kẻ huỷ diệt” Arnold Schwarzenegger. Ở tuổi 70, Arnold Schwarzenegger vẫn duy trì hình thể lý tưởng và thừa nhận rằng trong những năm gần đây ông đã ăn chay thường xuyên.

Sau đó, James Wilks biết được rằng hai kỉ lục thế giới như nâng tạ 550kg đi được 10 met hay chạy marathon trên mọi địa hình với quãng đường dài hơn 3500km trong 46 ngày (người bình thường là 7-8 tháng) đều là các vận động viên ăn chay.

Và từ lúc áp dụng chế độ ăn chay, James Wilks liên tục vượt qua các rào cản giới hạn của thể lực và tập luyện trước đây. Anh phá kỉ lúc ở phòng tập khi đập dây liên tục trong 70 phút. Trước đây Wilks chỉ có thể đập dây tối đa chưa được 15 phút.

Con người sinh ra để ăn thực vật

Khi trao đổi với các chuyên gia về thực vật, cơ thể người và dinh dưỡng, James Wilks mới biết rằng cơ thể con người thực sự phù hợp để ăn chay và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn là ăn thịt qua ba chứng minh.

  • Thứ nhất chúng ta là loài ăn tạp, nhưng lượng răng nanh và răng hàm nhọn để xé thịt chẳng là gì so với động vật ăn thịt. Răng con người bằng và vuông cũng như cứng hơn để nghiền vỡ vỏ và hạt cây quả để ăn.
  • Thứ hai so sánh đường tiêu hoá và ruột của con người dài gấp 15 lần vùng bụng, còn sư tử chỉ là 4 lần. Ruột dài hơn để quá trình tiêu hoá tốt hơn vì thực vật cần nhiều thời gian để chuyển hoá thành dinh dưỡng hơn thịt.
  • Thứ ba con người không có khả năng tổng hợp vitamin C và trong thịt có rất ít hoặc không có Vitamin C. Thiếu vitamin C trong thời gian dài sẽ gây ra chứng bệnh kinh hoàng Scurvy – vết ma cắn đã ám ảnh giới thuỷ thủ thời cổ đại cho tới đầu thế kỉ 19 mới truy tìm ra được lý do là trong các chuyến hải trình dài thuỷ thủ không ăn rau củ quả có chứa vitamin C. Ngoài ra mắt chúng ta nhìn ba màu, khác với động vật chỉ nhìn thấy hai màu để phân biệt và nhận biệt hoa quả nào ăn được và không ăn được. Và còn bất ngờ nữa, trong thịt cũng không hề có vitamin B12, động vật hấp thụ vitamin B12 qua thực vật, vi khuẩn trong đất và nước. Ngay đến súc vật lấy thịt cũng phải bổ sung B12 vì thuốc trừ sâu, nước nhiễm bẩn hay chất tăng trưởng đã loại bỏ vitamin B12 trong tự nhiên. Con người cũng vậy, bây giờ chúng ta bổ sung B12 qua thuốc uống dù có chế độ ăn nhiều thịt vẫn thiếu hụt B12. Trái lại, vitamin C và B12 có mặt rất nhiều trong rau quả và ngũ cốc.

Sự bất công của khảo cổ và niềm tin ăn thịt sẽ tăng cường cơ bắp

Lợi ích và bằng chứng con người đã ăn thực vật như một chế độ dinh dưỡng cao có rất nhiều trong các dấu ấn từ thời cổ đại, nhưng thời gian và sự ưu ái của khảo cổ học dành cho các hoá thạch như xương, đồ vật đã khiến cho việc lưu giữ những bằng chứng đó cho đến bây giờ còn rất ít.

Một phần quan trọng là công nghệ bây giờ mới cho phép chúng ta phân tích các mảnh vụn ít ỏi của các vết tích thực vật trong xương, hạt, các vùng định cư cổ xưa một cách kĩ lưỡng hơn thì mới thấy rõ được các dấu vết của thực vật trong bữa ăn hàng ngày của thời cổ.

Những năm 1800, nhà hoá học Đức Justus Von Liebig tuyên bố rằng protein ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của cơ bắp rất nhiều và chế độ ăn rau củ quả không có lợi với con người. Niềm tin này được công chúng đón nhận tốt đến nỗi một thời gian ngắn sau đó ở Mỹ đã có kiến nghị đưa đạm là thành phần chính trong việc khẩu phần ăn hàng ngày của người dân.

Sau này khi khoa học chứng minh Liebig đã sai vì cả cơ bắp lẫn não bộ ngốn một lượng carbonhydrat và glucose khổng lồ để duy trì hoạt động thì đã muộn. Niềm tin và thói quen ăn uống chủ yếu dựa vào protein được truyền thông đưa lên tận mây xanh, qua các quảng cáo, các nhân vật truyền hình và thể thao đã khiến cho các chứng minh về một chế độ ăn chay tốt trở nên không có trọng lượng.

Và thịt súc vật được hình thành từ thực vật, súc vật chỉ là trung gian trong việc truyền tải chất dinh dưỡng từ thực vật vào con người. Nhưng việc hấp thụ thịt động vật đã gây ra các biến đổi hoá học không tốt và không phù hợp với cơ thể con người.

Còn trong thực tế, lượng đạm trong hai lát bánh mỳ bơ đậu phộng tương đương với 85 gram thịt bò. Năng lượng luyện tập là carbon hydrat ở thể glycogen trong cơ bắp. Ăn nhiều đạm sẽ suy giảm sẽ gây suy giảm carbon hydrat và glycongen vốn có gây mệt mỏi và thể lực kém.

Ăn thịt có liên quan đến ung thư, tim mạch và rối loạn cương dương

Trong Game Changers có sự tham gia của những giáo sư, chuyên gia đến từ Havard, Brown… chỉ ra các chứng minh khoa học rằng rất nhiều loại ung thư có liên quan việc ăn thịt đỏ và trắng. Thói quen ăn thịt sẽ gia tăng 40% ung thư ruột kết và 27% bệnh tim mạch bên cạnh thói quen hút thuốc, sinh hoạt không lành mạnh.

Các nước phương Tây bệnh tim mạch vành rất phổ biến vì có nền văn hoá ăn thịt. Mỹ tiêu thụ lượng thịt bò gấp 3 lần thế giới. Ăn nhiều đạm từ thịt tạo các cặn mỡ siêu nhỏ bám trong mạch vành gây ra chứng đau tim, khó thở và huyết áp cao. Trong nghiên cứu chỉ ra rằng 70% lính cứu hoả ở New York chết vì tim mạch do thói quen ăn uống. Một thí nghiệm kéo dài 7 ngày khi cung cấp cho hơn 20 lính cứu hoả khẩu phần ăn chay đã được nồng độ đường trong máu và huyết áp giảm đến xấp xỉ 50% ngay lập tức.

Việc ăn nhiều thực vật cũng ảnh hưởng lớn khả năng cương cứng lâu và nhiều lần hơn đối với nam giới. Các cầu thủ bóng bầu dục tham gia 3 ngày thí nghiệm bằng cách đeo một thiết bị theo dõi độ cương cứng của dương vật theo thời gian, song song với việc ăn thịt và ăn chay. Những đêm ngủ sau khi ăn toàn đồ chay, tỉ lệ cương cứng lâu và nhiều lần cương của dương vật gia tăng 300-500%.

Ăn thịt tàn phá môi trường sống

Mình sẽ trích dẫn vài thông tin trong The Game Changers cung cấp việc ăn thịt từ gia súc gây ảnh hưởng đến môi trường thế nào.

  • Để sản xuất 1 chiếc humburger thịt bò cần 2400 lít nước.
  • 27% lượng nước trên trái đất để sản xuất thực vật cho gia súc.
  • Ở Mỹ các trại gia súc thải ra nguồn nước bẩn gấp 50 lần tổng số hộ gia đình.
  • Ngành chăn nuôi gây ra 15% lượng khí thải toàn cầu. Bằng tất cả khí thải của các loại phương tiện giao thông cộng lại.
  • Ở phương Tây, bệnh tim động mạch vành phổ biến vì chế độ ăn nhiều thịt.
  • 1 người ăn chay sẽ tiết kiệm 1 triệu lít nước sạch một năm.

Danh sách các nhân vật nổi tiếng và vận động viên ăn chay

Leonardo da Vinci, Pierre Gassendi , Nikola Tesla, Steve Jobs, Lewis Hamilton, Kyrie Irving, Novak Djokovic, Serena William, Lizzie Armitstead, Morgan Mitchell…

Tác giả: Đức Nhân


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Liệu cuộc đời có phải là một giấc mơ?

0

Tôi rất thích những giấc mơ của mình, nó như một chuyến phiêu lưu vào một câu chuyện mà tâm trí của tôi là tác giả. Thú vị ở chỗ chúng ta không biết tâm trí sẽ dắt ta đi đâu, tình tiết sẽ thế nào, mọi thứ như một sự kiện không biết trước và hoàn toàn bất ngờ. Có đôi lần, những giấc mơ mang lại cho tôi một cảm xúc rất chân thật, có yêu thương, có xúc động, có sợ hãi, lo lắng – thứ thật ra là do tâm trí tôi tạo nên qua trải nghiệm của nhân vật “tôi” trong giấc mơ. Đôi khi tôi mơ thấy mình “yêu” một cô gái nào đó trong giấc mơ, khi tỉnh dậy tôi vẫn còn dư âm của cảm giác yêu thương và hình bóng của người con gái đó trong vài tiếng đồng hồ sau khi tỉnh dậy.

Có một điều rằng khi mơ, chúng ta thường không biết mình đang mơ. Trong giấc mơ, các sự kiện/”cảnh quay” chuyển tiếp một cách thiếu logic và bất hợp lý – điều mà chúng ta có thể nhận ra khi hồi tưởng về những giấc mơ lúc đã tỉnh dậy. Kiểu như bạn đang chạy trốn trên đường thì đột nhiên bạn lại chuyển sang chơi trong một trận bóng nếu như 2 cảnh tượng đó có một mối liên kết nhỏ nào đó. Khi mơ ta không hề nhận ra điều đó và xem đó chỉ là một điều bình thường hiển nhiên. Chúng ta bị cuốn lấy các tình tiết, phản ứng và nảy ra các cảm xúc với chúng. Như việc tôi mơ thấy mình gãy hết răng và tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ trong khi đó chỉ là những gì tâm trí thêu dệt nên.

Và liệu cuộc đời có phải là giấc mơ không khi nhìn vào sự tương quan giữa giấc mơ và cuộc đời, chúng hoàn toàn giống nhau về tính chất, chỉ khác nhau về tầng cấp, mức độ phức tạp và logic. Cuộc đời chúng ta là một “giấc mơ cỡ lớn” hay một trò chơi vô cùng tinh vi, logic, chân thật. Thực tế tới nỗi người chơi/mơ cực kỳ khó để nhận ra mình đang chơi/mơ. Vậy điều gì mới là thật. Theo tôi thì “thật” hay “ảo” đơn giản chỉ là những gì một người tin vào.

“Nếu bạn đang gặp vướng mắc về lòng tin, bạn đang sống vì điều gì? Tình yêu đúng là khó tin, cứ hỏi những người đang yêu. Sự sống đúng là khó tin, cứ hỏi các nhà khoa học. Thượng Đế đúng là khó tin, cứ hỏi những người đang tin. Bạn có vấn đề gì với những chuyện khó tin?” – Life of Pi

“Ai là người có quyền nói cái gì thật và cái gì giả? “Thật” là một sự phân biệt của một tâm trí thiên vị. Ý tôi là, chủ nghĩa thực nghiệm thiên vị cũng có giá trị phần nào, cho tới khi người ta khám phá ra vật lý lượng tử 70 hay 80 năm trước đã tiết lộ một bí mật rằng nền tảng của sự thật chỉ là phòng chơi dưới tầng hầm!” – Terence Mckenna

“Morpheus: Cái gì là “thật”? Làm sao định nghĩa được “thật”? Nếu thật là thứ anh có thể cảm, ngửi, nếm, nhìn, vậy thì thật đơn giản chỉ là những tín hiệu điện từ được diễn dịch bởi não bộ của anh.” – The Matrix

Chúng ta không thể nhận thức được chúng ta chìm vào giấc mơ khi nào, đâu là điểm bắt đầu của nó, cũng giống như chúng ta không biết được điểm bắt đầu của cuộc đời là khi nào. Chúng ta chỉ có đủ nhận thức về cuộc đời khi ta từ 2-4 tuổi. Đối với tôi, ký ức và nhận thức về bản thân chỉ phát triển khi tôi 4 tuổi, còn lại tôi chẳng nhớ một chút gì khi tôi 3 tuổi hay nhỏ hơn cả. Và khi tỉnh dậy cũng vậy, chúng ta tỉnh dậy giữa chừng khi bị ai đó tác động dù vẫn đang trong cảnh mơ – giống như một cái chết bất đắc kỳ tử. Hay khi chúng ta tỉnh dậy và nhận thức dần dần – giống như cái chết từ từ của người bệnh tật. Mặc dù chúng ta chuẩn bị tâm thế sẽ đi vào giấc mơ với nhận thức về giấc mơ của mình, nhưng chúng ta vẫn mơ và không nhận ra điều đó – giống như chúng ta bước vào cuộc đời nhưng luôn luôn không nhớ về bản chất thật hay cội nguồn của mình. Chúng ta có rất nhiều giấc mơ – cũng như ta có nhiều kiếp người. Chúng ta không thể nhớ về giấc mơ trước đó khi chúng ta đang trong giấc mơ hiện tại – giống như chúng ta không thể nhớ được tiền kiếp. Và có một hiện tượng gọi là Lucid dream – trạng thái người mơ biết rằng mình đang mơ, còn với cuộc đời thì đó là đạt tới sự tỉnh thức khỏi ảo tưởng và biết rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ lớn hơn. Địa ngục và Thiên đàng chỉ là miêu tả về hai trạng trạng thái tâm thức có tần số rung động đối lập nhau – giống như trạng thái khi chúng ta tỉnh dậy với một cơn ác mộng hay một giấc mơ tuyệt đẹp vậy. Và liệu có phải khi chết mới là lúc ta thực sự tỉnh dậy khỏi giấc mơ của đời mình?

Một bộ phận trong chúng ta sẽ có vài lần Lucid Dream trong giấc mơ, nhưng có nhiều người sống cả đời vẫn không “Lucid dream” với cuộc đời của họ, hay nói đúng hơn là tỉnh thức trong đời sống của họ một lần. Hầu hết chúng ta lao vào cuộc chơi vật chất, điên cuồng với việc kiếm tiền và thỏa mãn thú vui. Chúng ta chưa bao giờ dừng lại để hỏi “đời sống này có ý nghĩa gì?” hay “tôi là ai?” Chúng ta không nhận ra rằng đời sống là một cơ hội để ta trải nghiệm chính bản thân mình, rằng cuộc sống này đầy nhiệm màu và tươi đẹp chứ không phải chỉ có tiền, nhà, xe và hóa đơn cuối tháng.

Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều đang mơ giấc mơ đời mình. Điều này chỉ ra rằng một trong những mục đích lớn lao nhất trong đời là để Lucid Dream giấc mơ đó/Tỉnh thức/Tìm thấy cội nguồn và bản chất hiện hữu chân thực của bản thân. Để từ đó, tạo ra một giấc mơ thực tại trong sự ý thức, để biến nó thành một thứ đẹp đẽ, để biết quý trọng cơ hội trải nghiệm lớn lao này. Để làm điều đó chúng ta phải dẹp bỏ những ảo tưởng của mình, những vô minh mê muội trong đam mê bản ngã và ma trận vật chất, những tham sân si, ganh ghét và hãm hại lẫn nhau. Vì chúng ta đều cùng bản chất, đều cùng một cội nguồn, God bên trong mỗi chúng ta, God đã đưa chúng ta vào đây để trải nghiệm giấc mơ này. Và đây sẽ là một giấc mơ tuyệt đẹp hay là một cơn ác mộng? Điều đó phụ thuộc vào sự tỉnh thức của chúng ta – những người kiến tạo nên thực tại này.

Tác giả: Bá Kỳ

Ảnh: Charles Etoroma

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Tại sao chúng ta nên quy phục?

1

Trước kia mình vẫn hay nhắc đến từ “quy phục” (surrender) trong các bài viết về sự thức tỉnh, nhưng hôm nay mình mới có đủ điều kiện để viết về nó một cách chi tiết hơn. Có lẽ, theo góc nhìn của mình, mọi kỷ luật trên đời của con người tốt hơn hết nên dành để thực hiện sự quy phục. Vì điều gây nên những khốn khổ và bất hạnh cho cuộc đời chúng ta không phải là hoàn cảnh, mà chính là sự chống cự lại hoàn cảnh ấy, hay cố gắng kiểm soát nó theo ý mình.

Mình đã nhìn thấy rất nhiều lần sự chống cự ấy ở những người xung quanh, từ cường độ nhỏ đến lớn, từ cố tình đến vô ý đủ cả. Gần như 100% số người không hạnh phúc mình từng tiếp xúc đều có vấn đề về việc quy phục. Ai cũng thể hiện một thái độ chống đối, cứng nhắc và cố gồng lên ở bên trong khi đối diện với vấn đề của bản thân.

Có một người bạn gái kia suy nghĩ rất nhiều, mình chỉ cho bạn tập ngồi thiền mỗi ngày để lắng dịu tâm tưởng. Sau mấy tháng bạn quay lại hỏi mình rằng tại sao tớ tập thiền mà vẫn mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng và suy nghĩ không ngừng nghỉ. Khi hỏi kỹ ra thì bạn này thực hành không đều, buổi đực buổi cái. Hỏi kỹ ra nữa thì biết bạn vẫn còn nghi ngờ bên trong rằng thiền không có tác dụng, thiền chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đây là một người không biết quy phục.

Có một anh chàng kia hỏi xin ý kiến mình về những việc anh ấy làm. Khi mình nói xong thì anh ấy diễn lại ý mình theo cách ảnh hiểu, và cách đó hoàn toàn không phải ý mình muốn nói. Dù mình nói đi nói lại mấy lần anh chàng vẫn không chịu hiểu ra vấn đề. Đây là một người không biết quy phục.

Có một chị gái kia hay xao nhãng trong công việc nhưng lại muốn có thành tựu như một người tập trung cao độ. Mình bảo chị gái hãy tập các thói quen mỗi ngày để tăng sự ổn định thì chị không tập. Mình bảo vậy thôi chị hãy tập hài lòng với sự xao nhãng của chính mình thì chị ấy lại cũng không chịu. Đây là một người không biết quy phục.

Có một em kia gặp khủng hoảng trong cuộc sống, lồng lộn muốn làm mọi thứ theo ý mình cho đỡ khổ, tìm đến mình để xin lời khuyên. Khi mình bảo là bỏ cái ý của em đi thì đỡ khổ, thì em này không thèm nói chuyện với mình nữa. Đây là một người không biết quy phục.

Có một cô kia gặp chứng rối loạn lo âu và hỏi mình rằng làm sao để tiêu diệt nó đi. Mình bảo rằng cô chỉ cần không muốn tiêu diệt nó là được. Nhưng cô này lại hỏi thêm đủ thứ là cô không muốn nữa mà nó vẫn lộng hành thì sao, cô không thể không quan tâm đến nó được. Đây là một người không biết quy phục.

Kể ra thì rất rất nhiều trường hợp khổ sở lắm rồi nhưng khi gặp thuốc thì không chịu uống, gặp thầy thì không chịu tin. Bên trong những người này luôn có một sự chống cự, nghi ngờ, lý sự, thích vừa làm theo ý mình vừa được sung sướng. Nhưng không ai biết là ý của họ phải được thuận cùng ý Trời thì khi ấy mọi sự mới hanh thông hoàn hảo. Mà ý Trời lại nằm trong những hoàn cảnh mà họ đang chống đối kịch liệt.

Mình kể câu chuyện của những người bạn trên thì cũng kể luôn câu chuyện của chính mình khi chống cự nó khổ sở thế nào. Những gì mình viết ra ở đây không phải là từ việc đọc sách vở này kia rồi nói suông, mà đã được thực chứng, không phải một lần mà nhiều lần. Cách đây 5 năm, mình đã từng rơi vào một giai đoạn trầm cảm và ngắt hết mọi kết nối với cuộc sống. Đây là trạng thái mình không bao giờ kỳ vọng vì mình đã luôn sống như một người dồi dào sinh lực, hưng phấn và nhiệt huyết cao độ. Khi lâm vào nghịch cảnh, mình đã rất sợ hãi hoảng loạn, ra sức quẫy đạp, tìm đủ mọi cách để lấy lại cuộc đời đầy năng lượng trước kia. Nhưng đó chỉ là một sự trốn tránh thực tại, chạy theo những gợi nhớ từ ký ức.

Có một điều mình để ý thấy đó là càng chống cự và cố gắng kiểm soát tình huống bao nhiêu, mình càng tiêu cực và kiệt quệ bấy nhiêu. Vào một khoảnh khắc buông xuôi vì quá mệt mỏi, mình chợt hiểu ra rằng không có chuyện đời trao cho một quả cam, nhưng mình lại nằng nặc muốn nó là một con gà. Quả cam là quả cam, và đời đưa thì mình phải nhận lấy (take it). Nếu chống cự, đời giã mình ra cám. Nếu đón nhận, đời cho mình thêm một bản kế hoạch nuôi trồng trang trại cam chất lượng cao với toàn bộ vốn chỉ là một quả cam ấy.

Lúc đó, có một tia sáng mát mẻ lan tràn trong tâm hồn và khiến mình thôi không gồng nữa. Bỗng nhiên, mình nhớ lại một kỷ niệm trong một khóa thiền cách đó vài năm. Cuối buổi thiền, người hướng dẫn bảo rằng có một bí mật ở dưới nệm của mọi người. Mọi người hào hứng lật tấm bồ đoàn lên và nhận được các lá bài mang các thông điệp khác nhau. Lá bài của mình có từ “Surrender”. Vậy là cuối cùng mình đã hiểu ra từ đó có nghĩa là gì, không phải bằng việc tra cứu từ điển, mà bằng trải nghiệm trực tiếp thông qua một cơn trầm cảm. Lúc đó, mình tìm lại được sự sống ngay ở giữa những sụp đổ, nhẹ nhàng đi qua nó sau hơn 6 tháng vật lộn chống cự.

Và sau này, có hẳn một người bạn xuất hiện và nhắc mình liên tục về việc quy phục. Với mỗi lần trải qua nhiều những loại nghịch cảnh khác, mình đều coi đó là cơ hội luyện tập để nhìn thấy sự gồng ép bên trong. Nhờ đó, mình mới tiếp tục tháo gỡ nó đi được. Có những chuyện phải lặp đi lặp lại nhiều lần mình mới hoàn toàn quy phục. Dù không thành tựu ngay, nhưng mình biết sau mỗi lần, nội lực bên trong có tăng trưởng và cơ hội hạ mình càng ngày càng gần với tầm tay. Chuyện này hòa loãng được thói nóng giận cực độ bên trong mình, làm giảm những suy diễn ảo tưởng, khiến mình càng ngày càng thảnh thơi thư giãn và sống gắn bó với hiện tại hơn.

Bây giờ, thay vì bất mãn với những gì không như ý, mình chỉ tự nói trong lòng một câu “biết làm sao giờ” hoặc “tôi xin thua” và sau đó lại thấy vui vẻ trở lại như bình thường. Đôi khi, tự làm cho mình bất lực lại là một điều cần thiết để cân bằng sự quẫy đạp và căng thẳng bên trong.

“Bạn không cần phải nhúng tay vào nó, huyền cơ sẽ tự vận hành. Hãy để nó được thực thi công việc, đừng ngăn cản nó bằng việc nghĩ rằng bạn giỏi hơn hay chuyện gì nên xảy ra ở đây. Không, đừng làm thế. Rất nhiều người trong số các bạn đi tới một mức nhận thức mà phải tự thú nhận với chính mình rằng “Tôi chẳng biết cái quái gì cả.” Hãy nhớ rằng tâm trí vật lý (physical mind) chỉ được thiết kế để trải nghiệm những gì đang diễn ra, nó không đảm nhiệm bất kỳ chức năng gì khác. Còn tâm trí bậc cao (higher mind) thì biết những gì cần diễn ra. Và nó nói với bạn, để bạn biết điều gì nên xảy tới bằng cách biểu lộ sự giao tiếp của nó trong bạn như một đam mê. Vì đam mê, bạn mới sẵn sàng đi theo, trừ phi bạn để cho những niềm tin tiêu cực ngăn chặn chính mình. Vậy nên, hãy ngừng lảm nhảm để có thể lắng nghe tâm trí cao hơn. Đó là tất cả những gì bạn phải làm.” — Bashar (Channeled by Darryl Anka)

Xét theo khía cạnh tâm linh huyền học, bài học quy phục thuộc về khu vực luân xa 6, là nơi trí tuệ ngự trị. Chỉ người nào biết cúi đầu khiêm hạ, chấp nhận toàn bộ những gì đang xảy ra một cách thản nhiên thì mới được khai sáng. Năng lượng sẽ được lưu thông và luân chuyển lên luân xa 7 là sự hiệp nhất với tình yêu, chân lý và thực tại tối hậu. Đây chính là sự thức tỉnh của con người. Nếu bạn không quy phục, bạn sẽ mãi nằm trong bóng tối và sự mò mẫm tìm lối đi cho riêng mình. Đầu óc bạn sẽ vẫn cứng nhắc, đen tối với vô số những suy nghĩ muốn kiểm soát thực tại thay vì gia nhập với nó.

Bình thường từ “quy phục” hay “vâng phục” được nghe phổ biến ở bên Đạo Thiên Chúa. Còn bên Đạo Phật, từ đó là “buông bỏ.” Hãy tưởng tượng bạn bị tước hết vũ khí và quy hàng, bị rút hết sự toan tính và cúi đầu tuân lệnh, bạn nằm rạp xuống mặt đất và không còn một chút ý đồ riêng, bạn khóa chặt miệng và chỉ hoàn toàn lắng nghe. Khi tâm trí bất lực, trí tuệ lên ngôi. Những người vô minh cảm thấy kinh hãi khi tâm trí bất lực. Nhưng với người hiểu chuyện, sự bất lực của tâm trí là một phúc lành, đó là cái chết của bản ngã. Khi ấy, tận sâu tâm hồn họ sẽ tỏa ra một sự thanh thản và thinh lặng đến vô cùng.

“Hôm qua chúng ta vâng lời những vị vua và cúi đầu trước những vị hoàng đế. Nhưng hôm nay chúng ta chỉ sấp mình trước sự thật, chỉ bước theo cái đẹp, và chỉ tuân theo tình yêu.” — Khalil Gibran

Bạn cần biết rằng một trạng thái hoàn toàn khiêm cung, bình thản và nhất tâm là người hướng dẫn tuyệt vời và hùng mạnh nhất. Ngoài nó ra, mọi dấu hiệu tiêu cực, giãy đạp và lý sự đều là kẻ độc tài. Chúng chỉ là những cái thùng rỗng kêu to, gây nhiễu bằng tiếng ồn nhất thời. Khi bạn lắng xuống tận cùng thì bạn nằm ngoài chúng, bạn trở thành ông chủ. Còn nếu bạn cố vươn lên, bạn sẽ chỉ trở thành một trong số những cái thùng đó – tự làm ồn chính mình, tự mâu thuẫn nội tâm và đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh làm bạn khổ sở.

Mình thiết nghĩ rằng quy phục là điều quan trọng bậc nhất để một người thấu hiểu và đón nhận được ánh sáng trí tuệ. Chỉ ánh sáng đó mới xua tan được những đau đớn bên trong, mới khiến cho tâm trí con người thống nhất và mềm dẻo. Từ đó, đức tin mới hiển lộ. Bởi niềm tin, chúng ta mới có thể tồn tại và làm nên những chuyện không ngờ. Vậy nên, bất kỳ khi nào bạn thấy nghi ngờ, căng thẳng hay đau đớn, đừng chống cự mà hãy hạ mình quy phục!

Tác giả: Hòa Taro
Photo: Julie Powell



🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Người tính không bằng Trời tính

1

Trong các bài viết trước đây mình hay nhắc đến Trời, vũ trụ, Thượng Đế, chắc bạn nào theo dõi thường xuyên thì sẽ để ý thấy. Tại sao mình hay đề cập đến thực thể vĩ đại này, vì mình muốn tự nhắc cho bản thân và những người bạn rằng chúng ta đừng quên một “cánh tay mạnh” khác trong cuộc đời. Nếu bạn tiếp xúc với cuộc sống chỉ bằng nỗ lực và suy tính của riêng mình thì sẽ là chưa đủ, sẽ luôn có những tình huống nằm ngoài khả năng và kế hoạch xảy đến. Trong những tình huống này, nếu không nhớ đến trí thông minh và sự từ ái vô tận của ông Trời thì nhiều khả năng bạn sẽ phải chịu đựng những sự áp lực, bất mãn và buồn khổ.

“Ôi sao mình cố gắng mãi mà không được?” “Sao công việc này khó khăn quá”, “Sao môi trường này phức tạp quá”, “Sao mình cứ phải gặp những con người này hoài?”, “Sao mình lại yếu đuối bất lực thế này?” “Mình thà bỏ chồng còn hơn là học về tình yêu” “Mình thà bực bội với chính mình mà vẫn giữ được danh hiệu tài giỏi còn hơn là phải hợp tác với người khác và nhận rằng mình yếu kém.” Đây là những tư tưởng thường trỗi dậy trong lòng một người khi quên mất sự hỗ trợ của Đất Trời ở những tình huống khó khăn. Vì anh ta chỉ tin vào chính sức lực của bản thân và chỉ có thể đạt được những gì nằm trong phạm vi sức lực ấy. Nhưng còn toàn bộ tiềm năng to lớn của vũ trụ, anh ta lại bỏ qua và nghĩ rằng “vũ trụ chẳng liên quan gì đến tôi, vũ trụ chẳng thể giúp tôi được chuyện gì và tôi không cần vũ trụ, tôi cứ chịu đựng vất vả làm lụng và tranh đấu với mọi thứ xung quanh, miễn sao không phải dây dưa với ai là được. Trợ giúp ư? Tôi không cần. Tôi tự làm được. Sao? Trợ giúp toàn bộ cho tôi ư? Chuyện này đúng là hoang đường. Còn lâu tôi mới tin.”

Nói đến đây mình lại nhớ đến câu chuyện trong phim Star Wars. Chàng Luke Skywalker đi tìm bậc thầy Yoda để huấn luyện cho anh ta trở thành một Jedi thực thụ. Trong một lần luyện tập, Luke thử nâng con tàu của mình bị chìm dưới vũng bùn lên khỏi mặt đất bằng Thần Lực thông qua sự tập trung. Nhưng con tàu chỉ chuyển động được rất ít rồi lại rớt xuống vũng nước. Luke rất chán nản và bất mãn khi mình không thành công. Nhưng thầy Yoda bước ra, nhắm mắt lại và từ từ nhấc con tàu lên khỏi mặt nước một cách dễ dàng, thậm chí thầy còn đưa nó đậu gọn gàng vào trong bờ bằng năng lực của mình. Thấy vậy, Luke thốt lên đầy kinh ngạc rằng “I can’t believe it” (Tôi không thể tin được.) Và bạn biết sư phụ Yoda đáp lại thế nào không? “That’s why you fail.” (Đó là lý do mà cậu thất bại.)

Vậy từ câu chuyện mình vừa kể, bạn có nhận ra lý do tại sao bạn vẫn còn khổ sở, vất vả và áp lực trong đời sống, dù lúc nào cũng nỗ lực hết mình không? Vì bạn chỉ biết đến mỗi khả năng của chính mình và cho rằng nó là tất cả, nó là toàn vẹn cho một sự thành tựu. Trong khi, bất kỳ điều gì trên đời này được viên mãn đều không phải chỉ do ý của riêng bạn, mà là nhờ sự sắp đặt và kiện toàn của vũ trụ. Bạn chỉ chiếm 1%, 99% còn lại là năng lực từ Tự Nhiên. Trong câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thì Trời là yếu tố quan trọng đầu tiên (bao gồm Luật hay các nguyên lý của sự sống, những thời điểm chính xác), Đất là thứ hai (bao gồm các bối cảnh, hoàn cảnh và điều kiện sống trong hiện tại), và sau chót mới là bạn (người có hiểu Trời Đất và chính mình hay không.)

Với những người có một lý trí và ý chí cá nhân mạnh mẽ, từng gặt hái được một số thành tựu nào đó trong đời sống thì dễ sẽ có tư tưởng rằng mình là giỏi, mình có thể làm được tất cả, mình biết hết mọi thứ. Nhưng cái họ không làm được hoặc rất khó để làm được đó là bỏ đi ý tưởng rằng mình là tuyệt đỉnh nhất và mình lúc nào cũng đúng. Điều này cũng tương đồng với việc họ phải tin rằng có một năng lực nào đó khác mạnh hơn chính họ và có một trí thông minh nào đó sắc bén hơn chính họ. Khi những người quen sống với lý luận và phân tích lý trí gặp chướng ngại trong cuộc đời thì họ cần nên biết rằng, đây là lúc quán tính ấy rơi vào ngõ cụt. Và đây cũng là giờ phút họ nên sử dụng một năng lực tiềm ẩn khác của chính mình, đó là đức tin và sự mở lòng lắng nghe thông điệp của Đất Trời.

Mình đã làm việc trên nhiều trường hợp sống với logic, lý trí quá mạnh (buồn rằng số này thường rơi vào phụ nữ). Hầu hết trong số họ đều mắc phải khó khăn trong việc nghỉ ngơi thư giãn, hay xung đột với chồng và khắt khe với con cái. Ngoài ra, họ cũng dễ gặp mâu thuẫn với đồng nghiệp và hay chống cự lại các hoàn cảnh biến động trong cuộc đời. Cá nhân mình trước kia cũng từng sống rất lý trí như vậy, lúc nào cũng nghĩ mình là nhất, và chỉ cần lao đầu vào mọi thứ là chúng sẽ được giải quyết. Nhưng rốt cục, mình luôn phải chịu sự áp lực và khổ sở. Đồng thời, mình luôn phải chứng kiến mọi thứ thiếu sót, bất toàn, xơ xác ở phần kết quả sau cùng.

Nhưng kể từ ngày mình tập cầu nguyện và tin tưởng vào sự dẫn dắt của cuộc đời thì những sự tiêu cực và căng thẳng bên trong mình mới dần tiêu tan. Không phải là mình tin chỉ để cho đỡ hoang mang. Vũ trụ thật sự có dẫn dắt mình đi tới những điều tốt đẹp thông qua vô số các sự kiện trùng hợp đến khó tin. Khi mình tìm nhà trọ không ra, thì có người bạn ở xa đến Đà Lạt chơi chỉ cho một chỗ ở. Khi mình muốn ăn dưa hấu, ngày hôm sau có người bạn đến chơi nhà mua dưa hấu tặng. Khi mình thèm nước mía, cũng có bạn mua nước mía đến cho chỉ sau đó vài ngày. Khi mình muốn hòa thuận với một người bạn thì có những sự kiện xảy đến giúp sự hòa thuận ấy được thể hiện. Khi mình muốn có các ý tưởng viết bài, thì mỗi lần làm việc giúp đỡ mọi người lại nảy ra rất nhiều ý tưởng, v.v… Hầu như bây giờ, tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình đều là các ước mơ được Trời thành tựu. Không phải vì vậy mà mình chây lười hay chủ quan, mà biết lựa sức làm đúng những việc phù hợp với khả năng. Còn với những chuyện quá sức thì mình lắng nghe các dấu hiệu từ vũ trụ. Nên nếu trước kia mình phải sống một cuộc đời lao lực, vất vả, lúc nào cũng thúc ép tính toán không yên với các tham vọng này kia, thì bây giờ, mình lại sống cuộc đời rất vô tư, thư thả và kiên nhẫn.

Vậy nên, nếu bạn đang gặp chuyện bế tắc cùng quẫn gì thì chớ vội lo lắng hay buồn khổ. Vì nó là dấu hiệu rằng đã đến lúc bạn nên bắt tay hiệp lực với vũ trụ, với cuộc đời. Nếu bạn chưa nhìn ra toàn cảnh, thì đã có ông Trời ở trên cao soi tỏ và dẫn dắt. Các bạn cứ thử nghĩ mà xem, nếu như cha mẹ chúng ta ở nhà luôn mong muốn con cái mình được bước đi con đường tốt lành xinh đẹp, thì chẳng có lẽ nào mà Cha Mẹ tinh thần của chúng ta (là Trời Đất) lại không muốn hướng con cái mình đi trên những giấc mơ tuyệt diệu.

Nếu một người con kém đức tin vào Cha Mẹ, luôn chỉ biết dùng nỗ lực của chính mình để làm mọi thứ thì sẽ rất vất vả và căng thẳng, càng ngày càng hao mòn sinh lực với những chuyện vượt quá tầm tay. Trong khi một người con biết cộng tác với cội nguồn Tự Nhiên thì không những chỉ cần dùng ít lực nhất, mà còn đạt hiệu quả cao hơn người kém tin gấp nhiều lần. Càng ngày, họ càng sống bình an và dễ dàng, nội lực tâm linh càng tăng trưởng. Hay nói theo cách của Đức Jeus thì:

“Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.” (Mt 13:12)

Theo mình, hợp tác và lắng nghe vũ trụ chính là cách một người đứng trên vai ông lớn, nhún mình xuống để đón nhận một năng lực vĩ đại hơn, bỏ con tép để bắt con tôm hùm. Vậy nên các bạn hãy cứ mạnh dạn mở lòng để đón nhận những năng lực và sự dẫn dắt tuyệt vời của cuộc đời.

Tác giả: Hòa Taro

Ảnh: Quentin Lagache | Unplash

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP