26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 27 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 269

Tết và chuyện giết gà

Photo: Veronica Spann

 

Tết sắp đến rồi! Tết và những cuộc vui bất tận. Tết và những món ăn đầy thừa. Tết và sum họp vui vầy. Tết và những tiếng cười đùa. Nhưng… tết cũng là những đợt cúng kiếng và chuyện giết gà. Gà khỏa thân (gà luộc), gà chiên, gà hầm rượu, các món ăn có chiết xuất từ gà đủ các kiểu.

Sáng sớm, cậu tôi chạy tới trước cửa gọi ý ới, tôi lon ton chạy ra, xách hai con gà cậu biếu ngày tết đỏng đảnh đi vô. Đó là cái tình, đó là cái lễ, đó là món quà vùng quê mà bao đời nay đã thành tục lệ. Tôi thấy thương cho số phận 2 con gà quá, trước sau gì chúng nó cũng nhảy vô bụng tôi ngồi yên vị nhưng không nguyên hình…

Ông ba tôi, cũng như nhiều người trên cái đất nước này quan niệm: Đàn ông là phải biết cắt cổ gà và làm gà cúng kiếng ngày tết. Dân ta có một câu quen thuộc để sỉ nhục mấy gã đàn ông yếu đuối có liên quan tới con gà: “Trói gà không chặt”, vậy nên họ móc vòng vèo qua việc giết gà cũng thể hiện là một người đàn ông mạnh mẽ. Nhiều khi tôi nghĩ, giết con gà hay con chuột hay con gì đó cùng lắm cũng chỉ chứng minh một con người là hung bạo mà thôi.

Đương nhiên, cả thế giới không thể ngừng ăn thịt, ăn cá. Đương nhiên, mẹ tôi, mẹ của các con tôi trong tương lai, cũng như bao người mẹ thương chồng thương con khác, không thể ngừng giết cá hay giết gà, hay ngừng mua thịt heo ngoài chợ chỉ vì đó là hành động “giết chóc”. Và đương nhiên, cả đất nước Việt Nam chẳng thể ngừng giết gà, ngừng cúng gà khỏa thân vì việc đó là “giết chóc”. Tôi thừa nhận rằng con người hiện tại của mình cũng chẳng thể ăn chay ngay được.

Nhưng, câu hỏi là, có phải biết “giết gà” thì mới là đàn ông? Ba tôi hay nói: Tụi mày coi tao giết gà rồi bắt chước tập làm nè, mai mốt về nhà vợ không cắt cổ được con gà người ta cười cho. Chả sao cả, nếu bản thân tôi thấy điều đó là dã man thì sao phải ép mình cắt cổ con gà? “Làm lần đầu thì sợ chứ làm riết thì quen,” có ai đó vọng vào tai tôi câu nói đó mỗi khi tôi bảo: Cùng lắm con ra chợ mua gà, có tiền thì đâu cần phải giết nữa. “Gà chợ không ngon,” lại có ai đó vừa nói đấy? Đứng lên tôi xem nào? Tôi nói rồi, tôi cóc cần ngon, một năm người ta giết được có mấy dịp đâu mà cần phải ngon. Một năm ăn vài ngày ngon hơn một chút cũng không làm tôi vui hơn việc không giết một con gà. Gà! Tôi không giết thì người ngoài chợ sẽ giết, tôi dù gì cũng là người gián tiếp kích động việc giết gà, nhưng dù gì thì tôi cũng không phải trải qua cảm giác sợ hãi khi phải cắt cổ chúng nó.

Cắt cổ gà? Tại sao phải cắt nếu bản thân không thể, nếu người khác có thể làm cho mình? Chẳng cần thiết. Tôi chẳng muốn chống lại cái thói quen và suy nghĩ cổ hủ này, tôi chẳng muốn thay đổi gì cả. Tôi chỉ muốn nói, việc cắt cổ gà hay không cắt cổ gà, không quan trọng! Và điều đó chẳng chứng minh được điều gì cả. Nó đơn giản là một hành động giết chóc, chẳng phải là một tài năng gì hay ho cần phải được khoe khoang hay đáng tự hào.

Tết, và hãy thoải mái! Tôi quan niệm cuộc sống là phải thoải mái. Nếu không giết được con gà, thì mua con gà ngoài chợ, đều là gà. Nếu tu tập không giết chóc, chúng ta có thể cúng kiếng đồ chay. Việc cúng kiếng, việc giết gà, đừng phức tạp hóa mọi thứ lên nữa, mọi người ạ. Thoải mái! Sống thoải mái! Nếu mà thần linh hay tổ tiên phật lòng vì điều đó thì đó là điều mà họ chọn, đó là điều mà họ phải gặp, đó là điều họ nhận lấy, đó không phải lỗi của chúng ta. Chúng ta đâu có nhiệm vụ sinh ra để làm hài lòng thánh thần, tổ tiên chẳng biết mặt mũi thế nào bằng cách giết chóc, giết đi con người thật của mình.

Rốt cuộc thì, chả có gì là quan trọng, chả có gì là quy tắc. Nói thế, thì nên hiểu rằng, tôi không xem thường kỷ luật, quy tắc, thông lệ, nhưng tôi cũng chả thèm làm nô lệ cho nó.

Vậy đấy, thời gian sẽ chứng minh một người – chứng minh mọi thứ, không phải là những biểu hiện vốn chẳng có ý nghĩa gì như việc hóa kiếp một con gà.

-Lục Phong-
29/1/2014 (29 tết)

Đằng Sau Vẻ Bề Ngoài Của Một Vấn Đề

*Photo: Ibai Acevedo

 

Hầu hết chúng ta đều được học qua tác phầm “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua đó, ta hiểu được rằng cuộc sống không đơn giản như vẻ bề ngoài của nó. Cũng có những góc khuất đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng hay xấu xa của một vấn đề. Hãy nhìn sự việc một cách sâu xa và đa diện hơn, hãy tìm đến những gốc rễ của một vấn đề để có cách giải quyết hợp lí nhất.

Đó là một quan niệm nhân sinh mà hầu hết ai cũng hiểu nhưng để thực hiện nó lại là một điều không hề dễ dàng. Bạn biết đấy, có những người gần đi hết cuộc đời mà vẫn có những hành động nóng nảy, thiếu suy nghĩ, nhìn phiến diện về một sự việc nào đó; cũng có những người tuy rất trẻ cũng đã có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi việc. Có thể khắng định việc nhìn nhận vấn đề nói dễ thì cũng đúng nhưng nói khó thì cũng không sai.

Ở trường, ta được học thế nào là đúng và như thế nào là sai, hành động nào là có đạo đức và hành động nào là vô giáo dục và làm gì là tốt, làm gì là không tốt. Luôn có một ranh giới rõ ràng cho mọi chuyện và mọi việc. Nhưng khi các bạn bước ra cuộc sống thì những giới hạn giữa đúng và sai, đôi lúc lại mong manh và thậm chí có thể trộn lẫn vào nhau. Nhiều việc tưởng chừng như đúng đắn, thật đáng tuyên dương nhưng bên trong nó cũng có những điều sai lầm và ngược lại. Những câu chữ này có lẽ quá trừu tượng, hãy cùng tôi suy ngẫm về một sự việc có tính thực tế hơn.

Hồ Duy Trúc – tội phạm cầm đầu băng nhóm “chặt tay cướp SH”, được lãnh bản án tử hình trong sự vui mừng của mọi người. Việc vui mừng không hề sai hay không nói là quá đúng. Nhẫn tâm chặt tay người ngay giữa đường thì tử hình là một bản án xứng đáng cho tội ác của hắn và răn đe mọi người. Nhưng có một người không vui, không cười và cũng không hạnh phúc… Mà khóc, quỳ lạy, van xin thậm chí chửi mắng mọi người và cả người bị hại.

Chắc bạn cũng biết đó là ai? Vâng, đó là mẹ của phạm nhân. Đúng thật những hành động của bà quá xấu xí, thô lỗ, vô lí và bênh vực con mình một cách quá đáng. Dư luận phẫn nộ và mọi người “phán” ngay câu “mẹ nào con nấy” hay đại loại “mẹ thế thì làm sao nuôi dạy con tốt được.” Có thể việc bà chưa dạy dỗ con mình thành một người tốt cũng thật đáng trách. Nhưng xin hãy đặt mình vào vị trí của bà, bạn sẽ nhận ra những điều có lí đằng sau những sự vô lí. Một người mẹ nghèo, hằng ngày phải bươn trải, vất vả giữa muôn vàn gian khổ của cuộc sống; con người gầy gò, chai sạn với những bão tố của cuộc đời. Có phải cuộc đời cho bà sinh ra trong một gia đình giàu có và đầy đủ học thức thì chắc chắn rằng con bà đã không đến nông nỗi thế.

Nhiều người trong chúng ta hằng ngày sống trong sự nuôi dưỡng đầy đủ về vật chất đâu hiểu được còn bao người vất vả kiếm sống ngoài xã hội. Khi ta nằm trên một chiếc đệm êm trùm chăn ngủ trong ấm áp thì cuộc sống vẫn còn biết bao người rung người trong chiếc áo mỏng manh mà vẫn tiếp tục làm việc kiếm sống. Tôi không bênh vực cho bà và con bà, thậm chí còn lên án chúng nhưng tôi hiểu cho những việc làm “xấu xí” của bà. Một người mẹ khi nghe con mình chịu án tử hình, tức bà phải chịu cảnh mà mọi người vẫn gọi là đau lòng nhất “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”.

Hành động ấy thật sai trái và đáng trách với khi đứng lên lập trường của một công dân nhưng cũng rất hợp lí, dễ dàng thấu hiểu khi đạt trên cương vị thiêng liêng của một người mẹ. Suy cho cùng chúng xuất phát từ sự thất học của bà mà thôi. Bà thật đáng trách, đó là một điều hiển nhiên nhưng ngẫm kĩ bà cũng rất đáng thương.

Các bạn ạ, mọi vấn đề phát sinh đều do sự tác động của một yếu tố nào đó. Chúng ta đừng vội vàng đánh giá chúng qua vẻ bề ngoài, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, hãy bới móc những góc khuất đằng sau một sự việc bạn sẽ có một cách giải quyết tốt hơn. Một vấn đề xã hội thường bị ràng buộc trong nhiều mối quan hệ phức tạp. Đứng trên góc độ này là đúng, nhưng trên khía cạnh khác lại sai lầm.

Hãy đặt mình vào vị trí của những đứa trẻ nghiệm game online, có phải trước đây thì hầu như chuyện không diễn ra, suy cho cùng chúng cũng là nạn nhân của việc bùng nổ công nghệ thông tin và phát triển kinh tế. Khi nhiều nhà được xây dựng thì không gian đâu dành cho các em vui chơi. Những khu công viên chỉ đếm trên đầu ngón tay mà những tiệm game mọc khắp các đường phố. Đừng trách tại sao các em chỉ tối ngày đâm đầu vào việc chơi game vì “Ngoài chơi game ra em chẳng biết làm gì” – tâm sự của một em. Thay vì lên án, cấm đoán như nhiều người vẫn làm hãy tạo cho các em một không gian vui chơi và việc làm có lẽ sẽ khả thi hơn.

Vẻ bề ngoài của một vấn đề có lẽ ai cũng nhìn thấy được. Nhưng nó chỉ phản ánh một mặt nào đó của vấn đề. Muốn hiểu được trọn vẹn một sự việc hãy chịu khó suy xét những việc ở đằng sau chúng. Không chỉ có Phùng hay Đẩu (Hai nhận vật trong truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa) mà chúng ta cũng sẽ “vỡ ra” những điều chưa biết sau bề ngoài của một việc. Và nó là việc mà không phải ai cũng làm được.

 

 

Sep Virgo

Đã là mây thì đẹp

Photo: Karin Dalziel

 

Đây là một thành phố điên rồ. Nó có mùi hương riêng. Bạn sẽ ngửi được nó khi đang lái xe hay đang mơ màng ngắm mây. Tất nhiên, không mấy ai ngửi được điều đó nếu không được bật mí. Mọi người đều khá là bận rộn. Tôi thường bị chỉ trích vì ngắm mây. Mọi người luôn nhìn nhận những kẻ thích ngắm mây như những kẻ hay xao lãng công việc. Mọi người yêu công việc, yêu tiền và vô vàn những thứ khác do tiền mang lại. Tôi cũng yêu tiền, nếu có thể trở nên giàu có, tôi sẽ dùng tiền để mua những đám mây.

Tôi luôn tự hỏi liệu người ta có cảm thấy tiếc những phút giây của một kỉ niệm đẹp nào đó. Như việc ngắm mây chẳng hạn. Trước khi chết, người ta thường tiếc nuối nhiều thứ. Sớ Táo Quân mỗi năm chắc cũng không thể viết lên hết những điều tiếc thương đó được. Mọi người đều sống để chết. Chết vì già, chết vì tiền, chết vì tai nạn, chết vì tình yêu,… Nếu tôi vì quá mải mê ngắm mây trong khi đang lái xe trên đường và gặp tai nạn rồi chết. Mọi người sẽ nói tôi bị chết do tai nạn. Chẳng một ai nói gì về những đám mây. Những thứ hiện hữu một cách cô đơn. Người ta quên gọi tên chúng mỗi ngày. Người ta quên cách gọi tên những đám mây rồi người ta quên cách gọi tên nhau. Sống trong xã hội này, bạn có thể nhớ tên người hàng xóm ở cuối phố cho đến cuối tuần. Bạn sẽ quên tất cả mọi thứ liên quan đến người hàng xóm ấy vì sang tuần mới bạn sẽ phải đi làm trở lại. Bạn phải đến cơ quan, chửi rủa mọi thứ trong mớ kẹt xe bùi nhùi hỗn độn. Điều này lặp lại mỗi ngày cho đến cuối tuần. Nếu may mắn, bạn và người hàng xóm ấy sẽ gặp lại nhau trong một tình huống xã giao nào đó như là đi đóng tiền điện chẳng hạn. Cả hai gặp nhau, huyên thuyên vài câu, rồi lặp lại cái chuỗi biến mất rồi gặp lại cho đến khi một trong hai người bị chết đi hay phải xê dịch đến một nơi nào khác.

Một kẻ hay ngắm mây có phải là một tâm hồn lạc lối. Nếu tôi trở thành một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết hay một bộ phim, có phải dòng thoại đang mô tả về một kẻ vừa mất đi tình yêu đích thực của mình? Người ta tìm nhiều lý do để ngắm mây. Những lý do đó bạn có thể tìm thấy trong sách vở hay phim ảnh. Không có cái lý do nào ở đây. Ngắm mây là ngắm mây. Tôi là người sống không có lý do. Mọi người thường nhầm lẫn giữa việc định nghĩa lý do và mục đích. Người ta thường đặt câu hỏi tại sao. Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao những việc này lại diễn ra? Tại sao cuộc đời lại như thế? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Bạn có biết tại sao không? Tôi cũng không biết cách phải giải thích thế nào cho hợp lẽ nhưng tôi nghĩ khi người ta vấp phải một vấn đề nào đó, việc đầu tiên của họ là hỏi tại sao. Một số người hỏi tại sao như một câu hỏi lai với cảm thán. Chỉ là thốt lên một cách vô vọng. Một số khác thì đó là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất: Đặt câu hỏi.

Trong cái mớ hỗn độn của thành thị, mọi thứ sẽ nuốt chửng bạn. Thời gian sẽ ăn thịt bạn nếu bạn không vội vã. Tiền bạc và danh vọng sẽ ăn thịt bạn nếu bạn không khao khát nó. Người ta ăn thịt lẫn nhau. Tất cả đều là vô thức. Những thứ mà bạn từng tin vào từ tôn giáo cho đến luật pháp đều là một cỗ máy ăn thịt. Bạn chỉ có thể tự đặt câu hỏi và phán đoán xem mình có thể ăn thịt được những ai trong cái khả năng hữu hạn của mình. Tôi đã bỏ đi rất nhiều những thói quen thờ phụng và cầu xin. Chúa Trời của tôi bây giờ là những đám mây im lặng. Không thờ phụng, không cầu xin, chỉ im lặng.

Có những lúc tôi cảm thấy có một niềm hạnh phúc miên man nào đấy lướt qua trong mình. Cái cảm giác đẹp tuyệt vời như khi bạn đã nói xong những điều mình trăn trối với những người ở lại trước khi ra đi. Nó đẹp như khi bạn nhìn mọi người lần cuối cùng một lượt và bạn nhìn vào đôi mắt mỹ miều của tạo hóa đã ban cho người mà bạn yêu nhất. Nó đẹp đến thanh thản và đương nhiên. Ánh mắt ấy là một lần bao la vũ trụ. Một ánh nhìn quên đi mùi hương u ám của phần đen tối trong quãng đời đã sống của bạn. Nó xóa đi những ám ảnh và nó mang đến cái chết. Một cú hít hơi mát rượi rồi bạn lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. Là một cảm giác tuyệt vời như thế và nó chỉ tồn tại ở đó rất lâu mỗi lần cho đến khi bị một thứ gì đó ăn thịt. Một cú cắt ngang và phần cảm xúc kết thúc ở đó. Thế là hết đời cảm xúc. Những đám mây vẫn ở ngay trên đầu và luôn mở vòng tay chào đón một cảm xúc khác được sinh ra. Một niềm vui hay một nỗi đau thương tiếp tục.

– Canis T –

Dù có ra sao…

Một lần

Có một lần, tôi nắm tay một cô gái. Cái nắm tay ấy đặc biệt lắm. Không chỉ bởi vì đó là một cô gái tôi thích, hay bởi vì cái nắm tay đó chứng minh cô ấy cũng thích tôi. Cái nắm tay đó đặc biệt, vì chúng tôi biết mình không thể đến với nhau. Giống như cô ấy là sao chổi, còn tôi là mặt trăng vậy, cả hai chỉ có thể vô tình cùng xuất hiện trên bầu trời chứ chẳng thể mãi ở bên cạnh nhau.

Nhưng cô ấy vẫn quyết định nắm lấy tay tôi, bất chấp rằng đó chỉ có thể là một cái nắm tay vội vã, ngắn ngủi. Một cái nắm tay mãi mãi chẳng bao giờ có thể đường hoàng, tự tin, hân hoan như những cặp đôi khác.

Nắm tay cô ấy đi dạo, tôi nghĩ đến sự vô thường. Mọi thứ ta có, liệu có thật là có?

tumblr_mybroeyOij1r9ffjso2_500
Photo: Alexey Kljatov

Một người

Tôi có một người chị, là bạn, cũng là đồng nghiệp. Chị là một trong những người làm việc ăn ý nhất mà tôi từng trải qua. Chị thông minh, tu nghiệp ở nước ngoài về, làm việc trong một NGO lớn của nước ngoài, có một anh bạn trai người châu Âu và mỗi năm đều du lịch quốc tế. Mọi thứ chị có đều thật tuyệt vời, đó là kết quả của cả một quá trình cố gắng và phấn đấu của chị.

Rồi một căn bệnh về não cướp đi tất cả những thứ đó của chị, chỉ trong vài tuần. Đi dạo cùng chị trong ánh nắng chiều bên bờ hồ, nước mắt chị tuôn rơi. Sự tự tin mà chị đã từng có nay đều tiêu tan theo căn bệnh mà chị mang. Tôi nghĩ đến vô thường.

Cần bao lâu để ta mất hết những gì đang có?

Photo: Alexey Kljatov
Photo: Alexey Kljatov

Một cuộc đời

Người ta vẫn hay nói: “Hãy sống như ngày mai là ngày cuối cùng của bạn.” Hay giới trẻ bây giờ ưa chuộng câu slogan YOLO (You Only Live Once). Nhưng nếu ngày mai bạn chết, nếu bạn chỉ sống có một lần, bạn sẽ sống thế nào?

Cách đây 10 năm, khi nghĩ đến cái chết, điều hối tiếc lớn nhất của tôi là mình chưa từng nắm tay một người bạn gái. Cách đây 5 năm, khi nghĩ đến cái chết, tôi chỉ mong trước khi chết được ngủ với con gái một lần. Hai năm trước, tôi vẫn còn một danh sách những nơi cần đến trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Bây giờ, nếu ngày mai chết, tôi chẳng tiếc gì cả. Tôi nhận ra rằng, chúng ta lãng phí đời mình khi chúng ta không biết trân trọng thời gian, cuộc sống mà chúng ta có. Khi ấy, ta lãng phí đời ta vào những thứ nhảm nhí và vô bổ. Nhưng khi chúng ta muốn quá nhiều, quyết định quá nhanh và sống quá vội, ta cũng đang lãng phí những khoảnh khắc mà ta sống. Thế nên, dù có ra sao thì cũng chẳng sao.

Dù cho chúng tôi có chẳng đến được bên nhau, thì tôi vẫn sẽ nắm chặt bàn tay ấy. Dù cho ngày mai có là tận thế, tôi cũng vẫn sẽ sống bình thường cho hết những tháng ngày bình thường mà tôi có.

Dù có ra sao, cũng chẳng sao.

 

Hoàng Đức Minh

Photos: Alexey Kljatov

 

Tình yêu cũng giống như nhịp tim, có lên xuống đều đặn mới sống được

*Photo: Ibai Acevedo

 

Một tình yêu trải qua quá lặng lẽ sẽ làm cho những tâm hồn – dù có là đang yêu say đậm đi chăng nữa, mà cứ lặp đi lặp lại, cũng phải chán nản.

Mỗi ngày trôi qua đi kèm với những đoạn đối thoại chỉ gồm những câu “Em yêu anh”,”Em là ánh sáng cuộc đời anh”v.v… Quả thật cứ thà rằng không nói đi cho rồi! Những cuộc nói chuyện không mang một màu sắc nổi bật, không chiều sâu, không có một chủ đề, không một chút trí tuệ, đầy sáo rỗng và sự miễn cưỡng. Chúa ơi! Sao bạn có thể chịu đựng được quá hai ngày cơ chứ?

Thế nhưng, một tình yêu vấp quá nhiều sóng gió, một mối tình mà mười người nhìn vào thì chín người lắc đầu ngán ngẩm, cũng không tồn tại được lâu hơn là bao. Suốt ngày cãi nhau (nếu là cãi nhau yêu thì không nói làm gì), bất đồng quan điểm triền miên, gia đình phản đối kịch liệt vì một lý do chính đáng, v.v… Sớm hay muộn tình cảm cũng sẽ rạn nứt do tác động bên ngoài, dẫn đến chia tay trong cay đắng.

*Photo: Ibai Acevedo
*Photo: Ibai Acevedo

Thế… Một tình yêu hợp lí là thế nào?

Xuống là khi một ngày bạn cảm thấy mệt mỏi với áp lực đang đè lên lưng bạn, bạn muốn trốn khỏi cuộc sống xô bồ , bạn tắt máy, leo lên xe và đi tới một nơi nào đấy thật yên bình và đầy gió, tự nhủ để mọi buồn phiền cuốn trôi đi cùng gió, mặc cho hàng chục cuộc gọi của ai kia.

Lên là khi bạn trở về nhà và người bạn yêu chạy ra ôm chầm lấy bạn, hỏi rằng bạn đã ở đâu và làm họ lo lắng như thế nào. Bạn sẽ mỉm cười vì ít ra cũng có một điều tốt đẹp trên thế giới này, và nó đang dành riêng cho bạn.

Xuống là khi nửa kia của bạn quên mất ngày kỉ niệm, bạn rất cáu, đồng thời cũng rất buồn.

Lên là vài ngày sau đó, bạn tỉnh dậy và thấy một món quà chúc mừng muộn được đặt ngay bên cạnh và lời nhắn ghi lời xin lỗi vì đã lỡ quên. Bạn không còn cáu nữa, cũng như nỗi buồn cũng đã tự nhiên tan biến.

Xuống là khi bạn có một trận cãi vã khá gay gắt, nhưng bạn biết rằng mình đã sai nhưng vẫn cứng đầu không chịu nhận.

Lên là khi người kia sẵn sàng từ bỏ cái tôi để ôm bạn vào lòng và xin lỗi trước, dù đấy có là lỗi bạn đi chăng nữa.

*Photo: Ibai Acevedo
*Photo: Ibai Acevedo

Tôi không dạy cho bạn phải yêu như thế nào, ý tôi là một mối quan hệ chỉ có thể thành công khi trải qua những khó khăn và chia sẻ những hạnh phúc, cùng nhau. Một tình yêu quá ư là lặng lẽ sẽ giết chết mối quan hệ ngay từ bên trong, đi cùng nó là bao lời chưa kịp nói. Một tình yêu quá xô đẩy, chướng ngại vật sẽ bóp nghẹt cả hai người với những lo toan, đẩy họ vào những áp lực và vô tình đẩy họ ra xa khỏi nhau.

Tình yêu cần cả lên lên lẫn xuống, có thế mới có thể cùng gánh nỗi buồn cùng nhau, có thế mới có thể chia sẻ và nhân đôi niềm vui, có thế… Mới sống được!

 

 

Thi Thi

Cuộc cách mạng thứ ba trong lịch sử của nhân loại

*Photo: tommy japan

 

Cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam đã làm cho không ít người phải chịu cảnh lao tù. Vậy mà cuộc đấu tranh ấy đã không làm cho  chính phủ việt nam suy yếu mà hình như lại càng tăng thêm sức mạnh và quyết tâm để chính phủ việt nam tiếp tục con đường xây dựng XHCN.

Còn các nhà đấu tranh cho dân chủ thì vẫn chưa hình thành được một tổ chức thống nhất để phối hợp hành động. Cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ (đa đảng) ở Việt Nam không có một tổ chức nào đề ra được cương lĩnh hành động để có thể thu hút được mọi người. Hầu như họ đều là những người đấu tranh độc lập và tự phát. Và trong số đó không ít người chỉ muốn nổi danh. Để trở thành nhà đấu tranh nổi tiếng cho dân chủ và tự do ở Việt Nam thật dễ dàng. Họ chỉ cần viết một vài bài kiện cáo hoặc nói xấu các quan chức của đảng cộng sản là họ đã trở thành nhà đấu tranh dân chủ nổi danh rồi.

Để có thể tập hợp mọi người cùng chung một con đường thì chúng ta phải làm gì?

Để tiến đến một xã hội công bằng, tự do và dân chủ, con người đã phải tiến hành nhiều cuộc cách mạng xã hội khác nhau để chống lại các thế lực bảo thủ ngăn cản sự phát triển xã hội. Trong mỗi một giai đoạn cách mạng thì một trong những nhiệm vụ của các cuộc cách mạng ấy là phải xác định được mục tiêu đấu tranh của cuộc cách mạng. Không xác định được mục tiêu đấu tranh cách mạng thì không thể tập hợp được mọi người tham gia cách mạng.

Khi đó mặc dù các cuộc đấu tranh vẫn xảy ra nhưng nó chỉ là các cuộc đấu tranh tự phát không thu hút được toàn thể nhân loại cùng thống nhất trên một mặt trận đấu tranh. Cuộc đấu tranh ấy như kẻ lạc rừng, anh ta cứ đi nếu may mắn đi đúng đường thì tìm được đường ra, không may mắn mà đi sai đường thì anh ta sẽ bị thú giữ ăn thịt.

Lịch sử cho thấy loài người đã thực hiện thành công  2 cách mạng xã hội

  1. Cách mạng giải phóng nô lệ: Mục tiêu của cách mạng là: Xóa bỏ chế độ sở hữu nô lệ của chủ nô dẫn đến việc xóa bỏ chế độ xã hội nô lệ.
  2. Cách mạng tư sản: Mục tiêu của cuộc cách mạng là xóa bỏ chế độ sở hữu ngai vàng của vua chúa phong kiến dẫn đến việc xóa bỏ chế độ phong kiến.

Hiện nay chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng thứ ba.

Vậy mục tiêu của cuộc cách mạng thứ ba này là gì?

Lịch sử 4000 năm của việt nam là lịch sử 4000 năm giữ nước và chống giặc ngoại xâm. Tư tưởng của dân Việt Nam là như vậy, họ luôn luôn tự hào với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm. Họ không cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Vậy cho nên họ nghèo đói, chậm phát triển.

Đó là lịch sử 4000 năm của cha ông đã vậy, còn ngày nay thì sao. Vẫn vậy hết chống giặc ngoại xâm đến bây giờ là đấu đá tranh giành quyền lực. Các nhà dân chủ đang lớn tiếng đấu tranh cũng chỉ là muốn xóa bỏ chính quyền cộng sản để lập nên một chính quyền theo kiểu phương tây hay Mỹ. Và không biết các nhà dân chủ có muốn Việt Nam sẽ  trở thành một Lybya hay một Iraq hay không.

Cha ông đã vậy ngày nay con cháu cũng vậy chỉ biết đi vay mượn tư tưởng người khác để xây dựng quê hương đất nước. Vậy tại sao người Việt Nam không dám nghĩ đến tư tưởng khai hóa văn minh cho loài người. Một tư tưởng tự ti đang tiềm ẩn trong đầu mọi con dân người Việt, họ nghĩ rằng Việt Nam còn đang thuộc dạng nghèo khó thì làm sao nói đến khai phá văn minh nhân loại.

Hãy nghĩ rằng xã hội tư bản chưa phải là đỉnh cao sự phát triển của nhân loại. Vẫn còn những cơ cấu tổ chức xã hội hội năng động hơn phát triển hơn.

Tôi lên diễn đàn là muốn tìm những ai có tư tưởng đi khai phá văn minh cho nhân loại, không được tự ti và phải tin dân tộc Việt Nam sẽ làm được.

 

 

Thuy Linh

Tản văn: Ranh giới khi yêu…

*Photo: Flávio Filho(Flavikun)

 

Người ta thường bảo: Một tình yêu chân chính là yêu mà vẫn quan tâm lo lắng cho gia đình, vẫn phấn đấu học hành làm việc….

Vâng, mình xin cám ơn cái khái niệm này. Nhưng yêu là một trạng thái cảm xúc thường thấy vốn có của con người. Không phụ thuộc tuổi tác, không quy định giới tính và cũng không nề hà bất kì. “Tình yêu là thứ mà con có tránh cũng không được, con càng tránh thì nó càng tìm đến với con”. Đúng vậy, tránh né tình yêu là một việc không thể và không nên làm. Bởi lẽ, tình không rủ cũng tới. Chỉ còn là câu hỏi: “Làm sao để có thể chuẩn bị tiếp đón người khách tình yêu một cách chu đáo nhất?”

Có những người khi yêu, họ mụ mị, họ quên đi hết thảy những toan tính và mưu mô thường ngày. Họ quay trở lại đúng với cái thuở hãy còn “Nhân chi sơ tính bản thiện…” và sống trong một cái trạng thái phức tạp như việc uống một hớp rượu vậy mà say ngất ngây suốt cả cuộc đời. Thế nên người đời cũng mới sẽ có cái để mà xì xồ: “Ồ cái con bé kia có gì nổi bật đâu? Sao lại bỏ bùa mê thuốc lú; khiến cho thằng A trở nên thế kia?”…

Người ngoài thế nào mặc kệ, khi yêu họ vẫn trân trọng và yêu hết mình. Đấy chỉ là sự thăng hoa của tình yêu. Nhưng có những sự thăng hoa quá nhanh và mãnh liệt dễ khiến cho cái ranh giới giữa việc cân bằng chuyện yêu và cuộc sống trở nên bất hợp lý. Giống như uống một ngợm rượu, có người chưa chi đã say mà đỏ mặt, nhưng có người hãy còn bình thường lắm.

Vậy làm thế nào để vẫn an toàn trong vùng ranh giới của tình yêu? Câu trả lời là: Hãy đừng tự đặt cho mình một ranh giới nào cả; hãy cứ phá bỏ mọi quy tắc và luật lệ. Hãy cứ sống đúng với bản năng nơi con tim mách bảo. Hãy cứ yêu cuồng dại, yêu hết mình và yêu như chưa bao giờ được yêu như vậy. Vì cuộc đời ngắn lắm, có dài đâu? Tình yêu là một khúc hoan ca đẹp mà mỗi cung bậc cảm xúc đưa lại như một nốt nhạc reo vang. Vậy thì hà cớ chi phải tiếc nuối mà không gảy lên khúc nhạc cuộc đời?

Có những người sẽ sẵn sàng ném đá vào giấc mơ của bạn, hay sẵn sàng cầm cây kéo vạn năng cắt đứt phừn phựt mối liên hệ của bạn với tình yêu cuộc đời. Nhưng có sao đâu, bạn cứ cho họ cắt. Dẫu họ có được cây kéo của những Hades nhưng sợi chỉ cuộc đời bạn đủ cứng và sắc để hóa vàng thì lưỡi kéo rồi cũng cùn mà nhăn thôi…

Hãy cứ để tình yêu hòa quyện như ngàn đời nay vẫn vậy. Hãy cứ để cho khúc nhạc lòng cất cao lời hát, và hãy để tình yêu trở thành bất tử….

Vì đời là một khúc hoan ca…

 

 

Thu Li

Những cô bé cần Peter Pan còn phụ nữ thì không?

*Photo: Peter Pan Movie

 

Mọi cô bé đều ước mơ sẽ có một Peter Pan ở bên mình khi hãy còn thơ bé để rồi sẽ chọn một người đàn ông thực sự khi đã trưởng thành. Điều này hoàn toàn đúng. Những chuyện tình như kiểu gặp trong cổ tích: A gặp B khi còn nhỏ và sau đó vẫn giữ những tình cảm trong trẻo của một thuở thơ ngây đó mà cất giấu như kỉ vật cuộc đời? Để rồi một ngày đẹp trời A lại gặp lại B và yêu B ư?

Chuyện này chắc chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Mà chuyện cổ tích thì thường có những đặc điểm sau:

– Kết thúc có hậu: Một cái kết có hậu là cái kết mà hầu hết các truyện cổ tích đều có, trừ những câu chuyện của Andersen. Lũ trẻ về nhà an toàn  Ở cuộc sống thực tại; thực tế là có vài mối tình lụn vụn đã tan vỡ dẫu cho 7 – 8 năm bên nhau, thì huống chi tình cảm thời thơ bé còn được khắc ghi?

– Công chúa hoặc hoàng tử sẽ yêu duy nhất một người: Từ khi gặp gỡ cho đến khi thực sự cưới sẽ chỉ diễn ra việc gặp gỡ có một hoặc một vài lần. Và những con người này tin rằng đấy là số mệnh đã sắp đặt cho mình, ông trời đã định đoạt và cứ thế mà tăm tắp làm theo. Peter gặp Wendy như một phép màu vậy. Ở thực tại, thời phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tất cả chỉ có một lần gặp mặt, vậy mà vẫn bách niên giai lão đó thôi? Cổ tích cũng đâu có vô lý lắm? Có điều thời ấy xa rồi, thời nay nam nữ bình quyền, con người ta yêu nhau, sống thử chán chê rồi mới sống thật. Vậy thì cổ tích cũng đâu có xuất hiện?

– Chuyện tình cảm của đôi bên sẽ bị ngăn cấm bởi một thế lực: Thế lực ấy có thể là vua cha, do có quan thần ghen ghét mà trù dập. Hoặc có một thế lực cao tay như phù thuỷ hoặc những bà tiên có phép. Phần lớn các bà tiên đều giúp đỡ để câu chuyện đi đến một cái đích là hoàng tử cưới công chúa. Tuy nhiên, trong Peter Pan thì chính Tink là vừa là nàng tiên tạo nút thắt đẩy câu chuyện lên cao trào, vì đố kị với chuyện Peter thích Wendy mà khiến cho bọn cướp biển chiếm lấy và suýt nữa làm hại chính mình và Peter, cũng chính Tink là người giải thoát cho Peter sau đó khỏi cốc thuốc độc. Bây giờ tuy cứ  vẫn còn coi trọng môn đăng hậu đối, nhưng là tự nam nữ phân chia với nhau. Họ tự tìm những tâm hồn đồng điệu để sẻ chia. Và muốn “hoà cùng nhịp đập” thì đương nhiên những con tim phải cùng một ít ra giai cấp hoặc một khía cạnh như kiến thức hoặc hiểu biết xã hội…

Với Peter Pan: Đủ và đầy, những Tink biết bay và có cánh lấp lánh. Một câu chuyện tình cảm trong trẻo thơ ngây giữa Wendy và Peter, những tên cướp biển xấu xa…

Vậy là hội tụ đủ những yếu tố của một câu chuyện thần tiên. Ở cái xử sở kì lạ ấy, Peter là bố còn Wendy là mẹ. Và Peter thì chẳng bao giờ muốn lớn, cứ hãy muốn bé như vậy để còn được vui đùa. Wendy mặc dù rất thích chơi với Peter, nhưng cô bé không quên cha mẹ đang còn đợi ở nhà. Vì vậy cô đã quyết định sẽ trở về.

Có lẽ đó là một quyết định sáng suốt, để rồi Wendy trưởng thành và lập gia đình với một người khác. Cô bé đã trao nụ hôn đầu cho Peter. Có lẽ những cảm xúc ấy là những rung động đầu đời. Người phụ nữ Wendy sẽ cất giữ nó suốt những năm tháng tiếp theo để rồi vẫn còn tiếp tục kể cho những đứa con của cô câu chuyện về chàng Peter Pan và những tên cướp biển.

Một cô bé sẽ thích một Peter Pan gan dạ dũng cảm, xả thân vì chính nghĩa, luôn luôn vui vẻ vô lo vô nghĩ. Nhưng một người phụ nữ thì sẽ vẫn ghi nhớ những câu chuyện cổ tích thơ bé, để làm gì? Để kể cho các con của cô nghe. Vì cô biết là cô cần phải lớn lên và trưởng thành. Còn Peter sẽ vẫn chỉ là một kỉ niệm đẹp mà thôi.

*Ảnh: Phim Peter Pan 2003
*Ảnh: Phim Peter Pan 2003

Các cô bé luôn tìm và nâng niu một Peter Pan trong trái tim, hoặc một cậu bé của những mối tình kẹo bông. Để rồi những năm tháng sau đó, các cô trưởng thành với những suy nghĩ khác. Họ đã không còn là cô bé nữa, mà họ là những người phụ nữ. Phụ nữ thì sao? Thì vẫn phải lao động nuôi bản thân và bước vào thế giới khắc nghiệt của người lớn. Khi đó cô họ vẫn là những cô bé nhưng bị che mờ bởi những chi phối của cuộc sống thường nhật mà thôi.

Vậy nên những chàng trai ạ, nếu bạn lựa chọn làm một Peter Pan thì bạn vẫn sẽ vĩnh viễn ở lại vùng đất mộng mơ Neverland mà thôi. Còn ở thực tại, bạn sẽ phải học phải cố gắng và đấu tranh để sinh tồn. Thậm chí cuộc chiến ấy còn khốc liệt hơn cả cuộc chiến giữa Peter và những tên cướp biển. Cho nên những cô bé sau này chết mê chết mệt những người đàn ông trưởng thành chỉ bởi họ cũng đã từng là những Peter Pan thời ấu thơ nhưng vẫn cứ là một Peter Pan trưởng thành. Lịch lãm, biết đấu tranh sinh tồn với cuộc sống và có thể bảo vệ cho người phụ nữ mà họ yêu!

Chung cuộc, cổ tích thì vẫn cứ là cổ tích, còn thực tại sẽ là một bí ẩn hấp dẫn mà cổ tích sẽ không bao giờ có thể giống được. Nhưng có hề chi, mỗi cô bé nếu hãy còn chưa lớn thì sẽ vẫn cứ tin vào Peter Pan. Tôi tin vào những câu chuyện cổ tích! Tôi  tin! Tôi tin!

(I do believe in the fairies! I do! I Do)

 

 

Thu Li

Chẳng ai muốn đối mặt với nỗi buồn

Nếu bóng râm kia là nỗi buồn, ngày nắng kia là niềm vui, tôi chọn ngồi trong bóng râm, yên tĩnh với nỗi buồn một lúc để biết mình đang được hay đang mất.

• • •

“Ngồi trong bóng râm vào một ngày nắng đẹp và nhìn ngắm cây cỏ xanh tươi là sự tĩnh dưỡng hoàn hảo nhất.” – Jane Austen

Tôi vốn là người sống không thật. Nhiều lúc không vui, nhưng vẫn cố tỏ ra vui vẻ để làm hài lòng người đối diện.  Với bản thân, tôi không cho phép mình… buồn, không cho phép cái đầu được nghĩ tiêu cực, không cho phép giác quan nghỉ ngơi khi chưa xong việc (mà công việc thì có bao giờ xong? Nó là chuyện cả đời)

Phải nói rằng, sống như vậy khổ sở lắm, phải gồng mình lên, phải ngược đãi các giác quan, đàn áp cảm xúc của mình.

Em có đang như tôi không?

Tự nhiên ban cho con người 7 thứ cảm xúc cơ bản: vui, buồn, yêu, ghét, sợ, muốn và tức giận. Công bằng mà nói, 7 thứ cảm xúc này phải được luân chuyển, hài hòa trong mỗi con người thì mới gọi là người có đời sống tinh thần bình thường. Nhưng chúng ta thường có xu hướng níu giữ những niềm vui, và né tránh nỗi buồn, để đôi khi tự giam mình vào một thế giới cảm xúc không thật hoặc tìm một lí do nào đó vui vẻ để lý giải cho nỗi buồn. Chẳng ai muốn đối mặt với nỗi buồn.

Thỉnh thoảng, tôi chứng kiến người ta giao tiếp với nhau vô cảm, xuề xòa… Những câu chuyện mà chẳng có ai … buồn.

Hai thằng bạn học cùng đại học, chung một mơ ước, sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống, tình cờ gặp nhau trên đường, hỏi han nhau:

–          Mày khỏe không, giờ làm ăn sao rồi?

–          Tao ổn, công việc hiện tại nhìn chung khá, cũng vui mày ạ.

–          Uh, vậy là OK rồi mày. Hôm nào rảnh cafe hen.

(Trời ơi! Ai chẳng biết mày vừa nghỉ việc, cuộc sống đang khó khăn, sao mày không nói thật để tao chia sẻ với mày. Sao mày không nói, mày đang… buồn?)

Thời còn đi học, tôi biết một cô bạn rất đáng yêu và có năng khiếu văn nghệ. Em bảo tôi sau này, em mơ ước trở thành đạo diễn, hay đơn giản chỉ là một người viết, được viết, thế là hài lòng. Năm ngoái, tôi gặp lại em. Em giờ đã là một nhân viên ngân hàng, đã có gia đình, an phận. Bây giờ em bảo, em vui vì cuộc sống  tạm ổn định, người chồng em dù là do ba mẹ sắp xếp cho em, nhưng đối xử với em rất tốt. Em nói vui mà mắt em nhìn xa xăm lắm, chẳng nhìn được thẳng vào tôi. Còn tôi nhìn em tiều tụy mà thấy trống vắng  trong lòng một khoảng cũng xa xăm lắm.  Tôi đâu cần em vui thế này? Sao em không nói với tôi là em đang… buồn, để tôi nhắc lại em ngày xưa tươi tắn, đầy sức sống đến thế nào?

Sao em không dành thời gian để… buồn?

Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu như ai đó chạy đến tôi mà nói: T ơi, mình đang buồn! Tôi thật cảm ơn biết nhường nào?

Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mĩ, Jane Austen từng nói: “Ngồi trong bóng râm vào một ngày nắng đẹp và nhìn ngắm cây cỏ xanh tươi là sự tĩnh dưỡng hoàn hảo nhất.” Mọi người đón nhận câu nói này đơn giản là một cách nghỉ ngơi, tìm một bóng râm và nhìn ngắm hoa cỏ rực sắc trong nắng. Còn với tôi, có lẽ tôi cố suy diễn nó theo cách nghĩ của riêng mình. Nếu bóng râm kia là nỗi buồn, ngày nắng kia là niềm vui, tôi chọn ngồi trong bóng râm, yên tĩnh với nỗi buồn một lúc để biết mình đang được hay đang mất.

Tôi là người có nhiều mơ ước, mơ ước lớn nhất của tôi là Hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc là gì?

Cuộc sống Saigon tấp nập, dường như chẳng còn phút giây để hít thở một hơi dài cho trong veo cái đầu. Có thời gian cao điểm, tôi 9 tiếng một ngày ở văn phòng làm việc, 4 tiếng về nhà buổi tối cũng làm việc nốt. Tuần này, xong việc, thư thả. Tối về tôi có thời gian đọc sách, chơi nhạc, ngồi lặng ở ban công ngắm đêm, nghe âm thanh thành thị từ xa vọng lại.. Xong xuôi, tôi ngủ một giấc no tròn cùng đêm.

Hạnh phúc.

Cuối tuần nào cũng vậy, tôi rời Saigon, trở về nhà. Một trưa, tôi đang ngồi viết trong căn phòng nhỏ thời thơ ấu của mình, mắt đăm chiêu nhìn ngọn tầm xuân ngoài cửa sổ thì mùi bữa trưa thơm phức – mùi ký ức vọng đến từ dưới bếp. Tôi tưởng tượng ra bàn tay mẹ tôi đang bày biện các món ăn vào mâm, ít phút nữa bà sẽ gọi lớn: T ơi, xuống dọn cơm, rồi mời ba về ăn cơm đi con!

Hạnh phúc.

Người vô gia cư ngoài phố mùa đông, nhìn ánh đèn hắt ra từ cửa sổ một gia đình mà mơ: mơ một nơi chốn để về, mơ một không gian mình có quyền sắp xếp đồ đạc theo ý thích, mơ chiếc bàn viết nhỏ cạnh cửa sổ, mơ một giá sách tinh tươm, một khung ảnh gia đình đặt trên..

Hạnh phúc.

Tôi nhận ra rằng, để mơ ước cho những điều lớn lao, ta cần điểm tựa tinh thần, cần niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin ấy đến từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, mà nếu không dành thời gian cho nó, có lẽ chẳng bao giờ ta có được.

Tôi nhận ra rằng, chính nỗi buồn chứ không phải niềm vui mới quan trọng.  Buồn không phải là buồn thảm mà là nỗi buồn tích cực. Nỗi buồn cho người ta cảm giác hy vọng, vì nó mà vươn lên, cố gắng hơn, sống tốt hơn.

Em nói với tôi, mỗi ngày em sẽ  hát lên câu hát yêu đời của ông Trịnh Công Sơn  “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” – Cuộc sống tràn ngập niềm vui như thế thì còn gì hạnh phúc bằng!  Thế nhưng, nếu một ngày, nỗi buồn đến với em, mong em cũng đừng né tránh nó. Hãy thấu hiểu nó, sống với nó, từ nó mà lớn lên, dạn dĩ, thương yêu.

Cuối cùng, tôi thành thật xin lỗi nhạc sĩ Đỗ Bảo vì đã mượn cách nói Thời Gian Để Yêu của anh, để nói thành Thời Gian Để…Buồn. Tôi chỉ muốn điều gì đó công bằng cho nỗi buồn.

Nếu em đã dành Thời Gian để Vui, Thời gian để Yêu… thì cũng hãy dành Thời Gian để… buồn. Em nhé.

Đông Thụ – Biên Hòa 27.10.2013

Photo by Hồ Thụ

Xem thêm

Làm thế nào để tự vượt qua nỗi buồn?

Chông chênh là sự sống và trống trải là sự chết

Photo: Janette Asche

 

Bạn đã bao giờ leo trên cây cầu khỉ không có tay vịn chưa? Nếu chưa bao giờ leo trên nó, hãy nhớ lời tôi dặn: muốn đi vững trên cây cầu đó, hay dang rộng hai cánh tay ra, và thả lỏng thân thể, để mặc nó lắc lư nhún nhảy bên này bên kia một chút, thế thì bạn có thể đi qua nó một cách an toàn. Đừng có gồng mình cứng đơ như cây cơ, thể nào bạn cũng rơi tõm xuống ao. Đấy, tôi đã dặn bạn rồi đấy.