25 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 262

Đâu mới là nguồn động lực thực sự?

*Photo: No Visa Required

Tôi là một người thuộc thế hệ 9x, đã từng là một cậu bé sống trong khu ổ chuột, nơi tấp nập những phiên chợ “hoa” và “bạch đan”, cùng những thước phim hành động máu me rất đời thực,… Và tôi cũng lớn lên trong cảnh “đại chiến phụ huynh” như rất nhiều người khác ngoài kia. Nhưng bạn biết không? Tôi đang là sinh viên đại học – một anh chàng đẹp trai. Vâng, tôi tự tin thế đấy!

Không phải là than vãn, cũng chẳng phải là tôi khoe mẽ gì cả, vì vốn đó chẳng phải là một điều gì to tác, mà tôi có ra sao thì bạn cũng đâu có quan tâm đúng không? Nhưng nếu bạn thật sự nghĩ vậy, thì tôi nghĩ bạn lại càng nên đọc hết bài viết này!

Câu trả lời của tôi rất đơn giản: ĐỘNG LỰC.

Vậy, động lực là gì? Động lực từ đâu mà có?

Hãy thử trả lời một vài câu hỏi đơn giản dưới đây xem:

  • Ba mẹ bạn chưa từng tranh cãi?
  • Anh em bạn chưa từng bất hòa?
  • Bạn chưa từng phải lo nghĩ về tương lai của mình? (vì bạn là COCC, hay đại loại thế)
  • Bạn được rất nhiều chàng trai/cô gái theo đuổi? (đừng nói với tôi là “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” nhé)
  • Bạn chưa từng có bạn xấu?
  • Bạn vượt qua kỳ thi Đại học một cách dễ dàng? (ý tôi là bạn có IQ của một thiên tài)

Nếu bạn trả lời “Ừ” ở tất cả các câu thì cuộc đời của bạn thật hoàn hảo. Ấy, không phải như bạn nghĩ đâu, vì bài viết này có thể vẫn có ích cho bạn đó, tôi nghĩ vậy!

Động lực là gì thì có lẽ tôi không cần phải định nghĩa lại nó. Cho tôi xin vài phút nhé! Nào, bạn hãy nhớ lại xem bạn từng làm gì để thúc đẩy động lực của mình, hay nói cách khác là bạn đã tìm nguồn động lực ở đâu để vượt qua một khó khăn, thử thách nào đó trong cuộc sống. Để tôi đoán nhé! Có phải bạn nghĩ về ước mơ, niềm đam mê của mình? Có phải bạn nghĩ về việc thay đổi cuộc sống hiện tại?

Hmm… hay là bạn nghĩ về gia đình của bạn? Hoặc là người bạn thân của bạn? Hmm… Một lời hứa phải không? Hmm… Đừng lừa tôi, bạn đang yêu phải không? Một trích dẫn ư? Cái gì, một đoạn clip trên youtube à? Cắt tóc?…

Vâng, hàng tỷ suy nghĩ và cách thức, nhưng dù bạn nói gì, tôi đều tin bạn cả!

Nhưng sự thật là… “NGỌN LỬA” của bạn tụt rất nhanh và bạn không thể kiểm soát nó! Vì sao? Vì bạn là một người bình thường, không IQ thiên tài, không có cuộc đời hoàn hảo,… Và tôi cũng như bạn vậy đó!

Đừng nói đâu xa, thử quan sát xung quanh bạn xem, ở chính những người bạn của bạn, tôi dám chắc không ít những bạn từng tham gia các khóa học ngắn hạn về “TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ THÀNH CÔNG”, hoặc nghiền ngẫm những trích dẫn của Bill Gates, Steve Jobs hay Nick Vujicic, hoặc xem đi xem lại các đoạn clip truyền cảm hứng trên youtube,… Họ có thể rất mạnh mẽ ngay sau đó, rất quyết tâm, thậm chí còn tìm đến bạn bè và thể hiện cái quyết tâm đó của họ.

Hì, “qua cơn mưa, trời lại sáng; nhưng sáng một lúc, rồi trời lại mưa”. Gì hả? Thì quy luật thời tiết thôi. Con người chúng ta cũng theo quy luật đó ở mọi khía cạnh, không phải chỉ có mỗi yêu đương mới có “cảm nắng”.

Thêm một vấn đề nữa nhé! Có bao giờ bạn tìm đến những người bạn và xin ý kiến chưa? Ý tôi là về việc thúc đẩy động lực của bạn đấy! Giả dụ như bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề gia đình, bạn không biết làm sao để vượt qua cả, hoặc bạn vừa mới bị “đá” ngay ngày va-lung-tung, hoặc bạn vừa mới bị cho leo cây và muốn trả thù,…

Điều bạn muốn là có động lực để vượt qua nó, có cảm hứng, niềm tin để bước đi tiếp, để không làm điều gì dại dột, biến chuyện to thành chuyện nhỏ. Và sự thật là không phải lời khuyên nào cũng có giá trị đối với bạn. Không phải vì nó không thực, mà đơn giản là nó không phù hợp với bạn. Nói thật lòng, thậm chí có bạn còn chưa từng thấy một lời khuyên nào hữu ích đối với mình trong vấn đề này.

Vậy?

Ừ, nguồn động lực rất dễ tìm thấy, bằng chứng là bạn đã có hàng đống suy nghĩ và cách thức như đã nói đó thôi. Chúng đều do bạn tự nghĩ ra mà có thể là không cần một sự trợ giúp nào.

Hãy lựa chọn nguồn động lực phù hợp với bạn!

*Photo: No Visa Required
*Photo: No Visa Required

Bạn là người hướng ngoại hay hướng nội? Bạn là kiểu người gia đình hay công việc? Bạn là kiểu người mơ mộng hay thực tế? Bạn là kiểu người lý trí hay cảm xúc? Bạn là loại người dám mơ tưởng to lớn hay chỉ là những suy nghĩ ở mức bình thường? Bạn là dân Kinh Doanh hay CNTT hay bạn là một nhạc công? Bạn là COCC hay con nhà bình dân, thậm chí là mồ côi ba/mẹ?

Ý tôi là vậy đó! Bạn không thể khuyên một người thích phiêu lưu mạo hiểm ngồi một chỗ mà chơi game giải sầu được. Bạn cũng không thể khuyên một người kiểu gia đình đi BAR tán gái để vơi nồi sầu được… Nói chung là bạn không thể áp cách của mình với người khác được. Tất cả những gì bạn làm chỉ là một gợi ý, và chỉ có tác dụng tạm thời. Bản thân bạn cũng vậy, dù trong hoàn cảnh nào, đừng quá hi vọng vào việc sẽ tìm thấy động lực từ lời khuyên của một ai đó, hay từ việc xem một bài viết, một đoạn clip.

Bạn thắc mắc về tôi chứ? Nếu có, tôi có thể nói, coi như là một ví dụ

Tôi, đơn giản lắm, chỉ cần nghĩ về việc phụng dưỡng ba mẹ tôi, chăm lo cho em tôi học hành đàng hoàng, nghĩ về việc phải xứng đáng với người tôi yêu. Thường thì tôi hay làm như thế đó, tôi là kiểu người của gia đình mà! Đương nhiên là đôi khi việc đi chơi với bạn bè cũng giúp tôi vượt qua khó khăn, vì tôi cũng là kiểu người hướng ngoại.

Có lúc, chỉ cần nghĩ tới nhân vật Luffy (trong phim One Piece) mà tôi yêu thích cũng khiến tôi bật dậy cảm hứng, vượt qua nỗi buồn và khó khăn (đôi khi tôi hay mơ tưởng mình sẽ mạnh mẽ như Luffy vậy). Hoặc Lý Liên Kiệt, thần tượng võ thuật của tôi đã giúp tôi có quyết tâm tập thể dục và tập võ mỗi ngày (tôi thích võ thuật)…

Mỗi người cần tìm ra đam mê của mình, để làm gì thì biết rồi đấy, chỉ là không dễ để tìm ra, đúng không? Nhưng, nguồn động lực thì nhiều, chỉ cần bạn lựa chọn đúng những cái phù hợp với mình mà thôi. Và chỉ cần bạn tụt hứng, hãy nghĩ đến nó là bạn sẽ vụt dậy ngay nhanh chóng. Vì nó phù hợp với bạn, nên bạn không phải lo đến việc phải tham gia một khóa học ngắn hạn “TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ THÀNH CÔNG” khác nữa – thứ mà không phải ai cũng phù hợp, hay những thứ khác mà chỉ có tác dụng tạm thời đối với bạn, khi bạn tụt hứng, nghĩ về nó… Và cảm thấy VÔ DỤNG.

P/s: tôi viết bài này để làm một nơi tham khảo cho các bạn đang mất động lực, chủ yếu là các bạn trẻ 9x 8x như tôi, vì tôi biết cảm giác đó thật khó chịu như thế nào. Nhưng những bạn đã có cuộc đời hoàn hảo, cũng có thể tham khảo, biết đâu bạn có thể tìm ra cho mình một động lực mới để thực hiện một điều gì đó thì sao, như là động lực tìm kiếm đam mê của mình chẳng hạn,…

 

 

J-Rule Zhou

Trong khe nứt của không gian và thời gian

*Photo: all that improbable blue

 

“Dạ khúc, năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” có bìa không nổi bật, nằm lẫn lộn trong những sạp sách lớn với vô số người chen chúc trong buổi Nhã Nam xả hàng kho sách. Tôi đã kiễng chân, vất vả lắm mới lấy được cuốn sách ra.

Tuy nhiên, dòng chữ ngay trang bìa dưới đây, đã quyết định cuốn sách phải thuộc về tôi, cho dù tôi chưa hề nghe nói về “Dạ khúc…” trước đó: “Một cuốn sách vô cùng thông minh về thời gian đang trôi qua cùng những khoảnh khắc thăng hoa khiến hành trình ấy trở nên đáng giá.” Có thể nói, trong khe nứt của không gian và thời gian ấy, tôi và quyển sách đã có duyên với nhau.

Kazuo Ishiguro, tác giả cuốn sách, là một cái tên hoàn toàn xa lạ với tôi dù ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nói về sự xa lạ, để thấy khi tôi mở trang sách ra, lại bắt gặp một giọng văn gần gũi và vô cùng tinh tế trong cách thể hiện những khoảnh khắc của cuộc sống, tình yêu và những nỗi niềm trắc ẩn.

Ông là một tác giả sinh ra tại Nhật nhưng lớn lên ở Anh, không gian của những câu chuyện rất “Tây”, đưa ta đến nhiều vùng đất của Châu Âu, với nhiều nhân vật từ mọi nơi trên thế giới.Và không gian đó ngập tràn trong âm nhạc và âm nhạc là sợi dây kết nối những nhân vật lại với nhau, hoặc đẩy họ xa nhau ra khỏi cuộc đời.

Những khoảnh khắc chia tay lưu luyến

Đó là những cuộc chia ly không lời với sự tiếc nuối đầy trắc ẩn được xây dựng và miêu tả tinh tế. Bốn trên năm truyện ngắn của tập truyện – “Người hát tình ca” “Mưa đến hay nắng đến” “Khu đồi Malvern” hay “Dạ khúc” – đều nói về những mối quan hệ đã bị rạn nứt và tan vỡ trong những cuộc hôn nhân, cho dù “chủ thể” là những cặp uyên ương còn trẻ, trung niên hay đã già. Nhưng dù là chia tay hay tan vỡ, nỗi buồn ở đây vẫn được miêu tả rất đẹp, đầy tiếc nuối, và cũng là những khoảnh khắc vô cùng thăng hoa đầy đáng giá.

Trong “Người hát tình ca”, người chồng là ca sĩ đứng dưới cửa sổ khách sạn, hát cho vợ mình nghe từ con thuyền trên dòng kênh ở Venice những bản tình ca gợi nhớ lại từng kỷ niệm của hai người. Đây là kỳ nghỉ cuối cùng của họ trước khi họ quyết định chia tay vì lý do danh vọng.

Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Vì thế bà ấy mới khóc trong phòng. Bởi bà ấy vẫn còn yêu tôi nhiều như tôi vẫn yêu bà ấy.”

Và tất nhiên, giây phút đầy cảm động ấy của tình yêu vẫn là một khoảnh khắc vô cùng mong manh, không chống trả được quy luật phũ phàng của cuộc sống, như những cơn sóng dâng trào lên và cuốn trôi đi.

Cũng là những ánh mắt “dâng đầy nước” trong “Mưa đến hay nắng đến” khi bản nhạc “April in Paris” ngân lên, nhưng đây là sự rưng rưng xúc động khi phải kìm nén những đồng cảm trong âm nhạc của mình, với một người bạn thời trẻ, để bảo vệ hạnh phúc cho vợ chồng của một người bạn. Truyện được kể lại bằng cách đưa ra một tình huống khá thú vị mà có lẽ tôi không nên bật mí trước.

Cũng ngập tàn nhạc tính, cuộc chia tay trong “Khu đồi Malvern” là của hai bóng dáng già nua cô độc, rời nhau và dần bé nhỏ giữa mênh mông của những khu đồi. Đó là sự chia tay dù không lời nhưng người trong cuộc tự ngầm hiểu rằng sẽ không thể cứu vãn nổi vì những góc nhìn cuộc sống quá đối lập: một người lạc quan và một bi quan. Truyện hay ở chỗ nó đề cập tới góc độ hai thái độ sống này đã tác động đến tâm trạng sáng tác của nhạc sĩ trẻ tuổi, người kể lại câu chuyện này như thế nào.

Những khoảnh khắc yêu thương mà tiếc nuối đó làm tôi nhớ đến một đoạn văn trong tác phẩm “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera.

Hai người khiêu vũ theo điệu nhạc. Tereza ngả đầu lên vai Tomas. Y như lúc hai người ngồi trên phi cơ bay xuyên qua những đám mây giông bão. Cô thấy trong lòng dâng lên cảm giác sung sướng lẫn buồn rầu như lúc đó. Buồn rầu nghĩa là: chúng ta đang ở trạm cuối. Vui sướng nghĩa là: chúng ta đang ở cạnh nhau. Buồn là hình thức, vui là nội dung. Niềm vui tràn ngập khoảng chứa của nỗi buồn.”

Những khoảnh khắc gặp gỡ thăng hoa

Ai đó từng nói rằng: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” và “tình yêu chẳng qua chỉ là những khoảnh khắc thăng hoa mà thôi” thì hai khẳng định đó đều đúng với câu chuyện của những nhân vật trong “Dạ khúc” và “Người chơi Cello”. Nhưng, cái tài của tác giả là không sa đà miêu tả vào nỗi buồn thảm của bóng đêm tĩnh lặng, sau giây phút rực rỡ nở bừng của cảm xúc. Tác giả chỉ viết về những khe nứt của không gian và thời gian, nơi mà chẳng ngờ tới, những con người hoàn toàn xa lạ gặp nhau trong tình huống đặc biệt, và từ đó nảy sinh tình cảm không lời, khi tâm hồn được thăng hoa, cùng âm nhạc.

Trong hai truyện cuối của tập truyện ngắn, ngoài việc miêu tả những tình huống gặp gỡ của hai nhân vật, họ nói gì với nhau, những tình cảm thầm kín được gói ghém như thế nào, thì câu chuyện còn trở nên đắt giá bởi những triết lý về tình yêu cuộc sống.

Trong “Dạ khúc” có đoạn viết:

Tôi hy vọng vợ anh quay lại. Tôi thực tình hy vọng thế. Nhưng nếu cô ấy không quay lại, thì, anh phải bắt đầu một góc nhìn mới. Cô ấy có thể là một người yêu tuyệt vời, nhưng cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải là chuyện yêu một ai đó. Anh phải xông pha, Steve. (…). Đã lâu lắm rồi kể từ lần cuối khi tôi khi trung chuyển giữa hai cuộc hôn nhân. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ xông ra mà thử một lần xem.”

“Dạ khúc” mô tả những giây phút dở khóc dở cười (kèm những tình cảm sâu kín) của một phụ nữ thuộc hàng nghệ sĩ nổi tiếng với một người đàn ông là nhạc công không tăm tiếng. Thời gian chỉ gói gọn là một đêm trong không gian là một khách sạn hạng sang, khi hai người ở cạnh phòng nhau, chờ tháo băng mặt vì phẫu thuật thẩm mỹ. Còn trong “Người chơi Cello” lại là sự gặp gỡ tình cờ nhưng không kém phần thăng hoa của một chàng nhạc công Hung với một phụ nữ Mỹ hơn mình cả chục tuổi.

Khi chàng trai bắt đầu nhận ra rằng mình có cảm xúc mạnh mẽ với người phụ nữ, là lúc chàng cảm thấy mình được thăng hoa với âm nhạc, háo hức, say mê và nghiêm túc với nghề. Đoạn kết câu chuyện, người phụ nữ đi lấy một người đàn ông khác dù đủ mọi điều kiện vật chất nhưng không hiểu lắm về âm nhạc. Và chàng thanh niên thì mất đi cái thần thái háo hức, say mê, yêu đời với âm nhạc.

Thay cho lời kết, tôi được trích dẫn một lời giới thiệu in trên bìa ba của cuốn sách:

Đây không hẳn là những câu chuyện về âm nhac, mà là những nghiên cứu về mối quan hệ, nhấn mạnh vào sự nổi tiếng và cái giá phải trả để thành danh hay thất bại trong thế giới hiện đại.

Vậy tình yêu thật sự là gì? Liệu tình yêu có phải là tất cả trong cuộc sống này?

Liệu tình yêu có quá đỗi mong manh khi chỉ tồn tại được trong những khoảnh khắc thăng hoa, giữa những khe nứt của không gian và thời gian? Liệu tình yêu có thể tách bạch với những đam mê trong sự nghiệp và danh vọng? Liệu tình yêu đôi lứa và tình yêu cuộc sống có thể hòa nhịp được cùng nhau hay không?

Đó là những điều mà có lẽ khi khép lại cuốn sách, mỗi chúng ta đều muốn suy ngẫm về nó.

 

 

Đoàn Minh Hằng

Không

Photo: neetaphoto

Tôi hỏi dòng sông có đẹp không ?

Người rằng bảo có kẻ bảo không

Đoàn người mải chạy theo đám bụi

Dòng sông nằm đó có như không

Tôi hỏi thiền sư ngồi kiết lặng

Dòng sông chẳng há đẹp lắm ông ?

Lão cười nhoẻn miệng rồi cất tiếng

Nó là chẳng đẹp cũng chẳng không

Quan Nhiên

Làm Gì Thì Làm Ngay Đi, Nhiều Khi Để Đó Sẽ Thành Không Bao Giờ!

*Photo: Triết Học Đường Phố

 

“Ngày nào thức dậy ai cũng muốn mình thay đổi một cái gì đó, nhưng cuối cùng cuộc sống của họ vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Cho đến khi mọi thứ đã quá trễ.”- Trích phim Bụi Đời Chợ Lớn

Cuộc đời nhiều khi thật buồn cười. Sau một đêm trôi qua, khi mà năm cũ chuyển mình qua năm mới và người ta nghĩ rằng họ sẽ có những thay đổi tích cực nhưng họ không biết rằng mọi sự thay đổi luôn phải xảy ra mỗi ngày. Gạt phăng đi mọi dự định, kế hoạch trên giấy và trong ý nghĩ mà hãy bắt tay vào làm từng cái một. Không phải kế hoạch nào cũng viết ra giấy mà nó phải thực hiện bằng cái đầu và trái tim.

Đã bao giờ, bạn ngồi nghĩ về những kế hoạch cuộc đời cho một năm mới? Bạn vẽ ra rất nhiều thứ dự định về sức khỏe, công việc, học tập, tình yêu và cả tỷ thứ linh tinh khác. Những rồi bạn để nó ở đó, mãi ở trên giấy và trong ý nghĩ của bạn. Bạn nghĩ rằng, hôm nay mình không làm thì mai mình sẽ làm. Và cứ thế bạn chẳng bao giờ thực hiện những kế hoạch hoàn hảo đó. Đừng bao giờ tự huyễn hoặc bản thân mình bằng những kế hoạch mà mình không hề đụng tới nó.

Hãy làm những thứ mà bản thân bạn có thể làm được, đừng vẽ ra một tương lai mà bạn không thể nào đủ can đảm để thực hiện nó. Tương lai không phải thứ dự định mà bạn đọc trong những cuốn sách hay khóa học kỹ năng. Tương lại là một thứ vô định, chỉ khi bạn hiểu được những nguyên tắc để bản thân định hình được tương lai thì bạn sẽ tự thấy cuộc sống vận hành theo những gì bạn nghĩ và bạn làm.

Từng nghe một câu chuyện về một anh chàng, suốt ngày anh ấy cứ ngồi cầu nguyện được trúng vé số. Anh ta ngồi vẽ vời, tưởng tượng ra một đống những dự định sẽ làm sau khi trúng số độc đắc. Nhưng thật vô ích khi anh ta chẳng bao giờ chịu bỏ tiền ra mua vé số. Cũng giống như cuộc đời bạn vậy! Bạn cứ mãi vẽ ra những dự định, kế hoạch cho tương lai mà chẳng bao giờ chịu thực hiện. Để rồi cuộc đời bạn cũng giống như chàng trai mơ trúng số.

Nếu bạn muốn có một sức khỏe tốt thì hãy bắt tay vào việc chạy bộ vào mỗi buổi sáng thức dậy, nếu bạn muốn có tiền thì hãy bắt tay vào những công việc làm thêm nhỏ nhỏ hay thực hiện những dự án kinh doanh với đám bạn thân. Cũng như bạn muốn có một tình yêu thì bạn hãy chịu chấp nhận cho những người dám bước vào cuộc đời bạn. Bạn mong muốn điều gì trong cuộc sống của bạn thì hãy làm điều đó ngay.

Con người thường thích ngồi và mơ mộng về những viễn cảnh xa hoa nhưng không nhận ra rằng muốn đạt được nó phải đánh đổi bằng những hành động dù là nhỏ nhất. Những người thành công hiện tại đều là do họ có những dự định và gắn chặt bản thân với những dự định đó. Điều quan trọng là khả năng vượt qua những khó khăn trên con đường đã dự định. Đừng vì những khó khăn nhất thời mà từ bỏ đi những kế hoạch lớn đã lập ra. Hãy hành động mỗi ngày, mỗi giờ hay thậm chí mỗi phút.

Năm mới rồi, cũng giống như một cuốn sách có 365 trang. Mỗi ngày hãy viết một trang sách cuộc đời thật hay. Hãy thực hiện những dự định từ những năm trước, hay là những điều bạn chưa từng làm, đặt chân tới những vùng đất chưa đặt chân tới. Hãy nấu những món bạn thích mà chưa có dịp trổ tài. Hãy thêm động lực cho những kế hoạch và thực hiện nó mỗi ngày. Đừng trông chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong cuộc sống của bạn mà chính những điều bạn làm sẽ là điều kỳ diệu.

Tất nhiên sẽ có người tự hỏi rằng: “Tác giả đi khuyên người khác thế tác giả đã làm được gì? đã thành công chưa?”

Tôi xin trả lời rằng tôi đã thành công, đang thành công và sẽ thành công. Bởi vì đơn giản, thành công của tôi là chia sẻ, tạo giá trị cho mọi người và được người khác yêu mến. Tôi đã từng trải qua chín công việc khác nhau và nhận ra rằng tiền bạc chưa chắc đã mang lại thành công. Nhiều khi thành công chỉ là bạn có những mối quan hệ tốt, sức khỏe tốt hay là một nụ cười của một người nào đó… Định nghĩa thành công của những người khác nhau là khác nhau.

Thật là khập khiễng khi so sánh thành công của tôi và của bạn. Vì vậy dù ai có nói gì đi nữa thì bạn cũng hãy thành công theo cách của riêng mình. Đừng sống cuộc đời của kẻ khác và phải chết cái chết của chính mình.

Hãy viết một câu chuyện, tập một nhạc cụ, làm một bộ phim ngắn hay thiết kế một cái gì đó… Hãy làm gì đó có giá trị thay vì cứ mãi đợi chờ người khác tạo giá trị cho bạn tận hưởng. Xã hội có quá nhiều người tiêu thụ sẽ thành một xã hội lười biếng, kém sáng tạo. Đừng trông chờ vào người khác làm cho bạn mà chính bạn sẽ là người tạo giá trị riêng cho bản thân mình và xã hội.

“Làm gì thì làm ngay đi, nhiều khi để đó sẽ thành không bao giờ.” ― khuyết danh

 

 

Quang Nam

Đêm nhọc nhằn và hộp cháo niềm vui…

*Photo: Duc Tran

 

Đêm qua các bạn ngủ có ngon không? Có ấm êm trên nệm mềm với bao giấc mộng đẹp? 12 giờ khuya, tôi cùng các anh chị em nhóm từ thiện G9-Cháo Đêm Ấm Lòng dạo quanh đường phố Sài Gòn.

Tôi thấy… Từng nhóm thanh niên lạng lách cười đùa mặc kệ người đi đường e ngại. Nhiều cặp đôi tay quấn lấy tay, váy áo thời trang và những đôi guốc cao đắt tiền. Vài nhóm đàn ông tụ tập đánh bài trên đường Nguyễn Văn Cừ. Những quán nhậu ven đường còn đông người và tiếng hô hào cụng ly.

 Và… Tôi thấy HỌ…

Một cậu bé nhỏ xíu chừng 8 tuổi trèo lên xe taxi lau cửa kính. Mấy cô hàng xe bán nước lụi cụi lau dọn, sắp xếp lại một nửa gia tài của mình.

Tôi thấy nhiều màu áo cam sọc vàng còng lưng quét những đường chổi dài, nặng trĩu giọt mồ hôi. Bên lề đường, bóng người nhặt rác liêu xiêu, cộc kệch thê lương… Và nhiều phận người khác tôi không kịp nhìn… Đó là những người mà chúng tôi bỏ qua, không dừng lại…

Tôi ghét cảm giác có một chút cân nhắc, một chút đắn đo khi cho đi vật chất. Tôi cầm trong tay phần quà gồm cháo và sữa. Hộp cháo này nhỏ lắm, chẳng bằng bữa ăn sáng với cơm sườn, phở, miến…của biết bao nhiêu người. Tôi muốn gửi đến tất cả HỌ, những người lầm lũi lướt ngang trong mắt tôi. Nhưng chúng tôi không có nhiều, cả nhóm nấu tất cả 160 suất, nên chỉ gửi tặng các cô chú, ông cụ, bà cụ lớn tuổi mà chúng tôi tìm thấy họ ngủ trên làn đường.

Có một ông cụ không quá già đang mày mò tìm nhặt giấy vụn và vỏ chai trên đường Hoàng Diệu, một anh trong nhóm dừng xe và xuống gửi tặng ông phần quà. Tôi thấy ông cười, khom người cám ơn và liền ngồi bệt xuống đất mở ra ăn. Chắc ông đói lắm, tôi nghĩ và bước lại gần trò chuyện cùng ông.

– Cháo có ngon không ông?

– Hời ơi ngon lắm cô, cám ơn cô chú nhiều nha. *cười toe*

– Nhà ông ở đâu?

– Tui hổng có nhà, tui ngủ ở chung cư đằng kia kìa. *tay chỉ về phía xa*

– Mỗi ngày ông bán được bao nhiêu tiền? *Tôi hỏi, mắt nhìn vào 2 bao ve chai bên cạnh ông.*

– Ba chục ngàn, giấy rẻ lắm, có hai ngàn 1 ký hà cô.

– Vậy quê ông ở đâu?

– Quê tui ở xa lắm, mà mất người thân hết rồi, nên tui sống ở đây một mình. Ngày qua ngày hà cô ơi…

Ông vừa nói vừa cười, giọng điệu không một chút chua xót mà hoàn toàn chấp nhận số phận. Tôi không biết nói gì hơn, các anh đang chờ tôi và chúng tôi phải đi tiếp. Đứng dậy chào ông, mắt tôi bắt đầu rơm rớm…

Tôi nhớ những mâm cơm thừa mứa ở nhà, mẹ nấu toàn thịt thà ngon ngọt mà tôi chán chê chẳng thèm ăn. Tôi nhớ những buổi ăn uống chè chén cùng bạn bè, hết món này đến món khác, cạn lon này lại khui lon khác. Và tôi nhớ về bữa trưa gần nhất của mình là 25 ngàn, gần bằng cả ngày lao động nhọc nhằn của ông… Một thân một mình, một công việc cho mỗi ngày giống như nhau… Có vô vọng lắm không ông? Có đơn độc lắm không ông? Khi sự tồn tại là bao mệt mỏi, chật vật kiếm sống trong ngàn chua xót, cay đắng của cuộc đời…

Chúng tôi khẽ khàng đặt hộp cháo bên cạnh những gương mặt nhằn nhèo đang say ngủ trên xích lô, tựa lưng bên lề đường hay rúc mình trong ngõ hẹp của hai ngôi nhà… Sớm mai thức dậy có bữa sáng ngon lành chắc họ vui lắm!

Một ông cụ tóc lơ phơ bạc đẩy xe nước trên đường Nguyễn Thái Học, ông lôi trong túi ra ổ bánh mì mỏng te. Tôi gửi ông hộp cháo và sữa. Ông cười rạng rỡ:” Trời ơi sao nhiều quá vậy cô?!” Rồi cảm ơn rối rít. Có nhiều lắm đâu ông, cái con gửi ông chỉ là một phần nhỏ trong hiện tại mà con có. Một gia đình lớn luôn đủ đầy niềm vui, nhiều bạn bè nên chẳng khi nào cô độc, những bữa ăn chẳng bao giờ thiếu chất, món này món kia…

Con ước may mắn và hạnh phúc được san sẻ công bằng, và số phận mỗi người là một bài toán được cân đong đo đếm sao cho đều, để chẳng ai thiếu thốn, khổ tâm, bất hạnh…

Một chú bị khuyết tật, không nói được, giật mình tỉnh dậy khi chúng tôi ghé. Chú cười gật đầu cảm ơn, tay chỉ vào quần áo ý hỏi có cho quần áo không? Tôi lắc đầu, tia hy vọng trong mắt chú tắt lịm, nhưng vẫn cười và vẫy tay chào.

Một nhóm các cô chú nhặt ve chai đang chuẩn bị ngủ ở gần đường Hồng Bàng. Chúng tôi ghé vào, trong thùng chỉ còn vài phần cháo. Các cô ùa đến, may là cháo và sữa đủ hết cho mọi người. Họ, người thì không nói được, ú ớ thay lời cảm ơn, người thì đôi mắt bị dị tật, đôi chân lê đi yếu mềm… Tất cả họ, đều phải lầm lũi đồng hành cùng chiếc bóng của mình bước qua từng ngày, từng ngày một…

Lại là một đêm đáng nhớ trong cuộc đời, để biết ơn hiện tại, để thấm đậm ý nghĩa cho đi.

 

 

Bóng

Hãy đồng hành cùng G9 – Cháo Đêm Ấm Lòng, các bạn nhé!

Để quyên góp hoặc đăng ký tham gia cùng G9, liên hệ chị Thảo (trưởng nhóm): 0934.143.107

[Ebook] Sinh ra để làm gì?

Photo: Gabor Jonas

 

Về cuốn ebook

Cuốn sách là tập hợp những bài viết đáng để đọc của nhiều tác giả. Những bài viết về tinh thần thiết nghĩ thật cần thiết trong thời đại nhịp sống gấp gáp như ngày nay. Cuốn sách dành cho những cá nhân đang đi tìm ý nghĩa của đời sống, đang đi tìm hiểu chính bản thân mình, hoặc cũng có thể làm một cuốn kim chỉ nam lời khuyên dành cho những người đã mất đi niềm tin vào cuộc sống.

Hẳn nhiên không có cuốn sách nào là đủ để ẩn chứa tất cả, cũng không phải do một ai nổi tiếng viết nên, nó đến từ đời sống dung dị. Tuy nhiên tôi vẫn tin đây là quyển sách làm nền tảng cho sự vững bền nội tâm và niềm tin của bạn.

Xin cảm ơn các tác giả đã gửi gấm những bài viết hay tạo điều kiện cho tôi có thể tổng hợp lại vào nơi đây. Tôi hi vọng nó là quyển sách hữu ích cho mọi người.

Lời giới thiệu

“Sinh ra để làm gì?” là một câu hỏi mà tôi cũng như nhiều người khác đã từng đặt ra cho bản thân mình ít nhất một lần trong đời. Tôi khao khát đi tìm câu trả lời, tôi lòng vòng trong mớ triết lý và lý thuyết của tất cả mọi người, tôi không tìm thấy đường ra, chợt tôi nghe được tiếng nói từ những con chữ, những con chữ trong những bài viết rất bình thường, những bài viết bình thường từ những con người rất dung dị. Dung dị nhưng lại có vẻ rất xa xăm, đúng như câu nói mà tôi đọc được ở đâu đó và không bao giờ có thể quên được:

“Những thứ cao siêu chưa chắc là những thứ vĩ đại
Nhưng những thứ vĩ đại thì lại giản dị đến vô cùng.”

-Khuyết danh-

Con người sống trong kiếp nhân sinh với bao nỗi khắc khoải, họ ao ước, họ hi vọng, họ vui cười, họ hạnh phúc… nhưng nào có dễ, đời vẫn vùi họ vào những hố đen của mặc cảm, của tự ti, của nỗi sợ, của hủ lệ, của tranh chấp, của ganh tỵ, sân hận và hàng tá nỗi đau thương kéo dài khác từ ngày này qua ngày nọ. Tôi biết tất cả những điều đó, bạn cũng biết điều đó, chẳng phải vì như vậy mà Thái Tử Tất Đạt Đa (sau trở thành Đức Phật) đã bỏ đi tìm lối thoát, chẳng phải vì vậy mà Chúa Jesus, Krishnamurti, Osho và bao nhiêu nhà hiền triết khác đi tìm những con đường giúp ích cho nhân loại hay sao?

Con người luôn có những bất ổn, không phải bây giờ mới có mà đã bao đời nay thành cái tục mà nhiều người không buồn hỏi những câu hỏi tại sao cho cuộc đời họ. Những bất ổn, phần nhiều từ bên trong. Mà trong đâu? Trong đầu. Chúng ta gặp rắc rối ở bên trong mình nhiều hơn, không phải vì những thứ bên ngoài. Thế kỷ 21 rồi, những niềm tin của việc Thượng Đế hay Chúa Trời tạo ra thế gian, quản lý thế gian bằng ý muốn đã là những chuyện không còn phù hợp nữa. Thượng Đế không phải là một ông, Chúa Trời cũng thế, các ngài không có giới tính, vì các ngài là vũ trụ, là vô tận…

Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng là một phần tử trong cái vũ trụ vô hạn đó, nhưng có lẽ trong cái thế kỷ 21 này, thế kỷ của công nghệ, thế kỷ của việc chạm vào các nút bấm tưởng như là có thể thỏa nguyện được những ước mơ và sự hài lòng, thể ký của việc mà tưởng là mọi thứ được dát vàng sẽ trở nên đẹp hơn. Cho đến khi không còn những cành cây, con cá, và những giọt nước sạch, lúc đó người ta mới biết là vàng, tiền bạc hay vật chất là những thứ không cách chi có thể bỏ vào bụng cho được.

Môi trường sống của chúng ta đã ô nhiễm, không chỉ là môi trường thiên nhiên đâu, cả môi trường bên trong tâm can của chúng ta cũng đã bị vẫn đục và dòng chảy của tâm thức đã phát úng lên từ khi nào. Có đôi khi điện bị cắt, đèn bị tắt, mọi thứ dừng lại, con người có nhận ra điều đó nhưng họ lại tự nhủ: Thôi vậy, một mình tôi không thể ngăn được thế giới, phóng lao đành phải theo lao.

Tôi ước chúng ta có nhiều thời gian hơn để quan sát, không phải quan sát cái máy vi tính, những bộ đồ thời trang, những tòa nhà chọc trời, mà là những cây, những sao, những trăng, những đôi mắt, những bầu trời, những cánh chim, những ý nghĩ bên trong mình… Quan sát, hm… Thế giới tự nhiên!

Dầu có được một ít thời gian “tạm dừng lại” trong đời sống gấp gáp và nhanh nhảu đoản này có vẻ như là rất khó, nhưng tôi vẫn tin! Con người không thể sống với vàng và tiền cũng như những mối quan hệ hời hợt kiểu “giao lưu” được. Tuy vật chất có những giá trị nhất định của nó trong việc sinh hoạt thường ngày của chúng ta, là một phương tiện hỗ trợ để cuộc sống có thể trở nên thoải mái hơn song tất cả cũng chỉ đến mức đó mà thôi, không thể hơn thế được. Cuộc sống vốn dĩ chẳng phải là một cuộc đua, tiền bạc sẽ không bao giờ đủ, danh vọng sẽ không bao giờ đủ, và mọi thứ ngoại vi chẳng bao giờ có thể làm bạn thực sự hài lòng. Cùng lắm chỉ là, những niềm vui ngắn ngủi thôi. Mà những thứ dễ đến dễ đi đó lại không phải là thật, là vĩnh cữu, là bất biến giữa dòng đời vạn biến gì cả, chúng chỉ là ánh trăng dối lừa dưới mặt nước, hãy ngước mặt lên để biết đến cái thật, nó ngay đó, không hề xa vời.

Tôi vẫn tin! Tôi vẫn tin thế giới vẫn còn người tốt, nếu không thì bản thân ta không phải là một người tốt, phải không? Tôi vẫn tin sẽ có người đọc được những dòng này, và rồi họ sẽ cho nhiều người khác đọc nó hơn nữa, lòng tốt sẽ mãi mãi là thứ bất diệt, nó như những hạt mầm, càng ươm nhiều càng tăng nhiều, thế giới sẽ lại trở nên xanh tươi, mát mẻ biết chừng.

Trong một xã hội mà sự thật được giấu kín hay che mờ, rất có thể chúng ta đang là những con chiên, mà con chiên thì vô tri, chúng ta không phải loài chiên, chúng ta là chủng tộc loài người, loài người có sự vĩ đại của riêng nó mà không nơi đâu có được. Sự vĩ đại của tình yêu làm chúng ta khác với loài vật. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Nhưng chúng ta sợ, chúng ta sợ mình không đủ khả năng để sống tự do và độc lập, chúng ta đã bị bào mòn đi sự tinh tế, khả năng siêu đẳng, tập thích nghi với những điều chẳng có gì hay ho, chỉ bởi vì bao năm nay người khác nói với ta: Không, ta không quan trọng, xã hội quan trọng hơn, những gì người khác nghĩ về ta mới là quan trọng.

Chợt mở mắt, thì ra là tôi đang mơ, tôi mơ một giấc mơ dài, trong cơn mộng mị đó, người ta dẫn tôi đi đến những nơi họ thích, người ta khoe với tôi về kho báu toàn là vàng của họ, họ nói với tôi những điều họ thích mà chẳng thèm lắng nghe tôi, tôi được dẫn đi khắp nơi mà chẳng hề cảm thấy vui với mớ cảm xúc ngột ngạt đó. May quá! Giờ thì tôi đã tỉnh hẳn. Tôi dậy và đi rửa mặt, tôi kéo rèm cửa và mở tung cánh cửa sổ, có những cánh chim trời, có những tán cây đùa vui trong gió, những ánh nắng vàng qua khung cửa rọi vào nhà, những hạt bụi lơ lửng trong đó, có phải nó tương tự như tôi trong vũ trụ không? Tự do!

Tôi vớ lấy một quyển sách, dòng chữ to nhất ở trang bìa – tức tựa sách mang tên: SỰ THẬT KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ CHE DẤU.

Tôi lật mặt sau cuốn sách để xem như thói quen thường lệ với duy nhất một dòng chữ khác: NHƯ NỖI SỢ VÀ NHỮNG GIỚI HẠN, THƯỜNG CHỈ LÀ ẢO ẢNH!

Lời nhắn nhủ

Cuốn sách là tập hợp những bài viết có giá trị của nhiều tác giả mà tôi nghĩ là nên được chia sẻ rộng rãi cho tất cả mọi người. Những bài viết đầy tâm huyết với nguồn năng lượng chia sẻ vô tận. Trong tập sách này, tôi đã cố gắng để sắp xếp và trình bày hợp lý nhất có thể. Lẽ dĩ nhiên, luôn có những thiếu sót cũng rất mong nhận được mọi sự góp ý, chia sẻ, động viên từ tất cả các bạn, anh chị em cô bác độc giả gần xa qua địa chỉ email sau: minh.win768@gmail.com

Hãy chia sẻ cuốn sách, đó là điều đơn giản nhất mà bạn có thể ủng hộ và giúp đỡ tôi, cũng như những người xung quanh mình. Tôi làm việc này với mục đích lan tỏa điều tốt lành và phi thương mại. Hi vọng những ai có cơ hội đọc được cuốn sách này sẽ cảm thấy nó hữu ích.

Thân chào và hẹn gặp lại vào một ngày đẹp trời nào đó. Xin cảm ơn!

Sự thức tỉnh thì không có đủ hay không đủ, đơn giản là đã thức tỉnh hay chưa thức tỉnh. Do đó, đừng chỉ đọc và nghe theo mà hãy ngẫm; đừng cố gắng đọc càng nhiều càng tốt, mà hãy cố gắng trải nghiệm để có thể thực sự hiểu.

Sài Gòn, ngày 15/2/2014

Thân,

– Lục Phong-
(Tổng hợp và biên soạn)

Link Download: 

https://www.mediafire.com/?x3setl46act152l

Hoặc File Rar chứa cả 3 định dạng PDF, PRC (lỗi bìa :(( ), Word:

http://www.4shared.com/rar/xUoRw7mZba/Sinh_ra_de_lam_gi_all_type.html

Vậy thì ai sẽ mang ô đến cho ai ???

Photo: -Kj

Có phải chúng ta đang sống cuộc đời như những người đứng giữa bão giông ?
Sợ hãi từng giọt mưa
Sợ hãi từng cơn gió
Sợ bàn chân yếu mềm sẽ vấp phải mảnh vỡ
Cứ đứng co ro và chờ ai đó mang ô đến cho ta rồi nói nhỏ
Rằng ta sẽ được ủi an và sẽ được che chở
Như chúng ta vẫn đang chờ đợi mỗi ngày ?

Sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta đều đang trốn tránh cuộc đời này ?
Trốn tránh từng giọt mưa
Trốn tránh từng cơn gió
Sợ bàn chân yếu mềm sẽ vấp phải mảnh vỡ
Cứ đứng co ro và chờ ai đó mang ô đến cho ta rồi nói nhỏ
Rằng ta sẽ được ủi an và sẽ được che chở
Sẽ ra sao… nếu tất cả chúng ta đều đang trốn tránh trong lo sợ ?
Vậy thì ai sẽ mang ô đến cho ai ???

Nói ta biết người đang mong chờ gì cho ngày mai ?
Chờ cho ngày nắng lên và bão giông say ngủ ?
Chờ mùa đông đi qua và mùa xuân xanh phủ ?
Chờ quá khứ chết đi và tương lai đơm nụ ?
Chờ cho những-chờ-mong không còn là chờ-mong ???

Nhưng chúng ta đang chết đi mỗi ngày người có biết hay không ?
Ngay từ khi sinh ra là chúng ta bắt đầu chết
Chúng ta cất tiếng khóc chào đời chẳng phải vì biết trước cuộc hành trình mỏi mệt
Cũng chẳng phải vì muốn báo tin vui hay là vì cái gì hết
Mà bởi vì chúng-ta-được-kỳ-vọng-sẽ-sống-một-cuộc-đời-để-chuẩn-bị-cho-cái-chết
Phải đến trường, phải kiếm tiền, phải sinh con,…
Và còn rất nhiều thứ chúng ta được bảo phải làm y hệt
Là lý do đầu tiên chúng ta khóc trong đời !

Hãy cho ta biết người sẽ khóc hay cười ?
Nếu như được kỳ vọng cho một điều gì khác
Nếu như được sinh ra với sự sống chẳng bao giờ mất mát
Nếu như được biết rằng những gì người đợi chờ có thể đang đi lạc
Nếu như được biết rằng người chẳng thể lựa chọn một-sự-sinh-ra-nào-khác
Thì người thử nói xem người sẽ khóc hay cười ?…

Vậy sao người không tranh thủ rong chơi ?
Vì trước sau gì ngày mai cũng sẽ đến
Vì trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết
Vì người có đợi chờ hay không thì trước sau gì tất cả cũng sẽ hết
Những giấc mơ, hạnh phúc, bão giông,… và tất cả những gì mỏi mệt
Vậy sao người không tranh thủ rong chơi ?

Chẳng ai trong chúng ta được lựa chọn cách đến với cuộc đời
Nhưng may thay ta được lựa chọn cách rời khỏi
Người có thể lựa chọn mỗi ngày trôi qua trong mệt mỏi
Cuộn mình trong sợ hãi và chờ đợi hơi thở yếu dần cho đến phút cuối
Hay lựa chọn mỗi ngày đều vô tư rong ruổi
Hát vang những đắm say đến hơi thở cuối cùng

Giá như chúng ta đều có thể lựa chọn bao dung !
Để mang ô đến cho những con người đang co ro giữa bão giông mà chẳng thấy mình sợ hãi
Để thản nhiên bước về phía cuối cuộc đời mà không hề hối tiếc nhìn lại
Để mơ những giấc mơ tưởng chừng như mãi mãi
Để thêm nội dung thực-sự-sống-một-lần vào kịch bản nếu-phải-chết-ở-ngày-mai !…

Dù cả thế gian đặt kỳ vọng gì nơi chúng ta thì chúng ta vẫn là đạo diễn duy nhất của cuộc đời mình trong thực tại !
Vậy giờ đây… ai sẽ mang ô đến cho ai ???

 

 

–The Kid Falling From Heaven–

Có nên sử dụng facebook nữa không?

*Photo: Pshab

 

Thật ra, ban đầu tính đặt tiêu đề khác, đại loại là vài thứ vớ vẩn liên quan đến cảm xúc lúc này. Mấy bữa nay cứ có cảm giác khó chịu, lởn vởn trong người, ngủ không ngon, và cũng chẳng làm được cái đếch gì. Thế là quyết tâm giết em Viber (không khó lắm vì chỉ dùng nó với một mục đích duy nhất), rồi cả em Facebook – Nhưng em này là trùm cuối, mạnh phải biết.

Và vậy là phải đấu tranh tư tưởng rất dữ dội, rõ ràng là Facebook ngốn khá nhiều thời gian mà chẳng bổ béo gì, nếu không muốn nói đến việc, đấy chính là nguyên nhân dẫn đến sự khó chịu và chán chường mấy ngày qua, giết nó là một kết thúc tốt đẹp cho đôi bên. Tuy nhiên, phe ủng hộ Facebook lại cho rằng đấy là một công cụ tuyệt vời để giữ liên lạc với bạn bè, đặc biệt là mấy đứa bạn thân ở Việt Nam, xóa nó rồi đâm ra tự kỷ à, chưa kể việc tốn thời gian là do dùng sai mục đích nếu chỉ sử dụng nó khi cần thiết, giới hạn thời gian, và vân vân và vân vân…thì mọi thứ sẽ ổn thôi.

Mặc dù với những lời lẽ rất hoa mỹ của bọn nịnh bợ Facebook nhưng sau khi ngẫm nghĩ thì nghiệm ra một vài thứ hay ho về Facebook:

Về cơ bản, tài khoản facebook đại diện cho bản thân, chủ nhân của nó, và vì vậy, nó không chỉ là những mã code lằng ngoằng mà có cả nhân tính trong đó, thể hiện thông qua status, photos, shares…Và chính vì thế, chỉ cần xem status, photos, shares của một người mà chúng ta có thể hiểu được rất nhiều thứ hay ho về “kẻ giấu mặt đằng sau”.

*Photo: pshab
*Photo: pshab

Câu hỏi là: Tại sao tôi lại đăng lên một status, share một bài viết, up một tấm hình lên tường nhà mình?

Tất nhiên có rất nhiều câu trả lời, đại loại như bài viết đó hay, vừa chụp một bức hình đẹp muốn chia sẻ, muốn mọi người vào trầm trồ khen ngợi, đang tâm trạng muốn đăng lên xem có ma nào nó like hay comment quan tâm không,…Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết và ý kiến chủ quan của tác giả sẽ gom thành hai nhóm chính như sau:

1. Dành cho bản thân – Những thông tin được đăng lên thể hiện rõ bản chất chủ nhân của facebook, như bạn là một kẻ thích khoe hàng sẽ up lên một cái điện thoại iPhone 5S mới cóng với dòng chữ: “Vừa rước em nó về nhà, toi mất 30 củ nhưng rất đáng tiền.” Hay bạn yêu thích hoa và chụp hình, đơn giản một tấm ảnh hoa hồng rất đẹp vừa chụp được sau vườn nhà…

2. Dành cho một (hay nhiều) ai đó – Như bạn vừa cãi nhau to với đứa bạn thân, tối về bực quá update ngay lên một câu: “Đời là thế, bạn thân có thể không có, chứ chó phải có chục con.” Hay khi bạn đang thích một cô nàng/chàng trai nào đấy, thì thôi rồi đủ các thể loại nhạc tình cảm, danh ngôn ướt át về tình yêu đều đặn, lần lượt xuất hiện trên tường nhà chỉ với một khát khao, một ướt ao, ai đấy vào like một cái, rồi comment thì quá sướng. Hoặc tôi gặp rất nhiều status bóng gió, ẩn ý để ám chỉ đủ các kiểu thể loại cảm xúc (thường là trong tình cảm trai gái).

Và một điều mà tôi cho rằng, kha khá các status được đăng lên không phải vì lý do số một mà tập trung đánh vào yếu tố thứ hai. Hiển nhiên, đó lại là một cách sử dụng facebook cực kỳ thú vị thay vì suốt ngày chỉ nói về bản thân; bạn phải đọc status và tìm được đâu là ẩn ý sau cả mênh mông chữ với hình, hay lâu lâu đơn giản chỉ là một nút Like bất ngờ, còn thú vị gấp trăm lần trò “đuổi hình bắt chữ” của Xuân Bắc. Mặc dù, không tránh khỏi vài lần ăn dưa bở đâu đấy…

Tuy nhiên liệu có thật sự là như thế? Vì đấy là cách tôi nhìn facebook với con mắt của mình, có thể đối với những người khác thì không hoàn toàn như vậy, và tôi rất muốn nghe quan điểm trái chiều về vấn đề này. Mọi người có thể bình luận phía dưới hay gửi tin nhắn cho tôi qua facebook (nhưng phải chờ đến khi tôi mở facebook lại đã).

Chốt lại, về cơ bản tôi đã đi khá xa với mục đích ban đầu là bày tỏ cảm xúc và giải quyết sự khó chịu trong người khi bắt đầu những dòng đầu tiên trên blog cá nhân, và xa cả cái tiêu đề mà tôi cho là hay ho. Mặc dù vậy, đây là điều mà tôi rất thích khi ngồi gõ, đôi lúc lại ra một thứ gì đấy chẳng như ta tính, nhưng lại hay hay, và có thể quăng lên đâu đó cho mọi người ném đá.

Cuối cùng, tôi đã xóa Viber và deactive cả Facebook.

 

 

Nhộn

Tình yêu ở đâu giữa cuộc đời này?

*Photo: Philip Jones Griffiths

 

Thang máy Sài Gòn là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của nhà văn Thuận, mới ra mắt độc giả năm 2013 tuy đã được hoàn thành từ ba năm trước. Sau 11 năm kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được ấn hành vào năm 2002, người đọc đã quen thuộc và háo hức chờ đợi các tác phẩm của Thuận, và tất nhiên, có một chút kỳ vọng. Bởi văn của Thuận tuy lạ so với người khác, nhưng nếu không mới cho với chính mình, thì món lạ ăn mãi cũng quen.

Thang máy Sài Gòn, đọc qua thì thấy hoàn chỉnh hơn hẳn so với các tiểu thuyết trước, nhưng vẫn thấy những dáng dấp quá thân quen. Vẫn nhân vật nữ tha hương nơi đất Pháp, làm nghề dạy học, sống một mình cũng với đứa con nhỏ (giống trong Chinatown). Vẫn mở đầu tác phẩm bằng một biến cố, sau đó nhân vật biến thành thám tử đi theo dõi người khác (giống trong T mất tích). Vẫn những câu chuyện về bố mẹ trong thời bao cấp ưa bệnh thành tích và tình cảm chẳng mặn nồng (giống trong VânVy).

Vẫn có một người anh ở Việt Nam giầu có tiêu tiền như nước và một người em gái sống xa quê trong tằn tiện (giống Paris 11.8). Vẫn một Paris rất khác với những câu chuyện kể về người dân nhập cư, chuyện ngoại tình. Vẫn một Việt Nam quen thuộc với bệnh ưa thành tích, lối sống giả tạo, quan hệ gia đình lỏng lẻo, bi kịch hạnh phúc của từng cá nhân… Và cuối cùng, vẫn giọng văn giễu nhại, hài hước, bông đùa trước mọi vấn đề nghiêm túc, kể cả chính trị, chiến tranh hay tình yêu đôi lứa.

Những độc giả có kỳ vọng cao hẳn sẽ thất vọng vì họ không tìm thấy điều gì mới sau hơn mười năm ăn vẫn mãi một món. Thậm chí họ còn có ý mong mỏi ở những tác phẩm sau, nhân vật của Thuận bớt tưởng tượng đi, hành động nhiều hơn và nhân vật “tôi” hay “cô” gì đó đừng là một cô gái mặt khó đăm đăm, kém nhan sắc, học hành giỏi giang nhưng suốt ngày suy tưởng.

Như trong bài viết Đi vào “cuộc chơi” của Thuận, tôi đã chia sẻ rằng, khi tiếp cận văn bản của Thuận, nếu không tìm được chiếc chìa khóa thì rất dễ bị đứng lơ ngơ giữa mê cung của ngôn từ. Nhưng khi đã có chìa khóa rồi, tôi cho rằng bạn sẽ mở ra được khá nhiều điều thú vị.

Về vỏ bề ngoài của ngôn ngữ, giọng văn Thang máy Sài Gòn bớt lạnh lùng hơn ở những chương cuối. Ở kết thúc mỗi chương, tác giả khuyến mại thêm bạn đọc vài câu văn tả cảnh khá mượt mà về mưa rơi, lá vàng… Vậy, bên trong mê cung đầy rẫy những sự kiện, những dịch chuyển của thời gian, không gian và những gương mặt người diễn qua diễn lại trong tác phẩm ấy, ẩn chứa những câu chuyện gì?

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trình bày ba chồng hộp mà tôi nghĩ là mình đã khám phá được sau khi tiếp cận văn bản.

1. Tình mẫu tử:

Mười mấy năm liền một bên kiên nhẫn gọi để chỉ nhận được những tiếng nhấc bỏ máy, một bên kiên nhẫn nhấc máy để lại bỏ máy ngay sau khi nghe thấy tiếng a-lô. Mười mấy năm một số điện thoại duy nhất. Lấy chồng, sinh con, ly dị, lấy chồng khác, ly dị…vẫn một số điện thoại duy nhất. Như một tình yêu duy nhất. Người ta thường nói nhiều về tình mấu tử”.

Một trong những chiếc chìa khóa của cả cuốn tiểu thuyết là ở đoàn văn này. Một câu chuyện nhỏ về tình cha con của chú Điền, người hàng xóm với cô con gái nằm trong những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết. Trong suốt hành trình dài, nhân vật “tôi” lần theo dấu vết của một bức ảnh cũ được cô cho rằng đó là ảnh người tình Pháp của mẹ. Cô theo dõi người đàn ông mang tên Paul Polotski, gặp gỡ những đồng đội và bạn bè cũ của mẹ ở cả Việt Nam và Pháp.

Cô chắp nối hình ảnh mẹ qua những câu chuyện kể và những gì còn nhớ được trong ký ức. Tất cả chỉ là những điều xa vời, chỉ là những dấu vết mong manh, không sao nắm được trong tay một chút tình cảm. Mẹ cô với Đảng, với hoạt động đoàn thể của nhà nước là một người chiến sĩ anh dũng, là một cán bộ xuất sắc. Ai chăm cô, ai nấu cơm cho cô, ai đưa cô đi học? Không phải là mẹ. Mẹ cô có những tâm tư tình cảm thầm kín nào? Cô không biết. Mọi thứ mong manh và xa vời quá, lạnh lùng quá, đến mức trong suốt cả một câu chuyện dài, không hề có một câu văn nào biểu hiện xúc cảm.

Thuận có tài trong việc lấy người này để phản chiếu người khác, lấy câu chuyện này để phản chiếu câu chuyện khác. Trong đó, ở đây, câu chuyện nho nhỏ về tình phụ tử của cha con ông Điền, như một tiếng khóc vỡ òa kìm nén trong lòng bấy lâu của nhân vật tôi. Phải chăng, cô cũng thèm khát sự quan tâm đó, tình cảm đó, dẫu chỉ không lời, nhưng mười năm vẫn còn bền chặt và duy nhất.

Tình cảm của mẹ con cô là chiếc hộp lớn mênh mang mà trống rỗng, được kéo dài ra suốt cả không gian và thời gian của cuốn tiểu thuyết. Tình cảm của cha con chú Điền là chiếc hộp nhỏ, chỉ nằm trong một hai chương cuối của cuốn tiểu thuyết, nhưng là chiếc chìa khóa mở ra dòng cảm xúc về tình mẫu tử bị gói ghém quá chặt và quá sâu.

2. Tình yêu:

Anh phải nói với Paul là dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy.”

Trong câu chuyện tưởng tượng của nhân vật “tôi”, ở chương gần cuối của cuốn tiểu thuyết. người mẹ nhờ chú Điền sang Pháp tìm gặp Paul để nói với ông ấy như thế. Câu nói này được lặp đi lặp lại nhiều lần, như một day dứt khôn nguôi từ đáy lòng ai đó bị gói ghém quá kỹ càng và muốn thổ lộ ra. “Dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy” là sợi chỉ đó xuyên suốt câu chuyện dài của người mẹ, xuyên suốt từ thời chiến tranh cho đến thời bình, chuyển từ không gian của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Sài Gòn, Pháp.

Trong chiến tranh, trong những vỏ bọc giả tạo của thời bao cấp, người ta sống phải diễn, người ta sống phải giấu đi con người và tình cảm thật của mình. Yêu đương là bị giám sát, yêu đương là bị kỷ luật, có gia đình rồi lại còn yêu người của phía bên kia chiến tuyến còn là tội tày trời. Đó là sự thật hiển nhiên. Tác giả dầy công kể lể trong rất nhiều trang, đưa ra nhiều tình huống tưởng tượng về chuyện tình của người mẹ với ông Paul, còn lấy thêm dẫn chứng về tình yêu của những người đồng đội của mẹ trong chiến tranh. Nhưng, chuyện này cũng có gì là mới mẻ trong cuộc sống mà chúng ta đã biết, trong văn chương Việt Nam cũng đã cũ mòn.

Cô muốn nói với Kai là dù thế nào cô cũng không quên anh ấy.”

Một câu nói ngắn ngủi này thôi, trong một chương ngắn nhắc đến Kai thôi, chính là chiếc chìa khóa thứ hai mở ra những điều bí ẩn của cuốn tiểu thuyết. Như trong bài viết Đi vào “cuộc chơi” của Thuận tôi đã phân tích, Thuận giỏi trong việc chọn cách phản chiếu cuộc đời ai đó thông qua một câu chuyện khác song song với câu chuyện mình muốn kể. Không ai biết nhân vật “tôi” là ai, “tôi” đã từng có quá khứ về tình yêu ra sao, cha của con “tôi” là ai.

Nhưng “tôi” có một mối tình với Kai, nếu được gặp lại “tôi” chỉ muốn nói với Kai rằng, dù thế nào, “tôi” cũng không quên anh ấy. Hình ảnh về Kai chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc khi cô đứng trước gương thử quần áo ở một cửa hiệu. Câu chuyện của cô và Kai, câu chuyện của mẹ và ông Paul, chuyện nào là chính, chuyện nào là phụ? Nào ai biết. Bởi nhân vật của Thuận bao giờ cũng gói ghém những khao khát thầm kín quá kỹ, chỉ chờ một cơ hội để được vỡ òa ra. Cái người ta ít nói đến, đôi khi là điều mà người ta muốn lảng tránh, không muốn chạm đến vào nỗi đau, chứ không phải là không quan trọng.

Và như thế, chiếc hộp thứ hai về tình yêu đã hiện ra trước mắt bạn. Một câu chuyện nhỏ về tình yêu được lồng trong một câu chuyện lớn về tình yêu. Chuyện nào là hư, chuyện nào là thực, không phụ thuộc vào độ dài hay độ ngắn của câu chuyện. Điều quan trọng nhất vẫn là một tình yêu được giấu sâu kín trong lòng không thể cất lên lời.

3. Mỗi cuộc đời là một sân khấu nhỏ:

Trong chiến tranh, trong thời bao cấp, tại Việt Nam, tình yêu phải giấu kín. Vậy thì giữa thời bình, ở Pháp, nơi bối cảnh những người đàn ông ngoại tình công khai ở khắp nơi và trong những quán cafe, vì sao một lời nói yêu thương lại khó cất lời đến thế? Nhân vật không biết. Tác giả không biết. Tôi cũng không biết. Ai biết được hết thế giới của tình yêu đâu.

Nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn rằng, mỗi cuộc đời là một sân khấu nhỏ. Trong Thang máy Sài Gòn, mọi nhân vật đều diễn rất tài tình. Mẹ diễn, bố diễn, anh Mai diễn, chú Điền diễn, cô Hòa diễn… Cả tiếng Việt cũng còn diễn. Tiếng Việt khi dạy cho người nước ngoài thì khác nhưng nếu người nước ngoài mang đến sử dụng tại Việt Nam thì cần phải hiểu ngược lại trong một số trường hợp đặc biệt. Cả đám tang người ta cũng diễn. Người sống diễn, người chết rồi cũng diễn.

Và tình yêu, tình yêu ở đâu giữa cuộc đời này?

 

 

Đoàn Minh Hằng 

Họ, người Trung Quốc, cũng là người bình thường như chúng ta

*Photo: Life in AsiaNZ

 

Không biết tự bao giờ cái thành kiến ghét người Trung Quốc nó đã hình thành và ăn sâu vào trí não của đại đa số người dân Việt Nam. Số trời đã định khi chúng ta phải nhắm mắt sống chung sát vách với một người hàng xóm không được tốt bụng cho lắm. Ông bạn láng giềng to xác và xấu tính luôn ra oai bắt nạt, tranh giành từng miếng ăn của những cậu hàng xóm nhỏ bé xung quanh. Những đức tính không lấy gì đẹp đẽ đó của Trung Quốc khiến các nước ở bên luôn phải canh chừng lo sợ. Hãy nhìn lại lịch sử và chúng ta sẽ thấy, bao minh chứng không gì có thể chối cãi vẫn còn hiển hiện.

Ngàn năm Bắc thuộc – chính khoảng thời gian tăm tối đó đã định hình trong tâm trí dân tộc Việt một hình ảnh không thể xấu hơn của cái gọi là bè lũ xâm lược đến từ Trung Quốc. Nếu chẳng may có một cuộc khảo sát trên mọi lứa tuổi với một câu hỏi: “Nước nào người dân Việt Nam ghét nhất?” Tôi cam đoan rằng phần lớn phiếu khảo sát sẽ hiện lên hai chữ Trung Quốc. Tại sao không phải là Mỹ, Pháp hay Nhật, những nước đã trực tiếp tham gia những cuộc chiến phi nghĩa, gây ra bao đau thương mất mát cho Việt Nam?

Câu trả lời đơn giản đó là vì Trung Quốc đã đánh mất niềm tin nơi người dân Việt Nam quá nhiều. Nếu không nói đến những mưu đồ chính trị và những lợi ích bộc lộ mười mươi trên trường quốc tế thì ngay cả những việc buôn bán giao thương nhỏ lẻ, người dân Việt từ lâu cũng đã chẳng dám tin tưởng gì nhiều vào những hàng hóa “made in china”. Tất cả những gì được gọi là chất lượng kém đều được hoạch định là có chung nguồn gốc từ bạn Tàu đưa qua.

Ừ, thì có cơ số cái gọi là nguyên do để chúng ta không thích Trung Quốc, tuy nhiên bài viết này sẽ không đi sâu vào phán xét những gì gọi là cái-chúng-ta-không-thích ấy của Trung Quốc. Tôi xin nói về văn hóa trong cách cư xử với người Trung Quốc hiện nay.

Theo quan sát của tôi, từ lâu nay khi bàn luận chung chung về một chuyện gì đó có liên quan tới Trung Quốc, đa số các bạn trẻ đều rất sôi nổi bày tỏ những ý kiến vô cùng tiêu cực, chỉ trích nặng nề về những cái xấu của Trung Quốc mà không cần quan tâm đến đúng sai trước sau. Tất cả phải đảm bảo theo quy tắc “chụp mũ” và phải theo đường hướng “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”, vơ đũa cả nắm để xỉ vả, có kèm theo những lời lẽ thiếu tôn trọng dành cho cả một quốc gia láng giềng.

Tâm lý đám đông là thế, vui lắm khi mỗi người góp một câu, vì là chung nên nào ai biết đó là ai, mạnh miệng chém gió nói càng hay càng nhiều “like“… Thật buồn cho những cách biểu thị tình cảm yêu nước đáng xấu hổ đó. Thưa các bạn, các bạn nói như thế được gì và mất gì khi người nghe lại chính là những người đồng bào của bạn, suy cho cùng thì vẫn chỉ là một nhóm cùng kêu ộp ộp với nhau dưới cái giếng tối tăm, cùng bàn luận ra rả về con chim trên cây cao kia.

Sao các bạn không mài dũa thêm ngoại ngữ và vốn hiểu biết của các bạn để đem nó ra tranh luận trên những diễn đàn quốc tế. Họ cũng đang nói xấu, cũng đang có những tư tưởng sai lệch về đất nước Việt Nam ta đó. Thật buồn khi trên những diễn đàn chung trên thế giới, bàn luận về những cái đúng cái sai của nước ta thì lại chẳng thấy bóng dáng một nhà hiền triết Việt Nam nào có thể lên đó chém vài ba chữ, dù chỉ là để bảo vệ hình ảnh của đất nước.

Hiếm hoi lắm một vài bạn có khả năng ngôn ngữ thì lại hạn chế về khả năng tranh luận. Họ – người Trung Quốc, không thiếu những người có thể đưa ra những dẫn liệu xác đáng cho câu trả lời của họ, vậy khi đó chúng ta ở đâu?

Một số đông các bạn hiện nay dường như đang bị che phủ trong một cái vòm thành kiến ghét Trung Quốc mà không cần biết lý do, đơn giản nghe thấy liên quan đến Trung Quốc là ghét. Khi hỏi sâu xa về cái nguồn gốc đó thì chỉ biết trả lời chung chung qua loa. Nếu cho các bạn ở bên Trung Quốc một thời gian, ở tại gia đình một người Trung Quốc nào đó và nhìn nhận về cách sống của họ thì có lẽ tôi tin rằng cách nhận xét của bạn sẽ khác đi nhiều.

Họ – người Trung Quốc, cũng là người bình thường như chúng ta, họ cũng có cuộc sống và có đất mẹ chở che cho họ. Những cuộc chiến mà quốc gia của họ liên quan họ nào có muốn, đó không phải lỗi của họ. Xin đừng đánh giá hay chỉ trích cả một quốc gia dân tộc chỉ vì cái nhìn mù quáng hạn hẹp.

Gần đây thôi khi bài viết “Khi người Việt dạy cho Tây một bài học về văn hóa ứng xử“ của tác giả Dũng Taylor được đưa lên mạng, nhà nhà đọc, người người đọc, tất cả cảm thấy hả hê khi rất hài lòng với cách xử sự của tác giả. Chúng ta đã học được gì khi đọc bài báo này, tôi nghĩ là có nhiều thứ chứ không chỉ vấn đề kỳ thị chủng tộc. Tôi xin trích một câu nói của tác giả trong bài viết đó khi nói với người khách Tây kia:

“Ông có quyền không thích nhưng không có quyền xúc phạm.“

Vâng, câu nói này giờ đây khi áp dụng với thực tế ở Việt Nam thì đúng lắm, tôi cũng mong các bạn khi suy xét về người Trung Quốc cũng như vậy. Các bạn yêu nước, muốn nước khác tôn trọng mình thì xin các bạn đừng có những lời xúc phạm đến nước khác. Hãy tỏ ra các bạn là một người Việt Nam với cách hành xử văn hóa văn minh, hãy chứng tỏ cho họ thấy rằng dù nước chúng ta nhỏ nhưng cách chúng ta cư xử không nhỏ.

Không thể phủ nhận đi rằng những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc rất gần gũi và đã có một khoảng thời gian dài dân tộc hai nước đã cùng học hỏi những cái hay cái tốt của nhau. Vậy cớ gì mà giờ đây một số các bạn lại dựa vào cái trào lưu ganh ghét Trung Quốc, đòi tẩy chay những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có nguồn gốc từ họ?

Vừa rồi tôi có đọc một vài chủ để đòi tẩy chay bài hát “Con Bướm Xuân“ của ca sĩ Hồ Quang Hiếu vì nó là nhạc hoa, nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thật nực cười, ấy thế mà một loạt các bạn trẻ nhảy vào hòa chung khí thế tẩy chay. Tôi lấy làm bất ngờ về cái sự mù quáng đến mức không thể tưởng được của các bạn.

Kỳ thị, phân biệt đối xử văn hóa nước khác, chính các bạn đang tẩy chay những gì mà nên văn hóa các bạn đang có phần nào thừa hưởng từ chúng. Nghệ thuật là vô biên giới các bạn ạ, đừng để nó làm mục tiêu để công kích cho những mưu đồ ẩn chứa điều xấu xa gây chia rẽ. Những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc như Tây Du Ký hay Hoàn Châu Cách Cách,.. Vẫn là một phần tuổi thơ của biết bao thế hệ đấy.

Con sâu làm rầu nồi canh, ở đâu cũng có người xấu và kẻ tốt cả, chỉ tiếc là những người xấu từ Trung Quốc mà chúng ta gặp phải đổ bộ vào nước ta hiện nay hơi nhiều hơn một chút thôi. Những thương lái xấu tính đưa ra những trò lạ lùng để phá hoại kinh tế hay những phần tử kích động vẫn còn đó. Tuy nhiên ngoài ra thì không thể phủ nhận rằng người Trung Quốc không thiếu những cá nhân tốt đẹp.

Tôi tin rằng triết lý Khổng Tử hay tinh thần hiệp nghĩa của các anh hùng võ hiệp ngày xa xưa vẫn còn lưu truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân Trung Hoa. Chúng ta – người Việt Nam, hãy cư xử theo tinh thần những anh hùng mà họ đang ngưỡng mộ, chúng ta sẽ luôn là người chiến thắng.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng: Họ – người Trung Quốc, đang đóng góp công sức rất nhiều của họ để Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Hiện nay Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các bạn ơi, các bạn không thể cứ ngồi đó mà chỉ trích họ trong khi họ vẫn đang phát triển ngày một nhanh hơn. Muốn sống cạnh họ thì các bạn trước tiên hãy cố hoàn thiện chính các bạn trước đi, đừng mù quáng nữa, Việt Nam lớn và mạnh hay không cũng là do chính chúng ta cả.

 

 

Thiên Khánh