20.8 C
Da Lat
Chủ Nhật, 27 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 251

Khoảnh khắc

Photo: Frances

Rồi một ngày con sẽ ngồi sau lưng ba
Tựa sát vào và ôm ba thật chặt
Ba chở con đi khắp Sài Gòn – Chợ lớn
Chỉ để con hỏi ba đây là gì,
Và thấy con bật cười thích thú
Ba được tìm về cảm giác của ngày xưa…
(Cái cảm giác mà ba không nghĩ sẽ đi theo suốt cả cuộc đời)

Hãy tựa sát vào nhe con
Vì lúc đó ba thấy mình đang tựa sát
Hãy ôm thật chặt nhe con
Vì lúc đó ba biết mình ôm rất chặt
Nhưng moi thứ sẽ tan biến… ba lại trở về thực tại
(Ba có ích kỷ không khi mượn con tìm lại chút gì đã mất…rồi chẳng muốn quay về)
Ba không còn là đứa trẻ sau lưng kia nữa,
Ba không còn cảm nhận được những giọt mồ hôi,
Ba chỉ cảm thấy sự mặn chát khi biết mình đã đánh rơi
Chỉ một khoảnh khắc nhỏ mà cả đời ân hận…

Đừng đánh rơi như ba nhe con
Không tìm lại được đâu, như ba đã từng tiếc nuối
Không cảm nhận được đâu, như ba đã từng ôm siết
(mặc dầu cơ thể nào cũng vừa một vòng tay…
Và giọt mồ hôi thì cũng mặn như nước mắt đang chờ tuôn chảy)
Đừng đánh rơi như ba nhe con
Để rồi cả đời tự trách, chỉ vì sao lúc đó vòng tay không siết chặt
Để rồi cả đời tự an ủi rằng rồi cảm giác sẽ nguôi ngoai…
(Nhưng con sẽ thấy có những sai lầm chẳng thể nào bôi xóa)

Ngồi sau lưng ba nhe con
Để ba được chở che, để con còn nương tựa
Ngay lúc đó ba biết mình hy vọng
Tìm lại ít gì cảm giác bị đánh rơi – dù cho đó chỉ là điều vay mượn…
Ngồi sau lưng ba nhe con
Vòng xe cứ lăn và dòng đời tiếp diễn
Ba sẽ chạy thật chậm để lỡ mai con đánh rơi điều gì đó
Sẽ chẳng phải tìm đâu xa và để rồi ân hận
Khi ba không còn ở bên con…

Vậy thì giờ ngồi sau lưng ba và cố đừng đánh rời điều gì nhe con – dù cho đó chỉ là khoảnh khắc

Thich Nhat Tien

(Nhật ký trong nhà)

Con nghiện trà đá

*Featured Image: Alek™

 

Khi rơi vào trạng thái uể oải, khi công việc đều đặn hàng ngày khiến ta chỉ muốn thở vắn than dài mà chẳng biết làm gì khác… lúc đó chúng ta bắt đầu gọi nhau đi uống trà đá, như một lựa chọn tất yếu. Lẽ ra nếu được quyền làm điều gì đó, người ta nên lựa chọn một trong hai loại: Những thứ đẹp, thú vị, hấp dẫn, ngon lành… (giá trị tinh thần), và những thứ góp phần mang lại lợi lộc, tiền bạc (giá trị vật chất). Vậy còn việc ngồi trà đá?

Trà đá có gì ngon? Ngồi trà đá có gì vui?

Trà đá có ngon không? Hãy xem công thức vô cùng đơn giản của nó: Trà loãng pha với nước lọc, được bổ sung vài cục đá. Nó là một thứ thức uống nhạt toẹt! Khi uống trà đá, người ta không thể thưởng thức được gì, nếu không muốn nói rằng thật tệ làm sao cái vị chát vô duyên ấy! Phương pháp thưởng thức trà đá quen thuộc là hãy uống và… quên đi hương vị của nó.

Trà đá lại còn siêu bẩn – ai cũng biết! Bẩn từ cách pha chế cho đến “trưng bày”. Những chiếc cốc uống trà mỗi lần qua môi người này người kia, lại được bà bán hàng nhúng vào trong một xô nước chẳng rõ xuất xứ nhưng được dùng cả ngày, lắc lắc vài cái rồi lau khô bằng một chiếc giẻ tối màu (có nhiều quán người ta chẳng thèm lau), sau đó ngay lập tức chuyển ra phục vụ người khác. Thường thì người uống không muốn nhìn những khoảnh khắc như vậy, không muốn nhìn cả xô nước vạn năng của bà bán trà. Người ta cố gắng lơ nó đi.

Trà đá không gắn kết chúng ta lại với nhau. Khi ngồi trà đá, người ta than vãn nhiều hơn là xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Nam giới “thưởng thức” trà đá nhiều hơn nữ giới, và khác với lời đồn, họ thường tán chuyện vô thưởng vô phạt vượt trội phái yếu. Quán trà đá vỉa hè là không gian lý tưởng để nhiều người đàn ông thể hiện phần sâu kín nhất trong tâm hồn họ, bên cạnh các quán nhậu.

Uống để nối dài sự vô vị

Trà đá hoàn toàn vô vị, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tại sao người ta vẫn uống trà đá điên cuồng, đến nỗi có người đã gọi thói quen này bằng cái tên mỹ miều: Văn hóa trà đá?

Có lẽ lời giải thích này thật ngớ ngẩn, nhưng… hình như khi chúng ta quen sống vô nghĩa, chúng ta càng cố gắng truy cầu thêm thật nhiều sự vô nghĩa để cuộc đời mình tiếp tục trở nên… vô nghĩa hơn nữa! Giống như nhiều người, hễ đã trượt ngã là trượt dài, dài mãi, không đứng lên được. Vả lại, khi ngồi trà đá, học được cách quên đi vị đắng, nhạt thếch của nó, người ta cũng được rèn luyện để lãng quên (mà đúng hơn là chấp nhận) sự nhạt thếch của cuộc đời mình.

Cúng có thể, sau 100 năm nữa, trà đá sẽ được nhân dân ta coi là di sản lâu năm, một món ăn tinh thần không thể thiếu (thông thường, cái gì tồn tại lâu đời đều trở thành… truyền thống văn hóa, bất kể bản chất thực sự của nó ra sao, ví dụ như thói quen ăn thịt chó hay “văn hóa vỉa hè”). Và biết đâu, sau 500 năm, người ta sẽ còn đề nghị công nhận trà đá là di sản văn hóa tinh thần của nhân loại? Đến lúc đó, chúng ta sẽ phải cảm ơn trà đá. Rất tiếc, ta không sống đủ lâu để được nhìn thấy ngày tươi đẹp đó.

Có những người chỉ thỉnh thoảng mới ghé vào quán trà đá tán dóc. Nhưng cũng có người yêu trà đá. Một ngày không trà đá vỉa hè vài lần, họ không thể chịu nổi. Những quán trà đá trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Chúng tôi gọi đó là những “con nghiện trà đá”. Ở Hà Nội, chỉ cần bước ra phố, bạn sẽ thấy họ trên mọi nẻo vỉa hè.

 

Den Pho

Muốn thành công với quán cafe, cần chú ý

*Featured Image: Kuuan

 

Với tình hình kinh tế đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên thì việc người làm công phải tính tới phương án tồn tại trong thời điểm này là điều luôn phải suy nghĩ và tính đến. Vì thế, mô hình cafe nguyên chất rang xay đã khi ra đời vào năm 2012 đã phần nào đánh trúng nhu cầu của mọi người, khi giá bán một ly cafe không mắc và chi phí đầu tư giai đoạn đầu không nhiều.

Tuy nhiên, với tình hình thành lập quán dày đặc như hiện nay, thì việc thất bại là điều khó tránh khỏi với người làm chủ, khởi nghiệp khi không có kiến thức, hoặc chưa có kinh nghiệm về kinh doanh, dù mô hình này mới nhìn vào tưởng chừng khá đơn giản. Do đã chịu khó nghiên, ngâm cứu và tìm hiểu để dạy khóa học online “khởi nghiệp với quán cafe giành cho người không chuyên” nên nhận thấy, các rủi ro này hầu hết đều không thể nhận thấy khi chưa vào làm, vì thế, nếu bạn vẫn còn muốn kinh doanh với mô hình quán café, thì đây là những câu hỏi cần phải đặt ra giành cho bạn, cũng như những đối tác hợp tác với bạn:

Bạn chọn việc kinh doanh với quán café vì đam mê hay vì tiền sẽ kiếm được ?

Câu hỏi này được đặt ra vì với mô hình kinh doanh quán café nói riêng và lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung, thì đây là việc kiếm tiền được gọi là làm dâu trăm họ, khi khách hàng mỗi người mỗi ý kiến. Vì thế, nếu không có đam mê, thì bạn rất khó có thể bỏ ra một ngày nhiều hơn 10 giờ làm việc cho quán của mình với thời gian tối thiểu là 3 tháng. Ngoài ra, việc thu hồi vốn, việc tính tới mở rộng nhượng quyền cũng liên quan khá nhiều đến đam mê. Vì nếu bạn chọn tiền, thì chắc chắn sẽ có sự vội vàng khi triển khai rộng, và chạy theo lợi nhuận của quán khi chưa đủ sự chín mùi của thị trường, của việc kiểm soát. Đó là lý do vì sao bạn có thể thấy rõ mô hình café Milano, Trung Nguyên khi nhượng quyền đều ở một số lượng quán rất lớn, từ 100-200 quán sau 2,3 năm kinh doanh, điều mà các thương hiệu cafe khác chưa chắc làm được.

Hợp tác hay kinh doanh chỉ cá nhân

Việc kinh doanh này với số vốn rất ít, có thể chỉ bằng tiền từ việc đi làm sau 1 năm, hoặc từ tiền của gia đình cho, nên vì thế khá nhiều bạn khởi sự việc kinh doanh với chỉ nhân bản thân mình mà không muốn hợp tác với người khác để tránh bất lợi về sau. Nếu bạn đã có kiến thức, có kinh nghiệm về việc kinh doanh mảng này thì không sao, nhưng nếu hoàn toàn là người mới thì cần phải cân nhắc do có liên quan đến điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, của từng cá nhân.

Tại mô hình kinh doanh này, nó cũng tương tự như một doanh nghiệp thu nhỏ vì sẽ bao gồm các bộ phận như thủ quỹ, kế toán, bộ phận mua hàng, quản lý, kinh doanh, marketing để thu hút khách hàng. Vì thế, nếu không đầy đủ kiến thức, hoặc hiểu biết các mảng này, thì việc dễ dẫn đến thất bại là điều hiển hiện.

Làm bán thời gian hay toàn thời gian

Khi bạn xem đây như một công việc làm để học kinh nghiệm, làm để thỏa đam mê thì việc tính toán đến thu nhập của bản thân không cần lo lắng. Nhưng nếu bạn xem đây là một công việc toàn thời gian của mình, thì việc tự trả lương cho bản thân luôn phải tính đến. Với kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ và giảng dạy khởi nghiệp quán cafe bằng internet, thì tôi thấy hầu hết đều quên tính đến việc tự trả lương cho mình, mà tính đó như một khoản tiền lời của quán.

Điều này nếu bạn làm chỉ với cá nhân thì có thể là một sự rủi ro nhỏ, nhưng nếu bạn hợp tác với bạn bè, thì đây là điểm chết, điểm dễ gây chia rẽ nội bộ nhất khi hiểu nhầm là lợi nhuận ăn chia không đều, và thời gian phân công không rõ. Ngoài ra, cho dù bạn làm với thời gian như thế nào, thì bạn vẫn phải tính tới tiền thu hồi vốn đã bỏ ra. Khoản tiền này nên được cộng vào chi phí cố định hàng tháng của quán để nếu có rủi ro lớn nhất xảy ra là thua lỗ, thì bạn vẫn biết được lúc nào thì nên cắt lỗ, trả mặt bằng hoặc sang quán.

Vì sao khách hàng phải đến quán của bạn, mà không đến các quán khác gần đó

Hầu hết khi kinh doanh, thì mỗi người mở quán đều phải tìm ra lợi thế cạnh tranh, điểm mạnh của quán thì mới dám mở. Nó bao gồm giá nước uống so với xung quanh, phân khúc khách hàng mong muốn phục vụ, thiết kế và setup quán, phục vụ ca nhạc, câu lạc bộ…. Nhưng lúc mở quán, hầu hết chủ quán đều chỉ NGHĨ người tiêu dùng muốn như thế ( phỏng đoán) chứ không hề phỏng vấn, khảo sát hoặc tự đặt mình vào vị trí khách hàng. Nên từ câu hỏi trên, bạn sẽ phải trả lời 2 câu hỏi nhỏ nữa cho vấn đề này nhằm hiểu hơn hành vi của khách hàng:

  1. Bạn không thích điều gì ở các quán gần đó? Lúc này hãy làm tốt hơn là được.
  2. Ở khu vực, địa điểm muốn mở, có điều gì mà các quán café ở nơi khác đã làm mà đông khách, ở khu đó chưa có? Đây sẽ là điểm nhấn để khách hàng chú ý.

Cách tăng thêm thu nhập cho quán

Khi quán mở sau một thời gian, lúc này lượng khách hàng sẽ ở đỉnh và hoàn toàn rất khó để tăng thêm, thì chỉ có thể thu hút bằng các chương trình marketing hoặc một vài phong cách bán hàng khác như cơm trưa, bán kèm sản phẩm, giao hàng khi đặt hàng qua điện thoại… Vì thế, bạn phải nhìn thấy điều này trước để có thể dự phòng chi phí đầu tư thêm mà không cần bổ sung nguồn vốn.

Thu hồi vốn bằng cách nào

Đây là điều rất quan trọng khi bạn khởi nghiệp quán mà không bằng đam mê, chỉ cần lợi nhuận. Vì nếu làm với đam mê, việc thu hồi vốn không cần nhanh, chỉ cần duy trì là được. Còn với việc xem như đây là một việc kinh doanh, thì hiện nay có rất ít cách để có thể thu hồi vốn, cho dù là mô hình đang đem lại thành công hay đang gặp rủi ro dẫn đến thất bại nhanh hơn so với dự kiến

 

Thuan Nguyen Chính Chủ

Đừng quá tôn sùng thất bại

*Ảnh: Pixabay

Ý tưởng học hỏi từ thành công thay vì thất bại được viết khá đơn giản và thú vị trong cuốn Rework (Khác Biệt Để Bứt Phá) của Jason Fried & David Heinemeier Hansson. Nếu bạn đã đọc cuốn sách đó, những đoạn viết dưới đây có thể sẽ làm lãng phí thời gian của bạn. Nhưng nếu chưa, vậy thì, xin mời bạn…

Có nên tôn sùng thất bại?

Thất bại không phải là kho báu chỉ toàn kim cương và vàng ròng. Mặc dù thất bại có thể cho bạn biết bạn đang đi sai hướng, nhưng nó cũng là nguyên nhân gây tổn thương tinh thần ghê gớm.

Người ta thường lấy quá trình Edison phát minh ra bóng đèn làm ví dụ chứng minh sức mạnh của thất bại. Edison thành công vì ông đã thử và sai cả nghìn lần trước khi tìm ra phương pháp chính xác. Rất tiếc, cuộc sống của chúng ta không giống như quá trình phát minh ra bóng đèn, không được đặt trong phòng thí nghiệm và cũng không có cơ hội làm lại 1000 lần. Có những thứ không thể thử nghiệm: Một khi đã sai lầm, may mắn lắm con người cũng chỉ còn 2, 3 lần thử-sai.

Hôn nhân là ví dụ rõ ràng. Bạn có thể kết hôn bao nhiêu lần trong đời? Về chuyện này tôi hy vọng bạn đúng ngay từ đầu. Cơ hội tốt nhất để bạn thử sai là sống độc thân và cặp kè với hàng loạt các chàng trai suốt đời – và khi ấy hôn nhân cũng không tồn tại đối với bạn.

Trong quan hệ bạn bè, bạn có thể học gì từ việc kết bạn sai lầm? Theo logic thì người ta sẽ loại trừ dần bạn xấu và tìm được bạn tốt, tuy nhiên, trong thực tế, chỉ cần niềm tin bị đánh cắp vài ba lần, có thể ta sẽ mất hết niềm tin vào tình bạn và cuộc sống.

Bạn đủ khả năng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh trở lại sau bao nhiêu lần thất bại? Hy vọng lúc đó bạn vẫn tìm được vốn và chưa đi tù. Bạn có thể tìm thấy công việc của cuộc đời mình sau bao nhiêu lần thất bại? Nếu chỉ toàn thất bại mà không có một dấu hiệu nào khác của thành công, tôi chắc bạn nản lắm. Nếu như cuộc sống màu hồng, chúng ta đã chẳng cần đến các trung tâm cai rượu. (Số lượng người nghiện rượu tại Việt Nam rất nhiều, nhưng những trung tâm cai nghiện thực sự dành cho họ hình như chưa có)

Khi cuộc đời được thiết kế chỉ với 2 lựa chọn A và (- A), bạn có thể sống theo (- A) rồi nhận ra A là đúng, ngay lập tức bạn chuyển hướng sang A. Nghe cũng khá đơn giản. Nhưng cuộc đời lại là cả một bảng chữ cái. Có thể đáp án chính xác nằm tại Z. Nếu may mắn bốc thăm được lá bài có chữ Z, bạn thành công. Nếu không, bạn có nguy cơ phải thử hết bảng chữ cái. Chỉ siêu nhân mới làm nổi điều đó.. Cuộc đời còn phức tạp hơn bảng chữ cái nhiều, đúng không bạn? (Sẽ thật kinh khủng nếu cuộc đời giống như việc tìm cách phát minh ra bóng đèn: có cả nghìn lần thử sai)

Dẫu gì cũng không thể phủ nhận vai trò của thất bại. Thất bại là thầy của con người – nhưng là một ông thầy khắc nghiệt với lối giáo dục tra tấn. Thành công cũng là một ông thầy, song tốt bụng hơn nhiều.

Sức mạnh của thành công

Hãy quay trở lại việc tìm kiếm đam mê. Trong vô số những việc từng làm, những việc nào cho bạn thấy thiên hướng thực sự của bạn? Đó là những việc bạn làm tốt nhất, xuất sắc nhất, cũng có thể là những việc khiến bạn cảm thấy say mê và hạnh phúc.

Một cậu nhóc biết niềm đam mê của mình là hội họa, đơn giản vì cậu vẽ tốt hơn chúng bạn, và thấy hạnh phúc, say mê khi vẽ; bắt đầu từ “thành công” nho nhỏ trên những trang giấy học sinh, cha mẹ cậu nhận thấy sự nghiệp đích thực của cậu là hội họa, để rồi giúp cậu đi trên con đường này. Một người được đánh giá tốt về khả năng nấu ăn và thích thú với việc sáng tạo món ăn có thể sẽ tìm thấy con đường của mình trong nghề đầu bếp….

Trong cuộc sống thường ngày, để sống vui vẻ và hạnh phúc, việc phát huy những hành vi tốt cũng quan trọng không kém việc rời xa những thói quen xấu. Bản thân triết lý sống “tập trung vào những điều tích cực thay vì tiêu cực” cũng mang bóng dáng của việc ưu ái những bài học thành công.

Những thành công nho nhỏ chính là dấu hiệu cho chúng ta biết, chúng ta nên phát triển những hoạt động gì, đi theo xu hướng nào. Thành công (bao gồm cả thành công về mặt cảm xúc – đó là những cảm giác say mê và hạnh phúc khi bạn thực hiện và hoàn thiện công việc) sẽ chỉ lối cho bạn điều gì nên lặp lại, hướng nào nên đi…

Thất bại có thể cảnh báo, nhưng chính thành công mới chỉ lối! Thất bại có thể làm bạn nản chí và kiệt sức, nhưng thành công luôn đem động lực đến cho bạn. Nếu thất bại là những chiếc xương sườn thì thành công là cột sống cho sinh mệnh cuộc đời bạn.

 

Den Pho

Nhân Duyên Là Thứ Gì Vậy?

*Featured Image: Nomad Styling

 

Tôi từng được nghe một câu chuyện về duyên và nợ, tôi không có khả năng kể lại những câu chuyện cho lắm, chỉ nhớ là có một chàng trai yêu một cô gái say đắm, sẵn sàng làm bất cứ mọi việc vì cô ấy, nhưng cô ấy lại đi cưới một anh chàng khác. Rồi chàng trai gặp được vị nào đó và hỏi, vị ấy mới bảo là ở kiếp trước khi cô gái gặp một tai nạn và chết trên đường, không có một người dân xung quanh tới xem cô ấy thế nào, chỉ có chàng trai tới và đắp cho cô gái tấm chiếu rồi bỏ đi, còn có một người đến sau và đem cô ấy đi chôn, người sau ấy chính là chồng cô ấy hiện tại. Vì thế, chàng trai chỉ có duyên với cô ấy, còn người mà cô ấy nợ là chồng của cô ấy.

Đó cũng có thể là lý giải hay cho những câu chuyện tình dang dở. Cuộc đời chúng ta giống như những đường trong toán học, có những đường cong vòng vèo như hypabol, parabol, đường sin, cos hoặc là những con đường thẳng. Có những cuộc gặp gỡ giống như hai con đường thẳng cắt nhau tại một điểm rồi chẳng bao giờ gặp lại. Có người bước vào cuộc sống của bạn, rồi sau đó đột ngột bước ra, họ giống như một cơn gió mát thoảng qua, mang lại cho bạn những điều tươi mới, nhưng gió là gió, chẳng thể ở lại lâu được.

Đến rồi đi, ngỡ ngàng và bất ngờ khiến bạn chưa kịp định hình. Chính một điểm ấy để lại trong lòng mỗi người những ký ức đẹp. Cái khoảnh khắc giao nhau ấy, những cảm xúc là lạ, trái tim bổng nhiên thổn thức, là yêu hay thích, cũng chẳng phân biệt được. Rộn ràng và bay bổng. À thì con tim đã biết rung rinh.

Nhưng vì hai đường thẳng chỉ cắt nhau ở một điểm. Giống như cái duyên chỉ cho phép gặp nhau chứ không đủ nợ để cùng nhau sánh bước và mỗi người lặng lẽ bước đi về hai phía ngược chiều. Có những khi ta cứ vùi hoài vào những kỷ niệm ngắn ngủi ấy chẳng chịu thoát ra. Rồi cứ thắc mắc, mong chờ một sự giao nhau lặp lại một lần nữa. Nhưng tiếc rằng điều đó chẳng thể nào xảy ra. Cảm giác hụt hẫng, những câu hỏi nghi vấn xuất hiện, chẳng có một lời giải thích xác đáng cho những cái duyên ngắn ngủn. Ta chỉ có thể trả lời rằng vì nợ chẳng có mà thôi. Cho dù ta cố gắng níu giữ nhưng vẫn không giữ được. Và định mệnh giữa ta và họ chỉ dừng lại ở đó.

Ta đứng giữa cái lưng chừng cảm xúc, con tim cảm giác nhói đau. Và cuối cùng thì thời gian sẽ là phương thuốc cứu chữa mọi vết thương. Dù dài hay ngắn, rồi cũng sẽ đến một ngày, ta đứng đó và nhìn lại tất cả, chợt mỉm cười và cầu chúc cho đối phương hạnh phúc.

Liệu có phải mọi sự việc trên đời này đều đã có sự sắp đặt của số phận, người đến với người cũng phải có duyên nợ? Chẳng lẽ cuộc sống chạy theo những sắp đặt đã định sẵn? Có rất nhiều học thuyết cũng như tôn giáo nói về số mệnh, trong tôn giáo Hy Lạp Cổ Đại cũng nói rằng vấn đề số mệnh cũng đóng vai trò quan trọng, và được biểu trưng bằng ba nữ thần ngồi dưới gốc cây ở trung tâm trái đất và quyết định số phận mỗi người. Trong Phật Giáo cũng có những câu chuyện về duyên nợ. Nhưng tôi thích một câu nói của Paulo Coelho: “Tương lai tuy đã được định sẵn nhưng vẫn có thể thay đổi được.” Tôi vẫn luôn tin rằng cuộc sống này do chính bản thân chúng ta làm chủ, định mệnh hiện ra đó nhưng nó xoay chuyển như thế nào là do bạn tạo nên.

Trong tình yêu cũng thế, có nhân duyên hay không và làm sao để phát hiện được đâu mới là nhân duyên thực sự của mình. Có phải nếu là định mệnh của nhau thì dù có khó khăn cách trở đến mấy thì cuối cùng cũng tìm được về với nhau. Dựa vào trực giác hay linh cảm? Dựa vào biểu hiện của đối phương hay cảm nhận của chính bản thân mình? Chẳng lẽ với những cảm xúc ban đầu không ấn tượng, bạn lại bỏ qua một cơ hội tìm hiểu. Trong lúc trái tim bạn đang cô đơn, tại sao không thể dành cho đối phương một cơ hội để quan tâm, cũng là dành cho ta một cơ hội để được yêu thương. Biết đâu chính cơ hội ấy ta lại tạo ra nhân duyên của chính mình. Tương lai của chúng ta sẽ do chính chúng ta tạo ra.

 

 Trang Nguyễn

Tại sao chúng ta xấu tính?

*Featured Image: Amanda Mabel

 

Bài viết này của tôi chỉ dành cho những người xấu tính, những người xấu tính biết mình xấu tính, những người biết mình xấu tính và thực sự muốn thay đổi tính xấu (có cả tôi nữa). Bài viết này cũng dành cho những người không xấu tính nhưng có cái nhìn bao dung, thông cảm cho những người xấu tính.

Và bài viết này cực kì lành mạnh, không chửi, không châm biếm, không mỉa mai, không bới móc đời tư hay đụng chạm đến ai. Tôi chỉ cố gắng chia sẻ những gì mình hiểu biết, mong muốn bạn đọc hiểu biết, biết để yêu thương bản thân, để có cái nhìn tích cực và linh động hơn về những người đã từng đối xử không tốt với các bạn.

Chúng ta hay truyền tai nhau những thứ lý thuyết về những người giàu có rằng họ may mắn, họ là con ông cháu cha hay họ làm ăn gian dối, thủ đoạn nên mới giàu có dễ dàng như vậy. Một phần lớn những người thuộc giai cấp trung lưu và thấp hơn đều nghĩ rằng người giàu họ khinh thường mình, họ hoạnh họe, hách dịch hay còn được gọi là “chảnh”. Chúng ta (những người bạn của tôi, như tôi đã nói trước ở đầu bài viết) cảm thấy không thoải mái với người giàu, với người giỏi, với những người xinh đẹp bảnh bao hơn chúng ta, và điều đó bình thường thôi. Chúng ta mà nói ngược lại mới là không bình thường. Nhưng cái bình thường này lại không phải là điều tốt, vậy thì rốt cuộc ta phải làm sao đây?

Có ai dám nhủ thầm với chính mình rằng mình ghét nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình thích hạ nhục nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình ao ước được sống cuộc sống như nó? Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta từng tự nhủ thầm với chính mình rằng mày vô dụng, mày bất tài, mày không bằng nó. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta làm những điều mình không muốn chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ xem thường mình, “họ” sẽ đánh giá mình. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta đôi khi cũng thích “diễn” một chút, nói quá một chút, phô trương một chút chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ biết con người thật của mình.

Cái con người “không là ai” này, cái con người “không có gì đặc biệt” này. Chúng ta giấu diếm, không dám nói thật, không dám sống thật vì ta sợ người khác nhìn mình đúng y hệt như cái cách chúng ta nhìn bản thân. Đôi khi chúng ta xấu hổ, chúng ta bị tổn thương nhưng cuối cùng nó được che đậy bằng sự giận dữ, người ta rất thường xuyên làm điều này, không phải sao?

Nhưng tôi muốn nói thế này, các bạn, người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không đồng ý. Người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không tự xem thường chính mình. Cái này được gọi là tự ti. Tự ti là nguồn gốc của ghen tị, là nguồn gốc của đố kị, là nguồn gốc của dối trá, là nguồn gốc của ảo tưởng. Và ghen tị, đố kị, dối trá, ảo tưởng không phải là tội lỗi. Đó là tiếng kêu cứu.

Từ sâu bên trong tâm hồn, ta đã đánh mất điều gì đó rồi, đánh mất quyền được hạnh phúc, quyền được ước mơ, quyền được tự do trở thành bất kì ai ta muốn. Ta vội vã trưởng thành và quên mất mình là ai, quên mất mình sống vì điều gì, chúng ta đã quên mất những điều ngây thơ thuở bé ta mơ mộng. Điều đáng buồn là những điều cỏn con đó trong mắt người lớn giống như là trò cười, bởi thế người ta mới bảo rằng chuyện con nít. Người lớn khiến ta tin rằng những điều đó chỉ là trò cười, và ta đã bỏ quên tuổi thơ như thế đó.

Các bạn, người khác có thể không cần biết chúng ta muốn gì nhưng chính chúng ta phải tự biết mình muốn gì. Đừng bao giờ xem thường tuổi thơ, đừng bao giờ xem thường những mơ ước thuở ban đầu vì những thứ thuộc về thời thơ ấu hình thành nhân cách của một con người. Nó là hạt giống, đơm hoa kết trái hay là hư hỏng đều là từ thuở ban đầu đó mà ra.

Vài người trong số những người lớn, bằng cách nào đó đã đi chệch xa ra khỏi giá trị đích thực của mình mất rồi, và đó là cách chúng ta kêu cứu. Hãy tự cứu lấy chính mình vì tôi hiểu ngọn lửa đố kị thiêu đốt chúng ta như thế nào, chúng ta đau khổ ra sao. Chúng ta xấu tính (ử, tôi đã nói trước bài viết này dành cho những ai xấu tính) thì chỉ có chúng ta đau khổ mà thôi. Những người hiểu chuyện, họ đã nhanh chóng tránh xa ta từ xa thật xa rồi. Hãy lắng nghe sự thật, lắng nghe con tim mình, đối diện với con quỷ và giết nó đi chứ đừng giết ước mơ, tự do và hạnh phúc của mình.

Bạn có bao giờ để ý rằng những người nghệ sĩ họ rất kiêu hãnh không? Không phải kiêu căng mà là kiêu hãnh cho dù họ giàu có hay là không. Tôi nói là nghệ sĩ nhé và ai không xứng đáng mang danh nghệ sĩ thì tôi không nói người đó. Tôi tự cho rằng, có lẽ họ đã sống thực sự hết mình, thực sự đam mê, thực sự cống hiến, họ thật sự cảm thấy thỏa mãn sống cuộc sống của mình, bên trong họ luôn luôn được lấp đầy, luôn luôn được thể hiện và chia sẻ. Họ biết mình là ai, họ biết mình muốn gì, họ sống cho chính mình và không so sánh bản thân với người khác. Cái này được gọi là tự trọng.

Dĩ nhiên, bài viết này chỉ hướng đến một góc rất nhỏ trong vô vàn các kiểu tính xấu ở các lứa tuổi, ở các cấp bậc trình độ ý thức khác nhau. Có những nguyên nhân là từ văn hóa của một nước, của một gia đình, của giáo dục vân vân.Cho nên, một lần nữa, tôi xin đính chính rằng bài viết này không mang tính chất dạy đời. Tôi viết cho mình và cho những ai muốn hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu để thương. Hãy yêu thương và tha thứ cho chính mình.

 

Quyên Quyên

Nền giáo dục đích thực

Featured image: give-wings-to-strength

Thế hệ “gà công nghiệp”

Anh à, nhỏ bạn lớp em vừa mới biết cây chuối là cây gì đó a!” đứa em lớp 10  tại một trường Phổ thông chuyên ở Long An “báo” với tôi như thế. Thấy lạ, tôi hỏi lại cho cụ thể, nó kể rằng con bạn lớp phó học tập cùng lớp, hôm qua xem hình cây chuối trên điện thoại, rồi hỏi nó đó là cây gì, nó mới trả lời. Nhờ đó  nhỏ bạn nó mới biết cây chuối hình dáng ra sao. Tôi thở dài, bảo “vậy có khác gì ‘gà công nghiệp’ đâu”, đứa em bảo “ừ, thì nó nhận là mình được cha mẹ nuôi theo mô hình ‘gà công nghiệp’ mà”!!!

Bạn có suy nghĩ gì sau khi đọc câu chuyện trên?

Thực ra đó chỉ là một ví dụ điển hình cho thực trạng hiện nay của nền giáo dục, sự tồn tại của một “chuồng gà công nghiệp” hay rộng hơn là cả một “trang trại gà công nghiệp” – sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam.

Kinh tế phát triển, xã hội đi lên, khi nhu cầu ăn no mặc ấm về cơ bản đã được đáp ứng, con người càng có điều kiện hơn để đầu tư cho việc học tập của con em mình. Thế nhưng người ta càng quan tâm, xã hội càng săn sóc, giáo dục càng cải cách thì chất lượng giáo dục lại càng đi xuống? Các em chỉ biết học, học và học. Học để chất thật nhiều chữ vào đầu, học để có điểm cao, đậu vào trường điểm, thi vào các ngành hot, học để thỏa sự kì vọng cùa cha mẹ… Để bây giờ bước ra đường, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta luôn bắt gặp những em học sinh uể oải với cặp kính dày cộp, đôi mắt đờ đẫn như đang muốn kiếm tìm một lối thoát cho tâm hồn của mình.

Các em không được chú tâm vào việc bồi dưỡng tâm hồn, theo đuổi đam mê, trau dồi những kĩ năng sống thiết thực. Các em không được quyền giữ lại những nét hồn nhiên, tinh nghịch mà đáng lý ra ở tuổi các em nó phải được thể hiện một cách vô tư nhất.

 Mục tiêu của giáo dục Việt Nam?

Trong một buổi trò chuyện với Giáo sư Chu Hảo về chủ đề Tư duy sáng tạo tại Trường Đào tạo Truyền thông Ứng dụng (IAMS). Khi nhắc đến mục tiêu hiện tại của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Giáo sư cho rằng:

Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là đào tạo ra những con người biết phục tùng – một công cụ của xã hội”, một nền giáo dục “đào tạo ra những con người có kiến thức, kỹ năng để chất vào kho chứ không được đưa ra sử dụng.

Giới trẻ bây giờ được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, có mục đích học cụ thể hơn nhiều: Học nhằm kiếm mảnh bằng để làm quan và để làm giầu. Việc hoàn thiện nhân cách và văn hóa nền bị đặt xuống hàng thứ yếu. Kết quả nằm ở những mẩu đối thoại sau đây:-‘Bạn có lý tưởng không’?, ‘Không’!; – ‘Bạn có mục đích sống không’?, ‘Có’; -‘Mục đích ấy là gì’?, ‘Học ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh hoặc luật để có một chỗ làm tốt, lương cao’…”. Nhạc sĩ Dương Thụ trăn trở với chúng ta như thế trong bài “8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và ‘Élite’ trẻ”.

Ngay từ thời phong kiến, các sĩ tử “sôi kinh nấu sử” cực khổ mấy năm trời cũng để đạt mục tiêu được ghi tên bảng vàng, nhằm kiếm một chức quan để kiếm chác, coi đó là mục tiêu tối thượng. Và hiện nay, học cũng chỉ là để kiếm một tấm bằng, một ngành nghề để nuôi thân và làm giàu. Học để làm công an, làm bác sĩ… chung quy lại chỉ để kiếm một nghề nghiệp thật ổn định và nhiều tiền.

Vừa rồi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã công bố một con số khiến nhiều người giật mình: 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trên cả nước (tính đến cuối năm 2013).  Ngoài nguyên nhân kinh tế suy thoái, con số trên còn là hệ quả của sự cộng hưởng các yếu tố: Trường đại học được cấp phép một cách dễ dãi và tràn lan; sự quản lý yếu kém; sự “gặp thời” của các “con buôn giáo dục”; sự quá coi trọng bằng cấp của xã hội và người học, học chỉ để lấy cái bằng mà không chú trọng vào việc rèn luyện, bồi dưỡng các kĩ năng sống cũng như những kĩ năng thực tế mà công việc đòi hỏi

Ngành giáo dục Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay tìm kiếm chiến lược, triết lý, mục tiêu, và phương pháp giáo dục phù hợp. Biểu hiện rõ nét nhất chính là việc liên tục thí nghiệm trên đầu hàng lọat thế hệ học sinh, tạo nên một vòng luẩn quẩn mà mắt xích chính là các vị bộ trưởng nối tiếp nhau.

Câu chuyện về “gà công nghiệp”, câu chuyện về 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng như nhiều câu chuyện khác mà chúng ta có thể kể về thực trạng nền giáo dục hiện nay đặt ra một yêu cầu bức thiết: phải đổi mới triệt để ngành giáo dục. Và cái thay đổi đầu tiên, nền tảng nhất và bức thiết nhất chính là thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi “rượu” chứ không phải “bình”, nhằm tạo ra một nền giáo dục đích thực.

 Nền giáo dục đích thực

 Nền giáo dục đích thực là nền giáo dục mà tất cả các nước trên thế giới đều hướng tới. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Úc hay Israel đều đã và đang xây dựng, phát triển nền giáo dục này. Đó là nền giáo dục tạo ra những con người tự do trong suy nghĩ và hành động, có tư duy độc lập, biết bồi dưỡng tâm hồn mình bằng những đam mê và mơ ước.

Giáo sư Chu Hảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thay đổi tư duy giáo dục. Mục tiêu của giáo dục, theo Giáo sư, là “phải đào tạo ra con người tự do, tử tế và có nhân cách, biết lo cho bản thân, gia đình và xã hội.” Nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho rằng: “Mục đích của việc học tập là để tạo dựng tri thức nền tảng (văn hóa nền), hoàn thiện nhân cách và phát triển cơ thể để làm người.” (8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và ‘Élite’ trẻ -Vietnamnet.vn)

Nền giáo dục đích thực phải tạo ra được một môi trường giáo dục kích thích sự đam mê, khát khao học hỏi, chinh phục kho tàng tri thức nhân loại, kích thích sự tận hưởng thú vui học tập của người học. Làm cho người học hướng đến việc tận hưởng niềm vui khi học chứ không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến điểm số và bằng cấp. Nền giáo dục đó phải tạo cảm hứng và nền tảng để người học vươn ra biển lớn, chinh phục kho tàng tri thức nhân loại, vì “giáo dục không phải việc đổ đầy một cái bình mà là thắp lên một ngọn lửa.” (William Butler Yeats)

 Một nền giáo dục đích thực không dạy cho con người tranh đấu hay giành giật; nó dạy con người cách sống hòa hợp và sáng tạo; nó mở ra cho con người lòng yêu thương, niềm an lạc tự tại và không bao giờ vướng bận so sánh bản thân mình với người khác,” bậc thầy tâm linh Ấn Độ – Osho đã chia sẻ quan điểm về “nền giáo dục đích thực” như thế, “nền giáo dục đó không dạy bạn tranh giành ngôi thứ mà mời gọi bạn tận hưởng mọi thứ bạn đang làm, không màng đến kết quả, chỉ quan tâm đến hành động, tựa như một họa sĩ, một diễn viên múa hay một nhạc sĩ.

 Nền giáo dục đó phải đào tạo ra những con người vừa có học thức, vừa có ước mơ hoài bão, có tâm hồn lành mạnh, biết yêu thương, không vô cảm trước đồng loại, trước những khoảnh khắc của cuộc sống. Ở đó người ta học để hiểu biết, để làm giàu kiến thức và tâm hồn cũng như làm chủ những kiến thức và kỹ năng đó. Chứ không phải học như một cỗ máy, học để “chất chữ vào kho” và không biết sử dụng thế nào.

Việt Nam đang thực hiện công cuộc “đổi mới sâu sắc và toàn diện nền giáo dục”, nhưng nếu không thể tạo ra một nền giáo dục đích thực như trên, không sớm thì muộn đất nước sẽ đi trật khỏi đường ray phát triển của nhân loại.

Kết

Sự ổn định và đúng đắn của chiến lược giáo dục chính là nền tảng để tạo nên chất lượng cho một nền giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cũng như nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia.

Chính vì vậy, thay đổi tư duy giáo dục là một đòi hỏi cấp bách của thời đại ở Việt Nam. Phải thay đổi, tạo nên một hệ thống tư duy giáo dục tiên tiến, từ đó mới có thể đặt ra mục tiêu, phương pháp giáo dục đúng đắn để tiến tới xây dựng một nền giáo dục đích thực – một nền giáo dục tạo ra những công dân đích thực và tự do.

Ngựa Hoang

Làm bạn với người yêu cũ, nên không?

*Featured Image: Anh’s Photo

 

Chia tay và người yêu cũ đề nghị: “Chúng ta đừng làm người xa lạ, làm bạn nhé.” Và bạn thì phân vân với đề nghị đó theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội.” Thực ra thì trở thành bạn cũng tốt, bạn sẽ đỡ cái cảm giác hụt hẫng hay tủi thân vì bị “bỏ rơi” hay “vứt bỏ”. Bạn sẽ vẫn có một bờ vai để dựa vào khi bạn thực sự cần, có một người bạn thực sự hiểu mình từ những điều nhỏ nhất. Tuy nhiên, câu trả lời lại có thể là một chữ không dứt khoát nếu bạn thấy mình ở trong những trường hợp sau:

Bạn đồng ý làm bạn chỉ để có cơ hội tiếp tục níu kéo tình yêu giữa hai người

Đàn ông khác phụ nữ ở chỗ nói yêu là thực sự yêu, còn nói hết yêu có nghĩa là hết tình cảm rồi. Đơn giản thế thôi. Cho nên nếu người con trai ấy đã quyết định chia tay thì khả năng níu giữ của bạn chỉ còn gần bằng zero. Vấn đề “không đành lòng buông tay” hay “không tin là đã chia tay” chỉ còn là vấn đề của một mình bạn mà thôi. Đừng tự huyễn hoặc bản thân là người ấy đang thử thách tình cảm của bạn hay đang thực hiện một cái master plan nào đó nhằm làm bạn bất ngờ.

Vứt bỏ tất cả những suy nghĩ ấu trĩ đó đi. Tất cả hết rồi, chào tạm biệt nó thôi. Chấp nhận làm bạn với hy vọng khoảng cách gần gũi có thể làm người đó lại thêm một lần nữa rung động hay hồi tâm chuyển ý… thì cũng không hẳn là ngu ngốc. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí bạn sẽ phải đối mặt với sự thờ ơ và phũ phàng của người đó. Và thực sự thì bạn cũng phải chuẩn bị trước cho một khả năng bạn có thể bị tổn thương nặng nề hơn cả việc hai người chia tay nhau. Như thế, bạn có chịu đựng được không? Nếu câu trả lời là có thì bạn biết phải gọi cho ai rồi đấy. Còn nếu câu trả lời là không thì bạn có một like từ tôi.

Trước khi yêu nhau, hai người chưa bao giờ là bạn

Thì sau khi chia tay, hai người càng không thể làm bạn được đâu. Trong cuộc sống này, có những người chỉ có thể làm bạn, có những người chỉ để yêu và có những người vừa là bạn vừa là người yêu (kiểu này hiếm). Để trở thành bạn tốt của nhau, hai người phải có những yếu tố nhất định và cơ bản giống nhau để có thể duy trì tình bạn. Mà hai người yêu nhau đôi khi chỉ là vì những hấp dẫn giới tính xảy ra trong một hoàn cảnh/tình huống nhất định nào đó. Cho nên khi sự hấp dẫn và tình cảm ấy biến mất thì hai người trở thành hai cá thể khác nhau không có điểm chung như trước khi yêu nhau.

Trở thành bạn vì thế mà là chuyện không tưởng. Việc quyết định có trở thành bạn của người yêu cũ cũng cần những suy nghĩ cẩn thận như khi quyết định có nâng mối quan hệ tình bạn trong sáng với người bạn thân trở thành tình yêu hay không. Cả hai quyết định đều có khả năng dẫn đến những kết cục mà cả hai người trong cuộc đều không bao giờ muốn: Mối quan hệ trở nên tệ hại đến mức hai người trở thành kẻ thù của nhau. Chỉ có điều, theo quan điểm của tôi, là bạn thì mãi mãi chỉ là bạn và chưa từng là bạn thì mãi mãi cũng không thể là bạn được. Đơn giản thế thôi.

Niềm tin và sự tôn trọng dành cho người kia đã bị tổn hại nghiêm trọng sau mối quan hệ tình yêu của hai người

Người ta chia tay có nhiều lý do. Có những người vẫn còn yêu nhau lắm nhưng chia tay do thấy không thể hòa hợp được hoặc cả hai tự nhận thấy mối quan hệ sẽ không đi đến đâu. Có những người chỉ là bỗng nhiên một sáng tỉnh dậy thấy… hết yêu (fall out of love). Sự tôn trọng, tình cảm và niềm tin vẫn còn đong đầy thì có thể làm bạn được. Nhưng nếu chia tay vì lý do bị phản bội, bị người kia hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần thì… xin bạn hãy chạy cho nhanh, cho xa. Bạn có quyền được bảo vệ mình khỏi những tổn thương không đáng có cơ mà. Đừng cho người khác thêm cơ hội để làm bạn bị đau, phải khóc và thất vọng nữa thêm nhé. Vẫy tay tạm biệt mối quan hệ ấy luôn, ngay và lập tức đi. Hãy cảm tạ trời đất vì mọi chuyện tồi tệ đã kết thúc và giờ thì bạn tự do rồi.

Bạn không thể chịu đựng được khi thấy người yêu cũ có người yêu mới

Chuyện tình yêu của hai bạn đã kết thúc nên sớm hay muộn thì việc người yêu cũ đi theo tình yêu mới cũng sẽ xảy ra. Hãy hỏi bản thân mình, nếu chuyện ấy xảy ra thì bạn – khi đó đang trong vai trò là MỘT-NGƯỜI-BẠN không hơn, sẽ cư xử như thế nào? Nếu chỉ cần nghĩ thế đã làm cho bạn gần như phát điên lên, ghen tuông và tức giận thì hãy từ bỏ ý định làm bạn với người yêu cũ đi. Như thế sẽ tránh được sự tổn thương và sự khó xử cho tất cả mọi người.

Sau khi chia tay, không tránh khỏi sự hụt hẫng và bơ vơ, nhất là nếu bạn không phải là người ra đi mà là người ở lại. Đôi khi, suy nghĩ trở thành bạn với người yêu cũ cũng trở nên tương đối thuyết phục để giảm bớt những cảm giác tiêu cực nói trên. Nhưng hãy suy nghĩ thận trọng trước quyết định này nhé. Vì nếu quyết định đúng nó có thể làm cho bạn hạnh phúc hơn cả khi còn yêu nhau nhưng nếu quyết định sai bạn có thể vừa kí bản cam kết đưa thẳng bản thân xuống địa ngục trần gian đấy.

Và cho dù bạn không rơi vào một trong bốn trường hợp trên thì khoảng thời gian 1 đến 2 tuần sau khi chia tay không bao giờ là khoảng thời gian tốt nhất để đưa ra quyết định có làm bạn hay không đâu. Hãy cho bản thân một khoảng lặng để cảm nhận và suy nghĩ một cách sâu sắc về những điều vừa xảy ra và kết thúc. Hãy để bản thân có thời gian vượt qua nỗi đau và cơn bão cảm xúc rồi lý trí của bạn mới thực sự hoạt động tốt để đưa ra quyết định đúng đắn được.

Tình yêu cũng có một đời sống nhất định của riêng nó. Đừng vội vã chôn sống tình cảm của mình. Lời chia tay chưa bao giờ là sự kết thúc của một tình yêu vì tình cảm luôn có những lý lẽ của riêng nó để tiếp tục tồn tại, dù đôi khi chỉ là sự cố chấp đến ngu muội. Hãy dành thời gian để cảm nhận mình thực sự cần gì và muốn gì sau khi chia tay. Để đến một ngày cảm giác bạn dành cho người kia chỉ còn là một đám tro tàn thì vẫn nhẹ nhàng thanh thản để gió cuốn đi. Đừng dội nước lạnh vào tình cảm khi nó vẫn còn là than hồng, bạn sẽ tự làm mình bị tổn thương mất thôi. Cứ từ từ, cứ từ từ chờ đợi bạn nhé…

Bạn sẽ sớm tìm ra câu trả lời cho bản thân mình mà thôi…

 

Bảo Bình

Đừng coi cả thế giới là mình, con gái ạ!

*Featured Image: Ibai Acevedo

 

Nhân ngày 1/4 nói một câu chuyện tưởng đùa mà là thật, tưởng thật mà ai cũng nghĩ như đùa. Trước khi đọc bài viết này, bạn cứ tin rằng hôm nay là ngày Cá tháng tư nên tác giả đang đùa đi. Còn nếu bạn thực sự quan tâm đến cái tiêu đề thì cứ giữ thái độ nghiêm túc mà đọc vì chính xác là tác giả đang viết hoàn toàn nghiêm túc đấy.

Cái mà tôi – tác giả của bài viết này đang muốn nói đến chính là một căn bệnh của những cô gái mà các bạn có thể gặp nhan nhản ngoài đường, trong trường học, trên facebook hoặc ở bất kì đâu trong xã hội ngoài kia. Tôi không có ý nói tất cả con gái đều có căn bệnh này, nhưng tất nhiên cái gì gặp nhiều thì mới dễ dàng gọi là “bệnh” được. Tự coi cả thế giới là mình hay tự coi mình là trung tâm của vũ trụ – bệnh ảo tưởng sức mạnh.

Trước khi viết bài này, tôi đã google cụm từ “ảo tưởng sức mạnh” là gì suốt buổi tối, cộng thêm việc nhắn tin cho vài người bạn trên facebook của tôi để hỏi quan điểm của họ. Tất cả chúng ta, những người trẻ tuổi đang sống trong một xã hội hiện đại và sở hữu một cái tài khoản facebook chắc chắn đều hiểu “ảo tưởng sức mạnh” nghĩa là gì. Mỗi ngày trôi qua là hàng chục hàng trăm cái ảnh tự sướng, tự nhận mình xinh đẹp không ai bằng, tự thể hiện bản thân là một cô gái có nhiều anh chàng theo đuổi, luôn cho rằng lẽ sống, phong cách và phát ngôn của bản thân là chân lý đúng đắn nhất trong tất cả các chân lý trên đời. Chưa hết, cái quan trọng để nhận biết một cô gái với căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh” là cách cô gái ấy đối xử với mọi người xung quanh, đặc biệt là những cô gái còn lại không giống như mình.

Tại sao lại chỉ gán ảo tưởng sức mạnh cho con gái, còn con trai thì không? Không phải vì con trai không ảo tưởng, mà con trai chưa bao giờ có đủ sức mạnh phi thường và tự tin bất thường để ảo tưởng nhiều như con gái. Trước nay ai ai cũng bảo tự tin trước mọi người là rất tốt. Đúng, tự tin thể hiện cá tính của bản thân là điều nên làm. Nhưng cái tự tin thể hiện cá tính ấy cần được bày ra đúng lúc đúng chỗ đâu phải đứng ở bất kì đâu cũng cho bản thân là số một được? Tự tin nhiều quá sẽ trở thành tự kiêu, các cô gái ạ!

Để có thể “ảo tưởng” được hẳn là bất kì cô gái nào cũng cần có một khoản “vốn liếng” nhất định: Nhan sắc, tiền bạc, tài năng, được nhiều anh chàng theo đuổi hoặc… chẳng có gì thì cứ thử ảo tưởng đi là có tất cả! Nhưng xinh đẹp, biết ăn mặc, trang điểm không có nghĩa là tự cho mình cái quyền đánh giá người khác, dè bỉu chê bôi họ chỉ vì họ không ăn mặc giống như mình, họ không biết trang điểm tô vẽ mặt mũi cầu kì. Một ngày hai tư giờ chỉ lo làm sao để thể hiện được chút xinh đẹp và vài cái tài năng chẳng bài bản gì của mình ra cho thiên hạ biết, có đáng không?

Một nhóm bạn chơi với nhau, cô gái nào đứng dậy đi về trước thì những người còn lại ngồi nói xấu đứa vừa về chỉ vì: “Con bé đấy dùng túi đẹp hơn mình” “Nó có anh này anh kia tán tỉnh”…Cái sự ảo tưởng về bản thân có thể đưa một cô gái lên đến đỉnh cao trong cái đầu của chính cô ta, và hạ thấp hình ảnh của cô ta xuống trong mắt của những người có cái đầu tỉnh táo xung quanh.

Có một sự thật rằng những người mắc bệnh “ảo tưởng sức mạnh” thường là những người không quá xinh đẹp, không quá tài năng và cũng chẳng sở hữu cái gì nổi trội, bởi vì những người tài giỏi họ đã có cái đầu thông minh để biết rằng trên trái đất này có 7 tỉ người, trong số 7 tỉ đấy ít nhất cũng có một người hơn họ và họ sẽ dành thời gian để cố gắng thay đổi bản thân tốt đẹp hơn thay vì ngồi đấy mà tưởng rằng mình đã quá tốt rồi không cần thay đổi thêm gì nữa.

Trên đời này không có ai hoàn hảo cả – đó là điều mà mỗi người hiểu khi sinh ra, nhưng càng lớn thì nhiều người càng tỏ ra không hiểu và mặc kệ nó để nghĩ mình hoàn hảo nhất thế gian. Thích “lên mặt dạy đời” có phải là cụm từ chính xác nhất để chỉ một hành động dễ gây ức chế tinh thần nhất cho tất cả mọi người? Những đứa con gái sống trên đời tầm 17, 18 năm gì đấy, luôn có gia đình che chở bảo vệ, ngày ngày chỉ có việc cắp sách đến trường đi học, lo ăn gì mặc gì chơi gì mà lúc nào cũng muốn lên giọng bảo ban những người xung quanh phải sống thế này, thế kia.

Xin thưa, mỗi cây mỗi hoa mỗi người mỗi cảnh, ai cũng có cuộc sống riêng và những vấn đề riêng, xin đừng tự lập trình rằng bản thân có thể hiểu mọi thứ trên đời này và giải quyết chúng bằng một cái phẩy tay. Thay vì bình luận về những việc không phải của mình thì nên học cách thông cảm cho người khác.

Những cô gái ảo tưởng thường nghĩ rằng họ được nhiều chàng trai theo đuổi và tất cả con trai đều thích kiểu con gái như mình. Đúng là khi được tiếp xúc với một cô gái tự tin, xinh đẹp bất kì chàng trai nào cũng thấy thích. Nhưng sau cái ấn tượng ban đầu đó là cả một khoảng… kinh hãi vì độ tự sướng quá cao của con gái.

“Em ấy có thể ngồi hàng giờ để khoe rằng mình có cái này, cái kia, đã từng yêu người này người kia, bao nhiêu anh tán mà em ấy chưa đổ. Rồi mình mới giúp đỡ em ấy việc gì đấy, nói chuyện thoải mái một tý là tối về em lên facebook rêu rao khắp nơi là mình thích em.” Những chàng trai thường thích một cô gái thông minh và tinh tế, tự tin đi cùng với khiêm tốn – Đừng có tự mặc định rằng hễ gặp ai nói vài câu chuyện tầm phào là người ta lập tức yêu ngay mình được!

“Ảo tưởng sức mạnh” là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, chữa nó thì cũng dễ thôi nhưng người mắc bệnh lại không biết rằng mình đã mắc bệnh, hoặc trong một phút giây nào đấy biết thừa là mình mắc bệnh nhưng không chịu thừa nhận để mà thay đổi. Con gái ạ! Ảo tưởng có thể làm cho cuộc sống của bạn toàn màu hồng, làm cho bạn luôn cảm thấy đủ đầy hạnh phúc nhưng điều đó chỉ như một giấc mơ thôi, bạn không thể sống trong trạng thái mơ màng suốt cuộc đời được đâu. Thế giới này bao la rộng lớn lắm, hãy đứng lên, xỏ giày vào và khám phá nó. Đừng đứng lì ở một chỗ và tốn thời gian đánh giá, so sánh, nhận định về mọi người nữa. Khoảng trời trên đầu em và mảnh đất dưới chân em chưa phải là khoảng trời xanh nhất và mảnh đất màu mỡ nhất đâu.

Một lúc nào đấy khi tỉnh lại, nhận ra rằng cả thế giới này đã tiến về phía trước và bỏ em lại xa lắm rồi thì đã muộn, con gái ạ!

 

Hạnh Moon

Lãng đãng Thị Mầu

*Tranh: Thị Mầu lên chùa (unknown artist)

 

Nửa đêm cái chân đau đau, cái người đau đau sau cái tai nạn hồi chiều, ta nằm xem chèo trên tivi, chiếu chèo giữa sân đình, và ai đó đang diễn lại cảnh Thị Mầu lên chùa, trích đoạn kinh điển nhất của bộ môn đậm văn hóa Bắc Bộ này.

Ta không thích Thị Mầu trong trích đoạn đang xem. Có lẽ vì Thị Mầu quá cứng, dẫu có đong đưa sàng xê thì cũng không ra chất, có lẳng mà chẳng có tình. Đôi mắt lá răm không còn đủ lúng liếng và ánh lên nét nghịch ngợm của cô thiếu nữ quen được nuông chiều nữa. Nói cho chính xác là Thị Mầu này chẳng có chút sức sống nào, trơ cứng và trả bài.

Nhớ lần đầu xem, là Thu Huyền diễn, chẳng có chút khái niệm gì, nhưng đọng lại vẫn cái ấn tượng yêu Thị Mầu đến lạ. Bao đời người ta ghét Thị Mầu rồi nhỉ? Ta vẫn ước được như cô nàng xấu xa này. Tưởng lại, ngày Thị Mầu mới lớn, hồn nhiên, xinh đẹp và vô tư. Ừ thì nàng ta lẳng lơ, đong đưa. Già chẳng bỏ, nhỏ không tha. Thằng Nô không chừa mà Thầy Kính cũng chẳng được để yên, ghét làm sao mấy ông sư giả vờ, ta đây trêu ghẹo cho bỏ ghét.

Nàng là một “gái hư” điển hình của người Việt. Nàng bị phê phán, là đối trọng để nâng được cái đoan trang, hiền thục, chuẩn mực và nhân hậu của Thị Kính lên đến cùng. Nhưng ta đố, ai có thể học được cách lẳng lơ, một cách tự nhiên và tỏa hương như Thị Mầu, nếu như không phải là trời sinh bản tính. Dù cho có học, thì cũng chẳng sao chép được cái chất lả lơi toát ra từ bản thân, vẫn là một cái cây được ghép cành, chứ không phải mọc ra từ đất, đón lấy khí trời để hát ca và lả lơi với gió.

Và ta đoán chắc, một cô nàng Thị Mầu ngoài đời, khi cái tính lẳng lơ có sẵn từ trong toát ra, thì chẳng cần phải cường điệu, hay nói như từ ngữ của teen bây giờ là chẳng cần “dẹo” cũng vẫn lắm người xin chết cả đời. Thị Mầu rất lẳng, nhưng cũng rất tình. Thị Mầu nữ tính và căng tràn nhựa sống. Thị Mầu cứ hồn nhiên với chính bản thân của mình. Mặc kệ tất cả những người khác.

Ngày xưa, hẳn lắm kẻ thèm Thị Mầu, nhưng vì sợ bị chửi, sợ bị ném đá, nên rốt cuộc phải nuốt nước bọt vào trong. Và với cái tâm lý bao đời, ăn không được thì đạp đổ, người ta sẽ thêm thắt một chút, tưởng như người vốn đã xấu xa, còn phải đóng thêm cho tròn cái vai ác nữa. Có ai nghĩ, Thị Mầu chính là ước mơ tận sâu thẳm của những người đàn bà, thèm khát được tự do, được nói năng thoải mái, và thoải mái với sự nữ tính của mình mà chẳng nhất thiết phải dùng đến cái đầu đầy lí trí, sợ mình đi chệch và thoát ra khỏi cái khuôn: “Công-dung-ngôn-hạnh”

Thế cho nên lắm kẻ cùng giới ghen tị với Thị Mầu, nào đồ trắc nết, nào đồ lẳng lơ, tại sao trong khi mình phải khổ sở thế này, kín đáo e dè thế này, ăn chẳng dám ăn, nói chẳng dám nói thế này, mà nó lại được phởn  phơ, sung sướng, đú đởn thế nhở? Và rồi, họ tự an ủi bằng cách nghiễm nhiên tự đề cao, nâng mình lên một bậc, đẩy cho cô gái hồn nhiên kia bẹp dí dưới chân mình. Mình tự hào rằng mình cao quý, còn cái đứa ấy thật là đồ rác rưởi, bỏ đi. Ôi, Mầu ơi là Mầu, hồn nhiên cũng là một cái tội đấy!

Bản thân Thị Mầu thời ấy không dùng Internet, không đọc sách báo xa gần, mải lo lẳng lơ nên không có điều kiện cập nhật thông tin để biết mình là con cháu và bản sao chuẩn nhất của Mẹ Eva. Ngày xưa Eva mà không lẳng lơ với Adam, không dụ khị chàng cùng ta ăn trái cấm, thì làm sao mà có được loài người với đầy đủ hỉ nộ ái ố của đời sau, để mà gióng mỏ: Chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ đông tây…

Tóm lại một điều Thị Mầu bị ghét là phải, bị ghen tị là phải, và bị chửi đời đời là phải. Chỉ bởi: Nàng ta may mắn không được đưa lên bệ thờ! Nàng ta quá sung sướng được sống thật, sống hồn nhiên!

 

Axon