31 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 237

Tốt, xấu và câu chuyện về niềm tin

 Photo: Tuan Anh Doan

 

Người mà tôi nghĩ có thể dành cho tôi tình yêu như một lẽ hiển nhiên, cuối cùng lại trở thành lý do để tôi khóc mỗi ngày, và từng không còn tin vào tình yêu nữa. Người đã dạy tôi về sự tôn trọng từng vô tâm nói xấu sau lưng người khác – một người trẻ hơn chị – người còn chưa đủ từng trải để có sự vững vàng và thành công mà chị đang có. Người có những dòng thơ tôi nhiệt thành yêu mến đã từng phản bội lại những câu thơ của mình, trở thành một kẻ hèn hạ, và nhẫn tâm.

Người ta đã từng nhân danh việc tôn trọng sức khỏe để ngăn cấm việc uống rượu hay hút thuốc lại cũng chính là người từng mạo hiểm tính mạng và sức khỏe của người khác để thỏa mãn nhu cầu nhất thời của mình. Người từng phản đối những các hình thức kì thị LGBT, và đấu tranh cho sự đa dạng, lại có thể cũng là người kì thị phụ nữ. Người có thể nói về bao dung, và không chịu từ bỏ định kiến. Người nói về hòa bình, và sử dụng chiến tranh.

Thật là dễ dàng khi ta thấy “người xấu” làm việc xấu, hoặc “người tốt” làm việc tốt, đúng không? Một kết luận nhanh chóng đến với ta, ta vội vàng khẳng định họ đúng là người xấu, hoặc vui vẻ hài lòng họ vẫn là người tốt trong ta. Không có điều gì xáo trộn trong niềm tin hay định kiến của ta cả. Niềm tin của ta đã đúng, cách nhìn người của ta đã đúng.

Và thật khó khăn cho ta khi phải chứng kiến một “người tốt” làm việc xấu. Ta sẽ nói là ai cũng có những sai lầm, chỉ một lần như thế, và điều đó không thay đổi được bản chất tốt của họ.

Cũng thật khó để ta công nhận khi một “người xấu” làm việc tốt. Ta nghi ngờ. Và hành động tốt đẹp của họ trở thành một hành động giả vờ, lừa dối với ta. Người xấu, chẳng bao giờ trở thành người tốt cả.

Ta cứ hy vọng và đau lòng khi niềm tin của mình sụp đổ. Cứ thế mãi, cho đến khi ta hiểu ra rằng tốt và xấu không chỉ đơn giản là hai cái nhãn.
Ta có thể gắn nhãn lên lọ đường và lọ muối. Và yên tâm rằng ngày mai lọ muối vẫn mặn, lọ đường vẫn ngọt, hiển nhiên. Còn với con người, thậm chí còn không có khái niệm “người tốt” “người xấu” để ta có thể gán cho một ai đó, hay cho chính mình và tin rằng họ hay ta sẽ mãi như thế.

“Cái tốt” và “cái xấu” là thứ đến trong mỗi hành động. Và vì thế, buộc ta không bao giờ được ngừng cẩn trọng trong mỗi suy xét hay phán đoán về người khác, cũng như không bao giờ ngừng chú ý và nghiêm khắc với từng hành động của mình.

Nếu cuộc chiến giữa “cái tốt” và “cái xấu” không bao giờ kết thúc, ở bất kì nơi nào, hay trong bất kì ai, thì việc của ta không phải là đứng đó và dùng niềm tin của mình để phân định ai là “người tốt”, ai là “kẻ xấu” rồi ngỡ ngàng khi niềm tin mơ hồ của ta tan biến theo sự thay đổi của con người.

Việc của ta là tham gia vào cuộc chiến ấy.

Thằng Bé

Nếu… điều gì rồi cũng sẽ qua?

Photo: Nico Yang

 

Qua năm tháng, tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi rằng – nếu “điều gì rồi cũng sẽ qua”, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả những hạnh phúc và đau khổ,  những khoảnh khắc mà ta tưởng như sẽ chìm vào đó mãi mãi. Tất cả những thứ ta từng làm, từng xây dựng, cả những thứ con người luôn khao khát kiếm tìm, thứ người ta gọi là “tình yêu” “tình bạn” “hạnh phúc” “lý tưởng” “thành công”… và, người ta cũng hy vọng rằng nó sẽ vĩnh cửu…

“Điều gì rồi cũng sẽ qua” vậy có ích gì khi ta cứ phải lao vào tìm kiếm và tạo ra mọi thứ: Công việc, bạn bè, tình yêu, ý nghĩa cuộc sống,…

Tại sao phải mua hoa về cắm khi biết rằng rồi ngày mai – hoa cũng tàn? Tại sao phải có bạn bè, người yêu khi mà mọi thứ đều có thể thay đổi – 5 năm, 10 năm, 20 năm…? Tại sao phải tạo ra những nụ cười – để rồi khoảnh khắc sau đó, những nụ cười lại tan biến? Tại sao lại phải ăn rồi sau đó lại “ấy”? Tại sao phải sống để rồi cũng đến lúc phải chết?

Những câu hỏi ngây ngô cứ luẩn quẩn trong đầu.

Mọi thứ người ta xây dựng, tạo ra trong cuộc sống hôm nay rồi ngày mai chắc chắn sẽ mất đi, sẽ thay đổi như những lâu đài cát, sớm hay muộn  sóng sẽ lại cuốn trôi tất cả về với biển. Dù ta cố gắng níu kéo, sốt sắng vơ vội lại những thứ vô cùng quý giá đang trôi đi đó – cát vẫn chảy dần… chảy dần qua kẽ tay… Ừ, cứ cho là những điều gì đó xấu xa, tồi tệ, những lúc u ám nên để nó qua đi. Tại sao những thứ tốt đẹp, vui vẻ, hạnh phúc cũng đi qua?Vậy… Mọi thứ ta làm để làm gì?

Tôi không biết.

“Một ông lão đi nhặt những con sao biển bị sóng đánh dạt lên bờ, một người đến hỏi ông lão với ý mỉa mai: “Ông có thể cứu hết hàng vạn con sao biển đang hấp hối này không?” Ông lão cầm một con sao biển lên và nói: “Ít nhất với con này thì có!” – Rồi quăng nó ra biển , rồi 1 con nữa… 1 con nữa…”

“Một, lại một nữa. Hôm nay thứ hai cơ mà? Bác sĩ phục vụ trong quân đội. Ông chữa trị và cứu sống những người lính bị thương ở chiến trường. Nhưng những người ông chữa trị, sau khi lành lặn lại lao ra chiến trường và chết. “Chúa ơi! Vậy tôi cứu họ để làm gì?” Quá tuyệt vọng, ông bỏ công việc để đi tìm câu trả lời. Một thời gian sau, ông lại quay trở về làm công việc cũ.” Ông đã tìm thấy câu trả lời rồi chăng?

Tôi không biết.

Có lần, tôi gặp Hoàng Tử Bé ở trên cái tinh cầu bé xíu của cu cậu. Chiếc quần chun lẫn mái tóc xù bê bết cát, Hoàng Tử Bé đang choãi chân ngồi đắp lâu đài, chiếc phao con vịt vẫn chưa tháo. Đôi bàn tay mũm mĩm vốc từng vốc cát, tỉ mẩn đắp lên công-trình-vĩ-đại. “Rồi đây sóng biển sẽ đánh tan lâu đài của em đó. Em xây làm gì?” – Tôi nhớ là đã hỏi cu cậu. Mũi thò lò, cu cậu quay lại nhìn tôi. Ánh nhìn làm tôi có cảm tưởng mình vừa hỏi câu ngu nhất quả đất…

Sau đó thế nào, tôi cũng không nhớ lắm. Chỉ nhớ là cuối cùng tôi với cu cậu ngồi ngắm cái công-trình-vĩ-đại ấy “được” cuốn trôi – từng chút một.

“Điều gì rồi cũng sẽ qua.”

 

Leo Ngu

Con người yếu đuối hèn mọn

Photo: Lucia Whittaker

 

Quán nhậu, quán cafe, quán trà chanh… Chen chúc nhau nam thanh nữ tú, quý ông quý bà. Bàn chuyện công việc, cuộc sống thì không nhiều, còn tán dóc, ba hoa, khoe khoang thì rôm rả cả làng. Trông như tranh luận sôi nổi, nhưng cốt là để thể hiện: Tôi biết nhiều, tôi được việc, tôi hay tôi đúng,…

Tranh luận để tìm ra giải pháp cho những khó khăn khúc mắc lúc nào cũng được hoan nghênh. Nhưng ngày nay, phần nhiều là tranh cãi hơn thua để làm mạnh mẽ hơn bản ngã, để cái tôi được thấy quan trọng. Tôi phải hơn anh dù một tí thì mới thấy hả hê thoải mái. Tôi mà thiệt anh chỉ một tẹo cũng thấy ấm ức cay cú. Suy nghĩ tôi và anh cùng đi lên, cùng thăng hoa với cộng đồng thật là ít ỏi trong thời đại này. Suy nghĩ đã vậy, hành động cụ thể lại càng hiếm hoi hơn. Những ai suy tư về sự phát triển hài hòa của xã hội cũng đau đáu một nỗi lòng chung.

Cái tôi lúc nào cũng đòi hỏi được nuôi dưỡng o bế là bởi con người ta ngày càng yếu đuối. Ta không đủ khả năng để tự nhìn thấy và thừa nhận năng lực của chính mình, mà cần phải được người khác công nhận, tán dương. Bởi thế mà lúc nào ta cũng phải “thể hiện”, phải “đeo mặt nạ” và “bày trò”.

Tài năng, cảm xúc của ta thì chính ta là người nắm rõ trong lòng bàn tay. Nhưng ta lại đem cái quyền kiểm soát quý giá đó giao phó cho người khác. Bởi vậy, khi người khen tặng tung hô ta thấy mình quá đổi quan trọng giỏi giang, bằng ngược lại một lời chê hay chỉ đơn thuần là không ghi nhận về ta cũng đủ làm ta ăn ngủ không ngon. Dần dà, ta giao hết cuộc sống của mình cho người để đổi lấy những lời tán thán trầm trồ xuýt xoa, vì rằng ta cho đó là những “dưỡng chất” nuôi sống bản ngã của mình, nếu thiếu nó thì ta chẳng còn là gì trong cái xã hội này. Ta phải trở thành thế này thế kia để người đời ngước lên nhìn ta ngưỡng vọng và ao ước tỵ ganh.

Cứ thế, không biết bao người lao vào vòng xoáy ma lực đến khi “bán linh hồn cho quỹ dữ” hồi nào không hay. Ngày qua ngày, “cái dưỡng chất” ấy thấm sâu vào từng tế bào làm con người ta yếu đuối hẳn đi, cuộc sống của mình phải phụ thuộc vào sự đánh giá, ghi nhận của người khác, chẳng khác nào chậu cây cảnh phải được chủ nhân chăm bón để được sống. Con người ta lúc nào cũng cho mình thông minh nhưng thật ra lại dại dột như vậy đấy. Lắm người thích mình trở thành mớ chậu cảnh, chứ không muốn mình làm rừng cây hiên ngang mặc nắng gió sương sa.

Một sự thật quan trọng ít được quan tâm, đó là mỗi người chúng ta đều được hòa quyện bởi hai phần: Thân thể và tâm trí. Hai phần này không thể tách rời. Lẽ ra, nhiệm vụ mỗi người phải phát triển hài hòa cả hai. Nhưng thực tế phần lớn con người chỉ chăm sóc chìu chuộng phần thân thể, còn phần tâm trí bị bỏ bê quên lãng nên ngày càng héo mòn. Chính điều này làm con người ta yếu đuối hèn mọn đến thảm thương. Chúng ta đã dành nhiều công sức để học cách chăm sóc cái thân thể. Bây giờ hãy cân đối thời gian sức lực để học hỏi cách phát triển phần tâm trí tinh hoa của chính mình. Kết quả chắc chắn là một nguồn nội lực mạnh mẽ sẽ được thổi bùng trong ta, giúp ta thăng hoa hài hòa trong chính mình và trong mối tương quan với xã hội và tự nhiên.

 

Võ Quân Zeroman

Ẩn dụ tháng 4

Photo: Any Direct Flight 

 

Rồi cũng đến lúc không còn để nói
câu tiên tri nở trắng cánh phù dung
rồi cũng đến lúc không còn để đợi
khúc tình xa rớt lại giữa lưng chừng

Anh cúi mặt giữa thiên hà vạn kỷ
nghe trong lòng một khúc nhớ phôi thai
dẫu vẫn biết nhớ thương là xa xỉ
vẫn bâng khuâng trên lối nắng trôi dài
Ngày tháng lặng bên biển đời chật hẹp
Gió mồ côi thổi buốt chiếc hôn thừa
Câu thơ cũ không còn chi để mới
Nghe buồn tênh về trắng cánh thoi đưa

Anh ngồi ghép những vần chênh chao cũ
Nắng tháng năm thiêu buốt lửa mặt trời
Bài thơ ấy đâu cần chi phủ dụ
Đã qua đời giữa sến súa khơi khơi

 

Phương Uy

23.4.14

5 câu hỏi “ngu ngốc” cho thời đại thông minh này

Photo: Mike Kense

 

  1. Thời đại gì mà Smartphone ngày càng mỏng manh con người ngày càng béo ị?
  2. Thời đại gì mà bạn bè ngã thì người ta cười còn điện thoại rơi thì người ta khóc?
  3. Thời đại gì mà tính năng quan trọng nhất của nghe – gọi chính là nút phớt lờ cuộc gọi của người thân?
  4. Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác?
  5. Thời đại gì mà hẹn hò muốn sờ vào đâu cũng được, miễn là không sờ vào điện thoại của nhau?

“Thời đại gì khi điện thoại rơi vỡ, chúng ta lo lắng dằn vặt, còn khi những thứ khác bị mất, bị rớt,… chúng ta quá lười để cúi xuống nhặt chúng lên. Đó có thể là cục tẩy, cây bút, mối quan hệ, thậm chí là một ước mơ?” – Quang Trần

Cái thời đại này quá nhiều nghịch lý

Và thật lạ khi trong gia đình: Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han. Bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng. Vào quán thịt cầy, trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng. Thường chẳng gọi điện về nhà hỏi thăm, mẹ gặp chuyện thì khóc lăn trên Facebook. Nhà cửa to hơn nhưng gia đình thì bé lại.

Trong cuộc sống đời thường thì sao?

Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ. Cảnh sát (giao thông) “thi hành” luật pháp, dân tình phạm pháp hối lộ. Vứt rác bừa bãi là không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày. Biết mỗi ngày mươi phút thể dục nhẹ nhàng khiến ta khỏe hơn, minh mẫn hơn, nhưng không nhiều người làm.

Và cả những nghịch lý trong tâm hồn

Thời của “thức ăn nhanh”, nhưng tiêu hóa chậm. Nhiều hiểu biết hơn, nhưng kém xử sự. Thân xác to hơn, nhưng tâm hồn nhỏ lại. Ta có smartphone để nắm bắt thông tin, nhưng lại thiếu giao lưu. Quá vô tư và quá ít cười. Học kiếm sống, nhưng không có cuộc sống. Bận nhiều về số lượng, nhưng ít về chất lượng. Còn nhỏ, ai cũng muốn sớm trưởng thành, lớn lên rồi thì ngược lại. (riêng cái này ai có thì tốt nhé, không có thì mới bất ổn)

Bạn còn thấy gì lạ trong xã hội ngược đời này không?

Nếu bạn thấy được nhiều điều như thế này, bạn sẽ làm gì? Đã có quá nhiều những lời khuyên mà chúng ta nghe hằng ngày rồi. Thứ chúng ta cần bây giờ là hành động. Đừng trở thành nạn nhân của thực trạng, đừng đánh mất những mối quan hệ, đừng thiếu đi những kỹ năng sống trong thời đại công nghệ này.

Một vài giải pháp hành động thiết thực:

  • Lấy ngay smartphone của bạn ra gọi về cho mẹ.
  • Tập trò chuyện bằng cách nhìn vào mắt bạn gái, và đoán cô ấy cần gì?
  • Dừng đúng vạch đèn đỏ.
  • Đọc một cuốn sách mới.
  • Thay vì quẹt smart-phone, quẹt bằng bút chì lên trang giấy trắng một ý tưởng cho ngày sinh nhật thằng bạn/con bạn thân.
  • 5 đứa bạn thân đi mua NOKIA 1280 đến 30/4 này đi du lịch để smart-phone ở nhà.
  • 10 phút thiền mỗi ngày.
  • Mỗi tuần một lần leo lên nơi cao nhất thành phố (ví dụ như Bitexco nếu bạn ở Sài Gòn) hóng gió.
  • Ngày hôm nay tôi sẽ ngủ sớm hơn hôm qua 10 phút.
  • Sáng mai tôi sẽ dậy sớm hơn hôm qua 5 phút.
  • Dành 10 phút tập “Sun Salutation” buổi sáng. (Bạn có thể lên Google tìm theo từ khóa: “Sun Salutation”)
  • Nở ngay ngay nụ cười ngay khi gặp bạn bè.

À, đến đây thì mình dừng đọc 2 phút nhé! Ngay bây giờ hãy gọi điện về cho mẹ đã. (nếu đã lâu rồi bạn chưa gọi)

Bạn gọi xong chưa? Rồi à? Tuyệt, vậy ta đọc tiếp.

….

Khi ta thấy một điều gì đó chướng tai gai mắt. Ta thường bất bình và khó chịu… Thường khi ấy, cái tôi như một trái bong bóng phình to. Càng phình to thì nó càng dễ vỡ và xác suất bị người ta lấy kim đâm càng tăng. Vì vậy, có rất nhiều lời khuyên nói rằng hãy học cách cho mình một khoảng lặng, quan sát và suy nghĩ thấu đáo xem mình nên làm gì? Thế nhưng, việc im lặng quá lâu mà không hành động gì cả sẽ rất có thể dẫn đến thờ ơ.

Albert Einstein từng nói: “The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don’t do anything about it.”

“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.” – Martin Luther King

Ở thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, sự thờ ơ của người tốt còn đáng sợ hơn những thứ xấu xí, những thực trạng.

Vậy, 2 câu hỏi đặt ra là (1) khi nào ta nên im lặng và không làm gì cả? Khi nào ta nên hành động? Và (2) khi mà ta chưa có gì trong tay, ta chưa có tầm ảnh hưởng, ta có thể làm gì?

1. Ta nên hành động nếu ta chán ghét cái thực trạng ấy và muốn tạo ra sự khác biệt cho chính mình.

  • Nếu ai cũng đi trễ, hãy là người luôn đúng giờ.
  • Nếu ai cũng xem phim, đọc báo giật tít, hãy là người đọc sách.
  • Nếu ai cũng ngại ngần và chần chừ, hãy là người đầu tiên hành động.
  • Nếu ai cũng xoi mói và “thấm thía” người Việt xấu xí: Lười biếng, trọng bằng cấp, hôi của, lãng phí, gian lận, GATO, hùa theo đám đông… Hãy là người học cho chính mình, khiêm nhường, trung thực, tôn trọng sự khác biệt và dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám khác biệt, dám chịu trách nhiệm.

2. Quay trở lại về việc im lặng để trả lời cho câu hỏi số 2.

Ta nên im lặng nếu ta thực sự rất bất bình với những điều ta không muốn thấy người mà ta yêu quý. Hãy tin tôi, điều đó thực sự giúp họ rất nhiều. Một ví dụ đơn giản nhé. Ta thường cảm thấy sợ nhiều hơn khi ta mắc lỗi mà đáng lẽ ra người kia phải rất giận. Nhưng ta lại thấy họ im lặng. Và nó hữu ích hơn cho ta, làm ta hối hận hơn rất nhiều so với sự quở trách. Về phía người im lặng họ cũng vừa giúp được ta mà cũng ko bị thốt ra những lời không hay nữa…

Sự im lặng của ta còn giúp người ấy bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc một cách thấu đáo hơn. Không ai muốn bị người mà mình yêu quý chỉ trích lỗi sai cả… Sẽ tốt hơn nếu ta để họ tự nhận ra điều đó và tự mình muốn thay đổi. Còn mình thì tập trung làm gương thôi

Thay cho lời kết

Hãy dừng việc mổ xẻ và phân tích quá nhiều về một vấn đề. Đến cuối cùng nó cũng chỉ quay về việc kể lể và than phiền mà thôi. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Thay vào đó hãy tập trung vào sự thay đổi của chính mình, tập trung vào hành động để tạo ra sự khác biệt.

Còn về sự im lặng, những khoảng lặng giúp tất cả mọi người nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn. Hãy xem im lặng như đó là một cách để giúp người khác tự mình thay đổi theo cách mà họ muốn.

“Be the change you want to see in the world.” – Mahatma Gandhi 

Và đừng quên chia sẻ bài viết này lên tường để lan tỏa tinh thần người trẻ dám thay đổi, hay chỉ đơn giản là bạn muốn nhắn nhủ với chính bản thân mình là: “Yeah, cuối cùng thì mình cũng đã gọi điện cho người mà mình muốn gọi từ lâu lắm rồi.” Hoặc: “Sáng mai nhất định dậy sớm tập thể dục.”

 

Tolamon

Nguồn tham khảo:

Dơi & Chuột

Ngày nay báo chí vẫn là phương tiện thông tin đại chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất và nó cũng là loại hình thông tin đại chúng có nhiều độc giả nhất. Chính vì vậy, báo chí tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, và vô hình chung trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội.

Thế nhưng, những thông tin hiện nay tràn lan và biến thành những con dao hai lưỡi. Với những cách nhìn thiển cận và thiếu cảm thông của những nhà báo, phóng viên, những bài báo ngày nay lại là những nấm mồ chôn vùi và đảo ngược sự thật!

Dựa trên hình tượng một đàn “dơi hút máu” đang treo ngược mình chờ đợi, và ý tưởng những chiếc tổ kén đang thành hình và ẩn chứa những mầm mống bệnh dịch của loài “chuột”, nó chính là hình ảnh ẩn dụ để cảnh tỉnh tới các bạn đọc. Hãy đọc một cách khôn ngoan và biết chọn lựa những nguồn thông tin đa chiều. Đừng biến mình thành những con mồi béo ngậy của những loài này!

Bộ ảnh được thực hiện bởi ekip Hai Lecao.

Hãy quên đi!

Photo: Chris

Nếu ai đó gây ra cho bạn những nỗi đau
Những tổn thương mà mãi về sau vẫn còn nhức nhối
Thì hãy quên người đó đi, bạn nhé!
Đó là sự trả thù tốt nhất mà bạn có thể làm…

Những nỗi đau rồi cũng sẽ phai nhòa cùng thời gian
Bởi vì cuộc sống vẫn trôi về phía trước
Bạn không thể cứ ngồi một chỗ rồi thầm ước
“Hãy để cho những vết xước mờ phai…”

Hãy quên đi, và tiến bước về tương lai
Vì những quãng đường thật dài vẫn đang chờ đợi bạn
Vì trăm năm thì vẫn là hữu hạn
Bạn chẳng thể nào cứ ngồi đó mà gặm nhấm những niềm đau…

Hãy để lại những người đó ở phía sau
Vì họ không xứng đáng cho bạn để tâm đến họ
Cho họ thấy rằng cuộc đời bạn không phải vì họ mà trở nên méo mó
Và những tổn thương bạn nhận lại chỉ làm bạn mạnh mẽ hơn…

Hãy quên đi những người đã cho bạn nỗi buồn
Và đừng gắn liền họ với cuộc đời của bạn
Hãy tìm cho mình một đường đi, đến nơi có ánh mặt trời hé rạng
Và nụ cười bạn sẽ luôn nở trên môi…

 

Một Đời Quét Rác

Viết để tự chữa lành nỗi đau (tiếp theo)

Ảnh : Richard Johnsons

 

Bài viết trước có một chút vô duyên lạ nếu ai để ý sẽ thấy ngay thôi. Trước hết, bài viết nói về việc viết để chữa lành tâm hồn nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện viết, phải viết những gì? Viết như thế nào? Tất cả chỉ là câu chuyện không đầu không đuôi, dù là cũng có thể hiểu được nhưng vẫn là không ăn nhập gì với tựa bài và phần kết luận.

Bài viết là sự tổng hợp từ ba bài viết khác nhau của tôi mà ra. Một bài viết về sức mạnh của thời gian, một bài nói về sự đau đớn khi bị người khác sỉ nhục, bài còn lại thì nói về luận giải giấc mơ. Cả ba bài viết được đọc đi đọc lại và bị cắt ngay đoạn hay nhất, quan trọng nhất rồi được nhập lai thành một bài mới. Nếu đọc sơ sơ ta cũng có thể cho rằng bài viết khá dễ hiểu, cũng có liên kết theo cách nào đó. Tôi viết như thế là để ví dụ cho ý nghĩ của mình về việc viết như thế nào là một phương pháp tự chữa trị (và giải trí nữa).

Việc viết (hoặc những khi đầu óc ta nghĩ ngợi lan man) một điều gì đó thì cũng gần giống như việc ta ngủ mà nằm mơ vậy. Ta có thể gọi là giấc mơ ban ngày cũng được. Điều mấu chốt ở đây, của việc viết theo cách của tôi là cứ viết tuốt tuồn tuột mọi thứ trong đầu, mọi thứ cảm xúc đang ngự trị, mọi suy nghĩ đang quấy rối, tóm lại là viết cái thứ mà bên trong ta thôi thúc muốn viết. Cho dù câu chuyện được viết ra khá kỳ quặc, khá khó hiểu hoặc có thể là buồn cười và ấu trĩ đi nữa bởi vì việc viết theo cách này giống như khi ta có một giấc mộng mà giấc mộng thì chẳng bao giờ là bình thường.

Không giống như việc tạo ra một cốt truyện cụ thể, tạo ra một câu chuyện tiểu thuyết có tình tiết giật gân hay éo le và dễ hiểu, viết theo kiểu này chỉ là viết thôi. Càng cố tạo ra một câu chuyện dễ hiểu lại càng đến gần hơn với sự bịa đặt, có thể nói giảm nói tránh một chút là nhân tạo. Ta đánh mất nét tự nhiên của câu chuyện rồi, ta cố gắng biến câu chuyện trở nên phổ biến và theo cách đó nó đã trở thành câu chuyện của người khác. Ta viết không phải cho chính ta nữa mà cho người khác mất rồi, như vậy thì làm sao mà tự chữa trị cho chính mình được nữa?!

Trong khi viết yêu cầu phải viết luôn tay, chủ yếu là không được dừng lại suy nghĩ, không cho phép ý thức dự phần vào. Viết là vì chính việc viết mà thôi chứ không phải viết để nhào nặn ra một lời giải thích, mà cũng không cần phải giải thích cho ai nghe vì bạn viết là cho chính bạn. Khi bài viết được hoàn thành, hoặc có thể nói là câu chuyện của bạn được viết ra hãy đọc đi đọc lại thật kỹ để lọc ra vùng quan trọng, vùng cốt lõi của cả bài. Nếu như bài viết của bạn có hơi mang mác mùi vị quái đản thì đành cười trừ chấp nhận thôi vì nó là sản phẩm từ bạn mà ra chứ có phải của ai khác đâu, cũng là vì bài viết của bạn quá nguyên sơ, không bị sự đơm đặt và tô vẽ màu mè của ý thức.

Để nhận diện, chúng ta có thể dựa vào các đoạn, các câu, hoặc cả từng con chữ mà ta thấy cảm xúc của mình bị khuấy động (như tôi khá có ấn tượng với từ “vách đá” mà tôi cũng không hiểu vì sao). Có thể tưởng tượng những điểm nút đó là những cánh cửa mở ra cho bạn tìm về nơi bạn đã vùi chôn nỗi đau của mình, hoặc nói theo cách bớt nghiêm trọng hơn là vấn đề rắc rối của mình. Né tránh nỗi đau và tìm đến niềm vui là xu hướng tất nhiên của con người nhưng nếu ta lạm dụng nó quá nhiều thì hậu quả có thể là một ngày nào đó ta đi làm chỉ độc một chiếc caravat ở trên người, hay là tôi cười không hiểu vì sao tôi lại cười, (tôi đã từng không hiểu vì sao cái giống gì mình cũng có thể cười).

Sau khi đã lọc lấy được điểm quan trọng của bài viết thì bạn nên quên những điều râu ria kia đi. Không phải những điểm còn lại không quan trọng đâu, nhưng nếu bạn để tâm quá nhiều bạn có thể sẽ bị ý thức đánh lạc hướng. Từ điểm chốt đó bạn lại bắt đầu triển khai sâu xuống nữa, đào sâu vấn đề, sự liên kết trong trí nhớ sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn đến.

Nói ra như vầy nghe có vẻ khá đơn giản nhưng với điều kiện là bạn muốn biết, nếu bạn không muốn biết hay chưa sẵn sàng để biết thì có áp dụng cách nào đi nữa cũng không hiệu quả. Thực sự là có những điều chưa đến thời điểm để biết thì cũng không nên biết để tránh tình trạng khó xử. Nhưng đó chỉ là tạm thời mà thôi, đừng kéo dài lâu quá đợi đến lúc phải nói “giá như mà tôi biết sớm hơn thì…”

Trong thời buổi tràn ngập thông tin như thế này thì bộ não của bạn cũng bị phân tâm, chạy theo các thứ vớ vẩn trên truyền thông, bị tấn công bởi sách báo nhảm nhí… Cho nên việc viết chính là cách bạn tự tìm hiểu chính mình, viết những giấc mơ ban ngày, viết lại những giấc mơ ban đêm, viết ra điều khiến bạn bị tê liệt, viết điều bạn muốn viết… Viết là để tìm về nguồn chứ không phải là làm tập làm văn nên đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức đừng để bị ảnh hưởng bởi câu chữ của ai. Bài viết của bạn như là một tấm gương soi, thông qua nó bạn mới có thể thấy rõ chính mình một cách khách quan nhất, bạn không thể tự mò mẫm chính mình mà biết được rằng mình đẹp xấu thế nào đâu.

Viết cũng là một hình thức giải trí, mọi người không cần thiết đặt nặng vấn đề về việc viết thế nào là hay, thế nào là có học, có kiến thức… Đôi khi viết như một hình thức giải tỏa căng thẳng là đủ rồi thay vì ta chơi game. Hôm nọ, tôi có nghe cô bạn kể cho nghe về việc các anh mại dâm nam sau khi chơi ma tuý có cảm giác như thế nào. Cô nói rằng khi ta sử dụng ma túy thì bao nhiêu thứ tiềm ẩn trong người đều bộc lộ ra rất rõ ràng, như lời kể của anh chàng đó nói sau khi chơi ma tuý anh có cảm giác “thèm trai lắm”. Thật ra đó chính là cảm giác ta đạt được sau khi đánh mất ý thức, ngoài ra yêu và chơi game cũng có tác dụng tương tự. Và viết theo kiểu này cũng là một cách để đánh mất ý thức, ta tạm thời quên đi một số thứ chỉ đắm chìm vào việc viết mà thôi, trong quá trình viết cá tính của chúng ta đều tuôn ra hết theo dòng chữ, không thể giấu đi đâu được.

Nói về lợi ích của việc viết còn rất nhiều nhưng xin dừng lại ở khía cạnh này thôi, đủ để khiến cho lòng người nhẹ nhõm, căng thẳng được giải toả, bế tắc được khơi thông đầu óc nhẹ nhàng…

 

Quyên Quyên

Bài viết liên quan: Viết để chữa lành vết thương

Cuộc sống không chỉ là hai mặt của đồng xu

Photo: Ewitsoe

 

Khi người ta mong muốn sự bình yên
Là khi người ta đã trải qua những đảo điên trong cuộc sống
Nhưng khi sự bình yên đó trở thành cơn ác mộng
Người ta lại mong mỏi sống với những sóng gió của cuộc đời…

Khi người ta biết trân trọng những nụ cười
Là khi người ta đã rơi quá nhiều nước mắt
Khi người ta muốn khóc một cách chân thật
Là khi người ta mệt mỏi với những nụ cười giả tạo của cuộc đời…

Khi người ta muốn nghỉ ngơi sau những ngày tháng phiêu bạt chốn dặm trường
Là khi người ta thêm yêu ngôi nhà với ánh hoàng hôn buông lặng lẽ…
Nhưng khi người ta quá mệt mỏi với ngôi nhà và những sự bình yên như thế
Người ta muốn được đi thật xa để thêm yêu những giây phút khi trở về…

Nụ cười của người này có thể là nước mắt của người kia
Và cuộc sống bình thường của người kia có thể là ước mơ của một người nào đó
Đến một ngày tất cả sẽ trở thành những cơn gió
Vậy nên hãy trân trọng những gì mình đang có trong tay…

 

Một Đời Quét Rác

Xã hội này, ngược đời ghê

*Photo: Ben Heine

 

Lắm lúc tôi tự hỏi, ai cũng hướng về cái đẹp, ai cũng biết đâu là đúng, đâu là sai, có thể không phải tuyệt đối nhưng phần lớn là vậy, nhưng sao xã hội này lại có lắm chuyện ngược đời như vậy.

Thật lạ khi ai cũng biết vượt đèn đỏ là không tốt, cho cả mình, cả người khác, nhưng sao người ta vẫn vượt?

Thật lạ khi cảnh sát là người thi hành luật pháp, chấn chỉnh xã hội để hướng về một đất nước văn minh, trật tự, ngăn nắp hơn. Nhưng sao họ vẫn ngửa tay ra nhận những đồng tiền hối lộ, chưa bàn đến đúng sai, nhưng rõ ràng họ là những người chấp pháp lại đi phạm pháp, dù họ biết đúng sai, thật ngược đời.

Thật lạ khi biết hút thuốc là xấu, sao cả nước kêu gọi chống thuốc lá, thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng lại có những thầy cô phì phèo điếu thuốc trước mặt học sinh, trong khi họ là những người dạy về tri thức, về những điều đúng sai.

Thật lạ khi 18 tuổi mới được phép đi xe máy, mà sao bạn tôi có ba làm cảnh sát giao thông lại ngày ngày chở mẹ đi ngay từ khi vào lớp 10 thế kia?

Thật lạ khi đi ngang qua khu quân đội, có một bạn nữ mặc áo chiến sĩ nhân dân, lái một chiếc xe tay ga chạy từ trong ra và chẳng thèm đội mũ bảo hiểm.

Thật lạ khi biết không nên, nhưng bố mẹ vẫn dùng những từ ngữ chửi thề trước mặt con cháu mình, để rồi những đứa trẻ coi đó như là một chuyện hiển nhiên.

Thật lạ khi ai cũng biết gia đình là quan trọng nhất, nhưng một vài người vẫn hiếm khi chủ động gọi điện về nhà hỏi thăm, để đến khi cha mẹ xảy ra chuyện thì lại khóc lóc ăn năn.

Thật lạ khi ai cũng biết cha mẹ quan trọng hơn, nhưng một vài người lại dành nhiều yêu thương, giấy bút, tâm trí hơn cho những thần tượng ở đâu đó.

Thật lạ khi người ta biết mình chưa giàu, nhưng họ vẫn ăn chơi, vẫn nhậu nhẹt mỗi khi đi làm về.

Thật lạ khi chưa làm ra tiền, mà một vài người lại xài nhiều tiền hơn những người đang cố gắng lao động mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta tạo ra công nghệ, để rồi họ bị công nghệ làm chủ và rồi đổ hết thất bại của mình cho game, cho mạng xã hội, cho laptop, cho smartphone trong khi chính họ là người lựa chọn sa đà vào đó.

Thật lạ khi còn nhỏ, ai cũng muốn sớm trưởng thành, lớn lên rồi thì ngược lại.

Thật lạ khi biết vứt rác bừa bãi là chuyện không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta trước mặt thì yêu thương, sau lưng lại nói xấu nhau với những người khác.

Thật lạ khi ai cũng biết mình đang mang mặt nạ, nhưng ít ai dám gỡ chính cái mặt nạ mà mình mang cả.

Thật lạ khi một mối quan hệ kéo dài hằng trăm ngày, tính bằng đơn vị năm lại dễ dàng bị hủy hoại bởi một vài câu nói, hay một vài phút nóng giận.

Thật lạ khi người ta biết phun thuốc, chế biến đồ ăn không hợp vệ sinh, mua những nguyên liệu không rõ xuất sứ, nguồn gốc rất không tốt cho sức khỏe của người khác nhưng họ vẫn làm nó mỗi ngày.

Thật lạ khi người ta biết mỗi ngày dành ra vài mươi phút tập thể dục nhẹ nhàng sẽ khiến ta khỏe mạnh hơn, minh mẫn hơn, nhưng lại không nhiều người làm điều đó.

Thật lạ khi người ta biết không nên thức khuya, không nên ăn quá nhiều, không nên bỏ bữa ăn nào trong ngày cả, nhưng họ vẫn làm điều đó mỗi ngày.

Thật lạ khi biết quay cóp là xấu, nhưng người ta vẫn làm nó khi có thể.

Thật lạ khi ai cũng biết thành công không nhất thiết phải kiếm được thật nhiều tiền, nhưng họ lại dùng tiền để định nghĩa thành công.

Thật lạ khi học sinh, sinh viên biết ba mẹ phải trả không ít tiền cho họ đi học trung học, học thêm, học đại học, nhưng họ vẫn trốn học mỗi khi họ muốn…

Thật là lạ mà…
Bạn còn thấy có gì lạ trong xã hội ngược đời này nữa không?

 

Black Eagle