28 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 227

Ngã rẽ nào cho những vòng xoay?

*Photo: Wikimedia

“Khi lựa chọn trong cuộc sống, đừng quên sống.” – Samuel Johnson

Nếu ai thường xuyên di chuyển trong thành phố, ắt sẽ có đôi lần đối diện với những vòng xoay chia ra nhiều ngã khác nhau, từ đó chúng ta phải chọn một ngã để đi. Việc di chuyển trong cái vòng xoay ấy cũng chẳng dễ dàng gì, khi xe cộ ngày càng đông còn kích cỡ đường xá chẳng thay đổi được bao nhiêu, tạo cảm giác như thành phố này cứ ngày một co nhỏ lại. Mặt đường nứt nẻ. Khói bụi mịt mù muốn ho khùng khục. Những tiếng còi inh ỏi điếc con ráy. Người lạng trái kẻ quẹo phải. Ngoài cái chợ ra, vòng xoay chắc có lẽ là nơi ồn ào và náo nhiệt không kém của thành thị…

Cuộc đời mỗi con người chúng ta cũng từa tựa như vậy. Chúng ta đã, đang và sẽ còn đối diện với rất nhiều vòng xoay cuộc đời, phải tự mình chọn một con đường để đi. Tuy mỗi con đường sẽ dẫn ta đến một nơi khác nhau, nhưng nó đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời của mỗi người. Vì chúng ta còn trẻ, có tự do, có cả một cuộc đời trước mắt để mà tô vẽ nên bức tranh toàn cảnh, và bản thân bạn là người duy nhất có thể quyết định xem mình nên đi về hướng nào trong cái sự náo nhiệt và xô bồ ồn ả giữa những vòng xoay.

Tôi có tình cờ thấy một cái status của một cô bạn trên Facebook, nội dung đại loại nói về việc ở nhà chỉ có một cái tivi mà tối nào hai mẹ con cũng giành nhau miết. Người thì muốn xem thời sự để cập nhật tình hình giá cả sinh hoạt, người thì lại không muốn bỏ lỡ bất kỳ một tập nào của bộ phim truyền hình ưa thích. Chỉ vì một cái tivi mà hai mẹ con hục hặc với nhau kéo dài tới mấy tháng trời, cho đến khi cô bạn ấy sở hữu được một chiếc laptop riêng thì tình hình mới khả quan hơn. Mẹ cô đã có thể xem tivi để tính toán chi phí sinh hoạt phù hợp hơn cho gia đình, còn cô thoải mái lên mạng tải những bộ phim mình yêu thích về xem mà khỏi phải giành giựt với ai.

Chợt nghĩ nếu ví cái tivi là cuộc đời của mỗi người, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra khi cái điều khiển từ xa nó nằm trong tay người khác…

Có nhiều người đã phải nghe theo sự ép buộc của bố mẹ để lựa chọn nghề nghiệp – dù chính bản thân họ không hề yêu thích ngành đó, chỉ vì những lý do về tiền bạc và danh vọng. Rằng học bác sĩ sẽ được mọi người kính trọng, rằng học ngành công nghệ thông tin ra trường sẽ kiếm được nhiều tiền, bố mẹ có dịp nở mày nở mặt với người xung quanh. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai khái niệm “định hướng” và “ép buộc”.

Nói như vậy chẳng lẽ những ngành nghề còn lại không được kính trọng và không kiếm được nhiều tiền chăng? Kết quả thì có lẽ bạn đã thấy rồi đấy, đầu vào các ngành được cho là “hot” thì rầm rộ, nhưng đầu ra có kiếm được việc làm không lại là một chuyện khác. Bằng chứng là trên báo chí đã xuất hiện nhiều tin tức về việc sinh viên ra trường đi làm trái ngành rất nhiều. Học quản trị kinh doanh ra trường làm nhân viên tiếp thị bia, học kế toán xong ra lại đi làm công nhân. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật phũ phàng đang diễn ra ngoài kia, và buồn thì nhiều chứ cười thì cười không có nổi!

Đó là chưa kể còn những câu chuyện mang tính ép buộc khác. Trong công sở chúng ta phải thường xuyên gặp gỡ những người mà chúng ta chẳng còn chút cảm tình gì. Nhiều người buộc phải giấu đi giới tính thật của mình chỉ vì sợ bị bố mẹ la mắng, sợ bị xã hội nhìn vào với ánh mắt kỳ thị. Con trẻ dù muốn dù không vẫn phải đi học thêm các lớp phụ đạo do chính thầy cô chủ nhiệm của mình phụ trách, nếu không muốn bị đì sói trán trong các giờ học chính khoá…

Có thể bố mẹ, bạn bè là những người tốt luôn quan tâm lo lắng cho chúng ta. Vấn đề ở chỗ là họ có những mối quan tâm hoàn toàn khác xa so với những điều ta muốn. Khi bạn mới mua thứ gì đó về, nếu bạn chưa biết cách xài thì có thể đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm theo sản phẩm, hoặc nhờ ai đó hướng dẫn thêm cho mình. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu ví cuộc đời bạn là một cái ti-vi, liệu bạn có muốn người khác cầm lấy cái điều khiển từ xa thoải mái tuỳ chỉnh cuộc đời của mình không?

Cũng có người cho rằng tương lai là chuyện xa vời, hiện tại mới là quan trọng và sống được tới đâu hay tới đó. Tôi hoàn toàn đồng ý cả hai tay hai chân với bạn rằng chuyện hiện tại đúng là chuyện quan trọng mà chúng ta cần phải suy nghĩ thật, nhưng còn chuyện sống tới đâu hay tới đó thì… chà, nó giống như mấy cái đám lục bình chỉ biết trôi nổi trên sông, sông chảy hướng nào thì nó chỉ biết trôi theo vậy thôi, chẳng biết tự lái đi theo ý mình giống như những người chèo đò trên sông. Tiếp tục một câu hỏi khác dành cho bạn: bạn muốn làm người chèo đò hướng cái đò đến nơi mình muốn, hay bạn muốn giống như đám lục bình để con sông cuốn trôi đến cái xó xỉnh nào đó mà mình còn chẳng biết đó là đâu?

Bản thân tôi cũng từng rất đau đầu khi trước mặt mình có quá nhiều ngã rẽ cuộc đời mà chẳng biết phải đi đâu. Lựa chọn học nghề gì và học trường nào. Bản thân mình nên cư xử ra sao với mọi người. Có muốn nhậu nhẹt, chơi bời và hút thuốc lá giống như bao người không. Có muốn “ăn cơm trước kẻng” hay chưa… ôi nhiều vô kể không biết đâu mà lần, suy nghĩ nhiều tới mức không biết đã có bao nhiêu cọng tóc rơi xuống sàn. (vì vò đầu mạnh tay quá đó mà!)

Việc lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình là một việc hệ trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này. Mà nhắc đến cái gì hệ trọng và khó khăn, đa phần tâm lý con người thường có xu hướng trốn tránh khỏi nó. Nhưng cứ tin tôi đi, sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải đối diện với nó dù bạn có muốn hay không! Chúng ta sẽ còn phải đối diện với nhiều vòng xoay cuộc đời như vậy nữa trong đời, sẽ còn phải đối diện với đủ thứ xô bồ tại những vòng xoay đó trước khi có thể tới được ngã đường mà mình mong muốn. Đối diện mãi rồi mới thấy rằng, à té ra việc tự lựa chọn như thế này cũng khá thú vị đó chứ. Những người khác chỉ có thể là những nhà tư vấn góp ý thêm cho công trình, không hơn không kém. Còn ta – kiến trúc sư, mới là người có toàn quyền thiết kế công trình cuộc đời của mình ra sao trên bản vẽ, cái nào thấy phù hợp với mình thì thêm vào còn không thì cứ lịch sự cảm ơn người ta đã tư vấn cho mình là được! Dù sao lời nói cũng không mất tiền mua mà!

Hãy chủ động lựa chọn, trước khi ông Trời bắt mình phải đi theo ý muốn của ổng. Thà mình tự cất bước, còn hơn là để người khác kéo mình đi. Có phải là con nít học mẫu giáo nữa đâu mà cứ phải để người khác cầm tay dắt đi hoài…

 

Nhật Niên

Ước mơ tạo nên cuộc đời bạn chứ không phải cuộc đời tôi!

Featured Image:  Brigitte May

 

Tôi thực sự thất vọng khi nhận ra rằng mình là đứa không có ước mơ, không có hoài bão, không có khát vọng. Tôi chỉ có những nét tính cách rất chung chung, tôi sống mờ nhạt và luôn khiến mình chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng bản thân.

Suốt mười hai năm học từ cấp một lên tới cấp ba, tôi chỉ biết vâng lời bố mẹ: Học, học và học. Để rồi, khi mùa thi đại học đến gần, tôi chợt giật mình nhận ra mình chẳng biết mình học để làm gì và tôi cũng không hề biết mình muốn trở thành ai trong tương lai, khi mà câu hỏi đấy chưa từng bao giờ được đưa ra trả lời trước đó. Càng suy nghĩ, tôi càng bế tắc trong đống hỗn loạn của tâm trí. Và rồi nhắm mắt bước qua, tôi thi vào đại học, tiếp tục sống trong những mớ câu hỏi chưa có câu trả lời đó.

Có thời điểm, tôi ước ao mình có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, một con người mà có thể xây nên những bệnh viện cho người nghèo, có thể lập được một quỹ từ thiện riêng, hay có thể làm rất rất nhiều những thứ lớn lao khác nữa. Nhưng rồi những thất bại trong tính cách kém cỏi, những vấn đề trong suy nghĩ chưa thông tỏ đã đánh gục những ước mơ đó của tôi. Và tôi lại tiếp tục tự vấn lòng mình rằng, liệu, đó có thực sự là ước mơ của mình, là thứ mình muốn đạt được? Hay đó chỉ là những ước mơ mà người khác đang vẽ cho tôi, hoặc tôi đang cố tự gắn nó vào chính bản thân mình theo xu hướng? Có phải tôi đang cố gắng đi đường đi của những con người thành đạt, mà như trong những sách về phát triển bản thân và làm giàu có nói: “Cách nhanh nhất để đi đến thành công là học theo những con người thành công khác.” Trong khi tôi có hoàn cảnh khác, suy nghĩ khác, niềm tin khác?

Tôi, một thanh niên của thế hệ 9x, có nghĩa là bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu những thử thách đang chờ đợi. Và đáng lẽ ra, đây là thời điểm mà tôi phải xây nên những ước mơ, hào hứng thực hiện những dự định của mình thì tôi lại thấy cuộc đời thật là nhàm chán. Cái ước muốn trở thành doanh nhân thành đạt kia không còn mang lại cảm xúc nào cho tôi nữa, và tôi lại trở về với những câu hỏi quen thuộc không có lời giải đáp thuở nào. Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn liên tưởng mình như một con chim non, đang vùng vẫy trong lớp vỏ bao bọc mà vẫn chưa thể nào thoát ra được. Thực sự tù túng. Tù túng đến mức mà nhiều lần tôi muốn đập đầu vào tường, không phải để tự tử, mà chỉ đơn giản là để cảm thấy rằng khối óc của mình vẫn còn đang hoạt động. Tôi- không có ước mơ!

Có lẽ, dừng lại đi thôi, dừng những suy nghĩ áp đặt đó lại, gạt bỏ hết những thứ hào nhoáng mà suy nghĩ tôi tự vẽ lên đi, gạt hết những sự kỳ vọng của mọi người, gạt hết những mặc cảm tự ti về tính cách kém cỏi đã ở sâu trong mình, tôi chấp nhận chính bản thân mình. Tôi không có ước mơ, đúng, giờ tôi không có ước mơ nhưng tôi sẽ không mong chờ cái ước mơ đấy dẫn lối cho mình nữa. Mỗi bước chân trên cuộc đời mình, tôi sẽ vẽ nên ước mơ đó. Tôi sẽ học thật giỏi, tôi sẽ có một công việc dù đó không phải là ngành học mà tôi thích, tôi sẽ giúp đỡ mọi người theo cách của mình, tôi sẽ không ngừng hoàn thiện bản thân nhưng sẽ không áp đặp mình như trước nữa và, biết đâu đấy, những thứ mà tôi đã từng ước mơ kia sẽ trở thành sự thật thì sao?

 

LTT

Lắng nghe để hiểu

 Photo: Wikimedia Commons

 

“Hãy học lắng nghe bởi vì cơ hội gõ cửa rất khẽ.” –  H. Jackson Brown

Cuối tuần, với nhiều suy nghĩ về những điều thuộc về quá khứ. Tôi tự đặt các câu hỏi cho chính mình về lắng nghe. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao bạn lắng nghe mọi người chưa? Việc lắng nghe một ai đó có ý nghĩa gì với bạn? Hay bạn lắng nghe vì điều gì, để  xác nhận những gì đang bạn đang nghe hay lắng nghe để tìm hiểu?

Cuộc sống luôn hối hả, khiến chúng ta lúc nào cũng bị cuốn theo vòng xoáy này. Chúng ta trở nên bận rộn hơn. Chúng ta có nhiều giao tiếp trên các thiết bị hỗ trợ, trên cái thế giới thuộc về internet. Chúng ta ít nhìn mặt nhau một cách trực tiếp và giao tiếp trực tiếp với nhau lại càng ít ỏi hơn. Cái chúng ta giao tiếp hàng ngày một phần là từ ngôn ngữ chát, từ tin nhắn, email hay là những cuộc gọi.

Nhưng ở xã hội chúng ta may mắn thay thời gian vẫn chưa phải là tiền bạc. Bản chất thời gian vẫn còn nguyên vẹn. Nó không như những người ở New York hay phố Wall nơi mà mọi người hối hả, vội vã đi, vội vã chào nhau. Chúng ta vẫn có những cơ hội gặp mặt bạn bè tại những quán cà phê. Ở nơi đó, chúng ta có thể giành rất nhiều thời gian cho các cuộc hẹn như vậy. Để có thể chia sẻ, tâm sự với nhau về những chuyện vui, chuyện không vui trong cuộc sống và công việc.

Các bạn biết không, tôi là người hướng ngoại. Tôi có xu hướng nói nhiều hơn những người bạn của tôi. Tôi có thể nói hàng giờ, bàn tán, thảo luận nhiều vấn đề nhưng tôi đã nhận ra một điều tôi là người chưa biết lắng nghe tốt. Tôi đã nhận ra khuyến khuyết này từ bản thân từ nhiều năm. Thậm chí, trong các cuộc họp tôi cũng hay có xu hướng như vậy. Đưa ra quan điểm  và bảo vệ nó, vân vân.

Cho đến những tháng gần đây, tôi được người bạn tôi giới thiệu và chia sẻ cho tôi những file âm thanh chất lượng cao mà bạn tôi đã mua từ một công ty nghiên cứu về tác dụng của âm thanh đối với não bộ của con người. Tôi đã thử nghe liên tục trong ba mươi ngày, mỗi ngày ba mươi phút. Ở cấp độ một, đó là các âm thanh về tiếng nước chảy, tiếng suối róc rách, có nhịp và có giai điệu. Chụp tai nghe vào và im lặng lắng nghe trong ba mươi phút ấy, tôi cảm nhận được rất nhiều điều. Điều mà tôi chưa bao giờ làm tốt trước đây.

Tôi cảm nhận được nhịp tim, nhịp thở và sự tỉnh lặng xung quanh mình. Tôi cảm nhận được tôi đang đứng giữa một không gian thiên nhiên hùng vĩ, có suối, có rừng. Cảm nhận được não bộ của tôi đang dao động, đang suy nghĩ rất nhiều điều. Sau thời gian tôi đã lên cấp độ hai, ở cấp độ này tôi được trải nghiệm với âm thanh là các tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa, tiếng quét lá, vân vân. Thật thú vị, bạn biết không, tôi thường thoát ra khỏi chính mình. Đó là một cảm giác thật tuyệt vời về việc lắng nghe.

Bắt đầu từ đó, tôi thường đến các quán cà phê, ngồi lặng im trong một không gian rộng lớn, chỉ một mình và lắng nghe một cách thật sự. Trong không gian đó, tôi nghe được nhiều âm thanh hỗn tạp thú vị, ở rất xa. Đó là tiếng người quét rát, tiếng cá quậy dưới hồ, tiếng đi lê dép của một ai đó, tiếng xe máy, tiếng nước đá tan ra phá đi cấu trúc và rơi xuống thành ly, tiếng giọt cà phê chảy xuống từ phin. Chưa bao giờ tôi tập trung lắng nghe những điều này trước đây, tôi hình thành nên thoái quen này khi nào tui cũng không rõ. Nhưng chính những điều vụn vặt như vậy giúp tôi có thể thấu hiểu được nhiều người hơn trong cuộc sống của chính tôi.

Tôi là người hướng ngoại, tự tin và luôn giành thế chiếm diễn đàn khi tôi trao đổi, chia sẻ với bạn, người thân, đồng nghiệp hay người tôi thích. Tôi không cho mọi người có cơ hội nói nhiều hơn tôi, tôi muốn được thể hiện bản thân trước mọi người. Chính vì vậy tôi dường như không hiểu gì về những người bên cạnh tôi. Tôi biết họ rất  lâu vậy vấn đề là ở đâu? Tại sao tôi không thấu hiểu họ?

Giờ thì tôi nhận thức được, nguyên nhân xuất phát từ nơi tôi. Tôi chưa bao giờ thật tâm nghe họ cũng như tôi chưa bao giờ thật tâm lắng nghe chính mình hay lắng nghe những gì xung quanh tôi. Tôi chỉ muốn người khác phải giành thời gian cho tôi, nghe tôi để tôi được nói. Tôi muốn giao tiếp giỏi nhưng tôi đâu biết rằng đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp chính là lắng nghe, nghe bằng cả tâm hồn của chính mình. Bởi vì giao tiếp không chỉ đơn giản là biết cách nói. Giao tiếp tốt đòi hỏi cả hai kỹ năng nói và biết lắng nghe. Lắng nghe là một yếu tố kỳ diệu giúp con người tạo dựng được mối quan hệ bền lâu và hạnh phúc. Biết lắng nghe giúp chúng ta tìm ra tính cách, sở thích, mong muốn, nhu cầu của người khác. Vì vậy có thể xem “nói là gieo” “nghe là gặt”. Thượng đế chỉ cho ta một cái miệng để nói nhưng đến tận hai cái tai để lắng nghe cơ mà.

Các bạn có biết không, khi bạn thực sự giành thời gian để nghe hết câu chuyện của một người, nghe hết chia sẻ của một người thì lúc đó cũng chính là lúc bạn nghe được suy nghĩ của chính mình. Qua đó, bạn sẽ hiểu được chính mình và cả bạn của bạn. Ngay khi đó bạn sẽ hiểu mọi điều về chính cái tâm hồn của bạn. Nếu bạn có thể lắng nghe bằng một tâm hồn tĩnh lặng thì một sự sâu sắc tuyệt vời sẽ xuất hiện trong bạn. Khi đó bạn không còn bị chi phối bởi bất cứ điều gì xung quanh mình. Tâm hồn bạn trở nên tĩnh lặng vì bạn đang lắng nghe mọi thứ một cách sâu sắc. Nếu bạn có thể lắng nghe bằng một sự thanh thản, bằng niềm hạnh phúc, bạn sẽ nhận thấy sự biến đổi lạ lùng trong con người bạn, trong tim bạn. Đó là một sự biến đổi mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến.

Đúng nhỉ, trong xã hội ngày nay việc thật tâm giành ra những phút tỉnh lặng để lắng nghe một ai đó, một điều gì đó thật là thú vị phải không các bạn. Các bạn nếu thuộc típ người nói nhiều hơn nghe thì hãy tiết chế bản thân lại. Hãy nghe họ bằng chính cái tâm hồn tỉnh lặng của các bạn, bạn sẽ biết họ cần gì ở bạn, họ yêu thương hay ghét bỏ bạn ra sao. Bạn sẽ trở nên hiểu hơn những người xung quanh bạn hơn. Bạn đừng bao giờ để mình phải hối tiếc về bất cứ điều gì, chỉ vì chúng ta chưa biết cách để lắng nghe người khác. Vậy thì, “Hãy sống chậm lại một chút, thư giản một chút để cảm nhận trọn vẹn chọn sống bạn nhé”.

 

Mr Lias

Đuổi vĩnh viễn những cơn trầm cảm

Featured image: Quoc-Bao Bui

 

 

– Cho Linh Phan

Nếu nói khơi khơi rằng một sáng đẹp trời thức giấc, tự nhiên thấy mình thành người mới, tái sinh, tươi nhuận và khỏe khoắn, không còn bám chấp vào bất cứ gì của ngày hôm qua, thì giống như truyện thần kỳ. Còn nếu nói tôi đã khổ công lao tứ, trăn qua trở lại, gieo một cái mầm phải chăm tưới từng giờ, nay thành tựu kết quả, thì lại như tự khoe thành tích, mà cũng không thật. Nhìn thẳng vào vấn đề, tôi cho rằng thái độ đúng đắn nhất là công nhận chúng ta đã được lập trình, đến thời khắc xác định, mọi thứ bừng nở, ta chỉ còn mỗi việc là ý thức được sự bừng nở đó, đón nhận nó hết lòng, chứng nghiệm sự tái sinh từ tâm thức đến thể xác. Chúng ta cố gắng, chúng ta mong muốn thay đổi, ấy là tự lực—nhưng phải biết rằng ngay nỗ lực đó cũng đã được lập trình.

Những cơn trầm cảm, bằng những liều thuốc, những bài tập yoga thì không giải quyết được gì đâu. Không đuổi vĩnh viễn được. Ngưng thuốc hai tuần, nhiều bệnh nhân tự tử. Cách duy nhất có hiệu quả là thanh tẩy tâm thức: xóa sạch cảm giác bám chấp vào thực tại, nhìn ra thực tại như chính nó, là thứ không hề có thật, không gọi tên được, không tồn tại. Xé bỏ tất cả các nhãn đã dán lên các hiện tượng. Để nhìn đời và nhìn mình bằng đôi mắt trong suốt của một đứa trẻ.

Thế là tái sinh.

Hai tháng trước, tôi dính chấp vào một người. Có niềm vui, tôi không phủ nhận, nhưng sự phiền lụy nhiều hơn. Cắt bỏ mối dây phiền lụy, cần can đảm đã đành, nhưng tôi biết rằng cắt mối này sẽ nảy mối khác. Vậy thì lại luẩn quẩn. Tôi muốn thanh tẩy sạch sẽ, kiệt cùng. Trước tiên, tôi bỏ không đọc văn chương. Tôi không nghe nhạc mới. Tôi không kết giao thêm. Tôi thay đổi sinh hoạt: dành thì giờ làm việc nhà, vui với gia đình. Tôi ngưng viết. Tôi tập trung vào đọc sách Thiền, chăm chỉ học Phạn ngữ, vẽ yantra, tập yoga Mật, dream yoga. Tôi dậy sớm hơn bình thường, bỏ giấc ngủ trưa. Tôi tổ chức lại công ty, tinh giản. Tôi dành thì giờ cho người bạn thân Phan Đan. Tôi gặp gỡ một vòng tròn bè bạn nhỏ, nơi tôi hoàn toàn an yên. Và một sáng thức giấc, tôi bừng mắt hạnh phúc trước một trật tự mới.

Đó là lúc tôi cắt thuốc trầm cảm (cắt hoàn toàn, không giảm liều). Đó là lúc tôi dồn hết tâm lực vào các bài thở pranayama, niệm chủng tự, khơi mở chakras. Đó là lúc tôi tháo cất hết những pháp khí từng đeo trên người. Đó là lúc tôi viết tay, hạn chế máy tính, thiền quán hàng đêm. Đó là lúc tôi detox triệt để. Đó là lúc tôi không còn nệ vào cảm xúc; thay vào đó, tôi chú ý đến cảm giác, đến sự vận động của tự nhiên, đến ngoại giới. Quán sát các tác động của ngoại giới vào thân thể, tâm hồn, vào giấc ngủ ra sao. Không buồn không giận không trách cứ.

Giữ tâm như đất. Bạn nhổ lên đất, hay trồng hoa, thì đất vẫn không giận không thương.

Không ghét, cũng không yêu.

Chỉ thương. Dành năng lượng cho tình thương và chia sẻ.

Lúc này, năng lượng nội tại đã định hình, đã có chỗ an trú (trong hơi thở và tỉnh giác). Năng lượng không mất, chân khí đầy đủ, thì bất hoại.

“Bí quyết” chỉ có chừng ấy.

Quoc-Bao Bui

Xứ sở của người mù

Painting: lolita223

 

Cách Chimborazo khoảng hơn ba trăm dậm, cách vùng tuyết phủ Cotopaxi độ một trăm dặm, ở một nơi hoang-vu nhất trong dẫy trường sơn Andes xứ Ecuador, có một cái thung-lũng bí mật, biệt lập với thế-giới bên ngoài, đấy là xứ sở của những người mù. Từ ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, người ta đến thung-lũng này bằng cách vượt những hẻm núi vô cùng hiểm-trở và một sơn đạo băng đóng trơn truột, đến những cánh đồng cỏ quanh năm xanh tốt. Thế rồi có một gia-đình người Pérou lai, trốn tránh chế-độ độc-tài và bạo quyền của một ông vua Y-pha-nho, kéo nhau đến đây định cư. Kế đó, ngọn núi Mindobamba phun lửa dữ-dội, trong khi ở Quito đêm tối mù-mịt kéo dài mười bẩy ngày giòng-giã, và nước sông ở Yaguachi sôi sùng-sục, cá chết nổi lềnh-bềnh trôi đến tận Guayaquil; men theo sườn núi ven biển Thái-bình-dương đâu đâu cũng có động đất, băng tuyết tan rã rất nhanh và nước lụt dâng lên bất ngờ.

Đỉnh Arauca cổ xưa lở hẳn một bên, lăn xuống ầm ầm như sấm độïng và vĩnh viễn tách xứ của người mù thành một cõi riêng. Nhưng một trong những người định cư sớm nhất tình cờ lại đến hẻm núi phía bên này, khi trận động đất kinh-hồn xẩy ra, nên ông ta bắt buộc phải quên hết vợ con, bè bạn, tài sản bỏ lại trên kia và bắt đầu một cuộc đời mới ở cái thế-giới bên dưới này. Ông bắt đầu lại cuộc đời, nhưng gập hoàn-cảnh bất lợi, ông mắc bệnh mù rồi bị trừng phạt chết trong hầm mỏ.

Nhưng câu chuyện ông kể trở thành cổ-tích lưu truyền cho tới nay suốt giải núi trùng điệp Cordillière des Andes. Ông kể lại những lý do vì sao ông phải từ nơi sơn ải đó lần mò về. Ông đến đó từ khi chỉ là một đứa bé bị buộc chặt vào con đà-mã với một cái bọc to tướng đựng các vật dụng. Ông cho biết cái thung-lũng ấy là nơi phúc-địa, có đủ mọi thứ mà con người hằng mơ ước : nước ngọt, đồng cỏ, khí hậu ôn-hoà, sườn núi đất đen mầu mỡ, với những bụi cây um-tùm, quả chín ngon ngọt.

Trên một sườn núi khác là những cánh rừng thông rộng lớn ngăn chặn tuyết lở. Tít trên cao, ba mặt vách đá xanh xám có băng ở tột đỉnh, nhưng những con sông băng đóng không chẩy về phía họ mà lại chẩy ra những sườn đồi xa hơn, và chỉ thỉnh-thoảng mới có những tảng băng khổâng-lồ lăn xuống mé thung-lũng. Ở sơn cốc này không bao giờ có mưa, hay tuyết, nhưng nhờ những dòng suối đầy tràn nên đồng cỏ vẫn xanh tươi và có nước tưới chan hòa khắp nơi. Những người dân định cư ở đây quả đã hoàn-thành một công việc đáng khen ngợi. Thú vật do họ chăn nuôi, sinh sôi nẩy nở, chỉ hiềm có một điều khiến hạnh-phúc của họ không được trọn vẹn. Chỉ mỗi mộït điều này cũng đủ làm cho hạnh-phúc của họ giảm đi rất nhiều.

Một chứng bệnh cổ-quái khiến cho tất cả những đứa trẻ sinh ra ở đây? Và cả rất nhiều đứa lớn hơn? Cùng mắc tật mù lòa. Chính là để đi kiếm một thứ linh dược hay bùa phép thần-diệu về trị bệnh thong-manh mà ông đã chẳng quản mệt nhọc, đường xa hung-hiểm, xông pha lăn lội xuống núi, tìm về quê cũ. Vào thuở ấy, trong những trường hợp như thế người ta không nghĩ đến vi-trùng, truyền-nhiễm, mà chỉ nghĩ đến tội lỗi.Và ông nghĩ lỗi chính là do những người di cư đầu tiên không có giáo sĩ đã quên dựng một điện thờ khi đặït chân đến cái thung-lũng này. Ông muốn thiết-lập trong sơn cốc một cái điện thờ đẹp-đẽ và linh thiêng, không xa-hoa. Ông muốn có những thánh cốt hay những bùa phép gây lòng tín ngưỡng, những thánh vật, mề-đay thần bí, nhữnh thánh kinh. Ông mang theo trong bọc một nén bạc nhưng không chịu cho biết nguồn gốc, khăng-khăng một mực nói rằng sơn cốc không có bạc, nhưng lời chối đây đẩy của ông rõ là cung cách của một kẻ nói dối chưa thiện nghệ.

Tất cả mọi người đều đóng góp tiền bạc và các vật trang-hoàng quý giá vì họ nghĩ những vật ngoại thân ấy không cần-thiết, thà đem đánh đổi lấy phép mầu để trị bệnh. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh một thanh-niên miền sơn cước, mắt mờ, da sạm nắng, gầy-guộc, lo-lắng, bồn-chồn ôm chặt cái mũ rộng vành, một thanh-niên không mảy may quen thuộc lề thói của cái thế-giới bên dưới, kể lại chuyện này cho một vài giáo-sĩ mắt sáng chăm-chú nghe trước khi cơn địa chấn xẩy ra. Tôi hình dung chàng tìm cách trở về với những thánh vật, linh dược để trị bệnh và những nông nỗi khó-khăn vô vàn chán-nản đối trước khoảng đất rộng ngổn-ngang loạn thạch, nơi trước kia là hẻm núi. Tôi không rõ hết những tai biến khác đã xẩy ra cho chàng ngoại trừ cái chết khốn-khổ nhiều năm về sau. Tội-nghiệp cho con người lạc-lõng từ xa đến ! Con sông trước kia là hẻm núi nay đổ ào ào xuống từ một thạch động, và câu chuyện anh vụng về kể lại đã biến thành sự tích của giống người mù lòa ở một chốn xa-xôi nào đó mà ngày nay ta còn nghe thuật lại.

Tai họa tiếp-tục giáng xuống những người dân thưa-thớt, hiếm-hoi của cái thung-lũng trơ-trọi đã bị bỏ quên ấy. Những người già lòa mắt phải sờ-soạng, những đứa bé chỉ nhìn thấy lờ-mờ, còn những đứa sinh ở đây thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đời sống lại rất dễ-dàng trong cái lòng chảo bốn bề tuyết vây, tuyệt-tích với thế-giới bên ngoài : cỏ cây không chông gai, không sâu trùng, dã thú không có mà chỉ có những con đà-mã hiền-lành họ đã lôi kéo được đi theo lòng sông cạn trong những hẻm núi. Mục-lực của họ cứ yếu dần nên họ không để ý đến sự mất mát này. Họ hướng dẫn những đứa trẻ mù lòa di chuyểân khắp nơi trong thung-lũng kỳ đến khi chúng thuộc lòng đường đi lối lại, thành thử khi họ mù hẳn thì dòng giống họ vẫn tồn tại. Họ còn tìm ra cách giữ cho lửa khỏi tắt trong những cái lò bằng đá. Lúc đầu họ chỉ là một cộng đồng mù chữ hơi có liên-quan đến văn-minh Y-pha-nho, pha trộn với một ít ảnh-hưởng của nghệ-thuật và triết-học đã thất truyền của xứ Pérou thời thượng cổ.

Đời này qua đời khác, họ đã quên đi rất nhiều điều mà cũng đã phát-minh ra nhiều thứ. Những truyền-thuyết, tập tục của cái thế-giới bao la, nguồn gốc của họ, trở nên mơ-hồ, đượm mầu sắc hoang-đường, thần-thoại. Trừ cặp mắt kém ra thì họ là những con người khỏe mạnh, có năng lực. Thế rồi tình cờ và do huyết thống lưu truyền họ bỗng sinh ra được một người kiệt xuất, có thể đứng ra lên tiếng thu phục họ. Sau đó họ còn sinh thêm được một người thứ hai nữa cũng để lại nhiều ảnh-hưởng sâu đậm. Từ đó, cái tiểu xã-hội của họ trở nên đông đúc hơn và cũng hiểu biết hơn. Họ có thể họp nhau để xử lý những vấn-đề xã-hội hay kinh-tế. Đời này qua đời khác, đời này kế tiếp đời khác, cho đến đời thứ mười lăm kể từ ông tổ mang nén bạc ra đi tìm thánh dược và không bao giờ trở lại. Thế rồi bất ngờ lại có một người từ thế-giới bên ngoài lọt vào được cái thung-lũng tuyệt-tích ấy. Sau đây là chuyện của người này.

Country of the Blind by Lolita223

Hắn là một sơn nhân ở gần Quito, một người đã từng ra khơi, đi đó đi đây, nhiều lịch-duyệt, một người đọc sách theo kiểu riêng của mình, một người đã tinh quái lại gan dạ. Lúc bấy giờ có một toán người Anh đến Ecuador để leo núi đã thuê hắn thế chân cho một trong ba người hướng-đạo Thụy-sĩ bị ốm. Hắn đã từng leo khá nhiều núi rồi mới thử đến ngọn Paracostopelt trong rặng núi Andes, và lần ấy hắn bị mất tích luôn. Tai nạn này được kể đi kể lại hàng chục lần , nhưng chỉ có chuyện của Pointer thuật là hay nhất. Pointer tả tường-tận những nỗi vất-vả khi cả đoàn phải leo lên con dốc hầu như dựng đứng đến chân một cái vách đá cuối cùng và lớn nhất. Họ đã chật-vật dựng lều trú ẩn ban đêm trên một thạch-bàn giữa vùng tuyết ngập. Pointer có biệt tài kể chuyện khiến mọi người hồi-hộp theo dõi từ khi đoàn thám- hiểm phát-giác sự thất-tung của Nunez ra sao. Họ réo gọi hắn vang ầm lên nhưng không thấy trả lời, họ lại hô hoán thêm và huýt còi, thế rồi suốt nửa đêm ấy không ai chợp mắt được nữa.
Khi trời tảng sáng họ nhìn thấy dấu vết Nunez ngã lăn xuống in hằn trên mặt tuyết. Dường như hắn không kịp kêu lên một tiếng nào. Hắn trượt chân ở mé đông, lăn tuột xuống một khu hoang-sơn. Tít bên dưới, hắn rơi trúng một cái dốc sâu tuyết đóng, tiếp tục lăn-lông-lốc xuống cùng với đám tuyết lở. Vết lăn thẳng đến bờ một cái vực thẳm, sau đó mọi dấu tích đều bị khuất lấp. Xa lắc xa lơ bên dưới, họ lờ-mờ thấy những ngọn cây vươn lên từ một cái thung-lũng nhỏ hẹp bốn bề vách đá . Đấy là cái xứ đã tuyệt-tích của những người mù. Nhưng lúc bấy giờ chưa ai rõ đấy là xứ người mù và họ cũng không phân-biệt được nó với những sơn cốc nhỏ hẹp khác. Nản lòng trước tai nạn bất ngờ này, cả đoàn bỏ cuộc ngay từ trưa hôm ấy. Sau đó, vì chiến-tranh, Pointer phải nhập ngũ trước khi có dịp leo thử một lần nữa. Và cho tới nay, đỉnh Paracostopelt vẫn ngạo-nghễ vươn lên, chưa có ai đặt chân tới được. Cái lều của Pointer trở nên xiêu vẹo, giữa vùng tuyết phủ không kẻ vãng lai.

Nhưng người rơi xuống vực còn sống sót. Lăn hết cái dốc đầu khoảng ba trăm thước, cuốn theo cả đám tuyết mù, hắn lọt vào một cái dốc tuyết bám khác lại còn dựng ngược hơn cái trên, cơ hồ mất hết tri-giác nhưng may không gẫy một cái xương nào. Sau đó hắn rơi trên những triền dốc thoai-thoải hơn và cuối cùng dừng lại nằm im, vùi sâu trong đống tuyết xốp trắng đã cuốn theo khi hắn lăn xuống và đã cứu hắn. Nunez tỉnh dậy, mơ-màng tưởng mình đang nằm trên giường, nhưng linh-tính của người dân miền sơn cước khiến hắn hiểu ngay hiện tình, liền cựa quậy, lóp-ngóp chui dần ra khỏi đống tuyết và nhìn thấy những ngôi sao nhấp-nháy trên trời. Hắn nằm sóng sượt một lúc, tự hỏi mình đang ở đâu, chuyện gì đã xẩy ra cho mình. Hắn sờ nắn tứ chi, khám phá ra cái áo choàng đã lộn ngược lên trên đầu, khuy đứt gần hết. Con dao găm trong túi rơi lúc nào không biết. Cái mũ buộc chặt dưới cầm cũng mất nốt. Hắn nhớ mang máng lúc ấy đang đi nhặt đá để dựng lều. Cả cái rìu cũng mất tăm mất tích.

Nunez đoán mình đã trượt chân rơi xuống vực và ngửng đầu nhìn lại cái dốc ghê-rợn hắn vừa lăn xuống. Dưới ánh trăng mới mọc, lạnh-lẽo và nhợt-nhạt, cái dốc trông càng rùng-rợn, sâu hun-hút. Trong một lúc, Nunez nằm yên nhìn trừng-trừng lên cái vách đá sừng-sững bên trên, càng lúc càng thấy nó cao ngất-ngưởng, vươn ra khỏi bóng tối đang lùi dần. Vẻ đẹp kỳ-bí, ma quái thu hút Nunez một lúc rồi bỗng hắn bò lăn ra mà cười nức-nở.

Một lúc lâu sau, Nunez nhận thấy mình nằm kề ngay chân cái dốc tuyết đọng. Bên dưới, trăng soi tỏ một cái dốc khác có vẻ dễ đi, Nunez thấy những mảng đen-đen của các bụi cây rậm, mọc chen giữa mấy tảng đá. Hắn gượng đứng dậy, tứ chi ê ẩm, lần mò từng bước khó-khăn từ đống tuyết xốp xuống tới bụi cây rậm rồi lăn kềnh ra thì đúng hơn là nằm, bên một tảng đá lớn, móc túi trong lấy chai nước ra tu ừng-ực rồi thiếp đi ngay.

Tiếng chim chiêm-chiếp văng-vẳng từ rặng cây tít bên dưới đánh thức Nunez dậy. Hắn ngồi lên, thấy mình nằm trên bãi cỏ nhỏ ở đáy một cái vực sâu, hắn đã cùng với tuyết lăn tuột xuống đây theo một cái rãnh. Trước mặt có một vách đá bích lập khác. Cái khe núi giữa hai vách đá chạy từ đông sang tây đang chan hòa ánh bình-minh, nắng rọi đến tận triền núi phía tây chận đứng cái dốc. Bên dưới dường như có một vách đá cũng dốc ngược không kém, nhưng phía sau rãnh tuyết là một cái khe, băng đang tan rữa, nhỏ xuống từng giọt, có thể liều đi được. Nunez nhận ra đi dễ hơn hắn tưởng, cuối cùng hắn đến một bãi cỏ hoang khác và sau khi leo qua những tảng đá không mấy khó-khăn tới một cái sườn núi dốc sâu, có cây mọc.

Nunez ngắm địa-thế, ngửng mặt nhìn lên cái hẻm núi thấy nó ăn thông với những thảm cỏ xanh bên trên và trông rõ mồn-một túm-tụm mấy căn nhà đá hình thù kỳ-dị. Có lúc hắn tưởng mình đang leo lên một bức tường trơn tuột. Một lúc sau, ánh dương-quang không còn chiếu xuống hẻm núi, tiếng chim hót cũng tắt. Khí trời quanh Nunez trở nên lạnh giá và tối dần. Nhưng cái thung-lũng xa xa với những căn nhà trông lại càng sáng ngời. Bây giờ hắn đến một bờ dốc và giữa những tảng đá hắn để ý ? vì Nunez rất có óc quan-sát ? thấy một cây dương-xỉ hình thù kỳ-lạ, như đang vươn những cánh tay xanh ngắt ra khỏi kẽ núi nứt-nẻ. Hắn bẻ một cái như cái lá, nhấm thử cuống thấy ăn được.

Khoảng giữa trưa, Nunez thoát được ra khỏi hẻm núi đến một khu đồng bằng có ánh nắng. Mình mẩy hắn tê cứng, mệt mỏi, hắn uể-oải ngồi tránh nắng sau một tảng đá, vốc nước suối đầy chai giải khát, nghỉ một lúc trước khi tiến về phía có nhà cửa. Những ngôi nhà này trông rất kỳ-quặc và khi quan-sát toàn diện cái sơn cốc, hắn càng thấy nó cổ-quái. Phần lớn thung-lũng là một bãi cỏ xanh mướt điểm rất nhiều khóm hoa thật đẹp được tưới bón vô cùng cẩn-thận, rõ ràng có bàn tay người chăm sóc từng khóm một. Trên cao là một bức tường vây chạy vòng quanh thung-lũng và một cái gì như ống dẫn nước từ đó có những tia nước phun xuống sơn cốc để tưới cây. Trên sườn núi cao hơn, từng đoàn đà-mã đang gậm cỏ. Rải-rác đó đây, tựa vào tường là những cái chuồng chăn nuôi đà-mã.

Ở trung-tâm thung-lũng, các rãnh nước tưới cây nhập lại thành một cái lạch và mỗi bên có tường xây cao tới ngực. Cái chốn hẻo-lánh này nhờ điểm đó lại mang nét thị-thành kỳ-lạ. Vẻ thị-thành càng tăng thêm với những con đường lát đá đen trắng, chạy theo hàng lối, đường nào cũng có một vỉa hè nhỏ và kỳ-dị. Những ngôi nhà ở trung-tâm thung-lũng khác hẳn những căn nhà xây hỗn-độn trên núi mà hắn từng thấy. Nhà ở đây, dựng hai bên một con đường cái sạch vô tưởng, mặt tiền nhiều mầu loang-lổ, đó đây có đục những cái cửa ra vào nhưng tuyệt nhiên không có lấy một cái cửa sổ. Mầu sắc pha trộn rất quái-đản, vách trát bằng một thứ vữa chỗ thì xám-xịt, chỗ mầu nâu tái, thỉnh-thoảng xen lẫn mầu đá đen hoặc nâu sẫm. Chính cái quang cảnh sắc mầu loạn xạ này đã khiến hắn liên-tưởng lần đầu tiên đến chữ “mù”. “Tướng nào thực-hiện cái công-trình này chắc là mù tịt như một con dơi” Nunez bụng bảo dạ.

Hắn xuôi dốc đến chỗ có bức tường vây và ống nước chạy quanh thung-lũng, gần nơi mà ống nước phun xuống một màn nước mỏng rung-rinh. Bây giờ hắn mới trông thấy một bọn người vừa đàn ông vừa đàn bà đang nghỉ trên những đống cỏ, dường như họ đang ngủ trưa. Xa xa trên bãi cỏ, gần cái làng, một lũ trẻ nằm ngổn-ngang, gần kề bên cạnh, ba người đàn ông đang gánh những cái thùng đi trên con đường đá nhỏ chạy từ bức tường vây đến những ngôi nhà. Họ mặc quần áo đà-mã, thắt lưng và ủng bằng da, mũ che gáy và hai tai. Họ nối đuôi nhau đi hàng một, đủng-đỉnh bước, vừa đi vừa ngáp dài y như người mới thức trắng đêm. Có cái gì khiến người ta yên-tâm trong dáng vẻ sung-túc và khả kính của họ. Sau một lúc ngần-ngừ, Nunez xuất đầu lộ diện, bước lên tảng đá, cất tiếng gọi to, dư âm vang dội khắp thung-lũng.

Ba người đàn ông dừng chân, ngoảnh đầu nhớn-nhác như tìm kiếm xung quanh. Họ quay ngang quay ngửa, còn Nunez thì vung tay rối-rít ra hiệu song có lẽ họ không trông thấy. Sau một lúc, họ tiến về phía dẫy núi xa xa, mé tay phải, và cất tiếng gọi to như để đáp lại. Nunez lại gào lên, vung vẩy tay ra hiệu và khi nhận ra vô ích, đột nhiên chữ  “mù” lóe ra trong óc hắn: “Không khéo các cha này mù cả lũ rồi!”

Cuối cùng, sau khi gào chán chê và cáu-kỉnh, Nunez vượt chiếc cầu nhỏ vắt ngang dòng nước, xuyên qua một cái cửa đục trong tường và tiến đến gần họ. Hắn chắc chắn những nguời này đã lòa và biết rõ đây là xứ sở của người mù mà người ta vẫn kể trong những chuyện cổ-tích, thần-thoại. Hắn tưởng như mình đang trải qua một cuộc phiêu-lưu thích-thú mà mọi người hằng mơ tưởng, ước ao. Ba người đàn ông sóng vai nhau đứng, không nhìn hắn nhưng tai lại vểnh về phía hắn, lắng nghe tiếng bước chân khác lạ của hắn. Họ đứng sát cánh nhau ra chiều hơi khiếp-sợ. Hắn thấy rõ mi mắt họ khép kín và sâu trũng làm như nhãn-cầu bên dưới đã teo lại. Mặt họ lộ vẻ hoang-mang.

“Có người? Đích thị là có người? Người hay là quỷ thần đi từ phía những tảng đá xuống.” Một người thốt bằng thứ tiếng lơ-lớ Tây Ban Nha. Nunez mạnh dạn tiến lên như một thanh-niên mới bước chân vào đời. Hắn chợt nhớ đến tất cả những chuyện kể về cái thung-lũng đã tuyệt-tích và xứ sở của người mù. Câu ngạn-ngữ cổ cứ láy đi láy lại mãi trong đầu hắn như một điệp-khúc:
“Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua”
“Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua”

Hắn cất tiếng chào rất lễ-phép, vừa chào vừa đưa mục-quang quan-sát.
“Người này từ đâu đến hở Pedro?” một người lên tiếng hỏi.
“Từ phía những tảng đá trên kia đi xuống.”
“Tôi từ bên kia dẫy núi đến đây” Nunez sửa lại. “Từ một nước ở rất xa, nơi mà ai ai cũng nhìn được. Ở gần Bogota, chỗ có hàng trăm ngàn dân cư, dẫu chỉ là một thành-phố khuất nẻo.”
“Nhìn? Nhìn? ” Pedro lẩm-bẩm.
“Người này từ những tảng đá đi xuống” người mù thứ nhì nhắc lại.
Quần áo họ mặc rất kỳ-cục, chắp nối lung-tung các mảnh vụn bằng những đường kim mũi chỉ khác nhau.
Hắn giật nẩy mình khi họ đồng loạt tiến lên, cùng vươn tay. Hắn vội lùi lại, tránh những ngón tay xòe ra.
“Lại đây” người mù thứ ba lên tiếng, bước theo và tóm ngay được hắn.
Họ nắm giữ, sờ nắn Nunez từ đầu đến chân và không nói thêm một tiếng nào cho tới khi sờ nắn xong.
“Ấy, cẩn-thận đấy!” Nunez sợ-hãi kêu lên khi một ngón tay đè lên mắt hắn và biết là họ thấy mắt hắn rất kỳ-quặc, mi mắt rung động được. Họ lại sờ thử một lần nữa.
“Người này quái lạ lắm, Correa. Sờ thử tóc anh ta mà xem, cứng nhắc y như lông con đà-mã.” người tên là Pedro thốt.
“Cũng thô-kệch như những tảng đá đã sinh ra anh ta” Correa nói và vuốt-ve cái cầm chưa cạo râu của Nunez với bàn tay mềm-mại hơi ươn-ướt.” Chắc rồi anh ta cũng có thể trở nên thanh-tao hơn!” Nunez hơi vùng-vẫy khi mọi người sờ nắn nhưng bị họ ghìm chặt.
“Ấy, cẩn-thận đấy!” Nunez nhắc lại.
“Anh ta nói được, thế thì đúng là người rồi.” người mù thứ ba cất tiếng.
Pedro mân-mê cái áo choàng của Nunez và kêu “ồ” tỏ vẻ gớm-ghiếc.
“Thế là anh đã bước vào đời rồi đấy?” Pedro hỏi.
“Bước ra khỏi thì đúng hơn. Tôi ở mãi tận bên kia dẫy núi và những dòng sông nước đóng băng, bằng một nửa con đường đi lên mặt trời. Ra khỏi cái thế-giới bao la, phải đi mất đến mười hai ngày mới xuôi tới biển được. ”
Xem ra họ chẳng lý gì đến những lời hắn thốt.
“Ông cha chúng ta thường dậy rằng thiên-nhiên có thể sinh ra người. Chính là nhiệt-khí phối-hợp với hơi ẩm-ướt và sự mục-nát của vạn vật hóa thành.” Correa nói.
“Chúng ta hãy dẫn người này đến yết-kiến các vị cao niên tiền-bối đi.” Pedro đề-nghị.
“Hãy gọi to lên báo tin trước kẻo trẻ con nó sợ. Đây là một trường hợp đặc-biệt.” Correa bàn.
Thế là họ hét toáng lên, rồi Pedro dẫn lộ, nắm tay Nunez lôi về phía có nhà cửa. Nunez rụt tay lại nói:
“Tôi trông thấy đường mà.”
“Trông thấy?” Correa hỏi lại.
“Phải rồi, tôi trông được.” Nunez vừa nói vừa quay mặt về phía Correa nhưng vấp vào cái thùng của Pedro.
“Giác-quan người này chưa được hoàn-hảo.” người mù thứ ba cất tiếng. “Anh ta vấp ngã, lại dùng những tiếng vô-nghĩa-lý. Hãy nắm tay anh ta mà lôi đi cho xong.”
“Thôi cũng được.” Nunez vừa cười vừa để mặc cho họ dẫn đi.
Dường như họ không biết tị gì về đôi mắt sáng nhìn được. Không sao, rồi dần dần hắn sẽ dậy cho họ hiểu. Có tiếng hô hoán gọi nhau và một bọn người lốâ-nhố tụ tập giữa đường làng.

Hắn không ngờ mình lại bực-tức và mất hết kiên-nhẫn như thế khi lần đầu chạm trán những công dân của cái xứ người mù này. Càng lại gần, khu đất ấy càng có vẻ rộng-rãi hơn và những mầu vữa trát trên tường càng thêm quái-dị. Một đám đông vừa đàn ông vừa đàn bà, con trẻ xúm lại vây quanh, nắm lấy hắn, sờ mó với những bàn tay nhậy cảm, ngửi ngửi, lắng nghe từng tiếng nói của hắn. (Hắn để ý nhìn và vui vui nhận thấy trong đám phụ-nữ vài người có khuôn mặt thật khả ái mặc dầu mắt họ nhắm nghiền và lõm xuống) Một vài đứa trẻ và mấy cô gái đứng xa xa đầy vẻ kinh-nghi. Quả thật giọng nói của hắn có lẽ thô-lỗ, cục-cằn so với khẩu âm nhỏ nhẹ của họ. Họ xúm-xít quanh hắn, ba người dẫn lộ đứng sát một bên như canh giữ hắn làm của riêng, nhắc đi nhắc lại mãi một câu:
“Một dã-nhân từ những tảng đá đi xuống.”
“Ở Bogota. Bogota, mãi tận bên kia dẫy núi.” Nunez cải chính.
“Một dã-nhân nói tiếng man rợ.” Pedro lên tiếng. “Có nghe thấy anh ta nói không ? Bogota ? Đầu óc anh ta chưa thành hình, chỉ nói được độ nửa câu ra hồn thôi.”
Một thằng nhãi gậm tay hắn và chọc ghẹo: “Bogota!”
“Phải rồi. Đấy là một thành-phố so với cái làng này. Tôi từ một thế-giới rộng bao la đến đây? Nơi mà tất cả mọi người đều sáng mắt và nhìn được.”
“Tên anh ta là Bogota.” họ bảo nhau.
“Anh ta đi đứng không vững-vàng, vấp tới những hai lần trên đường đi đến đây” Correa mách.
“Dẫn anh ta đến gập các bô lão đi.”
Họ đột-ngột đẩy hắn bước qua ngưỡng cửa vào một gian phòng tối om-om trừ phía cuối phòng có ánh lửa bập-bùng. Đám đông theo sát gót hắn, che lấp hầu hết cái ánh sáng bên ngoài chỉ còn lờ-mờ. Hắn chưa kịp dừng bước đã loạng-choạng vấp, ngã nhào lên chân một người đang ngồi. Tay hắn chới với đập ngay vào mặt một người khác khi hắn chúi xuống. Hắn cảm thấy đụng phải cái gì mềm mềm và nghe rõ tiếng kêu giận-dữ. Trong một lúc, hắn giẫy-giụa, vật lộn, để thoát khỏi những bàn tay đang vít xuống, ghì chặt lấy hắn. Đây là cuộc chiến một chiều. Hắn chợt tỉnh-ngộ, nằm im, nói:
“Tôi bị ngã. Tôi chẳng trông thấy gì ở cái chỗ tối đen như mực này.”
Một lúc yên-lặng, hình như những người hắn không trông thấy ở chung quanh đang tìm hiểu ý nghĩa những lời hắn thốt. Có tiếng của Correa cất lên:
“Anh ta chỉ mới được tạo ra nên đi đứng còn vấp ngã, và nói thì pha trộn những tiếng vớ-vẩn, vô-nghĩa-lý.”
Những người khác cũng xôn-xao, bàn tán về hắn, nhưng hắn không nghe rõ hay không hiểu rõ.
“Tôi ngồi dậy có được không?” hắn hỏi sau một lúc yên-lặng. “Tôi hứa sẽ không vùng-vẫy, phản-kháng lại các ông các bà đâu.”
Họ bàn nhau rồi cho phép hắn ngồi lên.

Một bô lão cất tiếng chất-vấn hắn và Nunez thấy mình đang cố-gắng giảng-giải về cái thế-giới rộng bát-ngát mà hắn vừa ly-khai, về vòm trời, về núi non, phong cảnh, về tất cả những kỳ-quan khác cho các trưởng lão ngồi trong bóng tối của cái xứ mù này nghe. Hắn không bao giờ ngờ họ không hiểu và cũng không tin bất cứ điều gì hắn kể. Thậm chí họ cũng không hiểu cả nhiều từ-ngữ hắn dùng. Họ đã mù từ mười bốn đời nay và không còn dây-dưa gì với thế-giới của những kẻ sáng mắt, tên những vật nhìn thấy được đã phai-mờ và biến-đổi, những chuyện ở thế-giới bên ngoài nhạt dần, hóa thành chuyện cổ-tích cho trẻ con nghe. Họ hết quan-tâm đến những gì xẩy ra ở bên kia những tảng đá, phía trên bức tường thành. Các nhà bác học uyên-thâm mù đã đặt câu hỏi về những mẩu tín-ngưỡng hay tập-tục còn sót lại từ ngày người dân xứ này còn nhìn được và coi đó chỉ là những chuyện hoang-đường, rồi đưa ra những lý-giải mới mẻ và lành mạnh hơn. Óc tưởng-tượng của họ phần lớn cũng teo lại theo đôi mắt. Họ lập ra những thuyết mới thích-hợp với đôi tai thính và những ngón tay linh-mẫn của họ.

Dần dần Nunez hiểu rằng không thể trông mong họ ngạc-nhiên hay thán-phục nguồn gốc hắn, còn nói gì đến ấn-chứng tài-năng hắn! Sau lần thất-bại thảm-hại khi hắn định giải-thích cho họ ” nhìn ” là gì và bị gạt phăng đi như là những lời nói lăng-nhăng của một con người mới thành nhân dạng, tả lại những ảo-giác đẹp-đẽ, những hình ảnh hỗn-loạn đã nhìn thấy, hắn chịu khuất-phục, dẫu hơi cụt-hứng, lắng nghe những giáo-điều của họ. Người già nhất trong bọn giảng cho hắn ý nghĩa của cuộc đời, của tôn giáo, của triết học, rằng thế-giới (nghĩa là cái thung-lũng của họ) lúc đầu chỉ là một khu lòng chảo trống rỗng giữa những tảng đá, sau đó xuất-hiện trước tiên là những bất-động-vật không biết cử động, rồi đến những động vật, thú vật như loài đà-mã chưa có đủ trí khôn, sau nữa đến người, và cuối cùng là những thiên-thần mà ta có thể nghe thấy tiếng hát và tiếng vỗ cánh nhưng không ai có thể sờ mó được. Thoạt nghe Nunez bỡ-ngỡ, ngẩn người ra, mãi sau mới vỡ lẽ họ tả những con chim.

Vị trưởng lão tiếp-tục giảng dậy Nunez rằng thời-gian chia làm hai, khi thì nóng, khi thì lạnh, tức là ngày và đêm của chúng ta, và tốt nhất nên ngủ khi tiết trời ấm-áp, làm việc khi trời lạnh-giá, cho nên nếu không tại hắn thì giờ phút này tất cả mọi người ở đây đều đã ngon giấc. Ông nhất định Nunez được tạo ra để học hỏi và phục-vụ cho những sự hiểu biết khôn-ngoan của họ, và mặc dầu hắn ăn nói chẳng đâu vào đâu, lại hay vấp ngã, nhưng hắn phải tỏ ra có can-đảm và phải dốc lòng, gắng sức học hỏi không được chểnh-mảng. Tới đây tất cả những người đứng lố-nhố ở cửa đều lẩm-nhẩm khuyến-khích. Ông già lại nói rằng đêm – đối với họ, ngày chính là đêm – đã khuya lắm rồi, ai nấy nên quay về đi ngủ. Ông hỏi Nunez có biết đi ngủ không, Nunez đáp có biết nhưng trước khi đi ngủ hắn muốn có cái gì ăn.

Họ đem thức ăn đến ? một bát sữa đà-mã cùng với bánh mì thô-sơ ? rồi dẫn đến một chỗ vắng vẻ cho ăn để khỏi nghe thấy hắn lục-đục, và sau đó thì ngủ một mạch cho tới khi khí lạnh buổi chiều miền núi đánh thức họ dậy để bắt đầu một ngày mới. Nhưng Nunez không hề chợp mắt.
Hắn ngồi ở chỗ họ dẫn đến, duỗi chân nghỉ và suy đi nghĩ lại những trường-hợp bất ngờ đã đưa hắn đến đây. Thỉnh-thoảng hắn bật cười, khi thì vui thú, lúc lại tức giận:

“Đầu óc chưa thành hình! Chưa có đầy đủ trí-giác! Họ không biết là họ đã sỉ-nhục đấng quân vương, vị chúa tể mà Trời vừa ban cho họ. Ta cần phải dậy cho họ biết đạo lý, biết lẽ phải. Để nghĩ xem? nghĩ xem.”

Hắn vẫn còn ngồi trầm-tư khi mặt trời lặn hẳn. Nunez là người biết thưởng-ngoạn những vẻ đẹp ở đời, cảnh rực-rỡ của những thửa ruộng tuyết phủ, con sông băng đóng mé trên thung-lũng. Mắt hắn lướt từ khung cảnh huy-hoàng của trời chiều đến cái làng và những thửa ruộng được chăm bón đang chìm rất nhanh vào bóng tối. Đột-nhiên hắn thầm cảm ơn Hóa-công đã ban cho hắn đôi mắt còn nguyên lành.

Có tiếng người réo gọi từ phía cái làng.
“Bogota! Lại đây.”
Nunez mỉm cười đứng lên. Hắn sẽ dậy cho họ thủng nghĩa thế nào là một người nhìn được. Họ sẽ phải đi tìm hắn và sẽ không tìm thấy.
“Này Bogota, đừng đi càn bậy đấy nhé!” giọng nói lại cất lên.
Nunez cười lặng-lẽ, rón-rén bước hai bước ra khỏi con đường nhỏ.
“Bogota! Đừng giẫm bừa-bãi lên cỏ, cấm tuyệt đấy.”
Rõ ràng Nunez không nghe thấy tiếng chân mình di-động. Hắn sửng-sốt đứng lại.
Người vừa lên tiếng chạy xăm-xăm về phía hắn trên con đường lót đá đen trắng loang-lổ. Hắn vội lùi về con đường nhỏ và lên tiếng :
“Tôi ở đây này. ”
“Tại sao ngươi không lên tiếng khi nghe ta gọi?” người mù vặn hỏi “Ngươi muốn ta dắt đi như dắt đứa trẻ con hay sao? Ngươi không nghe thấy tiếng chân mình đi trên đường à?”
Nunez cười: “Tôi nhìn thấy đường mà.”
“Không có chữ gì là nhìn cả ” người mù gạt đi sau một lúc yên-lặng. ” Từ giờ trở đi đừng ăn nói quàng-xiên như thế nữa. Hãy cố mà đi theo tiếng bước chân của ta.”
Nunez bước theo, hơi khó chịu.
“Rồi sẽ có ngày tới phiên tôi cho mà xem.” Nunez nói.
“Rồi ngươi sẽ học được. Còn khối thứ ngươi phải gia-tâm học hỏi.” người mù đáp.
“Thế không ai nói cho ông biết cái câu? Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua à?”
“Mù là cái gì?” người mù lơ-đãng hỏi qua vai.

Bốn ngày trôi qua. Đến ngày thứ năm, thủy chung Đức Vua của cái Xứ Người Mù vẫn không ma nào biết đến, vẫn chỉ là một kẻ xa lạ, vụng-về, vô-tích-sự giữa đám thần dân của mình. Nunez nhận ra tự xưng là Vua khó hơn hắn tưởng và trong lúc hắn mưu đồ một cuộc đảo-chính thì hắn đành cắn răng tuân theo mệnh-lệnh của họ, học phong-cách, tập-tục của Xứ Người Mù. Hắn thấy phải làm việc và di-chuyển ban đêm là một chuyện chán ngán nên quyết-định đó sẽ là điều hắn thay đổi trước nhất.

Họ có một cuộc sống giản-dị, cần-mẫn với đầy đủ yếu-tố đạo-đức và hạnh-phúc theo mức hiểu biết của loài người. Họ làm việc nhưng không làm quần-quật, họ có dư giả thực-phẩm và quần áo, họ có ngày nghỉ và mùa nghỉ, họ ưa đàn hát và cũng biết yêu đương, sinh con đẻ cái.
Đáng phục là họ di-chuyển cứ thoăn-thoắt trong cái thế-giới ngăn-nắp của họ một cách đầy tự tín và chuẩn-đích. Vật gì ở đây cũng được sắp đặt theo nhu-cầu của họ, mỗi con đường rẽ ngang đều bẻ góc giống hệt nhau và có một cái hình khía riêng ở vỉa hè để đánh dấu. Tất cả mọi chướng-ngại-vật hay những chỗ gồ-ghề trên lối đi, trên bãi cỏ đã được dẹp đi, san bằng từ lâu.

Tất cả những phương-pháp bố-trí tất nhiên đều để đáp ứng nhu-cầu đặc-biệt của họ. Giác-quan họ đã trở nên linh-mẫn tuyệt-vời, họ có thể nghe và xác định được từ cái cất tay nhẹ của một người đứng cách xa hàng chục thước, có thể nghe được cả tiếng tim người kia đập. Với họ, đã từ lâu, lời nói thay thế cho nét mặt, hay cử chỉ, giáng-điệu. Họ có thể sử dụng cái cuốc, cái mai, cái chĩa một cách thuần-thục như bất cứ một người làm vườn nào. Khứu-giác họ bén-nhậy tuyệt-trần, họ có thể phân-biệt hơi người y như loài chó. Họ biết chăn nuôi những con đà-mã trên núi xuống kiếm thức ăn hay chỗ trú ngụ ở chân tường dễ như chơi, không hề ngập-ngừng. Mãi đến khi Nunez có ý định bắt họ phục oai mình hắn mới khám-phá ra những hành-động của họ chuẩn-đích và đầy tự tín đến bậc nào.

Hắn chỉ nổi loạn sau khi thử thuyết-phục họ không xong. Thoạt đầu, hắn muốn dậy cho họ hiểu thế nào là nhìn được : ” Bà con hãy nghe đây, có nhiều điều bà con không hiểu tôi đâu ” hắn nói đi nói lại nhiều lần.

Đôi khi, có vài người chịu khó để tai nghe. Họ ngồi, mặt cúi xuống, tai khôn khéo hướng về phía hắn và hắn cố sức giảng cho họ nhìn được là cái gì. Trong số những người nghe hắn có một cô gái mà hai mi mắt ít đỏ và không sâu-hoắm như những người khác, khiến ta có cảm tưởng cô đang nhắm lại giấu hai con mắt đi, và cô là người hắn đặc-biệt muốn thuyết-phục. Hắn tả những cái đẹp mà mắt nhìn thấy như những ngọn núi, vòm trời, cảnh bình-minh và họ lắng nghe hắn nói, thoạt đầu thấy ngộ-nghĩnh vui vui nhưng không tin, cuối cùng thì lên án. Họ bảo cho hắn biết thật sự không có cái gì gọi là núi cả và chỗ tận cùng của những tảng đá mà loài đà-mã thường gậm cỏ cũng là tận cùng của thế-giới. Ở chỗ ấy bắt đầu có cái mái khum-khum của vũ-trụ, sương và thác đổ xuống từ đấy.

Khi hắn cãi rằng vũ-trụ không có chỗ tận cùng và cũng không có cái mái khum-khum như họ tưởng thì họ tuyên-bố những suy-luận của hắn là tội lỗi. Cho tới nay, nghe hắn tả những cảnh trời mây, trăng sao, họ chỉ thấy đó là một cõi rỗng không, xấu-xí, ghê-rợn, thay thế cho cái mái khum-khum nhẵn thín mà họ tin tưởng ? họ thành-khẩn tin rằng cái mái khum-khum hoàn-toàn nhẵn nhụi. Hắn nhận ra phần nào những điều hắn nói khiến họ trái tai nên bỏ qua khía cạnh này và thử cho họ thấy giá-trị thực-tế của đôi mắt sáng, còn biết nhìn. Một buổi sáng hắn trông thấy Pedro đang đi trên con đường số 17, tiến về phía những ngôi nhà ở trung-tâm, nhưng cũng còn khá xa để họ có thể nghe hay đánh hơi thấy. Hắn liền báo trước: “Tị nữa Pedro sẽ tới đây.” Một ông già cãi: “Pedro không có việc gì để đi trên con đường số 17. ” Và như để chứng-minh, khi đến gần, Pedro liền rẽ quặt sang đường số 10, quay gót hướng về phía bức tường vây. Họ bèn chế-nhạo Nunez khi không thấy Pedro đến. Sau đó, hắn vặn hỏi Pedro cho ra nhẽ thì anh này chối bay, sừng-sộ và từ đó trở đi hằn-học với hắn.

Lại có lần hắn dỗ họ để hắn leo qua sườn đồi cỏ đến chân bức tường vây với một người nào tình-nguyện đi theo, hắn hứa sẽ tả cho người ấy tất cả những gì xẩy ra từ các ngôi nhà trong làng. Hắn trông rõ họ đi đi lại lại, nhưng những sự việc đáng kể đối với họ thì lại xẩy ra ở bên trong hoặc đằng sau những ngôi nhà không có cửa sổ thành thử hắn không thể trông thấy hay tả ra được ? và họ thì chỉ có thể phê-phán hắn qua những sự việc này. Sau lần thất-bại ấy hắn bị nhạo-báng quá bèn dùng đến vũ lực. Hắn định nắm lấy một cái mai rồi bất ngờ quật ngã một vài tên trong bọn để cho họ thấy, trong một cuộc chiến-đấu công-bằng, có đôi mắt sáng vẫn hơn. Hắn quả đã chộp lấy một cái mai nhưng phát-hiện liền đó một điều mới lạ trong hắn, hắn không thể nhẫn-tâm đánh dập một kẻ mù lòa.

Hắn lưỡng-lự, nhận ra họ đều biết hắn đã giật được một cái mai. Họ đứng thủ thế, đầu nghiêng một bên, tai vểnh lên hướng về phía hắn, dò động tĩnh. “Buông cái mai xuống” một người ra lệnh, và hắn cảm thấy một nỗi kinh-hoàng bất lực. Hắn đã sắp sửa bó tay chịu khuất-phục.

Đột-nhiên, hắn đẩy một người bắn lùi về phía cái vách nhà, lướt vèo qua mặt người này, thoát ra khỏi làng. Hắn chạy ngang đồng cỏ, để lại dấu chân giẫm bừa bãi trên cỏ, rồi ngồi xuống bên lề đường. Hắn thấy hào-khí bừng-bừng trong lòng như những người trước khi xuất trận, nhưng phức-tạp hơn. Hắn bắt đầu nhận ra người ta không thể sẵn lòng đối địch với những kẻ mà tâm cơ khác hẳn mình. Hắn trông rõ đằng xa một bọn người mang thuổng cuốc, gậy-gộc chạy ra dàn thành hàng chữ nhất trên những con đường đi về phía hắn. Họ bước từ từ, chốc chốc châu đầu bàn tán với nhau, thỉnh-thoảng cả đoàn dừng lại lắng tai và đánh hơi.

Lần đầu tiên thấy thế Nunez phì cười. Sau đó hắn không cười được nữa. Một người tìm thấy vết chân hắn trên cỏ, lom-khom cuối xuống dò-dẫm tìm đường.

Trong năm phút, Nunez ngắm hàng người chầm-chậm tiến lên rồi ý nghĩ lờ-mờ phải ra tay ứng phó kịp thời trở nên cấp-bách. Hắn đứng dậy bước vài bước về phía bức tường thành rồi xoay mình trở gót đi ngược lại. Họ đứng dàn theo hình cánh cung, yên lặng lắng tai. Hắn cũng đứng yên, hai tay lăm-lăm nắm chặt cán mai. Có nên nện cho họ một trận không? Mạch máu trong tai hắn đập lùng-bùng theo điệu “Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua!”
Có nên đánh ẩu họ không? Hắn quay nhìn bức tường thẳng tắp sau lưng, trát vữa nhẵn-nhụi trừ những nơi có đục cửa ra vào nhỏ, rồi lại nhìn hàng người truy-nã hắn đang nhích lại gần. Đằng sau họ, vô số những người khác đang bước ra khỏi con đường cái. Có nên quật cho họ một trận nên thân không?

“Bogota! Bogota! ngươi ở đâu thế?” một người cao giọng hỏi.
Hắn khư-khư nắm cái mai chặt hơn, đi lần xuống đồng cỏ đến khu vực có người ở. Hắn vừa di động tức thì họ đổ dồn về phía hắn. “Nếu bọn nó mà động vào ta là ta quyết sẽ giết sạch cả lũ! Thề với Trời là ta sẽ đập chúng tan xương ra.” Rồi hắn gào:
“Này, các người khôn hồn thì hãy nghe tôi nói. Ở cái thung-lũng này, tôi chỉ làm những cái gì tôi thích. Đã nghe chửa? Tôi chỉ làm cái gì tôi thích và đi đến chỗ nào tôi muốn.”

Họ sấn lại vây quanh hắn rất nhanh, quờ-quạng thế mà thần-tốc đáo để, gần như ta chơi trò bịt mắt bắt dê, chỉ khác ở đây tất cả đều bịt mắt trừ một người.
“Túm lấy nó!” một người hét to. Hắn thấy mình bị lọt vào vòng vây. Đột nhiên, hắn thấy cần phải cương-quyết ra tay.
“Các người không biết là các người đã bị mù còn tôi là kẻ sáng mắt. Hãy để cho tôi yên thân “. Hắn gầm lên, giọng cố tỏ ra dõng-dạc nhưng kỳ thực thì lắp-bắp.
“Bogota! muốn sống thì bỏ cái mai xuống và lập tức bước ra khỏi cỏ!”
Cái mệnh lệnh kẻ cả này làm hắn sôi giận: “Tôi sẽ đập cho các người một mẻ.” Hắn vừa nói vừa khóc. “Tôi thề là tôi sẽ đập các người một trận tơi-bời cho mà xem! Hãy kệ xác tôi!”

Hắn bắt đầu bỏ chạy, nhưng không biết phải chạy đi đâu. Hắn lánh xa chỗ người mù gần nhất bởi hắn không nỡ đánh đập người này. Hắn dừng lại rồi vọt mình, tìm cách thoát khỏi vòng vây đang thu hẹp dần. Thấy chỗ nào có lỗ hổng là hắn lướt đến, những người đui đứng hai bên vừa nghe tiếng chân hắn lập tức hè nhau đổ xô lại chặn lối nhanh như chớp, va đụng phải nhau. Hắn nhẩy bổ ra đằng trước, thấy bí lối, liền giáng cái mai đánh phập xuống. Hắn cảm thấy cái mai đánh trúng tay ai mềm mềm, rồi người ấy ngã xuống kêu lên đau đớn. Thế là hắn thoát hiểm.

Thoát! Bây giờ hắn quay lại gần con đường cái hai bên có nhà. Đám người mù múa may những cái mai, cái cọc, chạy đi chạy lại khá nhanh. Hắn vừa kịp nghe tiếng bước chân ở sau lưng thì một người cao cao sấn-sổ chạy đến nghe thấy tiếng hắn liền hết sức bình sinh phang xuống một đòn. Hắn mất bình-tĩnh, lao mạnh cái mai về phía đối-thủ, lia một vòng rồi bỏ chạy, cuống quýt gào lên khi phải tránh một người mù khác. Hắn hốt-hoảng, chạy xuôi chạy ngược đùng đùng, tránh né khi không cần phải tránh né ai, và vì quá kinh-mang, muốn nhìn cả bốn phía cùng một lúc, nên loạng-choạng vấp, ngã lăn chiêng, và họ nghe thấy tiếng hắn ngã huỵch xuống. Tít-tắp đằng xa, nơi bức tường thành có một cái cửa nhỏ trông chẳng khác cảnh thiên-đường, thế là hắn chạy thục mạng về phía ấy, không buồn quay lại nhìn những người đuổi theo đằng sau mãi tới khi yên trí đã bỏ rơi họ một quãng xa. Hắn lảo-đảo vượt cái cầu, leo lên núi đá khiến một con đà-mã nhỏ kinh-ngạc và sợ-hãi nhẩy vọt ra xa rồi nằm xuống phập-phồng thở dốc.

Thế là kết-thúc cuộc đảo-chính của hắn. Hắn lẩn trốn ngoài bức tường vây thung-lũng hai ngày hai đêm giòng-giã, không ăn uống cũng không nơi trú ẩn, nghiền-ngẫm những cái bất trắc ở đời. Trong lúc suy-nghĩ miên-man hắn hay nhắc đi nhắc lại một cách hết sức hài-hước câu ngạn-ngữ trớ-trêu “Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua!” Hắn nhẩm tính thiên phương nghìn kế để chế-ngự những người mù nhưng nhận thấy rõ ràng hắn thúc thủ trên thực-tế. Hắn không có vũ khí và muốn có vũ khí lúc này mới thật gian-nan.

Ảnh-hưởng tai hại của văn-minh đã theo hắn từ Bogota, hắn chẳng thể táng tận lương-tâm đang tay gia hại một kẻ mù lòa. Dĩ nhiên nếu nhẫn-tâm được thì hắn có thể uy-hiếp họ, ra điều-kiện, hạ sát những ai không tuân theo hắn. Thế nhưng chẳng chóng thì chầy hắn còn phải ngủ?! Hắn đến rặng thông xục-xạo kiếm thức ăn và ẩn thân dưới vòm cây khi sương giá ban đêm đổ xuống và? Với không mấy tin-tưởng? Thử bắt một con đà-mã, lấy đá đập chết nó chẳng hạn, để ăn thịt. Nhưng loài đà-mã nghi kỵ hắn, nhìn hắn với cặp mắt nâu e-dè, phun phì-phì mỗi lần hắn mon-men lại gần. Đến ngày thứ nhì, hắn bắt đầu sợ và run lẩy-bẩy, rùng mình từng chập. Cuối cùng, hắn đành bò lết xuống bức tường thành, tìm cách thương-lượng. Hắn men theo bờ suối, cất tiếng gọi to cho tới khi có hai người mù bước ra khỏi cổng tiếp chuyện.

“Tôi hành-động như một thằng rồ, nhưng tôi chỉ là một kẻ khờ dại mới có nhân dạng.” hắn nói.

Họ trả lời là hắn đã biết điều hơn. Hắn nhìn nhận bây giờ hắn đã chín-chắn, khôn-ngoan hơn trước và hối-hận vì đã làm những điều xằng-bậy, không nên không phải. Rồi hắn khóc, nước mắt ràn-rụa mặc dầu không cố ý? vì hắn quá đuối sức, đầu óc choáng-váng, tối tăm mặt mũi ? họ cho đấy là một triệu chứng tốt. Họ gạn hỏi hắn có còn nghĩ hắn vẫn nhìn được không?
“Không. Nói như thế là ngông cuồng. Chữ nhìn không có nghĩa gì cả, hoàn toàn vô-nghĩa-lý.”
Họ lại hỏi trên cao có gì?
“Trên cao chừng mười đầu người có một cái mái khum-khum bằng đá nhẵn thín, che phủ khắp thế-giới.” Hắn bật khóc hu hu. “Trước khi hạch hỏi tôi, hãy cho tôi ăn cái gì. Tôi đói lả rồi!”

Hắn tưởng mình sẽ bị nghiêm-trừng, song những người mù tỏ ra biết khoan-hồng. Họ cho cuộc nổi loạn của hắn là thêm một bằng chứng hắn ngu-đần, thấp kém. Sau khi phạt trượng, họ giao cho hắn những công việc đơn-giản, nặng-nề, xốc vác nhất và hắn thấy không còn đường nào khác, túng thế, đành dằn lòng cúi đầu nhất nhất tuân theo.

Hắn ốm nằm bẹp mất mấy ngày và họ săn-sóc hắn tử tế. Điều này càng khiến hắn ngoan-ngoãn phục-tùng hơn. Nhưng họ nhất định bắt hắn nằm trong bóng tối làm hắn khổ-sở vô cùng. Thế rồi các nhà hiền-triết mù lò-dò đến thăm hắn, trịnh- trọng giảng cho hắn hiểu óc hắn còn non nớt, nông-nổi, và cực lực thống-trách hắn táo gan dám không tin có cái vung bằng đá che khắp thế-gian như lòng chảo của họ. Hắn đã bắt đầu nao-núng, tự hỏi có phải hắn là nạn nhân của ảo-tưởng khi không nhìn thấy cái vung bên trên.

Thế là Nunez nghiễm-nhiên trở nên thần dân của cái Xứ Người Mù. Những người này đối với hắn bây giờ không còn là người mù nói chung chung nữa, hắn bắt đầu biết phân-biệt từng người, trong khi cái thế-giới bên kia rặng núi càng ngày càng thấy xa-xôi và trở nên viễn ảnh. Ở đây có Yacob, chủ hắn, là một người tốt khi nào ông ta không bực mình khó chịu. Lại còn Pedro, cháu ông và Medina-saroté, con gái út ông. Trong cái thế-giới của người mù cô không mấy được ưa chuộng vì cô có một khuôn mặt sắc-sảo, bén nhọn thiếu những nét tròn-trĩnh mà người mù coi là sắc đẹp lý tưởng, nhưng Nunez thấy cô đẹp ngay từ phút đầu và bây giờ cho là cô đẹp nhất đời. Cặp mắt cô nhắm lại, lép chứ không sâu-hoắm cũng không đỏ ửng bằng mắt những người khác, tựa hồ như cô sắp-sửa mở choàng mắt ra bất cứ lúc nào. Hàng lông mi dài của cô bị coi là khuyết-điểm khiến mặt cô dị-dạng, thanh âm rành-rọt của cô không vừa đôi tai thính của những chàng nông dân quê mùa cục-mịch, thành thử cô không có người yêu.

Đã có lúc Nunez nghĩ quý hồ chinh-phục được Medina-saroté thì hắn sẽ cam tâm lưu lại cái thung-lũng này suốt đời. Hắn đã có tình-ý nên theo dõi, chờ đợi những cơ hội giúp đỡ nàng đôi chút và giờ thì hắn biết nàng cũng để ý quan-sát hắn. Một hôm, trong buổi hội họp vào ngày nghỉ, hai người ngồi sát cạnh nhau dưới ánh sao mờ, bên tai lại có tiếng đàn dìu-dặt. Hắn đặt tay lên tay nàng và cả gan nắm lấy. Thế rồi nàng âu-yếm, nhè-nhẹ bóp trả lại. Lại có một lần, khi ăn cơm trong bóng tối, hắn thấy nàng đưa tay nhẹ-nhàng tìm kiếm hắn, tình cờ ngọn lửa lóe sáng lúc ấy , hắn trông rõ nét mặt thương yêu của nàng.

Hắn lân-la tìm cách bắt chuyện với nàng. Một hôm hắn đến gập nàng khi nàng đang ngồi quay tơ, dưới ánh trăng vằng-vặc nàng chói ngời như bạc và huyền-ảo vô cùng. Hắn ngồi xuống mé chân nàng và tỏ tình, ca tụng sắc đẹp của nàng. Giọng lưỡi hắn là giọng lưỡi của một kẻ si-tình, một lòng thành-khẩn gần như tôn thờ nàng, mà nàng thì chưa bao giờ được nghe những lời đường mật. Nàng không trả lời dứt khoát nhưng rõ ràng những lời hắn thốt làm xiêu lòng nàng.

Từ đó, hễ có dịp là Nunez lại mon-men trò chuyện với nàng. Cái thung-lũng này đã trở nên thế-giới của hắn, còn cái thế-giới bên kia dẫy núi, nơi mà mọi người đều hoạt-động dưới ánh dương-quang đối với hắn bây giờ chẳng khác gì một chuyện thần tiên mà hắn sẽ kể cho nàng nghe một ngày kia. Dần dà, hắn thủ-thỉ với nàng về đôi mắt sáng nhìn được. Nhưng đối với nàng, dường như nhìn được là một ảo-tưởng vô cùng thơ mộng. Nàng lắng nghe hắn tả các vì sao, những ngọn núi, và sắc đẹp sáng ngời của chính nàng dưới ánh trăng, coi như là một hành-vi khoan-dung nhưng tội lỗi. Nàng không tin và cũng chỉ hiểu lờ-mờ độ một nửa, song nàng bị mê-hoặc và hắn tưởng như nàng đã thấu hiểu tất cả. Tình yêu của hắn bớt vẻ tôn sùng, trở nên bạo dạn hơn. Hắn quyết-định xin phép Yacob và các bô lão cho hắn kết tóc xe tơ với nàng nhưng nàng sợ-sệt xin trì-hoãn. Chính là một cô chị nàng đã mách với Yacob rằng Nunez và Medina-saroté yêu nhau.

Ngay từ đầu, cuộc hôn-nhân này đã gập trở ngại rất lớn chẳng phải vì họ đánh giá nàng cao mà thực sự vì họ coi Nunez người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, đã ngu-độn lại bất tài, dưới mức trung-bình. Các chị nàng cay cú, hết sức chống đối, cho thế là làm giảm giá, ê mặt họ và ngay Yacob, mặc dầu cũng có đôi chút thiện-cảm với người gia-nhân vụng dại nhưng phục-tùng của lão, cũng phải lắc đầu nói là không được. Các chàng thanh-niên giận-dữ khi nghĩ đến dòng giống họ bị pha trộn và một người còn đi đến chỗ thóa-mạ và đánh đập Nunez. Hắn quật lại thẳng tay. Đây là lần đầu hắn thấy sự lợi hại của đôi mắt nguyên lành, dẫu chỉ là nhìn ở một chỗ tranh tối tranh sáng. Sau trận xung-đột ấy, họ có ý gờm không còn ai dám sinh sự, khiêu-khích với Nunez. Nhưng họ vẫn khăng-khăng không chấp-nhận hôn sự của hai người. Yacob rất yêu cô con gái út nên buồn-bã khi nàng ủ-rũ gục vào vai lão khóc thút-thít. “Con thấy không, nó chỉ là một thằng đần-độn. Nó có những ảo-tưởng và sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu con ạ.”

“Con cũng biết thế” Medina-saroté thổn-thức ” nhưng chàng đã khá hơn trước nhiều. Rồi chàng sẽ khôn dần ra. Chàng lại khỏe mạnh và có tâm-địa tốt nữa cha ạ, khỏe mạnh và tốt hơn tất cả những chàng trai khác trên thế-giới này. Với lại chàng thực lòng tha-thiết yêu con và cha ơi, con cũng đem dạ quyến-luyến chàng.”

Yacob thấy con gái khóc sướt-mướt thì buồn ruời-rượi ? buồn hơn nữa là chính lão cũng mến Nunez ở nhiều điểm. Thế là lão mò đến căn nghị-sảnh không cửa sổ, nơi các vị cao niên, chức sắc hội họp, để nghe ngóng chiều hướng câu chuyện và đợi dịp xen vào.

“Thằng bé ấy bây giờ đã khá hơn trước nhiều. Chắc rằng một ngày kia nó cũng có thể trở nên lành mạnh, bình-thường như tất cả chúng ta thôi.”
Thế rồi sau đó, có một trưởng lão uyên-bác đưa ra một đề-nghị. Ông đường đường là một danh y nức tiếng, quán thông triết-học, lại giầu sáng-kiến. Ông thích chữa cái quái tật của Nunez. Một hôm, trước mặt Yacob, ông gợi lại chuyện trị bệnh cho Nunez.
“Tôi đã xem xét căn bệnh của Bogota. Bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn. Tôi cho là rất có thể chữa cho nó khỏi được.”
“Đấy chính là điều tôi mơ ước xưa nay.” Yacob đáp.
“Óc của nó mang bệnh” vị bác-sĩ mù nói.
Các trưởng lão lẩm-nhẩm gật đầu đồng ý.
“Nhưng cái gì khiến cho óc nó mang bệnh mới được chứ?”
Yacob “à” một tiếng.
“Nó chính là ” bác-sĩ tự trả lời câu hỏi của mình đặt ra. ” Nó là cái vật kỳ cục ta gọi là đôi mắt. Thật ra mắt chỉ là hai chỗ mềm-mại hơi lõm xuống để trang điểm cho khuôn mặt. Trong trường-hợp của Bogota, đôi mắt ấy có tật và ảnh-hưởng lây đến bộ não của nó. Mắt nó lúc nào cũng căng phồng, mi mắt và lông mi lại rung động được, vì thế óc nó thường xuyên ở vào tình-trạng bị kích-thích, bị hủy-hoại. ”

“Thế thì phải làm gì? phải làm thế nào? Yacob hỏi.
“Tôi nghĩ, chắc tôi không đến nỗi lầm khi tin rằng muốn cho nó khỏi hẳn chúng ta chỉ việc làm một cuộc giải-phẫu nhỏ, nghĩa là khoét hai cái vật khó chịu ấy đi.”
“Chỉ thế là nó lành bệnh được hay sao?”
“Thế là nó sẽ khỏi hẳn và trở nên một công dân tài giỏi tuyệt-vời.”
“Tạ ơn Thượng-đế đã tạo ra khoa-học. “Yacob thốt rồi lập tức chạy bay đi kiếm Nunez để báo tin mừng. Nhưng cung cách lạnh-nhạt của hắn khi tiếp nhận tin vui khiến Yacob tiu-nghỉu, cụt hứng, và lên tiếng trách:
“Cứ nghe giọng lưỡi của anh thì ra anh chẳng màng gì đến con gái ta cả!”
Phải chính nàng mới uyển-chuyển khuyên nổi cho Nunez chịu đi giải-phẫu.
“Chẳng lẽ em lại muốn cho anh không nhìn thấy gì nữa?” hắn hỏi. Medina-saroté lắc đầu.
“Thế-giới của anh là thế-giới của những người sáng mắt” nàng cúi đầu thấp hơn nữa.

“Có những vẻ đẹp trong trời đất, những vẻ đẹp nho nhỏ như bông hoa nở, cụm rêu xanh trên tảng đá, đám lông tơ phơ-phất mịn êm, áng mây trôi tận chân trời xa, cảnh hoàng-hôn, những vì sao, và cả em nữa. Chỉ riêng vì em anh cũng nên có đôi mắt sáng để chiêm-ngưỡng khuôn mặt từ-hòa, bình-yên của em, đôi môi dịu-hiền, đôi tay đẹp đẽ của em chắp lại? Chính mắt anh đã bị em chinh-phục, mắt anh giữ lại hình bóng em, thế mà những kẻ ngu-xuẩn kia lại toan hủy-diệt chúng đi? Như thế từ nay muốn tìm em anh sẽ phải sờ-soạng, lắng nghe, nhưng không bao giờ còn trông thấy em được nữa. Anh sẽ phải đến dưới cái mái khum-khum bằng đá tối-tăm, cái mái khủng-khiếp mà những người ở đây cúi mình khuất-phục. Không, chẳng lẽ em lại muốn anh làm như thế?”

Một thoáng nghi-ngờ buồn-bực dấy trong lòng Nunez. Hắn bỏ lửng câu chuyện.
“Em mong rằng đôi khi” nàng ngừng lại.
“Em mong gì?” hắn hơi lo-ngại hỏi.
“Đôi khi em mong anh đừng nói như thế.”
“Như thế là thế nào?”
“Em biết anh nói hay lắm, nhưng đấy chỉ là do óc anh tưởng-tượng ra. Em thích nó, nhưng bây giờ thì?
“Bây giờ?” Nunez rùng mình hỏi lại se-sẽ.
Nàng ngồi yên-lặng, không nói năng gì thêm.
“Có phải em định nói, em nghĩ rằng có lẽ anh nên? Tốt hơn hết anh nên?”
Hắn nhận định thật nhanh, cảm thấy giận-dữ, giận cho cái số kiếp hẩm-hiu, nhưng cũng thông-cảm cho sự thiếu hiểu biết của nàng, gần như thương-hại nàng.
“Em yêu” hắn nói và nhìn thấy mặt nàng trắng bệch đối trước những điều nàng không thể thốt nên lời.
Hắn ôm nàng vào lòng, hôn lên tai nàng, rồi cả hai ngồi yên một lúc.
“Nếu mà anh ưng thuận thì sao?” Hắn cất giọng hết sức êm-dịu hỏi.
Nàng ôm chầm lấy hắn, nước mắt lã-chã: “Nếu như anh chịu ưng thuận? Nếu anh chịu?” nàng nghẹn-ngào thốt.

Một tuần lễ trước cuộc giải-phẫu để được nâng từ thân phận nô bộc lên giai-cấp công dân mù, Nunez trằn-trọc không sao chợp mắt được. Suốt những giờ phút có ánh nắng ấm-áp và trong lúc mọi người say ngủ ngon lành thì hắn bó gối ngồi tư-lự, hay đi dạo thơ-thẩn, đắn đo trước vấn-đề tiến thoái lưỡng nan. Hắn đã trả lời ưng thuận nhưng hắn chưa thật biết mình đích thực muốn gì. Khi giờ làm việc đã mãn, mặt trời huy-hoàng nhô lên trên đỉnh núi nhuốm vàng, ngày cuối cùng còn lành mắt của Nunez bắt đầu. Hắn gập Medina-saroté mấy phút trước khi nàng đi ngủ.

“Ngày mai anh sẽ không còn nhìn thấy gì nữa” hắn thốt.
“Anh yêu” nàng nói và nắm thật chặt hai tay hắn.
“Anh sẽ không đau lắm đâu và anh vui lòng chịu đau vì em, chỉ vì em? Anh ơi, nếu quả tim và cả cuộc đời em có thể đền bù, em sẽ đền cho anh. Anh yêu dấu, người anh có giọng nói thật dịu-dàng ơi, em sẽ đền bù để tạ lòng anh.”
Hắn chạnh lòng xót-xa cho chính mình và cả cho nàng. Hắn ôm nàng trong tay, hôn lên môi, nhìn vào khuôn mặt yêu mến của nàng một lần cuối và nói: “Giã biệt em! Biệt em!”

Rồi lẳng-lặng quay gót. Nàng nghe rõ tiếng chân hắn xa dần, có cái gì trong nhịp chân bước của hắn khiến nàng bật khóc nức-nở.
Hắn vốn định tìm một nơi thanh vắng, có cỏ xanh biếc và hoa thủy-tiên trắng muốt, để ngồi chờ giờ hành-quyết, nhưng khi cất bước, mắt ngước nhìn lên trời thấy ánh bình-minh, bình-minh như một thiên-thần khoác áo giáp vàng chói-lọi đang đi dần xuống vực sâu?

Hắn có cảm tưởng đối trước cảnh huy-hoàng này, hắn cùng cái xứ mù trong thung-lũng, và cả tình yêu của hắn, nghĩ cho cùng cũng chẳng hơn gì một cái hố tội lỗi. Nunez không rẽ ngang như đã định lại tiếp tục đi thẳng, qua bức tường vây đến chỗ những tảng đá, mắt không rời cảnh băng tuyết rực-rỡ dưới ánh nắng. Hắn ngây-ngất trước vẻ đẹp vô-tận, óc vụt chuyển sang những cảnh vật mà từ nay hắn cam lòng vĩnh-viễn lìa bỏ.

Hắn nghĩ đến cái thế-giới tự-do bao-la hắn đã ly-khai, cái thế-giới của hắn, rồi thấy thấp-thoáng hiện ra những sườn núi xa xa, hết lớp này đến lớp khác, với Bogota cùng trăm vẻ đẹp quyến-rũ, tráng-lệ, nguy-nga ban ngày, long-lanh, huyền-ảo ban đêm, với những đền đài, dinh thự, nước phun, tượng đá, những ngôi nhà sơn trắng tinh đẹp đẽ phơi mình ở quãng giữa. Chỉ mất độ một ngày là có thể xuôi những sơn đạo, tiến dần đến gần khu phố phường nhộn-nhịp của nó.

Hắn nghĩ đến cuộc du-ngoạn trên sông, ngày qua ngày, từ Bogota rộng lớn đến cái thế-giới còn rộng bao-la hơn ở xa nữa, xuyên qua những làng mạc và thị-trấn, rừng núi và sa-mạc, dòng sông chẩy xiết ngày này qua ngày khác tới khi hai bờ xói mòn phải lùi vào trong, và những chiếc tầu thủy đồ-sộ phun khói đi qua, nước văng tung-tóe, thế là ra đến biển ? cái biển bất tận với hàng ngàn hải đảo, và những con tầu xa xa mờ nhạt, xuôi ngược du hành vòng quanh cái thế-giới rộng lớn ấy. Và ở đấy không bị núi non che khuất, ta nhìn rõ vòm trời, không giống cái đĩa như nhìn thấy ở đây? nhưng là một vòm trời xanh thăm-thẳm vô cùng tận trên đó có những ngôi sao đang trôi.

Hắn đưa mắt quan-sát tỉ-mỉ rặng núi trùng-trùng điệp-điệp. Giá dụ, nếu ta leo ngược cái rãnh tới cái khe núi kia thì có thể đến chỗ rừng thông cổ-thụ ở trên cao, bao quanh thạch-bàn, càng lúc càng lên cao tít tận mé trên khe núi. Thế rồi sao nữa? Con dốc có thể vượt được. Từ đó trèo lên cái vách đá dưới vùng tuyết phủ, và nếu khe núi ấy không xuyên qua được thì một cái khác ở xa hơn về phía đông có thể giúp hắn đạt mục-đích. Thế là có thể đến được khu vực tuyết ửng nắng hồng ở lưng chừng những đỉnh hoang-sơn diễm-lệ kia. Hắn ngoái cổ nhìn lại cái làng, xoay hẳn người lại nhìn nó đăm-đăm. Hắn nghĩ đến Medina-saroté, nàng đã trở nên bé nhỏ và xa-xăm. Hắn lại quay nhìn vách núi, ánh sáng ban ngày từ trên đó chiếu xuống. Rồi hắn thận trọng bắt đầu leo.

Khi vừng thái-dương lặn, hắn đã ngừng leo. Hắn vượt được một quãng xa và đang ở trên cao chót-vót. Đã có lần hắn còn leo cao hơn nữa nhưng bây giờ kể ra cũng đã cao ngất rồi. Quần áo hắn rách tả-tơi, chân tay xây-xước, rướm máu, nhiều chỗ thâm tím. Hắn nằm vật xuống ra chiều khoan-khoái, một nụ cười điểm trên môi.

Từ chỗ hắn nằm, tưởng chừng cái thung-lũng đang ở dưới đáy vực sâu cả dậm. Trời bắt đầu nhá-nhem vì sương và bóng tối mặc dầu những đỉnh núi xung quanh rực ánh sáng và lửa. Những đỉnh núi xung quanh rực ánh lửa và chi-tiết tinh-vi của những phiến đá gần đấy tràn-ngập một vẻ đẹp tế-nhị ? một vân đá xanh lục nổi bật trên mầu xám, đó đây lấp-lánh ánh sáng phản chiếu như những mảnh kính vỡ, và một cọng rêu nhỏ li-ti mầu da cam tuyệt đẹp sát ngay mặt hắn. Trong hẻm núi, bóng đêm sâu-thẳm, huyền-bí, từ mầu xanh sẫm chuyển sang mầu hồng tía, chói ngời trong đêm tối. Và trên cao là cả một bầu trời bát-ngát mênh-mông. Nhưng hắn không còn quan-tâm đến những điều này. Hắn nằm yên bất động, mỉm cười như rất thỏa-mãn chỉ vì đã thoát-ly được cái thung-lũng của Người Mù mà đã có lần hắn đinh-ninh mình được làm Vua. Ánh tịch-dương huy-hoàng vụt tắt, màn đêm chụp xuống, hắn vẫn nằm, lòng lâng-lâng thư-thái dưới ánh sao lạnh.

 

Tác giả: H.G.Wells
Bản dịch của Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Cớ gì mà không hạnh phúc

Featured image: Patricia

 

Này em.

Trên đời này, được làm người là một chuyện khó. Phật kể, có một khúc gỗ bộng trôi lềnh bềnh trên mặt biển, bị gió thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác. Lại có con rùa mù, cứ trăm năm mới ngóc đầu lên mặt biển một lần. Phật dạy, con rùa mù tìm cách chui đầu vào lỗ nhỏ của khúc gỗ trôi giạt khó khăn như thế nào, thì sinh ra được làm kiếp người cũng khó như thế ấy. Hàng triệu tinh trùng thi nhau mới có một tinh trùng gặp được trứng, bao nhiêu lần trứng rụng mới có một lần được thụ tinh. Phải tinh trùng ấy gặp trứng ấy thì mới là em, nếu không thì đã thành người khác rồi. Cái cơ duyên nó nhỏ từng ấy. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc?

Em có biết bao nhiêu cái thai phải bỏ đi trước khi được chín tháng mười ngày, bao nhiêu bà mẹ đau đớn vì mất con lúc còn sơ sinh, bao nhiêu đứa trẻ tử vong trước độ tuổi trưởng thành vì dịch bệnh, vì tai nạn, vì chết đói, có bao nhiêu em bé nhỏ tuổi hơn em mà phải lang thang bươn chải kiếm sống. Được lớn lên thành người, được cơ thể lành lặn, được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cho ăn mặc học hành. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc?

Em đã gặp rất nhiều người trong đời, đã may mắn gặp những người yêu thương em và được em yêu thương. Dù những người đó không phải lúc nào cũng trùng nhau, nhưng người không thiệt bụng thương em thì đã (hay cũng sẽ) rời bỏ em, chỉ còn lại bên em những tấm lòng chân thật, những người yêu em vì chính em. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc?

source: cosmic-rebirth

Em đã được đi vài nơi, đã may mắn thấy được nhiều cảnh đẹp trong đời, ngày mặt trời lưng núi, đêm trăng treo mặt biển, được nhìn cây cối xanh tươi, được nghe chim muông ca hót. Những phép màu giản dị ấy, ngắm mỗi ngày mà không thấy cảm động sao, thiên nhiên diễm tuyệt dường ấy, được chiêm ngưỡng mà không thấy vui sướng sao. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc?

Em, em đã biết nhiều thứ trong đời. Đã nếm mùi vui, giận, buồn, ghét, đã biết chua cay mặn ngọt ra sao. Đã biết sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, biết thân này vốn hữu hạn. Nhận thấy thời gian của mình không có nhiều trên đời, những người em mến không ở mãi bên em. Vậy cớ gì em không trân trọng phút giây hiện tại. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc.

Em, em đã nhận những điều đẹp đẽ trong đời. Nụ cười, niềm vui, nỗi buồn, nước mắt, những cái ôm và những nụ hôn. Khi em trao tặng, cũng là lúc em được nhận lại. Cho nhiều thì nhận nhiều, đời đơn giản chỉ có thế thôi. Vậy cớ gì mà em không hạnh phúc?

Em, em đã làm kha khá điều trong đời. Và những mơ ước nếu cố gắng rồi em sẽ đạt được. Vậy thì sao phải ủ dột chán nản, vậy sao phải nóng nảy lo toan. Hãy ngồi đây ta cùng em thử chén trà thơm. Mùi trà thoang thoảng hương đưa, mùi cỏ dại gió lùa ngoài cửa sổ. Nhắm mắt một lát. Thở dài thật chậm, rồi hít vào thật sâu. Thấy mình đang sống, ngay tại phút giây này. Rồi em mỉm cười, trong lòng như nở hoa.

Chẳng có cớ gì để em không hạnh phúc.

 

Rosie Nguyen

Chọn bạn cũng là một nghệ thuật!

 Photo: 

 

“Hãy chậm rãi khi chọn bạn, và càng chậm hơn khi đổi bạn.”- Benjamin Franklin

“Chọn bạn mà chơi” – chúng ta đã từng nghe thấy câu này nhiều lần, không từ bố mẹ thì cũng từ chính… những người xung quanh của mình với nhiều hình thức khác nhau. Vậy tại sao chúng ta phải chọn bạn? Vì chúng ta sẽ tiếp xúc với thế giới bên ngoài thường xuyên, những gì chúng ta làm ở độ tuổi của chúng ta dường như đều do ảnh hưởng từ người khác. Từ cách ăn mặc, đi đứng, cách nói chuyện cho đến thái độ với người đối diện…

Vậy cho đến khi nào thì chúng ta sẽ không còn bị ảnh hưởng từ những người xung quanh nữa? Khi chúng ta lên Đại học? Hay khi ta bắt đầu đi làm? Hoặc khi ta có người yêu? Chẳng có khi nào cả, vì quả Địa cầu này vẫn còn đang chứa chấp hơn bảy tỷ người!

Ngoài những mối quan hệ ta đang có, trong tương lai chúng ta sẽ còn có những mối quan hệ mới với những con người mới, và biết đâu chừng chúng ta sẽ thân thiết với nhiều người trong số đó nữa. Chúng ta sẽ mãi mãi chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh, từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động, cả thái độ và phản ứng của họ trước mỗi tình huống. Không tin thì bạn cứ thử nhớ lại xem…

Suốt mấy năm học phổ thông, ai trong chúng ta cũng đều đã từng tiếp xúc với rất nhiều các “quý nhân” phò trợ việc học hành. Bố mẹ, thầy cô liên tục nhắc nhở, đốc thúc các kiểu. Bạn bè hết kiếm chỗ học thêm này tới chỗ học thêm khác để tu luyện, lại còn rủ ta theo cho có tụ để có gì còn học tập lẫn nhau cho dễ. Ngày qua tháng lại có nhiêu đó lặp đi lặp lại. Không phân biệt học sinh chăm ngoan hay thành phần cá biệt, không phân biệt học giỏi hay học dở, sớm hay muộn cũng sẽ phải vào guồng học tập chung với tụi nó dù có muốn hay không – hoặc là học giỏi hơn, hoặc là càng học thì càng… đuối.

Như bạn thấy đấy, chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi con người và môi trường xung quanh. Khi tiếp xúc một thời gian đủ lâu, chúng ta sẽ phải tìm cách hòa nhập và điều chỉnh lại bản thân để tập thích nghi, tựa như một bức tranh trống sẽ được tô vẽ đủ các thể loại màu sắc lên trên đó vậy. Vấn đề là bản thân mình liệu có trở thành một con người tốt hơn không, hay tính tình mình sẽ vô tình trở nên tiêu cực hơn trong môi trường đó cùng với những con người đó? Vạn vật luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng, con người cũng không nằm ngoài cái vòng xoáy này…

Vì vậy việc chọn bạn mà chơi là một điều rất quan trọng. Nếu bạn chơi với những người giỏi về công nghệ điện tử, sau này bạn sẽ học được những điều liên quan đến thế giới công nghệ từ họ. Nếu bạn chơi với những người thường xuyên phàn nàn thế này thế kia, sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ bắt đầu có thái độ phàn nàn giống y như những người đó. Nếu bạn gia nhập một đội chơi game Liên Minh Huyền Thoại, sớm muộn gì các bạn cũng sẽ vào game luyện tập tác chiến cùng nhau, nếu không thì lập đội để làm gì.

Dạo trước khi chơi Facebook, tôi có add friend một vài người mà ngoài đời tôi cũng không quen thân gì, tự dưng thấy họ add thì mình add lại thôi. Nhiều khi họ hay đăng lên những cái status mang nội dung rất tiêu cực. Thỉnh thoảng đăng lên thôi thì không nói làm gì, ai mà chẳng có lúc này lúc kia. Vấn đề là mấy cái status như thế cứ lặp đi lặp lại trên news feed hoài, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần, ngày nào cũng như ngày nào chỉ có nhiêu đó chuyện! Không vì chuyện bản thân, thì cũng vì chuyện bố mẹ, bạn bè, xã hội các kiểu. Thậm chí có lần còn thấy cả một bài diễn văn kêu ca than vãn của một bạn nữ – dài tới nỗi phải bấm vô chữ See More mới xem được hết. Tưởng thế nào, té ra cớ sự là do… cái hột mụn bé tí teo nằm trên da mặt của cô nàng, đọc xong chỉ biết cười trừ cả buổi trời.

Facebook là trang cá nhân, làm gì trên đó là chuyện của mỗi người, về khoản này thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, cho dù là mạng xã hội ảo đi chăng nữa, đằng sau những cái avatar và status ấy vẫn là những con người thật. Không phải là tôi không tôn trọng họ, vì dù có muốn hay không chúng ta vẫn cần phải cố gắng đối xử và tôn trọng mọi người như nhau – đó là nguyên tắc đối xử căn bản giữa người và người. Tôi chỉ không muốn dành thời gian với người cứ có chuyện là suốt ngày oang oang lên cho thiên hạ biết, mỗi lần đọc là mỗi lần cảm thấy căng thẳng và khó chịu âm ỉ ở đâu đó. Thà lướt qua không thèm đọc nữa hoặc unfriend luôn còn hơn phí thời gian để tiêu hoá những thứ linh tinh…

Tuy vậy, việc từ bỏ các mối quan hệ trong đời thực không đơn giản như một cái click chuột trên Facebook. Nhất là sau này khi đi làm, chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với sếp cùng với những người đồng nghiệp khác ở chỗ làm. Giờ lỡ ta không muốn giữ quan hệ với một ai nữa, chẳng lẽ giờ tới trước mặt người ta mà tuyên bố phũ phàng “tôi không muốn làm bạn với cậu nữa” sao?

Thật ra không nhất thiết phải thế, chỉ cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc, có gặp mặt nhau chỉ cần nói vài ba câu xã giao là được để giữ sự tôn trọng tối thiểu cần thiết. Tìm người khác phù hợp hơn mà thiết lập quan hệ. Tìm đứa bạn khác mà chơi chung. Thậm chí chơi… một mình cũng được nữa nếu bạn cảm thấy không ai tốt hơn chính mình! Vì những người suốt ngày tỏ thái độ tiêu cực, chê bai này kia chẳng khác gì những “con giám ngục tinh thần” tựa như tụi giám ngục Azkaban trong Harry Potter vậy. Nghĩa là mới nghe thấy tên thôi đã cảm thấy chán nản và sợ hãi, một khi họ tiếp xúc với bạn là bạn cảm thấy như bị hút sức sống ra khỏi cơ thể vậy (cũng hên cho bạn là họ không có Nụ hôn chết chóc như mấy con giám ngục trong phim!).

Thế còn bạn, bạn có đang thường xuyên gặp phải những “con giám ngục tinh thần” ở trên không? Trên Facebook hay bất kỳ ai xung quanh bạn? Nếu có thì không nên tiếp xúc với họ nữa, tìm người khác! Chúng ta có thể không được chọn gia đình khi mới sinh ra, nhưng chúng ta vẫn còn có toàn quyền lựa chọn bạn bè. Người duy nhất có quyền lựa chọn này, chính là bạn đấy!

Vì những niềm đau khổ của chúng ta, đôi khi bắt nguồn từ những mối quan hệ lầm lạc…

 

Nhật Niên

Chàng trai “bự” và niềm đam mê nhỏ mang tên MIA Coffee

Photo: Ci (chàng trai trong chuyện)

 

Bạn bè và những vị khách vãng lai ở đây, Tây có, Ta có thích gọi anh chàng sinh năm 91 này với một cái tên thân mật – Ci.

2013, 2014 là khoảng thời gian chuyển biến lớn của cái đám 9x-thời-kì-đầu của chúng tôi, khi các nhà-máy-công-nghiệp – cách tôi gọi các trường Đại Học tại Việt Nam – lục tục đẩy đám gà-công-nghiệp bọn tôi… ra đường. Khác với đám chúng tôi, Huy lựa chọn một con đường khác ngay từ khi quãng đời sinh viên vượt qua được hơn nửa, hắn ta… nghỉ học.

Đám chúng tôi biết nhau vào năm 2002, lớp 6, học chung với nhau từ thuở ấy, tại ngôi trường để lại lắm hồi ức khó quên mang tên Nguyễn Khuyến, trường chuyên của Đà Nẵng. Huy không phải là đứa nổi trội gì trong lớp, nhưng thành tích học của hắn ta cũng không tệ, hắn học lên Lê Quý Đôn (cũng chuyên nốt), học Kiểm Toán tại Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng và rồi xin nghỉ ở nhà-máy-công-nghiệp này vào giữa thời sinh viên của mình.

Với nhiều người, đó là một điều khó hiểu, nhưng nếu họ biết nhiều hơn về hắn thì chắc sẽ không bất ngờ nhiều như vậy. Hiền lành, biết quan tâm bạn bè nhưng ẩn sâu bên trong hắn là một kẻ bướng bỉnh và tham vọng, thêm một ít sự “bốc đồng” – cái thứ đáng quý nhất của tuổi trẻ, bởi ta dám làm những gì ta thích, những gì ta cho là đúng mà chẳng cần quá nhiều đắn đo.

“Giờ ta có học xong, ông già ta ổng nói ổng sẽ xin việc cho ta, lương tháng 3-4 triệu gì đó, mỗi ngày ngồi đối mặt với đống giấy tờ và mấy con số, ta thấy nhàm chán với ta và ta cũng chẳng thích chút nào.” – Huy nói.

Cuối năm 2012, chính xác là ngày 22/12/2012, Mia Coffee ra đời, mang theo những hoài bão, đánh đổi bằng thời gian, công sức, thậm chí phải nhận lấy nhiều lời chỉ trích từ gia đình, bạn bè, chẳng mấy ai tin Huy sẽ thành công cả, tất nhiên tôi nằm trong số ít còn lại, ủng hộ anh chàng bằng cả sự động viên và tiền bạc. Không có quá nhiều vốn và kinh nghiệm, quán coffee mang phong cách Ý này lặng lẽ mọc lên giữa lòng phố cổ Hội An.

– “Mượn nhà của ông ta, vì là nhà ở nên ông chỉ cho phép bán tới 5-6 giờ chiều thôi, tránh ồn ào để cả gia đình còn nghỉ ngơi.”

– “Khó chứ mi, hồi mới mở sợ lắm, sợ chẳng ai thèm vô. Rồi mấy ngày đầu bán được có 10 ly, dần dà rồi 15, 20 ly, khách đã tới thì thích không gian ở đây, nhất là khách nước ngoài. Với lại mình cũng ngồi trò chuyện với họ, cứ chia sẻ chân thành thôi là quán mới mở, kinh nghiệm cũng chưa nhiều, mong họ góp ý thêm. Và thế là có nhiều khách quen, có cả mấy ông khách Tây sành coffee kiểu Ý này, rồi ổng cũng chỉ cho vài chiêu. Sau này dần dần cũng đông lên, đến bây giờ thì ổn rồi.”

– “Học nhiều lắm chứ, pha hư tới hư lui hoài, tại mình chưa có kinh nghiệm nhiều, vừa bán, vừa học cách pha chế, vừa thử nghiệm các công thức. Học được loại này xong thì học đến loại khác, học xong thì thử tìm các công thức mới, rồi học cách làm bánh để bán kèm với coffee, rồi bây giờ đang mày mò tìm ra công thức rang coffee của riêng quán mình, mấy ông Tây nói ở bên họ, mỗi quán coffee kiểu Ý đều có công thức rang riêng, đặc trưng của quán, ta cũng muốn vậy.”

Càng trò chuyện, mắt hắn ta ngày càng sáng lên, hắn lớn rồi, tôi tự nhủ. Nếu như những ngày trước, mỗi lần về Đà Nẵng là tôi phải tìm tới hắn để nói chuyện, để giúp hắn giảm stress, định hướng lại, cho hắn ta những lời khuyên bởi một thằng nhóc (lúc ấy) hiền lành, chẳng hiểu lắm chuyện đời (lúc ấy tôi cũng vậy, chỉ là tôi vào Sài Gòn và lăn lộn nhiều hơn thôi), chịu sự chỉ trích từ rất nhiều phía, mấy ai biết anh chàng chủ doanh nghiệp (tôi thích gọi vậy hơn là một cái quán) này phải gánh gồng bao nhiêu áp lực trên lưng chứ?

Mới gần đây, sau gần 1 năm rưỡi hoạt động, Mia Coffee nhận được đánh giá Certificate of Excellence 2014, xếp hạng thứ 2 của Tripadvisor – một trong những website rất lớn của giới du lịch tên khắp thế giới – trong mảng nhà hàng, quán xá tại Hội An, những vị khách Tây đã từng ghé qua đây cũng dành rất nhiều sự ưu ái và hài lòng của mình với Mia, nó không còn vẻn vẹn chỉ là một cái quán coffee, nó đã trở thành thương hiệu, mang lại thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng cho chàng trai 9x này, nhưng thôi, tôi không thích nói về tiền bạc lắm.

Tất nhiên, cuộc sống chưa bao giờ là một màu hồng. Cái ngày mà Huy quyết định nghỉ học, hắn kinh doanh một thứ khác, hắn cùng với những người bạn của mình mở một trại chó tại Hội An, chuyên cung cấp những giống chó quý, hiếm cho những người rành chơi chó. Tiếc là hắn thất bại với lần khởi nghiệp đầu tiên của mình. Xuống tinh thần, mệt mỏi, chán chường, hắn nghe theo lời rủ rê của một vài người, hắn tham gia vào mạng lưới đa cấp. Hết mời người thân đến mời bạn bè, rồi người thân của bạn bè, dần dần các mối quan hệ của hắn tụt dốc không phanh, ba mẹ thì vừa thương, vừa tức mình, hắn gần như bế tắc.

Không phải là dễ để dứt ra khỏi nơi đó, chàng trai 9x với khuôn mặt baby, tính cách chân chất, hiền lành này lại có một ý chí mãnh liệt làm hậu thuẫn, hắn đứng dậy, mày mò tìm kiếm, học hỏi, và rồi Mia ra đời, như món quà mà cuộc sống dành tặng cho hắn sau những sai lầm, vấp ngã, chua chát của cuộc đời mà không phải mấy người ở cái tuổi của hắn có thể trải qua được.

“Ta xin lỗi, mi về chơi Tết mà không đi chơi được nhiều, Tết này cả nhà ta đều ở trong Hội An, bán đông quá trời mà nhân viên ăn Tết hết rồi, ông già ta, mẹ ta đều về làm chung với ta luôn.”

Sau một vài lần khó khăn lắm mới ngồi lại được với nhau, hắn lại tất bật chạy vào Hội An, cùng bố mẹ tranh thủ bán luôn cả những ngày Tết. Ừ, cả bố mẹ của mình, hắn ta lại có một gia đình hạnh phúc, không phải là sự nghi ngờ, chán nản, thất vọng nữa. Hắn cũng có những đứa bạn như bọn tôi, những kẻ chơi với nhau hơn chục năm mà chưa thấy chán đứng sau lưng. Hắn còn có những giấc mơ, hoài bão của mình nữa.

Hắn xứng đáng với những điều đó.

 

Ưng Đen

Tôn giáo và bán hàng đa cấp

Photo: Xanh Thẳm

Ở cách xa trung tâm thành phố, nên cũng ít đi đâu ra khỏi phạm vi 1km, bữa có cái voucher đi ăn, xách xe với bạn lên quận 1 ăn mà giống như gái nhà quê lớ ngớ lên thành phố vậy, mới đây thôi mà cuộc sống thay đổi nhiều quá. Hàng ngày cũng mấy việc nhà lặt vặt, đọc sách, đi chợ nấu nướng, viết blog, ghi chép nọ kia, thế là xong hết ngày này qua ngày khác.

Bữa nào lòng hoang hoải quá, thì xách xe chạy xuống chùa Phổ Quang, cũng chẳng nghĩ ra nơi nào khác để đi, ngồi trên tầng 1, trong một xó xỉnh đen ngòm không ai nhìn thấy, để nhìn xuống dưới và thấy người ta đang di chuyển, cầu nguyện, làm như vậy, mình có cảm giác mình là con người, cũng hòa nhập với người ta theo kiểu nào đấy, chứ không hoàn toàn cô độc.

Tầng 1 của chùa họa khi cũng có một vài người gì đấy, nhưng hiếm, còn tầng 2 thì hình như hoàn toàn không có ai. Mình ngồi đấy, để thấy cái thế giới này, đầy rẫy những con người hoang mang, lạc lối trước hướng đi cuộc đời, ngờ vực với tất thảy những gì mình đã chọn lựa, cố biện bạch cho con đường mình đang đi rằng nó là con đường đúng đắn và chính xác, nhưng trong lòng đầy rẫy những câu hỏi nghi vấn.

Những con người trong tôn giáo, đa số họ, chẳng khác nào một thành viên của hệ thống bán hàng đa cấp, thời gian đầu họ mừng rỡ như tìm ra được hướng đi cuộc đời, họ thao thao bất tuyệt, khuôn mặt họ sáng rực rỡ như cuộc đời đã không bất công mà đưa đến cho họ một con đường đi đến tương lai mà có lẽ họ đã luôn ao ước, rồi sau đó, dần dà họ hoang mang, họ nghi vấn, khuôn mặt họ ánh lên sự sợ hãi, họ không biết mình lựa chọn đúng không, tại sao rất nhiều thứ họ không vượt qua được, tại sao lại khó khăn như thế, và tại sao có những phản bác họ lại có lý như thế, như thế.

Những con người đó, mặc cho những hoang mang trong lòng, hiện rõ lên trên khuôn mặt, họ vẫn cứ thao thao bất tuyệt, họ nói càng nhiều hơn nữa, để bảo vệ cho con đường họ đã lỡ lựa chọn của mình, họ sợ, họ sợ, họ không có khả năng tự phản bác chính với những định kiến lúc trước của mình, họ phải bảo vệ nó bằng mọi giá, dù đúng dù sai, rồi họ dụ dỗ người khác vào, họ rêu rao những giá trị mà họ nghi vấn, họ rêu rao tất cả những câu hỏi của họ, rồi biến nó như một lời khẳng định.

Mạng lưới như thế ngày càng được nhân rộng, họ có sự hậu thuẫn của đám đông, cho dù họ không hiểu một tí gì về những gì họ rao giảng, họ không hiểu tí gì về bản chất của chúng, nhưng không sao, họ có sự hậu thuẫn của đám đông, họ có cả triệu người đang giống như họ, hoang mang như nhau, nhưng lại hợp tác để nói ra những lời không làm tổn thương nhau.

Họ điên thật rồi, làm sao có thể tin vào một điều gì đó chỉ vì người khác cũng tin như vậy, làm sao họ lại khùng điên như thế.

Tội nghiệp họ, tội nghiệp tất thảy những con người, tội nghiệp chính mình.

 

Xanh Thẳm

Đôi dòng về chuyên ngành y khoa (của một sinh viên y đang trước ngưỡng chọn chuyên ngành)

Photo: DIBP images

 

Là một sinh viên chưa sắp ra trường, nhưng hẳn ai cũng luôn đã tự định hình hướng đi của mình sau này ngay từ khi bước vào giai đoạn “nửa sau” của những năm đại học (từ năm 4 trở đi, sinh viên y khoa đào tạo 6 năm). Nếu như bạn ưa thích ngành đó, nếu bạn đang học ngành không thích mà vẫn định hướng mình sẽ phải sống với ngành đó, bạn cũng phải chọn cho mình hướng đi sau này.

Vào học Y, dĩ nhiên không hẳn là bạn thích Y. 1/3 sinh viên vào học Y là vì gia đình mong muốn. 10% sinh viên Y ra trường làm trái ngành (có lẽ là thấp nhất trong tất cả các ngành, nhưng nếu bạn hiểu được công sức đã bỏ ra để học Y nhiều đến mức nào thì cũng hiểu được, đây là lựa chọn rất đáng tiếc).

Bạn tôi tham gia trao đổi giữa các trường đại học Y Khoa với bên Úc, đi về nói rằng, một trong những nguyên nhân mà người ta muốn sinh viên phải đến tuổi 20, 22 mới xác định có đi theo ngành Y hay không (ở bên Mỹ phải theo học tốt nghiệp cử nhân về các lĩnh vực hóa sinh mới được xét tuyển theo học ngành Y) là để cho họ cân nhắc có sự lựa chọn chắc chắn về ngành Y, để không phải rơi vào hối tiếc, cảm thấy muốn bỏ nghề như bây giờ. Nhưng Đức, Nhật cũng đào tạo Y Khoa 6 năm, Trung Quốc còn thấp hơn Việt Nam: 5 năm, vậy thì không lẽ những quốc gia này cũng có tình trạng sinh viên lầm lỡ như Việt Nam mình. Ngoài Trung Quốc ra, tôi nghĩ 2 nước còn lại thì không.

Nhưng thôi tạm dừng nói về chuyện Y Khoa nói chung đi, bây giờ hãy nói về chuyện chuyên ngành trong Y Khoa.

Y Khoa có nhiều ngành với 4 chuyên ngành chính là Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Đó cũng là các môn được học nhiều nhất trong trường đại học và khi tốt nghiệp ra trường sinh viên có khả năng và bắt kịp các chuyên ngành này nhất. Các chuyên ngành còn lại học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và khi ra trường muốn theo đuổi phải học thêm (ví dụ như Gây Mê Hồi Sức, Ung Bướu chỉ được thực tập… 2 tuần!)

Do đó, sinh viên ra trường vẫn có xu hướng chọn trong 4 ngành này hơn. Trong 4 ngành này, Sản được xem là cái mỏ vàng. Nhi cũng “tiềm năng” kiếm tiền lớn (với tâm lý người ta sẽ không tiết tiền để chi những gì tốt nhất cho con mình, cứ xem quảng cáo sữa giá cao ngất trời mà vẫn bán đắt như tôm tươi thì biết). Ngoại phải đào tạo lâu, yêu cầu nhiều sức (về cả thể chất và tinh thần), trực nặng nề, kiện tụng nhiều… làm người theo toàn chủ yếu “nam to cao”. Còn lại Nội khoa, 4 phân môn của Nội là Tim Mạch, Tiêu Hóa, Thận, Hô Hấp, Tim Mạch “trỗi dậy” như một công cụ kiếm tiền lớn nhất. Một phần vì bệnh tim mạch hiện nay rất nhiều, phần khác là do đối tượng bị bệnh tim mạch thường là có dư dả, và do đó làm phòng mạch kiếm tiền đến mức “phải đếm bằng máy đếm tiền” mới xuể.

Nói theo lời một người bạn: “Mấy bệnh tim mạch toàn xảy ra đối tượng giàu sang, ăn nhậu nhiều đến béo phì, dù sao thì kiếm tiền trên kẻ giàu cũng đỡ áy náy hơn người nghèo.” Điều tương tư cũng thuộc về Tiêu Hóa với các bệnh gan mật. Vậy là Hô Hấp choáng váng đôi chút với mấy bệnh lao, COPD dành cho những người ở môi trường không khí ô nhiễm, dơ bẩn. Thận “khóc ròng” vì bệnh nhân Thận rất nghèo, mà bệnh nhân có giàu cũng sẽ thành nghèo, vì bệnh thận có thể biến kẻ giàu thành kẻ nghèo trong thời gian ngắn, cứ thử vô bệnh viện hỏi thăm những người bị suy thận mạn, những bệnh nhân phải chạy thận mà xem.

Vậy là sau này nếu bạn gặp trường hợp bị bác sĩ “nhũng nhiễu”, hãy thử xem xem mình đang bị bệnh gì? Nếu bạn bị bệnh Thận hay Nhiễm, có lẽ bạn nên thông cảm với họ chăng? Vì họ phải khó khăn để duy trì cái cán cân “cơm áo gạo tiền”? (mà trên thế giới, những ngành này cũng thuộc những ngày trả lương thấp nhất, nhưng vì lương bác sĩ bên nước ngoài vốn đã cao nên cho dù có “thấp” bên họ cũng dư sức chi trả cuộc sống, là mức lương mơ ước ở Việt Nam) Nhưng chắc bạn cũng khó gặp những đối tượng này lắm, vì những người theo chuyên khoa này phải có một lòng yêu nghề rất lớn, và tâm hồn thật thanh thản, y đức thật vững vàng để có thể thương yêu hết lòng bệnh nhân mà không cần trả lại, dù cho cuộc sống còn khó khăn.

Còn nếu bạn là sinh viên Y, thấy bạn bè chọn Sản, Nội Tim Mạch nhiều quá, vì yêu thích (phần ít) vì muốn kiếm tiền (phần nhiều); hãy cân nhắc lựa chọn dựa trên yêu thích và năng lực của mình. Nếu bạn vẫn quyết định chọn vì mong muốn kiếm được tiền nhiều, thì cứ chọn đi, và hãy cố học tập cho tốt, nó sẽ giúp cho cả bệnh nhân và cho bạn. Nhưng nếu sau này bạn rơi vào tuyệt vọng và chán nản vì chọn sai sự yêu thích của mình, cảm thấy bế tắc, thì tôi mong bạn đau khổ thật nhiều, chua chát thật nhiều, vì thứ bạn đã đánh mất chính là bản ngã của mình.

Còn nếu chuyện gì xảy ra khiến Tim Mạch rơi xuống và một số ngành khác vượt lên “kiếm tiền nhiều hơn”, ví dụ như nạn dịch nào đó xảy ra kiến Nhiễm lên ngôi, mà bạn vì yêu thích mới vào Tim Mạch, vì hãy vui sướng và tự hào đi. Bạn biết rõ bạn là ai và phải làm gì mà!

 

Ice Mask