25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 217

Quyền tự do bất khả phân: Tự do cá nhân, tự do chính trị, tự do kinh tế — Douglas Bandow

Featured image: IllinoisPolicy
(Tạm dịch: “Một trong những sai lầm lớn chính là đánh giá các chính sách và chương trình qua ý định của nó thay vì kết quả của nó.” — Milton Friedman (Nobel kinh tế 1976)

 

Hầu như ai cũng ủng hộ tự do. Ít nhất là họ nói rằng họ ủng hộ tự do. Các chính trị gia hùng hồn khi nói về những quyền tự do của nước Mĩ nói chung. Không khó tìm những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận và tự do dân sự. Các chiến sĩ nhanh chóng đứng lên chống lại những mối đe dọa đối với quyền riêng tư. Và hầu hết mọi người đều cảm nhận được bằng trực giác rằng những quyết định riêng tư của cá nhân và gia đình là những quyết định không liên quan gì tới chính phủ hết.

Nhưng khi nói về quyền tự do kinh tế thì nhiều người lại thay đổi ngay giọng điệu. Cứ như thể tự do kinh tế không đáng quan tâm vậy. Thực vậy, khía cạnh này của tự do dường như bị loại ra, dễ bị nhà nước kiểm soát và điều tiết. Một số người nồng nhiệt tuyên bố trung thành với tự do lại ngậm miệng khi thấy quyền sở hữu, quyền kinh doanh và tự do kí kết hợp đồng bị tấn công.

Sống cuộc đời bạn bằng hầu bao của bạn

Hiện nay Quốc hội và các cơ quan lập pháp của nhà nước (Mĩ – ND) đang tìm mọi cách để điều kiển cuộc sống của chúng ta. Một số mệnh lệnh dân chủ đó nhắm vào cả công việc riêng tư lẫn hoạt động kinh tế của chúng ta. Thí dụ Chương trình “cải cách” y tế trao quyền cho chính phủ để họ có thể tăng cường kiểm soát những quyết định về mặt bảo vệ sức khỏe của chúng ta cũng như chúng ta phải chi tiền cho việc này như thế nào.

Như vậy, công việc chính mà những nhà làm luật này làm là lèo lái nền kinh tế. Họ đưa ra những lý do cao thượng: tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo công bằng, xóa đói giảm nghèo. Mấu chốt là gần như tất cả những gì họ làm đều đòi hỏi chính phủ phải vi phạm quyền tự do kinh tế.

Các nhà làm luật ít khi công nhận rằng họ đang hạn chế quyền tự do của bất kì ai. Họ thường tuyên bố rằng phải bảo vệ người tiêu dùng. Trên thực tế, giới tinh hoa chính trị đã tạo ra hai loại quyền tự do: những quyền tự do quan trọng và tự do kinh tế. Nếu vấn đề là quyền tự do chỉ trích chính phủ, quan hệ tình dục, lựa chọn bạn đời hoặc bảo vệ cuộc sống cá nhân riêng tư thì ít nhất hầu hết các chính trị gia cũng đều nói rằng đây là những quyền tự do quan trọng, cần phải bảo vệ. Trong khi đó một số người ủng hộ một cách quyết liệt sự can thiệp vào kinh tế lại khẳng định rằng những quyền tự do cá nhân vừa nói là những quyền tự do căn bản, phải được tôn trọng.

Ngược lại, nếu bạn quyết định thành lập doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề, nơi làm việc, thu nhập bao nhiêu, thời gian làm việc, nơi đăng quảng cáo, sản xuất cái gì, thuê ai, và chi tiêu như thế nào – thì những người có quyền lại coi những quyền này là không quan trọng. Chính phủ không chỉ được phép điều tiết các hoạt động kinh doanh mà còn cần phải điều tiết nữa, họ nói như thế.

Mục tiêu cao cả hơn

Đối với đa số người, quyền phản kháng dường như là cao cả hơn quyền kinh doanh hay kiếm sống. Hoạt động kinh tế dường như là công việc trần tục. Lựa chọn bạn đời hay là làm tình có tính cá nhân hơn là mua một sản phẩm hay thuê người làm công. Và khả năng bảo vệ sự riêng tư đời sống cá nhân dường như trở thành cốt lõi của con người. Mua và bán trên thương trường bị nhiều người coi là việc bình thường.

Nhưng tự do kinh tế quan trọng hơn là người ta có thể tưởng. Chúng ta có thể phấn khích khi thấy người ta sử dụng quyền tự do cá nhân và tự do chính trị cho những mục đích “cao cả hơn”. Nhưng có thể không có gì quan trọng hơn là quyền tự do cải thiện cuộc sống của chúng ta, quyền chăm tự sóc mình và gia đình mình theo cách mà chúng ta cho là thích hợp.

Trong thế kỉ XX chúng ta đã có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu tự do kinh tế có tạo ra thịnh vượng hay không. Nếu bạn muốn có một tương lai tốt đẹp hơn thì bạn cần phải có tự do kinh tế.

Nhưng tự do kinh tế còn mang đến cho ta nhiều hơn là mấy đồng tiền và mấy đồng xu. Phần lớn mọi người đều coi lao động là sản phẩm tự nhiên của chính họ. Thị trường tưởng thưởng cho tính trung thực, tinh thần lao động cần cù, sáng kiến, lòng nhiệt tình và những đức tính tốt khác nữa. Tự do kinh tế cũng là một cơ hội để thúc đẩy lòng tin của chúng ta, giúp chúng ta thành công, giúp chúng theo đuổi hạnh phúc và phát triển như một con người. Bạn có dùng những thành quả g lao động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ những sự nghiệp tốt đẹp, hoặc tạo ra những khoản đầu tư vững chắc không?

Nói cho ngay, khi bạn ra trường thì quyền tự do quan trọng nhất có thể chính là quyền tự do làm việc để có thu nhập và tiết kiệm. Những quyền tự do khác – ví dụ như bầu cử hay phản đối – dĩ nhiên là quan trọng rồi. Nhưng quyền tự do cấp bách nhất bao gồm tự do chọn nghề hay ít nhất là tìm việc làm. Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Bạn dùng phần lớn cuộc đời mình cho cái gì? Bạn dùng phần lớn thời gian thức của mình ở đâu? Trong lĩnh vực kinh tế.

Tự do kinh tế còn có những hiệu ứng phụ quan trọng nữa. Quyền tự do trong lĩnh vực này sẽ khuyến khích quyền tự do trong những lĩnh vực khác. Ví dụ, đồng tiền mà bạn không kiếm được hay không giữ được thì bạn cũng không thể chi được cho sự nghiệp chính trị hay xã hội cao thượng.

Quyền tự do báo chí không chỉ là quyền nói mà còn là quyền mua phương tiện để nói nữa. Ở một số nước, chính phủ kiểm soát việc cung cấp giấy in và việc tiếp cận với sóng phát thanh. Tại những nước đó, tự do báo chí bị đe dọa. Cần gì phải kiểm duyệt khi mà người ta có thể dùng phương tiện kinh tế để bịt miệng những người chỉ trích? Nhưng sự phổ biến của máy tính, máy fax, điện thoại cầm tay và Internet làm cho những chính phủ độc tài, thí dụ như Trung Quốc, khó kiểm soát được số dân đang tăng lên của họ.

Hơn thế nữa, sự thịnh vượng kinh tế tăng lên sẽ khuyến khích người dân sử dụng quyền tự do chính trị. Nếu con bạn bị đói thì bạn sẽ phải lo cho chúng ăn. Nếu con bạn được ăn no và khỏe mạnh thì bạn sẽ có điều kiện lo lắng đến những việc khác – thí dụ như ủng hộ một sự nghiệp, một ứng cử viên hay chiến dịch tranh cử. Ở những nước có những người giàu hơn – tương tự như Mexico, Nam Hàn và Đài Loan – số người thuộc thành phần trung lưu đang gia tăng sẽ buộc giới tinh hoa chính trị phải lùi bước. Điều đó cuối cùng có thể cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc.

Tự do kinh tế có ý nghĩa lớn hơn là lời và lỗ. Tự do kinh tế phù hợp với xã hội tự do rộng lớn hơn, trong đó người ta có thể tự do tiếp cận với các nguồn lực dùng cho một loạt những mục tiêu khả dĩ khác nhau. Trong các nước đã phát triển, nhiều người từ bỏ công việc kinh doanh để có thời gian phục vụ cộng đồng hay suy tư, chiêm nghiệm. Bạn có thể làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận, vào chủng viện, thành nghiên cứu sinh suốt đời hay đi tu. Và bất cứ người nào cũng có thể rút lui khỏi phần lớn các lĩnh vực hoạt động kinh tế. Nếu bạn không thích sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang bán, bạn có thể đơn giản là bỏ đi. Hay bạn có thể tìm ra một nhà cung cấp khác, thí dụ như hợp tác xã thương nghiệp địa phương. Xã hội càng giàu có thì những kiểu lựa chọn như thế sẽ càng nhiều hơn.

Bất khả phân

Cuối cùng, thành công về kinh tế tạo điều kiện cho người ta sử dụng một cách đầy đủ hơn lợi thế của những quyền tự do khác. Kiếm được một ít tiền rồi chu du khắp thế giới, đi làm nghiên cứu sinh, xuất bản một tờ báo, ủng hộ quỹ từ thiện, ủng hộ một chiến dịch hay một chính khách mà bạn chọn. Tạo ra mạng dịch vụ trực tuyến – như Twitter hay Facebook— và trao quyền lực chính trị vào tay những người đối lập và người phản kháng trên khắp thế giới. Hay dựa vào một tài khoản trong ngân hàng để chuyển nghề, dù đấy có là ngắm cái rốn của bạn hay giúp đỡ nhân loại thì cũng thế. Những người có ít quyền tự do kinh tế cũng sẽ có ít những lựa chọn tương tự như thế.

Điểm chính là gì? Quyền tự do là bất khả phân. Quyền tự do kinh tế cũng quan trọng như quyền tự do cá nhân và quyền tự do chính trị vì quyền tự do cá nhân, quyền tự do chính trị và quyền tự do kinh tế là những sợi làm nên cùng một cái dây: quyền tự do. Như vậy là, bảo vệ quyền tự do dưới mọi hình thức là con đường duy nhất đưa ta tới và giúp ta bảo vệ được xã hội tự do.

****

Douglas Bandow là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato, ông là tác giả của một loạt tác phẩm viết về kinh tế và chính trị.

*****

Tác giả: Douglas Bandow
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường

Bình luận ngay tức thời: Một cách “rèn” nói/viết không cần suy nghĩ!

Featured Image: Tomek

 

Tất cả chúng ta ở đây đều bình luận, mọi nơi, mọi lúc, bất cứ khi nào muốn và có thể. Một điều đáng buồn cười là không ít người (tất nhiên trong đó không có bạn) gọi đó là tự do ngôn luận. Thế nào là tự do và thế nào là tự do ngôn luận? Hãy suy nghĩ về điều đó trước khi bạn cho rằng việc thoải mái bình luận là tự do ngôn luận.

Quay lại chủ đề chính, thế nào là bình luận ngay tức thời? Bản thân tôi định nghĩa nó là hiện tượng khi người ta tiếp nhận điều gì đó và đưa ra bình luận, kết luận trong vòng chưa quá 30 giây, một phút suy nghĩ về nội dung của tin tức, nội dung bình luận sẽ nói/viết, hay mục đích khi bình luận… Ví dụ rất kinh điển là bình luận facebook.

Giả sử, tấm ảnh trên (Doraemon chế) được đăng tải trên fanpage Hội đỡ không nổi những người khó đỡ, Vozforums.com hay Haivl.com. (Xin lỗi ban quản trị, tôi lấy ví dụ trang các bạn vì đây là trang có nội dung thuộc thể loại này, có nhiều người ở nhiều tầng lớp theo dõi nhất mà tôi biết, hoàn toàn không ác ý gì cả.) Bạn sẽ nghĩ bạn sẽ bình luận cái gì, không bình luận cái gì?

Phản ứng thường thấy của số đông là bình luận ngay những ý kiến xuất hiện trong đầu (nếu có cảm giác muốn bình luận) rồi nhanh chóng lướt đến cái tiếp theo. Còn bạn, bây giờ, khi được đánh động rằng bức ảnh và thông điệp có vấn đề, bạn có hay không bận lòng đặt những câu hỏi như: “Điều gì, hoàn cảnh, tâm trạng nào khiến tôi đưa ra kết luận như vậy? Bạn đang ở tâm trạng hoàn cảnh nào trong khi tiếp cận, tiếp thu kết luận này? Người khác sẽ bình luận cái gì? Tại sao người A nghĩ thế này, người B cho rằng thế kia? Còn điều gì mà bạn bỏ sót? Tại sao tôi lại chọn Doraemon để minh họa? Có thật là bạn đã hiểu được ý đồ và thông điệp của tôi?…” Bạn có hay không đọc lại lần nữa để tìm kiếm phần chìm của tảng băng trôi trước khi bình luận bên dưới, chia sẻ cho bạn bè hay chọn lướt qua để xem đến cái tiếp theo?

Dù bức ảnh chưa đăng lên những trang trên, vẫn có thể đoán được rất nhiều người sẽ vội vã kết luận, vội vã bình luận, chia sẻ và rồi vội vã lướt qua. Đến cuối cùng, họ quên béng thứ mà họ chưa kịp nghĩ về nó một cách nghiêm túc, chưa biết nó thật sự là cái gì. Tất cả mọi hành động, phản ứng đều thực hiện theo một trình tự như một thói quen. Và tất cả chúng ta nhìn thấy điều đó, tham gia vào nó và bị cuốn vào nó mọi thời khắc, mọi nơi cho phép bình luận!?! Bạn không đồng ý, rất tốt. Tôi thích điều đó, vì nó chứng tỏ bạn có suy nghĩ.

Mục đích của tôi khi đăng bức hình là để hướng bạn đến một điều khác mà thông điệp có thể ám chỉ (tất nhiên, không phải thông điệp chính), giúp các bạn trải nghiệm cảm giác bị lừa đảo tốt nhất và giảm thiểu cơ hội đoán ra thông điệp chính trong đó. Thất bại của người khác là thành công của bản thân, theo ý đồ ban đầu của tôi, là học hỏi từ thất bại của kẻ khác, để trả giá rẻ nhất và hiệu quả nhất cho một bài học trên con đường đi đến thành công. Trừ khi bạn tìm kiếm một điều khác trong thất bại ấy, bạn hoàn toàn không cần thiết tự trải nghiệm thất bại ấy thêm nữa. “Hãy cố gắng học hỏi tất cả từ thất bại của tất cả mọi người xung quanh(*)”. Đó là thông điệp đầu tiên. Liên tưởng xa hơn một chút, bạn có biết ai là những người thất bại nhiều nhất không? Những người thành công nhất. Vì thế, thông điệp thứ hai và cũng là thông điệp chính có nội dung như sau: “Hãy học hỏi thất bại từ những người thành công nhất, đó là cách khôn ngoan nhất để leo lên vai những kẻ khổng lồ (**)”.

Bạn có hay không đọc một tin tức buổi sáng, dành cả ngày để suy nghĩ về điều đó và tối về mới bình luận? Bạn có bao giờ định nghĩa thế nào là văn hóa bình luận? Không cần quan tâm người Đức, Ý, Mỹ, Nhật có xem trọng văn hóa bình luận hay không, hãy chất vấn chính bản thân mình: bạn có hay không tự đánh giá về văn hóa bình luận của mình không? Bạn nhìn nhận “trình độ văn hóa bình luận” của mình đang ở mức nào? Bạn có bao giờ nghĩ nâng cao văn hóa bình luận mỗi ngày, mỗi bình luận không? Nếu quan tâm, bạn đã làm gì để nâng cao trình độ văn hóa bình luận của bản thân? (Nâng cao thông qua đọc bình luận của người khác? Có thể đúng, nhưng việc đọc bình luận nhiều lúc vì thỏa mãn sự tò mò của bản thân, tìm kiếm sự đồng tình hơn là để chiêm nghiệm góc nhìn của người khác.) Bạn có hay không đọc những ý kiến bất đồng với của mình để hiểu hơn về họ, để mở rộng thế giới quan của bản thân?

Thật hiếm khi chúng ta tự răng đe, nhắc nhở chính mình phải chú trọng văn hóa bình luận. Thay vào đó, tương tác nhanh chóng cho phép bình luận và nhìn thấy phản hồi ngay tức thì khiến con người tự ảo tưởng, tự hối thúc chính mình trả lời nhanh nhất khi có ý nghĩ lóe ra trong đầu, mà không cần chờ đợi thêm một khắc “dư thừa” nào cả. Đó là lúc chính thức rơi vào trạng thái nói mà không suy nghĩ. Khi đọc, chúng ta bận tiếp thu và kết luận, khi bình luận, chúng ta lại bận nói/viết. Vì thế, ta chẳng có đến 7 giây để ghi nhớ, 8 giây để cân nhắc lại hoặc 9 giây để suy nghĩ về những quan điểm trái ngược với mình. Chúng ta thường “tiết kiệm” 30 giây suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề trước khi đưa ra kết luận và bình luận (vì không đợi được cái tiếp theo, có lẽ vậy).

Bình luận ngay tức thì, một thói quen tệ hại đang ăn sâu vào mỗi người một cách vô thức, khiến họ “rèn” kỹ năng nói/viết mà không suy nghĩ (dưới cả mức thiếu suy nghĩ). Không chỉ bình luận viên, MC, người dẫn chương trình… là người phải quan tâm đến và chịu trách nhiệm với văn hóa bình luận của bản thân. Tất cả mọi con người, nếu có bộ óc để suy nghĩ thì sẽ có bộ óc để bình phẩm, vì thế hãy quan tâm đến và chịu trách nhiệm với văn hóa bình luận của bản thân một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, đừng bình luận, cảm thán, thích hay chia sẻ gì cả, hãy dành thời gian đó để suy nghĩ. Nếu có thêm thời gian, hãy suy nghĩ trước khi bình luận.

(*) Nếu bạn đoán đúng thông điệp đầu tiên, cho tôi xin làm quen nhé.

(**) Nếu bạn đoán đúng thông điệp thứ hai, cho tôi xin kết làm chiến hữu với. 😉

 

Hương Võ

Đà Nẵng và chuyện giỏi địa lý, hiểu con người để làm kinh tế

Featured Image: Nguyen Minh Son

 

Hồi đó tui ghét môn Sử, không thích môn Văn nhưng lại hứng thú với Địa Lý, kỳ lạ hén. Sau này một người thầy nói với tui rằng phải giỏi Địa Lý mới làm kinh tế được, vốn thích tiền (và những người có nhiều tiền) nên tui thích liền, ngẫm nghĩ cũng ra được lắm thứ… Tui chọn Đà Nẵng trong bài viết này vì đó là nơi tui sinh ra và lớn lên, cũng là nơi tui quen thuộc nhất, hiểu rõ nhất, hay ít ra là tui nghĩ như vậy.

Chuyện ăn:

Cách đây 2 ngày, một người bạn của tui vào Xì Phố chơi, dẫn nó đi ngang qua Phạm Ngũ Lão, thế là con bé bật thốt lên:
– Ý Burger King kìa, nhìn mà nhớ ghê á mi, Burger King ở Đà Nẵng vừa đóng cửa tuần trước rồi.

Ừ thì, một thương hiệu đẳng cấp thế giới đấy, bước vào cái dải đất hình chữ S này với hình ảnh cao to vạm vỡ, kết hợp với tâm lý chuộng ngoại của người Việt, thế mà vẫn thất bại ở một trong những thành phố lớn nhất của Việt Nam, lạ thật.

Burger King không phải là gã bự con duy nhất gục ngã tại đây, trước đó một thời gian, Jollibee cũng phải âm thầm rút lui khỏi thành phố đầy thơ mộng này. Họ lớn, khỏe thiệt, cơ mà chết là cứ chết thôi…

Một loại đồ ăn khác tràn ngập Xì Phố là “bánh tráng trộn”, khi mà các xe bánh tráng mọc lên như nấm, các gánh hàng rong đều treo lủng lẳng vài gói bánh tráng, dăm ba trái xoài và một con dao để hành nghề, các “thương gia” ngửi thấy mùi cơ hội, một thị trường khổng lồ mới mà trước giờ chưa có cái loại hàng khoái khẩu này. Thế là cái món ăn vặt nức tiếng này theo gió đầu mùa thổi quét cả thành phố Đà Nẵng để rồi nhanh chóng chết dần chết mòn, chỉ còn lại vài ba xe thật sự rất tuyệt vời về cả chất lượng lẫn giá cả thì trụ vững, còn lại chết yểu cả! Kỳ lạ nhỉ, hay người Đà Nẵng không phải… là người ta cà?

Rồi các nhà hàng hạng trung trung cũng mọc lên, giá một món chừng 50-60k, cũng rất được chuộng ở Xì Gòn, không gian tuy không quá sang trọng nhưng cũng lịch sử hơn hẳn các quán góc với bàn nhựa và cái ghế cùng nguyên liệu nhỏ xíu, với tham vọng hút sạch thành phố siêu dễ thương này để rồi chịu chung số phận với Burger King, Jollibee và bánh tráng trộn. Chi mà ngược đời dữ vậy nè?

Thực ra là vầy, Đà Nẵng bé xíu, xa lắm chạy xe 15 phút tới nơi, thế là quán ăn nào ngon, rẻ là lắm kẻ ăn ngay. Dân ở đây cũng chất phác, thật thà, thôi thì thức ăn nhanh á, ăn quen Lotteria và KFC rồi, cũng hay khuyến mãi và giá rẻ nữa, cái chi đã lỡ yêu thì chung tình dữ lắm, thôi thì tạm biệt cô nàng Burger King tuy sang hơn xíu nhưng chảnh chọe về giá cả quá, cũng là người lạ, người lạ thì tui ngại, ngại thì từ từ quan sát đã nghen…

Chưa kể lâu lâu “thèm của lạ” mới mần thức ăn nhanh thôi, thiếu chi món ngon, rẻ mà no nữa, bún bò giò gân nè, phở nè, cơm gà nè, hủ tiếu nè, mỳ quảng, bún mắm, bún thịt nướng nè, bún chả cá, xôi gà nè, ôi thôi tùm lum thứ, vừa dân dã, vừa ngon. Chưa kể cơm nhà nữa nè, truyền thống ở đây là bữa trưa bữa tối phải đủ mặt thành viên trong gia đình, ăn chung, coi thời sự nó mới ra cái nhà, bữa nào buồn mới ra tiệm chơi. Rồi người dân miền Trung hay có thói quen cần kiệm, thay vì 20k lên 21k còn được, lên hẳn 70-80k/bữa thì khó quá à nha. Vậy nên không chết cũng uổng!

Đúng là bánh tráng trộn trước kia hổng có ở miền đất lành này, những tưởng đâu thị trường to bự chảng, nhưng lầm rồi, từ cả gần chục năm về trước thì đám học sinh đã kéo nhau ra những quán... bánh tráng kẹp mà măm rồi, hồi đó chỉ vài ba chỗ dưới khu Huỳnh Thúc Kháng, sau này thì đầy, kẹp nướng đủ các loại nhân, nước chấm tới 6-7 loại, khách muốn ăn loại nào tự múc loại ấy cho hợp khẩu vị, chu choa là nó thích, tự dưng đi ăn cái bao ny lông bánh tráng trộn khô ngoét kia mần chi? Chết là phải rồi! Nhà tui thích nui chó mà anh lại bán mèo thì thua rồi, trừ phi mèo quá cool thôi à nha.

Rồi mấy cái nhà hàng tầm trung trung kia nữa, dạ thưa nhà hàng loại sang chảnh ngang ngang Hà Lội, Xì Gòn bọn em cũng có, resort đỉnh cũng có nốt luôn, Đà Nẽng hem có thì mượn đỡ Hội An, lỡ là VIP, tiếp hàng xịn thì bọn iem sẽ chọn những nơi này chứ ai xuống tầm trung chi cho mất khách. Còn đám chẻ chẻ như bọn em, ăn nhậu là chính, cụng ly zô zô nó mới zui, ra quán sang sang vậy bó tay bó chân, sợ người ta quánh giá chết, với cả ở đây buồn chết, dăm bữa cái nhậu nhỏ, chục bữa cái nhậu lớn lớn, nhậu ở đây tiền mô mà chịu nổi, vả lại ngồi ghế nhựa, sát vỉa hè hay biển cho nó mát mẻ, thoải mái, chui vô đó chi zậy nè…

Chuyện ở:

Số là đợt vừa rồi có về Đà Nẵng, lâu cũng không về nên giống dân nhà quê, cái chung cư cao cấp, xịn thiệt xịn tên Azura cắm ngay cạnh sông Hàn đó mà giờ mới biết, cơ mà nghe đồn xịn thiệt, đẹp thiệt nhưng mà ế chổng ế chê…

Dạ thưa dân bọn em ở nhà trệt, nhà ngói quen rồi, với lại truyền thống là mần chi thì mần, phải có mảnh đất cắm dùi, ở chung cư… hông có đất, cứ thấy nó kì kì mần răng á. Vả lại đất Đà Nẵng tuy phát triển, nhưng còn lắm đất lắm anh ơi, tuy mắc hơn trước xíu, nhưng so với anh thì còn rẻ chán, bọn em dân xứ nghèo, chưa hội nhập kịp, nên cho bọn em đả thông tư tưởng, kiếm tiền thêm dăm ba chục năm nữa rồi bỏ ống heo ra mua sau… anh nhá…

Chuyện mặc:

Dạ em cũng xin lỗi hàng da, hàng hiệu nốt. Trên mảnh đất hiền hòa này, bọn tui vẫn thấy mình còn nhỏ lẻ, vả lại trời cũng nóng, ai cũng mặc quần dài áo thun, lịch sự hơn xíu là sơ mi thôi, mấy anh cứ mang vest tới chào hàng mần chi mất công zậy. Họa may mấy công ty nhà nước “kiểu mẫu”, tức là đứng ra làm mẫu cho báo chí chụp hình thì nhà có bộ vest cho nó oai, hay mấy công ty đa quốc gia to bự ở Tây qua thì nó mặc, bọn em, sơ mi được rồi.

Học sinh sinh viên ở đây cũng vậy, lúc nhỏ đi học, có vài ba quyển vở, dăm chục quyển sách, cái túi vải nho nhỏ là ok rồi, tiện bỏ giỏ xe đạp mà hông sợ ai giựt nữa. Lớn lớn xíu thì có laptop hơi cồng kềnh, thế là đổi sang ba lô cho nó oách, đi xa chơi cũng dễ nhét đồ nữa, bán em chi mấy cái túi xíu xíu mà sang chảnh dữ.

Chuyện chơi:

Cái này mới lạ nè, ai đời ở Đà Nẽng mà mở công viên nước… ít nhiều gì cũng có nhiều người mệnh danh bãi biển ở đây đẹp nhứt hành tinh (có thể hơi quá nhưng đẹp là đúng), được vài ba tháng đến khi người ta hết tò mò nữa thì thôi, ra biển gửi xe có vài ba ngàn, tắm ớn luôn, mát mẻ sạch sẽ nữa, xong lên là đầy đủ nước ngọt tính bằng ao luôn. Không đóng cửa mới là lạ!

Đà Nẵng tuy không nhỏ, nhưng so với Xì Gòn thì bé tí, ra đường còn không dám nắm tay nhau sợ hàng xóm đi chợ nó thấy, nó về mách phụ mẫu thì chết, ai chẳng biết nhau, khoe hàng chi mất công mất sức zậy, nhà mình như răng thì biết tỏng nhau cả rồi, đâu cần phải khoe của, đâu cần phải nhà hàng sang chọng đâu. Dân tui chất phát, thật thà, tiết kiệm với… chung tình, thích cái chỗ mô, có cảm tình với chỗ mô là đi miết à. Nên các anh các chị có vào quê em thì nhẹ nhàng thôi, nho nhỏ thôi chứ sang quá bọn em không dám vô, tình cảm xíu nữa là ok hết à. Cơ mà thành phố bọn em đồ ăn thì đầy đủ, cà phê cà pháo, quán nhậu cũng đầy rẫy, ngon và rẻ lắm, nên thêm 1,2 quán nữa cũng như muối bỏ biển à, các anh các chị có cái chi hay hay, mở một chỗ cho bọn em chơi, như thêm rạp phim, thêm khu chơi game, thêm chỗ giao lưu giới trẻ là bọn em hoan nghênh lắm, chứ sáng cafe, trưa cơm nhà, tối lại ra nước mía bên bờ sông hoài cũng nhàm mấy anh à…

 

 Ưng Đen

Những nấc thang trong cuộc đời

Featured Image:  Mohammed Al-baiti

 

Bạn bao nhiêu tuổi nhỉ? Không cần công bố đâu, bạn chỉ việc ngẫm xem có đúng với bạn không thôi nhé.

Nếu bạn dưới 20, cuộc sống đang dang tay chào đón bạn. Vô tư đi nhé, tuổi ngây thơ trong sáng nhất của bạn đấy. Tận hưởng bằng hết những gì cuộc sống trao tặng, đừng để phí hoài tuổi xuân. Tiền lúc này với bạn chỉ là những tờ polyme sắc màu có thể có được trong tay, chỉ cần có những lý do chính đáng.

Nếu bạn 20-30, cuộc sống bắt đầu đem cho bạn những bất ngờ thú vị. Bạn sẽ có một công việc có thể nuôi sống bạn thay vì cha mẹ bạn nuôi bạn trước giờ. Bạn cũng có thể có thêm một túi tiền nữa từ một người xa lạ nhưng tình nguyện ‘góp gạo thổi cơm chung’.

Giai đoạn trẻ trung, sung sức nhất cuộc đời là đây. Trưởng thành và bắt đầu cuộc sống độc lập, xây đắp một gia đình nhỏ. Bạn bắt đầu thấy tiền có giá trị lớn lao trong cuộc sống của bạn và dốc mọi khả năng, sức lực để kiếm nó, nhanh nhất, nhiều nhất.

Nếu bạn 30-40, cuộc sống tặng bạn những món quà và cũng không quên mang cho bạn những rắc rối. Cuộc đời không như là mơ là câu nói bạn sẽ bắt gặp mình đôi lúc đang lẩm nhẩm trong miệng. Trách nhiệm nhiều lên, khi những thiên thần nhỏ của bạn ngày một lớn dần. Khó khăn cũng chồng chất khi chúng ta phải cõng trên vai các gánh nặng trách nhiệm với gia đình: Ông bà, cha mẹ, con cái; với công việc; với xã hội và với chính bản thân mình.

Ở vai trò nào chúng ta cũng… đuối nếu không nỗ lực mỗi ngày, phấn đấu mỗi ngày vượt lên chính mình của ngày hôm qua. Tiền lúc này không quan trọng với bạn đâu, mà rất, rất quan trọng. Bạn cần rất nhiều để chi tiêu, trang trải nợ nần, dự phòng cho biến cố, tích cóp, đầu tư cho tương lai. Ở tuổi này, bạn cũng có câu trả lời rất rõ ràng về khả năng đem tiền vào túi của mình. Nếu giỏi giang và may mắn, bạn sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn.

Nếu bạn 40-60, cuộc sống nhường bớt cơ hội dẫn dắt sang tay bạn. Nếu bạn chịu được va đập từ cuộc sống mà không quỵ ngã, lại còn vẫn ‘ngon lành cành đào’, bạn đáng được nể nang đấy. Nếu bạn yếu đuối, không đủ sức chống đỡ bão táp phong ba, coi chừng nhé, bạn sẽ bị ép chơi ú tim liên tục, hết ván này tới keo khác, lúc nào cũng có cảm giác chán nản và thất vọng. Chỉ còn cách là chống đỡ và chuẩn bị đủ sức mạnh vượt qua thôi. Tiền lúc này hoặc là của nổi của chìm của bạn, hoặc là giấc mơ cháy bỏng của bạn, tùy thuộc vào bạn là ai, nỗ lực của bạn trong những năm trước đây thế nào.

Đây cũng là giai đoạn thành công hay thất bại của mỗi người được định đoạt rõ ràng. Đỉnh cao danh vọng, quyền lực và tài sản nếu giữ được trong giai đoạn này sẽ có tính ổn định, lâu dài.

Lứa tuổi này, nếm trải hầu hết thăng trầm, nên cái nhìn về cuộc sống luôn thực tế, chính xác. Lúc này, cơ hội và thời gian không còn được xài phung phí nữa. Chúng ta cần phải có những động thái cần thiết và thực tế chuẩn bị cho tuổi già, để vẫn tự lập, không phụ thuộc vào con cái, cháu chắt. Một khoản tiền trong ngân hàng, một vài bất động sản có thể sinh ra thu nhập thụ động, luôn là những tính toán hợp lý và khôn ngoan nhất cho bạn.

Nếu bạn trên 60, bạn còn chờ gì nữa mà không cho phép mình giảm bớt cường độ lao động, bàn giao cơ nghiệp cho thế hệ trẻ, cho phép mình nghỉ ngơi, làm những điều mình mong muốn mà trước đây chưa có thời gian làm. Đây là lúc bạn để tâm hồn thanh thản, vui vầy với tuổi già an nhàn, tận hưởng những gì bạn đạt được sau nhiều năm lao động miệt mài.

Nếu vẫn còn sức khỏe, còn minh mẫn và khả năng, chắc chắc bạn sẽ vẫn còn tạo được giá trị cho mình, cho con cháu, cho đời. Tiền với bạn lúc này lại chỉ là những con số trong tài khoản ngân hàng, để bạn có cảm giác yên tâm không phải lo lắng, không phải phụ thuộc vào ai khác. Hoặc là bạn chẳng cần phải quan tâm gì hết, nếu bạn nhường việc đó vào tay vợ, chồng, hay con, cháu bạn từ lâu rồi.

Trong mọi trường hợp, luôn luôn có ngoại lệ. Những lứa tuổi liệt kê ở đây, chỉ tính chung cho số đông. Nếu bạn là ngoại lệ, thành đạt sớm, giữ được cơ nghiệp bền lâu, tôi xin chúc mừng bạn.

Còn tôi? Tôi yêu ngôi nhà nhỏ vùng ngoại ô, có những khoảng sân trồng đầy hoa có, có dòng sông uốn mình đâu đó quanh nhà. Tôi yêu những buổi chiều đồng quê thơm ngát mùi hương đồng gió nội, hai ông bà già lững thững nắm tay nhau vãn cảnh hoàng hôn.

Bạn thân mến ơi! Đời là mấy giấc mơ, hãy mơ giấc mơ của riêng bạn và tôi chúc bạn chạm tay vào từng ước mơ, nhanh chóng thôi!

 

Julia Le

“Words are all I have…”

Featured image: Cyril Rolando

 

“… to take your hearts away.” — Bee Gees, Words

Ngày nhỏ xíu tôi được ấp ủ bởi hai thứ: những bài hát ru của mẹ và tập truyện cổ tích Andersen. Những lời ầu ơ ví dầu con cò con vạc và những triền hoa thạch thảo tím ngát rải đến chân rặng Alpes đến giờ vẫn là những điều đẹp nhất trong trí tưởng tượng của tôi.
Lớn hơn chút nữa, tôi đắm mình trong hai thứ: những bài nhạc tiền chiến Việt Nam và những cuốn tiểu thuyết kinh điển phương Tây. Tiểu thuyết kinh điển không nói làm gì, bởi lẽ đến giờ tôi vẫn sống với nó, vẫn hít thở lối tự sự và văn phong khúc chiết, tỉ mỉ ấy. Nhưng nói về nhạc, khi lớn hơn một chút tôi mới lắng mình nghe lời nhạc và biết ngạc nhiên trước khả năng dùng từ của các nhạc sĩ thời xưa. Lời nhạc của họ đẹp như gấm hoa, nói “tinh tế” e rằng đã bớt đi vài phần; phải nói là đẹp và đúng. Họ dùng chữ tinh chọn và chính xác lạ kỳ, hình ảnh uyển chuyển mà nền nã, khêu gợi mà tinh khôi. Cái thời ấy nó thế. Lúc chiều mẹ nói với tôi Khánh Ly cũng chỉ học hết lớp 12, hầu hết những ca sĩ khác cao lắm cũng chỉ tốt nghiệp Trung học. Vậy mà nghe Khánh Ly nói chuyện, đọc thư của những tao nhân mặc khách ấy gởi cho nhau, người tập tành viết văn gần 20 năm như tôi thấy thua kém rất nhiều.

Thế nên tôi mạn phép nghĩ rằng, tuy tài năng của mình chưa được bảo chứng, nhưng vận may của mình đã rõ rành rành: tôi được nuôi dưỡng bởi những gì tinh hoa nhất của hai thái cực đối lập, của những vẻ đẹp vốn cách ngăn biên giới. Thế nên tôi luôn nghĩ nếu mình được trời đãi, tác phẩm sau này sẽ có cái thần thái mạnh mẽ, khúc chiết của dòng tự sự trời Tây và lời văn đẹp mượt mà nhung gấm của những bài ca đất Việt. Tôi chọn nền tân nhạc mà không phải thời kỳ Thơ mới, bởi lẽ thơ tôi không với tới, còn văn chương được phép dễ dãi đâm ra dài dòng. Tôi vẫn có ấn tượng rằng văn chương Việt Nam… dùng thừa từ quá. Còn khi đã thành bài ca, không còn mấy chỗ cho người ta phung phí từ ngữ nữa; thế nên những lời văn đã nương theo giai điệu của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Văn Cao, Từ Linh – Đoàn Chuẩn,… đều là những lời tinh chất, những cánh trầu têm vừa vặn mà say cả lòng người.

Hôm nay tôi chỉ nói về lời văn ấy thôi. Tôi nhắm đến điều gì khi viết văn? Nhiều chứ; một trong số đó là câu văn đẹp. Thành thật mà nói tôi không phải là đứa tinh tế, mẫn cảm. Viết văn hẳn còn kém nhiều người. Thế mạnh ngày xưa của tôi là ở việc dùng con chữ, nhờ vào cái may mắn ở nhà có nhiều sách để đọc. Tôi cứ đọc hết vốn liếng của các bậc tiền nhân rồi bê câu chữ ấy vào bài làm. Tôi đồ rằng cũng vì thế mà tôi được chọn vào đội tuyển thi Quốc gia. Năm ấy được nhận mà tôi hơi xấu hổ, biết rằng trong các bạn không may bị rớt nhiều người học giỏi hơn mình, chỉ có điều không “khua môi múa mép”, vẽ vời con chữ như mình mà thôi.

Nhiều người bảo đọc văn tôi viết không giống con người tôi ngoài đời. Giống thế nào được mà giống. Văn là nơi tôi trút vào những gì mà con người ngoài đời thực không thể làm được. Tôi ăn mặc kém, nói năng bỗ bã, về ẩm thực cũng không phân biệt được ngon dở, trong lối sống lại có phần vụng về, rối rắm. Thế nên khi viết tôi cầu toàn hết mực, chỉ mong sao áng văn mình viết ra vừa nền nã, chân phương nhưng đồng thời phải chuẩn mực, sang trọng. Kiểu hơi giống những công tử gia giáo ngày xưa vậy, biết cúi đầu kính người trên, biết nhường em nhỏ, biết yêu người đẹp; nhưng cũng biết bàn chuyện quốc gia đại sự, và sống thật với lòng mình. Cử chỉ tao nhã nhưng phong thái dứt khoát, đi đứng lịch sự nhưng không có động tác thừa.

Khi nói về chữ “sang” trong viết văn, tôi không rõ định nghĩa của mình có giống mọi người hay không. Với tôi, sự sang trọng ấy bao gồm cả tinh tế (trộm nghĩ, cũng chưa thấy ai được khen ăn mặc sang trọng mà lại không tinh tế bao giờ); và “tinh tế” lại phải kèm theo chữ “đúng.” Tinh tế là đặt đúng thứ vào đúng nơi, thấy điều cần thấy và làm việc cần làm, không thừa một mảy may, không khoa trương cũng không keo kiệt cắt xén. Xa hơn nữa, nó chính là bà con với chữ “chân” trong “chân, thiện, mỹ” vậy.

Thế nên năm lớp 10, tôi bắt đầu luyện chữ “chân” trong cách hành văn của mình. Điều ấy cũng nhờ một quyển truyện tôi đọc hồi nhỏ, nay đã quên tên. Trong truyện có chi tiết ông thầy giáo yêu cầu học sinh tả cái ấm trà thật chuẩn xác: nước men bóng thế nào, vòi sứt chỗ nào, đường sứt ra sao, bông hoa trên ấm màu gì, lá màu gì, v.v… Chi tiết ấy nhỏ thôi nhưng đánh động cả một lối suy nghĩ của tôi lúc ấy. Thêm phần may mắn vì bạn bè của tôi hầu hết là những đứa học vẽ. Muốn lời văn tả được cái chân, không gì tốt hơn nhìn tranh và nhìn họa sĩ vẽ tranh. Tôi không dám đoan chắc đến giờ mình đã học được lối viết kia; nhưng ít nhiều việc chủ tâm luyện tập nó cũng giúp tôi bù lại khuyết điểm kém tinh tế của mình.

Ở lời đề từ trên kia, tôi mạn phép thêm một chữ cái nhỏ xíu vào trong câu hát của Bee Gees, bẻ cong ý nghĩa của nó sang hướng khác để thể hiện chút năng khiếu cũng như mong mỏi của mình. Khoe khoang vậy cũng nhiều lời rồi. Đường văn còn xa tăm tắp, tôi cũng thủng thẳng mà đi chứ chẳng vội gì. Chỉ là hôm nay tôi đọc hai quyển sách được viết rất hay và rất đẹp; thế nên sinh lòng kiêu ngạo chút đỉnh vậy thôi. Kiêu ngạo vì mình có cơ duyên được nuôi nấng bởi mẹ – kho sách của mẹ đến giờ tôi vẫn chưa đọc hết – và được dạy bài học viết văn vỡ lòng từ ba, “Khi viết, những từ gì không cần thiết thì bỏ đi, nhưng văn chương không được thô kệch.” Đọc lại những gì mình viết, tôi biết mình vẫn còn kém nhiều, dùng từ chưa đúng, tả chưa hay, đôi khi rườm rà múa chữ hơn là tỏ cái đẹp thật sự; nhưng dẫu sao đi nữa, ý thức được điểm mạnh của mình thì mới ý thức được cái may mắn trời ban, để rồi nhờ đó mà biết cúi đầu cảm tạ.

 

Rio Lam

Hãy như sông, không bao giờ ngừng chảy

Featured Image: Facebook Dalat – Phố sương mù

 

Có những thói quen mà chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ từ bỏ được. Tỷ như thói quen “nghiện” “nơi đất ở”. Đâu có tự nhiên mà thi sĩ Chế Lan Viên viết rằng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

Tôi ở trong một ngôi nhà, hẳn nhiên rồi. Nhà tôi nằm trong phố, cũng đâu có gì lạ. Mà phố của tôi nằm trong mênh mông đất đỏ cao nguyên. Phố của tôi thênh thênh giữa bạt ngàn mây xanh núi thẳm. Phố của tôi lọt thỏm trong những ngoằn ngoèo của đèo dốc. Thế nên, nhân loại gọi cái nơi tôi ở là Phố núi. Cũng thi vị lắm chứ nhỉ.

Đã bao lần tôi đi xa, dù biết chỉ là tạm xa để giải quyết những công việc riêng tư của cuộc sống, vậy mà cũng bấy nhiêu lần tôi mong ngóng những cuộc trở về.

Tôi thấy tôi qua đứa bé con dí cái mũi uệch uệch lên cửa kính xe, nhìn những tia nắng lấp lóa trên rặng cây, thi thoảng là những cái trụ trăng trắng có ghi số và chữ màu đỏ nằm rải rác hai bên lề đường, rất nhiều những chuyến xe vụt qua đến giật cả mình..v..v, cứ nhìn ngơ ngác mà không hiểu sao những cây thông, những mái nhà chìm trong rừng cứ chạy tuột về phía sau, rất nhanh, để rồi chuyến đi về, lại uệch uệch cái mũi nhìn những thứ ấy chạy tuột đi theo một thứ tự ngược lại.

Còn bạn? Chắc hẳn bạn cũng ở trong một ngôi nhà, nhà của bạn hẳn cũng nằm trong phố. Mà phố của bạn có thể nằm yên bình bên dải cát vàng ngày đêm miên man sóng vỗ. Và tôi biết, nhân loại gọi nơi bạn ở là Phố biển. Bạn đã bước đi chập chững trên bờ cát bao la đó, đã nhảy cùng những con sóng tung bọt trắng xóa, đã cười với những ngọn gió mênh mang và chắc hẳn bạn cũng đã “nghiện” những ráng đỏ mặt trời mỗi khi bình minh lên hay mỗi hoàng hôn xuống trên mặt biển lóng lánh dát bạc.

Lại còn bạn? Dĩ nhiên bạn cũng ở trong một ngôi nhà, nhà của bạn, dĩ nhiên cũng nằm trong phố. Mà phố của bạn có thể nằm trong một đô hội sầm uất, ồn ào, náo nhiệt. Và chúng ta đều biết rõ, nhân loại gọi nơi đô hội là Phố thị. Có khi nào bạn rời khỏi nơi đó để đến với rừng vàng của tôi hay biển bạc của bạn kia chưa? Nếu có, thì những lần ấy chắc cũng giúp bạn thư thái tâm hồn được ít nhiều. Nhưng tôi chắc rằng, trước sau gì, “tâm hồn” của “nơi đất ở” cũng sẽ cuốn bạn về lại phố thị, nơi mà sự năng động hồn nhiên đã làm bạn nghiện đến nhớ nhung, không thể không về.

Có những thói quen mà chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ từ bỏ được. Tỷ như thói quen “nghiện” nồi cá kho mẹ nấu trong những ngày đầy gió. Tỷ như thói quen “nghiện” tô canh cải chua mẹ “phăng ta di” giữa những bữa trưa hè oi nồng. “Nghiện” luôn cái lũ bạn tinh ranh mà ngày nào chúng cũng rủ ta nghiện theo đủ thứ trò nghịch ngợm của chúng. “Nghiện” những tháng ngày mới lớn, mình “sến” mà không biết mình sến. “Nghiện” cả ánh mắt ai thầm lặng, bàn tay ai ân cần ấm áp, và bước chân ai đưa đón không muốn rời. “Nghiện” cả những đêm đen thức trắng nhớ thương ai đó, đến mệt rã rời mà vẫn không sao chợp mắt được…

Vậy đó, chúng ta càng lớn càng nghiện thêm nhiều thứ. Có thứ, ta nghiện một cách hiển nhiên và đáng được khích lệ, như nghiện “nơi đất ở”, nghiện đôi mắt nghiêm khắc nhưng đầy tình thương yêu chở che của cha mẹ, thầy cô. Có thứ, ta nghiện một cách vô thức mà không sao từ bỏ được, như nghiện tư duy, như tôi nghiện viết, như bạn nghiện đọc, như chúng ta nghiện một bóng hình ai đó mà định mệnh đã đưa đến trước mặt ta…

Mà bạn ơi, đã bảo rằng “nghiện”, nghĩa là rất khó bỏ. Chỉ có sự khôn ngoan giúp ta điều khiển chúng lại. Đâu là cơn nghiện nghìn đời phải nhớ, đâu là cơn nghiện có thể song hành cùng ta, làm động lực nâng đỡ ta qua đêm đen, dìu dắt ta trong ngày dài; đâu là cơn nghiện mà ta phải buộc mình giảm cường độ nghiện. Và chỉ bằng cách nghiện thêm nhiều thứ “nên nghiện” thì bạn mới khỏa lấp được những thứ “không nên nghiện”. Khổ nỗi, những thứ “nên nghiện” buộc ta phải dùng đến lý trí nhiều quá, khiến ta ngán ngẫm mà thả rơi bản thân mình.

Thôi thì hãy lồng ghép như thế này nhé. Ta tập cách nghiện học, nghiện công việc để có thể tự hào với “nơi đất ở”, với cha mẹ về một viễn cảnh tiến bộ của quê hương, mà trong đó có sự đóng góp của ta. Ta tập cách nghiện bếp núc với mẹ, để được thỏa thuê ngắm nhìn ánh mắt trìu mến của cha mẹ, những ánh mắt mà không ai trên thế gian này có thể thay thế được. Ta tập cách nghiện những chuyến xe bụi bặm, đi về những mái ấm tình thương, mà ở đó lòng ta sẽ được trải rộng với những thân phận đời thường. Hay đơn giản hơn, ta tập cách nghiện với sự nghiêm khắc của bản thân, để mỗi sớm mai thức dậy, đã thấy mình mạnh mẽ và tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua, đủ sức sẵn sàng trước những đòi hỏi của cuộc sống.

Để trong mỗi chuyến đi, về, ta sẽ mỉm cười cho những cái ngoái đầu tiếc nuối hoảng hốt của đứa bé con ngày xưa, thấy ta đã trưởng thành, dù can cớ gì không giải thích được, cứ thấy lòng man mác trong mỗi chuyến đi, về.

Bởi, bạn ơi. Đời là những chuyến đi, như những dòng sông, mà những dòng sông thì không bao giờ ngừng chảy.

 

Gold

IQ không có đủ?

Featured Image: Innovision Consulting

“Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ người ta đề bạt bạn.” – Khuyết danh

Câu nói này không sai tí nào, nó giúp chúng ta hiểu hơn về vai trò của IQ và EQ. Trong mỗi chúng ta từ khi sinh ra thì luôn tồn tại hai thể thức thông minh này đó là thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc. Nhưng đáng buồn thay, bởi phương pháp giáo dục và môi trường sống nên mỗi chúng ta chỉ được tập trung phát triển IQ.

Bắt đầu là ở nhà, chúng ta được ba mẹ hay những người xung quanh chỉ bảo nhiều điều, bắt chúng ta học nhiều, nhớ nhiều và đạt thật nhiều điểm số. Bằng chứng là với điểm số đạt được ở các môn khoa học tự nhiên cao thì chúng ta được gán là thông minh. Điều đó giúp chúng ta thành công hơn trong tương lai. Từ bé chúng ta được dạy làm toán, làm toán đố, làm toán nhanh hoặc phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Chúng ta được giáo dục để trở thành người có thể phản xạ cực tốt đối với các phép toán này, sau này là vật lý và hóa. Lớn hơn một tí, chúng ta được kỳ vọng sẽ tham gia các kỳ thi về khoa học tự nhiên như thi Olympic Toán, Olympic Lý, giải toán trên máy tính Casio hay một số đứa trẻ gia đình có điều kiện cũng như hiểu biết sẽ định hướng và dạy con mình những ngôn ngữ lập trình bắt đầu bằng Pascan hay lập trình C, vân vân.

Đấy là chuyện trước đây, còn bây giờ thì mọi gia đình muốn con trẻ của mình trở thành nhưng nhà thông thái, muốn con mình cái gì cũng biết, đọc cái gì cũng nhớ nên có hàng loạt cơ hội được tạo ra cho con trẻ để chúng được thử thách. Có thể kể đến như chương trình “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”, “Chinh phục”, vân vân. Qua theo dõi thì ở các chương trình này đứa trẻ nào nhớ nhiều và có phản xạ nhanh thì sẽ thắng.

Ở trường học cũng không mấy khá hơn, cũng chú trọng và tập trung phát triển IQ mà quên hẳn đi EQ. Chúng ta học 12 năm trước khi vào đại học, chúng ta được học và bắt phải nhớ rất nhiều kiến thức từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Sau đó là một kỳ sát hạch xem chúng ta thông minh cở nào. Người thông minh sẽ vào các trường Đại học danh tiếng cộng với ít may mắn. Xã hội chúng ta lúc nào cũng định hình là có IQ cao thì sẽ dễ thành công.

Thiết nghĩ đấy là điều đúng nhưng chỉ đúng một phần nhỏ trong cuộc sống. Bạn có IQ cao hiển nhiên bạn sẽ là người thành công trong học tập, trong nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực giáo dục, dễ trở thành nhà khoa học, ra đời tìm được việc làm tốt, lương cao, đời sống sung túc. Đấy là những con người có tư duy tốt, sáng tạo và có nhiều phát kiến hay trong công việc cũng như trong đời sống. Họ là những người có khả năng làm việc độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tuy nhiên chính sự thông minh này làm thay đổi tính cách của họ. Họ dể trở nên độc đoán, độc tài, khó gần, xem thường người khác nên dễ rơi vào cô đơn, gặp thất bại mau nản lòng, buồn chán, dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.

Với EQ – trí thông minh cảm xúc. Nó tồn tại trong mỗi chúng ta ngay từ bé nhưng do môi trường và phương pháp giáo dục làm cho chúng ta có cảm giác nó không hề tồn tại. Người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao là người có thể thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác, có thể đồng cảm với những người xung quanh, và họ có thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Họ có khả năng thích nghi cao với môi trường, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể và dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn những thiên tài đơn độc. Đấy là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay đó là để cao tính tập thể, thành công của một tập thể sẽ được xã hội đánh giá và tôn vinh. Giống như trong bóng đá, đội bóng thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự vận hành của cả một cổ máy chứ không phải sự tài năng của một ngôi sao, mà Bồ Đào Nha hay Atletico Marid là một ví dụ.

Có một nghiên cứu từ rất lâu rồi của giáo sư ở đại học Stanford đã tiến hành nghiên cứu đối với một nhóm những đứa trẻ. Họ gọi bọn trẻ lại và phát cho mỗi đứa một ít bánh kẹo và kèm theo lời cam kết là chỉ được ăn khi giáo sư quay trở lại. Rất nhiều trong số chúng ăn tất cả bánh kẹo sau khi các vị giáo sư rời khỏi vì không thể kiềm chế được sự thèm ăn của chúng. Một ít trong số chúng đợi được khoảng 10 phút sau khi ông giáo sư đi khỏi. Số còn lại khoảng 10 đứa trẻ kiềm chế sự thèm ăn của chúng và đợi khi giáo sư quay trở lại. Sau đó họ theo dõi tiến trình của 10 đứa bé này thì tất cả chúng đã trở thành những người rất thành công trong cuộc sống.

Qua đó chúng ta đã phần nào hình dung được vai trò của cả IQ và EQ. Nó tác động rất lớn đối với thành công cũng như cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta đã bị ba mẹ hay nhà trường của chúng ta quên đi EQ thì mong rằng chúng ta đừng tàn nhẫn với thế hệ con hay cháu của chúng ta. Thế hệ trước lờ đi cảm xúc của chúng ta, không cần quan tâm chúng ta cần gì, thích gì hay muốn cưới cô vợ như thế nào. Thế hệ trước bắt chúng ta tập trung phát triển trí thông minh và tích lũy nhiều giải thưởng. Vì vậy chúng ta dừng làm thế đối với bọn trẻ của chúng ta nhé.

Đối với chọn bạn đời cũng vậy, những người thông minh sống cùng một mái nhà thì chỉ có thể xuất hiện những xung đột và cãi vả vì người thông minh họ có cái tôi rất lớn. Nếu họ không thể quản lý cảm xúc của chính mình xung đột chắc chắn xảy ra và dẫn đến ly dị. Nó nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta muốn hạnh phúc trong hôn nhân chúng ta cần phải phát triển cả về IQ lẫn EQ vì khi đó chúng ta sẽ tránh được những xung đột không đáng có, người này giận dỗi thì người còn lại biết kiềm chế cảm xúc của mình mà hạ nhiệt giúp cho người kia. Khi chúng ta có thể hài hòa được giữa IQ và EQ thì gia đình dễ có hạnh phúc vì biết san sẻ, tôn trọng nhau và chung thủy.

 

Mr Lias

Không tìm sự hoàn hảo

Featured Image: Pham Duy Tuan 

 

Ngày nhỏ tới lớn, tôi thích tất cả những gì hoàn hảo. Một cuốn vở trắng tinh với những hàng chữ thẳng tắp, một chiếc áo phẳng phiu với hàng nút duyên dáng trên ngực, những cánh đồng vuông vức, một khuôn mặt mộc tinh khôi, một chiếc bình pha lê trong vắt không tì vết… Khi đó với tôi cái đẹp, cái hay, cái thú vị phải gắn liền với sự hoàn hảo.

Càng sống lâu trên đời, mới thấy đi tìm sự hoàn hảo nếu không viển vông thì cũng tự mình đóng bớt các cánh cửa khám phá cuộc đời. Mới thấy cuốn vở trắng tinh ấy, nếu có thêm những dòng chữ xô nghiêng nhưng đọc lên làm lòng ta ấm lại thì cuốn vở ấy đáng nhớ biết bao.

Chiếc áo ấy bỗng có thêm vài giọt mực đồng hành cùng hàng nút, nhưng nó giúp ta nhớ ngay tới kỷ niệm ngày người bạn gái cùng bàn đánh rơi giọt nước mắt đầu tiên trong câu chuyện kể về những rung động đầu đời.

Cả cái bình pha lê màu hồng tía nằm ngay vị trí trang trọng ở phòng khách cũ, vết nứt của nó ghi dấu ngày chiến tranh nổ ra trong những năm tháng đầu tiên. Để sau này mỗi khi nhìn thấy nó, ta lại trân trọng biết bao những ngày tháng, những khoảnh khắc được gần bên nhau, được cùng ăn một tô mì nóng hổi trong một đêm mưa, hay là những lúc rạng sáng thức cùng nhau trong ánh đèn vàng ấm áp.

Hoàn hảo làm gì, khi mà cuộc sống là chuỗi những hệ thống, những thái cực, vật chất và phi vật chất, quy luật bù trừ cho nhau, có âm có dương, có lửa có nước, có nóng có lạnh, có đẹp có xấu, thì phải có hạnh phúc và khổ đau… mới đúng là cuộc sống.

Tôi sẽ không đi tìm sự hoàn hảo. Chắc chắn đấy

Cơn mưa bất chợt đầu giờ sáng trước giờ một hội nghị trang trọng đúng là tai ác, làm ướt hết bộ vía mất công ủi phẳng phiu. Nhưng có hề chi nếu buổi hội nghị kết thúc trong một kết thúc thành công trên cả tuyệt vời. Dấu ấn cơn mưa buổi sáng đã trôi về miền xa lắc, chỉ còn lại niềm vui khôn tả, mọi sự chuẩn bị kỹ càng đã được đền bù xứng đáng.

Trận giao tranh giữa hai đội bóng sinh viên giành cúp mùa thu trường cũng vậy. Một người sái tay phải dìu ra sân trước khi trận đấu kết thúc, những pha tranh bóng thót tim cổ động viên, những tiếng la hét khản cổ.. cũng nhường chỗ cho nụ cười chiến thắng, một trận đấu hay, tinh thần bóng đá fairplay mới là những điều còn lại trong tim mỗi người chứng kiến ngày hôm đó.

Một cuộc đi chơi bất thành vì sự cố bất ngờ, nhưng cái cách người chồng báo tin, cách chồng bần thần vì phá vỡ kế hoạch lại mang tới cho người vợ vui hơn là cuộc vui lẽ ra sẽ có. Được hiểu cảm xúc của mình, được trân trọng, thì ai dại gì mà hẹp hòi được voi đòi tiên nhỉ.

Nếu cứ cố gắng làm mọi sự hoàn hảo, ta chỉ thấy còn lại mỗi cái bực bội hay tiếc nuối. Còn khi chấp nhận sự không hoàn hảo, thì cái thở phào nhẹ nhõm trút ra, một nụ cười mệt nhọc hé nở, hạnh phúc đang trú ẩn ở đâu đó chợt ùa về.

Đó không phải là cái đích cuối cùng ta mong đợi hay sao?

Tôi yêu những gì đến tự nhiên. Câu hát ấy như một chân lý với tôi. Cứ cố công đi tìm những điều nghịch với tự nhiên chẳng phải viển vông là gì.

Cuộc sống quá phong phú, quá thú vị, để trải nghiệm hết mọi cung bậc, chỉ có cách là sống thật tự nhiên, đón nhận mọi thứ xảy đến thật tự nhiên, và phản ứng với những điều đó cũng thật tự nhiên, là chính con người của mình. Để lúc nào trong tim ta cũng thấy tràn đầy tình yêu cuộc sống.

 

Julia Le

Dìu nhau đi trọn đường hạnh phúc

Photo: Caroline Tran

 

Mỗi người có một tình yêu lý tưởng khác nhau: Người thích câu chuyện ngọt ngào lãng mạn như tiểu thuyết, người lại thích tình yêu thật bình yên, người ưa phiêu lưu mong tình yêu đủ vị phong ba bão táp… Có người yêu không vì lý do, có người yêu vì sợ cô đơn, có người yêu vì chờ mong một mái ấm hạnh phúc. Tôi thấy giấc mơ nào ở trên cũng đẹp cả, xin mạn phép góp thêm một giấc mơ đẹp nữa, đó là: Một tình yêu ấm áp lúc tuổi già.

Một chút quan sát vụn vặt, tôi nhận ra vẻ đẹp của tình yêu thuở đã chín muồi hoàn toàn khác với kiểu hôn nồng yêu vội của tuổi trẻ. Ánh mắt không rạo rực, chỉ ăm ắp trìu mến. Đôi tay không siết lấy nhau, đôi chân không còn tung tăng khắp mọi bến bờ, chỉ run run – đến vịn còn không chặt mà dìu nhau bước những bước chầm chậm khó khăn. Nụ cười nhẹ như cơn gió mùa vàng, in thêm dấu chân chim trên gò má móm mém. Tạm biệt chốn hò hẹn phồn hoa, những đóa hồng chúm chím nồng hương, tạm biệt một quán ngon kỷ niệm nào đó, ta về đây quây quần bên chiếc bàn nhỏ – cùng nhấm nháp một bữa cơm mọn, ta về đây bên chiếc giường đã cũ – cùng thương nhau khi ốm yếu chùn chân, cùng lắng đọng chuyện ngày xưa lấm trên mái đầu bạc trắng.

Tuổi già, cái tính tình nó cũng đổi khác, muôn nỗi lắng lo trĩu nặng cả thể xác lẫn tâm hồn, rồi thậm chí là muốn được nhớ mà chẳng còn nhớ, muốn bỏ quên lại cứ hiện hữu trước muôn trạng đây… Có điều, cái gọi là yêu đã đeo đẳng gần cả đời người, cái gọi là gắn bó đã chảy lan từ đầu đến chân và từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác. Một mai xa là trĩu nặng đôi mắt mờ đục, là mòn mỏi với cô đơn nơi tấm thân đã chớm lấm sự yếu đuối, nhưng cũng là khoác được cho người đôi cánh tình yêu, để vút bay thanh thản, để thấy nhau đến trong từng nghĩ suy mộng mị, để tường tận ta thương nhau đến nhường nào. Cuối cùng, ta đã dìu nhau đến cuối con đường, đã thấy hạnh phúc thế nào là viên mãn…

Ba mẹ, ông bà, những người lớn, người già quanh tôi có cách yêu nhau rất hay. Thoạt trông qua chẳng có chút gì gọi là tinh tế nhưng có yêu rồi thì mới hiểu nó tinh tế đến nhường nào. Người này có thể phàn nàn người kia chẳng ra làm sao, người kia cũng có thể âm thầm cười mỉm và lém lỉnh cà khịa lại người này vào một lúc nào đó. Bà tôi cứ nói ông tôi sang sảng cùng một lúc với la đám cháu nhỏ đang nghịch phá bày đủ hoa đủ cành đầu hiên nhà. Bà vừa la ông vừa la cháu, đám cháu có sợ gì thì sợ, có thấy khó chịu gì thì khó chịu, ông vẫn cười hiền, vẫn túc tắc đủng đỉnh với chút việc vụn mỗi sớm mỗi chiều cho thân già bớt nhàm chán. Rồi không hiểu sao, cũng đến hồi bà theo tính của ông, sợ ngồi một chỗ nên cứ quanh quẩn việc này việc kia… ông thì vẫn vậy, im lặng và cười hiền… như ngày xưa.

Đời người vốn là hữu hạn nên làm gì có chuyện mãi mãi trong tình yêu, nhưng cứ yêu cho dài lâu, yêu cho đến ngày cả tấm thân này rã rời kiệt sức thì thôi. Nếu cái vô hạn là không thể thì hãy cố làm sao cho cái hữu hạn được trọn hảo, đủ đầy, phải không người? Có lẽ người yêu, người chưa yêu, người đã từng yêu đều luôn thắc mắc: “Yêu là gì thế?” Thi sĩ giải đáp, triết gia trả lời cũng chưa thỏa lý, thỏa lòng, bởi yêu có vạn cách yêu, lý tưởng có vạn cái lý tưởng.

Với tôi, mạn phép cho một dấu bằng nho nhỏ, không chắc chắc đã cân đối hay chưa đâu: Tình yêu = tình nghĩa + yêu thương. Tình nghĩa và yêu thương cứ cuốn lấy con người ta, như chất bôi trơn cho chỉ nhân duyên được lâu bền. Mấy chục năm cuộc đời, lúc nào cũng yêu được thì hóa ra ta là cái máy độc một công năng rồi, con người mà, nóng lạnh thất thường mới phải lẽ tự nhiên, nay yêu mai ghét mốt lại yêu mới là con người. Có lúc, cần cái nghĩa để mà vẫn còn ngồi lại bên nhau, rồi biết đâu yêu thương lại trở về mà ta không hay biết.

Có lạc hậu không, có thơ ngây không khi tôi vẫn ngưỡng mộ những tình yêu như đèn dầu yếu ớt mà dai dẳng này, ở cái thời này tôi vẫn tin người ta có thể yêu nhau cả đời chứ không phải chán nhau cả đời? Giữ nhau lâu nhé, nắm chặt tay nhau nhé, bởi con đường rất dài, bởi địa đàng ở cuối tận đáng để đi cùng nhau dài lâu đến thế!

“FAMILY = Father and mother, I love you.”

 

Broon

Hồn nhiên

Featured Image: Austin Tooley

 

Ngày đầu tiên đến Trái Đất, hẳn là em hồn nhiên lắm. Em khóc khi muốn khóc, cười khi muốn cười, em ngủ say, em ăn no và em muốn ngắm nhìn mọi thứ. Trong Hoàng tử bé có một câu thế này:

“What makes the desert beautiful is that it hides a well somewhere.”

(Tạm dịch: Điều khiến sa mạc thật thú vị chính là việc nó giấu một giếng nước ngầm ở đâu đó.)

Tôi tự hỏi có phải cuộc sống với những bé con thật đẹp vì nó giấu những điều chúng đang mong mỏi kiếm tìm đâu đó. Người ta sẽ khát nước khi đi trong sa mạc giống như người ta luôn khát câu trả lời cho việc mình đến Trái đất này để làm gì.

Hoàng tử bé không trở lại. Hoàng tử bé đi rồi. Cậu ấy bảo hãy tìm tớ khi ngắm những vì sao. Cứ như là một kẻ hồn nhiên như cậu ấy không thể ở lại Trái Đất. Cậu ấy là người mà tất cả chúng ta đã từng như thế. Hồn nhiên như ngày đầu tiên ta đến đây, không phán xét, không ý niệm về mặt đất. Ta chẳng có gì ngoài tình yêu ban sơ và một trái tim bé nhưng rộng mở. Lâu lắm tôi không ngắm trời đêm như những ngày nhỏ tuổi. Trải chiếu ra bậc thềm tam cấp, nằm đấy những hôm tối trời mất điện, trăng ném ánh sáng xuống đất và tôi ném sự hoang đường lên trời. Tôi đang đứng giữa tuổi hai mươi, tôi hỏi hồn nhiên đi đâu mất rồi. Chúng ta lớn lên, chúng ta để hồn nhiên đi lạc, ta ít yêu hơn và trong đầu đầy phán xét. Nếu có ai yêu hoa như cái cách Hoàng tử bé yêu bông hoa của cậu ấy, hẳn là bị NGƯỜI LỚN xem là điên rồi.

Đọc Hoàng tử bé, có một nỗi buồn trong veo và ngọt lịm. Hoàng tử bé hay đặt câu hỏi và yêu quý một bông hoa lắm. Hoàng tử bé giống trẻ con, tò mò và có những tình yêu đơn giản. Bạn sẽ chẳng bao giờ quên cậu bé trong truyện đã kể rằng sau khi bức vẽ con trăn nuốt một con voi bị hiểu lầm là cái mũ bởi người lớn thì cậu ấy không bao giờ vẽ nữa. Việc có mặt trên đời này vốn không phải do trẻ con quyết định mà được, việc chúng một cách tự nhiên và bản năng đã có những sở thích mà người lớn cho là vớ vẩn, ví dụ như vẽ, cũng không phải do chúng có thể quyết định nốt, nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng lại bị bắt trở thành người thế này hay thế kia, thế có vô lý không? Người ta không bao giờ có thể chọn thứ mình thích cả. Ví dụ như có bao giờ bạn giải thích được vì sao bạn thích màu đỏ chứ  không phải màu xanh không?

Con người khác nhau cũng như các màu sắc không phải sinh ra để trở thành nhau vậy, mà để cùng làm nên bức tranh cuộc sống

Hôm qua có một anh họa sĩ viết rằng anh ấy 30 tuổi, không nhà không xe không vợ không con không công việc ổn định, nhưng có những người luôn muốn ủng hộ điều anh ấy làm, và thương anh ấy nhiều, chẳng cần lý do. Tôi cũng đã từng tình cờ nói chuyện với một anh họa sĩ ở bờ Hồ, anh ấy thi sáu lần mới đỗ vào trường mỹ thuật, đã đi học tại Pháp, đã có tranh ở bảo tàng quốc tế, gia tài tranh hiện tại chắc giá trị hơn một tỷ, mỗi tháng anh lại bán tranh theo kiểu chép lại bán bản gốc để lấy tiền chi tiêu trong khoảng sáu triệu. Tôi cũng đã từng nghe một anh doanh nhân thành đạt kể câu chuyện anh ấy thành công ra sao và kiếm nhiều tiền ra sao và bỏ tất cả điều đó ra sao để đi giảng dạy kỹ năng sống vì anh đã từng có rất nhiều thứ nhưng không có ngày nào vui vẻ cả.

Lớn lên từ những ngôi trường mà bạn học giỏi nghĩa là học giỏi toán và ra ngoài xã hội thì làm kinh tế mới là mốt, tôi sợ rằng mình sẽ không đủ hiểu những người lội ngược dòng, những người muốn chọn một cuộc đời khác, ví dụ với nghệ thuật. Tôi không kỳ thị những doanh nhân, vì tôi đã nói đấy, đơn giản như việc tôi thích màu xanh chứ không phải màu đỏ và không thể giải thích được thôi, tôi tôn trọng việc họ muốn là doanh nhân cũng như tôn trọng việc tôi muốn là chính mình, muốn viết, muốn vẽ, muốn tìm hiểu về con người hơn là học kinh tế vậy. Đáng tiếc, tôi đang học kinh tế. Việc cứ như tất cả mọi người đang học kinh tế và báo chí tụng ca những bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh thành công tạo cơ ngơi bạc tỷ khiến cho tôi thấy việc là chính mình như là điều gì không đúng vậy. “Mình là thứ gì trông thật ngốc nghếch ở đây.” – Tôi nghĩ thế khi đến trường, trong lòng đổ mưa và nặng trĩu, xung quanh là không khí mà có cảm giác bị chết đuối.

Tôi từng tình cờ thấy Ask.fm của một anh doanh nhân thành đạt, thế là tôi đánh liều vào hỏi một câu. Vì tôi tò mò: “Anh ơi anh nghĩ thế nào về câu “phi thương bất phú” ạ, có phải kinh doanh là con đường duy nhất để làm giàu và sẽ có ít người hơn muốn sáng tạo nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học?” Đi giữa những hiệu sách ngập trong sách dạy kinh doanh và làm giàu, tôi vẫn luôn muốn hỏi ai đó những câu như thế. Tôi vẫn luôn tò mò những người làm nghệ thuật có đang sống ổn không, có hạnh phúc không, có bao giờ thấy những phán xét là quá độc ác về cuộc sống họ lựa chọn không.

Anh ấy trả lời: “Chưa chắc nhiều doanh nhân đã giàu hơn Mỹ Tâm đâu em ạ. Xã hội sẽ trả công xứng đáng cho những cống hiến thôi.” Lúc đó tôi nghĩ doanh nhân thành đạt có nhiều hơn những người tầm cỡ Mỹ Tâm. Doanh nhân hơi thành đạt chắc cũng có thể sẽ xoay sở ổn để sống, nhưng nghệ sĩ hơi nổi tiếng thì sao nhỉ, chắc sẽ chật vật hơn nhiều? Có một anh nhiếp ảnh gia từng nói nếu đến tận năm 30 tuổi, một người theo nghiệp ca hát vẫn là ca sĩ phòng trà hay một anh họa sĩ vẫn chưa vẽ được điều gì to tát, hẳn là nỗi thất vọng và áp lực sẽ lớn lắm.

Điều chúng ta sợ nhất khi đang sống chẳng phải là điều gì chết đi ở trong lòng hay sao?

Càng lớn càng thấy mình bé nhỏ. Bé nhỏ giữa những câu chuyện. Bé nhỏ giữa những điều mình chưa hiểu. Chỉ thấy xung quanh rộng lớn và thương nhiều hơn. Tôi chỉ muốn từ bỏ sự phán xét, tôi sợ mình thành độc ác. Ừ thì tớ sẽ thương cậu, em sẽ thương anh, em sẽ thương chị, chẳng cần lý do. Mỗi người sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện về họ, và tôi chỉ làm thế được thôi. Dùng tình yêu im lặng để xoa dịu những câu hỏi không đáp án. Và tôi biết thẳm sâu trong lòng, mỗi chúng ta, đều muốn sống một cuộc đời mà ngoài kia có những người đang dám sống. “Sợ không? – Có.” Cũng như khi bạn thấy những bức ảnh nhảy dù, lướt sóng trên biển, bản thân không dám thử, nhưng từ sâu bên trong, bạn cũng muốn mình một lần bay nhảy với biển trời bao la vậy.

Có bao giờ bạn muốn một thứ chỉ vì NGƯỜI – KHÁC – CŨNG – CÓ?

Thật luẩn quẩn và khổ sở vì điều này. Tôi thật không muốn tâm hồn mệt mỏi. Một tâm hồn mệt mỏi sao còn có thể yêu cho được. Hoàng tử bé đã nói:

“Sao những người trồng đến 5000 bông hồng lại không biết họ đang tìm kiếm cái gì nhỉ, tôi chỉ có một bông hồng, tôi yêu nó và thế là đủ.”

Nếu bạn không yêu cuộc sống thì bạn sống thêm 5000 lần, có thêm 5000 tỷ, cũng để làm gì? Người khác có thể không cần lý do để ghét bạn và phán xét bạn, thì bạn cũng không cần lý do để yêu đời đâu.

Không ai có thể cười hai lần với cùng một chuyện cười nhưng ai cũng có thể buồn nhiều lần vì cùng một chuyện buồn. Hình như bây giờ người ta còn tưởng buồn là mốt. Văn chương buồn, phim ảnh buồn, nhạc buồn, Facebook buồn. Buồn thì có vẻ sâu sắc hơn? Buồn mãi có gì hay chứ. Người có thể nhổ gốc nỗi buồn, giữ niềm vui sống trong mình, mới là người sâu sắc. Niềm vui chóng tàn, như một bông hoa vậy.

Tôi nói với mình bất cứ cuộc đời nào cũng đính kèm một nỗi buồn vừa phải, dù cho lựa chọn đó có vẻ hoàn hảo lắm. Nên, tôi luôn muốn tạo nên quanh mình một bầu khí quyển riêng, của chính mình, một không gian để thở, để nuôi dưỡng bông hoa đừng héo. Nếu có một ngày bông hoa trong lòng ra đi, thì tôi sẽ thấy không còn lý do ở lại mặt đất nữa, hoặc là tôi phải tự trồng môt bông hoa mới để tìm ra lý do ở lại. Lòng người cần an yên như cơ thể cần không khí vậy.

Trong lòng bạn đã có bông hoa nào chưa? Mỗi người chúng ta, đã từng là Hoàng tử bé. Nếu bạn trồng hoa trong lòng mình, cậu ấy nhất định sẽ quay trở lại.

 

 Trang Xtd