Chúng ta không tồn tại trên cuộc đời này một mình. Chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi rất nhiều yếu tố từ ngoại cảnh đến con người. Phần lớn các yếu tố đó chính là những điều cản trở sự phát triển cá nhân mỗi chúng ta. Nghịch lý và chính chúng ta lại là người tạo cho mình một sức ì vô cùng lớn, nó lớn dần theo thời gian và làm cho chúng ta chậm tiến. Chúng ta ngại bắt đầu. Điều này chắc chắn là ai trong số các bạn đã từng trải qua. Những câu chuyện tiếp sau tôi chia sẻ, có thể một vài trong số các bạn sẽ thấy mình trong đó. Vì đây là những câu chuyện đơn giản và rất gần với cuộc sống và đó cũng là câu chuyện của tôi.
Câu chuyện thứ nhất, đó là việc tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Tôi nhận thấy đây là chuyện nên làm, nó quan trọng. Nhưng mỗi khi tôi có suy nghĩ và chuẩn bị bắt tay thực hiện thì tôi không thể nào làm được hoặc duy trì được. Đó có thể là chạy bộ, gập bụng, chơi cầu lông. Các bạn có biết tại sao không? Vì tôi trì hoãn những kế hoạch mà tôi đã vẽ vời ra. Tôi còn trẻ mà, tôi đâu có bệnh gì đâu. Vì vậy tôi cho phép tôi trì hoãn nó, thậm chí là tàn phá sức khẻo của chính mình. Tôi thức thâu đêm, tôi uống rượu bia, uống café, thuốc lá,… Còn các bạn, các bạn thế nào?
Cậu chuyện thứ hai cũng tương tự vậy, là việc viết lách của tôi. Gần 3 năm từ ngày mà tôi nhận ra viết là một kỹ năng. Nếu bạn có kỹ năng viết bạn sẽ có nhiều cơ hội và có thể sẽ thành công hơn trong cuộc sống. Ví dụ nhé, nếu bạn biết viết bạn có thể làm thêm việc làm thứ hai, làm thêm các việc làm bán thời gian hoặc viết sách, vân vân. Nó quan trọng đúng không nhưng tôi đã không xem trọng nó, tôi ít giành thời gian để suy nghĩ về nó cho đến năm nay. Tôi đã quyết tâm và biến số không thành số một và từ số một này tôi tiếp tục phát triển kỹ năng của mình trên Triết Học Đường Phố. Trước đây tôi liên tục trì hoãn điều này vì tôi nghĩ tôi không thể làm được chuyện này. Nó khó lắm, mỗi khi tôi bắt tay vào thực hiện nó thì có quá nhiều thứ cám dỗ để tôi có thể quên đi việc rèn luyện kỹ năng này.
Câu chuyện thứ ba là vẽ sơ đồ tư duy, cũng như viết tôi biết đến khái niệm học bằng não phải từ khá lâu nhưng để rèn luyện, tìm hiểu chuyên sâu về nó thì không. Tôi cũng chỉ vẽ bằng phần mềm chứ chưa bào giờ thực hiện bằng phương pháp thủ công cả. Đó là vì tôi cho phép tôi trì hoãn nó, cứ để đó. Học theo cách cũ tức sử dụng não trái để ghi nhớ thì với tôi vẫn ổn cơ mà. Cho đến một ngày tôi đến câu lạc bộ đọc sách – nơi đó mọi người đến để đọc sách, chia sẻ và lưu lại bằng sơ đồ tư duy. Mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi là một quyển sách. Thế thì mỗi tuần tôi cũng có tối thiểu vài sơ đồ tư duy nghệch ngoạc mà tôi tự vẽ vời ra. Mọi người đến đó ai cũng làm thế, đặc biệt ở CLB Sách này có một cu cậu còn rất bé nhưng nhóc này là chuyên gia về sử dụng và vẽ sơ đồ tư duy. Tôi cần phải hòa nhập, tôi không phải là một nốt nhạc lạc điệu. Nên tôi đã cố gắng, cố gắng duy trì. Chính vì vậy, hơn hai tháng từ ngày mà tôi tham gia CLB Sách tôi cũng có thể khẳng định rằng tôi biết vẻ sơ đồ tư duy và tôi có thể dùng tốt nó.
Câu chuyện thứ tư là một câu chuyện về việc học tiếng Anh. Tôi khổ sở lắm để học tiếng Anh. Tôi muốn có thể nói được tiếng Anh nhưng ngữ âm tôi sai tất. Vì tôi được thầy cô – người mà giúp tôi tiếp cận tiếng anh những năm đầu tiên, lại là người phát âm không đúng cũng như không thể nói được tiếng anh. Tôi sống ở quê, thầy cô chỉ truyền đạt cho tôi ngữ pháp và đọc hiểu thôi. Sau này tôi đến một vài nơi dạy tiếng anh chủ yếu để phát triển giao tiếp. Cô tôi bảo cứ học đều đặn, mỗi ngày một ít. Ít thôi, cứ giành ra 30 phút, thậm chí chỉ 5 phút một ngày để nói tiếng anh và thực hiện nó đều đặn mỗi ngày. Như vậy sẽ nói được tiếng anh trong thời gian ngắn.Với tôi nó khó lắm, tôi không thể làm được điều này. Tôi có thể giành thời gian cho lướt web, mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc nhưng giành 30 phút mỗi ngày với tôi là đều không tưởng. Cho đến một ngày tôi có quyết tâm mạnh mẽ, tôi cố gắng thực hiện và duy trì. Kết quả là từ một người dốt tiếng Anh, sợ tiếng Anh thì tôi cũng có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và thường xuyên đi đến các câu lạc nói tiếng Anh cũng như tự tin giao tiếp với người nước ngoài.
Chuyện thì cũng đã kể rồi, chắc các bạn cũng đã đọc rồi đúng không. Các bạn có thấy hình ảnh của mình trong các câu chuyện này không. Nếu có thì âu cũng là điều bình thường. Không, thì tôi xin chúc mừng bạn. Qua các mẩu chuyện nhỏ này tôi tin các bạn có thể hiểu được tại sao chúng ta chậm tiến. Đó là chúng ta bị bệnh trì hoãn. Vì bệnh trì hoãn này làm cho chúng ta cứ mãi cho các dự định của chúng ta mãi là số không. Tại sao những thứ như sức khỏe, kiến thức, các cơ hội thành công của chúng ta,… vậy mà chúng ta cứ cho nó vào ngăn xếp và cất nó đi. Sao chúng ta không cố gắng để nó trở thành một, rồi từ một nó sẽ thành hai, rồi ba, rồi bốn, rồi năm, vân vân.
Sự trì hoãn có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều hậu quả và rắc rối trong công việc và trong đời sống. Trì hoãn dẫn đến căng thẳng, cảm giác tội lỗi, nặng nề và sự khủng hoảng về mặc tâm lý. Làm giảm năng suất lao động, làm chúng ta phá vỡ các cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thành công việc. Chính vì vậy, để có thể khắc phục nó, chế ngự nó. Chúng ta nên quyết tâm cũng như lưu nhớ câu này: “Việc hôm nay chớ để ngày mai.” Nó giúp nhắc nhở mỗi chúng ta vượt qua căn bệnh nan y này.
Niềm tin. Một trạng thái không phải lúc nào cũng tràn đầy trọn vẹn như người ta tưởng, nó phải luôn luôn được đào xới lên xuống trong mỗi thời cuộc. Chúng ta lại phải từng hồi xác quyết lại nó mỗi khi hụt hẫng vì điều gì đó mà mình từng tin tưởng. Chúng ta cần gì? Một ý chí mạnh mẽ để không gục ngã? Một đời sống trong veo thấu đáy?
Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần sống một cuộc đời không va chạm, không đỗ vỡ. hay chí ít là một đời sống luôn luôn đúng hay luôn luôn chính trực. Đã bao giờ chúng ta tự vấn, đời mình, lúc nào cũng có thể không cảm thấy xấu hổ khi đối diện với chính mình. Tôi đã từng nghe và chứng kiến những kẻ ba hoa xảo trá vỗ ngực hô lên rằng sống làm sao miễn không thấy hổ thẹn với lương tâm. Kẻ có lòng tự trọng và kiêu hãnh, chẳng khi nào có thể cất lên lời như thế. Bởi trong suốt cả quảng thời gian tại thế hắn biết rằng giữa hắn và tha nhân luôn luôn có những mâu thuẩn không tránh khỏi, và bất kỳ hành động nào đều có hai mặt bất khả tư nghị. Niềm tin, hắn có thể tin rằng hắn không làm điều gì sai quấy, nhưng với những gì mình hiện hữu, đã không làm được việc có ích cho đời sống cũng đồng nghĩa với việc đã làm mục rỗng chính nó. Thậm chí, hắn luôn đau đáu vì những việc mình chưa làm được cho cuộc đời.
Tôi đã từng bất ngờ, ở một xã hội loài người thiếu vắng niềm tin như lúc này. Cái mà người ta hay nói nhiều nhất là ”tôi tin rằng”. Bao lần tự hỏi, cái niềm tin đó là gì, là những điều xác quyết cho một lý tưởng sống hay chỉ là những lời tự kỷ nhằm che đậy những đổ vỡ của tâm hồn bạc nhược. Tôi luôn muốn nhắn nhủ là sự nhạy cảm và sự tinh tế là hai cung bật khác nhau hoàn toàn. Kẻ nhạy cảm là những kẻ chỉ biết chăm chăm vào những tiêu cực của đời sống với thái độ tiêu cực. Những kẻ thiếu niềm tin, thiếu ý chí, được nhồi nhét bởi những giá trị đạo đức giả trá.
Tinh tế, đó là của một tâm hồn bao dung minh mẫn, kẻ va chạm và từng ngụp lặn trong cuộc chiến triền miên của bản ngã. Hắn nhận ra rằng, yêu thương chưa đủ mà cần phải hiến dâng đời mình cho mặt đất trần gian.
Niềm tin, thứ tưởng như mong manh hoang hoải đó, chính là thứ khiến cho mọi sự việc trở nên lung linh hơn, cái lung linh của hiện thực trần trụi đầy quyến rũ, chứ không phải thứ lung linh ủy mị của văn chương lãng mạn. Bạn có thể thất vọng về một người nhưng không thể mất đi niềm tin về tình cảm từng đại diện cho sự kết nối giữa hai người với nhau. Bạn có thể thất vọng về một tập thể, một cộng đồng, thậm chí cả một dân tộc. nhưng không thể mất đi niềm tin về tình cảm mà mình dành cho nó, như là tình cảm mình dành cho một thực thể tồn tại có linh hồn. Thực thể có quá khứ, có hiện tại và có cả tương lai. Tôi đang nói về niềm tin, về tình yêu chứ không nhắm vào một đối tượng có hình tướng. Điều khó giải bày ở đây chính là sử dụng nguyên lý nhị nguyên để áp đặt lên tinh thần. Niềm tin giống như là bản chất của thái độ lạc quan, nhưng thiếu vắng nó sự lạc quan được gọi là lạc quan tếu, cái không hề có nền tảng và sự chân thực.
Hình ảnh người Hy Lạp cổ dành cho niềm tin là một con rắn đang quay đầu chuẩn bị nuốt lấy chính đuôi nó. Tính ẩn dụ của hình tượng này nói lên khi niềm tin không đặt đúng chỗ, khi thiếu hụt nền tảng kiến thức, khi không đủ nghị lực và lòng bao dung. Steve Jobs có nói “vui” như thế này:
”Đôi khi cuộc đời sẽ ném gạch vào đầu bạn. Đừng đánh mất niềm tin.”
Thật ra câu này tối nghĩa, nếu cuộc đời ném vào đầu bạn cục gạch lớn, niềm tin sẽ không văng ra khỏi đầu bạn nhưng bạn phải suy xét lại vì sao bạn lại giữ cái niềm tin này cùng với bao gạch đá. Khi xác quyết được, bạn trở nên một người mạnh mẽ, ý chí bạn được tôi rèn. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận với thái độ an nhiên và bao dung, bằng không chúng ta sẽ sớm xây dựng lên một đức tin mù lòa tội lỗi. Một kẻ ngang bướng thô kệch mang bản tính nhạy cảm mà bới mói rỉa rói đời mình và đời sống.
Tôi đã rất sợ hãi khi ngày nay, đọc và nhìn thấy tràn lan những câu đại loại như: “Những gì bạn thực sự tin tưởng bằng tất cả cảm xúc sẽ trở thành hiện thực.” Nó giống như một khẩu lệnh cảm tử, một con thiêu thân lao vào ánh sáng nóng hổi. Bởi tôi không bao giờ có niềm tin về những cảm xúc tức thời của con người nếu nó không có một kiến thức và trải nghiệm đủ lớn. Tôi muốn kết thúc bằng lời của thánh Mahatma Gandhi:
”Niềm tin, phải được gia cố bằng lý lẽ.. khi niềm tin mù, nó sẽ chết đi.”
Gửi xe vào chợ TN, tìm chỗ đục lỗ dây thắt lưng cho con trai, mua sẵn nên không vừa. Hỏi 2 quầy đều nhận được cái lắc đầu, dù đã nói ngay sẽ trả tiền. Tới quầy thứ 3 thì chị chủ quầy nhìn rất phúc hậu gật đầu.
Chị còn hỏi xem có muốn cắt bớt cho vừa thay vì đục nhiều lỗ làm xấu cái “belt”, nhưng mình thì ngại chỉ nói chị chọn cách gì tiện cho chị dễ làm thôi. Làm xong đưa tiền nhất định chị không chịu lấy, lại còn biến đi đâu mất làm mình tìm quanh ngơ ngáo, chờ thêm vài phút đành về. Thầm nghĩ chắc chị muốn làm điều tốt thôi, nên mình sẽ quay lại mua hàng cho chị một dịp nào đó vậy. Và nhiều lần mua hàng sau đó, quầy của chị đã thành địa chỉ đỏ mua hàng của mình. Giá cả hợp lý và đặc biệt là cách bán hàng của chị rất thân thiện, rất đáng tin cậy.
Ngày…
Cả nhà đi chơi xa, dọc đường con trai nhỏ xui xẻo đạp trúng vũng bùn sau khi đi ‘gửi tình yêu vào đất’ . Hai mẹ con dắt nhau vào ngôi nhà nhỏ ven đường để xử lý sự cố. Vừa lò dò vào hỏi thì bác chủ nhà nhìn rất cảnh giác. Ngại quá nhưng tiến thoái lưỡng nan, thôi đành cố. Nhưng hóa ra không phải vậy. Bác ấy nghe chưa rõ và chưa hiểu ý định “rửa chân” của mẹ con mình. Khi hiểu rồi thì bác nhiệt tình chỉ chỗ này, mở nước thế này… và nhất định từ chối tiền mình đưa. Đi ra xe tiếp tục lên đường, con trai cứ suýt xoa: “Sao bác ấy tốt thế hả mẹ” “Ừ, trên đời còn nhiều người tốt lắm, mẹ con mình cũng ráng làm người tốt nha con.”
Ngày…
Trời bất chợt đổ mưa. Ai cũng tăng tốc để chạy trốn khỏi cơn mưa đang sầm sập đổ xuống. Mình ở ngay giữa ngã tư đường, tiến cũng không được mà lùi cũng không được trước đoàn xe hơi nối đuôi dài. Bất chợt một cánh tay giơ ra từ chiếc xe đang chắn ngang mũi xe, ra dấu cho mình băng ngang đầu xe. Chỉ chờ có thế, mình chạy vèo qua, chỉ kịp thấy bác tài tốt bụng là người lớn tuổi.
…
Vài đôi lần chạy xe trên đường, gặp chiếc xe chạy ngược chiều cả hai khi cùng sang trái khi cùng sang phải, đồng pha quá thành ra chẳng ai tiến lên được. Tự dưng nhìn nhau nở nụ cười. Cái nắng rát bỏng Sài gòn bỗng dưng dịu lại.
Cũng thỉnh thoảng đi chợ, mua vài món lẻ tẻ, thiếu một vài ngàn lẻ, bữa sau quay lại trả, được cô bán hàng cảm ơn nhiệt tình. Có khi còn được tặng thêm ít hành ngò, món đồ mua cho tươi thêm một chút, chắc do mình mua nhanh, mua nhiều.
Mình cũng thỉnh thoảng gặp những chuyện bực mình chứ, cũng gặp những người ghê gớm đấy chứ. Nhưng chẳng đáng để phải găm vào đầu, bực đấy rồi quên ngay đấy. Có khi còn tội cho họ vì chắc họ phải khổ sở lắm nên mới có những suy nghĩ, hành xử tiêu cực như vậy. Có khi còn thông cảm vì chắc họ đang mệt, hay đang có chuyện không may gì đó… Nghĩ vậy là quên thôi.
Sau bao nhiêu năm sống trên đời, những trải nghiệm đã dạy mình tới giờ nhìn cái gì cũng nhẹ. Mình đã rất may mắn khi khám phá ra nhiều điều thú vị, nhiều cái hay ở đời, để tránh những cái đáng tiếc, không hay, làm mất niềm tin, mất tình yêu cuộc sống.
Những điều tốt sẽ hút điều tốt, và cứ thế nhân lên
Những người mà lúc nào cũng mang theo cái búa bên người thì nhìn ai cũng chỉ muốn đóng đinh. Chẳng biết đọc ở đâu mà thấy chí lí thật.Chẳng cần phải quá tốt, chỉ cần tốt vừa đủ thôi, tốt với những người cần lòng tốt của mình, thì bảo vệ được mình khỏi những người có tâm địa xấu.
Cứ tốt như mình thấy cần phải vậy, tự nhiên thôi, không phải cố gồng lên làm người tốt. Cũng không phải rao giảng cho ai về lòng tốt cả. Ai cũng có sẵn lòng tốt ở trong người, chỉ là họ có mang ra sử dụng và sử dụng thế nào thôi. Tự cách sống của mình, sẽ cho thấy mình là ai, cho con cái mình nhìn mình tự hào hay hổ thẹn. Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận và cảm ơn những nỗ lực của bản thân mình để luôn có cái nhìn lạc quan, yêu đời. Mãi mãi vẫn vậy thôi.
Xin nhắc lại một trong những quy luật cay đắng nhất trong lịch sử loài người là, con gái có xu hướng thích những tên xấu xa hơn. Xin nói thêm quy tắc chọn con trai của rất nhiều cô gái hiện nay là, đẹp trai hoặc có tiền hoặc vừa đẹp trai vừa có tiền. Chính những lưa chọn hay bản năng yêu đương đó khiến cho rất nhiều cô gái phải nhận lấy những cuộc tình đắng ngắt. Và nếu bạn phải ngậm đắng nhiều lần, đến nỗi không còn niềm tin vào con trai nữa, có nghĩa là bạn đã mệt mỏi trong công cuộc chinh phục trai hư của mình thì một chàng trai tốt là điều bạn nên nghĩ tới. Có câu không thể đánh giá một người qua bề ngoài, vậy làm sao để nhận ra một chàng trai tốt? Dưới đây có thể là một ít gợi ý cho các nàng.
1. Những chàng trai hay khóc
Đừng hiểu lầm, không phải là loại khóc vì bị đánh, bị mắng hoặc bị đau hay đại loại đâu. Mà là những chàng trai dễ rơi lệ trước những điều kiện khách quan. Chàng trai đó có thể khóc vì một đoạn phim cảm động, có thể khóc khi đang đọc một cuốn sách, có thể khóc khi đội bóng mình yêu gục ngã và cũng có thể khóc chỉ vì một mẫu tin cảm đông trên facebook. Thoạt nhìn, có thể bạn nghĩ họ là những con người yếu đuối, không đủ khả năng bảo vệ ai hết nên không để ý. Nhưng đó thật sự là những con người giàu cảm xúc, sâu sắc, biết cảm thông và không bao giờ muốn ai bị tổn thương đặc biệt là những người xung quanh mình. Họ luôn lo sợ người mình yêu thương bị đau, bị những điều bất hạnh. Nghĩa là không những không thể bảo vệ ai mà có thể họ sẽ dùng hết tâm can và khả năng mình để bảo vệ người thân, người yêu. Một người như thế có thể làm cha của con bạn không?
*Nhược điểm: Đa sầu, đa cảm, dễ tự kỷ, hay nổi cáu.
2. Những chàng trai thích làm người khác cười
Không phải chỉ làm một mình bạn cười đâu nhé, vì đó là điều mà tất cả chàng trai sẽ làm nếu muốn theo đuổi bạn. Mà là một người thích làm cho tất cả mọi người cười. Chàng trai như thế bạn có thể dễ dàng gặp trong lớp học, trong một đám bạn than…. Nghĩ lại xem, xung quanh bạn hẳn phải có một người như thế, luôn cố làm những trò quái dị, luôn nói rất nhiều và luôn tạo tiếng cười. Những người như thế tồn tại đặc biệt đến nỗi có khi bạn không nhận ra họ đang xung quanh mình, vì bạn nghĩ đó là một điều hiển nhiên. Thật sự thì làm người khác cười họ chẳng nhận được gì cả, có khi mọi người sẽ nghĩ mình như một tên hề, nhưng chẳng sao cả đem lại niềm vui cho người khác là hạnh phúc của họ. Nghĩ là họ luôn nghĩ cho người khác, đó chẳng phải là một kiểu người tốt điển hình sao? Nghĩ cho người khác, nói thì dễ nhưng mấy ai làm được? Một chàng trai luôn nghĩ cho mình, cho gia đình có đáng để bạn đặt niềm tin không?
*Nhược điểm: Kiểu con trai này lúc độc thân thì thường con gái thích làm bạn hơn là người tình nhưng nghịch lý là khi có gia đình rồi thì phụ nữ rất dễ bị quyến rũ bởi sự hài hước của họ.
3. Những chàng trai ít nói
Đây chắc chắn là loại con trai mà bị con gái tẩy chay nhiều nhất. Họ ít nói, sợ tiếp xúc với phụ nữ và nhút nhát. Con trai kiểu này đa số là nhạt nhẽo. Nhưng nói về độ chung tình chẳng ai qua kiểu con trai này đâu. Ít nói, không có khả năng chinh phục, miệng lưỡi không dẻo (ế là đúng rồi), nhưng chính điều đó nói lên sự thật thà trong con người họ. Và chính vì thế họ cực kỳ trân trọng người mình yêu, họ yêu sâu đậm, chung tình. Cho dù có thể ngoại hình ưa nhìn, có thể là một người có tiền nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ sợ mất người như thế đâu. Một chàng trai chung tình, không dễ tìm đúng không?
*Nhược điểm: Như nói ở trên, vô cùng nhạt nhẽo, có thể khá bảo thủ.
4. Những tên hỏi nhiều
“Em đang làm gì? Với ai?” “Đi với con trai hả? Sao chỗ đó nhiều con trai thế?” “Sao mặc quần ngắn thế?” “Sao hắn cứ nhắn tin với em hoài thế?”… Hẳn bạn phải cực kỳ khó chiu với những câu hỏi xuyên suốt và đại loại thế đúng không? Cho dù bạn chưa là gì của hắn. Nói thật, nếu bạn là một cô gái yêu thích tự do và sống phóng khoáng thì nên tránh xa kiểu con trai này ra. Họ là những người đứng đầu về độ ghen. Nhưng cũng như ông bà ta mình nói, càng ghen thì càng yêu, bù lại có thể bạn sẽ không tìm được người nào yêu bạn nhiều bằng hắn đâu. Càng yêu thì càng cố giữ, đó là quy luật, chẳng phải sao. Loại con trai này sẽ không cho bạn đi bar nhưng hoàn toàn có thể xây một cái bar tại nhà cho bạn. Dù sao, nếu bạn muốn một cuộc sống mà mình được cưng chiều hết mức nhưng bù lại sẽ hạn chế chút tự do thì đây không phải là một lựa chọn tồi. “Em chỉ cần yêu anh thôi, cả thế giới để anh lo.” Có lẽ là câu nói hợp nhất với kiểu con trai này.
*Nhược điểm: Lúc nào cũng phải báo cáo, hẳn là mệt lắm!
Còn nhiều, nhưng thời lượng có hạn, bốn kiểu con trai tốt là dư để chọn rồi đúng không?
Dù sao thì chả có gì là tuyệt đối cả (nếu không Albert Einstein không nổi tiếng đến thế) nên những nhận định trên đây chỉ mang tính tương đối. Nhưng tôi cam đoan tỉ lệ chính xác cao lắm, không biết bao nhiêu nhưng cao lắm! ^^
Và cũng dĩ nhiên không phải những kiểu con trai không thuộc những dạng trên là không tốt. Dù sao thì tìm đươc một người mình vừa yêu vừa tốt thì con gì bằng. Tóm lại, những gì viết trên đây chỉ để tham khảo thôi!
Tuần qua cũng nhiều chuyện xoay quanh nền âm nhạc Rock/Metal nước nhà. Show Hardcore United được tổ chức bởi Hardcore Vietnam đã đánh dấu một bước mới của một dòng nhạc mà rất nhiều các bạn trẻ hiện nay yêu thích, theo đuổi, nó đánh dấu dòng nhạc hardcore tại Việt Nam đã vươn ra khỏi tầm underground. Sau khi sự kiện diễn ra được vài ngày, Hardcore Viet Nam lại đăng tải thông tin họ sẽ có ý định làm một show thứ 2 với một khác biệt lớn là sự tham gia của một band nhạc nước ngoài, Whitechapel. Cũng bắt nguồn từ đó, chuyện tranh luận giữa việc tại sao lại mời band nhạc nước ngoài về Việt Nam diễn trong khi chúng ta có thể dùng các band trong nước và tự phát triển scene?
Những cái tên đình đám đã đến Việt Nam trong năm 2013?
Rockstorm đã mời Andromeda, Tiger Translate đã mời Lacuna Coil, tiếp đến là các cộng đồng, các nhóm đã mời được những cai tên như: The Ghost Inside, Obey The Brave, Chealsea Grin, Chthonic, Nargaroth, Black Rebel Motorcycle Club, The Cribs…v…..v….Những cái tên tôi vừa nêu ra, họ đều là những band nhạc hoàn toàn nước ngoài, có những band nhạc đã hết thời đỉnh cao, có những band đã và đang rất “hot” nhưng tóm lại họ vẫn chỉ xếp Việt Nam vào thị trường âm nhạc thứ 2 mà họ hướng đến. Những nhà tổ chức sự kiện luôn gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta không có quyền tự lựa chọn ngày tổ chức là những ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) nếu họ đi tour như ở các thị trường âm nhạc được cho là số 1, còn muốn điều đó các nhà tổ chức sẽ phải bỏ tiền ra chơi trội bằng việc mời sang diễn một đêm rồi họ về nước hoặc cùng lắm chỉ là do sự may mắn trong kế hoạch sắp lịch đi tour.
Tốn kém, hút máu của chính người Việt Nam đó nhưng tại sao tôi cho Việt Nam vẫn cần thêm những band nhạc nước ngoài đến diễn?
Tất nhiên ngắn gọn là việc học hỏi từ họ. Việt Nam có những band nhạc mà các bạn cho là lớn, ờ thì cũng là lớn trong nước thôi. Họ diễn vài ba cái chương trình được cho là quy mô lớn, năm nào cũng gần như lặp lại, thêm tí hoa dại cho khác, cũng chỉ những gương mặt ấy, đánh mãi, hát mãi những bài hát mà người ta nghe phát chán rồi tự bảo nhau đó là tượng đài Rock Việt, là những band hay nhất Rock Việt.
Việt Nam đã có band nào đi tour nước ngoài hay chưa?
Câu trả lời là chưa. Có một vài ba band ra nước ngoài tham gia với vai trò là khách mời giao lưu hoặc đi tham dự một cuộc thi nào đó trên thế giới. Qua bao nhiêu năm đều bước, điều mà Rock/Metal scene hướng đến là việc có band nhạc nước nhà được các thị trường âm nhạc nước ngoài mời chào đi diễn, đi tour đến nước họ đến nay là một con số 0 rất tròn.
Tại sao phát triển mãi vẫn chưa đạt được điều trên?
Đại đa số các band nhạc Việt Nam chẳng thế kiếm tiền từ việc đi diễn, việc chơi nhạc, đi diễn chỉ là sự yêu thích, đam mê. Hầu hết họ có công việc kiếm tiền chính chẳng liên quan đến ngành nhạc. Bề bộn lo toang việc kiếm tiền nuôi sống rồi mới nuôi được cái đam mê, thời gian giành cho band nhạc cùng lắm là những giờ cuối ngày cầm đàn, cầm dùi tự tập hay những chiều thứ 7, chủ nhật cùng nhau rảnh rỗi tập band. Điều đó cho thấy chẳng mấy band tận tụy cho việc cùng xây dựng một band cả, cứ chán là chúng ta lại nghỉ chơi rồi ra lập band mới.
Cách quản lý, PR, marketing band nhạc cũng là điều tôi muốn nhắc đến. Đã có band nhạc Việt Nam nào tự lập cho mình một kế hoạch là sẽ đi tour ra nước ngoài, rồi lập những điều căn bản để gửi đi mời chào cho các nhà tổ chức nước ngoài như : hợp đồng trình diễn, hospitality rider, technical rider, stage plot, input list…v….v…? Ngay cả việc tuyển các vị trí cần thiết như quản lý và soundman riêng cho band cũng chưa band nhạc Việt Nam nào làm được.
Kết bài:
Định hướng Rock/ Metal scene phát triển đồng nghĩa với việc ta phải tự phát triển các band nhạc trong nước về mọi mặt và gắn liền với việc thường xuyên giao lưu ra ngoài thế giới, họ sẽ qua nước ta và ta sẽ mang âm nhạc Việt ra nước họ. Chẳng có Rock/ Metal scene nào có thể tự bảo là phát triển trong “nội địa” và thành công vì điều đó cả. Sau Hardcore United, chúng ta sẽ lại được đón The Aristocrats vào tháng 8, có thể Whitechapel vào tháng 9, Rock Storm cũng rục rịch khai màn vào tháng 10. Rock/ Metal scene Việt Nam có phát triển hay không cũng là do chúng ta quyết định, không chỉ những band nhạc, những nhà tổ chức show mà nó cần sự chung tay của tất cả những người chung sở thích, chung đam mê cùng xây dựng! Cột mốc mà tôi mong muốn thấy là Việt Nam sẽ có band nhạc vươn ra thế giới, thời gian có thể xa nhưng chúng ta sẽ luôn cố gắng để đạt được điều ấy chứ?
Place Of Mind
Ghi chú:
+HardcoreUnited là một buổi diễn âm nhạc được tổ chức vào ngày 21/06/2014 tại sân nhà ga 3A (3A Station) với sự góp mặt của 11 band nhạc đến từ khắp mọi miền đất nước. Một show diễn được đem ra làm một cột mốc không chỉ vì lý do hardcore tại Việt Nam bước lên khỏi underground mà đó còn show diễn hoàn toàn bắt nguồn từ sự đam mê của một cộng đồng. Số tiền bán vé và nhà tài trợ của show hoàn toàn không thể đáp ứng mọi chi phí của buổi diễn và tất nhiên họ đã tự bỏ tiền túi để có thể tạo ra Hardcore United. Danh sách 11 band nhạc đã tham gia đêm diễn:Cat Pylon // W.A.A.H // Loser Of Generation // Morning Waits // December // Off The Skyline // Elevator // Alive In Sight // The Current Will Carry Us // Epione // In Your Eyes.
+Hospitality rider : Danh sách yêu cầu bên tổ chức chuẩn bị những nhu cầu của nghệ sĩ khi đi diễn (Đồ ăn, thức uống, nơi ở, phương tiện đi lại, an ninh, vé mời…v…v).
+Technical rider : Danh sách yêu cầu bên tổ chức chuẩn bị những trang thiết bị cần có trong buổi diễn (Âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ…v…v…).
+Stage plot : Sơ đồ vị trí lắp đặt các trang thiết bị trên sân khấu của các nghệ sĩ yêu cầu.
+Input list : Danh sách nội dung chi tiết và số cổng Input mà nghệ sĩ cần.
Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc luôn than vãn về thói lười biếng và tham lam của con cái họ, nhưng thế hệ những người trẻ này đã chịu đủ rồi.
James Palmer là một tác giả sách và biên tập viên người Anh đã có cơ hội làm việc thân cận với nhiều nhà báo Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông có tên “Cái chết của Mao” (‘The Death of Mao’) (2012). Ông hiện sống ở Bắc Kinh.
***
Vào năm 2004, vừa đặt chân xuống khỏi máy bay ở Bắc Kinh, tôi đã bị người ta lôi tuột đi làm giám khảo cho một cuộc thi hùng biện tiếng Anh của các học sinh năm cuối cấp III. Đồng giám khảo với tôi là hai nhà xã hội học tuổi trung niên khá ưa hoài nghi, cả hai đều là giáo sư của đại học Thanh Hoa (Tsinghua) [1]. Sau khi nghe một bài phát biểu dài lê thê về việc Trung Quốc đã từng rất nghèo, nhưng giờ đã trở nên giàu có và quyền lực đến thế nào, tôi bình luận với một trong hai người họ rằng các học sinh này có vẻ đã được bảo bọc hơi quá kỹ.
“Chúng chẳng biết một cái gì cả!” cô nói một cách giận dữ. “Chúng không hề có một chút khái niệm nào về việc người dân đang phải sống ra sao. Không đứa nào trong cái thế hệ của bọn nhỏ này biết hết. Tất cả chúng đều đã bị nuông chiều quá đáng.”
Đó là quan điểm tôi đã được nghe đi nghe lại nhiều lần trong suốt tám năm qua, và là một quan điểm mà giới truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ thôi đề cập tới. Chỉ riêng vừa tháng Một này thôi, viên thiếu tướng và nhà bình luận truyền thông hiếu chiến La Viện (Luo Yuan) đã phê phán giới trẻ là ‘yếu ớt cả về thể chất lẫn tinh thần’, ca thán rằng: “Nữ tính đang lên ngôi, và nam tính đang biến mất. Thiếu hoàn toàn phẩm chất và nghị lực, lại còn thể trạng yếu ớt như vậy, làm thế nào chúng có thể gánh vác trên vai những trọng trách nặng nề?”
Trong khi đó, tác giả và nhà phê bình xã hội Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun) thì nguyền rủa giới trẻ thậm tệ trên trang tạp chí Mỹ Foreign Policy, bởi “bị nuôi béo tới phì nộn bằng Coca-Cola và thức ăn nhanh […] thế hệ trẻ bây giờ chỉ biết nhất mực tin theo những gì chính phủ tuyên bố; có nhiều kẻ còn coi đối lập với nhà chức trách là như ngang với tội dị giáo. Chúng không bao giờ thèm bận tâm kiểm tra lại các sự kiện chi tiết.”
Cũng có một phần sự thật đằng sau những lời chỉ trích này. Vào năm mà tôi tới Trung Quốc, khi tôi phải trải qua giai đoạn sống-như-người-ngoại-quốc gần như bắt buộc tại đây với nghề giáo viên, trước khi có thể chuyển hẳn hoàn toàn sang công việc viết sách và làm biên tập xuất bản, tôi đã phải lôi xềnh xệch một thằng nhỏ 19 tuổi ra khỏi lớp học sau khi nó nổi cơn tam bành, giậm chân giật tay ăn vạ và từ chối bước ra khỏi lớp. Lời khẳng định của ông Mộ Dung, rằng giới trẻ ngày nay ngoan ngoãn nuốt từng lời của chính phủ, không hề đứng vững trong một thời đại mà mọi sự tín nhiệm của tầng lớp lãnh đạo đều đã bị đánh đổ hoàn toàn bởi các phương tiện truyền thông, nhưng ta có thể thấy cơ sở cho lời khẳng định của ông La. Mỉa mai nhất là chính con cái của các quan chức quân đội lại có vẻ là những đứa đặc biệt béo tốt nhất. Các giáo viên tại một học viện đào tạo liên thông với với một doanh trại quân đội đã miêu tả với tôi rằng các của nợ cứng đầu và ngu dốt của họ trông cứ như “mấy cái dái ngắn cụt giãy giụa” (‘stubby wobbling penises’), và họ còn tổ chức các cuộc thi ngầm giữa nhau để xem học sinh nào là “xôi thịt” (‘sausagey’) nhất trong cả lũ.
Các so sánh về thức ăn này cho ta thấy – những thế hệ người lớn của Trung Quốc đang muốn biết: “Tại sao chúng có thể sống dễ dàng quá vậy, trong khi bằng tuổi chúng, chúng ta đã phải khổ sở đến chừng nào?” Đối tượng chính của sự phê phán này là thế hệ mà những người Trung Quốc gọi là bát linh hậu (‘balinghou’) – những người trẻ sinh sau năm 1980, chưa bao giờ phải biết đến tem phiếu thức ăn, và được nuôi lớn lên sau khi giai đoạn “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã bắt đầu. Ở đây tôi đang nói tới tầng lớp trung lưu thành thị, những người chiếm đại đa số truyền thông Trung Quốc, cả với tư cách là đối tượng mua sắm và tiêu thụ. Những lời chỉ trích trên, về thực tế không mấy thực sự liên quan tới các yếu kém của giới trẻ; chúng chỉ như dấu hiệu của một hố sâu ngăn cách khổng lồ, chưa từng bao giờ có trước đây, giữa giới trẻ thành thị Trung Quốc với cha mẹ của họ mà thôi.
Trương Quân (Zhang Jun), một học viên cao học 26 tuổi, đã miêu tả tình thế này như sau: “Nó không chỉ là khoảng cách giữa các thế hệ. Nó là khoảng cách giữa các hệ giá trị, khoảng cách giữa giàu và nghèo, khoảng cách về trình độ giáo dục, khoảng cách về các mối quan hệ, và khoảng cách về thông tin.” Linh Mỹ Lệ (Lin Meilian), 30 tuổi, một nhà báo, đã tuyên bố một cách ngắn gọn thế này: “Tôi chẳng có một điểm gì chung với mẹ mình hết. Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau về bất cứ điều gì cả. Bà không bao giờ hiểu được tại sao tôi lại chọn cho mình một cuộc sống như vậy.”
Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.
Loại khoảng cách này không phải chỉ có riêng ở Trung Quốc. Nhưng ở hầu hết các nước khác đều có một tính liền mạch hơn nhiều giữa các thế hệ. Thời niên thiếu của tôi ở Manchester những năm 1990 chỉ khác biệt về mức độ, chứ không khác biệt về bản chất, với thời niên thiếu của bố mẹ tôi tại Bristol và Sydney những năm 1960. Nhưng cha mẹ của những người trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – những người sinh ra vào khoảng 1950 đến 1965 – đã lớn lên trong một thế giới nông thôn, tuân theo các tư tưởng của Mao Trạch Đông; hoàn toàn khác biệt với thế giới của con cái họ bây giờ. Ở thời của họ, mỗi làng chỉ có một chiếc máy điện thoại, các trường đại học bị đóng cửa, và mọi công việc đều được cắt đặt và bổ nhiệm từ trên xuống. Nếu bạn có thể hình dung sự mất phương hướng và lúng túng của rất nhiều bậc cha mẹ phương Tây khi phải đương đầu với Internet và tác động của nó tới con cái của họ, và rồi thêm vào nó hẹn hò, cuộc sống của trường đại học, rồi những lựa chọn nghề nghiệp, vậy là bạn đã có thể tới gần hơn tới nan đề giữa các thế hệ này. Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.
Người Trung Quốc lớn tuổi, đặc biệt là những người nay đã vào độ tuổi năm mươi, sáu mươi, thường cứ như dân nhập cư ngay trên chính mảnh đất của họ. Họ cũng có cái cảm giác lạc lõng, mất phương hướng, hay phải vất vả xoay sở với những tiêu chuẩn xã hội và những thói quen tập quán họ không hiểu nổi đó; chỉ còn biết cố bám chặt lấy những nhóm người đồng loại ít ỏi còn sót lại của mình. Trong mối quan hệ với con cái, họ làm tôi nhớ tới những bậc cha mẹ người gốc Ấn Độ và Bangladesh ở Anh mà tôi đã được chứng kiến khi còn nhỏ, luôn phải vất vả xoay sở để có thể giúp con đưa ra những lựa chọn mà bản thân họ trước đây chưa bao giờ phải lựa chọn. Ấy vậy nhưng, với tất cả những sự khó khăn do khác biệt về địa lý tạo ra đó; khoảng cách giữa một khu làng ở Bangladesh với vùng ngoại ô Manchester vẫn còn nhỏ hơn khoảng cách giữa vùng nông thôn Trung Quốc của những năm 1970 và thành phố Bắc Kinh thời hiện đại.
Dân nhập cư thường có một hệ giá trị ổn định mang tới từ văn hóa quê nhà của họ, mà từ đó họ rút được ra nguồn sống cho cộng đồng mình, bất kể là về mặt tôn giáo hay văn hóa. Nhưng với những đứa con của cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Quốc, không hề có một sự liền mạch nào như vậy. Họ được nuôi lớn lên, tin vào tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông những năm 1960 và 70; và rồi khi đã là những thanh niên trẻ vào cuối những năm 1970, họ được bảo rằng tất cả những gì đã được tiêm vào đầu họ trong suốt thời niên thiếu đó đều là một sai lầm tai hại. Rồi họ được mớm cho một chút hy vọng về chủ nghĩa xã hội, nhanh chóng bị làm cho ảo tưởng lên bởi cơn sốt làm giàu, để rồi cuối cùng được thấy một chút dấu hiệu nhỏ của công cuộc phản-văn hóa tự do (‘liberal counter-culture’) trong những năm 1980, trước khi sự kiện Thiên An Môn chính thức tước đoạt nó đi mãi mãi. Cùng lúc đó, các giá trị truyền thống đã từng bị tuyên là “phản cách mạng” vào những ngày họ còn trẻ, giờ đây lại được chính các nhà lãnh đạo nhanh chóng đánh bóng lại cho đẹp đẽ, rồi giương ra như là xương sống mới cho cả xã hội.
Thế hệ trẻ ngày nay bị phê phán thậm tệ bởi cái gọi là thói vật chất (materialism) của họ, nhưng đây thực ra là một hệ giá trị mà chính cha mẹ của họ còn trân trọng hơn nhiều, bởi nguồn đảm bảo an toàn vững vàng nhất cho cả thế hệ của họ vẫn luôn là tiền. Tiền – hay ít nhất là ảo tưởng về nó – là thứ chưa bao giờ bỏ rơi họ. “Người Trung Quốc yêu tiền”, Trương, cô học viên cao học, nói với tôi: “Bởi vì tiền không mang theo một lịch sử nào với nó hết.” Đã phải trải qua nền kinh tế tư bản cướp đoạt của đất nước trong cơn lốc tới kim tiền; thế hệ già, với thái độ vô luân đến tuyệt vọng của họ khi tìm cách để tồn tại, có thể khiến con trẻ của họ phải ngỡ ngàng. Hoàng Nộ Ba (Huang Nubo), nhà thơ, nhà leo núi, và một tỷ phú bất động sản, giờ đã vào độ tuổi năm mươi, là một trong số ít người dám thoải mái thừa nhận điều này; gọi nó là “sự tan rã của hệ sinh thái xã hội” trong một bài phỏng vấn với tạp chí Caixin của Trung Quốc. Nhưng Hoàng chỉ thuộc thành phần hiếm, được bao bọc an toàn bởi gia tài giàu có của mình; rất nhiều các bậc cha mẹ khác thì vẫn đang rất lo lắng rằng con cái mình chưa làm đủ tốt để có thể tiếp tục tồn tại.
Trong khi những người nhập cư mơ ước con mình sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hay giáo sư; những người Trung Quốc nội địa đặt tham vọng của mình ở một nơi khác. Bác sĩ được trả lương quá kiết, luôn phải làm việc quá sức và lại không được trọng nể, tất cả đều vì một hệ thống y tế đã thất bại và mục ruỗng từ bên trong. Luật sư thì luôn phải uốn mình theo những thay đổi khó đoán của hệ thống tư pháp. Giáo sư thì chỉ kiếm được đồng lương ba cọc ba đồng và phải phụ thuộc vào những công việc làm thêm ở bên ngoài mới cầm cự nổi qua ngày. Ưu tiên của các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không phải là một vị trí chuyên môn cao hay công danh sự nghiệp lẫy lừng, mà là tiền bạc và sự ổn định, bất kể công việc đem lại nó có là gì.
Cái cũ nhường chỗ cho cái mới ở Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Trương là một học giả trẻ đang trên đà thăng tiến, thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo cấp cao về ngoại giao và an ninh. (Cô là người duy nhất trong số những người nói chuyện với tôi yêu cầu được sử dụng bút danh, cho thấy cô có ý thức rõ ràng về sự “nhạy cảm” của cái tên của mình trên mạng đến thế nào). Cô kể: “Mẹ tôi không thể hiểu nổi bất cứ điều gì tôi làm, đặc biệt là khi nó không đem lại chút “bổng lộc” gì hết. Tết năm vừa rồi, tôi về nhà và thấy em họ của mình đã ở đấy rồi. Nó là một trình dược viên (pharmaceutical rep). Nói vậy tức là nó bán thuốc giả hoặc kê khống giá thuốc bán cho các bệnh viện, với sự giúp đỡ ngầm của bác sĩ bên trong, và họ chia đôi lợi nhuận thu được. Mẹ tôi cứ luôn nói với tôi: “Ôi, sao mày không làm ăn chung với em họ mày đi! Nó kiếm ra được bao nhiêu là tiền đấy!”. Bà ấy biết công việc của nó dính dáng đến những gì, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đó là điều gì sai trái hết.”
Các bậc cha mẹ Trung Quốc dốc tiền vào giáo dục cho con cái, nhưng họ cũng đầu tư vào cả các “lối đi tắt” nữa. Hầu hết không thể làm được điều mà gia đình tỷ phú của một người đã làm khi anh ta trượt kỳ thi vào đại học Thanh Hoa: mua cho anh ta hẳn quyền công dân của nước Cộng hòa Dominica, chỉ để anh chàng này có thể đường hoàng theo học tại đại học này dưới danh nghĩa “du học sinh nước ngoài”, với tiền là điều kiện tiêu chuẩn duy nhất cần phải đáp ứng. Tuy vậy, họ có thể làm được điều mà mẹ của Trương đã làm: lo lót cho tất cả các thầy cô để mọi học kỳ, cô đều được ngồi ở dãy đầu tiên trong lớp, giúp cô không bị chìm nghỉm giữa 50, 60 học sinh khác.
Vẫn có thể cố gắng hết sức để có được một sự nghiệp ở Trung Quốc chỉ dựa trên năng lực, mặc dù việc này đang càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, do những người giàu có và nhiều quan hệ đang kéo chiếc thang đi xa dần. Cứ lấy ngành nghệ thuật làm một ví dụ. Chỉ để được phép tham dự vào một cuộc thi khiêu vũ cấp quốc gia thôi, mức phí yêu cầu tối thiểu đã là 20,000 tới 30,000 nhân dân tệ (tương đương xấp xỉ 3,000 tới 5,000 đô-la Mỹ, ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân của dân thành thị chỉ vào khoảng 500 đô/tháng).
“Người thắng cuộc thực sự thì được chọn bởi tài năng. Nhưng bạn sẽ cần phải xùy tiền ra cho ban giám khảo mới mong có thể chen chân có một chỗ đứng trong cuộc đấu. Vậy nên các cô gái hoặc sẽ phải phụ thuộc vào ông bố của mình, hoặc họ phải tự đi tìm lấy các “ông bố” khác”, một vũ công 21 tuổi nói với tôi. Ở ngành âm nhạc, một trong những học viện nghệ thuật hàng đầu của cả đất nước, một thời đã từng là cái nôi của bao tài năng vĩ đại, giờ yêu cầu học viên phải mua các khóa học riêng từ nhạc trưởng với mức phí 5,000 tệ một lần (khoảng 800 đô, hay 17 triệu VNĐ). Khi tất cả mọi người khác đều chơi bẩn, kể cả những bậc cha mẹ thành thật nhất cũng không còn lại mấy lựa chọn nào khác cho tương lai của con cái, và một số hối hận chính chủ nghĩa lý tưởng (idealism) của thế hệ mình. Hàn Tố Chân (Han Suzhen), 57 tuổi, một giáo viên đã về hưu, bình luận: “Chúng tôi đã không nuôi dạy chúng theo cách để có thể thích ứng tốt với thế giới này. Chúng tôi đã dạy chúng bằng những lý tưởng đã được khắc sâu trong đầu chúng tôi, theo một cách rất ngây thơ. Nhưng ngày nay tất cả mọi người đều theo đuổi những thứ chúng tôi đã được dạy rằng không nên trân trọng: chúng tôi được dạy là phải cống hiến cho xã hội, giờ thì bọn nhỏ được dạy rằng phải giành lấy cho bản thân bằng mọi cách có thể. Chính xác điều ngược lại. Không ai còn nhắc tới các lý tưởng hay sự tự do vào cái thời này nữa”.
Cũng như trong hầu hết mọi trường hợp trong lịch sử Trung Hoa, triển vọng đẹp đẽ nhất mà ai cũng nhắm tới là một vị trí quan chức nhà nước. Trên giấy tờ thì tiền lương cũng thấp thôi, nhưng kể cả một công việc ít quan trọng nhất trong hệ thống thứ bậc của thế giới quan chức cũng đi kèm với những món lợi tức được bảo đảm và sự ổn định về kinh tế suốt đời, được biết đến với cái tên “bát cơm sắt”. Một công việc quan chức tầm trung là tấm giấy phép đảm bảo để được thoải mái moi móc, bóp nặn cũng như gây ảnh hưởng để giành phần lợi cho mình. Trương nói với tôi: “Thằng em họ tôi, tên buôn thuốc ấy, cứ liên tục càm ràm với tôi rằng: ‘Sao chị đi không làm quan chức đi? Khi đó tôi có thể dọa đám đối tác của tôi rằng tôi có người trong gia đình là quan chức đấy, và thế là cả hai chúng ta đều có thể kiếm được bộn tiền.”
Một công việc trong những tập đoàn quốc doanh khổng lồ, như là tập đoàn dầu mỏ kếch xù Sinopec, hoặc “tứ đại” ngân hàng chẳng hạn, là sự lựa chọn hoàn hảo thứ hai. Những công việc ăn lương nhà nước kiểu này còn được gọi là thể chế nội (tizhinei), “ở bên trong hệ thống”, với tất cả những bổng lộc hấp dẫn từ những khoản lương hào phóng, với chỉ số an sinh xã hội cao và, ở một mức độ nhất định, những khoản hối lộ đều đặn. Đó là lý do chúng rất đắt giá, kể cả phải mua bằng tiền hay bằng quan hệ (‘guanxi’); một khái niệm rất binh thường của người Trung Hoa để nói về thế lực, ảnh hưởng hoặc ưu ái của ai đó dành cho thành viên trong gia đình mình. Để giành được một vị trí trống trước tiên, nhất thiết cần phải có sự chống lưng của cha mẹ. Khi danh sách ứng viên cho một vị trí cấp thấp tại một tập đoàn quốc doanh cấp tỉnh bị tung lên mạng, vào hồi tháng 12 vừa qua, bên cạnh tên các ứng viên còn có ghi cả tên các họ hàng quyền lực nhất của mỗi người họ nữa.
Tuy nhiên không phải vị trí nào cũng có thể mua được. Lý Sương (Li Xiang), một chàng trai 25 tuổi có phần nào đấy kỳ lạ, đang giữa lúc làm các bài kiểm tra và phỏng vấn để trở thành một viên chức chính quyền cấp trung ương. “Nhưng tức một nỗi là cả bố và mẹ tôi đều làm việc cho chính quyền trung ương cả”, anh nói. “Đã có luật quy định rằng bạn không được phép làm cùng một phòng ban với người thân trực hệ trong gia đình. Hệ thống xin việc của chính quyền trung ương trong sạch hơn của chính quyền địa phương hay các tập đoàn nhà nước nhiều; bạn không thể dùng tiền hay ảnh hưởng quan hệ để mua chỗ đứng cho mình được.”
Anh vạch ra rõ ràng ưu và nhược điểm trong hành động của mình trong lúc chúng tôi cùng dùng một bữa cơm thịt nướng đắt đỏ (tới 400 tệ/suất). “Chấp nhận công việc này là tôi phải chấp nhận chịu hụt lương một khoản lớn, từ 10,000 tệ (35 triệu VNĐ) như hiện giờ xuống chỉ còn giỏi lắm là 6,000 (21 triệu), sau khi đã trừ hết thuế má. Một hai năm đầu còn là thử việc, mức lương chỉ được hưởng khoảng 70%. Nhưng bệnh viện dành riêng cho dân viên chức nhà nước đều là những bệnh viện tốt nhất, đặc biệt là với các viên chức chính quyền trung ương. Công việc rất an toàn. Mức an sinh xã hội thì cao. Và tôi cũng thực sự muốn được phục vụ nhân dân nữa. Đó là lý do tôi nộp đơn xin vào vị trí tư vấn viên (advisory) của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (“Chinese People’s Political Consultative Conference”, xem thêm tại đây ). Cha mẹ tôi đã nổi điên lên với tôi! Họ mắng mỏ tôi vì đã chọn lấy một vị trí chẳng có một chút quyền lực nào.”
Cũng như Lý, rất nhiều trong số các bạn trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – trái ngược với tiếng xấu là chỉ biết đến vật chất của họ – vẫn muốn giúp đỡ người khác. Tỷ lệ tình nguyện viên đang đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với phương Tây, và các tổ chức phi chính phủ chủ yếu được thành lập bởi sinh viên đại học hoặc giới công chức thành thị trẻ. Nhưng với cha mẹ họ, ‘từ thiện’ có thể là một từ ngữ bẩn thỉu. “Vợ một người bạn của tôi bị ốm rất nặng, và gia đình anh ta chẳng có gì cả”, Trương, cô học viên cao học, nói. “Tôi muốn giúp anh ta độ 500 tệ (khoảng 1.7 triệu VNĐ) để đỡ cho gia đình anh qua cơn khốn đốn, nhưng trong lúc đợi để gặp anh ta, tôi có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi vang lên trong đầu, mắng mỏ tôi là một con ngốc. Mỗi lần tôi đem tiền cho ai đó, tôi đều có cảm giác như mình đang bị lừa ấy”. Một người khác tôi phỏng vấn thì nói: “Nếu tôi kể với mẹ rằng mình vừa mới cho người khác tiền, bà sẽ chửi bới tôi thậm tệ, bởi tôi còn chưa mua nổi một căn hộ riêng cho mình nữa.”
Một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già
Và với các bậc cha mẹ mà giấc mơ bị cắt ngang bởi hoàn cảnh lịch sử, cái tham vọng muốn ép con cái phải đi theo con đường mình đã từng muốn đi còn mạnh mẽ hơn nhiều. Khi tôi gặp La Tịnh Thanh (Luo Jingqing) lần đầu tiên, sự tự tin và một chút lo lắng về tình hình thế giới của cô khiến tôi đã nghĩ cô phải già dặn hơn cái tuổi 24 của cô nhiều. Chúng tôi cùng dùng bữa trưa và nói chuyện tại Element Fresh, một chuỗi nhà hàng thượng lưu đặt tại Thượng Hải, điểm đến quen thuộc của rất nhiều trí thức trẻ như cô.
“Mẹ tôi muốn tôi làm một nữ trí thức với một công việc chuyên nghiệp”, cô nói với tôi. “Bà đã từng theo học một trường trung học ngoại ngữ để tránh bị gửi về vùng nông thôn (một chính sách theo tư tưởng Mao Trạch Đông khoảng những năm 1950 tới 70, khi các “trí thức” trẻ ở thành thị bị buộc gửi về sống chung với nông dân). Hoặc cái đó, hoặc phải gia nhập quân đội. Từ ngôi trường đó bà đã xoay sở để vào được đại học, khi nó mở cửa trở lại, và sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm một công việc tại đại sứ quán Nhật Bản. Bà gặp cha tôi ở đó, khi bà 27 tuổi. Họ cưới nhau chỉ vì cha đã làm mẹ tôi dính bầu, ít nhất theo những gì cha tôi nói lại thì vậy. Bây giờ thì họ đã ly hôn rồi.”
“Bà ấy luôn luôn nói với tôi rằng chính tôi đã hủy hoại cuộc đời bà ấy”, La tiếp tục kể. “Bà bảo tôi rằng tuyệt đối đừng bao giờ có con, bởi vì chúng sẽ chỉ phá hoại tất cả mọi thứ. Bà bảo tôi rằng dính thai đã phá hủy hoàn toàn sự nghiệp của bà, rằng chính vì lỗi của tôi mà bước tiến cuộc đời bà đã bị chặn đứng, và rút cục bà ấy phải chịu bị mắc kẹt với cha tôi. Bà ấy đã liên tục nói với tôi những điều ấy từ ngày tôi bắt đầu có thể nhớ được. Nghe có ngớ ngẩn không cơ chứ?” Cô cười to, như cách ai đó sẽ làm khi kể cho bạn nghe về một quá khứ kinh hoàng mà họ đã từ lâu bỏ lại sau lưng. “Nhưng, thực sự thì, bà ấy chỉ muốn tôi trở thành bà ấy thôi, thành cái con người mà bà chưa bao giờ có thể trở thành được. Bà ấy đã từng mơ được làm một bác sĩ, nên bà ấy vô cùng muốn tôi sẽ trở thành một bác sĩ thực sự. Tôi nhớ đã hét lên với bà rằng: “Con không phải sống theo ý mẹ, và con cũng sẽ không bao giờ sống theo ý mẹ hết!”
Nhưng chống lại sự định hướng của cha mẹ cũng khó khăn vô cùng. Mỉa mai thay, một trong những quan niệm ít ỏi còn tồn tại dai dẳng nhất trong xã hội, dẫu qua bao năm tháng đổi thay hỗn loạn của cả dân tộc, lại chính là đạo hiếu, là món nợ vô tận mà con cái nợ với cha mẹ; hiển nhiên phát triển từ triết học của Khổng Tử, nhưng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt lịch sử bằng hàng nghìn câu thành ngữ và các tích điển đạo giáo. “Đạo hiếu là nguồn gốc của mọi đức hạnh trên đời”, một câu ngạn ngữ nói. “Yêu những gì cha mẹ anh yêu, kính những gì cha mẹ anh kính”, một câu khác khuyên răn. Trọng trách này đặc biệt nặng nề với những người con gái. Một sách khuyên răn điển hình của tổ chức Khổng giáo quốc gia, xuất bản năm 1935, đã dạy rằng: “Con gái sinh ra là đã mang món nợ về đạo hiếu và luân lý. Bởi vậy mục đích cả đời của họ là phải trả được món nợ này cho cha mẹ”. (‘women are born with filial famine and ethical debt. So the purpose of their lives is to clear that debt’).
Không có nền văn hóa nào lại đề cao miệng lưỡi rắn độc của một đứa con bất hiếu, nhưng khó mà có thể hình dung được, ở phương Tây hiện đại sẽ bao giờ có cảnh chủ nhiệm khoa một trường đại học lên trang nhất của báo vì đã quay trở lại làng và rửa chân cho mẹ mình; hay hình ảnh những đứa trẻ ở trường bị bắt phải tập cách quỳ lạy để tỏ lòng kính hiếu với cha mẹ. Kể cả luật pháp cũng hỗ trợ cho điều này: một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già; dù cho luật này, cũng như hầu hết mọi điều luật của Trung Quốc mà không trực tiếp làm lợi cho chính phủ khác, đều ít khi được thực thi một cách nghiêm túc. Thậm chí đã có những cố gắng để bắt việc về thăm cha mẹ già ở quê xa là bắt buộc.
Những lý tưởng Khổng giáo này chưa bao giờ phù hợp với thực tế. Người Trung Quốc không chỉ có danh ngôn về đạo hiếu, kho thành ngữ của họ về thói bất hiếu cũng nhiều không kém; như lời miêu tả về một kẻ đạo đức giả sau đây: “Bỏ bê cha mẹ già, để rồi làm cho họ một đám tang thật linh đình.” Và thực vậy, người già vẫn thường xuyên bị bỏ rơi hoặc quên lãng. Ở bên hàng xóm, nước Hàn Quốc giàu có, quốc gia với nền văn hóa Khổng Tử kéo dài liền mạch lâu nhất trên thế giới; người lớn tuổi còn nghèo hơn, còn nhiều người già vẫn phải lao động hơn, và có mức độ tự tử ở người già thì cao gấp bốn lần mức độ tự tử vốn đã rất cao của giới trẻ Hàn Quốc. Tỷ lệ tự tử của người già ở Trung Quốc chỉ kém sau Hàn Quốc, và đã tăng gấp ba lần trong vòng mười năm qua. Nhưng ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc, chống lại lệnh cha mẹ, trên lý thuyết, vẫn là tội nghiệt nặng nhất trên đời.
Chơi mạt chược, Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Quyền lực của cha mẹ với con cái nhiều khi còn được củng cố bằng cả đòn roi. Một trong những lời mắng chửi điển hình nhất trẻ nhỏ hay phải nhận khi làm sai là “Tao đánh mày chết bây giờ!” Ý tưởng về các “Bà mẹ Hổ” có thể gây náo loạn ở phương Tây, khi nó lần đầu tiên được khơi lên qua cuốn sách đình đám của Amy Chua năm 2011 “Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” (‘Battle Hymn of the Tiger Mother’). Nhưng đáp lại, phần lớn giới truyền thông Trung Quốc đã từng chào đón cả “Ông bố Sói” (xem thêm tại đây – ND) Tiêu Bạch Du (Xiao Baiyou), một doanh nhân Quảng Châu, người đã viết cuốn sách ban đầu có tựa đề “Đánh cho chúng tới Đại học Bắc Kinh” [‘Beat Them into Peking University’ (2011)]. Trong cuốn sách, ông hả hê khoe khoang về môi trường giáo dục độc đoán ông đã áp đặt lên bốn đứa con mình, bao gồm cả việc đánh chúng thậm tệ mỗi khi chúng phạm lỗi, và không cho chúng một chút tự do nào để chơi hoặc có bạn bè. Trong một nhà hàng Pháp tại Bắc Kinh, Trương – cô học viên cao học – chìa cho tôi xem phần bắp chân đầy những vết roi đánh đã lên sẹo trắng, vẫn còn nhìn rõ được mờ mờ qua lớp tất chân của cô.
Áp lực của gia đình còn bị làm cho trầm trọng hơn nữa bởi vấn đề dân số. Trong quá khứ, gánh nặng về kỳ vọng của cha mẹ được chia đều cho nhiều anh chị em. Ngày nay, chính sách một con của Trung Quốc đã đẩy thế hệ hậu-1980 xuống tầng dưới cùng của một kim tự tháp bất thần lộn ngược. Điều này gây ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu, những người hơi khá giả một chút, đặc biệt tệ nhất. Ở nông thôn, kế hoạch hóa gia đình đủ thoáng để hầu hết mọi thanh niên tuổi 20 đều có ít nhất một hoặc hai anh chị em; trong khi những người giàu hẳn thì có thừa khả năng chi trả những khoản phạt để có đến hai hoặc ba con, mặc dù khoảng cách giữa những đứa con này có thể sẽ hơi xa một chút. Nhưng với tầng lớp cổ cồn trắng thành thị, mỗi cặp vợ chồng phải gánh trên vai hai cặp cha mẹ già, có khi còn thêm cả ông bà nội ngoại nữa, nếu họ còn sống. Và với mức an sinh xã hội có cố cũng chỉ được tàm tạm, các bậc cha mẹ đều trông vào con cái của mình để bảo đảm cho tuổi già sau này.
Không ngạc nhiên là cách thể hiện rõ nhất điều này là đầu tư mua nhà đất. Chỉ một số nhỏ có thể xoay sở để mua được bất động sản, nhưng họ mua nó từ khi còn rất trẻ – chỉ từ khoảng 27 tuổi. Những lao động nhập cư từ nông thôn xây nên những căn hộ mới cho Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể được ở trong những ngôi nhà do chính tay họ xây; nhưng hầu như mọi nhân viên cổ cồn trắng tầm hai mươi, ba mươi mà tôi biết đều có một căn hộ cho riêng mình ở Bắc Kinh. Những căn hộ này thường có giá khoảng 1 đến 3 triệu nhân dân tệ (3 cho tới 10 tỷ VNĐ), và họ đã dành dụm để mua chúng bằng mức lương chỉ từ 5,000 tới 10,000 tệ một tháng của mình. (17 tới 35 triệu/tháng).
“Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp.”
Tiền kiếm được của cha mẹ, thường được đổ cả vào những tài khoản tiết kiệm, cộng với vay mượn của bạn bè, họ hàng thân thích khác, và đôi khi là cả vay lãi tín dụng đen; tất cả đều được đổ vào tài sản nhà đất của đứa con trên thủ đô. Quá trình này còn được thúc đẩy thêm nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại, trong khi bất động sản thì vẫn tiếp tục nóng. Nỗi ám ảnh phải sở hữu một ngôi nhà ở thủ đô này giờ đã chiếm gọn tâm trí của cả hai thế hệ: giờ đây trong tầng lớp trung lưu thành thị, gần như sẽ không thể kết hôn nếu không có một trong hai bên gia đình đảm bảo cung cấp cho đôi vợ chồng trẻ một căn nhà.
“Nhìn chúng mà xem”, một người bạn của tôi kêu lên khi chúng tôi ghé thăm một hiệu sách, nhìn vào những ngăn kệ chất đầy các sách cung cấp lời khuyên cho thế hệ trẻ. “Tất cả chúng đều nói cùng một ý giống nhau: kết hôn và mua lấy một ngôi nhà vào năm 27 tuổi, ổn định cuộc sống, rồi có con. Đều là những cái bẫy giăng sẵn ra bởi các bậc cha mẹ để khiến chúng tôi phải làm theo những gì mà họ muốn”. Trần Chân Chân (Chen Chenchen), một đồng nghiệp phóng viên từng trải của tôi, thì lại không nhìn vấn đề theo “học thuyết âm mưu” này:
“Chúng tôi đang dần trở nên gần gũi với cha mẹ mình hơn, bởi vì cả hai bên đều bị gắn vào khối tài sản nhà đất kia; và kết quả là chúng tôi cũng dần dần cũng trở nên e ngại sự thay đổi hơn. Lúc đầu, chúng tôi đã nghĩ mình còn có thể xoay sở để có các giá trị của riêng mình. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng cha mẹ của chúng tôi đã đúng, và bát cơm sắt chính là nguyên tắc vàng. Tôi đã từng chống lại ý muốn của cha mẹ khi họ gây áp lực bắt tôi phải mua một căn hộ ở Bắc Kinh vào năm 2008 (khi đó tôi mới 24 tuổi), nhưng rồi đã chịu xuôi theo ý họ vào năm 2010; và tôi mừng là mình đã mua được nó kịp lúc. Giờ thì thế hệ bọn tôi đã biết được rằng tiền là thứ quan trọng nhất trên đời.”
Lưu Tuấn Thần (Liu Juncheng), giờ đã 60 và là một tài xế taxi về hưu, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng hai thế hệ đang dần tìm thấy chung một góc nhìn: “Có vẻ là thế hệ bọn trẻ, cũng như bọn tôi trước đây, đã từng có rất nhiều kỳ vọng vào xã hội, nhưng rồi quan điểm của chúng thay đổi rất nhanh cũng vì xã hội. Chúng đã lạc đường.”
Nhưng kỳ vọng của cha mẹ cũng có thể đẩy mối quan hệ ra xa hơn. “Tôi có một người bạn cũng bằng tuổi tôi”, La, cô trí thức trẻ, kể: “cha mẹ cô ấy vừa thanh toán xong món trả góp cuối cùng cho căn hộ của cô ấy. Nhưng mẹ của cô ấy đã sống cùng ở đó từ tháng 11 tới giờ, và bà ấy có ý định tiếp tục sống ở đó mãi. Mà nó chỉ là căn hộ một-phòng-ngủ thôi đấy!” Mua nhà cho con cái không chỉ đơn giản là một khoản đầu tư với các bậc cha mẹ, nó còn là một sự đảm bảo, ít nhất là trong tâm trí họ, rằng mình có thể sống nốt những năm tháng tuổi già trong căn hộ của đứa con. Đây một thời đã từng được coi là một tiêu chuẩn xã hội thông thường, khi những đại gia đình lớn còn tồn tại. Nhưng với tỷ lệ người già phải sống một mình đang ngày càng tăng lên, người già bắt đầu thấy cần phải có một mối liên kết tài chính với tài sản nhà đất của đứa con, để có thể có thêm đảm bảo cho mình.
Sở hữu một căn nhà cũng là một phần không thể thiếu được trong trò chơi hẹn hò, đặc biệt là với những người bắt đầu đạt ngưỡng 25, 26 tuổi. Trong tầng lớp trung lưu, cha mẹ của chú rể mặc nhiên luôn được kỳ vọng sẽ cung cấp cho đôi trẻ một căn hộ mới để ở, nếu chưa có căn hộ nào sẵn. Cũng như bao người đi thuê nhà khác, tôi cũng đã hơn một lần bị hủy hợp đồng thuê nhà khi con trai của ông chủ nhà bắt đầu chuẩn bị kết hôn. “Chúng tôi gọi con trai là ‘Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc’, bởi vì anh phải xây nhà cho bọn nó; còn con gái là “Ngân hàng Thương nghiệp Trung Quốc’, bởi vì anh có thể bán chúng’ ”, một người bạn tên Minh (Min) của tôi bình luận.
Giới truyền thông cũng thường chỉ trích thói vật chất trong tình yêu của giới trẻ bây giờ, tiêu biểu là vào năm 2010 khi Mã Nặc (Ma Nuo), một thí sinh trong một chương trình hẹn hò trên truyền hình; khi được hỏi bởi một thí sinh nam chưa có công ăn việc làm là liệu cô có muốn cùng ngồi xe đạp với anh trong một cuộc hẹn hò không, cô đã trả lời: “Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp”. Quả đúng là hình ảnh những kẻ “đào mỏ” (‘gold-diggers’) rạng rỡ với vàng bạc và đồ hiệu cao cấp trên những trang mạng hẹn hò hoặc blog thực sự trông rất khó ưa. Nhưng nhìn lại thì mới thấy: tiêu chuẩn mà các bậc cha mẹ đưa ra cho các bà mối, hoặc in lên những tấm áp phích để thỉnh thoảng tự họ mang theo ra công viên những ngày cuối tuần để tìm kiếm bạn đời phù hợp cho con cái mình; tất cả cũng đều tập trung chủ yếu vào nhà cửa, xe cộ, và lương lậu mà thôi.
Câu chuyện tình yêu của một người bạn khác của tôi, tên tiếng Anh là Sally, thể hiện rõ hơn thực tế về địa vị và tiền bạc trong yêu đương này. Cũng như rất nhiều câu chuyện khác ở Trung Quốc, chuyện của cô nghe hệt như những câu chuyện ngụ ngôn Mác-xít của những năm 1930, chỉ khác là không có một kết thúc có hậu kiểu người phụ nữ giờ đã được tự do quyết tâm đi theo Đảng Cộng Sản. Khi còn ở Đại học, Sally cặp với một anh chàng gốc nông thôn, là hội trưởng hội học sinh và, kỳ lạ thay, là một thanh niên rất trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng Sản. “Anh ấy thật thà lắm”, cô kể với tôi, giọng tiếc nuối. “Anh ấy thậm chí còn không bao giờ bỏ túi dù chỉ một cái bút chì nào trong phòng hội đồng học sinh để dùng cho riêng mình.”
Nhưng anh này không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Sally và bố mẹ cô mong mỏi. Cô muốn có một người bạn trai có thể mua cho cô điện thoại xịn và túi xách hàng hiệu, trong khi cha mẹ cô thì muốn một người đến từ một gia đình giàu có, hoặc có quan hệ rộng, người có thể thong dong bước trên một con đường sự nghiệp chắc chắn ngay sau khi rời đại học. Không lâu sau cô đá anh chàng và, với sự giúp đỡ từ một cái mũi mới do mẹ cô chi trả, “bẫy” được một cậu công tử nhà giàu khác cùng trường.
Thế nhưng, sau chừng hai năm quan hệ, cô phát hiện ra rằng giờ tình thế như ngày trước giờ đảo ngược lại với chính cô. Sau khi chàng trai đem cô về nhà giới thiệu với cha mẹ mình, tin xấu bắt đầu tới. “Anh không thể cưới em được”, anh ta nói cụt ngủn với cô như vậy. “Bố mẹ muốn anh cưới một cô gái cùng đẳng cấp với anh.” Nhưng, anh ta trấn an cô rằng cô vẫn có thể làm nhân tình của anh, và ông bố đại tỷ phú của anh đã đồng ý sẽ để riêng ra một khoản cho anh để anh có thể nuôi cô.
Từ góc độ kinh tế đơn thuần, đây là một thỏa thuận quá được. Ấy vậy nhưng bên cạnh sự thoải mái và đảm bảo về vật chất, Sally cũng muốn có ít nhất là một chút ảo tưởng về tình yêu, không phải chỉ là một thỏa thuận chỉ có thuần túy tiền bạc trần trụi như vậy. Vậy nên cô quyết định chấm dứt mối quan hệ, và lại bắt đầu tìm kiếm một lần nữa. “Nhưng nói thật”, cô nói, giọng chán chường, “Mẹ tôi cũng đã bảo tôi: ‘Mày đừng có mơ đến chuyện kiếm được một thằng nào giống thế nữa, bởi vì mày có còn là trinh nữ nữa đâu’. Tôi đã bán mình mà vẫn không có được một thỏa thuận tốt nhất có thể.”
Phụ nữ đang ở vào một vị thế không rõ ràng trong thị trường hôn nhân. Sự mất cân bằng về giới, gây ra bởi chính sách một con và chọn lọc giới tính trước sinh, gây nên tỷ lệ 120 bé trai trên 100 bé gái ở một số vùng, thì giúp “nâng giá” họ rất nhiều. Nhưng họ đồng thời cũng phải đối mặt với rào cản bị gộp vào nhóm “gái ế” (‘leftover women’) từ độ tuổi 27, một lằn ranh giới vô hình, bất công, nhưng lại đang ngày càng được củng cố mạnh hơn bởi thành kiến của các thế hệ đi trước.
Thậm chí ngay cả Hiệp hội Phụ nữ toàn Trung Quốc, một tổ chức về lý là để ủng hộ nữ quyền, lãnh đạo chủ yếu bởi các nữ quan chức trên 50 tuổi, cũng cho xuất bản những bài viết trên các trang mạng, cảnh báo những mối nguy xã hội với những người phụ nữ chưa chồng, và số phận kinh hoàng đang chờ sẵn những cô gái độc thân trên 28 tuổi. “Mẹ tôi cứ liên tục gọi điện cho tôi để nhắc rằng tôi chỉ còn một hai năm nữa để kiếm được cho mình một ai đó thôi”, một người bạn 25 tuổi của tôi rầu rĩ bình luận. “Tất nhiên, bà ấy muốn tôi chọn lấy một trong số những tên thộn chán ngấy mà bà ấy vẫn luôn cố giới thiệu cho tôi”.
Ngay sau khi đám cưới được mong mỏi cuối cùng cũng diễn ra, áp lực của cha mẹ sẽ lập tức chuyển sang việc muốn có một đứa cháu. Một biểu đồ thú vị vừa được lưu truyền khắp nơi trên mạng trong dịp Tết Âm Lịch vừa rồi, cho mọi người thấy rõ hơn hàng loạt những yêu cầu, phê phán và đòi hỏi khắt khe mà người thân và họ hàng nhắm vào những người trẻ trở về nhà trong dịp cuối năm. Nếu anh đang độc thân, sao không yêu đi? Nếu đã yêu rồi, sao không cưới đi? Nếu đã cưới rồi, sao chưa có con đi? Nếu có con rồi, sao tụi nhỏ còn chưa làm cho bọn ta nở mày nở mặt đi? Không chỉ có thế, khi đứa trẻ ra đời, cả gia đình thông gia cũng xuất hiện, tạo thêm nhiều bất đồng hơn nữa; khi mà cả con cái, cha mẹ, hai bên ông bà đều chen chúc trong một căn hộ một-phòng-ngủ.
Kỳ vọng của người Trung Quốc về hôn nhân thường được coi là “truyền thống” bởi giới truyền thông, nhưng thực tế chúng là một hỗn hợp kỳ lạ của cả những yêu cầu về đảm bảo an toàn thời hậu-Mao Trạch Đông và những cạm bẫy của ngành công nghiệp hôn nhân phương Tây – với nhẫn kim cương, váy cưới trắng và đủ thứ giống vậy. Để đáp lại áp lực của cả cha mẹ và xã hội trong việc phải đặt hôn nhân lên hàng đầu, một bộ phận trong giới trẻ Trung Quốc đã sáng tạo ra một thuật ngữ mới, “hôn nhân trần trụi”, tức lấy nhau chỉ thuần khiết vì tình yêu, không cần có nhà, nhẫn, lễ kết hôn hay xe cộ gì hết. Ý tưởng này hứa hẹn một sự lãng mạn, nhưng những ý kiến dành cho nó thì vẫn còn lẫn lộn, kể cả trong chính giới trẻ. Một bình chọn trên trang Sohu.com vào năm 2010 cho thấy đại đa số phụ nữ trẻ phản đối ý kiến này, cho rằng nó chỉ là một cách để nam giới trốn tránh trách nhiệm của mình. Hiển nhiên, phần lớn nam thanh niên trẻ thì ủng hộ ý tưởng này nhiệt tình.
“Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống.”
Phải cần có lòng dũng cảm rất lớn mới có thể thoát được hoàn toàn khỏi những truyền thống này. La, cô nữ trí thức trẻ, hoàn toàn không thấy có một nhu cầu phải tham gia vào trò chơi hẹn hò; và thay vào đó sống chung với một người đàn ông ngoài 30 tuổi, người ngoại quốc và khá nghèo. “Mẹ tôi đã thôi cằn nhằn về việc này với tôi rồi, nhưng tôi biết bà ấy vẫn sẽ vui hơn rất nhiều nếu tôi chọn lấy một tên đàn ông Trung Quốc đúng kiểu truyền thống, với một căn nhà và một sự nghiệp ổn định an toàn. Bố tôi thì nói như thế cũng OK, bởi vì bạn trai tôi là người Anh, chứ không phải dân Yankee (Mỹ), hay Nhật. Nhưng tôi đã phải chứng kiến toàn bộ cuộc hôn nhân kinh khủng của họ, vậy nên tôi hoàn toàn bi quan về đàn ông. Tôi đã từ bỏ mọi tham vọng có gia đình. Tôi không có đủ khả năng để có thể cho một đứa trẻ hạnh phúc. Ngay đến hạnh phúc cho chính tôi tôi còn chẳng kiếm nổi. Và tôi cũng không muốn phải nghĩ xem mình phải để lại bao nhiêu ngôi nhà cho những thế hệ con cháu sau này.”
Tuy thế, trong khi mối quan hệ giữa thế hệ hậu-1980 với cha mẹ họ toàn những cay đắng – bất kể là về sự nghiệp, nhà cửa, hay hôn nhân – thì khoảng cách giữa họ với ông bà của mình thì, lạ thay, lại nhỏ hơn nhiều. “Bà tôi coi tham vọng làm nhà báo của tôi là chuyện hoàn toàn nghiêm túc.” Linh Mỹ Lệ nói. “Và bà là người đầu tiên dạy tôi Tiếng Anh, từ những năm tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều điểm chung với bà hơn với mẹ tôi nhiều.”
Linh tiếp tục: “Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống.” Đây là một cảm giác xuất hiện ở rất nhiều người trẻ, và nó không phải chỉ là thứ tình cảm gắn bó giữa ông bà và cháu đơn thuần. Điều giúp gắn kết hai thế hệ này lại không chỉ là bởi Trung Quốc đã từng rộng mở hơn trước khi nó đóng cửa với thế giới; mà còn bởi thế hệ những người già luôn sẵn lòng chia sẻ câu chuyện quá khứ của mình với cháu họ.
Trương kể cho tôi ông của cô đã hóa điên vì bị ngược đãi thế nào, để lại cho bà cô một mình nuôi bốn đứa con. Còn La, cô trí thức trẻ, thì kể: “Bà tôi khi đó là chủ một nhà máy, bởi vậy nên bà đã phải chịu rất nhiều hành hạ và khổ sở khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa diễn ra. Cũng buồn cười, bởi chính ông tôi cũng là con ruột của một địa chủ. Hàng ngày ông đều được nô bộc kiệu đến trường. Ông tôi trở thành một sĩ quan cấp trung trong quân đội, nhưng khi thấy đám đông công kích bà tôi, ông ta chỉ lẩn vào trong giữa họ. Sau đó họ lôi bà tôi đi và nhốt bà lại trong một “chuồng bò” (một nhà tù tạm) trong suốt vài năm sau đó.”
“Vậy là mẹ cô đã phải nhìn thấy cảnh mẹ ruột của mình bị lôi đi, bị phản bội bởi chính cha mình, khi mới chỉ năm, sáu tuổi?” tôi hỏi.
“Tôi nghĩ là vậy. Ông tôi sau đó đã biến mất tăm hàng chục năm. Họ có ba đứa con, và người chị lớn nhất đã phải chăm lo cho tất cả. Khi đó bác ấy mới chỉ 14 tuổi.”
Thông tin này không hề được kể lại bởi mẹ của La, người, cũng như phần lớn mọi người khác thuộc thế hệ của bà, chọn cách giữ im lặng về mọi gian khổ mình đã phải chịu thủa nhỏ. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, mang trong mình dòng máu của trí thức hoặc địa chủ là đồng nghĩa với bị ngược đãi tại trường học, bị đánh đập, cắt bớt khẩu phần ăn, và thậm chí bị chặn đứng khỏi mọi cơ hội trong cuộc sống. Việc giao nộp chính bố mẹ mình chưa bao giờ được ưa chuộng như đã từng xảy ra ở Xô Viết, với những trường hợp như cậu bé Pavlik Morozov, bị nghi ngờ là đã chết dưới tay gia đình mình, vì cậu đã tố cáo chính cha ruột cậu. Nhưng vẫn có những việc như vậy xảy ra. Một người Trung Quốc mà tôi quen, giờ đã vào độ tuổi 50, từng kể rằng ông đã phải giết chết chính em mình, để ngăn không cho hắn tố cáo với nhà chức trách rằng cha mẹ họ có giữ sách cấm. Kể cả nếu những người khác có chỉ trích chúng, trẻ em vẫn bị bắt phải ký những bản kết tội (‘condemnations’) – “Mặc dù bà ta đã sinh ra tôi và là mẹ tôi, bà ta vẫn là một kẻ phản cách mạng và là kẻ thù của tôi.” Hàng chục triệu người đã phải chứng kiến cha mẹ mình bị quấy rối, bị lăng nhục, bị đánh đập, bị cầm tù, hoặc thậm chí bị giết chết.
Lý, chàng trai với tham vọng làm một viên chức chính phủ, có một mối quan hệ gần gũi và lành mạnh với cha mẹ mình hơn bất kể ai trong số những người tôi được nói chuyện; một phần là vì anh đã cố gắng nỗ lực để có thể hiểu họ. “Họ đã phải chịu rất nhiều khổ sở khi họ bằng tuổi tôi. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để trở thành những người mà (sau này) tôi có thể kính trọng. Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình hết sức bình thường, chỉ là công nhân, vậy nhưng bà đã chiến đấu rất ngoan cường để vào được đại học. Và bà nội tôi thì đã nghĩ mẹ tôi không đủ tốt để xứng với cha tôi. Bà nội thực sự luôn nghĩ về mọi thứ từ góc độ đẳng cấp, mặc dù chính bà cũng đã đổi tên và chạy trốn lên phía Bắc để khỏi bị ngược đãi trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Bà là con của một gia đình trí thức, và cả gia đình bà đều ở Thượng Hải cả. Khi bà tôi quay lại để tìm họ, thì không còn dấu vết nào còn sót lại hết: bố, mẹ, anh, chị, em, cháu; tất cả đều đã biến mất cả.”
Câu chuyện về sự ngược đãi của cha mẹ kinh khủng nhất mà tôi từng được nghe đến từ một cô gái trẻ mong được giấu tên. Tôi sẽ gọi cô là Lily. Thông minh, thành đạt, và xinh đẹp, theo một cách rất mỏng manh; mối quan hệ giữa cô và mẹ mình luôn là những sự khinh thị và sỉ nhục từ mẹ cô – cô đã bị gọi là xấu xí, lười biếng, ngu dốt – dẫn đến kết cục là một sự việc vào năm cô 24 tuổi. Lily nhận được một lá thư dài từ mẹ mình, nói rằng cô thực ra chỉ là con nuôi, rằng vô vàn các khiếm khuyết của cô đã cho thấy rằng cô không phải là giọt máu của mẹ cô, và rằng đó chính là lý do khiến mẹ cô chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, có thể yêu cô được. Khóc lóc, Lily gọi cho cha mình và đòi được biết tại sao ông chưa từng nói cho cô sự thật này. “Con nói cái gì vậy?” ông hỏi lại, ngơ ngác. “Cha còn có mặt ở đó khi con sinh ra mà.”
Dần dần, cuối cùng, mẹ của Lily cũng úp mở thừa nhận rằng lá thư đó chỉ là một lời nói dối, một sản phẩm nữa của sự căm ghét và cay đắng mà thôi. Nhưng một chút nghi ngờ vẫn ở lại. Bằng chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ huyết thống, Lily nghĩ, là mái tóc quăn của cô. Nó là từ mẹ cô, người đã sinh ra vào đầu những năm 1960, sau khi một góa phụ trẻ cơ hội có một thời gian mặn nồng ngắn ngủi với một Đáng viên Đảng Cộng Sản Ý ghé thăm Trung Quốc.
“Vậy là mẹ cô đã lớn lên với tư cách một đứa con lai, lại là con ngoài giá thú, giữa một thời điểm mà cả dân tộc điên cuồng truy lùng và tận diệt mọi thứ ngoại lai”, tôi nói. “Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của bà ấy đã phải kinh khủng đến thế nào.”
“Chắc vậy”, Lily nói. “Chúng tôi chưa bao giờ nói với nhau về chuyện đó.”
Xuất bản ngày 7 tháng Ba, năm 2013 Chủ đề bài đăng: Trung Quốc, Cộng Đồng, Gia Đình, Xã Hội
Sáng ra tình cờ lượm lại mẩu tin “Tỷ phú Bill Gates rửa bát mỗi tối”, tin này cũng ra khá lâu rồi, đọc lại nhưng vẫn cứ thấy thú vị và tự dưng muốn “lạm bàn”.
…
” Trong chuyến ghé thăm ngắn ngủi 14 tiếng tới Australia, tỷ phú nước Mỹ được hỏi liệu quyết định chỉ dành cho mỗi đứa con 10 triệu USD có đồng nghĩa với việc ông đã “mất cảm giác” về giá trị cụ thể của từng khoản tiền (do có quá nhiều tiền).
Gates trả lời ông hoàn toàn mất cảm giác về nhiều thứ trong đời mình: “Lâu lắm rồi tôi không xén cỏ. Tôi đã quên công việc đó như thế nào rồi. Nhưng tôi vẫn rửa bát mỗi tối, có những thói quen nhất định đáng được duy trì.”
Chủ tịch của tập đoàn phần mềm Microsoft giải thích ông không cho con mình quá nhiều tiền bởi ông muốn tạo cho chúng “cảm giác tự do lựa chọn làm những gì mà chúng thích trong cuộc sống”.
“Tôi nghĩ một đứa trẻ nên được nuôi dưỡng để hiểu rằng chúng sẽ phải tự tìm lấy một công việc và không nên mặc định rằng chúng sẽ có một khoản tiền nào đó hay sẽ được trao đủ số tiền mà chúng cần.” Gates chia sẻ: “Thừa hưởng sự giàu có mang đến cho chúng nhiều điều tiêu cực hơn là tích cực.”
….
Ngưỡng mộ về tài và tâm của Ngài Bill Gates thì khỏi nói rồi, mà mẩu tin này mang tới cho tôi một ấn tượng và một suy nghĩ khác. Ông bảo ông muốn rửa bát vì muốn duy trì một thói quen tốt, nghĩa là ông đã từng có thói quen rửa bát. Nghĩa là ông đã từng bị hay được rửa bát rất nhiều lần nên ông mới coi đó là thói quen và chắc là vì nó đem lại chút ích lợi nào đó cho ông nên ông mới nói rằng đó là thói quen tốt.
Chà, suy diễn vậy có ổn không nhỉ. Kệ, ông ấy có thói quen rửa bát từ khi nào không cần biết, nhưng tới giờ ông vẫn muốn duy trì việc đó mới là điều đáng bàn.
Tôi nghĩ đàn ông Việt nam rửa bát thì cũng không hiếm lắm, nhưng để coi đó là thói quen tốt, nhất là mục đích lại là để giúp mẹ, giúp vợ, thì hiếm thật.
Nhưng các bạn đàn ông đâu nhất thiết phải rửa bát
Bạn có thể đổ rác, vào bếp phụ vợ, sửa chữa những món lặt vặt trong nhà… tóm lại bạn có thể làm bất cứ việc gì trong nhà, dù có tên, hay không tên mà bạn thấy mình làm được, làm tốt, hay đơn giản chỉ là để thực hiện một kỹ năng khác với công việc chính của bạn.
Nhưng làm vậy để làm gì?
Bạn không cần phải lấy Bill Gates làm khuôn mẫu, chắc chắn rồi, bạn là bạn. Nhưng việc hàng ngày bạn làm một điều gì đó, hết sức bình thường, cho dù bạn là người đứng đầu một nước, một tổ chức cao cấp, một doanh nghiệp khổng lồ hay bạn chỉ là thầy giáo, một công chức bình thường…, thì cái cách bạn thực hiện những điều giản dị hàng ngày đó, nó cho bạn một cái nhìn khác về chính bạn.
Bạn sẽ thấy chính bạn hài lòng về bản thân mình. Bạn làm được những cái không phải ai cũng làm được và muốn làm. Bạn mang lại nhiều niềm vui, nụ cười không chỉ cho riêng bạn.
Trong những xã hội văn minh của thế giới hiện đại, xã hội mà hầu hết đàn ông là những người tham gia ‘cài đặt’ ‘luật chơi’ cho xã hội của họ, thì chính bản thân những người đàn ông đó đã và đang là những người sẵn sàng làm bất cứ việc gì, nhỏ hay lớn, lặt vặt hay to quan trọng, là một phần trách nhiệm của họ với cuộc đời, với xã hội, trong đó có gia đình nhỏ bé của họ.
Xét cho cùng, làm gì thì làm, cái đích cuối cùng cũng chỉ là để bản thân mỗi người chúng ta sống vì ta và gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, có một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đem đến hạnh phúc cho người thân cũng chính là gieo hạnh phúc cho mình. Cho là nhận, là thế.
Nên là, đàn ông cứ làm những điều to tát, lớn lao đi, nhưng cũng đừng quên rằng đàn ông cũng cần ăn, cần mặc, cần sinh hoạt như phần còn lại của thế giới. Bởi vậy nếu đàn ông cố gắng tự phục vụ bản thân mỗi khi có thể và giúp những người thân của mình, mẹ, vợ, con cái mình làm những việc đơn giản hàng ngày, thì chắc chắn đàn ông sẽ cảm nhận được rằng, đàn ông chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Gì chứ rửa bát thì đàn ông nào mà chẳng làm được, có khi còn giỏi hơn Bill Gates ấy chứ, chuyện nhỏ, phải không nào?
– Thật ra có một câu hỏi tôi thắc mắc bấy lâu, “con nhà người ta” là thần là thánh hay sao mà có lắm tên, lắm mặt, lắm tài thế! Mà thường có tài thì có tật, nhưng sao mà hắn/cô ta chẳng có tí tẹo khuyết điểm nào, kỳ lạ hén! –
Quen nhau từ thuở… cởi truồng!
Vâng, duyên nợ đưa chúng tôi tới thì cái thời tôi mới đẻ cơ, đại loại như vầy:
– Nhìn thằng nhóc bụ bẫm ghê, GIỐNG ba nó dễ sợ!
– Ừ, nhưng mà nó chỉ nặng có 3 kí thôi, thằng ku Cam, con nhà lão Táo, hàng xóm lão Quýt ở cái xóm Ổi ấy, sinh ra là 3,1 ký rồi, chuẩn phết!
– Ừ, con mụ Heo, nhà bán bún Bò ở đầu ngõ phố Trâu, gần hàng thịt Chó ấy, sinh ra 3,2 kí, trắng phau, xinh cực!
~!@#$%^&*()
May mà lúc đó tôi chẳng hiểu họ đang nói cái gì, chứ hiểu thì… cũng chẳng nói lại được, buồn chết mất.
– Thằng An con nhà bác Tâm, cháu ông Thần mới hơn 1 tuổi mà đã biết đi rồi, chẳng giống như thằng nhóc này!
– Ừ, con Hồng nhà ông Hào, cháu bà Sữa gần 2 tuổi đã bập bẹ nói rồi, nó nói cả ngày luôn, cũng… không giống thằng nhóc này nốt!
May mà giai đoạn này tôi cũng chẳng hiểu họ nói gì sất, nếu không chắc tôi sẽ coi mình như kẻ tệ hại nhất thế gian, có ý định tự sát để bớt ăn hại cuộc đời từ năm 2 tuổi mất!
Tôi lớn, “con nhà người ta” còn lớn hơn tôi nữa!
Dạ, đến giai đoạn này thì tôi đã hiểu được lời người ta xầm xì, cũng vì hiểu mà chẳng muốn nghe, nhưng bữa cơm, bữa tiệc nào cũng phải cúi đầu nghe cả, và lúc này tôi mới biết mình đúng là cái thằng tệ nhất thế gian thật!
– Thằng Huy con cậu Hoàng, nhà ông Thượng vừa đậu vào trường chuyên đó, ghê chưa!
– Ừ, con bé Mị nhà mụ Châu cũng vậy, nghe nói giải nhất thành phố luôn!
– Mày thấy con nhà người ta chưa con, ba mẹ lo cho mày ăn học có thiếu cái gì đâu, sao mà chẳng bằng ai thế này!
….
– Dạ nhưng mà con cũng đậu trường chuyên mà?
– … Nhưng mày thua nó nửa điểm lận!
– … Mà con hơn khối đứa mà…
– Học hành sao toàn nhìn xuống vậy con, phải nhìn lên mà cố gắng chứ! Con ông X, bà Y kìa, thằng Z ấy, nó học ngày học đêm nên kết quả mới cao như vậy, mày thì toàn lo ham chơi thôi, rồi sau này về làm công nhân đấy con ạ!
Thi đại học
– Con nhà em mấy điểm? Xời, mới 22,5 hả? Con nhà chị 27 điểm, mỗi môn 7 điểm cơ! Cái gì? Mỗi môn 7 mới có 21 hả, à thì mà là… Tóm lại là hai mấy ba chục điểm đó, dù sao cũng cao hơn con nhà em! Thôi trưa rồi, chị về nhà lo cơm nước đây!
– Mày thấy thằng Nam chung lớp chưa, nó tới 24 điểm đó, mày mới 22,5, suýt nữa rớt, HÊN đấy con.
– Ba đọc báo thấy thằng Hùng con ông Hài, cháu bà Hước, thủ khoa Y Dược, chưa bao giờ đi học thêm nè! Còn mày đầu tư học hết cái này đến cái kia, con với chả cái!
– Mày biết con bé Trâu (Châu) không, nó vừa xin được học bổng đi du học đó, giỏi ghê chưa!
Đệch, đậu Đại Học rồi mà vẫn còn đứng tận cùng xã hội, khổ thiệt! Cũng may mà cái thằng ở trên không phải mình, nếu không nhảy cầu chết quánh rồi. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó…
Chúng tôi ra trường, đi làm
– Thằng con em ra trường chưa, giờ làm ở đâu rồi? Ồ vậy à? Lương tháng bao nhiêu? Mới 5 triệu á? Thằng Hiếu nhà chị vừa ra trường là có công ty hôt ngay, trả lương bằng đô đấy, mỗi tháng đến 200$ cơ!
– …
– Trời, coi con người ta nè, 9x làm chủ doanh nghiệp, nắm trong tay một công ty hàng chục công nhân! Ghê thiệt!
– … Mẹ ơi, con bé Trâu vừa về nước, tốt nghiệp bên nước ngoài nhưng không tìm được việc làm kìa.
– … Thì đúng rồi, người ta trả lương thấp quá mà, bằng nước ngoài của nó giá trị lắm, tại mấy công ty đó tiếc tiền nên nó đang tìm việc khác, lương tháng 2-3 chục triệu mới làm, đâu ai như mày, chui vào công ty cỏn con đó, thắng 5-7 triệu vừa đủ sống.
Đệch… Mà này, chuyện chưa dừng ở đó đâu… đến khi tui có con…
– Ba ơi, mua cho con cái xe đạp 300k đi!
– Ok con, cái chi chứ biết xài tiết kiệm vậy là ok!
– Dạ, mà kèm theo cái Iphone 5S cho con nha!
– … Đua đòi dữ con!
– Con bé Ly nhà ông Lương trong lớp con xài cả tuần rồi, ba mẹ nó nghe nó đòi là cho ngay, đâu có kibo như ba mẹ đâu, hu hu.
***
– Ê mày, ông bà già con Thảo thoáng nhỉ, chẳng như ông bà già tao, keo kiệt với cổ hủ như quỷ!
– Ừ, ông bà già tao cũng vậy, bắt phải đúng tuổi mới cho đi xe, như cái Lan, thằng Đạt thế mà sướng, lấy xe máy đi học, vừa nhanh, vừa oách!
***
– Trời ta nói mày nghe, ông nội nhà ta lẩm cẩm lắm, không có minh mẫn như ông nội mi đâu!
…
Để rồi đến một ngày đẹp trời, tôi biết con nhà người ta hóa ra là…
– Mày có thầy thằng anh Ưng Đen nhà mày không, hồi đó nó học trường chuyên đó, học hành đàng hoàng chứ ai như mày, toàn lo ăn chơi, sau này làm công nhân cực mày chứ chẳng cực ai hết đó con!
– Mày có biết thằng Ưng, con ông Đen không, nó có đi học mấy đâu mà vẫn học sinh giỏi ầm ầm, ai như mày chứ?
– Mày có biết thằng Đen, con ông Ưng không? Nó đâu thèm đi làm đâu, làm cái chi “pờ ri len xơ” á, người ta tự tìm tới đưa tiền cho nó, ai như mày giờ còn chưa có ai nhân vào làm nữa, nhục lắm con ạ!
Đệch, hóa ra TÔI cũng là CON NHÀ NGƯỜI TA à… Ờ thì… nhiều khi “con nhà người ta” cũng dễ thương đấy chứ, cho người ta động lực để phấn đấu nè… thiệt mà…
Quá lâu rồi mới có dịp dừng chân tại một quán cà phê ven đường, vừa nhâm nhi cappuccino vừa ngắm nhìn dòng xe cộ lướt qua lướt lại như điện xẹt. Nói nghe có phần văn vẻ màu mè, chứ thật ra là đã có một cuộc hẹn tùy hứng với một người bạn từ trước đó. Chỉ là mãi chưa thấy bạn tới, cộng thêm bản tính ngồi không quá nhiều sẽ đâm ra làm nhiều chuyện nông nỗi, nên mới vừa nhâm nhi cà phê vừa viết mấy dòng linh tinh này để giết thời gian. Thỉnh thoảng không kìm được, vừa gõ lách cách vừa ngẩng lên ngước nhìn dòng xe cộ lướt qua lướt lại nhanh như điện xẹt.
Chỉ trong vòng vài phút, đã có thể chứng kiến cuộc sống hiện đại trước mắt xoay chuyển với một thứ tốc độ kinh khủng không kém gì dòng xe cộ đang hối hả ngoài kia!
Học sinh đi học từ sáng sớm cho đến chiều tối, về nhà chỉ kịp ăn cơm tắm rửa chút đỉnh rồi lại tiếp tục lao vào cuộc chiến sinh tử với con quái vật học hành, xong xuôi rồi mới đánh răng đi ngủ để dành sức cho một ngày học hành vất vả khác đang dí sát đít.
Những nhân viên công sở, đa phần họ cũng phải dậy sớm sửa sang các kiểu để đi làm. Có ngày thì làm đúng tám tiếng đồng hồ theo quy định. Có ngày thỉnh thoảng phải ở lại làm ca đêm đến tối mịt mới về. Về nhà chỉ kịp ăn uống tắm rửa, ở nhà giải trí lướt web được chút xíu rồi đi ngủ để sáng mai còn đi làm tiếp. Thậm chí đã ngồi ở nhà rồi cũng khó tránh khỏi việc bị sếp réo bất thình lình giữa đêm khuya.
Chúng ta cứ thế bị cuốn theo vòng xoáy cuồn cuộn của sự bận rộn, chìm nghỉm trong khối lượng khổng lồ công việc phải làm hằng ngày. Về được tới nhà cũng đã sức cùng lực kiệt, chẳng thiết tha làm cái gì khác ngoài việc nghỉ ngơi hồi sức. Mọi thứ cứ thế lặp đi lặp lại. Ngày qua tháng lại. Như những vòng tròn lẩn quẩn không có điểm dừng…
***
Bản thân thường có một thói quen là hay dành thời gian cho chính mình ít nhất là khoảng một tiếng, khi chỉ còn một mình vào lúc đêm khuya. Nghe có vẻ rất chi là ngớ ngẩn, nhưng khi nói chuyện với chính mình, đó chính là lúc bắt đầu tìm hiểu chính mình nhiều hơn sau một ngày mệt mỏi cuốn theo luồng xoáy học hành và công việc. Nghĩ về những điều mình đã và đang làm, những điều mình mong muốn, nhận thức được mình đang sống và nhìn thấy những thử thách chông gai đang chờ trước mắt. Dần dần nó đã trở thành một thói quen khó bỏ, dù cho có bận rộn bù đầu học hành và dạy thêm các kiểu đi chăng nữa.
Giống như khi chúng ta chạy xe ngoài đường vậy. Dù xe của bạn có động cơ hàng trăm đơn vị mã lực và tốc độ lên tới mấy trăm cây một giờ đi chăng nữa, xăng dầu trong xe vẫn là một thứ hữu hạn. Sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ tới một lúc xe hết xăng, phải dừng lại tiếp thêm nhiên liệu rồi mới cho xe chạy tiếp được.
Có một sự thật là đa phần chúng ta thường không thể dừng lại – dù chỉ một chút, giữa cuộc sống bận rộn này mà không suy nghĩ xem tại sao mình lại có mặt ở đây và làm những công việc này. Chúng ta cứ thế cuốn đi theo những khối lượng công việc khác nhau, hết ngày này qua ngày khác mà không thể dừng lại để suy nghĩ xem những điều bản thân muốn đạt được là gì. Cứ thế mà cuốn theo vòng xoay cuộc đời một cách hờ hững.
Chúng ta học ngành này ngành kia theo sự thúc ép bố mẹ và những người xung quanh chỉ vì nó danh giá và nhiều tiền, mà chưa hề cân nhắc đến nhu cầu ngành nghề của chính bản thân mình.
Chúng ta đi chơi với bạn bè chỉ đơn giản là vì người ta rủ rê đi ngay và liền, mà chưa suy nghĩ xem mình muốn đạt được cái gì trong những mối quan hệ và muốn bạn bè mình biết điều gì.
Chúng ta lướt Internet hằng ngày chỉ đơn giản vì đó là một thói quen, mà chưa suy nghĩ hay để ý xem mình hay lên đó đọc cái gì nhất, để từ đó chọn lọc cái mà mình muốn xem.
Đời người cứ thế trôi ỡm ờ, lãng đãng như những chiếc lá lục bình hờ hững trôi trên sông. Trôi hoài trôi mãi mà chẳng biết trôi về đâu, chỉ biết để sông cuốn đi đâu thì cuốn…
Cách đây không lâu có tình cờ đọc được câu này trên một diễn đàn mạng nọ: “Mục đích bạn xuống Trái Đất để làm gì?” Nó cũng đã từng là một trào lưu rất nổi, đi đâu cũng thấy cư dân mạng lấy câu này ra trêu nhau cả tháng trời. Ban đầu bản thân cũng chỉ mới hiểu câu này theo ý nghĩa trêu ghẹo nhau cho vui, nhưng sau này ngẫm lại thấy nó cũng mang một ý nghĩa nghiêm túc nhất định – rằng mình muốn có những người bạn như thế nào, mình sẽ làm nghề gì, muốn ăn ngon mặc đẹp hay chỉ cần đủ ăn đủ mặc đã là hạnh phúc, gia đình mình sau này sẽ như thế nào,… và nhiều điều khác trong đời nữa.
Dù bạn đã từng suy nghĩ về câu trả lời hay chưa, ngay từ bây giờ hãy tự hỏi mình câu hỏi này thường xuyên. Có bận rộn học hành làm việc tới đâu đi nữa, mỗi ngày hãy chịu khó dừng lại, nghĩ về nó một chút. Mục đích đó nên là của riêng bản thân bạn, và cũng không nhất thiết là phải quá cầu kỳ chi li từng tí một. Chỉ cần nó có thể giúp bạn trở thành con người tốt nhất mà bạn có thể, và nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Vì câu hỏi này không phải ngày một ngày hai mà có thể trả lời ngay, thậm chí nó có thể sẽ tiêu tốn cả một quãng đời. Mỗi con người lại có những mục tiêu khác nhau, không ai giống ai cả, và cũng không ai có thể tìm kiếm đáp án giùm cho bạn được. Chỉ chắc chắn là khi cái gì đó bên trong lồng ngực trái của bạn còn đập thình thịch, chắc chắn phải có một lý do nhất định nào đó để bạn còn sống được tới bây giờ. Đời vốn dĩ rất hiếm khi có cái gì gọi là ngẫu nhiên.
Riêng bản thân, vẫn còn đang trên đường đi tìm những đáp án đầu tiên cho tuổi trẻ của chính mình.
Kể từ khi các công ty venture capital (đầu tư vốn mạo hiểm) (viết tắt: VC) bắt đầu nói về Bitcoin hồi cuối năm 2013, một trong những bình luận thường được trích dẫn từ họ đó là Bitcoin là một công nghệ thú vị, chứ không phải tiền tệ [1]. Thực tế, câu thần chú này đã trở nên quá thông thường tới nỗi giờ đây nó nghe như một đoạn thu âm.
Vấn đề
Chuyện gì đang xảy ra đây?
Một cách hiển nhiên, hàng triệu người dùng Bitcoin khắp quả đất chưa bao giờ được nghe [2] rằng Bitcoin không thú vị trong vai trò một loại tiền tệ. Nếu Bitcoin không thú vị trong vai trò tiền tệ, thì tại sao hệ thống ngân hàng lại cần phải tốn nhiều nỗ lực để làm chậm lại chuyến bay tư bản [3] từ đồng Đô La tới Bitcoin bằng cách đưa ra những điểm Choke Point ngăn cản cho cả những doanh nghiệp bình thường lẫn các giao dịch P2P?
Câu trả lời nằm ở định mệnh của đồng Đô La. Tất cả các loại tiền tệ của chính phủ đều có một vòng đời có giới hạn, với tuổi thọ trung bình là 27 năm [4]. Đồng USD đã sống lâu hơn hầu hết, nhưng nó cũng sẽ không phải là một ngoại lệ. [5]. Tuy nhiên, cho dù là bạn có đang nói về the Weimar Germany, hay Argentina, hay Liên Xô, hay USA, cái chết của một đồng tiền tệ thuận theo một bản lập trình có sẵn và đã được biết. Phần quan trọng nhất của bản lập trình này là các giới chức tinh hoa con ông cháu cha sẽ thoát ra trước [6] bỏ lại phần còn lại của dân số trở thành những kẻ bagholders*.
*Thuật ngữ tài chính, ý nói về những người bị bỏ lại đằng sau trong khi vẫn còn nắm giữ một đống cổ phiếu vô giá trị.
Vấn đề của Bitcoin chính là nó nằm ngoài bản lập trình. Quần chúng có Bitcoin trước khi giới tinh hoa có được nó, và Bitcoin hoàn toàn không hề chứa đựng bất cứ cơ chế nào mà thông qua đó giới tinh hoa thường sử dụng để lạm phát đồng tiền tệ nhằm làm giàu chính họ. Đây là một vấn đề nếu bạn là một phần của tầng lớp quý tộc tài chính hiện đại. Một vấn đề Cần Phải Được Giải Quyết.
Giải pháp
Cộng đồng VC bật dậy hành động để giải quyết vấn đề này cho các ông chủ chính trị của họ. Đầu tiên nó bắt đầu với Marc Andreessen đưa ra hứa hẹn sẽ thanh tẩy Bitcoin [7], loại bỏ những yếu tố phiền phức của nó. Như bất kỳ một ai quen thuộc với lịch sử về công nghệ đã có thể đoán trước [8], cộng đồng Bitcoin hồi âm với một phản ứng sáng tạo dữ dội và đã tăng cường độ riêng tư của công nghệ lên gấp đôi [9].
Bây giờ, thuật hùng biện có vẻ như đang sang số [10]. “Đa số những người nào đang có tài khoản ngân hàng” không cần Bitcoin. Có lẽ họ có thể bị thuyết phục chấp nhận sử dụng một sự thay thế nước dão ba phải khác [11]. Chiến thuật ở đây là tiếp tục sử dụng những thủ thuật nham hiểm [12] nhằm làm chậm đi chuyến bay vào Bitcoin, trong khi bơm tiền vào Thung Lũng Silicon để tạo ra những khu vườn kín cổng cao tường được cắt tỉa cẩn thận nhằm đẩy người dùng xa khỏi sự tự làm chủ ngân hàng của chính họ. Nếu họ thành công với chiến thuật này, hầu hết mọi người sẽ không bao giờ thật sự làm chủ được những đồng bitcoins và một là sẽ chấp nhận các giải pháp thay thế què quặt, hoặc hai là cứ tiếp tục để cho các ngân hàng tiếp tục trò chơi dự trữ tỷ lệ [13] mà Phố Wall rất thích [14].
Thực tế
“Cũng may mà người ta không hiểu về hệ thống ngân hàng và tiền tệ, bởi nếu họ hiểu, tôi tin là sẽ có một cuộc cách mạng trước sáng mai.” — Henry Ford
Tin buồn cho các tầng lớp cai trị, con mèo đã chui ra khỏi giỏ. Bất chấp các công cụ tuyên truyền đại trà trong tay, một người trung bình ngày nay đã hiểu nhiều hơn về tài chính và tiền tệ so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Kiến thức đó mang lại một sự hiểu biết về chuyện họ đã bị ăn cướp chính xác là như thế nào.
Nhìn chung thì thế giới này đã quá mỏi mệt với đế quốc Mỹ, bao gồm luôn cả cái chủ nghĩa đế quốc tài chính của nó [15]. Nhóm người duy nhất bị thua thiệt trong một thế giới Bitcoin là những người đang được hưởng những đặc quyền đặc lợi hiện tại.
Dù cho họ có cố gắng nhiều như thế nào thì cũng không thể giấu đi được bản chất có tính cách mạng của Bitcoin. Kể từ khi Bitcoin lần đầu tiên len lỏi [16] vào sự chú ý của đại chúng, nhiều người bàn tán về nó như là một mối đe dọa tiềm năng cho hệ thống tiền giấy khi họ đặt câu hỏi, “Liệu một ngày nào đó nó có thể thay thế đồng Đô La không?” Sự kiện bất kỳ ai bỏ công sức ra hỏi câu hỏi đó cho thấy rằng họ đã hiểu được rằng chúng ta đang ở gần giai đoạn cuối của trò chơi cho đồng USD.
Trò chơi này hiện tại đang là một trò chơi hot potato (củ khoai tây nóng) tài chính. Người nào cầm nó (những đồng tiền fiat pháp định) cuối cùng sẽ bị phỏng tay, thua cuộc, và cách hay nhất để không là người thua cuộc là cố gắng thuyết phục những người khác rằng trò chơi còn lâu mới kết thúc. Chiến thuật đó có thể sử dụng được trong bao lâu tùy thuộc vào việc họ có thể lừa các bagholders giỏi và lâu như thế nào. Trong khi đó, mỗi ngày càng có nhiều người khắp thế giới bừng tỉnh nhận ra được rằng Bitcoin không chỉ là tiền, nó còn hơn thế nữa.
Bitcoin là một cuộc kháng chiến [17]. Nắm giữ bitcoins là một cách cho từng cá nhân thể hiện sự phản đối cái quyền lực tối cao của một nhà nước welfare-warfare [18]. Bitcoin là một lá phiếu nhắm thẳng vào chính cái khái niệm về sự cai trị [19]. Bitcoin là một mối hiểm nguy rõ ràng cho từng kỳ lương và bổng lộc của mỗi nhân viên chính phủ và những người đã về hưu [20].
Không may cho những người bại trận trước sự vùng lên của Bitcoin, xu hướng này là bất khả dừng. Thậm chí ngay cả khi họ hoàn toàn thẩm thấu Bitcoin, cuộc kháng chiến toàn cầu chống lại hiện trạng sẽ không đơn giản chỉ bốc hơi. Nó sẽ đơn giản là di chuyển tới một điểm hẹn khác [21], và tất cả tài nguyên họ đã dùng để dìm hàng Bitcoin sẽ bị bỏ phí.
Vì lý do này, các đối thủ của Bitcoin không có lý do gì mà phải e ngại về kết cục tối hậu của cuộc chơi. Thực sự, tốt hơn là mọi người nên hoàn toàn cởi mở về bản chất cách mạng của Bitcoin trong tinh thần cuộc Cách Mạng Pháp, chứ không phải cách mạng trong tinh thần kiểu iPod. Chiến thuật khả dĩ tốt nhất cho tầng lớp cai trị hiện nay chính là “bỏ Đô La chạy lấy người” và mang theo những đồng tiền đen tối họ kiếm được vào thế giới Bitcoin tương lai, và chỉ có nước chấp nhận sự thật rằng từ giờ trở đi mình sẽ không còn có thể chơi ăn gian được nữa.
Thể theo bản chất của một vòng lặp tích cực [22], Bitcoin càng được táo bạo hóa chừng nào thì sự chuyển biến càng nhanh và càng ít đau đớn chừng đó. Vậy thì hãy tiến lên, và lan truyền cuộc cách mạng.