26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 3 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 195

Những việc làm đơn giản để mỗi ngày trôi qua không còn vô nghĩa

Featured Image: Theilr

 

Đây là một bài viết rất dài nên khuyến cáo chỉ dành cho những người đủ kiên nhẫn…

Sức mạnh của những động tác căn bản

Cậu bé Parker của bộ phim Karate Kid hẳn bạn còn nhớ. Cậu đã được sư phụ dạy những thế võ tuyệt vời chỉ nhờ những động tác mà cậu cho rằng vớ vẩn. Cậu bé không thể hiểu tại sao sư phụ lại bắt mình lặp đi lặp lại những hành động đó: Treo áo khoác, quét sơn tường và những cú đấm buồn tẻ… Nhưng kết quả thì bạn thấy đấy, chính những hành động buồn tẻ lặp đi lặp lại đó cuối cùng đã phát huy tác dụng, cho cậu một sức mạnh mà chính cậu cũng không ngờ tới. Để đánh bại đương kim vô địch và giành chiến thắng.

Rồi chuyện về những võ sĩ quyền anh, bạn có biết để có thể lên vũ đài thi đấu họ đã phải trải qua bao nhiêu thời gian luyện tập vô cùng gian khổ. Và phần lớn thời gian đó cũng chỉ là việc lặp đi lặp lại một vài động tác căn bản, những cú thọc, đấm thẳng tay hay móc ngang, móc ngược… Họ bắt buộc phải luyện tập những động tác này, không có cách nào khác, không một võ sĩ nào lại không phải trải qua những ngày tháng buồn tẻ lặp đi lặp lại những động tác giống nhau đơn điệu ngày này qua tháng nọ. Nhưng rồi bạn thấy đấy, một cú đấm của người bình thường chúng ta nếu chỉ có thể khiến người khác đau hoặc choáng váng. Thì một cú đấm của võ sĩ quyền anh có thể khiến cho đối phương bất tỉnh hoặc thậm chí còn có khả năng khiến một người bình thường gục chết tại chỗ.

Hay như bất kỳ một vận động viên thuộc bộ môn nào: Cầu lông, tennis, đá bóng, bóng rổ hay thậm chí là các dancer, họa sĩ… chắc chắn đều phải trải qua một thời kỳ dài tập luyện những động tác căn bản: Gập cổ tay, ném bóng vào tường, vào rổ, sút bóng trực diện vào khung thành, lắc hông, vặn eo hay tập vẽ tĩnh vật… Tất cả những hành động này là cái căn bản, cái bắt buộc, cái tiền đề cho mọi sự thành công sau này của họ. Mà thường thì thời gian tập luyện những hành động căn bản này rất dài, lâu và nhàm chán.

Mới đầu bạn sẽ chẳng biết chúng có tác dụng gì hay quan trọng ra sao. Nhưng rồi thời gian qua đi, bạn sẽ nhận ra, không một ai thành công trong bộ môn của họ mà lại không thành thạo những động tác căn bản này. Kể cả những vận động viên tài giỏi và giàu kinh nghiệm đến mấy, dành nhiều thời gian để nâng cao năng lực cũng như khả năng của bản thân đến mấy, thì cũng chỉ là sau khi họ đã thành thạo những bài học căn bản nhất.

Thật ra tôi không định nói tới thể dục thể thao hay khuyên bạn tập luyện võ vẽ hay đánh đấm gì cả. Tôi chỉ đang cố chỉ cho bạn thấy rằng có những hành động rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, mà nếu chúng ta kiên trì duy trì và tập luyện, thì sẽ như các động tác trên, mang đến cho bạn một sức mạnh lớn lao giúp bạn đạt được điều mình muốn.

Bạn chỉ cần xác định được những động tác căn bản cần thiết cho mục tiêu của mình, và cố gắng duy trì chúng. Có những hành động sẽ giúp bạn thành công trong tương lai, nhưng cũng có những hành động cho bạn cảm giác thành công và hữu ích ngay ngày hôm nay, ngay lúc này, ngay khi bạn hành động. Đó là những hành động căn bản giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Những hành động về cơ bản cũng giống như những cú đấm của võ sĩ quyền anh vậy.

Diễn giải vấn đề là thế, nhưng cách ta hành động và áp dụng thì có thể khác rất nhiều. Không chỉ trong thể thao hay các môn vận động mới áp dụng được lý thuyết này. Lý thuyết tầm quan trọng của những hành động căn bản. Những thứ căn bản là quan trọng nhất, là tất cả, là tiền đề của mọi thứ trên đời. Có những điều căn bản, dễ thực hiện và rất đơn giản nếu được duy trì mỗi ngày cũng sẽ mang đến cho bạn thành công. Từ một góc nhìn khác, tôi sẽ cho bạn thấy rằng ta có thể áp dụng thuyết này vào mọi nơi, mọi việc trong cuộc sống, mà chính tôi đã – đang áp dụng và cảm thấy vô cùng hữu ích. Hy vọng nó cũng có ích cho bạn.

Động tác căn bản để mỗi ngày trôi qua không vô ích

Trước tiên, bạn cần đầu tư một cuốn sổ tay nhỏ và một cây bút, tất nhiên mục đích của chúng là dùng để ghi chép lại. Yên tâm tôi không bắt bạn viết nhật ký đâu. Bạn có thể viết vào điện thoại như cách nhiều người đang làm, nhưng với tôi thì giấy bút giống bảo bối hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn mà ai cũng có thể sắm được.

Cho dù đi bất cứ đâu, hãy mang cuốn sổ theo bên mình, rất gọn nhẹ và đơn giản, bạn có thể bỏ vào balo, cặp táp, ví tiền hoặc cốp xe, đâu cũng được nhưng hãy luôn mang nó theo bên mình. Cuốn sổ của tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường lên danh sách những việc “tôi muốn mình sẽ làm” trong ngày tiếp theo. Nó như một cuốn sổ nhắc nhỏ vậy. Hãy viết ra tất cả việc bạn cần phải làm, muốn làm và nên làm (dù không muốn) trong cuốn sổ đó, như một kiểu lên lịch, thời gian biểu vậy. Một ngày của tôi thường bao gồm những việc hay ho cần phải làm cho cuộc sống hoặc công việc, đại loại như: Đi tập gym, chụp hình hàng mới, đọc 5 chương sách, viết một bài về chủ đề abc, nghiên cứu về nông nghiệp Việt Nam, tìm phương pháp học anh văn hiệu quả, ship hàng cho khách online, viết kế hoạch cho công việc kinh doanh mới, tìm địa điểm cho chuyến du lịch sắp tới…

Nhưng cũng có đôi khi (hoặc rất nhiều khi) những việc tôi ghi vào nghe chừng lại rất vớ vẩn: Giặt đồ, dọn dẹp phòng, gọi điện cho mẹ, hỏi thăm cô bạn thân, đi làm tóc, đổ xăng, mua một cuốn từ điển, nghĩ tên cho cái club của cậu bạn… Không thể liệt kê hết những việc tôi muốn làm mỗi ngày vì chúng quá lắt nhắt. Thường thì tôi viết những việc mình sẽ làm vào ngày mai, nhưng bất cứ khi nào nghĩ thêm ra được việc gì thì tôi lại bổ sung ngay vào danh sách. Bất cứ khi nào làm xong một việc, tôi gạch dòng công việc đó đi. Và bạn biết không, cảm giác cuối ngày nhìn lại mớ việc mình đã hoàn thành tôi thường không ngờ mình đã làm được nhiều việc đến thế. Một cảm giác rất tuyệt vời, không, phải là cực kỳ tuyệt vời.

Tôi nhớ một câu nói mà tôi treo nơi bàn làm việc: “Một ngày trôi qua vô ích là khi cuối ngày bạn cảm thấy mình chẳng làm được gì cả”. Điều đó thật sự đúng với tôi, mỗi ngày khi hoàn thành những công việc to tát hay lẻ tẻ nhỏ bé mình đề ra, tôi cảm giác vui sướng như mình đang ở đỉnh thế giới vậy. Còn một ngày khi lười biếng không viết bản danh sách, y kỳ ngày đó tôi chẳng làm được việc gì ra hồn cả. Chắc chắn đó sẽ là một ngày lang thang hết trang tin tức này đến trang tin tức kia, chăm chú hết bộ phim này qua bộ phim nọ. Cảm giác ngồi đọc tin tức hay xem phim cả ngày thì rất tuyệt. Nhưng đến cuối ngày tôi luôn thấy dằn vặt vì mình đã lãng phí thời gian thật vô nghĩa.

Tôi phát hiện ra rằng, khi mình viết những công việc cần làm ra giấy, mình không cần nhớ gì nữa, chỉ cần làm theo danh sách thôi. Không biết trí óc các bạn thế nào, chứ trí óc tôi cực kỳ tệ hại. Nếu tối nay tôi nghĩ ra 5 việc mai mình sẽ làm mà không ghi lại, chắc chắn hôm sau tôi sẽ chẳng nhớ gì tới những việc đó hoặc chỉ hoàn thành được 20-50% mà thôi. Còn khi viết chúng ra, khả năng hoàn thành những việc đó luôn đạt mức 70-100%. Luôn là như thế. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Kỳ diệu hơn là việc này lại tuyệt đối đơn giản.

Hơn nữa, khi viết danh sách việc làm, chúng ta có xu hướng quyết tâm hơn để hoàn thành nó, có xu hướng mạnh mẽ hơn để vượt qua các cám dỗ xung quanh để sử dụng thời gian và năng lượng một cách tối ưu và hiệu quả hơn đa phần mọi người. Khi viết ra việc cần làm, sẽ có một sức mạnh vô hình nào đó khiến ta luôn chú ý tới nó, mong muốn hoàn thành nó, để được gạch đi cho đỡ ngứa mắt, để được tận hưởng cảm giác bản thân là một người giữ lời hứa, dù cho chỉ là lời hứa với chính mình. Đó thực sự là một hành động kỳ diệu.

Có cuốn sổ tay, bạn không chỉ có thể lên danh sách những việc cần làm trong ngày, mà bạn còn có thể lập mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc sống nữa. Cảm giác viết mục tiêu ra thành chữ và đắp những việc cần làm cho mục tiêu đó, chính là kế hoạch cuộc đời mà tôi thường hay nhắc tới. Bạn còn nhớ câu này chứ: “Mục tiêu mà không được viết ra trên giấy và không được nhìn thấy mỗi ngày, đó không phải là mục tiêu, mà chỉ là ước muốn.” Viết mục tiêu và kế hoạch của bạn ra sổ tay, theo dạng gạch đầu dòng những việc cần làm, bằng những ngôn từ đơn giản và dễ hiểu nhất. Chính là bước đầu tiên để bạn đạt được ước mơ của mình.

Còn nhớ khi tôi lập mục tiêu là công ty thời trang, việc đầu tiên tôi muốn làm và phải làm là mở một shop thời trang, dù cho chưa có một mẩu kiến thức nào về lĩnh vực này, tôi vẫn tự tin viết ra bản kế hoạch nháp. Đại loại là một bản danh sách những công việc tôi cho là cần thiết: Google những bài viết về chủ đề mở shop thời trang, xin làm part-time tại một shop nào đó, kết bạn với một vài người làm về lĩnh vực này, xin ý kiến một số người sau,.. trình bày ý kiến để mượn vốn của ba mẹ, thuyết phục họ, đi dạo các chợ và các shop thời trang đông khách để học hỏi, đi du lịch Thái Lan tranh thủ tìm hiểu nguồn hàng bla bla cả đống việc cần phải làm như thế, làm sao bạn có thể nhớ nếu không ghi chép lại? Thế mà chỉ với một cuốn sổ và những gạch đầu dòng đơn giản, tôi đã hoàn thành mọi việc một cách dễ dàng.

Ngoài ra còn một tác dụng vô cùng quan trọng mà cuốn sổ nhỏ sẽ cực kỳ hữu ích. Bạn biết đấy, thế giới này được hình thành như hôm nay, tất cả đều bắt nguồn từ một thứ vô cùng quan trọng: Ý tưởng. Mọi thứ đều cần ý tưởng mới được hoàn thành. Thế giới này có thể không thiếu gì, nhưng sẽ luôn luôn đói khát những ý tưởng mới. Mọi ngành công nghiệp từ tay chân thuần túy cho đến trí óc, mọi người lao động từ làm thuê tới làm chủ hay tự lập nghiệp đều cần những ý tưởng mới. Ý tưởng là thứ tuyệt đối quan trọng với chúng ta và cả thế giới này. Thế nhưng ý tưởng lại không thường xuất hiện khi ta cần nó xuất hiện hay khi ta tập trung suy nghĩ vò đầu bứt tóc.

Ý tưởng thường là những giây phút thành thần đến bất chợt. Có thể là khi ta đang tắm, khi ta ăn cơm, khi ta đang tám chuyện với bạn bè, khi ta đọc được một thông tin từ báo chí. Có thể khi ta đi mua sắm, khi ta đang ôm người yêu. Có thể từ một câu nói ngây ngô của một đứa trẻ hay khi ta đang yên vị trên bồn cầu toalet…

Chúng ta thường nói mình không có ý tưởng gì, không phải vì ta không có ý tưởng gì, mà vì ta đã không chộp lấy khi ý tưởng nảy ra để rồi ngay phút giây sau nó đã trôi tuột đi mất. Chúng ta không chộp lấy vì quên hoặc vì giây phút đó ý tưởng nghe có vẻ khôi hài và không thực tế… Rất nhiều lý do biến ta thành những người cù lần, không sáng tạo, không ý tưởng, cả đời chỉ sống bám vào ý tưởng của những người khác. Ta dùng internet, điện thoại, mạng xã hội, thực phẩm, thuốc men, dịch vụ… tất cả mọi thứ ta dùng mỗi ngày đều là những ý tưởng của người khác. Và chẳng có gì ngạc nhiên, ta dùng ý tưởng của họ, họ giàu có, ta nghèo nàn.

Thế nên, việc bạn cần làm, đơn giản chỉ là hãy chộp lại và ghi nhớ mọi ý tưởng từng nảy ra trong đầu bạn. Có thể ngay lúc đó nó mơ hồ và ngớ ngẩn, đừng lo lắng, cứ chộp hết chúng lại, nhét ngay vào cuốn sổ tay đem theo bên mình. Sau một thời gian, hãy đọc lại những ý tưởng đó và chép vào một cuốn khác tạm gọi tên là sổ ý tưởng. Cuốn sổ này bạn hãy cất cho kỹ, khi nào nhớ thì lôi ra đọc. Chắc chắn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình lại có nhiều ý tưởng như vậy.

Có những cái đã trở thành thực tế ngoài kia, người khác đã làm sản phẩm đó và kinh doanh nó rất thành công, cũng có những cái đọc đi đọc lại bao nhiêu lần vẫn thấy ngớ ngẩn. Không sao cả, tôi tin chắc sẽ có một ngày một trong những ý tưởng đó trở thành sự thật. Bạn sẽ thành công và giàu có nhờ nó. Tất nhiên bạn có thể ghi chép vào điện thoại hay file máy tính. Nhưng những thứ điện tử đó thường không khiến bạn hào hứng như giấy trắng mực đen đâu, lại rất dễ thất lạc và quên bẵng. Trong khi sổ tay bạn có thể để chúng trên giá sách hay trong ngăn bàn, muốn xem lại rất dễ dàng và tiện dụng đúng không?

Tôi cũng có một vài những cuốn sổ ý tưởng, tôi cũng rất hay tự thừa nhận mình là công ty ý tưởng vì tôi có rất nhiều. Không phải tôi sáng tạo hay thông minh hơn người khác, chỉ là tôi luôn biết cách giữ chúng lại khi người khác ném đi hay lãng quên vì những ý tưởng thường xuất hiện quá bất chợt. Tất cả là nhờ cuốn sổ tay tôi luôn mang bên mình để luôn kịp ghi chép lại những ý tưởng nảy đến bất chợt. Thỉnh thoảng đọc lại cuốn sổ ý tưởng của mình, tôi phát hiện ra rất nhiều những ý tưởng của tôi đã thành sự thật và được bán trên thị trường. Có thể không chỉ mình tôi nghĩ ra những ý tưởng đó nhưng tôi vẫn có thể nhận, vì thời điểm tôi viết chúng ra những sản phẩm này chưa hề có mặt trên thị trường. Ví dụ như là áo mưa hai đầu cho hai người mặc, đồng phục gia đình, mẹ con, ba con… những thứ này tôi nghĩ ra từ cách đây cả chục năm từ hồi là học sinh.

Tất nhiên hồi đó chưa có những thứ này nhưng nhìn xem giờ chúng mới thịnh hành làm sao. Đương nhiên tôi cũng còn rất nhiều những ý tưởng khác nữa và vẫn luôn bổ sung những ý tưởng mới vào cuốn sổ bảo bối của mình. Đó chính là lý do khiến tôi luôn tự tin và không bao giờ lo sợ cả. Dù cho tình trạng thất nghiệp tăng cao, dù cho thế giới khủng hoảng kinh tế, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Tôi cũng sẽ không lo sợ, vì tôi không phụ thuộc vào những thứ đó, vì tôi luôn có những ý tưởng kinh doanh của riêng mình nên chẳng bao giờ sợ thất nghiệp hay bị đuổi việc cả. Không bao giờ. Tôi tự do. Tất cả những cảm giác này, làm sao tôi có được nếu không duy trì thói quen viết sổ tay của mình?

Bấy nhiêu lý do đã đủ thuyết phục bạn mua một cuốn sổ tay ngay chưa?

Động tác căn bản rèn luyện trí óc

Hãy trở thành một người hiểu biết và khôn ngoan. Đừng làm con cừu non để mặc cho truyền thông và dòng đời chăn dắt nữa. Trở thành người hiểu biết là một trong những mục tiêu ai cũng mong muốn trở thành đúng không? Nhưng bạn không thể nào trở thành người hiểu biết được, nếu như tất cả những gì bạn biết chỉ là những thông tin chính thống trên báo đài. Ở nơi khác nơi có tự do báo chí thì có thể, nhưng ở một đất nước mà truyền thông bị quản lý và dẫn dắt thì không. Bạn chắc đã được nghe câu chuyện này:

Một người kia đến gặp một vị thiền sư và hỏi:
– Đại sư, bạn gái tôi tuy có nhiều ưu điểm, nhưng những khuyết điểm của cô ấy làm tôi rất khó chịu. Làm cách nào để cô ấy chỉ có ưu điểm mà không có khuyết điểm đây?
Thiền sư cười đáp:
– Phương pháp rất đơn giản, nhưng trước khi ta bày, thí chủ hãy đi kiếm giúp ta một tờ giấy chỉ có mặt phải mà không có mặt trái về đây.
Người đó trầm ngâm một lúc rồi cáo từ. Rất nhanh sau đó, anh ta đến trước mặt vị thiền sư và đưa cho ông một… tờ báo Nhân Dân.
Vị thiền sư đọc báo và từ đó ông bế quan, thề không vấn chuyện thế sự nữa.

Đây thật sự là một câu chuyện vô cùng hài hước, nhưng một phần nào đó nói lên sự thật về truyền thông nước ta. Bạn muốn hiểu biết ư? Đừng chỉ đọc báo chí, đừng chỉ đọc những trang tin tức vớ vẩn tốn thời gian. Bạn cần rèn luyện trí óc mình cho thật sắc bén và tăng cường vốn hiểu biết của bản thân. Bởi khi là một người hiểu biết và suy nghĩ nhạy bén, sẽ chẳng ai có thể nói những thứ bịp bớm ba hoa hay lừa đảo bạn. Mà những cơ hội và thành công sẽ đến với bạn rất nhiều. Hãy mở rộng trí óc ra, đừng tầm thường hóa nó bằng những tin tức giật gân vớ vẩn mông, ngực, lộ hàng, đường cong nóng bỏng hay những phát ngôn gây sốc của mấy cậu chàng cô nàng sâu bít nữa.

Tất nhiên tôi không bắt bạn phải bỏ hẳn những trang tin tức bạn yêu thích, chỉ là đừng quá sa đà vào nó mà hãy tận dụng nó để làm tăng vốn hiểu biết của mình. Mỗi ngày khi đọc tin tức hoặc đọc từ những cuốn sách hay các chia sẻ của bạn bè trên facebook, nếu như xuất hiện một chủ đề nào đó làm tôi băn khoăn, một chủ đề tôi chả hiểu gì hay một chủ đề nào đó tôi thấy thú vị… Tôi sẽ ghi chúng ra thành một việc phải làm trong danh sách việc làm, và quyết tâm tìm hiểu chúng.

Tôi từng tìm hiểu về những chủ đề như là nông nghiệp Việt Nam, cây macca- hoàng hậu các loại hạt, óc chó- vua các loại hạt, rồi tìm hiểu về thế giới như là văn hóa Nhật Bản, những điều kinh ngạc về kinh tế Israel, về mô hình giáo dục thiên đường của Thụy Điển, về những người nông dân Ấn Độ, cho tới những chủ đề lớn lao như triết học, chính trị, thực phẩm biến đổi gien… Mới đây như hôm qua tôi nghiên cứu về cách làm rau câu 3D, một món rất hot mùa thu này và hôm nay thì tôi tìm hiểu về loại xe đạp không bàn đạp balance-bike… Mỗi ngày một chủ đề, tôi cảm thấy mình thật ngô nghê và thiếu kiến thức trầm trọng. Tôi nhận ra hai mươi mấy năm trời mình thật sự chẳng hiểu gì về cuộc sống, kinh tế và thế giới cả. Cứ thế mỗi ngày tôi lại càng hiểu biết hơn với nhiều thông tin chất lượng hơn, không còn ham mê chút gì về những tin tức tầm thường bát nháo nữa.

Mỗi khi đọc được một từ hay ho, một chủ đề lạ lẫm và tìm hiểu về nó tôi cảm giác trí óc mình mở ra và trái tim cũng rộng mở, đón chào những thứ thật sự được gọi là kiến thức. Những thứ mà truyền thông truyền thống không bao giờ nhắc tới hoặc chỉ nói qua loa đại khái mà thôi, nhằm đừng ai tìm hiểu về nó. Truyền thông chỉ nói với bạn rằng Israel là một nơi chiến tranh thảm khốc với Palestine. Truyền thông chỉ nhồi vào sọ bạn rằng nhắc đến Triều Tiên thì chỉ có những hoạt động của ông lãnh đạo mà không nhắc đến cuộc sống thực chất của người dân đang tệ hại thế nào, do đâu mà có. Nhắc đến Ấn Độ thì chỉ có những tệ nạn hiếp dâm trên tin tức và nhứng bài hát điệu nhảy từ đầu đến cuối ngày trong các bộ phim. Truyền thông hét lên với bạn rằng Việt Nam luôn luôn đang chuẩn bị giấy tờ để kiện Trung Quốc hoặc luôn nhắc nhở hai bên duy trì quan hệ keo sơn gắn bó mật thiết… Tất cả những gì chúng ta biết, đều là nhờ truyền thông, và tất cả chỉ đều là phần nổi của tảng băng chìm.

Bạn muốn hiểu biết, bạn phải tìm thông tin, đọc, nghiền ngẫm, đối chiếu và chọn cho mình một niềm tin mà mình tin tưởng. Đừng nghe mọi điều báo chí viết, đừng tin mọi điều báo chí nói. Vì những nhà báo họ cũng chỉ là những con người bị kiểm soát và lệ thuộc, không chỉ vào tòa soạn mà còn lệ thuộc vào tiền lương và tình hình chính trị cùng những giới hạn trong suy nghĩ và hiểu biết của chính họ. Bạn cần phải tìm hiểu những thông tin đa chiều khác nữa, mà cách duy nhất là… Google.

Google có thể cho bạn mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi trên đời. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi giới hạn khả năng tư duy của bạn. Hãy sử dụng công cụ này một cách khôn ngoan, tìm hiểu sâu điều mình muốn biết, thay vì muốn biết mọi điều mọi ngóc ngách cuộc sống này. Google nói riêng hay Internet nói chung còn có một tác hại, đó là nó làm cho ta lười suy nghĩ, lười vận động đầu óc, luôn chỉ thích những thứ có sẵn, những thứ đơn giản, dễ dàng. Để hạn chế điều này và luôn hướng tới mục tiêu một người có đầu óc nhạy bén, hãy duy trì thói quen đọc sách và tranh luận. Mang theo một vài cuốn sách đến mọi nơi, tận dụng mọi khoảng thời gian trống để đọc, đọc như một thói quen, như một sở thích và như một hành động căn bản rèn luyện trí óc như cú đấm mà võ sĩ quyền anh và hành động sơn hàng rào cậu bé Parker phải làm mỗi ngày mỗi ngày vậy đó. Mới đầu bạn sẽ thấy chán nản và vô nghĩa, nhưng khi nó thành bản năng và thói quen của bạn, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của nó tác động lên cuộc đời bạn nhiều như thế nào.

Từ hai tháng nay khi sử dụng cách này, tôi cảm thấy sự hiểu biết và vốn kiến thức của mình tăng lên nhanh chóng, hơn hẳn những kiến thức vụn vặt góp nhặt trong hàng chục năm trước đây gom lại. Từ một kẻ nghiện tin tức vậy mà giờ đây nhiều ngày trôi qua tôi chả còn bận tâm đến những trang báo đó nữa. Không còn đau lòng và tức giận vì những tin tiêu cực tràn lan từ kinh tế cho đến xã hội, không còn chán nản hay ngán ngẩm khi phải đọc những tin tức nhảm nhí của showbiz, không còn tuyệt vọng vì cảm giác mình không làm được gì cho đất nước này, cho xã hội này. Thay vào đó là một con người luôn hứng khởi tìm những chủ đề mới mẻ và tìm hiểu sâu về nó. Ngạc nhiên về những gì mình chưa biết hay thậm chí tức giận vì những gì mình đã biết đều sai bét be. Tôi không thích đi học, nhưng thật sự tôi đang học hỏi, học những cái mới, học miệt mài say mê và không hề muốn dừng lại.

Để rèn luyện trí óc của mình, bạn có thể và tôi khuyên là hãy tham gia những buổi tranh luận online, tập nói lên chính kiến của mình trong các vấn đề xã hội, các chính sách kinh tế. Hãy tập thói quen comment các bài viết bằng suy nghĩ và góc nhìn của bạn. Tập nói những gì mình quan tâm và học hỏi được qua những status mỗi ngày thay vì những câu than van, oán trách vô nghĩa. Hãy viết những điều khó nói vào sổ tay của bạn, có thể là lời yêu thương, lời oán giận hay thậm chí là hận thù, duy trì thói quen viết, bạn sẽ thấy viết suy nghĩ của mình thật là dễ dàng và có tác dụng khủng khiếp. Thói quen viết giúp bạn tin tưởng hơn vào những suy nghĩ của chính mình, giúp bạn nhìn thấy con đường đạt mục tiêu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, hay thậm chí những cảm giác tiêu cực như hận thù oán ghét dễ tan biến hơn rất nhiều, kiểu như nỗi lòng được trút ra hết vậy. Vô cùng thanh thản.

Hãy làm quen và gặp mặt những người bạn có cùng niềm đam mê và mục đích sống, tranh luận và học hỏi, đừng giết thời gian bằng những buổi cafe “chém gió” vô nghĩa (không hiểu sao tôi luôn rất ghét từ này dù được nghe thường xuyên và đây là lần đầu tiên tôi nhắc tới nó). Hãy biến buổi cafe vô nghĩa thành những buổi thảo luận, về những chủ đề có ích, hãy thôi nhắc về quá khứ mà hãy nói về những thứ sẽ xảy đến trong tương lai. Hãy thôi bàn về ý tưởng của người khác mà hãy nói lên ý tưởng của chính mình. Hãy thôi bàn về các cô gái mà hãy bàn cách để làm tăng hiệu quả công việc. Hãy thôi bàn về những gì truyền thông đang quan tâm, hãy loan truyền cho người khác biết những gì bạn nghiên cứu được từ những chủ đề bình thường nhất.

Ví dụ khi một người bạn bắt đầu nói rằng đi học thật là chán, chán chết đi được. Hãy nói với họ: “Mày có biết ở Thụy Điển người ta không cần đi học đúng giờ, cứ ai đến đủ một nhóm thì học nhóm với nhau, giáo viên không giảng chung mà chỉ cùng ngồi hướng dẫn nhóm học sinh nghiên cứu một chủ đề nào đó hay làm một dự án. Mày tin được không các trường học được lập như các công ty sinh lợi, trường nào muốn có lợi thì phải thu hút được đông học sinh, muốn có đông học sinh thì phải thay đổi chất lượng và nội dung học cho thu hút và giáo viên không chấm điểm học sinh, mà chính học sinh sẽ đánh giá giáo viên của mình…”

Hoặc khi một ai đó bắt đầu: “Thằng con tao ở nhà quậy nổ trời vậy mà đi học vài ngày đã ngoan hẳn.” Thì hãy cho họ biết rằng: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang phần lớn khả năng của một thiên tài, thiên tài ngày càng ít đi vì bọn trẻ được đưa đến trường và tất cả những gì trường học làm là khóa mồm và tay chân bọn trẻ lại, chúng bị nhồi vào đầu những thứ vô bổ để rồi đánh rơi mất hết những khả năng thiên tài vốn có.” Hoặc giả cô bạn nào than rằng: “Tao buồn quá, con tao học dở tệ.” Hãy cho họ biết: “Trẻ em có 6 dạng thông minh khác nhau và học vấn là loại thông minh làm cho người ta nghèo khổ và bình thường nhất trong xã hội.”

Nếu như cả nhà đang xem một bản tin về chiến tranh Israel hãy cho họ biết những gì người Israel làm được cho nền kinh tế và cho thế giới đáng học hỏi và quan tâm tới mức nào thay vì chỉ thông tin chiến tranh ngán ngẩm… Hãy mở rộng trí óc của mình để tiếp thu những kiến thức hữu ích và loan truyền nó cho nhiều người biết hơn. Bạn không chỉ chứng tỏ mình là một người thú vị và hiểu biết mà quan trọng hơn, bạn còn đang loan truyền những giá trị tốt đẹp của cuộc sống này, làm cho người khác hứng thú hơn với việc học hỏi và tìm kiếm sự thật.

Điều này cũng giống như hành động của cậu bé trong bộ phim “đáp đền tiếp nối” vậy. Hãy tưởng tượng, thế giới này sẽ ra sao khi một người hiểu biết, loan truyền sự hiểu biết và niềm yêu thích tìm kiếm sự hiểu biết cho 3 người khác, 3 người này mỗi người lại loan truyền nó đến 3 người khác nữa. Thế thì chẳng mấy chốc, cả Việt Nam sẽ toàn là những người hiểu biết, đầy kiến thức về cuộc sống và thế giới, luôn có chính kiến của mình, đầy ắp thông tin và ý tưởng. Tôi chưa dám hình dung về một Việt Nam như thế, chắc chắn đó sẽ là một Việt Nam tốt đẹp và đáng tự hào. Và đây cũng chính là hành động thực tế cho việc mà cả xã hội này kêu gào khản cổ nhưng chẳng có một mục tiêu hay hành động cụ thể nào cả để thực hiện nó, đó là “nâng cao dân trí cho người dân Việt Nam”.

Kết thôi

Tôi không phải là người nổi tiếng hay học vấn cao siêu gì, càng không phải nhà tuyên truyền hay người đã thành công rực rỡ để có thể giới thiệu những triết lý mà tôi thu nhặt được đến cho nhiều người. Những việc tôi nói với các bạn cũng rất tầm thường và đơn giản thôi, nhưng tin chắc nhiều người không hề biết những việc đơn giản tầm thường đó lại có sức mạnh như vậy. Tôi không viết suông, những gì tôi viết là những gì tôi đã trải nghiệm và cảm nhận mà bạn hoàn toàn có thể làm theo, rất dễ dàng nhưng hiệu quả lại mang đến cảm giác tuyệt vời vô cùng.

Tôi thực sự hy vọng bạn sẽ thu lượm được ý gì đó hay ho qua bài viết rất dài này. Tôi rất thích viết dài, vì nó cũng là một cách để rèn luyện trí óc, bạn đọc một bài viết dài, cũng là đang rèn luyện trí óc. Dù cho bài viết này nhàm chán thì tin tôi đi, trí óc bạn cũng vừa được rèn luyện cách làm việc kiên nhẫn và hiệu quả hơn. Những câu chuyện ngắn có thể đem đến cho bạn một cảm xúc mạnh nhất thời, nhưng chính những bài viết dài mới làm cho trí óc bạn rèn luyện theo cách mà chính bạn cũng sẽ không hiểu được.

Thời gian là thứ có hạn, quý giá và công bằng nhất trên đời. Thế giới nhiều người bình thường vì họ sử dụng thời gian cho những việc vô nghĩa hay thậm chí tìm mọi cách để giết thời gian. Còn bạn, hãy học cách sử dụng thời gian sao cho xứng đáng và ý nghĩa. Việc đơn giản nhất tôi khuyên bạn làm để không bỏ phí thời gian, trước tiên là hãy đặt mục tiêu, lên kế hoạch cho cuộc sống, và sau đó, hãy mua ngay một cuốn sổ tay đi.

Nếu bạn không có điều kiện mua một cuốn sổ: Không dư tiền hoặc không có thời gian… Hãy để địa chỉ lại đây, tôi sẽ tặng bạn.

 

Phi Tuyết

Bốn giai đoạn trong nhận thức về phe địch và phe ta

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Cách đây gần một thế kỷ, vào năm 1917, trên hành tinh của chúng ta xuất hiện một nhà nước đầu tiên không theo các hình thái đã từng tồn tại từ trước đến khi đó. Nó được dựng nên tại nước Nga bởi đảng Bolshevik của Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin). Đến năm 1922 thì Nga cũng với một số nước nhỏ hơn thành lập Liên Bang Soviet, và gần cuối thế chiến II thì liên bang này bao gồm 15 nước cộng hòa.

Sau thế chiến II, người Nga, với tư cách kẻ chiến thắng và chiếm đóng một nửa châu Âu, đã dựng nên một loạt 7 quốc gia XHCN. Tại Việt Nam cũng hình thành nhà nước “dân chủ cộng hòa”, và sau 1954 thì nhà nước này tuyên bố đưa miền Bắc lên CNXH. Năm 1949 xuất hiện thêm nhà nước XHCN ở Trung Hoa, năm 1953 ở Triều Tiên, năm 1960 ở Cuba. Như vậy, đã có hẳn một hệ thống các nước XHCN, đối lập với thế giới tư bản chủ nghĩa. Đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống XHCN là mỗi quốc gia chỉ có một đảng; đảng này chi phối mọi mặt của hoạt động xã hội, và tuyên bố trung thành “tuyệt đối” với học thuyết Marxist-Leninist.

Vào những năm 1950 – 1960, dân ta được các vị lãnh đạo dạy rằng Việt Nam ta thuộc “phe XHCN”. Vì ở các nước XHCN thì dân được làm chủ nên phe này được gọi là “phe dân chủ”. Người ta cũng gọi ngắn gọn là “phe ta”. Đối kháng với “phe ta” là “phe địch” “phe phản động, tức là “phe tư bản” hay “phe đế quốc”.

Phe đế quốc cái gì cũng kém cỏi và xấu xa. Kinh tế thì suy thoái, khủng hoảng liên miên. Đã vậy, nhà nước và giới chủ lại bóc lột người lao động cách tàn tệ. Cho nên, người dân ở các nước thuộc phe đế quốc sống không ra hồn người. Mà tệ nhất là vấn đề đạo đức. Con người không coi nhau ra gì, sẵn sàng đâm chém nhau. Lối sống thì đồi trụy, trác táng, nên bệnh dịch tràn lan. Chính khách tư bản là những kẻ lươn lẹo nhưng ngu dốt. “Ngu nhất trên đời là tổng thống Mỹ”, một nhà thơ được coi là thần đồng của Việt Nam viết vậy, và được người lớn, kể cả các bậc trí thức đáng nể, tán thưởng. Tóm lại là phe đế quốc, và nói chung là các nước theo chế độ đa đảng, xấu hết chỗ nói.

Phe ta, phe dân chủ, cái gì cũng tốt, cái gì cũng đẹp. Do “lực lượng sản xuất” được giải phóng bởi “quan hệ sản xuất mới” tiên tiến nên kinh tế phát triển như vũ bão. Vì sản phẩm làm ra là của chung nên không ai bị bóc lột, và vì vậy đời sống của mọi thành phần trong xã hội đều rất cao. Đạo đức cũng là thứ đạo đức mới, tiên tiến, nên con người ai cũng trong sáng, lao động giỏi. Lãnh đạo của phe ta thì khỏi nói, là đỉnh cao trí tuệ nhân loại.

Vì phe ta quá sướng, còn dân phe địch quá khổ, và vì tình đồng loại, các đảng phe ta phải lãnh đạo nhân dân chung tay làm cách mạng thế giới, giết hết bọn đế quốc tư bản xấu xa (như bọn Obama hay bọn Merkel chẳng hạn). “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành”, Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản, do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo năm 1848, tuyên bố dứt khoát:

“Chúng ta thề phá tan quân thù – Thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động – Ta đập tan hoang”, bài hát “Kết Đoàn” mà ta “chôm” của ông anh Tàu Cộng khẳng định ý chí của các đảng anh em. “Đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản”, lãnh đạo ta tái khẳng định sau 30 – 4 – 1975. Sau đó, sẽ đưa tất cả các nước còn lại lên CNXH, và trong mấy chục năm nữa thì cùng nhau xây dựng CNCS và thế giới đại đồng. (Đến lúc có cái thế giới đại đồng đó thì 100% dân chúng trên thế giới sẽ sướng dã man luôn!)

Khi còn ở tuổi thiếu niên, chúng tôi đã được dạy như vậy, và tuyệt đối tin như vậy. Mà không tin sao được, khi sinh ra ở miền quê một nước mà bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa biết bóng điện là gì, và đến tuổi thanh niên vẫn chưa biết gì khác với những điều như vậy. (Ngây thơ ấu trĩ thì ai bảo gì mà chả tin?)

Đó là giai đoạn 1 trong nhận thức của chúng tôi về hai phe.

Đến tuổi thanh niên, khi học đại học, chúng tôi được biết một sự thật không thể giấu nổi. Đó là vào khoảng năm 1970 thì GDP của LB Soviet là 700 tỉ USD, của Mỹ là 1000 tỉ USD, trong khi dân số hai liên bang này gần tương đương nhau. (Thực ra thì nói GDP của LB Soviet bằng 700 tỉ là do tỉ giá 1 rúp tính bằng 1,1 USD; trong khi trên thực tế một đồng hồ Poljot chẳng hạn, có giá 40 rúp chỉ bán được 10 USD!) Nhiều nước tư bản khác cũng có mức thu nhập bình quân tương đương với Mỹ, trong khi hầu hết các nước XHCN (trừ Czechoslovakia, Đông Đức) còn nghèo hơn LB Soviet rất nhiều. Như vậy, chỉ riêng theo thống kê hình thức thôi thì kinh tế các nước “phe nó” đã vượt xa các nước “phe ta”!

Khi đó, chúng tôi tự nhủ rằng các nước “phe phản động” thì giàu, nhưng người lao động ở đó vẫn khổ hơn chúng ta. Không những khổ về vật chất, mà còn chịu nhục vì bị khinh bỉ.

Đó là giai đoạn 2.

Đôi lần, tôi thắc mắc, sao những trí tuệ vĩ đại như Albert Einstein, Niels Bohr,… không sang Nga, mà lại sang cái đất nước xấu xa tồi tệ như Mỹ mà ở. Tôi đem cái thắc mắc đó nói với một thằng bạn thân. Nó trợn mắt bảo tôi: “TAO KHÔNG NGỜ MÀY NGU ĐẾN VẬY!” Câu nói đó làm tôi bừng tỉnh. Từ đó, về các vấn đề xã hội, tôi bắt đầu tập suy nghĩ hẳn hoi, chứ không tiếp thu máy móc lời dạy của ông nọ bà kia nữa.

Từ khi được xem TV, tôi bắt đầu nhìn thấy hình ảnh những con người thuộc “thế giới bên kia”. Những người lao động bình thường ở Anh, Ý, Mỹ,… Những kẻ thất nghiệp! Họ đang đi biểu tình đòi việc làm. (Tội nghiệp cho họ. Ở Việt Nam làm gì có người thất nghiệp!?) Nhưng kìa! Sao những kẻ thất nghiệp trông khỏe mạnh thế kia? Cân đối thế kia? Đẹp đẽ, sáng sủa và đàng hoàng thế kia? Và tôi nhớ cảnh một phóng viên Nga (khi đó Liên Bang chưa tan rã) phỏng vấn một công nhân Mỹ thất nghiệp. Anh này nói: “Tôi thất nghiệp đã một tháng nay, đã phải bán đi một cái ô-tô. Nếu tháng tới vẫn thất nghiệp thì chắc tôi phải bán cái nữa.”

Ra thế! Một công nhân thất nghiệp mà có trong nhà ít nhất 2 cái ô-tô! Và sau này tôi biết, ở nước họ đa số đều như vậy.

Tuy thế, tôi nghĩ, tư bản thì giàu, người lao động ở đó cũng giàu, nhưng vô đạo đức. Đó là kết luận của giai đoạn 3 trong nhận thức của tôi (và chúng tôi) về hai phe.

Năm 1985, khi nền kinh tế của LB Soviet đứng trên bờ vực phá sản, đảng CS ở đó buộc phải tiến hành “cải tổ”. Một năm sau, đảng CSVN cũng “đổi mới” để tránh nguy cơ tương tự. Nội dung “cải tổ” và “đổi mới” có nhiều điểm mang tính “dân chủ hóa”. Thật đáng ngạc nhiên, thậm chí phải sửng sốt: lẽ ra đã là “phe dân chủ” rồi thì không cần “dân chủ hóa” nữa, hoặc nếu vẫn dân chủ hóa từ xã hội càng khác xa thêm so với “phe phản động, nhưng đằng này, sau khi dân chủ hóa thì thấy “phe ta” hơi giống “phe địch” một chút! Sao lạ quá vậy?

Sau đó, khi có điều kiện, tôi dụng công đọc khá nhiều loại sách báo liên quan đến các nước tư bản phát triển. Dần dần, tôi biết rằng dân ở đó sống thật thà. Họ không có những tiêu chuẩn đạo đức cao xa, nhưng họ cư xử với nhau đầy tình người. Đặc biệt, khi cơ quan tôi có một số lần được tiếp những nhóm hoặc đoàn chuyên gia từ Pháp, Mỹ đến làm việc thì tôi bỗng thấy họ hơn hẳn chúng ta không những về trình độ mà còn cả về tư cách con người. Bấy giờ, tôi đã nghĩ ra do đâu mà xã hội của họ văn minh như vậy. Họ không chỉ giàu sang, mà còn thông minh, trung thực, chân chất và còn rất khiêm tốn nữa. Mặc dù họ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng mỗi ý tưởng hay mà ai đó trong chúng tôi nêu ra đều được họ lắng nghe với thái độ thực sự trân trọng.

Đó là giai đoạn 4, giai đoạn cuối trong nhận thức của tôi về hai “phe”. Ở giai đoạn này, tôi đã nhận ra rằng phe địch về đạo đức cũng tốt hơn phe ta.

Một sự đảo lộn toàn phần trong nhận thức của tôi!

*

Nói là 4 giai đoạn, nhưng trong mấy ngày gần đây, khi tôi đã đi được nửa chặng đường từ lục tuần đến “cổ lai hy”, hình như nhận thức của tôi lại đang thay đổi. Bây giờ tôi nghĩ ít nhất Việt Nam ta cũng không thua Mỹ về khoản tự do dân chủ. Lý do là vì hôm trước tôi yêu cầu một thằng Mỹ minh chứng cho nền dân chủ của chúng nó, nó bảo: “Ở nước tao, ví dụ, có đứng trước Nhà Trắng mà hô “Đả đảo Obama!” thì cũng chẳng ai làm gì.” Tưởng gì chứ cái ấy thì… Ở Việt Nam, có đứng trước hội trường Ba Đình mà hô “Đả đảo Obama!” thì cũng có thằng đếch nào thèm đụng đến?!

 

Nguyễn Trần Sâm

[BDTT8] “Chuyện Trò” cùng chim én – Cao Huy Thuần

Featured Image: Bìa sách “Chuyện Trò”

 

1.“Bạn đang tần ngần trong tiệm sách? Xin bắt chước người xưa trao một lời khuyên: nếu chỉ đủ tiền mua một quyển sách, bạn nên mua quyển sách này!”

Ồ, một lời giới thiệu đầy ma thuật phải không nào? Nhưng khoan đã các bạn, xin cho tôi mấy lời đính chính. Lời giới thiệu trên vốn được in ở bìa sau của quyển sách với tên gọi “Chuyện trò” của giáo sư Cao Huy Thuần do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013. Và chủ nhân của những lời lẽ đầy ma thuật ấy không ai khác mà chính là nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn – một người bạn (cũng rất đáng kính khác) của giáo sư Cao Huy Thuần. Thực sự, tôi biết mình không có khả năng viết nên những câu văn đầy ma lực như nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhưng không tôi cũng không lấy đó làm buồn. Vậy nên tôi sẽ viết về quyển sách này theo cách của riêng tôi. Tôi nghĩ mình có đủ sự tự tin để làm điều đó với bạn đọc của “Triết học đường phố”.

2. Tôi đọc Triết học đường phố và phát hiện ra rằng, người Việt chúng ta quả thật rất có đầu óc và tâm hồn triết học. Theo tôi, có nhiều bài viết trên Triết học đường phố (dù vô tình hoặc “cố ý”) đã “chạm” đến tư tưởng của các triết gia lớn trên thế giới. Và nếu không quá khắc khe, có thể gọi một vài cây bút trên Triết học đường phố là những “triết gia đường phố” được chăng?

Các bạn chắc đang hoài nghi tôi – kẻ viết bài này đang lấy lòng ban quản trị và các thành viên của Triết học đường phố chăng? Xin thưa với các bạn, với tôi chuyện này là hoàn toàn không cần thiết. Sở dĩ tôi nói như vậy là do tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần và nhận ra Triết học đường phố chính là một con chim én mà tôi rất yêu thích. Con chim én mà nói như GS Cao Huy Thuần là:“Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không én không đặt vấn đề”.

Các bạn có quyền không tin nhưng đó là sự thật. Và còn một sự thật nữa là, tôi biết đa phần các bạn (nhất là những ai sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4/1975) có một điểm chung giống nhau đó là được (hay bị) nền giáo dục nhà trường nhét vào đầu quan điểm triết học duy nhất có tên gọi “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Ở đây tôi không bàn về chuyện “chính chị chính em” nhưng tôi cam đoan không một sinh viên năm nhất nào ở Việt Nam khi bước chân vào trường đại học mà không có cái vinh dự được một vị GS-TS đáng kính nào đó lên giảng đường “truyền thụ” cho cái “bí kíp võ công” bằng một phương pháp rất đặc trưng (mà tôi tạm gọi là): “vãi lúa cho gà ăn”.

Tức là, các bạn thử hình dung có bác nông dân ở quê mỗi khi cho gà ăn, bác ta chỉ ngồi việc một chỗ rồi tung nắm thóc cho nó văng tung tóe ra mặt sân. Và ở dưới kia con gà nào mổ được thì mổ, ăn được thì ăn; con nào không mổ, không ăn được thì ráng mà chịu; sau đó thì tự đi tìm giun, dế, cào cào… để ăn bù nếu không muốn chết đói. Điều này cũng giống như đa phần các GS – TS đáng kính của chúng ta hiện nay mỗi khi lên giảng đường, chỉ việc mở quyển “Giáo trình Triết học Mác-Lênin” ra đọc lại cho sinh viên phía dưới ghi lại chính xác đến từng mỗi dấu chấm, dấu phẩy; sinh viên nào có thắc mắc thì giải thích thêm không thì thôi. Tuy nhiên giải thích gì thì tùy nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “không ra ngoài giáo trình” nhất là không được phép đặt vấn đề “phản biện” hay “trái chiều”…

Hậu quả của lối học, cách học này đưa đến tôi và đa phần các bạn có lúc bỗng đâm ra khiếp đảm mỗi khi nghe ai nhắc đến hai từ “triết học”. Nhưng có lẽ, cái hậu quả đáng buồn nhất mà ai cũng nhìn thấy là chúng ta ngày một trở nên lạc hậu với bạn bè tiến bộ trên thế giới? Chúng ta – những “chủ nhân tương lai của đất nước” này cả đời chỉ luyện duy nhất “món” Mác-Lê nhưng vẫn không xong, không thành thục trong khi đó có biết bao món ngon khác của nhân loại mà ta chưa một lần nếm thử.

Nhưng may mắn thay, nhờ có những bộ óc vĩ đại đã nghĩ và sáng tạo ra cái mạng thông tin vừa ảo lại vừa thật để những cái đầu “ếch ngồi đáy giếng” của đa phần chúng ta đây được “khai sáng”. Có lẽ, nhờ vậy nên khoảng mươi mười năm trở lại đây, bằng những kênh trao đổi “không chính thống” khác nhau, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay mới có cơ hội nếm và thưởng thức nhiều món ngon trên bàn tiệc triết học nhân loại (nhất là triết học Tây phương) bên cạnh một món buộc phải ăn hoài (nên ai cũng ngán đến tận cổ). Đến đây thiết nghĩ sẽ là một thiếu sót nếu tôi không gửi lời tri ân đến anh Huy cùng những thành viên trong ban quản trị và những cây bút tiêu biểu của trang Triết học đường phố.

3. Tôi có hơi dông dài một chút cũng là để muốn nói với các bạn một điều, nếu có Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần trong tay, tôi tin các bạn sẽ hài lòng giống như tôi. Trước hết, quyển sách này sẽ cung cấp và hệ thống lại cho các bạn những trào lưu tư tưởng triết học phương Tây mà các bạn còn thiếu sót hoặc đang rất ngổn ngang trong đầu. Đặc biệt, Chuyện trò sẽ giúp các bạn một cái nhìn đối sánh đồng thời kết nối giữa một bên là tư tưởng triết học Phật giáo phương Đông với một bên là những tư tưởng triết học phương Tây. Ví như, mở đầu Chuyện trò, bằng nhãn quan của một nhà giáo, một Phật tử, tác giả quyển sách sẽ giúp bạn tóm tắt cuộc tranh luận nổi tiếng giữa hai triết gia Benjamin Constant và Kant thông qua câu chuyện với nhan đề “Sợi tóc”.

Hay đến những trang cuối của quyển sách, các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức câu chuyện bàn về sự xấu hổ của con người trong cuộc sống. Tại sao con người ta lại xấu hổ? Tại sao cậu bé trong câu chuyện có nhan đề “Cái nhìn” rất hay xấu hổ, nhất là lúc nào cũng chạy trốn ánh nhìn của một cô bé đồng trang lứa với mình? Như có ma thuật, từ chuyện xấu hổ của cậu bé ở thì hiện tại, tác giả sẽ đưa bạn “ngược thời gian, trở về quá khứ” thâm nhập vào nỗi xấu hổ của các triết gia lừng danh như: Freud, Sartre, Camus…

Ai trong cuộc sống mà không từng cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, nhưng rõ ràng chỉ đến khi những bộ óc vĩ đại như Freud, Sartre, Camus… biết xấu hổ thì nhân loại mới có Phân tâm học, mới có tư tưởng hiện sinh, mới có quan niệm về “trí thức dấn thân” kiểu Sartre hay kiểu Camus để mà nghĩ ngợi về kiếp người trong cõi nhân sinh. Quả là ai cũng nhìn thấy sông, nhìn thấy nước chảy nhưng câu nói bất hủ“không ai tắm hai lần trên một giòng sông” thì chỉ có những cái đầu của những triết gia mới nghĩ ra được phải không nào?

Các bạn thân mến, tôi đọc Triết học đường phố thấy có rất nhiều người bàn về sự khủng hoảng các thang giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc; nhiều người bàn về sự vô cảm của con người trong xã hội ta hiện nay. Tất cả những vấn đề này nhìn chung đều được lý giải do sự khủng khoảng của nền giáo dục nước nhà mà ra. Đây là nguyên nhân sâu xa mang tính cốt tử nhất. Vì vậy, đến với Chuyện trò, các bạn cũng sẽ có cơ hội cùng với tác giả quyển sách một lần nữa nhìn lại tất cả những vấn đề trên. Và tôi tin là những ai đang nặng “nợ” với nền giáo dục nước nhà sẽ bất ngờ về sự giống nhau trong quan niệm và phương pháp giáo dục của Đức Phật Thích Ca và triết gia Socrate thời cổ đại Hy Lạp – điều mà theo tác giả là “tinh túy Tây phương bắt gặp tinh túy Đông phương?”

Hay những ai đang trăn trở trước thực trạng các thang giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc ngày một “xuống cấp” tôi tin là sẽ được tác giả chia sẻ và an ủi qua hàng loạt những bài viết và trả lời phỏng vấn như: Lá sầu riêng và hoa nghĩa địa, Một ngày lịch sự, Cây diêm cuối cùng, Một đồng xu, Sách cũ, Tự tin là vương quốc của bình an, Hãy bay với hai cánh vào hiện đại…

Các ban thân mến, tôi lại phải khen ban quản trị Triết học đường phố nữa đây. Thật tuyệt vời khi họ quyết định mở thêm chuyên mục thơ ca dành cho những bạn yêu thơ và có tâm hồn triết học. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Vì trong Chuyện trò, GS Cao Huy Thuần cũng có những giây phút lãng mạn đầy chất thơ và đầy chất triết học như vậy. Đến với Chuyện trò, những ai yêu thơ và nhất hâm mộ thơ của “ông hoàng thơ tình yêu” – Xuân Diệu tôi tin sẽ rất thích thú khi nghe tác giả tham vấn và lý giải tại sao Xuân Diệu là “người đi trước thời đại” trong quan niệm về tình yêu. Tại sao khi yêu Xuân Diệu bất chấp và“mặc kệ thiên đường hay địa ngục”? Và đặc biệt khi sống thì Xuân Diệu nguyện yêu người, đến lúc chết thì ông nguyện yêu…ma:

“Kẻ đa tình không cần đủ thịt da
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.”

Nào, những ai cho rằng mình là “thiên hạ đệ nhất tình trường” thời nay có dám thề nguyền sau khi chết rồi sẽ yêu… ma như chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu nhà ta không?

4. Tôi nói nhiều về Chuyện trò như trên hẳn có bạn sẽ hoài nghi tôi đang nói quá hay tôi đang “quảng cáo không công” cho GS Cao Huy Thuần và Nhà xuất bản Trẻ chăng? Trước hết, tôi muốn nói nếu bạn nào nghĩ vậy thì hãy yên tâm rằng suy nghĩ của các bạn không có gì sai cả vì nói cho cùng đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi. Với riêng tôi thì Chuyện trò đã cho tôi một cái nhìn nhẹ nhàng hơn về cuộc sống đặc biệt là những vấn đề được xem là gay góc, là đại nạn, “quốc nạn” trong xã hội ta hiện nay.

Thứ nữa, các bạn cần phải luôn hoài nghi như vậy vì như thế mới đúng với tinh thần tư biện của các triết gia trên thế giới; vì hoài nghi là yêu câu tối cần thiết khi các bạn bàn về triết học dù là ở “đường phố” hay ở “trong nhà”. Thà các bạn cứ hoài nghi trước rồi tin sau còn hơn là các bạn tin trước rồi sau đó mới hoài nghi. Làm như vậy, vừa mất thời gian vừa hoài công sức của các bạn.

Cuối cùng, các bạn sẽ hỏi tôi có phải tại thời điểm năm 2013 do bị tác động bởi câu nói của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nên tôi mới mua quyển Chuyện trò? Tôi xin trả lời đúng là…một nửa như vậy. Thế một nửa còn lại là gì ư?

Có lẽ phải nói như vầy, thực sự cũng không biết lúc nào tôi lại đâm ra nghiện sách, nghiện các bài viết của của GS Cao Huy Thuần. Trước khi có Chuyện trò, trên giá sách của tôi là những Thấy Phật, Nắng và hoa, Khi tựa gối khi cúi đầu,… của ông rồi. Cho nên, nếu không có lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn thì tôi cũng mang “Chuyện trò” về nhà. Nhưng phải nói thật, câu nói ấy chính là một lời xác nhận, là sự bảo chứng cho quyết định chọn mua sách của tôi trong những lần vào nhà sách trước đây là hoàn toàn đúng đắn.

Ý nghĩa và giá trị của sống phải chăng phụ thuộc ở quyết định “lựa chọn” của mỗi người? Nhưng vấn đề là làm sao để mỗi quyết định của chúng ta nếu có sai lầm thì cũng là ở mức thấp nhất? Hình như vấn đề này trong Chuyện trò, GS Cao Huy Thuần cũng có lý giải bằng quan niệm về sự tự chủ của mỗi cá nhân thông qua câu hỏi bất hủ của Kant. Theo đó Kant hỏi: “Khai sáng là gì? Và ông tự trả lời: “Là con người bước ra khỏi tình trạng vị thành niên.” Tự chủ theo Kant đơn giản chỉ có vậy. Quả là rất giản dị nhưng thật sâu sắc phải không nào?

Là người đi trước, nói trước, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã giới thiệu Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần với mọi đối tượng bạn đọc; là kẻ đi sau, nói sau nên bài viết này tôi chủ yếu gửi đến những ai chưa “bước ra khỏi tình trạng vị thành niên” và dĩ nhiên cũng đang tần ngần trước một rừng sách trong một tiệm sách nào đó nhất là trong túi đầy ắp những tiền là tiền.

Bạn đã thật sự biết tự chủ chưa? Nếu chưa hãy mua Chuyện trò.

Xin cảm ơn tất cả mọi người!

 

Nguyễn Trọng Bình


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Triết học đáng nhớ

Featured Image: Zim Zam Zulu

 

Hai ngày trôi qua, tôi cũng đã học được những bài học chính trị sâu sắc từ những nhân chứng sống tại Việt Nam. Tất nhiên tôi là người Việt Nam và tôi yêu đất nước mình, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng dân ta đang nghèo….

Ngày thứ nhất tán gẫu thâu đêm với hai ông chú ở khu phố, hai chú nói rất nhiều về thời 1975 là thời kỳ bao cấp của dân tộc ta.Lúc đó vừa được giải phóng xong dân mình rất khổ, tụi Bắc Kỳ xuống miền nam thực hiện chế độ bao cấp ăn chia đồng đều. Đều này thì tôi cũng nghe khá nhiều người nói rồi, nào là gạo làm ra thì phải gom lại rồi phát đồng đều cho mọi người, dầu cũng vậy. Nhưng cái tôi chưa nghe chính là đây!

Ông chú kia lúc trước ở Bình Thủy, còn chú kia thì ở Bình Mỹ cách nhau 1 con rạch.“Hồi đó ‘tụi nó’ vô ‘tụi nó’ lấy hết đất của dân, của chú có 10 mẫu đất nó lấy hết nó chia cho con cháu nó không chứ ai đâu, rồi còn dư chút xíu nó mới cho mình, không dư thì nó lấy luôn. Tới cái thời 1979 ông Nguyễn Văn Linh lên rồi dân mới được sướng, ổng lấy đất của dân chia lại cho dân hết, ai có sổ bao nhiêu mẫu đất là được chia đúng không sai một tấc. Đúng là dân nhờ được ông Linh cứu, không có ông Linh là mất trắng đất luôn. Mà ông Nguyễn Văn Linh lên có 1 năm rồi bãi nhiệm à. Dân hồi đó biết ơn ổng lắm.’’

Cho đến cái chuyện mà chú kia kể đi phát số rồi ngồi ăn vạ để lấy thức ăn rồi dầu quần áo này nọ. Cái thời kỳ đó ai đến trước lấy số trước, mấy bà già có khi ngồi ở đó ăn uống tắm ngủ nghỉ ở đó luôn chờ đến sáng mai xí nghiệp mở cửa lấy trước. Mẹ thì lúc trước có kể có người để cục đá ở đó vằn lại về nhà nghỉ ngơi rồi sớm quay lại. Tôi đùa là chắc chắn mất cục đá luôn. Ông chú khác lại kể hồi xưa đi gặt lúa bỏ lên xe đẩy xe mà không dám gây ra một tiếng động luôn, “tụi nó” mà nghe được là tịch thu hết luôn, mà lúa mình trồng chớ có phải của ai trồng đâu.

Có những sự kiện chỉ có những nhân chứng sống thời đó kể ra mới biết chứ trong sách Sử hồi học phổ thông cũng chã đề cập tới, mà có đề cập thì chỉ nghe được cụm từ ‘họp tác xã’, rồi vậy xong. Chỉ hiểu là làm ra thu lại chia đồng đều, tới bây giờ tôi cũng đâu có ngờ “tụi nó” tịch thu là cho con ông cháu cha nó ăn chứ có chia cho dân đều đâu. Nếu mấy ổng mà không kể chắc đó giờ tôi chỉ hiểu vọn vẹn là tài sản bị tịch thu rồi chia đều cho dân hết.

Ngày thứ nhất chỉ là kể chuyện em nghe thôi, ngày thứ hai mới thấm nặng. Tôi đi trợ giảng cho một công ty. Hôm đó tôi ngồi nghe thầy tôi dạy môn ‘tổ trưởng sản xuất’. Phong cách thầy từ cái ừ hựm, rồi dáng đi, rồi cách nói rất ấn tượng. Hôm đó thầy giảng cho các tổ trưởng của nhiều công ty khác nhau cử đi học để lấy chứng chỉ. Thầy không cho học viên của thầy nói những công nhân tại các công ty của họ là “công nhân”, thầy cấm và chỉ được nói là “nhân viên”. Thầy giảng tới cái khúc “tổ trưởng là phải phục vụ nhân viên”, lúc đó lớp mới rôm lên vì có 1 học sinh cứ hỏi, kiểu như là phản bác lại cái ý của thầy. Tôi nhớ những lời thầy nói như vầy:

“Các em có biết tại sao thầy lại nói là các em phải phục vụ nhân viên không? Nếu các em quản lý nhân viên mình mà không phục vụ họ, họ khó khăn mà không giúp đỡ họ, công việc thì cứ đè đầu họ, họ làm sai thì quát tháo họ, thì ra đường bị tụi nó đập là không có gì lạ. Các em cứ làm quản lý các em tự cho mình cái quyền quát tháo họ, ai cho các em cái quyền đó, công ty cho hả? Không tự các em cho! Mà vì sao? Các em cứ nhìn ngoài đường kìa, các em thấy mấy ông công an, mấy thằng cha chức to quát nhân viên như con của mình, rồi các em đem cái thói xấu vô trong công ty các em áp dụng lên nhân viên của các em. Cái đó là xấu lắm các em ạ!

Thầy nói công ty Việt Nam khác với công ty nước ngoài lắm. Các em thử nhìn bên công ty mấy bạn nữ này đi (mấy bạn nữ làm công ty Sài Gòn Food) hỏi xem mấy bạn dám quát nhân viên mấy bạn đó không? Bên công ty Nhật đó mấy em, em mà quát nhân viên họ là họ đuổi việc em ngay. Em là trưởng phòng họ cũng đuổi cổ đi luôn chứ đừng nói. Bởi vậy mấy ông chủ Việt Nam cứ làm lãnh đạo, quản lý là ăn không ngồi rồi cho nhân viên làm cực luôn ổng ngồi ổng hưởng rồi ổng còn quát tháo nhân viên ổng nữa. Mấy em tưởng cái đó là hay sao không hay đâu. Mấy em muốn cho nhân viên mình quý mình thì mấy em phải tốt với họ, quát tháo họ sao tốt với họ được… Với lại công ty đâu cho các em cái quyền đè đầu nhân viên đâu, mấy em đè đầu nhân viên là tốn thêm chi phí nữa….”

Thầy nói về chi phí trong sản xuất, đại khái là thời gian sản xuất ra nhanh thì tốn chi phí ít, nhưng nếu đè đầu nhân viên là nó làm lâu thì chi phí lại tang. Nhà quản lý không muốn như vậy. Tiếp theo thầy kể một câu chuyện mà tôi cũng thấy kết kết cái câu chuyện ấy:

“Để thầy kể mấy em nghe một câu chuyện. Năm 1975 nước ta được giải phóng, cả thế giới phải kinh ngạc là tại sao dân Việt Nam ta nhỏ bé lại đánh thắng 2 nước lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như vậy, 2 nước đó vũ khí quá hiện đại mà dân ta lại đánh thắng. Các em có nhớ hồi xưa Bác Hồ nói là lãnh đạo là phải phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân không? Lúc nước mình thắng cả 2 nước mạnh như vậy, từ năm 1975 đến 1980, 5 năm trời các em ạ, tất cả giáo sư tiến sĩ trên thế giới họp lại với nhau để tìm ra lý do vì sao mà 2 nước mạnh như vậy lại thua một nước Việt Nam bé xíu.

Các em biết họ rút ra được gì không? Họ rút ra được chỉ một điều đó là ‘Nhà Nước muốn mạnh thì Nhà Nước phải phục vụ nhân dân’. Đó vậy thôi! Đó là lý do vì sao mà Bác Hồ được phong tặng là ‘Doanh Nhân Văn Hóa Thế Giới’ đó các em ạ, mặc dù thời đó cả thế giới ghét Việt Nam lắm, ghét lắm mà phải phong cho Bác cái danh hiệu đó đó là phải biết là Bác rất đúng khi đưa ra lý luận đó. Trước năm 1975 các em biết không? Trên thế giới mấy nước tư bản đều đàn áp công nhân của họ, họ đâu có phục vụ công nhân họ đâu, còn Việt Nam thì có Bác Hồ chỉ dẫn đường lối, vì thế mới thắng.

Sau năm 1980 các nước trên thế giới bắt đầu chính sách phục vụ nhân dân, còn Việt Nam thì đi ngược lại, cái năm 1975 Việt Nam thắng 2 nước lớn, chính phủ Việt Nam như con ngựa hiếu chiến, chỉ biết ngóc đầu lên trời thôi có coi trọng dân mình nữa đâu, lúc đó dân khổ lắm (tôi chợt nhớ về ngày trước được 2 chú kể về nỗi khổ năm 75). Bây giờ các em thử xem coi bên Sing hay Úc cũng tư bản mà nó phát triển như vậy, còn Việt Nam thì sao? Một nước xã hội chủ nghĩa mà dân đang khổ đang đói như vậy?” Một học viên lại hỏi

– “Em thấy Việt Nam mình cũng đâu khổ đâu thầy, em thấy cũng đang phát triển mà?’’

– ‘’Tại vì em không biết, bên Thái Lan qua đây đầu tư, em có biết là 60% lương thực mình ăn là của các công ty Thái Lan không. Chưa kể bây giờ thị trường Việt Nam cho các công ty nước ngoài vào đầu tư. Mấy em mà giữ cái cách quản lý mà quát tháo nhân viên, không phục vụ nhân viên là mấy em bị công ty nước ngoài sa thải chắc, thầy nói thật. Công ty nước ngoài không cần những quản lý như vậy, họ cần những người có năng lực. Bây giờ mấy em còn trẻ thì có thể thay đổi cách quản lý được phù hợp với hiện tại và tương lai, chứ thầy nói mốt thất nghiệp đầy, nhất là công ty Nhà Nước (thầy nhìn điêu). Mấy công ty nước ngoài không thích cách quản lý của công ty nhà nước đâu em ạ. Chưa kể là mấy công ty Trung Quốc, Đài Loan nữa.

Hồi đó thầy có làm cho một công ty Đài Loan. Nó trả lương cho quản lý cấp trung cao lắm em ạ, 3000 chứ không phải ít đâu. Mà nó bắt làm cái gì? Nó bắt phải đè đầu, chèn ép công nhân, không chèn ép là nó đuổi việc. Thấy nó hiểm chưa, nó lấy người Việt đánh người Việt, nó cũng áp dụng trả lương cho cấp trung cao nhưng nó lại chơi chiêu rất thâm độc. Giờ trên thế giới đang cô lập nó đó. Thầy rất mừng vì hồi đó có vụ biển đảo, nhờ vụ đó nên mình mới thoát ra ánh mắt nghi kỵ của cả thế giới đó. Chứ thế giới giờ nó cô lập Trung Quốc luôn rồi, không có vụ đó là mình dính với nó rồi. Nhờ vụ biển đông đó. Bởi vậy bên công ty nước ngoài người ta trả lương quản lý cấp trung cao lắm nhưng không phải để đè đầu nhân viên, mà phục vụ họ đó….’’

Một bạn hỏi nữa: “Mình phục vụ là làm gì thầy?’’

“Một câu hỏi rất hay, phục vụ là làm cái gì? Phục vụ đâu phải là kêu quản lý lấy tiền ra đãi mấy anh em đi nhậu đâu. Phục vụ là kiểm tra chất lượng máy móc, phải lắng nghe nhân viên nói, có khó khăn thì phải giúp đỡ họ, phải nghe tất cả các ý kiến phải nghe hết không được bỏ một người nào hết, giúp hết không có bỏ người nào hết, và cấm kỵ nhất là không được quát tháo họ.’’

Chỉ qua những bài triết học như vậy, tôi mới thấy được con người Việt Nam cần phải rất nỗ lực hơn nhiều nữa. Chỉ có những bài triết học sống như vậy mới thấy rằng dân ta bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn còn khổ. Và tương lai phía trước là phụ thuộc vào tuổi trẻ sức sống của những con người Việt Nam.

 

Nguyễn Tấn Đạt

[BDTT8] Hiphop, The Art To Be Unique – Dunkare

Featured Image: Bìa sách “Hiphop, The Art To Be Unique”

 

Khi biết được THDP mở cuộc thi và chủ đề là viết về một cuốn sách, thì thật thú vị vì tôi mới mua một cuốn sách và nó cũng là cuốn đầu tiên của tôi.Và đây cũng là lần đâu tiên tôi viết lách.Cuốn sách này nói về những nghệ thuật, về cội nguồn, về những người có tầm ảnh hưởng đến hiphop thế giới và Việt Nam. Có thể các bạn không mấy ai hứng thú nhưng với tôi thí nó quả thật là một cuốn sách thú vị, vì nó chính là điều tôi quan tâm và cũng là thế giới tôi đang tiến vào. Nhờ nó, tôi biết được ngoài kia có rất nhiều các bạn trẻ đang nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để phát triển nền “văn hóa đường phố” này.

1. “Văn hóa đường phố” Việt

Ở Việt Nam Hiphop mới du nhập được khoảng hơn 10 năm trở lại đây nhưng nó cũng đã có những điều nổi bật trong các yếu tố chủ đạo là Cầm-Ca-Vũ-Họa tương ứng với DJ-Rap-Dance-Graffiti và mới đây vài năm Beatbox đã thể hiện được chỗ đứng của mình và cùng các yếu tố trên, trở thành 5 nguyên tố chính trong Hiphop.Ngoài ra Hiphop còn có những yếú tố khác như Fashion, Skate…Mỗi yếu tố đều phát triển và có những lịch sử riêng của mình và cùng nhau hợp lại tạo nên một lịch sử cho một nền “văn hóa đường phố”.

2 .Hiphop trong mắt “họ”.Hiphop mang lại điều gì ?

Hiphop ở nước ngoài tiêu biểu là Mỹ,Pháp,Đức… thì nó chính là năng lượng, động lực và trở thành chiếc chìa khóa của sự nâng cao và cải cách.Điều này đã giúp Hiphop lan tỏa và trở thành một nền văn hoá nghệ thuật có màu sắc riêng biệt ,cũng như trở thành nghành công nghiệp hàng tỷ dola.Về mặt chính trị thì Hiphop đã giúp cho những người da màu nói lên được tiếng nói,quan điểm của mình trong thời kỳ phân biệt chủng tộc gay gắt trên đất Mỹ.Không những thể, Hiphop còn giúp làm giảm các tiêu cực trong xã hội làm con người hướng đến tương lai, hướng đến cái thiện mà tôi nghĩ trường học,gia đình khó có thể làm được.

Người đã gắn nhiều yếu tố khác nhau thành một nền văn hóa Hiphop đó chính là Afrika Bambaataa.Và ông đã từng nói : “Khi chúng tôi thực hiện Hiphop , chúng tôi hy vọng nó sẽ bao gồm PEACE(hòa bình), LOVE(tình yêu), UNITY(sự đoàn kết),HAVING FUN (vui vẻ) để mọi người có thể từ bỏ các tiêu cực rắc rối cho đường phố chúng tôi (băng đảng bạo lực,ma túy ,bạo lực giữa những người gốc Châu Phi và Mỹ LaTinh). Mặc dù tiêu cực này vẫn còn xảy ra đâu đó ,nhưng văn hóa tiến triển, chúng tôi đóng vai trò lớn trong việc giải quyết xung đột và thực thi tích cực.

Còn ở Việt Nam cái nhìn về Hiphop 5,6 năm trở lại đây đã có sự chuyển biến khác biệt, mọi người nhất là những người lớn tuổi đã có cái nhìn thoáng hơn và họ cũng dần hiểu hơn 1 chút về nó, họ ít ngăn cản con em mình hơn khi chúng tham gia vào những yếu tố trong Hiphop.Và Hiphop cũng dần xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông,các show trên truyền hình.Nhờ đó làm cho tất cả mọi người hiểu và thích thú với nó hơn.Đó chính là những công sức của các bạn trẻ với niềm đam mê cháy bỏng đã đột cháy được sự kỳ thị và hoài nghi của họ.Nhưng trước đó thì Hiphop trong mặt họ nó là một cái gì đó lố lăng và chỉ có những kẻ thiếu ăn học,nghịc ngợm mới tham gia vào nó.Họ cấm tiệt con em mình.Khi họ nhìn vào thì chỉ thấy những kẻ nhảy nhót vở vẩn,vẽ lên tường bậy bạ và chửi thề văng tục.

Nhưng họ không biết được Hiphop đã giúp cho vô vàn các bạn trẻ tìm thấy được niềm đam mê đích thực, thấy được sự vui vẻ trong cuộc sống ảm đạm và khao khát thể hiện chính mình.Làm cho những người đang đau khổ hàng giờ vì những căn bệnh quái ác kia có nghĩ lực sống, để họ có thể chống trọi lại nó và trở lại với cuộc sống bình thường.Hiphop còn giúp cho các bạn trẻ vui khỏe khi chơi các môn thể thao hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời, chứ không còn ngồi hàng giờ trong các quán internet hay xa ngã vào các tệ nạn xã hội.

3.Cảm nhận bản thân

Tôi thực sự rất cảm ơn Dunkare, đã giúp cho tôi thấy được sự phát triển mạnh mẽ của Hiphop Việt chúng ta.Nhờ đó tôi thấy được những ngọn lửa đam mê cháy hừng hực trong họ, khát khao thể hiện bản thân.Và giúp tôi có cảm hứng để ngôi tìm hiểu sâu hơn về mọi thứ trong Hiphop, để rồi tôi lại tiếp tục ngồi hàng giờ viết bài viết này.Từ đó tôi có thêm nhiệt huyết để đương đầu với những khó khăn trong hành trình dài mà tôi đang ở bước khởi đầu.Ngoài ra tôi mong các bạn trẻ đang ở ngoài kia, kêu ca chán nản không có việc gì làm thì các bạn ơi, hãy tìm hiểu về Hiphop đi, hãy tập tành một bộ môn mà bạn thấy hứng thú.Tôi tin chắc rằng những lời kêu ca đó sẽ không còn nữa đâu. Một lời chúc gửi đến các bạn sẽ,đang tham gia Hiphop dồi dào năng lượng để có thể sống hết mình với những gì mình yêu thích và đam mê.

 

Vũ Anh Tuấn


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

[BDTT8] Bảy Quy Luật Tinh Thần Của Thành Công – Deepak Chopra

 

 

“Con càng theo đuổi Nữ thần tri thức bao nhiêu thì Nữ thần của cải sẽ càng bám riết con bấy nhiêu. Nàng sẽ theo con tới bất cứ nơi nào con đi và không bao giờ rời bỏ con, và sự giàu có mà con khao khát sẽ là của con vĩnh viễn” – Trích cuốn “Tạo lập sự giàu có” – Deepak Chopra

Chào bạn! Đã bao giờ bạn tự hỏi mình rằng: “Đẹp là gì, vì sao bạn lại có thể cảm nhận được vẻ đẹp trong cuộc sống? Vì sao từ ngay thuở lọt lòng, bạn đã có thể cảm nhận được tình thương yêu vô bờ từ người mẹ hiền?” Không làm bạn phải tò mò thêm nữa, theo tôi thì:

“- Đẹp là khoảnh khắc khi cái tôi của bạn hoàn toàn biến mất và ngược lại. Khi cái tôi của bạn hoàn toàn biến mất, vẻ đẹp sẽ hiện hữu quanh bạn.”

Tôi không nhớ rõ, nhưng điều này có lẽ tôi học được từ “Osho”. Cái “tôi” mà tôi muốn nói ở đây, chính là lớp áo giáp vô hình mà chúng ta tự tạo ra, để bảo vệ ta khỏi điều mà ta cho là có ảnh hưởng không tốt. Hay người ta thường ví von lớp áo giáp đó bằng cái tên: “những chiếc mặt nạ”. Vậy vẻ đẹp nào trên thế giới này có đủ sức mạnh, để giúp cho mọi người tháo bỏ hết những lớp mặt nạ đó ra mãi mãi? Theo tôi thì đó chính là vẻ đẹp của sự tự do. Tự do chính là vẻ đẹp hoàn mĩ và tối thượng, vẻ đẹp mà chúng ta luôn kiếm tìm.

Tôi mong rằng bạn có thể lắng lại chút thời gian để cùng tôi chia sẻ hết những tâm tư và nhận lấy món quà nhỏ mà tôi thực sự muốn dành cho bạn! Bởi đó là món quà lớn nhất mà tôi nhận được từ trước đến nay, và tôi muốn chia sẻ món quà này tới tất cả mọi người. Đó là một cuốn sách, một cuốn sách đã khiến tôi sướng run lên và chỉ muốn hét lên thật to cho tất cả mọi người biết rằng: “Tôi muốn sống và chưa bao giờ tôi khao khát được sống hơn thế!”.

Cuốn sách: “Bảy quy luật tinh thần của thành công – Bảy quy luật tinh thần của cuộc sống – Deepak Chopra”. Cuốn sách đã nói cho tôi biết, như thế nào mới là thành công thật sự và con đường nào sẽ đưa tôi đến tượng đài của sự “tự do”.

Bạn là ai?

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình hoàn toàn bị mất phương hướng, bạn không biết bạn là ai, bạn chẳng biết bạn sinh ra để làm gì, bạn hoàn toàn mất hết niềm tin vào cuộc sống, mất hết niềm tin vào chính mình? Còn tôi thì đã từng trải nghiệm cảm giác ấy.

Trong một buổi tối tĩnh lặng, chỉ mình tôi với bốn bức tường và cảm giác cô đơn. Tôi đứng trước gương, nhìn thật lâu, tôi cười rồi gọi tên thằng trong gương và hỏi: “A! Lâu lắm mới gặp, dạo này ổn chứ cu(!?). Phải bật cười là khi đó tôi lại gãi đầu, cười ngượng và trả lời nó rằng: “Tao ổn! còn mày thì sao?”. Nhưng cũng chính tại cái khoảnh khắc ấy, tôi chợt hiểu ra một điều rằng, tôi với tôi chỉ là hai kẻ xa lạ, quan hệ chỉ ở mức xã giao…

Trong thời gian đó, tôi cày nát mọi ngóc ngách trong tôi, và dường như tôi đã đạt tới cái cảnh giới, mà có thể đọc được suy nghĩ của từng người tôi đối diện, chỉ qua cách nói chuyện và cử chỉ của họ. Nhưng giờ thì tôi nghĩ, điều đó có vẻ giống với dấu hiệu của chứng “trầm cảm” hay “tâm thần phân liệt” thì đúng hơn. Nhưng không sao!… điều mà tôi nghiệm ra được vào thời điểm ấy là một mục đích mờ nhạt trong cuộc đời của chính tôi là: “Người hạnh phúc nhất không phải là người có tất cả mọi thứ trong tay, mà người hạnh phúc nhất chính là người tự do nhất”.

Ước mơ?

Có một câu hỏi mà tất cả chúng ta đều sẽ phải tự hỏi chính mình trong cuộc đời là: “Ta sinh ra để làm gì và ta là ai?”. Cũng từ những câu hỏi đó thì trăm người, mười ý, vạn con đường đã sinh ra. Và dù ta biết rằng, trên đỉnh dốc ấy chỉ là những tin đồn, nhưng chúng ta vẫn đi và mang trong mình khát vọng sẽ tìm thấy điều mà ta muốn ở nơi đó.

Tuổi thơ!… đó là khoảng thời gian của những ước mơ, hạnh phúc và những tiếng cười. Nhưng khi lớn lên, những nụ cười hồn nhiên ấy dần dần được thay thế bởi những nụ cười giả tạo, những cái nhếch mép của sự khinh khi và sự âu lo khi bắt đầu ngày mới. Có bao nhiêu người sống có ước mơ, có bao nhiêu người sống trong hoài bão, hay cũng chỉ vẻn vẹn trong bốn chữ “cơm, áo, gạo, tiền”(?).

Tôi đã từng nghĩ để có được thành công thì cần phải đòi hỏi thật nhiều cố gắng, hay phải đánh đổi điều gì đó cho xứng đáng với thành công mà ta có, kể cả là chính mình đi chăng nữa. Nhưng “Đức Phật” từng dạy rằng: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”. Vậy đấy!… cả cuộc đời này tôi sẽ phải sống trong sai lầm ư(!?)… Tôi là ai đây, tôi là cái gì để không được đánh mất? Trong cái lúc bế tắc và chẳng biết sẽ đi về đâu, tôi đã tìm thấy báu vật của đời mình, cuốn sách nói rằng:

“- Cỏ không cố mọc, nó mọc tự nhiên. Cá không cố bơi, chúng bơi tự nhiên. Hoa không cố nở, chúng nở tự nhiên…

– Bản chất của con người là biến những ước mơ của mình trở nên hữu hình một cách đơn giản và dễ dàng.”

Thành công?

Có lẽ thành công là thứ mà tất cả mọi người đều đang cố gắng theo đuổi nó. Nhưng chỉ có điều, định nghĩa về thành công thì lại thật mù mờ trong thế giới này. Vậy thì để không phụ lòng bạn đọc, cuốn sách đã định nghĩa và nói về sự thành công một cách hết sức thuyết phục bản thân tôi:

“- Thành công trong cuộc sống có thể định nghĩa là: Niềm hạnh phúc không ngừng được tăng lên và những mục tiêu đáng trọng không ngừng được thực hiện. Thành công là khả năng hiện thực hóa những khát vọng của bạn mà không cần quá nhiều cố gắng. Thế mà, thành công bao gồm tạo ra sự giàu có vẫn luôn được coi là quá trình đòi hỏi sự lao lực. Và người ta hay cho rằng để có được thành công thì phải đánh đổi của những thứ khác.

– Tuy nhiên nói đến thành công còn có nghĩa là: Sức khỏe tốt, sinh lực tràn đầy và lòng nhiệt tình đối với cuộc sống, hoàn thiện các mối quan hệ, tự do sáng tạo, sự ổn định về tình cảm và tâm lí, hạnh phúc và thanh thản trong tâm hồn.”

Sở dĩ việc chúng ta luôn cảm thấy thành công là việc đòi hỏi sự lao lực và mang tính chất đánh đổi là do, thứ thành công mà ta đang theo đuổi xuất phát từ “bản ngã hướng ngoại” hay còn gọi là “cái tôi hướng tới khách thể” hoặc “mặt nạ xã hội”:

“- Trong hướng tới khách thể, chúng ta không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ từ những người khác. Suy nghĩ và hành vi của chúng ta luôn trong trạng thái lường trước một phản ứng nào đó, do vậy mà nó thường dựa trên sự sợ hãi.

– Sức mạnh dựa vào bản ngã hướng ngoại chỉ kéo dài trong thời gian những thứ đó vẫn còn hiện hữu, nếu chức danh, công việc và tiền bạc biến mất thì sức mạnh đó cũng không còn.”

Trong cuốn: “Nghệ thuật mơ ước” mà tác giả trích ra có nói rằng:

“- Hầu hết năng lượng của chúng ta để phục vụ cho tầm quan trọng của chúng ta, nếu chúng ta có thể phần nào bỏ đi cái tầm quan trọng ấy, hai điều phi thường sẽ xảy đến.

1: Chúng ta sẽ giải phóng năng lượng của mình, thôi không nỗ lực duy trì, ảo tưởng về tầm vĩ đại của mình nữa.

2: Chúng ta sẽ tự cấp cho mình đủ năng lượng để có một ý niệm thoáng qua về sự vĩ đại thật sự của vũ trụ.”

Vũ trụ?

Có lẽ tôi cũng giống bạn, luôn bị cuốn hút bởi những vì sao trên trời, và luôn đặt ra cho mình câu hỏi rằng: “Vũ trụ này là gì?”. Tôi cũng mù mờ và định nghĩa về vụ trụ này là: “Quá trình chiết xuất sự hoàn hảo – chiết xuất cái đẹp”. Nhưng tôi gặp bế tắc và không biết làm cách nào để chứng minh được điều đó. Khao khát tìm kiếm câu trả lời đó trong tôi, dần dần trở nên viển vông và lố bịch. Nhưng không!… cuốn sách này đã khiến tôi phải nhảy cẫng lên, như một đứa trẻ tìm thấy báu vật của nó vậy, cuốn sách nói về vũ trụ rằng:

– Vũ trụ là: “Trường tiềm năng thuần khiết – Trường của mọi khả năng; Thủa ban đầu chẳng có tồn tại hay không tồn tại, toàn bộ thế giới này chỉ là năng lượng không hiển lộ; Vũ trụ hoạt động theo một quy luật là: Biến những điều không hiển lộ thành những cái hiển lộ. Biến những năng lượng vô hình trở nên hữu hình.”

Từ đó tôi hiểu rằng, vũ trụ là mảnh đất màu mỡ, để gieo trồng mọi hạt giống. Tất cả những ước mơ trong chúng ta sẽ được vũ trụ ươm mầm, bằng tình yêu và lòng vị tha. Ta suy nghĩ, ta mơ ước, thì cũng chính là vũ trụ này suy nghĩ và vũ trụ này ước mơ. Và khi ta vẫn còn khát khao những điều tươi đẹp, thì vũ trụ sẽ vẫn mơ ước và tìm cách hiện thực hóa những giấc mơ đó. Bởi thế! từng tán cây, từng đám mây, từng ngọn cỏ, … tất cả vạn vật xung quanh ta, đều là thành quả của quá trình chiết xuất sự hoàn hảo – chiết xuất cái đẹp. Vì vậy nên đương nhiên, tôi cũng là thứ đẹp nhất, độc nhất và duy nhất. Và bạn! chính bạn đấy!… Bạn cũng chính là thứ đẹp nhất, độc nhất và duy nhất. Vậy thì “tự do” đâu có ở đâu xa. Nó ở ngay bên cạnh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh nào.

Để bạn có thể giao hòa vào vũ trụ, hay đi vào “trường tiềm năng thuần khiết” để gieo trồng những hạt giống tâm hồn đó, thì trong cuốn sách có chỉ rất cặn kẽ bạn phải làm thế nào để đạt được điều này, đây là một trích đoạn nhỏ:

“- Nếu bạn muốn được hưởng những lợi ích từ tiềm năng thuần khiết, nếu bạn muốn tận dụng mọi khả năng sáng tạo, gắn kết với ý thức thuần khiết, thì bạn phải tiếp cận được nó. Và một trong những cách để tiếp cận nó là luyện tập hàng ngày, giữ im lặng, tham thiền và không phán xét. Dành thời gian hòa mình vào tự nhiên cũng sẽ giúp bạn tiếp cận được những đặc tính gắn liền với trường này, sáng tạo, tự do và hạnh phúc vô hạn.”

Đam mê, may mắn, mục đích cuộc đời?

Thực chất thì chúng ta không hề có cái tên nào cả, chỉ là xã hội đã đánh số cho chúng ta, để phân biệt cho dễ quản lí mà thôi. Cái tên của bạn chẳng nói lên được điều gì ở bạn cả, cũng chẳng thể dùng nó để trả lời cho câu hỏi: “Bạn là ai?”. Câu đầu tiên mà cuốn sách này gửi tới tôi là: “Bạn chính là khát vọng thôi thúc sâu kín bên trong bạn”. Đây cũng chính là thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi tới bạn, và nó sẽ chỉ cho bạn cách để bạn tìm thấy khát vọng đó.

Tôi có thể tóm tắt phương pháp này là: “Bạn phải sống trong hiện tại, chỉ hiện tại mà thôi”.

Đây cũng chính là mấu chốt của thiền định, là sự tập trung vào mọi khoảnh khắc hay còn gọi là “sát na”. Bởi quá khứ hay tương lai chỉ là sự hồi tưởng trong ý thức của chúng ta mà thôi, nó không có thật. Vì thế, thời gian là một khái niệm ảo do chính chúng ta tạo ra. Đó cũng chính là nguyên do sinh ra sự “sợ hãi” và sợ hãi là sự ảo tưởng về thời gian. Thoát khỏi thời gian là con đường để tìm ra sự thật và tự do.

Khi ta sống trong sự sợ hãi, thì bắt buộc bản năng sinh tồn của bản ngã hướng ngoại phải tạo nên những lớp lá chắn vô hình, để bảo vệ nó khỏi điều mà nó cho là nguy hiểm trong cuộc sống. Chính những lớp lá chắn đó, đã khiến ta bị chệch ra khỏi hiện tại – chệch ra khỏi dòng chảy của cuộc sống, hay có thể nói nôm na là ta “chết trong sống”. Khi rơi vào trạng thái đó thì ta sẽ không thể biết được ta là ai, và mục đích cuộc đời của ta là gì? Thế giới quanh ta sẽ giống như một cái lô cốt, mà ta có mọc cánh cũng khó thoát.

Chỉ khi bạn sống trọn vẹn trong hiện tại – hiện tại chính là cuộc sống, thì bạn sẽ biết được con người thật và mục đích của bạn trong cuộc sống là gì. Lúc ấy bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi trước bất cứ điều gì, mọi thứ với bạn chỉ là “vô thường”. Bạn sẽ như như cây cỏ dại, chỉ cần có “đất” là vươn lên, bạn cũng như những cánh chim, chẳng cần cố gắng cũng sẽ cất cánh bay. Bạn chỉ đơn giản là chính bạn, bạn là tự do, bạn là vẻ đẹp của tạo hóa.

Vậy bạn đã sẵn sàng để đi tìm mục đích cuộc đời bạn chưa?

Sức mạnh của sự “tập trung” và “im lặng” sẽ mang lại “may mắn”

Cho và Nhận – Luật Nhân Quả

Đây là quy luật hai và ba của cuốn sách. Mọi điều xảy đến với chúng ta, đều xuất phát từ những sự lựa chọn trong quá khứ. Bạn cho đi điều gì bạn sẽ nhận lại được điều đó. Nếu bạn cho đi tình yêu, bạn sẽ nhận lại được tình yêu. Bạn cho đi của cải, bạn sẽ nhận lại được của cải. Tất cả nằm ở sự lựa chọn của bạn. Một người nghèo khó, là những người không có thứ gì để cho đi. Một người giàu có, là họ luôn luôn có thứ gì đó để cho đi. Vì vậy để tạo nên sự giàu có, nó tới từ tư duy “giàu có” hay “nghèo khó” của bạn.

Tuy nhiên, hầu hết mọi hành động của chúng ta thường được thực hiện một cách vô thức. Nó là phản ứng của “bản ngã hướng ngoại” lên những sự vật hay hiện tượng xảy ra. Nhưng những phản ứng đó, lại là phản ứng đến chính “tinh thần” của bạn, chứ không phải phản ứng đến những hiện tượng hay sự vật đó. Vì thế, nếu bạn càng cố gắng chà đạp những hiện tượng hay sự vật đó, thì bạn sẽ chỉ chà đạp lên chính bạn mà thôi. Tất cả đều do sự lựa chọn của bạn, sẽ quyết định bạn cảm thấy vui vẻ hay khó chịu, giàu có hay nghèo khó:

“- Tôi có thể khiến bạn bực mình và tôi có thể xúc phạm bạn, và bạn có thể lựa chọn cách không cảm thấy bực mình.

– Tôi có thể khen ngợi bạn và bạn có thể lựa chọn cách không để điều đó khiến bạn hãnh diện.”

Những sự việc hay hiện tượng đó, không hề xảy đến để nhằm khiến bạn bực mình hay hãnh diện, đó chỉ là những việc cần xảy ra. Là kết quả của vô số những lựa chọn của bạn và mọi chúng sinh trên “Trái Đất” hay cả vũ trụ trong quá khứ, đã liên kết mắt xích lại để tạo nên điều xảy ra – tạo nên hiện tại. Bạn nên suy nghĩ một cách tích cực rằng: “những gì xảy ra chỉ là lẽ vô thường như nó vốn thế”. Việc bạn cần làm duy nhất chỉ là im lặng và không phán xét, để tập trung vào hiện tại – tập trung vào cuộc sống. Khi đó con người thật và những khao khát bên trong bạn sẽ được nảy mầm một cách tự nhiên mà không cần gắng sức. Từ đó bạn sẽ gặp được may mắn và giàu có về mọi mặt, giúp bạn hoàn thành sứ mệnh của bạn trong cuộc đời này.

May mắn?

Có lẽ rất nhiều người cho rằng, may mắn ngẫu nhiên xảy đến với mình. Nhưng không!… cuộc sống này được điều hành bởi “nghiệp luật nhân quả” một bộ máy kế toán hoàn hảo của vũ trụ. Trong cuốn sách này, sự may mắn được định nghĩa là: “May mắn chính là sự chuẩn bị và cơ hội được xuất hiện cùng lúc”.

Thật vậy, nếu bạn hiểu thấu được con người thực sự của mình và ươm mầm những khao khát đó bằng tình yêu thương. Vũ trụ sẽ cảm nhận và tìm mọi cách để sắp đặt, và trao cho bạn cơ hội để thực hiện khao khát đó. Vấn đề của bạn trong lúc này chỉ là “sống” và nắm bắt cơ hội khi nó đến, Albert Einstein từng nói:

“Tôi muốn biết những suy nghĩ của chúa trời, những gì còn lại chỉ là chi tiết.”

Trong cuốn sách cũng nói rằng: “Chúng ta là thần thánh ngụy trang và chúa trời phôi thai trong chúng ta đang đòi hỏi được hiện nguyên hình”. Lão Tử cũng từng có câu: “Thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy, không làm mà nên”. Đức phật cũng từng nói rằng: “Ta là Phật đã thành và tất cả các chúng sinh đều là Phật sẽ thành”. Điều chúng ta cần làm chỉ là: “Hãy im lặng và biết rằng ta là chúa trời”.

Vậy còn bạn, bạn đã sẵn sàng để sống là chính mình chưa?

Lời nhắn gởi!

Tôi hiểu rõ rằng, những điều mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này mang tính chất “tôn giáo – tâm linh”, nhưng có một ai đó đã từng nói rằng: “Sự thật không đòi hỏi niềm tin ở bạn”. Cũng như người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý, năng tương ngộ – Vô duyên đối diện bất tri tâm”. Bởi thế, tôi không đòi hỏi bạn phải tin vào bài viết này. Cái tôi cần chỉ là tìm kiếm sự đồng cảm, và chia sẻ những gánh nặng trong bộn bề của cuộc sống cùng với những người hữu duyên.

Khi nhìn vào xã hội của Việt Nam đương thời, tôi cảm thấy nó vẫn chưa thoát ra được khỏi câu chuyện “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Vẫn là những cô Thị Nở và những anh Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng không ai cho. Vẫn là những con dân nhút nhát chỉ biết chỉ trỏ, xì xào. Vẫn là những ông Giáo có tâm thì nghèo khó, và đâu đó vẫn có những kẻ “mọt dân”.

Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc, đây là ba từ mà tôi thường viết trong những bức thư tình lãng mạn như: bản kiểm điểm, bản tường trình hay bản cam kết… từ thời còn tấm bé. Nhưng phải đến năm 20 tuổi thì tôi mới hiểu ra được ý nghĩa của ba từ nối đuôi nhau này:

– Ta chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi ta là một người độc lập, kể cả về vật chất lẫn tinh thần – Khi ta độc lập, ta sẽ tự do – Khi ta tự do, ta sẽ hạnh phúc. Vậy một xã hội hạnh phúc, sẽ là một xã hội mà trong đó: “Từng người được độc lập”.

Hiểu được vậy thì sao đây!… khi chính tôi cũng không cảm thấy tự do… Trong suốt gần hai năm thu mình vào riêng một góc trời, không mạng xã hội, không bạn bè xã giao… Tuy cuộc sống tẻ nhạt nhưng tôi chấp nhận nó, và chỉ mong sao tôi đánh bại được bản ngã của mình, để trở thành một con người mới. Nhưng tôi đã thất bại và đành phải ngoi lên để sống bằng những gì mà tôi có. Trong lúc hoang mang đó, tôi và cuốn sách đã tìm thấy nhau. Đó là một cuốn sách ngắn, chỉ dài 70 trang giấy A5 trị giá 12 ngàn.

Cuốn sách mà để được sở hữu nó, tôi chỉ còn cách là tự chép lại, qua kênh Youtube sách nói dành cho “người mù”. Cuốn sách sẽ giúp tôi tạo nền tảng vững chắc về đạo đức, đạo đức là căn nguyên của mọi thành công. Đó sẽ là cuốn sách gối đầu của tôi, nhưng biết đâu đấy nó cũng sẽ dành cho bạn. Sẽ ra sao nếu chúng ta đều là những người tự do? Tôi không biết nếu chia sẻ cuốn sách này cho bạn, thì có vi phạm luật bản quyền không, nhưng nếu bạn muốn thì hãy liên hệ tới tôi, chỉ hai chúng ta biết thôi nhé!

Lời cuối cùng! Tôi thực sự cảm ơn bạn đã dành thời gian cho tôi cho đến tận đây. Chúc bạn tìm thấy được niềm hạnh phúc, tự do và thành đạt trong cuộc sống!…

“Sự tồn tại của chúng ta thoáng chốc như đám mây mùa thu, quan sát sự sinh ra và chết đi của chúng sinh cũng như ngắm nhìn những động tác trong một điệu nhảy. Cả cuộc đời giống như tia chớp trên bầu trời, vụt qua nhanh như dòng lũ tuôn xuống sườn núi dốc đứng. Chúng ta dừng lại trong chốc lát để chào nhau, để gặp gỡ, để yêu thương và để chia sẻ. Đây là thời khắc quý giá nhưng ngắn ngủi. Nó là sự thoáng qua xen vào sự vĩnh hằng. Nếu chúng ta chia sẻ sự quan tâm, thảnh thơi, tự tại và yêu thương, chúng ta sẽ tạo ra sự giàu có và niềm vui cho nhau. Và như thế khoảnh khắc này sẽ là đáng sống.” – Đức Phật

 

Phan Trẫm


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Khúc vô ngôn tháng tám

Featured Image: Elin Anita Nilsen

 

Mùa lặng lẽ theo mùa
rơi qua âm u tháng Tám
bỏ lại anh lạc lõng phía câu ca không lời
dẫu hồn nhiên đứng lơ ngơ giữa ngã tư, ngã năm , hay ngã bảy
vẫn nghe lòng lưa thưa vắng
một mình thôi.

Mùa đang bão rớt
hiếm hoi ngày chút nắng xanh xao
mặt trời ngủ quên
mặt trời không hát
chút ấm áp bên em giờ cũng hư hao.

Anh lạc giữa muôn phương ngã tư đường tấp nập
lạc điệu trên tay bài thơ cũ vô ngôn
nghe chữ nghĩa biến thiên theo mùa gió rớt
anh lao đao
đi nốt những đoạn buồn.

Anh đã sáng lóa tình yêu bằng muôn trùng ảo tưởng
như lũ ve gào mùa bất lực đẫm mồ hôi
để một ngày thảng thốt nhớ ra
mình chỉ là làn khói xưa đi lạc
rồi đã biến tan như chưa từng đến bên người.(*)

Đêm hạ huyền nghe sương rũ trên nhánh trăng liềm khép mắt
anh lẫn lộn giữa nỗi buồn và nỗi nhớ em
nghe trên mái nhà cơn gió cô đơn của mùa áp thấp
thổi lặng câm cơn độc thoại cũ mèm

 

Phương Uy
P/s: (*) Hà Mây – Cuộc tình ấy, tự vẫn hôm qua..

[BDTT8] Khuyến Học – Fukuzawa Yukichi

Featured Image: Bìa sách “Khuyến Học”

 

“Quốc dân không có ý chí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”­­ – Fukuzawa

Tôi không đọc nhiều sách nhưng thời gian gần đây tôi dần thay đổi thói quen không hay này. Khi tôi tham gia câu lạc bộ sách thì chính nơi này đã cải tạo tôi, rèn cho tôi một số kỹ năng giúp tôi vượt qua các bài kiểm tra khó đó chính là sách. Đấy là duyên đưa tôi đến với quyển “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa, cũng là quyển sách mà tôi chọn để chia sẻ với các bạn.

Điều đầu tiên tôi muốn gửi gắm chính là sự nể phục đối với tác giả Yukichi Fukuzawa. Ông viết quyển sách này từ 1872 – 1876, đây là khoảng thời gian mà nước Nhật có một sự chuyển biến về thể chế chính trị, một sự biến đổi mang tính bước ngoặc. Chuyển từ cuối thời Mạc Phủ sang thời kỳ Minh Trị. Ở thời kỳ Mạc phủ nước Nhật đóng cửa, thời Minh Trị nước Nhật bắt đầu mở cửa, đó là một ưu điểm đồng thời cũng là khuyết điểm. Ưu điểm là nước Nhật sẽ được tiếp thu nền văn minh hiện đại của Tây phương, người Nhật sẽ được học hành, tiếp thu kiến thức, cách thức của người phương Tây và cải cách, bổ sung hệ thống lỗi thời từ thời kỳ Mạc phủ, giúp đất nước tiến lên. Khuyết điểm nếu không chuẩn bị kỹ càng người Nhật sẽ bị Tây hóa.

Tôi nể phục Fukuzawa vì các hệ tư tưởng và các triết lý của ông. Tôi không hình dung được ở giai đoạn đó mà ông đã sớm nhận thức ra được các giá trị tư tưởng bất biến cho đến ngày hôm nay và định hướng một nước Nhật thành công như bây giờ. Ở gốc độ quản trị nó giúp chúng ta định hướng và phát triển con người có nhân cách qua đó giúp xây dựng tổ chức tốt đẹp. Ở gốc độ giành cho người trẻ nó giúp chúng ta có một tinh thần học tập, sinh sống tốt đẹp, tạo nên những con người hướng thiện, sáng suốt cùng nhau xây dựng quốc gia thình vượng.

Điều thứ hai chính là câu nói “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, ngụ ý nói rằng chúng ta sinh ra là bình đẳng nếu có khác biệt chính là do học. Có câu “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô trí thức là người đần độn”. Quá rõ, xã hội sinh ra những khoảng cách như vậy là do học mà ra. Thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó sẽ được trọng dụng và được xem là người quan trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Các công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần thì được cho là việc khó, còn lao động chân tay thì là việc dễ. Vì thế các việc như học giả, quan chức, giám đốc,..là những người quan trọng, địa vị cao giàu có và ngược lại. Ông đã đề cập rất rõ ràng: không có sự khác biệt giữa người với người, người chịu khó học hành, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc, còn người vô học sẽ trở thành người thấp hèn.

Điều thứ ba chính là trách nhiệm của người đứng trên người và tính tự mãn của họ. Đất nước của chúng ta cũng có trải qua thời kỳ bao cấp, các biến cố lịch sử của chúng ta cũng không kém gì nước Nhật. Nhưng nhìn vào kết quả này hôm nay thì có thể nó lên một điều rằng, đất nước chúng ta thiếu đi những nhà tư tưởng lớn, nhà triết học để định hướng con đường phát triển nhân cách và sự học cho quốc gia như Fukuzawa. Chúng ta được học tập, có một môi trường với nhiều cơ hội để nghiên cứu và phát triển nhưng chúng ta quên đi cái bổn phận với quốc gia, với quê hương. Học xong chúng ta lại như bao người khác tập trung về các thành phố lớn để tiếp tục học tập và làm việc. Nó sẽ tạo ra sự mất cần bằng về sự phát triển trải dài đất nước.

Có phải chúng ta – những người đứng trên người, chúng ta quên đi cái trách nhiệm của chúng ta, học vì bản thân mình, gia đình mình mà quên đi trách nhiệm lớn lao của việc học chính là phụng sự cho xã hội. Người Trung Hoa xưa có câu: “Cai trị thiên hạ cũng giống như việc biết chia đều, chia công bằng miếng thịt cho mọi người ở chốn hội hè vậy” hoặc “Hãy dọn sạch cỏ ở vườn thiên hạ trước rồi mới dọn cỏ sân nhà mình”.

Cả hai câu trên đều thể hiện ý chí mong muốn làm cái gì đấy có ích cho xã hội trước khi nghĩ đến mình. Có một câu chuyện thế này: “Có người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành kinh doanh thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc bất kỳ ai. Tự tay anh ta có thể xoay sở, xây dựng lên một căn nhà, sắm sửa mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ ưng ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có một khoản tiền tiết kiệm phòng khi trái gió trở trời còn có cái để chi tiêu”.

Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình có cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí. Các bạn nghĩ sao về con người này, anh ta chẳng khác gì một loài kiến, thực hiện công việc mà loài kiến luôn làm từ năm này qua năm nọ. Loài người với tư cách là chúa tể muôn loài mà mới có được như vậy thôi đã vội tự mãn, đã xem hoàn thành mục đích cuộc đời. Giải quyết được cái ăn cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi thôi sao? Nếu thế hệ con cháu cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có phải trải qua trăm ngàn đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống thế nào, nay chắc cũng vậy, không chút đổi khác.

Điều thứ tư chính là trách nhiệm của quốc dân là gì?

Đây là một cách đặt vấn đề rất hay mà tôi thấy nó cũng rất phù hợp với bối cảnh của chúng ta hiện tại. Ở mỗi một quốc gia thì quốc dân có hai vai trò chính là làm “chủ” và làm “khách”. Giả dụ thế này, có 100 người định lập nên một doanh nghiệp. Mọi người cùng nhau bàn bạc quyết định thành lập, đề ra quy chế nội quy rồi đưa công ty vào hoạt động. Khi đó 100 người này đều là chỉ công ty. Dựa vào những điều đã cùng nhau quy định, mọi người tuân theo nó và khi đó 100 người đồng thời là nhân viên công ty. Đất nước cũng giống như công ty, nhân dân giống như nhân viên, mỗi người vừa đứng trên vị trí cai trị vừa đứng trên vị trí duy trì sự cai trị ấy, vừa là chủ vừa là khách.

Ở gốc độ “khách” thì mọi quốc dân ai cũng phải tôn trọng luật pháp, và sự bình đẳng của mọi người. Luật pháp do chính phủ lập ra, cho dù có nhiều điểm rắc rối, xa rời thực tế thì cũng không có đạo lý nào cho phép chúng ta tùy tiện thích thì theo, không thích thì vi phạm. Cũng giống như công ty 100 người bên trên. Trong số 100 thành viên có 10 thành viên là người được chọn vào vị trí hội đồng quản trị. Dù có bất mãn hay không hài lòng với cách nghĩ của 10 người kia thì cũng không vì thế mà 90 người còn lại tự ý là theo suy nghĩ của riêng mình. Cuối cùng là mạnh ai nấy làm, quên hẳn những điều đã quy định với nhau, thì thử hỏi công việc kinh doanh của công ty sẽ ra làm sao?

Vì thế pháp luật có sai, bất cập thì không thể côi đó là cái cớ để phá bỏ nó. Đấy là điều mà tôi cảm nhận rõ ràng nhất ở đất nước chúng ta, chúng ta sống với hệ thống pháp luật và kỷ cương của quốc gia nhưng chúng ta luôn tỏ ra không hài lòng với đội ngũ hội đồng quản trị do chúng ta lập nên và rồi chống đối họ vô tình chúng ta lấy đi quyền lợi của mỗi cá nhân trong công ty đó, quốc gia đó. Công ty 100 người thì không thể nào ai cũng làm việc lớn cả, chúng ta đã chọn 10 người làm thế chúng ta những việc lớn như vậy. Cho dù nhân dân – số 90 người còn lại không trực tiếp làm các sự vụ quan trọng nhưng một khi đã giao phó cho 10 thành viên thay mặt mình thì nếu suy xét lại thì bản thân mỗi chúng ta chẳng phải là chủ nhân của công ty đó sao.

Sau khi đọc xong quyển sách này, tôi có suy nghĩ là tinh thần độc lập nó thể hiện ở cả một dân tộc. Việt Nam còn nhận viện trợ ODA từ nước ngoài và mỗi năm một nhiều hơn, chúng ta không cảm thấy xấu hổ vì điều đó mà còn cảm thấy rất vui mừng. Trời không tạo ra người đứng trên người, người sống ở quốc gia này không khác chi ở quốc gia khác, người Nhật sẽ không khác so với người Mỹ hay người Trung Quốc vì đơn giản chúng ta đang là người trái đất. Vậy lý do gì chúng ta phải luồn cúi, lo sợ họ rồi mỉm cười khi chúng ta nhận được viện trợ ODA của từ họ. Vai trò của người đứng trên người của những người trẻ như bạn như tôi đâu mất rồi.

Chúng ta phải cảm thấy tự xấu hổ với chính mình, với dân tộc mình và với bạn bè thế giới. Tại sao người Nhật họ làm được còn chúng ta thì không. Phải chăng sự khác biệt ở đây có phải là sự học hoặc là tinh thần độc lập dân tộc hay là cả hai. Tôi liên tục nhắc đến chữ học vì tôi muốn chúng ta hãy nghĩ nhiều về nó, nghĩ nhiều đến trách nhiệm của những người đứng trên người. Vì chính cái sự học nó sẽ mang lại giá trị thực cho quốc gia này.

 

Mr Lias


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Đừng để những mục tiêu biến thành “những ông chủ”

Featured Image: Ưng Đen

 

Bạn đã từng nghe câu nói này chưa: “Nhất định tôi sẽ thực hiện việc này kể cả khi nó có giết tôi chăng nữa”?

Khi mới bắt đầu, tôi cũng có suy nghĩ như vậy, mục tiêu đặt ra là để thực hiện mà, phải sống chết với nó chứ? Và rồi đến khi mỏi mệt và kiệt sức, không chỉ là thể lực mà còn là tinh thần. Chán nản, nặng nề, trong đầu luôn chửi bậy bằng mười thứ tiếng khác nhau và tôi nhận ra những mục tiêu tôi đặt ra không còn phù hợp với cuộc chơi của mình vào lúc đó nữa. Tôi quyết định giết chết “ông chủ” này, mỗi ngày ông ta bắt mình làm những thứ không còn phù hợp với tôi lúc đó nữa.

  1. Trong chặng đường chinh phục, không thể chỉ cắm đầu cắm cổ chạy về đích
  2. Một số mục tiêu lúc đầu rất quan trọng nhưng sau đó không còn quan trọng như lúc đầu bạn tưởng nữa.

Nếu bạn nhìn lại hầu hết những thời điểm hoặc những sự kiện then chốt trong đời, tôi cá rằng đa số những việc xảy ra với bạn đều không có trong chương trình, chúng thường xảy ra một cách bất ngờ. Cuộc sống là một điều bí ẩn, bạn không bao giờ biết cái gì sẽ diễn ra và bạn không thể bị cận thị mãi để bỏ qua những cơ hội và giải pháp mà bạn không nhìn ra trước đó.

Cuộc sống muôn màu, không ai đoán trước được tất cả – thực ra nếu đoán trước được hết thì chẳng còn gì thú vị nữa rồi. Bất ngờ bạn mất việc, mục tiêu tiết kiệm tiền trong năm nay của bạn trở nên bất hợp lý, và bạn bị ám ảnh bởi mục tiêu đó. Bất ngờ bạn nhận được một cơ hội mới, đi đến một môi trường mới, tất cả mục tiêu dành cho môi trường cũ của bạn không còn phù hợp nữa.

Một trong những thách thức lớn nhất để thành công là học cách tập trung vào mục tiêu của mình, trong khi vẫn giữ một độ linh hoạt, mềm dẻo đủ để điều chỉnh theo những thay đổi cần thiết. Đó là lý do phần cuối của chuỗi bài Thiết Kế Tương Lai này, tôi dành để viết về sự linh hoạt trong khi theo đuổi các mục tiêu.

Khi nhóm của Darren Hardy phỏng vấn Scott McNealy của Sun Microsystems, ông nói: “Khi anh bắt tay vào gầy dựng một vụ kinh doanh, anh sẽ ném đi tất cả các giả thuyết ban đầu của mình chỉ trong vòng ba tuần.”

Việc kinh doanh trong thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch kinh doanh ban đầu, kế hoạch về cuộc đời bạn cũng vậy. Đừng khư khư bám chặt lấy nó với cách nghĩ nhất định phải đi theo hướng này chứ không phải hướng kia. Hãy trang bị cho mình một tầm nhìn và một kết quả rõ ràng cần đạt được, nhưng luôn linh hoạt mở to mắt trước những gì có thể xảy ra để có thế đẩy nhanh tốc độ đi tới, và có một thái độ cởi mở trước những ngả đường khác nhau có thể đưa bạn đến đích.

Hướng về đích chính là sự cân bằng tinh tế giữa lên kế hoạch và tài ứng biến trong một môi trường luôn thay đổi

Khi tham gia vào một khóa huấn luyện, tôi bắt đầu định ra những mục tiêu trong 2 tháng rèn luyện của mình, thú vị hơn lúc trước khi tôi học nhiều, và tôi nghĩ đó là tất cả những gì tôi có thể làm được, một cách tốt nhất. Để rồi sau 2 tuần rèn luyện, với sự chủ động và một vài sự tình cờ, tôi được tham gia vào Event Team, một đội ngũ đi khắp các trường Đại Học hoặc lên ý tưởng để tự tổ chức các sự kiện của mình. Tất cả những mục tiêu cũ của tôi biến mất, thay vào đó là một cuộc chơi lớn hơn, táo bạo và thú vị hơn nhiều. Rất may là lúc đó tôi đã bắt lấy cơ hội đó, và một vài cơ hội khác về sau, tạo nên một cái tôi hoàn toàn khác trước, mới mẻ, năng động hơn rất nhiều.

Vậy đó, mục tiêu là thứ rất quan trọng, nó sẽ dẫn dắt mỗi chúng ta đi quyết liệt hơn nhiều trong cuộc chơi của mỗi người, tuy nhiên, hãy sử dụng nó như một công cụ để hỗ trợ ta, không phải là ông chủ để kiểm soát ta.

Bài này Ưng Đen viết từ hồi đầu năm cơ, trong dự án viết một loạt bài xoay quanh về chuyện mục tiêu. Đây là một trong những phần Ưng tui tâm đắc nhất, chia sẻ lại với mọi người để giúp 1 vài bạn tránh hoang mang khi mình phải từ bỏ mục tiêu lúc trước của mình – khi nó không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại của mình nữa.

 

– Ưng Đen –

[BDTT8] Sáu Người Đi Khắp Thế Gian – Lê Trang, câu chuyện của những kẻ bỏ trốn

Featured Image: Bìa sách “Sáu Người Đi Khắp Thế Gian”

 

Cuốn sách gần đây nhất mình được đọc- Sáu người đi khắp thế gian (hay tên tiếng anh gốc là The drifters) thực sự là một kiệt tác. Một tác phẩm không thể bỏ qua đối với những người trẻ tuổi, ở mọi thế hệ. Dù được viết từ những năm 70 của thế kỉ trước, nhưng nhiều chủ đề trong đó vẫn có thể đem ra tranh cãi tại bất cứ trường học nào tại thời điểm này: chiến tranh, tôn giáo, sự phân biệt chủng tộc, khoảng cách giữa các thế hệ, những lý tưởng và hoài bảo của người trẻ tuổi, sự đi tìm lại chính mình, niềm tin…

Một cuốn sách sáng chói tới mức mình nghĩ nếu thế hệ trước mình đọc được cuốn sách này thay cho dòng văn học lãng mạn Liên Xô cũ hay văn học chủ nghĩa anh hùng thời kháng chiến, có lẽ lịch sử sẽ phải được viết khác.

Bởi trong cuốn sách này, là một thế giới hoàn toàn xa lạ. Một quan điểm mới mẻ hoàn toàn về chiến tranh Việt Nam. Một nước Mĩ xa xôi vật lộn với những vấn đề chính trị rúng động thế giới. Một châu Phi đang dần quen với việc đứng lên nắm quyền. Một Trung Đông với những cuộc chiến sắc tộc gay gắt. Một Tây Ban Nha nóng bỏng với những trận đấu bò tót mê say lòng người…

Bởi trong cuốn sách này, tác giả đã công khai đồng tình với những kẻ bỏ trốn: bỏ trốn quân dịch, bỏ trốn gia đình, bỏ trốn khỏi cuộc đời đang sống. Tác giả đã hiểu những vấn đề giới trẻ đang gặp phải bằng một sự cảm thông sâu sắc hiếm có, dù không hẳn đồng tình với cách giải quyết của họ. Tác giả hiểu rằng có những giá trị cần bị thay thế đi theo thời gian, và những giá trị mới này, dù được các thế hệ đi trước chấp nhận hay không, vẫn mang đặc thù của riêng thế hệ đó.

Bởi trong cuốn sách này, tác giả ném vào giữa mặt người đọc những tư tưởng khiến họ cảm thấy sốc (hoặc ít nhất, những người chịu ảnh hưởng văn hóa Á Đông như mình): quan hệ tình dục với người lạ là hoàn toàn bình thường, thử cần sa, LSD là thước đo sự trưởng thành của người trẻ, những hành động liều lĩnh dại dột được đánh giá như hiện thân của lòng dũng cảm, và đi khắp thế gian với một nhóm người xa lạ chẳng phải là điều gì đáng phải đắn đo.

Dù choáng váng đấy, nhưng lối tư duy của cuốn sách mạch lạc và rạch ròi tới mức chúng ta bị thuyết phục về phe họ từ lúc nào không biết. Mình bắt đầu coi nhẹ những chuẩn mực trước kia, thấy kinh hãi khi nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó sẽ cam phận sống một cuộc đời bình lặng mà không một lần thử làm vài trò liều lĩnh chỉ để cho vui. Mình bắt đầu bị cuốn theo lập luận của tác giả, và tự đặt cho mình câu hỏi, ‘Liệu có thật mình đã sống thực sự những tháng ngày vừa qua hay chưa, hay cũng chỉ là một kẻ bỏ trốn hèn hạ nhất trong các loại bỏ trốn?’

Thật lòng khuyên tất cả những thanh niên Việt chớm bước qua tuổi 18 hãy đọc cuốn sách này, rồi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tương lai và cuộc đời phía trước đi. Nếu bạn đã bắt đầu đi vào quỹ đạo của một kẻ bỏ cuộc rồi, thì hãy trở thành kẻ bỏ cuộc đi khắp thế gian, và hãy chỉ quay về khi đã tìm được giá trị của bản thân mình.

Trích đoạn:

“Trung bình cứ một trăm thanh niên trưởng thành cùng tôi lại có hơn bốn mươi người bỏ cuộc không chịu phấn đấu gì nữa khi mới hai mươi lăm tuôi. Tất nhiên, một số trở thành lang thang nát rượu hoặc đồ vô tích sự rõ rành rành; một vài người còn ăn trộm tiền và phải đi tù; một vài thiếu nữ trở thành gái bán dâm ít nhiều cũng thuộc loại cao cấp, thường lẻn vào phòng khách sạn hay sống cùng các thương gia trong khi vợ họ đi nghỉ hè. Trong bốn mươi phần trăm ước lượng đó, tôi không tính đến những kẻ bỏ cuộc không thể tránh được này; đúng hơn là tôi muốn nói đến số lượng bất biến những người Mỹ lẩn tránh nhiệm vụ khó khăn và chớp lấy việc làm đầu tiên được người ta đề nghị, bám víu vào đó suốt phần đời vô ích còn lại như những con đỉa hoảng sợ. Tôi muốn nói đến những cô gái lấy người đàn ông đầu tiên hỏi cưới họ, xây dựng nên những gia đình không ý nghĩa không cảm hứng, sinh ra một chu trình tiếp theo toàn đồ bỏ cuộc; những kẻ đầu hàng từ khi còn trẻ và coi sự vô dụng của mình như một điều hay, những thầy giáo tội nghiệp cả đời chỉ biết đến mỗi một quyển sách và nhai đi nhai lại suốt bốn mươi năm trời, những mục sư đáng khinh dựng nên một cuộc đời vô nghĩa dựa trên phút cảm hứng nhất thời ở tuổi mười chín. Chính họ mới là những kẻ bỏ cuộc làm tôi băn khoăn nhất.”

“…Harvey Holt vừa chạy thục mạng ngay trước một rừng sừng bò, nhưng giờ thì anh không thể vượt đàn bò được nữa. Anh cảm thấy hơi thở phì phò của chúng ngay sát lưng mình, vì vậy bằng một động tác dũng cảm anh lao sang một bên đường, kiễng đầu ngón chân, vung hai tay lên cao, thót bụng lại và đứng trong thế thăng bằng đó trông giống hệt một bức tượng Hy Lạp uy nghi nhất trong khi đàn bò hung hăng lao qua, sừng chúng chỉ cách eo lưng anh chưa đầy một inch. Con người, một loại động vật, hiếm khi nào trông hùng dũng hơn là trong cuộc chạm trán này với bò, một loại động vật to lớn hơn; anh treo lơ lửng trong thời gian, trong không gian, trong ý nghĩa cuộc đời. Có lẽ John Keats sẽ hiểu được tấm ảnh và sẽ không đặt ra những thắc mắc đại khái như: “Tại sao người ta lại làm những trò như vậy nhỉ?” Câu hỏi thích hợp hơn sẽ là, “Nếu ai đó tìm được niềm vui lớn như vậy trong một hành động nhất định, tại sao anh ta lại phải làm bất cứ việc gì khác?”

“Nếu bạn tìm cách tử vì đạo thì thánh Paul là bạn đường,
Ông biết cách và đã kết liễu cuộc đời trên đoạn đầu đài.
Nếu bạn muốn bị kỳ thị và cô lập,
Thì Ulysses là bạn đường. Ông đã trừng trị toàn bộ kẻ thù.
Nhưng nếu muốn tìm kiếm bản thân thì, em bé ơi, hãy theo ta.
Bởi vì ta thực sự lạc lõng, lạc lối, lạc loài.
Và chính trong lúc lẻ loi, chúng ta sẽ tìm được bản thân,”

 

Lê Hồng Trang


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi