26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 3 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 194

[BDTT8] Thành Phố Của Những Linh Hồn Lạc – Hoàng Anh Tú

Featured Image: Bìa sách “Thành Phố Của Những Linh Hồn Lạc”

 

Thành phố của những linh hồn lạc – dành cho những người trẻ, như bạn, như tôi, và nhất là những ai đang hoang mang và bế tắc trong cuộc sống này. Tôi đã đọc tác phẩm này không dưới chục lần, vì cuốn sách này quá ấn tượng với tôi, tôi như tìm thấy chính mình trong những câu chuyện hư cấu của Hoàng Anh Tú. Đúng như những gì tác giả đã giới thiệu về cuốn sách của mình: Tập truyện ngắn huyễn tưởng.

Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện tưởng chừng như cuốn sách này được viết ra từ một người không bình thường. Tôi đã từng nghĩ như vậy. Nhưng khi tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về cuốn sách và những câu chuyện, tôi thấy rằng chẳng có gì là huyễn tưởng cả!

Những câu chuyện tưởng chừng như vô lí về hai nửa linh hồn đang tồn tại song song ở một nơi nào đó, hoặc ở hai nơi hoàn toàn cách biệt về không gian và thời gian nhưng lại luôn có sự liên kết với nhau. Những câu chuyện liên kết từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai.

Câu chuyện về thành phố xám – Thành phố của những linh hồn lạc, với “Những con đường màu xám. Cả bầu trời cũng xám. Những linh hồn xám bay vật vờ. Ở đây không rõ ngày đêm, bởi thứ màu trời xám tro gần như chẳng bao giờ đổi sắc”. Mở đầu là những câu miêu tả về một thế gới khác, thế giới xám, thế giới của những linh hồn lạc. Thế giới đó tưởng chừng xa xôi lắm, tưởng chừng như chỉ có trong cuốn sách này, nhưng tôi như nhìn thấy thế giới ấy ở đâu đó xung quanh tôi. Có thể vì tôi ấn tượng với cách viết của Hoàng Anh Tú, cũng có thể vì tôi là một người trẻ, và dường như tôi nhìn thấy và cảm nhận được thế giới ấy ở trong tôi.

Tuổi trẻ, ai cũng có những kí ức vui buồn, vui thì ta rất muốn giữ lại mãi mãi, còn nỗi buồn ai cũng muốn quên đi nhanh chóng để tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa của người trẻ. Nhưng khó ai có thể làm được như vậy, làm chủ cảm xúc của mình và điều khiển nó. Có một câu chuyện mà tôi rất thích, đó là câu chuyện “Đoạn kí ức bị biên tập”. Trong câu chuyện này, Hoàng Anh Tú đã cho nhân vật của mình lựa chọn cách quên đi những kí ức buồn vì một cuộc tình tan vỡ, bằng cách xóa toàn bộ những kí ức có liên quan đến bạn gái của mình. Cuộc sống của chàng trai hoàn hoàn bị xáo trộn. Và cuối cùng tràng trai đã quay lại Trung tâm biên tập Kí Ức để lấy lại những kí ức mà chàng trai đã muốn xóa bỏ.

Và tôi chợt nhớ đến câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tất cả rồi sẽ là kỉ niệm, kỉ niệm nào cũng đáng nhớ, nhưng rồi sẽ phải quên”. Ừ, cuối cùng rồi cũng sẽ quên thôi, vậy sao không giữ lại khi mình còn có thể?

Trong cuốn sách này, tôi không phân biệt rõ đâu là thế giới của người này, đâu là thế giới của người kia, đâu là thế giói thật, và đâu là thế giới trong mơ. Tôi hoàn toàn bị lẫn lộn giữa những linh hồn của người này, thể xác của người kia. Thế giới của May và thế giới của Hoài, An Di ở Hà Nội hay An Di ở Singapo là thật? Tất cả đều liên kết với nhau qua lời kể của nhân vật xưng tôi – chính là tác giả.

Những nuối tiếc, những xót xa, vì một chút vô tâm, một chút hời hợt với những chuyện tưởng chừng như chẳng liên quan đến mình. Căn bệnh mà hầu hết những người trẻ hiện nay đều mắc phải, đó là Vô tâm. Những danh vọng hão huyền nhanh chóng có được rồi lại nhanh chóng mất đi. Vì những tiếng tăm và danh vọng mà đánh đổi tất cả, để rồi khi những ánh hào quang kia lụi tàn, chỉ còn lại mình ta và sự đơn độc, chợt nhận ra hạnh phúc thật sự mà ta đã làm mất, nuối tiếc thật đấy, xót xa thật đấy, nhưng không thể thay đổi quá khứ…

Sẽ như thế nào, khi bạn bỗng nhiên tỉnh dậy và nhận ra mình là một con người khác? Và đang sống với những kí ức vay mượn của người khác? Rồi khi bạn nhận ra sự thật đằng sau cái vỏ bọc ấy, bạn có đủ dũng cảm để đối mặt không? Hoàng Anh Tú đã kể một câu chuyện như vậy, về hai con người, hai gia đình, hai kí ức. Và một sự thật không ai có thể tưởng tượng nổi. Cuốn sách này đã thật sự cho tôi những bất ngờ, những thú vị, và cả sự li kì. Những chuyện tình đẹp như trong tiểu thuyết, và những câu chuyện mang đầy những xót xa và tiếc nuối…

Không hiểu sao tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện, những sự thật ẩn giấu đằng sau. Và khi câu chuyện vỡ òa trong cảm xúc khó tả của tôi, tôi phải dừng lại một lúc sau mới có thể đọc tiếp những câu chuyện tiếp theo.

Tôi như lạc vào một thế giới khác, và cũng như tôi đang đối diện với chính thế giới của tôi, với con người của tôi. Và tôi gần như tin rằng con người luôn có hai nửa linh hồn, cũng như bạn hãy để ý chính bạn mà xem, trong bạn luôn tồn tại hai dòng suy nghĩ đấy! Chúng luôn đối lập nhau, nhưng không thể tách rời! Tôi đã từng đọc một bài báo nói về chuyện này, về hai dòng duy nghĩ, đó gọi là “não trái” và “não phải”! Nhưng ở cuốn sách này, Hoàng Anh Tú đã viết về “hai nửa linh hồn”!

Hãy đọc cuốn sách này để tìm thấy thế giới của mình trong nó, bạn nhé! Tin tôi đi, bạn sẽ không lãng phí thời gian của mình đâu!

 

Một Đời Quét Rác


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Ai quyết định cuộc đời bạn?

“Your choice, your life.” – Steve Jobs

Rất rõ ràng cuộc đời bạn chính là sự lựa chọn của bạn. Là quyết định hay lựa chọn của bạn chứ không phải của người khác. Nhưng không ít người sống mượn hồn bằng cuộc đời của người khác trên thân thể của chính mình, phần lớn họ đang bị những người thân yêu vô tình cướp đi cuộc đời của chính mình.

Trong bài viết này, người tôi muốn đề cập đến đó chính là những người rất mực yêu thương chúng, họ chính là cha và mẹ của chúng ta. Chính vì quá yêu thương con của mình mà họ đã vô tình cướp đi cuộc đời của con cái họ nhưng cha mẹ chúng ta không hề biết điều này.

Các bạn sẽ tự hỏi tại sao họ rất yêu quý chúng ta, sẵn sàng cho đi mọi thứ để chúng ta có cuộc sống tốt nhất lại là người đã cướp đi cuộc đời chúng ta được chứ. Tôi đã dùng cụm từ là “vô tình”, chính vì sự vô tình này và vì họ rất mực yêu thương chúng ta nên mọi điều họ làm trong suy nghĩ của họ là đều muốn tốt cho chúng ta. Vì thế, cha mẹ chúng ta sẽ cố gắng can dự mọi điều xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta, sự vô tình đó cướp đi “quyền được lựa chọn” của chúng ta. Sự vô tình ấy biến chúng ta sống bằng cuộc đời của người khác bằng thân thể của chúng ta. Như vậy, cuộc sống còn gì là thú vị, còn gì là hấp dẫn như vậy có phải gọi là cướp đi cuộc đời không các bạn nhỉ.

Khi chúng ta còn như tờ giấy trắng, cha mẹ giáo dục chúng ta đi theo định hướng của cha mẹ. Đại loại như, nếu chúng ta sống ở thị thành và muốn vui chơi như một đứa trẻ ở đồng quê thì đó là một ước muốn sa sỉ: Chúng ta gần bùn đất một tí thôi sẽ được vòng tay ấm áp của cha hoặc mẹ đưa chúng ta đến nơi sạch sẽ hơn; chúng ta không biết bơi thì sẽ được ba mẹ dắt đi hồ bơi và có huấn luận viên dạy chúng ta bơi trong hồ; chúng ta muốn thả diều thì thay vì tự tay mình trải nghiệm làm một con diều thì sẽ được bố mẹ mua cho con diều và cứ thế mà thả.

Muốn tự đạp xem đạp cọc cạch đến trường học trong ngày nắng ôi bức thì hãy quên đi ý nghĩ đó đi nhé, đi đâu cha hoặc mẹ sẽ đưa con đi, về sẽ được rước về; trời hè nóng bức trẻ con ở quê sẽ tắm sông, đó là thứ sa sỉ phẩm đối với trẻ em thành thị chúng sẽ chui vào phòng bật máy điều hòa thế là mát cả làng rồi; trái gió trở trời đứa nào mà không hay bệnh như cảm xoàn, sổ mũi nè, trẻ con ở quê chúng sẽ nhanh chống khỏi còn trẻ em thành thị thì bệnh thì cả nhà tán loạn cả lên, thuốc nè, cháo nè hoặc bật máy lạnh lên cho không khí thoải mái nè. Đó là cách mà cha mẹ yêu thương chúng ta, vì chúng là bảo bối của cha mẹ nên cần được quan tâm và bảo vệ như vậy.

Mọi điều ở trên đều là những trải nghiệm trong cuộc đời, nó giúp chúng ta trưởng thành, cứng rắn và độc lập hơn. Các bạn biết đấy, trong cuộc sống chúng ta không bị tai nạn đuối nước ở hồ bơi, nó xảy ra ở sông, hồ hay biển. Cha mẹ các bạn biết điều này đúng không, vậy tại sao họ lại bảo vệ cách bạn và huấn luyện các bạn thành những chú gà công nghiệp như vậy, chỉ vì họ rất thương yêu các bạn.

Ở cái tuổi gọi là trưởng thành thì có một vài quyết định mang tính trọng đại như chọn nghề và chọn việc làm sau khi ra trường. Đây mà một trong những quyết định vô cùng quan trọng với người trẻ chúng ta, biết là quan trọng nhưng phần lớn chúng ta vẫn bị sự can thiệp rất lớn từ gia đình. Chúng ta muốn học ngành này để sau này sống với đam mê của chính mình nhưng chúng ta sẽ bị cha mẹ chúng ta định hướng đi theo một hướng khác, để rồi chúng ta bị ép sống bằng cuộc đời của người khác.

Tiếp sau đó là chọn việc để làm thì cũng không khá hơn là mấy, cha mẹ sẽ sắp xếp nơi làm việc cho chúng ta, cứ thế học xong chúng ta sẽ đi đến đó mà làm việc mà không phải lo nghĩ gì quá nhiều về quyết định quan trọng này. Cuối cùng chúng ta sẽ gắng bó phần đời còn lại ở một nơi không thuộc về chúng ta.

Chọn người trăm năm cũng vậy, quy trình đó lại tiếp diễn chúng ta thương ai, muốn lấy ai thì cứ mặc. Quan trọng là cha mẹ muốn con lấy cô này hay cô kia cơ. Vì đơn giản thôi cha và mẹ muốn tốt cho con, cha mẹ thấy cô này hay cô kia vừa mắt mẹ, mẹ ưng ý. Cha và mẹ có màn gì đến cảm xúc của con trẻ chúng ta. Ai cũng biết nhưng có mấy ai đủ dũng khí đứng lên làm nên một cuộc cách mạng gia đình đâu nhưng ai cũng chọn giải pháp im lặng và chấp nhận.

Chúng ta chấp nhận người khác: Chọn lẻ sống cho chúng ta, chọn việc cho chúng ta làm, chọn nơi cho chúng ta học, chọn bạn bè cho chúng ta chơi và tệ hơn là chọn người trăm năm cho chúng ta. Cuối cùng chúng ta đã chọn được gì cho cuộc đời mỗi chúng ta? Tại sao chúng ta không tạo ra cuộc cách mạng để phá vở các quy tắc mà cha mẹ hay môi trường xung quanh áp đặt cho chúng ta, để vươn đến một cuộc sống tự do và độc lập hơn. Tại sao chúng ta học xong rồi phải đi làm. Tại sao chúng ta không nghĩ nhiều đến lối đi riêng cho bản thân mình để tạo nên một cuộc đời mà chúng ta mong muốn. Có phải chúng ta đã bỏ qua rất nhiều khía cạnh khác trong cách giải quyết vấn đề của bản thân, để rồi phải sống một cuộc đời của người khác bằng thân xác của chúng ta. Tôi hy vọng các bạn đủ sáng, đủ tỉnh táo để giành quyền được sống cuộc đời của chính mình vì khi đó cuộc đời bạn mới có ý nghĩa.

Tác giả: Mr Lias

[BDTT8] Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ – Steven K. Scott

Featured Image: Bìa sách “Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ”

 

Chặt đứt 6 sợi dây xích và kích hoạt 7 động cơ. Đó là 13 chương sách của Steven K. Scostt đã vực dậy một cậu bé thất học 20 tuổi – đang nằm chờ chết với căn bệnh viêm não – nhúng chân vào thương trường trên đất Hà Nội ở tuổi 22. Một “khúc cua” gấp đầy táo bạo và quyết liệt không những khiến bạn bè mà ngay cả gia đình cậu cũng hết sức sửng sốt và ngạc nhiên. Đó là lý do tôi tham gia cuộc thi này, muốn giới thiệu quyển sách đến tất cả các bạn. Tôi tin bạn cũng sẽ tìm được điều gì đó hữu ích thiết thực qua quyển sách “Những bước đơn giản đến ước mơ” và câu chuyện về một cậu bé nhà nghèo thất học mà tôi sắp kể dưới đây.

Trong công việc và cuộc sống tôi thường được nghe câu hỏi “đâu là quyển sách gối đầu giường của bạn?”. Tôi mỉm cười và trả lời, tôi gối khá nhiều quyển vì ngày xưa không có tiền mua gối nên phải dùng sách để gối. Đây là câu trả lời vui nhưng nó là sự thật, bởi ngày trước tôi thường ngủ chung với sách và dùng nó gối đầu luôn.

Vốn là một độc giả khó tính và đọc sách có chọn lọc, nếu ai đó bắt tôi phải đặt lên “bàn cân” để so sánh các tác phẩm được đánh giá là tinh hoa của nhân loại thì thật làm khó cho tôi, vì tôi nghĩ mỗi tác phẩm đều có một điểm hay riêng của nó trong lĩnh vực mà tác giả đã tâm huyết ghi lại. Giả sử, nếu bạn cũng giống tôi – là “con mọt” của thể loại sách kinh tế, quản trị. Việc bắt bạn phải so sánh độ hơn thua của các tác phẩm trong danh sách “The 100 best business books of all time” thì quả là thật khó cho bạn, bởi những “ông lớn trong làng” này đều “kẻ tám lạng người nữa cân”.

Hoặc nếu ai đó yêu cầu tôi “chấm điểm” cho các “tên tuổi” trong tủ sách phát triển giáo dục của viện nghiên cứu giáo dục IRED hay tủ sách kỹ năng sống, phát triển bản thân của TGM Books thì cũng như vậy. Tất cả sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi cuốn sách nào khiến bạn tâm đắc nhất và tạo ảnh hưởng tích cực lên cuộc đời bạn nhất? Không do dự, tôi trả lời ngay “Những bước đơn giản đến ước mơ” của Steven K. Scott. Vì đây không chỉ là quyển sách hay mà còn là quyển sách mà tôi cần và nó đến với tôi rất đúng thời điểm.

Trong “Những bước đơn giản đến ước mơ”, Steven K.Scott đã trình bày logic, dẫn dắt độc giả từ khía cạnh này sang khía cạnh khác của vấn đề, qua những câu chuyện thực tế, qua chính cuộc đời của ông làm người đọc không thể rời mắt khỏi sách. Quyển sách có nội dung vô cùng sâu sắc, nó giúp chúng ta hiện thực hóa ước mơ bằng những bước hết sức đơn giản, dễ áp dụng trong thực tế.

Nếu bạn cũng giống như tôi, chưa từng biết ước mơ của mình là gì hay đã để nó chết theo cùng năm tháng thì các bạn cũng sẽ tìm ra được nó sau khi đọc cuốn sách này. Nếu bạn sợ hãi hay lo lắng thì hãy áp dụng những nguyên tắc chặt bỏ sợi xích sợ hãi, nó giúp chúng ta tự tin hơn rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn chưa hiểu được bản thân, chưa biết cách phát huy hết khả năng tiềm ẩn bên trong mình thì Steven K.Scott sẽ hướng dẫn bạn làm điều đó – Kích hoạt 7 động cơ cực mạnh để bạn vươn tới ước mơ không tưởng của cuộc đời mình.

Steven K.Scott viết ra cuốn sách đã dùng chính cuộc đời mình để thử các phương thức mà ông đã ghi, và rất nhiều người nổi tiếng cũng đã đồng tình rằng các phương pháp của ông chính là bàn đạp giúp họ thành danh. Những kĩ năng trong kinh doanh, giao tiếp, các mối quan hệ mà bạn có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của mình để thành công hơn. Tôi tin tỷ phú Donald Trump hoàn toàn đúng khi đưa ra nhận xét “Cụ thể và dễ áp dụng đến nỗi có thể giúp cho bất cứ ai từ sinh viên, ông chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến giám đốc của các công ty trong danh sách fortune 500 đạt được những mức độ thành công mà họ không dám mơ tới.”

Có thể bạn sẽ hỏi, tại sao tôi lại trả lời một cách dứt khoát và quả quyết như vậy với một câu hỏi mà tôi cho là khó? Câu chuyện dưới đây sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất và cũng là lí do để tôi tin rằng, nếu bạn chưa từng đọc quyển sách này, thì có thể bạn cũng từng giống như tôi, bao nhiêu năm qua đã tự nhốt mình trong hang tối của sự tầm thường và nhỏ nhặt, đã tự trói mình với những niềm tin giới hạn và những nỗi sợ hãi. Chưa một lần dám hát vang bài hát cuộc đời mình, chưa một lần dám tung cánh bay cao và sống thật với ước mơ của chính mình.

Là cậu bé mồ côi, tôi không có điều kiện để đến trường như chúng bạn. Tôi khát học như con voi khát nước trên sa mạc. Đối với tôi sách không chỉ là tờ giấy có in chữ mà còn là người bạn, người thầy, nguời dẫn đường thông thái. Nó như là miếng ăn, thức uống của tôi mỗi ngày, là thứ luôn được xếp đầy trong balo của tôi trong hành trang trên mọi nẻo đường.

Ngày ấy, ở tuổi 15, mỗi sáng mở mắt ra tôi chỉ ước có miếng gì đó để ăn lót dạ, có tờ giấy nào đó in chữ để đọc, xây được mái nhà để mẹ con tôi ở, có được công việc ổn định để an phận thủ thường. Tôi luôn quay cuồng trong nỗi thèm thuồng và đói khát của mình.

Thường ngày tôi rất ít nói, chẳng dám kết thân với ai, chỉ mong sao tụi bạn đừng chọc ghẹo, bêu rếu và nhìn tôi với ánh mắt rẻ tiền là được. Tôi chỉ ước như vậy, chỉ mơ như vậy, những ước muốn cỏn con, nhỏ nhoi và rất tầm thường.

Sau những năm tháng lam lũ, chắt chiu. Đến tuổi 20 tôi đã đạt được tất cả điều ước ngày ấy của mình. Không những thế, tôi còn hoàn toàn “lột xác” sau 4 năm đọc, nghiền ngẫm và vận dụng các lý thuyết trong 3 quyển sách của tác giả Dale Carnegie là “Đắc nhân tâm”, “Luyện kỹ năng nói chuyện có hiệu quả trước công chúng” và “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Dù đọc khá nhiều sách, nhưng chính 3 quyển đó mới là 3 liều thuốc “kích thích” sự “tăng trưởng và lột xác” trong tôi. Thú thật, nhiều lúc chính tôi cũng không thể tin là bản thân mình lại thay đổi và trở nên khác biệt như vậy.

Từ một cậu bé thất học, nóng nảy, cộc cằn đã biến thành một người ôn hoà, lịch thiệp và nho nhã. Một thằng nhóc chuyên “ngậm óc thị” trước đám bạn giờ nói năng rất lưu loát và tự tin, thường xuyên dẫn chương trình trong các buổi sinh nhật, hội họp và liên hoan. Một “ông cụ” trẻ hay rầu rĩ, buồn phiền, và lo xa đã trở nên vô tư, hài hước và luôn cười tươi như Nghé. “Lột xác” và “khác biệt”, đó là những gì bạn bè thường nói về tôi.

Rồi đến một ngày câu nói “cuộc đời không chỉ có màu hồng” đã chủ động tìm đến với tôi. Trong một dịch sốt, tôi bị ngã quỵ vì bệnh viêm não. Hơn một tháng nằm bệnh viện với những đợt trị liệu khủng khiếp, tất cả tài sản mà tôi tích góp mấy năm qua đã “vô tình” đội nón ra đi. Số nợ tăng cao gần bằng nóc nhà mẹ con tôi đang ở. Với những cơn đau quằn quại, tôi những tưởng Thượng Đế đã kết án tử hình cho mình. Tôi suy sụp hoàn toàn, mất niềm tin vào cuộc sống. Trong khi đó những bệnh nhân đang thở bằng máy oxy nằm cạnh tôi cứ lần lượt được đem xuống nhà xác. Tôi khóc. Tôi hoang mang, thế là hết, là chấm dứt.

Sau mười ngày điều trị tôi mới có thể quay về cuộc sống của một đứa trẻ đang chập chững bước đi. Một tay tôi vịn tường còn tay kia tôi phải xách quần. Cơn bệnh đã hút hết thịt, chỉ chừa lại cho tôi xơ xác bộ khung xương. Trong chán ngán và tuyệt vọng, suốt ngày chỉ nhìn mặt bác sỹ và nghe tiếng la hét của những con người cùng cảnh ngộ. Buồn lòng, tôi lại “thèm” sách, rồi ráng bước xuống cổng bệnh viện bắt taxi tìm đến nhà sách Fahasa Lê Duẩn – Đà Nẵng.

Sau một vòng đảo mắt, tôi chọn ngay tập sách cực dày để “làm bạn” trong những ngày tháng cuối đời – “Tam quốc diễn nghĩa” dày hơn 2000 trang. Lướt qua dòng sách kinh tế, một dòng chữ ấn tượng đã đập vào mắt tôi “Những bước đơn giản đến ước mơ”. Tò mò thật, tại sao đến ước mơ mà chỉ bước những bước đơn giản? Sau khi lật trang và lướt qua nội dung tôi không ngần ngại cho nó nhập vào đơn hàng.

Về tới phòng bệnh, thấy các bác sỹ đang nhao nhác tìm bệnh nhân mất tích (hôm ấy tôi ở bệnh viện một mình). Vừa đau, vừa mệt, vừa buồn cười, tôi xin lỗi bác sỹ và vén tay áo lên cho bác ấy chích kim tiêm. Xong xuôi, tôi mở sách ra xem làm thế nào để bước đến ước mơ một cách đơn giản?

Tôi đọc ngấu nghiến từng chữ một, từng chữ một và kết thúc gần 400 trang sách trong 15 giờ. Như có một luồng điện chạy quanh người, tôi đứng phắt dậy và tự hỏi: “Tại sao lại đầu hàng số phận, sao tôi lại sợ hãi, sao tôi lại nhu nhược và yếu đuối như vậy?”, “Tại sao tôi được sinh ra, tôi sinh ra để làm gì, lẽ nào tôi chỉ lặng lẽ đi qua cuộc đời này mà không để lại dấu vết nào cả?”.

Sau 5 năm vật lộn với những khó khăn, bươn chải nhiều nghề, nỗ lực tự rèn luyện và học tập, đạt được chút thành quả nho nhỏ như những gì mình đã từng ước mơ. Tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào về bản thân, rồi cho phép mình được quyền ngủ quên trong “chiến thắng”. Để rồi khi cầm quyển sách trên tay, khi đang đối diện với thần chết, muốn buông xuôi và thả mình trôi theo dòng xoáy của nghịch cảnh cuộc đời. Tôi mới nhận ra “con ma” nhu nhược và tự mãn bao năm nay đang trú ngụ bên trong mình. Tôi chấp nhận tin những niềm tin tầm thường, mơ những điều mình cho là vừa sức. Không những vậy tôi đã luôn sống trong sợ hãi. Tôi sợ bị chê bai, coi thường hay chỉ trích. Tôi sợ những hạn chế của chính mình, tôi tự ti vì là kẻ ngu dân ít học.

Những con chữ, câu chuyện, lời tâm sự của tác giả giống như một cái tát cực mạnh vào mặt tôi giữa lúc “ngủ say” và sắp chìm xuống âm phủ. Nó không chỉ như là một vị thần dược cực mạnh vực tôi lên khỏi mặt đất mà nó còn giải thích cho tôi hiểu về định nghĩa của ước mơ và làm thế nào để đạt được nó. Hướng dẫn cho tôi làm thế nào để chuyển ước mơ đó thành những mục tiêu cụ thể, mỗi mục tiêu thành những bước cụ thể, rồi chuyển mỗi bước thành công thành việc cụ thể và vạch ra thời gian để hoàn thành từng công việc đó. Nó giúp tôi nhận ra được 6 sợi xích đang trói buộc mình. Hiểu được điểm yếu điểm mạnh của bản thân, cách tiếp tế nhiên liệu và kích hoạt bảy động cơ cực mạnh.

Bừng tỉnh sau những ngày ngủ say, tôi như muốn hét toáng lên. Không được, không thể chấp nhận là một kẻ tầm thường, sao tôi lại để cho những suy nghĩ và cảm xúc vớ vẫn bóp chết cuộc đời mình. Tôi phải sống, phải bước lên bệ phóng để vươn tới ước mơ của mình. Điều ước viễn vông, hoang đường mà tôi đã lãng quên từ tuổi 17 bắt đầu hồi sinh. Tôi muốn trở thành hiệu trưởng của một ngôi trường đạt chuẩn quốc tế.

Đúng rồi “Can đảm không phải là dám chết, mà là dám sống và hiện thực ước mơ của cuộc đời mình”. Ngay lập tức, tôi gọi điện về nhà cho mẹ, hơn tuần nay nước mắt mẹ đã rơi quá nhiều vì tôi. “Mẹ à, con thấy khoẻ lắm rồi. Chắc chắn con sẽ sống và sẽ là niềm tự hào của mẹ. Bây giờ con có thể chạy được rồi mẹ ạ”. Mẹ vừa mừng vừa khóc, vừa an ủi, động viên tôi. Đúng như những gì tôi nói, một tháng sau tôi được “thoát ngục” và tăng cân vùn vụt.

Sau khi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, gia đình và họ hàng đã sắp xếp kế hoạch để tôi ở nhà phụ việc với anh trai, rồi buôn bán lặt vặt chứ không muốn cho tôi rời xa mảnh đất Nghệ An nữa. Nhưng tôi thì không. Tôi không muốn sống trong giới hạn của sự tầm thường, không muốn được lập trình và mặc định là xoàng xỉnh. Nếu tôi cho phép bản thân mình ngừng phấn đấu và dừng mơ ước, nghĩa là tôi đã chết – chết từ chính bên trong tâm hồn tôi. Tôi phải ra Hà Nội, tôi phải đi học, phải sống ở một môi trường khắc nghiệt nhất để “cái sừng” của tôi có cơ hội được dài ra. Chắc chắn phải như vậy.

Quyết định đòi đi học đã nổ ra một cuộc chiến gay gắt, dai dẳng giữa tôi và gia đình. Một cuộc chiến chưa có tiền lệ. Ai cũng bảo rằng: “20 tuổi rồi thì đi học cái gì và bắt đầu từ đâu?”, “Với khoản nợ xấp xỉ một trăm triệu con lấy tiền đâu để đi học?”, “Con (em) không bị điên đấy chứ ?”

Đối diện với sự phản đối quyết liệt từ mọi phía, gia đình, họ hàng và bạn bè. Đối diện với sự chỉ trích và nghi ngờ. Đối diện với những khó khăn về tài chính và những hạn chế của một kẻ ngu dân. Tôi lấy quyển sách ra lật đi lật lại nhiều lần, áp dụng các phương pháp được dạy trong quyển sách để tháo gỡ từng khó khăn một, từng vấn đề một.

Đầu tiên tôi phải cứng rắn cương quyết giữ vững lập trường, sau đó chặt đứt sợi xích bị lập trình sự tầm thường của người đời, vượt qua nỗi sợ thất bại, không ngần ngại đương đầu với những lời chỉ trích, vạch ra kế hoạch rõ ràng, chính xác và giải quyết khó khăn tài chính từ những mối quan hệ và nguồn lực bên ngoài. Tôi đã chặt đứt 6 sợi xích và chứng minh cho mọi người thấy không ai có thể ngăn cản được tôi lúc này. Sau 6 tháng đấu tranh tôi đã dành được phần thắng, bắt đầu thực hiện bước tiếp theo, “kích hoạt bảy động cơ cực mạnh”.

Trước khi đặt chân xuống đất Hà Nội tôi đã ý thức được rằng, để trở thành người lãnh đạo ngôi trường chuẩn quốc tế là một viễn cảnh vô cùng xa xôi. Tôi phải làm giàu trước, phải trở thành doanh nhân, tích lũy được nguồn tài chính khổng lồ. Qua kiến thức tôi đọc được từ nhiều quyển sách, tôi tự dự đoán những lực chuyển và xu hướng phát triển kinh tế mới trong tương lai để đón đầu và nắm bắt cơ hội. Tôi lựa chọn nghành Kỹ Thuật Điện Tử vì sự phát triển bùng nổ của nó lúc bấy giờ. Vẽ lên một bảng kế hoạch chi tiết cho từng bước đi của mình và bắt đầu làm thủ tục xin nhập học vào trường Trung Cấp Kỹ Thuật Lê Qúy Đôn ở Hà Nội.

“Hạ cánh” xuống đất Hà Nội, tôi chủ động tham gia vào hội đồng hương sinh viên ở đây. Tuy có chút rào cản giữa một thằng thất học với những con người trí thức nhưng tôi vẫn năng nổ tham gia nhiều câu lạc bộ với mong muốn được học hỏi và rèn luyện kỹ năng, muốn tìm hiểu về văn hóa và môi trường kinh doanh. Vừa học vừa xin đi làm thêm bên chuyên nghành của mình và tìm cách kết nối với những ông trùm nghành điện tử ở nơi đây. Sau một năm học tập và phấn đấu không biết mệt mỏi. Tôi tự thấy mình đã đủ chín để bắt đầu dựng nghiệp.

Dù vẫn đang ngồi những ngày cuối cùng trên ghế nhà trường nhưng công ty tôi đã sắp đi vào hoạt động. Tôi vô cùng phấn khích với bản kế hoạch và một viễn cảnh ngập màu hồng mà tôi tự vẽ nên. Rất hào hứng, rất quyết tâm và cũng rất chủ quan, rất khờ dại. Sau một năm hoạt động “con tàu” mơ ước của tôi cứ lần lượt va vào những tảng đá sắc cạnh. Tôi nhận ra nó đang dần chìm xuống vì sự non kém, thiếu hụt kỹ năng và kiến thức chuyên nghành của mình.

Liên tục trở thành kẻ thua cuộc trong các bản hợp đồng, và nhận thấy nguồn năng lượng trong mình ngày một cạn kiệt. Tôi bắt đầu nhận ra ngoài sự non trẻ và những sai lầm chết người trong bước đầu khởi nghiệp, còn có một lý do quan trọng hơn là tôi không hợp với nghành kỹ thuật, không đam mê công việc mình đang làm. Tôi dấn thân vào đây chỉ với mụch đích làm sao để kiếm được nhiều tiền chứ không phải làm công việc tôi yêu thích và thực hiện sứ mệnh của cuộc đời mình. Bảy động cơ mà tôi đã dày công kích hoạt sắp hết “nhiên liệu” nửa chừng. Tôi chới với trong nỗi hoang mang và tuyệt vọng, ngập đầu trong nợ nần và những khó khăn. Tôi khụy xuống vì những “tảng đá” áp lực trên vai.

Đang trong tình cảnh “bỏ thì thương, bồng thì nhọc” thì bất ngờ được nhận lời mời làm trưởng phòng nhân sự của một công ty bên lĩnh vực đào tạo và bất động sản ở thành phố Vinh. Đây chính là “nhát búa” cuối cùng giúp tôi mạnh dạn kết liễu con tàu mơ ước ấy một cách không thương tiếc. Thế là tôi cũng có cơ hội được làm việc trên quê hương mình, được đặt chân vào lĩnh vực đào tạo – một điều tôi hằng mơ ước bấy lâu nay.

Sau hơn hai tháng làm việc ở nơi đây, tôi bắt đầu nhận thấy mình đang bước chân xuống một con tàu sắp chìm. Công ty đang ngập chìm trong nợ nần, đang vướng vào nhiều vụ kiện tụng, nhưng quan trọng hơn, một số con người nơi đây đang có vấn đề và triết lý kinh doanh của tổ chức thiếu minh bạch. Tôi bắt đầu kiến nghị lên giám đốc được thực hiện kế hoạch sa thải để cơ cấu lại bộ máy nhân sự, xây dựng lại văn hóa công ty và triết lý kinh doanh. Chính phát kiến táo bạo ấy đã gây ra mâu thuẫn và xung đột nội bộ. Cuối cùng, hai bên không tìm được tiếng nói chung và tôi đành lầm lũi ra đi với bản kế hoạch còn dang dở.

Lại thất bại, tôi ngửa mặt lên trời và kêu than, sao đường đến ước mơ nhiều chông gai và vật cản đến vậy. Phải chăng Steven K.Scott đã lừa tôi? Nhưng rõ ràng trong quyển sách ông ấy đã đưa ra rất nhiều “thí dụ” hết sức thuyết phục, sống động và chân thực từ những con người bình thường đã thành người khổng lồ của thế giới cơ mà. Bill Gates, Babe Ruth, Thomas Edison,… những ngôi sao tinh tú nhất trên bầu trời thế giới đều áp dụng “những bước đi đơn giản” ấy.

Sau 2 năm “ hiện thực ước mơ” tất cả những gì tôi “dành được” là sự đổ bễ niềm tin, ngập trong nợ nần, mất nhà, mất xe, và mất cả người tôi yêu. Vậy tại sao tôi lại đi giới thiệu một quyển sách vô cùng tai hại như vậy đến các bạn?

Ngồi ôm nỗi thất vọng và rối như tơ vò, tôi bắt đầu phân tích về những nguyên nhân đẫn đến “thành tích” đầy đắng cay và tủi hổ của mình. Tôi nhận ra không phải tác giả lừa tôi mà chính tôi đã tự thôn tính sự nghiệp của mình vì sự vội vàng, ngoan cố và mù quáng. Đã quá vội “cất cánh” trong khi “nội lực” và “ngoại công” của mình còn quá yếu. Đã quá ảo tưởng về viễn cảnh tươi đẹp ở tương lai trong khi chưa nhận thức rõ những mong muốn của bản thân và năng lực thật sự của mình.

Nghẫm nghĩ kỹ tôi hiểu thêm rằng, nếu tôi không bắt gặp được quyển sách trong thời điểm tuyệt vọng ấy thì có thể giờ đây nấm mồ của tôi đã tươi tốt cỏ dại, hoặc tôi chỉ là kẻ thất phu đi sau con bò, hay chỉ là một ngư phu làm nghề đánh cá. Tôi sẽ không bao giờ có được nền tảng kiến thức ngày hôm nay, không có những trải nghiệm thú vị, không bao giờ tìm được lý tưởng của cuộc đời và không thể biết đâu mới là công việc mình thực sự yêu thích. Mãi nhốt mình trong hang tối của sự ngu muội và những nỗi sợ hãi. Sống một cuộc đời nhàm chán, rồi chết trong sự nuối tiếc vô bờ. Nguyên nhân mà những nhân vật trong quyển sách làm được mà tôi chưa làm được là vì tôi vận dụng những “bước đi” chưa đúng cách, đốt cháy giai đoạn, đi nhanh và bước tắt. Thất bại là cái giá tôi phải trả cho sự ảo tưởng và mù quáng của mình. Cuối cùng tôi nhận ra một điều “muốn đi nhanh thì phải đi từ từ.”

Ngày hôm nay, ở tuổi 25, tôi vẫn chỉ là một công nhân bình thường và đang tiếp tục sự nghiệp học tập. Ngày hôm nay tôi chưa có được thành công gì đáng kể, nhhưng tôi biết mình đã tiến xa hơn rất nhiều so với bản thân tôi ngày trước. Ngày hôm nay tôi không mơ được đọc những tờ giấy có in chữ hay những bữa ăn lót dạ nữa. Tôi đang mơ cho một dân tộc Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Tôi muốn đóng góp chút công sức nhỏ nhoi của mình cho nghành giáo dục (nếu quan tâm bạn có thể đọc bài viết “Cách tân giáo dục, cuộc săn người lái con tàu lạc hướng” của tôi trên website này). Ngày hôm nay tôi thấy cuộc sống mình thật thú vị vì có thể ngồi gõ bàn phím để tâm sự cùng các bạn. Một điều mà mười năm trước tôi có “ngủ say” cũng không bao giờ mơ tới, và bạn bè người thân tôi cũng chưa nghĩ tới bao giờ. Ngày hôm nay tôi đang trong quá trình hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình – “Ta đã làm chi cuộc đời ta”.

Qua cuốn sách và qua chặng đường ấy, tôi hiểu được một điều, sức mạnh thật sự không nằm ở những bắp cơ cuồn cuộn. Sức mạnh thật sự nằm ở bên trong những trái tim quả cảm, dám mơ những giấc mơ không tưởng, dám khao khát những điều người khác không dám. Steven K.Scott đã chứng minh điều đó. Lịch sử loài người đã chứng minh điều đó. Những điều kỳ diệu không xuất phát từ những cá nhân kiệt xuất, mà những điều kỳ diệu xuất phát từ những ước mơ vĩ đại của những người tưởng chừng rất bình thường, như tôi hay như bạn. Từ đó, mỗi khi đối diện với sự nghi ngờ hay phản đối tôi thường đọc lại câu nói của một vị CEO vĩ đại để tự nhắc nhở mình “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ. Điều quan trọng nhất là bạn hãy dũng cảm đi theo sự mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu” – Steven Jobs.

Bây giờ, tôi muốn nói lời cảm ơn đến các bạn đã dành sự ưu ái cho tôi khi đọc đến những dòng này. Qua câu chuyện tôi kể, ít nhiều các bạn đã thấy được những tác động hết sức tích cực mà quyển sách “Những bước đơn giản đến ước mơ” lên cuộc đời tôi. Có thể bạn nghĩ rằng, tôi đang khoác lác và khoe khoang thành tích. Nhưng các bạn thấy đó, tôi đã có thành tích gì đâu mà khoe. Đơn giản, tôi chỉ kể một câu chuyện và giới thiệu đến bạn một quyển sách vô cùng hữu ích. Quyển sách đã gắn liền với nhiều trải nghiệm thú vị trong phần đời tuổi trẻ của tôi, mà mỗi khi nhắc đến nó là ký ức trong tôi được dịp sống dậy mạnh mẽ.

Nhưng không, câu chuyện đời tôi chỉ là một vết chấm vô cùng nhỏ nhoi thôi. Bạn phải đọc quyển sách để nghe được nhiều câu chuyện đầy cảm hứng hơn câu chuyện của tôi gấp ngàn lần. Bạn sẽ hiểu được tại sao quyển sách lại nổi tiếng và được dịch ra nhiều thứ tiếng như vậy. Bạn sẽ biết được bằng cách nào mà một con người khốn khổ và bất hạnh như Oprah Winfrey lại có thể leo lên được đỉnh cao cuả thành công và danh vọng. Điều gì đã biến một Eugene Orowitz đội sổ trong trường phổ thông trở thành một Micheal Landon hiển hách hôm nay?

Điều gì đã biến một Steven Spielberg vô danh tiểu tốt, một học sinh dưới trung bình thành nhà đạo diễn vĩ đại nhất trong lịch sử Hollywood? Và điều gì đã giúp tác giả Steven Scott, từ một kẻ thất bại thảm hại trở thành một doanh nhân thành đạt? Điều quan trọng nhất là qua những bài tập và sự hướng dẫn tận tình của tác giả, bạn sẽ tự biết cách cởi trói cho mình để sống một cuộc đời như bạn mong ước, không cho phép những ước mơ “con” đè nát cuộc đời bạn. Bạn còn chần chừ gì nữa, hãy mua nó và đọc ngay bây giờ.

Qua cuộc thi này, qua bài giới thiệu này, nếu các bạn cho phép tôi được nhắn gửi điều gì đó đến với các bạn trẻ – những người gần cùng tuổi, cùng thế hệ với tôi, thì tôi xin phép được nói rằng: Các bạn ạ, qua gần 10 năm tôi được sống và tiếp xúc với sinh viên, học sinh. Tôi nhận thấy đa số chúng ta đang sống một cuộc đời nhạt nhẽo, đang tự biến mình thành thế hệ lu mờ của xã hội. Chúng ta không có khát vọng lớn nhưng có thừa những ham muốn tủn mủn, tầm thường. Chúng ta muốn học thật giỏi nhưng chẳng bao giờ có những đêm thâu vùi đầu vào sách vở.

Chúng ta biết quá nhiều về những ca sĩ và cầu thủ bóng đá, nhưng lại quá mù mờ về kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn. Chúng ta muốn có kinh nghiệm để làm đẹp bộ hồ sơ sau khi tốt nghiệp, nhưng chỉ muốn “luyện phim” và buôn chuyện chứ chẳng chịu đi làm. Tóm lại, chúng ta đang mắc căn bệnh rất nguy hiểm – căn bệnh tư duy “mì ăn liền”, muốn thành công mà không chịu trả giá. Bởi vậy mới có con số 162.000 cử nhân thất nghiệp. Chúng ta đừng than phận trách đời mà hãy tự trách mình, bởi vì “Ta là sản phẩm của chính mình”.

Hiện nay tôi vẫn đang học, và đang trong hành trình hiện thực hóa ước mơ của đời mình. Tôi muốn đóng góp chút công sức nhỏ nhoi cho ngành giáo dục nước ta. Dù kế hoạch của tôi đang tiến triển khá tốt, nhưng tôi biết rằng con đường phía trước đang có nhiều ngọn núi chắn ngang, nhiều vực sâu ngắt lối. Trong bước đường nhiều gian nan đầy thử thách phía trước, tôi rất mong được lắng nghe ý kiến từ phía các bạn để được học hỏi và bước đi vững vàng, mạnh mẽ hơn. Và một mong ước to lớn hơn nữa là một ngày nào đó tôi sẽ được lắng nghe những câu chuyện thành công đầy cảm hứng của bạn khi vận dụng hiệu quả “Những bước đơn giản đến ước mơ”. Tôi luôn mong chờ điều đó, câu chuyện từ những người bạn của tôi.

 

Nguyễn Văn Thương


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Cỗ máy thời gian

Featured Image: Dingyiyi

 

Đọc tựa đề bạn ấn tượng tôi là người thế nào? Hay mơ mộng? Chém gió? Chuyên gia máy móc? Thiên tài? Nhưng dù bạn có nghĩ cái đứa vừa chỉ hai ngón trỏ vào mình khi được đăng bài thế nào đi nữa thì tôi cũng cho là đúng – ít nhất là đối với bạn, nhưng chưa bao giờ là đủ.

“Cỗ máy thời gian”, cái tên khá quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những người cuồng khoa học viễn tưởng như tôi. Nó rất hữu dụng, tôi công nhận, nếu bạn có đọc Doraemon thì bạn sẽ rõ, giống như là khi có nó thì bạn sẽ kiểm soát được cả thế giới vậy. Từ đó, tôi đã ước mơ rằng tôi sẽ chế tạo được cỗ máy đó.

Nghĩ lại, nếu muốn chế tạo nó thì tôi phải cần những linh kiện, những bộ phận phù hợp để ghép chúng lại với nhau, sau đó phải thử sai nhiều lần để tìm ra cách thức hoạt động của nó nữa. Rất mệt, các nhà khoa học còn chưa làm được huống gì cái đứa đang ngồi viết những dòng này. Đời không như là mơ nhỉ?! Thế là tôi bỏ ước mơ đó đi, rồi tôi nhanh chóng có một ước mơ khác, một ước mơ mà tôi đang dần biến nó thành hiện thực, rằng tôi còn sống để chiêm ngưỡng cỗ máy thời gian do nhân loại tạo ra. Nhưng đời có bao nhiêu mà phải đợi, thế là tôi bắt đầu thực hiện ước mơ đó:

Tuần vừa rồi, nhân ngày gia đình đi vắng nên tôi tự tổ chức một bữa tiệc tại nhà. Rồi tôi in thiệp mời bằng giấy bìa, trên đó ghi tên của chủ bữa tiệc, thời gian và địa điểm tổ chức, còn khách mời là bất cứ ai. Sau đó, tôi đi rải thiệp mời khắp khu phố, tôi không đưa tận tay ai hay quăng nó vô nhà họ như phát tờ rơi đâu, tôi chỉ đặt nó vào những khoảng đất trống, bãi rác, con suối, cống rãnh… và chôn dưới đất. Cuối cùng, sau khi ngó xem con chó vừa dí mình đã bỏ đi chưa thì tôi về nhà và chờ đợi với hy vọng rằng những người của thế giới tương lai sẽ đến dự tiệc của tôi trên một cỗ máy thời gian mà tôi sẽ được thấy tận mắt, trên tay họ là tấm thiệp mời cũ nát. Nếu bạn nghĩ tôi bị điên khi nghĩ cách này có hiệu quả thì xin bạn đọc lại đoạn đầu bài viết. Tôi thì cho rằng nó chỉ là cách duy nhất tôi nghĩ ra để thực hiện ước mơ của mình thôi.

Bữa tiệc bắt đầu được một giờ, tôi đang chán nản thì có tiếng chuông cửa. Đó là một người bạn cũ mà tôi chưa nói chuyện suốt ba năm qua, cậu ấy đến đây vì tấm thiệp mời bất cứ ai đó. Thế là chúng tôi cùng ngồi lại dự tiệc, cùng nhau kể về những kỷ niệm trong quá khứ, về những người bạn cũ, về những sự kiện đôi khi người kia còn quên bặt; cùng nhau kể về hoàn cảnh hiện tại của từng người, về việc chia tay cấp ba, về chuyện đậu đại học; cùng nhau kể về tương lai, về mục tiêu của bản thân, về những mối quan hệ mới. Cứ thế, bữa tiệc diễn ra suốt năm giờ đồng hồ.

Thật sự thì tôi đã không được nhìn thấy cỗ máy thời gian, nhưng tôi đã thấy được cách tạo ra nó và trải nghiệm được cái cách nó giúp tôi như thế nào rồi. Hay nói cách khác, việc ước mơ hiện tại của tôi thất bại thảm hại đã cho tôi suy ngẫm lại ước mơ mình đã từng bỏ lỡ – chế tạo được một cỗ máy thời gian.

Con người ta luôn chịu ảnh hưởng từ những mối quan hệ, rồi kéo theo những sự kiện, những cột mốc trong cuộc đời họ. Từ đó, tôi mới cho rằng chúng chính là cỗ máy thời gian của mỗi người. Và nếu cỗ máy thời gian có thật thì tôi chỉ muốn chứng kiến lại những sự kiện đó thôi, chả buồn mà đi tìm hiểu xem thứ tư tuần trước tôi đã ăn gì đâu.

Đối với mỗi người, đó có thể là khoảnh khắc họ đậu (hoặc rớt) đại học, yêu (hoặc lãng quên) một người, trải qua (hoặc chứng kiến) nỗi đau của đồng loại… tất cả nằm rải rác trên một đoạn thẳng gọi là thời gian của cuộc đời họ, còn cuộc sống của họ là một đường tròn lăn trên đoạn thẳng đó, nói cách khác, dù họ là học sinh hay đang đi làm thì cuộc sống của họ cứ lặp đi lặp lại trong từng hoàn cảnh như vậy thôi.

Những sự kiện mà chúng ta đang trải nghiệm là chúng ta đang chế tạo cỗ máy thời gian cho chính mình, còn khi chúng ta đang nhìn lại hoặc mộng tưởng về những sự kiện khác là chúng ta đang chạy thử cỗ máy đó. Vừa chế tạo vừa chạy thử, đến lúc hết cõi tạm này là chắc chắn chúng ta đã hoàn thành được một cỗ máy thời gian cho riêng mình rồi.

Đôi khi có những sự kiện mà chúng ta quên đi vì nó không quan trọng với mình (giống như việc cỗ máy của bạn không có ghế cũng chả sao), nhưng đối với người khác thì nó rất quan trọng theo góc nhìn của họ (giống như việc họ nung chảy cái ghế của bạn để làm lốc máy của họ). Thế nên con người ta luôn gắn liền với những mối quan hệ vì họ dù vô tình hay cố tình thì cũng đã góp phần tạo nên những sự kiện, những cột mốc của nhau rồi.

Đến đây thôi, tôi hy vọng rằng bạn sẽ chế tạo được một cỗ máy thời gian thật đẹp đẽ cho riêng mình giống như cuộc đời của bạn vậy – ít nhất là đối với bạn vì đó là câu chuyện của bạn, trừ khi bạn muốn người khác chạy thử cỗ máy của mình.

 

Holy Noob

[BDTT8] Vừa Nhắm Mắt, Vừa Mở Cửa Sổ – Nguyễn Ngọc Thuần

Feartured image: Mọt Sách

Đã nhiều hơn một lần tôi nhấc lên rồi lại đặt xuống cuốn sách này trong mỗi lần đi daọ phố để tìm chút cảm hứng mới từ những cuốn sách lạ, nhưng lần này, khi tìm kiếm một cuốn sách cho lũ trẻ vùng cao, tôi quyết định lật kĩ hơn những trang sách, đưa mắt qua đôi ba dòng chữ nổi lên giữa phông chữ xanh lè ở trang bìa:

“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…”

Đặt nhẹ cuốn sách vào giỏ, tôi chỉ ước giá mà mình có thể ngồi bệt xuống, cắm đầu vào những trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần và ngấu nghiến nó. Và có lẽ một khoảng thời gian (một vài ngày gì đó), tôi mới giành đủ thời gian để làm việc đó. Lật từng trang sách của “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ.” và mỉm cười mãn nguyện theo đúng kiểu “Ơ rê ca, đây là cuốn sách giành cho ta.”

Cuốn sách có lẽ được viết để tặng trẻ con nhưng thật ra mà nói, những mẩu truyện trong cuốn sách dành cho tất cả, người già, người hơi già, và cả những người trẻ như chúng ta đây. Cuốn sách cuốn quanh những câu chuyện trong một ngôi làng nhỏ, của một cậu bé mà tôi đại khái đoán được là Hiếu Trí Dũng. Một cậu nhóc mới mười tuổi, nhưng những gì nó kể, những gì nó học được, cả những gì nó cảm nhận được, có lẽ đủ để bạn dùng đến tận cuối đời. “Ai bảo chỉ người lớn mới có thể học những điều nhẹ nhàng từ cuộc sống? Trẻ con cũng học được rất nhiều.” Tôi đã lướt qua những câu chữ này ở đâu đó trong cuốn sách và tôi thấy đúng, còn hơn thế nữa, tôi ghen tị với đứa trẻ mười tuổi tên Dũng ấy. Tôi học được rất nhiều từ cậu nhóc.

Bài học về sự tự hào: Chúng ta có quyền tự hào về bất cứ chúng ta có

Tự hào về cái tên thật dài vì bố muốn có đủ dũng, thông minh, và cả chữ hiếu trong cái tên của cậu bé. Tự hào vì “Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.”

Tự hào vì chiếc răng khểnh đáng yêu, bởi chiếc răng này là “điều kỳ lạ riêng” của nó, mà không ai trên đời có được.

Tự hào vì mình có đủ hai bàn tay với mười ngón, hai bàn chân nhỏ xíu, chứ không như chú Hùng thiếu một ngón hay ông Tư mất cả hai bàn chân hai bàn tay.

Tự hào vì khả năng không ai có của nó là sờ thử và đoán được tên của tất cả các loài hoa trong vườn, là cách nó nhớ được hết tất hương hoa và đoán trúng tên, rồi cách đoán được khoảng cách một cách chính xác. Uầy, tất cả đều đáng tự hào lắm ý chứ.

Bạn thấy không? Chúng ta chẳng cần tự hào về điều gì đó quá to lớn cả đâu, chúng ta ai cũng có quyền tự hào về những thứ thật nhỏ kiểu như này thôi:

“Bạn có biết bơi không?

Không tôi không biết bơi…

Bạn có biết đếm đến mười không?

Không, tôi không biết đếm đến mười …

Bạn có thể viết tên bạn không?

Không, tôi không biết viết tên mình…

Nhưng này, tôi biết chơi yo-yo!”

Bạn có biết như vậy là đáng tự hào nhường nào không? Bạn chẳng cần cố gắng để trớ thành ai đó, hãy là chính bạn, tự hào với những gì bạn có, vậy là điều tuyệt vời nhất rồi, bạn có biết không?

Tôi còn học được bài học niềm vui, niềm vui từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống, niềm vui cũng rất dễ kiếm tìm. Niềm vui từ những món quà lạ mắt vào sáng sớm tới lớp. Niềm vui vì được nhắm mắt, mở cửa sổ và hít hương hoa trong vườn.

“Mỗi người đều tìm thấy một niềm vui riêng thuộc về mình, nhưng cũng có những niềm vui chung thuộc về tất cả. Niềm vui đó như một sợi dây đàn, chạm vào thì nó ngân lên cả nhà và thế là ta vui.”

Đơn giản nhỉ? Ừ, chỉ cần đơn giản thế thôi mà.

Và quan trọng hơn cả, tôi học được bài học yêu thương, yêu thương những người lạ mặt, yêu thương những người gần gụi với mình nhất; và hơn cả là bài học về tình người.

“Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

–         Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn đều có một bí mật và một món quà, đùng chưa? Khi biết món quà của ai, ta sẽ yêu người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận một món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con quen.Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì cũng là một điều hay…”

Từng trang sách thấm đượm tình người từ một đứa trẻ.

“Con sẽ cho ông ngón út. Con kể bí mật này cho ông nhé, trong mười ngón tay, con thương nhất là ngón út. Nó là ngón thiệt thòi nhất, bé tí. Nó yếu nữa. Ông thấy không, nó nhúc nhích rất chậm, vậy mà lâu lâu con còn cắn nó một cái. Nhưng mà thôi, con cho ông mười ngón.”

“…Ông chỉ việc kêu lên “bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh”. Thế là bàn tay sẽ chạy đến lấy cho ông ngay.”

Cách đứa trẻ yêu thương những người xung quanh nó thật là diệu kì quá! Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh thủ thỉ tâm tình với cô giáo rằng cô đi đôi guốc cao gót màu xanh sẽ đẹp hơn đôi guốc màu hồng, và rằng con thích cô đi đôi màu xanh. Cảm giác thích thú khi ngồi trong lớp, và tận hưởng việc có một ai đó, đang làm điều gì đó chỉ vì bạn nói như vậy. Bạn hiểu đấy, cảm giác đó tuyệt vời biết làm sao.

Cách đứa trẻ cảm thương, buồn và tìm cách chia sẻ với chuyện cô Hồng, vợ chú Hùng, mất đi bé Thương cũng thật đặc biệt. Nó hỏi mẹ liệu rằng chuyện nhờ cô Hồng đan nón có giúp cô bớt buồn không, rồi chuyện tặng một đóa hoa dại đẹp nhất cho Hồng. Khi buồn, cho dù bạn có mạnh mẽ ra sao, vẫn muốn có một ai đó bên cạnh, một ai đó hiểu và một ai đó quan tâm bạn, có phải vậy không?

Tôi biết so với tác phẩm, những bình luận này quá nhỏ bé, nhưng tôi lại không thể ngừng suy nghĩ nhiều hơn một chút về chuyện sẽ viết một chút gì đó về cuốn sách. Cuốn sách này, chẳng thể đưa bạn quay lại tuổi thơ, mà đúng hơn là sẽ chẳng có bất cứ thứ nào có thể đưa bạn quay lại những năm tháng ấy, nhưng quan trọng, nó sẽ khiến lòng bạn nhẹ tênh chẳng vì điều gì đặc biệt.

Khép lại những trang sách cuối cùng, vất vưởng trong đầu tôi những suy nghĩ về câu nói còn xót lại sau cùng:

“Bố tôi vẫn nói, khi một người thương yêu của ta ra đi, cũng giống như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim mình. Đó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở hàng ngày.

Ta được nuôi sống.”

Và bây giờ, thay vì nghĩ vẩn vơ vói những điều tôi vừa nói, hãy đáp nó sang một bên hoặc vứt nó ra khỏi suy nghĩ của bạn, kiếm quyển sách, đọc và cảm nhận nó theo cách riêng của bạn và để được thèm thuồng tuổi thơ của “Trí Dũng” như tôi.

 

Như Nhiên


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Bill Anderson – Những phẩm chất tốt đẹp của nền kinh tế tự do

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Trí óc con người ta thường lúng túng và lầm lẫn trước vấn đề tự do kinh tế. Trong suốt hai thế kỷ qua phương Tây đã là nơi thể hiện tính ưu việt của tự do kinh tế, nhưng như nhà thần học Michael Novak đã chỉ ra: “Trong lịch sử trí tuệ phương Tây, thóa mạ chủ nghĩa tư bản là một trong số ít đề tài được nhiều người thảo luận nhất”[1]. George Gilder, trong tác phẩm uyên thâm: Wealth and Poverty (Giàu và nghèo), đã buồn bã nhận xét rằng nhiều người có tư tưởng ủng hộ tự do kinh doanh không phải là vì họ đồng ý với những đặc điểm của nó (họ cho rằng đấy là sự suy đồi về mặt đạo đức), mà đơn giản là vì lý do công lợi: Nó tạo ra nhiều của cải hơn là chủ nghĩa tập thể có thể làm[2].

Nhưng, nếu chủ nghĩa tư bản tiếp tục là cái phần đầy sức sống của trật tự thế giới thì ngoài khả năng sản xuất vô cùng to lớn, nó còn phải được coi là có đức hạnh nữa. Những ai muốn coi tự do kinh tế là mục tiêu của sự tiến bộ của nhân loại, mục tiêu của công lý, của việc diệt trừ nạn đói trên thế giới, của bản thân nền tự do, thì họ phải coi chủ nghĩa tư bản không chỉ là nơi thể hiện lòng tham của con người mà chủ yếu là nơi thể hiện những hành vi mang tính đạo đức. Chủ nghĩa tư bản là cách sống không chỉ có thể giúp thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt vật chất mà còn thúc đây sự thăng tiến về mặt tinh thần nữa.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người, trong khi tìm kiếm những giá trị mà họ cho là xứng đáng, lại đang từ bỏ con đường dẫn tới tự do kinh tế và thay vào đó, ủng hộ những biểu hiện của chủ nghĩa tập thể. Nhưng đấy là con đường, như Walter Lippmann từng viết: “Sẽ dẫn tới vực thẳm của chế độ chuyên chế, đói nghèo và chiến tranh triền miên”[3]. Mục đích của tiểu luận này là khảo sát sự ruồng bỏ chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và chứng minh rằng nền kinh tế tự do – phương án thay thế cho chủ nghĩa tập thể – là lựa chọn đầy đức hạnh và xứng đáng cho từng cá nhân cũng như cho các dân tộc.

Nghịch lý của tự do

Nền kinh tế tự do là một đối tượng đầy mâu thuẫn. Người ta chống lại nó trong những cuộc thăm dò dư luận và ủng hộ nó khi cầm một nắm tiền trong tay. Các chính phủ theo đường lối tập thể để nó đứng đầu danh sách những kẻ thù không đội trời chung nhưng lại quay sang nhờ nó cứu chữa những căn bệnh trong nền của mình[4]. Giới tăng lữ bảo rằng tinh thần của chủ nghĩa tư bản là vô luân, nhưng chính nền tảng của thị trường tự do lại phụ thuộc vào cái mà Novak gọi là “việc áp dụng một số tiêu chí đạo đức”[5]. Thị trường tự do dường như đã trở thành một một con điếm xã hội: những người có mức thu nhập khác nhau, trình độ học vấn và văn hóa khác nhau cùng công khai lên án nó vì những tội lỗi mà họ qui kết cho nó đồng thời lại tìm kiếm nó khi có nhu cầu về mặt kinh tế.

Có thể đấy không phải là điều đáng ngạc nhiên. Xét cho cùng thì nền tảng pháp lý và tri thức của chủ nghĩa tư bản: Cá nhân là người tự do, có khả năng (và trách nhiệm) thực hiện những lựa chọn mang tính đạo đức và có một số quyền mà chính phủ không thể tước đoạt: quyền phản đối những giáo lý đã ăn sâu bén rễ vào tư duy mang tính tín tôn giáo truyền thống, tức là những giáo lý đã từng thống lĩnh tâm trí của con người kể từ ngày xuất hiện nền văn minh. Cốt lõi của tư duy truyền thống này – dù nó có được hay không được Plato, Khổng Tử, Rousseau, Castro hay Mao đưa ra thì cũng thế – là khẳng định rằng bản sắc của một người không phải bắt đầu từ chính anh ta mà bắt đầu từ cộng đồng, phường hội, bộ lạc, giai cấp xã hội, được xác định từ trước của anh ta, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là từ nhà nước của anh ta[6].

Trong khi đúng là Thiên chúa giáo (và đặc biệt là đạo Tin lành) đã làm suy yếu tư duy truyền thống – và đã tạo cảm hứng cho sự vùng lên của chủ nghĩa tư bản – thì trong thời Trung Cổ, hệ tư tưởng mang tính tôn giáo của cộng đồng, nhấn mạnh “tính chất quý phái”, trật tự xã hội và những quyền và đặc quyền đặc lợi dành cho người thuộc các đẳng cấp khác nhau đã được chính thức hóa cùng với Thiên chúa giáo. Cuộc cải cách của đạo Tin lành cũng như những học thuyết mà nó tạo ra cũng không thay đổi được ngay lập tức quan niệm về “quý” và “tiện” đã tồn tại trong xã hội từ bao đời nay[7].

Quý là giới tăng lữ, giáo sư đại học, hoàng thân quốc thích, chính khách và sĩ quan cao cấp; còn tiện là nông nô, thương nhân (những người bị khinh khi nhất) và những thị dân không thuộc tầng lớp quý tộc. Người ta có thể tưởng tượng được rằng trật tự “đạo đức” như thế rất được những tầng lớp trên ưa chuộng vì ngoài việc là những người thừa kế tự nhiên địa vị lãnh đạo đối với quần chúng, họ còn có quyền tự do áp đặt những giá trị “cao quý” của họ cho các thần dân và điều đó có nghĩa là áp đặt những đạo luật hạn chế chi tiêu và hàng ngàn điều luật chi phối hoạt động kinh doanh khác[8].

Nhà sử học Arthur M. Schlesinger Jr. chắc chắn là đã đồng cảm với trật tự tiền tư bản khi ông viết về nước Anh thời theo thuyết trọng tiền[i] như sau: “Nắm quyền lực là để áp đặt trách nhiệm, bằng ý thức về nghĩa vụ đối với nhau mà tất cả các giai cấp đều được đưa vào một cộng đồng hài hòa”[9]. Tuy nhiên, như đã thấy, hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân thường xuyên đe dọa nền tảng của chế độ phong kiến, rõ ràng là quần chúng không chấp nhận quan điểm đầy hào hứng của Schlesinger về tình trạng khốn khó của họ. Họ cảm thấy bất mãn, số phận của họ thật là đáng thương. Những tầng lớp dưới lúc đó cũng nghèo xơ xác chẳng khác gì những người nhà quê nghèo khổ nhất trong các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba cùng quẫn hiện nay.

Rất nhiều điều luật nhằm kiềm chế giá cả, ngăn chặn nguồn cung và quá trình sản xuất – mà trước hết là cản trở cạnh tranh – đã trở thành rào cản hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự phát triển về mặt kinh tế. Chỉ có giới quý tộc mới có thể là những người giàu có; nói cho cùng thì tầng lớp thượng lưu tin rằng tài sản là cố định, chỉ có thể đem ra chia chứ không thể gia tăng được. Người ở tầng lớp hạ lưu không thể nào tưởng tượng được là anh ta có thể có của cải. Cho nên trong thế giới cũ, “thế giới trần tục”, như Lippman viết, muốn giàu có thì “phải cướp bóc”[10]. Hàng xóm cướp của hàng xóm, thành phố này cướp của thành phố kia, còn các dân tộc thì thường xuyên cướp bóc lẫn nhau.

Chẳng có gì lạ là các giai cấp thượng lưu quý tộc trong giai đoạn hậu-trọng-tiền ở châu Âu không những không đánh giá được mà còn không hiểu được cuộc cách mạng xã hội và cách mạng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói cho cùng thì khi đọc tác phẩm Tài sản của các quốc gia (The Wealth of Nations) người ta hiểu rằng Adam Smith phát triển quan niệm của Quyền tự do Tự nhiên là để làm lợi cho người nghèo chứ không phải làm lợi cho người giầu.

Giới quý tộc, như Lippmann viết, không hiểu được sự kiện là “Nguyên tắc vàng là nguyên tắc có cơ sở vững chắc về mặt kinh tế”[11]. Họ không tưởng tượng được lợi ích mà các thương nhân tạo ra khi họ được tự do phục vụ những người khác, họ cũng không chấp nhận việc các thương nhân không chỉ làm giàu mà còn có cả địa vị xã hội nữa. Trên thực tế, Cách mạng Công nghiệp là cuộc cách mạng của người bình dân, còn những người có thời từng có tiếng nói quyết định ở chốn công cộng thì nay, trong chủ nghĩa tư bản dân chủ, lại bị tụt lại phía sau.

Và mặc cho sự gia tăng khủng khiếp về mặt tài sản và sức mạnh mà chủ nghĩa tư bản đã đem lại cho thế giới phương Tây, mặc cho những bước tiến vĩ đại trong việc xóa bỏ cảnh nghèo đói từng là hiện tượng phổ biến trong các nước đã công nghiệp hóa, thị trường tự do vẫn bị nhiều người bên ngoài lĩnh vực kinh doanh nguyền rủa – họ là giai cấp mới, đấy là nói theo lời của Kristol, những người đang tìm cách quyết định “chương trình nghị sự xã hội”. Đấy là những người có thái độ thù địch đối với việc kinh doanh, nhưng theo tôi, lý do của lòng thù hận lại ít liên quan tới những bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội hiện đang tồn tại trong xã hội chúng ta.

Nói cho cùng, những xã hội truyền thống mà nhiều người phê phán chủ nghĩa tư bản có cảm tình lại thường là những xã hội nghèo xác xơ, còn bất bình đẳng là chuyện bình thường. Như Kristol đã nói, họ ghét thị trường tự do là vì chế độ tư bản tự do, cá nhân chủ nghĩa, không cho họ nhiều quyền lực chính trị và xã hội[12]. Trong xã hội mà thị trường tư do có thể tồn tại được, quyền lực nằm ngay tại thị trường, và “được phân tán trong rất nhiều người dân chứ không chỉ tập trung trong tay tầnh lớp tinh hoa nắm quyền”[13].

Novak, trong khi bình luận về lòng căm thù chủ nghĩa tư bản mà dường như giới tăng lữ đang nuôi trong lòng, đã viết:

Trong những xã hội truyền thống, những người đứng đầu nhà thờ (dù ở Rome hay ở Geneva thì cũng thế) có quyền áp đặt những giá trị của họ lên toàn thể xã hội dân sự. Trong một xã hội đã phân hóa, những người đứng đầu nhà thờ khó mà có thể đóng được vai trò như thế. Vì vậy mà ta mới thường thấy sự thèm khát bí mật, thấy lòng hoài cổ còn rơi rớt lại về một xã hội được kế hoạch hóa, tức là cái xã hội lại cho phép những người đứng đầu nhà thờ liên kết với những người lãnh đạo dân sự nhằm buộc toàn bộ xã hội phải chấp nhận những giá trị của họ. Quan điểm của ông vua La Mã thế kỉ thứ IV[ii] lại tái xuất với tên gọi là chủ nghĩa xã hội và nhà nước tập quyền trong nền kinh tế hỗn hợp[14].

Chế độ dân chủ trên thương trường

Những người phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là những người có những thành kiến mang tính gia trưởng của giai cấp mới mà Kristol nói tới, đơn giản là không thích chế độ dân chủ vốn là một thành phần cố hữu trong hệ thống thị trường. Giới quý tộc không bao giờ tin các định chế dân chủ, đặc biệt là trong thời kỳ tiền tư bản; hậu duệ của họ – mặc dù có thể phải chấp nhận niềm tin vào quyền bình đẳng trong chế độ dân chủ – giống như cha ông họ, cũng không mấy tin tưởng vào quyền tự do lựa chọn. Vì vậy, khi họ nói về quyền bình đẳng thì họ không nói về sự bình đẳng trước pháp luật mà nói về sự bình đẳng do pháp luật tạo ra. Tôn giáo của họ đòi hỏi rằng bình đẳng là do giới tinh hoa cầm quyền ban phát.

Quan điểm như thế về pháp luật – ngăn chặn một số người và thả lỏng một số người khác – không phải xuất phát từ tinh thần bình đẳng được chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX tuyên xưng mà là xuất phát từ não trạng chuyên chế của tinh thần bộ lạc cổ xưa. Vì vậy mà kết quả của hệ thống pháp luận bình đẳng hiện đại do tình trạng ép buộc tạo ra – trong đó có thuế lũy tiến, tái phân phối thu nhập, trợ cấp nhà ở, tem phiếu lương thực thực phẩm và những chương trình phúc lợi xã hội khác hay kết quả khủng khiếp của chủ nghĩa tập thể mà ta chứng kiến trong suốt 50 năm qua ở Liên Xô và ở châu Á – phản ánh không phải là lòng từ bi xã hội hiện đại mà là cú nhảy giật lùi trở về thời đại của những ông vua tự cho mình là đang cai trị bằng luật lệ của Chúa trời[15].

Cần phải nhấn mạnh rằng não trạng như thế đã bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa tự do về quyền bình đẳng trước pháp luật rồi. Vì ở đâu mà sự bất bình đẳng trước pháp luật trở thành phổ biến thì ở đó bóng ma của chế độ chuyên chế, của bạo ngược, nghèo đói, và mất tự do cá nhân sẽ trở thành phổ biến.

Henry Hazlitt, Gilder, Kristol và những người khác đã khẳng định một cách đầy trí tuệ rằng những chương trình chống nghèo đói của chính phủ dựa trên sự bất bình đẳng hợp pháp thực ra là rào cản trước những lợi ích kinh tế tiềm tàng mà người nghèo có thể nhận. Nhưng họ vẫn chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa sự tập trung vào tay nhà nước và tinh thần gia trưởng của thời cổ đại. Đây chính là điều mà các nước có thể học được từ quá khứ vì sự kiện lịch sử rõ ràng là sự bất bình đẳng trước pháp luật, tình trạng cô lập ép buộc về kinh tế (gọi là tự cấp tự túc) và việc điều tiết thị trường đã dẫn đến không phải là những mục tiêu đáng mong ước mà ngược lại.

Chỉ có phân công lao động một cách tự do, thị trường tự do và bình đẳng trước pháp luật mới có thể dẫn người ta tới tự do và phát triển kinh tế mà thôi. Con người truyền thống đã phải đấu tranh rất lâu trước sự lựa chọn tự do hay là bánh mì, nhưng trải nghiệm tự do đã cho thấy điều ngược lại. Tự do làm cho người ta có nhiều bánh mì hơn và có nhiều thứ khác nữa.

Cuối cùng, cả tự do lẫn thịnh vượng tức là những tính chất cố hữu của chế độ dân chủ tư sản đã làm cho những người vẫn bám vào những lý tưởng xưa cũ của xã hội không tin vào thị trường tự do. Vì tự do trong chế độ này tạo điều kiện cho những người đã từng phải làm việc dưới quyền của những bạo chúa được tự cai quản lấy mình, còn thịnh vượng do thị trường tự do mang lại thì tạo điều kiện cho những người đã từng là những người khố rách áo ôm tự nuôi sống được mình và không còn phụ thuộc vào thói đỏng đảnh mang tính gia trưởng của tầng lớp quý tộc nữa. Lippmann đã từng nhận xét về những người đang đi tìm trật tự cũ như sau:

. . . công cụ thúc đẩy tiến bộ duy nhất mà họ tin tưởng là những biện pháp cưỡng bức của chính phủ. Họ không thể tưởng tượng nổi một cái gì khác hơn, họ cũng không thể nhớ được rằng rất nhiều điều mà họ coi là tiến bộ lại là kết quả của sự giải phóng khỏi quyền lực chính trị, của sự giới hạn quyền lực, của việc giải phóng năng lực cá nhân khỏi uy quyền và sự cưỡng bức mang tính tập thể”[16].

Và Frederic Bastiat đã tiên đoán một cách đầy thuyết phục kết quả sẽ đến với những người tìm kiếm cưỡng bức dưới chiêu bài tự do:

Đồng vốn – dưới tác động của học thuyết đó – sẽ ẩn nấp, trốn tránh và bị phá hủy. Còn người công nhân, những người làm việc cho những kẻ thề nguyền là yêu thương họ một các chân thành và sâu sắc nhưng vô minh đó, sẽ như thế nào? Họ có được ăn uống tốt hơn khi sản xuất nông nghiệp ngưng trệ hay không? Họ có được mặc tốt hơn khi không còn ai nghĩ đến việc xây nhà máy nữa hay không? Họ có nhiều công ăn việc làm hơn khi đồng vốn không còn hay không?[17]

Cho và nhận

Người cho bao giờ cũng được tôn trọng hơn là người nhận,và quan điểm truyền thống bao trùm thời đại là chủ nghĩa tư bản đơn giản là nền kinh tế nhận, nghĩa là người nghèo thì làm còn người giàu thì nhận. Do đó quan điểm của ông John C. Bennett, chủ tịch danh dự của Trường thần học, là nền kinh tế tự do, nếu không được chính phủ cải tạo, là “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”[18]

Tự do kinh tế, như đã được chứng minh suốt hai thế kỷ qua, đã đưa đến sự phát triển chưa từng có về mặt tài chính, đã mang tới cho các dân tộc thực hành nó số tài sản vượt xa ngay cả những vương triều giàu có nhất thời cổ đại. Nhưng các nhà phê bình vẫn coi tinh thần của tự do kinh tế là “lòng tham kiếm lời vô giới hạn của các doanh nhân”[19]. Schlesinger, một người ủng hộ nổi tiếng cho nền kinh tế kế hoạch hóa, coi triết lý tự do kinh doanh là tín điều vô chính phủ: “mọi người phải tự lo và khôn sống mống chết”[20]. Còn Ronald J. Sider, tác giả cuốn Về những người Thiên chúa giáo giầu có trong thời đại đói nghèo (of Rich Christians in an Age of Hunger), thì cho rằng sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đơn giản chỉ là sản phẩm của lòng tham mà thôi:

Người ta không thể đọc câu chuyện ngụ ngôn về một người ngu ngốc giàu có [trong Kinh Tân Ước] mà không nghĩ tới xã hội của chúng ta. Chúng ta hăm hở làm ra thật nhiều món đồ tinh xảo, xây những ngôi nhà cao hơn và to hơn, chế ra những phương tiện vận tải nhanh hơn không phải vì những đồ vật đó làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn mà vì chúng ta bị ám ảnh là phải sở hữu ngày một nhiều hơn. Lòng tham – phấn đấu để càng ngày càng có nhiều đồ vật hơn – đã trở thành thói xấu chủ yếu của nền văn minh phương Tây[21]

Những lời kết án như thế – nhiều lời kết án đến nỗi người ta buộc phải đặt ra những câu hỏi hiển nhiên như sau: Sự cải thiện to lớn về mặt vật chất, những loại thuốc cứu người, nền giáo dục đại chúng, không còn nạn đói, việc xóa bỏ những cơ cấu đã từng nô dịch những người nghèo khổ và quan niệm về quyền tự do cá nhân, đều xuất phát từ lòng tham, từ sự thèm muốn, từ ước muốn làm hại những người đồng bào của mình hay sao? Phải chăng lợi ích kinh tế do hậu duệ của những người đã từng là nô lệ thu được trong hai trăm năm qua chỉ là vết chàm về mặt đạo đức?

Xin để cho độc giả tiểu luận này tự trả lời những câu hỏi đó. Nhưng quan điểm của tôi là: Chủ nghĩa tư bản đã mang lại những cải thiện kinh tế to lớn cho những dân tộc thực hành nó; đấy là điều không thể tranh cãi. Nhưng, nếu nhiều người – đặc biệt là những người có quyền đưa ra chương trình nghị sự cho xã hội – coi thị trường là môn bài của lòng tham, sự đồi bại và phá sản về mặt đạo đức, thì các dân tộc sẽ tiếp tục lao vào chủ nghĩa tập thể và sự can thiệp của nhà nước và thị trường tự do sẽ thoái hóa thành lừa đảo, hối lộ và tham nhũng, đấy là chợ đen[22].

Trong khi thiết lập những tiêu chí đánh giá chủ nghĩa tư bản, tôi tin rằng thị trường tự do phải vượt qua được hai cuộc kiểm nghiệm. Thứ nhất, nó phải phù hợp với Nguyên tắc Vàng được vinh danh từ thời cổ đại; thứ hai, xã hội tạo ra hệ thống tư bản chủ nghĩa phải là xã hội đức hạnh đáp ứng được một số nguyên tắc đạo đức nhất định.

Sống với Nguyên tắc Vàng

Trong nền kinh tế cướp bóc, khó mà thực hiện được Nguyên tắc Vàng: “Cái mình không muốn, chớ làm cho người[iii]”. Nếu chỉ có thể giành được tài sản bằng cách moi của người khác thì rõ ràng là người ta không thể trở thành giàu có mà vẫn có thể sống theo Nguyên tắc Vàng được. Người ta hoặc là phải ăn cắp (mặc dù không ai muốn bị gọi là kẻ cắp) hoặc là phải sống trong cảnh nghèo nàn (đấy là lý do vì sao nghèo lại được tư tưởng tôn giáo truyền thống coi trọng đến như thế). Tư duy truyền thống tuyên bố rằng xã hội được chi phối bởi Nguyên tắc Vàng phải là xã hội nghèo nàn; và dễ hiểu vì sao một đầu óc bị chi phối bởi những tư tưởng như thế sẽ coi xã hội tư bản là xã hội cướp bóc.

Nhưng như Lippmann, Mises, Gilder và những người khác đã biện luận, sự thịnh vượng của thị trường tự do không phải là kết quả của trộm cắp mà là kết quả của sự hợp tác và sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau. Luận điểm của Lippmann về xã hội tốt đẹp là xã hội đức hạnh, xã hội hợp tác, một xã hội chỉ có thể trở thành hiện thực khi thực hành những nguyên tắc của thị trường tự do. Ông viết như sau:

Tất cả chuyện này [sự thịnh vượng của phương Tây] không phải là do sự khai sáng tự phát hay sự bốc đồng của lòng tốt. Bản tính của con người không thể thay đổi một cách đột ngột được. . . . . Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người con người tìm được biện pháp làm giàu, trong đó vận may của của tha nhân lại làm gia tăng vận may của chính họ. Khi David Hume có thể nói (1742) … “Tôi xin đánh bạo mà nói rằng, không chỉ như một người bình thường mà như một thần dân của nước Anh, tôi cầu nguyện cho nền thương mại thịnh vượng của nước Đức, nước Tây Ban Nha, nước Italy và thậm chí của chính nước Pháp nữa” thì đấy là thời khắc vĩ đại trong lịch sử chinh phục, cướp bóc và áp bức kéo dài. Trước khi Nguyên tắc Vàng trở thành hợp lí về mặt kinh tế, nhiều người đã không nghĩ như thế[23].

Muốn làm giàu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, như Gilder nhận xét, trước tiên người ta phải cho chứ không phải là nhận. “Quà tặng của chủ nghĩa tư bản tiến tiến trong nền kinh tế tiền tệ được gọi là đầu tư . . . . Món quà đó sẽ chỉ thành công trong chừng mực nó mang tính vị tha và xuất phát từ việc nhận thức được nhu cầu của tha nhân”[24]. Mises viết:

Phục vụ người tiêu dùng là cách làm giàu duy nhất. Nếu không đầu tư vào những dây chuyển có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu của xã hội thì nhà tư sản sẽ đánh mất vốn liếng ngay lập tức[25].

Trong hệ thống tự do như thế, người ta chỉ nhận được thù lao khi người bên cạnh cũng nhận được thù lao. “A” được chỉ lợi — đấy là nói khi tự do lựa chọn thắng thế – bằng cách cung cấp cho “B” sản phẩm hoặc dịch vụ mà “B” cảm thấy là đáp ứng được nhu cầu hay sở thích của mình[26]. Nếu tương tác này không còn thì mạng lưới hợp tác phức tạp làm nhiệm vụ củng cố hệ thống tư bản cũng sụp đổ ngay lập tức. Nếu không tin vào nhà sản xuất thì người bán sẽ không bán, nếu không tin vào sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có thì người tiêu dùng sẽ không mua. Không thể đầu tư nếu những người có thể tiết kiệm và đầu tư không còn tin cũng như chẳng còn quan tâm tới tương lai nữa.

Như Leonard Read đã chứng minh trong bài báo – “Tôi, một chiếc bút chì”, công bố hồi năm 1958 – rằng ngay cả những sản phẩm sơ đẳng được sản xuất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng là kết quả của sự hợp tác của hàng ngàn người, thậm chí kể cả những người do tín ngưỡng hoặc chỉ nhìn thấy thôi mà có thể ghét nhau rồi. Đấy là sức mạnh của thị trường tự do. Không phải ngẫu nhiên mà, như Hans Sennholz đã chỉ rõ, thế kỉ XIX, một thế kỉ từng bị những người phê phán coi là một trăm năm bóc lột lại là thế kỉ hòa bình nhất trong lịch sử loài người[27].

Nền tảng của đạo đức

Vào năm 1776, khi Adam Smith trình bày luận điểm của ông trong tác phẩm Tài sản của các quốc gia (The Wealth of Nations), ông đã nhận ra rằng trật tự thị trường tự do không xuất phát từ những người hám lợi, tham lam và ác ý mà xuất phát từ xã hội, trong đó những giá trị đạo đức được coi là quan trọng, xuất phát từ xã hội, nơi óc sáng tạo, sự đồng cảm, tính tiết kiệm và trì hoãn thỏa mãn trong hiện tại để được tưởng thưởng trong tương lai, được mọi người coi là đức hạnh. Trật tự như thế đã được hình thành ở New England theo Thanh giáo, đấy là nơi mà đức hạnh – có vai trò sống còn đối với sự hình thành thị trường tự do – đã trở thành nền tảng cho khu vực tạo ra tinh thần Tự lực cánh sinh của Mĩ[iv].

Thanh giáo ban phước lành cho việc theo đuổi những lợi ích như thế (làm việc, tiết kiệm và kinh doanh) và chỉ rõ rằng ý Chúa – thông qua việc làm hàng ngày của mỗi người – có thể có lợi cho xã hội nói chung… Đấy là do người Thanh giáo… sẵn sàng trì hoãn sự thỏa mãn mà tư bản mới được tích lũy còn đầu tư thì tạo ra những sản phẩm mới[28].

Ngược lại, người ta có thể nói rằng những xã hội chỉ muốn trục lợi và có ít những phẩm chất đạo đức được mô ta bên trên cũng là những xã hội có ít, thậm chí không có tương lai kinh tế nào. Vì như Novak đã tuyên bố một cách đầy thuyết phục rằng chủ nghĩa tư bản không phải là kết quả chung cuộc cuộc của chủ nghĩa duy vật. Mà chủ nghĩa duy vật là khát khao vô độ, muốn được thỏa mãn ngay lập tức – trái ngược với thị trường tự do. Ông viết như sau:

Phát triển kinh tế một cách bền vững không chỉ là sự dư thừa về mặt vật chất; nó xuất phát từ và tiếp tục đòi hỏi người ta phải có một số phẩm hạnh. Nếu những phẩm hạnh như thế không còn thì sự phát triển bền vững cũng sẽ tiêu ma. Nền văn hóa hưởng lạc, chỉ nghĩ đến mình, có vẻ như sẽ không đầu tư cho tương lai của chính nó hoặc không chịu thực hiện những hi sinh cần thiết cho sự thịnh vượng của chính nó[29].

Phát triển kinh tế là kết quả của tự do

Mặc dù tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục đã xảy ra cách đây hơn 200 năm, nhưng nếu đặt hai thế kỷ đó trong dòng chảy hàng triệu năm của lịch sử nhân loại thì đấy cũng chỉ như là một chớp mắt mà thôi. Mức sống của những con người mà số phận là phải sống trong đói nghèo và áp bức đã gia tăng nhanh chóng, có thể là quá nhanh đối với phần đông những người đã tham gia hay bị lôi kéo vào trật tự tư bản chủ nghĩa. Tự do kinh tế đã mang đến cho người ta nhiều lợi ích, nhưng ít người hiểu được vì sao sự thịnh vượng lại gia tăng một cách bất ngờ đến như thế. Những người sẵn sàng đi theo những triết lý truyền thống đã bám chặt vào đầu óc của họ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ rao bán chủ nghĩa tập thể và ép buộc, coi đấy là con đường dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng bóng ma của tự do đã thoát ra rồi và con người, ngay cả khi không hiểu rõ làm sao mà tự do lại tạo cho họ cơ hội kinh tế, cũng đã được nếm hoa thơm trái ngọt của nó. Vì từng cá nhân đã được tự do, gông xiềng – từng một thời trói buộc người nô lệ, và thậm chí trói buộc cả những ông vua chuyên chế của họ nữa – trong thời tiền tư bản ít nhất là đã tạm thời được tháo bỏ. Vì thế mà người ta có thể ước mơ về một đời sống tốt đẹp hơn ở ngay chính nơi mà tổ tiên của họ từng phải chấp nhận tình cảnh nghèo khổ.

Kinh nghiệm của nền kinh tế tự do làm cho người ta vừa lạc quan lại vừa bi quan. Lạc quan là vì, như đã thấy trong suốt 200 năm qua, tự do mang đến cho tất cả mọi người một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không còn thế lực có thể làm người ta phải sợ hãi. Nhưng người ta cũng bi quan vì có quá nhiều người không hiểu được những đức tính tốt của nền kinh tế tự do và vì vậy mà họ quay sang chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa quốc gia với hi vọng rằng áp chế sẽ giúp họ thực hiện được những giấc mơ của mình.

Nền kinh tế tự do tạo điều kiện cho người ta trở thành những người đức hạnh, tạo điều kiện cho người ta thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng trung thực và được tưởng thưởng vì có những đức tính tốt đó, làm cho những người đồng bào của mình có một đời sống tốt đẹp, giúp cho thế giới thoát khỏi dịch bệnh, đói nghèo và những tai họa khác đang săn đuổi những kẻ yếu đuối nhất trong chúng ta. Nó thúc đẩy hợp tác chứ không phải là xung đột, nó khuyến khích hòa bình chứ không phải là chiến tranh.

Khi Lippmann hô hào những đồng sự của mình quay lưng lại với cuộc vận động trở về với chủ nghĩa quốc gia trong những năm 1930 thì ông đã bị nhiều bạn bè, thuộc phái “tự do” chế giễu và tuyên bố là “tên phản động”. Nhưng hóa ra nhiều quan điểm thấu triệt của ông lại là đúng đắn và nhiều dự đoán của ông về cuộc chiến tranh sắp tới là chính xác. Hiện nay cũng vẫn còn đúng.

Thông điệp của Lippmann và cũng là thông điệp mà 200 năm tự do từng tuyên bố là: Xã hội tốt, một xã hội trong đó người dân có thể đấu tranh cho công lý, đức hạnh và một đời sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người chỉ có thể trở thành hiện thực khi người ta hành động nhằm “bảo vệ và đấu tranh nhằm hoàn thiện sự tự do của thị trường”[30].

Đấy không phải là một giấc mơ không tưởng vì những người tin vào không tưởng thì cũng là những người tin rằng có thể ép buộc con người để họ trở thành hoàn thiện hơn. Tôi không thể chấp nhận ý tưởng cho rằng vì một lý do nào đó con người sống trong cái thế giới mà chúng ta đang thấy sẽ không còn muốn phạm tội nữa. Nhưng thị trường tự do sẽ giúp đỡ con người – với sự bất toàn của họ – xây dựng được một thế giới thịnh vượng hơn, dễ chịu hơn, công bằng hơn và đức hạnh hơn.

[themify_box style=”purple rounded” ]Bill Anderson giảng dạy kinh tế học tại Covemant College in Tennessee.[/themify_box]

 

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn: The Morality of Capitalis. Edited by Mark W. Hendrickson.
The Foundtion gor Economic Education, Inc. Irvington-onHudson, New York 10533.


[1] Michael Novak, “The Economic System: The Evangelical Basis of a Social Market Economy,” The Review of Politics, Vol. 43 (July, 1981), p. 355.
[2] George Gilder, Wealth and Poverty (New York, 1981), p. 4.
[3] Walter Lippmann, The Good Society (Boston, 1937), p. 204.
[4] Lenin’s New Economic Policy of 1923, Stalin’s introduction of differential wages and other “capitalist” practices in 1931, and the encouragement of small, private enterprises in present-day Communist China are notable examples of despotic, collectivist governments seeking help from the free market.
[5] Novak, p. 365.
[6] J. Kautz thể hiện lý tưởng truyền thống trong tác phẩm Die geschichtliche Entwickelung tier Nationökonomik xuất bản năm 1860, khi ông mô tả những quan điểm phiếm thần của Hindu giáo. “Trước hết”, Kautz viết, “nền tảng của toàn bộ lý thuyết kinh tế và xã hội của Ấn Độ là sự tự chế và hi sinh, sự thừa nhận vô điều kiện và đề cao chế độ chuyên chế tuyệt đối, sự phủ nhận giá trị của chính con người…”
[7] Tác phẩm của phái Calvin Westminster Confession of Faith, được viết từ năm 1643 đến năm1648, bàn về Lời răn thứ 5 (Kính trọng cha mẹ) đã tìm cách mở rộng khái niệm cho mẹ để đưa vào đó cả “những người đứng đầu” xã hội nữa.
[8] Thí dụ trong chế độ quân chủ Pháp từ năm 1666 đến năm 1730 ngành công nghiệp dệt Pháp phải đương đầu với một núi luật lệ chứa trong 4 tập sách dày 2.200 trang và 3 cuốn phụ lục nữa.
[9] Arthur M. Schlesinger, Jr., “Neo-Conservatism and the Class Struggle,” The Wall Street Journal, June 2, 1981, p. 30.
[10] Lippmann, p. 194.
[11] Tác phẩm đã dẫn.
[12] Irving Kristol, Two Cheers for Capitalism (New York, 1978), p. 28.
[13] Robert Heilbroner, quoted from Time, April 21, 1980, “Is Capitalism Working?” Heilbroner là người ủng hộ xã hội kế hoạch hóa.
[14] Novak, Toward a Theology of the Corporation (Washington, D.C., 1981), pp. 11-12.
[15] Xem: “Inside North Korea, Marxism’s First ‘Monarchy,’” Reader’s Digest, Feb., 1982.
[16] Lippmann, p. 5.
[17] Trích theo William H. Peterson, “Creating a ‘Negative-Sum’ Society,” Business Week, November 16, 1981, p. 32.
[18] John C. Bennett, “Reaganethics,” Christianity and Crisis, December 14, 1981, p. 339.
[19] “The New Deal in Review, 1936-1940,” The New Republic, 102 (May 20, 1940), p. 707.
[20] Schlesinger, p. 30.
[21] Ronald J. Sider, Rich Christians in an Age of Hunger (Downers Grove, Illinois, 1977), p. 123.
[22] Muốn tìm hiểu kĩ về nền kinh tế bị nhà nước bóp nghẹt sinh ra thị trường chợ đen như thế nào, xin đọc Antonio Martino, “Measuring Italy’s Underground Economy,” Policy Review (Spring, 1981), và mô tả của Ken Adelman về thị trường chợ đen ở nước Tanzania xã hội chủ nghĩa trong “The Great Black Hope,” Harper’s, July, 1981.
[23] Lippmann, pp. 193-194.
[24] Gilder, pp. 24, 27.
[25] Ludwig von Mises, The Anti-Capitalistic Mentality (South Holland, Illinois, 1972), p. 2.
[26] Trong xã hội kế hoạch hóa, tức là xã hội mà chính phủ thực hiện việc chọn lựa về mặt kinh tế cho các công dân của họ thì người dân phải “chọn” bất cứ thứ gì chính phủ cho họ. Nhưng trong những điều kiện như thế sản phẩm và dịch vụ thường không đáp ứng được ước muốn và kết quả là người tiêu dùng bị chèn ép, bất mãn.
[27] . Hans Sennholz, “Welfare States at War,” The Freeman (January, 1981).
[28] James T. Laney, “The Other Adam Smith,” Economic Review, October, 1981, p. 28.
[29] Novak, “The Evangelical Basis of a Social Market Economy,” pp. 365-366.
[30] . Lippmann, p. 207.
[i] Mercantilist, Mercantilism – Thuyết theo đó nhà nước phải hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu để giữ trong kho càng nhiều kim loại quí thì càng tốt. Trước đây thường dịch là trọng thương.
[ii] Dịch thoát ý từ Constantinianism
[iii] Dịch thoát ý câu “Do not that to another, which thou wuoldest not have tothy selfe”. Tại phương Đông trước đó cả hai ngàn năm Khổng tử đã nói: Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân, nghĩa là cái mình không muốn, chớ làm cho người
[iv] Dịch thoát ý thuật ngữ Yankee Ingennuity

[BDTT8] Nỗi Cô Đơn Của Các Số Nguyên Tố – Paolo Giordano

Featured Image: Bìa sách “Nỗi Cô Đơn Của Các Số Nguyên Tố”

 

“Bi thương, vô vọng, cuốn sách xuất chúng về nỗi đau của giới trẻ hiện nay đã cuốn hút từ lứa độc giả đứng tuổi cho tới các bạn trẻ.” Câu nhận xét của La Repubblica ở bìa sau sách như cảnh báo một điều rõ ràng rằng quyển sách này không dành cho những ai mơ mộng và thích kết cuộc mỹ mãn kiểu hai nhân vật chính sẽ cùng nhau đi dọc bờ biển và ăn tối trước hoàng hôn bên cạnh một chiếc bàn đầy hoa và nến… vì nó – một cuốn tiểu thuyết có khả năng đốn ngã sự lãng mạn trong bạn bởi sự thật trần trụi và đau thương…

Đến với Triết Học Đường Phố lần này không phải một cuốn kinh tế chuyên ngành, cũng không phải câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng lãng mạn, càng không phải là một quyển triết học cao siêu. Nó đơn giản là một câu chuyện. Buồn. Rất buồn. Bi kịch. Rất bi kịch. Quyển tiểu thuyết đầu tay của Paolo Giordano – Nỗi cô đơn của các số nguyên tố.

Tôi vừa đọc xong quyển này cách đây không lâu, và đến tận bây giờ cái cảm giác mà nó mang lại vẫn in sâu chưa từng mất. Biết đến quyển sách này cũng là tình cờ khi lướt web, thật sự mà nói thì ngay khi quyển sách này đập vào mắt tôi từ tên cho đến cái bìa xanh đơn điệu cùng những con số nguyên tố đứng cách khoảng nhau và hình ảnh một đứa trẻ đang co mình lại… tất cả đã tạo nên một ấn tượng rất sâu sắc trong tôi, với một đứa chuyên tự nhiên nhưng lại có sở thích văn chương như tôi thì chẳng khác nào tìm thấy được báu vật. Và rất nhanh sau đó tôi đã tậu ngay quyển sách này về và nghiễn ngẫm nó, tôi không nhớ rõ mình đọc nó trong bao lâu nhưng cảm giác khi gấp sách lại thì vẫn nhớ như in – Ám ảnh và hẫng hụt. Là những gì tôi có thể nghĩ ra để miêu tả cảm giác của mình. Ám ảnh bởi sự cô đơn tột cùng mà hai nhân vật chính đã trải qua suốt từ những ngày trẻ thơ cho đến tận khi đã trưởng thành.

Mattia đã vì một phút non dại của mình mà bị ám ảnh suốt ngần ấy năm trời, mất đi một người thân yêu đã là một nỗi đau huống chi đó lại là do chính mình gây nên thì nỗi đau ấy cực điểm còn gì bằng? từ đó Mattia thu mình lại trong thế giới riêng với những con số. “Cậu đã học được cách đi giẫm đầu ngón chân trước, rồi mới đến gót chân, dồn trong lượng đang mất cân bằng về phía ngoài lòng bàn chân để giảm thiểu diện tích tiếp xúc với mặt đất…” thế đó, Mattia muốn và luôn làm mọi cách để mình vô hình trong thế giới này.

Alice, cô gái bị bố bắt đi học trượt tuyết dù bản thân vô cùng chán ghét, rồi cô bị tai nạn, cô bắt đầu cuộc sống với cái chân khập khiễng và nặng nề, cô muốn trở nên nổi trội như cô bạn cùng lớp, cô muốn có một hình xăm nhưng rồi lại muốn xóa nó đi, cô muốn có nhiều bạn bè và được quan tâm,… cô muốn thay đổi, muốn thử nhiều trò mới lạ, cô muốn nhiều thứ lắm. Nhưng cuối cùng những nổ lực của cô gần như lụi tàn, trong một quãng thời gian dài Alice phải đối mặt với sự xa lánh và mỉa mai.

“Mattia nghĩ cậu và Alice giống như một cặp số nguyên tố sinh đôi cô độc và mất mát.” Dù là gần nhau đến mấy cũng phải bị chia cắt bởi một số chẵn, họ – mãi mãi chỉ có thể đợn độc đứng một mình. Mattia chối từ cả thế giới. Còn Alice ngược lại – bị cả thế giới chối từ. Họ, mỗi người một nỗi đau riêng nhưng chung quy vẫn là hai số nguyên tố mãi bị rập khuôn bởi những quy định toán học mặc cho những nỗ lực thoát khỏi quy luật.Nỗi cô đơn và nổi loạn của Alice, sự day dứt và tự trừng phạt mình của Mattia… Tất cả được thể hiện một cách bi tráng trong Nỗi cô đơn của các số nguyên tố, đó cũng có thể là yếu tố góp nên thành công của “The huge bestseller of Italia”.

Tôi nghĩ giữa sách và người cũng giống như tất cả các mối tương quan khác trong cuộc sống này, cũng có một chữ Duyên. Theo một cách nào đó, mỗi quyển sách sẽ có ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt với môt người trong một điểm thời gian nhất định. Nên tôi ít khi khuyên ai đọc hay không đọc cái gì, nếu bạn hỏi tôi về quyển sách này, tôi chỉ có thể nói: đây là một quyển sách với giọng văn tinh tế, có sự hòa trộn tuyệt vời giữa toán học và văn chương, với lối diễn tả nội tâm cực kỳ sâu sắc như xoáy sâu vào tâm can người đọc. Nếu bạn “cảm” được câu chuyện này, ắt hẳn bạn sẽ tìm đến nó.

Cá nhân tôi nhận định đây là một quyển sách hay, đọc nó bạn sẽ thấy rõ một điều rằng con người ta luôn dễ dàng bị quá khứ đeo bám và để nó ràng buộc tương lai, tôi đã rất tập trung để hòa vào Mattia và Alice để hiểu rõ hai người đó nghĩ gì, cảm thấy như thế nào, và kết quả tôi nghĩ mình đã làm tốt, vì cuối cùng tôi đã thấu đáo, đã hiểu rằng có những thứ con người ta nên học cách buông bỏ và quên đi để chấp nhận hiện tại. Không ai biết rồi tương lai Mattia như thế nào, sẽ cưới vợ và có những đứa con??? Rồi Alice có tìm được hạnh phúc mới? hai người họ sẽ gặp lại nhau sau bao nhiêu năm? Tất cả chỉ còn là tưởng tượng của mỗi người.

“Cô mỉm cười với bầu trời trong vắt. Với một chút khó khăn mệt nhọc, cô đã biết tự đứng dậy một mình.” Đây là hai câu cuối cùng trước khi Paolo đặt dấu chấm hết cho câu chuyện dài của mình, như một khẳng định mà chúng ta có thể biết chắc chắn – Mattia và Alice, họ đã thôi chông chênh. Nỗi ám ảnh đi theo họ nhiều năm qua cuối cùng cũng chịu dừng lại. Một trang mới sẽ được bắt đầu. Gọn ghẽ và tinh tươm.

 

Nắng Lạ


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Kiên trì – Bí quyết thành công

Featured Image: Hans

 

“Hầu hết mọi người bỏ cuộc khi thành công đã tới gần. Họ bỏ cuộc khi chỉ còn cách đích một mét. Họ bỏ cuộc ngay khi cuộc chơi chỉ còn lại một phút, khi đã chạm được một tay vào chiến thắng.” – H.Ross Perot

Kiên trì là đức tính bắt buộc cho người thành công. Họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc, bỏ mục tiêu, bỏ ước mơ của họ khi chưa đạt được nó. Họ chiến đấu đến cùng dù mồ hôi chảy, nước mắt rơi.

Tất nhiên không phải thành công là đơn giản:

Đôi lúc bạn phải đối mặt vô số trở ngại, những khó khăn ập đến từ mọi nơi, mọi thứ dường như đều quay lưng với bạn bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ… khó khăn có thể đánh bạn ngã, phải quỳ, đôi khi chảy máu nhưng lúc đó bạn phải bước tiếp đó là lúc vũ trụ đang thử thách bạn. Không có thành công nào dễ dàng đến với bạn cả, mà dễ dàng thì không xứng đáng để bạn theo đuổi

Bạn phải tâm niệm “khó nhổ chắc chắn được củ to”

Trong lịch sử loài người chỉ ra rằng tất cả những vĩ nhân, những con người làm nên những kết quả phi thường đều từng đối mặt vô số khó khăn trước khi thành công.

“Không” là một nấc thang trên con đường dẫn tới “có”. Bạn không được từ bỏ quá sớm. Ngay cả khi cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô.. có thiện ý khuyên bạn tìm một công việc đích thực, thì ước mơ của bạn vẫn luôn là “công việc đích thực“ của bạn.

Mọi thứ sẽ luôn là quá sớm để từ bỏ, nếu không thể đi thẳng bạn có thể đi vòng. Bạn phải tìm lối đi đó. Hãy vòng qua khi gặp vật cản đường , Với mọi rào cản bạn có thể đi vòng, nhảy qua hoặc chui qua nó, không có điều gì có thể cản chân bạn, con người của ý chí, con người của sự kiên cường.

“Khó khăn là cơ hội để ta vươn tới những điều tốt đẹp hơn, chúng cũng như những bước đệm để ta có những khinh nghiệm quý giá.. khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, bởi quy luật tự nhiên là thế, luôn cân bằng.“ – Bryan Adams

Khó khăn? Từ bỏ? Lùi bước? Bỏ cuộc? Ước mơ hão huyền ư? Những từ đó có thể dành cho ai khác nhưng không phải dành cho tôi và bạn

Khi bạn quyết định giá trị của chính mình, không phải ai cũng nhìn thấy được, cũng tham gia với bạn, cũng có được tầm nhìn đó. Bạn phải biết rằng, bạn là một người đặc biệt. Việc hòa nhập và lôi kéo mọi người vào công việc của bạn là cần thiết. Những người khát khao chiến thắng, những người không chịu dừng bước và không chịu thua kém ai, những người muốn xây dựng lại cuộc sống của mình và những người muốn được hơn như vậy. Những người đang tiến đến giấc mơ, những người thắng cuộc, hãy đi cùng những người đó. Những người đang tiến đến giấc mơ của mình là những người hiểu rằng, giấc mơ có thành hiện thực hay không là tùy vào họ.

Nếu bạn muốn thành công hơn, nếu bạn muốn có được hay làm được những việc mà bạn chưa bao giờ đạt được, bạn hãy tự đầu tư vào chính mình. Đầu tư vào bạn.

Cho dù ai suy nghĩ gì thì nó không bắt buộc là sự thật nếu bạn không muốn là nạn nhân trong cuộc sống của mình, cho dù bạn phải đối mặt với sự thất vọng, bạn phải biết rằng mình làm được, cho dù không ai nghĩ thế, bạn phải biết thế.

Hãy bắt đầu đi

Bạn có thể làm cho gia đình tự hào, bạn có thể làm cho trường tự hào, bạn có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, bởi vì bạn đã chọn đúng đường, đừng để ai lấy đi giấc mơ của bạn, mỗi khi bị từ chối hay chả ai đến cuộc gặp mặt của bạn, hay là ai đó nói bạn có thể dựa vào họ, và họ không làm được. Nếu chúng ta có cái thái độ làm cho không ai tin vào mình nữa, bạn sẽ thua, thua và thua. Sẽ không còn ánh sáng nữa. Nhưng bạn vẫn hướng đến giấc mơ của mình, nghĩ về nó mỗi ngày và tự nói với bản thân: Chưa xong đâu, ta sẽ thắng. Bạn có thể thực hiện giấc mơ đó.

Bạn chính là đạo diễn bộ phim “Cuộc đời tôi”. Nhân vật chính không ai khác, chính là bạn. Bạn là người viết kịch bản cho nó và có quyền quyết định nó được đóng như thế nào. Và các thế hệ sau chính là khán giả của bộ phim bạn đạo diễn. Nó sẽ là bộ phim kinh điển hay hay thảm họa tất cả đều phụ thuộc vào bạn.

 

 Chức Giáo Sư

Con không muốn lớn nữa, ba mẹ cũng đừng già đi!

Featured Image: Dami Wurtz

 

Có khi nào sau một ngày mệt mỏi trở về nhà bạn thấy tóc ba mình thêm một sợi bạc, khóe mắt mẹ thêm một nếp nhăn, và lúc đó bạn chỉ muốn sà vào lòng ba mẹ và ước ao rằng “con không muốn lớn nữa, ba mẹ cũng đừng già đi” không?

Dẫu biết đó là chuyện không tưởng, vì khác nào ta bắt thời gian thôi quay để hiện tại đứng yên. Nhưng có lẽ chúng ta đều có vô số lần cố chấp hy vọng điều đó xảy ra.

Càng lớn ta càng nhận ra rằng cuộc đời vốn là một khối đen nhiều khuyết điểm, ở đó sự yêu thương, san sẻ và chân thành thì ít nhưng lại có thừa những lừa lọc, dối gian, và ghen tỵ lẫn nhau. Càng lớn ta càng thấy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng một màu hồng tinh khôi và trong trẻo như các câu câu chuyện cổ tích mà ta ấp ủ mỗi đêm khi còn nhỏ. Ta càng ý thức rõ một điều rằng hiếm có ai trên thế gian này yêu thương và tốt với ta một cách chân thành và vô điều kiện như ba mẹ đối với ta. Và càng lớn chúng ta càng có nhiều nỗi sợ hãi. Nhưng có lẽ nỗi sợ mà tất cả chúng ta giao nhau nhiều nhất đó chính là sợ ba mẹ già đi…

Bạn biết không, một trong những cảm giác đau đớn nhất mà con người phải chịu chính là cảm giác khi một ai đó thân thương, một ai đó mà mình yêu quý nhất lại rời xa mình. Với tôi, đó là điều tồi tệ và bi thương nhất mà bất cứ ai trên thế gian này đều phải trải qua, trừ khi kẻ đó không có ai thân thích, không yêu thương và trân trọng bất kỳ ai. Ở đây, tôi không nói đến tình yêu trai gái mà tôi nói về một tình cảm thiêng liêng hơn thế nữa, đó chính là tình thân.

Tôi rất sợ việc ba mẹ mình già đi từng ngày, mặc cho đó là quy luật tất yếu của tạo hóa. Hằng ngày khi nhìn thấy những dấu vết thời gian để lại trên vầng trán của ba, trên nụ cười của mẹ, tôi lại thêm đau lòng. Nghĩ đến một ngày khi ba mẹ rời xa, chắc chắn chẳng ai trong chúng ta đủ mạnh mẽ mà thản nhiên trước một mất mát to lớn vô cùng như thế.

Với tôi, ba mẹ chính là những người có ơn với ta nhất trong cuộc đời này và có ba mẹ là một điều may mắn nhất. Nên, nếu còn ba mẹ, làm ơn hãy biết trân trọng, hãy biết mỗi ngày được nhìn thấy ba mẹ cười là một điều hạnh phúc. Hãy sống sao cho ba mẹ vui lòng, hãy làm mọi thứ có thể để đáp đền công ơn mà bậc sinh thành đã có với ta. Đừng đợi đến ngày mai, ngày kia, đến khi tốt nghiệp hay lên chức, mà hãy làm ngay bây giờ, ngay hôm nay, ngay khi có thể và ngay khi còn kịp.

Không phải đến khi có thật nhiều tiền thì mới là trả ơn ba mẹ, vì bạn có là triệu phú thì cũng cho chính bản thân bạn thôi, chứ ba mẹ đâu sống đến bạn cả đời để tận hưởng những thứ đó. Không nhất thiết phải là những gì thật lớn lao mới là trả ơn ba mẹ, chỉ đơn giản là học thật tốt, nếu ở xa thì cuối tuần hoặc cuối tháng hãy sắp xếp thời gian về nhà dùng cơm cùng ba mẹ, hãy bỏ một chút thời gian lang thang trên mạng mà chăm cây cảnh trước sân với ba, đi chợ chọn cá cùng mẹ…

Để đổi lại những nụ cười thật tươi, thật ngọt của ba mẹ. Đó chính là đền đáp rồi. Chỉ những điều đơn giản và bình dị thế thôi nên đừng chần chừ, đừng e ngại, đừng để bản thân phải có bất kỳ hối tiếc nào về sau, vì thời gian trôi đi vội lắm!

Có nhiều người chối bỏ gia đình, chối bỏ chính những người đã tạo ra họ chỉ bởi họ sinh ra trong một gia đình không khá giả, họ quan niệm rằng như thế là bất hạnh, nhưng họ đã sai, so với những người vừa sinh ra đã không thấy mặt ba, không rõ mẹ mình là ai, những người luôn tự vấn mình câu hỏi “ai đã tạo ra tôi?” mà mãi mãi chẳng tìm được câu trả lời. Đó mới chính là bất hạnh thực sự.

Không cần biết gia cảnh bạn ra sao, cha bạn là giám đốc hay công nhân, mẹ bạn làm bao nhiêu tiền một tháng, chỉ riêng việc chúng ta được ba mẹ tạo ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ để có thể ngồi đây và đọc những dòng này đã là một điều may mắn, có thể cái may mắn mà chúng ta có được đã gấp đôi ba lần so với rất nhiều người khác ở ngoài kia. Nên hãy trân quý và đừng phí hoài.

Trên thế gian này chẳng có gì là hoàn hảo cả, chẳng ai có quyền chọn lựa nơi mình sinh ra, nên hãy chấp nhận cuộc sống của chính mình, đừng vì quá tham lam danh vọng và những phù du ngoài kia mà bỏ quên một mái nhà nơi có bậc sinh thành đang già đi từng ngày, đừng để đến khi va vấp, đến khi bị cuộc đời nhẫn tâm cào xé, thì mới sực tỉnh mới tìm về ba mẹ, liệu có kịp?

Chúng ta, ai rồi cũng đến lúc đủ lớn để mong mình bé lại, khi cuộc sống quá nhiều mỏi mệt lại chỉ muốn lui về một góc, tránh xa những bon chen, lừa lọc ngoài kia. Chỉ muốn chui vào lòng mẹ, tựa đầu lên bờ vai vững chắc của ba, muốn cuộn tròn trong mái nhà thân thương quen thuộc, có tiếng mẹ í ới, có khói bếp ấm nồng. Cuộc đời này vốn dĩ có quá nhiều vết xước, nên tôi, bạn và chúng ta, hãy cứ mạnh mẽ với phong ba bão táp ngoài kia, nhưng hãy nhớ quay về nhà khi chiều muộn, hãy cứ là đứa trẻ trong vòng tay ba mẹ, để tìm về những nũng nịu ngây thơ, hãy để tình yêu của ba mẹ xoa dịu những vết thương mà ta vô tình bị xô bồ ngoài kia mang lại. Vì tận sâu thẳm trong mỗi con người thì gia đình và ba mẹ luôn là nơi an yên nhất.

Nên lúc này đây, nhân lúc ta chưa kịp lớn hơn nữa, ba mẹ cũng chưa già đi nhiều hơn, hãy trân trọng những giây phút có ba mẹ bên cạnh vì cuộc đời này có ba mẹ đã là một đặc ân!

 

Nắng Ấm

Chỉ là một ngày khác, chết

Featured Image: Troche

 

Mình không nghĩ sinh nhật là một ngày đặc biệt trong cuộc đời, bởi vì quả thật là nó không có một chút gì đặc biệt. Tuổi hay thời gian không làm cho người ta ý thức sự khác biệt mà nó đem lại, con người thường không nghĩ rằng họ đang già đi, người ta luôn có cảm giác mình bất tử, bất biến cũng giống như việc người ta không thể tìm được sự khác biệt khi nhìn vào đôi mắt của mình trong gương ở thời điểm hiện tại và so sánh nó với đôi mắt của đứa trẻ nhiều năm về trước. Và quả thật, chả có sự khác biệt nào ngoài việc người ta gần chạm đến cái chết, được trả lời câu hỏi điều gì sẽ tiếp diễn đằng sau cái chết mà nhiều lần chúng ta băn khoăn.

Nhưng rồi họ cũng nhận thấy họ đang già đi bằng việc phát hiện thấy sự thay đổi của những người xung quanh. Dù sao thời gian cũng nhân từ khi không bắt người ta phải đón nhận một cái chết đột ngột mà đặt vào thế giới của họ những dấu hiệu báo trước. Nhưng có lẽ, một cái chết đột ngột không có gì là tàn ác với chủ thể, nó chỉ đem lại cảm giác khó chịu cho những người đang sống chứ người chết thì hết. Và các dấu hiệu giúp người ta chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi của những gì họ yêu quý, 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn thế, để cho họ hiểu được cái chết thật sự sẽ thế nào.

Tất nhiên, mình cũng không phải ngoại lệ. Mình cũng nghĩ mình vẫn ngây thơ như 15 năm về trước, thời gian cũng không làm thay đổi đôi mắt của mình. Nhưng rồi mình cũng nhận ra. Gần đây những món ăn của mẹ đã dần không hợp với mình nữa, mẹ cũng bắt đầu quên nhiều hơn…, cũng không mất công để tìm câu trả lời cho những thay đổi đó là gì, do mình đã thay đổi khẩu vị, hay mẹ đã thay đổi cách nấu ăn, hay mẹ phải suy nghĩ nhiều hơn nên hay quên hơn… Mình tin đó là những dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của thời gian.

Đôi khi người ta nói về sự đẹp đẽ của cái chết bằng việc trích dẫn một câu nói nào đó tương tự như câu nói của Steve Jobs rằng:

“Cái chết có lẽ là phát minh tốt nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi của cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới.”

Nhưng mình thì nghĩ khác, mình tin nó là thử lãng xẹt nhất mà tự nhiên mang lại, chính vì nó mà cuộc sống cũng trở nên vô nghĩa, vô dụng. Người ta xuất hiện, kiến tạo vài thứ, thay đổi vài thứ, đập đi vài thứ và nghĩ rằng họ là một phần của vũ trụ một phần không thể thiếu của thế giới, rồi họ chết, và những gì họ thay đổi và kiến tạo cũng sẽ chết. Có thể con người là một phần của vũ trụ, những là một phần vô nghĩa của nó giống như một dấu chấm bằng bút nước trên mặt bảng có thể xóa đi mà không để lại dấu vết nào hết.

Hồi bé thỉnh thoảng mong mình được trở thành bất tử. Nhưng nếu có một liều thuốc bất tử duy nhất. Và nếu ai là người uống nó, có lẽ đó là người bất hạnh nhất trên thế giới vì họ phải chứng kiến cái chết của những điều họ yêu quý những thứ sẽ chiến thắng sự chịu đựng của một con người, nhưng may thay tạo hóa đã không làm điều đó với hầu hết con người khi vẫn để lại những người họ yêu quý đưa họ đến với cái chết.

Mình đã từng tin vào nhiều thứ nhưng hầu hết những thứ đấy đều không còn nữa, mình không cảm thấy bất hạnh về việc đó. Mình đã từng tin về vẻ đẹp của con người, sự đặc biệt đến lạ kỳ khi thần thánh tạo nên con người như hầu hết các truyền thuyết, mình từng tin về sự đặc biệt của bản thân với sự kết nối đến vụ trũ với “lực hấp dẫn” phi thường, vô hình có thể làm mọi điều người ta muốn và nhiều thứ khác nữa, nhưng như đã nói, những thứ đó không còn nữa, mình thấy mình thật nhỏ bé đến vô nghĩa trước vũ trụ như sự bất lực của con người trước những cái chết định sẵn từ khi họ được sinh ra.

Nhưng cảm giác nhỏ bé làm cho người ta thấy thật nhẹ nhàng, cảm giác cuộc sống vô nghĩa làm người ta dễ dàng coi mọi thứ là phù phiếm và đem lại một cảm giác dễ chịu hơn

Dù sao mình cũng sẽ sống đến hơn 100 tuổi, để có thể tiêu xài đầy đủ số tiền bảo hiểm nhân thọ mẹ mới đóng cho mình (chỉ là cho vay thôi).

 

Itlboy