29 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 192

Chuyện nhỏ xíu ở nước Mỹ

Featured Image: Robin Jaffray

 

Người ta thường nói nước Mỹ là thiên đường. Thành ra tôi tự nhủ phải tận dụng từng phút từng giây sống ở đất nước này để quan sát và cảm nhận bằng hết cuộc sống thiên đường dưới mặt đất từ lúc đặt chân tới đây cho tới ngày cuối cùng trở về để đi tìm câu trả lời của riêng mình.

Không ai nói với ai nhưng cảm giác chung của những người lần đầu, hay những lần đầu tới nước Mỹ, đều ngạc nhiên, trầm trồ, thán phục về vẻ đẹp cũng như những điều khác biệt họ lần lượt khám phá được của đất nước này mà nước họ không có, hoặc có nhưng không ấn tượng bằng. Cảnh đẹp thì không giới hạn, không đóng khung vào hình mẫu nào cả. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất có một vẻ đẹp riêng, một kiến trúc riêng, một lịch sử riêng không lẫn vào nhau. Nhưng vẻ đẹp của nước Mỹ có cái gì đó chạm được tới tâm can của khách thập phương, nhất là của những người tứ xứ tìm đến miền đất này sống và học tập xa quê hương, dù không gọi tên được vì nó không chỉ giới hạn trong một điều, hai điều mà là trong từng cảm nhận khác nhau của những người khác nhau tạo thành. Tựu chung lại, đó là vẻ đẹp riêng của nước Mỹ tạo nên bởi những con người Mỹ.

Kể một vài chuyện nhỏ xíu để các bạn dễ hình dung con người Mỹ tạo ra sự khác biệt thế nào. Nếu bạn là người từ nước khác đến, đang đi trên đường phố Mỹ với bộ dạng ngơ ngơ ngáo ngáo, băn khoăn có vẻ như đang cần giúp đỡ, cần hỏi đường… thì chắc chắn chưa cần mở lời nhờ giúp đã có người tiến về phía bạn hỏi xem họ có thể giúp gì bạn được không kèm theo nụ cười rất thân thiện. Tôi đã liên tục nhận được sự trợ giúp như vậy trong hầu hết những ngày mới đến khi lang thang trên đường. Lúc thì tìm địa chỉ ở Wilson Blvd thay vì đi đúng hướng thì lại đi ngược lên hướng ra trạm Metro Rosslyn. Anh trung niên nhìn thấy hình bản đồ trong điện thoại tôi cầm trên tay thì chỉ hướng đi ngược lại, còn tặng thêm câu động viên “cũng không xa lắm đâu“, như một làn gió mát giữa trưa nắng 90oF (~ 32oC), dịu cả người.

Lúc thì ở Metro hỏi cách mua thẻ, nạp tiền thế nào. Người nhân viên ngồi trong quầy hướng dẫn thấy tôi lớ ngớ lập tức ra khỏi quầy, đến tận từng bảng chỉ dẫn hướng dẫn tận tình, vui vẻ, kiên nhẫn giải đáp mọi yêu cầu không hề tỏ ra sốt ruột. Thậm chí có lần gặp người cùng xuống ga Metro hỏi tôi cần giúp gì, khi thấy họ không biết rõ tuyến đường tôi cần đi còn dắt tôi ra tận xe bus gặp tài xế để hỏi, và khi biết chắc là tôi tìm được cách đi đúng mới vẫy tay tạm biệt.

Tôi đã đi các loại phương tiện khác nhau: Tàu điện ngầm Metro, xe bus, tàu điện (light rail), tàu lửa (train) thì một đặc điểm chung là tiết kiệm được rất nhiều công sức của hành khách. Thứ nhất có một loại thẻ vừa đi được tàu điện Metro vừa đi được xe bus rất tiện. Mua thẻ cứng (SmarTrip) thì còn có thể nạp tiền nếu thẻ hết tiền) để đi lại lâu dài. Ngạc nhiên đầu tiên là đi tàu lửa trước lúc khởi hành cũng có 5 phút hướng dẫn an toàn và có tờ hướng dẫn để ở mặt sau ghế trước hệt như đi máy bay. Thật là yên tâm với những hướng dẫn như vậy cho những khách mới đi lần đầu. Nào là bạn hãy theo dõi từng bước chân khi bước lên tàu (Watch your step…)… Tôi ít đi tàu lửa ở Việt nam, không biết tàu lửa của chúng ta bây giờ có dán những hướng dẫn này trên tàu không? Ai biết xin trả lời giúp tôi.

Ngạc nhiên thứ hai là lên xe bus chỉ cần bỏ tiền vào máy tính tiền hoặc cà thẻ ngay khi bước lên. Không có người soát vé và cũng không cần phải báo cáo với tài xế “tôi xuống chỗ a,b,c…” gì sất. Dòng chữ điện tử thông báo tên đường hoặc tên giao lộ sắp đến hiện ra ngay trên đầu xe, hành khách nào cũng có thể nhìn thấy. Muốn xuống chỗ nào bạn chỉ cần giật sợi dây “stop requested“ (đề nghị cho xuống) là được toại nguyện. Dòng hướng dẫn “nhấn vào sợi dây màu vàng” để yêu cầu được xuống ghi ở rất nhiều nơi trên thành xe bus. Thật là tiện lợi. Chỉ cần quan sát và làm theo, ai cũng có thể làm, không cần phải la to cho cả làng nghe “tôi xuống chỗ này”… hay chăm chú nhìn đường cho kỹ để tránh bị nhầm bến như ở mình. Điều thú vị là khách xuống xe bus giữa chừng thường hay chào tài xế “chúc ngày tốt lành“… thật dễ thương.

Cái hay nữa là tất cả các tuyến tàu, xe đều có thể Google là ra hết, có đầy đủ cả sơ đồ tuyến đường lẫn giờ tàu. Chỉ cần có internet/3G trong tay, bạn cứ việc Google là thoải mái lên đường. Google map cũng giúp bạn đầy đủ từng lộ trình, khúc này đi bộ, khúc kia đi bus, khúc kia đi Metro… không chệch vào đâu được, rồi thì đoạn đường này đi mất bao nhiêu phút, tổng thời gian hết bao nhiêu phút…. rõ ràng, cụ thể. Mà giờ tàu, xe bạn yên tâm là chính xác. Tôi có lần cũng vì sự nhiệt tình quá của anh bạn cùng đường. Thay vì chỉ cần trả lời tôi cái trạm này tên Penn Station đúng không, thì anh ấy còn tận tình chỉ rõ cách đi thế nào từ trạm Light Rail tới Nhà ga Penn Station, nên cửa tàu chỉ mở mấy giây rồi đóng lại, báo hại tôi phải đi tới đi lui mấy bến, mấy tàu vì có tàu không ghé trạm đó và khi lội được tới nơi thì tàu chạy mất rồi.

Ôi cái sự tàu chạy đúng giờ làm tôi chậm 1 phút mà phải chờ 1 giờ mới có chuyến tàu tiếp. Nhưng mà cũng vui, vui vì biết chắc mình là người từ xa đến đi đâu cũng được giúp đỡ. Vui vì đi đâu cũng thấy những nụ cười, những sự trợ giúp đầy ân tình mến thương. Vui vì khi đi bộ cùng một bạn trẻ kéo valy cũng đi cùng tôi tới Ga Penn Station, biết tôi sắp muộn giờ tàu cứ giục tôi đi đường này ngắn nhất, và tới mỗi góc đường dành cho người đi bộ, đều chạy vào nhấn nút xin đường để được ưu tiên. Thế mà rồi vẫn lỡ tàu như thường.

Chưa kể suýt lỡ thêm một chuyến nữa vì hỏi ngay một anh cũng cà lơ phất phơ như mình, suýt nữa thì cả hai đều bị lỡ chuyến do cùng một giờ (2 giờ 35 phút) tại cùng nhà ga có 2 chuyến tàu cùng chạy về Washington DC, cùng boarding (lên tàu) một lúc, nhưng khác nhau là, chết tiệt, hai tàu của hai hãng khác nhau. Mà tệ hại nhất là cái tên trên vé cùng đề AmTrack, trong khi cái tàu tôi mua vé là Marc Train thì dòng chữ Marc Train lại in nhỏ xíu ở bên dưới nên không để ý. Tôi và anh bạn kia là 2 hành khách cuối cùng chạy lên tàu và cửa đóng. Hú vía. Nhờ khả năng đi bộ và chạy qua đường mỗi lúc băng qua các ngã tư được tập luyện mỗi ngày ở đây mới cứu được tôi lần này J.

Kể chuyện đi lại mãi cũng chán. Kể chuyện mua sắm nhé. Có lần khi mua một ổ cắm điện chuyển đổi từ đầu cắm tròn sang dẹp giá 5$, ( bạn nhớ là nước Mỹ , hay chắc chắn hơn là vùng DC/VA tôi ở không dùng phích cắm có lỗ tròn), anh chàng bán hàng da trắng tóc xoăn còn đề nghị phải lấy để thử xem có vừa không mới chịu bán. Anh ấy còn giải thích rằng may là tôi có mang theo đồ để thử, chứ nếu không vừa thì mua về không sử dụng được rất lãng phí.

Lần khác trong một siêu thị, tôi đã mang đồ ra quầy tính tiền thì mới phát hiện ra trong siêu thị còn có tầng lầu. Tôi hỏi anh chàng da màu nhân viên tính tiền, trên đó bán gì, được biết có bán thứ tôi đang cần mua, bèn tỏ ý lên lầu mua tiếp. Anh này cười rất dễ thương, để đồ đó tôi giữ cho. Tôi ung dung lên lầu ngắm nghía chọn lựa, cũng khá lâu mới xuống thì thấy anh chàng trẻ tuổi kia đã đóng quầy, đang ôm giỏ đồ của tôi, chỉ đứng chờ tôi xuống là đem sang quầy khác bàn giao. Tôi bối rối xin lỗi khi biết vì anh ấy vừa hết ca làm, nãy giờ phải chờ tôi “dung dăng dung dẻ” trên lầu. Nhưng nụ cười có chiếc răng khểnh khá duyên của anh ấy làm tôi bớt ngại. Còn nhắc tôi nhớ lấy cái nón tôi để trong giỏ hàng kẻo quên.

Bạn biết không, có hai điều ngạc nhiên, khác với quê nhà mình khi đi siêu thị (mall) ở đây. Thứ nhất, bạn có thể tự tính tiền không cần nhân viên, ở máy tự tính tiền riêng. Thứ hai nếu khách hàng không quá đông, nhân viên tính tiền luôn tự sắp đồ lên băng truyền tính tiền. Những món đồ tạm coi là hơi nặng bạn cứ việc để ở xe đẩy, nhân viên tính tiền sẽ tự lấy máy quét giá món hàng ngay tại xe đẩy, chứ không máy móc phải đặt lên bàn. Một quầy tính tiền ở những siêu thị lớn (costco) thường có 2 nhân viên và ở đâu bạn cũng thấy nhân viên mỉm cười tươi tắn với khách hàng.

Đi ngân hàng còn là “thượng khách hơn nữa“. Chưa cần biết bạn có thuộc loại khách VIP hay khách thường, mở cửa vào được chào đón nồng nhiệt, mời vào bàn có người tiếp riêng. Một chai nước mát lạnh đưa đến trước, rồi bạn mới cần nói những yêu cầu của bạn. Sự ân cần, tận tình và luôn luôn hỏi lại để chắc chắn là bạn đã hiểu đúng ý của cô nhân viên trao đổi và chắc chắn đó là điều bạn muốn. Điều này tôi cũng đã được chứng kiến ở Citibank Tp.Hcm (không phải quảng cáo cho Citibank đâu nhé, mà cái gì của nước mình hay cũng phải khoe cho mọi người biết), nhưng khác hơn là Citibank cũng chỉ phục vụ đặc biệt với khách hàng VIP thôi và khác hơn nữa là ở đây thẻ debit được phát hành ngay lập tức và cũng có hiệu lực ngay tắp lự.

Ở đây, tôi chưa từng bị từ chối giúp đỡ bao giờ. Từ những câu hỏi thăm rất cơ bản ai đi tàu cũng phải biết là đón tàu metro nào, đi hướng tàu nào để về được điểm mình cần (nếu lên nhầm tàu thì sẽ mất thời gian), cho đến những câu hỏi như học sinh vỡ lòng là: Đồng xu nào là quarter (25 cent), đồng nào là dime (10 cent), đồng nào là nickle (5 cent), đồng nào là penny (1 cent) mỗi khi trả tiền cứ loạn hết cả lên. Mà hay nhất là hỏi ai cũng nhiệt tình giảng giải, trả lời. Bạn đã thấy thiên đường mờ mờ chưa J. Thế này đã là gì đâu. Ở nước văn minh nào chẳng có. Đúng là người ta thường sẵn lòng hơn với người lạ, nhưng ở nơi mà tất cả đều có chung cách hành xử, đều sẵn sàng trao tặng nụ cười như ở nơi này thì không phải tất cả mọi nơi. Hay là chỉ có tôi gặp may?

Nước Mỹ có là thiên đường như người ta nói không, tạm thời tôi cũng chưa dám đặt tên, chỉ gọi là một đất nước văn minh, thân thiện cho nó gần nhất với những cái tôi đang cảm nhận. Còn nó có phải thiên đường hay là hạ giới hay cái gì khác thì tôi sẽ trở lại trong những câu chuyện khác hầu các bạn sau. Mọi thứ đều có thể đổi thay. Cảm nhận của tôi rồi mai đây cũng khác. Nhưng bạn tin tôi nhé, những câu chuyện này hiện giờ đang là những cảm xúc trong trẻo, cảm xúc mặn nồng nhất với nước Mỹ nói riêng và vùng đất tôi đang sống DC/VA như một thời kỳ trăng mật của bất cứ lữ khách nào từng đến và từng sống trên nước Mỹ đều phải có. Người ta đã chỉ ra điều này, trong một bài giảng về Culture Shock cho sinh viên quốc tế. Bạn tìm trên youtube là có đấy.

Những câu chuyện nhỏ xíu này thật là nhỏ xíu như những hạt nhân nguyên tử đối với những người sống lâu ở Mỹ, nhưng vẫn còn là mới lạ cho những người lần đầu đặt chân tới nơi đây và càng lạ hơn đối với những người chưa từng ghé qua. Tôi ghi lại hầu mong cho những người cần biết thì khỏi phải tự tìm hiểu, những người muốn biết và mong muốn những chuyện nhỏ xíu này một ngày nào đó cũng là chuyện nhỏ xíu xiu trên quê hương chúng ta.

Một cách khách quan, ở Việt Nam tôi cũng từng biết có những chuyện giống như xứ thiên đường. Ấn tượng về một bệnh viện ở Đà nẵng có chế độ chăm sóc người già, người mắc bệnh hiểm nghèo thật đặc biệt mà khi biết ai cũng có cảm giác muốn được là công dân Đà nẵng. Chỉ là thông tin trên mạng, tôi không kiểm chứng được, nhưng ước gì chúng ta có nhiều bệnh viện như thế.

Một bệnh viện khác là bệnh viện Da liễu Tp.Hcm cũng có một sự khoa học và cải tiến trong cách phục vụ bệnh nhân tôi từng biết. Đó là bệnh viện dán ngay thông báo hướng dẫn các bước của quy trình tới khám bệnh, ngay trên cửa tiếp nhận bệnh nhân, từ khâu mua sổ tới khám bệnh, lấy thuốc như thế nào rất tiện cho bệnh nhân, khỏi phải thấy cảnh “người đi sau hỏi người đi trước” là điều thường thấy ở khắp nẻo công đường. Đôi khi tôi nghĩ, người Việt mình mắc bệnh nói nhiều, tà lanh, lanh chanh cũng là do đi đâu cũng phải hỏi nhiều, phải trả lời nhiều những điều lẽ ra ai cũng cần biết mà không được hướng dẫn cụ thể. Còn các công chức viên thì không biết cười và cũng chẳng có thời gian để trả lời mãi một câu hỏi trong một ngày. Tại sao chúng ta không cải thiện được điều đơn giản này nhỉ?

Bệnh viện Da liễu TpHcm còn có một dịch vụ ưu việt nữa mà tôi thấy rất đáng hoan nghênh, là dịch vụ khám bệnh qua điện thoại. Lệ phí khám bệnh đắt gấp 3 (nếu tôi nhớ không nhầm, chính xác là 150.000đ/1 lần khám ) bình thường, nhưng bạn được ưu tiên phục vụ rất nhanh, từ lúc khám tới khi lấy thuốc, xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra, tiết kiệm được thời gian ít nhất một buổi sáng nếu khám bình thường. Bệnh viện mở ra dịch vụ này vừa có thêm doanh thu, vừa phục vụ được nhu cầu chính đáng của các khách hàng bận rộn không có thời gian, vì bạn không tưởng tượng được số bệnh nhân tới bệnh viện này khám mỗi ngày đâu. 300-400 người, không ít.

À mà còn nữa, tại sao người Việt mình bị ghẻ ngứa, chàm lác gì nhiều thế… là câu hỏi lần nào tới đó cũng ám ảnh tôi? Nhưng thôi chuyện không liên quan. Chỉ muốn nói lời cảm ơn tới Ban Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Tp.Hcm và ước mong, lại ước, cho các bệnh viện khác, các cơ quan công quyền khác.. cũng có những hướng dẫn và cách làm khoa học như thế này để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của người dân mình thôi.

Cuối cùng, nói về nước Mỹ thì phải dành ít dòng cho Washington DC (DC) và Virginia (VA), nơi đã cho tôi cơ hội để viết ra những câu chuyện nhỏ xíu này.

Virginia đón tôi bằng những ngày nắng đẹp. Trời trong vắt. Ngay cả giữa trưa nắng cũng dịu dàng, không gắt như nắng quê nhà. Ngày ở đây thật dài. Mọi hoạt động thường nhộn nhịp từ 9 giờ sáng và kéo dài tới gần 7-8 giờ tối là thường. Nắng đến tận 8 giờ mới tắt hẳn. Lúc đó ra ngoài trời mới thấy gió se se. Virginia, DC, đâu chỉ thể nói mỗi từ đẹp lắm là xong, là đủ. Không muốn tìm đọc trước những bài viết, những mô tả về vẻ đẹp của nơi này trên google, mà tôi muốn tự mình cảm nhận, bằng tất cả giác quan của mình, bằng sự trải nghiệm từng ngày sống ở nơi đây.

Chỉ có điều lạ, là không biết tại sao đã từng đi qua một số bang khác trên đất này, nhưng chưa có nơi nào đem lại cho tôi sự quyến luyến, cảm giác thân thương như ở đây. Mỗi con đường, mỗi vạt cỏ, mỗi cánh hoa đã đi qua tầm mắt tôi trong những chiều lang thang tản bộ dọc theo những con phố yên tĩnh, sạch đẹp cứ làm trái tim tôi thương mến làm sao. Như những người bạn, như những niềm vui nho nhỏ chào đón tôi đến với miền đất lạ. Cả những người không hề quen tôi đã gặp trên đường đi, trong siêu thị, trong cửa hàng.. đều tặng tôi những nụ cười thân thiện, sự chỉ giúp, hướng dẫn tận tình.

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc câu chuyện dài lê thê này.

Sẽ còn trở lại với những câu chuyện khác…

 

Julia Le

Chuyện “cái like” và cái chết lãng nhách của bà Năm!

Featured Image: Crisis Relief Singapore

Bà Năm đang quét nhà thì bỗng thằng con trai út, khoảng 8 tuổi từ trong nhà hớt hảy chạy ra, bà Năm chưa kịp hỏi chuyện gì thì nó đã luôn miệng:

-Mẹ, mẹ mua cho con “cái like” đi.

-Hả? Cái gì? Mua cái biên lai làm gì ông nội?

-Dạ không, “cái like” chứ không phải biên lai.

-Là cái gì? Mày khùng hả? À, mua cuốn “như lai thần chưởng” hả? Mày muốn học võ công hả? Kêu ông già mày dạy cho.

-Trời ơi, là “cái like”. Con nói mẹ nghe nè, khi nãy con lên máy tính của anh hai, con thấy người ta ai cũng muốn “cái like” hết

-Là sao? Kể chi tiết coi.

-Dạ, là như này nè…

Bà năm nghe thằng con kể, nó kể tới đâu mồm bà há hốc thành chữ O chữ A tới đó. Bà ngạc nhiên vô kể, bà cứ tưởng mình đang nghe một chuyện hoang đường hay trong một bệnh viện tâm thần nào đó. Theo bà nghe thì “cái like” có thể giúp bà bán rau sống tốt hơn, giúp một em bé ở châu Phi đủ nghị lực sống tiếp dù đang trong cơn hiểm nghèo, thậm chí giúp một người sống lại (bà nghe đâu là đủ mười nghìn like hoặc nhiều hơn), và theo bà biết thì thậm chí có cả một đội “ăn xin like” (thằng nhóc có ví dụ cho bà nghe vài câu ăn xin kinh điển như  cho em một like đi, like em chút ngủ ngon, ai ghé qua nhớ cho một like nha.),….

Bà hỏi dồn:

-Thiệt hay xạo đó ông nội? Có những người như vậy thiệt hả? Anh chị mày tối ngày trong phòng có trong đội xin like gì không?

-Dạ thiệt, nhưng mà anh chị sao thì sao con biết, con chỉ vô tình biết vậy thôi.

Bà Năm bỗng chùn mặt xuống, rầu rĩ, vài nếp nhăn hiện rõ trên trán, hẳn là đang suy tính chuyện gì đó rất kỹ. Đang nghĩ ngợi thì thằng út vừa vào nhà vừa với lại một câu khiến trong một phần trăm giây bà có mong ước là chọi cây chổi đang cầm vào nó.

-Mẹ có đi chợ nhớ mua “cái like” cho con đó.

Chín giờ tối. Rất nhẹ nhàng, bà khẽ đi lại phòng con gái mình. Đến cửa bà lại rón rén đẩy nhẹ cánh cửa chỉ hở một chút, rất cẩn thận, bà nhìn vào. Trong phòng đứa con gái duy nhất của bà đang cầm cái điện thoại mà vài tháng trước nó khóc lên khóc xuống đòi ba nó mua cho bằng được. Con gái bà một tay cầm điện thoại để trước mặt, tay kia thì giơ hai ngón tay như kiểu “xin chào mày, điện thoại”, xong phồng mang trợn má nhìn như con dở người. Tiếp theo lại bấm bấm cái gì đó, mười phút sau nó vẫn như thế và tự ngồi cười một mình!? Bà năm hơi hốt hoảng, dường như đã kết luận được gì đó nhưng vẫn gõ cửa phòng cô gái, xong đi vào.

Bà hỏi nó:

-Con tên gì? Sinh tháng mấy? Đứa con gái ngơ ngác không hiểu gì, nhưng vẫn trả lời. -Dạ? Hả? Con là “Pé heo ngốc”, con cung xử nữ.

Bà Năm lập tức quay lưng ra khỏi phòng, khóc huhu.

Với chút hy vọng nhỏ nhoi, bà qua phòng của thằng con trai, tương tự như lúc qua phòng cô con gái, rất rón rén. Thằng này thì nó chụp hình đủ thứ, nó chụp đôi giày, chụp tô mỳ đang ăn, chụp con ruồi mà nó vừa bắt, chụp cục cứt chuột trong hóc… Bà hơi vui, hẳn thằng này có ước mơ làm nhiếp ảnh, nhưng cái cảm xúc ngắn ngủ đó liền tan thành mây khói khi bà nghe nó nói:

-Haizzz, viết gì đây ta? À, đang ăn mỳ, con ruồi phá đám nên mình lấy chiếc giày Ý mua ba triệu hai đập nó xong nhét vô cục cứt chuột. Há há. Hy vọng là được mười like.

Nghĩ về hai đứa con mình nuôi nấng và đặt biết bao hy vọng bỗng bà đau đớn tốt cùng, bà hộc máu y như trong phim kiếm hiệp. Trong những giây phút cuối đời bà chỉ kịp dùng máu trăn trối vài chữ: “Ông ơi, làm ơn đưa hai đứa con vào bệnh viện tâm thần (tới đó thì bà chính thức hy sinh, không viết kịp).”

*Hậu trường: Cô gái và đứa con trai khi thấy mẹ mình như thế thì không kìm được nước mắt, vội chụp hình đăng facebook cho mọi người cùng chhia buồn. Đáng thương ghê!

 

David Bectam

Nói “xin lỗi” khiến tôi văn minh thêm!

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Đường phố Việt Nam dường như có đầy đủ mọi thứ, duy nhất một thứ ít được dùng trên phố: Lời xin lỗi! Hồi ở Việt Nam, bản thân tôi cũng ít dùng những từ này, nhưng mọi sự thay đổi khi tôi sang bên Âu châu, nơi mấy từ “I’m sorry” được nói một cách thoải mái nhất.

Một ngày đi phố, nếu vô tình tôi chạm phải một người lạ, tôi xin lỗi và cũng được đáp lại một câu tương tự. Nếu trễ hẹn với ai đó, câu đầu tiên tôi thốt ra là lời xin lỗi trước khi ngụy biện một điều gì. Nếu tôi có phạm phải những sai lầm, dù là nhỏ nhặt, tôi xin lỗi. “Văn hóa xin lỗi” của người phương Tây đã thay đổi hoàn toàn tôi. Bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, hễ nếu chẳng may gây ảnh hưởng, tiếng xin lỗi ngay lập tức được người ta nói ra và trao cho nhau mà chẳng phân biệt già trẻ, lớn bé, kẻ lạ hay người thân trong nhà.

Nhưng với đa số người Việt thì khác: Họ không bằng lòng để phải nói ra lời xin lỗi. Điều này có vẻ không tương xứng với bề dày mấy nghìn năm văn hóa và kinh nghiệm ứng xử được đúc kết từ bao đời của dân tộc. Người Việt đề cao lối ứng xử tế nhị, ý tứ và trọng hòa thuận. Với họ lời nói vừa “chẳng mất tiền mua” mà còn có giá trị như những “gói vàng” nên phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy vậy mà nhiều khi mắc những sai lầm, nhiều người thật khó khăn để nói lời xin lỗi như một lối ứng xử thông thường nhất!

Trên thực tế, nhiều người Việt có lối hành xử “côn đồ”. Môt ví dụ thường ngày như nhỡ có hai người đâm quẹt xe vào nhau, ngay lập tức họ xuống xe và cãi lộn cãi lý để tránh đền bù dù chưa cần biết thiệt hư thế nào, có khi lại ẩu đả với nhau mà “chẳng lý sự lý siếc gì sất”! Ngược lại, ở phương Tây, họ xuống xe xin lỗi và cùng nhau gọi cảnh sát đến giải quyết mà chẳng mấy khi lời cãi cọ qua lại: Ai sai ai đúng, cứ theo luật mà định đoạt.

Triết gia Đức Feurbach nói: “Bản chất của con người chỉ bộc lộ ra trong giao tiếp.” Một lời xin lỗi được nói ra dù có thể chưa giải quyết được vấn đề nhưng nó thể hiện mình là con người lịch sự, có tư cách và văn hóa. Lời xin lỗi trực tiếp góp phần giải tỏa những khúc mắc và giúp cho con người trở nên vị tha hơn. Còn lối hành xử “côn đồ” chỉ làm cho con người thêm phần “dã man” hơn!

Một điều kỳ quặc trong xã hội Việt Nam là người lớn hiếm khi nói lời xin lỗi với con trẻ. Có lẽ đối với họ, trứng không thể khôn hơn vịt và người lớn thì luôn đúng chăng? Trong gia đình cha mẹ cũng ít khi xin lỗi con cái mà thường là con cái hay cảm ơn và xin lỗi cha mẹ. Điều này cũng tác động không nhỏ đến cách ứng xử của con trẻ: Tuổi càng lớn thì việc nói lời xin lỗi càng ít đi, dần dần chẳng khác gì những ông bố bà mẹ của chúng!

Vậy vì sao nhiều người Việt không bằng lòng để phải nói ra lời xin lỗi? Ấy một mặt là do cái tôi của họ quá cao, không chịu nhún nhường. Người Việt rất trọng “sĩ diện” và cảm giác làm sai một điều gì đó khiến họ có vẻ bị mất mặt nên cố tình lấp liếm. Nhất là giới quan chức, thử hỏi với hàng tá những sai lầm trong quản lý, có mấy lần họ ra mặt xin lỗi dân hay tìm cách chối đẩy trách nhiệm? Mặt khác, nhiều người Việt Nam ít khi cảm ơn hay xin lỗi chỉ vì cho đó là một sự khách sáo hoặc họ không có thói quen sử dụng những từ ngữ trên. Hay phải chăng người Việt đang trở nên lỏng lẽo trong những chuẩn mực ứng xử?

Làm người chẳng mấy khi được vẹn toàn trăm đường nên có những sai lầm là điều tất nhiên. Có thừa nhận sai lầm, xin lỗi và tiến hành sửa sai mới là cách ứng xử đúng mực. Có biết cảm ơn và nói lời xin lỗi thật lòng mới phù hợp với đạo lý truyền thống và chiều dài văn hóa của dân tộc. Một lời xin lỗi cho những sai lầm dù nhỏ nhặt nhất cũng giống như “những lời nói thân thiện, tuy chẳng đáng giá, nhưng mang lại nhiều điều” (Ngạn ngữ Tây Ban Nha).

Còn với tôi, nói xin lỗi với những sai lầm, tôi thấy mình văn minh thêm!

 

Giang Đinh

Có những ngày…

Featured Image: Lizzy Gadd

 

Có những ngày chỉ muốn đi thật xa
Bỏ lại đằng sau những nhịp đời hối hả
Muốn đến một nơi mà xung quanh toàn là người dưng nước lã
Muốn quên đi chính bản thân mình…

Có những ngày muốn đón ánh bình minh
Muốn nhìn mặt trời lên sưởi ấm cho vạn vật
Muốn sống một cuộc đời rất thật
Với những con người chẳng cần thiết phải nhớ mặt đặt tên…

Có những ngày ước rằng mình là người không tuổi, không tên
Không quá khứ, không tương lai, chỉ có hiện tại
Có những ngày muốn thời gian dừng lại
Đừng trôi hoài trôi mãi để cõi lòng xót xa…

Có những ngày chỉ muốn trở lại ngày hôm qua…

Một Đời Quét Rác

[BDTT8] Khói Sẽ Làm Mắt Tôi Cay – Hoàng Công Danh

Featured Image: Bìa sách “Khói Sẽ Làm Cay Mắt Tôi”

 

“Buổi chiều tôi lên đê một mình, lặng lẽ gom lại một ít hương xưa cất vào đâu đó trong sự bộn bề tuổi trẻ. Cỏ may cứ dùng dằng níu lại. Dăm con bò còng lưng cõng gió, vài cánh cò nhẫn nại hớp sương. Thế là thành quê hương. Giản đơn và hồn hậu. Có ngần ấy thôi nhưng coi hoài không thấy chán. Chiều nay bạn từ xa về, bạn nói đặt chân xuống làng một cái tự dưng mình hết muốn bon chen. Bạn nói quê hương luôn đẹp đối với những ai biết đủ.”

Đoạn văn trên được trích trong bài “Men dọc triền đê”, một trong số ba mươi bảy bài tùy bút ngắn được gói gọn trong cuốn “Khói sẽ làm mắt tôi cay” của Hoàng Công Danh. Tôi đã bị cuốn hút bởi văn phong giản dị mà thâm thúy, lối miêu tả đơn giản nhưng độc đáo, và đặc biệt hơn hết là tôi có thể cảm được tình yêu nồng nàn của tác giả dành cho quê hương Quảng Trị. Tôi muốn giới thiệu đến các bạn quyển sách này vì với tôi đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà đó là cả một nền văn hóa của người Việt.

Một tác phẩm “ngược dòng”

Tôi xin mạn phép gọi Hoàng Công Danh là anh, vì tác giả chỉ lớn hơn tôi có ba tuổi (anh sinh năm 1987). Tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó, vì anh còn quá trẻ để viết được những dòng văn mà với tôi là khá “cứng”. Trong khi những cây bút trẻ khác hồ hỡi chạy theo những chuyện tình ướt át, ủy mị, những tản văn miên man, đầy chất teen và hiện đại thì anh lại đi ngược chiều. Đó cũng là nét độc đáo của tác giả. Những nhân vật của anh là những người đã cùng anh trải qua tuổi thơ thần tiên tại quê nhà như bạn bè, ông nội, cô bé chăn trâu, con bò, con nhái, chim én, ánh trăng,… Một điều đặc biệt nữa là do Hoàng Công Danh là Thạc sỹ Vật lý Lượng tử tại Belarus, nên có một số chi tiết nhỏ anh đã giải thích bằng các quy luật vật lý. Điều đó không làm cho văn của anh nhàm chán mà ngược lại làm cho người đọc thích thú hơn.

Từ đầu đến cuối quyển sách, người đọc chỉ thấy một tình yêu mãnh liệt với quê hương của tác giả, thỉnh thoảng có xen lẫn một vài cảm xúc bất chợt của tình yêu đôi lứa. Người đọc như được chạm đến địa danh Triệu Phong một cách chân thực vì lối miêu tả chi tiết, sống động và sắc nét. Ví như khi một đọc đoạn miêu tả hoa mười giờ trong bài “Đất nở hoa”sẽ thấy cái nghệ thuật so sánh của Hoàng Công Danh:

“Hoa mười giờ hồng thắm và có một bố cục xếp cánh chặt chẽ. Mỗi cánh hoa mang hình một cánh bướm điệp màu. Lối khai hoa của nó cũng bất ngờ như cách xòe cánh họ nhà bướm. Độ gần trưa, chỉ cần nắng vỗ nhẹ thì tất cả búp bất ngờ bung ra đồng loạt. Nếu chạy đi đâu đó một chút rồi quay lại thì cả vườn hoa đã loát hồng lên. Từ đó tôi gọi hoa mười giờ là hoa của sự bất ngờ. Cái bất ngờ như nụ hôn của gã lưu vong từ độ nào trở về lại gặp người tình xưa cũ, chưa nói năng chi đã vồ lấy đôi má muồi duyên.”

Việt Nam đậm nét trong từng câu chữ

Tác giả viết quyển tùy bút trong thời gian du học tại Belarus từ năm 2007 đến 2010. Có lẽ trong thời gian đó, Hoàng Công Danh đã rất nhớ quê, nên cảnh vật tái hiện trong anh rất rõ nét, và có thể nói đó cũng chính những hình ảnh đặc trưng nhất của nông thôn Việt Nam. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh hoàn mỹ dẫn người đọc đi từ cồn Mai đến chòi sĩ tửrồi đứng dưới cây khế sau nhàvà ngẩn ngơ ngồi dưới thềm trăng.

Ngoài ra, anh cũng đã chiếu một đoạn phim ngắn về những hoạt động ngày Tết rất mộc mạc như đi chợ Tết, hái lá mai, đón ông bà, nấu bánh, đốt pháo,…. Nếu ai đang xa xứ thì đây quả là liều thuốc tuyệt vời để chữa bệnh nhớ thương quê hương. Còn với những ai được sinh ra và lớn lên nơi thành thị tấp nập, thì đây sẽ là một bản đồ văn học dẫn đường bạn đến với nông thôn hiền dịu. Hay với những ai vẫn còn luyến tiếc tuổi thơ ngây dại thì đây sẽ là chiếc vé vô thời hạn để quay về bất cứ lúc nào.

“Cho đến khi trở lại quê nhà, mỗi hoàng hôn đều cho tôi được tắm gội lại màu nắng năm xưa, khơi gợi lại cảnh cũ. Quê hương đổi thay nhiều, nhưng cứ vào hoàng hôn thì mọi hình dáng năm xưa lại trở về, đơn giản bởi cái lũy tre bao bọc phía sau làng, hay là những nóc nhà đều chỉ còn lại một màu xám đen ngược sáng…” [Hoàng hôn quê nhà]

Hãy cùng tác giả bước từng bước trên miền quê Quảng Trị

Hãy một lần cùng Hoàng Công Danh nếm trải “Pháo Tết ngày xưa”; “Rơm rạ quê mùa”; “Hạt lúa sau mùa”; hay “Nếp tranh xưa”; để được chơi những con tò he, được nghe tiếng nhái râm ran hay được đi tát nước dưới trăng. Và còn tuyệt hơn nữa vì bạn sẽ được tác giả mời một bữa cơm mới – “… Bữa cơm đầu tiên nấu từ hạt lúa mới gặt. Trong một buổi chiều chạng vạng, bên thềm hiên, mùi cơm mới thơm hương vị cánh đồng, nguyên vị sữa ngọt và cái dẻo mềm đến nỗi mỗi hạt cơm lùa vào miệng đều dính ngay ở đó. Người ta bảo cái dẻo của cơm lúa mới là để mình ngậm mà nghe, cảm nhận thành quả sau một vụ mùa.” [Câu chuyện mùa hạ].

Để rồi thả lòng hòa quyệt với thiên nhiên, để thấm đẫm cái hồn dân tộc, để uống cạn những giọt tinh hoa của nông thôn đất Việt.

Tôi không định phân tích hết cuốn sách vì trình độ văn chương của bản thân không đủ, và một lẽ nữa là vì tôi không muốn làm mất đi sự tò mò của các bạn. Mong muốn duy nhất của tôi là bài viết có thể mang đến cho những con người yêu sách biết thêm về quyển tùy bút tuyệt vời này. Quyển sách là một tác phẩm sâu sắc dành cho những ai “…vô tình bỏ quên ánh trăng để đến với những ngọn đèn đường, bỏ quên cái thanh bình để tìm đến sự đô hội. Để một hôm thèm sự dân dã, dịu dàng, thơ mộng, chợt nhớ ra còn có một thềm hiên ngồi đón trăng về.” [Ngồi dưới thềm trăng].

 

Thụy Yên


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Giáo dục thiếu đạo đức

Featured Image: tpsdave

 

Nhiều lần cải cách giáo dục, nhiều đề án đưa ra nhằm phát triển giáo dục. Nhưng giáo dục Việt Nam đang đi về đâu khi trên mỗi mặt báo gần đây có hàng chục vụ giết người do học sinh thực hiện như: Học sinh giết bà lấy tiền chơi điện tử, 9x giết bạn phi tang trong bể nước, nam sinh giết người vì bị bạn nhắc nhở trong lớp, giết người yêu rồi chia sẻ tâm trạng trên facebook,… Còn hàng trăm vụ án gây ra bởi sản phẩm của “nền giáo dục hiện thời“: Nam sinh tự thiêu trượt đại học, nam sinh tự thiêu vì không được yêu, học sinh chửi thầy cô giáo trên mạng xã hội..Vì sao xã hội lại trở lên thế này! Chỉ vì lý do đơn giản mà sinh ra hằn thù đâm chém nhau.

Thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều học sinh không còn hứng thú thích học đến trường, mà bị cha mẹ ép. Học sinh đếp trường phải chịu áp lực quá lớp về học hành thi cử. Lịch học của một học sinh thành phố dày đặc ngoài 2 buổi học trên trường tối đến còn phải học thêm kỹ năng sống, các môn nghệ thuật như nhạc, vẽ,.. Đặc biệt, lịch học lớp 12 rất nặng, kín cả tuần. Học tập không còn là niềm say mê, hứng thú, ham tìm tòi hiểu biết nữa. Nhiều học sinh chia sẻ chán học vì giáo trình quá nặng, nhiêu đó vẫn chưa đủ: Cuộc sống bên ngoài cám dỗ học sinh hơn trường học.

Về phía trường học, trường học đã dạy gì cho học sinh? Trường học dạy học sinh biết phục tùng. Giáo viên thúc ép học sinh học, trường học chạy theo thành tích, giải thưởng mà không quan tâm học sinh nghĩ gì.

Trở lại chủ đề chính, nguyên nhân nào mà xã hội trở nên suy thoái như thế. Nguyên nhân sâu xa học sinh không được dạy “đạo đức” trong chính nhà trường và xã hội. Trường học chỉ dạy lý thuyết không dạy thực tế, gia đình không giáo dục “đạo đức” con cái mà phó mặc cho nhà trường. Nhà trường là “cái lò trông trẻ khổng lồ mà an toàn nhất”. Sau bao cải cách giáo dục, sao không cải cách giáo dục trong trường học -“một cải cách vô cùng dễ dàng”. Nếu một học sinh, hoặc thanh niên sau khi ra trường biết suy nghĩ một cách độc lập, suy nghĩ trước khi hành động thì đâu dẫn đến những vụ án thương tâm.

Bộ giáo dục đang tập trung vào đề án cải cách “cực lớn” cuối năm 2014. Nhưng xin bộ hãy cải cách “đạo đức” trước, đừng đưa ra dự án ngàn tỉ thiếu khả thi, thâm hụt ngân sách nhà nước. Cần cải cách đạo đức lối sống ngay bây giờ, nếu không quá muộn .

Một số cải cách vô cùng cần thiết với trường học, gia đình:

Bỏ đi mặc cảm tự ti chán học vì học kém: Trường học hãy dạy cho học sinh cách học tập hiệu quả, cách làm việc theo nhóm. Có thể ví dụ cụ thể: giáo viên chia lớp học nhiều nhóm giao bài tập, thậm chí bài kiểm tra cho nhóm làm và dạy học sinh cách phân chia công việc hiệu quả. Nếu có sự hướng dẫn phân chia công việc của giáo viên, các học sinh sẽ tự vận động suy nghĩ bản thân tìm nguồn tài liệu mà làm bài. Ban đầu có thể chưa tốt, nhưng thực hành nhiều kết quả tốt hơn. Cách học này có thể gúp học sinh dần hòa đồng xóa nhòa cảm giác tự ti học sinh kém.

Dạy học sinh cách tư duy độc lập trước một vấn đề mà không phải dựa vào bạn bè gia đình. Đưa ra những vấn đề của xã hội học sinh có thể tự do chia sẻ đưa ý kiến.

Cha mẹ hãy dạy học sinh cuộc sống bên ngoài xã hội cực kỳ khốc liệt, không giống trong game. Dạy chúng cha mẹ phải làm việc vất vả thế nào mới kiếm được đồng tiền. Có thể nêu ví dụ như sau: Cho học sinh một số tiền nhất định một tuần 1 lần, hướng dẫn con cái phân chia tiền nào được tiêu và tiền nào để dành, sau này có thể mua gì lớn hơn. Cách này hết sức hiệu quả với học sinh mẫu giáo và tiểu học dần dần hình thành thói quen tốt trẻ em không vòi vĩnh phải mua này nọ nữa. Khi lớn học sinh biết cách tiêu tiền hợp lý không phung phí. Cho học sinh, con em trải nhiệm cuộc sống đồng quê vài tháng để hiểu sự vất vả tạo những thứ chúng có.

Gia đình trường học dạy cần dạy cho học sinh thực hành “đạo đức” bằng việc nhỏ. Cần phải dạy ngay với học sinh tiểu học, không đặt nặng điểm số, có thể bãi bỏ điểm số học tiểu học càng tốt. Giai đoạn mẫu giáo và tiểu học là giai đoạn trẻ em có nhiều hứng thú say mê học nhất, cũng là giai đoạn định hướng đạo đức sau này. Cần dạy trẻ em học theo các nhóm nhỏ, vài em một bàn, tuy có ồn ào lớp học nhưng gúp trẻ em học tập tốt hơn không gò bó, có thể tự do phát triển tư duy.

Cần dạy trẻ em tiểu học thực hành đạo đức như: Cùng giúp đỡ nhau làm cùng một bài tập, đặc biệt dạy trẻ sống tự lập: Trong một bữa ăn tập thể, sau khi ăn xong các em phải tự dọn dẹp, quét dọn lớp học, cùng nhau dọn dẹp, chia lịch dọn lớp học cho từng nhóm. Cần rất nhiều sự vào cuộc gia đình đừng tạo lớp vỏ bọc, bao bọc qua hãy cho học sinh khám phá cuộc sống. Nếu làm được việc này, trẻ em có thể sống tự lập, biết tự giác.

Bộ giáo dục nên bãi bỏ không xếp loại thành tích nhà trường, không so sánh các trường. Tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi cho học sinh nhận thành tích không phải nhà trường. Như vậy có thể bỏ lò luyện thi trong nhà trường-lò luyện gà. Bao nhiêu học sinh thi học sinh giỏi trước đây chỉ giỏi có 1 hoặc vài môn-khi thiếu đi động lực sẽ cảm thấy chán học môn còn lại. Thì sau khi bỏ lò luyện thi, học sinh thi học sinh giỏi không những giỏi 1 môn yêu thích giỏi về tất cả các môn. Niềm say mê ham học học hỏi không phải bỗng dưng mà có mà phải rèn luyện lâu dài nhiều năm.

Sau cùng cần nâng cao chất lượng giáo viên, cuộc sống giáo viên khó khăn nên sinh ra nhiều tệ nạn, cần nâng lương cho giáo viên có thể sống mức khá, có chế độ đãi ngộ phù hợp. Chất lượng đầu vào nên chọn người có hạnh kiểm tốt, ưu tiên người yêu công việc nhà giáo. Trường không nên nhận nguyện vọng 2, vì nhà giáo cần đòi hỏi lòng yêu nghề.

Trong nhật ký trong tù, Bác viết:

“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Thử hỏi người rèn luyện dạo đức nhà trường có làm ra những việc xấu không, cơ chế thị trường cũng không thể nào đẩy người ta nước giết hại lẫn nhau. Than ôi! Hỡi ôi! Nền giáo dục đang đưa cả thế hệ vào ngõ cụt, chỉ vì lợi ích riêng.

 

Thu Troi

[BDTT8] Những Giấc Mơ Của Einstein – Alan Lightman, một hành trình kỳ ảo

 Featured Image: Bìa sách “Những Giấc Mơ Của Einstein” phiên bản tiếng Anh

 

“Cuộc sống là một trận tuyết rơi. Cuộc sống là một ngày mùa thu. Cuộc sống là cái cạnh sắc nét phù du của bóng một cánh cửa khép lại. Cuộc sống là một cái giật chân, giật tay ngắn ngủi.” – Alan Lightman, Einstein’s Dreams

(Lời tựa dưới đây là đôi dòng khi viết về cuốn sách này, nếu bạn nào không thích có thể bỏ qua và đọc vào nội dung dưới thiệu cuốn sách chính ở phần sau đoạn này)

“Ngày tháng thì dài mà đời người thì không dài như vậy. Để rồi khi ta có quá ít cũng thật là tệ, mà khi ta có nhiều quá cũng chưa chắc đã vui. Tìm một cuốn sách để viết về cũng khó hệt như vậy. Không có cuốn sách nào để có thể viết về nó thì hẳn bạn sẽ rất buồn về bản thân mình, nhưng có quá nhiều cuốn sách khiến bạn tâm đắc, muốn chia sẻ cho mọi người thì nó lại là một chặng đường dài của những tranh đấu không ngừng nghỉ, những cân nhắc và cả những trăn trở. Tôi đã rất muốn viết về những cuốn tiểu thuyết sâu sắc, đẹp, hấp dẫn và mê hoặc như “Hoàng tử bé”, “Dune – xứ cát” hay “Nhà giả kim”… Tôi cũng đã rất muốn viết về những cuốn sách đầy những tham vọng, những âm mưu và toan tính khiến bạn đặt ra nhiều câu hỏi cũng như trằn trọc nhiều đêm khi đã đọc nó như “Chiến tranh tiền tệ”, “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” hay “Góp nhặt cát đá”…

Tôi cảm thấy thật tệ, như thể bạn có quá nhiều và cũng không có gì. Tôi cũng đã từng viết vài dòng về “Dune-xứ cát”, nhưng có lẽ cái sự rộng lớn và bao la của nó làm bạn càng cảm thấy mình mất phương hướng hơn (dù cho đó là một cuốn sách kì diệu và nên đọc cho bất cứ ai). Để rồi giữa tất cả những lộn xộn và lạc lõng đó, tôi chợt nhớ ra một cuốn sách mình đã từng quên, quên không phải vì một cuốn sách đáng chán. Quên vì nó là một cuốn sách tuyệt vời, để bạn sẵn sàng quên đi, để mỗi khi đọc lại, bạn lại đi hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác và để mỗi lần nó lại mang lại cho bạn những cảm nhận và suy nghĩ khác nhau. Cuốn sách này thực sự rất hiếm, tôi đã từng bỏ nhiều công sức để tìm kiếm nó nhưng đều không tìm mua được bản tiếng Việt. Nếu ai đó trong các bạn có thể tìm và mua được một cuốn. Hãy thư thả đọc đi đọc lại nó, trong những ngày tháng dài như một món quà quý báu.”

Những giấc mơ của Anh-xtanh được viết bởi Alan Lightman sinh năm 1948 tại Memphis, Tenessee. Trong tiểu sử có viết rằng từ nhỏ ông vốn đã có niềm say mê với cả khoa học và nghệ thuật. Từ năm 1989, ông bắt đầu giảng dạy tại Học viện Công Nghệ Massachusetts và đồng thời điều hành chương trình nghiên cứu về sáng tác và chủ nghĩa nhân văn của học viện này.

Với việc tác giả là một người đứng giữa nghệ thuật và khoa học, có lẽ tác phẩm đã có được một sự giao thoa thành công giữa những logic và những mơ mộng, giữa cái khoa học đầy tính cơ và văn học đầy tính thơ. Nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, khi bạn cầm cuốn sách lên tay, là bạn đã bắt đầu bước chân lên một chuyện tàu, không có nơi khởi hành, cũng không có điểm đến. Bạn cứ thế, ngồi trên tàu và mải mê ngắm nhìn từng câu chuyện, từng vùng đất bạn đi qua với những suy nghĩ và cảm nhận của riêng bạn. Mặc dù vậy, nếu bạn không thể chờ đến lúc đọc hết cuốn sách, thì sau đây tôi rất sẵn lòng kể cho bạn ba điều đặc biệt của cuốn sách, đó là sự lãng mạn, tính khoa học và những câu truyện mang triết lí sống sâu xa.

Ảnh 2
Những giấc mơ của Albert Anh-xtanh, by Hergest Ridge

Một con tàu đầy mơ mộng và những câu truyện đầy tính thơ và sự lãng mạn

Hẳn điều đầu tiên khiến nhiều người băn khoăn khi cầm cuốn sách này lên sẽ là sự e sợ về khoa học và vật lý, sự e sợ về một cuốn sách nhàm chán và gây buồn ngủ. Tôi không phủ nhận rằng cuộc sống hiện tại làm con người ta đôi khi quá mệt mỏi và muốn tìm kiếm cho bản thân mình những điều nhẹ nhàng, đẹp đẽ để làm cuộc sống bớt đi phần nào nặng nề. Nhưng nếu bạn thử mở nó ra, biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên biết bao, hoặc có khi giật mình tự hỏi bản thân liệu bạn có đang đọc truyện lãng mạn không vậy?

“Ngoài kia, mỏm núi Alps bắt đầu rực lên trong nắng. Lúc ấy đang là cuối tháng Sáu. Bên kia sông Aare một người tháo dây buộc thuyền, đẩy thuyền ra và thả cho trôi theo dòng nước tới Gerberngasse để chuyển món táo và dâu mùa hè lên bờ… Người đàn ông trẻ tuổi, cựa mình trong ghế, đợi cô thư ký tới và khẽ ngân nga một đoạn trong Sonate Ánh trăng của Beethoven.”

“Tim nàng chợt rộn lên, má ửng hồng, nàng bồn chồn đi đi lại lại lại, thấy mình hạnh phúc thật vô cớ…”

“Trong sự yên tĩnh tuyệt đối của khu vườn, một đóa long đởm xanh được ánh sang chiếu vào từ bên dưới, nỏ bừng một thoáng để rồi tàn ngay theo đám hoa kia… Xa xa, sau cánh rừng, dòng Aare loáng ánh mặt trời, làn da của nó gợn theo từng con sóng.”

Và còn nhiều, còn nhiều nữa, nhưng liệt kê ra hết thì đâu còn gì là thú vị nữa, bạn hãy tự mình chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên con tàu bạn đi, nhìn thấy từng ánh nắng , từng dòng suối, cơn gió, những con đường và phong cảnh. Để rồi bất ngờ rằng, sao lâu nay bạn cứ nghĩ khoa học thật là cứng nhắc và xấu xí và rằng chỉ những câu truyện lãng mạn, những tiểu thuyết tình yêu mới có những lời văn bay bổng và những câu chữ đậm chất thơ.

Trong cái sự lãng mạn và đẹp lạ đó, người ta thấy hiển hiện những định luật vật lý khó hiểu nhất, để rồi giật mình khi nhận ra nó???

Ảnh 3
Photo: Carla Mascaro

Trên chuyến tàu đó, bên cạnh khung cảnh đẹp và mơ mộng, bạn cũng sẽ thấy những câu truyện thú vị trong từng chặng của hành trình.

Ví dụ như vào ngày 16, tháng Tư, năm 1905, bạn bắt gặp những người mặc đồ sẫm, kín đáo, đi rón rén, cố không gây ra tiếng động hoặc làm gãy một ngọn cỏ nào. Một người đàn bà ngồi trong bóng râm trước một ngôi nhà sợ sệt, cố gắng không làm bốc lên một chút bụi nào.

Hay vào ngày 19, tháng Tư, năm 1905, bạn bắt gặp một người đàn ông đứng ở trên ban công một căn hộ, nhìn xa xăm. Một người đàn ông đến gặp và yêu một người phụ nữ. Một người đàn ông đi gặp một người phụ nữ và quay về nhà, đứng trên ban công nhìn xa xăm. Cái điều làm bạn ngạc nhiên là hai cái ban công đó là một và ba người đàn ông đó cũng chỉ là một người.

Một vài ngày sau, ngày 26, tháng Tư, năm 1905, nơi bạn đang ở là một thành phố. Một thành phố mà bạn không thấy một bóng người nào cả, đôi lúc bạn gặp một ai đó, nhưng bọn họ đều đang chạy như thể bị một cái gì đó đuổi vậy. Bạn cố gắng đuổi theo, tìm bắt và nói chuyện với họ để biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng không ai có vẻ như sẽ dừng lại hoặc nghe bạn nói.

… Những câu chuyện trên có khiến bạn bối rối không? Con tàu có vẻ như đang mang bạn đến những vùng đất quái dị phải không? Nhưng nếu bạn là một người giàu trí tưởng tượng và biết đôi ba định lý thú vị, chắc rằng bạn chỉ vẫn rất bình tĩnh ngồi trên chuyến tàu và tận hưởng những điều kì lạ đó khi mà bạn đã biết tại sao rồi. Còn nếu bạn chưa biết, thì hãy thử đi tìm câu trả lời xem. Đi tìm câu trả lời về những thế giới song song với nhau, những dòng thời gian lúc nhanh lúc chậm, những con người bị lạc trong quá khứ hay tương lai của mình….

… Và rồi bạn còn đi qua một vùng đất, nơi thời gian đứng yên. Ở một xứ sở, nơi người ta chỉ sống một người, họ sinh ra, lớn lên, cưới vợ, sinh con và chết đi trong một ngày.Trái lại, ở một xứ sở khác, người ta lại bất tử. Để rồi bạn còn đi qua cả mảnh đất, mà ngày bạn đến là ngày cuối cùng trước ngày tận thế… Tất cả những thế giới đó, dường như đều rất thật.

Và rồi khi bạn dần hiểu ra chuyến tàu kì lạ này, kể cả vẻ đẹp của nó và tính khoa học trong nó, bạn bắt đầu có những chiêm nghiệm riêng cho bản thân mình về cuộc sống, con đường bạn đi và những điều bạn yêu quý

Ảnh 4
Photo: Smattila

Có lẽ, nói rằng mỗi câu chữ trong cuốn sách đều có thể trở thành trích dẫn, thành chiêm nghiệm cho mỗi người cũng không hề sai. Mỗi vùng đất bạn đi qua, mỗi câu chuyện bạn nhìn thấy đều sẽ mang đến cho bạn những suy tư của riêng mình. Suy tư về cuộc đời khi người ta chỉ sống trong một ngày, hay khi người ta sẽ sống mãi. Suy tư về thời gian, về những người chạy vội vã theo dòng thời gian, hay những người thư thả. Về cả khoảnh khắc bạn đang sống, hay còn gọi là hiện tại, về câu chuyện những con người mắc kẹt trong quá khứ hay trong tương lai của chính họ. Vậy nên, phần cuối cùng trên chuyến đi này, tôi cũng muốn nhường lại toàn bộ cho tác giả, cho bạn và những trải nghiệm bạn nhận ra trong chuyến đi …

“Ai cũng biết ở đâu đó đã ghi lại cái khoảnh khắc mình được sinh ra, cái khoảnh khắc chập chững bước đầu tiên trong đời, cái khoảnh khắc của mối tình đầu nồng cháy, cái khoảnh khắc vĩnh biệt mẹ cha.”

“Thảm kịch của thế giới này là không ai hạnh phúc, bất kẻ người ấy có rơi vào khoảnh khắc khổ đau hay sung sướng. Thảm kịch của thế giới này là mỗi người đều cô đơn. Bởi một cuộc sống trong quá khứ không thể có phần trong hiện tại”

“Theo thời gian, Quyển sách Cuộc đời dày đến nỗi người ta không thể nào đọc từ đầu đến cuối được nữa. Người ta đành phải chọn lựa. Những ông già bà cả chọn đọc, hoặc những trang đầu để biết thời trẻ mình là ai, hay phần cuối để biết sau này mình thành ai. Có người hoàn toàn thôi không đọc nữa. Họ từ bỏ quá khứ. Họ rút ra kết luận rằng quá khứ họ giàu hay nghèo, có học hay ngu dốt, tự kiêu hay nhún nhường, si tình hay chưa hề yêu… đều không quan trọng, chỉ như làn gió nhẹ thoảng qua trên tóc mà thôi.”

“Đó là cái giá của sự bất tử. Không ai hoàn toàn là mình. Không ai tự do. Dần dà có người rút ra kết luận rằng cái chết cho ta điều kiện duy nhất để mà sống. Khi chết con người thoát khỏi gánh nặng của quá khứ.”

“Trong một thế giới mà tương lai được định sẵn thì cuộc sống là một dãy buồng bất tận, trong đó cứ một phòng có đèn thì phòng kế tiếp tối, nhưng được chuẩn bị để bật sáng. Ta đi từ phòng này sang phòng kia, nhìn vào căn phòng vừa được bật sáng, đó chính là khoảnh khắc hiện tại, rồi ta đi tiếp. Ta không biết gì về những căn phòng kế tiếp, nhưng biết rằng mình không thay đổi được gì hết ở những căn phòng ấy. Ta là khán giả của chính cuộc đời mình.”

Không quá dài, không quá ngắn. Nhẹ nhàng như bạn sẽ bước chân lên một chuyến tàu và thực hiện một hành trình của riêng mình. Đi tìm câu trả lời cho chính mình trong sự kì lạ và mới mẻ của một tác phẩm mang đầy đủ sự lãng mạn, khoa học và nhiều trải nghiệm sống. Mong rằng bạn sẽ không bỏ lỡ tác phẩm này. Tôi cũng không biết nên gọi nó là một tác phẩm khoa học lãng mạn hay không, vậy nên, xin dành những dòng cuối cùng cho lời nhận xét từ tờ New York Times:

“Kì lạ và đầy suy tưởng, vừa khôi hài vừa gợi mở tư duy… tác phẩm đã đưa người đọc vào thế giới của giấc mơ bằng một thanh nam châm khổng lồ. cũng như trong tác phẩm của Calvino, các yếu tố tưởng tượng của câu chuyện đã được đặt trong một thứ văn xuôi xác thực, trong suốt.”

(Ngày 26, Tháng 8, 109 năm sau 1905)

 

Tiểu Long


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

Cuộc đời dài bao lâu mà cứ dành những gì ngọt ngào nhất cho giây phút sau cùng

Featured Image: Sarah Parrott

 

Đặt tựa đề cho kiêu sa thế thôi, thật là nội dung chính của bài viết này chỉ xoay quanh một hành động nhỏ mà chúng ta thường hay bỏ qua hay đã lãng quên mất rồi. Nó cũng là một hành động nhỏ trong chuỗi những hành động mang lại giá trị to lớn, tuy không khiến cho một ngày của bạn ngon lành hơn, nhưng chắc chắn sẽ khiến cho cuộc sống của bạn ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó là hành động tặng cho nhau những món quà nhỏ, chẳng cần lý do, để thấy rằng thế giới này vẫn thật đẹp xinh biết bao nhiêu. Và đó cũng là một việc dễ dàng, bạn có thể hành động ngay hôm nay, ngay lúc này. Những món quà nhỏ xuất phát từ trái tim, chính là một trong những thứ ngọt ngào nhất của cuộc sống, mà bạn có thể đem tặng cho mọi người. Thế thì tại sao lại không nào?

Quà, ai mà không thích quà chứ?

Tôi thì rất thích được nhận quà, mà không, chắc chắn là tất cả mọi người, ai cũng đều thích được nhận quà cả. Hành động đó thật là dễ thương, khiến người ta cảm thấy ấm áp và vui vẻ. Có một khác biệt nhỏ với mọi người, tôi cũng rất thích tặng quà cho người khác nữa. Và tính ra từ trước tới giờ, số quà tôi tặng người khác lớn gấp nhiều lần những gì tôi được nhận. Không sao, đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ tôi cũng chẳng biết sao mình lại thích tặng quà cho người khác đến như vậy. Có thể là do cảm giác khi nhìn ai đó nhận được một món quà bất ngờ, họ ngạc nhiên, họ vui và họ cảm ơn mình khiến tôi cảm thấy vui vẻ. Tới mức tôi cứ muốn làm hoài. Đôi khi chẳng vì lý do gì cả, chỉ là tôi quá yêu thích những món quà và thích cái hành động người ta tặng nhau những thứ nho nhỏ bé xinh làm kỷ niệm, như trong các bộ phim Âu Mỹ, người ta tặng nhau đĩa CD, tặng nhau một bức hình, khung ảnh, một tấm bưu thiếp, một cái bánh ngọt… chẳng cần dịp gì cả.

Tôi hay đi du lịch đây đó, nhưng lại chẳng bao giờ mua sắm gì cho bản thân mình trong những chuyến đi đó cả. Rất ít khi, nhưng tôi lại thường xuyên mua linh tinh cho những người ở nhà, những người bạn hoặc người thân, nếu có thể. Vậy mới thấy, chuyện thích được tặng quà cho người khác chắc đã ăn sâu vào máu tôi mất rồi. Tôi rất hài lòng vì điều đó. Bởi bạn biết không, cái hành động tặng quà này, nếu duy trì thường xuyên, nó cũng sẽ mang lại cho bạn thật nhiều những trải nghiệm thú vị hay thậm chí những cảm giác mà một khi nhận rồi, bạn sẽ không bao giờ muốn dừng lại.

Cả thế giới này ai ai cũng thích được nhận quà cả. Bạn cũng hiểu được nhận quà cảm giác thích thú và vui sướng đến thế nào, dù cho đó không phải thứ mà ta thích, đặc biệt là được tặng không phải chỉ vì sinh nhật, valentine hay noel. Ấy vậy mà, đã bao lâu rồi bạn chưa được nhận một món quà nào? dù nhỏ? Đã bao lâu rồi, bạn chưa tặng bất cứ gì cho ai mà không phải nhân dịp gì đó? Có lẽ đa phần trong số các bạn, đều đã quá lâu rồi đúng không?

Cho gia đình yêu thương

Sẽ thật là ấu trĩ khi cho rằng chỉ cần tặng quà cho người yêu, thế còn ba mẹ bạn thì sao? Và còn ấu trĩ hơn nữa khi cho rằng chỉ cần tặng quà cho ai đó vào sinh nhật là đủ. Đó là điều mọi người vẫn hay làm, tầm thường lắm. Hãy thử một lần, tặng một món quà cho ai đó, không phải người yêu, có thể là bạn bè, một người mới quen, một người lạ hay những người thân trong gia đình mà không vì dịp nào hết. Bạn hãy thử đi, và kể cho tôi phản ứng của người đó như thế nào? Chắc chắn là sẽ rất thú vị. Tôi tin thế.

Như một thói quen, tôi hay tặng quà cho ba mẹ mình, khi thì cái áo, lúc bộ đầm, khi thì cái túi xách, lúc chỉ là một chai xịt tóc cho bố hay cái cà vạt bố chẳng đeo bao giờ. Điều này khá dễ dàng vì tôi có cửa hàng bán đồ thời trang, nên tôi có điều kiện và tôi làm việc này khá thường xuyên. Bởi vì dù rất yêu thương ba mẹ mình, muốn nói với họ những lời yêu thương lắm, nhưng tôi không đủ can đảm để nói với họ rằng tôi yêu họ. Nên tặng quà là một trong những cách đơn giản nhất để tôi nói với họ lời cảm ơn, để chứng tỏ với họ rằng tôi yêu quý và quan tâm họ biết bao nhiêu. Bạn biết đấy, vấn đề không phải nằm ở giá trị món quà, mà nằm ở tấm lòng của bạn. Hãy tỏ nó ra đi, cách đơn giản nhất thay cho lời yêu thương, là những món quà nhỏ, hẳn ba mẹ bạn sẽ rất ngạc nhiên và vui mừng. Còn nếu bạn nói được cả những lời yêu thương với ba mẹ mình. Thì còn gì tuyệt bằng đúng không?

Hẳn bạn còn nhớ một chi tiết trong bài viết đầu tiên của tôi, đó là khi các bậc phụ huynh khác, bạn bè của ba mẹ tỏ ra xem thường, tuy không ra mặt, khi con cái họ làm này làm nọ ở thành phố nọ thành phố kia, còn tôi thì chỉ như là một đứa con buôn chợ búa. Điều đó hẳn từng làm ba mẹ tôi chẳng vui gì. Nhưng rồi thời gian qua đi và mọi chuyện đổi khác, những khi tôi tặng quà cho ba mẹ mà có mặt các cô chú hay trong các câu chuyện tôi nghe lỏm được, là những câu: “Nhất chị nhé, được tặng quà hoài luôn, hay bộ đầm đẹp quá, lại T nó mới tặng phải không? Con gái chịu làm điệu cho mẹ ghê…”

Tôi biết họ ít nhất cũng có đôi phần ghen tỵ. Và những khi chứng kiến khuôn mặt ba mẹ ánh lên niềm vui với những nụ cười tươi tắn, tôi rất ấm lòng. Những đứa con ở xa xôi của các cô chú thường chỉ tết mới mang về chút quà bánh mứt, làm sao họ tận hưởng được những cảm giác như ba mẹ tôi. Cảm giác một đứa con quan tâm cha mẹ mình từng điều nhỏ nhất. Cho nên, bạn nữa, hãy tặng quà cho ba mẹ mình đi, gì cũng được, lý do gì cũng được, đừng đợi dịp nữa. Hãy cho họ biết rằng bạn yêu quý họ biết bao nhiêu đi. Ngay lúc này đi.

“Một bà mẹ trẻ sau giờ làm mệt mỏi về tới cửa nhà, cậu con trai 6 tuổi vội lao đến kể tội rằng cậu em trai 4 tuổi của mình đã dùng hộp màu cô mới mua cho nó để vẽ bậy lên tường. Bực mình cáu giận cô liền quát mắng đứa trẻ lúc này đang khúm núm sợ hãi núp mình sau chiếc sopha. Cô đánh đít cậu bé mấy phát rồi quát lên rằng: “Con có thương mẹ không? Có biết mẹ phải làm việc cực nhọc để mua cho con những thứ đó mà con lại phá, giờ còn phải sơn lại tường nữa, thật quá sức chịu đựng.”

Cậu trai bé bỏng khóc nức nở vội vàng xin lỗi mẹ. Cô vẫn tức giận nên phạt nó vào phòng và ở trong đó tới bữa ăn mới được ra. Rồi cô bước vào phòng mình. Cơn giận dữ tan biến, thay vào đó là nỗi hối hận và xấu hổ tột cùng, cô bật khóc khi nhìn thấy trên bức tường, là những nét vẽ ngây ngô về một gia đình nhỏ của đứa con yêu dấu cùng dòng chữ: Mẹ ơi, chúc mẹ sinh nhật vui vẻ, con yêu mẹ.”

Cho những người bạn mới – người yêu – hay người chỉ gặp một lần

Trong những cuộc hẹn đầu tiên với những người bạn mới, tôi luôn thường kiếm gì đó tặng họ. Một đứa con gái tặng quà cho đứa con trai trong buổi hẹn đầu tiên, khá lạ phải không? Nhưng tôi đã từng rất hay làm, khi là cuốn sách, khi cái ly sứ, khi thì một cây tiểu cảnh nhỏ, lúc lại là một cái móc khóa hình thù kỳ lạ… Tôi không nhớ hết những gì mình đã tặng, nhưng tôi nhớ rất rõ phản ứng của những người bạn được tôi tặng. Họ vui, tất nhiên. Bất nhờ, tất nhiên. Hình như đôi phần bối rối nữa.

Không biết bạn tin không, nhưng tôi nghĩ mình đã tự ghi được những dấu ấn đối với họ, dù cho đó không phải là mục tiêu tôi mong muốn. Họ sẽ luôn nhớ về một đứa con gái kỳ lạ mỗi khi nhìn thấy món quà đó. Rất thú vị phải không nào. Có thể một vài người vẫn nhớ tới tôi qua những món quà đó, dù cho tôi không còn nhớ họ nữa vì nhiều lý do. Có thể lắm chứ.

Và thậm chí ngay cả trong khi yêu, thôi không kể đâu, kể ra lại bị nói là “dại” mất vì tôi thật sự rất thích tặng quà cho người yêu của mình và đã luôn tặng rất nhiều. Có cái ngu là khi yêu vào thì làm gì cũng nghĩ đến người đó, lần nào đi lấy hàng mới cũng phải chọn cho họ thứ gì đó. Hiện giờ thì thật may là chưa có ai để tặng gì cả nhưng tôi có thể nghĩ ra một list ngay lập tức những thứ tôi muốn tặng người tôi yêu thương. Thật buồn cười đúng không? Bạn thậm chí có thể đặt cho tôi là người nghiện-tặng-quà cũng được. Không phiền đâu.

Tôi cũng thường biếu cho những vị chủ nhà nơi thuê nhà hay mặt bằng những món quà nhỏ. Khi thì trái măng cụt, khi thì miếng mít, khi thì hộp dâu tây hay gói mứt Đà Lạt. Bạn biết đấy, chẳng ngạc nhiên khi tôi được họ yêu quý hơn đa phần những khách khác đúng không? Mới đây nhất là ngày hôm kia, tôi cũng tặng một món quà, cho một người mà tôi mới chỉ gặp một lần trong chuyến đi du lịch vừa rồi. Dù biết có thể sẽ không bao giờ gặp lại nữa vì chúng tôi ở khá xa nhau. Không sao, chỉ là tôi thật sự muốn được tặng gì đó. Như là bản năng vậy. Một kiểu phản ứng lạ lùng. Cho nên, đừng bao giờ nghĩ rằng phải có mục đích thì mới tặng quà.

Tặng quà có mục đích hay ẩn ý thì thường quá, tặng quà mà chẳng có mục đích gì, thế mới lạ lùng, mới đáng nhớ đúng không. Đắc Nhân Tâm có một câu đại loại: “Nếu như trái tim bạn chỉ bằng trái ổi rừng, làm việc gì cũng phải vì mục đích để mong người ta đáp lại, thì bạn thật sự là một người tầm thường. Nhưng nếu những hành động ý nghĩa bạn làm, chỉ đơn thuần vì người khác mà không chút tư lợi cho bản thân, đó mới thật là điều đáng quý.”

“Cô bé Lucy rất thích chơi búp bê, nhưng vì nhà nghèo cô chưa bao giờ có được con búp bê nào của riêng mình cả. Ngày tháng qua đi, cô bé Lucy trở thành một người vợ tảo tần với ba đứa con ngoan hiền, và rồi cô trở thành bà của những đứa cháu đáng yêu. Không một ngày lễ noel nào trong suốt cuộc đời mình, cô quên chuẩn bị quà cho các con cháu mình, và trong số chúng sẽ luôn có đứa được nhận những con búp bê xinh đẹp, chúng làm cô nhớ về tuổi thơ của mình.

Vào một ngày noel đặc biệt. Có một món hàng được gửi tới khá muộn. Đề tên người nhận là Lucy. Gói quà trông khá lạ lùng và như thể đã rất cũ kỹ. Thật ngạc nhiên và hồi hộp, bà Lucy nhẹ nhàng mở gói quà ra, bên trong là một con búp bê vải già nua với những nếp nhăn và mái tóc bạc cùng một bức thư viết rằng: “Lucy thân mến, cháu là một cô bé ngoan nên ông già noel đã tặng cho cháu món quà này, đáng lẽ cháu được nhận nó từ 70 năm trước, nhưng vì có những trục trặc không mong muốn, nên món quà giờ mới được đến tay cháu. Vì thời gian khá lâu nên cô bé búp bê vải giờ đã già, mong cháu thông cảm.” Ký tên. Ông già noel.

Bà Lucy bật khóc, bà biết đây chính là món quà noel các con bà đã đặt làm để tặng bà vì chúng biết bà chưa bao giờ được nhận một món quà nào trong đời, nhất là một con búp bê, ước mơ từ thủa bé của bà. Đó thật sự là giây phút bà cảm thấy hạnh phúc nhất trên đời.”

Cho những người không quen biết

Có rất nhiều cách để bạn tặng cho người khác những món quà. Và cũng có rất nhiều người bạn có thể tặng ngoài những người thân. Nhiều người trong số chúng ta góp nhặt những vỏ lon, những mảnh giấy bìa, mong bán kiếm thêm đôi đồng còm cõi. Không biết đôi đồng đó có khiến bạn sống tốt hơn không, nhưng nếu bạn gom nó, gọi người thu mua ve chai, và đơn giản là cho họ, không lấy tiền. Chỉ vài ngàn đồng thôi, nhưng hãy nhìn nét mặt hân hoan của họ. Niềm vui cũng bằng như khi bạn được công ty thưởng vài triệu đồng vậy. Bạn đã thử chưa?

Tôi thì làm việc này khá thường xuyên. Thậm chí tôi còn hay tặng áo quần cho những cô lao công hay những chị ve chai và một vài lần là những người bán vé số nữa. Hàng tôi đem tặng họ chỉ là hàng lỗi mốt hay hàng tồn thôi, nhưng tôi tin họ sẽ không đem lý do này ra để đánh giá. Họ đã thật sự rất vui mừng. Cũng có đôi khi tôi giúp người không đúng chỗ, đó là khi cho một ông chú loạng choạng một cái áo ấm khá đắt. Ông chú đó thì xin tiền thôi, nhưng tôi không thích cho tiền, tôi thích hiện vật hơn. Thế rồi chính tôi chứng kiến cảnh ông ấy bán chiếc áo đi lấy mấy chục ngàn để mua rượu uống, dù trời khá lạnh. Thế là từ đó tôi thề không cho ông ta bất cứ thứ gì nữa.

Chia sẻ với bạn một status tôi chia sẻ trên facebook đã lâu, nhưng đọc lại, vẫn cảm thấy thật ấm lòng:

“Ở Israel, người ta thường lấy những bộ quần áo mình không dùng nữa, giặt sạch, gấp lại gọn gàng rồi mang ra đặt vào giá đựng quần áo cũ cạnh thùng rác để những người nghèo khó có thể lấy về dùng. Và bọn trẻ thường được dạy rằng: Nếu như thấy ai mặc lại quần áo cũ của nhà mình, thì đừng nói gì cả. Nhưng nếu ai nói rằng: “Ôi quần áo cậu mặc là đồ cũ nhà tôi.” Thì phải đáp lại rằng: “Cảm ơn cậu vì đã giúp đỡ chúng tôi.” – Lọc trích “VCTN-VCYT”- Sara Imas – Đối với tôi mà nói, hành động này, cũng không khác gì những món quà, những món quà thật sự ý nghĩa cho người cần nó, không màu mè, không văn hoa gì cả. Xã hội cần làm sao những món quà như thế này.

Khi đến khu vực nào đó cần truy cập internet, tôi thường dò wifi và chẳng ngạc nhiên, chẳng mấy khi tìm được cột wifi nào free password cả. Thỉnh thoảng cũng có, những lúc đó, tôi cảm giác như thế giới này thật hào hiệp và tốt đẹp, cảm thấy thật yêu đời. Tôi muốn nhân cảm giác đó lên, nên khi lắp đặt wifi cho cửa hàng của mình, tôi không đặt pass, hy vọng ai đó đi ngang hay người nào ở gần đây cũng có được cảm giác vui vẻ như tôi đã từng tìm được. Coi đó như một món quà nhỏ vậy.

Tiếc rằng món quà này chẳng duy trì được lâu. Vì rất nhanh sau đó tôi phát hiện ai đó không chỉ xài mà còn cài đặt gì đó giới hạn việc truy cập của những người khác nữa. Vì không rành về kỹ thuật kỹ đồ, nên thôi, đành ngậm ngùi cài password vậy, nếu còn muốn truy cập internet và muốn đăng bài. Vậy mới nói, rất nhiều người không biết trân quý những món quà, và đó chính là lý do khiến họ không còn được người khác tặng quà nữa.

Cũng như những hành động tôi từng khuyên bạn làm như là giữ một cuốn sổ tay, đọc sách vậy. Hãy tạo thói quen tặng những món quà nhỏ cho những người bạn thân yêu, đừng vì lý do gì hay vì dịp gì cả. Hành động này tuy không mang đến cho bạn cảm giác thành công rõ nét như viết sổ tay, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn những cảm giác còn quý giá hơn gấp nhiều lần. Một lúc nào đó, bạn hãy thử đi. Thử mời một chú xe ôm bên đường cùng ăn tô phở. Thử tặng cho cô bạn đồng nghiệp một cái ly sứ xinh xinh nhân dịp ngày đẹp trời.

Nếu như đứa bạn thân đang tuyệt vọng và bế tắc, hãy tặng nó một tấm postcard kèm câu nói ý nghĩa kèm theo một cái kẹp giấy bằng gỗ hình chậu hoa hồng. Hãy thử tặng cho một người bạn mới quen một cái móc khóa nhỏ xinh mừng gặp mặt. Hãy cho đứa cháu nhỏ vài ngàn đồng lẻ trong túi mà bạn cũng chẳng làm gì. Hãy tặng cho ba mẹ một bức hình gia đình được lồng trong khung tranh đẹp đẽ. Tặng cho cô em gái một cuốn sách hay ho… Chẳng tốn bao nhiêu cả, nhưng cứ thử làm đi. Chắc chắn một lúc nào đó, bạn sẽ nhận được những điều ngọt ngào đáp trả, đôi khi lớn hơn những gì bạn đã trao rất nhiều lần.

Tôi thậm chí còn từng muốn lập một hội những người thích trao đổi thư tay và tặng quà cho nhau nữa. Hiện giờ tôi hơi bận, bạn nào lập hội đi, tôi tham gia liền, hứa không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình nữa là khác. Những món quà, nó là cách để chúng ta thể hiện tình thương yêu, nó là cách để ta cho người khác biết rằng ta quan tâm họ. Những món quà, đó là cách để ta lan truyền những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Là cách chúng ta khiến người khác phải nhớ đến mình hoặc ghi điểm trong lòng người khác. Hay đơn giản hơn, những món quà sẽ khiến chúng ta tin rằng, thế giới này suy cho cùng rất còn rất nhiều điều ngọt ngào và đáng yêu. Nhưng nhớ nhé, quà không cần giá trị cao, nhưng nhất định phải xuất phát từ trái tim và tấm lòng của bạn. Vậy mới có ý nghĩa.

Hơn cả những cuốn sổ tay

Chuyện tôi quyết định tặng sổ cho các bạn, cũng là một hành động rất tự nhiên thôi. Một phần là tôi muốn nhấn mạnh với bạn tầm quan trọng của cuốn sổ và hơn nữa là khao khát chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến cho mọi người. Tôi chẳng mong được bạn đền đáp gì, nhưng chỉ cần lời hứa sẽ hành động của bạn, làm tôi ấm lòng kinh khủng. Dù cho tương lai của bạn chẳng liên quan gì tôi và chúng ta thì chẳng biết gì về nhau. Đó chính là cách mà thế giới này vận hành đúng không? Những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến được với trái tim, những gì xuất phát từ tâm hồn sẽ đến được với tâm hồn. Những ai xuất phát tốt ở hiện tại thì sẽ sớm đến được tương lai họ mong muốn. Tôi tin như thế, và quả thật là nó đã đúng như thế.

Bạn biết không, khi tôi đang loay hoay thì tự nhiên một vị thường quân xuất hiện, anh ấy nói rằng anh ấy cũng muốn được tôi tặng một cuốn sổ, và anh ấy sẽ tặng lại tôi 99 cuốn khác để tôi đem tặng cho mọi người. Wow, tuyệt vời. Mọi việc đều xảy ra một cách rất tự nhiên, khi những trái tim được kết nối và chung tay, bạn sẽ nhận được rất nhiều thứ, còn hơn cả quà nữa. Và rồi chúng tôi thống nhất ngày giờ gặp mặt, sẽ cùng nhau đi chọn sổ, mua sổ, rồi cùng gói và đi gửi tặng nó đến cho mọi người. Tôi thật sự rất vui, không biết phải diễn tả như thế nào cho các bạn hiểu. Trí óc tôi rộn rã và con tim thì tưng bừng. Không phải vì được tài trợ sổ, à phải, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Còn phần to đùng khác, đó là tôi có người đồng hành, cùng nhau làm những việc nhỏ bé nhưng ý nghĩa, lan truyền chút gì đó ngọt ngào đến với mọi người.

Tôi rất vui vì tôi không đơn độc, tôi như tìm được sứ mệnh của mình, đó là phải tìm cách kết nối những con người tốt lành đang bị ngủ quên ngoài kia. Quanh ta đầy rẫy những con người tuyệt vời, như các bạn, như anh chàng mạnh thường quân kia. Cần phải có một thứ gì đó, một ai đó, kết nối chúng ta lại, kết nối những tâm hồn đồng cảm lại, và tôi cần phải hành động nhiều hơn nữa để đạt được điều đó. Tôi tự nhận đó chính là sứ mệnh của mình, rằng phải lan truyền những điều tốt đẹp, ra khắp nơi, khắp Việt Nam, như cách mà cậu bé trong bộ phim “đáp đền tiếp nối” mong muốn vậy.

Và tôi cần các bạn hợp tác, có được không? Những ai nhận được cuốn sổ của tôi, liệu bạn có thể vì tôi, vì chính bạn, vì những người thân và vì một tương lai Việt Nam tốt đẹp, bạn hãy mua thêm 2-3 cuốn sổ khác, nhỏ thôi, và tặng nó cho người mà bạn quan tâm và yêu mến, người mà bạn cũng muốn họ thành công hay đơn giản là muốn họ không trải qua những ngày phí phạm thời gian vô nghĩa. Hãy tặng họ một cuốn sổ và gửi cho họ đường link bài viết kia, để họ đọc, họ hiểu tại sao bạn lại làm như vậy. Để họ cũng trở thành bạn đồng hành của bạn trên con đường chinh phục những mục tiêu. Tôi thật sự tin rằng, chỉ cần có bạn đồng hành, chúng ta sẽ làm được tất cả. Vậy nên, điều tôi yêu cầu. Bạn có thể làm được chứ?

 

P/s: “Mình có comment bên bài kia nhưng nhiều bạn không vào lại nên có thể không đọc được, xin ké ở đây đôi dòng như sau để các bạn khỏi sốt ruột ạ!

1. Các bạn yên tâm rằng mình đã hứa thì nhất định mình sẽ làm (trừ khi quên), nên nếu đã nhiều hôm trôi qua mà bạn chưa nhận được cuốn sổ nào thì đừng bực bội nhé. Vì khá nhiều bạn đã và sẽ muốn nhận sổ nên mình cần đợi để gom số lượng rồi mấy bữa đi công việc dưới SG sẽ mua sỉ một lần luôn lấy được giá tốt ^^ (con buôn làm gì cũng tính khổ thế đấy, các bạn đừng cười ạ), rồi cả mua giấy gói, dây cột và đi in postcard đính kèm… nữa.

Khá nhiều việc tuy nhỏ nhưng vì mình muốn món quà này không chỉ là sổ tay mà mình muốn các bạn phải cảm nhận được cả “tấm chân tình” thật sự của mình nữa, nên không vội được nha. Rồi nghĩ tới việc ra bưu điện điền vào mấy chục cái tờ đơn gửi bưu kiện mình muốn bệnh luôn, huhu ghét cái khâu đấy nhất, nhưng các bạn yên tâm, mình sẽ làm được ^^(thực tế thì đã có đồng sự muốn cùng tham gia những khâu này với mình rồi đấy <3)

2. Nên bạn có thể thấy, việc tặng sổ không chỉ đơn giản là mua 1 cuốn sổ quăng đi là xong, nó thực sự là một hành động xuất phát từ tâm, nên mình hy vọng nó sẽ chạm đến tâm các bạn. Giúp các bạn mỗi ngày đều sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, không còn phải than van buồn phiền bực bội hay thất vọng về cuộc sống nhiều như phần đông những bạn trẻ bình thường ngoài kia nữa. Hy vọng các bạn sẽ trân quý nó không phải vì mình tặng, mà vì nó là một việc đáng làm, một việc nhỏ sẽ ảnh hưởng tích cực đến tương lai của chính các bạn.

3. Bất cứ bạn nào muốn nhận sổ, mình sẽ tặng, với sự vui tươi và lòng nhiệt thành nhất, mình tuyệt đối không nghĩ hay đánh giá ai muốn nhận vì miễn phí hay gì. Vì mình tin, bạn nào đã đọc được hết cái bài dài như quỷ đó, và bỏ công gõ đôi dòng để xin nhận sổ, thì bạn đó nhất định không phải là những người tầm thường đến mức xin sổ chỉ cho vui như những người dẫm đạp lên nhau vì miếng sushi đâu, đúng không? ^^

P/s: Mình hứa sổ sẽ đến tay các bạn trong tháng 9, hy vọng nó không bị nguội dù bạn có vô tình lãng quên!”

Phi Tuyết

Hội Chứng “Missing Tile” [THĐP Vietsub]

Hội chứng “The Missing Tile” này là một chướng ngại rất lớn đối với hạnh phúc. Rất lớn, thật vậy, nó hầu như làm cho hạnh phúc trở thành điều không thể. Sẽ luôn luôn có một điều gì đó bị thiếu trong cuộc sống của bạn. Khi bạn nhìn con cái của những người khác, bạn sẽ thấy những “Missing Tile” ở những đứa con của bạn. “Ôi, Tại sao con của tôi không khọc hành chăm chỉ, hoặc không lịch sự, không sáng dạ, không có ngoại hình đẹp, không khỏe mạnh.” Điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi bạn nhìn vào vợ chồng của chúng ta, công việc của chúng ta, ngoại hình của chúng ta….. Danh sách đó là vô tận.

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=oqFV_P3h3BI]

[BDTT8] Bên Thắng Cuộc – Huy Đức

Featured Image: Bìa sách “Bên Thắng Cuộc” phần 2

 

Lúc đầu, tôi định sẽ chọn nói về cuốn ‘Người hùng nghìn mặt’ của Joseph Campbell, cuốn sách rất hay, nói về dàn bài chung của huyền thoại và cổ tích, về giấc mơ và huyễn tưởng của không chỉ một, hai, …mà hàng nghìn thế hệ, người nối tiếp người, quốc gia nối tiếp quốc gia. Nhưng rồi tôi lại do dự trước cuốn ‘Cộng Hoà’ của Plato. Một bên bán cầu não của tôi gào ‘Joseph Campbell’, bên kia gào ‘Plato’, hai cuốn sách khác hẳn nhau về bối cảnh, tựa đề, nội dung, cả hai chỉ có một điểm chung duy nhất: Hai tác giả thiên tài đều đã qua đời, một người Mỹ, và một người Hy Lạp cổ. Đắn đo một thôi một hồi, tôi quyết định sẽ đặt cho mình những câu hỏi sau:

  • Tôi viết cho ai? (Độc giả của tôi là ai?)
  • Tôi viết nhằm mục đích gì? (Ngoài lý do tiền thưởng)
  • Tôi viết như thế nào? (Thành thật thẳng thắn hay lươn lẹo hài hước)

Sau một hồi so đo suy tính, não tôi cuối cùng cũng vặn vẹo ói ra được tựa sách thứ ba, cuốn sách tôi thực sự muốn viết về. Số là hè năm ngoái, cũng tầm tầm vào độ này, tôi tải về laptop một tệp pdf mang tên ‘Bên Thắng Cuộc’ của tác giả/nhà báo Huy Đức. Mọi người biết đấy, rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi lên mạng, nhập vài từ khoá, xem vài phim tài liệu, đọc vài bài gửi trên mạng từ các forum khác nhau, và cuốn sách xuất hiện, đột ngột như một lời tiên tri. Chỉ có điều, lời tiên tri này không hướng về tương lai, mà hướng về quá khứ, và khác hẳn với một lời tiên tri mập mờ với nhiều cách suy đoán, cuốn sách nói về một chủ đề rất rõ ràng, về số phận và cuộc đời của ‘bên thắng cuộc’, của những người đã bồng súng lên và ngã xuống đất, của những người cầm súng nhưng không là lính, và của những người lính không cầm súng.

‘Tôi đã đọc cuốn sách trong hoàn cảnh nào?’

Mùa thu năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên tôi nhấn chuột vào file pdf mang tên ‘Bên Thắng Cuộc’. Lúc đó, tôi vừa chia tay bạn gái, vừa trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, vừa chuyển nhà, vừa gặp lại bạn bè sau những tháng xa cách, và vừa xa cách bạn bè sau những ngày gặp lại. Đó là một cuốn sách khá dài để đọc trên màn hình máy tính, nhưng trong màn khói thuốc tôi cũng cố mầy mò đọc cho tới tận trang cuối cùng. Số là, cốt truyện của cuốn sách là một trong những cốt truyện bi tráng và sầu thảm nhất mà tôi từng đọc.

‘Tại sao tôi thích nó (cuốn sách)?’

Những người đã đọc/xem cuốn sách/bộ phim ‘Chuyện dài bất tận’ (The Never-ending Story) của tác giả Đức Michael Ende chắc cũng không xa lạ với ý nghĩ ‘độc giả làm nên cuốn sách’. Cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ cho tôi ý nghĩ tương tự như thế, một cảm giác rằng những nhân vật trong sách có thể sống, chết, yêu, ghét, giết chóc, cứu vớt, …một cách thực tế, cứ như thể đó là câu chuyện về những mảnh đời thật có khi.

Nhưng lý do tôi thích cuốn sách không dừng ở đó. Tôi nhận ra rằng thực tế luôn luôn điên rồ hơn những gì diễn ra trong sách, và tôi nhấn mạnh cụm từ ‘luôn luôn’, bôi đen và in nghiêng, chỉ thiếu điều gạch chân chúng. Những gì trên trang sách do một người hoặc một nhóm người nghĩ ra, cốt truyện cũng chỉ có vậy, nhân vật cũng chỉ có vậy, tình tiết cũng như thắt nút mở nút được học hỏi từ truyền thống đọc và viết của nhân loại. Nhưng thực tế là câu truyện dài bất tận, là lịch sử được chồng chéo lẫn lộn lên nhau, trong lịch sử nghe ngai ngái có mùi sắt của máu, cùng thứ mùi hăng hắc đặc trưng của thuốc súng và bệnh tật.

Tôi thích cuốn sách vì nó giải đáp những thắc mắc thời niên thiếu của tôi về đất nước mà tôi đã sinh ra và lớn lên trong, về những câu chuyện ít được nhắc đến, những mẩu chuyện hiếm hoi tới mức khi nghe tới, người ta thường gạt đi, hoặc ngờ ngợ bất tin. Bạn biết không, khi tìm hiểu về thế giới, về cách thế giới được gây dựng nên, bạn tự hỏi liệu thế giới có điên rồ không? Nếu câu trả lời là có, nếu bạn thấy thế giới điên rồ, bạn cần tự vấn: Liệu những câu chuyện khó tin có là sự thật? Nghi ngờ những gì bố mẹ bạn nói, nghi ngờ những gì ông bà bạn nói, nghi ngờ những gì tivi và internet nói, và trên hết, nghi ngờ bản thân, cật vấn đức tin của bản thân, tự nhìn lại mình, và nhìn lại những người xung quanh. Khi bạn thấy cô đơn, khi bạn thấy không ai chia sẻ lý tưởng của mình, khi bạn bị dồn tới đường cùng bới chính suy nghĩ của bản thân, đó là bước đầu tiên.

‘Nó (cuốn sách) có gì hay, có gì ấn tượng?’

Cuốn sách ấn tượng tôi về cách diễn đạt Việt ngữ trôi chảy, mạch lạc, lối viết văn sinh động, cục mịch mà êm ái, bi tráng mà khách quan, cay đắng lẫn với chút hài hước. Tôi thích những cuốn sách do nhà báo viết, đặc biệt là những nhà báo từ thế kỷ trước, mà George Orwell là một ví dụ. Cuốn sách có gì hay? Tôi thiết nghĩ bạn phải đọc mới cảm nhận được.

‘Thông điệp của cuốn sách?’

Ngắn gọn hai từ thôi: Lịch sử.

‘Tôi học được những gì từ cuốn sách?’

Tôi học (lại) được từ cuốn sách một điều: Người thắng cuộc sẽ viết lịch sử, không phải người thắng cuộc sẽ viết nên lịch sử.

‘Tại sao tôi nghĩ nhiều người nên đọc nó?’

Tới đây, tôi xin dùng ba câu hỏi phụ đã nêu ở phần mở đầu làm tiểu đề cho các vế trả lời cho câu hỏi.

1- Tôi viết cho ai? (Độc giả của tôi là ai?)

Độc giả của tôi là thành viên Triết Học Đường Phố, tầm tuổi có lẽ từ 15 đến 65, những người hiểu, biết đọc và biết viết tiếng Việt, có thể sinh sống ở Việt Nam có thể không, có thể có quốc tịch Việt Nam có thể không (dù có lẽ tuyệt đại đa số mang quốc tịch Việt Nam). Với giả định như vậy, tôi giới thiệu cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ như là cuốn sách duy nhất tôi muốn đọc, với tư cách là người Việt, hàn huyên với người Việt, về những vấn đề mang tính Việt Nam.

2- Tôi viết nhằm mục đích gì?

Ngoài tiền thưởng ra, tôi muốn nói ý kiến bản thân về lịch sử: Theo tôi, lịch sử đóng vai trò rất lớn đối với vận mệnh của một quốc gia, mà cụ thể hơn là Việt Nam. Tôi muốn bạn biết rằng lịch sử được xây dựng lên từ bề dày những cuộc đời và số phận, mà trong lịch sử ấy mỗi cuộc đời và mỗi số phận ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Những chuyện cũ từ một trăm năm trước ảnh hưởng trực tiếp tới thực tế hiện tại. Những chuyện cũ từ một nghìn năm về trước ảnh hưởng tới thực tế hiện tại. Nói cho đúng hơn, những chuyện từ trăm, nghìn năm trước quyết định những gì đang diễn ra, cách này hay cách khác, và chỉ có duy nhất một lịch sử, quyết định cho số phận của duy nhất một thế giới. Bởi lẽ ấy, biết chuyện của tiền nhân không chỉ để tránh cho lịch sử khỏi lặp lại, mà còn giúp tôi và bạn đoán được phần nào tương lai của bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, và thế giới.

3- Tôi viết như thế nào?

Tôi viết để nói bạn nghe về một câu chuyện từ quá khứ, và qua đó chỉ cho bạn thấy một mẩu nhỏ không quan trọng trong cả quá trình nhân loại gầy dựng và gìn giữ lịch sử. Chẳng qua là mấu nhỏ của lịch sử tình cờ lại là câu chuyện về Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ trước. Mẩu nhỏ này của lịch sử, bạn hãy cẩn thận, thấm đẫm máu tươi và thật ghê rợn, giống như một câu chuyện ma không hồi kết, hết giấy mà chưa hết truyện, nhưng lại đáng đọc vì tất cả những lý do nêu trên. Hơn cả, mẩu nhỏ đó của lịch sử còn hàm chứa tôi, bố mẹ và chị gái tôi, anh chị em họ hàng tôi, cũng như nó chứa cả bạn, quyến thuộc của bạn, bố mẹ và anh chị em của bạn.

Thay cho kết luận, tôi muốn trích dẫn điều 5, trong ‘5 điều Bác Hồ dạy’, tác phẩm có thể được tìm thấy ở mọi trường tiểu học, trên mạng và trong sách. Nếu vì bài viết này mà bạn cầm cuốn sách lên đọc, tôi muốn bạn chiêm nghiệm câu nói này của Hồ Chủ tịch.

“5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” (Hồ Chí Minh)

 

Ty


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi