28 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 189

Nếu đi đâu đó một mình, hãy chọn một hostel để ở

Featured Image: Xanh Thẩm

 

Nếu đi đâu đó một mình, hãy thử chọn một hostel nào đó để ở, sẽ có những thú vị ở đó mà khi ở những nhà nghỉ khách sạn mình sẽ không có được.
Những cái hostel thì đối với mấy bạn nước ngoài đi du lịch thì ai cũng biết, và bọn nó khi đi du lịch cũng thường ở đó, không ít như mình, một phần là do nước mình không nhiều người đi du lịch một mình, đi lang bạt nơi này nơi khác như tụi nó, một phần vì sợ không an toàn. Sợ đủ thứ. Mấy lần tôi ở, chưa khi nào tôi gặp người Việt, nên chỉ toàn ở chung với tụi nữ ở nước ngoài.

Ở Việt Nam mình thì ít có các hostel, chỉ có ở mấy thành phố nhiều khách nước ngoài du lịch thì họ mới mở, ví dụ như Đà lạt, Nha Trang. Và chủ yếu là do người trẻ mở ra. Ở hostel, mình sẽ ở trong phòng tập thể mà không biết trước người chuẩn bị ở với mình sẽ là người như thế nào, những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong mấy ngày mình lang bạt ở cái xứ khác. Mình sẽ có những trải nghiệm thú vị, một số trong chúng làm mình vui đến trào nước mắt. Những trải nghiệm mà khi mình nằm ở một khách sạn, nhà nghỉ mình sẽ không có.

Như lúc bạn vừa bước xuống xe, anh chủ cái hostel đó bay xuống xách đồ lên phòng cho bạn giống như là đứa em đi đâu xa mới về, rồi hỏi han kiểu như, trời ơi, đi đâu mà giống như quân Hồi giáo vậy em, bịt kín hết mặt, chả thấy mũi đâu.

Như hostel tôi ở trên Đà lạt, lúc mới lên tôi ở một mình một phòng, sau đó có hai cô Pháp và một cô Hàn Quốc đến ở chung, buổi tối, mọi người tập trung ở hành lang rồi thay nhau cắt tóc, cạo trọc nhau, bọn chúng bảo là đã đi tới đây rồi, đã bay đến những hang cùng ngõ hẻm, đói khổ, cướp giật gì cũng đã qua, thì mấy cái cọng tóc vương vấn mà làm gì, với cả cũng khỏi phải gội đầu. Nghe nói mà chẳng có lý do gì chính đáng, tự dưng mình thương bọn nó dễ sợ.

Tôi chưa từng chứng kiến cảnh cạo đầu tập thể như vậy, nên lần đó, tôi cười đến nấc, cảm giác đứng nhìn từng mớ tóc rụng xuống, giống như là đang nhìn những phù phiếm nhân gian bay đi vậy đó.

Ở cái hostel tôi ở trên Đà lạt, là Dalat Smile Hostel, cái hostel đã mang nghĩa là nụ cười rồi, mà những người trong đó cũng dễ thương trời đất, có lẽ thời tiết trên đây làm cho người ta đối xử với nhau nhẹ nhàng hơn, mà tui quen với cái lối xối xả vào mặt rồi, nên nhiều khi người ta nhẹ nhàng quá làm tui muốn khóc. Tui cứ trời ơi, trời ơi hoài vậy đó.

Như buổi sáng tui đi xuống dưới lầu pha cà phê, không mang theo dép, tại tui làm biếng, mà anh chủ khách sạn bảo, trời lạnh, em mang dép vào chứ để bệnh. Ảnh nói kiểu đó, tim tui nó nát bét ra mất thôi.

Những buổi tối, trời mưa, mọi người trùm chăn nằm hết ở phòng, mỗi đứa một góc trong cái phòng giăng đầy quần áo, đồ đạc quăng không chừa một xó xỉnh nào, mỗi người một cuốn sách vừa đọc vừa chuyện trò, như những con người đã thân từ kiếp nào, bọn chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, về những nơi đã đi, những nơi sắp đến, về ước mơ, về những điều sắp tới bằng cái thứ tiếng của mỗi người, bằng cử chỉ nét mặt, gặp từ nào bí quá, thì lại cười vang lên rồi lấy máy tính tra google dịch.

Buổi sáng ở hostel tôi ở, anh chủ khách sạn làm điểm tâm cho mọi người, và trà, cà phê miễn phí, dù bạn có chuẩn bị đi đâu trong ngày hôm đó, thì cái bữa sáng mà lúc mọi người tập trung lại với nhau, vừa ăn vừa nhìn mưa rơi, sương vẫn còn rơi xuống trên những chiếc lá, rồi ngước nhìn lên người mới ngủ dậy rồi bảo good morning, xong cười toét miệng, cũng là một thú vị không thể bỏ qua.

Bạn có thể vừa nhâm nhi ly trà vừa đi lòng vòng xung quanh, hay xách ly trà đi lòng vòng xuống dưới đường, khi mà hai bên là những giàn hoa của những người dân nơi đó. Lúc đó bạn nghĩ, cuộc đời đẹp chỉ đến thế này thôi chứ nhỉ?

Mà nhiều khi bạn cũng không gần phải thiệt giỏi cái thứ tiếng nào đó thì mới dám nói chuyện với tụi nó, bọn chúng kiên nhẫn lắm, dù có nói giỏi cấp mấy nó cũng ngồi kiên nhẫn để cho mình rặn từng chữ, mà cũng có mấy người châu Á không nói tiếng Anh giỏi, họ cũng lóng ngóng như mình.
Thực ra khi đi đâu đó, người ta sử dụng ngôn ngữ nói không phải là toàn bộ, ở đó, họ còn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nữa. Tình yêu thì đâu cần phải nói ra mới hiểu.

Như hôm tôi nói chuyện với một anh người Nga, do tôi nói Tiếng Anh không có chuẩn lắm, nên tôi toàn viết không hà, anh người Nga ngồi nói chuyện với tôi cũng lấy máy tính ra ngồi gõ luôn, hai người ngồi không nói gì, chỉ ghi ghi mà cười nghiêng ngã cả trời đất.

Ảnh bảo tôi khi nào qua Nga thì gọi ảnh, ảnh sẽ dẫn tui đi thăm thú nước Nga, ảnh và tôi cùng nhau thích nước Nhật thích Ai Cập, Ấn Độ, thích tùm lum thứ giống nhau.

Tôi vừa ngồi đọc lại 8 trang tôi với ảnh viết với nhau mà thấy nhớ. Ngoài ra thì cái quan trọng khi ở hostel nữa là, nó rẻ lắm, vừa rẻ lại vừa bao luôn mình bữa ăn sáng, như chỗ tôi ở chỉ có 80 ngàn thôi, còn được giặt giũ, ăn sáng, uống trà, cà phê nọ kia nữa. Thế thì còn gì bằng.

Rồi muôn đời vẫn thế, những cuộc gặp nhau rồi phải chia tay, cái kiểu chia tay mà biết khó có ngày gặp lại, lúc nào cũng tạo cho mình một cảm giác khác, một cảm giác lạ lùng không miêu tả được hết, bọn mình sẽ ôm nhau, chúc những chuyến đi tiếp theo vui vẻ, khi nào mày qua nước tao thì liên lạc tao sẽ dẫn mày đi những nơi đẹp nhất thế gian này. Ở đó mày chỉ có thể vui bằng cách khóc mà thôi.

Lần đó tôi có cho chị kia chai dầu gió tôi mang theo phòng khi trái gió trở trời, tại cũng không biết cho gì khác nữa. Rồi chị ấy đưa tôi một mớ băng vệ sinh, trong đó có mấy loại tôi thơ ngây không biết nó là cái giống gì, hơi giống kẹo kéo, rồi mở ra, làm chỉ ngồi cười sặc sụa. Ở mấy cái hostel mình sẽ ham học hơn, mình sẽ dễ bay ra cái giếng mình ngồi bấy lâu, mình sẽ biết người biết mình hơn, rồi lúc về lại cuộc sống bình thường, mình sẽ cắm đầu cắm cổ học hành, làm việc, làm rồi học chết sống, yêu thương chết sống, như thể là mai mình chết vậy, yêu chớ không ngày mai chết sao yêu người ta được, cái đó là thiệt, như nhiều khi mình ở hostel mà Tiếng Anh của mình nó cùi mía quá, giải thích họ không hiểu gì, là mình bực bội, nhất quyết lần này phải học phải học lại.

Rồi thấy mấy cô Pháp mà nói tiếng Tây Ban Nha như gió, mình ngồi nghe như vịt nghe sấm, cái bực tức, về nhà phải học tiếng Tây Ban Nha cho bằng được. Rồi lúc mình đi về, mình chia tay với cái hostel mình ở, do mình là người Việt duy nhất nên khi đặt vé cũng lấy rẻ hơn, còn được che dù đến tận xe, hỏi chớ mình có quên cái gì không.

Có quên gì đâu, đi đến đâu, là rơi trái tim đến đó không à. Trời ơi, những chuyến đi ở những phòng tập thể trong mấy cái hostel đó, như vậy, sẽ làm mình nhớ, nhớ như điên. Vậy nên, có đi đâu đó, ngay cả trong nước bạn cũng nên chọn một hostel để ở, có nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn ở đó.

 

Xanh Thẩm

Công nghệ và thông tin đã thay đổi cuộc sống ta như thế nào?

Featured Image: Jared Zammit

 

Thế kỷ 21 – thế kỷ của công nghệ và thông tin bùng nổ. Ta không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại và những thông tin cung cấp cho ta nhiều điều hay ho hơn, khiến thế giới tưởng chừng như quá xa vời lại gần trong gang tấc, mọi việc được thưc hiện dễ dàng hơn. Chỉ một cú click chuột, vài tiếng lách cách gõ phím là ta có thể biết được mọi sự việc đang diễn ra trên thế giới này. Thoạt nhiên, nghe thật tuyệt phải không? Ta vừa được thoả thích du lịch bằng “mắt”, học hỏi mọi điều chỉ trong phạm vi “màn hình”, kết nối với mọi người bằng hộp thư điện tử chứ không phải những bức thư tay, thậm chí gặp mặt cũng dễ dàng bằng những cuộc gặp gỡ “trực tuyến” chứ không phải “trực tiếp”. Có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực không?

Công nghệ đã thay đổi cuộc sống ta như thế nào?

Nói đến công nghệ, quá nhiều thứ để ta nghĩ đến, bởi vì gần như 90% cuộc sống chúng ta đều có sự hiện diện của công nghệ. Ngày xưa ta nấu cơm bằng củi, than,…còn ngày nay mọi người hầu hết đều sử dụng nồi cơm điện. Ngày xưa ta giặt đồ bằng tay, giặt đồ ở ngoài các con sông,… còn ngày nay mọi người sử dụng máy giặt để giặt giũ (việc giặt tay vẫn còn rất nhiều).

Ngày xưa ta liên lạc với mọi người bằng những bức thư tay, hay nói xa hơn là trong thời phong kiến, mọi người vẫn thường đưa thư bằng những chú chim bồ câu. Còn bây giờ ta gửi thư cho nhau qua hệ thống email rất nhanh và rất tiện lợi.

Hay trong ngành công nghiệp sản xuất, nhờ có máy móc và công nghệ hiện đại, các khâu sản xuất đã đượt rút bớt và thời gian sản xuất được rút ngắn nhiều hơn. Sự có mặt của con người ở các nhà máy sản xuất ít hơn vì đa phần đều được tự động hoá, thành phẩm sản xuất ra đểu chỉn chu và đẹp.

Trong công nghiệp may mặc, nhờ có máy móc và các thiết bị mà việc cho ra đời những bộ quần áo đẹp dễ dàng hơn với những hàng chỉ được may một cách thẳng hàng và chính xác, độ tinh xảo của các hoa văn in trên áo cao hơn, cho ra nhiều mẫu mã đa dạng hơn và tiết kiệm được rất nhiều công sức lao động.

Và còn rất rất nhiều những lợi ích khác mà công nghệ mang lại mà tôi không thể nào đề cập hết trong phạm vi bài viết.

Riêng bản thân tôi, tôi cũng rất thích công nghệ, sử dụng những thiết bị công nghệ để thuận tiện cho việc sinh hoạt, học tập và giải trí của tôi. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tốt nó mang lại tôi cũng cảm thấy rất nhiều giá trị truyền thống bị mai một đi, bị chìm vào lãng quên mà tôi sẽ từ từ chia sẻ với bạn.

Hôm nọ, tôi đi ăn cùng vài đứa bạn. Trong suốt bữa ăn, chúng tôi nói chuyện khá rôm rả và vui vẻ nhưng đôi khi xen giữa bữa ăn, các bạn của tôi thường xuyên check facebook, không thì lướt điện thoại. Dĩ nhiên điều đó không sai, điều đó là hết sức bình thường nhưng nếu như suốt cả bữa ăn cứ check facebook, lướt điện thoại thế này, vô hình chung ta đã phá đi bầu không khí của buổi gặp mặt, nới rộng khoảng cách giữa chúng ta với nhau. Cuộc sống nhiều áp lực, mỗi người đều có những công việc riêng, hiếm có cơ hội được gặp mặt trò chuyện, ăn uống cùng nhau. Cớ sao ta không trân trọng khoảnh khắc ấy để tâm sự, giãi bày mà để công nghệ xen vào giữa chúng ta?

Viết thư là một cách để chúng ta gửi gắm tâm sự của mình qua từng con chữ, từng nét bút. Công nghệ thông tin phát triển kéo theo sự ra đời của email. Ngày nay tôi thấy mọi thư từ liên lạc đều được thực hiện qua email chứ không còn viết tay như xưa nữa. Gửi mail nhanh chóng và tiện lợi hơn viết thư tay, bố cục lại được trình bày rõ ràng, đẹp mắt nhưng đôi khi tôi lại nhớ về lúc xưa khi tôi viết những bức thư tay, chẳng để gửi đi đâu cả, đơn giản là chuyền cho các bạn cùng lớp thôi (học sinh mà, nói chuyện bí mật thì phải viết thư tay thôi hihi). Viết thư tay cho tôi được thể hiện một cách rõ ràng nhất những cảm xúc của tôi, gửi đến người đọc bằng tất cả sự trân trọng qua từng con chữ. Mong rằng các bạn đọc đến đây hãy dành đôi chút thời gian để viết một bức thư tay gửi cho người thân, bạn bè hay ai mà bạn muốn gửi đến để làm sống dậy một nét đẹp đã bị lãng quên.

Hay mỗi lần đến dịp Tết, dù là Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Đông chí tôi vẫn còn nhớ lắm những hình ảnh, những khoảnh khắc mà tôi cùng gia đình quây quần bên bếp, cùng xắn tay áo với nào là bột, gạo, đường, lá chuối,… để cùng nhau gói nên những chiếc bánh thấm đượm tình thân, thấm đượm sự hạnh phúc khi quây quần cùng gia đình. Rồi cái cảm giác thích thú khi ngồi chờ những chiếc bánh được nấu chín, ngồi tách từng lớp vỏ bánh rồi thưởng thức. Thật tuyệt phải không các bạn? Nãy giờ để các bạn tưởng tượng chắc muốn thưởng thức lắm rồi phải không. Còn chần chừ gì khi các dịp lễ Tết sắp tới hay không vì dịp gì cả, các bạn cùng gia đình vào bếp làm bánh đi nào. Tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc như tôi. Cá đấy.

Và thay vì dành thời gian để online, tôi nghĩ cần dành thời gian nhiều hơn để quan tâm tới gia đình, với những người xung quanh bạn, tìm hiểu xem cuộc sống của họ dạo này ra sao, họ như thế nào. Biết đâu bạn nhận được nhiều điều hay ho và bất ngờ.

Sự xuất hiện của các trò chơi trực tuyến cũng là một nguyên nhân khiến cho một bộ phận các bạn trẻ chìm đắm vào đó. Các bạn ít tham gia vào các hoạt động ngoài trời, ít tham gia vào các buổi sinh hoạt, ít vận động (có chăng cũng hoạt động các cơ tay và cơ mắt qua việc nhìn màn hình, click chuột và gõ bàn phím) và từ đó dẫn đến sự suy giảm về thể chất lẫn tinh thần, và cũng khiến cho cảm xúc của các bạn bị chai sạn hơn. Các bạn hãy dành nhiều thời gian hơn vào việc tham gia các hoạt động bên ngoài. Cứ tham gia đi, bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều hay và bổ ích ở những hoạt động đó.

Còn thông tin đã mang lại những gì?

Từ khi Internet xuất hiện, công nghệ bùng nổ thì thông tin cũng từ đó mà bùng nổ theo. Hàng loạt các website, các trang báo điện tử,… xuất hiện ngày càng nhiều (634 triệu là số website đang hoạt động trên toàn cầu tính đến tháng 12/2012). Người dùng Internet cũng ngày một nhiều hơn (2,4 tỷ là số người sử dụng Internet trên toàn cầu tính đến năm 2012). Bạn thấy đó, quả là một con số thật khủng khiếp phải không nào?

Việc xuất hiện của hàng loạt trang web cung cấp cho người sử dụng hàng loạt các thông tin, kiến thức khác nhau về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống. Người sử dụng có quyền lựa chọn những trang họ yêu thích, những trang họ cảm thấy có ích đối với họ. Nhưng sự xuất hiện nhiều thế này lại dẫn đến tình trạng “loãng thông tin” khi mà hằng ngày, bạn lướt qua một trang web, có hàng chục thông tin mới khác nhau, từ việc nhỏ mang tính cá nhân đến những việc lớn mang tầm quốc gia, quốc tế đều được đăng tải với đầy đủ chi tiết. Nào là cô này lộ hàng, anh này sử dụng chất kích thích, cô bé kia bị người yêu bỏ,… Chưa kể còn nhiều bài đăng với tính chất câu view, đăng những bài viết với cái tít thật hoành tráng mà khi vào đọc thì thấy sự việc không nghiêm trọng như tác giả đăng.

Từ việc đăng tải quá ồ ạt, tự do các thông tin mà khiến cho người đọc bị ngập trong một mớ bòng bong, bị loãng thông tin vì phải nhập dữ liệu vào bộ nhớ quá nhiều, chưa kể còn lãng phí thời gian của bạn, hình thành một thói quen “không vào xem không được”. Có một số bạn tôi thấy dành nhiều thời gian để quan tâm đến chuyện của người khác – những người không liên quan đến cuộc sống mình còn nhiều hơn thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Thậm chí còn bị áp lực, tâm trạng không vui khi đọc những tin tức đó. Như vậy có nên không khi bạn đê truyền thông khiến cho bạn như thế này? Khiến cho cuộc sống của bạn mệt mỏi và áp lực hơn.

Theo quan điểm của riêng bản thân tôi, tôi chỉ đọc và tìm hiểu những gì thật sự có ích cho bản thân, chẳng hạn như đọc những kiến thức liên quan đến việc học tập và công việc của mình, những thứ mình muốn học hỏi. Còn những thứ không liên quan tôi hầu như không đọc, nếu có cũng chỉ xem qua tiêu đề mà thôi. Trong thời gian rảnh rỗi, nên đọc sách, đọc những quyển mình cảm thấy thích và có giá trị cho việc phát triển bản thân hay làm những việc mình muốn thay vì dành thời gian cho việc lướt web, xem những tin tức không liên quan đến mình. Tất nhiên ở đây là tôi không khuyên bạn là hoàn toàn không xem tin tức nhé, mà hãy xem những gì mình quan tâm thôi.

Lời kết

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống của chính mình, sử dụng công nghệ và thông tin một cách hợp lý sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn với sự trợ giúp của công nghệ, tri thức của bạn sẽ được nâng cao với nguồn thông tin đa dạng như ngày nay.

Chúc bạn luôn sống vui, sống ý nghĩa và sống ít căng thẳng!

P/S: Bài viết chỉ mang góc nhìn cá nhân.

 

Trương Thanh

Thước đo nào cho hai chữ “thành công”

Featured Image: Public Domain Pictures

 

“Nhưng gì thì gì, giờ chưa có xu nào trong túi thì có nhiều thằng like đi nữa cũng chưa thành công đâu Zu ạ (thành công được đo bằng tiền bạc).” – Đặng Thanh Thủy”

Tôi trích câu này của chị Thủy với 2 mục đích:

  1. Là để nói lên quan điểm về khái niệm thành công của riêng mình.
  2. Là để phản biện về cách quy chụp “thành công được đo bằng tiền bạc” theo quan điểm của một số người.

Tôi không biết với bạn thành công có nghĩa là gì. Còn với tôi nếu dùng TIỀN để làm thước đo duy nhất cho thành công thì chưa đúng, thậm chí là lệch lạc. Bởi vì THÀNH CÔNG là một từ trừu tượng và mỗi người có một cách hiểu khác nhau.

– Với nhiều người thì được sở hữu những toà lâu đài và khối tài sản kếch xù thì là thành công.
– Với những nhà khoa học thì việc đưa ra một phát kiến hữu ích cho nhân loại, hoặc hoàn thành một công trình nghiên cứu đồ sộ và gai góc là thành công dù trong túi không có xu nào, thậm chí là đang ngập ngụa trong nợ nần vì chi phí nghiên cứu.
– Với một bà mẹ ít tham vọng thì thành công là vun vén chu toàn cho mái ấm gia đình và nuôi dạy các con nên người và đỗ đạt.
– Với một người không may bị tật nguyền thì biết tự lo cho bản thân, không gây gánh nặng cho gia đình và xã hội thì họ tự thấy mình đã rất thành công.
– Với một cậu bé nhà nghèo thất học thì việc biết đọc, biết viết, biết gõ bàn phím nói chuyện với các bạn, biết nhận thức đúng sai, sống và làm việc trong khuôn khổ đạo đức và pháp luật, biết tự lập tài chính thì đó đã là thành công.
– Còn với những người có được nền tảng rất tốt từ gia đình, được ăn học đầy đủ, được thụ hưởng nhiều thứ may mắn hơn người. Nhưng cả đời lận đận, chẳng tạo ra gái trị gì cho xã hội, thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng xấu thì đó là một thất bại thảm hại. Nói như Fukuzawa Yukichi thì “học quản trị kinh doanh mà cái niêu cơm ở nhà cũng không tính được thì quả là một thảm hoạ”.

Qua các cách “định nghĩa” trên thì có lẽ bạn đã thấy rằng, việc dùng tiền bạc để làm thước đo chung cho thành công là chưa đúng. Hoặc mang cái định nghĩa “thành công” của riêng mình đi áp đặt cho người khác lại càng sai.

Tôi nghĩ sẽ là người mất trí hoặc bị tâm thần nếu như chỉ tay vào bà Cụ dưới đây và nói: “Bà là kẻ thất bại.”

Năm 2009, khi tôi đang sống ở thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, thường đến ăn sáng ở một quán Hủ Tiếu vỉa hè của một bà cụ đã sắp tuổi lục tuần. Tôi chọn quá bà một phần vì bà nấu ngon còn phần khác là vì quá ngưỡng mộ Cụ.

Cụ mất chồng từ năm 39 tuổi. Một mình lam lũ nuôi 6 người con. Đứa lớn mới học lớp 11 còn đứa nhỏ thì vừa mới thôi nôi. Nhưng khi tôi biết đến cụ và thường xuyên được ăn Hủ Tiếu do cụ nấu thì đứa con cả của cụ đã là một giảng viên đại học. Đứa thứ 2 học ở Anh, đứa thứ 3 học ở trường Cambridge đứa 4 cũng là giảng viên Đại Học người thứ 5 là sinh viên Đại Học Luật Sài Gòn, còn bé út đang đang học 12 và phụ mẹ bán hàng.

Cụ chỉ ở trong ngôi nhà lụp xụp và tồi tàn, phải còng lưng vì những khoản nợ nuôi con ăn học. Có lần tôi hỏi Cụ có thấy vất vả và mệt mỏi không? thì Cụ chỉ nở nụ cười hạnh phúc và nói rằng: “Ta chỉ trông mong cho bé út học xong và lấy chồng là thấy cuộc đời mình hạnh phúc và viên mãn rồi con ạ.”

Cụ ấy không có nhiều TIỀN, nhưng thử hỏi bạn nào nói Cụ ấy không thành công?

Vậy, với bạn, thước đo cho Thành Công là gì?

 

Nguyễn Văn Thương

Sống chậm và tập trung – Đó là hạnh phúc

Featured image: Tranny

 

“Tạo hoá luôn ung dung, nhưng mọi thứ đều được hoàn thành.” — Lão Tử

Sống vội vã

Trong cuộc sống đô thị tấp nập, bận rộn được coi là một chuẩn mực đánh giá sự thành đạt của con người. Chúng ta thường nghe mọi người nói chuyện với nhau những câu thoại thật “vội vã”.

Trưởng phòng lấy le với cậu thực tập sinh mới toanh: “Tôi có cả trăm công việc đang cần được triển khai, cậu làm như vậy trễ tiến độ của tôi mất.”

Chủ dự án nói với nhà thầu: “Tôi muốn rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành việc này, sẽ không kịp mất.”

Hay đơn giản cặp tình nhân trong một sáng café đầu tuần: “Nhanh lên em, anh trễ làm mất rồi!”

Vội vã dường như trở thành một lối sống thời thượng, mọi người làm việc, gặp gỡ, giao tiếp… với một tần suất nhanh đến chóng mặt, với năng lượng của một chú chim ruồi năng nổ… Vội vã trở thành thước đo sự thành công, sự quan trọng của một cá nhân.

Về cơ bản, phong trào “vội vàng” chỉ có ở các đô thị lớn, do xu thế toàn cầu hoá, bởi nhu cầu của công việc đòi hỏi mỗi cá nhân phải đảm bảo “số lượng công việc cần hoàn thành” ở mức cao nhất có thể, mỗi vị trí công việc đều có chỉ tiêu, cam kết. Dần dần, xu hướng này dẫn đến việc mỗi cá nhân buộc phải vội vã hơn để hoàn thành cam kết của mình.

Thế nhưng, cố gắng “đáp ứng đúng số lượng” không đồng nghĩa với “trở nên chất lượng hơn”

Người Mỹ làm việc trung bình 44 giờ/tuần, người Anh là 40 giờ/tuần, con số này ở Pháp là 35 giờ/tuần, thế nhưng năng suất làm việc của người Pháp vẫn cao hơn người Mỹ hoặc người Anh. Nổi tiếng nhất về tác phong chậm chãi, có lẽ là người Thụy Điển. Ví dụ như ở hãng xe Volvo, Thụy Điển, thời gian tối thiểu để hoàn thành bất kỳ một dự án nào của công ty cũng là 2 năm. Nó dường như trở thành một quy tắc.

Liên quan nhiều hơn đến cách sống của người Thuỵ Điển, tôi xin trích lại câu chuyện của Blogger Leo Babauta, tác giả trang blog nổi tiếng về thiền định­­­ như sau:

“Lần đầu tiên tôi tới Thuỵ Điển, một trong những đồng nghiệp đến đón tôi ở khách sạn mỗi buổi sáng. Lúc đó tháng 9, trời hơi lạnh và có tuyết. Chúng tôi thường đến chỗ làm sớm hơn 30 phút và anh ấy thường đậu xe cách rất xa lối vào (2000 nhân viên của công ty đều lái xe đi làm).

Ngày đầu tiên, tôi không nói gì, ngày thứ hai và thứ ba cũng vậy. Rồi đến một buổi sáng, tôi hỏi: Anh có phải đỗ xe ở một chỗ cố định không? Tôi để ý chúng ta luôn đỗ xe rất xa lối vào ngay cả khi không có một chiếc xe nào khác ở bãi đỗ gần cửa ra vào.

Anh chậm rãi trả lời: Một khi chúng ta đến đây sớm, chúng ta sẽ có thời gian để đi bộ. Ngược lại, bất kỳ ai đến muộn sẽ trễ giờ nên cần một chỗ đỗ xe gần cửa ra vào để kịp đi nhanh hơn. Anh không nghĩ thế sao?

Hãy hình dung khuôn mặt tôi lúc đó.”

Sống chậm hơn, tập trung hơn. Đó là hạnh phúc

Có lẽ chúng ta đã nhận thức sai ngay từ đầu về tác phong làm việc. Công việc rập khuôn làm chúng ta bị lập trình mặc định để nghĩ rằng “vội vã” đồng nghĩa với năng suất làm việc tốt, mà quên đi rằng, tốc độ làm việc không quan trọng bằng sự tập trung trong công việc.

Công việc sẽ được hoàn thành tốt hơn, khi ta cố gắng làm việc đa nhiệm, chìm trong một núi email, cuộc gọi, hay khi ta chỉ tập trung hoàn thành một công việc quan trọng nhất trong cùng một khoảng thời gian nhất định.

Buổi gặp gỡ sẽ thú vị hơn khi ta luôn bị gián đoạn bởi điện thoại, nói những câu chuyện vô thưởng vô phạt ngoài chủ đề; hay khi ta dành thời gian tập trung trò chuyện, chia sẻ quan điểm với nhau thật cởi mở.

Cuộc sống sẽ thú vị hơn khi ta như một cỗ máy, chỉ biết thức dậy vội vã đến văn phòng vào buổi sáng, trở về nhà trong trạng thái mệt lữ, say xỉn vào lúc khuya hay khi ta luôn biết chuyển động chậm lại, dành thời gian quan sát, hiểu rõ mọi thứ đang diễn ra quanh mình, cân bằng công việc và thư giãn.

Tôi tin rằng, mọi người đều có thể nhận thức được câu trả lời

Vậy nếu, bạn đồng ý với tôi rằng sống chậm và tập trung là một lối sống đúng đắn thì hãy lên kế hoạch cải thiện nhịp sống vội vã của bạn ngay từ bây giờ.

Tôi trước kia vốn là người hấp tấp, làm gì cũng nhanh nhảu đoảng. Thế nhưng, hàng ngày tôi vẫn thường mơ về những phút giây chậm chạp hạnh phúc đã từng đi ngang qua cuộc đời mình.

Một sáng cuối tuần ngày thơ bé, mẹ sai đi chợ. Con đường dẫn đến chợ đẹp lạ lùng: Hàng cây bên đường xanh tốt, nắng sáng chủ nhật trong veo, thi thoảng còn gặp vài người quen lớn tuổi, tôi khoanh tay chào và nhận được nụ cười đáp lại. Giây phút ấy trôi qua thật chậm chạp, trong trẻo. Kết quả là tôi đi chợ mất cả tiếng đồng hồ, bị mẹ mắng nhưng niềm vui vẫn lấp lánh trong lòng thơ trẻ.

Tôi học nhạc, bản nhạc phối Mederato (vừa phải) mà nó quyến rũ quá, tôi đòi thầy đổi thành Adajo (chậm rãi) mới chịu học. Học mà lòng cứ mê mẩn, tay nâng niu từng nốt nhạc như nâng niu bàn tay người tình.

Buổi tối bên nàng, tôi cùng nàng đi dạo dọc bờ hồ se lạnh, kể nàng nghe những chuyện đùa, lặng lẽ ngắm nàng cười, từ nụ cười ấy mà mơ ước. Chúng tôi chậm rãi trải qua từng phút ở bên nhau, chẳng lo nghĩ hay nhớ đến một núi công việc đang nằm trên bàn giấy chờ chúng tôi hoàn thành. Chậm rãi trở thành viên đường ngọt ngào nhất, bỏ vào ly chè bóng tối đen đặc dành cho chúng tôi. Chốc chốc tôi cười lém lỉnh: Ai lại vừa bỏ thêm viên đường vào ly chè đêm tối thể em nhỉ, ngọt ngào quá đỗi.

Hay sáng nay tôi cafe ở H, theo một cách rất lạ lùng. Tôi ngồi tay chống cằm, mắt đăm đăm nhìn cà phê nhỏ giọt. Không thích album hôm nay quán mở, tôi đeo headphone & repeat bản Making Memories Of Us. Miệng không nói, mắt không hiếu động, ngó nghiêng như mọi ngày. Anh chủ quán lại vỗ vai hỏi: “Có chuyện buồn hả em?” Giá mà có cách nào để tôi giải thích cho anh hiểu sự im lặng hạnh phúc của tôi. Tôi lắc đầu cười theo kiểu: It’s okay. I’m fine!

Nhạc nền của Making Memories Of Us dắt tôi vào một chuyến phiêu lưu, tôi cảm tưởng như những dòng ký ức đẹp đẽ mềm mại trôi qua tay mình. Cảm giác như thể nhúng bàn tay vào dòng suối thượng nguồn tươi mát trong một buổi trưa hè chói nắng.

Những giây phút sống chậm như thế thật là đáng quý trong cuộc đời!

Cuộc sống sẽ tốt đẹp, nhiều giá trị hơn khi không vội vã. Hãy luôn luôn nhớ kỹ điều này: Tạo hoá luôn ung dung, nhưng mọi thứ đều được hoàn thành!

 

Hồ Thụ

Tại sao các chàng trai cần phải có một thân hình đẹp?

Featured image: Beautflstranger

 

Thật ngạc nhiên vô cùng khi tôi không thể tìm ra bài viết nào hay chủ đề nào trả lời cho các câu hỏi “lợi thế của một thân hình đẹp, tại sao phải có một thân hình đẹp” khi tra Google. Thật quá ngạc nhiên luôn, ai cũng muốn có thân hình đẹp nhưng chẳng ai biết tại sao phải có hay có thân hình đẹp thì sẽ lợi thế hơn người khác ở điểm nào. Mọi người cứ mặc nhiên thừa nhận ừ, thân hình đẹp thì tốt thôi đúng không? Các anh luôn yêu cầu các cô gái phải có thân hình thế này thế nọ, 3 vòng phải thế nọ thế kia và đó luôn là một chủ đề thiên thu bất tận. Những cô gái có thân hình đẹp luôn khiến các anh phải trầm trồ và không thể rời mắt. Bao anh còn lưu hình các cô nàng nóng bỏng làm hình nền điện thoại nữa. Vậy có bao giờ các anh tự hỏi rằng các cô gái có quan tâm tới thân hình của anh không? Hay khi có một thân hình đẹp người khác sẽ đánh giá về anh thế nào?

Ai cũng thích một cơ thể khỏe mạnh, một thân hình cân đối, gọn gàng và rắn chắc. Để mặc đồ cho đẹp này, để được người khác ngắm nhìn, để trông nam tính này… Tất cả mọi lý do, suy cho cùng, đều là để gây ấn tượng với người khác, mà nhất là với phái nữ mà thôi đúng không? Một cơ thể đẹp luôn có một sức hút rất lớn đối với mọi giới và câu nói “nhất dáng nhì da” chưa bao giờ là sai cả, cho dù là với nam hay nữ hay giới gì đi chăng nữa. Các anh nên biết điều này.

Thật may mắn làm sao. Đẹp trai không phải ai sinh ra cũng có sẵn, nhưng một cơ thể đẹp là điều các anh hoàn toàn có thể đạt được. Hãy yêu mến cơ thể mình, hãy trân trọng sức khỏe của mình, điều đó dễ tạo cho người khác một ấn tượng không hề nhỏ. Một cơ thể đẹp, không chỉ làm cho người ta tự tin, không chỉ mang lại cảm giác tự hào đi cạnh một người có thân hình chuẩn, mà sâu trong đó, là những cảm giác mà các anh sẽ không thể hiểu được, vì nó nghe có vẻ hơi mơ hồ, hơi vớ vẩn. Nhưng đó là sự thật. Bản thân tôi trước đây không ưa thể thao, tôi rất lười, tôi ghét môn thể dục, vì vì môn thể dục yếu, mà tôi từng rớt danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 7, dù cho điểm phết cuối năm của tôi dư sức cho danh hiệu này. Thể dục đối với tôi mà nói, là nhảm nhí. Nhưng đó là khi trẻ con, khi cái suy nghĩ chỉ cần gương mặt đẹp thôi, cơ thể đẹp mà làm gì.

Suy nghĩ này hoàn toàn thay đổi khi tôi lớn lên. Câu nói “nhất dáng, nhì da” thật sự ngấm vào người khi mỗi ngày lại chứng kiến những câu chuyện liên quan đến vấn đề hình thể. Một hình thể đẹp mang lại cho người ta không chỉ sự khỏe khoắn, mà còn rất nhiều cơ hội khác nữa. Các chàng trai rất thích những cô gái có thân hình đẹp, điều này liên quan đến vấn đề giới tính và bản năng rồi, không thể chối cãi. Ngày đêm họ chúi mũi vào những hình ảnh mát mẻ khêu gợi và quyến rũ trên màn hình hay ngoài đời thực. Điều đó không có gì xấu, đó là bản năng. Con trai công khai sở thích này một cách mạnh mẽ, trong khi con gái thì không, họ kín hơn, họ cũng thích những người đàn ông có thân hình đẹp nhưng thường lại không nhắc đến hay không đề cập đến điều này trong các cuộc nói chuyện, trong những câu bình luận về đàn ông.

Những người đàn ông có một thân hình rắn chắc, khỏe mạnh thật sự mang lại một cảm giác rất khó tả trong lòng các chị em, cảm giác của sự nam tính, mạnh mẽ, vững chãi và hấp dẫn như những đường cong chữ S của nữ giới trong lòng các anh vậy. Đừng tưởng con gái thích con trai cơ bắp kiểu Mr. Mách, không, không đâu, chúng tôi nhìn những người cơ bắp đó mà thấy khiếp cả lên, chẳng có chút hấp dẫn nào. Nên các anh đừng ngụy biện rằng thật khó để được như anh ta.

Chỉ cần một cơ thể gọn gàng, săn chắc là được rồi, và điều đó thì không quá khó khăn đâu. Đàn ông quá gầy tạo cảm giác không đủ sức lực che chở cho chị em, cảm giác một người yếu đuối thì sao bảo vệ nỗi người mà anh ta yêu thương? Đàn ông mập mạp khá hơn đàn ông gầy, nhưng xét về khía cạnh thẩm mỹ thì không được tốt lắm. Cho nên, xin hãy cố gắng duy trì một thân hình khỏe mạnh và cân đối. Điều mà chỉ cần với lòng quyết tâm, các anh nhất định và chắc chắn sẽ làm được.

Lớn lên, nhìn nhiều người có thân hình hấp dẫn, tôi cũng mong muốn được như họ. Thế là tôi bắt đầu tập luyện, và khi tập luyện, tôi bắt đầu biết và quen những chàng trai cũng thích tập luyện để có một cơ thể đẹp. Tôi nhận thấy, đa phần những người có cơ thể đẹp, là những người rất quyết tâm. Họ đặt mục tiêu và cố gắng duy trì nó khá ổn. Họ tuân theo chế độ ăn uống và tự biết tiết chế những thói quen có hại. Phải là người bản lĩnh mới có thể làm được điều đó. Vì đa phần mọi người, các chàng trai đều từng đi tập gym, chơi thể thao nhưng chỉ theo được một thời gian ngắn là ngưng, với đủ mọi loại lý do trên đời. Đó chính là biểu hiện đầu tiên của một người đàn ông không mạnh mẽ. Họ dễ dàng bỏ cuộc, dù cho hoạt động đó họ biết là nên làm, dù cho đó là hoạt động có ích cho chính họ. Nhưng họ vẫn bỏ, vì không đủ nghị lực và quyết tâm.

Một chàng trai với thân hình đẹp gọn gàng sạch sẽ sẽ ăn đứt một chàng có gương mặt đẹp trai nhưng thân hình lôi thôi. Nhất định rồi

Kể ra chuyện này thì có lẽ hơi buồn cười và trẻ con, nhưng có lẽ nó là một ví dụ xác đáng biết đâu có thể tiếp thêm cho các anh động lực tập luyện thì sao, nên thôi kể tới luôn.

Chuyện là hôm rồi tôi đi du lịch, đến một thành phố du lịch thì mọi người cũng biết đấy. Việc bật zalo và tìm quanh đây có lẽ là việc các anh rất rành và không thể thiếu được (cái này tôi đã chứng kiến tận mắt từ các cậu bạn của mình). Tôi không tìm ai quanh đây hay quanh đâu cả, nhưng nhiều người tìm đến và làm quen với tôi, qua zalo, tất nhiên. Trước đó khi ở một thành phố du lịch khác, tôi để avar một khuôn mặt cũng được, cũng ưa nhìn, hình như chẳng mấy ai thèm làm quen cả. Nhưng trước khi đến thành phố này, tôi đổi avatar (đã PTS) thành một cô nàng body hấp dẫn, thì rất nhiều người làm quen, dù trong avatar không thể nhìn rõ mặt. Vậy mới biết sức hút về giới tính của một thân hình đẹp mạnh thế nào. Hình như mọi cô gái có thân hình đẹp thường khá giỏi trong việc biết điểm mạnh của mình để mà phát huy nó.

À thôi, kể tiếp, hôm đó tôi không hứng thú nói chuyện với người lạ nên không trả lời ai cả. Vì chỉ ở lại 1 ngày nên tốt nhất không nên cuốn mình vào những cuộc trò chuyện chẳng đi tới đâu. Lướt qua avatar những chàng đẹp trai, tôi dừng lại ở một anh chàng, tuy không nhìn rõ mặt, nhưng chắc chắn một điều rằng anh ta có một thân hình đẹp. Bỏ qua ấn tượng không tốt về lời làm quen không dấu câu, tôi trả lời tin nhắn của anh ấy. Và sau đó, bạn biết đấy, đó thực sự là một người bạn cực kỳ thú vị. Gần như những ấn tượng tôi nghĩ về anh ta khi mới chỉ nhìn avatar đều đúng. Tôi không kể điều này để khoe mình giỏi nhìn người, vì thật sự tôi rất ngu khoản đó. Nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe khi nhìn một người đàn ông có thân hình đẹp, tôi nghĩ gì và cảm xúc như thế nào? Có thể bạn không tin đâu, vì nghe nó hơi mơ hồ vớ vẩn, nhưng đó thực sự là điều tôi nghĩ.

Cảm giác khi nhìn thấy một chàng trai có thân hình đẹp, nó không chỉ là cảm xúc nhất thời hay cảm xúc về giới tính. Điều đó là tất nhiên rồi, ngoài cảm nhận về sự nam tính, mạnh mẽ, sâu hơn nữa, nhìn người đó, tôi biết anh ta có tập luyện hoặc có chơi thể thao. Khoản này gần như kiểu những người nghiện hút dù ở đâu cũng nhận ra nhau ấy, như nam châm vậy. Và tôi tin anh ta là người có quan tâm tới cơ thể mình. Một người quan tâm tới cơ thể mình, là một người không sống bừa bãi, có thể có một lối sống lành mạnh và nhất định là một người trách nhiệm. Khi anh ta có trách nhiệm với chính cơ thể mình, anh ta sẽ có xu hướng là người có trách nhiệm trong cuộc sống và trong những việc khác nữa.

Một người đàn ông có tinh thần trách nhiệm, mạnh mẽ và nam tính… Đó là những ấn tượng ảo, những ấn tượng tôi nghĩ về anh ta, toàn là điều tốt đẹp. Thế thì tại sao lại không nói chuyện? Tôi không thể bỏ qua một anh chàng như thế, đúng không? Và thật sự tôi đã không nhầm. Hiện giờ, chúng tôi vẫn đang là những người bạn tốt, dù chẳng biết còn cơ hội gặp lại không. Và việc gặp người bạn mới đó thực sự làm cho chuyến đi của tôi thú vị hơn rất nhiều.

Giờ bỏ chuyện bên lề này đi, điều tôi thật sự muốn nói là, nếu như anh tự hào về việc đi cạnh một cô nàng có thân hình đẹp như thế nào, thì những cô nàng cũng sẽ tự hào khi đi bên cạnh anh như vậy, nếu như anh có một thân hình mà cô ấy thích. Và những thứ cùng hướng thường hút lấy nhau. Nên hãy sắm cho mình một cơ thể rắn chắc khỏe mạnh đi, anh cũng sẽ nhiều cơ hội được yêu và cưới những cô nàng hấp dẫn như các anh mong muốn. Tất nhiên một cơ thể đẹp chỉ là một phần nhỏ trong những thứ người đàn ông cần có: sự nghiệp, tiền đồ, ý chí, bản lĩnh và tính tình… Nhưng dường như mọi các anh đều chỉ quan tâm đến những khía cạnh kia mà không hề biết đến một cơ thể đẹp cũng quan trọng như thế nào đối với các cô gái.

Mọi người, tất cả mọi người, tất cả các chàng trai, đều có thể có được cơ thể như mình mong muốn. Nếu các anh có đủ bản lĩnh và quyết tâm. Dù cho anh đang mập ú ù, dù cho anh đang ốm o, dù cho anh đang ở bất cứ vạch xuất phát nào. Hãy tin rằng anh đều có thể sở hữu một thân hình đẹp hơn rất nhiều. Rất nhiều bài báo viết về sự lột xác của những chàng thanh niên thân hình xấu xí rồi đấy thôi. Chẳng có gì là không thể cả. Giờ thì, các anh hãy mau lên lịch tập luyện thể thao cho mình đi thôi. Đừng lười biếng, đừng lý do lý đồ nữa.

Các anh hẳn nghe câu này rồi: “Muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì sẽ tìm cớ.” Quá dễ hiểu đúng không? Nếu các anh cho rằng mình không có thời gian, thì hãy dậy sớm một chút, 1 tiếng thôi, bớt la cà quán xá cafe, bớt nhậu nhẹt chiến hữu một chút, bớt thời gian tán gẫu bàn về cô nọ cô kia một chút, bớt thời gian chơi game lại… Các anh sẽ nhận ra mình có quá nhiều thời gian luôn ấy chứ.

Thôi nào, hãy bắt đầu chương trình tập luyện ngay đi, hãy tưởng tượng các cô gái đang nhìn các anh mà ao ước kìa…

 

Phi Tuyết

Một góc khuyết trong lịch sử Việt Nam

Featured image: Luminance

 

Tôi không biết bạn nghĩ gì khi nghe câu phát biểu này của ông Vũ Ngọc Hoàng, một quan chức cấp cao của ban tuyên giáo Trung Ương. Còn tôi thì thấy lỗ tai điếc ù, chân tay rụng rời và tim thì hoá đá. Dù thực tế đã nghe nói nhiều, đã thấy hiển nhiên, nhưng đây lại là lời phát biểu của một ông quan lớn. Những người chỉ quen nổ về những thành tựu vĩ đại qua những con số vĩ đại và được thực hiện bởi những con người “VĨ ĐẠI”:

“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin…”

Thú thật, tối không am hiểu nhiều về lịch sử. Nhưng khi đọc tác phẩm đồ sộ Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại của Hàm Châu thì tôi thấy rằng lịch sử nước ta đang thiếu một thứ, một thứ vô cùng quan trọng, đó là một thế hệ DÁM DẤN THÂN CHO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ CÁCH TÂN ĐẤT NƯỚC. Một sự nghiệp có thể dẫn tới sự vinh quang đi kèm với bi kịch cá nhân. Lịch sử đang thiếu một lớp người như vậy. Đất nước đang thiếu một thế hệ như vậy.

Qua sự kiện HD981 tôi đã rất hy vọng rằng đất nước sẽ có một cú CHUYỂN MÌNH vĩ đại, tôi đã hy vọng như thế và rất kỳ vọng như thế. Nhưng có lẽ tất cả đã sụp đỗ. Phe thân Tàu lại tiếp tục thân Tàu. “Quả bom” 981 đã tiễn hơn 4000 dân Tàu về nước nhưng giờ họ lại sang với số lượng gấp ba. Một con số khiến cho tất thảy những người con yêu nước đều hoang mang và kinh hãi.

Suốt bốn tháng qua chủ đề thoát tàu nóng sốt trên mọi phương tiện, mọi ngõ ngách của đời sống người việt. Với 90 triệu con tim, hàng trăm ngàn bài viết, vô số những kế sách, kiến nghị, hội thảo, hội đàm… Nhưng bây giờ tất cả thành vô nghĩa. Chuyến thăm của Lê Hồng Anh sang trung quốc giống như một nhát dao ngoáy sâu vào từng khúc ruột và cắt đứt cuống tim của hàng triệu con người, là một sự PHẢN BỘI đắng gắt của Đảng với nhân dân. Hy vọng cái gì nữa, kỳ vọng cái gì nữa. Rồi cũng thế thôi, chúng ta lại phải chứng kiến một thời kỳ mà trở lại sự bi kịch và bế tắc như ban đầu, tiếp nối một thời kỳ nô lệ cho quân Tàu và dân Tàu.

HD 981, Sự kiện ấy đã nói lên tất cả, nó phơi bày sự yếu kém của chúng ta, nó cũng phơi ra sự hủ bại của xã hội. Chúng ta đang thiếu những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Đang thiếu một thế hệ dám dấn thân mình vì nước vì dân. Chúng ta đang thiếu, lịch sử cũng đang thiếu. Chúng ta có quá nhiều anh hùng vang danh trong thời chiến, nhưng chưa có một vị anh hùng thực thụ trong thời bình. Chúng ta có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng không có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới.

Để đỗi mới, để vươn lên, cải tổ mình trong cảnh đỗ nát. Chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải dấn thân, phải có một “Giấc mơ Việt Nam” thái bình, thịnh vượng và con con đường để đến giấc mơ đó. Một giấc mơ đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp để tất cả mọi người Việt Nam tự hào dấn thân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu dân tộc ta không có khát khao mãnh liệt về một xã hội tốt đẹp hơn cho chính thế hệ mình và các thế hệ con cháu trong tường lai thì chúng ta chỉ mãi ở trong vòng xoáy đói nghèo và lạc hậu, tự vấp chân nhau rỗi dẫm đạp lên nhau.

Chúng ta cần hiểu rằng, thay đổi đến từ chính bản thân chúng ta. Ta là người nắm giữ vận mệnh cuộc đời ta, vận mệnh của đất nước. Khi xã hội đã như vậy, nhà nước đã như vậy thì trách nhiệm của ta càng khó khăn hơn, càng nặng nề hơn gấp bội. Nhưng ta không được nhụt chí mà lùi bước vì khi xã hội càng tệ hại thì ta lại càng phải dấn thân. Phải học tinh thần Samurai của Người nhật, khát vọng Starup của người Irael và nghệ thuật “ăn mày” chất xám của người Hàn. Phải có khát vọng, chỉ khát vọng mới giúp ta có sức mạnh để đạp phăng mọi thử thách trên con đường nhiều gập nghềnh và giăng dắc những gian truân.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải đọc nó, đọc Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại để hiểu được con đường của cha anh, trí tuệ của cha ông. Để thấy rằng, đất nước chúng  ta đang thiếu, lịch sử chúng ta đang thiếu một trang sách mang tên VĂN MINH VÀ HIỆN ĐẠI.

Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và chúng ta đang chờ đợi một thế hệ như vậy. Những con người dám quên mình để dấn thân, để cách tân, đổi mới, đưa đất sang một trang mới hào hùng mang tên “giàu mạnh và thịnh vượng”.

Hôm nay ngày quốc khánh, tôi ngồi lặng nghe về quá khứ hào hùng và anh dũng của cha anh trong thời kỳ chiến tranh đỗ máu. Nhưng sao tôi không nghe thấy một trang sử hào hùng của thời đỗi mới, một trang sử TINH HOA thời hiện đại. Góc khuyết ấy kéo dài đến bao giờ sẽ tiếp tục ì trệ đến bao lâu? Nó là câu hỏi cho tất cả chúng ta, cho bạn, cho tôi và cho cả thế hệ mai sau. Một góc khuyết của lịch sử Việt Nam.

 

Nguyễn Văn Thương

Học sinh với văn học

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Quay trở về một vài tháng trước, đó là lúc tôi miệt mài với những bài văn “mẫu”- chính xác thì như thế, tôi không còn cách hiểu nào hơn khác vì nếu không làm theo tôi sẽ trượt kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Tôi miệt mài học, học cho thuộc mà trong lòng luôn bức xúc vì không hiểu tại sao thế? Mình đang biến thành một con vẹt và đang tự lừa dối chính bản thân mình. Tôi biết có lẽ tôi không có khiếu làm văn cho lắm nhưng tôi biết viết ra cảm xúc của bản thân viết ra những thứ mình nhìn thấy và cảm nhận được – không biết là có đủ để làm ra một bài văn gọi là “bình thường”? Tôi thật tình thấy hài hước ở chỗ một tác phẩm văn học nào đó có phải thực sự nó hay như thế không hay là mình chưa đủ sâu sắc để cảm nhận. Nếu tôi đọc tác phẩm đó trên mạng hay ở nơi nào đó không phải là “sách giáo khoa” thì tôi cho nó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng khi vào học tôi thấy những thầy cô ca tụng như thần thánh, xuất thần và rất tinh tế.

Tôi học bài thơ: “ Nói với con” của nhà thơ Y Phương, tôi đọc mà không thấy vào vì chẳng vần là mấy ( nó được cho vào thể thơ tự do) và một điều làm cho tôi khá khó chịu là hai câu cuối ở khổ một chẳng có gì liên quan tới chủ đề của khổ thơ. Nhưng giáo viên luôn ca tụng nó và nói gì đó là tế nhị, là gợi nhắc. Có lẽ tôi quá ngu ngốc và non nớt dể hiểu và cảm nhận về một tác phẩm xuất thần được đưa vào sách giáo khoa của một tác giả lớn như vậy? Tại sao tôi chỉ có quyền thích mà không có quyền chê, có phải nó thực sự hay như thế, người khác có cảm thấy thế?

Tôi không nói về nó có hay hay là không mà vấn đề là tôi có thích hay là không? Nếu thích từ cái tâm thì tôi có hàng vạn lời để ca tụng để khen ngợi nhưng nếu tôi đã không thích thì tôi cũng tìm được “ít” chỗ để chê trách. Tôi lại nói hình ảnh đám mây trong bài thơ “Sang thu” của nhà văn Hữu Thỉnh. Tôi phải liên tưởng đó là một chiếc khăn voan, một câu cầu nối đôi bờ hạ thu. Có lẽ là tôi cũng chịu vì tâm hồn chẳng tinh tế như người cảm nhận nó. Nhưng tôi có thể nghĩ ra những thứ hay hơn nó ( tôi cho là như thế) ít nhiều. Và tôi không nghĩ rằng tác giả lại nhắc tới ba bốn hàm ý, rồi triết lý trong một câu thơ rất đơn giản:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

Thật ra tôi đều hiểu nhưng không cảm nhận được nhiều như vậy và tự hỏi liệu tác giả có thực sự đưa ra nhiều suy nghĩ triết lý đến thế trong một câu thơ thần thánh. Tác giả có thực sự xuất thần như vậy?

Còn rất rất nhiều những hình ảnh thơ mà tôi cho đó là “xuyên tạc” quá xa vời ý nghĩa của tác giả, cố gán ghép những chi tiết nghệ thuật “độc đáo” vào hình ảnh thơ mạc dù chẳng rõ ràng và tôi nghĩ đó là chính tác giả cũng không ngờ đến bài thơ của mình sử dụng nhiều nghệ thuật đến vậy.

Còn rất nhiều tác phẩm văn học mà tôi cho đó là hay, tôi thích nó và có lúc tôi đã khóc (thực lòng). Tôi đã khóc khi đọc “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng, xúc động và tinh tế. Tôi cũng cảm nhận được tuổi thơ dữ dội của tôi qua “ Bếp lửa” của Bằng Việt. Tôi khâm phục và trăn trở về sự cống hiến của mình qua “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải…. Thật sự a có vài thứ rất dộc đáo mà tôi cảm nhận được mà không phải là những gì đó cao xa như trong những bài văn “mẫu”. Tôi nhận ra chính bản thân mình trong tác phẩm, đồng cảm và thấu hiểu nó. Tôi tin như vậy là đủ và làm hài lòng những gì mà tác giả muốn truyền đạt và gửi gắm trong đứa con tinh thần của mình.

Tôi nhắc lại về những tác phẩm mà tôi cho là không thực sự ấn tượng đôi với tôi là không phải vì nó không hay, không độc đáo mà vì đơn giản tôi không thích, thích cách mà tác giả nhắc tới, gửi gắm vào tác phẩm, thích cách gieo vần, dẫn truyện của tác giả và có khi ai đó thích nhưng tôi lại không thích, đó là sắc màu của cuộc sống, nếu như ai cũng yêu hào bình thì đã không có chiến tranh, nếu như ai cũng bảo nhạc trẻ dở thì có lẽ v-pop không bùng nổ với những ca khúc “bất hủ” và những ca sĩ “ru ngủ” như bây giờ, nếu ai cũng thích làm quan thì ai sẽ làm dân? Tôi tự nghĩ: Liệu mình có bị ném đá nếu như mình không thích một tác phẩm nào đó được đưa vào sách.

Tôi đã từng nói về điều này cho giáo viên nhưng cô nói với tôi rằng: “Người ta đã cho vào sách giáo khoa là phải rất hay và có chọn lọc rồi, cô cũng được đi học thế nào thì cô dạy thế thôi.” Thì ra là như vậy, tôi bắt đầu thắc mắc rằng: Liệu có phải là khi tác giả đó viết ra tác phẩm, ông ấy tự nói ra nghệ thuật, cái hay của tác phẩm đó xong là các em học nó hay là những học giả, những nhà phê bình văn học viết ra như vậy và thầy cô chắt lọc rồi truyền đạt cho chúng em. Có một mạng lưới rất khó hiểu là: Tác giả – người phê bình, cảm nhân- thầy cô dạy – và học sinh?

Trong những buổi học văn để ôn thi, hầu như là thầy đọc trò ghi về nhà học thuộc ngày mai kiểm tra vì quay đi quay lại thì năm nào cũng vài cái tác phẩm đó, lại còn loại được vài bài vì luật đề ra không thi lại đề năm trước?

Tôi thật sự bất ngờ và choáng váng khi bài viết cô tôi đọc xuất hiện trên một diễn đàn trên mạng. Tôi không biết là bài viết của học sinh đó làm ra rồi post lên mạng hay là lấy từ văn mẫu – từ nhà phê bình văn học, từ những thầy cô của họ hay ở đâu nữa? Sao lằng nhằng và khó hiểu thế!

Tôi được đi ăn cắp văn nhưng không biết đó là của ai? Tôi không dám nói ra nữa và không thể tin nổi rằng người mà mìn luôn kính trọng, được học tới đại học, được đào tạo hắn hoi lại sao chép lại một bài văn của một học sinh lớp 9 hay ở một nơi nào đó mà tôi không hay?

Tôi không dám khẳng định mọi giáo viên đều như vậy, mọi học sinh và trường học đều như thế nhưng tôi tin ở đâu đó Việt Nam sẽ có rất nhiều, khi thi tuyển sinh xong, thầy cô đã nói rằng: “Chúng ta đang chấm chữ chứ không phải chấm văn nữa.” Tôi nghe loáng thoáng thế và trong lòng như vui thêm vì có lẽ tôi nhận ra một tin hy vọng là giáo viên cấp 3 sẽ làm khác. Điều này chưa được kiểm chứng vì tôi chưa đi học.

Tôi cho viết văn là một điều khó, vì cảm nhận và thấu hiểu là một chuyện nhưng đặt bút và viết ra những gì mình biết, diễn đạt nó một cách dễ hiểu thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Nếu ai cũng cảm nhận được như nhau thì cuộc sống đã chỉ có một màu, tại sao? Tôi hỏi: “Mục đích chính của người làm văn ra để làm gì?” Để khoe mẽ rằng ta biết nhiều, để ta tài giỏi hay sao, tôi cho rằng một nhà văn, một nhà báo, nhà thơ,.. có tâm đều có một mục đích là truyền đạt thông tin, tư tưởng, tình cảm của mình một cách dễ hiểu, dễ nhớ và ấn tượng sâu trong lòng người đọc.

Thế nhưng cách mà tôi làm văn lại khác, cái chúng tôi phải làm là “thuộc” tất cả tư tưởng, tình cảm, thông tin rồi viết ra. Tôi sẽ cảm thấy chút ít tự hào là tôi đang ăn cắp có bản quyền từ cô giáo của tôi hơn là từ một học sinh cùng lứa. Tôi buồn dữ lắm.

Văn học là nhân học. Học văn là niềm yêu thích của tôi, tôi học văn không phải để tìm kiếm một thành tích, một sự công nhận nào cả mà đơn giản vì tôi thích, thích cái cách mà người ta gửi vào văn học những triết lý, tình cảm. Thích cái cách người ta làm thay đổi con người và xã hội. Một bài văn mà tôi cho là hay khi người đọc thực sự hiểu điều người viết đang nói tới và bài học nhận được dù nó hay dở thế nào đi chẳng nữa.

Tôi nhớ về bài văn của những em nhỏ lớp tiểu học mới học tiếng việt được đăng tải trên mạng gần đây. Tôi cười ra nước mắt mất vì nó thực, thực đến trần trụi, tôi thích điều đó và cảm thấy có lẽ nó còn hơn mình rất nhiều lúc này, ít ra nó đủ vô thức để viêt ra điều mà nó nhìn thấy và nghĩ ra, còn tôi, tôi còn không dám viết ra thứ mà mình nghĩ nữa kìa. Tôi khóc vì rồi sau 3, 4 năm các em nó còn như vậy không? Nó còn đủ trong sáng để viết ra những sự thực ngay trước mắt nhưng được lý tưởng hóa một cách “khủng khiếp” của những người thầy, mọt cách dập khuôn máy móc tới kinh người.

Mục đích tôi viết bài này là gì? Tôi muốn truyền tải điều gì? Có lẽ tôi chỉ muốn nói rằng giáo dục Việt Nam đang đi sai hướng một cách trầm trọng, tạo ra những con người ảo tưởng về thế giới xung quanh vì nó luôn được lý tưởng tới mức hoàn hảo còn những thứ xáu thì được giảm nhẹ như một phần rất nhỏ trong xã hội. Không chỉ riêng môn văn mà tất cả môn học trong nền giáo dục Việt Nam đều như vậy. Ý kiến, tâm tư, tình cảm, góc nhìn cảu học sinh luôn không được đánh giá cao, thi cử máy móc, chấm bài theo ý, quan điểm của người ra đề. Tôi thật sự bức xúc và chán nản với cách học này.

Tôi không biết bài viết của tôi có đủ “bình thường” để nói ra tâm tư của mình không, và không biết có ai thích hoặc không thích nó hay không, nhưng tôi mong mọi người thực sự hiểu nó, hiểu vấn đề mà học sinh đang gặp phải. Và sẽ làm gì? Thay đổi được không?…

 

Nguyễn Duy

[BDTT8] Khu Vườn Mùa Hạ – Kazuki Yumoto

Featured Image: Bìa sách “Khu Vườn Mùa Hạ”

 

Mình thích trẻ con, và những cuốn sách viết về thiểu nhi. “Khu vườn mùa hạ” là một cuốn sách như vậy, viết cho trẻ em, trong sáng dễ đọc. Nhưng những bài học mà cuốn sách gửi gắm lại sâu sắc vô cùng. Giống như trẻ con luôn có những suy nghĩ mà ngay cả người lớn cũng không thể hiểu nổi. Mỗi lần đọc lại cuốn sách này, mình luôn có cảm giác trong trẻo khi đang ngước nhìn lên bầu trời xanh vậy.

Câu truyện xảy ra trong kì nghỉ hè của 3 nhóc tì lớp 6 : Yamashita tốt bụng, béo tròn, Wakabe cận thị, láu cá nhưng sống rất tình cảm và Kiyama (nhân vật “tôi”) cao kều luôn có những suy nghĩ sâu sắc. Một bộ 3 ki kì lạ của một câu truyện kì lạ. Yamashita nghỉ học vì bà cậu bé mất, và khi Yamashita quay trở lại, cậu kể việc dự đám tang với 2 người bạn của mình bằng giọng tỉnh khô, vì cậu mới chỉ gặp bà hồi còn bé xíu, vì cậu chưa thất ai chết bao giờ. Kiyama và Wakabe cũng thế.

Thế là trong suy nghĩ hồn nhiên của 3 cậu bé mới dậy lên câu hỏi : Cái chết là gì, cảm giác chết như thế nào nhỉ ? À khoan đã, nếu bây giờ có một đứa trẻ học lớp 6 hỏi bạn câu đó thì bạn sẽ trả lời thế nào, chắc chắn bạn bị lúng túng phải không ? Trẻ con luôn đặt người lớn vào những tình huống khó xử. Mình yêu bọn trẻ là vì thế, chúng hào hứng tìm hiểu với mọi thứ xung quanh, tự đặt câu hỏi và tự trả lời, bởi vì đối với chúng người lớn thật vô dụng khi hỏi cái gì cũng không biết. Ý tưởng tự tìm câu trả lời là của nhóc Wakabe: theo dõi “ông cụ”, mà như mọi người nói “chắc là chết rồi”. Chúng không ngờ chúng đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời, cuộc gặp gỡ với “ông cụ”, người suốt câu chuyện không hề được nêu tên, đã đem đến cho ba đứa trẻ một tình bạn kỳ lạ.

Có lẽ, đó là lần đầu tiên chúng kết bạn với người lớn, và đó là một mối quan hệ bình đẳng theo đúng nghĩa. Sự xuất hiện của nhân vật ông cụ khiến người ta tò mò. Trong một xã hội Nhật Bản thời bấy giờ sao lại có thể có một con người như ông ? Ông sống trong một căn nhà cũ kĩ, xung quanh nhà rác rến ngổn ngang và bôc mùi hôi thối. Ngoài những lúc ra khỏi nhà để đi mùa đồ, thì hầu như ông chỉ ở trong nhà, xem ti vi (mà ông cũng chỉ ra khỏi nhà đúng 1 lần để mua cơm hộp và vài thứ linh tinh). Như vậy không thể gọi là ông đang sống, mà phải là ông đang chờ chết. Mình cảm thất thương ông lão, không phải vì ông sắp chết, mà bởi vì ông bị lãng quên, điều đó còn kinh khủng hơn cả cái chết. 3 đứa trẻ đã phát hiện ra ông lão, chính điều đó đã giúp ông sống trở lại. Ông chịu đi lại nhiều hơn, chịu khó ăn uống hơn, và chịu sống.

Tình người là điều kì diệu trong cuộc sống, nó giúp con người xích lại gần nhau hơn, sống có trách nhiệm với nhau. Đó là điều được đề cao trong “Khu vườn mùa hạ”. Dù Wakabe có nói rằng nó theo dõi chẳng qua muốn xem ông cụ chết thế nào, những cả 3 đứa lại giúp ông cụ dọn rác, giặt quần áo… bù lại chúng được ông dạy gọt lê, dạy học chữ Hán, và trên hết, chúng học được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang ý nghĩa. Dù cách thể hiện có hơi thô lỗ (ông cụ đặc biệt trẻ con ở điểm này), nhưng đậm tình người.

Cầm cuốn sách lên là mình không thể nào bỏ xuống được. Mình bị hấp dẫn bởi giọng văn hồn nhiên, trong sáng, pha lẫn chút hài hước của tác giả. Mọi tình huống xảy ra trong truyện đều đến rất tự nhiên, không cần lời giải thích mà cứ thế diễn ra. Như thể tác giả không hề nghĩ mà cứ viết ra vậy thôi, mà lại còn rất hợp lý nữa. Bạn chỉ việc đọc và để nó đi sâu vào trong tâm hồn bạn, tự nhiên như giấc ngủ vậy.

Nhân vật cũng là yếu tố tạo nên sức hút của câu truyện. Họ đều có một phần nào đấy đặc biệt so với những cá nhân khác, nhất là 3 đứa trẻ (tất nhiên rồi, bất kì đứa trẻ nào cũng có sự đặc biệt riêng). Wakabe láu cá, nó luôn có những ý tưởng đặc biệt đến phát sợ, và có phần hơi thực dụng. Có lẽ nó có một tuổi thơ không bình thường, nhưng cũng nhờ đó mà nó có những tình cảm rất đặc biệt, với gia đình, bạn bè, và với ông cụ (Wakabe chính là người đầu tiên bắt truyện với ông lão, và nó cũng thô lỗ giống ông luôn). Yamashita béo tròn và cực kì tốt bụng. Cậu nhát hơn Wakabe ở nhiều điểm, nhưng bù lại có thể dùng dao một cách thành thạo.

Mình ấn tượng với Yamashita ỏ câu nói: “Bố cháu bảo, nếu sợ bị đứt tay thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả”. Đến ông cụ cũng phải khen hay cơ mà. Còn Kiyama thì sao nhỉ, phải nói cậu là đứa kì lạ nhất trong bọn. Cậu luôn có những suy nghĩ thú vị, tưởng chừng như hiển nhiên nhưng lại cực kì sâu sắc. Những bài học mình rút ra từ quyển sách hầu hết đến từ cậu bé này. Ví dụ , cuộc sống đâu chỉ có mỗi việc “thở”, hay chúng ta không cần phải sợ ma, vì trong thế giới của họ luôn có những người thân yêu của chúng ta. Thật trẻ con, và cũng thật ý nghĩa phải không nào.

Mình sẽ không bình luận gì thêm. Bây giờ thì đến lượt bạn khám phá những điều thú vị trong cuốn sách, và học những bài học của riêng bạn. Nhất định trong cuốn sách còn nhiều bài học hay, nhưng mình sẽ không đọc lại nữa (bật mí rằng mình đọc hơn 5 lần rồi đấy). Mình sợ rằng đọc lại sẽ khiến mình cảm thấy không còn gì để khám phá, nó sẽ trở nên nhàm chán mất thôi. Mà bạn có để ý rằng mình không hề nhắc đến hình ảnh khu vườn không ? Vì nó là chi tiết có ý nghĩa nhất, đẹp nhất, mà tùy từng người nó lại mang một ý nghĩa khác nhau. Thế nhé, hãy đọc cuốn sách và đi tìm khu vườn mùa hạ của riêng mình.

 

Tuấn Nguyễn


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

[BDTT8] Cuộc Sống Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi – Andrew Matthews

Featured Image: Bìa sách “Cuộc Sống Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi”

 

Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi – đó không chỉ là tiêu đề của cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu đến với các bạn, những người đã chia sẻ rất nhiều với tôi trong những ngày qua, tuy chưa một lần gặp mặt, mà hơn thế nữa, tôi muốn kể với bạn rằng, tôi chính là một minh chứng sống về những trải nghiệm mà tôi đã học được từ cuốn sách này, thật tuyệt vời các bạn ạ.

Quyển sách không chỉ ra cho ta cách làm thế nào để chúng ta trở thành nhân tài, trở thành người nổi tiếng, nhưng tôi nghĩ nó sẽ hoàn thiện cho chính con người bạn, nó sẽ giúp cho bạn rất nhiều trong cuộc sống đời thường, điều này chắc lẽ cũng là thật ý nghĩa với một đời người, đó là được thực sự làm một người Bình Thường.

Lời đề tựa “Andrew Matthews là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa và chân dung chuyên nghiệp. Ông học tại Đoàn Sinh viên Nghệ thuật ở New York. Ông là tác giả của nhiều bức tranh biếm họa nổi tiếng trên thế giới và đã giành được nhiều giải thưởng nghệ thuật lớn ở Australia. Ông là một diễn thuyết viên có tài và năng động tại các hội nghị quốc tế và chương trình của ông được yêu cầu khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Australia, Châu Á và Châu Âu…”

Một – Hãy vui lên bạn ơi! – Tiêu đề của Phần I cuốn sách. Nó sẽ dẫn dắt bạn đi qua các cung bậc cuộc đời của chính bạn, từ “Sự đau đớn”, “Sự giàu có”, “Hiện tại…”, “Đợi chờ”, “Sự tha thứ”, “Niềm hạnh phúc”, đến việc “Xử lý cảnh buồn phiền”, ”Sự hài hước”, ”Tiềm thức của bạn”, …., “Luật hấp dẫn”, “Sức mạnh của lời nói”, “Thái độ của lòng biết ơn”, và cuối cùng ông chỉ ra cho chúng ta thấy được “Sự thay đổi” thực sự nên như thế nào, thông qua việc hỏi rằng “Chúng ta thật sự hiểu được bao nhiêu?”, và cũng nghiêm túc nhận xét rằng “Cuộc sống thật vô vị trừ phi bạn cho nó cái giá trị” và khẳng định luôn ”Ngày hôm nay là quan trọng”.

Tôi chắc chắn bạn sẽ bật cười khi nhìn thấy bức tranh tác giả vẽ thật thú vị – một nấm mộ với dòng chữ khắc ở trên “Nơi đây nằm xuống là một người sẽ hạnh phúc vào ngày mai”, bạn sẽ thay đổi một vài thói quen tiết kiệm của mình khi xem đến trang 53 của cuốn sách chứ? Thật hài hước mà thật là ý nhị đó bạn ơi.

Nó cũng đã đem đến cho tôi những ví dụ thật đời thường mà thật điển hình, khi đọc lên tôi đã có cảm giác tác giả như đã sống cuộc sống của chính tôi vậy. Và chính tác giả đã nói với tôi rằng “Bạn xứng đáng được hưởng tình yêu và lòng kính trọng chỉ vì Bạn là Bạn”, tác giả chỉ ra cho chúng ta những điều thật giản dị mà đôi lúc chỉ vì nó giản dị quá, khiêm nhường quá làm cho ta không để ý đến nó, ta không quan tâm nó, làm cho nó trở nên tầm thường và đôi khi bị bỏ lãng quên, nó chính là những thói quen hàng ngày của chúng ta, nhưng nếu chúng ta biết cảm nhận chúng ta sẽ thấy tất cả thật có ý nghĩa, nó bù đắp cho chúng ta những lỗ hổng tuy không lớn, nhưng số lượng lại cũng không hề ít chút nào.

Bạn có những thói quen tưởng chừng như không nguy hại gì đến ai, thậm chí không nguy hại gì đến bạn, nếu bạn vẫn muốn giữ cho mình một cuộc sống như hiện tại…nhưng chỉ cần bạn thay đổi một vài thói quen thôi, một vài cách nghĩ thôi, nó sẽ làm cho cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn rất nhiều, và tất nhiên đó phải là những thói quen và cách nghĩ tích cực. Tuy nhiên “Sự thay đổi luôn bị thách thức” tác giả đã “cảnh báo” với chúng ta như vậy và ông cũng nói thêm rằng: “Sự thật là bạn có thể thay đổi được, nhưng những hình mẫu cũ nó vẫn cứ đeo đuổi bạn. Vậy làm thế nào để chúng ta thay đổi được? Trước hết phải nhận ra rằng mọi thay đổi đều sẽ vấp phải kháng cự. Nói tóm lại chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng”

Hai – Hãy làm theo trái tim mách bảo – là tiêu đề của Phần II cuốn sách – Tác giả đã chỉ ra những điều tưởng chừng như chân lý bao lâu nay, mà quá quen thuộc nhưng ta lại bỏ quên nó rồi đấy. “Sống để mà hiểu biết”, “Quy luật của hạt giống”, “Nguyên nhân và kết quả”, “Trật tự” và ông khuyên “Hãy thích nghi”, “Những niềm tin” và nói luôn, chính ta đã “Tự làm hư hỏng mình”, rồi “Tại sao lại phải suy nghĩ tích cực”, “Suy nghĩ gặt hái những kết quả”, “Hãy khởi động”, “Lòng can đảm”, “Hãy thử làm những điều mới mẻ” và “Tại sao lại không phải là bạn”, tuy nhiên bạn cần có “Sự tha thứ”, có “Gia đình”, có “Tình yêu và sự sợ hãi”, và thực sự là “Khi bạn thay đổi…Bạn không cô độc”

“Đời phải biết mình là ai”, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đã không ít lần nói đùa với nhau như vậy, nhưng thực ra có nhiều khi chúng ta thực sự là chưa thật hiểu mình, không biết mình là ai, mình đang đứng ở đâu trong xã hội, và thậm chí còn hiểu lầm chính mình. Khi tôi đọc cuốn sách này, nó như đã giúp tôi cân bằng lại chính mình, nhìn lại mình một cách khách quan hơn, trung thực hơn, và đôi lúc hạ thấp được mình xuống đúng lúc, cũng như nâng mình lên cho xứng tầm khi cần thiết. Đúng là cuộc sống của tôi đã thay đổi khi chính tôi cho phép tôi thay đổi, không ai có thể bắt tôi làm điều đó ngoài tôi. Và bạn cũng vậy, người duy nhất có thể thay đổi được cuộc đời của bạn là chính bạn, tôi nghĩ là như vậy, mọi lời khuyên hay góp ý từ bên ngoài chỉ là tham khảo mà thôi.

Tôi lấy một ví dụ thế này, tôi có bà chị họ mấy năm trước đã ngoại tứ tuần mà vẫn đi về lẻ bóng, không phải là chị không có người yêu mà thực tế chị ấy có quá nhiều người yêu, nhưng phải thú thật mà nói tôi có cảm giác chị ấy không hiểu chính mình, cho nên các mối tình của chị đều lần lượt ra đi và để lại cho chị một khoảng trống không thể nào lấp đầy được.

Tất cả những lần chị yêu anh này, anh kia, chị đều tâm sự với tôi và tôi thấy được phần lớn lỗi lầm cho sự tan vỡ các cuộc tình là do chị, một con người không thực tế, lại còn cầu toàn, cái gì cũng muốn theo ý mình, và theo chị mọi việc chị làm, mọi điều chị nghĩ mới là đúng, tôi biết chị rất tin tưởng tôi mới kể cho tôi nghe chuyện của chị, nhưng mặc cho tôi hết lời khuyên bảo, có những lúc như chị đã nghe ra, hiểu ra điều tôi muốn nói, nhưng rồi chỉ sang ngày hôm sau mọi việc lại đâu vào đó cả, tôi thật buồn và mệt mỏi, về sau mới rút ra được một điều, không ai có thể thay đổi chị, trừ phi chị hiểu ra chính mình và tự thay đổi mình. Chính tôi đã giới thiệu cuốn sách này cho chị đọc, và chính chị đã tự thay đổi, tôi thực sự cảm ơn tác giả, đã đem đến cho chị ấy một cuộc đời mới thật ý nghĩa biết bao.

Tôi muốn giới thiệu đến bạn, cuốn sách này, nếu bạn là người đang đứng bên bờ vực thẳm, bạn đã mất tất cả, thì nó sẽ đem lại cho bạn niềm tin vào chính mình và cuộc sống của chính mình.

Nếu bạn là người đang đứng ở đỉnh cao của danh vọng, bạn sẽ cân bằng lại của sống của mình, đôi lúc cảm giác thăng hoa cũng cần phải đúng lúc và đúng chỗ, có những lúc bạn cần kiềm chế lại để dành chút hạnh phúc mỏng manh, hiếm hoi cho người đối diện.

Nếu bạn đang có một cuộc sống bình dị như đa số những người khác, nó cũng sẽ làm cho bạn vui thêm và biết đâu, bạn sẽ đem đến niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh khi họ cần đến bạn, bằng cách sống của bạn hoặc có thể bằng chính cuốn sách này.

Ba – Làm bạn – là tiêu đề của Phần III cũng là phần cuối của cuốn sách này – Tác giả đưa ra cho chúng ta thêm những lời khuyên nên làm khi bạn đã có quyết tâm thay đổi, “Bạn nghĩ mình là ai?”, “Hãy ngừng đổ vạ cho người khác”, “Sự thành thật được đền bù”, và bảo với bạn cách mà bạn “Hãy tự khẳng định mình”, “Hãy để cho mọi người tự suy nghĩ”, “Hãy đừng phân trần cuộc sống của bạn”, và ai cũng vậy “Mọi người cần một khoảng không gian”, bạn hãy biết “Thiết lập những nguyên tắc”, những điều bạn không nên làm như “Chạm lòng tự ái”, “Tránh tranh luận”, “Làm nhục người khác”, “Phê phán”… Những điều đó bạn có có không?

Đôi khi không phải cố ý mà do vô tình, bạn đã làm tổn thương người khác, thật không hay chút nào, mình phải nên nhìn lại, kiềm chế “những sự thăng hoa” không đúng lúc đúng chỗ, bằng cách có “Những cái ôm thân mật”, “Làm cho người khác hạnh phúc”, “Khi dành thời gian với những người nghèo khổ”, và “Suy nghĩ hơn nữa về việc cố thay đổi con người”, bằng tất cả các “Sự cam kết”, “Sự nỗ lực”, “Lòng kiên trì”, tôi hi vọng, cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn những điều giản dị, làm đẹp thêm cuộc sống của chính bạn và những người xung quanh bạn.

Tôi đã từng nghe nói đến và đã có lần bỏ chi phí hàng triệu đồng để tham gia vào các buổi giảng ba ngày của chương trình Babilon… Tuy nhiên ở đó hình như người ta dạy cho mình làm những “supper man”, nhưng thực sự khi đọc cuốn sách này tôi mới thấm thía, trước tiên hãy thay đổi mình để cuộc sống của mình trở thành vui vẻ hơn, thú vị. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc trở nên giàu có về vật chất hay trở thành một vĩ nhân mà khiếm khuyết về mặt tâm hôn.

Tôi chúc bạn, và các bạn những ngày nghỉ lễ vui vẻ, và đừng quên, ghé thăm “Triết học đường phố” để chúng ta sẽ biết thêm được những cuốn sách hay và nên đọc bạn nhé.

Và đây cũng là điều cuối tôi xin gửi đến các bạn, cũng như lời chúc của tôi tới tất cả mọi người: “Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi”.

 

Ngải Tướng Quân


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

[BDTT8] Vừa Nhắm Mắt, Vừa Mở Cửa Sổ – Nguyễn Ngọc Thuần

Featured Image: Bìa sách “Vừa Nhắm Mắt, Vừa Mở Cửa Sổ”

 

Này suy tư, cho ta một chút bình yên nhé!!

Để ta dừng lại, nhặt lấy một chút nhớ mong, một chút vô tư hay chỉ là một chút niềm thương nhớ chính mình khi nụ cười vẫn còn vô tư lvaf ánh nhìn thì vẫn thanh than veo trong

Một trong những bình yên để ta dừng lại là những trang viết của Nguyễn Ngọc Thuần với “ vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” – một cái tên rất lạ, khiến ta tò mò để lật giở những trang sách khám phá xem vì sao lại như vậy.

Những ngôn từ, từ những trang viết đầu tiên cho ta một sự thú vị, và chỉ có thể lột tả bằng hai từ “ trong vắt”, trong lắm, trong đến mức có thể soi được vào đấy cả tuổi thơ mình. Đẹp và hồn nhiên đến ngẩn ngơ, say mê và xúc động, gửi ta về lại với ngày xưa bởi những điều tuyệt vời nhất.

Cậu bé con 10 tuổi – Thế giới nhỏ hẹp – đơn giản nhưng lạ dạy được cho người lớn những bài học giá trị. Thế mới thấm câu : “ mẹ ơi thế giới mênh mông lắm, nhưng mênh mông không bằng nhà mình”

Ta – những người lớn được dạy lại bài học về sự chân thành, cho đi – nhận lại, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và cả Tình yêu nữa – những thứ kết nối giữa người và người, tạo nên giá trị cho cuộc sống này được nhận định lại bằng cách nhìn của một đứa con nít với văn phong rất đẹp, nhẹ nhàng và đơn giản để cho chúng ta đọc vào nhoẻn miệng cười mà chậc lưỡi nghĩ về những gì chúng ta đang làm.

ta biết rằng đôi mắt luôn khát khao đón nhận những điều mới mẻ, cảm nhận giai điệu của cuộc sống. và từ sâu thẳm trong chúng ta có thể thay đổi chính mình từ bài học của đôi mắt.

Nhưng cuộc sống tươi đẹp này không chỉ được cảm nhận bởi thị giác và không phải chỉ có đôi mắt mới mang lại cho ta những bài học giá trị.

Tình yêu có ở khắp mọi nơi, nó là một điều kì diệu mang lại phép màu để xoa dịu tất cả nỗi đau, và ta thấy tình yêu, cảm nhận được nó, thậm chí có thể cầm vào nó.

Tình yêu qua sự chia sẻ:

“Tôi vẫn nhớ mẹ thường nay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lai vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không….”

Những thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng quan trọng mà chúng ta vô tình quên đi bởi cuộc sống xô bồ và nhộn nhịp, người ta quá bận rộn để dành cho nhau sự chia sẻ? hay họ nghĩ những nỗi buồn cần khuất lấp chứ không phải là xoa dịu?

Và dù bất kì lý do gì, thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn giữa những lý do của người lớn. Sự chia sẻ của một đứa bé 10 tuổi, khiến ta mỉm cười mà ao ước:

“Con sẽ cho ông ngón út. Con kể bí mật này cho ông nhé, trong mười ngón tay, con thương nhất là ngón út. Nó là ngón thiệt thòi nhất, bé tí. Nó yếu nữa. Ông thấy không, nó nhúc nhích rất chậm, vậy mà lâu lâu con còn cắn nó một cái. Nhưng mà thôi, con cho ông mười ngón.

Ta biết rằng ta hạnh phúc, hạnh phúc là khi được sinh ra lành lặn, có được hơi ấm từ tình yêu thương của cả cha và mẹ, ta được sống – là sống, chứ không phải tồn tại. Vì sống là 1 âm thanh:

“ bố tôi nói, người sống là một âm thanh nên khi sống người ta sẽ gây nên tiếng vang bằng chính cuộc sống của mình”

Đơn giản đầu tiên là từ cái tên:

“Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.”

Thứ âm thanh đầu tiên – một quà tặng vô giá đầu tiên mà cha mẹ đã dành cho chúng ta:

“Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm. Bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Ðứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó. Không gì tuyệt diệu hơn khi mình gọi tên người thân của mình. Mẹ là cái tên chung cho tất cả những ai làm mẹ. Khi ai đó gọi mẹ ơi, tức mình hiểu người phụ nữ đó đã làm và yêu thương những công việc giống mẹ mình. Mẹ cũng là một cái tên đẹp nhất, bao giờ cũng dịu dàng.”

Một món quà đầy tình thương yêu

Từ cuốn sách ta được đắm chìm trong phép màu từ những điều giản dị nhất, những điều thuộc về mình, chỉ riêng của mình thôi, thấy ta có một sự khác biệt để trân trọng để yêu quý. Bài học về sự tự tin từ chính cơ thể mình:

“Ái chà Bố bật cười. Thì ra là vậy. Bố thấy đẹp lắm Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Ðáng lý con phải tự hào vì nó. Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình.”

Một món quà của tạo hóa, nhưng cũng có những món quà rất nhỏ thôi, nhưng chứa đựng bao nhiêu nghĩa tình như trái ổi của Tí dành cho “ bố của tôi”, như giấc ngủ của Dũng, như tên gọi yêu của bố dành cho mẹ “ cục cưng” và vô vàn những thứ khác được Nguyễn Ngọc Thuần sử dụng để vẽ ra hình dáng của TÌNH YÊU

Tình yêu đối với trẻ con là không hề màu mè, không phức tạp, không tính toán, nó đơn giản và đúng nghĩa nhất.

“Hay quá chú hé! Cháu yêu chú, chú yêu cô Hồng, cô Hồng yêu mẹ cháu, mẹ cháu yêu bố cháu, bố cháu yêu cháu.
Chú Hùng gật đầu:
– Ừ. Người này yêu người kia”

Ngoài tình yêu, ta cũng được dạy về niềm đau, nỗi thương nhớ về sự mất mát, không hề bi lụy, xót xa nhưng chân thực, ta cảm thấy được ta đang đau, rất thấm:

“Bố tôi vẫn nói, khi một người thương yêu của ta ra đi, cũng giống như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim mình. Đó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở từng ngày.
Ta được nuôi sống.”

Một cuộc sống được nhìn bằng niềm yêu đời thiết tha, bằng lòng với những điều đẹp đẽ, tuy bé nhỏ nhưng thực sự là cả một ước ao của những ai đã đủ lớn để mong bé lại.

“ … Chú Hùng ơi! Tắm mưa không?

Chú lớn rồi! không tắm mưa nữa

Tại sao vậy?

ừ, người lớn là vậy.

nếu vậy thì cháu chẳng thèm lớn nữa.”

càng lớn, thì chúng ta càng đặt ra nhiều giới hạn để giữ mình lại, và vì thế đôi khi chúng ta không tìm thấy được phép màu. Đọc xong cuốn sách này, có thể bạn sẽ chìa ngón tay cái ra và tuyên bố rằng “ nghỉ chơi với ông Bụt”

Vì sao ư? Vì chẳng phải điều kì diệu là từ chính ta tự tạo ra và cảm nhận được đó sao?

Hãy cứ đi đi, đi tìm những gì mình cần, đừng bận tâm về những điều bắt đầu hay sau cuối

 

Cỏ May


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi