29 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 172

Một cuộc chiến

86
Featured Image: Alejandro García

 

Tôi đang đi về hướng mặt trời lặn, vào giờ kinh sáng, quãng giờ thứ ba. Lúc này mặt trời vẫn đang ở đằng Đông. Người ta hay bảo tôi lập dị, toàn làm những chuyện ngược đời. Khi nhiều người hành hương tìm về phương Đông huyền bí, tôi chọn hướng ngược lại.

Nhưng vào quãng giờ này, phía Tây vẫn còn ánh trăng lờ mờ, dù không đủ tròn nhưng vẫn giúp tôi nhận biết đó là ánh sáng còn sót lại sau một đêm dài. Tôi hân hoan vì vẫn có một ánh trăng chiếu rọi, không còn nguyên vẹn.

Sau lưng tôi, hơi ấm lan tỏa nóng dần, ánh mặt trời đang soi sáng và thiêu đốt. Tôi đang chịu sự trừng phạt như một con chiên lạc lối chăng? Tôi vẫn kiên quyết bước đi về phía mình đã chọn. Sau lưng, da thịt tôi nóng rẫy, tan chảy và đỏ au. Tôi như đang bị thiêu sống, cùng quẫy. Chỉ là một sự lựa chọn không theo số đông, không thuần túy là những bước chân dẫm lên những tàn tích cũ – những dấu chân đã đi trước – lặp lại những gì đã được nghe như một con vẹt ngoan ngoãn để được ông chủ hài lòng và cho ăn, thì có nặng tội đến mức phải bị thiêu đốt không? Tôi uất nghẹn, quay lưng lại định hỏi Mặt Trời tại sao phạt nặng tôi như thế. Nhưng chỉ vừa khi ánh mắt tôi chạm vào một luồng sáng từ khối nóng kia phát ra, đôi mắt tôi đã bị thiêu cháy khi chưa kịp cất lời.

Và cuối cùng, cả cơ thể tôi như một khối nham thạch nóng bỏng, chỉ chực chảy tràn vào hư không. Tôi nhìn về phía Tây, ánh trăng kia đã biến mất tự lúc nào. Tôi kêu gào thảm thiết vì nghĩ rằng, mình đang trải nghiệm những giây phút cuối đời. Tôi không thể khóc, vì chẳng ai dành giây phút này cho việc khóc cả. Tôi đang bay, lơ lửng. Tôi nhìn ngắm bầu trời xanh trong vắt, một cảm giác nhẹ tênh. Bầu trời luôn ngự trị trên đầu tôi, màu xanh của nó và những áng mây bồng bềnh luôn hiển diện mỗi ngày, vậy mà đây là lần đầu tiên tôi ngắm nhìn nó với cảm giác thảnh thơi huyền diệu. Có lẽ, con người ta trước khi chết hay tạo ra cho mình những cảm giác thảnh thơi đó – đôi khi chỉ là cảm giác tự lừa dối để khỏa lấp những tội lỗi mà bản thân đã gây ra trong đời.

Tôi nhắm mắt để mình đi về cõi chết, để ghi dấu màu xanh kia một lần cuối – màu xanh huyền diệu. Tôi lơ lửng mãi như tìm đến cõi vô tận, mọi giác quan đều bị phong tỏa, nhưng mãi mà tôi vẫn chưa thấy mình được siêu thoát. Tôi còn nghe thấy thanh âm ù ù như bão lốc, tiếng sôi sùng sục như đại dương đang thét gào dâng ngọn sóng cao nhất của mình để chiếm lĩnh thế gian. Tôi mở mắt. Một cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra, bầu trời xanh trong vắt của tôi chỉ còn là hình ảnh trong trí nhớ. Bao quanh tôi lúc này là giông tố và có thứ gì đó đang lan ra, chiếm trọn cả khoảng không trước mặt. Một biển máu. Vâng, thôi không thể tìm từ gì chính xác hơn để miêu tả trạng thái này, một biển máu đang vây lấy bầu trời.

Những dòng nước đỏ lòm, lan dần khắp không gian. Tôi sẵn sàng cho một cái chết dưới bầu trời xanh thẳm, để linh hồn mình có thể tựa vào những đám mây đi khắp thế gian, nhưng tôi không thể chết dưới biển máu tanh hôi thế này. Tôi vùng vẫy tìm cách thoát ra, không thể được. Tôi cầu cứu, không ai trả lời, ngay cả những vị thánh. Bỗng giữa biển máu xuất hiện một ngôi sao năm cánh. Tôi mừng rỡ, mình sẽ được giải cứu, mình sẽ được giải cứu. Lẩm nhẩm trong miệng, tôi bay về hướng vì sao. Tôi chợt nhận ra mình mạnh hơn bao giờ hết, ánh mặt trời thiêu đốt đã giúp tôi cứng như sắt nung qua lửa đỏ. Tôi thầm nghĩ với sức mạnh này, tôi sẽ vươn tới ánh sáng của vì sao và nhờ đó, sẽ soi sáng thế gian này, đẩy lùi được bóng tối mà biển máu đỏ đang bao trùm. Nhưng tôi đã nhầm, một sự nhầm lẫn ngu ngốc và tai hại.

Trên môi rạng rỡ một nụ cười, tôi đã bay đến được gần với vì sao. Nụ cười vội vã tắt ngúm khi trước mắt tôi hiện tại không phải là hình ảnh một ngôi sao lấp lánh, mà là một vật có ngũ chi tựa một ngôi sao năm cánh, nhưng chắc chắn không phải là một vì sao, không bao giờ có thể là một vì sao. Cái vật thể ngũ chi đó cứ to dần, như một thực thể có đầy đủ tay chân và một cái đầu. Tứ chi kia lớn dần lên, như hai cánh tay và đôi chân khổng lồ, còn cái đầu dần thu nhỏ lại, bé xíu như trái táo Tàu. Thực thể đó nhìn tôi dò xét, và tôi có linh cảm rằng nó chính là tên lính gác đã tháo cái then cài cánh cửa tội ác để dòng máu đỏ tanh hôi lan tràn thế gian này. Tôi lùi lại đề phòng, cái chi hình táo Tàu lắc qua lắc lại, một tràng cười man rợn nổi lên, hòa cùng tiếng rít như dao cứa. Một thảm cảnh hệt như những tưởng tượng phong phú nhất về ngày tận thế.

Bất ngờ, hai tay nó vươn về phía tôi và xiết lấy cơ thể nhỏ bé này, bóp nghẹt. Tôi vùng vẫy chống cự, nhưng vô ích. Hơi thở tôi yếu dần, tưởng như quả tim ngừng đập. Tôi định buông xuôi, để mặc cho số phận quyết định vì tôi biết rằng, với sức mạnh của riêng mình, chẳng thể làm được gì cả. Đâu đó sâu trong tim tôi, một hơi nóng, một luồng sáng phát ra thiêu cháy hai cánh tay kia, nó liền rụt lại, tôi thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Tôi bất ngờ về sức mạnh tiềm ẩn của mình, thì ra Mặt Trời đã không trừng phạt tôi – như tôi đã nghĩ – mà đã cho tôi sức nóng đó, để tôi mạnh mẽ hơn. Cái thực thể kia không buông tha, nó liền rống lên một thanh âm u tối, biển máu dồn vào nó và hiện ra hình hài hai thứ vũ khí trên tay. Hai thứ vũ khí ấy trông rất quen như thể chưa bao giờ tôi nghĩ nó sẽ trở thành công cụ trong tay Kẻ thủ ác.

Tay trái hắn cầm một thứ mà mẹ tôi thường dùng trong mỗi vụ gặt, và với tôi, mỗi khi mẹ dùng đến nó thì tôi biết chắc mùa này nhà tôi no đủ. Tay phải hắn cầm một vật mà cha tôi hay dùng, nó đã giúp gia đình tôi từ nơi ở xiêu vẹo tạm bợ có một căn nhà ván được đóng đinh vững chắc qua mùa mưa bão. Búa liềm, hai vật dụng gia đình tôi từng nâng niu, giờ trở thành thứ vũ khí nguy hiểm. Tôi choáng váng, những hình ảnh trong ký ức hiện về. Làng quê đó, những con đường thơm mùi rạ ầm đó, những con người chân chất đó.

Bây giờ họ ở đâu, trong mớ hỗn loạn này? Có ai như tôi, làm những việc ngược đời rồi giờ đây đang đứng giữa bờ vực của sự sống chết mà vẫn mãi hoài ngờ vực niềm tin của bản thân? Tôi đang chối bỏ những gì tôi đã từng tin và yêu quý, tôn thờ? Là tôi đã sai khi chọn con đường này sao? Nếu như vào giờ kinh thứ ba ấy, tôi đi con đường mà bao kẻ đã đi, dẫm đạp lên những đổ nát mà người đời xưng tụng, thì tôi có đối diện với cuộc chiến này? Nhưng quá trễ rồi, đã qua giờ kinh tối, cuộc chiến đang đến hồi kết trong khi tôi lại chưa tìm được điểm khởi đầu cho niềm tin của mình. Mọi giá trị tôi đã xây dựng như một tòa tháp tráng lệ, nhưng rêu phong tàn tích, đổ sụp trong phút chốc.

Kẻ thủ ác ấy không đủ kiên nhẫn để chờ tôi đi tìm câu trả lời, vì theo hắn, tôi chỉ có thể được viên mãn sau khi được hắn gia ân kết liễu đời mình. Hắn nhẹ nhàng dưa lưỡi liềm kề vào cổ tôi, và bằng một hành động rất ngọt – vì chắc chắn hắn đã thực hiện nó nhiều lần – đầu và thâm mình tôi tách ra làm đôi. Lạ thay, tôi không hề sợ hãi mà tĩnh tâm đón nhận cảm giác này. Những giọt máu nơi vết cắt luôn chảy. thần kỳ chưa, nó không là màu đỏ thuần túy, mà từng giọt mang màu xanh huyền diệu. tôi đã cất công đi tìm màu xanh ấy, mà không hề biết răng, đó là từng giọt máu trong cơ thể mình.

Máu tôi lan dần ra từng cánh đồng, thân thể tôi tan theo gió và linh hồn tôi cư ngụ dưới một đám mây. Nhưng, như những kẻ thắng cuộc vẫn thường làm, cái thực thể ngũ chi đó hân hoan với chiến thắng của mình, và gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhân loại mà không hề để tâm rằng, dưới chân những ngọn lúa, từng giọt máu nhỏ xíu mang màu bầu trời, đang vươn mình sinh sôi.

Tôi mỉm cười, vì tôi tin, sẽ còn có nhiều người nữa – như tôi – đi tìm màu xanh đã mất.

 

Lâm Hạ

Can đảm có gì hay?

6
Featured Image: [Duncan]

 

Hôm nay là ngày Remembrance Day, tức là Ngày Tưởng Niệm các chiến sỹ trong chiến tranh. Sáng lên Facebook thấy báo tin là ngày sinh của Bs. Phạm Doãn, trong lòng cũng thấy có chút trùng hợp. Tôi được một cái tánh là hay nhớ ngày sinh bạn bè, nhưng rồi vài người trong số ấy đã ra đi nên tôi nhớ luôn ngày tử của họ là thành hai. Ngày sinh còn chúc mừng, có hoa và bánh kem, ngày tử chỉ biết một mình tưởng nhớ – còn sinh nhật của một người đã mất thì bối rối chẳng biết phải làm sao cho đúng lẽ.

Tháng 11 cũng gợi tôi nhớ tới sinh nhật của một bậc đàn anh đáng kính, đã dìu dắt tôi rất nhiều lúc còn ngu ngơ – anh Kts Văn Công Thuần. Thôi thì tôi sẽ dùng ngày Remembrance này để tưởng nhớ, vì họ có cái chung đều là Chiến Sỹ, dù chết trên trận chiến súng đạn hay trận chiến ở xã hội thì họ cũng đều là những con người can đảm. Thế, can đảm thì có gì hay?

Từ một câu trong phần thảo luận của bài viết “Như một lời nói thừa”, bác Hoa Nguyen cho rằng sự can đảm trong thời gian cuối đời của bác Phạm Doãn (Luyện) là không đúng lúc, hoặc không cần thiết phải làm thế. Tôi viết bài này, cố gắng tránh nhắc lại những chi tiết không cần thiết hoặc không liên quan, hoặc như là có bạn nói “lấy chuyện hậu sự của người ta ra… tự sướng” – tôi không thích (và không cần thiết) lấy cái đau khổ gia đình người ta mà tôn vinh bản thân mình. Nhưng tôi không thể làm ngơ, bởi vì cái im lặng này không phải là kiểu “im lặng của bậc trí”.

Nếu không phân tích được thì quả thật cũng sẽ chẳng có ai hiểu cái giá trị phi thường của lòng can đảm – và dẫn tới mọi người sẽ dễ duôi bắt tay với sự hèn nhát, vì nó dễ làm hơn và cũng “lợi nhiều bề”. Kẻ nào biết mà không bênh vực sẽ thành câm, có trí mà không có dũng nói lên thì sẽ dần thành đần độn – luật Nhân Quả nghiêm khắc rất ác nghiệt, mà tôi cũng không phải là thứ câm hèn. Bởi vì có không nhiều người hiểu được sự can đảm – cái đại dũng lực – của bậc thánh khi đứng trước sinh tử, cho nên cũng có rất ít người chứng đắc được tuệ giác thiền định.

Tôi viết bài này một phần vì đồng cảm với Bs. Phạm Doãn, nói lên cho mọi người được rõ là ông ta đã dũng cảm thật sự như thế nào, chứ không phải chỉ có biểu hiện ở những chuyện nhỏ nhặt như “tự rút ống, nội soi không thuốc mê” hoặc tuyên bố “còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu”. Phần còn lại tôi muốn nêu giá trị của đức tánh can đảm – dũng lực – trong bước đường tu tập giải thoát.

Can đảm có gì hay ho? Hay quá đi chứ! Một con người can đảm dám làm dám chịu, dám sống thực như mình mơ ước mà không bị bất cứ sự cản trở nào trong suy nghĩ. Muốn leo núi vượt rừng nhưng trong tâm đầy những lo ngại, sợ sệt, tính toán thiệt hơn,… thì mãi mãi vẫn ở nhà. Một con người bình thường, lúc còn bé thì cha mẹ luôn dạy phải tránh rắn rít, coi chừng đứt tay, đừng chạy nhanh quá sẽ té đau,.. đó là những lời khuyên đúng, nhưng dần dần đứa bé sẽ thận trọng và dè đặt – người ta bảo rằng kẻ “biết suy tính” là người lớn.

Ra đời, xã hội dạy ta phải biết sợ công an, sợ chính quyền cũng như sợ bọn tội phạm. Về nhà thì sợ vợ, vì mong được ổn định nên thỏa hiệp và nhắm mắt trước những tật xấu của con người trong gia đình – vợ nó coi thường cũng phải, vì hai cái hòn của đàn ông đã teo mất từ lâu. Vào cửa thần quyền thì cái đầu tiên được dạy là phải quỳ lạy sợ hãi một bức tranh tượng nào đấy – của những bậc thánh dũng cảm – chứ không được dạy phải noi theo các đức tính, dũng lực của bậc thánh nhân ấy. Gần cuối đời khi thấy trước mặt là hố đen thì sợ quíu cẳng, cố quỳ lạy van xin để bám víu vào một tia hy vọng nào đấy, rằng sau khi chết sẽ được “cứu vớt”.

Hóa ra con người ta cứ phải sợ hãi suốt đời, từ bé cho tới chết – chưa một ngày đủ dũng cảm để thấy được tự do. Cho tới ngày nằm nhắm mắt chờ cái chết mới hối hận tại sao ta chưa từng được sống như ta mong muốn. Ngày Remembrance tôi được xem và đọc những đoạn lịch sử kể về những con người bình thường sống ở xứ tự do giàu có, nhưng khi tin nghe đất nước quê hương bị chiến tranh thì họ xếp hàng rồng rắn đăng ký vào quân đội, đến nổi người ta phải tìm cớ loại bớt ra. Cũng là thiêu thân, nhưng kẻ hèn nhát thích đốt cuộc đời họ trong hưởng thụ dục lạc hơn là cho tổ quốc – rồi sau đó bĩu môi chê bọn ấy ngu. Cuộc đời nhanh như chớp mắt, rồi ai cũng chết, nhưng có người được sống thực, có người chưa bao giờ được sống. Những con người dũng cảm họ đã được tự do trước khi chết, những kẻ hèn chỉ hưởng thụ trong sự sợ hãi.

Xã hội và chính quyền rất sợ lòng dũng cảm, họ tôn vinh các anh hùng liệt sỹ nhưng lại sợ sức mạnh ấy – bởi vì bản chất của giai cấp thống trị là hèn nhát, nên mới sống sót mà luồn lách leo lên. Một mặt thì dựng tượng thờ nhưng mặt khác ngấm ngầm tiêu diệt. Sự can đảm là một đức tánh mà thần quyền lẫn bạo lực không thể cai trị được. Vì độc lập tự do con người ta sẳng sàng đổ máu, vì không muốn bị kẻ ngu đè đầu cỡi cổ người ta dám liều chết vượt biển cưỡi cá mập. Không một thế lực nào có thể làm chùng bước can đảm, kể cả cái chết. Sự tham lam luôn đi đôi với hèn nhát – sợ mất – cho nên khi xã hội được xây dựng từ lòng tham sẽ phải “đì” những kẻ gan dạ. Ai nhút nhát thỏa hiệp thì sống an ổn, ai can trường muốn vượt lên thì sẽ vướng phải chập chùng trở ngại, do cuộc đời này đã thiết kế sẵn – như một quy luật.

Chiến tranh sinh ra do lòng tham, và người ta tìm cách dụ dỗ những chiến sỹ vào chổ chết – kẻ tham hèn thì luồn lách sống và hút máu con người trong chiến tranh như loài ma cà rồng. Nếu không có chổ để triệt bọn Chiến Binh ấy thì chúng sẽ dùng cái dũng lực để tìm diệt những chướng mắt ung nhọt trong xã hội – là cái đuôi của lòng tham. Tôn giáo cũng khởi đầu từ những bậc Thánh dũng cảm, dám hy sinh vì nhân loại, nhưng lại được “tiếp quản” bởi con người – đằng sau là cái tham của Satan xúi giục – cho nên chẳng ai thèm gỡ Chúa Jesus xuống, cứ để Ngài bị đóng treo trên giá.

Đó là hình phạt cho những kẻ can đảm, bạn vào nhà thờ chẳng nhìn thấy thế sao? Phật tử đi chùa lạy Phật để cầu xin, chứ không phải quỳ xuống tôn vinh sự dũng cảm tuyệt vời của Ngài khi chiến đấu với Bản Ngã Tham Ác, hoặc sự dũng cảm chiến đấu giành lại từng người để mà cho họ vượt thoát ra khỏi cõi dục. Họ cũng chẳng cần tìm hiểu con đường mà Ngài đi qua và đã làm, chỉ cần ban phước gia hộ cho họ tiếp tục tham lam là được! Chừng nào con người còn sợ hãi và nhút nhát thì tôn giáo và chính trị vẫn còn vững bền cai trị, họ sẽ dựng tượng anh hùng nhưng chính họ cũng là kẻ đã bắn người đó – để biến ông ta thành tượng đài.

Có một câu nói rất hay: “Chỉ khi nào ngươi dám chết vì Ta, ngươi mới vào được Thiên Đường.” Câu này được giải nghĩa theo nhiều cách, được các giáo chủ dùng làm công cụ để hướng sự cam đảm của con người trở thành các vũ khí chống lại con người. Các đội quân tôn giáo trong các cuộc thánh chiến cũng từ câu ấy mà ra. Đáng lẽ vị Thánh ấy dạy con người dũng cảm bảo vệ Chân Lý để giác ngộ, bước vào hàng ngũ Thánh, thì lại bị bẻ cong để xúi giục con người làm quân lính phục vụ cho sự tham muốn bành trướng lãnh thổ – lòng tham của Quỷ. Trong kinh Phật giáo Đại Thừa cũng có đoạn “qua đi, tiếp đi, cho tới bờ bên kia“, nghĩa là khuyên con người hãy dũng cảm mà tự chèo qua sông mê. Chính Đức Phật lúc cuối đời cũng dặn dò “hãy thắp đuốc lên mà đi, hãy tự nương tựa chính mình”. Thế mà cũng những con người thờ kinh ấy, lại dạy rằng hãy thiết tha kêu gọi tên một vị Phật tưởng tượng, để được tiếp rước. Thế thì các giáo sỹ đã phản Chúa chém Phật thêm một lần nữa.

Những ngày bác PD biết sắp phải ra đi, ông HN có khuyên rằng “hãy nương tựa một vị Phật nào đó” để cảm thấy yên tâm và nhẹ nhàng hơn. Đó là một lời khuyên rất thừa thải – dù có vẻ như có lòng tốt giúp đở, quan tâm – giống như khuyên một vị anh hùng rằng “hãy đầu hàng giặc đi, anh sẽ được mọi thứ”. Thực ra ý của ông HN là thế này: “Anh hãy nương tựa vào Phật A Di Đà, đọc tụng tên Ngài để mong cầu vãng sanh. Anh phải công nhận là anh sai lầm, và sám hối rằng những đau khổ này là quả báu từ việc dám chống lại Đại Thừa. Sự can đảm của anh là vô ích…”

Những ai đã đọc sách giáo khoa Trung Học đều biết chuyện “những điều lố hay Raven và Phan Bội Châu” trích đoạn ngài Raven khuyên ông Phan Bội Châu hãy đầu hàng Pháp đi. Khi tôi đọc những dòng ấy, quả thực thấy cũng như thế. Tôi không dám gọi những người sống gần hết đời mà tin theo Tịnh Độ là nhát gan, bởi vì khi cái chết cứ ngày một đến gần mà tâm chưa được an định thì ý tưởng Vãng Sanh về Tịnh Độ là một cứu cánh. Ai đó tự xưng anh hùng hảo hán, đi máy bay mà nghe thông báo có một động cơ ngưng hoạt động thì cầm chắc là són cmn ra, kêu tên đủ thứ Phật Thánh – kể cả Ala.

Thế nhưng đem cái ý tưởng hèn nhát ra trước một con người không đầu hàng trước số phận, làm chủ được cuộc đời mình khi sống trong lòng một xã hội rối ren, đã tự mình đi thử hết các con đường đã có trước, dám tự mình mở ra một hướng mới cho thế hệ sau – thì quả thật là rất lố bịch. Bảo một người sống tỉnh thức tới phút chót rằng hãy tỉnh táo mà cầu vãng sanh thì cũng giống như khuyên một tỉ phú tiết kiệm tiền lẻ vậy.

Một vị anh hùng đến chết không đầu hàng, ta gọi là hy sinh anh dũng. Một người tốt vì cứu hỏa hay vớt người chìm xuồng, sau đó hy sinh, là can đảm quá sức, xứng đáng dựng miếu thờ. Một chiến sỹ sẳng sàng chết để bảo vệ tổ quốc, cũng là anh hùng liệt sỹ,.. chết trẻ hay già thì cũng chết chỉ có một lần. Nói theo phim Tàu “mười tám năm sau vẫn lại là một hảo hán”. Những vị anh hùng này có tâm thức rất mạnh, coi sống chết nhẹ như không, bởi vì sau đó họ trở thành màu cờ linh vị, thành hồn thiêng sông núi, hoặc tin rằng có đầu thai cõi khác tốt đẹp – họ dám bỏ cõi sống. Người từ chối tiếp rước về cõi Phật (như người ta vẫn tin thế) can đảm hơn các anh hùng nhiều lần – vì từ bỏ luôn cõi sau khi chết. Bs. PD viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ thị phạm cho mọi người thấy, sự can đảm ở chổ dám lấy “lần duy nhất” của mình ra để chứng minh và làm thành một bài giảng vô ngôn.

Bs. PD không “giảng” giống như các Thiền Sư thời xưa đã làm, ông can đảm nói lên rằng “làm cách khác vẫn được!” và ông chứng minh cho thấy rằng người ta có thể tự tại nhập diệt trong tỉnh thức bằng một cách NGOÀI PHẬT GIÁO, theo cái mà các vị đạo mạo khinh thường cho rằng “ngoại đạo” – nhưng lại là tiền thân của Phật giáo, còn chứa các kho tàng chưa bị xóa mất. Trong thời gian cuối đời ông đã can đảm nói lên những điều khác với truyền thống Phật Giáo, rằng Thiền Định và những Chứng Đắc của Phật giáo bắt nguồn từ một nơi khác – ông có chỉ rõ ra ở đâu. Để tuyên bố chắc nịch, ông đã chứng minh cho mọi người thấy. Ai dám bảo đó là công phu ngoại đạo – ý khinh rẻ, khi mà “trong đạo” cũng chẳng có mấy ai làm được.

Ông ta đã can đảm như thế đấy! Ông ta biết Thiền và nhập Định để bỏ thân, đủ sức để tự “đi về cõi Phật” chẳng cần ai tiếp rước, nhưng đã dùng một cách hoàn toàn khác, một cách chưa có ai dám thử, để làm sáng mắt những con người kinh viện bảo thủ. Ta gọi những người dám hy sinh sự sống là can đảm, thế còn những ai dám làm chuột bạch hy sinh luôn cả cái chết và cuộc sống “cực lạc” sau khi chết – để mở một con đường mới cho thế hệ sau nghiên cứu Phật Pháp đúng đường, thì ta gọi họ là gì?

Cam đảm là tính chất của bậc Thánh, đầu hàng và sợ sệt bám víu là tánh chất của con người. Cũng trong kinh điển ghi chép rằng Đức Phật lúc thiền định dưới gốc cây Bồ Đề, khi gần đạt tới Chứng Ngộ đã phải bị Mara thử thách như thế nào. Sợ hãi là tánh chất của bản ngã, người can đảm là người đã quay lưng lại với quyền lợi của chính mình – đối đầu với bản ngã. Lúc ngồi kiết già công phu thiền định là lúc thể hiện dũng lực, cuộc chiến sinh tử với chính cái ta, cái tri giác tồn tại của mình. Thầy tôi dạy rằng, nếu chân đau thì cứ cho nó chết luôn, nếu cảm thấy sắp chết thì cứ thử chết một lần xem – vì nếu có bỏ thân trong tư thế thiền định thì chắc chắn sẽ lên cõi Trời, trên đời này chỉ có bậc Thánh mới nhập định bỏ xác trong tư thế kiết già.

Triết gia phương Tây cho rằng “tôi tư duy là tôi tồn tại”, nhưng trong thiền định thì hết tư duy vẫn còn tồn tại – cái “ta có đây”. Người đi vào thiền giống như bước vào ranh giới của cái chết, các cảm thọ nhạt nhòa dần, tri giác yếu dần cho tới khi ngắt biệt với thế giới bên ngoài – xem như chết lâm sàng. Lúc đó vẫn còn tâm và ý thức, sự sống vẫn còn yếu ớt trên hơi thở, cho tới lúc có thể trụ vào hơi thở dừng rồi ngay cả cái “ở đây bây giờ” cũng tan biến, vũ trụ quan sụp đổ, mất hẳn không gian và thời gian. Người nào can đảm dám bước qua, không có gì đảm bảo sẽ quay về được, vì đây là cái chết tối hậu, chết là mất hẳn. Bát Nhã Tâm Kinh có câu chót ngụ ý: “Đi nữa đi, can đảm lên mới qua được bờ bên kia. Qua tới đó mới trả lời được câu hỏi từ muôn thuở “ta là ai, chết là thế nào?”

Người nhút nhát sợ hãi thì không dám nghĩ tới chuyện xuống đò thì làm sao qua sông – không cách nào vào được qua đằng sau cánh cửa Thiền Định, muôn thuở vẫn là hạng chúng sinh tầm thường thấp kém – dù có ai hốt rước qua cõi nào chăng nữa – theo niềm tin. Thế mà ông HN vẫn một mực cho rằng sự can đảm chẳng có giá trị gì cả, chỉ làm đau đớn vô ích. Người khuyên đầu hàng thì sẽ được cõi dục này tuyên thưởng nhiều thêm, người dũng cảm bỏ bè bơi nốt qua sông thì sẽ không còn gì, tự do thoát khỏi cuộc đời này.

Như tôi đã từng gọi Bs. PD là một chiến binh, hơn nữa là một chiến binh rất dũng cảm. Ngày Tưởng Nhớ Chiến Sỹ cũng là ngày sinh nhật của ông, sinh thế nào thì tử thế ấy. Lời tuyên bố vô ngôn dũng cảm của Bs. PD sẽ sớm bị chìm nghĩm mất hút, hay sẽ bị bóp méo hoặc làm giảm giá trị – cho tới nay chỉ có tôi là nhai lại hai lần. Người hiểu được thì quay lơ đi không dám chấp nhận, kẻ mù mờ dễ dàng tin vào các diễn giải rằng Bs. PD cố chấp làm ra vẻ can đảm chứ có ích lợi gì đâu. Rồi người ta so sánh với các vị “chết an lành có hào quang xá lợi” thấy khoái hơn là can đảm vô ích thế kia. Chúng sinh còn nhiều lắm, đời là thế, uống lavie đi!

 

Karmalaw Net

Em cứ nghĩ rằng…

8
Featured Image: Brooke Holm

 

Em cứ nghĩ rằng một mình em đơn độc
Chỉ mình em tuyệt vọng phải không em?
Chỉ mình em lạc bước trong màn đêm
Chỉ mình em là người đau khổ nhất…

Em cứ nghĩ rằng chỉ mình em mất mát
Chỉ mình em gánh chịu những đau thương
Chỉ mình em là một người tầm thường
Chỉ mình em là người thất bại…

Em cứ nghĩ rằng một mình em chán nản
Chỉ mình em mệt mỏi đến xót xa
Chỉ mình em muốn được vỡ vụn ra
Chỉ mình em là người yếu đuối…

Nhưng em ơi, ngày nào là ngày cuối?
Ngày nào em sẽ thôi tiếc nuối đây em?
Em hãy nhìn lại cuộc đời mà xem
Chỉ vì em chưa biết cuộc đời của người khác…

Không phải chỉ mình em, em ạ
Nên xin em, em đừng nghĩ quá nhiều
Cuộc sống này, có biết bao nhiêu điều
Bao niềm vui vẫn chờ em phía trước…

Nào, em ơi, hãy lau đi giọt nước
Vì cuộc đời đâu chỉ có mình em…?

 

Một Đời Quét Rác

Đại Học ở Canada

237
Featured Image: Shadow becomes White

 

Mình mới chat với một người bạn đang du học ở đại học Toronto-Canada, sau một hồi ca cẩm thì cũng xoay quanh vấn đề học Đại Học, thấy có nhiều ý hay nên mình viết lại thành một bài gọi là để hình dung về Đại Học ở nước khác, để các bạn sinh viên Việt Nam có thể so sánh với thực trạng của mình.

1/ Điều thứ nhất là lớp học không phân chia theo lớp học mà theo môn học, và sinh viên phải tự chọn môn học sao cho phù hợp với mình. Có một số môn quá nhiều người học nên phải dạy trong “đại giảng đường “ là những lớp có “dân số“ lên tới gần 1000 người. Còn những môn quá ít người học thì nó cũng sẽ tự động “ chết yểu “ vào năm sau.

2/ Điều thứ hai là tốc độ giảng bài và thảo luận cực kỳ nhanh vì kiến thức nhiều mà ít thời gian, không sinh viên nào mà không có máy ghi âm để tối nghe lại. Nhờ sự gấp rút này mà cách tư duy và suy nghĩ, ra quyết định của tất cả mọi người đều rất nhanh.

3/ Điều thứ ba là vì tất cả môn học đều tự chọn nên sinh viên phải tự sắp xếp thời khóa biểu cho chính mình chứ không phải do nhà trường. Sinh viên còn phải tự đăng ký danh sách thi cử và gởi lại cho nhà trường, nếu chưa đủ số lượng sinh viên cho một phòng thi thì các sinh viên phải tự mời nhau tham gia cho đủ số lượng. Không có kỳ thi nào cả, chỉ cần đủ số lượng là thi, thi cử diễn ra hàng tuần, hàng tháng suốt năm học. Điều này dẫn đến việc học và thi của sinh viên: rất rảnh rỗi hoặc rất bận rộn, tùy vào bạn chứ không do ai cả.

4/ Điều thứ tư là tình trạng thi lại cũng khá phổ biến, có nghĩa là không phải môn nào cũng vượt qua dễ dàng. Sinh viên thi lại không phải đóng tiền mà phải thuyết phục người khác cùng đăng ký và ôn thi với mình để đủ số lượng người thi chung một đợt. Bạn bè ở Đại Học rất quan trọng vì cần có nhau mới “sống sót“ được!

5/ Điều thứ năm là mỗi sinh viên đều bắt buộc phải là thành viên của một Collecge, tạm dịch là học xá, kiểu như dạng câu lạc bộ nhưng lớn hơn và bài bản hơn rất nhiều. Đại học Toronto chia làm 7 học xá chính theo nhóm ngành nghề, mỗi học xá do chính sinh viên tổ chức vận hành theo quy chế bầu cử dân chủ và thông qua đại hội học xá hàng năm mà tất cả thành viên sẽ quyết định những hoạt động trong năm sẽ diễn ra thế nào. Học xá của bạn mình đang tham gia có đồng phục riêng, tự thuê văn phòng làm trụ sở riêng bên ngoài trường, mỗi tuần tối thứ 4 đều có tiệc truyền thống mà mọi người ăn uống và làm quen nhau. Làm quen và kết bạn ở Đại Học thông qua các học xá là điều rất dễ dàng, chỉ cần nhìn đồng phục mà tìm bạn để thi lại, hoặc trao đổi kiến thức.

6/ Sinh viên quan hệ với nhà trường thông qua hội sinh viên. Từ hội này mà giới sinh viên hình thành một tầng lớp gọi là những lãnh đạo sinh viên. Tầng lớp này chính là bộ khung cốt lõi tạo ra trường Đại Học chứ không phải nhà trường.

Họ quan hệ tốt với nhà trường và các giáo sư, họ quyết định danh sách diễn giả khách mời hội thảo của trường, họ quyết định triển lãm nào sẽ diễn ra, nên tổ chức tham quan ở đâu, họ thuê các đơn vị xe bus đưa đón sinh viên hàng ngày, họ tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp cho sinh viên, họ là người kết nối đề tài khoa học cần nghiên cứu và sẽ giúp sinh viên đấu giá ý tưởng đó cho doanh nghiệp nào cần mua ý tưởng. Họ tổ chức tất cả việc thực tập của sinh viên cho những doanh nghiệp nào có nhu cầu cần người thực tập.

Họ vận hành một quỹ rất lớn do các sinh viên thế hệ trước đã kinh doanh và để lại số tiền đó. Thế hệ sau có trách nhiệm phải làm cho nó sinh lời ra nhằm phục vụ sinh viên ,tất cả mọi vấn đề dính tới sinh viên đều có mặt họ. Thậm chí họ còn quyết định món ăn nào sẽ có trong căn tin. Tóm lại là nhà trường chỉ thu học phí để trả tiền cơ sở vật chất trường lớp và trả lương giáo viên, ngoài ra thì nhà trường không còn chức năng nào khác về mặt tài chính.

Để trở thành một sinh viên lãnh đạo thì bạn phải ứng cử vào đầu năm và tập hợp một nhóm nhằm vận động tranh cử, tất nhiên là thành tích của bạn cũng phải đáng nể, đặc biệt là thành tích ngoại khóa! Lợi ích khi được trúng cử vào làm lãnh đạo sinh viên thì không sao kể hết được mà quyền lợi đầu tiên chính là bạn sẽ nhận mức lương khá cao do hội chi trả. Quyền lực của sinh viên làm chủ tịch hội sinh viên rất lớn chứ không hữu danh vô thực như ở Việt Nam. Hội sinh viên được tổ chức gần như một doanh nghiệp lớn nhằm vận hành giáo dục,có kế toán thu chi và báo cáo kiểm toán công khai hàng năm.Quỹ hội sinh viên rất lớn nhưng được miễn thuế, chỉ có nhà trường mới phải đóng thuế tính trên học phí đã thu.

7/ Bạn mình đang là nghiên cứu sinh ngành tài chính quốc tế, một ngành rất đáng phải du học, nếu có điều kiện. Và thực tế là khối lượng bài vở cũng chất cao như núi chứ không thoải mái gì, nhưng sự khổ sở này là do chính sinh viên đã lựa chọn chứ không phải bị ai ép phải làm như vậy, nên ý thức phải học tập nó cao hơn. Sinh viên ở Toronto có nghĩa là tự nguyện, bạn phải là người hoàn toàn tự nguyện thì mới là sinh viên được. Nhà trường chỉ đóng vai trò thứ yếu chứ không quan trọng như Việt Nam.

Mình cũng hay nghe báo chí vẫn hô hào cách học mới là lấy sinh viên làm trung tâm, nhưng chỉ khi chat với bạn đang du học thì mới thấy ở nước ngoài họ đã lấy sinh viên làm trung tâm triệt để đến mức độ nào. Họ trao cả quyền vận hành trường học cho sinh viên. Tuy nhiên, theo mình nghĩ thì trước hết sinh viên cũng phải vô cùng năng động và có năng lực hơn cả nhà trường, thì việc trao quyền đó mới xảy ra!

Than ôi, Việt Nam bao giờ tổ chức được thế này đây, các bạn có ý tưởng gì không?

 

Nguyễn Duy Lập

Hà Nội bia hơi vỉa hè – Chào mừng 20 tháng 11

12
Featured Image: Judith Blue Pool

 

Trong cuộc đời tôi có nhiều may mắn, trong đó có điều… rất may mắn là được học Đại học ở một nơi có môi trường học tập rất tốt, được học với những người thầy, người bạn rất giỏi, được quen biết và kết bạn thân với rất nhiều bạn cùng Đại học tuyệt vời. Mấy anh em học cùng dù ra trường đã nhiều năm vẫn gặp nhau thường xuyên. Chắc tại mấy người có nhiều đồng cảm, cùng… sóng, nhiều chuyện có thể share được trong cuộc sống, tiền có thể mất nhưng tình thì không. Tất cả cùng có thể “hát câu chân tình không ngượng mồm”. Ai gọi đi uống nước, uống bia… có thể từ chối nhưng nếu là mấy anh em này thì thường là… ok ngay; đôi khi vợ, người tình, người yêu, người thân còn ủng hộ nhiệt tình hơn trong chuyện này. Mấy anh em, không phân biệt người này người nọ, cứ gặp nhau là vui vì được là chính mình, không phải diễn, thỏa sức trò chuyện, không có đúng sai, không chỉ trích, mặc sức chia sẻ.

Hôm nay ngày 20-11 mà lớp Đại học lại có rất nhiều người đã, đang và sẽ làm nghề giáo, hoặc làm công tác giáo dục. Thế là alo, bia hơi vỉa hè nhé. Ok luôn!
Địa điểm là một quán bia hơi vỉa hè nho nhỏ quen thuộc. Mấy người đều không phải là dân nhậu nhẹt, chỉ vài ba cốc, ăn uống cũng đơn giản, cơ bản là chém gió với nhau. Bia hơi vỉa hè Hà Nội đúng là một đặc trưng ở Hà Nội nếu ai đó đã từng trải nghiệm. Sách du lịch Planet cũng viết, rồi “Hà Nội bia hơi vỉa hè” (trong bài hát Hà Nội năm 2000 của nhạc sĩ Trần Tiến)…

Tin nhắn và lời chúc của mọi người cho những người bạn làm giáo dục là:

“Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng.”- William Arthur Ward

“Khi ta ra trường, ta sẽ không nhớ những thầy cô đã giải cho ta những bài toán khó, ta chỉ nhớ những thày cô đã khơi gợi cho ta niềm đam mê, trí tưởng tượng.” – Thomas Friedman (Thế Giới Phẳng)

Xin chúc mừng Ngày 20-11.

Mỗi người một lĩnh vực, một đam mê, môi trường của Việt Nam hiện nay thật là ngột ngạt để sống, để phát triển nhưng mấy anh em thường không than vãn, rên rỉ, đổ lỗi… Trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn yêu cuộc sống, vẫn luôn: “Yêu quê hương từ khi mới ra đời” “Vẫn luôn khóc cười theo vận nước nổi trôi” (Phạm Duy), vẫn mãi một niềm tin bất diệt: sẽ có ngày “Việt Nam từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Nguyễn Đình Thi). Để rồi ai cũng đều cố gắng hết sức mình, luôn học hỏi, rèn luyện mọi lúc mọi nơi. Cố gắng cháy hết mình bởi sống đúng nghĩa là cháy hết mình.

Trong số anh em chơi cùng có nhiều người may mắn tìm được ngay niềm đam mê của mình, những người này về chuyên môn, về kinh tế đều khá so với mặt bằng chung, thậm chí có người là rất khá nhưng ở họ đều toát lên sự khiêm tốn, bình dị, thân thiện, tốt tính… Bốn năm học đại học một trong những điều lớn nhất thu được mà mấy anh em hay nói với nhau là… chữ “điềm” – điềm đạm. Có lẽ vậy nên những anh người này đã thấm nhuần một trong 20 lời khuyên của các Giáo sư của Đại học Harvard rồi, đó là: “Hãy khiêm tốn.” Dù có thể nhiều người… chưa hề đọc những lời khuyên này.

Như trên đã nói, mỗi anh em trong mỗi lĩnh vực của mình đều cố gắng “cháy hết mình” với mong muốn cho mình, rồi cống hiến cho đời nhiều hơn. Nhiều người đã thấm nhuần: “Nếu ta yêu Tổ Quốc (cuộc sống) bằng cả trái tim mình thì ta làm gì cũng đều sẽ tốt.” (Hồ Chủ Tịch). Dẫu chưa cống hiến được gì nhiều cho đời nhưng sẽ cố gắng không gây hại cho Tổ Quốc dù là những việc làm nhỏ nhất.

Viết đến đây chợt nhớ đến chuyện ông giáo sư Nguyễn Lân Dũng có phát biểu về việc sửa đổi Hiến Pháp trên VTV1 cách đây vài tháng. Ông phát biểu đại ý rằng: Việt Nam là nước dân chủ, không cần đa nguyên đa đảng… Ôi thôi ông NLD ơi, không biết ông đã làm được gì cho Tổ Quốc thân yêu chưa nhưng phát biểu của ông đã làm hại Tổ Quốc rồi. Đồng chí của ông là bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì phát biểu: Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản! – Bó tay! Người “trần mắt hột” như chúng ta thì qua những phát biểu này chúng ta thấy được tầm của các vị này, hai vị này chẳng khác gì những…, và xin nói thêm rằng hai vị này đã được vinh danh trên bảng vàng… Những GS, PGS dỏm.

Ngoài phát ngôn và hành động của hai vị GS dỏm trên, mới đây là những đề xuất sửa đổi hiến pháp của nhóm Cùng viết Hiến Pháp của Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Anh Tuấn, nguyên TBT Vietnamnet, làm chúng ta thực sự đau lòng. Nhóm tinh hoa này đề xuất trong Điểm 1, Điều 4 của HP thế này: “Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh đạo nhà nước do nhân dân ủy thác thông qua quá trình bầu cử tự do. Đảng Cộng sản Việt nam cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào các chức danh của bộ máy nhà nước.”

Sao họ lại có đề xuất lạ lùng như vậy nhỉ? Nếu bây giờ mà bầu cử tự do thì ai sẽ bầu cho ĐCS đây? Thậm chí ĐCS còn có thể bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như một số nước XHCN cũ thì làm sao mà có thể lãnh đạo được? Tại sao nhóm tinh hoa như vậy mà họ lại không hiểu “dân chủ bây giờ không chỉ là quyền chính trị nữa mà còn là quyền sống” (Nguyễn Trần Bạt). Sao lại có đề xuất…ngớ ngẩn thế các tinh hoa ơi? Lẽ ra thiết thực nhất, oai hùng nhất là GS Ngô Bảo Châu hãy anh dũng trả lại căn hộ ở Vincom để phản đối chuyện duy trì Điều 4 của HP! Có thế GS Ngô Bảo Châu mới thực sự là tinh hoa dân tộc, ngược lại GS cũng không hơn người thường chúng ta là mấy GS ơi.

GS Ngô Bảo Châu còn như vậy nên hôm nay chẳng nên trách gì một anh bạn. Anh có tầm kiến thức rất rộng, cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức tổng hợp. Về vấn đề “dân chủ, tự do” của Việt Nam thì theo quan điểm của anh: sẽ còn rất lâu chúng ta mới có sự thay đổi đó; chúng ta không nên bị kích động bởi lực lượng bên ngoài… Tôi rất phản đối quan điểm này, thậm chí là rất buồn khi nghe anh nói vậy vì tầm hiểu biết của anh mà còn nói vậy thì mong gì chúng ta sớm có thay đổi như Miến Điện đây.

Bởi vấn đề của Việt Nam hiện nay là do chính chúng ta gây ra. Với bao bất công, suy thoái hiện nay thì tự chúng ta cần và muốn thay đổi. Lực lượng bên ngoài cũng có sự tác động nhưng như đã nói, cơ bản nhất là bản thân chúng ta. Dù chưa biết phải hành động như thế nào nhưng chúng ta phải lên tiếng, đặc biệt là người trí thức chân chính bởi “trí thức phải là người dẫn dắt và định hướng dư luận”.

Về thời gian diễn ra sự thay đổi chắc sẽ không kéo dài, có dư luận là 2014 ĐCS Việt Nam sẽ tự giải thể nhưng tôi nghĩ chắc muộn nhất là 2017. Tôi và anh bạn cá với nhau rằng: nếu hết năm 2017 mà Việt Nam không có sự thay đổi mạnh mẽ như Miến Điện thì vào ngày cuối cùng của năm 2017 tôi sẽ gọi cho anh để…tâm phục khẩu phục và ngược lại. Một lời hẹn ước hơn 3 năm nữa nhưng ước gì Cách mạng sẽ sảy ra sớm hơn để “Nền dân chủ thực sự: Đa nguyên chính trị, tự do ngôn luận” thực sự ngự trị trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta một ngày không xa.

Một vấn đề vĩ mô nữa mà chúng tôi cùng bàn luận là chuyện ĐCS Việt Nam, Hồ Chủ Tịch chọn con đường XHCN là con đường phát triển của Việt Nam. Tương lai Việt Nam thật xa mờ, “Cũng xa vời (và mịt mờ) như cái chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác (kính yêu) đã chọn” (Nước Mắt Của Rừng – Amai B’lan, gocnhinalan). Với Hồ Chủ Tịch, ông đã khai sinh ra nước Việt Nam nhưng cũng góp phần kéo lùi sự phát triển của đất nước hàng chục năm qua chính sách Cải cách ruộng đất 1954; đặc biệt là tệ sùng bái cá nhân mà bây giờ Việt Nam đang lĩnh những hậu quả khủng khiếp là “bệnh hình thức”. Với HCT chúng ta nên thừa nhận những điều tốt và những điều xấu của ông giống như Trung Quốc nhìn nhận Mao Trạch Đông có “7 được, 3 không được”. Nhất định sẽ sớm thấy điều này vì:

“Lịch sử cần được nhìn nhận một cách trung thực.” – Huy Đức (Bên Thắng Cuộc)

Tại sao Việt Nam lại có nhiều những GS dỏm như NLD, NTD…; lại có những phát ngôn thiếu xây dựng của những tinh hoa được cả xã hội kỳ vọng. Đặc biệt là số phận Việt Nam lại được chọn để đi con đường XHCN xa mờ. Ôi thật khổ thân cho số phận đất nước chúng ta. Phải chăng nước ta chúng ta đã bị yểm bùa ở Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh – Đền Hùng nên số phận đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta mới khốn khổ như vậy?

Mấy chuyện mang tính… vĩ mô này cũng là một trong những chuyện của mấy anh em trong quán bia hơi vỉa hè. Lan man chuyện vĩ mô lại quay lại những chuyện đời thực. Hôm nay trong mấy anh em có một anh là Kiến trúc sư. Anh kể, anh sống khỏe bằng chính chuyên môn của mình. Anh vẫn trả lương cho nhân viên của mình có những người hàng chục triệu/tháng. Đúng như TS Alan Phan nói, dù khó khăn nhưng nếu sáng tạo thì vẫn luôn ok.

Qua anh KTS được biết một điều thú vị là những tòa biệt thự Pháp cổ đẹp đơn giản vì các thông số kyx thuật được kết hợp một cách hợp lý, hài hòa. Sự hài hòa tạo lên vẻ đẹp.

Có anh bạn KTS và trong mấy anh em có vài người đã đọc Suối Nguồn của Ayn Ryan nên câu chuyện cuối chầu bia lại càng thêm vui vẻ. Đây là tiểu thuyết được bình chọn là Tiểu thuyết xuất sắc nhất TK20. Những yếu tố văn học sâu sắc nếu chưa cảm nhận được thì ta tạm thời bỏ qua, chỉ cần cảm nhận được những điều tuyệt vời của KTS Roak Howard, của người con gái xinh đẹp nhưng lại có trí thông minh tuyệt vời Dominique Francon chúng ta cũng đủ thấy… phê rồi.

Ấn tượng nhất mà mấy thằng đàn ông cùng suýt xoa là chuyện nàng Dominique Francon xinh đẹp tuyệt vời và thông minh tuyệt đỉnh lại ở Mỹ, 23 tuổi mà…vẫn còn trinh! Không phải cô không có nhu cầu mà là cô chưa gặp được ai xứng đáng với mình. Rồi cô đã sẵn sàng để anh thợ mỏ Roak Howard hôi hám…hiếp dâm mình (Hình ảnh những giọt máu hồng trinh nguyên của Dominique Francon mới ấn tượng và… kích thích làm sao). Hành động này có thể là thô thiển nhưng đó chính là hình ảnh biểu trưng cho sự chinh phục và vươn tới cái đẹp của Roak Howard và Dominique Francon – hai biểu tượng của của cái đẹp.

Vươn tới cái đẹp hoàn mỹ là thông điệp mà Suối Nguồn truyền tải. Còn với mấy anh em chúng tôi hôm nay thì đa số đều đã và đang kiên trì với những sự lựa chọn của mình, cố gắng sống theo phương châm: “Tôi không phải là anh hùng, siêu nhân hay bậc đại trí đại dũng nên tầm nhìn của tôi thường bị giới hạn, không như các đỉnh cao. Nhưng tôi hiểu một điều: quyết định nào của tôi cũng là một thể hiện tự do trong tư duy cá nhân dù nhiều khi bị rất nhiều ngăn trở và sai lầm. Phải can đảm vượt qua để sống đích thực với con người của mình.”  – TS. Alan Phan, để cuối cùng có thể trở thành “người mà ta có thể là” (ý của tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn). Mong muốn cống hiến thật nhiều cho đời.

Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi nhưng mà.. tiếc quá, muộn mất rồi. Phải về với vợ con, người tình, người yêu của chúng ta thôi nào. Không cần cứ phải đợi đến dịp lễ tết, rảnh… lại gặp nhé. Đồng ca bài Chân Tình rồi về nào. Zo, Zo…

 

Pham AQ

Hà Nội, 20-11-2013. (Một cựu SV khoa Toán ĐHKHTN-ĐHQGHN)

Tâm hồn

2
 Featured Image: Bubug

 

Con người có xu hướng thích được tiếp nhận nụ cười về phía mình và thích được khen ngợi. Một phần vì nguyên mẫu con người thích được sự ngưỡng mộ từ đồng loại và rất ghét bị chỉ trích. Đôi khi sự góp ý không khéo léo và thiếu sự tinh tế có thể làm tổn thương cái tôi yếu ớt mỏng manh đang nấp bên trong họ, cái tôi sẽ cảm thấy mình là một kẻ thất bại, là tâm điểm của mọi người và họ sẽ có cảm giác mọi người xem thường mình và mình là kẻ thừa trong xã hội.

Đôi khi sự chỉ trích nặng nề sẽ khiến một cá thể bất kỳ có một cái tôi yếu ớt trở nên tiêu cực và không làm chủ được hành vi và có thể dẫn đến những hành động tự xâm hại thể chất của mình cũng như tinh thần. Trong xã hội hiện đại, mọi thứ dần được máy móc hóa và hiện đại hóa đến mức không thể kiểm soát được, thì con người cần phải tự trang bị cho mình một vài kiến thức để làm chủ cảm xúc của mình cho tốt để không bị cuốn vào thế giới máy móc của công nghệ.

Con người đã dần đánh mất đi sự đồng bộ của tâm hồn và thể xác vì cơ chế phòng vệ của mỗi người ngày một tăng lên, điều này khiến cho con người dần trở nên máy móc một cách có ý thức và đánh mất đi những bản chất nguyên thủy của họ. Và cũng vì con người đã đánh mất ý thức kết nối nhưng thông tin bất định xứ trong một mớ hỗn tạp của những vấn đề liên quan đến tiền bạc, tiện nghi và những sao nhãng khác trong thế giới vật chất. Điều này khiến cho những kết nối nguyên thủy vốn có trở nên mờ nhạt hơn và bị trì trệ, tạm hoãn một cách đáng tiếc.

Tất cả những điều trên vô hình chung khiến cho con người trở nên đề phòng nhau hơn, và cảm xúc ít hơn khi tiếp xúc với một người khác. Cơ chế phòng vệ ở mỗi người rất cao so với lúc trước. Thay vào đó là sự quản lý của lý trí và làm chúng ta trở nên thực dụng hơn khi nghĩ về ái dục và tiền bạc, những tư lợi của bản thân khi chuẩn bị để bắt đầu cho một mối quan hệ.

Tâm hồn xuất phát từ cảnh giới vô cùng. Nó gồm hai phần là phần rộng lớn và phần cá nhân. Phần rộng lớn nó hiện hữu ở cấp độ tâm linh vốn rất mạnh mẽ, thực sự tinh khiết và có khả năng làm mọi thứ cho tinh thần và thể xác. Phần cá nhân thì hiện hữu ở cấp độ hữu hình vốn xen vào cuộc sống hằng ngày mà ta vẫn có thể cảm nhận được.

Nếu chúng ta có thể học cảm nhận bằng cấp độ tâm hồn, ta sẽ cảm thấy phần chói sáng nhất của mình được kết nối với mọi nhịp điệu của vũ trụ. Khi ta làm điều này, ta sẽ cảm nhận được khả năng ta vô hạn, ta có thể làm được phép lạ, thực sự là như thế, đó là khi ta kết nối được nhịp điệu và thanh điển vũ trụ sẽ giúp ta mạnh hơn. Ngay lúc này, ta sẽ không còn sợ hãi, thù hận, lo lắng, đợi chờ do dự. Bởi vì khi đó bạn sẽ lặn qua hẳn cả bản ngã, qua khỏi những hạn chế tâm hồn mà trước đó nó vốn đã ràng buộc ta vào thế giới của vật chất khiến ta không cảm nhận được sức mạnh thực sự ẩn chứa trong vị thần của tâm hồn ta.

Cuối cùng, nếu ta cứ để cho cuộc đời mình quay quắt vào thế giới của vật chất thì ta sẽ bị cuốn khỏi số phận của tâm hồn. Ta sẽ mong muốn những điều không dành cho ta, ta sẽ có những ý nghĩ không phù hợp với ý định của vũ trụ, của vị thần trong ta. Đến một lúc, ta sẽ cảm thấy hối hận và không thỏa mãn thực sự vì tất cả những thứ ta trải qua là ảo giác, là giả dối với bản thân.

 

Lê Minh Khiêm

[Review] Tôi là Eri — Con đường của gái mại dâm

0
Featured Image: Bìa sách “Tôi là Eri”

 

Tôi tìm đến cuốn “Tôi là Eri” trong một buổi chiều mưa và bị thu hút bởi màu xanh ngọc sapphire của bìa sách. Có chiếc bóng đen của một cô gái kéo vali, xung quanh là những đốm sáng lấp lánh, cảm giác tinh khiết mà đơn độc. Đây là một tác phẩm của Thái Lan, và cũng là lần đầu tiên tôi đọc một cuốn sách từ đất nước vốn không mấy nổi tiếng về văn chương. Một cuốn tự truyện đạt giải thưởng Chommanard Book Prize (tại Thái Lan) cho thể loại phi hư cấu và tác giả là một cô gái đã từng hành nghề mại dâm – nạn nhân của những vụ trao đổi buôn bán người xuyên châu Á.

Không phải ai sinh ra cũng được hưởng những may mắn và không phải số phận nào cũng mỉm cười, ngay cả khi con người ta cố gắng dốc hết niềm tin và sức lực. Tác giả của câu chuyện, Thanadda Sawangduean (tên khác là Eri), đã trải qua hơn 40 năm của khổ đau và tủi nhục và những sóng gió mà cái nghề mại dâm mang lại. Từng trang sách là những dòng lật lại những ký ức tối đen của tác giả từ thời thơ ấu, sống trong một gia đình có ông bố nghèo túng quẫn mà ngoại tình cờ bạc, người mẹ tảo tần buôn bán nhưng chưa bao giờ đủ ăn, người anh trai tàn nhẫn luôn đánh đập cô bằng những trận đòn chí mạng cùng hai người chị gái nhạt nhòa không mấy khi thể hiện tình cảm cho em.

Thanadda vừa đi học, vừa đi làm phụ góp gia đình và gom góp những giấc mơ trong sáng. 19 tuổi, vì thiếu hiểu biết mà lỡ mang thai ngoài ý muốn, từ bỏ giấc mơ Đại học, cô sinh con trong sự ruồng rẫy của tất cả mọi người. Từ đây cuộc đời bước vào một trang khác, nghiệt ngã hơn khi cái nghèo cái khổ đã dẫn cô đến con đường mà nó đã hủy hoại tuổi trẻ và hơn nửa đời người bằng nước mắt, tủi nhục và vô vàn những hố đen của tuyệt vọng. Cô bước vào con đường của gái mại dâm.

Thanadda từ một cô gái ngây thơ và bị lừa, cho đến trở thành một người đàn bà sắc sảo, lọc lõi và thạo đời. Trải qua và cùng lúc chứng kiến vô vàn những cảnh ngộ khác của những cô gái điếm, cuộc sống đau đớn về đêm, những mất mát và những cuộc đời méo mó tuyệt vọng, những thân phận như Thanadda dường như không còn có con đường lui. Không phải họ muốn, mà bởi vì họ không có đường lui, quá nghèo, quá khổ, họ cần nuôi gia đình, nỗi nhục nhã, họ sống như không còn gì để mất… Họ chấp nhận chung sống với điều mà họ lỡ sa chân: “người cung cấp dịch vụ tình dục”. Cô đã đi qua Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Bahrain và cũng nếm đủ mùi tù ở những nơi cô đi qua, giao du với giới ma cô, xã hội đen.

Cuốn tự truyện được viết bằng giọng văn chân thực, không câu khách rẻ tiền. Chính sự bình thản đến lạ lùng đó khiến người đọc cảm thấy day dứt và thương cảm qua từng trang sách. Ở cái tuổi quá 50, chịu đựng đủ những ê chề, con người ấy chỉ muốn được tâm sự, được kể lại những trải nghiệm của mình như một lời khuyên cho những con người khác đừng bao giờ lầm lỡ bước vào thế giới u tối. Câu chuyện cũng hé mở những góc khuất của xã hội Thái Lan, nơi sự phân biệt giai cấp giàu nghèo quá rõ ràng, nơi nhà tù đối xử với con người như súc vật và sự thối nát trong quan hệ người với người.

Sự dũng cảm của người đàn bà ấy chính là đã tự vươn mình ra ánh sáng, kể lại câu chuyện sai lầm và bi kịch của đời mình. Không một chút che giấu, những gì đọng lại nơi cuối câu chuyện là nụ cười lạc quan về một cuộc sống mới, lương thiện, trong sạch và mong muốn được làm một công dân tốt, luôn ngẩng cao đầu.

Xã hội với những định kiến về mại dâm và phần lớn trong số chúng ta đều vậy, nhưng hãy thử một lần đọc cuốn sách này, để hiểu hơn và mở lòng hơn cho những thân phận trong góc khuất ấy và sẵn sàng dang tay giúp đỡ cho những linh hồn muốn trở lại. Nhân chi sơ, tính bổn thiện; hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp tận trong sâu thẳm tâm hồn.

 

Little June

Đám đông đã dẫn dắt bạn như thế nào?

22
 Featured Image: Ianqui Doodle

 

Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, và dù bạn muốn làm Robinson trên đảo hoang thì ngày nay cũng không kiếm đâu ra hòn đảo vô chủ cho bạn sống. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa dạng, nhiều điều thú vị, nhiều thứ cám dỗ, nhiều cơ hội, nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Cái tôi: “Tôi là ai, tôi làm gì trong cuộc đời này, quan điểm sống của tôi…” Luôn là những câu hỏi làm đau đầu chúng ta, nhất là ở độ tuổi 20-30; vậy cách gì cho phép bạn sáng suốt để tìm ra cái tôi thực sự của mình, để bạn không bị lạc mất phương hướng, không lệ thuộc,để bạn tự do chiến đấu và hưởng thụ cuộc sống này?

Thực sự không có một câu trả lời chung cho tất cả chúng ta, vì nó phải dựa trên những trải nghiệm mang tính cá nhân, tuy  vậy chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu bạn “tách biệt” ra khỏi đám đông, không phải là tách biệt theo kiểu tự kỷ, lập dị mà là tách biệt trong nhận thức. Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cái cách mà một đám đông ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào:

1. Đám đông ngăn cản bạn hiểu về chính mình

Ngay từ khi đi học, trong tất cả các môn học bạn sẽ được dạy tìm hiểu về thiên nhiên, về cơ học, hóa học, thiên văn học, toán học, văn học… tóm lại là những tri thức bên ngoài, thế còn bên trong? chúng ta không bàn về môn sinh học lớp 8 về cấu tạo cơ thể người, ở đây là hiểu về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, thói quen, thiên hướng, khí chất… những điều quan trọng vô cùng khi chúng ta chọn trường thi đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề, thậm chí tìm người yêu.

Giáo dục gia đình dạy chúng ta biết nghe lời, sống đạo đức, giáo dục nhà trường dạy chúng ta tri thức, hệ quả là chúng ta gồm tôi và bạn trở thành những kẻ rỗng tuếch ở bên trong, tất cả những việc chúng ta thường làm đa phần chỉ chứng minh cái tôi với mọi người: mặc đồ đẹp hơn, xe xịn, điện thoại xịn, đánh nhau.. hay học giỏi để được ngưỡng mộ (tất nhiên có bạn học vì mục đích cao cả hơn); và đó là cái tôi dựa vào bên ngoài, cái tôi ảo.

2. Đám đông ngăn cản bạn yêu thương, trân trọng chính mình

Trong tất cả những bài học về đạo đức luôn là giúp đỡ người khác, yêu thương người khác vô điều kiện, luôn là sự cống hiến cho tổ chức, luôn là cố gắng làm vui lòng ông bà, cha mẹ,anh chị, thầy cô.. và đặc biệt là KHÔNG ích kỷ.

Chúng ta được dạy dỗ để thấy rằng nếu bạn muốn được hạnh phúc, trước tiên bạn phải làm cho người khác hạnh phúc, hài lòng, giá trị của bạn sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của số đông, càng đông thì càng tốt.

Trong kinh tế học có nói chúng ta hãy bán những thứ người ta cần chứ không phải những thứ mình có và chúng ta sẽ nhận được tiền, nhiều tiền; nhưng đây không phải kinh tế, đây là những mối quan hệ, là sự cảm thông, chia sẻ; chúng ta không thể cho họ những thứ (yêu thương, hạnh phúc) mà chúng ta không có.

Nếu xuất phát điểm chúng ta không biết trân trọng mình, yêu thương mình thì chúng ta rất khó khăn để mang lại hạnh phúc cho người khác. Chúng ta sẽ chỉ muốn thực hiện một sự trao đổi, cho họ một ít và đòi hỏi nhiều hơn… xung đột, hiểu lầm, mâu thuẫn sẽ luôn xảy ra và thậm chí là sự cô đơn trong mối quan hệ với những người thân thiết nhất.

3. Đám đông hạn chế tư duy của bạn

Khi bạn bước vào một đám đông có tổ chức: lớp học, đoàn thể, công ty, hội nhóm nào đó, ở đó luôn có những quy định bạn phải tuân theo, nó là văn bản hay luật ngầm. Tất cả là văn hóa của tổ chức đó và là cách để khiến tổ chức duy trì ổn định. Điều đó tất nhiên không có vấn đề gì trừ khi có 2 điều tổ chức đó cố tình, vô tình làm với bạn: cố gắng loại trừ tính đa dạng hóa ở thành viên; cổ động lối tư duy cục bộ, địa phương.

Mỗi chúng ta có cá tính khác nhau: năng động, vui vẻ, trầm tĩnh, hiền lành, nóng nảy… có tài lẻ khác nhau (đàn, sáo, beatbox, hát, múa, đá bóng…) và lối tư duy khác nhau (logic, tình cảm, tưởng tượng, thực tế, nhìn xa..); một tổ chức tuyệt vời đáng ra phải biết cách kết hợp và khai thác điểm khác biệt đó (công ty Facebook, Google, Apple… vv) nhưng đa số các tổ chức cố gắng đồng hóa tất cả chúng ta thành lũ gà công nghiệp; giáo dục việt nam là một ví dụ sống động, chúng ta thường tuyên dương các em học sinh giỏi toán, hóa, lý (lũ mọt sách).. và cả lớp phải lấy đó LÀM GƯƠNG, chúng ta bỏ quên những bạn chạy nhanh, hát hay, đá bóng hay diễn kịch giỏi, bày lắm trò vui…

Tư duy cục bộ

nếu các bạn là sinh viên ngành tài chính ngân hàng ở đại học tây nguyên (trường mình); phần lớn chúng ta có muốn biết tụi ngoại thương, kinh tế, ngân hàng dưới HCM học tập, sinh hoạt ra sao, có gì đặc biệt, thú vị hơn để chúng ta học hỏi? KHÔNG!!!

Nếu bạn là lớp Ngân Hàng k13, bạn có bao giờ muốn ngỏ ý mời đàn anh chị K12, K11 đến nói chuyện về cách học, về những khó khăn và cách vượt qua chương trình học? KHÔNG!!!

Nếu bạn biết thất nghiệp là mối đe dọa với ngành này và nhà bạn thì không đủ tiền hay không sẵn lòng để chi 300 triệu xin việc, chúng ta có muốn một vài anh chị K10,K09 đã đi làm tới để chia sẻ bí quyết? KHÔNG!!!

Nếu tổ 3 không hiểu về bài thuyết trình tổ 1 vì thời gian trên lớp có hạn và các tổ khác cũng thế, chúng ta có chuyền nhau một tờ giấy ghi các câu hỏi cho nhau rồi gửi tổ 1 để họ đưa đáp án lên facebook của lớp không? Dù cái đó xác định là nằm trong đề thi cuối kỳ? KHÔNG!!!

Và chúng ta không với nhiều thứ, rất nhiều thứ, lý do là chúng ta ở trong một nhóm, chúng ta thấy nó giống như một ngôi nhà an toàn, một lũy tre làng, chúng ta không muốn khám phá bất kỳ cái gì khác, không muốn! Ngay từ khi đi học chúng ta đã được giáo dục chỉ học và hỏi những gì có trong sách giáo khoa, và cách giải!! thì tốt nhất là theo kiểu của thầy cô, đừng cố gắng khác biệt và suy nghĩ cấp độ cao hơn những người xung quanh.

4. Đám đông định nghĩa về sự thất bại và thành công cho bạn nghĩa là quy định về hạnh phúc và khổ đau của bạn

Trên thế giới này đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người xuất chúng, đạt thành tựu rực rỡ lại là những người trải qua nhiều thất bại cay đắng nhất (bạn có thể đọc cuốn Dám Thất Bại free trên mạng để nắm rõ hơn); điều quan trọng là họ xem thất bại, chán nản là những nền tảng chắc chắn để thành công, vì chúng cho phép họ có những kinh nghiệm quý giá không có trong sách vở, những thay đổi lớn lao trong nhận thức, tư duy..

Vậy nhưng chúng ta gán cho thất bại những giá trị hèn kém, chúng ta chỉ ngợi ca những người thành công (lờ đi những thất bại trước đó của chính họ), bằng sự kỳ thị chúng ta tạo nỗi xấu hổ, đau đớn hơn cho những lỗi lầm của người khác.

Một ý tưởng nêu ra ở đây là thay vì đánh giá thành bại, vui buồn theo tiêu chuẩn của xã hội thì chúng ta nên đánh giá theo tiêu chuẩn của bản thân mỗi người: tầm quan trọng, ý nghĩa riêng, trong dài hạn.

Hãy lấy một ví dụ: có nhiều cô gái trải qua mối tình 3-4 năm và kết thúc trong nước mắt, và họ đã 26-27 tuổi, đáng lẽ ra họ nên trì hoãn yêu, nên trấn tĩnh và tìm hiểu kỹ hơn về người đến sau thì họ bị dư luận kêu là sắp ế, gái già… và đành yêu vội, lấy vội ai đó, và nếu cuộc hôn nhân đó không hạnh phúc!

Một số bạn gái vì cả tin quá mức trong tình yêu mà trót dại mang thai, rồi bị người yêu phụ tình, thậm chí lừa tiền; đó tất nhiên một phần lỗi của cô gái đó, nhưng thay vì khoan dung thì dư luận tổng sỉ vả danh dự, nhân phẩm cô gái và gia đình cô; đến mức tự sát là cách để giải quyết chuyện này, sau khi cô ấy chết dư luận vẫn nói cô ấy thật ngu! (xảy ra năm 2011 với người bạn hồi cấp 2 của mình)

Một số cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc, họ bị buộc làm nô lệ tình dục và khi được công an giải cứu trở về quê hương, đáng ra họ nhận được sự yêu thương từ cộng đồng. Nhưng thực tế phũ phàng là họ lại chịu sự ghẻ lạnh từ làng xóm, không ai tha thứ cho lỗi lầm (dù không phải tự họ gây ra), họ đành gạt nước mắt lên thành phố để làm… gái mại dâm.

Hoặc một chuyện nhỏ hơn, nếu con cái, em út chúng ta bị điểm kém trong kỳ thi, thực ra cũng không quá quan trọng đến cuộc đời nó, nhưng chúng ta ngay lập tức phê bình, chỉ trích; nó khiến đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc vì trong vô thức nó nhận ra điểm số quan trọng hơn tình yêu thương, tình yêu mà ta dành cho nó là thứ có điều kiện, nó sẽ chán gét việc học hoặc bị áp lực về việc đó, thậm chí là gian lận thi cử chỉ để làm thế nó mới không bị chúng ta chỉ trích.

Có vô số ví dụ khác trong cuộc sống nói lên rằng có rất nhiều thất bại, niềm đau sẽ khiến chúng ta trưởng thành, khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, nhưng số đông luôn định sẵn những tiêu chuẩn về việc đó, và không ít tiêu chuẩn đã xát thêm muối vào nỗi đau của bạn, khiến bạn đau hơn trăm lần.

 

Mr. Spec

5 bộ phim đáng xem (phần 3)

93
 Featured Image: Ảnh trong phim “Taeguki”

 

The Truman Show (1998)

Chúng ta sống, chúng ta lớn lên trong một xã hội được định sẵn bằng những nguyên tắc, những mối quan hệ. Có bao giờ bạn cảm thấy đó chỉ là khung nền của một sân khấu vô cùng rộng lớn? Trên cái sân khấu ấy tất cả chúng ta, bạn và tôi đều là những diễn viên chuyên nghiệp. Từng ngày qua chúng ta diễn cái vai của mình một cách rất hồn nhiên. Nhưng mỗi khi đêm về, mỗi khi chúng ta có một mình, chúng ta luôn cảm thấy trong mình thiếu một điều gì đó. Bạn có cảm thấy thế không?

Nhưng vào một thời điểm nào đó, một sự kiện vô cùng trọng đại đến với đời ta. Và chính sự kiện đó đã nói với ta rằng: “Này! thế giới anh đang sống không phải là sự thật đâu, anh hãy quan sát thật kỹ mọi thứ xung quanh để thấy những sự giả tạo, anh hãy tỉnh lại đi và sống cuộc sống thật của chính anh!” Và khi đó bạn sẽ phải biết làm thế nào để đi tìm sự thật về thế giới này và về chính bạn.

Cẩm Nan Hướng Dẫn Đến Ngân Hà – The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy (1981)

Đây là một bộ phim hài sâu sắc, có lẽ với vài người thì nó khá là nhảm nhí, nhưng trong nó lại ẩn chứa những phép ẩn dụ về đời sống của ta một cách hóm hĩnh và vui tươi, những chuyện phi lý không thể tưởng lại luôn tồn tại đâu đó quanh ta. Đó là một cuộc phiêu lưu của những sự việc tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng qua chúng ta tìm thấy được câu trả lời cho điều mà chúng ta luôn tìm kiếm. Và câu trả lời đó lại đơn giản biết bao, một câu trả lời luôn nằm trong tim ta nhưng chỉ trải qua sóng gió mới nhận ra.

Đừng sợ hãi khi một sự việc nào đó đến với ta, vì biết đâu nó chính là cuộc hành trình dẫn ta đến hạnh phúc, bước tới và bước tới để biến đời sống ta thành cuộc phiêu lưu thật đặc sắc như một câu chuyện không tưởng thú vị.

Ngài không Ai Cả – Mr. Nobody (2009)

Có khi nào bạn cảm thấy đau khổ hay băn khoăn cho một quyết định nào đó? Bản thân tôi thì luôn cảm thấy điều ấy. Sự lựa chọn là một món quà và cũng là lời nguyền mà thượng đế đã ban phát cho con người. Sau mỗi lựa chọn chúng ta sẽ đi trên một con đường hoàn toàn khác biệt. Vậy sẽ ra sao khi bạn có cái quyền năng là có thể chọn lại những điều mình đã chọn? Thật tiếc là tôi không thể nói cho bạn biết được hi hi, bạn phải xem phim thôi.

Đây là một bộ phim rất hay nhưng không dễ hiểu đâu. Nhưng nếu bạn có thể hiểu thì bạn sẽ biết bản thân nên làm gì và đối diện với cuộc sống ra sao. Thôi không nói nữa, nói nhiều sẽ mất linh. Tôi bảo đảm bộ phim này sẽ làm bạn đau đầu.

Cuộc chiến thương hiệu – Branded (2012)

Ai đó chỉ bạn 2 ngôi nhà lớn và nhỏ rồi hỏi: “Ngôi nhà nào lớn hơn?” Thì bạn có trả lời được không? Thật dễ dàng đúng không nào? Vậy nếu tôi hỏi: “Bạn thương cha hay thương mẹ hơn và hơn bao nhiêu?” Thì bạn trả lời thế nào? Thật là khó để trả lời cho những câu hỏi thuộc về tinh thần hoặc tâm hồn. Nhưng giờ chúng ta hãy tưởng tượng rằng những điều thuộc về tinh thần lại hiện ra trong mắt ta dưới dạng một vật thể hữu hình. Khi đó sự so sánh trở nên vô cùng dễ dàng. Đây là một chuyện không tưởng với con người nhưng tôi nghĩ nếu ta có một trí óc siêu phàm thì ta vẫn có thể mườn tượng ra nó.

Quay lại bộ phim, xã hội chúng ta đang sống có hằng hà sa số tư tưởng trôi nổi khắp nơi, nếu những tư tưởng đó được cụ thể hóa thì ta sẽ thấy chúng có những hình hài khác nhau, có thể là một con ác quỷ, một thiên thần, một đóa hoa hoặc một vũng bùn. Khi ta tiếp xúc những tư tưởng đó thì cái hình hài của nó lớn lên trong ta, nếu ta cứ tiếp thu mãi thì chúng cũng lớn lên mãi. Hoặc khi ta tiếp thu một tư tưởng đối lập thì hình hài tư tưởng đang có sẽ nhỏ lại và cái mới lại lớn lên trong ta. Sẽ ra sao khi bạn có khả năng đặt biệt đó?

Bộ phim vẽ lên một sự kinh tởm về xã hội loài người mà trong đó vì những dục vọng, nhiều người đã biến từng cá nhân thành nơi ký sinh của những con quái vật tư tưởng. Họ đầu độc con người bằng cách biến một điều xấu xa thành đẹp đẽ, dùng mọi thủ đoạn để khiến người ta tin vào nó. Có một lúc nào đó chính bạn là người tiếp tay cho họ. Sẽ ra sao nếu có một ngày bạn nhận ra sự thật kinh khủng này? Hãy xem bộ phim thì bạn sẽ hiểu.

Taegukgi (2004)

Bạn có kinh ngạc không khi mà 14 bộ phim tôi giới thiệu đều là của phương Tây trong khi bộ này là của Hàn Quốc? Tôi nghĩ rằng đây là một bộ phim mà tất cả những ai là người Việt đều nên xem. Xem để thấy sự vô nghĩa của chiến tranh, xem để thấy nỗi đau khi 2 anh em ở 2 bên chiến tuyến, họ yêu thương nhau nhưng lại bị buột phải chĩa súng vào nhau.

Sẽ có lúc bạn hiểu ra rằng lý tưởng chẳng là gì cả, con người bị dồn ép phải ở về một phía mà họ không hề muốn. Rồi cũng chính cái hoàn cảnh lại trói bạn vào cái phe bạn từng chĩa súng, bạn chỉ còn lại những hành động của bản năng, làm mọi cách có thể để mình được sống sót. Không biết đến khi nào con người mới hiểu rằng sự sống mới là thứ quý giá nhất, người ta tin vào một lý tưởng mang lại sự sống nhưng họ lại không nhìn thấy chính lý tưởng đó đang giết chết sự sống mà họ tôn vinh và hướng tới. Thật buồn cho con người!

—————————-

Tôi không dám nói tôi hiểu hết ý nghĩa của những bộ phim này, nhưng nếu ai đó sau khi xem xong mà có những điều ưu tư chưa lời giải đáp thì nhớ trao đổi với tôi, biết đâu bằng sự trao đổi mà mỗi người chúng ta có thể học hỏi thêm những điều mà mình chưa biết.

 

 

Mắt Đời

Những cái chết từ “quan hệ”

16
Featured Image: Wikipedia Commons

 

Chắc chắn, những người đi tìm việc ở Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng câu nói: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, chót bét là trí tuệ.” Nhưng tôi nghĩ, câu nói ấy không chỉ đúng với những người đi xin việc, những cử nhân vừa mới tốt nghiệp mà còn đúng với rất nhiều mặt khác trong xã hội Việt Nam chúng ta. Đặc biệt là ở “mặt trận” kinh tế, nơi mà mối quan hệ được xem như chiếc “chìa khóa vạn năng” có thể mở được nhiều kho báu trù phú và màu mỡ. Nhưng đôi lúc nó cũng chính là mồ chôn của những chủ nhân chiếc chìa khoá ấy. Qua những “con hổ” lớn vừa bị xẻo thịt và đưa lên lò nướng, chúng ta đã thấy rằng, những kẻ đi lên bằng “quan hệ” cuối cùng cũng sụp đổ vì chính nó, thậm chí còn bị nó bóp chết và giết thịt.

Sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, chăm sóc và vỗ béo. Gần đây, nhiều Đại gia lớn đã lần lượt được đưa lên bàn mổ và xẻo thịt. Có thể nói, đây là cuộc thanh trừng ác liệt nhất trong lịch sử nền kinh thương của Việt Nam. Nó có thể gây ra sự đổ vỡ không gì có thể ngăn cản nỗi.

Ba tháng trước, thị trường chứng khoán đã được một phen chao đảo khi Đại gia Bầu Kiên bị kê đầu vào máy chém. Cách đây vài tuần, một ông lớn sở hữu hàng ngàn tỷ là Minh Châu Bắc Ninh cũng vừa bị làm thịt. Tuần trước, báo giới đã tốn khá nhiều giấy mực khi Đại gia Hà Văn Thắm bất ngờ bị “úp sọt”. Mới đây nhất là nguyên giám đốc sổ số miền Nam. Và trước đó là Dương Chí Dũng, Bình Vinashin…toàn những con Hổ đầu đàn của nền kinh tế.

Theo tin mới nhất tôi vừa được biết từ một tờ báo giáo dục là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vincom, Royal City, Time City… cũng chuẩn bị được “nhận nhiệm vụ”. Đó là tiếng chuông cảnh báo cho người đàn ông giàu nhất Việt Nam hãy tắm rửa sẵn sàng để “lên bàn mổ”, đó là lý do gần đây Vingroup đang bán đỗ, bán tháo nhiều dự án trọng điểm.

Tiến sĩ Alan Phan đã từng nói, lý do các nhà thầu và doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng “quả lớn” ở Việt Nam là vì họ có “vốn quan hệ” rất lớn, là những bậc thầy về “kỹ năng” luồn lách cửa sau. Trong một cơ chế XIN CHO ở xứ sở này thì những doanh nhân có “năng khiếu” như người Trung Quốc cũng sẽ luôn thắng lớn trên nhiều mặt trận. Điều khiến dân tình tò mò và khó hiểu là tại sao các vị “nô bộc” của dân lại để cho nhiều doanh nghiệp tư nhân mở chui sàn vàng cho kinh doanh 3-4 năm sau mới bắt? Vì sao để Hà Văn Thắm thâu tóm hàng loạt tài sản quốc gia từ kem Tràng Tiền, ngân hàng Bảo Việt, Ocean bank…rồi mới bắt? Vì sao Bình Vinashin đến thời “cuốn chiếu” rồi mà ba Dũng vẫn bơm thêm 750 triệu đô la vay của nước ngoài để “ném vào” mặc cho các chuyên gia và nhà cố vấn ra sức can ngăn?

Nguyên nhân là ngân khố quốc gia đang trong tình trạng thủng đáy. Phải đi vay về để ăn và đảo nợ. Khi nợ đã quá cao (gần 50% GDP) lâm vào bí bách đành quay lại “giết thịt” những con Hổ béo để lấy tiền nuôi bộ máy đang bần cùng, túng quẩn, nuôi đội ngũ công chức đang ngày một phềnh to. Chẳng có dân nào nuôi nỗi bộ máy cồng kềnh,  tham nhũng, lãng phí, ăn hại như vậy cả. Quản lý  90 triệu dân, tài sản GDP mỗi năm hơn 200 tỷ USD mà cần đến 2,8 triệu công chức, nhân viên. Trong khi đó, nước Mỹ với 310 triệu dân, GDP 17.500 tỷ USD, có mặt ở mọi điểm nóng trên toàn thế giới, chỉ cần 2,1 triệu người làm quản lý.

Túng quẩn, bí bách. Thịt, thịt và thịt, thịt từ cao xuống thấp, từ “con” to đến “con” nhỏ. Đầu tiên là các đại gia ngân hàng, tiếp theo là bất động sản, rồi đến tập đoàn nhà nước – những kẻ ăn hại và phá phách, sau cùng là những “con” gầy hơn, là sân sau của các đại gia và những ông quan lớn. Tất tần tật, những kẻ được “nuôi” bằng quan hệ giờ cũng sẽ bị thịt bằng “quan hệ”. Đó là sự trớ trêu và nghiệt ngã mà chẳng bên nào mong muốn. Chẳng ai ngờ rằng, khi “kết nối” được với “kho báu”, khi đã đào sâu vét đầy thì bất ngờ bị “sập hầm” và vùi chôn luôn dưới ấy. Những cái chết nhục nhã bị dân tình phỉ nhổ, nguyền rủa và xâu xé.

Chưa rõ hệ quả của cuộc thanh trừng này là gì. Nền kinh thương của đất nước có lật sang được trang mới hay không. Nhưng với một cuộc truy quét sâu rộng như vậy thì “lợi phẩm” thu về phải tính bằng con số chục tỷ đô. Một khoản đủ lớn để trám vào lỗ thủng sâu hoáy của cái đảy ngân sách. Và thị trường chứng khoán cũng khó tránh khỏi một phen nghiêng ngã và chao đảo.

Người Việt có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ.” Chính vì suy nghĩ ấy nên “văn hoá” quan hệ luôn được “lên ngôi” cao nhất. Bên cạnh mỗi ông quan luôn tấp nập nhiều thành phần ký sinh đang bám chặt như bầy đĩa đói. Điều chua xót nhất ở xứ sở chúng ta là những người tạo dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại thường bị trù dập, hạch sách và hãm hại, thường thua thiệt trước những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ dối láo, chụp giật, manh mún, thủ đoạn, bòn vét… Nhưng ở đời nhân quả là bất biến, có mấy ai dám khẳng định rằng, chơi với “voi” thì không bị voi dẫm chết.

 

Nguyễn Văn Thương