Featured Image: Kafka Bookstore
Điều đầu tiên tôi nghĩ khi đọc xong cuốn sách này là: Natsuo Kirino, bà ấy có xấu không? Có xấu như các nhân vật mà bà ấy viết không? Có tàn nhẫn, có độc ác, có tăm tối và phản trắc thế không? Hơn hết, bà nghĩ gì khi dửng dưng làm một việc là lộn trái con người ta như lộn trái một cái áo rồi nạo vét bằng hết tâm hồn cho tới đáy, ở chỗ chỉ còn từng lớp bùn đen váng vất đóng dày đặc? Làm thế thì sẽ được gì? Sẽ chiếu rọi, sẽ khai mở, sẽ chứng minh cho chúng ta thấy là chúng ta đã xấu như thế nào? Hay chỉ để cho bà ấy được thanh thản?
Xấu. Thế nào là xấu? Cũng như cái đẹp, cái xấu cũng tràn đầy cảm tính. Tối tăm là xấu? ghen ghét đố kỵ là xấu? phóng đãng là xấu? Đâu là tiêu chuẩn cho những cái đẹp và những cái xấu kể trên? Cái tên tiếng Anh có vẻ phù hợp hơn: Grotesque – lố bịch. Sự lố bịch của các nhân vật trong câu chuyện này đó là chạy theo ảo tưởng và ham muốn mà quên đi những thứ vừa vặn với bản thân mình.
Yuriko chính là hiện thân của cái ảo tưởng ấy. Sắc đẹp của cô ấy được tôn thờ trong những tâm hồn tràn ngập ganh ghét đố kỵ, những tâm hồn đầy gai nhọn tua tủa để phòng bị trước một xã hội đuổi theo sư phù phiếm tới lạc lối, hoang mang. Nhan sắc của Yuriko như một thứ ánh sáng mạnh mẽ, gay gắt vụt xuất hiện trên những nẻo đường, càng nhấn mạnh thêm sự tối tăm ở những ngõ ngách khác của con đường ấy. Cái đẹp đâu chỉ cứu rỗi, cái đẹp còn là động cơ cho cái ác trỗi lên.
Giống như kẻ bị lóa mắt trước ánh sáng, khi bước vào một vùng tối hơn, sẽ không còn nhìn thấy gì nữa ngoài những tối tăm dày đặc, chị gái Yuriko – cô gái ấy cho đến phút cuối cùng vẫn không xưng tên, và không ai nhớ được tên cô – cũng nhìn cuộc đời bằng ánh mắt tối tăm hằn học như thế. Cô ấy sống bằng cái khoái lạc được chứng kiến những nỗi thống khổ mà bạn bè mình gánh chịu, bằng sự đố kỵ hằn học, bằng sự căm ghét và thù hận tất cả mọi người. Dưới vỏ bọc bình lặng và bình dị, cô ấy âm thầm thù ghét cuộc đời, âm thầm phán xét, khinh miệt rồi nhấm nháp hương vị của sự trả thù.
Một nhân vật mà toàn bộ hình hài được xây dựng nên từ hình bóng của kẻ khác, bằng toàn bộ sự khác biệt của một xã hội mà cô ấy từ chối đứng chung. Không có gì rõ ràng ngoài một cõi lòng tăm tối đầy bất an, không có gì ngoài một ngoại hình mờ nhạt mang vác một tấm áo giáp đan dệt từ đố kỵ và căm thù. Không có gì cả. Cô ấy là một cái hồ nước đen để bạn soi thấy đáy của mình, và chẳng cho bạn thấy gì hơn ngoài cái đáy tăm tối ấy để suốt đời, đối xử với chính bản thân mình một cách tàn tệ.
Cuộc đời của Kazue có thể sẽ khá hơn nếu cô ấy không gặp chị gái Yuriko, nếu con quái vật trong lòng cô ấy không trỗi dậy, nếu cô ấy biết rằng cô ấy không chỉ có một con quái vật, cô ấy còn những thứ tốt đẹp hơn để yêu. Nhưng số phận của cô ấy là thế, con quái vật ấy đã thức giấc rồi, con quái vật tham lam không ngừng nuốt trọn những tiêu chuẩn, những nguyên tắc và định kiến của cuộc đời, để tiêu hóa thành một thứ còn xấu xa hơn những gì nó thấy.
Đó là Kazue, suốt đời chạy theo đám đông, sống hết mình vì giấc mơ của kẻ khác. Cô ấy không biết được điều cô ấy mong muốn nhất trong cuộc đời đó là được người khác đối xử tốt với mình, cái hạnh phúc nhỏ nhoi một lần trước khi chết cô ấy đã thốt lên, vô tình nhưng tận từ đáy lòng. Cái chết của Kazue xem như một sự đánh đổi, bằng cái chết của mình, cô đã khiến dư luận xôn xao, chú ý. Nhưng liệu cô có biết rằng rồi cuối cùng người ta cũng qua nhanh cơn tò mò và rồi cái sinh mạng của cô cũng sẽ nhanh chóng rơi vào lãng quên? Hy vọng là cô ấy không biết.
Nhưng ta là ai mà phán xét họ? Ai cũng có lý do cho sự độc ác của mình. Yuriko, cô ấy phản kháng với sự thao túng của xã hội, vì nhan sắc của cô khiến cả xã hội muốn chiếm hữu nên cô ấy vùng vẫy thoát ra. Yuriko đào thoát đến với tự do bằng tất cả bản năng và để bản năng chi phối toàn bộ cuộc đời mình. Cái bản năng đam mê tình dục cuốn cô ấy trong cơn lốc của nó, để từ một nhan sắc lẫy lừng trở thành gái điếm hạng bét lúc cuối đời, đó là cái giá mà Yuriko chấp nhận đánh đổi ngay từ khi còn trẻ. Kazue cũng tìm đến với tự do, nhưng cô ấy không biết lắng nghe bản thân mình, cô ấy mải mê vì cái tự do mà Yuriko có và tin rằng đó mới là tự do đích thực. Kazue nghiệt ngã với chính mình để đuổi theo Yuriko, và cuối cùng thì cũng gặp. Chỉ có điều khi ấy, hào quang đã tắt lịm.
Natsuo kể một câu chuyện với thái độ thản nhiên, dưới giọng của nhân vật xưng tôi – chị gái của Yuriko, cứ như mình là người vô tội. Và chính ra, cô ấy cũng tin rằng mình có quyền được như thế, quyền phán xét, quyền căm ghét, quyền thù hận. Cô ấy có quyền sống bằng tất cả sự khinh miệt dành cho cuộc đời. Nhưng rồi cuộc đời nào đâu phải như thế. Nhan sắc của Yuriko đã tàn phai, Kazue không còn sức lực để đuổi theo nỗi ám ảnh nữa. Những con quái vật rồi cũng đến ngày tàn. Vậy cô ấy còn gì? Chẳng còn gì nữa cả, chẳng còn gì để biện minh cho sự ganh ghét, cay độc. Người phụ nữ ấy không thể tự lừa dối được bản thân mình. Đó mới chính là lúc, con quái vật của riêng cô trỗi dậy.
Câu chuyện kết thúc với một sự khởi đầu, của những điều tốt đẹp lẫn những điều tối tăm. Cái gì sẽ thắng, hay sẽ không bao giờ có sự chiến thắng, chỉ có sự thỏa hiệp để có thể đi cạnh nhau, bởi bản chất cuộc đời sẽ luôn dung nạp cả hai, bởi vì có những số mệnh sinh ra để làm bóng hình của một số mệnh khác? Natsuo, như thái độ từ ban đầu, thản nhiên chấm hết câu chuyện với vô vàn dư âm và câu hỏi, nhưng thực ra mỗi người đã luôn có kết luận của mình rồi.
Cuốn này lúc đầu đọc hơn nhàn nhạt (cỡ 200 trang đầu) nhưng đọc xong rồi thì đúng là tuyệt vời!