Featured Image: Bìa sách “Người Đua Diều”
Đã quá nhiều lời khen cho tác phẩm này, nhưng quả thực, đó là những lời nhận xét chính xác, một tác phẩm ấn tượng có tác động sâu sắc đến những ai đã từng đọc nó.
Amir, con trai của một người kinh doanh giàu có ở Kabul, một thành phố của Afghanistan đã lớn lên cùng Hassan, con trai của người làm thuê cho gia đình mình. Nếu đứng ngoài nhìn vào thì họ không khác gì đôi bạn thân khi ngày nào cũng đi cùng nhau, nhưng bản chất lại nằm sâu bên trong nhận thức về sắc tộc, Hassan là con trai của người Haraza, một tộc người bị miệt thị xem là thành phần thấp kém trong xã hội. Vì thế, trong tư tưởng của Amir chưa bao giờ xem Hassan là bạn dù hai người từng uống chung một dòng sữa, từng trải qua những ngày tháng ấu thơ bên nhau và thậm chí ngay cả khi Hassan đã vì bảo vệ Amir mà bị Assef – một đứa trẻ tôn sùng chủ nghĩa phát xít và tôn thờ Hitler – đánh đập tàn nhẫn.
Một lý do nữa khiến Amir đem lòng ghét bỏ Hassan vì bố của Amir rất yêu quý Hassan và dành cho cậu ấy nhiều tình cảm đặc biệt, trong một lần sinh nhật thậm chí ông còn thuê một bác sĩ giải phẫu giỏi để phẫu thuật đôi môi hẻ của Hassan. Muốn được Baba chú ý, Amir đã quyết tâm dành được ngôi vị quán quân trong cuộc đua diều thường niên được tổ chức vào mùa đông, và để giúp cho Amir, Hasan tình nguyện làm người đi tìm chiếc diều xanh, chiếc diều cuối cùng bị Amir cắt đứt. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi.” Hassan cười vui vẻ và chạy đi.
Amir được Baba công nhận, được ông bày tỏ lòng yêu thương nhưng có lẽ tất cả không bù đắp lại được những đắng cay để đổi lấy vinh quang cho Amir. Trên đường đi tìm diều, Hassan đã phải đối mặt với Assef và đám bạn, Amir đã chứng kiến tất cả, nhưng cậu im lặng, vì cậu nghĩ rằng Hassan không xứng đáng để mình liều lĩnh? Hay chính lúc ấy cậu chỉ là kẻ hèn nhát đáng khinh bỉ?
Để tìm cách cho Hassan đi khỏi nhà mình, Amir đã lén bỏ tiền vào đồng hồ dưới đệm ngủ của cậu bé khiến cậu bị nghi ngờ là một tên trộm, điều đó là làm Amir day dứt suốt quãng đời còn lại khi phải chứng kiến cảnh ông Ali kiên quyết dắt Hassan ra khỏi nhà mình. Rồi chiến tranh bùng nổ, Amir cũng cha di cư sang Mỹ, họ có cuộc sống ổn định, an nhàn dù hơi vất vả với cuộc sống của dân nhập cư.
Cuộc đời Amir có lẽ sẽ hoàn hảo biết bao nếu như anh lập gia đình và sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc ở một đất nước mà “chỉ cần vào siêu thị là bạn có thể có những thứ mình mong muốn”. Nhưng đáng buồn thay, vợ của Amir không thể sinh con, và một ngày anh nhận được thư từ Rahim Khan – một người bạn trung thành của cha mình- rằng anh nên trở về quê hương vì ông ấy sắp chết kèm theo một lời nhắn “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”. Sau khi đắn đo, Amir đã quyết định quay về quê hương tìm gặp Rahim Khan,và tại đây anh đã biết được một bí mật lớn mà bấy lâu cha anh đã giấu kín, một bí mật mà chính nó đã gieo rắc lòng đố kỵ cho một đứa trẻ: Hassan chính là em trai cùng cha khác mẹ với anh.
Với bản tính nhút nhát từ bé, Amir làm sao có thể chấp nhận lời đề nghị của chú Rahim Khan rằng hãy cứu lấy con trai của Hassan? Đất nước giờ đây đã thay đổi, người dân phải sống trong cảnh nghèo đói và sợ hãi trước sự tàn bạo của Taliban, và Hassan cùng vợ đã bị giết trước họng súng của những kẻ vô nhân tính và phân biệt chủng tộc. Giằng co giữa quá khứ và hiện tại, giữa tội lỗi trừng phạt, sau nhiều đêm không ngủ, sau những giấc mơ về tuổi thơ, về cái ngày Hassan bị lũ nhóc Assef cưỡng bức, Amir đi đến một quyết định mạo hiểm nhất trong cuộc đời mình: lên đường tìm Sohrab – con trai của Hassan đồng thời cũng là cháu mình.
Anh vừa chiến đấu với nỗi sợ hãi trong lòng, vừa phải chứng kiến những hình ảnh tươi đẹp của quê hương bị tàn phá: nghèo đói, hoang tàn, bệnh tật, chết chóc… tất cả đều nằm rải rác trên những đoạn đường anh qua. Và Amir quyết định tìm đến Talib, tên cầm đầu băng đảng Taliban trong thành phố để đòi lại Sohrab, và một bất ngờ nữa khiến Amir như chìm trong cơn mê, tên Talib đó không ai khác chính là Assef.
Một cuộc chiến giữa hai đứa trẻ của quá khứ, mối thâm hận trong lòng Amir dâng lên khi nhớ đến giây phút Assef đã hành hạ em trai mình thế nào, Amir đã nhận lời quyết đấu. Anh bị hai cú đấm thép của Assef đánh cho tơi tả, nhưng trên miệng anh luôn mỉm cười, vì sao ư? Vì như anh nói, mình đang được chữa lành, vì những gì đã nợ Hassan.
Và như một mối duyên tiền định, một lần nữa con trai Hassan đã thừa hưởng lòng quả cảm của cha mình, bắn một viên bi bằng chiếc súng cao su vào mắt tên Talib để cứu Amir. Hai bác cháu đã thoát nạn, Amir muốn đưa Sohrab về Mỹ, nhưng các thủ tục vô cùng khó khăn thậm chí như không còn một tia hy vọng. Khi nghe đến việc phải trở lại trại trẻ mồ côi, Sohrab quyết định tự tử bằng cách lấy dao cạo râu cứa vào cổ tay mình, một cậu bé mồ côi dũng cảm và thật đáng thương. Liệu Amir có cứu sống được đứa cháu bé nhỏ của mình? Liệu anh có thể sống để sửa chữa được những lỗi lầm của quá khứ?
Một tác phẩm để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả, một áng văn lấp lánh về niềm tin, tình yêu vào cuộc sống. Với giọng văn nhẹ nhàng, quyến rũ, chân thật và mãnh liệt, tác giả đã đưa người đọc chìm đắm vào một đất nước tươi đẹp nhưng vô cùng đau xót về sự tàn phá của những kẻ vô nhân tính. Dẫn dắt độc giả bằng câu văn mộc mạc, ngôn từ sắc sảo, khiến những độc giả khó tính nhất cũng phải thốt lên rằng: Thật tuyệt vời. Quả thật không ngoa một chút nào khi nói, cuốn sách xứng đáng dành nhiều giải thưởng hơn nữa, và một vị trí trong lòng bạn.
Một cuốn sách xứng đáng có mặt trên kệ sách của những ai thích những cuộc phiêu lưu của người đua diều.
Lâm Hạ
Vì cậu, cả ngàn lần rồi. Mình ko bao giờ quên đc câu nói này
đợt đấy mình đọc cả người đua diều, trốn chạy quả thật là tuyệt vời, những cái kết chuyện mà mình chẳng bao giờ nghĩ đến. Những quyển sách về tình bạn, tình gia đình thật đáng quý, đối với mình nó tuyệt vời hơn cả những câu chuyện tình yêu sến súa ^^
cuốn sách này thực sự rất rất tuyệt vời, không chỉ mang lại ý nghĩa của tình bạn, tình thân, tình người mà còn là cả một thế giới quan, một cách sống, một phương hướng dẫn dắt con người đến với chân – thiện – mỹ. Mà xúc động nhất với bản thân mình khi đọc cuốn sách chính là thái độ sống chân thành, khoan dung, độ lượng và trân trọng những phút giây được sống, được sẻ chia và được công nhận.
Mình đã đọc và mê văn của Hosseini. Sau đó tìm đọc tiếp “Ngàn mặt trời rực rỡ”. Mình thấy văn của Hosseini có nét giống với cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Những tác phẩm làm cho con người sống tốt hơn.
Mình cũng ấn tượng với nhà văn này, nhưng rất tiếc chưa tìm mua được cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ, huhu !
Một tác phẩm hay! và trong câu chuyện này mình đã thấy một phần tính cách qua nhân vật Amir. Đó là thói đố kị đã ngấm sâu trong con người mình ngay từ hồi nhỏ và có lẽ cho đến bây giờ.
Đọc những đoạn về tuổi thơ đó ấn tượng ghê gớm luôn nhất là lời dạy của Cha Amir, trên đời này chỉ có một tội lỗi, đó là tội ăn cắp. Cái đoạn mà đi tìm diều ấy, đọc buồn da diết!
Một tác