Featured image: Trần Thái Hòa
Cách đây vài năm, tôi làm việc tại một công ty có trụ sở ở Hà Nội. Chiều 29 Tết Âm Lịch công việc mới giải quyết xong, tôi ra bến bắt xe về quê. Hết xe mất rồi. Xe đi tỉnh đã nghỉ từ 28 Tết. Gay quá. Xe ôm, taxi có nhưng mắc lắm, Tết mà! Nếu đi xe ôm, taxi thì tôi may mắn lắm chỉ trả đủ tiền vé, chẳng còn tiền để tiêu Tết. Tự nhiên trong tôi hiện lên câu hỏi: Hay ở lại xem thiên hạ… ăn Tết thế nào? Thử một lần ăn Tết xa nhà (mà bây giờ tôi gọi là cảm giác mạnh) xem sao? Thế là tôi quyết định không về nhà mà…lên đại một xe khách để rồi sau đó đón giao thừa ở … bến xe một tỉnh phía Bắc cách Hà nội hơn 300km.
Khi xe về bến, chẳng biết đi đâu, hòa vào dòng người tấp nập, vội vã chiều cuối năm tôi đi xem chợ hoa, vào siêu thị, đi bát phố… Thành phố một tỉnh phía Bắc đang trên đà phát triển, đâu đâu cũng gặp những ngôi nhà, những công trường mới đang xây dựng, những con đường mới mở… Thành phố như một công trường lớn, như một chàng trai với nội lực sung mãn.
Trời đã tối một lúc lâu, những căn nhà, những con đường… được trang hoàng lộng lẫy với những cờ hoa, khẩu hiệu, những ánh đèn màu rực rỡ. Rồi dòng người có vẻ thưa thớt, vội vã hơn. Có lẽ giờ này nhà nhà đang quây quần bên mâm cỗ tất niên. Giờ này chắc nhà tôi cũng vậy, còn tôi lại là người…lữ hành bất đắc dĩ của thành phố này. Tự nhiên tôi nhớ gia đình, nhớ bố mẹ quá, nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn tôi. Bài hát Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ đâu vọng về trong tôi, nỗi cô đơn, nhớ nhà càng thêm da diết. Ôi thời gian sao mà nặng nề thế, bao giờ mới đến giao thừa, bao giờ mới được về nhà đây? Sao lớn rồi mà như trẻ con thế này, yếu đuối quá. Thôi nào, chiều mai là được về thôi. Nghĩ thế làm tôi vui vẻ hơn, môi nở nụ cười…một mình, hòa vào dòng người đón chào xuân đến.
Giao thừa! Mọi người khắp nơi đổ ra đường phố. Nam thanh, nữ tú, người lớn, trẻ em với những bộ quần áo xênh sang, nụ cười trên môi trong dòng người bất tận đổ về trung tâm thành phố. Mọi người hái lộc cầu may, chúc nhau hạnh phúc. Nhìn những đôi nam thanh nữ tú tay trong tay, những gia đình bát phố lại làm tôi chạnh lòng. Tôi cô đơn trong đêm giao thừa vui vẻ. Giờ tôi đã không còn giữ nổi lòng mình nữa dù tôi là người cứng rắn. Trong lòng tôi tự nhiên thổn thức. Tôi thua tôi mất rồi. Nhớ gia đình quá. Sao mình lại mạo hiểm đón Giao thừa nơi xa thế này? Chiều mai mới có xe về quê cơ. Ôi, thời gian sao mà nặng nề đến vậy.
Chồn chân mỏi gối vì đói & khát, tôi tìm quán để ăn. Đi mãi mới có quán mở nhưng mà đắt kinh khủng, dễ hơn ngày thường 2,3 lần. Nhưng không ăn biết ăn ở đâu? Tôi khỏe hơn sau khi ăn bát cháo nóng nhưng vẫn “như có tiếng sóng ở trong lòng ” nên nụ cười tôi vẫn có phần gượng gạo, méo xệch. Trông tôi lếch thếch, tha phương giống như …nghiện! Rồi có một thanh niên trông môi thâm, mặt mũi bơ phờ đi tới hỏi tôi:
– “Có lấy hàng không?”
À tôi hiểu rồi, hắn là thằng nghiện, hắn bán ma túy.
– “Không.” Tôi trả lời, hắn bỏ đi.
Đi một đoạn nữa lại có người khác, lần này là một thanh nữ, trông xinh xắn và quyến rũ lắm. Cô hỏi tôi:
– “Có mua hàng không?”
Giật mình tôi nghĩ, sao xinh xắn thế này mà lại đi bán ma túy? Tôi lắc đầu. Rồi một cô gái khác,trông cũng thanh mảnh nhưng nhìn kỹ thì phấn son lòe loẹt, gương mặt mệt mỏi. Cô hỏi tôi:
– “Đi chơi không anh? Đầu xuân em giảm giá cho… lấy may.”
Trông bộ dạng cô đã khiếp, hứng thú đâu mà đi chơi nữa. Tôi từ chối, rút điếu thuốc mời cô. Tôi hỏi nhỏ:
– “Không về quê ăn Tết với thầy u hả em?”
Em cười u uẩn thay cho câu trả lời. Đằng kia là bác xe ôm đợi khách từ lâu. Bác cho biết, hai cô gái kia đều là cave, nghiện ma túy nặng. Một cô vừa là con nghiện kiêm luôn bán thuốc kiếm lời để hút, chích. Họ không nhà, không cửa, lang thang, vạ vật. Thật tôi nghiệp một kiếp người! Người khách đầu tiên trong năm mới của bác là một chàng trai khôi ngô tuấn tú lắm. Anh ta về cách đấy 2km, bác đòi 20k.
– “Tiền đâu?” Bác hỏi.
– “Về nhà tôi lấy tiền đưa cho bác.” Anh ta trả lời.
– “Đưa tiền trước thì chở, không thì thôi.” Bác trả lời.
– “Hay cháu cởi quần, cởi áo để bác làm tin?”
Kỳ kèo, mặc cả một lúc không được, anh ta bỏ đi. Bác bảo, trông sạch sẽ thế mà là con nghiện nặng đấy. Ôi đúng rồi, lúc nãy anh ta cùng cô bán hàng trắng chích ở bên đường. Bây giờ tôi mới nhận ra. Ôi anh bạn trẻ, tương lai ngời ngời mà anh tự hủy hoại đời anh mất rồi. Anh thật đáng giận. Không biết anh đã đóng góp được gì cho quê hương đất nước nhưng chắc chắn là anh đã làm hại đất nước rồi.
Bác xe ôm có khách. Bác chở một cuốc, rồi hai cuốc nhưng chỉ được ít tiền vì đường ngắn. Người lao động như tôi, như bác kiếm được đông tiền thật khó. Mình phải quý trọng những đồng tiền mà mình vất vả kiếm được nhé, tôi nhắc mình thế. Tôi nhờ bác tìm nhà trọ, nhà nghỉ để qua đêm giao thừa nhưng đành chịu. Mọi nhà nghỉ, nhà trọ đều đóng cửa. Đi rồi!
– “Thôi không phải tìm nhà trọ nữa, về nhà tôi.” Bác nói.
Ôi, một điều ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ngại ngùng vì là đầu năm nhưng…không về nhà bác thì chả nhẽ vạ vật qua đêm giao thừa? Thôi, về nhà bác kiểu…home-stay vậy. Đợi một lúc không thấy có khách, tôi cùng bác về nhà. Được cái cả nhà bác coi tôi như con cái nên tôi vui hẳn, không ngại ngùng gì. Lau người xong tôi cùng gia đình bác uống chén rượu xuân, rồi ngủ một giác ngủ ngon lành… cứ như là đang ở nhà mình vậy!
Sáng mồng một Tết sau bữa cơm đầu xuân, bác đưa tôi ra bến xe. Bác đón khách còn tôi đợi xe. Chưa có xe, tôi lại đi…lang thang. Vô tình tôi vào…Bệnh viện thành phố! Tôi ngồi ở khuôn viên Bệnh viện để giết thời gian. Bệnh viện sáng mồng một Tết vắng vẻ đến ghê người. Phá tan bầu không khí tĩnh lặng là một, hai…tiếng khóc nghe sởn gai ốc. Hóa ra có một vụ tai nạn giao thông do đua xe. Ngồi một lúc thôi mà có đến mất vụ tai nạn giao thông. Nhìn những nạn nhân được quấn kín trong lớp drap trắng mà thấy họ thật đáng thương nhưng cũng đáng trách biết bao. Thương những người mẹ có những đứa con như vậy. Có người bảo: có lúc ta nên vào bệnh viện chơi để thấy ta còn may mắn. Thật chí lý.
Chiều. Có xe về rồi. Ngồi trên xe lòng tôi nghĩ vẩn vơ. Nỗi cô đơn đêm giao thừa thật khủng khiếp. Nhưng tôi cũng được thấy những cảnh đời không có Tết vì đua xe, vì ma túy … Những thanh niên đã không làm gì cho đất nước mà lại làm hại đất nước, thật xót xa thay. Tôi cũng được thấy tấm lòng trong sáng, thánh thiện của bác xe ôm dù cuộc sống còn rất nhọc nhằn. Tôi thấy một thành phố phía Bắc còn có nhiều góc khuất nhưng đang thay đổi từng ngày. Chắc chắn vài năm nữa nếu tôi quay lại tôi sẽ ngạc nhiên lắm.
Cùng với niềm vui rộn ràng của Mùa xuân mới, sự háo hức được trở về, lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Ước mơ cho mình, cho Tổ Quốc ùa về mơn man tâm hồn tôi. Với nội lực sung mãn của mình, của Đất nước, tôi hoàn toàn có quyền tin rằng: những giấc mơ đầu xuân của tôi sẽ thành hiện thực ; nhất định rồi mình, Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của mình sẽ sớm phát triển.
Về nhà đón Tết..muộn nào. “Dẫu gì thì con cũng về; Chỉ bên Mẹ là Mùa Xuân thôi…”
Pham AQ
Những thanh niên đã không làm gì cho đất nước mà lại làm hại đất nước, thật xót xa thay.
Mong rằng số thanh niên như thế càng ngày càng ít đi!!!
Và như thế, cái Tết Saigon ngày cũ đã dần dần biến mất. Cho nên, mỗi lần Tết đến tôi lại thấy mình “tha hương” hơn dù đang ở quê nhà (http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/tet-bolsa.html) – Tết bây giờ buồn lắm, bạn đón giao thừa nơi xa có khi lại thú vị hơn đấy bạn ạ.
Đúng vậy, Tết bây giờ đã khác xưa rồi, “mỗi lần Tết đến tôi lại thấy mình “tha hương” hơn dù đang ở quê nhà” thật quá chuẩn.
Ông này ăn Tết ở Hà Giang quê tôi đây. Tiếc là không có duyên để mà mời ông về nhà tôi ăn Tết. HPNY.
Xuân này con không về
Đón giao thừa một mình nơi phương trời xa lạ…-tôi cũng từng có trải nghiệm như thế. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ.
Xin các thánh. Được về ăn Tết với gia đình mà không về, tui đây thì học ở ĐHKHTN TP HCM 3 năm rồi mà không đc về vì còn phải làm thêm đây. Hu…