27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phong trào nữ quyền hay sự ngụy biện người rơm mang quy mô tập thể?

Bạn đã từng nghe đến khái niệm ngụy biện người rơm bao giờ chưa? Hiểu sơ qua thì thế này: trong một cuộc tranh luận giữa 2 người A và B, người A ban đầu đưa ra quan điểm của mình. Nhưng người B lại chẳng hề nắm được nội dung thật sự của quan điểm ấy và phóng chiếu góc nhìn của mình vào, rồi tưởng rằng đó là ý mà người A đang nói. Thế là, thay vì phản biện quan điểm đang được người A nói đến thì người B lại đi phản biện cái ảo tưởng của chính mình. Đây là một lỗi tranh luận rất thường bắt gặp. Và những người quân tử thì luôn cố gắng tránh xa lỗi tư duy cơ bản này, vì nếu mắc phải, họ đã tự loại chính mình ra khỏi cuộc tranh luận ngay từ cửa đầu tiên. Vì một nguyên tắc cơ bản mà còn chưa nắm vững thì sẽ không tạo ra hiệu quả tranh luận. Người đó thậm chí không đủ thẩm quyền để được phát biểu.

Ở đây, trong ví dụ này, chúng ta sẽ thấy một vở kịch mà người B tự dựng lên và tự lồng lộn ở trong đó. Người A chỉ cần chỉ ra lỗi ngụy biện của người B là đã đủ dập tắt vở kịch tự biên tự diễn của người B, và duy trì sự tập trung vào nội dung chính mình đã nêu ra ban đầu.

Đó là trường hợp người A có hiểu biết để nhận ra sự lệch lạc trong cuộc đối thoại. Còn nếu anh ta không nhận ra trước mặt là một trò ảo giác, anh ta sẽ bị cuốn vào trong nó và tự mâu thuẫn với chính mình và không đạt được mục đích khẳng định giá trị quan điểm mà mình đã nêu.

Vậy chuyện nữ quyền thì liên quan gì đến ngụy biện người rơm? Bạn cứ hình dung như thế này. Đạo lý của Cha ông (A) từng đặt ra là: Cuộc sống là sự cân bằng và phối hợp hai thái cực âm dương. Dương là người trụ cột, lãnh đạo, thể hiện ở người đàn ông. Âm là người nương tựa, quy phục, thể hiện ở người đàn bà. Đàn ông và đàn bà thực hiện đúng bổn phận và vai trò của mình thì có được hạnh phúc cân bằng trong cuộc đời, mang lại trật tự và ổn định cho xã hội ở mọi thế hệ.

Người đời (B) nghe vậy bèn lý lẽ rằng: Đàn bà bị đàn áp, bị bạo hành, bị đau đớn. Đàn bà phải vùng lên, phải sánh ngang vai với đàn ông. Đàn bà phải đòi lại công bằng. Như vậy mới có hạnh phúc.

Bạn có thấy B đang ngụy biện kiểu người rơm ở chỗ nào không? Người A có bảo là làm tròn bổn phận âm dương thì phụ nữ bị đàn áp đâu? Thực tế là khi làm đúng bổn phận thì không ai có lý gì có thể gây sự với cô ta được, thậm chí nếu người ta có lý do gây sự thì cô ta cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Vì nếu cô ta không ngoi lên lanh chanh thì làm sao sinh ra sự xung khắc được? Với cả có ai bảo rằng khi thực hiện vai trò nữ tính thì đàn bà không không được trân trọng ngang ngửa với với đàn ông đâu? Chưa kể, người đàn ông chân chính thì chẳng bao giờ đi đàn áp người phụ nữ chân chính, chỉ có đàn ông rởm mới đi sinh sự với người đàn bà, và chỉ có người đàn bà rởm mới không đỡ được thử thách này. Mệnh đề của B đã vơ đũa cả nắm, đánh đồng những người kém chất lượng mặc định là tất cả đàn ông. Đây cũng là một lỗi ngụy biện nữa.

Tôi thấy rất nhiều người ngày nay rơi vào sự ngụy biện người rơm khi hùa vào phong trào bình đẳng giới, phong trào đưa người nữ “lên ngôi.” Tư duy tập thể này đẩy người phụ nữ vào vở kịch tranh chấp chức năng vị trí của người đàn ông để thấy mình có chút giá trị sau khi đã ruồng bỏ thiêng tính và sức mạnh Trời ban. Ở phong trào nữ quyền, từ “bình đẳng” là một từ đậm chất ảo giác và vô cùng phi lý mà không mấy ai nhận ra. Nói rằng đàn ông làm gì phụ nữ cũng phải được làm và làm được cũng chẳng khác gì bảo cái lạnh làm gì thì cái nóng cũng phải làm được y chang. Cái lạnh làm đóng băng mặt hồ thì cái nóng cũng có quyền được làm như vậy. Đúng, bạn có quyền. Nhưng vấn đề là câu chuyện chưa kết thúc ngay ở chuyện cái quyền. Vì để thực hiện được quyền ấy, bạn không thể tránh khỏi việc bản chất của chính mình sẽ bị biến đổi, bằng cách trở thành một cái lạnh. Hay nói cách khác, đàn bà đòi quyền bình đẳng với đàn ông, đòi làm những chuyện tương đương như đàn ông đang làm, chuyện đó cũng không ai ngăn được. Đàn bà hoàn toàn có thể làm được. Nhưng vấn đề là các bạn chẳng thoát nổi quy luật bù trừ của Tự nhiên là phải đánh đổi bản chất nữ tính của chính mình để làm được điều đó. Bạn thực hiện được cái quyền nữ ấy, thoạt nghe thì có vẻ hoành tráng đáng tán dương, nhưng trớ trêu thay lúc đó, bạn đã đánh mất bản chất của mình rồi, còn bạn có hoàn toàn trở thành đàn ông hay không thì chưa chắc. Có thể, bạn cũng chỉ dở dở ương ương chẳng ra nam cũng chẳng ra nữ, vì cơ thể người nữ của bạn vẫn ở đó. Chuyện này cũng giống như nàng tiên cá cầu xin có được đôi chân. Vậy thì nàng buộc phải chịu mất giọng hát thiên thần. Mất giọng hát ấy rồi thì đâu còn là tiên cá nữa? Nữ quyền xong xuôi mà vẫn nghĩ mình còn nữ tính thì chẳng khác nào chuyện đi về quá khứ giết ông nội mà mong rằng khi quay lại hiện tại mình vẫn còn sống. Bên cạnh ngụy biện người rơm, phong trào nữ quyền lại rơi thêm vào nghịch lý ông nội (grandfather paradox), cố gắng phủ nhận sự tồn tại của chính mình nhưng không thể.

Vậy nên, không có chuyện sau khi thành công với cuộc đấu tranh bình đẳng giới thì phụ nữ vẫn còn là phụ nữ. Thế giới lúc đó đã bị bóp méo và trở nên rối ren luẩn quẩn như ảo tưởng bình đẳng rồi. “Chúng tôi có được hạnh phúc gia đình” ư? Lại một trò ảo giác tiếp nối. Cùng dấu thì chỉ có đẩy nhau ra xa, hoặc là xung đột, cạnh tranh, bè phái, hơn thua, tính toán, đố kỵ, chia rẽ. Đây toàn là những ngưỡng năng lượng thấp trong thang đo nhận thức của con người. Nếu không muốn điều này xảy ra thì buộc người đàn ông phải bù đắp vào vai còn lại của vở tuồng, đó là thế vào chỗ trống của đàn bà, trở thành đàn bà. Thực chất, đàn ông cũng phải trở thành một thứ dở dở ương ương và méo mó tương tự như đối tác của họ. Họ không còn sức hút những người phụ nữ chân chính nữa, cũng như đàn bà cương cường không còn sức hút với người đàn ông chân chính nữa.

Nếu có một mệnh đề hợp logic thì tôi cho rằng đàn bà chỉ bình đẳng với đàn ông trong việc được làm tròn thiên chức của chính mình. Có nghĩa là đàn bà có quyền được trở thành một người đàn bà chân chính tương đương như đàn ông có quyền được trở thành một người đàn ông chân chính. Đây là sự bình đẳng mà Tạo hóa và Cha ông đã nói ngay từ ban đầu khi hướng phụ nữ và đàn ông tập trung làm tròn thiên chức của mình. Ông cha đã cổ vũ quyền tuyệt vời ấy ngay từ ban đầu mà người đời lại nghĩ mình khôn hơn, và tự tô vẽ ra một thứ bình đẳng ở phương diện lệch lạc và hùa những người xung quanh lạc lối theo, như mù dắt mù xuống hố.

Khi sống đúng với thiên tính, cả nam và nữ đều có Sức mạnh (với chữ S viết hoa). Vì nam tính và nữ tính là 2 mặt biểu lộ của Cội Nguồn Thiêng Liêng. Sự hợp nhất giữa đôi bên là chuyện hiển nhiên, và hạnh phúc cũng là hiển nhiên như quà tặng từ khi mới chào đời. Nên chuyện đòi hạnh phúc, đòi bình đẳng với phong trào nữ quyền không khác gì một vở kịch, vừa thừa thãi, vừa tốn năng lượng, vừa tai hại đến nhiều thế hệ.

Cá nhân tôi đã từng sống cương cường và đã toàn gặp phải những người đàn ông yếu ớt, hèn nhát, kém bản lĩnh, chỉ ưa dựa dẫm vào người khác. Các bạn có thể nghĩ rằng: “ôi dào, người phụ nữ mạnh mẽ thì chọn ai yêu mà chẳng được. Ngoài kia đàn ông nam tính vẫn còn đầy.” Tôi cho rằng đây là quan điểm quá ngây thơ. Trong gầm trời này, tất cả đều do Tạo Hóa se duyên, sắp đặt các cấu trúc và tần số tương đồng về cùng một thực tại, như nồi nào úp vung nấy, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Khi bạn thoái hóa, bạn cũng chỉ gặp những người cũng đang thoái hóa ở ngưỡng tương đương. Khi bạn sống tròn bổn phận, hoặc ít nhất là cố gắng sống theo Đạo lý, bạn cũng sẽ gặp được người phối ngẫu có cùng hệ giá trị với bạn. Bạn không có những thứ bạn muốn, bạn có những thứ bạn xứng.

Không chỉ chứng kiến câu chuyện ở ngay bản thân mình, tôi còn quan sát thấy rất nhiều các gia đình, cặp đôi trục trặc, đảo lộn, tan vỡ vì không biết nghe và thực hành Đạo lý. Người phụ nữ thì lấn lướt chồng, còn người chồng không biết dạy vợ, cứ để yên cho cô ta làm vậy và tưởng đó là thái bình. Thực tại người rơm sẽ diễn ra khi người chồng bắt đầu thể hiện vai trò của mình và cô vợ sẽ giãy lên và bảo rằng mình không được tôn trọng. Trong khi, cô ta không hề biết rằng việc đặt cô ta vào đúng vị trí bổn phận của mình là sự tôn trọng nhất mà một người đàn ông chân chính có thể dành cho cô.

Nên nói tóm lại, chân lý thì không cần chứng minh và không cần ai công nhận vì nó tự chứng minh bằng thành công, hạnh phúc mà nó biểu hiện trong mỗi con người, trong mỗi gia đình. Không ai bắt bạn phải nghe Đạo lý âm dương hay Tam tòng tứ đức cả vì cuộc đời là của bạn, bạn sống sao thì bạn tự chịu trách nhiệm cho nó. Mọi thông tin luôn được phơi bày, còn sự lựa chọn thế nào lại là việc của bạn.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Kate Hliznitsova on Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI