29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo của người Nhật có thể đang cản trở khả năng duy trì bền vững

exclusive

(880 chữ, 3.5 phút đọc)

Tôi vừa thấy một thứ tuyệt vời trên TV ở Tokyo.  Siêu thị Ito-Yokado, được mệnh danh là  Walmart  của Nhật Bản, đang bán các sản phẩm bị tổn hại nhẹ  với mức giá chiết khấu khủng ở tất cả các cửa hàng của họ.

https:_s3-ap-northeast-1.amazonaws.com_psh-ex-ftnikkei-3937bb4_images_8_3_1_0_7250138-1-eng-GB_0917N-Ito-Yokado
Photo: asia.nikkei.com

Phóng viên cắn vào một quả táo hơi bị nứt  và khẳng định rằng thực ra nó vẫn rất ngon. Đồng nghiệp của cô ấy cũng đã ngạc nhiên hết sức.

Suốt ba mươi năm ở đây, tôi chỉ thấy họ bán các loại trái cây hoàn hảo, tất cả đều được đóng gói gọn gàng. Và khi bạn mua trái cây đóng gói, họ sẽ gói thêm một lượt nữa, và cuối cùng đựng chúng trong một chiếc túi. Người Nhật chú trọng về sự hoàn hảo tới mức điên rồ.

Vậy còn các loại sản phẩm xấu mã hoặc hơi bầm dập thì sao? Một số sẽ được dùng làm nước ép trái cây và thực phẩm chế biến sẵn. Phần còn lại bị vứt bỏ – và bị vứt bỏ rải rác suốt quá trình vận chuyển. Từ người nông dân, hợp tác xã, nhà phân phối, cho đến nhà bán sỉ và bán lẻ đều vứt bỏ các loại hàng hóa bị tổn hại. Nếu không kể đến chuyện người ta  sử dụng kỹ thuật rất tỉ mỉ để bảo vệ các loại hàng hóa quý giá của họ, thì mỗi sản phẩm có thể đến được với thị trường đều thật là một sự kì công.

Với ngành công nghiệp xây dựng cũng vậy. Khách hàng sẽ làm tình làm tội các nhà thầu xây dựng vì những lỗi nhỏ nhặt. Nếu thấy không vừa ý với hoa văn tự nhiên trên một tấm ốp đá, họ sẽ yêu cầu thay thế nó. Những tấm ván gỗ phải được sắp xếp hoàn hảo với nhau. Những tấm chiếu tatami, vốn có thể dùng được trong 10 năm, thường bị vứt bỏ sau chỉ một hoặc hai năm, khi bị ánh sáng mặt trời làm bạc màu lớp cói tự nhiên. Tất cả những thứ này tích tụ lại thành vô khối rác thải không dễ dàng tái chế mà phải đưa vào lò đốt rác.

Một hiện tượng khó có thể tưởng tượng khác là sự gia tăng sử dụng chất khử mùi dạng xịt, chẳng hạn như  các sản phẩm Febreze (một thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ chuyên bán các sản phẩm khử mùi, hương thơm). Thanh thiếu niên mua quần áo ở Uniqlo, và xịt chất khử mùi sau mỗi lần mặc chứ không giặt, vì như thế sẽ khiến quần áo trông bớt mới đi. Sau hai hoặc ba lượt như vậy, những bộ quần áo vốn có giá rẻ bèo ấy sẽ bị vứt bỏ. Hiện tượng đũa-dùng-một-lần này  được áp dụng đối với mọi thứ – ngay cả với những chiếc xe hơi!

Uniqlo_640_auto

Cho đến trước cuộc suy thoái gần đây nhất, tại Nhật Bản hầu như không có thị trường xe cũ. Những chiếc xe cũ đơn giản là đã rớt khỏi những lý tưởng về sự hoàn hảo của họ, vì vậy chúng được vận chuyển ra nước ngoài. Phần lớn những  chiếc xe hơi nội địa của Nhật Bản được chuyển đến Trung Quốc, Indonesia, hoặc châu Phi sau một vài năm sử dụng.

Thế nhưng những cuộc suy thoái vẫn luôn có cách để khiến người tiêu dùng trở thành những người ủng hộ bảo vệ môi trường, ngay cả khi đó là những người tiêu dùng kĩ tính ở Nhật Bản. Hiện nay, các cửa hàng xe hơi, trang thiết bị và quần áo đã qua sử dụng  đã xuất hiện trên khắp Nhật Bản. Và nếu bạn là một người Nhật và niềm say mê với những chiếc xe hơi cổ điển hay vintage, sẽ có những đội quân thợ cơ khí để giữ cho chiếc xe trong tình trạng như khi vừa xuất xưởng. Còn những chiếc xe bẩn thì hãy quên đi. Tôi chưa từng thấy một chiếc xe bẩn nào trong suốt bao năm nay.

Còn BYOB (Bring your own bag. Tự mang theo giỏ đi chợ) thì sao? Khái niệm này  gần như chưa được biết đến ở đây, ngoại trừ một vài cửa hàng tạp hóa hữu cơ đã có nhận thức cao hơn về bảo vệ môi trường. Thực tế là hầu hết thực phẩm được mua tại các cửa hàng tiện lợi, nơi khách hàng  tốn tiền vì bao bì chứ không phải thứ được đựng bên trong: một mặt hàng không có gì đặc biệt. Chính bao bì mới là thứ có  giá trị, nhưng cũng chỉ cho đến khi nó bị vứt bỏ –  gần như ngay lập tức.

Nhật Bản đang đạt được những bước tiến dài trong phát triển bền vững với những chiếc xe điện, những chương trình năng lượng tiên tiến và sự tuân thủ các mục tiêu của nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol). Nhưng nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo của họ đang cản trở những tiến triển trong hiểu biết cốt lõi nhất, rằng sự hoàn hảo  – xét rốt ráo – thì không thể duy trì.

 

Tác giả: Rick Seireeni

Biên dịch: Hàn Tâm
Hiệu đính: Dương Tùng, Huy Nguyen

Featured image: KuruKuruGorilla

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI