Để trả lời câu hỏi này trước tiên chúng ta hãy xem xét sơ qua những kiến thức cơ bản về niết bàn để giúp những người chưa từng tiếp xúc có thể dễ dàng nắm bắt hơn.
Niết bàn―phiên âm theo tiếng Anh là Nirvana, tiếng Pali: nibbāna (निब्बान), tiếng Phạn, nirvāṇa (निर्वाण) (trong Phạn ngữ thì chữ ‘b’ và ‘v’ hay được phát âm lẫn lộn nhau, giống như trong tiếng Việt người Bắc phát âm chữ ‘l’ và ‘n’ lẫn lộn)―có thể được xem là mục tiêu cuối cùng của Phật giáo. Thuật ngữ niết bàn mô tả một trạng thái giải thoát, tự do, không còn khổ đau và luân hồi (luân hồi là một vòng lặp vô tận của sự sinh ra và chết đi), không còn khổ đau có nghĩa là tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, chẳng hạn như tất cả những thứ khiến bạn đang đau khổ thì đối với một người đã đạt được niết bàn họ sẽ thấy bình thường như không có gì xảy ra, họ có thể châm lửa tự thiêu sống chính mình nhưng vẫn ngồi im bình chân như vại như Thích Quảng Đức.
Theo những gì tôi đã nghiên cứu và học được, chữ niết bàn hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là dập tắt, đã được dập tắt, extinguished. Dập tắt ngọn đèn dầu được pha trộn từ 3 thành phần mà trước giờ người Việt vẫn gọi là tham, sân, si (ngôn ngữ hiện đại gọi là: tham lam, giận dữ, vô minh). Tham lam và giận dữ thì ai cũng đã biết. Ham muốn đạt được niết bàn cũng là một trở ngại dẫn tới niết bàn. Vô minh (Avidyā) trong Phật giáo có nghĩa là sự thiếu hiểu biết về bản chất thật sự của thực tại, cụ thể là triết lý về sự vô thường và vô ngã. Vô minh được cho là nguồn gốc của đau khổ (dukkha), là mấu chốt đầu tiên của quá trình luân hồi bất tận.
Niết bàn cũng có thể được hiểu qua ví dụ lucid dreaming: khi một người có thể ý thức được họ đang mơ, biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, không phải là sự thật, thực tại, mà chỉ là ảo ảnh, ảo giác. Giả sử như một người lucid dream đang giao hợp kết cấu với một người đẹp bốc lửa nóng chảy, đang bị một con chó rượt đuổi, trúng số độc đắc, bị người khác hãm hại, mơ mình là một người giàu sang phú quý thành đạt, là một người nghèo đói khố rách áo ôm, là một tù nhân, một tên tội đồ, một vị thánh nhân v.v.. Người đã biết được niết bàn cũng thấy thế giới này suy cho cùng cũng chẳng khác gì một giấc mơ. Mọi thứ chỉ là những sự phóng chiếu, như trong rạp phim người ta phóng chiếu một thước phim lên một bức màn trắng trống rỗng và bạn ngồi dưới nhâm nhi bắp rang với ly Coca-Cola thưởng thức. Họ hiểu biết tất cả chỉ là một ảo giác và không bị vướng mắc hay cuốn trôi vào thế giới ảo tưởng đó nữa.
Có một bài hát thiếu nhi trong tiếng Anh nhiều người biết có lời rằng,
“Row, row, row your boat
Gently down the stream
Merrily, merrily, merrily, merrily
Life is but a dream.” (Đời không là gì khác ngoài một giấc mơ.)
Nhắc tới cho vui thôi, không phải với mục đích chứng minh gì.
Niết bàn không phải là một địa điểm nơi một người có thể đi tới. Niết bàn không bị chi phối bởi vô thường (anicca), không thể đảo ngược, “undo”, không thể mất đi. Nhiều người nghĩ quy luật vô thường áp dụng cho tất cả mọi thứ, không có ngoại lệ, nhưng nhận định này chưa hoàn toàn chính xác, toàn diện. Vô thường chỉ áp dụng cho mọi thứ ở thế giới hiện tượng, được cấu tạo, được hình thành (sankhara), có điều kiện, conditioned. Niết bàn là vô điều kiện, unconditioned.
“There is, monks, an unborn, unbecome, unmade, unconditioned. If, monks there were not that unborn, unbecome, unmade, unconditioned, you could not know an escape here from the born, become, made, and conditioned. But because there is an unborn, unbecome, unmade, unconditioned, therefore you do know an escape from the born, become, made, and conditioned.” ― Phật Thích Ca, Udāna 8.3
(Bản Việt dịch) “Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.” (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)
Ví dụ như những trẻ em phương Tây khi còn nhỏ được nghe kể và tin rằng có một ông già Noel bụng to mặc áo đỏ râu tóc bạc phơ cưỡi tuần lộc bay trên trời vào đêm Giáng Sinh để phát quà cho các em nhỏ, sau này lớn lên biết được sự thật là không có một ông già nào như vậy. Hiểu biết ấy sẽ không bao giờ mất đi, một khi đã nhận biết chứng ngộ được sự thật, đã loại trừ được vô minh, thì sự thật đó sẽ không mất đi, một người sẽ không quay trở lại với thế giới ảo tưởng mê lầm nữa.
Có một sự khác biệt trong cách hiểu giữa hai trường phái Đại Thừa và Thượng tọa bộ (Theravada) (nhiều người vẫn gọi là Tiểu thừa). Theo Thượng Tọa bộ, niết bàn có tự tính (svabhava), vô điều kiện, là một thế giới nằm ngoài thế giới có điều kiện. Nhưng theo Đại Thừa, đặc biệt là Trung quán tông, bản chất của niết bàn là tính không và không có tự tính, như mọi thứ khác. Nói cách khác, theo Đại thừa, niết bàn là vĩnh cửu bởi vì nó không tồn tại, Chögyam Trungpa nói rằng nó “hoàn toàn không thể bị phá hủy bởi vì nó không tồn tại.” “Không tồn tại” ở đây được hiểu theo cách hiểu tính không. Theo Đại thừa, niết bàn cũng chính là luân hồi, nirvana is samsara, bởi bản chất của cả hai đều là tính không. Niết bàn nằm trong thế giới luân hồi, bạn không thể từ bỏ thế giới luân hồi để tìm kiếm niết bàn. Ngoài ra nó còn liên quan và có thể giải thích bằng chân lý bất nhị (nhất nguyên), oneness, non-duality. Ấn giáo đề cập đến chân lý này sâu rộng hơn Phật giáo. Để thấu hiểu rõ hơn về vấn đề này thì cần một bài viết chi tiết khác.
Trở lại với câu hỏi của tiêu đề, hãy tiếp tục đào sâu hơn. Loài người chúng ta có một thói quen cố hữu đó là kết nối ngôn ngữ với thực tại, không phải lúc nào hành động này cũng dẫn đến kết quả đúng. Cái gì có một cái tên, chúng ta gắn vào nó một thực tại. Niết bàn cũng là một cái tên, và chúng ta nghĩ rằng nó là một “thứ” gì đó. Niết bàn nói về một hiện tượng khi mọi danh sắc biến mất, được dập tắt.
Ví dụ một trường hợp cụ thể là một căn phòng trống, không có người và đồ vật, lúc đó bạn có thể nói rằng đây là một căn phòng trống rỗng. Có người nói, “sự trống rỗng ở đâu hãy chỉ cho tôi xem.” Câu nói này là vô nghĩa, vô lý. Bởi vì trống rỗng không phải là một thứ đồ vật gì đó, nó chỉ là một tính từ miêu tả sự không có gì. Tương tự như thế, khi bạn hoàn toàn kết nối được với “không gian” trống rỗng―từ nó mọi thứ khác phát sinh, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Bát nhã tâm kinh)―hiểu biết đó là vĩnh cửu, nó không phải là một “thứ” gì đó có thể được cấu tạo ra, đặt điều kiện, hay bị phá huỷ.
Tóm lại niết bàn không bị sự chi phối của vô thường. Tâm thức là một thực thể một khi đã được mở rộng sẽ không bao giờ có thể trở lại với chiều kích ban đầu của nó.
* * *
Tác giả: Prana
Featured image: Mikegi
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Niết bàn là một khái niệm vượt trên ngôn ngữ
Con rùa không thể mô tả cảm giác ở trên cạn cho một con cá
Và những thắc mắc như trên là để thoả mãn trí tò mò của con người. Đức Phật thời xưa dùng mô tả phủ định để mô tả Niết Bàn nhưng chủ yếu vẫn là hướng dẫn đệ tử tu tập để thực chứng.
Thực chứng rồi thì sẽ không còn “ngã” tò mò để hỏi nữa. Cho nên mới có câu “người ngộ rồi thì không nói mà còn nói thì chưa ngộ” 🙂
Ngôn ngữ trong thế giới hình tướng này luôn là giới hạn nhất định.
🙂