“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi. Trái tim không hề vương vấn, như mây bay gió thổi, anh bước theo số phận của mình. Cớ gì phải có lý do, chỉ cần một tiếng hô thôi: “Lên đường đi nào!””
Trên thế giới này, từ miền bắc cực lạnh giá đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ tây phương phóng khoáng đến phương đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim.
Cụm từ “the traveler” – người lữ hành không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước, con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như vẫn còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác. Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn và táo bạo, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con. Chính một ông già như thế trong “Cánh buồm đỏ thắm” đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Axon, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ, đến đón cô đi vào một cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành.
Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất. Và cũng giống như ông lão Ê gơn trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, luôn khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy gian khó hiện tại.
Như những người đứng bên ngoài xã hội loài người, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ xã hội. Jodi Ettenberg, người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel – blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?” “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”. “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?” “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”. Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới. Liz Carlson, một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn rất thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường đi, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Trên trang blog lữ hành adventurouskate.com, tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết trong suốt quãng đời trước đây, rằng thu nhập sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian nan khác. Các lữ khách bị rất nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống vô trách nhiệm, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hàng ngày hỏi làm cách nào để có thể sống được như thế.
Cuộc đời là như thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều những điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi.” Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng cho mình, miễn là không phương hại đến cách sống của người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè biểu gièm pha họ, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác. Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Mình thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, an nhiên.
Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của mình, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé. Dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say. Elizabeth Gillbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, mình cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, mình cũng sẽ đi, và viết.
*Ảnh: Jeff Krause