30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

thđp review

“Việc phạm sai lầm mang đến cả cơ hội phát triển. Nó không có nghĩa là tự rạch tay bạn để chữa một cơn cảm cúm hay bôi nước đái chó lên mặt bạn để giữ vẻ ngoài tươi trẻ.”

Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm – Đầy ấn tượng và dí dỏm

Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Ha, cái gã Mark Twain ấy luôn nói được những câu đầy ấn tượng và dí dỏm xuyên suốt cuốn sách của mình: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm (The subtle art of not giving a fuck.) Còn ông già Mark Manson cũng nói được một câu ấn tượng, nhưng chẳng rõ ở trong cuốn sách nào, đó là: “Lời nói dối đã đi được nửa vòng trái đất trong khi sự thật mới đang xỏ giày.”

⭐ [THĐP Translation™] 23 thông điệp cuộc đời từ đại văn hào Mark Twain

Thật ra thì tôi đã bị lẫn lộn tên hai ngài Mark với nhau ở hai câu phía trên. Nhưng ai thèm quan tâm chứ!

Thôi, vào chủ đề chính nhé. Từ xưa đến nay, tôi vốn dĩ không thích những thể loại sách rao giảng giá trị sống hay hướng dẫn tư duy tích cực vì khi đọc, tôi chỉ toàn tưởng tượng ra một người mặc vest đầy bóng bẩy, cầm micro đứng trên sân khấu và chém gió phần phật về phía khán giả ngồi dưới đang há hốc mồm lắng nghe.

Việc đó chẳng có tính nghệ thuật gì vì mọi thứ được nói trắng trơn ra hết cả. Nhưng nếu bắt buộc phải đọc cuốn sách đó thì tôi sẽ đánh giá xem khả năng nói toạc móng heo của tác giả ở mức độ nào. Ở đây, tôi có thể thấy được cái móng heo của Mark Manson được sơn nhũ khá lấp lánh. Không đùa đâu.

Xuyên suốt cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm là những câu chuyện, lời nhận xét, chiêm nghiệm và kết luận đầy dí dỏm nhưng cũng không kém phần mỉa mai của tác giả. Một cuốn sách về giá trị sống không có nhiều đất để thể hiện sự sáng tạo. Nhưng ở đây Mark đã làm được khi có sự biến hóa linh động và sắc sảo trong câu chữ của mình. Nếu chém gió trước hàng loạt khán giả mà không có sự hài hước thì đám đông cũng quay lưng bỏ về sớm.

“Dù bạn có đi nơi đâu thì vẫn có tận năm trăm tấn phân đang chờ đón bạn. Và điều này thì cũng ổn thôi. Vấn đề là bạn đừng quay lại với năm trăm tấn phân ấy. Vấn đề là tìm ra đống phân bạn cảm thấy chấp nhận được.”

Câu trên chỉ là trích dẫn trong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm thôi, chứ không ám chỉ Mark là đống phân dễ thương gì đâu, dù anh ta mang họ Twain hay Manson đi chăng nữa.

Thành công nhất định của Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Việc chọc cười bằng cách kể chuyện sáng tạo hay gây ấn tượng bằng những câu nói bỗ bã, thô tục để giữ sự chú ý của người đọc giúp cuốn Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm đạt được sự thành công nhất định, nhưng là đối với những người bình thường vốn dĩ đã nghiêm túc.

Tôi mô tả cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm này như một tô phở nhiều gia vị. Người ta ăn những miếng đầu sẽ thấy rất kích thích, nhưng càng về sau sẽ càng cảm thấy nhàm chán vì não muốn sự kích thích nhiều hơn nữa, trong khi tác giả chỉ có thể duy trì đều đặn một mức thú vị mà thôi. Ở đây, hài hước và bất cần là một món quà nhưng cũng có thể là một lời nguyền.

Đó là điều tôi thấy ấn tượng đầu tiên khi đọc Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm. Còn điều ấn tượng thứ hai là gì? Đó chính là nội dung cuốn sách muốn truyền đạt: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm.

Tôi tạm tóm tắt những gì Mark Manson muốn nói, bao gồm:

  1. Đếch quan tâm thật sự là như thế nào? Nó có phải là sự thờ ơ không?
  2. Nếu không phải thờ ơ thì ta cần quan tâm cái gì?
  3. Muốn quan tâm được cái đó thì ta cần làm gì?
  4. Nếu làm được thì cuộc đời ta sẽ lên voi như thế nào? Và không làm được thì sẽ xuống chó ra sao?
  5. Sau một hồi lên voi xuống chó thì thứ có sức mạnh đánh động ta lớn nhất là gì? Nói luôn: Cái chết.

Nội dung sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Để diễn đạt được những nội dung trên, tác giả đã có sự chia nhỏ vấn đề thành các chương. Trong mỗi chương là những luận điểm lớn cần quan tâm. Trong mỗi luận điểm đó là những câu chuyện minh họa, những lời phân tích sắc sảo khi tiếp cận vấn đề.

Phải công nhận rằng những gì Mark nói có sức thuyết phục to lớn vì Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm có những ví dụ rất tường minh, trực quan, không chỉ bằng câu chuyện của chính bản thân anh ta mà còn bằng câu chuyện của những người khác nữa, dù người đó là bạn thân tên Josh hay người bạn-không-thân tên Bud. Ý tôi là Buddha đó mà. Mark kể lại chuyện cuộc đời Đức Phật từ hơn hai nghìn năm trước mà tôi có cảm giác anh ta đang nói về một chàng công tử bột nào đó ở thế kỷ 21.

“Bởi vì một khi bạn trở nên thoải mái với mọi thứ rác rưởi mà cuộc đời ném vào mặt bạn (và nó sẽ ném hàng đống phân ấy, tin tôi đi!) bạn trở nên bất bại ở một dạng điềm tĩnh nào đó. Rốt cuộc, cách quy nhất để vượt qua nỗi đau là trước hết học cách chịu đựng nỗi đau đó.”

Trong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm, tác giả nói rất nhiều về sự thất bại – mặt còn lại của sự thành công. Điểm đáng chú ý ở đây đó là Mark không bảo người ta tư duy tích cực gì cả, không bảo người ta đứng trước gương, cười một cái lộ nguyên cả hàm răng trong khi cõi lòng đang tan nát. Hắn bảo người ta chấp nhận và đón nhận thất bại như một phần hiển nhiên của cuộc sống. Khi con sóng ập tới, ta đừng cố ngoi lên mà hãy ngụp lặn cùng nó.

“When you learn to suffer, you suffer much less.” – Thích Nhất Hạnh

Đây chính là điểm sáng của cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm. Không phải là đếch quan tâm, mà là biết quan tâm đúng chỗ. Và tác giả đã chỉ ra chỗ đó nằm ở đâu. Nội dung này cũng có điểm tương đồng ít nhiều với những thứ được diễn đạt về thiền hàng ngàn năm qua.

Mark đang dạy người ta thiền bằng một cách gián tiếp. Anh ta tiếp cận vấn đề một cách âm tính (tiêu cực), anh ta diễn đạt con đường trung đạo bằng cách nói về tai hại của sự cực đoan và anh ta nói về sự buông bỏ bằng cách chỉ ra sự đau khổ của việc níu giữ những thứ không phải chân giá trị. Thật ra bám víu vào chân hay tay gì thì cũng đau đớn cả.

“Sự trốn tránh việc chịu đựng sự dày vò cũng chính là một sự giày vò. Sự trốn tránh đấu tranh cũng là một cuộc tranh đấu. Sự chối bỏ thất bại cũng là một sự thất bại. Che giấu điều đáng xấu hổ cũng là một dạng hổ thẹn.”

Vậy nên nếu chịu đựng được thì tiếp tục chịu đựng thôi, đừng lải nhải than phiền nữa mấy chế.

Bố cục sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Bố cục của cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm khá ổn, nhưng vì nó là một dạng sách giá trị sống thuần trình bày các quan điểm cá nhân nên ít nhiều có sự chồng chất hay lặp lại nội dung giữa các phần. Nếu không theo dõi kỹ lưỡng thì càng về sau người đọc sẽ càng bị lạc lối vì các câu chuyện càng tích lũy nhiều thêm trong khi đầu mối về sự “đếch quan tâm” lại dần mờ nhạt.

Tác giả tập trung vào nội dung “đếch quan tâm” đó chỉ trong khoảng 40 trang đầu của Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm, còn sau đó là các sự mở rộng khác với các ví dụ lấy từ đủ loại chủ đề sống nào là mối quan hệ, kinh doanh, thiền định, sự nghiệp, chiến tranh, nghệ thuật,… và lại thêm chút nữa về mối quan hệ.

(Tay Mark này có tình trường gian truân phết!) Sự đa dạng ví dụ minh họa có thể giúp cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm liên tục được thay đổi không khí, nhưng nó cũng có thể khiến người đọc dễ bị mất liên kết với sợi chỉ nội dung xuyên suốt vì họ phải tập trung vào các chi tiết của đủ các thể loại bối cảnh và con người.

Chưa dừng lại ở đó, thêm một điều ấn tượng thứ ba nữa mà Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm mang lại, đó là nó có RẤT NHIỀU phát ngôn giá trị. Có thể nói, đọc đến trang nào ta cũng có thể trích ra một câu gì đó thú vị để làm status facebook hoặc để làm quote in áo mặc lên cho hoành tráng. Điều này có cái hay, nhưng cũng có cái dở. Hay ở chỗ là khi đọc, người ta cảm thấy được đắm chìm trong sự sâu sắc, triết lý, tinh tế của tác giả.

Nhưng khi đọc xong Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm, ta chẳng đọng lại được câu quote nào ra hồn vì tất thảy chúng có giá trị tương đương. Ý tôi là cuốn sách bị thiếu đi điểm nhấn, điểm ưu tiên đầu tư. Nếu bạn đếch thèm quan tâm đến điểm nhấn nội dung thì tác phẩm này của Mark Manson có thể coi là một sự thành công.

Nói đến đếch quan tâm, tôi lại nhớ ra ai đó đã từng nói rằng cách “giving a fuck” đẳng cấp nhất chính là “not giving a fuck.” Tức là ta vượt lên trên những thứ độc hại, ngớ ngẩn, kém giá trị bằng cách không dành cho nó sự chú ý nữa.

“Energy flows where attention goes.”

Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm chính là khả năng điều hướng tâm trí, điều hướng năng lượng của sự chú ý vào những đối tượng ta CHỦ ĐỘNG LỰA CHỌN. Đây chính là mấu chốt của việc xây dựng một thực tại bất kỳ theo ý muốn bằng cách điều tiết dòng chảy ý thức/chú ý cho thực tại đó.

“Knowledge isn’t free. You have to pay attention.” – John Lennon

Giá trị của sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Còn rất nhiều những giá trị khác Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm đề cập đến, tôi chỉ xin được tóm tắt lại đôi dòng, vì nếu nói sâu hơn về nó thì bài review này sẽ có tên Nghệ thuật đếch tinh tế gì của việc quá quan tâm. Thôi, đại khái là tác phẩm còn có những nội dung đáng chú ý sau, nếu các bạn muốn tìm hiểu rõ hơn thì tự mua sách về mà đọc:

  1. Sự hạnh phúc dựa trên nền tảng sự hài lòng, khả năng chấp nhận hoàn cảnh.
  2. Càng tập trung vào giá những trị cốt lõi của bản thân, càng vững chãi trước mọi sóng gió cuộc đời.
  3. Muốn hạnh phúc một lượng bằng nào thì phải dám chịu đau một lượng bằng đó. Đừng ngồi mãi mơ tưởng về sự thành công.
  4. Con đường hiển lộ thông qua hành động giải quyết vấn đề, không phải qua mấy lời lảm nhảm hão huyền.
  5. Không quan trọng hoàn cảnh, quan trọng là thái độ trước hoàn cảnh.
  6. Quyền năng càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Đấy, nhắc đến “Quyền năng càng cao trách nhiệm càng lớn”, tôi lại nhớ ra là bản dịch cuốn sách này viết “Quyền năng lớn đồng nghĩa với trách nhiệm lớn lao.” Trong khi câu tiếng Anh gốc là “With great power comes great responsibility.” Tôi thấy Thu Hương dịch không chặt, không đối xứng. Nhầm, là Thanh Hương nhé. Sao hôm nay cứ lẫn lộn tên của mọi người thế nhỉ!

Điều này có ý nghĩa gì? Nó có ý nghĩa là chúng ta đang đọc một bản dịch chứ không phải bản gốc của cuốn sách. Tôi đang review bóng trăng dưới nước chứ không phải mặt trăng. Chưa kể, việc không hài lòng với một câu dịch như trên khiến tôi dấy lên sự nghi ngờ về việc dịch toàn bộ cuốn sách.

Liệu những thứ tôi đang đọc sát được bao nhiêu phần trăm so với bản gốc? Lần đầu tiên đọc một cuốn sách dịch tôi cảm thấy khao khát được đọc bản gốc của nó đến vậy. Ôi, anh Mark Twai… nhầm, anh Mark Manson và những cái “đếch” anh đang nói đến xa vời hơn mình tưởng.

“Chìa khóa để có cuộc sống tốt đẹp hơn là đếch cần quan tâm đến mọi thứ, bớt để ý đi, hãy quan tâm đến những gì là thật, cấp bách và thực sự quan trọng mà thôi!” Mark quay sang ôn tồn với tôi.

“Vâng, cảm ơn anh. Em sẽ đếch quan tâm đến anh nữa.” Tôi khẽ mỉm cười.

“Mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực, chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.” Mark tiếp tục lải nhải.

Và tôi lờ anh Mark nhiều chuyện đi để nói tiếp với các bạn về những thứ liên quan đến hình thức của cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm:

  1. Tôi không đánh giá cao bìa sách: Rườm rà, quá nhiều chi tiết, gây phân tán; trong khi nội dung là “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm.” Tôi thấy có gì đó mâu thuẫn, sai sai. Đấy là còn chưa kể những ô thoại in trên bìa trước và bìa sau dành cho phần review khá loằng ngoằng, hoa mĩ. Nói điều này hơi cá nhân một chút, nhưng quả thực, tôi đã liên tưởng đến cái đuôi ngoe nguẩy của mấy con tinh trùng trên đường bơi đến trứng.
  2. Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm được chuyển dịch với vốn từ phù hợp với văn hóa Việt Nam, cập nhật những từ lóng, từ thịnh hành trong giới trẻ. Tôi đánh giá cao điểm này vì nó tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, thoải mái với tác giả và với tác phẩm. Ví dụ: “Đậu xanh rau má”, “cơ mà”, “tui”, “mấy chế”, “xơi” (chịch), “hại não”, “ngỏm củ tỏi”, “túm cái váy”, “ga tô”, “tuyệt vời ông mặt trời”, “thanh niên cứng”, “thẩm du”, v.v…
  3. Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm mắc nhiều lỗi biên tập làm ảnh hưởng đến quá trình đọc: Lỗi font ở trang 214, 222; đặc biệt là lỗi sau dấu hai chấm không viết hoa, dàn trải ở vô số trang mà tôi liệt kê đến phát chán nên cuối cùng phải nhắm mắt cho qua. Nếu ai muốn tìm hiểu ở trang nào thì tôi có thể gợi ý một vài con số 14, 20 ,25 ,33, 37, 39, 43, 54, 65, 79, 89, 91, 95, 97, 98, 99,… Tôi có cảm giác như mình là học sinh lớp Một đang tập đếm những số dưới 100 vậy.
  4. Còn một điều nữa khiến tôi cảm thấy không hài lòng với bản dịch này đó là họ viết quá nhiều từ “mà” và từ “cái” trong khi câu văn không thật sự cần những từ đó: “Khi mà tôi nhìn lại…”, “Những người mà tôi đã bỏ đi…”, “Những điều mà cô ta làm…”, “Những dấu hiệu mà tôi…”, v.v… Ma mả mà ma lấy con bà mà đặt tên là má. Má ơi!

Thôi, nói gì thì nói, tôi vẫn cho rằng đây là một cuốn sách ấn tượng và có giá trị, đáng để chúng ta học hỏi và chiêm nghiệm lâu dài. Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm tạo ra động lực to lớn để người ta giảm bớt thói quen quan tâm đến những thứ nhảm c*t xung quanh về thế giới hay về bản thân để vươn tới những điều thật sự quý giá. Sau khi đọc xong Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm này, tôi có cảm giác mình đã mọc thêm vài ngón tay giữa. Cảm ơn anh Mark đẹp trai!

8/10 là điểm tôi dành cho Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI