27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nếu bạn vào đại học để học đại

Hôm nay tôi lại nói về một trong những chủ đề nhạy cảm nhất của xã hội Việt Nam thời hiện đại. Thiết nghĩ, sống trong đời cần có những ước mơ. Vậy nên, chúng ta đã lỡ sinh ra trong đời này cần tìm cho mình một ý nghĩa cho sự tồn tại. Đó là việc được học và làm những gì mình khao khát bên cạnh niềm yêu thương chan hòa với mọi người xung quanh. Cuộc sống đơn giản chỉ là một cuộc dạo chơi. Lẽ tất nhiên, đã chơi thì phải vui và thích thú!

Có lẽ chúng ta đã quá quen với câu nói: “Học đi con, chỉ có học mới đổi đời được.” Tôi còn nhớ khá rõ thời khắc chuẩn bị khăn gói quần áo lên thành phố học đại học. Bà cụ chung xóm vốn rất quý tôi cứ nắm lấy nắm để bàn tay dặn dò: “Cố gắng mà học nha con, tội nghiệp thằng cha mày.” Đó là cụ ở xóm dưới, còn cụ gần nhà tôi cũng qua nhắn nhủ: “Học giỏi nha mi, ừ, tội nghiệp, anh em nhà mi chịu học vậy là tốt rồi.” Tôi nhớ lắm chứ, vì lúc đó tôi cảm động lắm. Tâm hồn tôi lúc đó lồng lộng như ngàn cơn gió thổi vào vậy. Tôi muốn giương cánh buồm đi thật xa, học thật giỏi  để làm nở mày nở mặt mọi người, để giúp cho những người xung quanh có được cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhớ lắm!

Nhưng nói đi thì phải nói lại, ở đâu đó có tích cực thì luôn tồn tại những điều tiêu cực kề bên. Tôi biết, trong trường đại học của mình có nhiều người rất cố gắng học tập. Có người học đúng cách, có người học sai cách, dù gì chung quy cũng là chăm học đáng khen. Nhưng có lẽ đó lại là một câu chuyện khác về việc học như thế nào. Hôm nay, tôi chỉ muốn nói đến việc: “Học đi con, học để lấy tấm bằng đi xin việc, học đại đi, có tấm bằng dễ kiếm cơm hơn. Hôm nay tôi có hứng hơn với chuyện này.

Nền giáo dục nước nhà tồn tại đầy bất cập. Tuy nhiên, tôi sẽ không xúi ai đó nghỉ học đại học nếu họ “không dám”. Tôi chỉ không thích những luận điệu về trách nhiệm, về những gì “phải làm” mà người ta đổ lên vai những đứa đi học đại học trong nỗi chán chường. Luận điệu từ cha mẹ, từ họ hàng, từ người xung quanh. Bởi vì đất nước chúng ta có một tư tưởng quá khép kín, cứ như một căn nhà bị cô lập trong rừng và suốt ngày đóng cửa vậy. Tất cả những điều mà họ làm chỉ là quanh quẩn với những gì trong đầu họ. Không có ánh sáng để đọc thêm sách, không được ra ngoài để mở mang. Và bất cứ ai toan mở cửa lao ra khỏi căn nhà để đến một thế giới tươi mới đầy màu sắc hơn là sẽ chắn chắn bị ngăn cản, bị siết chặt bàn tay, một màu đen, cứ thế mãi dù cho ngày đã đến.

Tư tưởng tiến bộ không thiếu ở Việt Nam, nhưng chúng ta thích chọn cách cũ, thích đứng trên tảng băng an toàn hơn. Mọi thứ chỉ là bề mặt và chúng ta thích bề mặt. Cho đến khi hiểu ra những tư tưởng mới, có lẽ đó là lúc mà ta đã chìm sâu trong dòng nước giá lạnh sau những mãnh vụn của tảng băng đã có những vết nứt từ lâu.

Học đại đi để lấy tấm bằng nuôi thân / Học không thừa / Học có mất mát gì đâu mà mày không học…

PHÒNG THỦ! Chúng ta luôn phòng thủ. Chúng ta luôn chọn đường đi an toàn. Và mọi cố gắng thử những điều mới của chúng ta, nói cho cùng cũng chỉ là “thử”. Vì mọi thứ xung quanh an toàn, vì tao có bằng đại học, nếu tao thất bại, tao lấy nó đi làm công còn kịp. Chúng ta luôn cho mình con đường để lui về sống an nhàn, vậy thì chúng ta sẽ an nhàn. Chúng ta là thế, đất nước chúng ta là thế. Đã lâu lắm rồi, cái thời mà nghị lực và học thức của người Việt Nam cũng làm Mỹ và các nước phương Tây phải thán phục. Thời của Nguyễn Hiến Lê có lẽ là sau cùng của nền học thức Việt Nam.

Tôi không thích các lý luận này. Tôi muốn đá các quan điểm cổ hủ biến mất khỏi Việt Nam. Nên tôi sẽ cho bạn biết, nếu bạn vào đại học để học đại bạn sẽ học được nhiều ơi là nhiều những điều gì nhé.

1. Học đại bạn sẽ học được cách đối phó

Bạn sẽ đối phó đủ các kiểu với vòng xoáy của tiểu luận, thuyết trình, thi cử. Tiểu luận lên mạng cóp (có khi cóp còn chưa ra hồn và đủ đòi hỏi tối thiểu của giáo viên). Thậm chí ra nhà in có sẵn, in luôn. Thuyết trình thì làm qua loa cho đủ điểm đậu. Thi cử thì học thuộc là tốt lắm rồi, đa phần vẫn còn quay cóp, mua đề ngoài tiệm photo về học tủ. Được nghỉ tối đa bao nhiêu buổi thì tận dụng nghỉ cho bằng hết. Dần dần, chúng ta được đào tạo ĐỂ trở thành người thiếu trách nhiệm hồi nào chẳng hay. Chúng ta thậm chí còn thua những chiếc máy photocopy, thua những con robot. Kiến thức chúng ta so với bách khoa toàn thư trong máy tính chả là gì cả. Khả năng sao nguyên bản chính cũng quá chậm so với máy photo. Chúng ta thua máy móc về mọi mặt.

2. Học đại bạn sẽ học được sự ảo tưởng

Phần lớn mấy đứa đi học hay mơ hơn mấy đứa làm đổ mồ hôi. Đơn giản là vì không cảm nhận được độ khắt khe và khó khăn của cuộc đời. Có trải nghiệm gì đâu mà biết. Có tiền được cung cấp hàng tháng chả phải lo nghĩ gì nhiều. Suốt ngày họ sống trong mộng mị, trong vui chơi, đợi đến lúc ra trường trở thành một kẻ không có ích lợi cho xã hội thì mọi chuyện đã rồi. Gạo đã nấu thành cơm.

3. Học đại bạn sẽ học được cách nói không với ước mơ

Sau những buổi học chán chường chỉ là những giờ ngủ vùi hay vui chơi để tự thưởng cho một sự cố gắng ngán ngẩm mỗi ngày. Đó là cách mà cả thế hệ trẻ Việt Nam giết thời gian và tự làm tuột đi cảm xúc của mình với cuộc đời lao vào những cuộc vui ngắn hạn. Tôi thiết nghĩ trong ai cũng có những ước mơ và khát vọng. Tôi cũng biết trong ai cũng có ít nhất một tài năng cần được khám phá. Nhưng quá tiếc, chúng ta không có thời gian làm điều đó. Chúng ta giờ bận phải đối phó với bài vở và các con điểm vô nghĩa kia kìa. Làm gì có giáo viên đại học nào dư thời gian đến nỗi ngày nào cũng lên động lực cho sinh viên, giảng cho sinh viên phải theo đuổi ước mơ cho đến cùng. Làm gì có ai dạy cho sinh viên những câu nói như: Ý nghĩa của cuộc sống là làm những gì mình mơ ước, dù cuộc sống có khó khăn cũng không được từ bỏ.

Chẳng ai nói điều đó, chẳng có ai hết! Họ thích dạy chúng ta cách kiếm cơm trong sự nhàm chán và ích kỷ hơn. Kiểu như: Trả tiền đây thì tôi làm, không thì khỏi! Người Việt trẻ đã ít đọc sách, nay lại được dạy cách sống ngắn hạn: Học cái này, học cái kia, lấy bằng, kiếm cơm, nuôi thân, lập gia đình, già, chết, thì rõ ràng là vòng xoáy của ngu muội ngày càng lớn thêm.

Chẳng có vĩ nhân nào sống trong cảnh “mọi thứ đều an toàn” cả. Họ luôn phải đi làm công nhân, làm nông dân, làm lụng cực nhọc để nuôi lớn ước mơ. Họ không đòi tiền hay nghĩ đến chuyện lời – lỗ khi họ chưa làm gì được cho xã hội. Họ chấp nhận một cuộc sống cơ cực trong một khoản thời gian để đầu tư cho ước mơ. Họ dám làm, còn chúng ta thì lười biếng, sợ cực và nhát cáy. Sợ cực, sợ lỗ! Tất cả cách sống của chúng ta chỉ có vậy.

4. Học đại bạn sẽ học được cách thiếu tự tin

Tôi phải dùng từ “học được” thì các bạn cũng nên nghĩ về nó một chút nhỉ? Thiếu tự tin là một căn bệnh ăn sâu vào máu. Nó không phải là bản chất sinh ra có sẵn của con người. Để tôi cho bạn thấy nó xuất hiện ở đâu nhé:

Thiếu tự tin trong việc học. Có mấy người hiểu rằng tự học là phương pháp tạo nên những thiên tài và cả thế giới đang chuyển sang xu hướng này? Ở Mỹ, 3.8% trẻ em tự học ở nhà. Tại Canada, nó chiếm 1%1 (Đây là phương pháp giáo dục thiên tài, nó không dành cho chúng ta – những người nhát cáy).

Xin hiểu rõ giữa chữ “tự học” và “không được đi học” nhé bạn tôi. Chúng ta thì khác họ: chúng ta “nghĩ rằng” người khác có thể dạy cho chúng ta những gì chúng ta cần, hơn là chúng ta tự đi tìm tòi những gì chúng ta biết mình cần. Chúng ta thích làm theo, học theo, bắt chước, thấy người ta làm được rồi mới làm. Chúng ta thích vậy hơn là sáng tạo, vì nó “khỏe”! Nói ngắn gọn, thẳng thắn là: Chúng ta cóc tin! Cóc tin vào bản thân mình! Chúng ta nghĩ cái bằng đại học giúp chúng ta kiếm được cơm ăn hơn là kiến thức, một cách suy nghĩ quá nông cạn.

Xin đừng nói với tôi cụm từ “ở đây là Việt Nam.” Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, đây chẳng phải là vấn đề Việt Nam hay Mỹ gì cả. Thời đại nào, nơi nào cũng cần người có kiến thức cả. Cầm tờ giấy vào đứng ngó trước sau gì cũng bị tống cổ. 

5. Học được cách sống phụ thuộc

Chả có gì khó hiểu khi chúng ta sống trong vòng an toàn được cung cấp thì phụ thuộc là điều hiển nhiên. Vấn đề chính là chỗ đó, chúng ta sợ mọi thứ đến nỗi phải phụ thuộc. Sợ không có cơm ăn, sợ đi lượm ve chai, sợ bị chê cười, sợ không còn được ba mẹ chu cấp, sợ phải làm lụng vất vả, sợ quê… Rồi chúng ta chẳng còn muốn rời xa đời sống xa hoa, hưởng thụ, thoải mái này nữa. Tôi tự hỏi, đó là ý nghĩa à? Đó là ý nghĩa chúng ta được sinh ra, hưởng thụ ăn ngủ chơi bời rồi chết à, đó là thoải mái hay là sự ngu dốt hãy tự hiểu.

Chưa hết đâu, chúng ta còn phụ thuộc vào người khác ở ngôi trường đại học nữa. Hầu hết những thành phần học đại sẽ: Trông chờ vào sự phân công của nhóm trưởng, trông chờ vào chỉ thị của giáo viên, trông chờ vào số lượng kiến thức hạn hẹp của người khác. Đó là cách dễ nhất để chúng ta cảm thấy “sướng”. Sướng của chúng ta nó thế đấy bạn ạ. Sự sung sướng với “không suy nghĩ”, và cái đầu được gắn lên cơ thể dường như có tác dụng chính là để trang trí.

Chà, bạn có thấy chưa, chúng ta học được rất nhiều điều kỳ thú từ việc “học đại” đó chứ. Thế nên chúng ta mới tiếp tục duy trì nó chứ, đúng không?

Kết luận

Không ai trên đời có thể bắt ép bạn học đại hay đại học hay bất cứ gì trên đời đi nữa, mà vấn đề chính là những nỗi sợ bên trong con người bạn.

Sẽ không có bất cứ giải pháp hay kết luận nào được đưa ra, tôi vẫn luôn nghĩ, chúng ta luôn tự biết giải pháp, chỉ là chúng ta (lại một lần nữa) không tin vào bản thân mình rồi nghĩ rằng giải pháp nó nằm ở đâu đâu ấy mà không biết là tiếng nói bên trong mình.

Chỉ đơn giản là những dòng phân tích mà có lẽ nhiều người đã biết rồi. Chỉ là điều gì nói đi nói lại thì sẽ thành sự thật mà thôi, tôi đang chờ điều đó và thầm nghĩ: Nếu bây giờ không phải lúc thay đổi thì sẽ là khi nào?

Hãy nhớ:

“Bạn có thể phớt lờ sự thật. Nhưng bạn sẽ không thể phớt lờ được hệ quả của việc phớt lờ sự thật.” — Ayn Rand

 Tác giả: Lục Phong
Biên tập: THĐP

Featured image: Eric Behrens – Parrish Hall at Swarthmore College

Tham khảo

  1. Homeschool: What happens when a kid leaves traditional education ↩︎

2. Thực trạng đại học ở Việt Nam từ đầu đến cuối

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

13 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì sai nhưng chưa hẳn là đúng, Cái chính là khi học đại thì mình dành thời gian còn lại để làm gì thôi. Nếu làm/nghiên cứu điều mình thích và đam mê hoặc dành thời gian học hỏi ngoài xã hội, thì việc học đại là một biện pháp an toàn cho những người chưa dám đánh đổi hoàn toàn.
    Bài viết hay. Cảm ơn bạn.

  2. Sai ! mot sai lam to lon khi vao dai hoc de nham mat ma hoc ma thuc te khong he co nang khieu ve mon hoc ay! mot sai lam tai hai va mat thi gio vo ich, nen nho thuong thi mot sinh vien co dau oc va co kha nang de vao den dai hoc thi it ra cung phai hieu duoc chuyen nay, ta hay dua ra mot thi du dien hinh nhu mot sinh viet khong he co nang khieu ve y khoa tuy nhien anh ta van thich tro thanh mot bac si de lay le cho oai! day la mot sai lam to lon vi thich la mot chuyen song co kha nang va nang khieu trong nganh ay lai la mot chuyen khac dung quen dieu nay , va thuc te hoc cho co hoac hoc dai khong he co ket qua nhu mong doi.

  3. ” Thời gian của các bạn có giới hạn. Nên đừng phí phạm. Bằng cách, sống cuộc đời của 1 người khác.
    Đừng nhốt mình vào những giáo điều nào đó- thứ- mà tồn tại như những kết quả của, suy nghĩ của những người khác.
    Đừng để quan điểm người khác lấn át tiếng nói bên trong của riêng bạn.
    Và điều quan trọng nhất:
    Hãy can đảm đi theo tiếng gọi của con tim & trực giác. Bằng cách nào đó. Chúng biết rõ thứ bạn muốn trở thành.
    Mọi thứ khác là thứ yếu.”- Steve Jobs.

  4. Thích quá, lâu rồi mình mới đọc một bài học ý nghĩa thế này. Mình đang là sinh viên nă m nhất, tôi tự hỏi “….” thì bây giờ tôi thế nào nhỉ
    Cảm ơn nhiều nhé

  5. Chào bạn. Mình rất thích đọc và đồng quan điểm với bạn Lục phong trong nhiều bài viết trước đây trên THĐP.
    Mình học đại học năm thứ 3, và vừa bỏ học cách đây 3 tháng. Những suy nghĩ những quan điểm y hệt bạn Lục Phong viết ở trên. Lý do chính mà mình bỏ học, đó là chính hệ thống giáo dục của trường đại học đã bào mòn đi rất nhiều ý chí, sự tự lập tự tin, và cả sức sáng tạo. Mình không phải dạng người lười nhác tiêu cực đâu nhé, sức học của mình tốt, có chăm chỉ, và cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ. Nhưng những kì thì học thuộc lòng, sự áp đặt của thầy cô, sự bị động trong cách học, và cả chuyện đi thầy chạy điểm, đã khiền mình suy nghĩ nhiều và quyết định dừng lại dù chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp.
    Bỏ học, gia đình họ hàng xóm giềng họ nói nhiều lắm. Nhưng mình đã chọn cách im lặng, chỉ giải thích với những người thật sự hiểu. Mình biết rằng cách tốt nhất để giải thích là phải nỗ lực gấp nhiều lần thời gian học đại học.
    Bây giờ mình cảm thấy hưng phấn, vì những khó khăn thử thách trước mắt. Mình không còn học kinh tế ở trường, nhưng mình vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành doanh nhân. Mình sẽ dành 2 năm tới để học Vịnh Xuân Quyền và học Phật pháp ở một ngôi chùa nào đó trước khi bước chân vào đời.
    Dẫu biết sẽ khó khăn hơn nhiều lần, nhưng thà như vậy để được sống cuộc đời của mình, còn hơn sống cuộc đời của người khác, vì ai cũng chỉ có một lần sống thôi…Phải không?

  6. Học ở Việt Nam hầu như là lý thuyết mà chưa dạy cách áp dụng thực tế, bạn mình học đại hoc quốc tế, giáo trình toán cũng y chang Việt Nam, nhưng họ dạy tính vi phân, tích phân để làm gì, còn bên mình thì dạy để đi thi :(. Sẽ là chủ quan nếu nói học đại học không được gì, đó là kiến thức nhân loại đúc kết hàng ngàn năm qua. Chúng ta ra đời, đời dạy cho chúng ta bài học. Nó có thể có cái giá phải trả rất rẻ, có khi rất đắt, trong khi đó bài học đó nó có trong sách..Thiết nghĩ nên đánh giá lại công tác hướng nghiệp, ai có khả năng thì học đại hoc, ai không đủ thì học nghề…ở đời ai cũng có sở trường riêng, không ai giống ai. Không thì nên siết chặt đầu ra như bên nước ngoài, họ không quan trọng đầu nhưng kiểm định rất nghiêm ngặt đầu ra, như thế sẽ khuyến khích tinh thần học hơn

  7. Đại học là chìa khóa “vàng”, còn thành công là cánh cửa, phải tự tìm cánh cửa đó mà đi. Chả ai bày sẵn cho mà đi mà phải tự đi trên chính đôi chân của bản thân để tìm lấy hạnh phúc, tìm lấy công việc, tìm lấy sự thành công

  8. Người ta cứ tưởng vào Đh là mọi thứ tự đến với họ… Nhưng thực ra họ phải tự đi tìm…
    Trông chờ vào những giá trị mà Đh mang tới có vẻ là điều điên rồ nhất.
    Hãy tự tìm hiểu, tự khám phá và tự trải nghiệm..
    🙂

  9. Tớ đang tổ chức một chương trình hướng nghiệp và hầu hết các em đều ảo tưởng về những con số lương tiền, các em chủ yếu chọn trường theo kiểu “nhắm mắt đưa chân”, kiểu “tâm lý bầy đàn”, rồi kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chua xót làm sao khi các em không biết mình thích gì, mình cần gì trong cuộc sống này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI