Luân hồi theo nghĩa đen có nghĩa là “chuyển giao linh hồn”, và có liên quan đến quá trình đầu thai. Câu hỏi thường được đặt ra là tại sao mãi đến thời điểm gần đây ở châu Âu mới biết đến khái niệm đầu thai? Tại sao Kitô giáo (hiện tại) không dạy điều này?
• • •
Nội dung
Ghi chép của người Gypsies ở Tây Ban Nha về luân hồi
George Borrow (nhà văn người Anh) yêu mến những người dân du mục (Gypsies) đến nỗi ông cùng với họ đi xuyên qua nhiều nơi trên nước Anh và châu Âu. Một số cuốn sách nổi tiếng của ông kể lại những trải nghiệm cá nhân khi đi cùng với họ và đề cập rất nhiều điều về những người bí ẩn này, những người mà ngay cả nguồn gốc xuất xứ của họ vẫn còn đang được tranh cãi.
Một số học giả cho rằng những người này là những người Bohemia gốc, phân tán khi tiểu đế chế của họ sụp đổ một vài thế kỷ trước; những học giả khác thì lại cho là họ đến từ Ai Cập cổ đại – vì thế nên có tên là “Gypsies”; hoặc là từ vùng Phoenicia; và cũng có thể là từ Ấn Độ.
Trong quyển The Zincali; hay trong tác phẩm Ghi chép của người Gypsies ở Tây Ban Nha (An Account of the Gypsies of Spain), Borrow đưa ra lý do cho niềm đam mê cả đời của ông với những người này:
“Một số người Gypsies, những người tôi nhắc đến trong trường hợp này, có tâm niệm rằng linh hồn, thứ hiện tại đang chi phối hoạt động cơ thể của tôi trước đây đã từng sống trong cơ thể của một người trong số họ;
vì nhiều người trong số họ tin vào sự luân hồi, và, như những người theo Phật giáo, tưởng tượng rằng linh hồn của họ, luân chuyển qua lại giữa hằng hà sa số thân xác, trải quả một khoảng thời gian dài để đạt được sự thanh sạch đủ để được đưa vào một trạng thái của sự nghỉ ngơi và thanh tĩnh hoàn hảo, đây cũng là ý tưởng duy nhất về thiên đàng họ có thể hình dung.”
Luân hồi theo nghĩa đen có nghĩa là “chuyển giao linh hồn”, và có liên quan đến quá trình đầu thai. Câu hỏi thường được đặt ra là tại sao mãi đến thời điểm gần đây ở châu Âu mới biết đến khái niệm đầu thai? Tại sao Kitô giáo (hiện tại) không dạy điều này?
Luân hồi trong lịch sử Do Thái
Thật sự thì, ý niệm này được tìm thấy trong những truyền thống lâu đời nhất của nền văn minh phương Tây, cũng như được dạy xuyên suốt các quốc gia cổ Cận Đông và Phương Đông. Và có bằng chứng vững chắc cho thấy rằng trong những thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo đã thực sự truyền đạt lại điều nó đã học được về tiền kiếp của các linh hồn và sự nhập xác trở lại của chúng.
Josephus, một sử gia Do Thái, người đã sống trong suốt thế kỷ đầu sau công nguyên ghi lại trong cuốn sách Chiến tranh Do Thái (Jewish War) (3, 8, 5) và trong quyển Di sản cổ của người Do Thái (Antiquities of the Jews) (18, 1, 3) của ông rằng sự tái sinh được dạy rộng rãi trong thời của ông, trong khi người cùng thời với ông ở Alexandria, Philo Judaeus, trong những quyển sách của mình cũng đề cập đến chuyện nhập xác dưới dạng này hay dạng khác.
Kinh Thánh
Hơn nữa, có những đoạn trong Tân Ước có thể được hiểu chỉ khi được nhìn trong bối cảnh rằng tiền kiếp của linh hồn là một niềm tin phổ biến. Ví dụ, Matthew 16:13-14 ghi rằng khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ “Người ta nói Ta là ai?” họ trả lời một số người nói rằng ông từng là Gioan Tẩy Giả (người vừa mới bị hành hình chỉ một vài năm trước khi câu hỏi được đặt ra).
Những người khác nghĩ ông là Ê-li (Elijah), hoặc Jeremiah, hoặc là các Tiên tri khác. Sau đó trong Matthew 17:13, hoàn toàn trái ngược với sự bác bỏ khái niệm về tái sinh, Giêsu nói với các môn đệ rằng Gioan Tẩy Giả đã từng là Tiên tri Ê-li.
John 9:2-4 thuật lại rằng các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về một người bị mù là do tội lỗi của anh hay của cha mẹ mà anh sinh ra đã bị mù. Chúa Giêsu trả lời rằng không phải tại tội của anh hay của cha mẹ mà anh bị mù. Anh bị mù để cho quyền năng của Thượng Đế được bày tỏ trong anh ta, để cho quy luật nhân quả được kiện toàn.
Hoặc, như Thánh Phaolô đã diễn giải lại ý nghĩ đó: Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Người mù không thể gieo những hạt giống của sự mù lòa trong cơ thể hiện tại của anh, nhưng hạt giống đó đã phải được gieo trong một kiếp trước.
Gnosticism – Origen – Jerome – Synesius
Những Kitô hữu sơ khai nhất, đặc biệt là những thành viên của một trong số các giáo phái Gnostic như Valentinians, Ophites và Ebionites, sự tái nhập thân xác là một giáo lý trọng yếu của họ. Đối với họ luân hồi cho phép sự kiện toàn của quy luật nhân quả, cũng như cung cấp những công cụ để thanh tẩy linh hồn khỏi những phẩm chất dơ bẩn bắt nguồn từ sự đắm mình trong vật chất và thói tự cao mà chúng ta đã hình thành trong những giai đoạn đầu của cuộc hành trình chốn phàm trần.
Từ sau các thế hệ ban đầu của Kitô hữu, chúng ta thấy các Cha Xứ, chẳng hạn như Justin Martyr (100-165), Thánh Clement thành Alexandria (150-220), và Origen (185-254) dạy về tiền kiếp của các linh hồn, đầu thai hoặc những khía cạnh khác của sự tái nhập thân xác. Các ví dụ nằm rải rác trong các tác phẩm của Origen, đặc biệt là Contra Celsum (1, xxxii), trong đó ông hỏi:
“Nó không hợp lý sao khi các linh hồn nên được đưa vào những thân xác phù hợp với giá trị và hành vi của họ kiếp trước. . . ?”
Và trong quyển De Principiis ông nói rằng,
“Linh hồn không có điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc.”
Thánh Jerome (340-420), dịch giả phiên bản Latin của Kinh Thánh, được gọi là The Vulgate, trong Thư gửi Demetrias (một mệnh phụ La Mã), nêu ra rằng một số trường phái Kitô giáo trong thời của ông đã giảng dạy một hình thức đầu thai như một giáo lý bí truyền, chỉ truyền đạt nó đến một vài người “như một chân lý truyền thống không thể được công khai.”
Synesius (370-480), Giám Mục của Ptolemais, cũng đã dạy khái niệm này, và trong một lời cầu nguyện vẫn còn tồn tại, ông nói:
“Lạy Cha, xin cho linh hồn của con được hòa vào ánh sáng, và không còn bị đẩy trở lại vào ảo tưởng của trần gian.”
Trong những bài thánh ca khác của ông, chẳng hạn như Bài số III, có những câu nêu rõ quan điểm của ông, và cũng bao gồm những lời khẩn cầu cho linh hồn ông được thanh tẩy để sự tái sinh trên trái đất không còn cần thiết nữa. Trong một luận án về những giấc mơ, Synesius viết:
“Bởi công cán và thời gian, và một sự chuyển kiếp vào những mạng sống khác, mà linh hồn có thể trổi dậy từ nơi cư ngụ tối tăm này.”
Đoạn này gợi chúng ta nhớ về những đoạn trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (3:12), với ngôn ngữ có tính biểu tượng và điểm đạo của nó:
“Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm cột trụ của đền thờ Thượng Đế ta, họ sẽ ở đó mãi mãi.”
Đế Chế La Mã
Vào thời điểm này chúng ta cần nhớ lại những gì đã xảy ra sau khi Constantine (Hoàng đế La Mã) tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo của đế chế La Mã. Giáo hội đã quên đi huấn lệnh “trả cho Caesar những gì chỉ thuộc về Caesar”, và đã cho phép chính mình bị ràng buộc vào bộ máy chính trị của Caesar. Số phận của nó đã phải gắn liền với số phận của đế chế và những kẻ cầm quyền.
Một số sự khác biệt trong giáo lý giữa các giáo phái Kitô giáo của thế kỷ thứ tư song song với sự xáo động trong các địa phận dưới sự cai trị của những hoàng đế yếu kém, cho nên vào thời điểm Hoàng đế Justinian cầm quyền vào năm 527, ông đã có những vấn đề nghiêm trọng. Ông cố gắng vật vã tìm cách hàn gắn một đế chế đang dần đổ nát của mình, và ông đã tiến hành thực hiện hai mục tiêu:
Mục tiêu đầu tiên trong nỗ lực của ông là lèo lái quân đội của mình chống lại các quốc gia nhỏ với quân số đông hơn gấp nhiều lần; Mục tiêu thứ hai là đưa ra và áp dụng một hệ thống niềm tin thống nhất, và nghiêm chỉnh bám sát nó. Bản thân ông không phải một nhà thần học tầm thường, ông thực hiện chiến dịch của mình chống lại niềm tin của giáo phái Nestorianism và các nhóm thiểu số khác, và để làm được như vậy, ông đã phải lách qua các quyết định của Cộng Đồng Chalcedon (451).
Ông ra lệnh cho Mennas, Thượng Phụ thành Constantinople, triệu tập một Hội Đồng cấp cao địa phương hoặc tỉnh lỵ để đối phó với điều này và đáp ứng nhu cầu của nhiều giáo sĩ, những người phản đối một số giáo lý nhất định, bao gồm giá lý của Origen về tiền kiếp của linh hồn.
Hội Đồng cấp cao địa phương chấp nhận lệnh cấm, ban hành bởi Mennas, nhưng điều này dường như không mấy hiệu quả. Mười năm sau, Justinian triệu tập Hội đồng Constantinople thứ năm, ngày nay còn được gọi là Cộng đồng Constantinople II – nhưng đây là một tên gọi không đúng. Nó được chủ trì bởi Thượng Phụ đương nhiệm của Constantinople, Eutychius, với sự hiện diện của 165 giám mục. Đức Giáo Hoàng Vigilius đã được triệu tập bởi Hoàng đế, nhưng ông phản đối hội đồng và đã trú ngụ tại một nhà thờ ở Constantinople. Ông đã không có mặt tại những cuộc thảo luận, và ông cũng không được ai đại diện.
Hội đồng đã soạn thảo một loạt điều phỉ báng, một số người cho là 14, số khác bảo 15, chủ yếu là nhằm chống lại các giáo lý của 3 trường phái, hay “dị giáo”, những tài liệu này được gọi là “The Three Chapters.” Chỉ có những giấy tờ này được trình lên giáo hoàng để được ngài phê duyệt. Những giáo hoàng kế nhiệm, bao gồm Giáo hoàng Gregory I (590-604), trong khi đối phó với những vấn đề phát sinh từ việc Hội đồng thứ Năm, đã không đề cập đến những khái niệm của Origen.
Tuy thế nhưng, Justinian vẫn áp chế việc chấp nhận quyết định của những điều có vẻ như chỉ đơn thuần là một phần hòa giải thêm. Ông đã làm cho nó có vẻ như được sự ủng hộ từ hội đồng. Điều đáng quan tâm ở đây là các giáo sĩ chống đối những giáo lý của Origen, chủ yếu là với khái niệm tiền kiếp của linh hồn, đã bảo đảm một bản án chính thức, điều họ đã cố gắng hợp thức hóa.
Mặc dù Giáo hoàng Gregory I đã không đề cập đến Origen khi ông đảm nhận công việc của Hội đồng thứ Năm, ông thật sự chấp nhận các xu hướng pháp điển hóa của niềm tin Kitô giáo đã được phát triển trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu, và ông thậm chí nói rằng ông “tôn kính” kết luận của bốn Hội đồng đầu tiên nhiều như ông đã tôn kính bốn Phúc Âm!
Nhìn từ góc độ giáo lý phổ cập đại chúng, ý tưởng đầu thai đã biến mất khỏi châu Âu sau sự thành lập của Hội Đồng tỉnh lỵ cấp cao vào năm 543 và Hội đồng thứ Năm vào năm 553 — và điều này dựa trên nền tảng rằng nó có mâu thuẫn với một sự hiểu biết đúng đắn về khái niệm của sự cứu rỗi.
Từ năm 580 – 1700
Mặc cho những lời phỉ báng, sức ảnh hưởng của Origen vẫn tuôn trào suốt nhiều thế kỷ như một dòng suối đều đặn, thông qua những Kitô hữu hàng đầu của thời này cho đến Maximus of Tyre (580-662) và Johannes Scotus Erigena (810-877), nhà sư vô cùng uyên bác người Ai-len.
Nó thậm chí còn liên quan tới những nhân vật sau đó như Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226), người sáng lập của Dòng Phan Sinh, và Thánh Buonaventura, bác sĩ ‘Thiên thần’ (1221-1274), người đã trở thành một hồng y và Tổng giám mục (General) của dòng Phan Sinh. Thánh Jerome, một nhà thần học thông thái, nói về Origen rằng ông là “giáo sĩ vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai sau các Tông Đồ.”
Ngoài Kitô giáo ra, các giáo phái Cathars khắp nơi bao gồm những người Albigenses, Waldenses và Bomogils, và những cá nhân bị cô lập — như Jacob Boehme, nhà huyền môn Kháng Cách người Đức, Joseph Glanvil, tuyên úy của vua Charles II của Anh, Giáo sĩ William Law, William R . Alger, và nhiều giáo sĩ hiện đại, Công giáo và Tin Lành — đã ủng hộ khái niệm luân hồi về mặt logic và những mặt khác.
Henry More (1614-1687), mục sư chủ chốt của Giáo hội Anh và là một Platonist (người nghiên cứu triết học của Plato) nổi tiếng ở Cambridge, đã viết trong bài luận dài của mình, “Sự bất tử của linh hồn” (Immortality of the Soul) — một nghiên cứu đáng chú ý về chủ đề linh hồn, với câu trả lời thuyết phục cho những người chỉ trích về tiền kiếp. Bài thơ của ông, “Platonick Song of the Soul”, kể về nó thật đẹp:
(Tạm dịch)
Tôi sẽ hát về tiền kiếp
Của hồn người, và hồi sinh trở lại
Theo những hồi tưởng ùa về và ký ức qua nhanh
Tất cả quá khứ từ khi tất cả chúng ta bắt đầu
Trí óc tôi quá nông cạn để tra dò
Một điểm quá sâu mà trí não thì quá mờ để làm rõ
Một vật chất quá đen tối, …
Sau đó có đoạn nói với Plotinus trong bài thơ, ông thêm vào:
Nói về kiếp nhân sinh để biết ta đã già.
Như môt tia sáng của sự Thiêng Liêng
Bị che mờ trong mây mù trần thế, bao bọc trong bùn sình,
Một giọt quý giá chìm từ Vĩnh Hằng
Đổ ra mặt đất, hay đúng hơn, lẩn khuất đi
Sự đối lập từ một số nhà thần học trong thế kỷ trước đang dần suy yếu khi những người kế vị của họ có lập trường cởi mở hơn về chủ đề này. Giáo sĩ của các giáo phái khác nhau đang bắt đầu tán thành những giáo huấn cổ xưa về tiền kiếp của linh hồn, sự tái nhập thân xác nói chung và đầu thai nói riêng. Nó đang được bàn tán rộng rãi hơn so với nhiều thế kỷ trước đây, và sự nhạo báng trước đó dựa trên sự hiểu lầm về luân hồi đã nhường chỗ cho những nghi vấn thông minh hơn.
Một trong những lập luận phổ biến chống lại ý tưởng về sự tái sinh là chúng ta không nhớ được kiếp trước của mình. Nhưng có một thứ trí nhớ được lưu giữ giữa các tế bào não. Kỹ năng, hoặc khả năng làm hoặc hiểu một số lĩnh vực tư tưởng hoặc hoạt động, thường được biểu hiện trong thời thơ ấu, chắc chắn là dấu hiệu cho sự nối tiếp một sự quen thuộc trong tiền kiếp.
Tên của một người liệu có quan trọng không; nếu tính chất đã được thể hiện xuyên suốt kiếp sống trước tiếp tục thể hiện ra kiếp này, được điều chỉnh dựa theo thể loại và mức độ của cá tính kiếp trước? Chúng ta thường nghĩ về sự sống và cái chết như một cặp đối lập.
Trong khi thực tế cuộc sống là một chuỗi liên tục với sinh và tử là hai cánh cửa một ra một vào của cõi phàm trần. Sinh ra, chết đi và tái sinh – Chu kỳ xoay vòng, lặp đi lặp lại cho đến khi chúng ta tinh lọc hết mọi ô uế trong bản thể, biến chúng trở thành vàng ròng tinh khiết của Thần Khí.
Tham khảo
- The Ring of Return (TD: Vòng lặp của sự trở lại), bởi Eva Martin
- The Cathars and Reincarnation (TD: Người Cathars và Luân hồi), bởi Arthur Guirdham
- Reincarnation, A Study of Forgotten Truth (TD: Luân hồi, Một nghiên cứu về sự thật đã bị lãng quên), bởi ED Walker
- Fragments of a Faith Forgotten (TD: Mảnh vụn của một đức tin đã bị lãng quên), bởi GRS Mead
- Reincarnation in World Thought (TD: Luân hồi trong Tư duy Thế giới), biên soạn bởi Joseph Head và SL Cranston
- The Esoteric Tradition (TD: Truyền thống Bí truyền), bởi G. de Purucker
- Essays and Hymns of Synesius (TD: Luận văn và Thánh ca của Synesius), dịch bởi Augustine FitzGerald.
[Bài dịch lần đầu tiên được xuất bản trong Aloha Magazine Volume 25.]
Tác giả: IM Oderberg, Sunrise magazine
1973 – Theosophical University Press
Biên dịch: Nguyễn Thảo Quỳnh
Hiệu đính: Prana
Và tại sao ngày nay luận điểm trên bị lãng quên hoàn toàn để nhường chỗ cho “2nd Coming”??