30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để thay đổi thế giới?

Thế giới quá hỗn loạn, con người quá ích kỷ, hàng xóm quá xấu tính, làm sao để cải thiện?

1. Giải quyết những tổn thương trong mình trước

Khi bên trong bản thân mình nhiều tổn thương, nhìn đâu ta cũng sẽ thấy tính xấu của người khác, thấy vấn đề trong xã hội, thấy ích kỷ của thế gian. Vì sợ tổn thương, nên chúng ta mới hay để ý đến những vấn đề đó, chúng ta muốn kiểm soát thế giới, hay thay đổi người khác theo ý mình như một biện pháp an toàn cho chúng ta.

Từ xã hội, cho đến những người gần gũi trong gia đình. Đặc biệt là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, như đồng nghiệp, anh em, cha mẹ con cái. Đôi khi ta muốn thay đổi ai đó, không phải muốn tốt cho họ, mà vì chúng ta cảm thấy bị đe dọa, bị tổn thương. Nếu họ cứ “xấu tính” như vậy mãi thì sẽ không ổn, nên chúng ta lên tiếng chấn chỉnh, rồi vô tình làm tổn thương người khác.

Nên mới có câu: “Người bị tổn thương thường muốn làm tổn thương người khác.”

2. Thay đổi chính mình

Đúng rồi, thay đổi chính mình là cách thay đổi thế giới, câu nói này có vẻ quen thuộc với chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta chỉ nghe nó như một câu nói cửa miệng, chứ chưa thực sự thực hành.

Thay đổi chính mình về bản chất là thay đổi hướng đi. Thay vì hướng ra ngoài để kiểm soát thế giới, chúng ta hướng vào trong tìm lấy sức mạnh nội tại bên trong mình. Chúng ta đòi hỏi ở thế giới quá nhiều nhưng không biết rằng thế giới cần gì ở chúng ta. Vì đòi hỏi nhiều, chúng ta quên mất bên trong chúng ta có một nguồn sức mạnh cần khai phá.

Thay đổi bản thân mình, trước tiên phải hiểu rõ bản thân mình, giải quyết những vấn đề của bản thân, rồi tìm thấy sức mạnh vốn có của mình bên trong. Khi chúng ta tìm thấy nội lực, niềm vui, bình an, trí tuệ, và hạnh phúc tự thân bên trong mình, chúng ta mới có cái để trao cho thế giới, giúp thế giới, gia đình và xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Mọi thứ thay đổi nhờ vào hành động thực tế của chúng ta, chứ không phải những lời phán xét và chỉ trích.

Mỗi chúng ta đều là một nguồn dẫn và là một cánh cửa tiếp cận đến sức mạnh của Thượng Đế. Bởi “Cơ thể là đền thờ của Thượng Đế.” Khi đi vào trong đủ sâu, bạn sẽ cảm nhận được điều này. Tưởng tượng chúng ta là một nguồn dẫn năng lượng của Thượng Đế, nhưng nguồn dẫn này bị dơ bẩn, ách tách bởi rác rến, bùn đất. Rác rến bùn đất đó chính là bản ngã của chúng ta, sự ích kỷ của chúng ta, và sự trần tục của chúng ta.

Để làm sạch những ách tách này, chúng ta cần quay vào trong để thanh tẩy chính mình, học cách tu sửa, hướng thiện. Khi đó, chúng ta mới có thể đón nhận được ân sủng của God, vốn luôn ở đó, chỉ là chúng ta từ chối ân sủng đó mà thôi.

Nếu ai cũng quay vào trong và tìm thấy sức mạnh, bình an, tình yêu, trí tuệ, và đủ đầy bên trong chính mình, thế giới là một nơi đáng sống hơn rất nhiều. Vì người ta sẽ không còn ganh ghét, đấu đá, dành giật nữa, mà họ sẽ sống với thái độ xây dựng, với tình yêu thương, tôn trọng và cho đi.

3. Trao cho người khác lòng trắc ẩn, sự bình an và không gian

Giả như bên trong gia đình, hay người thân của ta đang hỗn loạn, đau khổ, vô minh, xin đừng phán xét và bắt họ sửa đổi vội, vì họ đang trải nghiệm những gì họ cần trải nghiệm, và học những bài học cần thiết. Chúng ta không thể ép họ nhận thức những thứ họ chưa cần tới, hối thúc họ tiến bộ. Vì làm thế, chúng ta chỉ tạo ra thêm áp lực cho họ, và thành ra chúng ta đã hại họ mất rồi.

Hãy cho họ một không gian, sự bình an nhất định để họ có thể ở lại và tự xử lý vấn đề bên trong mình, và sẵn sàng giúp họ nếu họ chủ động yêu cầu. Để làm được điều này rất khó, vì để cho người khác sự bình an và không gian, chúng ta phải tự bình an với chính mình trước đã. Vì nếu chúng ta chưa thể bình an với mình, mọi thứ chúng ta làm sẽ đều mang năng lượng hỗn loạn, chẳng giúp được ai, mà lại thành ra hại.

Nên tập trung tu tập chính mình vẫn là điều quan trọng và chính yếu nhất. Vì thế nên thầy Ramana Maharshi mới nói:

“Nhận ra Chân Ngã (bản chất thật sự của mình) là món quà lớn nhất bạn có thể dâng tặng cho thế giới.”

4. Đừng nói nhiều, hãy làm gương

Ít có ai làm theo lời bạn nói nếu họ không cảm nhận được điều đó từ bạn. Nếu bạn khuyên người khác làm điều thiện hay tu tập, nhưng bạn lại sống sân hận, ích kỷ, chẳng có ai tin bạn cả. Hành động có tác động mạnh hơn lời nói.

Nếu muốn thế giới này tốt đẹp, bạn phải làm điều tốt trước, tự người khác sẽ cảm nhận được. “Hữu xạ tự nhiên hương.”

Giả như bạn muốn khuyên người anh em của mình bỏ thuốc lá. Bạn phải là người bỏ thuốc lá và có lối sống lành mạnh trước. Khi người anh em của bạn cảm nhận được lối sống đó giúp bạn mạnh khỏe, trí óc sáng suốt, được lòng người xung quanh, anh ấy sẽ tư suy xét mà tự bắt chước theo. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn, hãy làm gương, và chứng thực nó trước, người khác thấy lợi lạc và đúng đắn họ mới noi theo.

Lời nhắn

Bên trên là những nhận thức cốt lõi về vấn đề “Giúp đỡ thế giới và những người xung quanh”. Mong rằng nó có thể giúp ích cho bạn chút ít nào đó trong cuộc sống. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và bình an. Shanti!

Tác giả: Bá Kỳ

Artwork: DreamShaper
spot_img
Bá Kỳ
Bá Kỳ
Peace - Love - Wisdom. Live the Truth, Live for Love, Guided by Inner Wisdom.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI